Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the gd-system-plugin domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114

Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the google-document-embedder domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114
CHÚA NHẬT THỨ 21 THƯỜNG NIÊN, NĂM B – 26.08.2018 – TỈNH DÒNG ĐỒNG CÔNG HOA KỲ
  • CHỌN LỰA CĂN BẢN – Lm. Louis M. Nhiên, CRM
  • ĐI THEO AI – Lm. Nguyễn Thái
  • BỎ NGÀI CON BIẾT THEO AI? – Lm. Đinh Lập Liễm
  • LỜI NÀY CHƯỚNG TAI QUÁ! AI MÀ NGHE NỔI? – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN – TGM. Ngô Quang Kiệt

CHỌN LỰA CĂN BẢN – (Ga 6:60-69)

Lm. Louis M. Nhiên, CRM

Một chủ nông trại nọ thuê một người thanh niên đến nhặt khoai tây cho nông trại. Công việc xem ra thật đơn giản: chỉ cần phân loại các củ khoai tây và cho vào sọt. Lớn theo lớn, trung bình theo trung bình, và nhỏ theo nhỏ. Sau một vài ngày làm việc, người thanh niên đến gặp ông chủ và xin nghỉ việc, gương mặt anh hốc hác và mệt mỏi. Được hỏi lý do, anh giải thích như sau: “Công việc ông giao phó không phải là công việc nặng nhọc, nhưng điều làm cho tôi nhức óc đó là phải chọn lựa.” (Lẽ Sống, trang 117).

Đời là một chuỗi những chọn lựa và quyết định. Trước ngưỡng cửa đại học các sinh viên học sinh phải đối diện với những chọn lựa:  Chọn ngành gì, chọn trường nào, bạn cùng phòng với ai? Các bạn trẻ lại phải đối diện với việc chọn lập gia đình hay đi tu, sống độc thân?  Các gia đình chọn sống ở nơi này hay di chuyển đến nơi khác, nên mua nhà hay thuê nhà?

Trong những sự lựa chọn đó, đã có những lần mỗi người chúng ta phải đối diện với những chọn lựa đầy quan trọng có ảnh hưởng chi phối tới cả cuộc sống con người.

Bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến một sự chọn lựa căn bản cho cuộc sống người Công Giáo chúng ta: Chọn theo Chúa hay chọn từ bỏ không theo Chúa. Bài đọc thứ nhất ông Giosuê đã nói với dân chúng:  “Nếu các người không muốn tôn thờ Thiên Chúa, các người có quyền chọn lựa… Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa.” Rồi bài Tin Mừng ghi lại: “Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Ngài nữa,” vì những điều Chúa dạy về phép Thánh Thể làm cho họ chói tai không thể chấp nhận được.

Chọn Chúa đã khó, theo Chúa lại càng khó khăn hơn nữa. Nhiều môn đệ đã không theo Chúa vì đã không hiểu được giáo lý cao siêu về phép Thánh Thể, nhưng ngày nay có những người từ bỏ không theo Chúa không phải vì không hiểu giáo lý cao siêu, nhưng chỉ vì những lý do tầm thường, vì nhu cầu vật chất, vì miếng cơm manh áo.

Khi mới qua Mỹ năm 1975, có cha giảng rằng: “Vì để giữ được đạo, để theo Chúa, chúng ta đã phải bỏ quê hương Việt Nam, sang tị nạn nơi nước Mỹ này, nhưng nếu không cẩn thận để ý, thì chúng ta lại bỏ Chúa vì những nhu cầu vật chất tầm thường.”

Điều này đã đang xảy ra. Cách đây khá lâu, một cha ở Texas chia sẻ rằng người Việt Công Giáo nơi cha đang thi hành mục vụ: “May mà không may.” Khi xin cắt nghĩa, cha giải thích:  “May là họ có nghề may, nhưng không may ở chỗ vì làm nhiều ăn nhiều, may nhiều ăn nhiều nên nhiều người đã may ngày chưa đủ, bỏ ngủ may đêm, may quên giờ nghỉ, rồi bỏ cả đi lễ Chúa Nhật, bỏ quên Chúa.  May mà không may là như thế.”

Chọn Chúa đã khó, theo Chúa lại càng khó hơn nữa nhất là trong xã hội hôm nay. Một lần tôi gặp một chị Việt Nam, trong khi trò chuyện chị cho biết chị là người Công Giáo, nhưng chị không đi lễ Chúa Nhật lý do là chị đã phải đi làm một tuần 6 ngày, còn ngày Chúa Nhật chị ở nhà thu dọn nhà cửa, lo mua đồ ăn cho tuần tới thành ra không có thời giờ đi lễ, nhưng chị vẫn luôn tin nơi Chúa và vẫn giữ đạo tại tâm. Tôi khuyên bảo chị là nên biết ơn Thiên Chúa và cố gắng sắp xếp thời giờ tham dự thánh lễ hàng tuần như một hành động tạ ơn cám tạ Chúa vì muôn ơn lành chị và gia đình đã đang lãnh nhận.

Câu hỏi mà ông Giosuê đã hỏi người Do Thái và câu hỏi Chúa đã hỏi các môn đệ: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” cũng là câu hỏi cho từng người chúng ta hôm nay.  Các người Do Thái đã trả lời không có chuyện bỏ Chúa để thờ thần ngoại vì Chúa đã thương giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ và đã làm nơi họ những điều kỳ diệu, còn thánh Phêrô đã đại diện trả lời: “Bỏ Thầy, chúng con biết đi theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống.” Chúa cũng đã yêu thương kêu gọi chúng ta theo Chúa, cho chúng ta được sống trong đất nước văn minh tự do này, và điều quan trọng chúng ta cần để ý đó là: Tình yêu cũng như niềm tin không thể bị ép buộc, và trước cuộc sống đời đời, không ai, không ai có thể chọn lựa hay quyết định giùm cho chúng ta được trừ chính chúng ta, và Thiên Chúa đã đang chờ đợi câu trả lời bằng cuộc sống của mỗi người chúng ta.

ĐI THEO AI

Lm. Nguyễn Thái

“Một giọt sương buổi sáng sớm lung linh trên ngọn cỏ, bỗng reo lên “Ôi mát quá!” Nó ngắm nhìn mình thỏa thuê ra vẻ đắc ý vì thấy mình to lớn, rồi tự nhủ: “Ta sẽ đi cho mọi người thấy vẻ đẹp và sự to lớn của ta.” Nó đã đi qua khu rừng đầy cây cối. Những lá cây, ngọn cỏ xin hạt sương chút nước để uống, giọt sương lắc đầu ngạo mạn nói: “Các ngươi dám xin ta sao, liệu các ngươi có uống nổi cả giọt nước của ta không?” Rồi nó kênh kiệu bỏ đi.

Gặp vũng nước đang bị từng đám súc vật hút cạn nguồn sống, giọt sương ngỡ ngàng tiến đến hỏi: “Chị ơi! Chị là ai mà to lớn, đẹp đẽ và quảng đại thế?” Vũng nước đáp: “Tôi chỉ là giọt nước luôn sống cho đi.” Nó đang phân vân tự hỏi “cho đi” là gì nhỉ? Nó lại ngỡ ngàng trước tiếng reo hò của người đánh cá. Vũng nước bảo nó hãy đến mà xem. Giọt sương liền đi và hết sức ngạc nhiên, trước mặt nó là một dòng sông hiền hòa trong vắt, đầy những tiếng cười của bọn trẻ đang nô đùa bơi lội. Giọt sương tiến đến hỏi: “Chị ơi, chị là ai?” Dòng sông khiêm tốn trả lời: “Tôi là những giọt sương bé nhỏ luôn biết cho đi.”

Lúc này giọt sương hối hận và xấu hổ, vì từ lâu nó không hề dám cho đi, không vì kẻ khác. Thấy giọt sương bé nhỏ đau khổ, hối hận, dòng sông dịu dàng bảo: “Đừng buồn nữa em. Hãy xuống đây ở với chị, chị sẽ đưa em đi thăm biển cả.” Lúc đầu giọt sương có vẻ ngần ngại, nhưng sau nó nghĩ: “Thật mình vừa bé nhỏ lại quá kiêu ngạo. Thôi ta hãy tập sống cho đi.” Nó đã chấp nhận cho dòng sông chính bản thân mình. Dòng sông nhận nó trong vòng tay yêu thương và cho nó được đầy tràn. Giữ đúng lời hứa, dòng sông đưa nó ra biển khơi. Được hòa nhập với biển, nó tự nhủ: “Đúng là lúc ta chấp nhận cho đi thì sẽ được đầy tràn, lúc ta biết hy sinh cho người khác là ta được lãnh nhận tất cả” (Minh Hoàng tóm lược, Abba số 54).

“Cảm nghiệm từ giọt sương” trên đây đã nói lên tâm sự của Phêrô và các môn đệ sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa Giêsu, sống hiến thân phục vụ Nước Trời: “Thầy ơi! Bỏ Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6: 68).

Đoạn Tin Mừng hôm nay, Ga 6: 60-69, diễn tả một thời điểm quyết định trong đời mục vụ của Chúa Giêsu. Lúc ban đầu rất nhiều người muốn đi theo Chúa, muốn làm môn đệ của Ngài để được ăn bánh no nê, và được chữa khỏi các bệnh tật. Họ mong được của ăn phần xác và sự đảm bảo cho cuộc sống trần thế. Họ chờ đợi một Đấng Thiên Sai sẽ đến để đáp ứng lòng mong ước về vật chất và chính trị của họ.

Nhưng khi Chúa Giêsu muốn biến đổi cái nhìn của họ hướng về đời sống tinh thần và sự sống đời đời: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:51), và khi Ngài muốn mạc khải cho họ biết ý nghĩa đích thực của Đấng Thiên Sai đến để hy sinh và trao ban chính Mình và Máu Ngài, họ liền quyết định từ bỏ Ngài: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được” (Ga 6:60).

Sách Giáo Lý Công Giáo số 1336 viết: “Thánh Thể và Thập Giá là những hòn đá vấp phạm. Vẫn là một mầu nhiệm đó, và nó vẫn là dịp của những chia rẽ: ‘Chính anh em cũng muốn bỏ đi sao?’ (Ga 6:67). Câu hỏi này của Chúa vẫn vang lên qua các thời đại, và đó cũng là lời mời gọi chân tình của Ngài thúc giục ta hãy khám phá ra rằng chỉ có mình Ngài có ‘những lời ban sự sống đời đời’ (Ga 6:68), và đón nhận hồng ân của Thánh Thể trong niềm tin là đón nhận bản thân Chúa Kitô.”

Ăn Mình và uống Máu Ngài là trở nên một thân thể với Ngài, là cùng phải chấp nhận một giá trị mới: cho đi và hy sinh bản thân mình cho tha nhân, vì Nước Trời. Đời sống của mỗi người là một sự chọn lựa dựa theo những bậc thang giá trị tối thượng của mình. Những con người ích kỷ chỉ chọn lựa của ăn thể xác, cuộc sống trần gian làm cùng đích (Ph 3:19) thì không thể nào chấp nhận được sự hy sinh để phát triển đời sống tinh thần cho phần rỗi đời đời của mình cũng như của tha nhân.

Dân chúng thời Chúa Giêsu cũng như thời nay, họ chỉ đến với Chúa Giêsu vì cái mà Chúa Giêsu đã làm cho họ, họ không muốn đi xa hơn. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo đã ghi lại những công việc truyền giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới: Nhiều người bản xứ theo Kitô Giáo vì các nhà truyền giáo ngoại quốc cho họ gạo để ăn, cho ruộng đất để canh tác. Đến khi hết gạo, họ cũng bỏ đạo. Từ đó phát xuất một danh từ mỉa mai là “đạo gạo”!

William Sloan Coffin, đã nói đến sự sai lầm của việc truyền giáo khi nhấn mạnh đến việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất và trần thế: “Điều bất ổn trong việc gọi là Phúc Âm hóa của Kitô Giáo tại Mỹ Châu là nó bắt đầu bằng sự ích kỷ – Hãy đến với Chúa Giêsu thì cuộc đời của bạn sẽ được ổn định, sự rạn nứt trong hôn nhân sẽ được hàn gắn, con cái bạn sẽ sống trong sạch – và tôi không thấy được sự hợp lý khi bạn khởi sự rao giảng bằng sự ích kỷ như vậy mà lại kết thúc bằng việc Chúa Giêsu giảng dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống” (Mk 8:35). Có một khoảng cách biệt lớn lao giữa những người đến gặp Chúa để thỏa mãn những nhu cầu của họ và những người đã được gọi theo Ngài để trở thành những môn đệ của Ngài.”

Đang khi có những người bỏ Chúa Giêsu ra đi, thì Phêrô đại diện cho mười hai Tông Đồ là những người đã sống với Chúa lâu hơn, biết Chúa nhiều hơn, đức tin của họ có lẽ cũng mạnh hơn, cho dù có lẽ họ cũng chưa hiểu rõ lắm những lời Chúa đã nói, đã quyết định ở lại với Chúa. Họ chọn lựa con đường hy sinh, bước theo Chúa.

Có một cô giáo tên là Thompson. Thường vào đầu niên học, các thầy cô đều có hồ sơ của các học sinh của mình. Em Teddy Stollard, một trong những học sinh của cô Thompson, đầu tóc rối bù, thường trả lời nhát gừng khi được hỏi tới. Cô đã đọc trong học bạ của em: “Lớp 1, Teddy là một học sinh trung bình. Chưa phát huy hết khả năng. Gia đình em có vấn đề. Lớp 2, Teddy chia trí lo ra, không chịu học bài, mẹ em bị ung thư. Lớp 3, Teddy càng trở nên tệ hơn, không theo kịp các bạn trong lớp. Mẹ em chết. Cha em không để ý đến em. Lớp 4, Teddy sẽ phải ở lại lớp, trừ khi có gì khác…”

Nhân dịp Lễ Giáng Sinh, tất cả học sinh mang quà đến tặng cô giáo, chất đống trên bàn. Teddy cũng mang một món quà được gói kỹ và dán lại trong miếng giấy đi chợ mầu nâu. Cô Thompson mở ra, một cái vòng đeo cổ bằng đá, có những hột đá đã bị đánh mất. Và một nửa chai nước hoa loại rẻ tiền. Cô giáo vừa mở quà ra thì các em khác trong lớp phì cười. Nhưng cô giáo cũng trân trọng đeo chiếc vòng vào cổ và cầm lọ nước hoa giơ lên cao cho các em xem. Sau buổi học hôm đó, Teddy ở lại gặp cô giáo và nói: “Thưa cô, khi cô xức nước hoa vào người cô, em cảm thấy mùi vị giống như của mẹ em. Và cái vòng của mẹ em cũng rất là đẹp trên cổ cô!”

Sau Giáng Sinh, lớp học bắt đầu lại, cô đã thay đổi hoàn toàn, cô dồn hết nổ lực và tâm trí trong việc dạy dỗ học sinh. Cô bắt đầu với Teddy, cho thêm bài tập, dạy kèm riêng. Và đến cuối năm thì Teddy đã theo kịp lớp học và còn vượt xa nhiều em khác.

Nhiều năm sau đó, cô giáo nhận được một lá thư. “Cô Thompson thân mến! Em học rất chăm, em đứng hạng nhì trong lớp. Em muốn cô là người đầu tiên biết tin này.” Vài năm sau, cô lại nhận được một thư khác. “Cô thân mến! Em vừa được nhà trường cho biết là em tốt nghiệp hạng nhất trong lớp em. Em nghĩ rằng cô sẽ vui khi hay tin nầy. Em biết rằng lên đại học thì việc học hành sẽ khó hơn, nhưng em rất thích.” Rồi tám năm sau đó, cô lại nhận được một lá thư nữa: “Cô thân mến! Em vừa tốt nghiệp, em sẽ là Bác sĩ Teddy Stollar, MD. Em xin mời cô đến dự đám cưới của em và đóng vai của mẹ em. Cô giáo đã đi dự đám cưới với vai trò là mẹ của Dr. Teddy. Cô xứng đáng lắm, vì cô đã cho đi cuộc đời cô cho học sinh. Qua sự hy sinh của cô, cuộc đời của các em học sinh đã thay đổi. Hy sinh và cho đi là lý tưởng chung của tất cả mọi người Kitô hữu, môn đệ Chúa Kitô.

Một ngày nọ, một nữ tu đến hỏi Thánh Catherine rằng: “Làm thế nào con có thể đền đáp lại cho Chúa tất cả những sự tốt lành của Ngài đã làm cho con? Làm thế nào con có thể vinh danh Ngài vì tất cả lòng nhân từ, thương xót và bao dung của Ngài?” Thánh Catherine đã trả lời: “Dù con có làm bất cứ việc ăn năn sám hối nào, con cũng sẽ không cảm thấy đủ. Dù con có xây lên một ngôi nhà thờ chánh tòa, thêm giờ im lặng cầu nguyện, con cũng không cảm thấy đủ. Nhưng mẹ nói với con một điều con có thể làm để đền đáp tình yêu của Chúa đã yêu con: Đó là con hãy tìm một người thật khó thương giống như con và ban tặng cho người đó một loại tình yêu giống như Thiên Chúa đã ban cho con.”

Lời khuyên của Thánh Nữ Catherine cũng khó nghe và khó thực hiện nữa! Nhưng đây là ý nghĩa của việc chia sẻ Mình và Máu Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Không thể nói đến tình yêu đích thực, mến Chúa – yêu người, nếu không có sự hy sinh lẫn cho nhau.

BỎ NGÀI CON BIẾT THEO AI?

Lm. Đinh Lập Liễm

Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta biết: vào khoảng năm 1200 trước kỷ nguyên, dân Do Thái đã vượt qua sông Giorđan để vào đất hứa dưới sự hướng dẫn của ông Giosuê. Ông đã triệu tập toàn thể dân chúng lại và nói với họ: ”Hôm nay, các ngươi hãy tùy ý chọn lựa phải tôn thờ ai, Thiên Chúa hay các tà thần?” Toàn dân đã thưa với ông Giosuê: ”Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Thiên Chúa mà tôn thờ những thần ngoại lai, vì Chúa là Thiên Chúa chúng tôi” (Jos 24:1-18).

Trước lời tuyên bố của Đức Giêsu: ”Thịt Ta là của ăn, máu Ta là của uống” thì không những đám dân chúng mà nhiều trong số các môn đệ đã phản ứng như những người Do Thái khác: ”Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi” (Ga 6,60)? Khi nghe Đức Giêsu nói vậy, nhiều môn đệ, tuy được sống gần Ngài một thời gian, cũng rút lui, từ giã Ngài: ”Từ bấy giờ, có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Ngài nữa” (Ga 6,66). Họ đã theo Ngài một thời gian, đã tin, đã trở thành môn đệ, nhưng họ không thể đi tới cùng.

Đứng trước sự tan rã bi đát này, Đức Giêsu quay về Nhóm Mười Hai, những người được coi là thân tín nhất của Ngài: ”Cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không?” Thánh Phêrô đã thay mặt cho cả Nhóm nói lên thái độ của họ: ”Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa“ (Jn 6:67-69).

Như vậy, Thánh Phêrô đã đại diện cho anh em nói lên một lời tuyên xưng rất trọn vẹn và đầy đủ, Ngài có những lời ban sự sống đời đời. Do đó, những lời tuyên bố, quả quyết và khẳng định trong bài giảng về Bánh Hằng Sống này thực sự là theo nghĩa đen thông thường nói về phép Thánh Thể.

Ngày nay người ta nói nhiều đến dấn thân. Dấn thân, nhập cuộc là thân phận của con người. Sống là lựa chọn. Mà chọn lựa là liều lĩnh, vì không bao giờ ta nắm chắc được một cách rành rọt như 2 với 2 là 4 tất cả những lý do lựa chọn và những điều tương lai dành cho sự lựa chọn của ta. Nhưng không vì thế mà ta không dám liều mình. Khi đã dùng trí khôn suy nghĩ, cân nhắc theo như ta có thể, rồi ta cứ tiến bước.

Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn. Có lẽ chỉ trừ việc sinh ra và cái chết là người ta không lựa chọn được (Ph 1:22-23), còn tất cả mọi việc khác thì người ta phải lựa chọn. Và chính sự lựa chọn này sẽ định hướng và đánh giá cuộc đời của mình. Nghĩa là nếu chọn đúng, chọn khéo thì đời mình sẽ tốt, sẽ hạnh phúc; còn nếu chọn ẩu, chọn sai thì cuộc đời sẽ xấu, sẽ bất hạnh.

Nói đến lựa chọn là giả thiết phải có sự tự do trong đó. Nếu ai bị ép buộc phải làm một việc gì ngoài ý muốn thì không còn là tự do lựa chọn nữa, mà là sự bó buộc (ICor 9:17). Chính sự tự do trong lựa chọn làm cho chúng ta phải suy nghĩ, phải day dứt vì phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn, phải nhận lấy hậu quả của việc lựa chọn ấy.

Bất cứ cách nào, lựa chọn là phải liều, phải chấp nhận một tương lai bấp bênh, phải chấp nhận hậu quả của việc lựa chọn ấy, mặc dầu phải hy sinh rất nhiều. Trong chọn lựa việc kết hôn, chúng ta sẽ thấy rõ đặc tính của sự lựa chọn ấy: “Nhà anh chẳng chiếu chẳng giường. Chỉ ấm ổ rạ, nàng thương chăng là? Yêu nhau chẳng quản cửa nhà. Chuồng chim cũng lấy, chuồng gà cũng theo.”

Đức Gioan Phaolô II thường khuyên những người đến với Ngài rằng: Chúng con phải lựa chọn. Chọn là một quyết định lớn và quan trọng của đời người. Chúng ta đã chọn. Và chúng ta còn phải tiếp tục chọn, vì đời là một tiến trình, đời là một cuộc đổi mới không ngừng nghỉ. Khẩu hiệu của Đức Gioan 23 là: Giờ đây tôi mới khởi sự (Rev 21:5). Mỗi ngày chúng ta phải khởi đầu với sự lựa chọn.

Mà sự lựa chọn căn bản và quan trọng nhất của cuộc sống là chọn Đấng chúng ta tôn thờ. Chúng ta phải chọn Chúa là thần tượng vì Ngài là một vị thần siêu việt, tuyệt đối đáng tôn thờ. Ta không được bắt chước dân Do Thái xưa thờ con bò vàng thay vì Ngài (Ex 32:1-6). Chính Đức Giêsu cũng khuyên: ”Không ai có thể làm tôi hai chủ… Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24).

Nhưng Thiên Chúa là Đấng vô hình, ta không thể tiếp cận với Ngài, ta cần phải có một thần tượng nào gần chúng ta hơn, vị thần ấy đã nói: ”Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Jn 14:9) và Đấng ấy đã nói: ”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Sự lựa chọn của chúng ta sẽ mang lại phần thưởng mà Thánh Phêrô và các Tông Đồ xưa đã nhận lãnh, đó là được chia sẻ tấm bánh hằng sống, Mình và Máu Đức Kitô. Được chết đi với Chúa mỗi ngày (ICor 15:31) để được sống lại với Chúa trong hạnh phúc và vinh quang. Chính Thánh Thể là cớ vấp phạm cho các môn đệ khiến họ từ bỏ Chúa, và ngày nay cũng có những người không chấp nhận được mầu nhiệm này. Đây là một lựa chọn quan trọng có liên quan đến cuộc đời mai hậu của ta.

Nhiều môn đệ đã bị thử thách về bí tích Thánh Thể. Trong cuộc sống cũng sẽ có những giây phút chúng ta cũng bị thách đố như các môn đệ, và có thể chúng ta cũng bị cám dỗ từ bỏ Chúa, không theo Ngài nữa. Những lúc đó, chúng ta đừng để mình vấp phạm những lỗi lầm giống như các môn đệ xưa đã vấp phải, nghĩa là đừng chỉ lo chú tâm đến những vấn đề xẩy đến cho chúng ta, mà hãy đưa mắt nhìn vào Đức Giêsu; chúng ta hãy xác nhận lại niềm tin vào Ngài như Thánh Phêrô đã làm: ”Lạy Thầy, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Jn 6:68-69).

Trong ngày chịu phép Rửa tội, Linh mục hỏi chúng ta có từ bỏ ma quỉ và những việc làm của chúng không? Cha mẹ chúng ta hay chính chúng ta đã quả quyết thưa từ bỏ. Ta lại còn tuyên xưng và tin theo Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Chúng ta đã chọn Thiên Chúa là gia nghiệp của mình. Rồi trong mỗi dịp lễ Phục Sinh, từng người chúng ta lại có dịp bầy tỏ sự lựa chọn của mình một lần nữa khi tuyên xưng đức tin và lại tuyên bố từ bỏ ma quỉ và các việc của của chúng.

Chúng ta đã chọn Chúa và chỉ chọn một mình Chúa chứ không thể chọn cả hai, không được thờ hai chủ. Lựa chọn một lần chưa đủ, còn phải lặp đi lặp lại nhiều lần; nó phải được thể hiện qua những lựa chọn nho nhỏ trong mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: chọn Chúa. Chọn lựa đúng thì được sống và chọn lựa sai thì chết (Sir 15:16-17; Deut 21:26-28).

Ở đô thị Jaffa xứ Palestina, có một khu đất gọi là khu đất quyết định. Các sông ngòi chảy vào khu đất ấy lưỡng lự một lúc rồi mới chảy sang một trong hai hướng. Những sông ngòi theo một hướng thì chảy vào khu vườn Sharon xinh đẹp. Còn những sông ngoài theo hướng kia thì chảy vào Biển Chết, biển này không có một sinh vật nào sống nổi. Cuộc đời chúng ta cũng thế. Chúng ta phải chọn một hướng, không ai có thể làm tôi hai chủ: “Một nhà hai chủ không hoà. Hai vua một nuớc ắt là không yên.”

Chọn lựa tự do, nhưng chọn lựa lại là giới hạn. Khi đã có một chọn lựa là chúng ta phải biết tự giới hạn mình. Chính Đức Giêsu khi chọn con đường cứu độ nhân loại, Ngài cũng đã phải chấp nhận thân phận giới hạn con người, và cả cái chết nhục nhã trên thập giá như lời Thánh Phaolô trong bài đọc 2: ”Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và phó mình vì Hội Thánh, để thánh hóa Hội Thánh,…ngõ hầu bầy tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo…, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Eph 5:25-27).

Nếu ta bỏ Chúa thì sẽ ra sao? Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã suy diễn câu hỏi bất hủ của Thánh Phêrô thành một bài thánh ca rất ý nghĩa như sau:

Bỏ Ngài con biết theo ai? Bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cách chim bơ vơ trong khung trời lộng gió. Bỏ Ngài con sẽ theo ai, đời lộng gió cánh chim ngàn khơi. Bỏ Ngài thì đời con sẽ như một con tuyền lao đao trên biển cả mênh mông. Bỏ Ngài con biết theo ai, thuyền buông lái biết trôi về đâu? Bỏ Ngài con biết theo ai, trên đời kia tương lai khuất mờ. Và bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cuộc hành trình cô đơn, buồn bã. Bước đi không Ngài, đời con buồn tênh.

Còn nếu chọn Ngài, thì cuộc đời của chúng ta tuy cũng vẫn là một cuộc hành trình, cũng vẫn như cánh chim bay trong khung trời lộng gió, cũng như một con thuyền giữa biển cả mênh mông; nhưng trong cuộc hành trình ấy, đã có Chúa đồng hành, cánh chim đã biết hướng mà bay, con thuyền đã có người lèo lái và như thế sẽ bảo đảm đi tới bến đò bình an (Lm Carolô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 606-607).

Chọn Chúa, đi theo Chúa, trước mắt là một sự hy sinh, một sự mất mát và bị người đời coi như một sự điên rồ, nhưng như Thánh Phaolô nói thì đó là sự khôn ngoan trước mặt Chúa (ICor 1:24). Có lẽ người ta nói đúng: ”Khôn thế gian làm quan địa ngục, dại thế gian làm quan thiên đàng!”

Bước theo Chúa là phải đi vào con đường khổ giá, phải qua cửa hẹp, nhưng chính con đường hẹp hòi khắc khổ lại đem đến vinh quang. “Xả thân nếu muốn theo Thầy. Vác cây khổ giá hằng ngày mà theo (Lc 9:23).

LỜI NÀY CHƯỚNG TAI QUÁ! AI MÀ NGHE NỔI?

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Chẳng nên ngạc nhiên nếu có lúc đức tin gặp khủng hoảng.

Cả lịch sử Cựu Ước đong đưa giữa tin và không tin.

Khi Ðức Giêsu đến, người ta phải đứng trước một lựa chọn:

tin hay không tin vào Lời Ngài, vào con người Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy

một kinh nghiệm về khủng hoảng đức tin nơi chính các môn đệ.

Kinh nghiệm ấy thật gần gũi với con người hôm nay.

Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?

Ðó là phản ứng của các môn đệ ngày xưa

khi nghe Thầy Giêsu vén mở căn tính của Thầy.

Thầy khẳng định mình từ trời mà xuống (Ga 6,38),

và Thầy sẽ trở lại nơi Thầy đã ở trước kia (c.62),

sau khi hiến mình chịu chết cho nhân loại (c.51)

và nuôi nhân loại bằng chính máu thịt mình (c.53).

Hôm nay chúng ta vẫn có thể thấy chúng chướng tai.

Mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Tử nạn của Con Thiên Chúa,

bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm Chúa về trời:

đó vẫn là và mãi mãi là những mầu nhiệm khôn dò.

Phải yêu mến mới hiểu được, mới chấp nhận được.

Hôm nay vẫn có câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng,

vì chướng tai, chướng cả với suy nghĩ và tình cảm của ta.

Lời Chúa đòi tôi đi xa hơn

và bắt tôi điều chỉnh lại mối tương quan đã có với Chúa.

Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Ngài nữa.

Họ đã đi với Ngài một thời gian,

đã tin và đã trở thành môn đệ.

Nhưng họ không thể đi tới cùng cuộc phiêu lưu này.

Trở nên môn đệ hay trở nên một Kitô hữu

không phải là một bảo đảm chắc chắn

mình sẽ trung tín mãi mãi với Ðức Kitô.

Trở nên môn đệ là bước vào cuộc phiêu lưu,

là khám phá ra một Ðức Kitô luôn luôn mới,

là để Ngài từ từ đưa ta đi sâu vào mầu nhiệm hơn.

Cuộc phiêu lưu nào cũng có chút rủi ro,

cũng đòi chút liều lĩnh,

vì đây là cuộc phiêu lưu của tình yêu, của lòng tin.

Ðã có những môn đệ không tin và bỏ đi.

Ngay trong nhóm ở lại cũng có kẻ phản bội.

Ðể khỏi bỏ cuộc, cần bỏ mình…

Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ?

Ðại diện Nhóm Mười Hai, Phêrô bày tỏ thái độ ở lại.

Không phải vì ông và các bạn hiểu được lời Thầy Giêsu,

nhưng vì họ tin vào con người của Thầy,

tin Thầy là Ðấng Thánh của Thiên Chúa,

Ðấng đã cho dân ăn no nê, Ðấng đã đi trên biển.

Lòng tin này khiến họ chấp nhận cả những lời chướng tai.

Lời chướng tai là lời đem lại sự sống đời đời.

Nhiều bạn trẻ hôm nay cô đơn, nhưng không biết đến với ai.

Hãy cùng nhau đến với và ở lại bên Thầy Giêsu,

Ngài sẽ không làm chúng ta thất vọng.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả

để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa

và thuộc về Chúa

thì Chúa đã sống cho con

và thuộc về con từ lâu. Amen.

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

TGM. Ngô Quang Kiệt

Đức tin là một con đường: con đường dẫn ta tới Chúa. Đây là một con đường dài. Vì ta sẽ phải đi suốt cuộc đời mới hết. Đường đức tin có những quãng đầy hoa thơm cỏ lạ và tiếng chim hót véo von. Đó là những khi niềm tin dâng đầy. Ta cảm thấy phấn khởi vì được gặp gỡ Chúa, được Chúa an ủi, mọi sự diễn ra êm xuôi tốt đẹp. Nhưng đức tin sẽ phải trải qua những quãng đường gian nan đầy chông gai sỏi đá. Ta gặp khó khăn thử thách. Ta gặp đau khổ thất bại. Ta không tìm đâu ra lối thoát. Ta như chìm trong đêm tối mênh mông chẳng có ánh sáng nào soi đường dẫn lối. Đó là khi niềm tin bị thử thách, bị nghiêng ngả chao đảo. Ta cảm thấy mệt mỏi chán chường. Ta muốn bỏ cuộc, rẽ sang đường khác. Ta bị cám dỗ tìm con đường dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, thoải mái hơn.

Đó là trường hợp của những người Do Thái và một số môn đệ hôm nay. Khi Đức Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều nuôi năm nghìn người, niềm tin của đám đông dâng lên cao vời vợi. Họ phấn khởi mừng vui. Họ tin tuyệt đối rằng Người chính là Đấng Cứu Thế đến cứu dân tộc Do Thái. Niềm tin của họ mạnh mẽ đến nỗi khi Đức Giêsu trốn đi, họ vẫn đuổi theo sát nút với ý định tôn Người lên làm vua cai trị họ.

Thế mà hôm nay, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, đám đông đã bỏ Chúa. Một số môn đệ cũng bỏ Chúa mà đi. Đức tin bồng bột tưởng chừng như không gì dập tắt nổi của những ngày hôm trước nay đã tan tành như mây khói. Sự gắn bó tưởng chừng như không gì chia cắt nổi bỗng trở nên nhạt nhẽo lạnh lùng. Đức tin gặp thử thách và họ đã không đủ mạnh tin để vượt qua thử thách. Họ đã thất vọng bỏ cuộc. Nhưng Đức Giêsu vẫn bình tĩnh chấp nhận sự quay lưng trở gót của những người thân tín. Người không vì thế mà nói những lời nhẹ nhàng hơn. Đức tin phải trải qua thử thách. Lửa thử vàng, gian nan thử lòng trung tín. Chỉ có những người bạn trung thành qua những khó khăn mới là những người bạn đích thực. Chỉ có niềm tin kiên vững bất chấp mọi thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa.

Giữa cơn khủng hoảng ấy, thánh Phêrô đã đại diện nhóm 12 tuyên xưng niềm tin sắt đá vào Đức Kitô. Dù chưa hiểu những điều Đức Giêsu nói, nhưng các ông vẫn đặt trọn niềm tin vào Người. Thế mới gọi là tin. Vì chưa thấy nên mới cần tin. Đã thấy rõ, đã biết rõ thì đâu cần tin nữa. Tuy nhiên niềm tin không phải là cái gì vô lý. Sau khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và sau khi chứng kiến Người đi trên mặt nuớc, các ông hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin nơi Người. Đó là hai khía cạnh trái ngược của niềm tin. Tin là một ngọn đèn soi cho ta bước đi trong đêm tối. Ngọn đèn chỉ sáng đủ cho ta bước đi từng bước nhỏ trong niềm tin. Nhưng màn đêm vẫn tăm tối đủ cho ta nghi ngại. Chính vì thế mà niềm tin mới có giá trị và cần thiết.

Lời tuyên xưng của thánh Phêrô lại càng có giá trị trong lúc mọi người gặp khủng hoảng và bỏ Chúa. Tin tưởng khi thời cơ thuận lợi thì thật dễ dàng. Nhưng vẫn tin tưởng gắn bó với Chúa trong những lúc gặp khó khăn thử thách đó mới thật sự là niềm tin chân chính.

Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ không khác hành trình đức tin của các Tông đồ. Có những thời gian thuận lợi, ta thấy niềm tin dâng cao mãnh liệt. Khi ấy Lời Chúa là những lời êm ái ngọt ngào làm phấn chấn lòng ta. Lời Chúa mang đến cho ta niềm vui, niềm bình an, niềm hy vọng. Lời Chúa đem đến cả thành công và may mắn nữa.

Nhưng rồi tới những ngày u ám tăm tối, ta cảm thấy niềm tin lung lay chao đảo. Đó là khi ta gặp khó khăn thử thách. Lúc ấy Lời Chúa làm cho cuộc đời ta mất bình an. Lời Chúa gõ vào tính tự ái, tự cao, tự đại của ta. Lời Chúa gõ vào sức khoẻ ta. Lời Chúa gõ vào gia sản ta. Lời Chúa như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn ta, tạo ra những vết thương sâu thẳm không bao giờ ngưng rỉ máu. Những lúc ấy, ta dễ bị cám dỗ từ bỏ Chúa như những người Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong những giờ phút gặp gian nan thử thách như thế, ta hãy nhớ đên những lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Niềm tin tuyên xưng trong đau đớn thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa. Sự trung tín vượt qua được những cơn khủng hoảng mới minh chứng một tình yêu chân thực.

Trong những giờ phút tăm tối nhất, hãy mạnh dạn thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai. Chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Đã có khi nào bạn cảm thấy niềm tin chao đảo, lung lay? Bạn đã làm gì để vượt qua những giờ phút khó khăn đó?
  2. Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Bạn có xác tín điều đó không?
  3. Sau khi những khó khăn qua đi, bạn nhìn thấy tất cả đều là ơn Chúa. Bạn có kinh nghiệm đó không?

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*