- THẦY LÀ CÂY NHO – Lm. Tôma Tuấn Bình, CRM
- CÂY NHO VÀ CÀNH – Lm. Nguyễn Thái
- CÂY NHO VÀ CÀNH NHO – Lm. Đinh Lập Liễm
- SINH NHIỀU HOA TRÁI – TGM. Ngô Quang Kiệt
- HÃY Ở LẠI TRONG THẦY – Lm. Jude Siciliano, OP
- </p> <p><em>TÌNH YÊU PHẢI SINH HOA TRÁI – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái</em>
THẦY LÀ CÂY NHO (Ga 15:1-8)
Lm. Tôma Tuấn Bình, CRM
Ai trồng cây cũng mong được ăn trái. Muốn cây có trái cũng phải mất nhiều công phu. Không phải cứ chăm cho cây xanh tốt lớn mạnh là tự nhiên có trái. Thực tế cho thấy, có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy trái nào. Qua dụ ngôn cây nho trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc lại cho chúng ta hai điều kiện căn bản phải có để cây nho có nhiều hoa quả, đó là cành phải liền với cây và phải được cắt tỉa.
Điều kiện cành phải liền với cây thì chúng ta không cần phải nói nhiều, vì đó là lẽ thường tình. Nếu cắt lìa cành khỏi cây thì chẳng những cành không có trái, mà còn héo tàn dần rồi chết. Điều kiện cắt tỉa thì ai đã trồng cây ăn trái đều biết là nếu cứ để cành lá phát triển tự do thì chẳng mấy chốc khu vườn của chúng ta sẽ thành một cánh rừng mà trái thì chẳng thấy đâu. Muốn cây có trái, buộc phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính để kết trái đầy đặn.
Khi sánh ví chúng ta như những cành nho của cây nho Giêsu, Chúa Giêsu cũng muốn nhắc nhớ chúng ta rằng như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, mỗi người chúng ta cũng phải liên kết mật thiết với Ngài, vì Ngài là nguồn cội sự sống của chúng ta. Tách lìa Ngài, chúng ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Vì Ngài là dòng sông ân sủng, cho nên khi kết hiệp với Ngài, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, khiến cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm, đến nỗi chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm rà. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa những gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả, đó là cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa; cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng; cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng.
Chúa cắt tỉa chúng ta bằng những thất bại chúng ta gặp phải trong đời; huấn luyện chúng ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh; mài dũa chúng ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác; và đào tạo chúng ta trong những phản bội của người thân. Nói tóm lại, những cắt tỉa đó tuy làm cho chúng ta đau đớn và đôi khi phải rướm máu, nhưng nhờ đó mà đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, đưa vai vác thập giá, và ôm lấy cái chết nhục nhã trên thập giá. Chính vì thế, Người đã sinh hoa kết trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta và trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông dòng nhựa thiêng liêng cho chúng ta.
Và Mẹ Maria đã đóng một vai trò không nhỏ trong những thành quả đạt được đó của Chúa Giêsu. Là một vị Thiên Chúa, dĩ nhiên Chúa Giêsu không cần Mẹ Maria vì Ngài làm được mọi sự. Tuy nhiên, trong thân phận con người, Chúa Giêsu đã mang nợ với Mẹ rất nhiều, đó là món nợ 9 tháng 10 ngày cưu mang, 3 năm bú mớm và những năm tháng được Mẹ nâng niu trên đầu gối để dìu dắt Chúa từng bước chập chững vào đời.
Vẫn biết nhiệm vụ chính yếu của Chúa Giêsu khi xuống thế làm người là rao giảng ơn cứu độ cho nhân loại, nhưng để chuẩn bị cho việc rao giảng đó, Chúa đã dành 30 năm để học hỏi với Mẹ Maria. Do đó, đừng ai trong chúng ta nghĩ rằng tôi già rồi không còn tâm tình để đến với Mẹ nữa và cũng mong rằng đừng ai trong chúng ta vấp phải lỗi lầm của một số người gạt Mẹ Maria ra khỏi đời sống đức tin, vì nghĩ rằng ơn cứu chuộc chỉ đến qua Chúa Giêsu. Đồng ý Chúa Giêsu là nguyên nhân chính yếu của ơn cứu chuộc, nhưng nếu Chúa đã nhờ Mẹ để đến với nhân loại thì chắc chắn không còn địa chỉ nào để chúng ta dễ dàng gặp được Chúa cho bằng đến với Mẹ Maria.
Lm. Tôma Tuấn Bình, CRM
CÂY NHO VÀ CÀNH (Gioan 15:1-8)
Lm. Nguyễn Thái
Một phóng viên nhà báo phỏng vấn một thương gia rất thành công như sau: “Làm thế nào ông đã thành công được như ngày nay? Làm thế nào ông kiếm ra tiền bạc?” “Tôi rất hân hạnh được ông hỏi câu này,” vị thương gia trả lời. “Thực ra, đó là một câu chuyện khá thú vị. Khi vợ tôi và tôi lấy nhau, chúng tôi chỉ có quần áo dính trên người, một mái nhà che đầu, ít đồ ăn trên bàn, và 5 xu mà thôi. Tôi đã cầm 5 xu đó đi mua 1 trái táo. Tôi đã chùi thật bóng trái táo đó và bán lại được 10 xu. Rồi sau đó mua được 2 trái táo, chùi bóng đi bán ra được 20 xu.” Ông nhà báo nghe thấy một câu chuyện khá thú vị, bèn hỏi tiếp: “Rồi sao nữa?” “Rồi thì,” vị thương gia kể tiếp, “ông bố vợ của tôi chết và để lại cho chúng tôi 20 triệu đô la” (King Duncan, Dynamic Preaching, March/ April 1997, Vol. XII, No. 2, p. 59).
Qua câu chuyện trên, điều quan trọng không phải là vấn đề bạn biết phải làm gì trong nghề nghiệp để thành công, mà là bạn biết ai, quen với ai, có liên hệ với ai. Tục ngữ Việt Nam có câu, “Giầu vì bạn, sang vì vợ.” Nhờ liên hệ!
Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, Gioan 15: 1-8, đã tỏ ra rất quen thuộc với hoàn cảnh sống và môi trường xung quanh. Mặc dù là thợ mộc trước khi đi rao giảng, Ngài cũng sống và lớn lên ở miền nông thôn, nơi trồng trọt nhiều vườn nho. Ngài đã dùng một hình ảnh rất bình dân để mọi người dễ hiểu khi diễn tả về sự liên hệ của một Kitô hữu với Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu là “cây nho thật…” Và chúng ta là “những cành cây.”
Theo các nhà trồng nho chuyên nghiệp ngày nay, có 3 yếu tố quan trọng trong nghề trồng nho mà Phúc Âm hôm nay nhắc đến:
Trước hết, trong vườn nho, thân chính của cây nho là một nguồn phát sinh sự sống cho các cành sinh hoa trái; nhựa phát sinh sự sống lưu truyền từ thân cây chính tới các cành cây; giữ cho cành nhánh được tươi tốt để sản xuất những trái nho ngọt ngào. Không thể nào có được điều này nếu không liên hệ, nối kết chặt chẽ với thân cây. Không có thân cây, những cành nho sẽ khô héo và chết.
Tương tự như vậy, là một người Kitô hữu, chúng ta cần phải được liên hệ, nối kết với thân cây nho thực, là Chúa Giêsu Kitô: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15: 4). “Dính liền” và “ở trong” có nghĩa là được nối kết chặt chẽ, được hiệp thông mật thiết. Có một sự liên hệ thân mật nhất với Chúa đến độ không có gì có thể lay chuyển nổi. Đó là sự trung thành với Chúa Giêsu Kitô (GLCG #2074).
“Ở trong Chúa Kitô” là kết hợp với Ngài qua việc thờ phượng tại thánh đường. Bằng Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, Ngài củng cố đức tin của chúng ta. Nếu chểnh mảng, chúng ta giống như một cành nho bị bệnh, hay được săn sóc không đúng cách. Nó không được nối kết với nguồn mạch của sự sống, sẽ tàn úa và chết.
“Ở trong Chúa Kitô” là khi ta đọc và học hỏi Thánh Kinh. Bất kể là ai, kiến thức nhiều ít, chúng ta phải là người học hỏi Thánh Kinh suốt cuộc đời, sống và cảm nghiệm Lời Chúa mỗi ngày trong đời sống.
“Ở trong Chúa Kitô” là khi ta cầu nguyện thường xuyên. Thường thường người mà chúng ta cảm thấy gần gũi nhất và biết nhiều nhất là những người chúng ta thường lắng nghe và nói chuyện với họ nhiều nhất.
“Ở trong Chúa Kitô” là khi chúng ta làm những việc bác ái đạo đức như nuôi kẻ đói ăn, cho người rách rưới mặc, thăm viếng kẻ ốm đau. Thần học gia Gustavo Gutierrez, người Châu Mỹ La tinh, đã nói rằng: “Kitô giáo không chỉ là một vấn đề của những niềm tin đúng, mà còn là vấn đề của sự thực hành đúng nữa.”
Kinh nghiệm thứ hai của những người trồng nho nói với chúng ta rằng: không phải cành nào cũng sẽ có trái. Những cành không sinh trái sẽ bị cắt tỉa khỏi cây nho. Nếu để lại trên cây, chúng sẽ làm yếu, và có thể giết chết cây nho.
Chúa Giêsu cũng nói tương tự như vậy: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Người chặt đi.” (Ga 15:2). Đó là những người chỉ nói mà không hành động, như cành có rất nhiều lá mà không có trái (Rm 11:20). Họ là những người hiểu biết Lời Chúa, nhưng khi gặp nghịch cảnh, khó khăn, hay gặp bạn bè xấu quyến rũ, họ yếu đuối sa ngã. Chúa Giêsu nói rõ ràng trong Phúc Âm hôm nay rằng một cành cây hay một người Kitô hữu không sinh trái sẽ bị tai họa và hủy diệt, “bị quăng ra ngoài…., và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15:6).
Mục sư William Willimon đã nhận xét: “Đây là một tư tưởng gay go, nhưng đã tìm thấy trong Phúc Âm. Nếu chúng ta “không sinh trái”, nếu đời sống làm môn đệ của chúng ta không có một kết quả nào, thì sẽ có một giá phải trả. Có người nói rằng, “Tôi không đi nhà thờ, nhưng tôi tự sống đạo là được rồi,” họ đang lừa dối chính mình. Bạn không thể nói là kết hợp với Chúa Kitô mà không sống với Ngài, làm việc với Ngài, phục vụ Ngài, để sinh hoa trái.”
Kinh nghiệm thứ ba của những người trồng nho nói với chúng ta là ngay cả những cành sinh trái cũng phải bị tỉa để sinh nhiều trái hơn. (Ga 15:2). William Willimon kể rằng: “Trong thung lũng Yarra ở Úc Đại Lợi, bên ngoài Melbourne, nếu đi thăm những vườn nho của một nhà máy rượu nổi tiếng vào đầu mùa Xuân, du khách sẽ kinh ngạc khi nhìn thấy những cây nho thật trơ trụi. Ở dưới gốc mỗi cây nho chất một đống cành, kết quả của việc cắt tỉa trong mùa đông. Những người trồng nho cắt tỉa không nương tay. Tuy nhiên việc cắt tỉa này vô cùng cần thiết cho mùa thu hoạch phong phú sắp tới.”
Lý do của sự cắt tỉa này là những trái nho ngon ngọt đều phát xuất từ những cành đã bị cắt tỉa. Chúa Giêsu đã nói thật chính xác: “…còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn” (Ga 15:2). Chúa muốn ám chỉ rằng đời sống tinh thần của chúng ta phải luôn luôn đặt vào trong một diễn trình sửa đổi, thánh hóa liên tục (Cl 3:12). Được định hình bởi Thiên Chúa, Chủ vườn nho, chúng ta phải chấp nhận bị cắt tỉa, hy sinh, từ bỏ, và học hỏi để trở thành những người Kitô hữu sinh hoa trái (Cl 1:10; Gl 5:22). Tự chúng ta, nếu không được cắt tỉa bởi Thiên Chúa, chúng ta có thể phát sinh ra trái, nhưng số lượng và phẩm chất sẽ không bao giờ bằng với những cành đã được cắt tỉa (1 Cr 3:2).
Theo tiếng Hy Lạp chử “kathairo”, “cắt tỉa” – pruning – có nghĩa là “thanh tẩy”, “làm cho sạch sẽ” – cleansing. Quả vậy, trong việc thánh hóa bản thân và kết hợp với Thiên Chúa là đấng thánh thiện, chúng ta cần phải được cắt tỉa, làm cho sạch, làm cho thánh thiện bởi chính Thiên Chúa (Jn 17:17-19).
Mỗi năm, nhà văn Ernest Hemingway thường hay làm sạch sẽ căn phòng của mình bằng cách vứt bỏ những đồ dùng đã cũ. Ông nói, ông làm như vậy để chứng tỏ rằng ông làm chủ những đồ dùng. Ông cho rằng nếu ông đã không có thể quẳng chúng đi, ông không làm chủ được chúng, nhưng chúng làm chủ ông. Rồi ông giải thích thêm, ông đã hối tiếc rằng chúng ta đã mất quá nhiều thời giờ đối với của cải sự vật vô cảm giác thay vì để tâm tới sự chăm nom, săn sóc cho con người có tình cảm và biết đáp trả lại tình yêu của chúng ta.
Dĩ nhiên được cắt tỉa, thanh tẩy, từ bỏ, làm cho thánh thiện thường là một quá trình đau khổ và khó khăn. Nó đòi hỏi sự hy sinh, từ bỏ bản thân, tự hiến thân vì tha nhân (Gl 6:10). Hãy xem gương hy sinh của Thánh Phaolô (1 Cr 4:11).
C.S. Lewis rất yêu thích sách. Một lần nọ có người hỏi ông không biết trên thiên đàng có sách vở để đọc không. Ông trả lời rằng trong thư viện trên thiên đàng chỉ có những cuốn sách mà chúng ta đã đem tặng cho những người khác. “Không có gì thực sự là của bạn mãi mãi mà bạn lại không phải cho đi,” ông nói. Chúa Giêsu đã rao giảng sự thật này, không chỉ đối với những sự vật của cải chúng ta sở hữu, nhưng ngay cả chính sự sống nữa. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16: 25).
Sự cắt tỉa gây cho chúng ta đau khổ, nhưng lại phát xuất từ tình yêu thương của Thiên Chúa (Dt 12;5-11). Ngài muốn điều tốt đẹp nhất cho chúng ta chứ không phải muốn chúng ta chịu đau khổ và bị tiêu diệt (1Pr 4:13). Thánh Gioan Thánh Giá diễn tả sự cắt tỉa như là “đêm tăm tối của linh hồn” hay như cục than hồng bị nung đỏ trong lò lửa. Ngài nói, đêm tối của linh hồn là kết quả hoạt động của một “ánh sáng” vĩ đại hơn cái ánh sáng mà linh hồn có thể chịu đựng nổi. Ngài viết như sau: “Ánh sáng càng sáng bao nhiêu, những con mắt của con cú mèo càng bị mù đi bấy nhiêu, và chúng ta càng cố gắng nhìn vào ánh sáng mặt trời bao nhiêu, thị giác của chúng ta càng bị yếu đi bấy nhiêu… Do đấy khi ánh sáng thần linh chiếu tỏa vào linh hồn chưa được thanh luyện hoàn toàn, nó làm linh hồn thành đêm tối thiêng liêng, không chỉ vì ánh sáng rạng ngời của nó, nhưng vì nó làm tê liệt bản tính tự nhiên của linh hồn. Nỗi đau khổ linh hồn phải chịu đựng giống như là những con mắt đang bị bệnh thình lình gặp phải ánh sáng quá mạnh…”
William Willimon đã nhận xét: “Điều thường xảy ra cho các giáo phái Kitô Giáo tại Bắc Mỹ là trình bày Kitô giáo giống như là điều tốt nhất một người có thể đạt được, một cách giải quyết cho tất cả những vấn đề rắc rối, một kỹ thuật để có cái mà chúng ta muốn. Không phải vậy. Ơn gọi làm môn đệ có nghĩa là trở nên cái mà Thiên Chúa muốn. Và đôi khi, cái mà Thiên Chúa muốn trên thế gian này không thể thực hiện được nếu không phải trả bằng một giá nào đó. Và đôi khi cái giá phải trả đó rất là đau đớn cho những ai Thiên Chúa yêu thương.”
Ước gì mỗi người chúng ta luôn luôn ở trong Đức Kitô. Chúng ta sống kết hợp mật thiết với Ngài, cây nho đích thật của chúng ta; và qua Ngài tới Thiên Chúa, Chủ vườn nho. Như thế chúng ta sẽ sinh nhiều trái ngon ngọt dù có bị cắt tỉa và thanh tẩy để sinh thêm nhiều trái hơn nữa.
Lm. Nguyễn Thái
CÂY NHO VÀ CÀNH NHO (Gioan 15:1-8)
Lm. Đinh Lập Liễm
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, Đức Giêsu đã tự ví mình như Mục tử nhân lành, chăm sóc đoàn chiên và sẵn sàng thí mạng vì đàn chiên đã được giao phó. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại tuyên bố: ”Thầy là cây nho đích thực” (Jn 15:1) để nhắc nhở cho chúng ta phải kết hợp với Ngài để sinh hoa kết quả trong đời sống thiêng liêng.
Trong Thánh Kinh, nho là một hình ảnh, một biểu tượng quen thuộc. Có người nói đó là”Cây sự sống”trồng ở giữa vườn địa đàng (St 2,9). Nhiều lần Cựu Ước mô tả dân Israel như một gốc nho hay vườn nho của Thiên Chúa: ”Vườn nho của Đức Chúa ấy là nhà Israel” (x. Is 5,1-7). Qua Giêrêmia, thông điệp của Thiên Chúa đã truyền đến cho Israel rằng: ”Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt” nhưng vườn nho đã sinh ra quả đắng đót (Gr 2,21). Tiên tri Ôsê nói: ”Israel là cây nho tươi tốt” (Os 10,1).
Hằng năm dân chúng mừng lễ mùa nho. Isaia sáng tác một bài dân ca mừng vườn nho xinh tươi của người bạn (Is 5,1-2) để ám chỉ tình yêu Thiên Chúa đối với dân Ngài. Và khi sự việc tệ hại xẩy ra, tác giả Thánh vịnh vẫn xướng lên một bài ca hy vọng: ”Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng” (Tv 80,15-16).
Cây nho đã trở nên biểu tượng của dân tộc Israel. Huy hiệu trên các đồng tiền hồi Maccabê là cây nho. Một trong những kỳ công chói lọi trong Đền thờ là cây nho bằng vàng thật lớn đặt trước Nơi Thánh. Nhiều vĩ nhân kể mình có vinh dự lớn khi được phép dâng một số vàng để đúc thêm một chùm trái mới cho cây nho ấy. Cây nho là một hình ảnh đặc trưng của người Do Thái và là biểu tượng của dân Israel.
Tại sao trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại tuyên bố: ”Ta là cây nho đích thật” (Ga 15,1)? Từ ngữ Alethnos có nghĩa là thật, có thật, đích thực chứ không phải giả tạo.
Sở dĩ, Đức Giêsu xưng mình là cây nho “thật” vì trong Cựu Ước, như các tiên tri đã phàn nàn, biểu tượng cây nho luôn luôn được gắn liền với ý niệm về suy thoái. Trong bức tranh của Isaia, vườn nho đã trở thành vườn nho hoang (Is 5:4-6). Giêrêmia đã than phiền vì dân tộc ông đã biến thành một cây nho lạ, thoái hóa thành một cây khác (Jer 2:21). Ôsê thì kêu lên: ”Israel là cây nho trơ trụi” (Hs 10:1-2).
Dường như Đức Giêsu muốn nói: các ngươi tưởng vì thuộc về dân Israel nên các ngươi là cành nho thật của Thiên Chúa. Dân Do Thái là một cây nho, nhưng là một cây nho thoái hóa, y như các tiên tri đã nhìn thấy. Chính Ta mới là cây nho thật.
Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn này sau bữa Tiệc Ly lúc tình yêu Thầy trò thật chan chứa. Có người cho rằng lúc ấy Đức Giêsu dẫn các môn đệ ra khỏi thành xuống khe suối Cédron. Ngồi giữa khung cảnh đó, họ thấy nho mọc khắp vùng, rồi Ngài nói: ”Thầy là cây nho thật… Các con là cành.” Đồng thời họ cũng nhìn thấy trong thung lũng đêm tối những đám cháy đang thiêu rụi những cành nho đã bị cắt quẳng đi lúc ban ngày. Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu nói thêm: ”Ai kết hợp với Thầy… thì người ấy sinh hoa trái dồi dào… Ai không kết hợp với Thầy, thì bị quẳng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo, người ta sẽ ném nó vào lửa cháy đi” (Jn 15:6).
Khi Đức Giêsu khẳng định: ”Thầy là cây nho đích thực và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1) thì Ngài muốn các môn đệ nhận ra Ngài là cây nho Chúa Cha đã đưa từ trời xuống trồng cho thế gian được sống nhờ kết hợp với Ngài. Khác với thứ cây nho là dân Do Thái được bứng từ Ai cập về như Thánh vịnh 80 đã mô tả: Thứ nho có bóng rậm cả núi non, nhánh vươn tới biển khơi và chồi lan tới sông cả. Nhưng nó chỉ hào nhoáng bên ngoài như cây nho bằng vàng giả tạo đúc trên cổng Đền thờ, nó vô tâm, vô hồn, được người ta ca tụng nó, nhưng nó không biết ca tụng Thiên Chúa, nên Ngài đã để cho kẻ qua lại giầy đạp nó, cho heo rừng và dã thú phá hủy nó (Ps 80:13-14) (Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm C, tr 80).
Khi Đức Giêsu nói: ”Thầy là cây nho, các con là cành” thì Ngài có ý nói lên sự cần thiết chúng ta phải kết hợp với Ngài. Theo kinh nghiệm trồng nho của người Do Thái: vào mùa xuân, những cành nho tràn ngập sức sống, dưới hình thức của những chiếc lá và nụ hoa. Vào mùa thu, chúng trĩu nặng những chùm nho. Nhưng chúng có được sự sống này, và có khả năng tạo ra được quả, chỉ vì chúng nối kết với thân cây. Khi bị cắt khỏi thân cây, chúng sẽ không chỉ trở nên cằn cỗi, mà còn nhanh chóng bị khô héo và chết rục. Giống như những cành cây cần đến thân cây, chúng ta rất cần đến Đức Kitô. Khi bị tách lìa khỏi Ngài, thì chúng ta không có sự sống, và không có khả năng sinh hoa kết quả.
Đó là hình ảnh cho chúng ta biết: mỗi người chúng ta cần phải liên kết với Đức Giêsu, thì chúng ta mới sống và sống mạnh được. Chúng ta cần tới Chúa để đạt ơn cứu rỗi, nghĩa là chúng ta không thể thành toàn, tự giải thoát, thần hóa con người của mình, nếu không sống trong Chúa, nhờ Chúa và với Chúa. Điều này phải hiểu một cách tuyệt đối.
Tuy thế, cây nho cũng cần đến cành nho, chính những cành nho tạo ra hoa quả. Điều này có nghĩa là Đức Kitô cũng cần đến chúng ta. Chúng ta là những cành nho của Ngài. Cây nho và cành nho cần đến nhau. Bên nhau, chúng tạo ra một sự hợp nhất. Từ điều này, chúng ta có thể thấy rằng sự tin tưởng mà Ngài đặt để nơi chúng ta vĩ đại như thế nào. Chúng ta có thể cảm thấy mình không được đầy đủ, nhưng chúng ta phải ghi nhớ rằng cây nho cứng cáp và đầy sức sống. Đức Kitô tùy thuộc vào chúng ta, để tạo ra hoa quả trong thế giới này.
Như vậy chúng ta phải kết hợp với Chúa để được thông ban sự sống, nếu không chúng ta sẽ trở nên những cành cây khô héo, trở nên những con người cô đơn, không giúp ích gì cho mình và cho kẻ khác.
Người ta trồng nho để lấy quả; cành nào không sinh hoa quả thì trở nên vô ích, cần phải cắt bỏ. Chúa bảo chúng ta là cành phải sinh hoa kết quả thì mới phát triển theo thánh ý Chúa. Chúng ta trổ sinh hoa quả, bằng cách phát triển, xử dụng và chia sẻ năng khiếu đó cho nhau vì mỗi người chúng ta đều có một số năng khiếu mà Chúa ban cho. Thế giới đang chờ đợi hoa quả của chúng ta. Đó là gieo rắc tình thương để mọi người biết yêu Chúa và yêu thương nhau.
Cắt tỉa cây nho là một điều cần thiết và là điều kiện để sinh nhiều hoa trái. Một cây nho tơ trong ba năm đầu chưa có trái; mỗi năm nó phải được tỉa thật sạch để có thể phát triển và giữ được sinh lực. Khi đến độ trưởng thành, người ta cắt tỉa nó vào mùa đông. Cành không sinh trái phải chịu cắt bỏ không thương tiếc,nếu để lại, chúng hút mất sinh lực của cây nho. Cây nho sẽ không cho trái đúng mức nếu không bị cắt tỉa thật kỹ. Chúa Giêsu biết rõ điều đó.
Nhưng cắt tỉa là một quá trình gây đau thương cho một cây ăn quả. Đây là một thực tế không thể chối cãi được. Nhưng mục đích của việc cắt tỉa này không phải là bắt thân cây phải chịu đựng đau đớn, mà là để giúp cho thân cây tạo ra nhiều quả hơn, và quả được ngon hơn.
Nói tới việc cắt tỉa là chúng ta phải nói đến vấn đề đau khổ. Vấn đề đau khổ là một thực tại ngàn đời tồn tại và luôn luôn đòi được giải đáp. Đau khổ đến với ta dưới mọi hình thức: tinh thần, thể xác, bên ngoài, bên trong, cá nhân, tập thể, cộng đoàn. Ta có cảm tưởng đó là một lực lượng đến phá hủy tiềm năng phát triển con người. Nhưng với ánh sáng Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy được một khía cạnh của đau khổ. Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để thanh luyện chúng ta, để cho ta sinh hoa trái tươi tốt về đàng thiêng liêng. Điều cần thiết là phải lãnh nhận đau khổ với tinh thần đức tin và sự cậy trông ở lòng thương vô biên của Thiên Chúa.
Đọc dụ ngôn cây nho và cành nho, chúng ta thấy rõ ý Đức Giêsu là Ngài muốn chúng ta kết hợp với Ngài. Mầu nhiệm cây nho được Đức Giêsu tóm lại trong hai sự việc sau đây: kết hợp và sinh trái. Càng kết hợp chặt chẽ càng sinh nhiều hoa trái. Chúa muốn dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp với Chúa, có kết hợp với Chúa mới đem lại kết quả thiêng liêng cho kẻ khác và cho chính mình.
Chúng ta nên để ý đến câu Đức Giêsu nói với các môn đệ “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Có tới 9 lần cụm tụ “ở lại trong” được lặp lại trong đoạn Tin Mừng này. Đây là bổn phận của một cành nho. Điều kiện này không thể thiếu được, nếu không muốn đời sống siêu nhiên của mình bị héo tàn và vô dụng, vì Chúa nói rõ: ”Không có Thầy, các con không thể làm được gì” (Ga 15,5) hoặc: ”Không ở trong Thầy, các con không thể sinh hoa trái.”
Nếu chúng ta được ở trong Đức Giêsu, được kết hợp với Ngài thì chúng ta sẽ lãnh được sức sống của Ngài. Ngài cũng ở trong Thiên Chúa nên khi chúng ta kết hợp với Ngài, chúng ta cũng được kết hợp với Thiên Chúa và múc được sự sống của Chúa Ba Ngôi. Tư tưởng này đã được Thánh Hilariô trình bầy trong bài khảo luận về Chúa Ba Ngôi mà chúng ta trích dẫn sau đây: “Nếu Người chỉ muốn ta hiểu về sự hiệp nhất theo ý chí, thì tại sao Người lại trình bầy sự hiệp nhất phải được hoàn thành theo một tiến trình và một trật tự? Đó là vì chính Đức Kitô ở trong Chúa Cha theo bản tính Thiên Chúa, và chúng ta ở trong Đức Kitô theo bản tính nhân loại Người đã lãnh nhận; do đó, chúng ta tin rằng Đức Kitô ở trong chúng ta nhờ bí tích Thánh Thể. Nhờ vậy, chúng ta biết được sự hiệp nhất trọn hảo do Đấng Trung gian thực hiện: Khi chúng ta ở trong Đức Kitô, thì Người vẫn ở trong Chúa Cha, và khi Người ở trong Chúa Cha thì Người cũng ở trong chúng ta nữa. Như thế, chúng ta ngày càng tiến triển trong sự hiệp nhất với Chúa Cha, bởi vì Chúa Con vẫn ở trong Chúa Cha theo bản thể do được sinh ra từ thuở đời đời, và chính chúng ta cũng ở trong Đức Kitô theo bản thể, đang khi Người ở trong chúng ta theo bản thể” (Trích Các bài đọc Kinh sách, Mùa chay và phục sinh, tr.26).
Đó là sự kết hợp giữa Chúa với chúng ta, tức là giữa cây nho và cành nho. Còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao? Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hợp với nhau trên con đường cứu rỗi. Ở đời này, không ai chủ trương “Mỗi người là một hòn đảo” mà sống tốt được. Cũng như một thân cây nho chuyển thông sức sống, nhựa sống cho các cành, thì Chúa Giêsu cũng làm như thế. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống thì sẽ cằn cỗi, khô héo và rời rụng đi. Nhựa sống trong thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được giữ lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống truyền sang cho những cành khác.
Văn hào kiêm triết gia nổi tiếng người Ấn Độ Rabindranath Tagore đã viết như sau: “Trên bàn tôi là sợi dây Guitar, tôi xoay nó qua lại theo các chiều khác nhau, nó không bị ràng buộc chi cả. Vì nó được cuộn tròn nên khi tôi xoắn đầu này thì đầu kia cũng bật dậy, sợi dây dẫy nảy trong tay tôi, mà chẳng phát ra một âm thanh nào. Hiện tượng này biến mất khi tôi buộc nó vào chiếc đàn Guitar, hai đầu bị gắn chặt để sợi dây căng thẳng, rồi với đầu ngón tay, tôi gảy nhẹ vào sợi dây và lạ thay, một âm vang nổi lên hầu như du dương. Đây chính là lúc sợi dây được tự do để tạo nên nốt nhạc.”
Cũng thế, trong cách trồng cây cà chua, cây yếu ớt ngã xoài trên mặt đất, nhiều khi lá bị héo úa dập nát. Nhưng nếu cây được cột vào một cọc dựng đứng, mọi phần tử của cây được phơi ra ánh nắng, cây sẽ mơn mởn và đâm nhiều bông trái. Chính vì bị ràng buộc mà cây đã có nhiều triển vọng sinh hoa kết quả” (Thiên Phúc, Lời gọi yêu thương, tr 39).
Chúng ta cần lặp lại lời Đức Giêsu đã nói với chúng ta: ”Không có Thầy các con không làm được gì” (Ga 15,5). Chúng ta sống được là nhờ có ơn Chúa, mọi sự phải nằm trong tay Chúa. Đời sống thiêng liêng của chúng ta chỉ có thể phát triển được khi có ơn Chúa nâng đỡ, ngoài Chúa ra không ai có thể giúp đỡ chúng ta làm được việc gì sinh ơn ích cho phần rỗi chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng phải cần đến nhau vì, theo Thomas Merton, “Không ai là một hòn đảo.” Mọi người phải liên đới với nhau, hành động của người này ảnh hưởng đến công việc của người kia. Vì thế, muốn hưởng tự do của mình, ta phải tôn trọng tự do kẻ khác. Nói cách khác, tự do của mỗi chúng ta ràng buộc lẫn nhau và giúp đỡ lẫn nhau nữa.
Lm. Đinh Lập Liễm
SINH NHIỀU HOA TRÁI
+ TGM. Ngô Quang Kiệt
Ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả, cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những ruộng lúa xanh tốt, nhưng chỉ tốt lá, nên chỉ cho những bông lúa lép. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cành lá chỉ là phụ, hoa quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:
Điều kiện thứ nhất: Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.
Điều kiện thứ hai: Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.
Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Đời sống của ta được sánh ví như đời sống của cây nho.
Cũng như người trồng nho muốn cho vườn nho của mình không bị tàn lụi, nhưng phát triển, sinh hoa kết quả, Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại.
Để được phát triển, con người cũng cần những điều kiện.
Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Điều kiện thứ hai: Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa nhưng gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng. Chúa cắt tỉa ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mãi dũa ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác. Chúa đào tạo ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.
Chính Đức Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.
Lạy Đức Giêsu là Cây Nho Thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Còn những gì trong bạn ngăn cản bạn kết hiệp với Chúa?
- Trong bạn còn những gì phải cắt tỉa?
- Bạn có sẵn sàng để Chúa cắt tỉa không
- Những thất bại, những đau khổ bạn gặp phải có ích gì cho bạn không?
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
HÃY Ở LẠI TRONG THẦY
Lm. Jude Siciliano, OP / Chuyển ngữ:: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp
Trong các văn phẩm Kinh Thánh có nhiều ẩn dụ. Ẩn dụ là một cách so sánh mà không dùng từ “như thể” hay “giống như”. Làm thế nào chỉ với ngôn ngữ con người mà có thể nói về Thiên Chúa được, nếu không nhờ đến lối ẩn dụ hay so sánh? Thiên Chúa thì vô biên mà khả năng hiểu biết và nói về Thiên Chúa của chúng ta thì hữu hạn, thế nên ta phải dùng những ẩn dụ.
Riêng tin mừng của Gioan có rất nhiều ẩn dụ. Ngài cho ta biết Đức Giêsu là Chiên của Thiên Chúa, Ánh sáng Thế gian, là Bánh hằng sống,… Bản văn Tin mừng hôm nay mở đầu với những ẩn dụ: “Đức Giêsu nói với các môn đệ: ‘Thầy là cây nho đích thực, và Cha thầy là người trồng nho”.
Dụ ngôn cây nho trước đó đã được sử dụng trong Cựu Ước. Israen hay được so sánh như vườn nho mà Thiên Chúa yêu mến (Is 5:1-7; Gr 2:21; Tv 80:8-18). Chẳng hạn, Isaia đã mô tả mối tương quan giữa Thiên Chúa với dân Người với lối ví vườn nho. Nhưng Israen đã không hoàn thành trách nhiệm của mình là vườn nho trung tín của Thiên Chúa. Nay, Đức Giêsu mô tả mình như Israen mới khi tự gọi mình là “vườn nho đích thực”. Trong khi con người đã thất tín trong giao ước là dân công chính và trung tín của Thiên Chúa, thì chính Đức Giêsu sẽ hoàn trọn vai trò đó. Qua sự trung tín với Thiên Chúa và việc Đức Giêsu tự hiến dâng cuộc sống thay cho ta, thì chúng ta cũng có thể trở thành những nhánh cành trổ sinh hoa trái.
Đức Kitô là cây nho đích thực và chúng ta là một phần của Người. Chúng ta gắn kết với Người, bằng cách kiên trì giữ Lời của Người, các bí tích và tình yêu của Người. Bài đọc thứ hai cho thấy hoa trái của Đức Giêsu là các môn đệ sẽ sinh hoa kết trái. “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó chúng ta biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được yên lòng trước mặt Thiên Chúa” (1Ga 3:18).
Hãy cẩn thận với bài đọc thứ hai, vì có vẻ như chúng ta được ở với Đức Kitô chỉ bằng cách tuân giữ lề luật. Trước hết, chúng ta được ở lại trong Đức Kitô phục sinh, cây nho của chúng ta và vì thế chúng ta được chia sẻ nguồn sống đang lưu chuyển trong Người. Thế rồi, việc tin tưởng vào sự sống mà chúng ta có từ Người, chúng ta xác định cương vị môn đệ bằng cách yêu thương tha nhân. Để rồi, chúng ta “…tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp lòng Người”.
Tôi nghĩ rằng, những người không phải nông dân như chúng ta đây cũng có thể hiểu điều Đức Giêsu đang nói hôm nay: Người hẳn là đã lặp đi lặp lại nhiều lần! Người dùng từ “ở lại” tới tám lần. Đức Giêsu nói với các môn đệ đang khi ăn bữa tiệc vào đêm trước ngày Người chịu chết. Trong bữa tiệc ly, Người nói với các ông rằng Người sẽ đi thật xa, mà ngay lúc này, các ông không thể theo Người được. Các ông phải tiếp tục hành trình mà không có sự hiện diện thể lý của Người – và chúng ta cũng vậy. Các ông chưa thực sự thành thạo nhưng Người tin tưởng các ông sẽ là những môn đệ sinh nhiều hoa trái. Làm thế nào các ông hoàn thành được nhiệm vụ này, nhất là, như Đức Giêsu, các ông sẽ không thoát khỏi thế gian thù ngịch và chống đối này (15:18)?
Thánh Gioan viết tin mừng cho cộng đoàn được tôi luyện trong đức tin Kitô giáo và cũng đang trải qua kết cục của người môn đệ. Nhiều người, như anh mù (9:1-14), người nhận được ánh sáng từ Đức Giêsu, bị ném ra khỏi hội đường và bị cắt đứt khỏi gia đình, bạn bè và cộng đoàn vì cách nhìn mới của họ. Giáo hội không nhằm thỏa hiệp với thế giới quanh mình. Nhưng, như Đức Giêsu và các ngôn sứ trước Người, chúng ta phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi của những người chưa được sinh ra, những người nghèo, người bị bỏ rơi hay bị cầm tù.
Làm thế nào cộng đoàn của Gioan và riêng khả năng cả chúng ta có thể sống tốt ơn gọi mà Đức Giêsu kêu mời chúng ta – trở nên những cành sinh đầy hoa trái? Việc “ở lại” trong Người, có nghĩa gì và, nếu như nó thực sự quan trọng như thế,tại sao Người không nói rõ cho chúngta biết chính xác chúng ta phải làm gì để “ở lại” trong Người và sinh hoa trái?
Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta có thể liệt kê một danh sách việc “ở lại” trong Đức Giêsu, cây nho đích thực, nghĩa là gì. Chắc chắn phải bao gồm sự thông dự cách trung tín vào trong đời sống phụng vụ và mục vụ của cộng đoàn của chúng ta.Chính bối cảnh văn hóa, địa lý và kinh tế của giáo xứ chúng ta sẽ hình thành nên cách thức chúng ta “ở lại” trong Đức Kitô.
Cách riêng, chúng ta “ở lại” trong Đức Giêsu qua lời cầu nguyện, đọc Sách Thánh, làm việc lành, sự yên lặng và chiêm niệm. Mỗi chúng ta có thể thêm vào trong danh mục này những cách mà chúng ta “ở lại” trong Đức Kitô và “sinh nhiều hoa trái”. Chúng ta không được giới hạn những cách thức cụ thể mà chúng ta sống cương vị tông đồ của chúng ta, như Đức Giêsu đã nói trước đây trong Tin mừng Gioan về Thánh Thần, “Gió muốn thổi đâu thì thổi” (3:8).
Có một điều chắc chắn. Có vẻ như không giống như điều Đức Giêsu mong muốn chúng ta tuyên bố vai trò môn đệ của chúng ta và ổn định trong lộ trình đời sống Kitô giáo. Không có đời sống Kitô giáo đều đặn, nếu nguồn sống của chúng ta không bắt nguồn từ luồng gió của Thánh Thần. Thánh Thần của chúng ta khơi lên trong Giáo hội rất nhiều những hình thức phục vụ, mỗi hình thức phân biệt, tất cả hoa trái của việc chúng ta ở lại trong Đức Kitô và Người ở trong chúng ta. Hình ảnh cây nho và cành nho không phải là hình anh của sự tù hãm, nhưng là một mô tả về việc đời sống của Đức Kitô ban cho ta và nâng đỡ đời sống mỗi chúng ta – những cành nho – ra sao.
Gần đây, tại một giáo xứ tôi đến giảng, tôi vào tham dự một lớp dành thiếu nhi. Đó là một phần chương trình được gọi là “Giáo lý của Mục tử nhân lành”. Giáo lý viên đọc câu chuyện Tin mừng và minh họa bằng cây nho trồng được trồng trong chậu. Chị ngắt một cành nhỏ khỏi cây nho. Chị và những đứa trẻ trong lớp, khoảng 5 tuổi, chia sẻ về việc “ở lại” trên cây nho, “tỉa” nho và sinh “nhiều hoa trái” có vẻ như giống trong đời sống của họ. Tôi xức động trước những suy nghĩ và sự sâu sắc của những câu trả lời của đám trẻ này. Để trình bày một cách trọn vẹn: Tôi đã dùng ví dụ đó khi giảng trong nhà thờ và được mời nói chuyện với thiếu nhi. Việc đầu tiên tôi làm là nhìn quanh nhà thờ để tìm một cái cây.
Đoạn văn này không phải là một bài giảng cứng nhắc về việc chúng ta phải ở lại trên cây nho – trong Đức Kitô như thế nào. Trước hết, đó là lối nói quang ra ngoài và đốt đi những cành cây không còn gắn trên Đức Kitô nữa. Nhưng chúng ta cũng đừng quên mất trọng tâm của câu chuyện – Đấng là trọng tâm của câu chuyện. Điều này, giống như những câu chuyện khác của Tin mừng, là một câu chuyện về ân sủng. Đức Giêsu nói với những người ngồi chung bàn trong bữa tiệc ly rằng các ông “đã được cắt tỉa” để các ông sẽ sinh nhiều hoa trái. Đó chẳng phải là một thông điệp giải phóng sao? Chẳng phải điều đó khích lệ sự sống, sự tự phát, và thậm chí cả nguy hiểm: ra đi và sinh nhiều hoa trái và không rụt rè, vì chúng ta ở trong Đức Kitô và Đức Kitô ở trong ta.
Chúng ta nghe bài Tin mừng trong thánh lễ này, và sự sắp xếp này giúp chúng ta áp dụng Sách thánh vào những gì chúng ta làm cùng nhau. Ở đây chúng ta nghe Lời Chúa và được ăn Mình Máu Chúa. Chúng ta nhớ rằng trong diễn từ Bánh Hằng Sống (6:56), Đức Giêsu hứa với cac môn đệ “những ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong họ”. Người cũng nói với chúng ta rằng chúng ta có thể ở lại trong Người nếu chúng ta ở lại trong lời của Người, “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông là môn đệ tôi” (Ga 8:31). Lời của Người sống trong ta và chúng ta sống trong Lời của Người.
Như các môn đệ Đức Giêsu đang nói với, chúng ta cũng ngồi quanh bàn. Chúng ta cũng đang trong tương quan mật thiết với Chúa, không phải vì công kênh và những thành quả của chúng ta đạt được, nhưng vì chúng ta đã đón nhận và đang đón nhận được ân sủng trong cộng đoàn này. Chắc chắn cốt lõi của Thánh lễ là lời nguyện tạ ơn và sự diễn tả niềm vui.
Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ:: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp
There are many metaphors in biblical literature. A metaphor is a way of making a comparison without using words such as “like” or “as.” How else could mere human language speak of God, except through metaphors or analogies? God is infinite and our ability to comprehend and speak of God is limited, so we use metaphors.
John’s Gospel is particularly rich in metaphors. He tells us that Jesus is the Lamb of God, the Light of the World, the Bread of Life, etc. Today’s gospel passage begins with more metaphors, “Jesus said to his disciples: ‘I am the true vine and my Father is the line grower.’”
The metaphor of the vine had been used before in the Old Testament. Israel is likened to God’s beloved vine (Isaiah 5:1-7; Jeremiah 2:21; Psalm 80:8-18). Isaiah, for example, describes the relationship between God and God’s people in terms of the vineyard. But Israel failed to fulfill its responsibility as God’s faithful vine. Now Jesus is describing himself as the new Israel when he calls himself the “true vine.” While humans failed in their covenant to be God’s faithful and just people, Jesus will fulfill that role. Because of his fidelity to God and his offering of his life on our behalf, we too can be fruitful branches.
Christ is the true vine and we are part of him. If we stay attached to him, by abiding in his word, sacraments and love, we will bear much fruit. Our second reading suggests the fruit Jesus’ disciples will yield. “Little children, let us love in deed and in truth and not merely talk about it. This is our way of knowing that we are committed to the truth and are at peace before him” (1 John 3:18).
Be careful with this second reading, for it can sound like we earn the indwelling with Christ by keeping the commandments. First, we abide in the risen Christ, our vine and so we share in the life that flows from him. Then, trusting in that life we have from him, we witness to our Christian discipleship by loving one another. Hence, we “…keep his commandments and do what pleases him.”
I think we non-gardeners can get what Jesus is saying today: he certainly repeats himself a lot! He uses “remain(s)” eight times. Jesus is speaking at table with his disciples the night before he died. In his farewell he tells them that he is going away and, for now, they cannot follow him. They will have to carry on without his physical presence – and so must we. They are not yet fully formed, yet he trusts that they can be fruitful disciples. How can they accomplish this, especially since, like him, they will not escape the world’s resistance and hostility (15:18)?
John was addressing his gospel to a community practiced in the Christian faith and also suffering the consequences of discipleship. Many, like the blind man (9:1-41), who had received his sight from Jesus, were thrown out of their synagogues and cut off from family, friends and community because of their new sight. John isn’t just addressing individual situations, but the experience of his community. The church is not supposed to get along with the world around it. Instead, like Jesus and the prophets before him, we must speak out for the rights of the unborn, poor, outsiders, prisoners and the created world.
How could John’s community and our own possibly be able to live up to the vocation Jesus is calling us to be – fruitful branches? It has to do with “remaining” in him. What could that possibly mean and, if it is as important as it seems, why didn’t he spell it out for us so we could know exactly what we must do to “remain” in him and be fruitful?
I think each of us might draw up a list of what “remaining” (other translations have “abiding”) in Jesus, the true vine, might mean. It certainly would include faithful participation in the liturgical and ministerial life of our parish community. While there would be much similarity, the unique cultural, geographical and economic context of our parish will shape the ways we “remain” in Christ.
Individually we “remain” in Jesus through prayer, reading Scriptures, good works, stillness, and meditation. Each of us can add to this general list of ways we “remain” in Christ and “bear much fruit.” We don’t have to limit the specific ways we live out our discipleship for, as Jesus said earlier in John about the Spirit, “the wind blows where it will” (3:8).
One thing is for sure. It doesn’t sound like Jesus expects us to claim our discipleship and then settle into a routine Christian life. There is no routine Christian life, not if the source of our life is the blowing wind of the Spirit. Ours is a Spirit that stirs the church to innumerable forms of service, each distinct, but all the fruits of our remaining in Christ and he in us. The image of the vine and the branches isn’t a stagnant one, but a description of how the life of Christ gives and supports the life of each of us – the branches.
Recently, in a parish where I was preaching, I sat in on a class for children that focused on today’s gospel. It was part of the program called, “The Catechesis of the Good Shepherd.” The catechist read the gospel story and illustrated it with a potted vine. She broke off one of the tiny branches from the central vine. She and her students, five-year-olds, shared about what “remaining” on the vine, “pruning” the vine and bearing “much fruit” would look like in their lives. I was moved by the insights these youngsters came to and how profound their responses were. Full disclosure: I have used that example when I have preached in parishes and been invited to speak to children. The first thing I do is look around the rectory for a plant!
This passage is not a stern lecture on how we must remain on the vine – in Christ. Initially that’s how it sounds when it speaks of throwing out and burning withered branches that have not remained in Christ. But we shouldn’t miss what’s at the heart of the story – whois at the heart of it. This, like all these gospel stories, is a story of grace. Jesus tells those sitting around a table at the Last Supper that they are “already pruned,” so that they will bear much fruit. Isn’t that a freeing message? Doesn’t that encourage vitality and spontaneity and even risk: go out and bear much fruit and don’t be timid, for we are in Christ and Christ is in us.
We hear this gospel at Eucharist today and this setting helps us apply the Scriptures to what we are doing together. Here we listen to the Word of God and eat and drink the flesh and blood of the Lord. We remember that in the Bread of Life discourse (6:56), Jesus promised his followers “those who eat my flesh and drink my blood abide in me and I in them.” He also told us that we can remain in him if we remain in his word, “If you live according to my teaching, you are truly my disciples” (8:31). His word lives in us and we live in his word.
Just like the disciples Jesus is addressing, we are also sitting around the table. We too are in close relationship with the Lord, not because of our own merits or achievements, but because we have received and are receiving the gift of grace at this assembly. It is no wonder that at the core the Eucharist is a prayer of gratitude and an expression of joy.
Fr. Jude Siciliano, OP
TÌNH YÊU PHẢI SINH HOA TRÁI
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Lời Chúa tuần rồi dạy chúng ta phải sống tình yêu. Lời Chúa hôm nay khuyến cáo chúng ta rằng tình yêu thật không phải chỉ là yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi nhưng phải sinh hoa trái. Những hoa trái ấy đối với Chúa là tuân giữ các điều răn của Ngài, và đối với người khác là những việc làm cụ thể biểu lộ lòng yêu thương. Xin Chúa giúp cho tình yêu của chúng ta sinh hoa trái.
II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta chưa yêu thương tha nhân cho đủ.
- Tình thương của chúng ta đối với người khác lắm khi chỉ là lời nói suông chứ chưa thể hiện bằng việc làm.
- Chúng ta ít chịu kết hợp gắn bó với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho.
III. Lời Chúa
- Bài đọc I (Cv 9:26-31)
Ðức Giêsu phục sinh đã hiện ra với Saulô (Phaolô), không phải chỉ để thánh hóa ông, mà còn trao cho ông một sứ mạng (x. Cv 9:6: “Ngươi hãy đứng dậy vào thành, và có người sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì”). Ý thức về sứ mạng đã khiến Saolô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng bước đầu thật khó khăn vì mọi người vừa không tin vừa còn sợ ông. Nhờ Banaba đứng ra bảo lãnh nên Saolô mới được đón nhận. Thế là Saolô bắt đầu thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Bài tường thuật kết thúc bằng bảng tóm lược những kết quả khả quan của việc rao giảng Tin Mừng.
- Ðáp ca (Tv 21)
Tv này rất hợp với hoàn cảnh của Phaolô: phần đầu (cc 1-19) mô tả cảnh tác giả bị ruồng bỏ. Nhưng trong phần sau (chính là phần được trích đọc hôm nay), tác giả đã được đón nhận, hăng hái truyền tụng những kỳ công của Thiên Chúa và hân hoan chúc tụng Ngài.
- Tin Mừng (Ga 15:1-8)
Dụ ngôn Cây Nho. Dụ ngôn này dạy chúng ta một cách vừa cụ thể dễ hiểu nhưng vừa rất sâu sắc về cuộc đời kitô hữu:
- Kitô hữu nếu muốn sống phong phú thì phải sống trong Ðức Giêsu và sống bằng sức sống của Ngài “Thầy là cây nho, các con là nhành… Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều trái“
- Kitô hữu cũng phải chấp nhận để cho mình “được Cha Thầy tỉa sạch” bằng những việc xảy ra không đúng ý mình làm cho mình đau khổ.
- Ðức Giêsu còn hứa một điều rất tốt đẹp: “Nếu các con ở trong Thầy và Lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được“
- Bài đọc II (1 Ga 3:18-24)
Ðoạn thư này cũng giúp hiểu chủ đề “tình yêu phải sinh hoa trái”: Yêu thương không phải chỉ bằng lời nói trên đầu môi chót lưỡi mà phải: bằng việc làm và bằng việc tuân giữ các điều răn của Ðức Giêsu.
IV. Gợi ý giảng
- Cây nho và cành nho
Ðức Giêsu không viết một quyển sách nào cả. Ngài cũng không xây dựng một ngôi nhà nào cả. Nhưng Ngài đã thực hiện một công trình lớn lao và cần thiết hơn nhiều, đó là xây dựng một cộng đoàn. Ngài nói với các môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Ðó chính là hình ảnh Ngài dùng để nói về cộng đoàn mà Ngài xây dựng, một hình ảnh rất súc tích: Vào mùa xuân, các cành nho vươn ra, đơm lá, trổ hoa. Ðến mùa thu thì các cành đã nặng trĩu những chùm nho tươi tốt. Nhưng sở dĩ cành sinh lá, trổ hoa và kết trái là nhờ chúng nối liền với cây nho. Nếu cắt lìa chúng khỏi cây thì chẳng những chúng không có trái, mà còn héo tàn dần và cuối cùng thì chết. Cành nho cần đến cây nho thế nào, chúng ta cũng cần đến Ðức Kitô thế ấy. Nếu không kết hợp với Ngài, chúng ta sẽ không có sức sống và không thể sinh trái. Nhưng cây nho cũng cần đến cành nho, bởi vì chính cành nho sinh ra trái nho. Nói thế nghĩa là Ðức Kitô cũng cần đến chúng ta. Chúng ta là cành của Ngài. Như thế cây nho và cành nho đều cần tới nhau. Hai bên tạo thành một thể hiệp nhất. Từ đó chúng ta mới hiểu Ðức Kitô rất tin tưởng và trông cậy nơi chúng ta. Có thể chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng với sự tin tưởng trông cậy ấy, tuy nhiên chúng ta phải nhớ rằng bên cạnh chúng ta còn có Ngài nữa. Cành nho có thể yếu ớt và mong manh, nhưng cây nho thì rất vững chắc và dồi dào sức sống. Ðức Kitô muốn nhờ chúng ta để sinh trái cho thế giới. Có một khác biệt lớn giữa thành công và sinh trái. Thành công đến từ năng lực, và mang lại vinh quang. Nhưng việc sinh trái thì thường đến từ sự yếu đuối, khổ đau và nhiều khi chẳng ai nhận biết mà khen thưởng. Ðức Kitô không bảo chúng ta phải thành công, nhưng Ngài dạy chúng ta sinh trái. Mỗi người chúng ta đều được Ngài ban cho một số khả năng nào đó. Bằng cách sử dụng, phát triển và chia xẻ những khả năng đó với người khác, chúng ta sẽ sinh trái. Thế giới đang chờ những trái ấy. Mà điều quan trọng là yêu thương. Thiên Chúa sẽ làm cho tình yêu của chúng ta sinh trái, những trái chúng ta thấy được và cả những trái chúng ta không thấy. Sang mùa đông, các cành nho được cắt tỉa. Cắt tỉa là một tiến trình cần thiết cho cành nho: bỏ đi tất cả những gì thừa thải chẳng ích lợi gì mà còn làm hao mòn sức sống của cây nho. Mục đích của cắt tỉa không phải là làm cho cành bị đau mà là để giúp chúng sẽ sinh trái nhiều hơn và tốt hơn nữa. Vì chúng ta là những cành của Cây nho thật là Ðức Kitô nên chúng ta cũng cần được cắt tỉa. Có rất nhiều điều chẳng những vô ích mà còn có hại cho sự sống chúng ta, làm hao hụt năng lực chúng ta và cản trở sự sinh hoa trái thiêng liêng của chúng ta. Nếu Ðức Kitô cắt tỉa chúng ta bằng những gian truân thử thách, đó là vì Ngài muốn chúng ta sinh nhiều trái hơn. (Viết theo Flor McCarthy)
- Sống với
Nhiều người nói rằng: “Tôi cần gì đến nhà thờ chứ? Tôi không thể tôn thờ Chúa theo cách của tôi sao? Tôn giáo là sự liên hệ cá nhân giữa tôi và Chúa cơ mà!” Hãy nhớ rằng ngay từ những buổi đầu, việc theo Ðức Giêsu không bao giờ là một việc cá nhân và riêng tư. Các kitô hữu sống chung trong cộng đoàn, cùng nhau tuyên xưng niềm tin, cùng nhau làm chứng về Ðức Kitô sống lại, và cùng nhau sống theo những điều Ngài dạy dỗ. Lý do sâu xa của nếp sống cộng đoàn ấy được chính Ðức Giêsu giải thích khi Ngài nói “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Cây nho và cành nho là một. Có một sự lệ thuộc hỗ tương giữa cây với cành và cành này với cành khác. Nếu nói “Tôi theo Ðức Kitô nhưng không theo Giáo Hội” tức là chia cách Ðức Kitô khỏi Giáo Hội, là cắt cành khỏi cây. Những môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu đã nhìn thấy Ngài, ăn uống với Ngài và trò chuyện với Ngài sau khi Ngài sống lại. Nhờ đó họ cảm nghiệm rất sâu xa sự liên kết với Ngài, một sự liên kết mà nhờ đó họ được tăng sức hơn. Ðức Giêsu đã chọn họ, làm cho họ thành bạn hữu của Ngài, rồi sai họ ra đi để sinh hoa trái, hoa trái của tình thương. Chúng ta sẽ biết mình là những cành nho đầy sức sống của cây nho nếu trong chúng ta thực sự có tình thương mến, tình thương mến ngự trị giữa nhau và thể hiện bằng sự chăm sóc cho nhau.
- Hoa trái xum xuê
Nếu ta gắn bó với Người, Ðức Giêsu sẽ cho ta hoa trái xum xuê như Người đã hứa: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy người ấy sẽ sinh hoa trái xum xuê”. Ðời ta có thể nên phong phú nhờ sự phong phú của Thiên Chúa. Ta nên những môn đệ đích thực và ta làm vinh danh Chúa Cha. Lời cầu của ta cũng tương tự lời cầu của Ðức Giêsu. Người biết Chúa Cha luôn nhận lời Người: “Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con các con hãy xin điều các con muốn và các con sẽ được như ý”. Ta có thể xin gì khác hơn thánh ý Chúa Cha? Người môn đệ đích thực của Ðức Giêsu không đơn thuần là kẻ đi theo Người. Trong anh ta, chính Ðức Giêsu ngự đến sống đời sống của anh, biến đổi đời sống ấy và làm cho nên phong phú. Thánh Phaolô sẽ nói: “Không phải tôi sống, chính Ðức Kitô sống trong tôi”. Môn đệ là người “mang Ðức Kitô”. Nếu môn đệ trung tín với Lời Người, anh sẽ nối dài sự hiện diện và hoạt động của Ðức Giêsu trên trần gian. Tim anh sẽ đập cùng một tình yêu đó, đời anh sẽ dâng lên Chúa Cha cũng niềm vinh danh đó, lời anh sẽ loan báo cũng Tin mừng đó, cử chỉ anh sẽ phiên dịch cũng ơn cứu độ đó. Ðây không phải là bắt chước, nhưng là một chuyển biến sâu xa. Chính Thiên Chúa sinh hoa kết quả xuyên qua hoạt động của anh. Chẳng đời nào ta dám tưởng tượng ra một sự thân thiết thâm sâu dường ấy! Nên Ðức Giêsu đã phải nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại để hiểu hơn: “Ngoài Thầy, các con không làm được gì”. Ta rất dễ bị cám dỗ, chiếm hữu Lời Người, dùng Lời Người để tự mình hướng dẫn đời sống muốn, để tự ta thấy trước những hoa trái ta muốn có… Thực ra, nếu ta là những môn đệ đích thực, thì chính Lời Ðức Giêsu sẽ nắm lấy ta, sẽ cắt tỉa ta. Khi ấy, cuộc đời ta sẽ biến đổi, nhựa sống của cây nho thật sẽ căng phòng lên ở các cành nho của ta và sản sinh trong ta hoa trái xum xuê”. (Mgr. L. Daloz trong “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người” DDB, trang 192. Trích dịch bởi Fiches dominicales, năm B)
- Liên kết với Người
Một thầy kiện mới mở được một văn phòng luật sư khang trang lịch sự. Bỗng nghe có tiếng chân người ngoài cửa bước vào, ông vờ như không thấy. Vội nhắc ống diện thoại lên, nói thật to trong ống nghe: – Alô, văn phòng luật sư đây. – Vâng, từ ngày tốt nghiệp đại học đến nay, tôi đã thắng nhiều vụ kiện lớn. Các công ty danh tiếng đều nhờ cậy tôi. Tôi được rất nhiều người tin tưởng. Tuy thu nhập cao nhưng tôi luôn dành 10% cho các công việc từ thiện. Có tiếng gõ cửa, ông quay lại, thấy người đàn bà đang đứng chờ từ nãy, ông mới lịch sự thưa: – Xin lỗi bà, tôi có khách quý đến. Quay lưng lại, anh hỏi người vừa bước vào: – Anh cần gì? – Thưa luật sư, có phải hôm nay là ngày đầu tiên văn phòng của ngài bắt đầu làm việc? – Ðúng thế, anh cần tôi giúp vụ kiện nào? – Dạ thưa không tôi là người của công ty điện thoại được cử đến để gắn đường dây điện thoại cho ngài!
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại mối liên hệ của chúng ta với Chúa. “‘Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái” (Ga. 15, 5). Ðức Giêsu Phục sinh là cây nho, các tín hữu Kitô là cành. Cây và cành có chung một dòng nhựa, nên cùng một sự sống. Càng gắn bó với cây, cành càng sinh nhiều hoa trái. Nếu ngược lại cành sẽ héo tàn. Ví như đường dây điện thoại của ông luật sư, không có nối với tổng đài thì đâu có liên lạc đối thoại: không có liên lạc đối thoại thì đâu có khách hàng, lợi nhuận! Cành chỉ giả vờ gắn liền với cây, nên làm gì có sinh hoa trái. Cành nào đã sinh trái, càng phải sinh trái nhiều hơn. Muốn sinh nhiều trái hơn, cành cần được cắt tỉa đớn đau. Có cắt tỉa vun xới, cành mới sinh hoa kết quả. Ðức Giêsu trên cây thập giá, như một thân nho trơ trụi. Ðó là lúc phát sinh hoa trái nhiều hơn cả. Từ cạnh sườn Người bị đâm thấu, Giáo hội đã được sinh ra, và đơm bông kết trái dồi dào. Mỗi người tín hữu Kitô cũng phải được cắt tỉa, vun xới bằng hy sinh đau khổ hằng ngày, mới trổ sinh hoa trái dồi dào. Niềm vui và đau khổ không nhất thiết phải khử trừ nhau. Ðôi khi nó réo gọi nhau, trong những cuộc đàm thoại huyền nhiệm. Vì thế hy sinh không là bóp nghẹt cuộc đời, nhưng làm cho đời thêm triển nở tốt tươi. Ðiều quan trọng là “Hãy ở lại trong Thầy” vì “Nếu không có Thầy các con không thể làm gì được” (Ga. 1:5). Ở lại trong Thầy và liên kết với Thầy qua đường dây “Cầu nguyện và bí tích”. Tất cả sức sống của Ðức Giêsu được chuyển thông từ đó, khả năng kết trái cũng phát sinh từ đó. Ðức Giêsu dạy: “Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin sẽ được” (Ga. 15:7). Nếu Ðức Kitô là Cây Nho đích thực, và Người Trồng Nho là chính Thiên Chúa thì chúng ta hãy là những cành nho căng nhựa sống, để dâng hiến cho đời những hoa trái tốt tươi.
Lạy Chúa, Chúa muốn cắt tỉa chúng con khỏi những rườm rà, để cây đời chúng con trổ sinh nhiều hoa trái. Xin cho chúng con can đảm, dám sống theo những đòi hỏi cắt tỉa của Chúa. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
- Ở lại
Ðoạn Tin Mừng này chỉ có 8 câu, vậy mà có tới 8 lần chữ “Ở lại”. Thử tò mò đọc lại từng lần để xem mỗi lần có ý nghĩa gì đặc biệt không: -Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. -Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế nếu không ở lai trong Thầy. -Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều trái. -Ai không ở lại trong Thầy thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. -Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Sau đây là một số ý nghĩa mà chúng ta có thể khám phá ra được: -“Ở lại” là gì? Như cành nho ở lại trong cây nho -(1) Là một sự liên kết chặt chẽ đến nỗi tuy hai nhưng thành một. Cây nho và cành nho tuy một bên là “cây” một bên là “cành”, nhưng cả hai đều là “nho”. (2) Sự liên kết này không cần cho một bên nhưng rất cần cho bên kia. Cây nho không cần đến cành nho lắm, nhưng cành nho thì nhất thiết phải “ở lại” trong cây nho. (3) Sự liên kết phải vững bền, nghĩa là mãi mãi, không lúc nào mà không liên kết. Khi nào cành không liên kết với cây thì nó không còn là cành nho nữa mà trở thành cành củi. -Tóm lại, “ở lại” trong Ðức Giêsu là điều kiện sống còn, không thể không có đối với kitô hữu. -Ai “ở lại” trong ai? Ðức Giêsu và kitô hữu “ở lại” trong nhau. Về phía Ðức Giêsu thì đương nhiên Ngài ở lại trong chúng ta rồi. Nhưng Ngài nhắc chúng ta cũng phải “ở lại” trong Ngài: “Hãy ở lại…”, “Như Thầy ở lại trong anh em”. -Ích lợi của “ở lại”: được sống, sinh hoa trái, muốn gì cứ xin và sẽ được. -Tai hại của “không ở lại”: bị quăng ra ngoài, khô héo, không thể sinh trái. -Làm thế nào để “ở lại” trong Ðức Giêsu? ghi nhớ và thực hành Lời Ngài.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Ðức Giêsu là cây nho, chúng ta là cành, cành nào liền với cây mới sinh hoa trái, và cành nào được cắt tỉa lại càng sinh nhiều hoa trái hơn. Chúng ta hãy tha thiết dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện sau đây:
- Xin cho giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân trong Hội thánh / luôn hiệp thông với Ðức Giêsu nhờ phụng vụ và bí tích, để có thể sinh nhiều hoa trái trong việc phục vụ và truyền giáo.
- Xin cho mọi người đang phục vụ trong mọi hoàn cảnh xã hội / biết chấp nhận gian nan thử thách / để rút tỉa kinh nghiệm và phục vụ kết quả hơn.
- Xin cho những người đau khổ, tật nguyền / những người bị tù đày áp bức / biết hiệp thông với cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu / để góp phần đền tội cho những kẻ tội lỗi.
- Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta / biết vui lòng đón nhận mọi đau khổ thử thách như được Chúa cắt tỉa / để có thể sinh hoa trái nhiều hơn trong tình mến Chúa yêu người.
Chủ tế: Lạy Chúa, Ðức Giêsu đã dạy chúng con phải hiệp thông với Người như cành liền cây, thì xin gì cũng sẽ được. Xin giúp chúng con đừng bao giờ lìa xa Người, để mọi lời cầu xin đều được Chúa chấp nhận. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.
VI. Trong Thánh lễ
- Trước kinh Lạy Cha: Ðức Giêsu là cây nho, chúng ta là cành. Vậy chúng ta hãy kết hợp tâm tình với Ðức Giêsu để dâng lên Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu và cũng là Cha chúng ta lời nguyện sau đây.
- Chúc bình an: Trong tình yêu siêu nhiên nối kết chúng ta với Ðức Giêsu và với nhau, chúng ta hãy thành thật chúc cho nhau được bình an.
VII. Giải tán
Mặc dù Thánh lễ sắp kết thúc và chúng ta sắp rời khỏi Nhà thờ, nhưng chúng ta hãy tiếp tục sống kết hợp với Ðức Giêsu như cành nho gắn liền với cây nho.
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái