Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the gd-system-plugin domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114

Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the google-document-embedder domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114
Kính Mình Máu Thánh Chúa, năm A – TỈNH DÒNG ĐỒNG CÔNG HOA KỲ

  • Bánh hằng sống bởi trời-Lm Đinh Lập Liễm
  • Bánh ban sự sống vĩnh cửu-Lm Minh Vận, CRM
  • Hiến Lễ Cuộc đời-Lm Jos Tạ Duy Tuyền
  • sức sống dâng trào-Thiên Phúc
  • Thánh thể quà tặng của Thiên Chúa-Sr Lệ Tâm
  • Này là Mình Thầy..Lm Anton Nguyễn Văn Độ

LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ A

Lm Đinh Lập Liễm

BÁNH HẰNG SỐNG BỞI TRỜI +++ A. DẪN NHẬP.

Mặc dầu ngày thứ năm tuần thánh, Giáo hội đã kỷ niệm việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta, hôm nay Giáo hội tiếp tục cử hành lễ kính Mình Máu thánh Chúa Kitô để giáo dân có nhiều thì giờ suy niệm về phép Thánh Thể, thúc giục giáo dân thêm lòng yêu mến tôn sùng. Qua Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta được hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể này, đồng thời thúc giục chúng ta năng rước lễ để lãnh nhận Chúa Giêsu làm lương thực nuôi linh hồn chúng ta trên bước đường đi về Quê Trời.

Qua các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy Thánh Thể thực sự đã được loan báo từ trước bằng những hình ảnh. Manna mà Thiên Chúa ban cho dân Israel dùng trong sa mạc suốt bốn mươi năm chẳng phải là hình bóng phép Thánh Thể mà Đức Giêsu đã lập sao ? Thánh Phaolô cũng nhắc lại cho tín hữu Corintô tư tưởng trên : dân Israel đã được ăn manna, uống nước từ tảng đá… để nói lên rằng tòan dân Israel đã được thừa hưởng bao hồng ân của Thiên Chúa.

Lời Chúa trong đọan Tin mừng thánh Gioan là những lời Đức Giêsu diễn giảng về Bánh hằng sống, Bánh từ trời, Bánh ban sự sống thần linh. Bánh đó chính là Đức Giêsu Kitô. Thịt máu Ngài đã trở nên cơm bánh, trở thành lương thực, trở thành của ăn của uống giúp con người đi vào thế giới của Thiên Chúa kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Bánh này trổi vượt hơn Manna trong sa mạc mà tổ tiên dân Israel đều đã được ăn. Vì thế ai ăn bánh này sẽ được sống vĩnh cửu trong Vương quốc của Thiên Chúa.

Trung tâm đời sống Kitô hữu là Thánh Thể, mà Thánh Thể là một nhiệm tích tuyệt diệu làm cho Đức Kitô hiện diện thực sự với dân chúng trong mầu nhiệm Vượt qua. Trong bữa ăn sau hết, chính Ngài bị nộp, Ngài đã thiết lập hiến tế tạ ơn bằng Mình và Máu Ngài. Hiến tế của Tình yêu. Hiến tế của hiệp nhất, giây liên kết đức bác ái, bữa tiệc Vượt qua trong Đức Giêsu là của ăn. Xét theo phương diện này, hôm nay ngày lễ kính Mình Máu Chúa Kitô, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm nhiệm tích Thánh Thể là lương thực nuôi linh hồn vì Đức Giêsu đã nói với chúng ta :”Ta là bánh hằng sống từ trời ban xuống”(Ga 6,51).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1 : Đnl 8,2-3.14-16.

Thiên Chúa đã cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ của Ai cập, dẫn dắt họ suốt 40 năm trường trong sa mạc để vào đất hứa. Kết thúc cuộc hành trình, trước khi tiến vào Đất Hứa, ông Maisen khuyên bảo dân đừng bao giờ quên những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho. Trong số những ơn lành Chúa đã ban, dân Chúa hãy nhớ lại việc Thiên Chúa đã nuôi sống họ bằng cách ban manna từ trời xuống và cũng làm cho nước từ tảng đá vọt ra để thỏa mãn cơn khát khao.

Nhưng đấy mới chỉ là thức ăn vật chất nuôi phần xác thôi, còn cần phải có một thức ăn thiêng liêng khác là Lời Chúa và Thánh Thể nuôi sống linh hồn loài người nữa. + Bài đọc 2 : 1Cr 1o,16-17.

Nhận thấy trong cộng đoàn tín hữu ở Côrintô có sự bất hoà, chia rẽ, thánh Phaolô khuyên nhủ họ hãy đoàn kết lại, hiệp nhất trong tình yêu thương. Ngài cho biết : Thánh Thể chính là mối dây tuyệt hảo của sự hiệp nhất. Khi chúng ta hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thì chúng ta cũng phải thể hiện sự hiệp thông ấy ra trong đời sống cộng đoàn bằng cách phải hiệp nhất với nhau. Cũng như chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều người cũng chỉ là một thân thể.

+ Bài Tin mừng : Ga 6,51-58.

Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, không nghĩ đến ăn uống. Thấy họ đói, Chúa Giêsu đã nuôi sống họ bằng cách làm cho bánh hoá nhiều. Dân chúng được ăn no nê thừa thãi thứ bánh vật chất mà Ngài vừa làm phép lạ cho có nhiều. Bây giờ Chúa muốn đưa họ đến một thứ lương thực cao qúi hơn. Vì thế, Ngài loan báo cho họ một thứ bánh khác. Bánh đó chính là Mình Máu Ngài, Bánh hằng sống mang lại ơn cứu độ cho thế gian.

Chúa Giêsu đã khẳng định mặc dầu người ta không hiểu cũng như không muốn hiểu :”Ta là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời, và bánh Ta sẽ ban tặng, chính là thịt Ta đây, để cho thế gian được sống… Ai ăn thịt và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Thánh Thể, nguồn sống thiêng liêng.

Trong lời mở đầu của thông điệp về Bí tích Thánh Thể “ECCLESIA DE EUCHARISTIA”, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã xác tín “Giáo hội múc nguồn sự sống từ Bí tích Thánh Thể. Sự thật này không đơn thuần diễn tả một kinh nghiệm thường nhật của đức tin, nhưng tóm kết cốt lõi của mầu nhiệm Giáo hội. Trong niềm hân hoan, Giáo hội kinh nghiệm, dưới nhiều hình thức, sự thực hiện liên lỉ lời hứa “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20). Kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần , Giáo hội bắt đầu cuộc hành trình đi về Quê Trời, bí tích thần thiêng tiếp tục ấn dấu trên ngày sống, bằng cách tuôn đổ trên họ niềm hy vọng tin tưởng”.

Công đồng Vatican II tuyên bố cách xác đáng rằng: “Mọi Bí tích đều liên hệ và hướng về Thánh Thể. Vì phép Thánh Thể chứa mọi kho tàng thiêng liêng của Giáo hội, nghĩa là chính mình Chúa Kitô Phục sinh. Phép Thánh Thể là nguồn suối, là chóp đỉnh việc rao giảng Tin mừng” (P.O, số 5).

Thánh Thể đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống Giáo hội và giáo dân, nên Giáo hội lập ra lễ kính Thánh Thể để thúc giục giáo dân gia tăng lòng tôn sùng phép Thánh Thể. Lễ kính này đã manh nha ở thành phố Liège bên Bỉ với những ơn lạ của chị dòng Juliana về phép Thánh Thể từ năm 1208 cho mãi đến năm 1263 với phép lạ máu Chúa chảy loang thấm ướt khăn thánh ở làng Polsena bên Đức. Ngày 8.9.1264, Đức Thánh Cha Urbanô ban sắc lệnh Transiturus lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa Kitô trên khắp hoàn cầu.

I . THÁNH THỂ, NGUỒN SỐNG CỦA KITÔ HỮU.

Con người có hồn có xác. Cả hai liên kết chặt chẽ với nhau. Muốn sống cần phải có ăn, không ăn thì chết. Nhưng hồn và xác lại có những của ăn khác nhau. Xác cần có của ăn vật chất, hồn lại có của ăn thiêng liêng là chính Mình Máu thánh Chúa Kitô như lời Ngài đã dạy.

1. Của ăn thể xác.

Người ta thường nói :”Có thực mới vực được đạo” (Tục ngữ). Nói như thế có nghĩa là phải có của ăn phần xác nuôi sống đã , phải sống đã rồi mới có thể thực hiện việc đạo nghĩa được. Nhiều người nói quả quyết hơn :”Dĩ thực vi tiên” : phải lấy cái ăn làm đầu. Câu tục ngữ trên cũng có nghĩa tương đương với câu ngạn ngữ La tinh :”Manducare priusquam philosophare” : ăn đã rồi hãy nói triết lý , vì không có ăn thì lấy hơi đâu mà nói triết lý ?

Bất kỳ ai cũng phải ăn, không ăn nhiều thì ăn ít. Càng ăn nhiều thức ăn có độ dinh dưỡng cao thì người càng mập , béo , khỏe mạnh. Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng thì người sẽ gầy còm, ốm o.

Trung bình mỗi người lớn một ngày phải được cung cấp 2.600 calories, nhưng trong thực tế, trừ một số nước tiên tiến mỗi ngày được cung cấp tới 3,130 calories, khiến con người họ to cao, bép mập ; còn đa số dân chúng ở các nước kém mở mang chỉ được cung cấp dưới mức trung bình ấy. Một số nước mỗi người chỉ được cung cấp 1.700 calories mỗi ngày, và tệ hơn nữa, một số nước ở Phi châu chỉ được cung cấp 1.200 calories mỗi ngày. Theo tin tức của đài truyền hình cho biết : tính tứ năm 1975 đến nay, chiều cao của trẻ em Việt nam đã tăng thêm được vài centimét.

Trong kinh “Lạy Cha” chúng ta vẫn cầu xin Chúa cho chúng ta có của ăn hằng ngày :”Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Lương thực đây phải hiểu là lương thực của phần xác và phần hồn. Nhưng dù sao chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta có của ăn của để, đừng để chúng ta thiếu thốn quá mà bỏ bê việc đạo.

Người Việt nam chúng ta rất thực tế, không ước ao được giầu sang phú qúi đến mức dư dật, vì như thế có thể làm cho người ta dễ hư hỏng hoặc làm cho người ta thêm lo lắng đêm ngày :

Ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy, Ăn cơm với cáy thì ngáy o o.

Trong thực tế của đời sống hằng ngày, họ chỉ cần hai chữ “bình an”, họ chỉ ao ước được hưởng những hạnh phúc thông thường, như thế họ đã mãn nguyện :

Ăn được ngủ được là tiên, Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo, (Ca dao)

2. Của ăn phần hồn.

Nếu chúng ta nói : thân xác phải ăn thì mới sống được, chúng ta phải nói thế nào về phần hồn ? Dĩ nhiên, linh hồn cũng phải ăn thì mới sống được, nhưng của ăn nuôi sống linh hồn không phải là của ăn vật chất như cơm bánh hằng ngày ta ăn, mà là của ăn thiêng liêng. Nói khác đi, của ăn đó chính là Mình máu Chúa Kitô.

Trong sa mạc, dân Israel đã được ăn manna hằng ngày để nuôi thể xác. Chúa Giêsu cũng làm phép lạ cho bánh hoá nhiều để nuôi phần xác cho dân chúng khi đói. Ngoài bánh ấy ra, Chúa Giêsu còn hứa sẽ ban cho họ thứ bánh khác, không phải là thứ bánh họ đã ăn, bánh này ăn vào sẽ không bao giờ đói nữa :”Ta là bánh hằng sống, ai đến cùng Ta không khi nào đói, ai tin kính Ta chẳng bao giờ khát “(Ga 6,35). Ngài hứa ban bánh hằng sống, dân chúng ước ao ăn bánh này cho khỏi đói khát nữa. Nhưng Chúa Giêsu còn muốn đưa họ lên cao hơn, Ngài muốn nói về một thứ bánh hằng sống chân thật, đó là chính Thịt Máu Ngài.

Mặc dầu Ngài nói như thế, người ta sẽ không tin, còn làm cớ vấp phạm cho nhiều người đến nỗi có nhiều người bỏ đi vì thấy nó chói tai quá, kể cả môn đệ cũng có một số bỏ đi. Tuy thế, Ngài cứ nói, nói một cách thẳng thừng :”Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi : nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con người thì các ngươi chẳng được sống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54-55).

Để bảo tồn sự sống, mọi sinh vật phải có thức ăn thích hợp với bản tính riêng. Linh hồn chúng ta đã được thần hóa, nên cũng cần có một thức ăn thích hợp với nếp sống mới đó. Thức ăn này phải là do việc thông hiệp vào thịt máu Chúa Giêsu ban cho :”Ta là bánh hằng sống. Các ngươi hãy cầm lấy mà ăn vì này là mình Ta. Các ngươi hãy lãnh nhận mà uống, vì này là máu Ta. Ai ăn mình và uống máu Ta sẽ được sống. Vì mình Ta thực là của ăn, máu Ta thật là của uống”.

Ai lãnh nhận mình máu Chúa Kitô, người ấy được kết hợp với Chúa, được tan biến trong Chúa để cả hai nên một, để người ấy có thể nói như thánh Phaolô :”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Trong khi rước lễ, chúng ta coi mình như đón nhận Chúa Giêsu , Chúa Giêsu ngự vào lòng tôi. Chúng ta nói về sự hiệp lễ như là ôm ẵm Chúa. Nhưng hiệp lễ cũng có nghĩa là Chúa ôm ẵm chúng ta. Chúa Giêsu đón nhận chúng ta vào lòng Ngài cách đặc biệt. Không chỉ là Chúa Giêsu ngự trong chúng ta, mà chúng ta cũng ở trong Chúa Giêsu. Đó là ý nghĩa của điều Chúa nói với chúng ta trong Tin mừng hôm nay :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”. Chúng ta có thể nói như thánh Inhaxiô :”Đây là nơi Chúa Giêsu bồng ẵm tôi”.

Thánh Cyrillô thành Alexandria so sánh sự hiệp nhất này với hai miếng sáp ong hoà lẫn với nhau. Thánh Têrêsa thành Lisieux đã diễn tả sự hiệp lễ lần đầu của ngài như là sự tan hòa với Chúa Kitô.

Chúng ta hãy suy nghĩ điều này và bắt đầu nhận thức rằng sự quan trọng không phải là tình yêu, lòng khao khát hay những lời cầu nguyện của chúng ta, mặc dầu tất cả cần phải có. Sự quan trọng nhất là tình yêu vô biên của Chúa Giêsu. Ngài ước mong ôm ẵm chúng ta, chia sẻ chính đời sống Ngài cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta ở lại trong Ngài như chúng ta muốn Ngài ở lại trong chúng ta (GM Arthur Tonne, Bài giảng Tin mừng CN năm A, tr 79).

Mỗi khi rước Chúa ngự vào lòng, chúng ta muốn được hoà tan trong Chúa, muốn được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, muốn được đổi mới con người của mình. Dĩ nhiên, sự đổi mới này chỉ có tính cách thiêng liêng, nghĩa là linh hồn chúng ta được đầy tràn ơn Chúa, được trở nên thánh thiện hơn, làm chiếu toả Chúa ra bằng cách sống hằng ngày, còn thân xác chúng ta thì không có gì thay đổi. Truyện : Biến đổi trong Chúa. Một người ngoại giáo hỏi người bạn Công giáo : – Người Công giáo các bạn ăn Chúa Kitô phải không ? – Vâng, người Công giáo trả lời. Người kia hỏi tiếp : – Vậy sao các bạn không trở nên như Chúa ? Một lát sau, khi đi ngang qua trại heo, người Công giáo hỏi : – Bạn có khi nào ăn thịt heo không ? – Rất nhiều lần. Mà hỏi làm gì vậy ? – Sao bạn chưa biến đổi thành heo ? Đó là câu trả lời cứng cỏi nhưng kiến hiệu cho câu hỏi cứng cỏi. Trong thực tế, chúng ta được biến đổi trong Chúa cách thiêng liêng nhờ sự rước lễ. (GM Arthur Tonne, Góp nhặt, tr 8-9)

II. THÁNH THỂ LÀ MỘT MẦU NHIỆM.

Trong Thánh lễ, ngay sau truyền phép Mình thánh, Linh mục đã nhắc nhở cho giáo dân :”Đây là mầu nhiệm đức tin”. Hội thánh muốn nhắc nhở cho giáo dân : Thánh Thể là một mầu nhiệm, không trí khôn nào có thể suy thấu, chỉ dùng con mắt đức tin mà chấp nhận. Với con mắt xác thịt, không ai có thể trông thấy Chúa trong hình bánh hình rượu với cả mình và máu, nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu, nhưng không thấy không có nghĩa là không có. Như kinh nghiệm cho chúng ta thấy : ban ngày người mù đâu có thấy ánh sáng, nhưng không thấy ánh sáng thì không thể phủ nhận được sự hiện hữu của mặt trời. Mặt trời vẫn có đó.

Sau khi truyền phép Mình thánh, bánh và rượu đã trở nên mình máu Chúa Kitô. Cả con người của Chúa Giêsu ở trong đó : thịt và máu, nhân tính và thần tính. Chúa Giêsu đang hiện diện trong hình bánh hình rượu.

Chúng ta phải phân biệt hai sự hiện diện : – Hiện diện tượng trưng (Presentia symbolica) – Hiện diện thực sự (Presentia realis).

1. Hiện diện tượng trưng :

Là tin rằng Chúa Giêsu hiện diện trong hình bánh, coi như Ngài hiện diện trong đó, nhưng thực sự không có thịt máu Ngài trong đó. Như thế là chối bổ sự biến thể (transsubstantiatio) mà Giáo hội dạy : sau truyền phép thì bánh rượu chỉ còn hình dáng bề ngoài(species), còn bản thể (substantia) đã trở nên mình máu Chúa Kitô rồi. Đối với sự hiện diện tượng trưng này , mọi người dễ hiểu, dễ chấp nhận vì nó phù hợp với sự hiểu biết của lý trí con người, không cần dùng đến con mắt đức tin.

2. Hiện diện thực sự.

Đây là vấn đề gai góc. Hiện diện thực sự là có sự hiện diện thực của Chúa Giêsu với mình và máu, với nhân tính và thần tính của Người. Cả con người của Ngài hiện diện trong đó mặc dầu con mắt xác thịt chúng ta không thấy. Đây thực sự là mầu nhiệm đức tin.

Theo cuộc thăm dò ý kiến của Gallup tường trình cho biết, chỉ có 1/3 giáo dân Công giáo Hoa kỳ tin có sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, số khác chỉ tin Bí tích Thánh Thể là biểu tượng cho sự hiện diện thật của Chúa Kitô.

Phản ứng trước cuộc thăm dò này, các Giám mục Hoa kỳ đã nhắc lại một thông tư trong hội nghị hội đồng Giám mục Hoa kỳ vào tháng 6/2001 “Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể : Những câu hỏi và trả lời căn bản”. Trong bản văn này xác định lại một lần nữa trong Bí tích Thánh Thể “toàn thể con người Đức Kitô thật sự hiện hữu dưới hình thức bánh và rượu, thân xác, máu, linh hồn và thần linh”.

Truyện : Hiện diện thực sự. Một linh mục và một mục sư Tin lành ở cùng một tỉnh thường nói chuyện với nhau nhiều về đạo. Thời gian trôi qua, mục sư bắt đầu tin những chân lý của đạo Công giáo dần dần. Ông tin hết mọi chân lý, trừ có một – chân lý Chúa ngự thật trong phép Thánh Thể. Chân lý duy nhất này ông không thể nào tin được. Ông vẫn nói :”Nếu tôi có thể tin được rằng tôi rước lấy Chúa thực sự khi chịu lễ, thì chắc là tôi sẽ hạnh phúc nhất trên đời ; nhưng xem chừng tôi không thể tin được”.

Ít lâu sau, vị mục sư đau nặng, Linh mục đến thăm ông, nhưng ông mê man bất tỉnh. Qùi gối bên giường, linh mục cầu xin Chúa ban cho mục sư tỉnh lại và lời cầu nguyện của ngài đã được Chúa nghe. Vị mục sư hấp hối đó mỉm cười và xin được phép ngồi lên, tựa lưng vào gối. Ông có thể tiếp tục nói, nhưng mắt ông nhìn chòng chọc vào cái gì ở chân giường. Ông chỉ tay, nhưng vị linh mục không trông thấy gì cả. Rồi người hấp hối cứ nhìn chòng chọc và bỗng nhiên mặt ông tươi lên như hoa. Ông vừa thở hổn hển vừa phều phào :”Hiện diện thực sự – Nếu tôi được biết kịp thời thì chắc tôi đã giảng cho toàn thế giới chân lý này”. Nói rồi, ông nhắm mắt thở hơi cuối cùng (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 161-162).

Chúng ta may mắn vì được Chúa ban đức tin ngay từ khi mới sinh. Những người khác thường phải chiến đấu lâu ngày lâu tháng mới tin được những điều chúng ta không phải khó lòng gì mà đã tin.

Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu. Dấu chỉ tuyệt diệu nhất của tình yêu Thiên Chúa là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa , Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta – nơi BÍ TÍCH THÁNH THỂ. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình để những ai tin vào Người thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời”(Ga 3,16).

Thiên Chúa yêu chúng ta nên đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu Kitô ; Chúa Giêsu Kitô yêu chúng ta nên đã “Chấp nhận thân phận tôi đòi”(Phl 2,7), đã chịu nạn, chịu chết và phục sinh vinh hiển để đem lại Sự sống cho chúng ta, Ngài còn “Ở lại cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20) nơi Bí tích Thánh Thể ; tất cả chỉ vì yêu chúng ta.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

BÁNH BAN SỰ SỐNG VĨNH CỬU (Jn 6:50-59)

Lm Minh Vận, CRM

Trong sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Chúa Kitô đã quả quyết: “Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống; ai ăn Bánh này thì khỏi phải chết, nhưng sẽ được sống đời đời. Vì Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Jn 6:51-52)

I. BÁNH NUÔI SỐNG THÂN XÁC CON NGƯỜI

Trên đường trốn vua Acap đang lùng sát hại, tiên tri Elia đã hầu nản chí thất vọng, nên ngài đã cầu xin với Chúa: “Lạy Chúa đã đủ rồi! Xin cất mạng sống tôi đi!” Sứ Thần Chúa sai đến với ông 2 lần, đánh thức ông và bảo: “Hãy dậy mà ăn vì đường ngươi đi còn dài”. Ông chỗi dậy ăn bánh và uống nước, ông phục hồi được sức mạnh và ý chí thêm dũng cảm, rồi ra đi bốn mươi ngày đêm nữa mới tới núi Horeb, núi của Thiên Chúa nhờ lương thực đó bồi dưỡng (xem I Rg 19:7).

Dân Do Thái, trên đường trốn vua Pharaon và quân đội Ai Cập, suốt 40 năm trong sa mạc, mỏi mệt, thiếu thốn, đói khổ, Chúa cũng đã ban cho họ Manna làm lương thực nuôi sống, để họ có thể đủ sức đi tới Xứ Sở mà Chúa đã hứa ban cho họ làm gia nghiệp, như lời Người đã giao ước với tổ phụ họ.

Đây chỉ là thứ bánh phép lạ, là Manna Chúa ban nuôi sống dân Do Thái, để họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa chân thật, là Thiên Chúa uy quyền và đầy tình thương, đã thực hiện những việc lạ lùng, để giúp họ được trong lúc cơ cực thiếu thốn.

II. BÁNH THÔNG BAN SỨC SỐNG TRƯỜNG SINH

Bánh phép lạ Chúa dùng để nuôi tiên tri Elia, Manna Chúa thực hiện để nuôi dân Do Thái, cũng chỉ là thứ bánh nuôi thân xác con người cho được sống, cũng chỉ là một hình bóng tiên báo một thứ bánh cao quí và siêu việt lạ lùng hơn bội phần, Chúa đã ban để nuôi sống linh hồn chúng ta. Đó là Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa đã quả quyết với chúng ta: “Ta là Bánh Hằng sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ không phải chết, nhưng được đời đời hằng sống. Vì Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được Sống” (Jn 6:51-52).

Chúa đã làm nhiều phép lạ để tỏ uy quyền toàn năng của Chúa, làm chứng sự hiện diện thực tại của Ngài nơi Nhiệm Tích Thánh Thể. Đọc hạnh tích các Thánh và nhiều vị được đặc tuyển, chúng ta thấy có nhiều vị chỉ vì chút Bánh Thánh Thể lãnh nhận lúc tham dự Thánh Lễ, mà đã sống trong nhiều năm trường. Chẳng hạn, Nữ Chân Phúc Angela Foliguo 12 năm, Thánh Nữ Catharina 8 năm, Chân Phúc Elizabeth Reutte 15 năm, Thánh Nữ Ledwina 18 năm, Nữ Chân Phúc Catharina Raconnigi 10 năm, bà Rosa Andriani 28, bà Louis Leteau 14 năm.

Trên đường lữ hành trần gian tiến về Quê Hương Vĩnh Cửu là nơi Chúa ân thưởng chúng ta, con cái dấu yêu của Chúa, Chúa đã thiết lập Nhiệm Tích Thánh thể làm Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Chúa ngự nơi Thánh Thể để nên nguồn an ủi khi chúng ta sầu phiều; nên sự nâng đỡ khi chúng ta yếu nhược; nên niềm hy vọng khi chúng ta nản chí thất vọng; nên sức mạnh giúp chỗi dậy khi chúng ta sa ngã; nên thầy thuốc chữa bệnh tật linh hồn chúng ta; nên Bạn Tâm Phúc, nên Nguồn Hạnh Phúc cho cuộc đời chúng ta. Chúa luôn hằng chờ đợi chúng ta nơi Thánh Thể; kêu mời chúng ta đến với Người, đón rước Người vào tâm hồn chúng ta, để Người trở nên mọi sự cho chúng ta, hầu biến cuộc sống lữ hành đau khổ này trở nên cuộc sống hạnh phúc, biến thung lũng nước mắt này trở nên Thiên Đàng cho con cái Chúa hằng yêu thương.

III. ĐỂ ĐÁP LẠI TÌNH CHÚA YÊU THƯƠNG

Chúng ta phải làm gì để đáp lại tình Chúa yêu thương? Chúng ta hãy năng đến viếng thăm, thờ lạy Chúa, đền bồi phạt tạ những tội lỗi loài người đã xúc phạm đến Chúa đang ngự thật trong Nhiệm Tích Thánh Thể; nhất là chúng ta hãy năng tham dự Thánh Lễ Misa và đón rước Chúa ngự vào tâm hồn chúng ta cách sốt sắng với tâm hồn trong sạch thánh thiện đầy lửa mến Chúa, kết hợp nên một với Người. Nếu không thể đón rước Chúa ngự vào linh hồn cách thực sự được, thì chúng ta hãy làm như các Thánh là ước ao rước Chúa ngự vào linh hồn chúng ta cách thiêng liêng, với lòng khát khao nóng hổi. Chúa rất được hài lòng trào đổ muôn phúc lành xuống trên chúng ta, như chính Người đã làm để ân thưởng những tâm hồn thánh phúc, hằng có lòng khát khao đến viếng thăm, đón rước Người ngự vào linh hồn.

Người ta kể: Một hôm, Thánh Antôn đang lâm bệnh nặng không thể tới Thánh Đường được, nhưng ngài cháy lửa khát khao được tham dự Thánh Lễ và rước Chúa ngự vào linh hồn. Đang lúc nằm trong phòng bệnh, ngài nghe thấy tiếng chuông rung báo hiệu khi Chủ Tế dâng Thánh Thể Chúa lên cho Giáo Dân tôn thờ, bỗng ngài đủ sức mạnh chồm dậy, nhảy xuống khỏi giường, sấp mình xuống đất thờ lạy Chúa, bỗng nhiên bức tường Thánh Đường rẽ ra một khoảng lớn, để ngài thấy rõ Chủ Tế dâng Thánh Thể như lòng ngài khát khao mong mỏi.

Người ta cũng kể: Có một thường dân nọ, rất khao khát rước Chúa Giêsu Thánh Thể hằng ngày, nhưng vì thời đó chưa được phép rước Chúa hằng ngày, nên ông đã thực hành việc rước Chúa thiêng liêng. Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, lúc Chủ Tế rước Chúa, ông mở miệng đưa lưỡi ra với lòng tha thiết được rước Chúa. Cứ mỗi lần lam như vặy, ông cảm thấy như thực sự có Bánh Thánh ở trên lưỡi ông, linh hồn ông cảm nghiệm được sự êm ái ngọt ngào thần linh. Rồi một buổi sáng kia, đang khi rước Chúa thiêng liêng như mọi khi, ông đánh bạo thò ngón tay vào miệng, để trắc nghiệm xem thực hư thế nào, thì quả thật ông đã lấy ra một Bánh Thánh Thể, rồi ông cung kính lại bỏ vào miệng và nuốt đi. Đó là phép lạ chính Chúa đã thực hiện để ân thưởng ông và đáp lại lòng khát khao mong ước của con yêu dấu của Người.

Kết Luận

Ôi Maria, Mẹ yêu dấu của chúng con, chúng con cảm tạ Mẹ, vì Mẹ đã ban cho chúng con Chúa Giêsu Thánh Thể là Quả Phúc của lòng Mẹ. Người là Hạnh Phúc của chúng con trên trần gian này.

Xin Mẹ ban cho chúng con được lòng yêu mến Chúa nồng nàn thiết tha như Mẹ, để Chúa được hài lòng ngự vào linh hồn chúng con, như khi Chúa được sung sướng ngự vào cung lòng Mẹ xưa. Xin Mẹ cũng ban cho chúng con lòng hăng say làm việc tông đồ truyền bá lòng tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể, kêu gọi mọi người năng đến kính viếng, tôn thờ, đền tạ, phụng sự và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng là Tình Yêu đang ẩn thân trong Nhiệm Tích Cực Thánh này, vì yêu thương nhân loại, đang chờ đợi họ, để Chúa nên nguồn an vui Hạnh Phúc cho họ, nên Thiên Đàng của họ nơi trần gian này.

Lm. Minh Vận, CRM

HIẾN LỄ CUỘC ĐỜI

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô

Theo giáo lý của Hội thánh “Bản chất của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bữa ăn chung, mà còn và trước tiên là hiện tại hóa hy lễ thập giá. Thiếu giá trị hy tế, Mầu Nhiệm Thánh Thể không có ý nghĩa và chỉ có giá trị như là một buổi gặp gỡ giao hảo và huynh đệ” (BT cứu độ).

Vì thế, hôm nay chúng ta cùng nhau khơi gợi lại ý nghĩa và những giá trị thiêng liêng của thánh lễ để qua đó chúng ta sẽ tham dự thánh lễ một cách tích cực và sốt sắng hơn. Vậy, thánh lễ là gì? Thánh lễ là diễn lại cuộc hy tế của Chúa Giêsu ngày xưa trên thập giá, là bàn tiệc Nước Trời mà chúng ta được mời gọi tham dự; là thông phần khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, vì thế, khi chúng ta tham dự thánh lễ, là chúng ta đóng vai trò của :

Đức Trinh Nữ Maria: Mẹ dâng lên Thiên Chúa Cha lời xin vâng trọn vẹn qua sự hiệp thông với Con yêu qúy để cứu độ trần gian. Chính Mẹ đã kết hợp đau khổ từ trái tim của mình với đau khổ máu đổ tuôn rơi của Con để mang lại mùa xuân cứu rỗi cho trần gian.

Cũng vậy, khi chúng ta đi dâng thánh lễ, là chúng ta đem những lao công vất vả trong ngày của mình, những khổ đau trong tâm hồn, đem những tâm tình vui tươi, lạc quan của mình, hợp với của lễ trên bàn thờ là Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha, để nhờ Đức Kitô, xin Ngài ban ơn cho chúng ta, tha tội cho chúng ta và xin ơn cứu độ cho toàn thể thế giới. Một sự hy sinh vất vả của một đời lao nhọc để đem lại nguồn sống và hạnh phúc cho mái ấm gia đình, là một lễ vật tuy không đổ máu nhưng cô quặng trong những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim. Đó là một hiến tế mà bổn phận đòi hỏi chúng ta phải chu tòan. Đó là lễ vật mà hằng ngày chúng ta có thể thưa lên với Chúa: “Xin Chúa nhận lễ vật bởi tay cha để tôn vinh danh Chúa và sinh ơn ích cho toàn thể Hội thánh Người.

Chúng ta cũng đóng vai trò của thánh Gioan Tông đồ, đã gan dạ đứng kề bên thập giá như một chứng nhân cho cái chết hiến tế của Thầy Chí Thánh Giê-su. Gioan không chạy trốn như bao môn đệ khác. Gioan không bàng quang như bao người khách qua đường, nhưng ông đứng dưới chân thập giá như muốn nói lên tấm lòng sẵn lòng cùng Thầy trải qua cuộc thương khó đau thương.

Cuộc sống của chúng ta luôn có thánh giá, thánh giá trong bổn phận, trong trách nhiệm, trong những lao nhọc của công ăn việc làm, trong những ưu tư lo lắng cho con cái, cho hạnh phúc gia đình. Đó là thánh giá mà Chúa đang cần chúng ta ôm lấy vào cuộc đời mình. Không trốn tránh thập giá, nghĩa là không lẩn trốn đau khổ, lẩn trốn trách nhiệm. Cuộc đời này ai cũng muốn an nhàn nhưng để được hưởng những tháng ngày an nhàn thì cần phải có những ngày tháng lao động cực khổ. Có gieo – có gặt. Có trồng mới có ngày hưởng nếm những thành quả của mình.

Cuối cùng, khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kytô. Chúng ta được kết hợp nên một trong Chúa Kytô. Chúa Kytô là Đầu Hội Thánh đã dâng chính mình làm tế lễ, còn chúng ta là những chi thể trong nhiệm thể của Người, chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thánh là chính Mình Máu Thánh Chúa Kytô, chúng ta có cùng chịu hiến tế chính mình như Đức Kytô là Đầu của Hội thánh hay không? Liệu rằng, chúng ta có thể đứng nhìn Chúa chịu sát tế, còn mình không chịu làm gì cả, hay chỉ đứng đó như những khách bàng quang, đứng bên vệ đường nhìn xem máu Chiên Con vô tội đang đổ ra vì loài người, mà lòng mình không cảm thấy một chút hổ thẹn hay ái ngại lương tâm? Chúa Kytô vẫn đang đổ máu vì tội lỗi loài người. Giáo hội vẫn đang hiệp thông với đau khổ của Con Chiên Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ đóng góp phần vụ gì trong việc đền tội cho thế giới và cứu độ trần gian?

Chúng ta biết rằng, trên bàn thờ tế lễ Giáo hội buộc phải có tượng Chúa chịu nạn, chính là để nhắc nhở chúng ta phải hy sinh, phải dâng hiến mình như Chúa Giêsu đã hiến dâng. Phải đóng góp phần chúng ta như Mẹ Maria đã đóng góp chính nỗi đau khổ xé nát lòng mình, hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha. Phải đóng góp phần chúng ta như Gioan đứng sát cây thập giá để nói lên tình yêu thuỷ chung sắt son với Thầy, cho dù phải cùng Thầy trải qua những cam go của đỉnh đồi Calve.

Thiết tưởng để thánh lễ thực sự mưu ích cho phần rỗi chúng ta và cho toàn thể nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng phải biết gom góp hy sinh mỗi ngày như những hạt lúa bị nghiền nát, như trái nho ép thành chén rượu mới có của lễ để dâng trên bàn thờ. Đó chẳng phải là mồ hôi nước mắt trong lao công con người làm nên hay sao? Đó chẳng phải là những hy sinh, những chén đắng trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa hay sao?

Lạy Chúa, xin nhận lấy hạt lúa chấp nhận phân huỷ, mục nát là cuộc đời chúng con. Dưới cối xay của bổn phận trong bậc sống của mình, của những thập giá đắng cay trong những thất bại, bị bỏ rơi, bị hiểu lầm, . . . Xin cho con được nghiền nát cho Chúa, cho dẫu tâm hồn và thân xác của con có tan nát nhưng xin cho ngọn lửa tình yêu mến làm con trở nên một tấm bánh tinh tuyền hiến dâng cho Thiên Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền 2011

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Thiên Phúc

SỨC SỐNG DÂNG TRÀO (Ga 6,51-58)

Tại Tây Ban Nha có một cậu bé tên là Macxilano. Mới sinh ra cậu bị người ta quăng trước cửa tu viện, và đã được các tu sĩ đem về nuôi.

Vốn tính hay nghịch ngợm, nên thầy đầu bếp không cho cậu leo lên gác. Nhưng vì tò mò, một ngày kia Macxilano lén leo lên, cậu ngạc nhiên thấy một người khổng lồ bị treo trên thập giá. Nghĩ rằng người ấy chắc là đói lắm, nên đêm hôm ấy Macxilano vào bếp ăn cắp bánh mang lên cho ông Người khổng lồ đưa tay nhận bánh và mỉm cười với cậu.

Từ đó, ngày nào cậu cũng đem bánh cho người ấy. Ngày kia, ông âu yếm ôm lấy cậu bé và hỏi:

-Con thích nhất điều gì trên trần gian nầy?

Cậu mau mắn thưa:

-Con muốn được gặp mẹ con.

Người ấy liền nói với cậu bé:

-Con sẽ được gặp mẹ con ngay tức khắc nếu con chấp nhận phải chết đi.

Hôm sau các thầy tìm thấy cậu nằm chết như đang ngủ say trong vòng tay thương mến của Chúa Giêsu. * Vì yêu thương mẹ, muốn được ở bên mẹ, mà Macxilano đã bằng lòng chịu chết. Vì yêu thương con người, Đức Giêsu cũng đã sẵn lòng chịu chết để cho con người được sống. Hơn nữa, Người còn có sáng kiến là hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, để được ở lại mãi với con ngưồi, để làm của ăn của uống, như lương thực nuôi dưỡng con người trên cuộc hành trình về quê trời. Người đã hứa: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,58).

Thánh thể là Bí tích tình yêu.

Khi mời gọi: “Con con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Đức Giêsu muốn các Kitô hữu hãy lập lại cái chết tự hiến vì yêu thương của Người, bằng cả cuộc sống dấn thân và trao ban.

Khi lãnh nhận bánh Thánh Thể, người tín hữu ý thức mình đang lãnh nhận tình yêu Chúa. Và như dòng suối ân tình, họ lại tuôn trào tình yêu Chúa sang cho anh em đồng loại.

Khi chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu cũng muốn chia sẻ cơm bánh cho tha nhân, chia sẻ hồng ân của Đức Kitô cho những kẻ đói nghèo, túng thiếu, không nơi nương tựa.

Chính khi nhận lãnh Thánh Thể để rồi chia sẻ trao ban, người tín hữu lại nhận được sự sống trường sinh và niềm vui lại tràn ngập tâm hồn.

Vì thế, sống bí tích Thánh Thể chính là sống yêu thương, sống bí tích Thánh Thể là sống cho và vì Đức Kitô, sống bí tích Thánh Thể là sống như Đức Kitô đã sống và đã hiến trao cách quảng đại cho tha nhân.

Người tín hữu không lãnh nhận bánh Thánh Thể để cất giữ cho riêng mình, nhưng là để biến con người mình thành lương thực nuôi dưỡng anh em.

Việc chia nhau một tấm bánh nhắc nhở chúng ta sống là phải chia sẻ và trao ban, sống là yêu thương và hy sinh cho nhau.

Trong thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 45, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Chúng ta không thể rước Mình Thánh Chúa Kitô mà đồng thời lại sống xa lạ với những người đang đói khát, kẻ bị bóc lột, tù đầy hay đau yếu”. * Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi chúng con sống yêu thương là chúng con đang làm chứng rằng: Chúa chính là sức sống mãnh liệt của chúng con.

Xin cho chúng con khi lãnh nhận bánh Thánh Thể cũng đón nhận được sức sống mới của Chúa, để chúng con ra đi làm chứng cho tình yêu Chúa trong cuộc sống chúng con. Amen. Thiên Phúc.

THIÊN PHÚC, trong “NHƯ THẦY ĐÃ YÊU”

THÁNH THỂ: QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA (Ga 6:51-59)

Sr Lệ Tâm

Khi hai người yêu nhau, người ta thường tặng qùa cho nhau. Người này tìm hiểu để biết ý người kia, và sẽ làm mọi cách để tặng món qùa bạn mình thích. Tại sao? Vì bản chất tình yêu là cho đi. Càng yêu nhiều càng muốn cho đi nhiều; cho cái tốt đẹp nhất, giá trị nhất.

Nhưng vì giới hạn của con người, cho dù người ta có cho đi cái tốt nhất, đẹp nhất, cũng chỉ cho nhau những gì là vật chất, những gì là chóng qua, mau hư và tàn lụi. Dù hai người có yêu nhau hết mình, người ta cũng chỉ có thể cho nhau những gì bên ngoài mình. Và hai người vẫn là hai hữu thể biệt lập.

Chỉ có một tình yêu tuyệt đối và duy nhất (độc nhất vô nhị) dành cho con người, tình yêu đó vượt qua những giới hạn vật chất, để không còn là hai mà tan biến, hòa trộn trong nhau nên một. Tình yêu duy nhất và cao cả đó được Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Vì yêu, Chúa Giêsu đã trở thành Qùa Tặng vô giá của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Qua bí tích Thánh Thể, trong tấm bánh rất bình dị, Người ẩn mình trong đó để mời gọi và trao ban cho con người Mình Máu Người. Người trở thành của ăn của uống, trở thành máu thịt ta. “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Gio 6:55-56).

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cần của ăn để nuôi sống thân xác. Mục đích bình thường và tự nhiên của bữa ăn là để cung cấp cho cơ thể chất dinh dưỡng tạo ra năng lực giúp chúng ta có sức làm việc và phát triển trí tuệ, khả năng và phát huy cuộc sống tốt đẹp. Ngoài chức năng dinh dưỡng, bữa ăn còn thể hiện những mối tương quan xã hội, tạo nên mối giao hảo giúp con người ngày càng hiểu nhau, thông cảm và xích lại gần nhau hơn. Vì thế, có thể nói bữa ăn cũng là dịp thể hiện sự hiệp thông.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh thiết thực và gần gũi nhất để giới thiệu và chào mời chính mình qua bữa Tiệc Ly. Người biết mình chẳng còn mấy giờ nữa để ở với các môn đệ. Người sai các ông dọn cho Người ăn bữa tiệc sau cùng, để trao ban chính mình cho các ông, để trở thành của ăn của uống nuôi sống các ông khi Người không còn ở cùng các ông nữa. Qua các tông đồ, người Kitô hữu đã được mời gọi tham dự vào bữa ăn Thánh Thể. Cuộc sống con người cần của ăn vật chất làm sao, thì cuộc sống của người Kitô hữu cũng cần của ăn tinh thần như vậy.

Qua bữa ăn Thánh Thể, tất cả chúng ta đều được hiệp thông trong cùng một sự sống. Sự sống đó phát nguồn từ Đức Giêsu, để khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Thể, Người sẽ ở trong mỗi người chúng ta. Vì thế, tất cả chúng ta cùng có Chúa ở trong mình. Trong sự hiệp thông đó, mỗi người chúng ta đều là chi thể của Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô là Đầu, mà chúng ta đều là chi thể trong Thân Mình mầu nhiệm đó. Nơi bí tích Thánh Thể mỗi người được kín múc nguồn mạch sự sống thần linh của Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính trong mầu nhiệm này chúng ta được thể hiện cách trọn vẹn tinh thần hiệp thông.

Sr. Lệ Tâm

NÀY LÀ MÌNH THẦY…

Lm Anton Nguyễn Văn Độ

Này là Máu Thầy hiến tế vì anh em Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm – A ( Ga 6, 51-59 )

Theo truyền thống từ thế kỷ XIII, vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Lễ này do Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264 còn gọi là lễ của Chúa, lễ Mình Máu Thánh Chúa. Vì hôm nay, Giáo hội không chỉ cử hành lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Festum Corporis Christi, mà còn rước kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài : « Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê » (Ca nhập lễ – lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền công khai rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Chúa Kitô là ơn cứu độ cho toàn thế giới.

Cử hành Thánh Thể Giáo hội công khai cách long trọng Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mầu nhiệm được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng năm được tưởng nhớ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho hết mọi người, bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội.

Trên bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta : Làm sao Bánh lại có thể là Mình Chúa Kitô và Rượu lại là Máu Chúa Kitô được ?

Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích cần thiết để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, và dẫn dắt chúng ta trên đường về tới thiên đàng! Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã hứa: « Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế » (Mt 28, 20). Người ở lại với chúng ta thế nào? Bí tích Thánh Thể là kho tàng cao quí thực hiện lời hứa trên.

Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta. Giáo hội quả quyết rằng : Sự hiện diện thật của Người trong Bí tích Thánh Thể là chân lý cơ bản của Đức tin Công giáo. Chúng ta phải tôn thờ, Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu.

Thánh Tôma Aquinô cho chúng ta biết : Con độc nhất của Thiên Chúa, muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, đã làm người. Để cứu chuộc con người, Người đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.

Đây không phải là máu chiên, bò, nhưng là Máu Châu Báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và rượu trở nên Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Vì thế, Người được các tín hữu ăn : « Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống » (Ga 6,55-56). Từ phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông trong hoang địa. Chúa Giêsu đã chính thức hứa ban cho chúng ta của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta (Lc9, 11b-17).

Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Người đối với chúng ta : « Trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: « Các con hãy lãnh nhận mà ăn… ». Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: « Các con hãy cầm lấy mà uống. Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta » (1 Cr 11, 23-26). Thật là niềm an ủi cho những người đã buồn vì sự vắng mặt của Chúa » (Bài giảng của Thánh Thomas Aquinas, Booklet 57).

Thánh Gioan Kim Khẩu nói : « Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy ». (Thánh Gioan Kim Khẩu)

Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta : « Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Người đã sinh ra thì Người nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Người làm cho ta vững tin rằng Người đã mang lấy chính xác thân của ta ». Người tan biến trong chúng ta, « làm một với chúng ta, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài » (Thánh Gioan Kim Khẩu).

Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa.

Rước kiệu Mình Thánh Chúa Khi kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ. Giáo Hội tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà dành cho Chúa, đường đời ta là đường của Chúa Giêsu. Xin Chúa Giêsu luôn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta!

Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là « Mặt Trời » : Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ « mặt nhật »)

Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.

Các em bé rắc trên đường nhắc lại cuộc Rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.

Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Chí Thánh, Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


[/fruitful_tabs]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*