Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the gd-system-plugin domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114

Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the google-document-embedder domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG – 20.05.2018 – TỈNH DÒNG ĐỒNG CÔNG HOA KỲ
  • THẦN CHÂN LÝ – Lm. Tôma Tuấn Bình, CRM
  • LỬA VÀ GIÓ – Lm. Nguyễn Thái
  • THÁNH THẦN, NGUYÊN LÝ HIỆP NHẤT – Lm. Đinh Lập Liễm
  • RA ĐI – THA THỨ – TGM. Ngô Quang Kiệt
  • CHỨNG NHÂN CHO CHÚA – Thiên Phúc
  • CHÚA THÁNH THẦN LÀ NGUYÊN LÝ HỢP NHẤT – Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

THẦN CHÂN LÝ (Ga 15:26-27, 16:12-15)

Lm. Tôma Tuấn Bình, CRM

Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, người ta có kể câu chuyện về số mạng và duyên kiếp như sau: Có một gia đình kia sinh được một lúc 3 người con trai. Lớn lên, mỗi người một tính chẳng ai giống ai. Người con thứ nhất chỉ biết tiêu xài phung phí. Ngược lại, người con thứ hai quanh năm chỉ lo quần quật làm mà không dám tiêu xài một xu nào. Còn người con thứ ba mặc dầu không phá của nhưng cũng chẳng chịu làm gì hết. Một hôm, cả ba người con cùng đổ bệnh và rơi vào tình trạng hấp hối. Tuy nhiên, trước khi chết, cả ba người con đều lần lượt nói rõ lý do tại sao mình sắp chết. Anh chàng phá của nói rằng: “Gia đình này kiếp trước mắc nợ tôi cho nên kiếp này tôi đầu thai vào nhà này để đòi nợ bằng cách tiêu xài. Nay nợ đã đòi xong, tôi ra đi”. Người con làm quần quật nói rằng: “Kiếp trước tôi mắc nợ nhà này cho nên kiếp này tôi đầu thai để trả nợ bằng cách làm quần quật không nghỉ. Nay nợ đã trả xong, tôi ra đi”. Còn người con thứ ba thì nói rằng: “Tôi chẳng dính dáng nợ nần gì với nhà này cả. Nhiệm vụ tôi đầu thai vào nhà này là để làm nhân chứng. Nay chứng kiến hai đứa kia, một đứa đã đòi được nợ và một đứa đã trả xong nợ, vậy tôi cũng ra đi”.

Anh chị em thân mến,

Số mạng hay duyên số là con dao rạch nát ý nghĩa cuộc sống của người tuyệt đối tin vào nó. Chính vì vậy mà người Công Giáo không tin vào quan niệm đầu thai luân hồi để đi vào một định mệnh nghiệt ngã, một ngõ cụt tối tăm. Nhưng thay vào đó, Giáo Hội dạy tin vào một sứ mạng riêng, có tính cách mời gọi và thôi thúc mà chúng ta vẫn thường gọi là “Ơn Gọi.” Thật vậy, nếu hoàn toàn tin vào số mạng hay duyên số thì con người sẽ không còn tự do để chọn lựa. Ngược lại, nếu tin vào sứ mạng hoặc ơn gọi riêng mà Thiên Chúa gửi gắm cho mỗi người lúc sinh vào đời, thì chúng ta vẫn có toàn quyền tự do để chọn lựa theo hay không. Và đó là then chốt của một cuộc sống đầy ý nghĩa. Hay nói cách khác, dưới con mắt đức tin và trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mỗi người sinh ra đều có một ơn gọi, một sứ mạng để chu toàn. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra, có xác tín, có quý trọng và cố gắng chu toàn ơn gọi hoặc sứ mạng của mình hay không.

Sống đời Kitô hữu là sống ơn gọi tiếp nối công việc của Chúa Giêsu trên trần gian như Ngài đã nói trong Tin Mừng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Do đó, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay đánh dấu ngày Giáo Hội bắt đầu thi hành sứ mạng mà Chúa Giêsu trao phó, đó là sứ mạng giao hoà thế gian với Thiên Chúa bằng việc tha tội. Hay nói cách khác, mỗi người Kitô hữu được mời gọi để trở nên sứ giả hoà bình và hoà hợp giữa mọi người. Tuy nhiên, vì là ơn gọi chứ không phải duyên số, vì là sứ mạng chứ không phải số mạng, cho nên chúng ta vẫn có toàn quyền tự do để thi hành hay không. Đây cũng là bản trắc nghiệm nói lên chúng ta đã có Chúa Thánh Thần hay chưa.

Đang là những người nhát đảm, yếu đuối và ít hiểu biết, các Tông Đồ của Chúa bỗng dưng trở nên mạnh dạn công khai rao giảng Tin Mừng sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, vì các ngài không thể ngăn cản được sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Hay nói cách khác, một khi đã có Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ không thể nói không với sứ mạng mà Chúa Giêsu trao phó, cho dù sứ mạng đó có đem đến cho các ngài những khổ đau tù rạc, đòn vọt bắt bớ, và ngay cả cái chết, đến nỗi thánh Phaolô đã phải kêu lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9:16).

Là những Kitô hữu, chúng ta đã dám mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần để Ngài biến đổi cuộc sống chúng ta thành lời rao giảng hùng hồn và dấu chỉ hiển nhiên dẫn đưa nhân loại về với Thiên Chúa chưa, hay chúng ta lại lạm dụng danh nghĩa ấy để trục lợi. Đừng so đo tính toán hơn thiệt và cũng chớ cậy dựa vào sự dấn thân của người khác, nhưng hãy nhìn vào chính mình để nhận ra đâu là ơn gọi và sứ mạng của mình đối với việc rao giảng Tin Mừng. Vì chưng, ơn gọi và sứ mạng của mỗi người đều có những nét riêng tư đặc thù mà không một ai khác có thể chu toàn hoặc thay thế, ngoại trừ chính mình.

Lm. Toma Tuấn Bình, CRM

LỬA VÀ GIÓ (Ga 20:19-23)

Lm. Nguyễn Thái

Hôm nay lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta nghe nói đến lửa và gió ngự trên các Thánh Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Lửa và gió (GLCG #691, 696) là biểu tượng cho sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Mỏ dầu và than là những nguồn năng lượng đang cạn dần trên thế giới và sẽ biến mất đi. Nhưng lửa và gió là những nguồn năng lượng vật chất vô cùng phong phú, không bao giờ cạn, và luôn mới mẻ. Chúng biểu tượng cho những nguồn sức mạnh tinh thần, những ơn lành của Chúa Thánh Thần. Vì thế Giáo Hội cầu xin với Chúa Thánh Thần: “Xin hãy đến và canh tân bộ mặt trái đất.”

Cũng như lửa và gió là những món quà của Thiên Chúa ban cho nhân loại đã có sẵn trong thiên nhiên trước khi chúng ta được sinh ra, thì ơn của Chúa Thánh Thần cũng đã được ban cho chúng ta khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và các bí tích khác để trở nên con cái của Thiên Chúa (GLCG #1087, 1120). Đồng thời, sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần còn được ghi nhận qua những ơn đoàn sủng khác nhau, trong những vai trò và tác vụ riêng, vì ích lợi của đời sống gia đình, cộng đoàn, và Giáo Hội (Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, số 45).

Thứ nhất, Chúa Thánh Thần là Đấng Bình An (Ga 14:27). Hãy nhìn giàn nhạc đại hòa tấu. Sự êm dịu tuyệt vời của bản nhạc hòa tấu đến từ những nhạc cụ khác nhau, trổi lên đúng lúc, do tài năng điều khiển nhịp nhàng của người nhạc trưởng. Nếu ví thế giới này là giàn nhạc cụ, thì Chúa Thánh Thần là người nhạc trưởng đó. Ngài là Đấng hiệp nhất, yêu thương, và hòa giải con người lại với nhau. Chúa Thánh Thần kêu gọi mỗi người chúng ta hãy ca vang lên nốt nhạc của tình yêu thương, hòa bình, và êm ái giữa một thế giới đầy xung khắc, hận thù và đố kỵ đang cần được chữa lành. Như lời kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi, mỗi người chúng ta phải là “khí cụ bình an của Chúa” (Pl 4:7).

Thứ hai, Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ (Ga 14:26). Khi chúng ta gặp phải tình huống lộn xộn và khó khăn, không biết phải làm gì, làm cách nào, thì ngay bên cạnh chúng ta, như Đức Chúa Giêsu đã hứa, là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ hướng dẫn và khích lệ chúng ta (Mt 10: 19; GLCG #692).

Thứ ba, Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi (GLCG #692). Người an ủi là người hiện diện, có mặt với chúng ta khi gặp khó khăn, đau khổ (2 Cr 1:3-4). Những người làm việc mục vụ trong nhà thương biết rất rõ vai trò của một người an ủi. Trước khi làm linh mục, chủng sinh phải qua khoá học CPE – clinical and pastoral education, để biết giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, khủng hoảng. Sự hiện diện một cách chủ động với người khác có nghĩa là dùng trọn vẹn con người của mình để chia sẻ, tham dự vào đau khổ của người khác, mang cái kinh nghiệm của chính bản thân mình như một con người để thông cảm với sự đau khổ của tha nhân; không nói nhiều, không dạy đời. Đứng trước đau khổ và sự chết, lời nói nhiều khi vô nghĩa và vô duyên. Chỉ có sự hiện diện nối kết con người với con người mới thoa dịu và chữa lành.

Thứ tư, Chúa Thánh Thần là Đấng Phổ Quát. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ giảng cho dân chúng từ khắp các nơi tụ về. Họ nói những ngôn ngữ khác nhau, nhưng mỗi người lại nghe các tông đồ giảng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình (Cv 2:6). Điều này nói lên tính chất chung, tính chất phổ quát của ơn Chúa Thánh Thần hoạt động nơi mỗi tâm hồn chúng ta, không phân biệt chúng ta là ai. Nơi mỗi tâm hồn chúng ta đều là đền thờ của Chúa Thánh Thần ngự trị (1 Cr 3:16).

Thứ năm, Chúa Thánh Thần là ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tất cả ân phúc chúng ta có đều đến qua Chúa Thánh Thần (Jn 4:23-24; 15:5). Không có Ngài chúng ta không thể làm được bất cứ việc gì (Ga 4:26). Ngài giúp chúng ta sống đúng với con người đích thật của mình, không giả dối hay đóng kịch.

John Bradshaw rất nổi tiếng với những cuốn sách và hằng loạt chương trình TV công cộng về gia đình “On the Family”. Ông nói rằng 96% các gia đình ở Mỹ ban phát tình yêu dựa trên cách sống và thái độ bề ngoài của người thân. Con cái, vợ chồng, anh chị em, càng cư xử theo như cách chúng ta muốn về họ, chúng ta càng yêu họ, chấp nhận họ, khẳng định giá trị của họ. Trong những gia đình mà chúng ta đã lớn lên dạy chúng ta phải sống với thái độ bề ngoài như thế nào để được cái mà chúng ta cần.

Nhưng trong bài Phúc Âm hôm nay, Ga 20: 19-23, Chúa Giêsu hứa ban “Bình an cho các con.” ” Bình an của Thầy cho các con… không như thế gian ban tặng” (Ga 14:27). Bình an Chúa Giêsu ban cho chúng ta là bình an đến từ sự chấp nhận của Thiên Chúa về con người của chúng ta. Bình an ban vô điều kiện. Bình an không do thái độ bề ngoài, cái vỏ trình diễn, nhưng do con người đạo đức thật sự của chúng ta tạo nên.

Thứ sáu, Chúa Thánh Thần luôn hoạt động. Thần học gia Karl Rahner, trong cuốn Pfingten entgegengehen, Freiburg, Basel, Wien 1986, tr. 86, đã viết lại những kinh nghiệm cá nhân về sự hoạt động Đức Chúa Thánh Thần tùy theo những hoàn cảnh của mỗi người: “Khi nhận lãnh trách nhiệm và chu toàn tới nơi tới chốn, và cả khi làm việc mà không nhìn thấy kết quả. Khi cảm thấy sự thong dong tự do của mình không bị giới hạn, khi phải chấp nhận trong giờ phút đen tối sợ hãi như bước khởi đầu cho một giai đoạn được chúc phúc, mặc dù không hiểu nổi sự việc đã, đang và sẽ đến. Khi bình thản chấp nhận thất vọng trong đời sống hằng ngày xảy đến, dù phải chịu đựng tới cùng sức. Khi kiên nhẫn cầu nguyện trong thinh lặng, trong u tối, vì tin rằng thế nào cũng được nhận lời, mặc dù không có dấu hiệu thấy hiệu quả của lời cầu xin kêu khấn. Khi chấp nhận từ bỏ không có điều kiện gì, vì tin rằng chính sự từ bỏ mang lại chiến thắng thật sự cho đời sống. Khi trong cuộc sống hằng ngày bình thản và sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro bất trắc xảy đến. Và còn rất nhiều cảnh huống trong đời sống mỗi người… Tất cả những điều đó là ân đức của Thiên Chúa. Ân đức này người Kitô hữu chúng ta gọi là ơn của Đức Chúa Thánh Thần” (VietCatholic News 29/5/2004. Lm Nguyễn Ngọc Long dịch).

Mặc dù chúng ta đã đón nhận Ngài trong bí tích Rửa tội và các bí tích khác, chúng ta phải để cho Ngài được tự do hoạt động trong ta (Rm 8:1-16). Có một chàng thanh niên muốn chơi xỏ vị trưởng lão có tiếng là thánh thiện. Hắn nắm một con chim trong lòng bàn tay, rồi hỏi vị trưởng lão: “Nếu ngài là bậc thông minh thánh hiền thì hãy nói cho tôi biết con chim trong lòng bàn tay này còn sống hay đã chết?” Vị trưởng lão suy nghĩ một chút và lập luận rằng, nếu mình nói ‘chết’ thì gã thanh niên sẽ mở bàn tay ra để con chim bay đi; nếu mình nói ‘còn sống’ thì hắn sẽ bóp chặt bàn tay vào và giết chết con chim đi. Gã thanh niên nóng ruột nhạo báng vị trưởng lão: “Xin ngài trả lời mau đi!” Vị trưởng lão chỉ ung dung mỉm cười trả lời: “Con chim ở trong lòng bàn tay là của anh. Anh muốn nó sống thì nó sống; muốn nó chết thì ắt nó sẽ chết.”

Chúa Thánh Thần ở trong tâm hồn chúng ta. Ngài có được tự do hành động hay không là tùy ý muốn của chúng ta. Thánh nữ Têrêsa Avila, tiến sĩ hội thánh, đã nói rằng trên trái đất này, chúng ta là những bàn tay của Thiên Chúa, là mắt, là chân, là những cánh tay của Ngài (Ep 1:22). Nếu chúng ta không xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa trên trái đất, thì không ai có thể làm được vì chính chúng ta có Đức Chúa Thánh Thần (Ep 2:22; 4:12).

Lm. Nguyễn Thái

THÁNH THẦN, NGUYÊN LÝ HIỆP NHẤT

Lm. Đinh Lập Liễm

Nhìn lại những đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan được trích trong hai tuần lễ vừa qua, chắc hẳn chúng ta đều nhận ra rằng lời hứa ban Thánh Thần là điều được Đức Giêsu lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Chính Ngài đã khẳng định với các Tông Đồ: ”Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con” (Ga 16 :7).

Và lời hứa ấy đã được thực hiện ngay khi Đức Giêsu sống lại hiện ra với các Tông Đồ tại nhà Tiệc Ly vào ngày thứ nhất trong tuần. Sau khi chào thăm các ông, Ngài thở hơi và nói với các ông: ”Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Jn 20:22). Như thế, đối với Gioan, việc Đức Giêsu Tử nạn – Phục sinh – Ban Thánh Thần chỉ là một. Chính vì thế, phụng vụ đã chọn đọc bài Tin Mừng hôm nay chính thức hai lần trong mùa Phục Sinh: một là vào ngày Chúa Nhật trong tuần Bát Nhật Phục Sinh và hôm nay, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Cũng theo chiều hướng đó, Thánh Gioan đã gắn liền cái chết của Đức Giêsu trên thập giá với việc trao ban Thần Khí; Thánh Sử đã thuật lại giờ ra đi của Đức Giêsu như sau: ”Ngài gục đầu xuống và trao ban Thần Khí” (Ga 19 :30).

Như vậy, ngày Phục Sinh Đức Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ (Ga 20:21-23), nhưng ngày lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đến một cách long trọng và là ngày khai sinh Giáo Hội (Cv 2 :1-13). Cũng như qua bí tích Rửa Tội, chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần rồi, nhưng qua bí tích Thêm Sức, chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần cách long trọng để trở thành người chiến sĩ của Nước Trời vậy.

Vào dịp lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau lễ Vượt Qua, theo lời dặn của Đức Giêsu, các Tông Đồ họp nhau lại tại nhà Tiệc Ly để đón nhận Chúa Thánh Thần. Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại cho chúng ta những sự lạ đã xẩy ra bên trong và bên ngoài ngôi nhà nơi các môn đệ đang hội họp, có Đức Mẹ ở giữa. Bên trong có tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào nhà, có những lưỡi lửa xuất hiện và đậu trên đầu từng người. Họ được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Bên ngoài dân chúng bỡ ngỡ kéo đến bao vây. Sự gì đã xẩy ra? Phêrô, con người nhát đảm ấy, hôm nay mở tung cửa và bước ra, theo sau là các môn đệ khác. Họ lâng lâng như người say rượu, khiến dân chúng bàn tán, nhưng họ không say rượu mà say Chúa! Vì hôm nay, ứng nghiệm lời tiên tri Joel đã tiên báo: ”Ta sẽ đổ Thánh Thần xuống và chúng sẽ nói tiên tri.” Phêrô giảng bài đầu tiên làm cho ba ngàn người trở lại (Act 2:1-41). Các Tông Đồ khác cũng bắt đầu sứ mạng rao giảng, với đặc ân Thánh Thần ban cho là nói được tiếng bản xứ của mỗi thính giả từ các nơi đổ về (Act 2:8).

Trước hết, Chúa Thánh Thần, chính là Đấng qui tụ muôn dân nên một trong Giáo Hội. Thật vậy, các Tông Đồ trước khi nhận lãnh Thánh Thần đã “đóng kín cửa vì sợ người Do Thái.” Thế nhưng, sau khi đã nhận được sức mạnh của Thánh Thần, các ngài đã mở tung cửa mạnh dạn bước ra rao giảng cho mọi người Tin Mừng về Đấng Phục Sinh khiến mọi người đều bỡ ngỡ.

Theo sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại, lúc đó, tại Giêrusalem có rất nhiều người thuộc các dân tộc với nhiều tiếng nói khác nhau, từ muôn nơi trở về nhân dịp lễ Vượt Qua, nhưng có một điều lạ là tất cả đều nghe rõ và hiểu điều các Tông Đồ loan báo; họ thắc mắc: ”Tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mésopotamia, Giuđêa, Pontô, Tiểu á, Phrygia, Pamphilia, Ai cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ tại đây, là Do Thái và tòng giáo, là người Crêta và Ảrập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa” (Act 2:5-11).

Khi nêu lên danh sách các dân tộc này, Thánh Sử Luca đã cho thấy tính phổ quát của Tin Mừng Cứu Độ. Mọi dân nước dù xa xôi như Rôma, mút cùng thế giới theo quan điểm của người Do Thái, hay bé nhỏ như Pamphylia, một thành phố rất nhỏ của đế quốc Rôma, cũng phải được nghe loan báo Tin Mừng và qui tụ về thành một đoàn chiên duy nhất dưới quyền của một chủ chiên là Đức Kitô (Jn 10:16; Eph 1:10). Như thế, Chúa Thánh Thần chính là mối dây liên kết muôn dân nên một, như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong bài đọc 2: ”Vì chưng trong cùng một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần” (I Cor 12:12-13).

Khi chịu phép Thêm Sức, người tín hữu học về Ngôi Ba Thiên Chúa, về ơn Chúa Thánh Thần và những hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và trong đời sống người tín hữu. Giáo Lý Công Giáo dạy: có 7 ơn Chúa Thánh Thần là ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông thái, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa. Đó là những ơn căn bản cần thiết cho đời sống người Kitô giáo. Còn có những ơn khác nữa như ơn nhẫn nại, chịu đựng, ơn đơn sơ, hồn nhiên… Thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Côrintô giải thích là ơn Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn nơi các Tông Đồ mà thôi, nhưng còn được tác động trong nhiều cách thế, nơi nhiều người khác nhau (I Cor 12:4-11;12:27-31).

Trong ngày lễ Hiện Xuống hôm nay, chúng ta đặc biệt chú trọng đến ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta là qui tụ mọi dân tộc lại trong một cộng đoàn tức là Giáo Hội. Ngài là hồn sống của Giáo Hội và của từng người một. Bài tường thuật của sách Công Vụ hôm nay là đối trọng của bài tường thuật tháp Babel thời Cựu Ước (Gen 11:1-9).

Ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Noe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xúi dục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau (Gen 11:1-9). Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không qui tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm cho nhau.

Hôm lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sửa lại sự hư hại đó: tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và những ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu? Nhờ chính Chúa Thánh Thần, nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất (Lm Carolô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 226).

Khi được chịu phép Rửa Tội, chúng ta trở thành một phần tử trong Giáo Hội, thành một chi thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mỗi người phải có một vai trò trong Giáo Hội tùy theo khả năng mà Chúa Thánh Thần sắp xếp (Rm 12:4-5). Không ai được đứng bên lề Giáo Hội.

Ta thấy ơn Chúa Thánh Thần tác động như thế nào trong đời sống của Giáo Hội như Thánh Phaolô chỉ dạy: ”Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần, có nhiều chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa, có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng hoàn thành mọi sự trong mọi người” (I Cr 12 :4-5). Như vậy tất cả các phần tử trong Giáo Hội đều đóng những vai trò quan trọng khác nhau và thi hành những phận vụ khác nhau. Ơn Chúa Thánh Thần ban cho mỗi phần tử khác nhau là để hợp nhất các phần tử (I Cor 12:25-26). Và cái dấu chỉ của việc hoạt động tông đồ nhằm mục đích vinh danh Chúa (II Cor 4:5-6).

Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm lặng lẽ hoạt động nơi ta và Giáo Hội mà ta không thấy. Có người tự hỏi tại sao Chúa Thánh Thần không làm những việc lạ lùng vĩ đại trong thời đại ta đang sống? Để trả lời, ta cần nhận định là Thiên Chúa vẫn làm những công việc lạ lùng trong thời đại chúng ta đang sống, miễn là ta biết mở rộng tâm hồn và cộng tác với ơn Chúa và để Chúa làm chủ đời sống.

Công đồng Vatican II dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã làm sáng tỏ trong việc giáo huấn là tất cả mọi phần tử trong Giáo Hội đều được gọi để sống đời sống thánh thiện và làm chứng của đức tin. Như vậy thì tất cả mọi người đều được gọi đóng vai trò của mình trong việc hoạt động tông đồ của Giáo Hội tùy theo khả năng và phương tiện có thể.

Theo Thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết mọi thành phần trong Hội Thánh, nên mỗi thành phần không đứng riêng rẽ, nhưng liên đới và gắn bó chặt chẽ với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể: ”Cũng như chỉ có một thân thể, nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy” (I Cor 12:12).

Nhìn vào con người chúng ta, chỉ có một thân thể mà có nhiều chi thể: tai, mắt, mũi, miệng, chân tay… Mỗi chi thể có nhiệm vụ khác nhau. Chi thể nọ cần đến chi thể kia để bổ túc cho nhau và để nhằm lợi ích cho toàn thân. Và cái dụng cụ Chúa dùng trong việc mở mang Nước Chúa không chỉ tùy thuộc vào cái tài khéo, mức độ học vấn, hay địa vị của mỗi người mà thôi, nhưng còn tùy thuộc vào quyền năng của Chúa với sự cộng tác của mỗi người với Chúa.

Hai người bơi chung một chiếc xuồng trên dòng sông nước ngược. Vì có sự bất đồng ý kiến nên qua một hồi lời qua tiếng lại, anh ngồi phía đầu thuyền không bơi nữa. Anh phía sau lái thấy vậy mới nói: “Này anh, tôi với anh dù có bất đồng ý kiến, nhưng chúng ta cùng đi chung trên một chiếc xuồng, cùng tiến chung về cùng một mục tiêu, anh không thể để mặc tôi bơi một mình như vậy được.” Anh ở trước mũi trả lời tỉnh bơ: “Chiếc xuồng có hai phần, lái và mũi. Phần lái thuộc về anh; phần mũi thuộc về tôi. Anh cứ bơi phần anh; phần tôi, tôi bỏ, tôi thả trôi thì mặc tôi.”

Anh phía sau tức quá, nhưng cũng ráng bơi, vì nếu bỏ thì chiếc xuồng sẽ trôi ngược và không ai tới đích. Không ngờ chỉ một lúc sau, anh nghe tiếng nước tràn vào phía sau, anh quay lại thì thấy anh chàng kia không còn đủ bình tĩnh nữa, đang đục một lỗ để định nhận chìm xuống. Anh kia hoảng sợ nói: “Ơ này, anh có giận tôi thì giận; chứ anh nhận chìm xuồng, tôi không biết bơi đâu đấy nhé.” Anh phía sau thản nhiên nói: “Chiếc xuồng có hai phần, phần mũi và phần lái. Phần mũi của anh, còn phần lái của tôi, tôi nhận chìm kệ tôi chứ!” Thế là chẳng mấy chốc cả hai đều chết chìm trong lúc vẫn cứ cố gắng cãi nhau hơn là cùng nhau bơi vào bờ!

Tính cách cộng đoàn của lễ Hiện Xuống đòi hỏi phải có đức bác ái huynh đệ: Thánh Thần không đến trên từng cá nhân riêng rẽ, nhưng trong một tập thể được nối kết bằng hiệp nhất yêu thương. Nơi nhóm người họp nhau tại căn phòng, Chúa Thánh Thần muốn nối kết thành cộng đoàn hiệp nhất; cộng đoàn này luôn luôn mở rộng ra khắp thế giới mà vẫn luôn giữ được mối hiệp nhất.

Ngày Hiện Xuống này chính là ngày thành lập Hội Thánh. Thế nên, Chúa Kitô muốn tất cả các môn đệ của mình cùng lãnh nhận Thánh Thần ở Giêrusalem bằng một biểu lộ hiệp nhất (Act 2:42-47; 4:32-35). Các môn đệ đã thực hiện sự hiệp nhất này qua việc chung sống yêu thương. Đây chính là kiểu mẫu bác ái phải có nơi các Kitô hữu khắp mọi nơi.

Lm. Đinh Lập Liễm

RA ĐI – THA THỨ

TGM. Ngô Quang Kiệt

Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.

Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4:18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.

Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan – Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.

Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Đức Chúa Thánh Thần mời gọi bạn ra đi đến với người khác. Bạn có thường đi thăm viếng những người nghèo hèn, nhất là những người bạn không có cảm tình không?
  2. Bạn có muốn tha thứ, làm hoà với người khác không? Bạn đã có cố gắng nào để làm hoà trong Năm Thánh?
  3. Bạn nghĩ gì về việc Đức Thánh Cha xin lỗi?
  4. Bạn có sẵn sàng để Đức Chúa Thánh Thần biến đổi bạn không?

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

CHỨNG NHÂN CHO CHÚA (Ga 20:19-23)

Thiên Phúc

Ngày 12 tháng 10-1999, một cậu bé nặng 3,55 kg đã chào đời lúc 00:03 tại Sarajevo, Bosnia. Cậu đã được Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Anna chào đón như là biểu tượng của người dân thứ 6 tỷ của Thế giới (C 6 B: Day of 6 billionth person). Sự chọn lựa này chỉ là ngẫu nhiên, do ông Tổng Thư ký đang công tác ở Bosnia.

Chỉ trong ngày 12-10, ước tính có khoảng 370.000 trẻ em trên thế giới chào đời, phân nửa trong số đó là trẻ em Châu Á. Các chuyên gia dân số thế giới chào đón ngày này với sự … lo lắng, vì hầu hết số trẻ ấy sẽ sống trong nghèo đói và thất học… Chỉ trong thế kỷ 20, dân số thế giới đã tăng gấp ba và nếu tính trong vòng 12 năm, dân số thế giới tăng độ một tỷ người. LHQ ước đoán dân số thế giới sẽ là 8,9 tỷ vào năm 2050. Nhà sinh thái học David Pimentel của Đại học Cornell cảnh báo: “Đến năm 2100, sẽ có 12 tỷ con người khốn khổ chịu đựng cuộc sống khó khăn trên trái đất”.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với nỗi lo về “ngày ảm đạm, u tối”, khi dân số thế giới đạt đến con số 6 tỷ. Nhà kinh tế học Stephen Moore lại cho rằng: “Dân số thế giới đạt 6 tỷ là món quà tặng cho sự khéo léo và khả năng sáng tạo của con người”. Mỗi lễ hiện xuống là một ngày khai sinh mới của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Người hằng huy động, hướng dẫn, hiệp nhất để xây dựng Giáo Hội. Giáo hội đã có một lịch sử dài suốt 20 thế kỷ. Cần một luồng gió mạnh thổi đến, lùa vào, đổi mới mọi sự.

Công đồng Vatican II, chính là ngày “Lễ Hiện Xuống mới” của Giáo hội. Nếu ngày xưa thánh Phêrô đã mở tung cửa đón nhận Thánh Thần Thiên Chúa, thì ngày nay đức Thánh Cha Gioan 23 cũng đã khai mở Công đồng như một ngày “Lễ Hiện Xuống mới”, đem lại cho Giáo Hội một luồng sinh khí mới, một bộ mặt mới. Để rồi từ đó, muôn dân nước được nghe Lời chúa bằng tiếng mẹ đẻ trong Thánh lễ và trong các Bí tích, được hát Thánh ca bằng ngôn ngữ dân tộc mình. Với 4 Hiến Chế, 9 Sắc Lệnh và 3 Tuyên Ngôn, giáo hội đã mở rộng ra với thế giới, để bắt kịp đà tiến triển của thời đại văn minh.

Qua làn hơi thở của Chúa, qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần, hôm nay chúng ta cũng trở nên chứng nhân của Chúa cho đến tận cùng trái đất: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Thế giới hôm nay đã bước sang thế kỷ 21, với 6 tỷ người chen chúc trong đó, nhưng chỉ có trên 1 tỷ người Công giáo. Đó là trách nhiệm của mỗi người chúng ta, là nỗi trăn trở và day dứt khôn nguôi của người tín hữu: những chứng nhân của Nước Trời.

Chúng ta là chứng nhân cho Chúa, khi chúng ta ngồi lại với nhau, giải quyết tranh chấp, xây dựng hòa bình.

Chúng ta là chứng nhân cho Chúa, khi chúng ta chăm lo cho người nghèo, quan tâm đến trẻ thơ và người già yếu.

Chúng ta là chứng nhân cho Chúa, khi chúng ta đem niềm vui đến cho những người bất hạnh, mang lại nụ cười cho những kẻ khổ đau.

Thiên Chúa rất cần những chứng nhân như thế, để đổi mới bộ mặt trái đất, làm tươi mát khuôn mặt địa cầu.

Thiên Chúa rất cần những chứng nhân đi xây dựng một thế giới, nơi đó con người yêu thương nhau hơn.

Thiên Chúa rất cần những chứng nhân đi thánh hóa trần gian bằng đời sống tin tưởng, tràn đầy niềm vui.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con gặp được Người trong những nụ cười trao cho nhau, trong những hy sinh vô vị lợi, và trong nỗi thao thức xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Amen.

Thiên Phúc, trong “Như Thầy đã  yêu” năm B.

CHÚA THÁNH THẦN LÀ NGUYÊN LÝ HỢP NHẤT

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

I. Dẫn vào Thánh lễ

Lễ Hiện xuống hôm nay kết thúc mùa Phục sinh. Chúng ta hãy nhìn lại những bước mà Phụng vụ đã dẫn chúng ta đi qua: Ðức Giêsu đã nhập thế sống với loài người, Ngài đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, rồi Ngài chịu nạn chịu chết, nhưng Ngài đã sống lại và lên trời. Hôm nay Ngài sai Chúa Thánh Thần đến để thánh hóa loài người. Như thế, Chúa Thánh Thần là Ðấng hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần xuống trên chúng ta, để chúng ta hoàn thành sứ mạng cứu độ bản thân chúng ta và mọi người.

II. Gợi ý sám hối

  • Chúng ta có lỗi vì ít nghĩ đến Chúa Thánh Thần là Ðấng Thiên Chúa đã ban để hỗ trợ chúng ta.
  • Chúng ta thường làm việc theo suy nghĩ riêng chứ không theo sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
  • Chúa Thánh Thần muốn mọi người hiệp nhất với nhau, nhưng chúng ta thường chia rẽ.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I: Cv 2:1-11

Tường thuật việc Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm lễ Ngũ Tuần.

  • Vâng theo lời căn dặn của Ðức Giêsu phục sinh, các tông đồ tụ họp trong nhà Tiệc Ly để chờ đón nhận điều Ngài đã hứa.
  • Sáng ngày lễ Ngũ tuần, Ðức Giêsu thực hiện lời hứa ấy: Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Ðức Giêsu.
  1. Ðáp ca: Tv 103

Tv này ca tụng những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm do “sinh khí” của Ngài, tức là do Chúa Thánh Thần.

  1. Bài đọc II: 1 Cr 12:b-7,12-13

Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu đoàn kết hiệp nhất nhau trong Chúa Thánh Thần:

  • Trong Giáo Hội sơ khai, Chúa Thánh Thần ban nhiều đặc sủng khác nhau cho các tín hữu. Nhưng mọi đặc sủng đều nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn.
  • Vì thế, một mặt các tín hữu phải tránh chia rẽ nhau, mặt khác phải tận dụng mọi ơn ban của Chúa Thánh Thần để xây dựng thân thể Giáo Hội.
  1. Tin Mừng: Ga 20:19-23

Buổi chiều chính hôm lễ phục sinh, Ðức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các môn đệ (Theo quan điểm của Luca thì Thánh Thần được ban hôm lễ Ngũ tuần).

Chúa Thánh Thần được ban đồng thời với lời chúc bình an, quyền tha tội và lời sai các ông ra đi. Từ đó, ta có thể thấy được những ý nghĩa sau:

  • Ơn ban cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần là Bình an, đặc trưng của thời Messia.
  • Ơn cao trọng thứ hai của Chúa Thánh Thần là Tha tội: chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.
  • Ơn ban Thánh Thần nhằm giúp Giáo Hội ra đi loan Tin Mừng cứu độ.

IV. Gợi ý giảng

  1. Lưỡi lửa

Bài tường thuật của Sách Công vụ hôm nay là đối trọng của bài tường thuật tháp Babel thời Cựu Ước.

Ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Nôe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xúi dục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau. Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không quy tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm cho nhau.

Hôm lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần sửa lại sự hư hại đó: tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và những ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu? Nhờ chính Chúa Thánh Thần, nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất.

  1. Lưỡi lửa mà con người hôm nay cần

Nói là một sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống chung: hằng ngày khi gặp người khác, chúng ta chào nhau, hỏi thăm nhau, trao đổi ý kiến với nhau, thảo luận, tranh luận v.v. Chính vì để phục vụ cho sinh hoạt cần thiết này mà khoa học kỹ thuật ngày nay đã phát minh ra máy khuếch âm, máy ghi âm, điện thoại v.v.

Nhưng nói với nhau là một chuyện, còn hiểu nhau là một chuyện khác. Hai chuyện này chưa hẳn luôn đi đôi với nhau. Nói với nhau thì nhiều nhưng hiểu nhau chắc không được bao nhiêu. Dịch một ngoại ngữ thì dễ hơn là hiểu được ý thật, lòng thật của người đang ở sát bên cạnh mình.

Có đặt mình trong bối cảnh như thế, chúng ta mới thấy được “lưỡi lửa” mà bài sách Cv hôm nay mô tả là cần thiết thế nào cho con người hôm nay. Ngày xưa, những người có mặt hôm lễ Ngũ tuần tuy nói nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng đều hiểu nhau. Ðó là hiệu quả bởi “lưỡi lửa” của Chúa Thánh Thần. Lưỡi hình lửa là tiếng nói của tình yêu. Tiếng nói chân thật nhất là tiếng xuất phát từ cõi lòng. Tiếng nói dễ hiểu nhất là tiếng của tình yêu.

Xin “lưỡi lửa” hiện xuống tràn đầy trong mỗi người chúng ta và trong cộng đoàn chúng ta.

  1. Thổi hơi

Bài tường thuật tạo dựng loài người trong sách Sáng thế kể rằng sau khi Thiên Chúa đã lấy bùn đất nắn thành hình người, Ngài đã thổi hơi vào đó, và thế là con người đầu tiên xuất hiện. “Hơi thở” của Thiên Chúa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguyên lý tạo dựng.

Nhưng con người đã phạm tội, bị đuổi khỏi vườn Ðịa đàng, hạnh phúc ban đầu đã bị đánh mất.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu lại thổi hơi trên các tông đồ. Phải chăng đây cũng là một đối ảnh của câu chuyện trong sách Sáng thế? Và nếu đúng là thế, thì hôm nay Thiên Chúa tái tạo lại con người, cũng bằng “hơi thở” là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng là nguyên lý của sự tái tạo.

  1. Hiệp nhất trong đa dạng

Giáo Hội ngày nay là một Giáo Hội đa dạng: đủ thứ linh đạo, đủ loại dòng tu, đủ cách làm tông đồ, quá nhiều hội nhóm, quá nhiều khuynh hướng, quá nhiều ý kiến… Có những kẻ bi quan đã cho rằng Giáo Hội đang trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng thực ra, sự đa dạng này thể hiện một sức sống phong phú.

Nhưng miễn là đa dạng đừng dẫn tới chia rẽ và chống đối phá hại nhau. Miễn sao đa dạng mà vẫn hiệp nhất.

Muốn được như vậy, chúng ta phải lưu ý tới những giáo huấn rất sâu sắc của Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay:

  • Mỗi người, mỗi nhóm hãy ý thức rằng “đặc sủng” của mình là ơn ban của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là tài sản hay tài năng riêng của mình.
  • Ðừng khó chịu, trái lại hãy vui mừng khi thấy những người khác, nhóm khác cũng được ban cho những đặc sủng khác. Ðó là dấu Chúa Thánh Thần yêu thương Giáo Hội.
  • Tận dụng “đặc sủng” Chúa Thánh Thần ban để góp phần mình vào việc xây dựng Giáo Hội, đồng thời ý thức rằng đó chỉ là một phần nhỏ mình góp cho Giáo Hội nên vẫn tôn trọng phần góp của người khác và hy vọng Giáo Hội được nhiều người khác góp phần xây dựng hơn nữa.
  1. Chúa Thánh Thần, Ðấng bị quên lãng

Chúa Thánh Thần là Ðấng bị quên lãng. Ðúng vậy, Thiên Chúa có 3 Ngôi là Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế nhưng thường chúng ta chỉ nhớ tới Chúa Giêsu và Chúa Cha thôi, ít khi nhớ tới Chúa Thánh Thần.

Thế nhưng Chúa Thánh Thần lại là Ðấng rất kỳ diệu, Ngài mà hoạt động nơi ai thì làm phát sinh biết bao điều kỳ diệu nơi người đó. Ngài mà hoạt động nơi nào thì cũng làm phát sinh biết bao điều kỳ diệu ở nơi đó. Xin đan cử 2 bằng chứng.

  • Bằng chứng thứ nhất là đoạn sách CvTđ mà chúng ta vừa nghe: Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các tông đồ. Trước đó các tông đồ đã từng theo Chúa Giêsu 3 năm, đã từng nghe biết bao lời dạy dỗ của Chúa Giêsu, đã từng thấy biết bao phép lạ của Chúa Giêsu. Nhưng con người của các ông hầu như chẳng chịu ảnh hưởng tốt nào cả: vẫn lo tranh dành quyền lợi, vẫn sợ chết nên trốn kín trong nhà. Thế rồi Chúa Thánh Thần ngự đến trên các công và sau đó các ông được biến đổi hẳn: nhiệt thành với Tin Mừng, can đảm rao giảng Tin Mừng. Có ai ngờ một người như Phêrô đã từng run sợ chối Chúa bây bẩy trước những tên đầy tớ của vụ Thượng tế mà bây giờ lại đứng ra trước một đám đông rao giảng hùng hồn khiến cho liền ngay sa đó có 3 ngàn người xin theo đạo.
  • Bằng chứng thứ hai là một bức thư rất đặc biệt. Bức thư này là của một cô gái nước ngoài gởi cho một LM. LM này trước đó có biên thư cho cô gái để trình bày những khó khăn trong bổn phận của mình. Cô gái biên thư khuyên vị LM ấy hãy can đảm, hãy cầu nguyện và mỗi ngày hãy dâng lễ sốt sắng. Cô gái còn cho biết nếp sống hằng ngày của cô: ngoài những giờ làm ăn, cô tranh thủ thời giờ đi dạy giáo lý cho 2 lớp tại một trường học, buổi tối cô tham gia cầu nguyện với một nhóm giáo dân từ 8 đến 10 giờ. Một cô gái giáo dân mới hơn 20 tuổi mà nhiệt thành làm việc tông đồ như vậy và còn nhiệt thành đến nỗi dám đưa ra những lời khuyên dạy đối với một LM! Do đâu mà cô nhiệt thành sốt sắng như vậy? Thưa vì cô đang sinh hoạt trong một nhóm giáo dân giúp nhau sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Nghe những bằng chứng trên, chắc chúng ta cũng mong muốn Chúa Thánh Thần hoạt động nơi chúng ta để làm những điều kỳ diệu nơi chúng ta. Nhưng làm sao để được như vậy? Xin đề nghị 2 điều:

  • Một là chúng ta hãy cầu nguyện cùng với Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã cầu nguyện rất nhiều. Nhưng khi cầu nguyện chúng ta chỉ nói cho Chúa biết mình đang sống như thế nào, mình đang cần những ơn gì và xin Chúa ban ơn đó cho ta. Cầu nguyện như vậy là sai lầm, vì đâu phải nhở chúng ta nói mà Chúa mới biết chúng ta cần gì. Chúa là Ðấng biết tất cả mọi sự kia mà. Ðiều quan trọng nhất không phải là ta nói cho Chúa biết ta muốn gì, mà là xin Chúa cho ta biết Chúa đang muốn gì nơi ta. Do đó ta phải cầu nguyện cùng với Chúa Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta biết ý Chúa và giúp ta sau đó làm theo ý Chúa. Có cầu nguyện như vậy thì sau đó cuộc đời ta mới biến đổi.
  • Ðiều thứ hai có liên quan tới việc Xưng tội. Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, có một điểm hơi lạ. Ðó là Chúa Giêsu vừa ban Chúa Thánh Thần vừa ban quyền tha tội cho các tông đồ: “Chúng con hãy nhận lãnh Thánh Thần, chúng con tha tội cho ai… ” Tại sao Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần và ban ơn tha tội chung nhau? Thưa vì 2 điều đó liên hệ chặt chẽ với nhau. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn lãnh Bí Tích Giải Tội cho có hiệu quả tốt thì chúng ta phải Xưng tội cùng với Chúa Thánh Thộn. Ta hãy nhìn lại cách xưng tội bấy lâu nay của chúng ta. Mỗi khi xưng tội chúng ta làm 5 việc: một là xét mình xem mình có những tội gì; 2 là sau đó đọc một kinh ăn năn tội; 3 là vào toà xưng tội, kể cho kỹ hết mọi tội đừng sót tội nào; 4 là nghe cho rõ Cha giải tội dạy đọc bao nhiêu kinh; 5 là trở ra đọc cho hết bấy nhiêu kinh đó. Rồi trở về. Kết quả như thế nào? Chúng ta thấy an tâm hơn đôi chút. Nhưng cũng sống bình thường như trước, cũng phạm lại bấy nhiêu tội ấy, lần sau đi xưng tội cũng xưng bấy nhiêu tội ấy. Nghĩa là hầu như không có gì thay đổi. Xưng tội cùng với Chúa Thánh Thần nghĩa là trong phần xét mình trước khi vào toà xưng tội, chúng ta hãy xét mình cùng với Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng cho ta chẳng những thấy được mình đã phạm những tội gì mà còn tại sao mình phạm những tội đó; xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta thấy những tội mà mình không thấy, Td nhiều người đâu có nghĩ rằng việc mình đang tính kế hại người là có tội, nhiều người đâu có nghĩ việc mình sống ích kỷ với nhà hàng xóm là có tội. Xưng tội cùng với Chúa Thánh Thần nghĩa là sau khi xưng tội chúng ta xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta biết từ nay mình phải sửa đổi như thế nào. Có như vậy mỗi lần chúng ta đi xưng tội xong, cuộc sống của mình mới thay đổi tốt đẹp hơn.
  1. Chúa Thánh Thần, Ðấng biến đổi

Bài trích sách Tông đồ Công vụ thuật lại biến cố ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ có nhiều điều rất phi thường: gió thổi ào ào như giông tố, những cục lửa có hình như cái lưỡi đậu trên đầu mỗi vị, sau đó các tông đồ nói tiếng lạ nghĩa là chỉ cần nói một thứ tiếng mà đủ mọi sắc dân khác nhau đều có thể hiểu. Những điều phi thường đó khiến cho đám đông dân chúng bở ngỡ kinh hoàng… Rồi hàng ngàn người đã xin lãnh phép Rửa Tội…

Nhưng điều quan trọng không phải là những biến cố phi thường ngoạn mục đó, mà chính là một cuộc biến đổi bên trong các tông đồ, rất âm thầm nhưng lại rất toàn diện: các ông là những người đã từng sát cánh ngày đêm với Chúa Giêsu , cùng ăn,, cùng đi, cùng làm với Chúa Giêsu suốt 3 năm trời, được Chúa Giêsu dạy dỗ rất nhiều, được chứng kiến biết bao việc làm của Chúa Giêsu … Nhưng vốn tầm thường các ông cũng vẫn còn là những kẻ tầm thường. Tầm thường đến nỗi Thầy vừa bị bắt là tất cả bỏ chạy tan hoang, trốn chui trốn nhủi trong phòng đóng kín cửa không ai dám ló đầu ra ngoài. Tại sao thế? Vì bấy lâu nay các ông đi theo Chúa với tính toán vụ lợi, các ông hiểu giáo lý của Chúa một cách phàm tục: Ði theo Chúa như đi theo một chính trị gia đang lên hương với hy vọng sau này tới ngày thành công sẽ được chia chác địa vị quyền lợi; Chúa dạy giáo lý về nước Trời mà các ông thỉ chỉ hiểu về một nước thế tục. Cái chết của Chúa Giêsu đã làn tiêu tan mọi tham vọng chính trị, những quyền lợi các ông mong chờ cũng thành mây khói luôn, và cả sự an toàn của bản thân các ông cũng đang bị đe doạ nữa. Vì thế các ông sợ sệt, ẩn trốn.

Khi người ta theo Chúa với đầu óc vụ lợi, thì người ta tầm thường

Chúa Thánh Thần đến làm một cuộc thay đổi toàn diện: thay đổi lối nghĩ, lối nhìn, lối hiểu, lối tính toán của các ông: Hiểu giáo lý của Chúa cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước nữa; từ đó các ông quyết định vẫn theo Chúa nhưng không phải vì tính toán vụ lợi mà vì tình yêu hy sinh xả thân hoàn toàn. Cuộc thay đổi ấy đã giúp các ông hết tầm thường, biến các ông trở nên những kẻ trung thành, những cột trụ của Giáo Hội, đến nỗi dù đe doạ, dù tù đày, dù tra tấn, dù gươm giáo, các ông cũng vẫn can đảm và hăng say loan truyền niềm tin vào Chúa.

Ngày nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, điều chính yếu chúng ta mong ước cũng không phải là có những hiện tượng lạ gió thổi ào ào, lưỡi lửa trên đầu và nói tiếng lạ…. mà chúng ta mong chờ chính sự biến đổi sâu xa và toàn diện ấy trong tâm hồn chúng ta.

Ðó cũng chính là ý tưởng của ÐGH Phaolô VI trong bài huấn dụ của ngài hôm 29.11.1972. Ngài mô tả trong Giáo Hội có nhiều người theo đạo chỉ vì óc vụ lợi và hiểu giáo lý một cách phàm tục. Chính vì thế mà theo ngài, Giáo hội ngày nay cần có một lễ Hiện Xuống mới, để xin trích dẫn nguyên văn lời ngài “làm cho Giáo Hội được sống động, như có một luồng gió thiêng liêng làm căng buồm con thuyền Giáo Hội, là nguồn suối bên trong ban tràn đầy ánh sáng và sức mạnh cho Giáo Hội…

Chắc chúng ta cũng ở trong tình trạng của các tông đồ trước ngày được Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Chúng ta cũng đã từng theo đạo mười mấy, hai ba chục năm trời, đã từng Rửa tội, đã bao nhiêu lần xưng tội rước lễ, đã từng lãnh bí tích thêm sức, đã bao nhiêu lần nghe giảng dạy đủ mọi điều giáo lý, Tin mừng.. nhưng con người của chúng ta vẫn cứ mãi tầm thường. Ðầu óc chúng ta còn đầy tính toán vụ lợi và tinh thần phàm tục: chúng ta theo đạo để xin Chúa ban ơn cho mình, được làm ăn thành công, được khỏi nỗi buồn khổ này, được đạt đến niềm mơ ước kia. Rồi khi nào cầu xin không được hay cứ gặp khốn khó thì ta chán muốn bỏ đạo, khi gặp nguy hiểm thì ta trốn chui trốn nhủi, không dám đến nhà thờ như các tông đồ xưa trốn kín trong phòng không dám ló đầu ra. Chúng ta cũng cắt nghĩa giáo lý theo kiểu cách phàm tục, không muốn tin những điều siêu nhiên, mầu nhiệm về Thiên Chúa, về linh hồn, về thiên đàng hoả ngục, về bí tích; chúng ta đòi hỏi Giáo Hội có những giải pháp dễ dãi cho cuộc sống và chống đối những chỉ dẫn của Giáo Hội mà ta cho là khắt khe, chẳng hạn về việc vợ chồng ly dị, về các phương pháp ngừa thai v.v….Tóm lại, giữ đạo một cách vụ lợi và phàm tục như thế nên cuộc sống đạo của chúng ta nó thờ ơ, thụ động, dật dờ làm sao ấy. Ta sống đạo nhưng sống như một cái xác không hồn, không hứng khởi.

Muốn cho các xác lờ đờ này thực sự có sức sống sinh động, nghĩa là muốn cho cuộc sống đạo của chúng ta được hăng hái, tích cực, phấn khởi, thì cần phải có Chúa Thánh Thần hiện xuống trên chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi chúng ta toàn diện như các tông đồ ngày xưa: làm cho chúng ta hiểu giáo lý Chúa một cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước làm cho chúng ta theo Chúa không phải vì vụ lợi muốn được điều này điều nọ mà chi vì chúng ta thực sự tin Chúa, yêu Chúa và sẵn sàng hy sinh tất cả vì niềm tin yêu đó.

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến

Thể theo lời Ðức Giêsu cầu xin, Chúa Cha đã ban Thánh Thần để quy tụ chúng ta thành Giáo Hội. Chúng ta cùng dâng lời cảm tạ và cầu xin.

  1. Lễ Hiện xuống là ngày khai sinh Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin / Chúa Cha ban Thánh Thần để soi sáng / hướng dẫn / và nâng đỡ các vị mục tử / trong việc điều khiển con thuyền Hội Thánh / vượt qua mọi phong ba bão táp ở trần gian.
  2. Nhiều nơi trên thế giới ngày nay vẫn còn đang sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha cử Thánh Thần đến / đem yêu thương vào nơi oán thù / đem niềm vui cho người đau khổ / đem hòa bình cho những vùng còn khói lửa chiến tranh.
  3. Ngày hôm nay / bạo lực và hận thù vẫn còn đang làm cho biết bao gia đình phải tan nát / biết bao người phải lâm vào cảnh khốn khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha ban Thánh Thần là nguồn tình yêu / để đổi mới lòng trí con người trên khắp địa cầu.
  4. Ðường lối Thiên Chúa thì nhiệm mầu / Lời Người thì cao siêu / nhiều khi chúng ta không thể hiểu tường tận được / Vì thế chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha / ban Thánh Thần cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / để Người chỉ bảo và nhắc nhở chúng ta / những điều Chúa Giêsu đã dạy lúc còn ở với các môn đệ.

Chủ tế: Lạy Chúa Cha nhân hậu, không bao giờ chúng con có thể khám phá được hết những kỳ diệu của tình yêu Chúa dành cho chúng con trong cuộc sống. Ước gì Thánh Thần Chúa thâm nhập lòng trí chúng con, và biến đổi cuộc đời chúng con nên một lời ca tụng tình thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ…

VI. Trong Thánh Lễ

  • Trước kinh Lạy Cha: Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta và cầu nguyện thay cho chúng ta bằng những tiếng than van khôn tả. Vậy chúng ta hãy cùng Chúa Thánh Thần dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha sau đây.
  • Sau kinh Lạy Cha: “Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, cách riêng là sự chia rẻ nhau. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an, và được hiệp nhất với nhau trong Chúa Thánh Thần. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”
  • Trước lúc rước lễ: Chúng ta sắp được ăn cùng một tấm bánh là chính Ðức Giêsu. Xin Chúa giúp chúng ta hiệp nhất với nhau. “Ðây Chiên Thiên Chúa…”

VII. Giải tán

Anh chị em đã được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần và được thêm sức bởi hơi thở tình yêu của Ngài. Giờ đây anh chị em hãy ra về như những sứ giả của Tin Mừng và Bình an đối với mọi người anh chị em sẽ gặp gỡ.

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*