• Lòng Thương Xót Tha Thứ Tội Khiên-Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  • Xét Mình Trước Khi Xét Đoán Người Khác-Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  • Liều mình vì yêu-Nt. Sao Mai
  • Hãy Cảm thông với nhau-Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
  • Hai Suy Tư-Mai Tá
  • Phúc Thật-Lm Huệ Minh
  • Chân lý và lòng xót thương phải luôn tồn tại- Jos. Vinc. Ngọc Biển
  • SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN-Jos. Vinc. Ngọc Biển
  • Chủ Nợ chí ái -AM. Trần Bình An
  • Công Chính Hơn !-Lm Hue Minh
  • Hãy mở ra cho lòng thương xót Chúa-Lm. Trương Hồng Vũ, CSsR (báo ĐMHCG #357)
  • Lòng tha thứ của Chúa. -Tội của chị đã được tha rồi (Lc 7,48)- Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
  • Tình Yêu Cứu Độ-TGM. Ngô Quang Kiệt
  • Mời Chúa ngự trị trong tâm hồn-Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà
  • ƠN THA THỨ - SỰ HUYỀN NHIỆM CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA-Lm. Jude Siciliano, OP
  • MẾN NHIỀU THA NHIỀU-Lm. Giuse Trần Việt Hùng
  • GIỮ LÒNG THANH TỊNH-lm. Hue Minh
  • Giọt lệ-Lm Vũđình Tường
  • Tình thương và tha thứ-Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
  • Thiên Chúa xót thương- Lm Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC
  • Hiệp sống tin mừng-Lm Đan Vinh
  • Giọt Nước Mắt Ăn Năn-by Lm John Nguyễn
  • vá lương tâm-Huệ Minh

LÒNG THƯƠNG XÓT THA THỨ TỘI KHIÊN

Lm. Antôn Nguyễn Văn ĐộAntonius-Do300

Chúa nhật XI Năm-C-(Lc 7, 36- 8, 3)

Chúa nhật XI thường aniên rơi vào trung tuần tháng Sáu, tháng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. Trang Tin Mừng về người phụ nữ tội lỗi được Chúa Giêsu tha thứ hôm nay như một sự trải dài về lòng thương xót vô cùng của Trái Tim Chúa. Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là vô cùng vô tận, một tình yêu đối thoại với tội nhân, chúng ta vẫn quen gọi là lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói : ” Lòng thương xót của Chúa Giêsu không chỉ là một tình cảm, đó còn là một quyền năng ban sự sống, làm cho con người được phục sinh“. (Huấn đức Chúa nhật X thường niên năm 2003). Quả là lòng thương xót của Thiên Chúa tha thứ tội nhân.

Lời Chúa Giêsu nói về người đàn bà đã mang một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm hảo hạng đến nhà ông Simon, mở ra quì dưới chân Chúa vừa xức vừa khóc nức nở đến nỗi nước mắt ướt đẫm chân Chúa, ướt rồi bà lấy tóc mình mà lau và hôn chân Chúa, thật là khó hiểu : “Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít.” (Lc 7, 36-8,3)

Câu đầu Chúa Giêsu khẳng định có vẻ ngược với câu sau. Một bên, dùng tình yêu để đạt được sự tha thứ “vì bà đã yêu mến nhiều“. Bên kia cho thấy, người ta không thể thực sự yêu mến nếu không cảm nghiệm được sự tha thứ, tình yêu này được đo bằng đón nhận sự tha thứ “kẻ được tha ít“. Nói cách khác, nếu bên này, tình yêu là bước khởi đầu trong tương quan với tội lỗi, thì bên kia, ngược lại. Vậy, điều nào trước ? Tình yêu hay kinh nghiệm được tha thứ ? Để hiểu được, chắc cần phải có dụ ngôn kiểu Chúa Giêsu kể cho ông Simon.

Ông Simon trả lời : “Kẻ được ông chủ nợ tha nhiều thì sẽ yêu nhiều hơn” (x. Lc 7,43). Tuy nhiên, dụ ngôn này dễ làm cho người ta dựa vào sự được tha thứ. Cần phải phân biệt người đã được tha và người cần được tha thứ, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn có trước. Đây chính là kinh nghiệm của Đavid sau khi đã giết tướng Uria người Hittít để chiếm vợ ông. (x. 2 Sam 12, 7-10)

Đavid là một kẻ ngoại tình và đã ra lệnh giết người, nhưng dù thế chúng ta vẫn tôn kính ngài như một vị thánh vì ngài có can đảm để nói: “Tôi đã phạm tội“(). Ngài tự hạ mình trước mặt Thiên Chúa. Người ta có thể phạm sai lầm rất lớn, nhưng người ta cũng có thể nhìn nhận chúng, thay đổi cuộc sống của mình và đền bù cho những gì mình đã làm.

Kinh nghiệm về sự tha thứ của Thiên Chúa bao hàm sự nhận biết, được đón nhận và dâng hiến sự thấp hèn của mình lên Thiên Chúa. Vì ai giầu có kiêu căng, thì tự mình cảm thấy không cần đến ơn tha thứ ; bởi vì họ không thấy có lợi gì. Làm sao có thể diễn tả được tình yêu đối với người chẳng cần nhận lãnh điều gì? Đó chẳng phải là kết cục khó khăn của Simon sao ? Ông hơi quá tự phụ về sự công chính và đạo đức của mình, và dường như người đàn bà tội lỗi này không ngăn cản ông đón nhận điều Chúa Giêsu muốn trao cho ông khi đến nhà ông. Chúa Giêsu nói với Simon : “Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi” lý do là vì : “bà đã yêu mến nhiều“. Và Chúa Giêsu nói với bà : “Đức tin của con đã chữa con. Con hay về bình an“. Đây chẳng phải là một hé mở cho Simon con đường để đón nhận ơn Chúa sao ?

Chỗ khác Chúa nói : “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu” (Mt 9,12). Về điều này, Thánh Ambrôsiô, Giám mục thành Milan, tiến sĩ Hội Thánh nói : “Hãy chỉ cho bác sĩ biết vết thương của bạn, bác sĩ có thể chữa bạn lành. Thậm trí nếu như bạn biết bệnh của bạn và bạn nói với bác sĩ, yêu cầu bác chữa trị, nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu bạn phải nghe lời chỉ dẫn của bác sĩ. Ambrôsiô khuyên chúng ta : Hãy lấy nước mắt mình mà rửa vết thương. Vì chính người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã từ bỏ tội lỗi mình và những quyến rũ của tội lỗi; chính bà đã thanh tẩy lỗi lầm của mình bằng chính nước mắt bà, khi lấy nước mắt mà rửa chân Chúa Giêsu. Nước mắt của lòng thống hối chừa cải chất chứa yêu thương, bà đã được tha thứ. (Thống hối, II, 8 ; SC 179)

Để cảm nghiệm và đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, con người cần phải có trái tim sẵn sàng, trong sạch và khiêm tốn. Nhờ đôi chân mà Chúa Giêsu đến gần con người. Với lòng khiêm nhường, Người đã đồng ý để bà quì xuống mà rửa chân, lấy nước mắt mình mà lau chân. Trái lại, ông Simon, tuy Chúa ở trong nhà ông, nhưng lòng ông còn ở quá xa Chúa, khi ông chứng kiến cảnh bà này đối xử với Chúa Giêsu, ông liền xét đoán và phê bình, “bà ấy là một người tội lỗi“. Bà thật can đảm đã vượt qua rào cản, giữa ô uế là (bà) và trong sạch là (Simon biệt phái), trước mặt người đời, bà làm thế vì bà cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa và bà dám chắc rằng bà tin bà sẽ được.

Đón nhận một tình yêu nhưng không, để thúc đẩy kẻ có tội được tha thứ đáp trả bằng tình yêu. Nhưng kẻ được tha thứ luôn ý thức rằng tình yêu của bà đáp trả Thiên Chúa bằng chính tình yêu Thiên Chúa trao ban cho bà khi Người thứ tha lúc bà đang là tội nhân.

Tình yêu ấy được thể hiện khi Thiên Chúa tha thứ cho tội nhân là Người xóa sạch, giải thoát ta khỏi gông cùm, xiếng xích, đưa ta tới một tương lai tương sáng khi bảo : “hãy đi!” Người mời gọi chúng ta ra đi mà không cần đáp trả khi thêm vào thêm vào: “Con hãy đi bình an” (nghĩa là bước đi trên đường công chính). Tội lỗi là phản nghịch của con người với Thiên Chúa, công chính là hòa bình với Thiên Chúa. “Con hãy đi bình an” cũng có thể nói rõ rằng, “hãy làm tất cả những gì có thể để dẫn tới sự bình an với Thiên Chúa“.

Đến đây chúng ta có thể khẳng định mà không lầm rằng : Kết quả của tình yêu là sự sống! Lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho con người sự sống, phục sinh con người từ cõi chết. Chúa luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, Người chờ đợi chúng ta với lòng thương xót. Vậy, chúng ta đừng ngại đến với Chúa, Đấng có một trái tim nhân hậu. Nếu chúng ta bày tỏ với Người những vết thương trong lòng mình, tội lỗi của mình, Người luôn tha thứ cho chúng ta. Xin Đức Maria, Nữ Vương của Lòng Thương Xót cầu cho chúng con. Amen.

XÉT MÌNH TRƯỚC KHI XÉT ĐOÁN NGƯỜI KHÁC

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa nhật XI Năm – C- (Lc 7, 36- 8,3)

Trung tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay là người đàn bà tội lỗi, trước mặt người đời, bà không được như họ, vì bà đã mất hết danh dự, nhưng bà đã nhận ra rằng bà vẫn còn có cái để cho Chúa Giêsu. Với giọt nước mắt, mớ tóc, dầu thơm, nhất là bằng ngôn ngữ của thân xác, bà đã chiếm trọn trái tim Chúa Giêsu, và bày tỏ tình yêu cùng lòng kính trọng của mình đối với Người.

Chúa Giêsu và người Biệt phái

Thánh Luca kể về một người Biệt Phái có tên là Simon mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tối tại nhà ông. “Biệt Phái” có nghĩa là “tách khỏi“, người này được tách ra khỏi người kia ! Thời Chúa Giêsu, tại Palestin đã có khoảng 6.000 người. Họ giảng dạy trong các hội đường, tự coi mình là mô phạm về tôn giáo cũng như việc tuân giữ Luật và các tập tục của tiền nhân. Họ cho rằng các tập tục truyền thống cũng có giá trị như Kinh Thánh (x.Mc 7, 8-13).

Khi nhận lời mời, Chúa Giêsu vẫn giữ được tự do của Chúa. Người Biệt Phái là chủ nhà. Chung quanh ông còn có bạn bè, đồng nghiệp về tôn giáo. Trong số khách mời đặc biệt, Chúa Giêsu không được chủ nhà tiếp đãi cách trọng nhất, ông bận tâm để ý đến bạn bè của ông hơn là những nhà giảng thuyết lưu động. Ông rửa chân cho các khách mời của mình, đón tiếp họ, trao hôn bình an và đổ dầu thơm lên đầu theo tục lệ. Chúa Giêsu thì không có ba điều trên (x. Lc 7,44-46).

Chúa Giêsu và người đàn bà

Chúng ta biết rằng người đàn bà đã bước vào phòng ăn, trong thực tế bà không được mời. Bà mang đến cho Chúa Giêsu ba thứ mà  Simon đã bỏ qua để bầy tỏ lòng mến khách. Bà không bận tâm đến chủ nhà. Chủ của bà chính là Chúa Giêsu. Bà lấy nước mắt mà rửa chân Chúa, lấy tóc mình mà lau và lấy dầu thơm hảo hạng mà đổ lên đầu Chúa (x. Lc 7,37-38). Ông Simon vấp phạm, vì thấy Chúa Giêsu để cho người đàn bà tội lỗi tỏ bày sự kính trọng như thể yêu thương ở nơi công cộng.

Rõ ràng người biệt phái khinh thường phụ nữ. Đối với Chúa Giêsu, Simon cho rằng Chúa Giêsu không thể là người của Thiên Chúa được, cứ tưởng tượng mà xem một tiên tri sao lại để cho người đàn bà, mà bà này là người tội lỗi, lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc mình mà lau nữa, lại còn làm công khai trước mặt mọi người  (x. Lc 7, 39). Simon nhìn hành động của người đàn bà với “tư tưởng xấu”. Có ai đó đã nói, “hãy nói cho tôi biết điều bạn đang nghĩ tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai!“. Và Dostoevskij viết “nếu những suy nghĩ của chúng ta đã có mùi, nó sẽ làm băng hoại thế giới“.

Người biệt phái để Chúa Giêsu giải thích : “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông …” (Lc 7, 40). Và Chúa đã cho ông một bài học xứng đáng về “cách đối nhân xử thế : “Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi… Ông đã không hôn chào Tôi… Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã làm tất cả… ” (Lc 7, 44-47).

Người Biệt phái và người đàn bà tội lỗi

Simon xem sự so sánh mình với tội lỗi, có thể là một cô gái điếm, và thấy rằng dưới cái nhình của Chúa Giêsu, bà có một chỗ đứng tuyệt vời trong nhà ông, người biệt phái. Người đàn bà là người trung tâm của câu chuyện Phúc Âm hôm nay không nói một lời. Nhưng Chúa Kitô bảo vệ bà và nói với bà : “Hỡi bà, đức tin con đã cứu con. Tội ngươi đã được tha.” (Lc 7, 48-49)

Simon thấy bà chỉ là “gái mại dâm“, Chúa Giêsu thấy nơi người đàn bà nghèo này có bao điều tốt đẹp. Vì thế Chúa bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ?” (Lc 7, 40). Nhìn bà ấy với thiện cảm, người ta sẽ khám phá ra lịch sử của cá nhân bà cũng như phẩm chất con người và nhân phẩm tuyệt vời của bà.

Simon người Pharisêu đã quên mất rằng ông cũng là một tội nhân, có lẽ ít tội lỗi hơn so với người đàn bà sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, nhưng ông vẫn là tội nhân. Gặp bà ông không có mấy thiện cảm. Ông là mẫu người dễ dàng nhìn thấy cái rác trong mắt của người khác, nhưng bỏ qua cái đà trong mắt mình.

Chúng ta phải đọc lại Tin Mừng khác để xem cách thức Chúa Giêsu đối xử với Maria Magdalêna (x. Lc 8, 2), người Samaritanô (x. Lc 10, 29-37), bà góa phụ nghèo bỏ hai đồng xu vào thùng tiền Đền thờ (x. Lc 21, 1-4), người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-11), người phụ nữ bị bệnh xuất huyết (x. Lc 8, 43-48) v.v. Hơn nữa, đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc khi nói rằng Chúa Giêsu đi từ làng nay qua làng nọ, theo Chúa không chỉ có nhóm Mười Hai mà còn có nhiều phụ nữ Chúa đã cho khỏi cũng đi theo Người. Thánh Luca nhắc tên của ba người đàn bà ấy. Đó là điều không tưởng vào thời của Chúa Giêsu. Người ta cấm các phụ nữ không được tham dự lớp học của các giáo sĩ Do Thái! (x. Lc 8, 1-3)

Hôm nay, qua ông Simon người Pharisiêu, Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta nhìn lại chính mình trước khi xét đoán người khác, tránh mắc phải những nghĩ lễ bề ngoài mà nghĩ rằng chúng ta tốt hơn những người không thuộc về “tầng lớp xã hội chúng ta”.

Theo cái nhìn của Chúa Giêsu, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không phải là “quan án“, nhưng “là người tha nợ“, tha thứ tội nhân. Và Chúa đòi hỏi chúng ta phải có thái độ tương tự đối với người khác: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Amen.

LIỀU MÌNH VÌ YÊU

Nt. Sao Mai-Ns TTĐM 2016

Chúa nhật 11 thường niên, Năm C (Lc 7:36-50)

Trong tác phẩm Ơgiêni Grăngđê của Bandắc, tác giả cho thấy tình yêu của Ơgiêni dành cho người em họ Sáclơ thật đẹp và chân thành. Với tất cả diễn biến của một tình yêu vừa chớm nở thì đã vấp phải một trở lực: Ông bố keo kiệt, bủn xỉn. Những thấp thỏm của Ơgiêni vì mẩu nến lạp, vì mấy thanh củi để đốt trong phòng của Sáclơ, sự dành dụm từng chút bơ, lạng bột, miếng đường cho Sáclơ, đó là tình yêu và cũng là sức mạnh của tình yêu đã khiến Ơgiêni trở nên dũng cảm lạ thường, như “người thiếu phụ Paris gắng hết sức bình sinh cầm giải lụa cho nhân tình leo xuống trốn chạy có lẽ cũng không can đảm bằng Ơgiêni, khi nàng dám đem đĩa đường đặt lên trên bàn”. Khi Saclơ bị tống khứ sang Ấn Độ làm ăn, nàng đã giấu cha đưa cho người yêu số tiền vàng mình dành dụm được từ nhỏ, để chàng thêm vào vốn kinh doanh, bất chấp hậu quả bị cha mình giam vào buồng kín, bắt ăn bánh mì nhạt, uống nước lã và có khả năng mất cả mạng sống. Đúng là, khi yêu thì người ta có thể vượt qua mọi khó khăn, khổ cực… và dám liều vì yêu.

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta một mẫu gương liều mình vì yêu. Mẫu gương đó lại là một phụ nữ tội lỗi. Có nhiều chi tiết mà Thánh Luca cho thấy chị ta thật liều lĩnh. Chi tiết đầu tiên là chị dám xông vào giữa bữa tiệc. Bữa tiệc này do chính người Pharisêu được gọi là người công chính đứng ra tổ chức. Chị là người phụ nữ lại là người tội lỗi mà đã hiên ngang bước vào. Chị ta quả là người “điếc không sợ súng”.

Chi tiết thứ hai là quỳ xuống dưới chân Chúa Giêsu khóc nức nở rồi xổ tóc ra lau chân Người. Theo phong tục người Do Thái, người nữ phải giấu kín tóc của mình trước mọi người. Đến nỗi nếu người chồng thấy được vợ mình xổ tóc trước đám đông thì có quyền ly dị với nàng. Không những thế, chị còn đập vỡ bình bạch ngọc đựng dầu thơm trị giá 300 quan tiền, tương đương thu nhập cả năm mà đổ lên chân Chúa Giêsu.

Như thế, tình yêu đã thúc đẩy người phụ nữ này liều mình đến với Chúa Giêsu. Chị tin nơi Thầy Giêsu sẽ tha thứ cho những yếu đuối của mình. Và kết quả chị đã được như lòng mong đợi. Người đã nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Chẳng những được tha mà chị còn được Chúa Giêsu bênh vực khi người chủ nhà có ý trách móc. Từ đó, chúng ta thấy Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Mặc dầu, những gì chúng ta làm chẳng đáng là bao. Nhưng khi chúng ta làm với cả tấm lòng, nhất là với lòng mến, thì Thiên Chúa sẽ không để chúng ta chịu thiệt bao giờ.

Chúng ta nhớ Thánh Phêrô khi Chúa Giêsu bị bắt, vì chưa có lòng mến nên ông chưa dám liều mình tuyên xưng mình là môn đệ của Chúa Giêsu. Ông đã vội vàng chối Thầy chỉ với những người hết sức bình thường. Ngược lại, sau đó Chúa Giêsu hỏi ông ba lần có mến Người không thì ông đã trả lời: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21:17). Lúc này ông đã trả lời với xác tín mạnh mẽ. Chính lúc ấy Chúa Giêsu đã trao phó sứ mạng đặc biệt cho ông là chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Một sứ mạng cam go, thử thách và đòi hỏi nhiều sự liều lĩnh. Vì lòng mến nên ông đã hoàn thành sứ mạng Chúa Giêsu trao phó một cách tốt đẹp.

Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14:23). Mỗi người chúng ta hãy nhìn lại xem lòng mến của ta vào Chúa như thế nào? Chúng ta có dám liều mình tuân giữ Lời Chúa giữa thế giới này không? Giữa một thế giới mà người ta xem việc lừa dối, gian xảo là chuyện hết sức bình thường, chúng ta có dám liều mình để nói và sống sự thật không? Giữa một thế giới mà người ta ham mê quyền lực, đến nỗi sẵn sàng chà đạp lẫn nhau, chúng ta có dám liều mình sống khiêm tốn, nhường nhịn và yêu thương nhau không? Giữa một thế giới có nhiều người đặt Thiên Chúa ở bậc thang giá trị thứ yếu trong cuộc đời của mình, chúng ta có dám liều mình để đặt Thiên Chúa làm giá trị hàng đầu không?

Xin Chúa Giêsu thương gia tăng lòng mến cho ta vào Chúa. Nhờ đó, chúng ta dám liều mình tuân giữ Lời Chúa hằng ngày trong cuộc sống.

HÃY CẢM THÔNG VỚI NHAU

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền00 tuye

Chúa nhật 11 thường niên, Năm C 12-06-2016

Cuộc sống hôn nhân có vui có buồn. Vui thì chẳng mấy người nói ra nhưng buồn thì luôn được tô phồng qua những câu chuyện “tám” hằng ngày với nhau, có khi qua cả báo chí, mạng truyền thông. Điều quan yếu để có hạnh phúc gia đình là phải cảm thông và tha thứ cho nhau, nhưng đáng tiếc nhiều đôi vợ chồng đã không kềm hãm tính nóng giận của mình trước sai lỗi của nhau.

Có hai chàng say rượu nói chuyện với nhau:

“Mày sẽ nói gì khi về nhà trễ?”

“Ngắn thôi: anh đã về.”

“Chỉ thế thôi à?”

“Chỉ thế thôi, còn lại thì vợ tao sẽ nói…”

Những chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt ấy cũng là nguyên nhân cho những đổ vỡ thiếu chung thủy của người bạn đời khi không tìm được sự cảm thông nơi người bạn trăm năm của mình.

Đặc biệt trong xã hội văn mình hôm nay còn có một nguyên nhân dẫn đến sự phản bội nhau chính là mạng truyền thông ngày một tiến bộ hơn. Người ta dễ ngoại tình ảo qua Internet hay điện thoại thông minh. Làm sao có thể biết chồng hay vợ đang xem gì, đọc gì trên internet, và email ở phòng bên ? Bên cạnh đó, sự lạm dụng Internet  cũng đem đến đổ vỡ tình cảm, tình yêu của nhiều vợ chồng.

Chúng ta vẫn thường nghe những câu nói đại loại như:

+ “Ông lo ôm nó mà không ôm tôi, tôi sẽ đi ôm người khác!”

Hoặc:

+ “Bà cứ ôm cứng nó mà không ôm tôi, tôi sẽ phá nát cái gia đình này cho mà biết!”

Những câu nói thường xuyên mà nhiều người vẫn thường nói hoặc nghe nói về những lạm dụng computer, email, internet này đã trở thành sự thật chua chát đối với nhiều gia đình khi mà người chồng hoặc người vợ đã không ý thức hoặc kìm hãm được đam mê của mình trong việc sử dụng những tiến bộ của khoa học.

Nếu biết rằng cuộc sống hôm nay nhiều cám dỗ thì con người hôm nay cần cảm thông tha thứ cho nhau. Tha thứ không phải là đồng lõa cái sai mà tha thứ để giúp nhau làm lại cuộc đời. Tha thứ không phải là im lặng mà là giúp nhau sửa đổi cái sai để đi đến hoàn thiện.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy cách ứng xử của Chúa Giê-su và người biệt Phái thật khác nhau. Chúa Giê-su cảm thông. Người biệt phái thì khắc khe muốn loại trừ. Chúa Giê-su nhân từ. Người biệt phái thì bất khoan dung. Chúa Giê-su tha thứ. Người biệt phái vẫn để định kiến che lấp lòng bác ái bao dung.

Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu ai cũng sống cảm thông tha thứ cho nhau. Ai cũng cần người khác tin tưởng thì mình cũng hãy tin tưởng anh em. Ai cũng cần người khác cảm thông thì mình cũng hãy cảm thông với tha nhân. Nhất là trong đời sống vợ chồng xin đừng khắc khe với nhau. Hãy sống chan hòa yêu thương. Hãy tạo cho gia đình mình một không khí bình yên hạnh phúc. Đừng đố kỵ, ghen tương gây nên những đổ vỡ gia đình. Hãy sống bao dung để gìn giữ gia đình được mãi hạnh phúc trăm năm.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức mình là tội nhân, thế mà Chúa vẫn yêu thương để rồi cũng biết sống tha thứ cho nhau. Xin cho chúng ta biết học nơi Chúa luôn sống bao dung nhân ái hầu giúp nhau thăng tiến thay vì kết án loại trừ nhau. Nhất là trong năm Lòng Thương Xót, xin cho mỗi người biết xót thương nhau như Chúa đã xót thương chúng ta. Amen

Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 11 thường niên năm C 12/6/2016

Lm Richard Leonard sj – Mai Tá lược dịch.

Tin Mừng: (Lc 7: 36-8:3)

Một hôm, Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Đức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” Ông Simôn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”

Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ.

“Tôi cứ tưởng bây giờ tôi đã chết,

Trước dung-nhan Thượng-Đế, xét tội/công.

Xin tha-thứ bao tội lỗi chất-chồng

Những chối bỏ, khinh chê người tật/bệnh.

Kẻ già nua, thơ trẻ Ngài truyền lệnh

Người bơ-vơ hèn mọn chính là Ta.”

(Dẫn từ thơ Nguyên Đỗ)

Bơ vơ hèn mọn. Tật bệnh, lũ trẻ thơ. Và, người nữ-phụ chất-chồng nhiều tội-lỗi, Chúa thứ tha. Chúa tha thứ, Ngài thẩm-định mọi việc không do quá-khứ, hệ-lụy mà do biết từ-bỏ những gì lôi kéo người người xuống bùn đen. Bùn đen hôm nay, mon men đến gần với Chúa, để được tha-thứ. Tin Mừng cho thấy diện-mạo hai nhân-vật: một Biệt-phái tên Simôn, một nữ-phụ gọi tắt là Maria. Biệt-phái theo ngôn-ngữ Do-thái-giáo, là “người tách riêng”. Vào thời của Chúa, người Biệt phái như thế rất đông. Đông đến 6 ngàn người. Và, họ ở rải-rác trên toàn cõi Palestine.

Hôm nay, Biệt Phái Simôn mời Đức Kitô đến nhà, phải chăng để huênh hoang khoe chòm xóm: mình quen lớn. Hay, chỉ muốn thách thức thái độ và lời dạy của Đức Kitô, thôi? Điều này, không rõ. Nhưng, chúng ta đều biết, Đức Giê-su không chọn người để đến thăm. Ngài nhận lời đến với người giàu – kẻ nghèo, dù Biệt Phái. Với giới kinh sư, thu thuế, và người phạm tội, rất đáng ghê. Vào nhà Biệt Phái Simôn, ta thấy dường như ông ta cố ý để ngỏ cửa, và tiếp đón hời hợt như muốn đặt Đức Kitô vào tình trạng lúng túng, khó xử. Cửa để ngỏ, khiến người nữ phụ tội lỗi dễ đi  thẳng vào bên trong, để gặp Chúa. Dù không đuợc mời, nhưng chị vẫn đến. Chị đến, để xem Đức Kitô đối xử ra sao với đám tội phạm. Lạm dụng tình.

Cử chỉ của người nữ phụ tội lỗi, những là: xõa tóc, đổ dầu thơm lên chân. Rồi còn, hôn chân Chúa và khóc lóc, làm đẫm ướt chân Ngài. Cảnh tượng này, có lẽ đã gây xúc phạm đối với những người công chính hiện diện, buổi hôm ấy. Trình thuật kể rõ chi tiết, để nêu lên hai thái cực của hai loại người tội lỗi. Hai thái cực này, có thể gây khó chịu cho nhân vật chính được mời, là Đức Kitô.

Lỗi của Biệt Phái Simôn, là: tuy mời Đấng Thiên Sai Đức Chúa, nhưng ông lại không làm thủ tục xã giao đúng với qui cách của nhà chủ, tức: ông ta đã không rửa chân, không ôm hơn hoà bình. Không đổ dầu lên tóc. Cả đến cử chỉ sám hối – ăn năn, cũng không. Cảnh trí trong truyện, còn dẫn đến tình huống gay hơn: khi Chúa quay về phía người nữ phụ từng phạm lỗi khi trước, Ngài nói: “Tội của chị nhiều thật đấy, nhưng đã được tha; bằng chứng là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7: 47)

Trình thuật Phúc âm, ngay từ đầu cho thấy: các xử sự của Đức Kitô rất nhẹ nhàng. Tự do. An bình. Ngài không tỏ dấu hiệu bất an. Lúng túng. Cũng chẳng ra lệnh cho người nữ phụ phải ngưng ngay các hành vi dễ gây ngộ nhận, ra như thế. Bởi, với người đời, chị luôn bị coi là người tội lỗi, mà lại dám có cử chỉ khiếm nhã, với Đấng Hiền Từ, Yêu Thương là Đức Kitô, sao? Thay vì nổi giận hoặc ngượng ngùng trước những động tác hơi xỗ sàng ấy, Đức Kitô đã không khiển trách chị; trái lại, Ngài tuyên bố: tội của chị đã được tha. Tuyên bố như thế, chẳng phải là: Chúa muốn chứng tỏ quyền uy của Ngài, là tha tội. Nhưng, qua hành động ấy, Ngài muốn nói với mọi người, rằng: lòng tin-yêu và hối cải của người phạm lỗi đã đem lại cho họ sự thứ tha. Tha thứ ấy, nay được thể hiện qua việc đổ tràn tình thương tiếp diễn, ngay sau đó.

Tình yêu và tội lỗi, hai điều không thể đi chung, cùng sống tương hợp với nhau. Càng không thể hiện diện trong cùng một nhân vị. Nhưng ở đây, người nữ phụ đã bày tỏ lòng chị đã tin-yêu Chúa thật sự. Nên, vì tình thương ấy, mọi lỗi phạm của chị đã trở thành những sơ xuất chị làm trong quá khứ. Hiện tại, khi được thứ tha, tâm hồn chị trở nên trong trắng. Rất nhiều. Xem thế thì, tình thương yêu xóa bỏ được mọi tì vết dù rất lớn, trong quá khứ. Quá khứ, không quan trọng. Hiện tại, mới cần quan tâm.

Thời nay, người đời thường chú trọng đến những gì người khác đã làm trong quá khứ. Vẫn cứ chụp lên đầu những người làm điều sai quấy bằng các nhãn hiệu/tên gọi rất khắt khe. Dù, họ đã biết đổi thay. Khắt khe quá, khiến đương sự dù có muốn, cũng không thoát khỏi các tai tiếng về các lỗi phạm, thời quá khứ. Và cứ thế, tiếng xấu cứ đeo bám họ suốt chuỗi ngày còn lại. Với Chúa, quá khứ tội lỗi không còn là vấn đề. Điều Ngài quan tâm, là: biết hối hỗi. Và, từ nay không làm thế.

Trong tâm tình này, tay trộm nghèo treo cạnh Chúa trên đồi cao hôm ấy, cũng đã ý thức. Hắn biết kêu gọi tình thương Chúa tha thứ. Nên, được Chúa hứa cho về với Ngài, nơi cõi phúc. Có lẽ, nhiều người sẽ cho đây là chuyện bất công, Chúa đã làm? Nhưng hãy nhớ rằng: ý niệm công bằng của Chúa, không là công bằng trần gian, ta vẫn hiểu. Thử hỏi: nếu Chúa không tha thứ; không đặt nặng đến hành vi ta làm trong hiện tại, thì e rằng người người sẽ không khỏi lúng túng về các lỗi phạm thời đã qua, của mình.

Đây còn là ý chính ở bài đọc 1. Nếu chỉ kể những việc mình làm trong quá khứ, thì Đavít sẽ là tay tội phạm tày trời. Hết cướp vợ người khác, lại giết người không gớm tay, không buông tha cả những đầu xanh vô tội. Nhưng, Đavít đã biết sám hối và đổi thay, nên ông được Yavê Chúa thứ tha. Nhờ sám hối – đổi thay, Đavít đã đi vào vòng tay ôm thương yêu của Chúa. Đúng như lời tiên tri Nathan nói: “Về phía Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài rồi.” (2Sm 12: 13).

Một lần nữa, Thiên Chúa cho thấy: Ngài muốn cải hóa người phạm lỗi, chứ không xử phạt. Xử phạt là hành vi hủy hoại. Chúa chẳng bao giờ hủy hoại ai. Một thứ gì. Ngài muốn mọi người trở nên một. Một thân mình. Một cộng đoàn yêu thương. Cộng đoàn biết sống hài hoà. Bình an. Trong nội tâm.

Tư tưởng này, thánh Phao lô cũng bộc bạch ở bài đọc 2. Tất cả mọi người hãy củng cố niềm tin vì đã có tình thương yêu tha thứ của Chúa, với mình. “Người được nên công chính không phải nhờ đã làm những gì luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Kitô.” (Gl 2: 16). Đó là khác biệt giữa lối hành xử của Simôn Biệt Phái và Maria, người nữ phụ đầy lỗi phạm.

Hôm nay, tất cả mọi người, công chính cũng như có tội, nhờ có niềm tin thương mến nơi Chúa, nên đã được cứu rỗi. Tin, không là động thái của tri thức. Tin, cũng không phải là mớ tín điều mọi người cần giữ. Nhưng, trước hết và trên hết, tin chính là hành động của những người biết yêu thương. Tin tưởng vào điều gì. Vào người nào.

Nếu agapè (lòng mến) là ngôn từ chỉ định tình Cha thương yêu, thì pistis (lòng tin), là đường lối để ta đáp lại tình yêu thương ấy. Ta không thấy Chúa, cũng không bao giờ biết được Ngài, nhưng vẫn tin vì đã dựa vào các trình thuật/truyện kể, nơi Phúc Âm. Ở nơi đó, Chúa đến với ta,qua xác hèn phàm trần bằng xương bằng thịt, của Đức Kitô. Nhờ đó, ta có bước dài củng cố lòng tin mà dâng hiến trọn mình để Ngài chăm sóc. Mến thương. Tựa như người nữ phụ tội lỗi đã làm, hôm nay. Và như thánh Phaolô khuyên nhủ, tin vào Đức Kitô đã cải hoán cuộc đời của chúng ta.

Như thánh Phaolô, luật lệ không còn mang ý nghĩa gì, đối với ta. Luật lệ, sẽ không là chuyện cần thiết ta phải có, khi cuộc sống của mọi người đã có tình thương yêu hướng dẫn. Ai yêu thật sự, chẳng bao giờ làm điều sai quấy. Ác độc. Dù họ có vi phạm những chấm phết của luật lệ. Và, khi đã yêu, thì luật lệ tự khắc sẽ được tuân thủ. Nói khác đi, nếu chỉ giữ luật mà không yêu thương, thì kết cuộc cũng sẽ đưa đến những hậu quả thảm khốc, không ngừa trước.

Chính vì thế, mà thánh Phaolô  -người Biệt Phái hăng say săn bắt người phạm luật Do Thái thuở trước-  đã biết từ bỏ luật lệ của nhóm mình để trở về hiến tặng trọn đời mình cho Đức Chúa. Và khi đã hiến trọn chính mình, thánh nhân dám nói lên câu để đời: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2: 20). Hôm nay, cuộc sống và lời rao giảng của thánh nhân đã trở thành gương sáng, cho ta theo.

Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau Chúa Nhật 11 Thường niên năm C 12/6/2016

 

Loài cỏ cây man rợ”

Loài ma quái ngu si! Ta yêu em lầm lỡ Bây giờ đường nào đi!”

(Nhạc: Phạm Duy – Ta Yêu Em Lầm Lỡ)

 

(1Corintô 11: 8-9)

Nếu chỉ nghe có bấy nhiêu câu thôi, thì cũng chẳng có gì là lầm lỡ. Chẳng có gì để hát được rằng: “Em là cây cỏ úa, ta là loài ma hoang!”.

Thế đấy, là tình-tự âm nhạc, rất lầm lỡ, chỉ thấy những: “cỏ úa” với “ma hoang”. Nhưng, nếu bạn và tôi, ta cứ thế đi vào giòng nhạc có những ca-từ kỳ lạ, như: “man-rợ”, “sầu bi”, “ngu si” lại sẽ còn nghe các chữ với nghĩa ghê rợn đến như sau:

 

“Em yêu ma quỷ dữ Đã đến gieo sầu bi Em là cây cỏ úa Em đến gieo buồn thương! Ta cho em tất cả Hỡi nụ hôn tình đầu! Bây giờ tình tan vỡ Ta còn lại thương đau.”

(Phạm Duy – bđd)

Thế đấy là lời lẽ trong âm-nhạc của nghệ sĩ họ Phạm, rất ghê rợn. Nhưng, không ghê và cũng chẳng rợn bằng những lời được phát-biểu ở nhà Đạo rất Rôma, ngày hôm ấy, như sau:

“Hôm 25.05.2015  Đức Hồng Y Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình đứng ra tổ chức Hội Nghị Quốc Tế về chủ đề “Phụ Nữ và Lộ Trình Phát Triển Hậu 2015: Những Thách Đố Cho Những Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững” từ ngày 22 đến 24.5 vừa qua. Đây là một Hội nghị bàn về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và Xã hội. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng rất quan tâm đến vị trí của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội hôm nay. Ngài dự định sẽ có những thay đổi lớn lao trong Giáo triều khi đặt phụ nữ làm trưởng một văn phòng nào đó tại Vatican.

 

Trong một đoạn thư gửi đến Hội nghị, ĐTC đã có những lời khích lệ như sau: “Nhiều người nam nữ muốn đóng góp cho Lộ Trình này, khi họ làm việc để bảo vệ và cổ võ sự sống, và chiến đấu chống đói nghèo, những hình thức nô lệ và những bất công mà người phụ nữ ở mọi thời đại, và trên khắp thế giới phải gánh chịu thường xuyên.”

 

Người phụ nữ đang phải đối diện với nhiều thách đố và khó khăn khác nhau tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Ở Phương Tây, đôi khi họ vẫn còn bị đối xử phân biệt trong công việc; họ vẫn thường bị buộc phải chọn lựa giữa công việc và gia đình; họ thường xuyên phải chịu đựng tình trạng bạo lực gia đình trong vai trò là vợ sắp cưới, vợ, người mẹ, người chị em và bà. Ở các nước nghèo và đang phát triển, phụ nữ mang lấy những gánh nặng nề nhất: chính họ là những người phải vượt nhiều dặm đường để kín nước, cũng là những người thường phải chết khi sinh, là những người bị bắt cóc cho những khai thác tình dục hoặc buộc phải kết hôn khi còn trẻ hoặc ngược lại với ý muốn của họ. Đôi khi họ thậm chí bị khước từ quyền sống chỉ đơn giản vì là phái nữ.”

 

Hội nghị cũng bàn về việc bảo vệ sự sống và khuyến khích cộng đồng quốc tế cùng nhau tôn trọng sự sống của con người ngay từ lúc thụ thai. Sự sống là quyền bất khả xâm phạm và ai được phép tước đoạt quyền này.

 

Trong lá thư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng tái khẳng định như sau: “Sự sống tự bản chất có liên hệ với các vấn đề xã hội. Khi chúng ta bảo vệ quyền sống – từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên– là chúng ta bảo vệ phẩm giá con người. Bảo vệ con người thoát khỏi những thảm hoạ của đói và nghèo, bạo lực và bách hại.”

 

Đức Phanxicô cũng có những lời khích lệ công việc của Hội Đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình, cách riêng cá nhân Hồng Y Turkson như sau: “Xin cho công việc của hiền đệ được đánh dấu trước hết và trên hết bởi một khả năng chuyên môn, không tìm tư lợi hay những hoạt động giả tạo, nhưng bằng sự cống hiến đại lượng. Bằng cách này hiền đệ sẽ làm tỏ lộ muôn vàn ơn huệ mà Thiên Chúa ban tặng là những điều mà phụ nữ phải mang lại, trong khi khích lệ những người khác cổ võ sự nhạy bén, hiểu và đối thoại trong những mâu thuẫn lớn nhỏ đang cần giải quyết, trong việc chữa lành các vết thương, trong việc nuôi dưỡng hết mọi hình thức sự sống ở mọi cấp độ xã hội, và trong việc mặc lấy lòng thương xót và sự dịu dàng là điều mang lại sự hoà giải và hiệp nhất cho thế giới của chúng ta. Tất cả điều này là một phần của “sự khôn ngoan nữ tính” là điều mà xã hội của chúng ta đang rất cần đến.” GNsP (theo news.va)

 

Các đấng bậc trong nhà Đạo có phát-biểu hoặc nói năng với con dân mọi người, thì cũng chỉ đến thế là cùng. Còn gì ghê rợn bằng ta nghe thêm lời thơ ở ca-từ nhạc-bản trên, như sau:

“Ta yêu em lầm-lỡ,

Ôm vòng tay dại-khờ.

Em là loài hoang-thú

Ta vất vả tinh-khôn.

Loài phù-hoa mắt mờ.

Bạc vàng phấn son mơ.

Nơi mộ hoang lạc thú.

Em bước hỏng lửng-lơ

Ôi! chông gai đầy lối

Cất bước đi về đâu?

Một lần ta lầm-lỡ

Trăm đường còn sầu đau!

(Phạm Duy – bđd)

Nói cho đúng, những ca-từ hoặc tâm-tình phát-biểu của đấng bậc trong Đạo/ngoài đời, cũng chưa ghê và rợn bằng truyện kể nhẹ từng định-nghĩa với định-hình người nữ-phụ ở trần-gian như sau:

“Nữ-phụ là cái chi chi? Dẫu có ra gì, cũng chẳng làm sao.

Phụ-nữ người/ngợm thế nào? Cứ để mắt đọc và rồi thấy ngay.

Thấy là thấy thế này đây:

 

Phụ nữ là gì ư?

Là thiên-thần, nắm giữ sự thật và giấc mộng nhiều giả-tưởng.

Nữ-phụ, là mớ bong-bong toàn những mâu-thuẫn với đối-chọi,

Là, kẻ sợ bóng sợ gió, sợ cả con ong vò vẽ lẫn chuột bọ.

Nhưng, nàng lại có thể một mình ra tay tóm cổ tên vô-lại đột-nhập vào nhà.

Nàng chua như giấm, ngọt như nụ hồng,

Nàng hôn ta có thể cả giây phút dài, rồi lại hỉnh mũi như người không quen.

Gặp cơn giận dữ, nàng dập ta như chơi, nhưng có lúc lại nhẹ nhàng như tơ lụa

Nàng mạnh hơn cả rượu nồng, êm hơn giòng sữa óng ả, buổi nắn ráo.

Đôi lúc nàng cũng trả đũa lẫn trả-thù, có khi nàng cũng buồn/vui lẫn lộn,

Nàng thù ghét ta như thứ nọc độc nhưng lại yêu ta như mụ điên…

Và, nàng còn là gì nữa? Hãy cứ tự tiện mà thêm thắt…”

(trích điện-thư cổ mang giòng chữ rất Anh-ngữ: What a woman!)

Ấy đấy, một định nghĩa về…nữ-phụ. Nhưng, không phải thứ nào cũng đúng hết. Bởi, có lập cả ngàn trang tự-điển cũng không thể nào nói hết về phụ-nữ với nữ-phụ chốn dân-gian, phàm trần.

Không tin ư? Bạn và tôi, ta cứ mở email hàng tuần mà các lão ông gửi tung-toé, đến tràn đồng. Hãy cứ đọc rồi ắt biết, không cần phê. Và, đọc thêm nữa, sẽ thấy những giòng chảy như câu hát, rất thế này:

 

“Ta yêu em vất vả Ôi! lần cuối lần đầu Em là cành gai sắc Cho thịt nát xương đau.

Yêu em nên mất cả Vỡ nụ hôn tình đầu Yêu là sầu chất chứa Yêu còn được là bao? Người ngoảnh lưng dấu mặt Cuộc đời mới đi xây Đi van xin hạnh phúc Nô lệ nào rủi may.

Ta thương em nhỏ bé Với giấc mơ bạc vàng Em là cây cỏ úa Ta là loài ma hoang.”

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Hát, thì hát thế. Chứ, có ma nào lại tin như thế?

Vâng. Thôi thì, có hát mấy cũng cứ kệ. Chỉ xin bạn và tôi, ta cứ đi vào giòng chảy âm thầm gồm những lời lẽ rất ghê rợn về nữ-phụ ở ngoài đời, đến độ thế. Cũng có thể, thân-phận người nữ-phụ ngoài đời, hoặc trong Đạo còn tệ hơn thế đấy.

Thôi thì, tệ hay không tệ hơn thế, ta vẫn cứ tìm-hiểu thêm đôi chút để còn cảm-thông/thông-cảm với người chị, người em ở chốn Nước Trời là thánh-hội rất hôm nay, như thế này. Trước hết, là lời Kinh Sách rất như sau:

“Đức Chúa là Thiên-Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ cho nó một trợ-tá tương-xứng với nó. Đức Chúa là Thiên-Chúa lấy đất nặn ra mọi dã-thú, chim trời và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh-vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và dã-thú, nhưng con người không tìm được cho mình một tr-tá tương-xứng. Đức Chúa là Thiên-Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên-Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn-bà, vì đã được rút từ đàn-ông ra.” (Sáng Thế Ký 2: 18-23)

Và, thư thứ nhất thánh Phaolô gửi cộng-đoàn Côrintô, lại cũng viết:

“Thật vậy, không phải người nam tự người nữ mà có, nhưng người nữ tự người nam. Cũng chẳng phải người nam được dựng nên vì người nữ, nhưng người nữ vì người nam” (1Corintô 11: 8-9)

 

Theo Kinh Sách Do-thái-giáo, người nữ được tạo-thành không theo hình-ảnh Thiên-Chúa, mà chỉ là “chiếc-xương-sườn-cụt-của-nam-nhân mang-ảnh-hình Thiên-Chúa. Thế nên, sở dĩ có ác-thần/sự dữ nơi gian-trần này, là doqua ngươi phụ nữ. Nói cách khác, với thế-giới do nam-nhân khuynh-loát đồng thời là thần-thánh sánh với mọi loài, cả đến nữ-phụ, thì: phụ-nữ đồng-nghĩa với những gì thấp kém, yếu hèn, hoặc hạ tầng bết bát.

Truy-tầm nền văn-minh phương Tây cũng như đạo-giáo thời kim/cổ, phần lớn đều nói lên cùng một ý-niệm thuần-nhất, rất như thế. Chẳng hạn như, triết-gia Plato trích lời Socrates khi xưa bảo: “Anh có biết là trong thế-gian này, người nam bao giờ cũng tốt/lành nhiều bề hơn người nữ chứ?” Triết-gia Xenôphôn vốn là học trò của Socrates lại cũng bảo: “Đàn-bà lý-tưởng là người thấy càng ít càng tốt, nghe càng ít càng hay và đừng hỏi gì nhiều, mới là điều tuyệt-diệu.”

 

Kinh/Sách Ấn-giáo có nói: “Với người nữ, thì: việc cao-cả nhất là tự-diệt mình, khi chồng chết.” Trong khi đó, truyền-thống Ấn-độ lại cũng khuyên: “Lề-luật cấm phụ-nữ không được làm học-trò Đức Vệ-Đà.” Và, luật Manu Ấn-độ cũng khuyên-răn: “Khi nhỏ, phận gái phải làm tôi đòi cha đẻ của mình. Đến khi khôn lớn, thuộc về chồng và khi chồng chết, lại tùy thuộc con cái. Là đàn-bà, không ai được sống tách riêng một mình, bao giờ hết.”

 

Theo Phật-giáo, sở dĩ đàn-bà phải sống đời nữ-lưu khổ sở, là bởi kiếp trước họ nặng nợ nhiều thứ. Thế nên, kinh Phật cũng có lời: “Con mong đời sau sống kiếp nam-nhân người phàm.” Đến như kinh Koran của đạo Hồi, cũng quan-niệm người nữ chỉ bằng phân nửa nam-nhân; và đàn bà bao giờ cũng là người hay quên sót. Bởi, bản-chất con người họ lại rất kém khi phân-biệt tốt/xấu.

Tìm-hiểu nguyên-do tại sao người nữ lại chịu cảnh “thấp cổ bé họng” đến như thế, các nhà nghiên-cứu nhận ra rằng: rất nhiều lý-do ta có thể nại ra, viết không hết. Tựu-trung thì, mọi việc tập-trung vào các lý-do chính sau đây: thời xưa, nhân-số phụ-nữ gia-tăng không nhiều như nam-giới là vì mỗi khi phải đấu-tranh thi-đua với nam-nhân, phụ-nữ bao giờ cũng thua thiệt và luôn luôn thuộc giai-cấp thấp/hèn ở dưới. Đằng khác, do cơ-thể các bà dễ bị thương-tổn khi cưu-mang sinh đẻ và cho con bú, nên các bà bao giờ cũng bị gọi là “phái yếu”, hết.

Tóm lại, từ thời tiền-sử cho đến thời du-mục/nông-nghiệp, phụ-nữ được ví như “Bà Mẹ Đất” tượng-trưng cho sự sinh-sôi/nảy-nở và phát-triển. Khi nam-giới trở-thành thần-thánh sống ở cõi trên cao chót vót chín tầng mây vần-vũ, họ mới ban ơn “mưa móc” rắc/tưới tinh-khí cho nữ-giới thụ-thai, sinh-sản làm lợi cho nghề nông cung-cấp ngũ cốc, thực phẩm nuôi sống rất nhiều đời.

Có nhiều thời, nữ-giới được coi là “người tù của chiến-tranh” biến thành chiến-lợi-phẩm cho đám quân/binh dành chiến-thắng. Do đó, họ có rất ít quyền-hành, cả quyền được sống ngang bằng, đồng-đều trong xã-hội do nam-nhân quản-cai. Ở vào lợi-thế như thế, nam-nhân lại coi đó như quyền-lợi Trên ban khiến họ có quyền được hưởng như thế, không áy náy.

Xem thế thì, vô hình chung, tác-giả kinh-thánh Do-thái-giáo lại vẫn coi nữ-giới ngang bằng loài thú, dù cũng do Đức Chúa tạo-thành. Mà, đã là loại thú, thì họ thuộc quyền nam-nhân đầu đời là Ađam. Ađam đặt tên cho người nữ cũng một kiểu như ông đã đặt tên cho mọi loài.

Duy có điều là: người nữ không được phép san-sẻ cùng một trạng-huống, vinh-quang và hình-ảnh của Thiên-Chúa. Ađam do Thiên-Chúa tạo thành, còn Evà-nữ-nhân-đầu-đời lại là khúc xương sườn cụt, rút từ cơ-thể của Ađam là nam-nhân. Dù, Evà là người có quan-hệ bàng-tộc với Ađam, tức hơn hẳn mọi loài nào khác, nhưng bà vẫn cứ phải theo lệnh của người bạn đời mình, đem cho anh ta mọi hạnh-phúc, sướng vui cả thể xác lẫn tinh-thần.

Thế đó, câu truyện tạo-thành của hai nhân-vật nam và nữ mang tính rất hư-cấu, nhưng lại được nền văn-minh cũng như đạo-giáo Đông/Tây ấp-ủ tự ngàn xưa, khó phai nhạt. Và, họ vẫn coi đó là thứ “sự thật” khó vứt bỏ. Và, đó lại là nền-tảng của thứ thần-học xưa cổ trong thánh hội, qua nhiều thời-đại. Và, đó cũng lại là triết-thuyết về sự sống, rất văn-minh theo Âu/Mỹ ta không thể xoá bỏ được.

Tốt hơn hết, chi bằng ta cứ trở về với đời sống bình-thường của thời-đại cách-mạng khoa-học vi-tính/truyền-hình; để rồi hy-vọng vào ngày mai sáng sủa lại có cuộc cách-mạng lớn vực dậy khúc xương sườn cụt nay trở-thành lý-tưởng cho đời sống rất nam-nhân, của con người. Quyết thế rồi, nay mời bạn và tôi ta đi vào vùng trời truyện kể có những chương-đoạn làm nền hỗ-trợ cho một cuộc vui sống rất nên làm.

Truyện kể nhẹ, là giòng chảy đầy kể lể như thế này:

“Truyện rằng:

 

Hôm ấy, người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, ông chồng bèn chạy đến đứng ngay bên, nhắc tuồng bằng những câu nghe quen quen:

-Này em! Hãy cẩn thận khi nấu nướng. Ơ kìa, giời ơi! Sao em lại cho ít muối thế, làm sao ngon được?” “Ấy chết! Nước sôi rồi, em cho thịt vào nổi đi kẻo muộn.

Người vợ lúc nào cũng nghe bấy nhiêu câu liên quan đến chuyện bếp núc là nghề của nàng, bèn đáp:

-Anh làm ơn bước ra ngoài nhà một chút có được không? Nấu nướng là nghề của em mà!

-Ấy! Ấy! Em có biết là các tay đầu bếp giỏi, nổi tiếng trên thế-giới đều là đàn ông không? Anh cũng thuộc một trong những người như thế đấy.

-Thế, anh có biết biệt-tài của đàn-bà phụ-nữ ngoài chuyện để đái ra, còn hơn đàn ông biết nhiều chuyện không? Đầu bếp đàn ông chỉ được vài mống, còn đàn-bà chúng em ai cũng làm được nhiều thứ mà đàn ông không biết làm. Lại chẳng được cái tích-sự gì, chỉ mồm mép thôi, không?

-Ừ đúng đấy! Lâu rày mình đâu biết những chuyện rõ như ban ngày ấy, nhỉ?…”  

 

Vâng. Có những chuyện khác-biệt giữa đàn-ông/đàn-bà rõ như ban ngày, mà đàn ông nhiều người đâu đã biết. Biết thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta hãy hát ca-từ vui/buồn ở trên như chấp-nhận cuộc sống có vui/có buồn rất đầy đủ. Để rồi, lại sẽ ngẩng đầu cao hướng về phía trước mà tự-hào. Tự hào rằng, dù nam hay nữ, ta vẫn hiên-ngang sống vui, sống mạnh, sống vững-chãi mãi về sau.

Vâng. Hiểu thế rồi, nay ta lại hát những câu như:

“Ta yêu em vất vả. Ôi! lần cuối lần đầu, Em là cành gai sắc. Cho thịt nát xương đau.

Yêu em nên mất cả. Vỡ nụ hôn tình đầu. Yêu là sầu chất chứa. Yêu còn được là bao? Người ngoảnh lưng dấu mặt. Cuộc đời mới đi xây. Đi van xin hạnh phúc. Nô-lệ nào rủi may.

 

Ta thương em nhỏ bé Với giấc mơ bạc vàng Em là cây cỏ úa Ta là loài ma hoang.”

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Dù, có là hay không là “cỏ úa” hay “ma hoang”, ta đây đàn-ông vẫn là đàn-ông, hoặc đàn-bà vẫn cứ là đàn-bà, chẳng ai thua ai kém ai đến một chữ.

 

Trần Ngọc Mười Hai

Và những quyết tâm

Coi mọi người không thua mình.

PHÚC THẬT

Lm Huệ Minh

Khát vọng lớn nhất, sâu xa nhất của con người là được hạnh phúc. Vì thế, người ta thường cầu chúc cho nhau được dồi dào phúc, lộc, thọ. Trong bộ ba đó, phúc đứng hàng đầu. Nhưng điều quan trọng là phải sống thế nào để đạt được hạnh phúc đích thật?

Trang Tin Mừng hôm nay thánh sử Matthiêu ghi lại bài giảng Tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu đã công bố trện một ngọn núi. Lắng nghe trang Tin Mừng này và cùng suy nghĩ ta sẽ hiểu được thế nào là hạnh phúc.

Mỗi Mối Phúc có ba phần. Phần đầu là lời công bố Mối Phúc. Phần hai nói về người được đón nhận Mối Phúc. Và phần ba là nền tảng của Mối Phúc (= Mối Phúc ấy dựa trên điều gì?). Nền tảng này luôn luôn là một hành động của Thiên Chúa, được khẳng định vững vàng và được đoan hứa chắc chắn. Còn người được hưởng Mối Phúc chính là những người thực hiện một cách sống hay một thái độ được quy định trong Mối Phúc. Họ được tuyên bố là“phúc thay”, bởi vì hành động kia của Thiên Chúa chắc chắn được dành cho họ.

Đức Giêsu không diễn tả các Mối Phúc theo kiểu tình cờ. Người trình bày nền tảng cụ thể của mỗi Mối Phúc. Như chúng ta đã nói, phần thứ ba của mỗi Mối Phúc nói về hành động của Thiên Chúa. Mối Phúc đầu tiên và Mối Phúc thứ tám có cùng một nền tảng: “vì Nước Trời là của họ”. Matthew nói về Nước Thiên Chúa chỉ trong một vài đoạn; thông thường tác giả dùng thành ngữ “Nước Trời” là kiểu nói của người Do Thái thời đó. “Nước Thiên Chúa” và “Nước Trời” có ý nghĩa như nhau: không có nghĩa là một lãnh thổ hay một nơi chốn, mà là quyền chúa tể của Thiên Chúa được tỏ bày ra trực tiếp rõ ràng.

Vậy “Nước Trời là của họ” có nghĩa là Thiên Chúa với quyền chúa tể là của họ; đây không phải là quyền thống trị của một bạo chúa, mà là hành động quan phòng nhân hậu của một vị Mục tử. Người sẽ chứng tỏ rằng Vương quyền của Người vượt trên mọi thế lực hiện đang thống trị. Những ai sống theo lời Chúa Giêsu dạy sẽ thuộc về Người, còn Người, đầy quyền năng và nhân ái, Người sẽ là của họ. Mối Phúc hoàn toàn dựa trên sự hiện diện trong uy quyền và nhân ái của Thiên Chúa. Chính vì thế thành ngữ “Nước Trời” được nói đến ở Mối Phúc đầu và Mối Phúc cuối như một lời mở và kết luận, và có giá trị cho tất cả các Mối Phúc khác.

Trong phần thứ ba của các mối Phúc khác, Chúa Giêsu diễn tả cho thấy sự hiện diện ấy của Thiên Chúa được bày tỏ ra thế nào, hành động với chúng ta thế nào để ban hạnh phúc cho chúng ta. “Họ được an ủi” có nghĩa là: Thiên Chúa sẽ an ủi họ.

Tiếp theo là một loạt những hành động của Thiên Chúa nhằm ban ân huệ cho chúng ta và thỏa mãn mọi ước muốn của chúng ta: Thiên Chúa, như Người Cha của họ, sẽ ban cho họ đất hứa làm gia nghiệp. Thiên Chúa sẽ cho họ được thỏa lòng. Thiên Chúa sẽ thương xót họ. Thiên Chúa sẽ cho họ được trực tiếp nhìn thấy Người. Thiên Chúa sẽ gọi họ là con cái, sẽ đón tiếp họ vào gia đình của Người.

Sứ điệp về các mối Phúc trước tiên là một sứ điệp về Thiên Chúa. Đây là điều Chúa Giêsu nhắm khi loan báo lúc bắt đầu sứ vụ công khai: “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Sứ mạng của Chúa Giêsu là giúp các thính giả nhận biết vị Thiên Chúa chân thật và quay về với Ngài. Các Mối Phúc cho thấy Thiên Chúa là Đấng nào, Ngài hành động ra sao, Ngài chờ đợi điều gì nơi con cái Ngài. Trên nền tảng là sự hiểu biết của Người về Thiên Chúa, Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta cách thức Thiên Chúa sẽ hành động với loài người. Chúng ta càng tin và hiểu Thiên Chúa là ai và cách thức Ngài hành động với loài người, chúng ta càng cảm nghiệm được sức mạnh tuyệt vời của Tin Mừng này.

Trong tám Mối Phúc, dấu chỉ phúc được phục sinh, vì Chúa Giêsu sống lại vào ngày thứ tám. Nhưng thực ra, Mối Phúc I : “Tinh thần nghèo khó” (Mt 5,3) và Mối Phúc cuối cùng (thứ 8) : “bị bách hại vì sự công chính” (Mt 5,10-12), bản chất là một. Như thế chỉ có bảy Mối Phúc, số bảy chỉ sự phục sinh, hạnh phúc vô cùng hoàn hảo và phong phú ; sáu Mối Phúc còn lại là hiệu quả của “tinh thần nghèo khó” (mở đầu), “nghèo kinh hoàng nhất là bị bách hại vì sự công chính” (kết thúc). Vì Ai sống Mối Phúc thứ tám mới bảo đảm được sống lại, để được thông dự cùng một vinh quang  của Chúa Giêsu Phục Sinh.

Ai sống mối Phúc Tinh Thần Nghèo Khó, nhất là chết vì sự công chính, thì được kể là đã đạt các mối Phúc khác, để được chính Chúa Giêsu ra tay chăm sóc hơn ngôn sứ Êlya, vì ông nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, mà dân lại chống đối, nên nạn đói xảy đến, không chỉ trên đất Israel mà còn cả những vùng lân cận, như Sarepta. Riêng ông được Chúa dìu về ẩn trong một thung lũng phía đông sông Giođan.

Chúa đã chỉ cho ta con đường của các mối phúc thật để cho ta có thể đến với nó rằng hạnh phúc đó là sự viên mãn của đời sống. Ta được kêu gọi nên thánh và ta thấy kho báu duy nhất của các thánh là Thiên Chúa.  Lời kêu gọi nên thánh đến tất cả những ai trong phép rửa đã được chọn bởi tình yêu của Chúa Cha, để nên giống Đức Giêsu Kitô. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta cảm nhận và tin rằng chỉ có những mối phúc của Chúa chính là phúc thật cho đời ta.

SỐNG SAO ĐỂ ĐƯỢC VINH QUANG PHỤC SINH VỚI CHÚA

Lm Huệ Minh

Để hiểu được câu chuyện này Trang Tin Mừng hôm nay về việc Chúa cho con trai của bà góa thành Na-in được sống lại thì ta phải nhìn với lối nhìn bối cảnh văn học của chương 7 theo sách Tin Mừng Luca.  Thật ra Thánh Luca muốn cho độc giả thấy rằng Chúa Giêsu mở đường cho bằng cách cho ta thấy một điều gì đó mới mẻ về Thiên Chúa như nó đến với chúng ta trong lời loan báo Tin Mừng.

Ta tháy đây chính là cách khéo léo của Ngài khi Ngài chuyển tiếp chuỗi của những câu chuyện xảy ra:  Chúa Giêsu lắng nghe lời cầu khẩn của dân ngoại, không phải là người Do Thái (Lc 7, 1-10) và cho con trai một bà góa sống lại (Lc 7, 11-17).  Ta thấy đây là cách thức mà Chúa Giêsu mặc khải về Nước Thiên Chúa đến như một sự bất ngờ cho những người anh em Do Thái. Và, ta cũng nhận ra đây là điều ngạc nhiên cho ông Gioan Tẩy Giả là kẻ đã sai người đến hỏi thăm:  “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”  (Lc 7, 18-30).

Chúa Giêsu chế giễu tính hay thay đổi của những kẻ đương thời với Người khi thấy tâm tính của họ :  “Họ giống như lũ trẻ ngồi ở giữa chợ mà gọi nhau:  ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than’” (Lc 7, 31-35).  Cuối cùng, ta lại thấy tấm lòng cởi mở của Ngài đối bà góa khổ đau khi mất đứa con duy nhất của mình (Lc 7, 36-50).

Chúa Giêsu thổn thức xót thương cho người mẹ đang than khóc trước cái chết của đứa con trai duy nhất. Và rồi Ngài đã làm phép lạ cho đứa con trai ấy được sống lại trước sự ngạc nhiên và thán phục của mọi người.

Hầu hết những góa phụ vào thời của Chúa Giêsu thì sống rất khó khăn. Và không có sự giúp đỡ của nhà nước: không có tiền trợ cấp, không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội, nói chung chỉ là những người nghèo, nếu không có việc làm. Khi Chúa Giêsu nhìn vào đoàn người đám tang trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta có thể giả thiết rằng, một người nào đó đã thông báo cho Chúa Giêsu về trường hợp bà góa này đang chôn đứa con độc nhất của bà.

Sự kiện con trai bà góa thành Naim được Người cho sống lại chính là hình bóng báo trước biến cố vô cùng lớn lao hơn. Biến cố đó là cốt lõi của đạo, là trung tâm điểm của Kitô giáo: Đó chính là nhờ sự chết và sống lại của Đức Giêsu mà tất cả chúng ta được giải thoát khỏi cái chết muôn đời.

Thánh Luca đã quan sát Chúa Giêsu, thấy Ngài xúc động và động lòng thương khi nhìn thấy bà. Cảm tình của Người đã đi trực tiếp đến người đàn bà không phải là do cái chết của đứa con. Chúa Giêsu hiểu rằng thời gian khó khăn nhất của người góa phụ thì không phải bây giờ nhưng là sau đó, khi chôn cất xong bà sẽ trở về lại một mình trong căn nhà trống rỗng. Chúa Giêsu nhận thấy rằng sự đau thương của bà thì rất sâu thẳm bởi vì sợ về tương lai và bà cũng có thể khó mà sống sót được.

Lúc ấy, trong tâm trí Chúa Giêsu có thể nhìn thấy người góa phụ khác trong năm tới, hoặc sau cuộc đóng đinh đi theo thân xác vô hồn của đứa con độc nhất của bà đề tới ngôi mộ. Ngài đã nói với người góa phụ “Đừng khóc nữa”. Từ chúng ta, những lời này sẽ vang lên một cách trống rỗng nhưng từ nơi Người chúng đã đem lại sự an ủi và niềm hy vọng. Chúa Giêsu đã nói những lời thương xót như thế cho người góa phụ như cho chính Mẹ Người.

Chúa Giêsu đã đụng đến cái cáng và chạm đến thân xác của người chết. Người khiêng cáng đã ý thức được Chúa Giêsu muốn cho họ dừng lại, người đàn bà chờ đợi một điều gì đó sắp sửa xảy ra và những gì Chúa Giêsu sẽ làm. Tiếp đó, bà nghe những lời đầy thương xót cũng như quyền năng: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho anh hãy trỗi dậy”. Mọi đôi mắt đều hướng về người chết. Anh ta ngồi dây và bắt đầu nói. Và sự thật đã đến chứ không phải là giả tưởng. Sau cùng lòng thương xót của Chúa Giêsu là cho người góa phụ, Thánh Luca đã cẩn thận thêm: “Chúa Giêsu đã trao anh lại cho mẹ anh”.

Thiên Chúa yêu thương con người và Thiên Chúa muốn giải thoát con người khỏi sự chết đời đời nhưng con người vẫn có tự do để chọn sự sống hay nỗi chết. Có những người vì tham lam của cải đã chọn cho mình hai cái chết: cái chết của thể xác và cái chết của linh hồn. Trong cửa tử không chỉ có những con người tham của mà còn vô số những kẻ tham danh vọng, địa vị, chức quyền; không chỉ có những người mê của mà còn hằng hà những kẻ mê hút sách, rượu chè, cờ bạc, trai gái.

Cái chết phần xác thì ai cũng sẽ trải qua một lần trong đời, nhưng cái chết phần hồn thì chỉ có những con người can đảm, bền chí và trung thành với Đức Kitô và giới luật của Người mới có thể vượt qua để sống viên miễn với Người trên nơi vĩnh phúc. Chính Chúa Giêsu đã nói và đã xác tín với chúng ta nếu ai cùng đau khổ với Ngài, cùng chết với Ngài thì cùng sẽ được phục sinh với Ngài.

Thật sự mỗi người chúng ta ai ai cũng ước mong được chết để cùng sống lại vinh quang với Người. Nhưng trước khi chết xin Chúa cho chúng ta biết dứt lòng từ bỏ những gì là xấu xa của ma quỷ, thế gian và xác thịt để chúng ta được tự do thong dong về với Chúa là Cha đầy yêu thương.

CHỨNG NHÂN ANH DŨNG

Lm Huệ Minh

Trên con đường về quê, trên chuyến xe ôm ngoằn ngoèo khúc khuỷa, những câu chuyện đời được sẻ chia từ người chở và người “ôm”.

Người lái xe ôm chân chất năm nay đã gần ngót cái tuổi thập thất cổ lai hy. Có lẽ hoàn cảnh đẩy đưa và tự lập nên ông bươn chải kiếm sống chứ không nại vào con.

Trong tình thân, ông không ngần ngại kể về hoàn cảnh của gia đình. Đứa con út vội ra đi với căn bệnh quái ác. Còn lại thằng con làm công ty du lịch khấm khá nhưng ông cũng không nhờ vả. Cả gia đình anh chị của ông cũng tạm gọi là khá nhưng ông cũng không nhờ.

Người con út của ông vội ra đi nhưng kịp rửa tội để trở thành con cái Chúa nhờ vào sự trợ giúp của người chị thứ 6 của ông. Cha mẹ ông là người có đạo, Cô Sáu có đạo để rồi Cô tìm mọi cách cho đứa cháu của mình vào đạo Chúa trước khi chết …

Đường còn dài nên câu chuyện còn … thăm thẳm.

Dù trời trưa nắng gắt nhưng câu chuyện của ông rất nhiệt tình để người ngồi sau dù phải ôm một đống đồ vất vả mua sắm từ Sài Thành vẫn chăm chú lắng tai.

Ông kể rằng Cô Sáu có 2 người con gái. Đứa lớn học giỏi cách đặc biệt, đứa út cũng không hề thua kém chị.

Chuyện đứa lớn không chỉ đặc biệt ở chuyện học nhưng quan trọng hơn cả là chứng nhân anh dũng của đức tin.

Học xong ngành báo chí, ra trường, nạp đơn vào Báo Điện Tử của tỉnh nhà quê hương Đồng Khởi. Phó Tổng Biên Tập chọn ngay vì biết khả năng của cô bé nhưng đồng chí Tổng Biên Tập gạt ngay vì lý lịch Công Giáo.

Tổng Biên Tập bảo nếu xóa lý lịch Công Giáo thì nhận vào làm ngay nhưng cô ta đã trả lời từ chối. Chấp nhận ở nhà viết báo tự do để kiếm sống chứ không chấp nhận xóa lý lịch của bản thân.

Ông kể rất đơn sơ rằng đứa cháu của ông cương quyết không xóa lý lịch dù không được nhận vào làm vì sợ sau này người ta … lật lọng bảo rằng khai man. Nếu như người ta lật lọng thì mình còn chết nữa, thà cứ để Công Giáo vậy mà hay !

Suy nghĩ và nhất là quyết định của cô bé xem ra táo bạo giữa cuộc đời.

Một thời gian sau, sau khi suy nghĩ, chẳng hiểu sao sếp Tổng lại mời cô ta vào làm việc. Chỉ vài tháng sau cô ta được vào biên chế và rồi cô là một trong những cây bút chủ lực của tờ báo quê hương Đồng Khởi Bến Tre.

Tò mò hỏi tên cũng như bút danh của người Công Giáo can đảm cháu của ông, ông trả lời ngay không hề giấu diếm rằng cháu của ông tên là HL.

Một chút … nhiều chuyện nữa là ông kể rằng cô cháu của ông là người rất ngoan đạo và cũng thường hay tham dự Thánh Lễ ở cái nhà thờ mà tôi chuẩn bị ghé đến. Tính đi bộ vào trong nhà thờ cho tiện nhưng rồi phải nhờ ông chở tận vào trong vì đùm đề hàng hóa.

Về cái quê nghèo là vậy đó, lần nào cũng tay xách nách mang quanh người như cái ngôn từ người ta thường chọc là … đùm đề như … bà đẻ.

Đồ đạc nhiều nên phải dừng lại thật lâu để chuyển đồ xuống.

Trước khi chia tay người lái xe ôm, tôi không quên cảm ơn ông vì chuyến xe ôm đầy thi vị. Không biết lần sau về thăm cái quê nghèo này có còn gặp lại phải ông ta.

Bóng ông ta đã khuất sau cánh cổng nhà thờ nhưng hình ảnh của người nhà quê chân chất vẫn còn đây. Không biết ông có thắc mắc rằng tại sao người khách hôm nay ông gặp … nhiều chuyện quá !

Dù sao đi chăng nữa cũng cảm ơn tâm tình chia sẻ của cụ già xe ôm.

Và, dù chưa quen biết nhưng cũng cảm ơn đứa cháu gái thật anh dũng của ông.

Cô cháu gái của ông phải nói rằng đó là người cũng thuộc tuýp người hiếm, giản đơn là cô ta can đảm tuyên xưng niềm tin của mình và sẵn sàng chấp nhận không có việc làm chứ không hề chối Chúa. Cạnh cô vẫn còn có những người chỉ sợ mất quyền mất lợi mà không dám tuyên xưng niềm tin Chúa của mình.

Rất trân trọng những tâm hồn can đảm như cô đã mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin của mình.

MUỐI CHO ĐỜI

Lm. Huệ Minh

Chúng ta đã thường thấy ánh sáng chan hoà của mặt trời, mặt trăng, ánh đèn điện khắp nơi khắp chốn… thế nhưng, thử hỏi: nếu không còn một chút ánh sáng nào trên hoàn vũ, thì mọi vật sẽ ra sao? Và con người cũng như mọi sinh vật sẽ thế nào?… Chắc chắn thế giới này lúc đó sẽ tiêu điều, ảm đạm, mọi sinh vật sẽ héo mòn, tiêu hao và đi vào cõi chết !

Muối để ướp mặn, để giữ thứa ăn khỏi hư thối. Thiếu muối, không thể giữ được sự tươi tắn; thiếu ánh sáng, chẳng thể làm được việc gì. Và nếu không có vị mặn của Muối, thì mọi đồ ăn sẽ trở thành nhạt nhẽo, vô vị, mọi cao lương, mĩ vị sẽ mất đi sự ngon lành, chẳng còn chi hấp dẫn nữa !

Trang Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu đã gọi những môn đệ theo Ngài là muối và ánh sáng. Thiên Chúa đã đưa Chúa Giêsu như ngọn đèn vào trần gian. Các môn đệ có bổn phận vừa đem ánh sáng đó đi, vừa có nhiệm vụ phản chiếu ánh sáng Chúa bằng hành động và lối sống của mình. Ngài muốn họ trở thành chất xúc tác để ướp mặn và chiếu sáng trần gian. Hiện diện giữa trần gian, họ có nhiệm vụ giữ trần gian khỏi bị hư thối vì tội lỗi.

Người Kitô hữu phải như muối. Trước xác một sinh vật để ngăn ngừa khỏi ươn thối, người ta dùng muối ướp nó. Xác sinh vật ấy sau khi được tiếp xúc với muối, thì muối len lỏi vào các tế bào của nó, muối sẽ tiêu diệt vi trùng xâm nhập.

Người Kitô hữu phải là ánh sáng. Ánh sáng cũng len lỏi vào mọi môi trường ta sống, nhờ đó mà nhiều vi trùng trong bầu khí quyển bị tiêu diệt.

Bắt đầu với một người, một ít muối không thể ướp mặn cả thùng cá. Một cá nhân khó có thể cảm hoá được nhiều người. Tuy nhiên, mỗi người rất có thể giữ cho một người khác khỏi hư.

Chúa Giêsu mời gọi: “Chính anh em là muối cho đời.” Đứng trước lời mời của Chúa, ta phải làm gì để trở thành muối ướp mặn đời.

Lời Chúa dạy các môn đệ hôm nay cũng là lời nhắc nhở chúng ta, những người Kitô hữu phải ý thức chu toàn bổn phận của mình. Cuộc sống người Kitô hữu phải là đèn soi để nhờ đó mà phục thiện những người xung quanh. Chúa Giêsu đã không gọi kẻ theo Ngài là muối và ánh sáng Giáo hội, nhưng là muốn và ánh sáng thế gian. Ngọn đèn giữa ban trưa nắng, vẫn là ánh sáng, nhưng ánh sáng này không mang lại lợi ích gì.

Đời sống đạo của chúng ta cũng thế, nếu chúng ta chỉ biết có mình, có nhà thờ, có những buổi cầu nguyện mà không đem ra sống với xã hội thì chưa phải là ánh sáng trần gian mà Thiên Chúa muốn: “Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá hầu soi sáng cho mọi người”.

Là muối, chúng ta phải sống đạo, phải hiện diện gần gũi với kẻ khác, không phân biệt họ là ai. Mỗi người chúng ta phải nêu gương sáng cho kẻ khác, phải đượm tình bác ái, ánh lên nét vui tươi, hy vọng, để khi nhìn vào, người khác nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa. Chúng ta cần phải xét lại cuộc sống của ta, phải làm gì để thông nguồn ánh sáng cho những người chung quanh.

Một người Ấn giáo đã nói với một tín đồ Kitô giáo rằng: “Nếu người Kitô hữu các anh sống đúng như lời Kinh thánh dạy thì chỉ trong vòng năm năm, các anh sẽ chinh phục cả Ấn Độ”. Và nhờ việc thực thi Lời Chúa, chúng ta nên như muối ướp những con người đang bị mê hoặc vì tính hư tật xấu, chúng ta nên như ánh sáng soi dẫn tha nhân còn tăm tối tìm về hạnh phúc đích thực là Thiên Chúa.

Để thực hành sứ mạng làm “muối cho đời” như Lời Chúa truyền dạy, trước tiên, mỗi người chúng ta hãy bắt đầu thực hiện với một người, bằng cách kết thân với một cá nhân trên đà hư hỏng, dành nhiều tình yêu và lòng quý trọng cho người bạn đó – chỉ có tình yêu và lòng quý trọng mới có thể cảm hoá tâm hồn – rồi dần dà giúp cho người đó bỏ đi những thói hư tật xấu.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn trở nên muối ướp mặn cho đời, luôn trở nên ánh sáng soi chiếu để nhiều người nhận ra Nước Trời. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống Tám Mối Phúc để Giáo lý chúng con lãnh nhận nơi Chúa, nơi Kinh Thánh luôn được chia sẻ cho nhiều người, để mọi người nhận ra chúng con đích thực là môn đệ của Chúa.

CHÂN LÝ VÀ LÒNG XÓT THƯƠNG PHẢI LUÔN TỒN TẠI

Jos. Vinc. Ngọc Biểnbien1a

CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN, C

(2 Sm 12,7.10-13; Gl 2,16.19-21; Lc 7,36-8,3)

 “Công bố Lời Thiên Chúa, không bao giờ được tách rời khỏi sự cảm thông về yếu đuối của con người”, vì: “Đức Giêsu luôn giàu lòng thương xót. Ngài thật cao cả và vĩ đại, chẳng bao giờ khép cửa lại với tội nhân”, “nên dù con người có tội lỗi, cứng lòng thế nào, thì sự tha thứ, thấu hiểu, cảm thông và đồng hành vẫn tồn tại cách song song”. Đây chính là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Sáu, ngày 20-05-2016, tại nguyện đường thánh Marta.

Các bài Kinh Thánh trong thánh lễ hôm nay, một mặt làm sáng tỏ quan điểm cự tuyệt với tội lỗi, tức là trung thành với chân lý, nhưng đồng thời, cũng làm toát lên rõ nét tình thương, sự cảm thông của Thiên Chúa đối với người tội lỗi khi họ có lòng thống hối ăn năn.

1-Ý nghĩa Lời Chúa

Sách Samuel trong bài đọc I đã kể lại câu chuyện tội lỗi tầy trời của vua Đavít. Ông đã phạm tội rất nặng. Nặng cả về kế hoạch lẫn nội dung. Kế hoạch thì bỉ ổi. Nội dung thì thâm độc.

Chuyện kể rằng: sau khi lòng dục nổi lên, ông đã phạm tội ngoại tình với bà Betsabê, vợ của tướng Uria là người trung thành tuyệt đối với nhà vua. Tội của nhà vua trở nên trầm trọng khi ông lên kế hoạch giết Uria để bịt đầu mối. Cuối cùng ông đã thành công khi dùng tay quân giặc giết tướng Uria tại đầu chiến tuyến ác liệt.

Tuy nhiên, sự việc đã không đi vào quên lãng, mà nó được đưa ra ánh sáng khi Chúa gửi tiên tri Nathan đến để nhắc cho vua thấy tội lỗi của mình. Đồng thời cho thấy những hệ quả nghiêm trọng do ông gây nên. Thấy được sự bất nhân, ác tâm, thất đức của mình, vua Đavít đã ăn năn sám hối và thành khẩn xin ơn tha thứ của Thiên Chúa, nên ông đã thưa với Đấng đầy lòng thương xót:  Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.  Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51, 3-4). Vì thế: “Thiên Chúa đã bỏ qua tội của ngài, ngài sẽ không phải chết” (Sm 12,13).

Sang bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến ơn công chính hóa. Ngài nói rất rõ: “Con người được nên công chính hóa nhờ đức tin” (Rm 3,27-28). Tức là: tin vào lòng thương xót của Đức Giêsu, nhất là tin vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ngài mang lại thì sẽ được cứu chuộc.

Lòng thương xót của Thiên Chúa phải là một ơn ban vượt lên trên không gian và thời gian cho những ai tin. Nó cũng không bị giới hạn, bó buộc trong một thứ luật lệ nào. Ngược lại, nó sẽ làm cho luật bị tê liệt khi luật đó không chứa đựng tình thương. Vì thế: “Con người được nên chông chính (được cứu độ) nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ Lề luật” (Rm 3,27-28).

Từ bài đọc I, sang bài đọc II, hướng chúng ta về Đức Giêsu như là hiện thân của lòng thương xót đến từ Thiên Chúa.

Tình thương ấy được thể hiện rõ nét qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay:

Khi Đức Giêsu và các môn đệ đang dùng bữa tại nhà ông Simon. Bỗng có một phụ nữ nổi tiếng tội lỗi trong thành đến để tỏ lòng sám hối ăn năn. Hành vi khóc lóc, đập bể bình dầu thơm đắt tiền, xức lên chân Đức Giêsu và lấy tóc của nàng để lau nói lên sự sám hối chân thành.

Dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa một lần nữa lộ hiện qua hành vi và lời nói của Đức Giêsu: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” ( Lc 7, 47).

Như vậy, qua cách hành xử của Đức Giêsu, chúng ta thấy Ngài luôn nhìn con người dưới ánh mắt từ tâm. Cái vỏ bọc bên ngoài không ngăn cản được lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, Ngài đã giải thoát con người cách toàn diện, để họ được tha thứ và có cơ hội đụng chạm với cả tâm hồn đến lòng xót thương của Ngài.

2-Cái nhìn thương xót của Đức Giêsu

Nếu con người nhìn và đánh giá lòng đạo đức của nhau dựa trên những chuyện bề ngoài, thì Thiên Chúa nhìn và thấu hiểu từ tâm can. Tức là nhìn dưới góc độ công chính nhờ niềm tin.

Nếu con người nhìn những người tội lỗi là một thứ đồ bỏ, nhơ uế, xấu xa, thì Thiên Chúa nhìn họ với một cái nhìn: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”.

Nếu con người luôn “bới lông tìm vết” để trù dập nhau, thì lòng thương xót của Thiên Chúa luôn tìm cách nâng người tội lỗi đứng dạy để cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời.

Vì thế, thay vì xua đuổi, Đức Giêsu đã đón nhận sự chân thành và lòng mến của người phụ nữ tội lỗi đến với Ngài. Vì thế, tận sâu thẳm tâm hồn, chị đã đón nhận được lòng trắc ẩn của Đức Giêsu. Nên cuộc đời của chị từ đây sang trang. Chị đã thay thái độ để đổi cuộc đời và bắt đầu một cuộc sống mới trong ân sủng và lòng xót thương.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rất rõ quan điểm của Đức Giêsu, đó là: “Ghét tội, nhưng không ghét kẻ có tội”. Ngài luôn đi bước trước để tha thứ, kiếm tìm kẻ có tội nhằm tha thứ và yêu thương.

Những dụ ngôn nổi tiếng về lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa được Kinh Thánh kể lại như một sự chứng minh về tình thương của Ngài đối với người tội lỗi như:

Dụ ngôn người chăn chiên bỏ 99 con ở lại để đi tìm con chiên lạc. Dụ ngôn người đàn bà mất một đồng bạc đã đốt đèn tìm kiếm khắp nhà. Dụ ngôn đứa con hoang đàng được người cha đón trở về trong sự tha thứ… Và, hôm nay, hành vi ấy lại một lần nữa được thể hiện qua việc Đức Giêsu đón nhận sự sám hối chân thành của người phụ nữ tội lỗi.

3-Người Kitô hữu không được xa lạ với lối hành xử của Đức Giêsu!

Người ta thường truyền tai nhau câu nói: “Nói người hãy nghĩ đến ta, nếu suy cho kỹ lại ra chính mình”.

Thật vậy, con người vốn mang trong mình tham, sân, si, nên nhiều khi họ nhìn anh chị em dưới “cặp kính râm”. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi nhiều người chỉ nhìn thấy cái phúc mà không thấy cái tội của mình. Ngược lại, họ luôn thấy cái tội mà không nhìn thấy cái phúc của anh chị em. Lời của Đức Giêsu nói: “Tại sao con thấy cọng rác trong mắt anh chị em, còn cái xà trong mắt con thì lại không thấy?” (x. Mt 7,3) Quả thật đúng với thực trạng của chúng ta.

Có lẽ, cần phải có một Nathan vạch trần tội ác của chúng ta như đã từng lật tẩy tội lỗi của vua Đavít khi xưa thì chúng ta mới tỉnh ngộ và nhận ra tội lỗi của chính mình!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn phát xuất từ cái tâm trong sáng và nhân hậu. Đừng vội xét đoán cách thiển cận khi chỉ dựa vào luật lệ hay truyền thống bên ngoài, mà hãy để cho luật Lương Tâm lên tiếng, vì biết đâu: “Xanh vỏ” nhưng “đỏ lòng”. Cần ý thức rằng: “Lầm lỗi là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa” (A. Pope).

Noi gương Đức Giêsu, Ngài luôn công bố chân lý và sống những gì Ngài đã nói, nhưng Ngài cũng luôn cảm thông, liên đới với những yếu đuối và tha thứ cho những lầm lỗi của con người.

Mặt khác, chúng ta cũng đừng lợi dụng lòng thương xót của Thiên Chúa mà giảm khinh những hệ quả của tội và an tâm “ngủ mê trên chiến thắng”; hay: “nằm lì dưới vũng bùn êm ái” để rồi vênh vang và tự nhủ: “Ta là người công chính hơn ai hết!”. Hãy cẩn trọng, vì: “Nếu ta nói: Ta không có tội, thì ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta” (1 Ga 1, 8 ); hay: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12).

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Xin giúp chúng con có được một thái độ trung thành với chân lý, nhưng cũng có một trái  tim biết cảm thông, thấu hiểu và thương xót như Chúa. Amen.

SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Jos. Vinc. Ngọc Biển

bien1a

THỨ HAI

YÊU VÀ SỐNG

(Mt 5, 38-42)

Xem lại CN 7 TN A, CN 7 TN C,

thứ Năm tuần 23 TN

Khi đạo Công Giáo mới được loan báo trên quê hương Nước Việt, cha ông chúng ta đã mau mắn đón nhận Tin Mừng và sống những giá trị Tin Mừng ấy rất sống động. Một trong những điểm sáng mà tổ tiên chúng ta đã sống đó là “tình yêu thương”. Khi sống như thế, nhiều người không phải là Kitô hữu, họ đã không hiểu được các ngài theo đạo gì, vì thế, họ không ngần ngại đặt cho tôn giáo mới này là: “Đạo Yêu Nhau”.

Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học yêu thương. Yêu thương thì không oán hờn; không tính toán thiệt hơn; yêu thương thì không có khái niệm trả thù mà sẽ tha thứ không chỉ bẩy lần, mà bẩy mươi lần bẩy, tức là không có giới hạn.

Trong thực tế hôm nay, nhiều người Công Giáo không dám sống căn tính của mình là yêu thương. Bởi vì khi yêu thương như Chúa đòi hỏi, thì họ phải trả giá bằng chính sự thiệt thòi, ức hiếp, bóc lột, coi thường, khinh khi…, vì thế, không thiếu gì hình ảnh những người Công Giáo cũng “ga lăng” chẳng kém gì ai! Đây đó vẫn có những người Công Giáo sống kiểu “đàn anh đàn chị!”.

Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy trở nên “thánh thật” chứ không chỉ làm thánh “lâm thời”. Muốn trở nên “thánh thật” thì phải mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương nhau thật lòng, dầu có phải thiệt thòi đôi chút. Chấp nhận đau khổ, hiểu lầm vì mối lợi lớn hơn là được biết Chúa và được Chúa yêu thương. Sẵn sàng đi trên con đường tình yêu được chứng minh bằng việc đón nhận thập giá trong cuộc sống vì lòng yêu mến Chúa, để qua đó, chúng ta có sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa dạy khó quá đối với con người yếu đuối, ích kỷ của chúng con! Nhưng chúng con tin Lời Chúa có sức mạnh biến đổi. Xin Chúa thánh hóa chúng con, để mỗi ngày chúng con nên giống Chúa hơn khi biết quảng đại, bao dung và vô vị lợi như Chúa. Amen. 

THỨ BA

HÃY YÊU KẺ THÙ

( Mt 5, 43-48)

Xem lại CN 7 TN A.

“Yêu mến anh em, là sống chu toàn giới luật. Yêu mến người lành và yêu thương kẻ gian ác. Chính do tình yêu mà chúng ta được cứu độ, thành con Chúa Trời và thành bạn hữu Chúa Kitô”. Đây là lời bài hát mà có lẽ ai cũng thuộc vì nó được lặp lại nhiều lần trong Mùa Chay.  Đây cũng chính là lệnh truyền của Đức Giêsu cho các môn đệ, đồng thời cũng là lời mời gọi cho những ai đang bước theo Đức Giêsu trên lộ trình cứu độ.

Thật vậy, cốt lõi Đạo Công Giáo của chúng ta là tình yêu thương. Tại sao vậy? Thưa vì Đạo chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế: “Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”.

“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. “Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.

Khi dạy “hãy yêu kẻ thù”, Đức Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm, nhưng là đề nêu cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại, tha thứ.

“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Đức Giêsu. Tuy nhiên, chính Ngài đã nêu gương khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Ý tưởng ấy rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa.

Như vậy, Đức Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đứng về phía bất bạo động. Tuy nhiên đó không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay thụ động leo thang, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý, của công bằng và tình yêu hơn là sức mạnh của chiến tranh, vũ khí và hận thù… Chúng ta phải cố gắng dùng điều tốt nhất để đáp lại điều xấu nhất.

Hãy nhớ rằng: “Viên đạn căm thù chỉ có thể làm thương tổn kẻ thù sau khi đã xuyên qua thân xác chúng ta trước”. Khi nuôi trong mình sự trả thù thì đồng nghĩa với việc ta đào thêm một cái hố nữa để chôn chính ta. Người Hy Lạp cổ thường ví von như sau: “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng đây là con đường nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và chỉ khi nào chúng con đạt được điều đó, ấy là lúc chúng con trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

THỨ TƯ

KHIÊM NHƯỜNG THÌ MỚI CÓ ÍCH

( Mt 6, 1-6. 16-18)

Xem lại Thứ Tư lễ Tro.

Ngày nọ, có một người đến nói với cha xứ: “Con sẵn sàng dâng cúng tiền để mua một quả chuông cho Giáo xứ, nhưng với điều kiện, phải khắc tên con trên quả chuông ấy!”.

Đây là thực trạng của rất nhiều người biểu lộ niềm tin của mình cách thực dụng như thế!

Sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không thể thành hiện thực khi không được nêu danh tánh và công trạng của mình cách công khai!

Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng khuyên răn các môn đệ của Ngài phải cẩn trọng trong việc thi hành đức bác ái, kẻo lỡ trở thành “công dã tràng” tức là tốn công vô ích. Ngài dạy cho các ông khi làm việc thiện, hãy làm vì lòng mến và tinh thần vô vị lợi. Không cần phô trương để người đời biết mà ca tụng. Nếu muốn được biểu dương thì hẳn đã được phần thưởng do người phàm tán tụng rồi, và như một quy luật: đã được người đời thưởng công thì không được Thiên Chúa chúc phúc nữa.

Vậy, cùng một việc bác ái, khi thi hành, chúng ta muốn được phần thưởng muôn đời do Thiên Chúa ban tặng hay chỉ muốn phần thưởng tạm bợ, nhất thời, mau qua chóng hết  do con người trao tặng?

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau làm một bài toán hầu tính ra sự hơn thiệt để mà tiến bước. Tuy nhiên, đáp án chỉ có khi chúng ta kết thúc cuộc sống trần thế này, và lúc ấy, phần thưởng được trao ban khi và chỉ khi chúng ta làm việc thiện với lòng tin, cậy trông và lòng mến.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con tinh thần của Chúa và giúp chúng con thi hành vì yêu mến Chúa và anh chị em, để mọi hành động, mọi việc làm của chúng con đều xuất phát từ tấm lòng khiêm cung và tràn đầy yêu thương. Amen.

THỨ NĂM

THIÊN CHÚA LÀ CHA YÊU THƯƠNG

(Mt 6, 7-15)

Xem lại thứ Ba tuần 1 MC,

Thứ Tư tuần 27 TN

Đạo Công Giáo của chúng ta thật hạnh phúc vì được gọi Thiên Chúa là Cha. Đây là đặc ân cao quý mà nhờ Đức Giêsu mặc khải, chúng ta mới biết và dám thưa với Thiên Chúa “Ápba – Cha”.

Hôm nay, các môn đệ đã xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện, vì thế, Ngài đã lên tiếng dạy họ cầu nguyện:

Trước tiên, cần xác định căn tính là con của các môn đệ với Cha trên trời: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Khi có chung một Cha, thì ắt sẽ có nhau là anh em.

Thứ hai, đã là con thì luôn mong cho danh Cha mình được tỏ lộ và nhiều người tin nhận: “Xin làm cho Danh Cha được vinh hiển”; “Triều đại Cha mau đến”.

Thứ ba là nguyện xin cho: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, tức là xin Cha thể hiện mục đích của Người trên nhân loại như đã có trong chương trình yêu thương của Người.

Thứ tư, thể hiện lòng trông cậy vào Cha, đồng thời phó thác đời sống xác hồn cho Cha để Người chăm lo: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

Thứ năm, ý thức mình là kẻ tội lỗi nên cần Cha tha tội: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”, tức là thành khẩn xin Cha tha mọi tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Người, cũng như cho ta biết tha thứ các lỗi lầm mà anh em xúc phạm đến ta.

Thứ sáu, ý thức sự mong manh, yếu đuối của bản thân, nên cần Cha bảo vệ: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Cuối cùng, xin được trao phó mọi sự trong tay Cha, để xin Cha cứu giúp khỏi bị rơi vào tình trạng mất ơn nghĩa cùng Cha: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

Qua kinh lạy Cha, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, thì ngày hôm nay, Ngài cũng dạy mỗi người chúng ta hãy cầu nguyện như thế để xứng đáng là con Cha trên trời và có nhau là anh em trong cùng đại gia đình Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con luôn sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa và luôn tin tưởng, phó thác cũng như biết cùng nhau làm sáng danh Chúa. Amen.

THỨ SÁU

HAI CUỘC SỐNG

(Mt 6, 19-23)

Sống trên đời ai cũng phải làm lụng vật vả để kiếm kế sinh nhai. Đây là quy luật sinh tồn tất yếu của con người trong đời sống.

Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu cho các môn đệ thấy con người chúng ta có hai cuộc sống. Một là cuộc sống thể xác; hai là cuộc sống thần linh. Cuộc sống thể xác luôn gắn liền với quy luật: sinh, lão, bệnh , tử. Vì thế, cuộc sống này có giới hạn nhất định của nó. Tuy nhiên, trong niềm tin, con người còn có cuộc sống vĩnh cửu, nơi cuộc sống này, không có sinh, cũng chẳng có diệt, tức là cuộc sống thần linh.

Tuy nhiên, để có cuộc sống hạnh phúc trong cuộc sống thần linh thì lại phải kết tố từ chính cuộc sống trần gian này. Thế nên, những gì diễn ra trong cuộc sống vật chất thì đều có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống mai hậu.

Lời Chúa hôm nay cho thấy, Đức Giêsu đã khuyên các môn đệ hãy lo tích trữ những của cải trên trời, nơi đó mối mọt không tài nào đục khoét được cũng như không ai lấy mất đi. Gia tài đó được tích trữ qua hành động yêu thương, sự sẻ chia bác ái vô vị lợi.

Cùng một sứ điệp, Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy hướng về quê trời như là mục đích tối hậu của mình. Muốn được như thế, ngay giây phút này, chúng ta hãy tích trữ những việc lành phúc đức với lòng mến ngang qua những nghĩa cử bác ái, liên đới, cảm thông và yêu thương anh chị em đồng loại. Đây chính là kho tàng không thể mối mọt nào đục khoét được.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trong khi lo tìm kiếm của cải vật chất phần xác, thì cũng biết tìm kiếm của cái trên trời. Xin cho chúng con làm mọi việc vì lòng mến Chúa và yêu người chân thành, để những việc ấy thật sự có giá trị cứu chuộc linh hồn chúng con. Amen.

 

THỨ BẨY

TIN VÀO CHÚA QUAN PHÒNG

(Mt 6, 24-34)

Xem lại CN 8 TN A,

Lễ mùng một Tết.

Khi nói đến khái niệm “Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng”, ấy là lúc chúng ta nói đến sự can thiệp của Thiên Chúa cách nhiệm mầu, khiến con người không thể ngờ cũng như không thể hiểu được.

Tuy nhiên, sự quan phòng của Thiên Chúa không giống như kiểu quan niệm của những người không có niềm tin. Những người đó thường hay coi đó như là một định mệnh, hay số mệnh đã được ấn định trước cho mỗi người phải chịu một kiếp sống tốt hay xấu, sướng hay khổ, thành công hay thất bại giống như kiểu rút thăm, rút số ghi sẵn cái gì thì phải lãnh cái đó.

Nhưng quan phòng theo mặc khải của Thánh Kinh có hai vế: về phía Thiên Chúa, Người là Đấng Khôn Ngoan, đầy tình thương mến, hy sinh tận tụy lo toan cho con cái, luôn tìm dịp để ban phát cho con của mình những điều tốt đẹp nhất, đồng thời luôn bảo vệ để chúng được an lành; còn về phía con người, được mời gọi tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì không thể nào một người con xin cá, mà cha hay mẹ của mình lại cho rắn hay bọ cạp, xin bánh lại cho đá…

Hôm nay, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ và cũng là mời gọi mỗi người chúng ta: hãy tin tưởng vào một mình Thiên Chúa, không được “bắt cá hai tay”, tức là làm tôi hai chủ. Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương luôn chăm sóc anh em mọi lúc. Hãy xem chim trời, hoa huệ ngoài đồng thì sẽ thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là dường nào!

Tuy nhiên, sự tin tưởng vào Chúa không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ theo kiểu: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. “Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, ước gì tâm hồn chúng con được như em bé nằm gọn trong vòng tay Chúa để được Chúa yêu thương. Xin cho chúng con tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa và biết cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ mà Chúa đang thực hiện trong trần thế hôm nay. Amen.

CHỦ NỢ CHÍ ÁI

AM Trần Bình Anan2

Chia sẻ Tin Mừng CN XI TN NC 2016 (Lc 7, 36-50)

Trong điện văn gởi về quê hương từ Vatican, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, Tổng Giám Mục thủ đô Caracas, Venezuela, đã khích lệ các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân của tổng giáo phận Caracas, hãy cầu nguyện cho linh hồn của cố tổng thống Hugo Chavéz.

Ngay sau khi biết tin Hugo Chavéz qua đời hôm thứ Ba 5 tháng Ba, năm 2013, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, 70 tuổi, đang tham dự các cuộc khoáng đại của các vị Hồng Y để bầu Giáo Hoàng tại Vatican, cho biết ngài sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho sự an nghỉ của linh hồn Hugo Chavéz.

Chavez thường xuyên đụng độ với Đức Hồng Y và thường lên truyền hình để mắng nhiếc ngài. Hồi năm 2008, ông ta nói: “Nếu Chúa Kitô hiện ra ở đây bằng xương bằng thịt, Ngài sẽ nện cho Urosa mấy roi nên thân, rồi ném ông ta ra khỏi Giáo Hội, bởi vì ông ta là người vô đạo đức và chẳng quan tâm gì về đạo đức hay chức tư tế của mình.”

Trong khi đó, Đức Tổng Giám mục Kuriakose Bharanikulangara của tổng giáo phận Faridabad, Ấn Độ vừa lên tiếng tiết lộ là vào năm 2002 chính ngài đã cứu mạng Hugo Chávez trong cuộc đảo chính vào năm ấy. Vào thời điểm này, ngài là phụ tá sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela.

Ngài nói: “Chávez đã nài nỉ tôi để cứu anh ta. Anh ta nói: Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm. Tôi và gia đình đang bị giữ làm con tin bị chĩa súng vào đầu. Hãy đến cứu tôi, và các con tôi.”

“Tôi nói với Chávez bằng tiếng Tây Ban Nha rằng Giáo Hội Công Giáo không bao giờ ủng hộ bạo lực. Chúng tôi tôn trọng cuộc sống. Ông Tổng thống, tôi sẽ làm mọi thứ để cứu mạng sống của ông. Và tôi đã quyết định để giúp anh ta bất cứ giá nào.”

Đức Tổng Giám mục Bharanikulangara, đã đi kèm với một Hồng Y và một linh mục để thương lượng với quân đảo chính cho ông rời khỏi đất nước. Chávez đã đồng ý làm như vậy, nhưng trong vòng vài ngày sau đó ông lật lại được thế cờ.

Từ đó về sau Chávez lại đem lòng oán giận các Giám Mục nước này nghi ngờ các ngài cấu kết với các tướng lãnh nhằm lật đổ ông ta. Chính vì thế, trong một thập niên qua, Chávez thường xuyên đụng độ với giáo quyền Công Giáo tại Venezuela. (Đặng Tự Do, Gương tha thứ của một vị Hồng Y Venezuela, Vietcatholic)

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino đã noi gương Thầy Giêsu tha thứ, quên đi hết những xúc phạm của Tổng thống Hugo Chávez, để chân thành kêu gọi mọi người cầu nguyện cho người quá cố.

Trong Tin Mừng Chúa nhật XI hôm nay, Đức Giêsu bộc lộ công khai là Chủ Nợ chí công, chí ái và rất bao dung với hai con nợ: ông Biệt phái Simon và người thiếu phụ tội lỗi, qua ứng xử và hành động nhân từ.

Chí công

Ông Biệt phái Simon tưởng mình công bằng với đời, phân biệt đúng đắn tốt xấu, cư xử đúng mực với kẻ lành, người dữ, nên khá bất bình, thầm nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi.” Ông không chấp nhận người ngoan đạo có thể tiếp xúc gần gũi với kẻ vô đạo. Ông cũng không chấp nhận cho người ô uế được chạm vào đấng tiên tri, ngôn sứ của Thiên Chúa. Quan niệm đó chẳng quá đáng, cũng chẳng trái nghịch với nếp sống đạo xưa lẫn nay. Vì nam nữ thọ thọ bất thân, lại càng nên tránh xa kẻ tai tiếng, khỏi bị người đời thị phi, đàm tiếu đồng loã.

Đức Giêsu trái lại, không hề chấp nhất, khinh khi, hoặc tránh né kẻ giả hình hay tội lỗi, mà vui vẻ nhận lời mời, đến dùng bữa nhà ông Biệt phái Simon, cũng như vui lòng để người thiếu phụ đến phủ phục dưới chân, khóc lóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Người chẳng phân biệt, chẳng kỳ thị, cũng chẳng từ chối bất cứ ai thành tâm đến với Người. Như thế, Người mới đích thực chí công, hoàn toàn đối xử công bình, tử tế mọi người. Vì ”Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5, 32) và “Con người đến để tìm cứu những gì hư mất” (Lc 19,10).

Tuy nhiên, nay con cái Chúa vẫn còn quen tập tục đối xử phân biệt với những người phạm tội trống, như cờ bạc, dâm ô, nghiện ngập, trộm cắp,… Vẫn còn thường áp dụng hình phạt dứt phép thông công, thay vì khoan dung kêu gọi, tìm cứu như Đức Giêsu.

Chí ái

Trong Kinh Magnificat, Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, đã hân hoan, cảm tạ, ngợi ca, chúc tụng Thiên Chúa chí ái, luôn mãi tràn trề tình yêu: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.” (Lc 1, 50)

Yêu thương, muốn thức tỉnh ông Biệt phái Simon, Đức Giêsu hỏi:“Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Với nhận thức uyên bác, ông Simon dễ dàng trả lời ngay: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn.” Người bảo ông: “Ông đã xét đoán đúng.”

Lúc đó, Người mới so sánh hai thái độ đón tiếp của ông và phụ nữ kia, một bên khá lạnh nhạt, hững hờ, một bên quá nồng nàn mến thương, quý trọng: “Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi; còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi.” Hai ứng xử hoàn toàn trái ngược với nhau, biểu lộ rõ tâm tình chân thành dành riêng cho Đức Giêsu. “Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5, 20)

Thiên Chúa chí ái, hằng thương xót những ai chân tình hồi tâm, ăn năn, sám hối, trở về. “Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít.” Đức Giêsu công khai đáp lời ai yêu mến, chạy đến Người. “Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy công việc của ma quỷ.” (l Ga 3, 8)

Bao dung

Người đã hành xử như Chủ Nợ bao dung với các con nợ, căn cứ tiêu chuẩn, mức độ yêu đương để tha thứ, để xoá nợ, tuy con nợ chẳng công trạng gì, cũng chẳng biết lấy gì đền đáp, ngoài lòng mến thiết tha, lòng trông cậy và lòng tin.“Tội con đã được tha rồi.”

Đức Giêsu không muốn những người khác vấp phạm vì lòng thương xót của Người, nên đã diễn tả bằng cách khác: “Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an.” Vua Đavít đã hết lòng ca ngợi lòng khoan dung vô cùng, vô tận của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội.” (Tv 32, 1-2)

“Đối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng; Chúa không phải là Đấng bắt con phải kính mến, nói đúng hơn, Chúa là Đấng mà con phải để cho Ngài yêu thương con vô hạn.” (Đường Hy Vọng, số  288)

Lạy Chúa Giêsu chí công, chí ái đầy lòng khoan dung, xin luôn thức tỉnh chúng con, nhận ra thân phận yếu đuối, phàm hèn, tội lỗi, để sốt sắng tìm về, trở lại, ăn năn, sám hối, như người phụ nữ kia khiêm hạ, nhận ra mình xấu xa, hết sức trông cậy vào Lòng Thương Xót của Chúa thứ tha, cảm hoá, đổi mới và tái sinh.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ thương yêu cầu bầu cho chúng con được thêm niềm tin, lòng cậy, lửa mến, để không thất vọng khi lỡ xa Chúa, khi làm mất lòng Chúa, khi xúc phạm đến Chúa, mà luôn sốt sắng quay trở về, cậy nhờ vào lòng khoan dung của Chúa. Amen.

CÔNG CHÍNH HƠN !

Lm Huệ Minh

Trang Tin mừng chúng ta vừa nghe nằm trong khung cảnh của bài giảng trên núi. Sau khi công bố hiến chương nước trời cho mọi người, Chúa Giêsu đưa ra hàng loạt chỉ dẫn khác để hoàn thiện lề luật và lời các tiên tri.

Tin Mừng hôm nay nằm trong khung cảnh và mạch văn của Bài giảng trên núi (Mt 5, 2-7, 27), độc giả sẽ cảm thấy thú vị khi được Chúa Giêsu – theo kinh nghiệm của Matthêu – đưa vào lộ trình của người môn đệ mới dưới thời Môsê mới. Dĩ nhiên, lộ trình này sẽ giúp người môn đệ tiến dần trên đường công chính, và vì thế, có thể gọi lộ trình ấy với một tên khác: sự công chính mới.

Và ta biết đây là sự công chính mà Chúa Giêsu đề nghị cho những ai muốn làm môn đệ Ngài. Nó không thể được hiểu theo hướng cạnh tranh hay quảng bá thương hiệu như người ta thường làm ; nhưng lời đề nghị của Chúa Giêsu hàm chứa một lời mời gọi, một xác quyết, một định tính: ai muốn làm môn đệ tôi, ai muốn vào Nước Trời thì phải ăn ở công chính “hơn” các kinh sư và người Pharisêu. Chữ “hơn” (c.20) được giải thích rõ ràng bằng các câu liền sau đó (c.21-26). Sự giải thích này mang lại điều mới mẻ cho lời mời gọi, lời xác quyết, lời minh định mà Chúa Giêsu gửi đến cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.

Ngay sau đó Ngài thêm rằng sự “hoàn thiện” lề luật này đòi hỏi một sự công chính trỗi vượt, một sự tuân thủ chân thực hơn, sâu xa hơn.

Vì thế Người nói với các môn đệ rằng : “Nếu các con không công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu, các con sẽ không được vào nước trời” (Mt 5, 20).

Sống “công chính hơn” không hệ tại ở một số việc làm hình thức bên ngoài mà ở cả tấm lòng yêu mến: không phải cứ dâng nhiều lễ vật lên Chúa là đủ mà trước hết phải sống hoà bình với nhau; giới răn “chớ giết người” không chỉ cấm xâm phạm mạng sống con người, mà còn đòi loại bỏ khỏi tâm trí mọi ý tưởng giận ghét anh em nữa, bởi vì “ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga 3,15).

Có thể nói, Lời Chúa trong trang Tin mừng chúng ta vừa nghe là một lời rất mạnh mẽ từ Thiên Chúa, dường như đang chất vấn lương tâm mỗi người chúng ta. Nó như một điểm dừng mà Thiên Chúa đặt ra trước mặt chúng ta trong cuộc sống này, để nhìn lại chính mình, để sửa đổi và tiếp tục tiến bước.

Chúa Giêsu muốn đưa các môn đệ hướng lên một tầm mức cao hơn của đời sống làm con cái Chúa. Người không muốn các ông lưu lại trong sự an nhàn, bình thản như không có gì xảy ra. Người muốn các ông hãy “trở nên hoàn thiện như Cha”. Nhưng làm sao có thể được? Sự hoàn thiện mà Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ, sẽ không bao giờ chúng ta hiểu hết được, không thể đặt nó trên bình diện công bình : không phải là muốn thực hành sự hoàn thiện đối với tất cả các nhân đức luân lý, cũng không phải là không phạm lỗi lầm nào khi đối diện với luật của Thiên Chúa.

Và như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ không có khả năng để làm tất cả những điều đó, bởi chúng ta là những con người mỏng giòn và đầy khiếm khuyết. Điều chúng ta có thể làm được đó là tin tưởng và phó thác, đặt nền tảng đời mình nơi Thiên Chúa, học ở nơi Thiên Chúa để sống với tình yêu và tha thứ.

Bài học yêu thương và tha thứ từ ngàn xưa của Thiên Chúa vẫn còn đó qua môi miệng của ngôn sứ Ezekiel: “Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống”. Thiên Chúa đã không trừng phạt con người bằng cách kết tội họ, nhưng nhìn tận trong sâu thẳm của tâm hồn con người và cuộc sống hiện tại của con người, quá khứ, tội lỗi sẽ được xóa bỏ nếu con người biết hoán cải và thực hành lời Chúa. Nếu Thiên Chúa không tha thứ tất cả, thế giới này có lẽ không tồn tại. Thật thế, nếu Chúa chấp tội, nào ai đứng vững được đâu.

Yêu thương và tha thứ tạo nên dáng đứng hoàn thiện của người môn đệ trong đời sống làm con Chúa, dẫu biết rằng đôi khi phải đối diện với những điều thật trái ngang.

Bài học yêu thương và tha thứ Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ vẫn còn đó, vẫn luôn là điểm quy chiếu cho mọi thế hệ. – Chẳng phải trên thập giá chính Chúa Giêsu đã đi bước trước, thứ tha cho những kẻ lên án mình sao? – Chẳng phải Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ hãy tha thứ đến bảy mươi lần bảy sao?. – Chẳng phải Thiên Chúa như người cha chờ đợi đứa con hoang trở về để tha thứ bằng cử chỉ âu yếm, vui mừng sao?. – Và chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ hãy đi hòa giải với anh em trước rồi đến dâng của lễ sao?

Xin Chúa cho ta có một đức tin sống động, biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa truyền dạy qua các giới luật, đặc biệt là luật “Mến Chúa, yêu người” để qua mỗi việc ta làm cho tha nhân, ta biết ý thức là chính lúc đó ta làm cho Chúa, và nhìn nhận hình ảnh của tha nhân chính hình ảnh của Chúa.

HÃY MỞ RA CHO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Lm. Trương Hồng Vũ, CSsR (báo ĐMHCG #357)

Chúa nhật 11 thường niên, năm C

2 Sm 12:7-10-13; Gl 2:16, 19-21; Lc 7:36-8,3

Khởi nguyên con người hoàn toàn ở trong tình trạng thánh thiện. Nhưng do ma quỷ cám dỗ, con người đã sa ngã và mang lấy tội nơi mình. Do đó, đã làm người ai cũng có tội dù nhiều hay ít. Con người lại vốn yêú đuối, dễ dàng sa ngã phạm tội. Kinh nghiệm của Phaolô là một minh chứng: “Điều tốt tôi muốn làm nhưng tôi lại không làm, điều xấu tôi không muốn làm nhưng tôi lại cứ làm” (x. Rm 7,18). Và câu chuyện của vua Đavít trong bài đọc I hôm nay cũng sẽ giúp ích cho chúng ta học biết về sự yếu đuối và sa ngã của con người.

Đavít từng được Thiên chúa tin tưởng, yêu thương và được xức dầu phong vương. Đáp lại ân tình ấy, ông một dạ trung thành và tuân giữ giới răn Chúa dạy.  Nhưng chỉ vì một phút yếu, ông đã chiều theo đam mê xác thịt đưa đến hậu quả tội lỗi nghiêm trọng. Tuy vậy, lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa vẫn ở bên ông. Thiên Chúa đã gởi ngôn sứ Nathan đến để thức tỉnh ông nhận ra tội lỗi của mình.  Ông ăn năn, tỏ lòng thực tâm sám hối và chấp nhận những hình phạt đi kèm.  Ông cũng là mẫu gương của những người từ bỏ con đường tội lỗi để quay về với Chúa. Bởi thế, Kinh Thánh đã tôn ông là Thánh Vương Đavít.

Nhưng trong thực tế người ta ít khi thấy tội của mình nhưng lại hay thường kết án tội lỗi của người khác.  Ông Pharisêu trong bài Tin Mừng là một ví dụ điển hình.  Có thể ông là một người công chính, tuân giữ tốt những giới răn của Thiên Chúa nhưng ông lại xét đoán và lên án tội lỗi của người khác.  Mặc dù ông không nói ra nhưng ông nghĩ rằng Đức Giêsu đã không tuân giữ lề luật khi để cho người phụ nữ tội lỗi đụng chạm vào mình.  Một cách gián tiếp ông kết án người phụ nữ kia phạm tội và lên án Đức Giêsu đã vi phạm lề luật Thiên Chúa.

Đáp lại suy nghĩ của ông, Chúa Giêsu đưa ra ví dụ về hai người mắc nợ được chủ tha.  Người mắc nợ nhiều hơn chắc chắn sẽ yêu thương chủ hơn vì cảm nhận lòng thương xót của chủ lớn hơn người kia.  Từ bài học ấy, Chúa Giêsu dạy cho ông Simon và cả cho chúng ta, trước hết hãy nhận ra những yếu đuối tội lỗi nơi mình.  Từ đó hãy biết cảm thông với anh chị em mình vì tất cả chúng ta đều là những người cần đến lòng thương xót của Chúa.

Thái độ loại trừ, hạ thấp người khác để khẳng định mình, nâng mình lên là khuynh hướng xấu của con người.  Thiên Chúa lại muốn chúng ta không ngừng nâng cao phẩm giá của anh chị em mình bằng nhiều phương cách, trong đó đặc biệt là việc tha thứ, tạo điều kiện cho anh chị em của mình một cơ hội vươn lên.  Thiết nghĩ người phụ nữ tội lỗi hôm nay sẽ quyết tâm đổi đời và không bao giờ quên những lời nói chân tình đầy dịu dàng của Chúa Giêsu: “Tội của chị đã được tha rồi”, hay “Lòng tin của chị đã cứu chị, chị hãy đi bình an.

Đầu năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, Đức T hánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta rằng, muốn đón nhận lòng thương của Chúa trước hết hãy nhìnnhận tỗi lỗi của mình. Vào đầu triều đại Giáo Hoàng, ngài đã giới thiệu mình với thế giới rằng: “Tôi là một tỗi nhân.  Một tội nhân được Chúa yêu thương!” Sau khi nhận ra tội lỗi của mình, chúng ta hãy siêng năng chạy đến với ơn tha thứ của Chúa nôi Bí tích Hòa giải.  Điều quan trọng là hãy thực tâm sám hối, như người phụ nữ trong Tin Mừng, như thánh Vương Đavít trong bài dọc I.  Thực tâm sám hối như là điều kiện căn bản để lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa.  Hãy cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa để quyết tâm từ bỏ tội lỗi, nỗ lực mỗi ngày sống tốt hơn.  Đồng thời khi đón nhận ơn tha thứ và lòng thương xót của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi tha thứ cho những người mắc lỗi với chúng ta.  Hơn nữa, chúng ta cũng được mời gọi sống lòng thương xót Chúa đến với anh chị em của mình, trở nên tông đồ của lòng Chúa thương xót.  Là tông đồ của lòng thương xót, tứ là xoa dịu những vết thương mà con người ngày nay gây ra trên thân xác và linh hồn của nhiều anh chị em chúng ta.  Chữa lành các vết thương cho họ là cách chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu, là cách để cho Ngài hiện diện và sống động trong cuộc sống của chúng ta.  Chúng ta cũng hãy để cho những người khác được chạm đến lòng thương xót của Chúa như người phụ nữ trong Tin Mừng để họ cũng có thể đón nhận ơn tha thứ và lòng thương xót Chúa.

LÒNG THA THỨ CỦA CHÚA. TỘI CỦA CHỊ ĐƯỢC THA RỒI (Lc 7,48)

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN-NĂM C

  1. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Đôi khi vì mặc cảm tội lỗi mà chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Chúng ta nói “Tôi đã phạm tội, tôi không xứng đáng nữa”. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một người tội lỗi đã dám đến với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu nói với chị: “Tội của con đã được tha. Con hãy về bình an”.

Vậy mặc dù chúng ta tội lỗi, nhưng chúng ta hãy đến với Chúa và hãy tin chắc rằng Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta.

  1. Gợi ý sám hối

-Chúng ta chưa tin tưởng đủ vào lòng nhân từ tha thứ của Chúa.

-Chúng ta không siêng năng lãnh nhận bí tích Giải tội.

-Chúng ta không sớm đứng dậy sau mỗi lần sa ngã.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I (2 Sm 12,7.10-13)

Có 3 ý tưởng lớn trong đoạn này:

-Tội của Đavít rất nặng: trước tiên là tội ngoại tình (với Bétsabê); kế đến là tội giết người, mà đó lại là một người vô tội (Uria chồng của Bétsabê).

-Tội này còn rất đáng trách vì Đavít đã được Thiên Chúa ban cho rất nhiều ơn sủng.

-Đavít nhìn nhận tất cả tội lỗi mình và xin Chúa tha thứ. Chúa thấy Đavít biết ăn năn nên đã tha thứ ngay.

  1. Đáp ca (Tv 31)

Tv này nhấn mạnh đến lòng tha thứ hơn là đến tội lỗi: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được thứ tha, người có tội mà được khoan dung”.

  1. Tin Mừng (Lc 7,36–8,3)

Bài Tin Mừng hôm nay gồm 2 đoạn và đều nói tới phụ nữ:

  1. Chuyện người đàn bà tội lỗi lau chân Chúa Giêsu (7,36-50):

-Nàng là một người tội lỗi nổi tiếng, “trong thành ai cũng biết”

-Nàng bày tỏ lòng sám hối rất công khai: a/ trong một bữa tiệc, trước mặt nhiều người; b/ không tiếc bình dầu thơm quý giá (khoảng 300 đồng, tương đương với 10 tháng lương); c/ quỳ gối dưới chân Chúa Giêsu, khóc nức nở, xổ tóc ra (một cử chỉ có thể bị kết án là tự làm ô nhục), lấy tóc lau chân Chúa.

Câu nói của Chúa Giêsu có thể dùng tóm lược chính xác câu chuyện đời nàng: “Tội nàng nhiều nhưng được tha hết vì nàng yêu mến nhiều”

  1. Bảng tóm lược những người đi theo Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin Mừng: những người này gồm có Nhóm 12 và cả các phụ nữ, trong số đó có người đã từng bị tà thần khống chế, có người bình dân và người quyền quý. Các bà giúp Ngài bằng công sức và bằng của cải nữa.
  2. Bài đọc II (Gl 2,16.19-21) (Chủ đề phụ)

Đoạn này chứa đựng ý tưởng chính của toàn thể bức thư gởi tín hữu Galát: con người được nên công chính (được cứu độ) nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ lề luật.

  1. Gợi ý giảng

* 1. Để được thứ tha

Bài đọc Cựu ước trích từ sách tiên tri Samuel hôm nay nhắc lại trường hợp phạm tội của vua Đavít. Có thể nói vua Đavít đã phạm tội rất khéo, phạm tội mà hầu như không ai biết, cho nên mọi người vẫn coi vua như một người thánh thiện gương mẫu. Mà tội của Đavít rất nặng: ông đã ngoại tình với vợ của tướng Uria, sau đó lại dùng âm mưu thâm độc để giết chết Uria hòng che giấu tội mình, rồi công khai cưới bà vợ góa ấy làm vợ mình, sau đó lại gian dối che giấu tội lỗi trước mặt tiên tri Natan. Rõ ràng đó là một tội nặng, rất nặng.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng đưa ra một người tội lỗi nữa: đó là một người đàn bà có lẽ hành nghề mãi dâm. Nghề đó chẳng những đem lại tội cho bà, mà còn làm cho nhiều người đàn ông khác phạm tội, và còn có thể làm tan nát nhiều gia đình nữa. Đây cũng là một tội nặng, rất nặng.

Nhưng cả hai người tội rất nặng đó đều đã được tha, tha rất dễ dàng và nhanh chóng. Vua Đavít nói với tiên tri Nathan “Tôi đã phạm tội cùng Chúa”, thì Natan đáp ngay “Chúa đã tha tội cho vua rồi”. Còn người đàn bà kia quỳ khóc dưới chân Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu nói với chị “Tội con đã được tha rồi”.

So sánh trường hợp tội lỗi của hai nhân vật trên với trường hợp tội lỗi của chúng ta, chúng ta cảm thấy an tâm. Trong chúng ta đây, mặc dù ai cũng đều có tội, nhưng không ai tội nặng bằng hai người đó: Có ai trong chúng ta quá tệ đến nỗi ngoại tình, rồi giết chồng để đoạt vợ người ta? Có ai trong chúng ta tệ đến nỗi hành nghề mãi dâm và tai tiếng cả thành phố? Những tội hết sức nặng nề của hai nhân vật ấy mà còn được Chúa tha thứ một cách hết sức dễ dàng và nhanh chóng thì huống chi là những tội của chúng ta! Vì thế mà chúng ta thấy an tâm.

Nhưng rồi chúng ta lại lo ngại, lo ngại vì chính sự an tâm đó! Tại sao? Thưa chính vì mình an tâm mà mình đâm ra coi thường những tội của mình, không coi đó là tai hại bao nhiêu, cho nên không ăn năn thống hối, không quyết tâm từ bỏ.

Chúng ta hãy nhớ lại những tội mà chúng ta thường phạm và thường xưng. Có những tội chúng ta xưng thì cứ xưng nhưng trong thâm tâm thì lại coi thường và xưng xong thì vẫn cứ phạm. Những lần xưng tội sau thì cũng vẫn bấy nhiêu tội đó. Thậm chí nếu thấy có Cha ngồi sẵn trong tòa giải tội là chúng ta có thể bước vào xưng ngay không cần mất giờ xét mình, vì ta đã thuộc lòng các tội ta quen phạm rồi!

Ở đây không có ý nói tới những tội quá vặt vảnh như đọc kinh ngủ gục lo ra, giận hờn, bỏ đọc kinh hôm mai v.v. mà có ý nói tới một số tội có sức tác hại nhiều hơn, chẳng hạn như say sưa (đánh chửi vợ con), cờ bạc, nói hành nói xấu (làm hại danh dự người khác) ăn cắp vặt, ăn cắp của công, buôn bán gian lận vv. Những tội này khi ta phạm thì chẳng những có hại cho chính bản thân mình mà còn có hại cho nhiều người khác nữa. Vậy mà chúng ta rất coi thường chúng, chúng ta phạm hoài, lần xưng tội nào cũng có những tội đó.

Tội của Đavít, tội của người nữ mãi dâm kia dù rất nặng nề nhưng vì hai người đã nhìn nhận mức độ nặng nề của nó và thành tâm thống hối nên đã được Chúa tha. Còn những tội của chúng ta, tuy không nặng nề bằng nhưng nếu ta không nhìn nhận sự tai hại của chúng và không thống hối thì dù nhẹ cũng không được tha!

Xin trở lại với một số tội vừa kể ra ở trên:

-Tội say sưa: đâu có phải chỉ hại cho riêng mình, mà còn làm hao tốn tiền bạc lẽ ra dành cho gia đình, còn kích thích mình gây gỗ với bạn bè lối xóm, đánh chửi vợ con, đập phá đồ đạc trong nhà, biết bao nhiêu người bị phiền vì mình say sưa…

-Tội cờ bạc: cờ bạc là bác thằng bần, nó làm cho gia đình nghèo túng, nó gây xích mích lục đục trong gia đình, nó xúi người ta trộm cắp, nó làm gương xấu cho trẻ em…

-Tội ăn cắp vặt, ăn cắp của công, làm ăn gian lận: rõ ràng là có hại cho những người bị mất của, bị gian lận; ngoài ra còn có hại là từ việc mất công bình nhỏ dần dần đưa ta đến mất công bình lớn hơn.

-Tội nói hành nói xấu người khác: không chỉ là tội cho bản thân mình mà còn làm sứt mẻ danh thơm tiếng tốt của người khác. Tội này đòi ta phải bồi thường danh dự, cũng như tội trộm cắp đòi ta phải bồi thường những thiệt hại vật chất đã gây ra.

Đó là một số tội chúng ta quen phạm nhưng chúng ta cũng quen coi thường, vì thế mà không thật lòng thống hối, và vẫn cứ tái phạm.

Suy gẫm lời Chúa hôm nay, chúng ta đã biết Chúa không quan tâm tới tội ta phạm là nặng hay là nhẹ, là nhiều hay là ít, nhưng Chúa chú trọng đến lòng thống hối ăn năn và Chúa chờ đợi ta quyết tâm sửa đổi. Vì thế, chúng ta cũng vậy, hãy lưu ý thống hối và cải thiện nếu không đối với hết tất cả mọi tội lỗi của ta, thì ít ra cũng đối với một số tội chẳng những gây thiệt hại cho mình mà còn tác hại cho người khác nữa.

Nếu có được lòng thống hối và quyết tâm sửa đổi như thế thì chúng ta mới có thể an tâm sẽ được Chúa tha thứ, như Chúa đã thứ tha những tội tày trời của vua Đavít và của người đàn bà mãi dâm mà chúng ta đã nghe sách thánh thuật lại trong những bài đọc của Thánh lễ hôm nay.

* 2. Yêu nhiều tha nhiều

Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục có người giúp việc bê tha rượu chè. Một đêm kia, anh ta say mèm. Mọi người trong nhà đã ngủ hết, chỉ còn một mình thánh nhân thức khuya đọc sách. Chính người đã dìu anh về giường và lấy mền đắp cho anh, rồi sáng hôm sau mới nói cho anh biết lỗi.

Thánh nhân nói: “Giả sử lúc anh đang say, sẩy chân ngã xuống giếng thì sao. Hoặc lỡ bị gió độc mà chết thì sẽ thế nào. Linh hồn ở đâu bây giờ. Nghe vậy anh ta hối hận, xin tha thứ và trước mặt người, anh xin cam đoan sẽ không còn uống một giọt rượu nào nữa. Nhưng người bảo anh: “Đừng chừa vội quá như thế!”

Từ đó, anh ta xin nhận thánh nhân làm cha giải tội riêng cho mình và dần dần, đã biết chừa hẳn tội cũ sống rất đạo hạnh tử tế.

***

“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47). Người phụ nữ tội lỗi trong bài Tin Mừng hôm nay không khác chi người giúp việc nát rượu của thánh Phanxicô trong câu chuyện trên đây. Họ đều là những người yếu đuối lầm lỡ trong tội, nhưng đã được Chúa Giêsu cũng như thánh Phanxicô bao dung tha thứ, nên họ đã mau mắn đáp lại tình yêu, để rồi cuộc đời của họ bắt đầu từ nay được đổi mới.

Medaleine Danielou đã viết “Tha thứ thật sự là hành động thần linh mà chúng ta chỉ học được từ nơi Thiên Chúa. Vâng, có thể nói: lỗi lầm là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa (A. Pope). Nhưng người ta chỉ có thể lãnh nhận ơn tha thứ khi đã có lòng tin: Tin nơi Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, tin rằng Người sẵn sàng tha thứ và sẽ còn tha thứ mãi. Chúa phán: “Lòng tin của chị đã cứu chị, chị hãy đi bình an” (Lc 7, 50). Chính lòng tin đã đem lại ơn tha thứ, và ơn tha thứ đã làm đổi mới tội nhân, để họ mãi mãi bước đi trong bình an.

Tuy nhiên, tình yêu và lòng tin của chúng ta cần phải được biểu lộ cách cụ thể qua lòng sám hối, vì sám hối tức là nhận mình có lầm lỗi, và chỉ những ai nhận mình lầm lỗi mới được Thiên Chúa thứ tha. Vì thế mà Thomas Carlyle đã nói một câu bất hủ: “Không nhận ra lầm lỗi là lỗi lớn nhất trong mọi lỗi lầm”. Quả thật, nếu ai cho mình không có tội thì đâu cần Thiên Chúa thứ tha. Nhưng Thánh Gioan lại nói rằng: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1, 8).

*

Lạy Chúa, sa ngã trong tội là bản chất của con người nhưng ở lại trong tội lại là quỉ sứ.

Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của mình, và mau mắn chân thành sám hối, để được Chúa tha thứ và ban cho ơn bình an. Amen. (TP)

* 3. Bắt đầu lại

Câu chuyện sau đây kể về một người da trắng ở Cape Town trong thời kỳ có chế độ phân biệt chủng tộc apartheid: người da trắng này mới dời về sống trong một khu có nhiều người da màu. Một hôm ông thấy một người da màu cứ đứng ở ngoài hàng rào nhìn chăm chăm vào khu vườn nhà ông. Ông giận quá ra gặp người ấy và hỏi “Anh đang làm gì ở đây thế?” Thấy ông quá giận, người da màu lúng túng giải thích: “Trước đây tôi lớn lên trong khu nhà này. Trong vườn có một cây lê. Có năm nó rất nhiều trái, nhưng cũng có năm trái rất ít. Hôm nay tôi chỉ muốn xem năm nay nó có nhiều trái không”. Nghe lời giải thích ấy, người da trắng cảm thấy xấu hổ vì đã hiểu lầm người da màu kia. Ông định mở miệng xin lỗi thì người kia đã đi không còn ở đó nữa. Lòng ông rất xấu hổ vì đã nặng lời với một người đáng thương bị chế độ phân biệt chủng tộc làm mất nhà cửa.

Cách Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ tội lỗi trong bài Tin Mừng hôm nay trái ngược hẳn. Nàng không được mời đến dự tiệc. Nàng đến chỉ vì biết có Chúa Giêsu đang ở đấy. Nàng đến trước mặt Ngài với con người thực của mình, và chỉ muốn phục vụ Ngài để tỏ lòng sám hối. Phần Chúa Giêsu, dù biết nàng là một người tội lỗi nhưng vẫn ưu ái đón nhận sự phục vụ của nàng. Những người khác nhìn nàng và chỉ thấy một vũng bùn nhơ. Còn Chúa Giêsu thì nhìn vũng bùn nhơ ấy và thấy những vết thương của nàng. Ngài thấy nàng đã bị người ta xét đoán đủ rồi và bị đời trừng phạt đủ rồi. Điều nàng cần đó là được cứu chữa chứ không phải bị lên án.

Qua cách đối xử nhân hậu với nàng, Chúa Giêsu đã giúp nàng tin vào cái tốt trong lòng nàng. Nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, nàng bắt đầu một cuộc sống mới tốt hơn. ” Elia Wiesel viết: “Nếu bạn muốn tìm gặp một tàn lửa, bạn phải nhìn vào đống tro”. (FM)

* 4. Những bài học rút ra từ câu chuyện vua Đavít

Chuyện vua Đavít phạm tội và sám hối có thể dạy ta nhiều điều:

a/ Sau khi ngoại tình với Bétsabê và biết Bétsabê mang thai, vua Đavít muốn dấu nhẹm tội mình nên lại phạm thêm một tội khác, đó là giết chết Uria chồng nàng. Nếu phạm tội mà không nhận tội, lại còn muốn che giấu nó, chúng ta có thể bị đẩy đưa đến chỗ phạm thêm những tội khác nữa.

b/ Khi ngôn sứ Natan kể chuyện về một người nhà giàu đang tâm giết chết người hàng xóm nghèo để chiếm đoạt con chiên độc nhất của người này, Đavít đã nổi giận và đưa ra phán quyết “Nó đáng chết” . Thấy tội người khác dễ hơn thấy tội của mình.

c/ Nhưng sau khi ngôn sứ Natan vạch tội Đavít ra, nhà vua đã khiêm tốn nhìn nhận “Tôi đã đắc tội với Chúa”. Đây chính là điều làm cho Đavít từ một người tội lỗi trở nên một vị thánh. Có mấy người mau mắn nhìn nhận tội lỗi của mình khi bị người khác vạch ra? Rất nhiều người chẳng những không nhìn nhận mà còn ác cảm với kẻ dám vạch tội mình.

d/ Đavít trở thành thánh nhân còn nhờ một yếu tố khác nữa: từ đó về sau, nhà vua đã ý thức về lòng thương xót của Chúa và hết lòng đáp lại tình thương của Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói “Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều”

* 5. Tội và tình

Người ta thường nói “tội tình”. Cách nói vô ý thức ấy lại chứa đựng một chân lý rất sâu sắc: tội lỗi và tình thương thường đi đôi với nhau.

Qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể về hai con nợ được tha thứ, ta có thể hiểu rằng tội đi trước, tình đi sau, bởi vì “Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều”. Vì được tha thứ nên yêu mến.

Tuy nhiên, qua một câu nói khác cũng của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng này thì ta cũng có thể hiểu rằng tình đi trước: “Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Vì yêu mến nên được tha.

Hai trường hợp trên là nói về lòng yêu mến của tội nhân: lòng yêu mến có khi đi trước, có khi đi sau. Nhưng khi nói về Thiên Chúa thì tình yêu của Ngài luôn đi trước. Thánh Kinh đã ghi nhận biết bao bằng chứng là Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta trước. Chính tình yêu của Ngài kêu gọi chúng ta sám hối, rồi tình yêu của Ngài tha thứ chúng ta, sau đó tình yêu của Ngài lại khuyến khích chúng ta yêu mến Ngài hơn. Tóm lại tình yêu Thiên Chúa bao trùm tất cả, trước, trong và sau khi chúng ta phạm tội.

* 6. Ông Simon và Chúa Giêsu

Một đêm cúp điện, trời tối. Người chồng đem chiếc đèn dầu ra để thắp sáng. Chiếc đèn đã quá cũ. Bóng đèn bám đầy khói. Tim đèn không còn nhạy. Người chồng bực bội quăng chiếc đèn dầu vào xó, và tìm một cây nến thay thế.

Tuần sau lại cúp điện. Người vợ châm lửa vào một chiếc đèn dầu xinh đẹp. Ánh sáng tỏa ra rất ấm cúng.

Người chồng ngạc nhiên hỏi vợ: “Em mới mua chiếc đèn này hả? Bao nhiêu tiền?” Người vợ cười đáp: “Chẳng tốn bao nhiêu cả, vì đó là chiếc đèn cũ. Chỉ tốn thời giờ thôi. Em đã lau chùi bóng đèn, vuốt lại tim đèn. Thế là nó có thể xử dụng tốt lại như trước”.

Quẳng đi món một đồ hư thì dễ hơn sửa nó lại nhiều. Đối với con người cũng thế. Dán lên con người lầm lỗi một nhãn hiệu rồi quẳng vào tù thì dễ. Nhưng làm thân với họ, tìm hiểu họ, rồi giúp họ thay đổi là một việc khó hơn.

Ông Simon trong bài Tin Mừng này là một người biệt phái, nên ông ghét người tội lỗi. Đối với ông, người phụ nữ tội lỗi kia là thứ người phải bỏ đi, không đáng được cứu. Những người như Simon rất nhiều trong thời chúng ta. Họ không tin rằng con người có thể sửa đổi, vì thế họ không cho kẻ tội lỗi có cơ hội sửa đổi. Một nền văn minh không tin vào sự cứu rỗi là một nền văn minh không có hy vọng.

Phần Chúa Giêsu, Ngài biết người phụ nữ này có tội, nhưng Ngài cũng thấy phương diện tốt của nàng. Ngài tin tưởng vào phương diện tốt ấy và giúp nàng đứng dậy. Thật tuyệt vời nếu có ai đó còn tin tưởng ta, không lên án ta mà còn yêu thương ta nữa.

Thái độ của Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết nhận ra điều tốt nơi người khác và yêu thương người ấy. Tội lỗi chỉ có thể cứu chữa bằng yêu thương. Kết án không bao giờ giải thoát được (FM)

* 7. Đấng cứu chữa

Tôi mơ thấy mình gặp Chúa.

Vừa run, vừa xấu hổ, vừa buồn phiền, tôi kể cho Ngài nghe hết tất cả mọi tội lỗi tôi đã phạm.

Kể xong, tôi vẫn còn quỳ đó, chờ đợi án phạt của Ngài, một án phạt rất nặng mà tôi rất đáng chịu.

Thế nhưng Chúa đứng lên, lấy một lọ dầu và nói: “Để Ta chữa lành thương tích của con”.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Thương tích nào, lạy Chúa? Chính con là kẻ gây thương tích cho biết bao người khác”.

Vừa nói xong tôi chợt hiểu ngay là Ngài có lý, bởi vì có tội cũng chính là bị thương. Tôi là người có tội, thương tích của tôi chính là tội của tôi.

Vì thế tôi đã để cho Ngài xức dầu chữa trị thương tích của tôi.

Sau đó tôi ra đi mà lòng tràn ngập mừng vui. Lòng tốt của Chúa đã khiến tôi cũng cảm thấy mình tốt và muốn được giống như Ngài. (FM)

  1. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là Đấng hay thương xót và tha thứ. Người luôn sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của những kẻ có tội thật lòng sám hối ăn năn. Luôn tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, chúng ta cùng khiêm tốn cầu xin:

  1. Dung mạo của Hội thánh là dung mạo hiền lành của Chúa Giêsu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi người / tìm được nơi Hội thánh lòng khoan dung vô bờ.
  2. Trên thế giới ngày nay / tệ nạn xã hội tràn lan khắp mọi nơi / ảnh hưởng không tốt đến đời sống hôn nhân và gia đình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho việc ngăn chặn tệ nạn xã hội của các quốc gia / đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
  3. Đời sống khó khăn / tình trạng thất nghiệp / nhiều khi làm gia tăng tội ác trong xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người đều tìm được việc làm ổn định lâu dài.
  4. Gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ trong giáo xứ chúng ta / biết quan tâm đến việc giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái bằng lời nói / nhưng đặc biệt là bằng chính gương sáng của mình.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con biết triệt để sống Lời Chúa dạy trong Tin mừng. Nhờ đó, chúng con có thể mạnh dạn nói như thánh Phaolô tông đồ: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

  1. Trong Thánh Lễ

– Trước Kinh Lạy Cha: Lời Chúa hôm nay hẳn đã giúp chúng ta cảm mến tình thương tha thứ của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Chúng ta hãy dâng lên Ngài tâm tình cảm mến, và xin Ngài giúp chúng ta cũng biết tha thứ cho anh chị em chúng ta.

VII. Giải tán

Lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ tội lỗi cũng là nói với chúng ta: “Lòng tin của con đã cứu con. Con hãy đi bình an”.

TÌNH YÊU CỨU ĐỘ

TGM. Ngô Quang KiệtDC Kiet

CN 11 TN-C

Bữa tiệc hôm nay diễn ra trong một khung cảnh đầy mâu thuẫn. Một bên là căn nhà sang trọng của thủ lĩnh biệt phái, một bên là Chúa Giêsu ăn mặc đơn sơ trong bộ quần áo của dân nghèo. Một bên là ông Simon người được coi là đạo cao đức trọng, một bên là người phụ nữ bị coi là đại tội nhân. Một bên là mâm cao cỗ đầy, mọi người vui tươi ănuống, một bên là người phụ nữ quì mọp sát đất, không dám ngẩng mặt lên, gục đầu khóc lóc. Chính trong khung cảnh đầy mâu thuẫn, trái ngược ấy, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu thương bao la của Người.

Đó là tình yêu bao dung chấp nhận mọi người. Chúa chấp nhận ông Simon dù Chúa không ưa lối sống của ông và của những người biệt phái, vì họ tự tôn cho rằng mình đạo đức mà khinh miệt những người khác. Hơn nữa, lối sống đạo của họ chỉ là hình thức giả dối bề ngoài. Thế nhưng Chúa vẫn chấp nhận ông, chấp nhận lời mời của ông, đến dự tiệc với ông, ngồi đồng bàn với ông, chia sẻ món ăn và câu chuyện với ông. Không chỉ chấp nhận ông Simon, Chúa còn chấp nhận người phụ nữ bị coi là tội lỗi công khai. Chị vào nhà trong ánh mắt khinh thị của mọi người. Nhưng Chúa vẫn điềm nhiên để chị khóc ướt chân mình. Chúa đã để chị hôn chân mình. Chúa đã để chị lấy tóc lau chân mình. Chúa đã để chị xức dầu tràn đầy trên chân mình. Còn hơn thế nữa, Chúa lên tiếng công khai bênh vực chị. Nếu Chúa công khai bày tỏ thịnh tình với ông Simon khi đến nhà ông dự tiệc thì Chúa cũng công khai bày tỏ thịnh tình với người phụ nữ khi lên tiếng bênh vực chị. Chúa chấp nhận tất cả mọi người.

Đó là tình yêu bao dung tha thứ mọi tội lỗi. Thái độ của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ tội lỗi là thái độ bao dung tha thứ. Chúa để cho chị vào nhà. Hơn thế nữa, Chúa để cho chị gục đầu vào chân Chúa, khóc ướt chân Chúa, lấy tóc lau chân Chúa và xức dầu thơm lên chân Chúa. Chị làm điều ấy ở nơi kín đáo còn đỡ gây chống đối, đằng này chị làm điều ấy công khai trước mắt mọi người, mà lại là những người ghen ghét, chống đối và kết án chị. Aùnh mắt và thái độ của những người chung quanh, đặc biệt là của ông Simon không lọt ngoài tầm mắt Chúa. Nhưng Chúa vẫn để chị làm những gì biểu lộ lòng thống hối, lòng yêu mến của Chị. Sau đó Chúa còn công khai lên tiếng ca ngợi tình yêu và niềm tin của Chị và công khai tha thứ cho chị.

Đó là tình yêu bao dung hoán cải. Chúa không ưa thói hợm hĩnh, giả hình của người biệt phái. Nhưng Chúa vẫn tìm cách hoán cải họ. Vì thế hôm nay Chúa nhận lời đến nhà ông Simon dự tiệc. Thấy thái độ của ông đối với người phụ nữ và những ý nghĩ thầm kín của ông phê phán Chúa, Chúa không để ông trong lầm lạc, nhưng đã lên tiếng giải thích cho ông hiểu những điều then chốt trong đời sống đạo và những gì có giá trị thực sự trước mặt Chúa. Chúa phải tốn công giải thích cặn kẽ vì Chúa yêu thương ông, muốn ông hiểu và hoán cải tâm hồn.

Đó là tình yêu ban ơn cứu độ. Tất cả những gì Chúa làm là mong đem ơn cứu độ cho loài người, cho tất cả mọi người không loại trừ một ai. Chúa muốn cứu độ cả ông Simon là người tưởng lầm mình đạo đức nhưng chỉ là đạo đức bên ngoài. Chúa muốn cứu độ cả người phụ nữ bị mang tiếng tội lỗi, bị mọi người khinh miệt, loại trừ. Tình yêu của Chúa không phải là thứ cảm tính nhất thời, đem đến an ủi nhất thời. Đó là tình yêu đem đến ơn cứu độ, đem đến hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu cho con người.

Lạy Chúa, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Lạy Chúa, xin cứu độ con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1-Bạn có thường xét đoán và khinh miệt, loại trừ người khác như ông Simon biệt phái không?

2-Bạn có thái độ khiêm nhường thống hối, tha thiết yêu mến như người phụ nữ tội lỗi không?

3-Chúa Giêsu nêu gương gì cho bạn trong cách đối xử với mọi người, người tội lỗi cũng như người tự xưng mình công chính?

4-Khi yêu thương người khác, bạn có dẫn người khác đến ơn cứu độ không?

MỜI CHÚA NGỰ TRỊ TRONG TÂM HỒN

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Vì tôn trọng Thiên Chúa, Mẹ Maria và các Thánh, các tín hữu Việt Nam thường đặt tượng ảnh thánh ở những chỗ cao trọng nhất, như ở trên tháp nhà thờ, trên những tượng đài uy nghi đồ sộ.

Trong mỗi gia đình công giáo, nhà nào cũng lập bàn thờ và đặt ảnh tượng Chúa ở vị trí quan trọng và xứng đáng nhất trong gia đình.

Thế nhưng, điều đáng buồn là lắm khi người ta quan tâm đặt tượng ảnh Chúa lên những nơi thật cao cho mọi người trông thấy mà lại quên đặt Chúa ngự trong tâm hồn mình, để ngày đêm có Chúa ở với mình, để lúc nào cũng có thể lắng nghe tiếng Chúa nhắc bảo, để có một đời sống gần gũi thân mật và tương hợp với Người. Tâm hồn mỗi người mới thật sự là nơi mà Thiên Chúa hằng mong muốn ngự trị.

Cách đón tiếp của ông Si-môn

Hôm ấy, theo thánh sử Lu-ca thuật lại (Lc 7, 36-50), ông Si-môn, một người thuộc Nhóm Pha-ri-sêu mời Chúa Giê-su đến nhà dùng bữa, nhưng chẳng rõ vì lý do gì, ông ta tiếp đón Chúa không được mặn mà cho lắm.

Ở Palestine thời Chúa Giê-su, khi có khách đến nhà, theo phép lịch sự đòi hỏi, chủ nhà thường tiến hành ba việc sau đây: một là bày tỏ lòng quý trọng bằng cách dành cho khách một chiếc hôn bình an; hai là rửa chân cho khách, ba là đốt hương liệu cho hương thơm lan tỏa khắp nhà hoặc nhỏ vài giọt dầu hoa hồng lên đầu người khách quý.

Thế nhưng ông Si-môn không làm như thế cho Chúa Giê-su. Tuy có mời Chúa đến nhà nhưng ông chỉ dành cho Chúa một chỗ trong bàn tiệc mà chẳng dành cho Người một chỗ trong tâm hồn mình. 

Cách đón tiếp của người đàn bà tội lỗi

Trái với thái độ hờ hững của ông Si-môn, một thiếu phụ mang đầy tai tiếng trong vùng đã bất chấp dư luận, tìm đến tận nhà ông Si-môn, nồng nhiệt đón tiếp Chúa Giê-su, không phải vào nhà mình, nhưng vào tâm hồn mình cách rất tha thiết.

Vừa thấy Chúa Giê-su, chị quỳ sụp xuống chân Người và bỗng nhiên òa lên khóc nức nở; khóc vì chị đã để cho vô vàn lầm lỗi xâm chiếm tâm hồn; khóc vì hận mình đã không đủ sức hoàn lương và bước theo con đường cao đẹp mà Chúa Giê-su mời gọi; khóc vì gặp được Chúa Giê-su là Bậc Thầy cao quý, không hề khinh bỉ chị như bao người khác nhưng đã nhìn chị bằng ánh mắt tôn trọng và yêu thương.

Nước mắt dàn dụa đã làm ướt đẫm đôi chân Chúa Giê-su. Lấy gì mà lau bây giờ? Thôi, kệ, cứ xõa tóc xuống mà lau, cho dù theo phong tục xứ Palestine thời đó, một phụ nữ xõa tóc giữa nơi công cộng có thể bị khinh dể, chê cười.

Và rồi, với tất cả tấm lòng tôn trọng và yêu mến, chị trút hết dầu thơm đắt giá chứa trong bình bạch ngọc lên đôi chân Chúa Giê-su, như trút cả tình yêu trong đáy tim mình cho Chúa và tha thiết hôn lên đôi chân ấy.

Thế là chị cũng không ngờ là mình đã giữ đúng phép khi tiếp khách quý đến nhà: rửa chân cho khách, nhưng không phải bằng nước ao hồ như người ta thường làm mà là bằng những giọt nước mắt thương yêu; hôn chào khách, nhưng không phải hôn lên má khách theo thông lệ, mà là hôn lên đôi chân Chúa với tấm lòng kính mến tri ân; và xức dầu thơm quý, nhưng không phải xức lên đầu mà là lên đôi chân của Chúa.

Trái với ông Si-môn chủ nhà chỉ tiếp đón Chúa lấy lệ nên chỉ dành cho Chúa một chỗ trong bàn tiệc mà không dành cho Người một chỗ trong tâm hồn, người phụ nữ nầy đã thực sự đón tiếp Chúa với tất cả tấm lòng thương mến và thực sự dành cho Chúa một chỗ quan trọng trong tâm hồn, trong trái tim mình.

Cách tiếp đón của chúng ta

Hiện nay, bất cứ lúc nào Thiên Chúa cũng muốn đến với chúng ta và chờ mong được mỗi người chúng ta tiếp đón.

Chúng ta đón tiếp Chúa với tâm tình và thái độ nào?

Đón tiếp Chúa cách hững hờ nhạt nhẽo như ông Si-môn biệt phái hay thân tình mật thiết như người phụ nữ trên đây?

Chỉ dành cho Chúa một chỗ trên bàn thờ hay đón nhận Chúa vào lòng để Chúa ngự trị trong tâm hồn và trong cuộc sống?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, Chúa muốn chúng con trở thành bạn hữu thân thiết của Chúa. Xin đừng để chúng con gạt Chúa ra bên lề cuộc sống chúng con.

Xin cho chúng con luôn đặt Chúa ngự trong tâm hồn mình, để ngày đêm có Chúa ở với mình, để lúc nào cũng có thể lắng nghe tiếng Chúa nhắc bảo, để có một đời sống gần gũi thân mật và tương hợp với Chúa hơn.

ƠN THA THỨ – SỰ HUYỀN NHIỆM CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Lm. Jude Siciliano, OP

CHÚA NHẬT 11 TN (C) 12-06-2016

2 Samuen 12: 7-10, 13; T.vịnh 31; Galát 2: 16, 19-21;Luca 7: 36-8:3

Trong tất cả bốn sách phúc âm đều có câu chuyện một người phụ nữ xức dầu Chúa Giêsu. Nhưng, các câu chuyện được trình bày trong bối cảnh khác nhau. Đúng thật là có một phụ nủ̃ xù́c dầu Chúa Giêsu. Mặc dù có sụ̉ phân biệt trong bối cảnh trình bày câu chuyện, chỉ có một phụ nủ̃ xủ́c dầu Chúa Giêsu thôi. Và một lần khác Chúa Giêsu đủọ̉c xủ́c dầu là khi Ngài chịu phép rủ̉a và đủọ̉c Chúa Thánh Thần xủ́c dầu.

Ngoài phúc âm thánh Luca, các phúc âm kia đều kể câu chuyện ngủỏ̀i phụ nủ̃ xủ́c dầu trủỏ́c khi Chúa Giêsu chịu thủỏng khó. Phúc âm thánh Luca kể câu chuyện đó ỏ̉ phía bắc Galilê khi Chúa Giêsu ỏ̉ trong nhà một ngủỏ̀i Pharisêu. Vì thánh Luca có tài kể chuyện, nên câu chuyện ngủỏ̀i phụ nủ̃ xủ́c dầu Chúa Giêsu tồn tại mãi trong trí nhỏ́ của chúng ta. Chúng ta không biết tên ngủỏ̀i phụ nủ̃ đó, mặc dù có ngủỏ̀i nói lầm tên chị ta là Maria Mácđala. Phụ nủ̃ đó bị gọi là “ngủỏ̀i tội lỗi”, và có ngủỏ̀i kết luận là chị ta là một gái điếm. Nhủng, ngủỏ̀i phụ nủ̃ đó có thể là một ngủỏ̀i kẻ ngoại mà ngủỏ̀i Do thái thủỏ̀ng cho là ngủỏ̀i tội lỗi, hay ngủỏ̀i đó là ngủỏ̀i bị đau ốm. vì có ngủỏ̀i cho sụ̉ đau ốm của chị ta là sụ̉ trủ̀ng phạt bởi tội lỗi.

Trong phúc âm việc đón tiếp khách là điều rất quan trọng. Cử chỉ Chúa Giêsu đón tiếp các người tội lỗi và gái điếm là điều bị những người trong hàng ngũ tôn giáo chỉ trích. (Còn các người thuộc phái Pharisêu và các kinih sư thì lẫm bẫm ‘ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng’ Lc 15:2). Ông Pharisêu Simon đón tiếp Chúa Giêsu, nhủng đó là củ̉ chỉ bên ngoài. Khi ông ta mỏ̀i  Chúa Giêsu đến nhà ông ta, ông ta không tỏ vẻ đón tiếp theo lệ thủỏ̀ng là: hôn Ngủỏ̀i khách, đem nủỏ́c rủ̉a chân cho khách, và xủ́c dầu thỏm trên đầu khách.

Trủỏ́c đó, trong phúc âm thánh Luca, khi cha mẹ Chúa Giêsu đem con lên dâng trong Đền Thỏ̀, ông Simêon nói với Bà Maria là “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm cớ bị ngủỏ̀i đỏ̀i chống đối – còn chính Bà thì một lủỏ̃i gủỏm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, ngõ hầu nhủ̃ng ý nghĩ tủ̀ thâm tâm nhiều ngủỏ̀i phải lộ ra”. (Lc 2: 34-35). Đó là điều xãy ra trong câu chuyện hôm nay: ý nghĩ của ông Simon đã lộ ra, ông ta không nghĩ như Thiên Chúa nghĩ.

Thánh Luca kể câu chuyện vào phần trủỏ́c của phúc âm. Luca có ý đủa ra hai thái độ về sứ vụ của Chúa Giêsu: ngủỏ̀i tội lỗi đáp ủ́ng lòng nhân ái của Chúa Giêsu, và nhủ̃ng ngủỏ̀i kinh sủ lãnh đạo tôn giáo chống lại Chúa Giêsu và Tin Mủ̀ng Ngài đem đến. Câu chuyện cũng là một hình ảnh khác về việc Chúa Giêsu ăn uống vỏ́i phủỏ̀ng tội lỗi: có ngủỏ̀i phụ nủ̃ đủọ̉c tha thủ́ nhiều, và ngủỏ̀i khác nhủ ngủò̀i Pharisêu đủọ̉c tha thủ́ ít. Ngủỏ̀i phụ nủ̃ hiểu điều đó, nhủng ngủỏ̀i Pharisêu thì không. Chúa Giêsu tỏ lòng tha thủ́ cho cả hai ngủỏ̀i, nhủng chỉ có ngủỏ̀i phụ nủ̃ là ngủỏ̀i tội lỗi nhiều lãnh nhận đủọ̉c ỏn huệ đó.

Ánh sáng của tình thủỏng chiếu rọi qua củ̉ chỉ của ngủỏ̀i phụ nủ̃. Có nhiều bình luận về năng lụ̉c của đoạn sách này. Lỏ̀i bình luận tôi nghe suốt đỏ̀i tôi là lòng thủỏng yêu nhiều của ngủỏ̀i phụ nủ̃ đã làm cho chị ta đủọ̉c ỏn tha thủ́ nhiều. Quan niệm này đủa đến sụ̉ bình luận thần học về việc làm và ỏn thánh. Chính  “việc làm” của ngủỏ̀i phụ nủ̃ làm chị ta đủọ̉c “hủỏ̉ng” ỏn tha thủ́.

Một quan niệm khác nhủ thánh Phaolô nói hôm nay “con ngủỏ̀i đủọ̉c nên công chính không phải nhỏ̀ làm nhủ̃ng gì Luật dạy, nhủng nhỏ̀ tin vào Đủ́c Giêsu Kitô…” Có lẽ “Sách Kinh Thánh Mỏ́i” sau này nói đến quan niệm thủ́ hai này. Sách Kinh Thánh Mỏ́i viết lỏ̀i Chúa Giêsu nói vỏ́i ông Simon “Vì thế tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhủng đã đủọ̉c tha, bằng cỏ́ là chị đã yêu mến nhiều”. Điều này nói rõ hỏn về ỏn huệ là nói về chị phụ nủ̃ đã đủọ̉c cảm nghiệm trủỏ́c về ỏn tha thủ́ khiến cô phải tìm Ðức Chúa Giêsus ra và dẫn đến cử chỉ khẩn thiết của cô về tình yêu đối với Ngài. Từ “vì thế” trong bản dịch nhấn mạnh trình tự này: tha thứ trước những cử chỉ yêu thương. Nên khiến cho chị ta tìm đến Chúa Giêsu và bày tỏ củ̉ chỉ tạ ỏn về nhủ̃ng gì Thiên Chúa đã làm cho chị ta qua Chúa Giêsu.

Thủ̉ hỏi chúng ta có biết ỏn tha thủ́ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta lần này qua lần khác không? Việc nhỏ́ lại điều này có làm cho chúng ta thêm lòng cảm tạ hay không? Ỏn huệ đã ban nhủng không cho chúng ta, và Bí tích Thánh Thể là đáp ủ́ng lỏ̀i tạ ỏn của chúng ta. Thiên Chúa đã làm gì cho chúng ta? Ngài thủỏng yêu chúng ta không kể gì đến chúng ta. Chúng ta đã làm gì để đáp lại ỏn đó? Chúng ta hãy chủ́ng tỏ lòng yêu thủỏng đó vỏ́i kẻ khác nhủ chúng ta đã đủọ̉c hủỏ̉ng.

Đôi khi, cũng nhủ ngủỏ̀i phụ nủ̃, thái độ yêu mến có thể bị hiểu lầm. Chúng ta có thể chủ́ng tỏ tình yêu mến đó qua sụ̉ hiểu lầm chỉ trích của nhủ̃ng ngủỏ̀i xung quanh chúng ta. Nhủ “Ngủỏ̀i đó không đáng đủọ̉c ỏn tha thủ́ của bạn”; “Ngủỏ̀i đó đã làm gì cho bạn mà bạn lại tủ̉ tế vỏ́i ngủỏ̀i đó đến thế?”; “Theo ý tôi, nhủ̃ng tù nhân không đáng đủọ̉c ỏn nghỉ ngỏi”.

Ông Simon biết rõ sụ̉ phân biệt giủ̃a “chúng ta và họ”; giủ̃a phủỏ̀ng tội lỗi và ngủỏ̀i công chính; “giủ̃a ngủò̀i trong sạch và ngủỏ̀i ô uế”. Chúng ta cũng đã học đủọ̉c một bài học quý giá diễn ra trong thái độ chúng ta đối vỏ́i: nhủ̃ng ngủỏ̀i di củ bất họ̉p pháp; ngủỏ̀i bị nghiện ma tuý; các tù nhân; ngủỏ̀i thay đổi giới tính; ngủỏ̀i vô gia củ v.v.

Ông Simon, ngủỏ̀i chủ nhà, không tỏ thái độ đón tiếp khách một cách đúng tục lệ. Vậy vì lý do gì mà ông ta đã mỏ̀i Chúa Giêsu đến nhà ông ta? Có phải vì ông ta làm nhủ vậy để theo bổn phận xã giao phải không? Có phải một ngủỏ̀i lãnh đạo tôn giáo địa phủỏng cần phải mỏ̀i một ngủỏ̀i đi giảng dạy hay không? Có phải ông ta đã nghe nói đến nhủ̃ng lỏ̀i giảng dạy và nhủ̃ng phép lạ của Chúa Giêsu, và bây giỏ̀ ông ta muốn xem thử Chúa Giêsu có chính đáng hay không? Ông Simon không phải là một chủ nhà đón tiếp khách nồng hậu, nhủng Chúa Giêsu lại là ngủỏ̀i được đón tiếp nồng hậu. Mặc dù Chúa Giêsu là một ngủỏ̀i khách đến ăn tại nhà ông Simon, Chúa Giêsu đóp tiếp ngủỏ̀i phụ nủ̃. Chúa Giêsu đã làm điều mà ngủỏ̀i chống đối gọi là Ngài đóp tiếp phủỏ̀ng tội lỗi. Đó là điều Chúa Giêsu làm cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể này. Chúng ta vào nhà Chúa Giêsu cảm nghiệm chúng ta đã sỏ suất và đã phạm tội. Dù vậy, chúng ta đã đủọ̉c mỏ̀i đến dụ̉ tiệc ỏ̉ nhà Chúa. Và, ỏ̉ đây chúng ta đủọ̉c ỏn tha thủ́, và lãnh lủỏng thụ̉c tốt lành thêm năng lụ̉c cho chúng ta nên môn đệ của Chúa. Chúng ta đón tiếp khách cùng vỏ́i chị phụ nủ̃, và nhủ̃ng ngủỏ̀i khác đã đến để ca ngọ̉i Thiên Chúa. Ngủỏ̀i chủ nhà nói lỏ̀i đón tiếp nồng hậu, ban ỏn tha thủ́, và cho chúng ta lủỏng thụ̉c đầy đủ.

Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ, Ngài giảng dạy trong đền thỏ̀ ỏ̉ Nadareth (Lc 4:14-30: Và ỏ̉ đó Ngài công bố “một năm hồng ân của Chúa”) Chúa Giêsu công bố năm hồng ân khi các món nọ̉ sẽ đủọ̉c bãi bỏ, và mọi ngủỏ̀i sẽ tỏ thái độ cảm thông vỏ́i nhau. Tình thủỏng yêu cầu sụ̉ rộng lủọ̉ng trong khi chúng ta đủọ̉c sai đi để chia sẻ vỏ́i ngủỏ̀i khác ỏn tha thủ́ mà chúng ta đã đủọ̉c lãnh nhận.  Chúng ta làm hết sủ́c chúng ta để giúp họ khỏi bị áp bủ́c vì màu da nủỏ́c tóc, vì nghèo nàn, vì chiến tranh, vì sụ̉ bất công v. v… Năm hồng ân cần nhủ̃ng điều này, và như Chúa Giêsu lức thi hành sứ vụ Ngài đã loan báo trủỏ́c và công bố “một năm hồng ân của Chúa”.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP

11th IN ORDINARY -C- JUNE 12, 2016

2 Samuel 12: 7-10, 13; Psalm 32; Galatians 2: 16, 19-21; Luke 7: 36-8:3

by Jude Siciliano, OP

All four Gospels tell the story of a woman who anoints Jesus. There are variations in the tellings. Apparently a woman did anoint Jesus, but the other evangelists place the event in a different setting. Despite the differences each gospel has Jesus anointed only by a woman. The other anointing is at his baptism when he is anointed by the Holy Spirit.

In the other Gospels the anointing takes place as a prelude to Jesus’ passion in Jerusalem. In Luke, the anointing occurs when Jesus is up north in Galilee at the Pharisee’s house. Because of Luke’s artistic telling his story is the one fixed in our imagination. The woman is unnamed, though she has been mistakenly identified as Mary Magdalene. She is called “a sinful woman” and some have drawn the conclusion that she was a prostitute. But she could have been one of the Gentiles, those considered sinful by the Jews; or, she may have been sick, which some would have seen as a punishment for sin.

Hospitality is an important virtue in the Gospels. Jesus’ hospitality to sinners and prostitutes was criticized by the religious establishment (“This man welcomes sinners and eats with them.” – Luke 15:2) Simon, the Pharisee, seems to offer hospitality to Jesus, but it is only a superficial welcome. While he invites Jesus to his home, he does not fulfill the basic duties of a host by offering a kiss of welcome, water for the washing of the guest’s feet, and an anointing with oil.

Earlier in Luke, when Jesus’ parents present him at the Temple, Simon tells Mary that her son, “is destined to be opposed – and you yourself shall be pierced with a sword – so that the thoughts of many hearts may be laid bare (2:34 – 35). Which is what happens in today’s account: Simon, the religious zealot’s thoughts are revealed; he is not thinking the way God thinks.

By telling the story early in the gospel Luke is illustrating two reactions to Jesus’ ministry: sinners responding to his offer of mercy and the religious authorities resisting him and his message. The story is another illustration of Jesus eating and drinking with sinners: some, like the woman, have been forgiven much; others, like the Pharisee have been forgiven little. The woman gets it; the Pharisee doesn’t. Jesus’ forgiveness is offered to both, but only the woman, the greater sinner, accepts it.

The light of love shines through the woman’s gestures. There has been a long-standing debate about the dynamics of this passage. The interpretation I heard through my life is that her great love earnedher forgiveness. This perspective stirs up theological debate about works and grace. It makes her “work” of love the reason she has “earned” forgiveness.

Another perspective, addressed by Paul today, says “a person is not justified by works of the law, but through faith in Jesus Christ….” Perhaps the “New Revised Standard Version Bible” suggests this second interpretation. The NRSV quotes Jesus saying to Simon, “Therefore, I tell you, her sins whichwere many, have been forgiven; hence she has shown great love.” This more clearly states the work of grace by suggesting that the woman had a previous experience of forgiveness which caused her to seek Jesus out and resulted in her extravagant gesture of love towards him. The word “hence” in the translation underlines this sequence: forgiveness precedes the loving gesture. The woman is expressing gratitude for what God has done for her through Jesus.

Do we realize the free gift of forgiveness that God has given us over and over? Doesn’t that recollection stir up gratitude in us? Grace has been freely given and this Eucharist of thanksgiving is our response. What has God done for us? – Loved us, despite ourselves. What can we do in return? – Show that love by gifting others with similar love.

Sometimes, like the woman, our gestures of love can be risky. We may have to express that love even under criticism from those around us. “She doesn’t deserve your forgiveness.” “What has he done for you that you are so kind to him?” “Those prisoners don’t deserve a break, as far as I’m concerned.”

Simon was well trained in the distinctions that separate “us from them” – the sinful from the righteous – the clean from the unclean. We have also learned that lesson well, evidenced by our treatment of the undocumented, addicted, prisoners, transvestites, homeless etc.

Simon, the host, did not offer true hospitality. What could have been his reason for inviting Jesus to his home anyway? Did he do it out of sheer social responsibility? Was it expected that a local religious dignitary should host a visiting itinerant preacher? Had he heard of Jesus’ recent miracles and teachings and want to scrutinize his orthodoxy? The host Simon was not much of a host – but Jesus was. Even though Jesus was a guest in Simon’s home for a meal, he hosted the woman. He did what he was constantly blamed for doing – welcoming sinners. Which is what he is doing for us at this Eucharist. We enter this house conscious of our past failures and sins. Still, we have been invited by the Lord to dine in his house. Here we receive forgiveness and good food to build us up and strengthen us as the Lord’s disciples. We welcomed guests join with the woman and the other invited guests in praising our Lord, the host who speaks words of welcome and forgiveness and who feeds us lavishly from his table.

When Jesus began his public ministry he first preached at the synagogue in Nazareth (Luke 4:14-30. There he announced “A year of favor from the Lord” (4:19). He declared the beginning of a Jubilee year when debts would be canceled and humans would act more compassionately towards one another. Love requires generosity as we are sent on mission to extend the forgiveness we have received to others. We do our best to unburden them from the weight of racism, poverty, war, injustice etc. A Jubilee year requires this and Jesus is fulfilling the mission he announced earlier, to declare “A year of favor from the Lord.”

MẾN NHIỀU THA NHIỀU

Lm. Giuse Trần Việt Hùng, Bronx, New York

CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN. C

(Luca 7: 36 -8: 3)

Vào bàn dự tiệc liên hoan,

Gia đình Biệt Phái, lo toan mọi bề.

Nước trong rửa sạch tràn trề,

Bỗng đâu xuất hiện, cận kề bàn ăn.

Đàn bà tội lỗi ăn năn,

Dầu thơm bạch ngọc, lau khăn tóc vàng.

Hôn chân xức thuốc nhẹ nhàng,

Dầu thơm tỏa ngát, mắt nàng lệ rơi.

Mấy người Biệt Phái được mời,

Ghen tương khó chịu, nửa vời dèm pha.

Dụ ngôn Chúa dậy người ta,

Nợ nhiều hay ít, được tha toàn phần.

Lấy gì đáp trả cho cân,

Cả hai con nợ, tinh thần mến yêu.

Tha nhiều đáp trả yêu nhiều,

Một người tội lỗi, cao siêu tâm hồn.

Thật lòng hối lối nên khôn,

Chúa thương tha thứ, rửa hồn sạch trong,

Mến yêu thầm kín trong lòng,

Yêu thương chan chứa, thầm mong chữa lành.

Người đàn bà đứng dưới chân Chúa khóc nức nở, nước mắt bà ướt đẫm chân Chúa, bà còn lấy tóc mà lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Những người Biệt Phái thấy như vậy thì thật là quá đáng. Họ không chịu nổi thái độ của người đàn bà và cũng không thể chấp nhận được sự im lặng của Chúa Giêsu. Họ đã biết quá khứ của người đàn bà này là hạng người nào. Bà là một người tội lỗi. Giữa ban ngày ban mặt mà dám làm những truyện như thế giữa các đấng bậc vị vọng.

Chúa Giêsu biết nội tâm của bà muốn gì. Chúa không giải thích việc bà đang làm cho Chúa. Chúa muốn dùng cơ hội này để dậy cho mọi người một bài học về yêu thương và tha thứ. Chúa dùng câu truyện dụ ngôn về hai con nợ để so sánh với cuộc đời của những tội lỗi. Chủ nợ tha cho cả hai con nợ, một người nợ nhiều và một người nợ ít. Chúa hỏi ông Simon nghĩ xem người nào yêu chủ nhiều hơn. Simon đáp: Tôi nghĩ là kẻ được tha nhiều hơn. Chúa Giêsu bảo: Ông đã xét đoán đúng.

Tha nhiều thì yêu mến nhiều và người đàn bà tội lỗi đã yêu mến nhiều nên được tha nhiều. Người đàn bà tuy tội lỗi chất chồng, nhưng bà đã biết ăn năn sám hối và chạy đến cùng Chúa để xin ơn thứ tha. Chúng ta biết tâm hồn con người có thể thay đổi và ai cũng có thể làm lại cuộc đời. Không khi nào trễ nếu chúng ta biết bắt lại từ đầu. Điều tệ hại nhất là chúng ta không nhận ra lầm lỗi của mình. Trước mắt người đời, người đàn bà mang tiếng là người tội lỗi. Bà ta chấp nhận thân phận xấu xa sai trái của mình và muốn làm lại cuộc đời. Chúa đã cho bà ta cơ hội. Chúa nói: Tội của bà rất nhiều mà đã được tha rồi vì bà đã yêu mến nhiều.

Truyện kể: Vào một đêm nhà bị cúp điện, người chồng đem chiếc đèn dầu ra thắp sáng. Chiếc đèn thì quá cũ, bóng đèn ám đầy khói. Tim đèn không còn cháy. Người chồng bực bội quăng chiếc đèn vào góc xó và tìm cây nến thay thế. Tuần sau lại cúp điện, người vợ châm lửa vào đèn dầu xinh đẹp. Ánh sáng tỏa lan ấm cúng. Người chồng ngạc nhiên hỏi: Em mới mua chiếc đèn này hả. Người vợ cười đáp: Đây là chiếc đèn cũ trong xó nhà, em đã lau chùi, đánh bóng và làm lại tim đèn.

Quảng đi một món đồ hư thì dễ hơn là sửa nó lại. Đối với con người cũng thế, dán lên con người tội lỗi một nhãn hiệu và quảng vào tù thì dễ hơn là tìm hiểu và giúp họ thay đổi trở về. Kết án tội nhân thì không bao giờ giải thoát được. Tội lỗi chỉ có thể chữa bằng yêu thương. Chúa đã yêu chúng ta quá bội, Chúa chết cho tội lỗi của chúng ta. Hãy đến với Chúa xin ơn tha thứ và dục lòng mến Chúa. Mến nhiều sẽ được tha nhiều.

THỨ HAI, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

(Mt 5, 38-42).

HIỀN LÀNH

Luật xưa răn dậy công bằng,

Mắt thì đền mắt, lấy răng đền răng.

Có qua có lại hay chăng,

Thù hằn báo oán, chẳng bằng thứ tha.

Chúa rằng đừng chống người ta,

Hiền lành nhân ái, hải hà khoan dung.

Con người lữ khách có cùng,

Đỡ nâng hòa thuận, sống chung hiền lành.

Người hơn kẻ kém đã đành,

Hơn nhau ý chí, thực hành ái nhân.

Nội tâm sâu thẳm, ai cân,

Rộng lòng quảng đại, dương trần luyện tâm.

Con đường theo Chúa âm thầm,

Giúp người cơ nhỡ, đường lầm vượt qua.

Sống đời bác ái vị tha,

An bình thư thái, ngọc ngà quí thay.

THỨ BA, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

(Mt 5, 43-48).

YÊU THƯƠNG

Lời xưa răn dậy thế này,

Bà con lối xóm, tỏ bày yêu thương.

Địch thù xuất hiện trên đường,

Tránh xa, ghen ghét, tựa nương làm gì,

Điều răn Chúa dạy chi li,

Thương yêu thù địch, từ bi với người.

Làm ơn kẻ ghét các ngươi,

Cầu xin chúc phúc, tươi cười thứ tha,

Chúa ban mưa xuống thuận hòa,

Kẻ lành người dữ, hải hà phúc vinh.

Yêu thương những kẻ yêu mình,

Chẳng còn công phúc, ánh vinh cuộc đời.

Hãy nên hoàn hảo cao vời,

Thực hành bác ái, yêu người thế nhân.

Tạ ơn Thiên Chúa vô ngần,

Thương ban phúc lộc, tinh thần lạc an.

THỨ TƯ, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

(Mt 6, 1-6. 16-18).

GIẢ HÌNH

Giê-su nhắn nhủ đừng nên,

Phô trương công đức, xưng tên giữa đời.

Thi hành việc thiện với người,

Âm thầm bố thí, rạng ngời đức công.

Tránh đừng hình thức viển vông,

Giả hình đạo đức, thổi phồng cái tôi.

Nhiều người xưng tụng đãi bôi,

Thổi loa loan báo, tô vôi thói đời.

Chúa khuyên giữ kín mọi lời,

Trả công bội hậu, cuộc đời mai sau.

Nguyện cầu phòng kín đêm thâu,

Cha ngươi thấu suất, ẩn sâu trong lòng.

Ăn chay rửa mặt sáng trong,

Xức dầu thơm ngát, thong dong nhẹ nhàng.

Tươi cười rạng rỡ ca vang,

Tinh thần an lạc, dẫn đàng phúc vinh.

THỨ NĂM, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

(Mt 6, 7-15).

CẦU NGUYỆN

Sấp mình cầu nguyện sớm mai,

Tạ ơn Thiên Chúa, dạy bài cầu kinh.

Trên trời Chúa ngự uy linh,

Danh Cha cả sáng, phúc vinh cao vời.

Nước Cha trị đến ngàn đời,

Ý Cha thể hiện, cõi trời cao siêu.

Cũng như dưới đất mọi điều,

Hằng ngày lương thực, ban nhiều hôm nay.

Xin Cha tha nợ lỗi này,

Chúng con tha kẻ, nợ vay trong đời.

Đừng sa cám dỗ gọi mời,

Thoát nguy sự dữ, sống đời thánh ân.

Xin tha lầm lỗi tội nhân,

Chúa thương tha thứ, canh tân tâm hồn.

Thọ ban ân nghĩa càn khôn,

Vinh danh Thiên Chúa, thiên tôn rạng ngời.

THỨ SÁU, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

(Mt 6, 19-23).

GIA TÀI

Gia tài của cải trần gian,

Kho tàng dưới đất, sẽ tan một ngày.

Tiền vàng mối mọt thoáng bay,

Cửa nhà hư nát, trắng tay muộn phiền.

Rình mò trộm cướp tham tiền,

Âu lo phiền muộn, liên miên cuộc đời.

Các con tích trữ trên trời,

Tiền tài của cải, cả đời không hư.

Chẳng ai đào ngạch riêng tư,

Giết người cướp của, thói hư bạc tiền.

Mắt con trong sáng hướng thiên,

Toàn thân tỏa chiếu, chư hiền hào quang.

Con người ngưỡng vọng cao sang,

Lữ hành trần thế, an khang Nước Trời.

Khởi đầu dẫn bước vào đời,

Kết cùng cuộc sống, cao vời cõi thiên.

THỨ BẢY, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

(Mt 6, 24-34).

MỘT CHỦ

Hướng thiên hướng địa đôi đường,

Lữ hành trần thế, tựa nương bên nào?

Làm tôi Thiên Chúa trên cao,

Bầy tôi tiền của, đi vào bến mê.

Mở đường chỉ lối đi về,

Quan phòng cuộc sống, lời thề quyết tâm.

Đừng lo áy náy sai lầm,

Nhìn xem vũ trụ, âm thầm vần xoay.

Mọi loài sinh sống hằng ngày,

An bài mọi sự, trong tay Chúa Trời.

Không gieo, muôn thú trên đời,

Chim trời không gặt, mọi thời có ăn.

Ngắm xem hoa huệ đồng xanh,

Trổ sinh hoa đẹp, sắc thanh tuyệt vời.

Tiên vàn tìm kiếm Nước Trời,

Chúa ban mọi sự cuộc đời nay mai.

GIỮ LÒNG THANH TỊNH

  1. Hue Minh

Trang Tin Mừng hôm nay ta lại tiếp tục nghe bài giảng núi của Chúa Giêsu. Bài giảng trên núi này được nhiều người con như là bản văn có nhiều cảm hứng trong Tân Ước.

Qua những lời trong Bài Giảng Trên Núi, tất cả những ý tưởng mô tả những phẩm chất mà những người theo (môn đệ) Chúa Giêsu cần phải có. Khi ta đọc trang Tin Mừng này cẩn thận, ta sẽ thấy nhiều thách thức, qua đoạn Tin Mừng hôm nay. Ta hãy cùng nhau suy niệm về bài học Chúa Giêsu giảng dạy ta hôm nay.

“Bất cứ ai  nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 28). Đây là một lời nói rất khẳng khái, và mạch lạc bởi vì câu nói đó cho thấy ta rằng ngay cả con mắt thôi cũng có thể phạm tội ngoại tình. Ta ta đã nghĩ gì về những người khác, và cái cách chúng ta nhìn vào người khác cũng có thể dẫn chúng ta đến sự tội lỗi. Điểm này là điểm căn bản mà Chúa Giêsu muốn chú trọng một thực tế là không phải chỉ có hành vi của chúng ta mới có thể sai, gây ra tội, nhưng sự  suy nghĩ của chúng ta và lời nói của chúng ta cũng đưa chúng ta đến sự tội lỗi.

Bài học quan trọng nhất mà chúng ta học được nơi Chúa Giêsu hôm nay là tội lỗi là sự hủy diệt thể xác và tinh thần. Tội lỗi không dẫn đến sự viên mãn của cuộc sống và rồi nó sẽ mang sự bất hạnh cho đời sau của ta.

Hôm nay Chúa Giêsu, đã dùng những từ ngữ rất khẳng khái, mạnh mẽ, táo bạo để cảnh giác chúng ta là: Hãy cẩn thận và đừng phạm tội. Ngài thực sự muốn cứu chúng ta, nhưng  chúng ta phải tự cứu lấy chính mình trước đã.

Chúa Giêsu giải thích lại Luật “Chớ ngoại tình”. Luật xưa và ngay cả nay cũng chỉ quy định: khi một người đang chung sống đời hôn nhân với một người, lại đi ăn ở với một người khác là phạm tội ngoại tình. Đức Giêsu đã nâng Luật này lên một tầm cao mới, đó là chỉ cần nhìn người nữ thôi mà ao ước phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi.

Hẳn ta còn nhớ Luật Chớ ngoại tình không những xét theo bên ngoài với những chứng cứ rõ ràng mà còn được quy định ngay trong chính tâm trí con người. Đó mới là Luật theo ý Thiên Chúa muốn và chỉ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa mới hiểu rõ Cha mình, nên cách giải thích của Ngài mới đúng ý Thiên Chúa.

Thật ra, ta phải hiểu luật này áp dụng cho cả hai phái: cho phái nam và cho cả phái nữ, tức: một người nữ nhìn thấy người đàn ông mà ao ước phạm tội thì cũng đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi.

Ta đang tự hỏi, nếu hiểu theo lời của Chúa Giêsu thì trên thế giới có biết bao người phạm tội ngoại tình mà vẫn không hay biết? và trong xã hội ngày hôm nay, một xã hội mà đạo đức đang bị suy đồi trầm trọng, chuyện người ta thay người như thay áo, thì có biết bao người đã phạm tội ngoại tình mà pháp luật không thể rờ tới, vì những ao ước, thèm muốn bên trong nào có ai biết. Và rồi ta thấy lời Chúa Giêsu dạy mang một giá trị đặc biệt, người ta cứ tưởng: mới chỉ trong ý nghĩ thôi thì chưa phải tội, nhưng họ đã lầm, vì khởi đầu mọi điều xấu đều bắt đầu từ ước muốn bên trong.

Thật sự, vì yêu thương, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải biết kiểm soát ngay cả những ước muốn, và khi đã kiểm soát được những ước muốn, ta sẽ làm chủ được con người của mình. Như vậy, điều quan trọng, đó là phải điều chỉnh lại cái nhìn, cái nhìn của ta phải là cái nhìn đạo đức, thánh thiện thì hành động của ta mới được đúng.

Đã hơn một lần ta đã nghe Chúa Giêsu dạy: Không có gì từ bên ngoài vào làm cho người ta ra ô uế, chỉ có những gì từ bên trong xuất ra mới làm cho ta ra ô uế, đó là những ước muốn dâm ô, tham lam, trộm cắp, … Qua đó, Chúa muốn dạy ta rằng khởi đầu mọi tội lỗi đều từ ước muốn bên trong mà ra.

Tại sao ta không được ngoại tình? Để hiểu điều này cho thấu đáo, ta phải ghi nhớ mục đích của Bí tích Hôn phối: Hai yếu tố chính cấu thành Bí tích Hôn Phối: để hai người yêu thương nhau; và để sinh sản con cái cho Thiên Chúa.

Tình dục là hoa quả của tình yêu giữa người nam và nữ chứ không bao giờ là mục đích chính của hôn nhân. Chính vì vậy, khi ngoại tình, người ta đã đặt tình dục như là mục đích của hôn nhân và đó là sự vi phạm nặng nề đến Bí tích Hôn phối. Ngoài ra, ngoại tình còn đưa đến việc phá vỡ hạnh phúc gia đình, gây đau khổ cho người trong cuộc và nhất là cho con cái, nó sẽ là một bước để đi đến ly dị, tạo gánh nặng không những cho Giáo hội và cho cả xã hội. Chính vì thế mà cả Đạo và đời đều không chấp nhận việc ngoại tình.

Xin Chúa cho ta luôn giữ lòng thanh tịnh để ta không phản bội người phối ngẫu của ta và nhất là xin cho ta trung thành với những lời ta cam kết trong ngày ta lãnh nhận bí tích Hôn Nhân.

GIỌT LỆ

Lm Vũđình Tường

Mỗi người có cách riêng khi đối diện với điều sai trái mình vướng mắc. Phản ứng khác biệt dẫn đến do sợ hãi cũng có và do tự cao, tự đại cũng có. Sợ phải đối diện với tiếng nói của lương tâm hay sợ công lí hay sợ phải đối diện với luật pháp sở tại, sợ bị phạt, kết án hành động sai luật. Sợ hãi đến rồi đi nhưng bản tính kiêu căng thì không bởi một khi nó ăn rễ sâu trong con người thì người đó sẽ tự phong cho mình là nhất và không còn biết đến lời khuyên chân tâm của người khác. Kiêu căng, tự cao, tự đại là bản tính tồi tệ nhất bởi chính kiêu căng là một thứ tội. Tội phát sinh ra tội và tội bao che tội.

Trái với kiêu ngạo là bản tính thuần lương, khiên nhường. Khiêm nhường giúp ta nhận biết điều sai trái nhưng vì sợ hãi không dám thú nhận nhưng lại ngày đêm lo canh cánh trong lòng. Một số lại cố chối tội, gạt bỏ mong tránh đối diện chúng nhưng càng chối bỏ chúng càng hiện thực trong tâm hồn và họ phải đối diện với chiến tranh nội tâm. Một số thì chấp nhận điều sai trái và cuối cùng nhìn nhận sự thật về việc mình làm và thú nhận điều đó. Đây chính là trường hợp của người phụ nữ quì gối, chân thành sướt mướt, khóc dưới chân Đức Kitô. Người phụ nữ này tìm lại niềm tin đã đánh mất. Gặp gỡ Đức Kitô giúp chị tìm lại niềm tin nơi Đức Kitô. Chị là người có bản tính thuần lương nhưng đi sai đường. Nhờ đức tin dẫn đường chị chân thành thống hối. Chị là người phụ nữ can đảm, dám làm, dám chịu và thành thật đối diện với thực tại chôn kín từ lâu trong tâm hồn. Chị đã tìm ra cách đặc biệt để biểu tỏ lòng tin ấy.

Khi hay biết Đức Kitô tham dự bữa tiệc tại nhà ông Simon người Pharise chị sau nhiều âm thầm suy tính, đắn đo, hơn thiệt. Cuối củng lòng can đảm thắng sợ hãi. Chị cẩn thận, âm thầm, không lên tiếng xin lỗi nhưng biểu tỏ bằng hành động, đến gần Đức Kitô. Chị quì dưới chân Ngài, lệ ngắn, lệ dài trên chân Đức Kitô rồi lấy tóc mình lau khô giọt lệ và hôn chân Đức Kitô. Việc chị làm với một hy vọng duy nhất là làm lành cùng Thiên Chúa và tìm lại sự bình an trong tâm hồn. Để hôn chân Đức Kitô chị cần cúi sấp mình xuống. Hành động quì, cúi gập mình xuống là hành động khiêm nhường tột cùng một người có thể làm. Nước mắt, dùng tóc lau chân và hôn chân là hành động tái xác nhận tâm tình khiêm nhường của người quì gối. Tất cả những hành động nhịp nhàng, ăn khớp nhau như lưới mạng nhện diễn tả một điều duy nhất đó là tấm chân tình chị dành cho Đức Kitô. Người ta có thể có những suy nghĩ khác nhưng không thể nào diễn tả trọn vẹn hành động chân thành và khiêm nhường tột bực của người phụ nữ. Người Pharise chủ nhà không thể chê trách hành động chị đang thực hiện mà chỉ có thể viện cớ hành động trong quá khứ, trước đây của chị. Đức Kitô trái lại, không viện vào quá khứ nhưng nhìn vào tình trạng hiện tại, hình ảnh hiện thực trước mắt để nói với mọi người về tấm lòng chân thành, thống hối ăn năn của chị.

Đức Kitô cho biết việc chị làm là hành động chân thành cảm nhận được tình Chúa bao la dành cho chị. Chính bởi cảm nhận tình yêu bao la đó mà chị không nề hà coi tình yêu Chúa lớn hơn danh dự cá nhân. Đặt lòng mến Chúa lên trên tự ái cá nhân. Chị thực hiện được tấm lòng khiêm nhường thống hối ăn năn, quì gối diễn tả tình yêu thầm kín trong tâm hồn bởi chị có lòng yêu mến thực. Chính hành động này nói lên cảm nghiệm tha thứ, yêu thương chị cảm nhận trong cõi lòng mênh mang rộng mở đón nhận tình yêu Chúa và chị đã cảm thấy con tim an bình, hoan lạc.

TÌNH THƯƠNG VÀ THA THỨ

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chúa Nhật XI THƯỜNG NIÊN, năm C

2Sm 12, 7-10.13 Gal 2, 16.19-21 Lc 7, 36 – 8, 3

Tội lỗi là nọc độc của sự chết. Chính ông Ađam và bà Evà đã phản nghịch cùng Thiên Chúa, nên sự chết đã vào trần gian. Tội lỗi làm cho con người xa Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi, đã đem lại sự sống mới cho con người, cho nhân loại. Sự tha thứ của Chúa là lời an ủi thâm sâu, đem lại cho tội nhân niềm an ủi, đem lại cho họ ánh sáng và sự sống mới. Lời của ngôn sứ Nathan hôm nay đem lại cho vua Đavít sự an ủi sâu xa để vua có thể tiếp tục cuộc đời ăn năn sám hối tội mình :” Thiên Chúa đã tha tội cho ngươi”.

Thật vậy, khi được ngôn sứ Nathan vạch tội vua Đavít cướp vợ của vị tướng giỏi của mình và còn lập mưu đẩy vị tướng tới nơi chết hầu ém nhẹm vụ việc tầy trời này, nhưng Chúa công bằng…Vua Đavít đã nhận ra tội tày đình của mình, nên vua đã kêu khóc, ăn năn sám hối, xin Chúa tha thứ. Lời thánh vịnh 50 sám hối ăn năn của vua Đavít vẫn còn tồn tại mãi mãi. Đây là tiếng khẩn khoản nài van của một tâm hồn hối cải…Thiên Chúa là Tình Yêu, giầu lòng thương xót. Ngài luôn luôn yêu, luôn sẵn sàng tha thứ miễn là con người biết thật lòng thú nhận tội lỗi của mình và tin tưởng rằng chỉ mình Chúa mới có quyền tha thứ, rồi hết lòng trông cậy, phó thác vào Ngài…Đoạn Tin Mừng của thánh Luca Chúa Nhật XI thường niên, năm C cho mọi người nhận ra lòng thương xót của Chúa. Ông Simon là người Pharisêu mời Chúa Giêsu dùng cơm ở nhà mình, có nhiều người tai to mặt lớn trong xã hội lúc đó hiện diện trong nhà ông Simon,lại có những Pharisêu khác cũng có mặt ở đó. Đối với ông không dễ gì một người tội lỗi như người chị phụ nữ tội lỗi đang đụng vào Chúa Giêsu, được ông chấp nhận, cứ sự thường ông sẽ đuổi cổ chị phụ nữ tội lỗi ra khỏi nhà ông ngay, nhưng Chúa lại khác, Chúa cho chị ta đụng vào người của Chúa. Và có lẽ ông Simon đã đánh giá, hoặc nghĩ thầm trong lòng :” Có phải Chúa Giêsu là ngôn sứ không ? Nếu là ngôn sứ hẳn Ngài đã biết người đụng vào mình là ai ? – là một người tội lỗi.

Vâng, Lời Chúa ngày hôm nay mở ra hai cuộc gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông chủ nhà là Simon. Cuộc gặp gỡ thứ hai : giữa người phụ nữ tội lỗi, vị khách không được mời và Chúa Giêsu, vị Chúa giầu lòng thương xót. Cuộc gặp gỡ giữa ông Simon và Chúa Giêsu bỗng trở nên lạnh lùng, hồ nghi…Bởi vì Pharisêu luôn cho mình là công chính, là thánh thiện, họ không làm gì có tội. Ông Simon vì là Pharisêu, nên ông đã coi người phụ nữ đụng vào Chúa là một người phụ nữ tội lỗi tày trời, không thể tha thứ, thế mà Chúa không biết hay sao ? Nên, dù ông đã mời Chúa đến nhà ông, Chúa đã đến nhà ông Simon và ông đang tiếp Chúa nơi nhà ông, thế mà ông lại biến cuộc gặp gỡ này thành tẻ nhạt vì ông không nhận ra tình thương của Chúa Giêsu. Người phụ nữ tội lỗi này nghe tin Chúa Giêsu, chị đã đến để gặp Chúa vì chị tin chị sẽ được Chúa yêu thương, tha thứ. Chị đã mua dầu thơm hảo hạng để xức chân cho Chúa với tất cả lòng kính trọng, yêu mến của mình. Chị đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Chị đã khóc, nước mắt nhỏ tràn trên chân Chúa. Chị đã lấy tóc lau chân Chúa, đã xức dầu thơm trên chân Chúa. Chị đã tỏ lòng hối hận, xin Chúa tha thứ tội lỗi tầy đình mà mình đã làm, đã xúc phạm đến Chúa. Chúa hiểu lòng thành thật của chị và Chúa đã tha thứ tất cả tội lỗi cho chị. Chúa đã đem lại sự an ủi và bình an cho chị. Tội của chị nhiều nhưng chị đã được tha vì chị yêu nhiều. Hẳn đây là bài học để đời cho ông Simon và cả gia đình của ông, và cho tất cả mọi người đang có mặt trong bữa tiệc.

Hai cuộc gặp gỡ cho chúng ta nhận ra hai thái độ. Một thái độ tiêu cực, thiển cận của ông Simon cứ tưởng mình là công chính, vô tội. Thái độ mau mắn, cởi mở và sẵn sàng xin Chúa tha thứ. Chúa đã tha thứ tội lỗi cho chị phụ nữ tội lỗi. Trong cuộc sống, con người dễ thiên kiến, lên án, kết án nhau. Nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót luôn nhân từ, tha thứ và luôn sẵn sàng ban phát bình an và ơn tha thứ cho con người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết lắng nghe lời của Chúa như Chúa đã nói với chị phụ nữ tội lỗi xưa :” Tội của chị đã được tha rồi “. “ Chị hãy ra về bình an “. Xin cho chúng con luôn biết hồi tâm sám hối và tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Lòng Xót Thương của Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Giêsu đã đến nhà ông Simon, người Pharisêu để làm gì ?

2.Thái độ của ông Simon chủ nhà khi thấy người phụ nữ tội lỗi đụng vào Chúa Giêsu ?

3.Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy cuộc gặp gỡ giữa Ngài và ông Simon; giữa Chúa và người phụ nữ tội lỗi. Hai cuộc gặp gỡ này cho chúng ta điều gì?

4.Chúa là Đấng nào ?

THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG

Lm Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Trong bốn sách Tin mừng, thì Tin mừng của thánh Luca được mệnh danh là Tin mừng của lòng thương xót. Thật vậy, chúng ta thấy Tin mừng Luca trình bày rất nhiều dụ ngôn và những việc làm của một Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

Chúa nhật tuần trước, kể lại việc Chúa Giêsu thể hiện lòng thương xót đối với một quả phụ thành Naim, làm cho con trai duy nhất của bà được hồi sinh.

Chúa nhật tuần này, tường thuật lại lòng thương xót tha thứ của Chúa dành cho người đàn bà tội lỗi, nơi nhà Simon Biệt phái. Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện nói về lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa dành cho tội nhân, nhưng còn là một chứng từ đức tin sống động cùng với thái độ khiêm tốn của người được ơn tha thứ.

Hôm ấy, Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Simon Biệt phái, có một phụ nữ nổi tiếng xấu nết xuất hiện. Dường như nàng đã từng nghe lời Chúa giảng, từng thấy phép lạ Chúa làm. Và có lẽ nàng được ơn Chúa đánh thức lương tâm muốn trở về đường ngay nẻo chính, làm lại cuộc đời, nên tìm đến với Chúa Giêsu, để bày tỏ lòng sám hối của mình. Nàng bất chấp những con mắt soi mói của những người có mặt ở trong khán phòng đó.

Khi nhìn thấy Chúa, nàng quá cảm động nước mắt dàn dụa đổ ra chảy xuống ướt đẫm chân Ngài. Nàng vội vã tháo tóc ra lau khô rồi đổ chai dầu thơm lên mà xức. Theo tục lệ Do thái lúc bấy giờ, phụ nữ mà buông xõa tóc nơi công cộng là phạm tội lớn về phẩm hạnh.

Việc Chúa để cho một phụ nữ kém phẩm hạnh biểu lộ lòng yêu mến đối với Ngài khiến ông Simon thầm nghĩ trong lòng rằng: Dường như ông Giêsu này không phải là nhà tiên tri chính hiệu. Vì nếu là tiên tri thì hẳn Ngài phải biết sự thật về người đàn bà hư hỏng này chứ!.

Điều ông Simon nghĩ trong lòng, Chúa đều biết rõ, nên Ngài đưa ra ví dụ về hai người mắc nợ rồi được tha. Ngài giải thích lòng biết ơn nhiều hay ít tùy theo món nợ được tha nhiều hay ít, rồi áp dụng nguyên tắc ấy cho ông Simon và người đàn bà mà ông có ý khinh dể.

Chúa Giêsu giải thích cho ông Simon biết: ông thiếu lòng hiếu khác đối với Ngài như thế nào, khi đối chiếu với sự ân cần của người phụ nữ.

Khi vào nhà, ông Simon đã bỏ qua tục lệ lấy nước rửa chân cho khách; còn người đàn bà đã rửa chân Chúa bằng nước mắt  sám hối của mình. Ông Simon đã bỏ qua nụ hôn mà đáng lẽ người chủ phải bày tỏ để đón chào vị khách; còn người đàn bà đã khiêm tốn không ngừng hôn chân Chúa. Ông Simon không lấy dầu thơm xức trên đầu cho vị khách quý; còn người đàn bà này đã khiêm tốn quỳ gối xuống xức dầu thơm lên chân Chúa.

Qua dụ ngôn Chúa kể cho ông Simon, Ngài kết luận rằng: “Yêu nhiều được tha nhiều, yêu ít thì tha ít”. Tình yêu là kết quả của sự tha thứ. Tình yêu là điều kiện được ơn tha tội.

Những lời này không có ý nói ông Simon được tha tội, mà chỉ nói rằng: vì ông thiếu tình yêu đối với Chúa, nên ông không cảm nghiệm được ơn tha thứ.

Rồi Chúa quay lại nói với người phụ nữ: “Tội của con đã được tha rồi”. Và Ngài cũng biện minh cho nàng trước công chúng để họ biết rằng, nàng đã được ơn biến đổi nên con người mới.

Đồng thời, Chúa nói thêm với người phụ nữ như một ân huệ: “Lòng tin của con đã cứu con. Con hãy đi bình an”. Đây là bài học đức tin đem lại ơn tha thứ, sự tha thứ dẫn đến lòng biết ơn, và lòng biết ơn được diễn tả qua hành động yêu thương phục vụ.

Anh chị em thân mến,

Qua câu chuyện Tin mừng hôm nay, cho chúng ta thấy rằng:  tình yêu là khởi điểm cho sự tha thứ của Thiên Chúa. Hay nói đúng hơn, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đi bước trước. Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta hiện hữu trên đời. Ngài thương xót chúng ta trước khi chúng ta xin lỗi Ngài.

Trong tông huấn “Niềm vui của Tin mừng”, Đức thánh cha Phanxicô đã nói: “Thiên Chúa không biết mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta. Chỉ có con người mệt mỏi đi tìm sự tha thứ của Thiên Chúa”.

Có một nhà tư tưởng nói rằng: “Lỗi lầm là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa”. Thật vậy, đối diện trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Vì thế, chúng ta cần có tâm tình sám hối nhìn nhận mình là tội nhân, qua việc chạy đến kín múc lòng thương xót của Chúa nơi Bí tích Hòa giải, để được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Vì dẫu cho tội lỗi có ngập tràn, nguồn thánh sủng còn chứa chan gấp mấy. Amen.

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

LM ĐAN VINH-HHTM

CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN C

2 Sm 12,7-10.13 ; Gl 2,16.19-21 ; Lc 7,36-8,3

THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT

  1. HỌC LỜI CHÚA
  2. TIN MỪNG: Lc 7,36-8,3

(36) Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. (37) Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. (38) Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. (39) Thấy vậy. Ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! (40) Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. (41) Đức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. (42) Vì họ không có gì để trả, nên chủ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? (43) Ông Simon đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.: Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm”. (44) Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. (45) Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. (46) Dầu Ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy đã lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. (47) Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít. (48) Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”. (49) Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” (50) Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”.

(1) Sau đó, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai (2) và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, (3) bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ.

  1. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giêsu tỏ lòng nhân từ đối với một kẻ có tội biết chạy đến xin Người tha thứ. Đức Giêsu đã công khai bênh vực hành động bày tỏ lòng sám hối của người phụ nữ tội lỗi và còn khẳng định: Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 36: + Có người thuộc nhóm Pharisêu: Chỉ Tin Mừng Luca mới ghi lại việc Đức Giêsu 3 lần được người Pharisêu (Biệt Phái) mời đến nhà dùng bữa (x Lc 7,36; 11,37; 14,1). Ta không nên lẫn lộn câu chuyện Luca kể ở đây với câu chuyện xảy ra tại nhà ông Simon tật phong (x Mt 26,6-13). + Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn: Việc Chúa Giêsu đến dùng bữa ở đây cho thấy Người không phân biệt đối xử khi sẵn sàng đến nhà mọi người: Người đến với những người Biệt Phái vốn chống đối Người (x Lc 7,36); Đến với người tội lỗi bị xã hội khi rẻ (x Lc 19,5-6); Đến với gia đình Ladarô ở Bêtania là bạn thân quen (x Lc 10,38). Đức Giêsu đến nhà người ta dùng bữa là để biểu lộ sự thân tình của Người, miễn là họ tỏ thiện chí mời Người đến và sẵn sàng đón tiếp Người.

– C 37-39: + Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành…: Người phụ nữ này có thể vào nhà vì theo phong tục Do thái, nhà nào có đãi tiệc thì người ngoài đều có thể tự do ra vào. + đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm: Bên Cận Đông, do khí hậu nóng nực, nên người ta thích dùng dầu thơm khi nhà có đông người. + Chị đứng đằng sau, sát chân Người: Đức Giêsu nằm trên giường đối mặt với bàn tiệc. Còn người phụ nữ thì đứng phía ngoài. + Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên: Điều ông chủ nhà Pharisêu quan tâm ở đây chính là thân phận tội lỗi của người phụ nữ, chứ không phải những cử chỉ chị làm để biểu lộ lòng quý mến Đức Giêsu. Ta không nên đồng hóa người phụ nữ này với cô Maria em cô Mác-ta (x 10,39), hay với Maria Mác-đa-la (x 8,2). Cũng không nên lẫn lộn việc xức dầu ở đây với việc xức dầu ở Bêtania (x Mt 26,7-13). Vì việc xức dầu ở đây làm nổi bật sự thống hối của tội nhân. Còn việc xức dầu ở Bêtania do cô Maria làm, là để tiên báo cuộc khổ nạn Người sắp phải chịu. + Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai: một người tội lỗi!: Đối với người Pharisêu, người phụ nữ này là một người bị ô uế chiếu theo Luật Môsê, và một ngôn sứ chân chính lẽ ra không được để cho một người như thế chạm đến mình để tránh khỏi bị ô uế theo.

– C 40-43: + Một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục: Quan tiền là công nhật của một nông dân (x Mt 20,2).

– C 44-46: + Nước lã…, cái hôn…: Đây là phong tục tỏ lòng hiếu khách của người Đông phương (x St 18,4). Nơi khác, Luca cũng nhấn mạnh đến tính hiếu khách của Mácta, Maria (x 10,38-42) và của ông Dakêu (x 19,1-10) đối với Đức Giêsu.

– C 47-50: + Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều: Lòng yêu mến là thành quả và dấu chỉ của ơn tha thứ (x 19,8-9). + “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”: Khi đến với Đức Giêsu, người phụ nữ đã công khai bày tỏ lòng tin, và chính lòng tin này đã làm cho chị từ bỏ con đường tội lỗi. Thay vì làm cho Đức Giêsu bị ô uế theo Luật, chị lại được Người thanh tẩy và ban ơn bình an, nghĩa là được tràn đầy sự sống và được cứu độ (x 1,79). Trong Kinh Thánh, bình an là mức sung mãn của sự sống, là món quà cao quý nhất mà Đấng Mêsia ban tặng (x Is 9,5-6).

– C 1-3: + Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh: Đức Giêsu hoàn thành sứ mệnh có nhóm môn đệ cùng đi theo. Về sau, các nhà truyền giáo cũng noi gương Người làm như vậy (x Cv 8,14). Đức Giêsu cũng chính thức trao trách nhiệm truyền giáo cho Nhóm Mười Hai (x Lc 9,1-2). + và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh: Tin mừng Mt 27,55 và Mc 15,41 cũng nói đến nhóm phụ nữ này. Đây là một sự kiện khác thường ở Paléttin. + Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala: Bà này sẽ đứng dưới chân thập giá (x Mt 27,56), hiện diện trong cuộc mai táng Đức Giêsu (x Mt 27,61), chứng kiến ngôi mộ trống (x Lc 24,10) và là người đầu tiên gặp gỡ Đấng Phục Sinh (x Ga 20,11-18). + Người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ: Một người có thể bị nhiều quỷ ám cùng một lúc (x Lc 8,27.30; 11,26). Trong Kinh Thánh, số 7 là số chỉ sự viên mãn. Có lẽ đây là cách người Do thái hình dung về sức ám hại ghê gớm của Xatan trên nạn nhân. Đối với bà Maria Mácđala, Luca không nói rõ bà có bị quỷ ám thực sự hay không, hoặc bà có phải là người đàn bà tội lỗi được nói tới trong Lc 7,36-50 hay không. + Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ: Đây là một trong những việc làm cụ thể mà các bà đã thực hiện để cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu.

  1. CÂU HỎI:

1) Việc Đức Giêsu đến nhà một người Pharisêu trong Tin Mừng Luca ở đây có đồng hóa với việc Người đến dùng bữa tại nhà Simon tật phong trong Tin Mừng Mátthêu không ? Việc Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà một người Pharisêu nói lên điều gì ? 2) Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay có phải là cô Maria Bêtania hay bà Maria Mácđala hay không ? 3) Phân biệt ý nghĩa của hai việc xức dầu: một do người phụ nữ tội lỗi làm ở đây và hai do cô Maria làm ở Bêtania trước khi Đức Giêsu chịu khổ nạn. 4) Trước hành động biểu lộ lòng quý mến của người phụ nữ tội lỗi đối với Đức Giêsu, ông Pharisêu chủ nhà tỏ vẻ khó chịu vì lý do gì ? 5) Khi so sánh hành động của ông chủ nhà và người phụ nữ, Đức Giêsu chứng minh ông có phải là người chủ nhà hiếu khách không ? 6) Đức Giêsu cho biết kết quả của lòng mến tin của người phụ nữ là gì ? 7) Trong Tin Mừng, bà Maria Mácđala đã biểu lộ đức tin và lòng mến đối với Đức Giêsu như thế nào ?

  1. SỐNG LỜI CHÚA
  2. LỜI CHÚA: Vì thế, tôi nói cho ông hay: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47).
  3. CÂU CHUYỆN:

Trong cuốn “Mặt trận phía đông hoàn toàn yên tĩnh” có thuật lại câu chuyện xảy ra trong cuộc thế chiến giữa quân đội hai nước Đức và Pháp. Câu chuyện ấy như sau: Một người lính Đức trẻ kia đang năm trong hố tránh đạn pháo. Đột nhiên anh ta thấy một người lính Pháp cũng nhảy vào trong hố đó để tránh đạn. Anh lính Đức liền dùng lưỡi lê đâm chết kẻ thù. Đây là lần đầu tiên anh ta giết người và cảm thấy lương tâm rất áy náy. Anh muốn biết rõ hơn về người lính Pháp vừa bị giết kia là ai, liền lục tứi áo và lấy ra một chiếc bóp. Trong đó có hình một phụ nữ trẻ đang ôm đứa con thơ bụ bẫm là vợ con của anh ta. Người lính Đức cảm thấy một sự xúc động tự nhiên dâng cao trong lòng khiến anh càng thêm hối hận! thì ra người bị anh giết kia thực sự không phải là kẻ thù của anh, nhưng là một người cha, một người chông giống như anh: một con người đang yêu và được yêu! Chính nhờ có cái nhìn mới mẻ về kẻ từng là “kẻ thù” đã biến đổi người linh Đức trở nên một người mới biết cảm thông và đầy tình người.

  1. THẢO LUẬN:

1) Người ta thường hay xét đoán dựa theo tình cảm: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Để tránh xét đoán bất công và để noi gương Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần xử sự thế nào khi nghe một người nói xấu về một kẻ vắng mặt ? 2) Dâng một lời cầu nguyện cho một người mình đang ác cảm, để xin Chúa giúp ta sống Lời Chúa dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”(Mt 5,44).

  1. SUY NIỆM:

1.Tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ qua thái độ bao dung tha thứ tội lỗi hối nhân:

1) Thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8.16): Tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người được biểu lộ trong lịch sử cứu độ: Khi tạo dựng vũ trụ vạn vật và loài người và quan phòng để chúng tồn tại và ngày một thăng tiến; Khi Đấng Cứu Thế đến nhập thể cứu chuộc và tiếp tục thánh hóa loài người nhờ các bí tích do Hội Thánh cử hành.

2) Thiên Chúa luôn đi bước trước đến với tội nhân để kêu gọi họ sám hối hòa giải:  Người đã sai ngôn sứ Nathan đến khuyến cáo vua Đavít sau khi ông này phạm tội, và đã tha thứ khi ông khiêm tốn nhìn nhận tội mình và quyết tâm thống hối và đền tội (x. 2 Sm 12,7-10.13).

3) Đức Giêsu thể hiện lòng thương xót đối với tội nhân: Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca đã trình bày Đức Giêsu là hiện thân tình thương tha thứ của Thiên Chúa, qua câu chuyện xảy ra khi Người đến dùng bữa tại nhà một người Biệt phái là ông Simon. Trong bữa ăn, một phụ nữ bị tiếng tội lỗi đã đến bày tỏ lòng sám hối. Tin Mừng trình thuật như sau: Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên (7,38). Đối diện với những ánh mắt thiếu thiện cảm và đầy thành kiến của chủ nhà và các khách dự tiệc, Đức Giêsu đã dùng một dụ ngôn để so sánh sự thiếu nhiệt tình của chủ nhà khi tiếp đãi Người với thái độ khiêm tốn thành khẩn và cậy trông tín thác của hối nhân dành cho Người. Rồi Người nói với ông Simon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu Ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy đã lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi “ (7,44-46). Rồi Người tuyên bố tha tội cho chị ta  như sau: Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít. Và Người nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7,47-48).

  1. Phải yêu thương các tội nhân thế nào? : Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta bài học về tình thương phải có đối với các tội nhân như sau

1) Phải luôn dấn thân đi tìm các con chiên lạc: Câu chuyện Đức Giêsu đến nhà một người Biệt Phái dùng bữa, cho chúng ta bài học về “dung mạo lòng bao dung thương xót của Thiên Chúa”, mời gọi chúng ta cũng phải sẵn sàng mở rộng vòng tay thân ái, cư xử thân thiện với mọi người, nhất là năng đi thăm viếng các tội nhân… để đưa họ về đoàn chiên Hội Thánh.

2) Không xét đoán ý trái, không kết án tội nhân: Tin Mừng Luca tường thuật về thái độ của người phụ nữ tội lỗi đã biểu lộ lòng sám hối như sau: “Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,38). Sở dĩ Đức Giêsu để cho người phụ nữ bày tỏ lòng sám hối là vì Người đã không có thành kiến xấu đối với chị, như ông Simon và các người Pharisêu đã làm. Noi gương Đức Giêsu, hôm nay chúng ta cũng phải tránh xét đoán ý trái cho tha nhân nếu chỉ dựa trên dáng vẻ bên ngoài. Tránh vào hùa với đám đông kết án những người đang bị dư luận hè nhau chỉ trích … Vì thực tế cho thấy: Nhiều trường hợp một tội nhân tuy đã bị tòa án kết tội giết người phải ở tù chung thân và đã bị tù oan trong nhiều năm. Mãi đến khi hung thủ thực sự bị bắt và thú nhận tội hắn đã giết chết nạn nhân thì người kia mới được tha.

3) Sống cụ thể Năm Thánh lòng Chúa thương xót: Chúng ta đang trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, nên cần lắng nghe và thực hành lời Đức Giêsu: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót” (Lc 6,36). Tông sắc “Dung Mạo lòng thương xót của Thiên Chúa” cũng dạy chúng ta phải sống cụ thể lòng Chúa thương xót như sau:

Tất cả mọi chúng ta là những khách lữ hành đang trên đường hành hương trở về với Chúa và được kêu gọi sống lòng thương xót:

– Trước hết, đừng phán xét cũng đừng lên án, bởi vì con người có cái nhìn thiên lệch và bên ngoài, nên có thể sai lầm. Việc phán xét và lên án là dành cho TC, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa không làm như thế.

Kế đến là phải biết tha thứ và sẵn sàng cho đi. Cho nên cần một tâm hồn quảng đại.

Phải quan tâm đến anh chị em đã bị xã hội tước đoạt phẩm giá;

Cần đánh thức lương tâm cá nhân thường hay say ngủ trước bi kịch của nghèo đói, khổ đau trong thế giới ngày nay;

Quyết tâm thực hiện lòng Chúa thương xót cả về thể xác cũng như tinh thần theo kinh “thương xác bảy mối và thương linh hồn bảy mối.

Một câu nói rất tình người trong tông sắc không thể không nhắc đến là: “Trong Năm Thánh này, Giáo hội được mời gọi nhiều hơn để chữa trị và xoa dịu các thương tích bằng dầu an ủi, dùng lòng thương xót để băng bó, dùng tình liên đới và thái độ ân cần quan tâm để chữa lành những vết thương ấy” (số 15).

  1. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊSU. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng con thường hay xét đoán người khác cách bất công, do ảnh hưởng của định kiến xã hội hay do mối ác cảm tự nhiên với họ. Nhiều lần chúng con đã có cách cư xử hẹp hòi, đầy thành kiến đối với một số người có quá khứ không mấy tốt đẹp. Chúng con đã không đủ dũng cảm để lội ngược dòng, để chọn cách ứng xử nhân ái công minh noi gương Chúa.

– LẠY CHÚA. Hôm nay xin cho chúng con học tập theo Chúa, để dám đứng về phía những người bị xã hội khinh dể, can đảm bênh vực những kẻ cô thế cô thân và đối xử nhân hậu với những tội nhân thực lòng sám hối… Nhờ đó, chúng con xứng đáng mang danh là Kitô hữu và trở nên môn đệ đích thực của Chúa trước mặt người đời.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH-HHTM

GIỌT NƯỚC MẮT ĂN NĂN

Lm John Nguyễnanton-tuoi

CN 11 QN-C

Một phụ nữ 20 tuổi bỏ chồng ở Somalia, chị ta đã bị đám đông khoảng 200 người ném đá tới chết, vì cô ta phạm tội ngoại tình. Môt người phân xử trong nhóm chiến binh Al-Shabab cho biết, người phụ nữ đã có quan hệ với một người đàn ông 29 tuổi chưa có vợ, cô ta có thai và sinh non. Đứa bé đã chết sau khi sinh. Người phụ nữ này bị chôn sống nửa người và dân chúng ném đá chị ta cho đến chết. Người bạn trai của cô thì bị phạt 100 roi theo luật của Hồi giáo ở niềm nam Somalia. Cái chết đau đớn của cô gái hai mươi tuổi, vì cô đã phạm tội ngoại tình, hay đúng hơn là cô ta đã phạm luật.Vì luật mà người ta ném chết một người không mang hận thù, không oán hận, thật là nhẫn tâm.

Trong trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy quan niệm của người Do Thái thời bấy giờ, họ cũng có một số nguyên tắc giữ đạo, và họ phân chia ra làm hai hạng người rất rõ ràng: người tốt và kẻ xấu; người lương thiện và kẻ tội lỗi. Họ cho rằng, người tốt là những người tuân giữ Lề Luật, còn người tội lỗi là những kẻ vi phạm những điều luật. Từ trong quan niệm khắc khe về lề luật, họ thường có thái độ loại trừ, trừng phạt, và có cái nhìn định kiến về người anh chị em mình, khi có người mắc phải những sai lầm. Từ định kiến đó dẫn đến cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với những người Pha-ri-sêu về luật lệ và xét xử tội.

Chuyện xẩy ra khi Chúa Giê-su đi dự tiệc tại nhà ông Si-môn, một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu. Bỗng có một người phụ nữ, vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà người Pha-ri-sêu, chị ta đem một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau khóc, dùng nước mắt tưới lên chân Chúa Giê-su, lấy tóc mình lau, rồi đổ dầu thơm lên chân Chúa Giê-su và hôn.

Khi nhìn thấy việc làm của chị ta, ông ta cảm thấy khó chịu và bảo rằng: “Nếu ông này là ngôn sứ thật thì phải biết người đàn bà đang đụng mình là ai chứ!”. Từ sự thắc mắc của ông ta cho thấy cái định kiến của ông ta về người phụ nữ này. Ông ta là một người Pha-ri-sêu, mà người Pha-ri-sêu thì “tách biệt” với người dân thường. Ông ta tự cho mình là người công chính, nên ông ta xa tránh những người tội lỗi. Ngay cả những người bệnh tật cũng bị xã hội lên án và loại trừ ra khỏi cộng đoàn. Cho nên, các gái điếm hay phụ nữ ngoại tình thì phải chịu hình phạt và bị đá cho đến chết. Người Pha-ri-sêu giữ luật rất chặt chẽ. Khi Chúa Giê-su cho người phụ nữ đụng chạm thì có nghĩa là, Ngài đã bị ô uế và phạm luật của người Do thái.

Đằng sau những thứ luật lệ, người Do thái đặt ra, thì họ lại mắc phải lối sống vị luật. Họ dùng luật quá khắc khe và tỉ mỉ, họ dựa vào luật để đóng đinh, kết án và đánh giá người khác theo tiêu chuẩn cá nhân với lòng dạ hẹp hòi, ích kỷ, thiếu vắng tình yêu thương và cảm thông với người khác. Chúa Giê-su đã nhiều lần lên án họ: ” Dân này kính ta bằng môi, bằng miệng, nhưng lòng chúng lại xa ta”. Luật là để cứu sống chứ không phải để giết chết. Từ lối sống “tách biệt”, khinh thường của người Do thái, nó dẫn đến một thái độ tự mãn, tự kiêu và nhẫn tâm, rồi họ tự cho mình là người đạo đức, thánh thiện, nên họ không cần ăn năn, sám hối và hoán cải. Trái lại, người phụ nữ này, chị ta biết mình có quá nhiều tội lỗi và lầm lỡ trong cuộc đời. Chị ta khóc cho tội lỗi của mình. Giọt nước mắt ăn năn để diễn tả qua việc chị lấy tóc lau chân Chúa. Và chị khóc trong sự vui sướng vì được Chúa Giê-su yêu thương và tha thứ, Ngài không xa lánh, xua đuổi, nhưng lại cho chị ta xức dầu thơm và lấy tóc chị ta lau chân Chúa. Ngài cư xử với chị ta như người thân, và tôn trọng chị ta. Điều đó đã chạm vào trái tim của chị. Chị khóc trong vui sướng vì được Chúa nhìn đến chị, cho chị ánh mắt yêu thương và cảm thông, mà bấy lâu nay chị khao khát và mong đợi sự đón nhận từ những người chung quanh. Chúa Giê-su đã mở cho chị ta cánh cửa để chị ta có thể tiếp tục bước đi trong cuộc đời của chị, và hướng tới một tương lai phía trước tốt đẹp hơn. Thật vậy, chị có cơ hội để làm lại cuộc đời. Chúa Giê-su dùng tình yêu để hoán cải chị ta. Ngài quay lại nói với chị ta: ” Tội của con đã được tha”. Vết thương tội lỗi của chị đã được chữa lành và con tim đã vui trở lại sau những ngày tháng bỏ Chúa đi hoang.

Qua hình ảnh người phụ nữ và người Pha-ri-sêu trong trang Tin mừng hôm nay, tôi nhìn thấy cách sống của mình. Tôi cũng thường tự cho mình là người đạo đức, thánh thiện để rồi kết án anh chị em của mình một cách bất công bởi thành kiến, ích kỷ, ganh đua và ghen ghét. Từ cách nhìn đó, tôi tự tách biệt mình ra khỏi cộng đoàn giáo xứ, không muốn liên hệ với người chung quanh, tự đóng khung trong một ốc đảo của cái tôi chập hẹp. Điều tệ hại hơn nữa, tôi đóng đinh và kết án họ một cách bất công. Đó cũng là cách thức tôi đã đẩy họ vào bước đường cùng bởi lối sống đạo đức giả. Tôi cư xử và đánh giá con người bằng hình thức bên ngoài: giàu nghèo, địa vị, chức tước. Như những người Pha-ri-sêu, họ nhìn thấy người phụ nữ đổ dầu thơm để xức lên chân Chúa Giê-su, thì trong lòng ông ta trở nên bực tức khó chịu. Lòng ganh tỵ và ích kỷ làm cho con người ta trở nên hèn hạ và bất bao dung.

Điều cần thiết trong lúc này, chúng ta cần nghe lại lời Chúa nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là đã yêu mến nhiều” (Lc7, 47). Tình yêu là kết quả của ơn tha thứ. Tình yêu của chị ta được thể hiện qua thái độ nhìn nhận và tin tưởng, chị ta biết mình cần được ăn năn, sám hối và xin ơn tha thứ. Nó đi ngược lại với kiểu đạo đức của người Pha-ri-sêu, tính toán theo công tội. Và chúng ta cũng không có quyền để lên án và kết tội người khác.

Lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội thì ai sống nỗi được ư!. Chúa là Đấng nhân từ rộng lượng và giàu lòng xót thương. Xin cho con biết xót thương khi nhìn đến anh chị em con bằng trái tim cảm thương và bao dung. Xin Chúa cho con biết nhận ra tội lỗi của mình để sửa đổi và hoán cải mỗi ngày.

Lạy Chúa, xin cho con đừng lên án để khỏi bị kết án, vì chỉ có Chúa mới có quyền xét xử và kết tội. Xin Chúa cho con biết mang tình yêu để xóa hận thù và bất công. Và xin Chúa cho con trái tim của Chúa, biết mang tin vui đến những ai đang sầu khổ và đau buồn, để họ nhận ra Thiên Chúa là tình yêu. Amen.

“VÁ” LƯƠNG TÂM

Huệ Minh

Những ngày này, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, rộ lên thông tin “Bị cán đinh ở quốc lộ 51, hãy gọi 0911.131.117”. Đọc các bài viết mới hiểu ra rằng nạn đinh tặc ở quốc lộ 51 bùng phát để rồi gây bao tai nạn thương tâm cho người đi đường.

Phương tiện giao thông chủ yếu của người Việt Nam là xe gắn máy và dĩ nhiên ở cái quốc lộ 51 Long Thành cũng phải “cõng” lượng người đi xe gắn máy quá lớn trên mình. Biết được thực trạng như vậy, nhiều kẻ tán tận lương tâm đã tìm cách rải đinh để móc túi nạn nhân đi đường. Gọi là rải đinh nhưng thật sự ra nó là mảnh sắt hình thang như hình con Rô trong bộ bài 52 lá.

Nhớ lại thuở còn là sinh viên ngày 2 buổi đi về, với chiếc xe đạp cọc cạch không leo nổi cái dốc cầu Sài Gòn thế là đành phải dẫn bộ. Lên đến đỉnh cầu mệt đứ cả hơi nên dừng lại để … thở đều một chút. Nhìn xuống mặt đường mới thấy sao có những mảnh hình thang rơi vãi. Nhìn ra mới thấy ở đầu góc người ta làm cho nó vênh lên một tí để bánh xe chạy ngang thì nó bụp vào bên trong và không có ruột xe nào chịu nổi.

Còn nhớ thời sinh viên đó, ruột xe Casumina chỉ 18 ngàn đồng 1 chiếc thì người thay phải mất đến 60 ngàn đồng bởi lẽ bị thay giữa đường vắng. Người nghèo lúc đó bóp bụng để thay với giá 30 ngàn đồng 1 cái ruột không tên tuổi.

Đứng trước thực trạng đau lòng đó, một nhóm người từ tâm đã phát tâm để rồi tìm cách chế tạo ra cái máy “hút đinh” để giúp người đi đường bớt lâm nạn. Trong quá trình phát tâm đó thì có những kẻ ác tâm đã tìm cách hãm hại những người đi dọn đinh. Cũng đúng thôi bởi lẽ cái tâm thiện lúc nào cũng bị cái tâm ác đe dọa.

Những người ác tâm chuyên rải đinh để cho người đồng loại phải vá hay thay ruột xe với các giá cắt cổ đó cần phải vá víu lại lương tâm của mình hay nói đúng hơn là phải thay cái lương tâm chai cứng sẵn có trong lòng mình.

Thử nghĩ với trăm bạc và vài trăm bạc những kẻ lương tâm bị thủng đó có  bình an hay không ? Số tiền bất chính bất lương thu được đó lại chảy vào nhà hàng, chảy vào những chỗ cờ bạc, hút sách …

Vấn đề ta đặt ra và ta giải quyết không dừng lại ở chỗ “vá xe miễn phí 24/24” mà ta cần phải “vá” lương tâm của những kẻ có lương tâm bị thủng. Mà đúng hơn là cần phải giáo dục con người có một lương tâm ngay chính. Khi lương tâm người ta được huấn luyện, được thức tỉnh thì không bao giờ người ta có thể hãm hại người đồng loại chỉ vì một chút lợi trước mắt của mình.

Thật ra mà nói, hiện nay chả phải có bọn đinh tặc cần phải làm mới lương tâm mà còn rất nhiều người cần phải làm mới lương tâm, làm sáng lương tâm của mình. Giản đơn chỉ cần bước vào cái nơi mà ngày xưa người ta dùng 2 chữ thân thương là “nhà thương” thôi thì ta cũng cảm được nơi đó tìm hai chữ “lương tâm” thật khó.

Thật đáng buồn khi những nơi như giáo dục, y khoa cần lắm hai chữ “lương tâm” nhưng rồi sao lại khan hiếm quá !

Với nạn đinh tặc, với y bác sĩ méo mó lương tâm, với thầy cô giáo chai cứng lòng mình … phải cần đổi mới nền giáo dục, đổi mới lòng của con người. Làm sao khơi dậy cái lương tâm chai cứng chỉ biết mình và chỉ biết thu vén nguồn lợi cho mình còn không bao giờ bận tâm đến người khác. Cần lắm việc tái tạo lương tâm, làm mới lương tâm, làm sáng lương tâm để người đừng hại người và người biết thương nhau hơn.

LẠY CHÚA TRỜI XIN LẤY LÒNG NHÂN HẬU XÓT THƯƠNG CON

by Huệ Minh

Chuyện đời vua Đavit  rất thú vị, nhiều và nhiều câu chuyện hay nhưng rồi hôm nay ta nghe câu chuyện có thể gọi là hay nhất : Một hôm, ngôn sứ Natan xin vào yết kiến vua Đavít và kể cho nhà vua nghe một câu chuyện mới vừa xảy ra:

Trong thành kia có một ông nhà giàu và một anh nhà nghèo sống bên cạnh nhau. Ông nhà giàu có hàng bao nhiêu là đàn chiên, dê, bò. Còn anh nhà nghèo, dành dụm mãi mới mua được một con chiên con. Anh quý nó lắm. Đi đâu cũng có nó. Ăn uống cũng có nó. Đốùi với anh, con chiên con này là tất cả tài sản, là cục cưng của anh.

Một hôm, ông nhà giàu có khách. Thế nhưng, thay vì bắt chiên hay bò của mình, ông nhà giàu lại bắt con chiên của anh nhà nghèo làm thịt  đãi khách…

Vừa nghe tới đây, vua Đavít nổi lôi đình. Ông nói với ngôn sứ Natan: “Tay nhà giàu ấy tội thật đáng chết. Nó phải bồi thường con chiên ấy gấp 4 lần, vì đã không biết thương người!” (2Sm 12, 1-6)

Vua Đavít phê phán về tội của ông nhà giàu rất đúng. Quả thật, trong trường hợp này nếu ông nhà giàu chỉ ngỏ lời xin lỗi anh nhà nghèo không mà thôi thì chưa đủ, ông còn phải đền bù thiệt hại cho anh ta nữa. Mà có đền gấp 4 thì cũng chưa chắc đã làm vơi nỗi đau khổ mà ông đã gây nên cho anh nhà nghèo.

Tiên tri Natan liền nhắc cho vua Đavít biết  người giầu có bất nhân ấy chính là nhà vua vì nhà vua đã giết ông Urigia cướp vợ ông ta là bà Bát  Seva.

Biết mình đã phạm tội xúc phạm đến Chúa, vua Đavít hối hận và xin lỗi Chúa cả đời ông. Chúa đã tha tội cho vua, nhưng vì tội vua đã phạm, Chúa đã ra cho vua một số hình phạt để đền bù tội lỗi: lúc về già trong gia đình vua có nhiều sự lộn xộn, con thứ giết con cả và tranh ngôi vua; con trai (Absalôm) chống lại cha khiến cha phải đi trốn.

Hẳn chúng ta nhớ đến Thánh Vịnh 51 mà các tu sĩ linh mục và bây giờ giáo dân cũng thường đọc. Thánh Vịnh 51, có tên là “Miserere”. Đây là một kinh cầu sám hối, trong đó lời xin tha thứ của người cầu nguyện được thực hiện sau khi xưng tội, để được thanh tẩy bởi tình yêu của Chúa,  người này trở nên một tạo vật mới, có khả năng vâng lời, với một tinh thần vững mạnh và một lời ngợi ca chân thành.

Tên “Miserere” của Thánh Vịnh theo truyền thống Do Thái xưa cổ đã đề cập đến vua Đavít và tội ngài đã phạm với Bétsabê, vợ của tướng Uria. Chúng ta đều biết rõ câu chuyện này. Vua Đavít, được Thiên Chúa sai cho lãnh đạo Dân Chúa và hướng dẫn họ trên con đường tuân theo Luật Thánh. Ông đã phản bội sứ mệnh này, sau khi phạm tội ngọai tình với Bétsabê, và đã giết hại chồng bà. Một tội lỗi kinh khủng! Tiên tri Nathan đã khơi bầy lỗi phạm của ông và giúp ông nhận biết tội của mình. Đó là lúc ông được hoà giải với Thiên Chúa, qua việc thú tội. Và lúc đó, Đavít đã trở nên khiêm nhu, đã trở thành cao cả!

Những ai cầu nguyện với Thánh Vịnh này cũng được mời gọi để có cùng những tâm tình thống hối và cậy trông nơi Chúa như Đavít khi ông tỉnh thức, và mặc dù ông là vua, ông đã hạ mình không sợ hãi việc thú tội và trình bầy sự đau khổ với Chúa, nhưng ông cũng tin chắc vào lòng thương xót của Chúa. Nhưng đây không phải là một tội nhẹ, hay một lời nói dối nhỏ, điều ông đã làm là ngọai tình và giết người!

Thánh Vịnh bắt đầu bằng những lời cầu khẩn này:

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy.” (câu 3-4).

Lời cầu khẩn này được dâng lên Thiên Chúa xót thương để, khi được thúc đẩy bởi một tình yêu to tát của một người cha hay người mẹ, sẽ tỏ lòng xót thương, nghĩa là ban ơn phúc, bầy tỏ tình thương và thông cảm. Đây là một tiếng kêu khẩn cấp dâng lên Thiên Chúa vì chỉ có Người là có thể giải thoát khỏi tội lỗi. Những hình ảnh rất mềm mại này đã được xử dụng: Xin xoá bỏ, rửa sạch và thanh tẩy con.

Trong tình yêu của Chúa là một biển cả chúng ta có thể chìm ngập mà không sợ bị chết đuối: đối với Chúa, tha thứ có nghĩa là ban cho chúng ta niềm tin rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Dù chúng ta có thể tự trách mình đến đâu. “Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội của chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự (1 Ga 3, 20)”, bởi Người cao cả hơn tội lỗi của chúng ta.

Với sự tha thứ, là kẻ có tội, chúng ta trở nên những tạo vật mới, tràn đầy Thánh Thần và niềm vui.

Thánh Vịnh viết:

“Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy … Đường lối Ngài, con sẽ dậy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài” (câu 12.15).

Tiếp chuyện của sự ăn năn, sự tha thứ ngày hôm nay ta bắt gặp hình ảnh của người phụ nữ được cho là tội lỗi.

Biết mình tội lỗi và rồi bà đã biết ăn năn quay trở lại. Chúa Giêsu đã tha thứ cho bà. Không chỉ thế, Chúa Giêsu còn minh họa một câu chuyện của lòng tha thứ.

Đó là những câu chuyện của Tin Mừng, hẳn ta còn nhớ hình ảnh của thánh Augustinô.

Khi còn trẻ, Augustinô bị cuốn vào cuộc sống phóng túng, buông thả, khi còn ở Carthage, trong hơn 15 năm ông quan hệ với một cô nhân tình trẻ, và có một con trai với cô, ông đặt tên cho con là Adeodatus (nghĩa là Thiên Ân)

Mùa hè năm 386, sau khi đọc biết và chịu cảm động bởi cuộc đời của Thánh Antôn ở Sa mạc, Augustinô trải nghiệm một cuộc khủng hoảng tâm linh sâu sắc và quyết định đến với Thiên Chúa, từ bỏ sự nghiệp hùng biện, chức nghiệp giảng dạy ở Milano, chấm dứt dự định kết hôn (thêm một điều khủng khiếp nữa cho người mẹ), cung hiến cuộc đời ông để phục vụ Thiên Chúa trong mục vụ, kể cả việc theo đuổi cuộc sống độc thân. Nhân tố quyết định cho trải nghiệm qui đạo của Augustinô là tiếng hát của một bé gái mà Augustinô tình cờ nghe được lúc ông đang trong cuộc tranh chấp nội tâm hầu tìm kiếm sự cứu rỗi, cầm lấy và đọc, Augustinô làm theo, mở Kinh Thánh ra đúng vào một đoạn trong thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma : “Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó.”

Cuộc hành trình tâm linh này được thuật lại trong quyển tiểu sử nổi tiếng của Augustinô, Xưng tội, đã trở nên tác phẩm kinh điển cho nền thần học Công Giáo và văn học thế giới. Ambrôsiô lãnh bí tích Thanh Tẩy vào vào Lễ Phục sinh năm 387, rồi Augustinô trở về Phi châu trong năm 388.

Năm 396, Augustinô được tấn phong phụ tá giám mục thành Hippo (với quyền kế thừa giám mục khi vị này qua đời), sau đó là giám mục cho đến khi từ trần năm 430. Augustinô rời tu viện đến sống ở tòa giám mục nhưng vẫn duy trì nếp sống khổ hạnh của một tu sĩ.

Augustinô dù đã sống ngập tràn trong tội lụy nhưng rồi Augustinô đã hoán cải và nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa như Đavit, như người đàn bà tội lỗi trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.

Sự tha thứ của Thiên Chúa là điều tất cả chúng ta đều cần thiết, và là dấu chỉ lớn lao nhất của lòng thương xót Người. Một ơn lành mà mọi người tội lỗi đã được tha thứ được mời gọi để chia sẻ với tất cả mọi người anh chị em mình gặp gỡ. Tất cả những ai Chúa đặt để bên cạnh chúng ta, các thành viên của gia đình, bạn bè, người cùng sở làm, các giáo dân… cũng như chúng ta, họ cần đến lòng thương xót của Chúa. Được tha thứ sung sướng biết bao, nhưng bạn cũng thế, nếu bạn muốn được tha thứ, hãy cũng tha thứ cho kẻ khác. Xin hãy tha thứ!

Và, ta không quên chạy đến với Mẹ Maria, Mẹ Xót Thương, Thiên Chúa sẽ giúp cho chúng ta trở nên những nhân chứng của sự tha thứ của Người. Sự tha thứ thanh tẩy các tấm lòng và đổi mới các đời sống.

KIỆN TOÀN LỀ LUẬT-by Huệ Minh

Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe dạy cho chúng ta cách tuân giữ Lề Luật Chúa theo một cách cho thấy trong đó việc thực hành đầy đủ nó bao gồm những điều gì. Thánh Mátthêu đã viết để giúp cho các cộng đoàn người Do Thái cải đạo vượt qua được những lời phê phán của các người đồng hương đã buộc tội họ bằng cách nói rằng: “Quý vị là những người không chung thủy với Luật Môisen”.

Chính Chúa Giêsu cũng đã bị cáo buộc là không tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa.  Thánh sử Mátthêu đã có câu trả lời rõ ràng của Chúa Giêsu cho những kẻ chỉ trích Người.  Do đó, ông đưa ra một số ánh sáng để giúp các cộng đoàn giải quyết vấn đề của họ.

Với cách thức đơn giản và bình dị, Thánh Mátthêu dùng hình ảnh của đời sống thường nhật, với lời lẽ giản dị và thẳng thắn để diễn tả ý tưởng của trang Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã nói rằng sứ vụ của cộng đoàn, lý do để cho cộng đoàn tồn tại, phải là muối và là ánh sáng!  Và qua đó, Chúa cũng đã ban một số lời khuyên về mỗi hình ảnh này.

Có rất nhiều người thuộc phái Pharisiêu nghĩ và quả quyết rằng Chúa Giêsu đến để dạy dân chúng phá bỏ Lề Luật để rồi đơn giản Thánh Mát thêu ngắn gọn ghi lại lời của Chúa Giêsu : “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.”

Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh như vậy bởi lẽ lề luật được đặt ra nhằm đem lại lợi ích chứ không phải lề luật đặt ra để gây khó khăn, hoặc vướng mắc cho con người. Thật vậy, lề luật giống như hàng rào bên ngoài dùng để bảo vệ những gì bên trong hàng rào đó được an toàn.

Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là lòng mến.

Trong thời Cựu Ước, vì yêu thương Thiên Chúa đã trao cho ông Môsê Mười Điều Răn để dạy cho dân Chúa sống yêu thương.

Chúa Giêsu khẳng định: Toàn bộ lề luật và các lời của các ngôn sứ đều là những hướng dẫn cần thiết cho dân trong Cựu Ước chuẩn bị đón nhận Đấng KiTô. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài không bãi bỏ, nhưng làm cho mọi sự nên hoàn thiện, Trong đó có cả những diễn đạt về nghi lễ, tế lễ trong Cựu Ước, cũng cần phải hiểu và cử hành dưới ánh sáng mới mà Chúa Giêsu đem lại.

“Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành”.

Khi nói về lề luật, Chúa Giêsu xác nhận lề luật là cần thiết nên Ngài đến không phải để bãi bỏ nhưng để kiện toàn. Lý do để kiện toàn là vì người ta hay nệ vào lề luật viết trên mặt chữ để xét đoán tha nhân; hay chỉ tô điểm cho cái vẻ bên ngoài…(cám dỗ Biệt phái); còn Chúa mặc cho lề luật một ý nghĩa mới. Ngài đòi người ta phải khắc ghi lề luật vào tim, để từ con tim mới có những lời xét đoán tha nhân dựa trên tình yêu, dựa trên luật của Thần Trí, nghĩa là phải biết cảm thông cho những vấp ngã của người khác. Chẳng hạn, Chúa không kết án người phạm tội ngoại tình.

Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.

Ta thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh những động từ” Giữ” và “dạy”. Nếu ta chỉ biết dạy người khác phải yêu thương mà chính bản thân mình không giữ, trong ta toàn sự thù hận, ghen ghét thì ta chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa. Ngược lại nếu ta chỉ biết giữ mà không dạy người người khác thì ta chỉ bo bo cho mình mà không đoái hoài đến sự cứu rỗi của người khác thì cũng chẳng ích lợi gì cho ta trong Nước Trời.

Trong Nước Trời sẽ có những bậc thang giá trị: Lớn nhất, nhỏ nhất… Những nấc thang giá trị đó tùy thuộc vào tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Càng yêu mến nhiều ta càng ở những bậc thang giá trị cao trong Nước Trời. Chúa Giêsu khẳng định: “ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Ta đang đứng trước một thế giới luôn thay đổi, ta xin Chúa cho ta nhận ra sự hiện diện của Chúa. Xin Chúa cho ta biết cân nhắc và nhất là chọn Chúa và theo Chúa qua việc sống đúng giới luật Chúa truyền ban để mỗi ngày ta sống đẹp lòng Chúa. Xin Chúa giúp ta luôn chu toàn bổn phận đối với Chúa, với tha nhân và với bản thân mình.

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*