• Lội ngược dòng đời-Ns. Dmhcg
  • Hai suy tư-Mai Tá
  • Chớ cậy vào của cải vật chất-Lm Hồ Bạc Xái
  • CẨN TRỌNG KHI SỬ DỤNG TIỀN CỦA-Jos. Vinc. Ngọc Biển
  • HÃY BỀN TÂM VỮNG CHÍ-Huệ Minh
  • KHIÊM HẠ TRƯỚC LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA-Huệ Minh
  • Hãy Chọn Cái Bền Vững Và Bỏ Cái Tạm Thời Lm. Antôn Nguyễn Vãn Ðộ
  • Cuộc đời là phù vân -Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
  • Gia tài – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
  • ĐIỀU LÀM CON NGƯỜI THÀNH VĨNH CỬU-Lm. Phạm Thanh Liêm
  • Nghệ thuật làm giàu – Thiên Phúc
  • Tích trữ kho tàng trên trời-Lm. Ignatio Trần Ngà
  • Hãy làm giầu cho đời sau (Lc 12:13-21) Lm. Hữu Độ, CMC
  • Chuyện biết rồi vẫn cứ nói- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
  • Gia Nghiệp-Lm Vũđình Tường
  • Của cải chóng qua-Lm. Anthony Trung Thành
  • Hãy xử dụng của hay hư mất mua lấy của cải đời đời-Lm Jude Siciliano OP
  • Không nên thu tích của cải- Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
  • Gia tài-Lm. Giuse Trần Việt Hùng
  • Tất Cả Chỉ Là Phù Vân- Lm. John Nguyễn
  • HIỆP SỐNG TIN MỪNG-Lm. Đan Vinh

LỘI NGƯỢC DÒNG ĐỜI

Ns. Dmhcg

Chúa nhật 18 thường niên, năm C

Gv 1:2; 2:32; Cl 3:1-59; Lc 12:13-21

Người Việt chúng ta có câu chuyện ngụ ngôn danh tiếng: “Ăn khế trả vàng,” kèm theo câu chuyện ấy là thành ngữ “tham thì thâm!” nhằm dạy con người cần phải cảnh giác đừng để lòng tham chi phối tâm trí đến mức mù quáng và hậu quả sẽ rước lấy cái chết thê thảm cho chính mình. Ở Nga cũng có một truyện ngụ ngôn tương tự như sau:

“Ngày kia, một người phú hộ gọi người đầy tớ trung thành nhất đến và nói:

Tôi muốn thưởng lòng trung thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra đi, và tính cho đến lúc mặt trời lặn, bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dăm đất thuộc về anh.

Con người khốn khổ bao năm sống nhờ ông chủ giầu có tưởng mình đang mơ. Tối hôm đó anh không sao chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để lên đường.  Khi ánh dương vừa ló rạng, anh đã hăm hở ra đi.  Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa mãn với tốc độ đi, thế là anh liền chạy.  Càng nhìn lại quãng đường đã qua, anh càng chạy nhanh hơn, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giầu có hơn người, sẽ không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy.  Giữa trưa nắng, anh cũng không màng đến chuyện ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh không muốn mất một tấc đất nào.  Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại và reo lên: “Đây là đất của ta, ta sẽ có tất cả cho ta, cho gia đình, cho tương lai.” Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mất mình hoa lên, tay chân không cử động và tim cũng ngừng đập.  Ngày hôm sau, người ta chôn cất con người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ cho một con người.”

Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giàu có là ngu dại.  Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam hãm mình trong đó.  Sự ngu dại của ông còn là biết mình không thể mang theo của cải đi được sau khi chết nhưng cứ bám vào nó như là cứu cánh tối hậu.

Nhưng cái ngu dại này của ông phú hộ vẫn còn nhan nhản trong xã hội ưa hưởng thụ và thích khoái lạc hôm nay.  Nơi nhữngkẻ sống mà không biết đâu là giá trị đích thực và đâu là giá trị tạm thời.  hay cũng có thể sống nửng không biết đời mình sẽ về đâu, không tìm cho mình một lẽ sống đích thực.  Nơi những kẻ lấy phương tiện làm cùng đích và vì vậy họ cũng dùng mọi phương tiện cho dù xấu xa miễn sao đạt được mục đích.

Hơn lúc nào hết trong xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta đau buồn chứng kiến cảnh người ta gian dối, lừa lọc nhau như dùng mọi thứ hóa chất độc hại tiêm vào thực phẩm để kiếm lời.  Tiền đã thành ma lực cuốn hút bao người người vào con đường tội lỗi, bất chấp tiếng lương tâm.  Sẵn sàng hãm hại đồng loại mình để trục lợi.

Tác giả sách Giảng Viên trong bài đọc I cũng nhấn mạnh đến sự phù vân: “Mọi sự đều hư không.” Tất cả của cải trên cuộc đời này không thể tồn tại mãi chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Thường Tồn.

Xin cho Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta trước những quyến rũ của vật chất.  Xin cho chúng ta biết hướng về Thiên Chúa là lẽ sống và cùng đích cho cuộc đời.  Xin cho chúng ta biết điều chỉnh hướng đi đời mình theo những giá trị của Tin Mừng. Giữa xã hội gian lận, tranh chấp, hãm hại nhau, xin Chúa cho chúng ta biết going lên tiếng nói của chân lý, sự thật và tình thương.  Dù phải lội ngược dòng, xin chúng ta ơn can đẩm tiến bước để trung thành với những iá trị Tin Mừng và tín thác đời mình trong Chúa. Amen.

HAI SUY TƯ

Mai Tá

Suy-tư Tin Mừng Chúa Nhật 18 thường niên năm C,

lại thấy có giòng thơ chan-chứa những ngâm rằng:

“Người ta đi kiếm giàu sang cả,

Mình chỉ mơ hoài chuyện viển vông.

Em biết giàu sang đâu đến lượt,

Nợ đời nặng quá gỡ sao xong.”

Thơ ngâm rồi, người lại hát những lời như:

“Ta yêu em lầm lỡ!”

Bây giờ đường nào đi!” Em yêu ma quỷ dữ,

Đã đến gieo sầu bi Em là cây cỏ úa,

Em đến gieo buồn thương!”

Thế nghĩa là, có ngâm thơ hay hát nhạc, người thường vẫn hát và ngâm những lời rất thi-ca, như: “mơ hoài chuyện viển vông” hoặc lời hát rất âm-nhạc như: “Yêu em lầm lỡ“, “gieo sầu bi” “cây cỏ úa“… nhất nhất đều là những thứ rất buồn ở đời.

Thế đó, là chuyện đời người, xin được chuyển đến người anh, người chị ở muôn nơi, như một đề tài suy-tư, ngẫm-nghĩ cho qua ngày đoạn tháng, rất lang-thang.

Mai Tá

từ Sydney vẫn gửi đến mỗi người và mọi người tình-tự như thế.

www.giadinhanphong.com

Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 18 thường niên năm C 31/7/2016

                                    Tin Mừng (Lc12: 13-21)

Khi ấy có người trong đám động nói với Đức Giêsu rằng:

Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

 “Người ta đi kiếm giàu sang cả,

Mình chỉ mơ hoài chuyện viển vông.

Em biết giàu sang đâu đến lượt,

Nợ đời nặng quá gỡ sao xong.”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

 Mơ hoài giàu sang, đâu có là chuyện viển vông! Viển-vông đời thường, là thái-độ loanh-quanh với ý-nghĩ thường-tình: “Người ta đi kiếm giàu sang cả”, hoặc “nợ đời nặng quá, gỡ sao xong.”

“Nợ đời giàu sang”, còn là chuyện Chúa nói qua Tin Mừng thánh Luca hôm nay. Thánh Luca đề-cập đến chủ-đề giàu sang, được Chúa dẫn-giải bằng một dụ-ngôn rất tinh-tế. Dụ-ngôn Chúa kể, là về những điều quan-trọng, trong cuộc đời. Quan trọng, khi Ngài nhấn mạnh đến sự khác-biệt giữa “ta là ai”? với “Ta có gì”?

Mở đầu trình thuật, là những ưu tư về phân chia gia tài mà người Do Thái thường hay trình lên vị tư tế, chánh thẩm. Nhưng vị Tư Tế hôm nay, không muốn dự phần vào các tranh giành/cãi vã có tính cách thế tục. Ngài nhắn nhủ: “Hãy coi chừng! mạng sống con người không được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Chính vì lòng tham lam của cải, mà nhiều gia đình đã đổ vỡ. Vì, mải lo tranh chấp gia tài, mà nhiều anh em cùng nhà cứ xâu xé nhau. Xâu xé, là để giàu sang.

Giàu sang. Đó là mơ ước của nhiều người, ở đời. Giàu sang, là chiếc đũa thần giúp người người tạo nên những thứ họ muốn. Nhưng khi đã giàu sang, vẫn không phải là hết chuyện để ưu tư. Đây là ngộ nhận lớn, nơi quan niệm của người đời.

Người đời những tưởng: khi đã ổn định tài chánh, đã có nhà có cửa, có xe có tiền rồi, là có tất cả. Mọi sự coi như đã thành công. Thật sự, của cải tiền bạc tuy được coi là dấu hiệu của sự thành công; nhưng, đó vẫn chỉ là quan niệm của người đời, ở đời thường. Quan niệm của nhà Đạo, khác hẳn.

Bài đọc thứ nhất hôm nay, sách Giảng viên quả quyết: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân!” (Gv 1: 2). Ở bài đọc thứ hai, thánh Phaolô thêm: “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới: đam mê, ước muốn xấu và tham lam, thảy đều là ngẫu tượng”. (Cl 3: 5).

Và, ở trình thuật thánh Luca, Đức Kitô khuyên: “Hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam; không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm, nhờ của cải đâu.” (Lc 12: 15).

Quả thật, khi khẳng định chân lý ấy, Đức Kitô không bắt mọi người phải chịu đau khổ. Ngài chỉ muốn nhắc: mọi người hãy tìm phương thức tốt nhất để tạo an toàn, hạnh phúc cho nhau. An toàn, để có cuộc sống ổn định. Cuộc sống có ý nghĩa đích thực. Nơi đó, mọi người trao cho nhau tình yêu thương, an bình. Mọi người san sẻ với nhau cũng một hạnh phúc chung. Hạnh phúc, chỉ có chỗ đứng, khi mọi người đều cùng hưởng. Hạnh phúc, phải được sẻ san cho nhau.

Với dụ ngôn hôm nay, ta lưu ý: truyện kể cho thấy có mỗi nhân vật chính, là nhà phú hộ. Ông cương quyết biến mình thành trung tâm của vũ trụ, nơi mình sống. Ông dồn tất cả tiền bạc của cải, gom lại để nuôi sống mỗi mình mình. Ông chỉ lo cho mình ông, thôi. Tất cả, chỉ để mình ông ung dung hưởng thụ. Chẳng bận tâm đến ai, chẳng cho ai, dù một xu lẻ.

Ở đây, Đức Kitô không phản đối chuyện ta có thể trở nên giàu sang, sung túc. Miễn là, sự giàu sang của ta không tạo bất công cho mọi người. Ở đây nữa, Đức Kitô muốn chứng minh cho con dân của Ngài thấy được, là: giàu sang – sung túc đích thực mới tồn tại dài lâu. Và, sự sung mãn hạnh phúc không nằm nơi của cải, tiền bạc. Mà, ở nơi khác. Của cải tiền bạc, chỉ tạo được hạnh phúc tạm bợ, chóng qua, những “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12: 20). Còn hạnh phúc đích thật, lại nằm ở nơi khác

Nhìn vào thực tế, chắc mọi người vẫn còn nhớ nhà tỷ phú Howard Hughes, hôm trước. Ông chết đi, bỏ lại đằng sau đến 2 tỷ Mỹ kim. Giàu sang sung mãn đấy. Nhưng vào cuối đời, ông vẫn sống trong hãi sợ, trộn lẫn với cô đơn.

Dù chuẩn bị trước mọi thứ, ông vẫn chết trong quên lãng, chết rất tủi hổ. Và khi chết, ông nào có khác người nghèo? Có khi lại không bằng người nghèo đang chết ở Calcutta. Người nghèo ở Calcutta, họ cũng chết. Nhưng, được chết trong vòng tay yêu thương của Mẹ Têrêxa. Và của các nữ tu hiền hoà, đầy yêu thương chăm sóc.

Mahatma Ghandi, một thời là luật sư trẻ nổi tiếng, có của. Nhưng ông không màng giàu sang, sung túc. Vẫn bỏ hết những gì mình có, chọn lựa cuộc sống giản đơn hơn, không vướng mắc những nào của cải vật chất. Vì thế khi chết đi, ông đã để lại cho hậu thế một di sản thật lớn. Di sản ấy, người giàu và sang như Howard Hughes không tìm thấy. Di sản ấy, chính là: tạo sự bình an hưng phấn cho nhiều người. Di sản ông để, là: biết quan tâm đến người cô thân, cô thế.

Hợp cùng trình thuật hôm nay, thánh Phaolô gợi lên một tư tưởng khác: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới.” (Cl 3: 2). Nghe thánh Phao-lô đề nghị, hẳn có người cho rằng: lời khuyên của thánh nhân thiếu phần thực tế. Nhưng, thánh nhân đâu có đề nghị ta hãy nhắm mắt làm ngơ trước thực tại, của trần thế. Thánh Phaolô chỉ khuyên: hãy hy vọng và hướng lòng vào Nước Trời. Hãy “cởi bỏ con người cũ, để mặc lấy người mới”. Con người được thay đổi theo hình ảnh Đấng Tối Cao. Hãy trỗi dậy với Đức Kitô. Để rồi, ta sẽ cùng Ngài hưởng phúc vinh quang, miên trường.

Cởi bỏ con người cũ, là bỏ đi các hành vi mang tính hủy diệt. Những tính hư nết xấu, như: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu xa và tham lam, vị kỷ. Bởi, những thứ đó là “ngẫu tượng” là phàm tục. Cởi bỏ con người cũ, là bỏ đi tính ích kỷ, chỉ muốn thu vén cho riêng mình. Cởi bỏ người cũ, không phải là tự sát/tự hủy, nhưng mặc lấy những gì là mới mẻ. Mới mẻ, với giá trị thăng tiến, hướng thượng. Mới mẻ, trong nhận thức biết rõ mà định hướng cuộc đời. Định hướng, bao gồm một đổi thay toàn bộ con người mình. Thay đổi, để nên giống Đức Kitô hơn. Định hướng và đổi thay, để rồi sẽ lớn mạnh trong Đức Kitô và cùng với Đức Kitô vào với Nước Trời, ở trần gian.

Với Nước trời đầy tình người này, ta chẳng cần đến những an toàn bằng tài sản, hoặc kế thừa. Chẳng cần trúng độc đắc, số lô-tô. An toàn đích thực, chỉ có thể đạt được nếu ta chấp nhận là thành viên của cộng đoàn biết chăm nom, và đùm bọc. Chăm nom lẫn nhau. Đùm bọc bên nhau, thì Nước Trời chính là trạng thái sống đang diễn ra trong lòng Hội Thánh, ngay trước mắt.

Nước Trời hôm nay, bao gồm cuộc sống hòa mình với mọi người. Hòa mình với môi trường sinh sống, rất thân thương. Nước Trời đây, không có chỗ cho những kỳ thị, phân biệt. Nước Trời đây, không tách biệt Hy Lạp với Do Thái. Nước Trời đây, chẳng bao giờ rẽ chia giới cắt bì với phường ô uế, không chịu cắt. Nước Trời của Chúa, không ly cách kẻ man di, nô lệ với người tự do. Ở Nước trời của chúa, tất cả vẫn là chi thể cùng một Thân Mình, Đức Kitô yêu dấu ở với ta. Ngài là Tất cả. Ngài ở trong mọi người.

Hiệp-thông liên-kết với Đức Kitô, ta có tất cả. Có an-ninh, an-toàn và sự bình-an bên trong. An-bình trong kết-hợp với Chúa, đó là sự giàu sang, sung-túc, đáng được ta mơ ước. Ước mơ của tất cả mọi người. Giàu sang đích-thực, chính là thế. Giàu sang sung-mãn, không do của cải vật-chất cung-cấp. Nhưng, có được là nhờ biết xác-tín hiệp-thông, trong Nước Trời.

Trong hân-hoan xác-tín sự bình-an đang có ngay trước mắt, ta hân-hoan hiệp-thông với mọi người, hát lên lời ca sau đây:

“Nhịp sống thắm thiết vui,

Kìa ánh-sáng thắm tươi.

Bốn phương lừng vang cung đàn khắp nơi.” (Xuân Lôi/Nhật Bằng – Ánh Sáng Miền Nam)

 Vui thắm thiết. Sống hạnh-phúc vang lừng khắp nơi. Nơi, có Ánh sáng Nước Trời đã và đang hoà nhịp, thắm thiết. Vui, vì lâu nay ta vẫn giàu sang, sung-túc. Chẳng cần của cải vật-chất, nhưng vẫn sang. Sang và giàu, không là “chuyện viển-vông” hay “chưa đến lượt”. Nhưng, là sống đích-thực lời Ngài dặn-dò. Giàu sang, là sống theo lời Đức Kitô dặn. Chính đó, là giàu sang miên-trường. Giàu sang không hư-nát, nhưng rất bền nhiều phấn-khởi.

Lm Richard Leonard sj biên-soạn  –

Mai Tá lược dịch.

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 18 mùa thường niên C 31/7/2016

 “Ta yêu em lầm lỡ!”

Bây giờ đường nào đi!” Em yêu ma quỷ dữ,

Đã đến gieo sầu bi Em là cây cỏ úa,

Em đến gieo buồn thương!

(Trịnh Công Sơn – Ta Yêu Em Lầm Lỡ)

Video Ta Yêu Em Lầm Lỡ

: https://www.youtube.com/watch?v=s-wjz3LclA0

(Công Vụ 20: 7)

Đã yêu Em, sao còn nói chữ “lầm lỡ”? Đã lỡ-lầm, sao còn thấy mình vẫn cứ yêu? Yêu hay không, vẫn là nét diễm-kiều tràn đầy do tình-thương đem đến. Dù, tình đó có là tình người, tình bạn hoặc tình nhân-thế, rất dễ yêu.

Yêu lầm lỡ”, lại vẫn được nghệ-sĩ hát lên bằng cả hơi thở có những lời lẽ rất như sau:

“Ta cho em tất cả. Hỡi nụ hôn tình đầu! Bây giờ tình tan vỡ. Ta còn lại thương đau.

Ta yêu em lầm lỡ. Ôm vòng tay dại khờ. Em là loài hoang thú Ta vất vả tinh khôn. (Trịnh Công Sơn – bđd)

Yêu lầm lỡ, cũng có thể lầm và lỡ thế nào đi nữa, hãy cùng nhau hát tiếp ca-từ tuyệt-vời, như sau:

“Loài phù hoa mắt mờ. Bạc vàng phấn son mơ. Nơi mộ hoang lạc thú. Em bước hỏng lửng lơ.

Ôi! chông gai đầy lối, Cất bước đi về đâu? Một lần ta lầm lỡ, Trăm đường còn sầu đau! (Trịnh Công Sơn – bđd)

Ôi! Chông gai đầy lối, đó là tình-tự của người đời, ở với đời. Và, tình người đi Đạo có bao giờ “lầm lỡ” với Đức Chúa-là-Tình-Yêu theo kiểu-cách của nhà Đạo chứ? Và, một trong các kiểu cách mà người nhà Đạo vẫn diễn-tả bằng hình-thức/phong-cách được đấng bậc đưa ra, qua hỏi/đáp sau đây:

Thưa Cha, con không hiểu tại sao các Chủ-nhật là ngày của Chúa, mà lại được Giáo-hội cử-hành/mừng kính long-trọng vào Chủ-nhật, thay vì thứ Bẩy tức ngày Sabát, của người Do-thái vậy? Xin Cha cho con một giải-thích thoả-đáng để con còn biết được mà trả lời của bạn bè của con ở các nơi cứ hỏi hoài hỏi mãi mà chẳng biết nói làm sao, đây. Cảm ơn cha rất nhiều.”

 Thế đó, là câu hỏi của nữ giáo-dân mộ-đạo chuyên-chăm chuyện nhà thờ/nhà thánh, mới hỏi han những điều như thế. Chứ, người thường làm gì có thì-giờ mà hỏi-han/vấn nạn, mất thời-gian.

Thế nhưng, có là thắc-mắc hay vấn-nạn từ đâu đó, ngắn gọn hay dài giòng, nay vẫn cứ mời bạn/mời tôi, ta đi vào giòng diễn-giải có lời lẽ đạo mạo và đạo-đức như sau:

“Câu hỏi anh/chị đưa ra, hẳn đã qui về điều thứ 3 trong 10 điều răn có ghi rõ ở sách Xuất-hành, cứ nói rằng:

 “Trong sáu ngày,

người ta sẽ làm việc,

nhưng ngày thứ bảy là một ngày sabát,

một ngày nghỉ hoàn toàn, dâng Đức Chúa:

kẻ nào làm việc trong ngày sabát

sẽ bị xử tử.”

(Xh 31: 15)

 Điều thứ 3 lại đã ghi: “Nhớ tuân-giữ các ngày lễ buộc!” như đã dặn. Với người Do-thái-giáo, thì: ngày Sabát là ngày thứ bẩy trong tuần, tức: ngày dành riêng để ta nghỉ-ngơi, tĩnh-dưỡng như Giavê Thiên-Chúa đã giải thích rõ ở Cựu Ước.

 

Ngõ hầu nắm rõ lý-do của việc này, ta cũng nên trở về với công-cuộc tạo-dựng trời đất có ghi ở sách Sáng Thế Ký, như sau:

 

Ngày thứ bảy,

Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm.

Khi làm xong mọi công việc của Ngài,

ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.

Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó,

vì ngày đó Ngài đã nghỉ,

ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Ngài.”

(Sáng Thế Ký 2: 2-3)

 Về câu hỏi: kể từ lúc nào Đạo Chúa của ta dời một ngày để nghỉ-ngơi phụng thờ Thiên-Chúa vào Chủ nhật, thế? Sự việc này, xảy ra gần như tức khắc, cách tự phát. Sách Công Vụ Tông Đồ được viết vào thập-niên 70 thế-kỷ đầu, có nói rõ, là:

 “Ngày thứ nhất trong tuần,

chúng tôi họp nhau để bẻ bánh.

Ông Phaolô thảo-luận với các anh em,

và vì hôm sau ông ra đi,

nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến nửa đêm.”

(Cv 20: 7)

 Nói cho cùng, thì: với thời xưa, ngày đầu tuần chính là ngày Chủ-nhật và việc cử-hành nghi-thức bẻ bánh, hay Tiệc Thánh-Thể hoặc lễ Misa, cũng đều thế. Sách Điđakê xuất-hiện khoảng cuối thế-kỷ thứ nhất, cũng có nói: “Vào các ngày của Chúa, hãy tụ-tập nhau lại mà bẻ bánh và cảm-tạ Chúa.” (Didache 14: 1a). Đó, là lần đầu tiên Giáo-hội dùng cụm từ “Ngày của Chúa” để chỉ về ngày Chúa-nhật.         

 Kitô-hữu thời tiên-khởi, cũng đã tụ-tập vào các ngày Chúa-nhật để cử-hành Tiệc Thánh như thế. Nhưng lúc đầu, nhiều vị trong Giáo-hội cũng vẫn tiếp-tục đến với hội-đường Do-thái-giáo vào ngày thứ Bẩy như dạo trước. Tông-thư “Dies Domini” (tức: “Ngày của Chúa”) viết năm 1998, rõ rang thánh Gioan Phaolô đệ Nhị có nói: “Các thánh tông-đồ và đặc-biệt là thánh Phaolô lúc đầu cũng tiếp-tục đến hội-đường để rao-giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô bằng và bàn-luận ‘lời các ngôn-sứ đọc vào ngày Sabát’ (Cv 13: 27).

 Một số cộng-đoàn khi trước cũng giữ ngày Sabát cùng với việc cử-hành thánh-lễ Chúa nhật. Tuy nhiên, không lâu sau đó, một số vị đã tách-bạch hai ngày này rõ ràng hơn, phần lớn là để phản-ứng với Kitô-hữu khi trước theo Do-thái-giáo, vẫn nhất-định duy-trì việc giữ luật buộc ở thời trước.” (Điđakê đoạn 23)

Lý-do chính khiến ta tụ-tập ngày Chúa-nhật và gọi đó là “Ngày của Chúa”, là vì: ngày ấy, Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết vào đầu tuần (Ga 20: 1). Cũng hệt thế, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào ngày Ngũ Tuần lại cũng được mừng kính vào Chúa-nhật, rất trọng-thể. Tuy nhiên, tín-hữu thời tiên-khởi còn đi xa hơn bằng cách kết-hợp ngày đầu tuần vào với ngày thứ nhất khi Thiên-Chúa tạo dựng trời đất muôn vật.

 Thánh Gioan Phaolô đệ Nhị lại cũng bảo: “Suy-nghĩ của Kitô hữu chúng ta luôn nối-kết cách hài-hoà với Phục Sinh xảy đến vào đầu tuần”, cùng với ngày thứ nhất trong chuỗi ngày Chúa tạo-dựng trời đất. (Stk 1: 2 – 2:4). Nối kết này, giúp ta hiểu Phục Sinh như một khởi-đầu tạo-dựng xem đó như hoa quả đầu mùa là Đức Kitô quang-vinh mà thánh Phaolô tông-đồ gọi Ngài là “Trưởng-tử sinh trước mọi loài thọ-tạo” (Côlôsê 1: 15) và “Trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (Côlôsê 1: 18; Điđakê 24). Điều đáng kể, là như thể ánh-sáng được tạo-thành ngay từ ngày đầu, và Đức Kitô là “ánh-sáng thế-gian” (Gioan 8: 12)…

Vào giữa thế-kỷ thứ hai, thánh Justinô đã sử-dụng chủ-đề này để luận-bình về ý-nghĩa ngày đầu trong tuần được định-danh theo sau mặt trời ở tiếng La-tinh, khi bảo rằng: “Chúng ta tụ-tập nơi đây vào ngày mặt trời, bởi lẽ đó là ngày đầu-tiên [tiếp theo sau ngày Sa-bát ở Do-thái-giáo, nhưng đây cũng là ngày đầu-tiên] khi ấy Giavê Thiên-Chúa phân-định sự vật khỏi tối-tăm bao trùm, tạo-thành vũ-trụ vạn-vật; và cũng vào ngày này Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu-Chuộc chúng ta khỏi cõi chết” (1 Apol. #67).

Tín-hữu thời tiên-khởi qui về Đức Kitô là “mặt trời công-chính” và vì thế mới ăn-khớp với những điều mà các vị ấy muốn vinh-danh Ngài vào ngày này hơn việc phụng-thờ mặt trời như dân ngoại vẫn làm.

 Thế nhưng, Chúa-nhật lại cũng là ngày thứ tám và ta gọi được thế là để nhắc đến ngày tháng không có kết-thúc, tức cuộc sống miên-trường ở chốn vĩnh-cửu nghỉ-ngơi mãi với Chúa. Thánh Âu-tinh viết trong cuốn “Lời xưng-thú” có xin Chúa ban cho chúng ta “sự an-bình lặng-thinh, tức sự hài-hoà của ngày Sa-bát, một hài-hoà không có chiều tà nào hết” (Lời Xưng thú đoạn 13, câu 50).

 Thánh Gioan Phaolô đệ Nhị trích lời thánh Basil có giải-thích rằng: “Chúa-nhật quả thật tượng-trưng cho ngày độc-nhất vốn dĩ theo sau thời hiện-tại, là ngày không có kết-đoạn cũng chẳng có buổi sáng hoặc buổi chiều gì hết, là thời bất-tử không bịết đến già-nua, lãi hoá bao giờ. Chúa-nhật là ngày báo trước không ngừng sự sống không có đoạn-kết vốn dĩ canh-tân niềm hy-vọng của các tín-hữu đi theo Đức Kitô và khích-lệ họ trên đường họ vẫn đang đi. (x. On the Holy Spirit đoạn 27 câu 66, Điđakê #26)     

       Xem thế thì, Chúa-nhật là ngày ta cử-hành mừng-kính Phục-sinh vào mỗi tuần, tức “Ngày của mọi ngày” và như thế mới có ý-nghĩa quan-trọng với sự sống của mọi người.” (Lm John Flader, Why is the Lord’s Day celebrated on Sunday instead of Saturday, The Catholic Weekly 17/4/2016, Question Time, tr. 18)                     

   Nói gì thì nói, tham-dự Tiệc Thánh Lòng Mến ngày Sabát hay đầu tuần, tức Chủ-nhật, được nhiều người hiểu: đây là thời-gian đẹp nhất để ta và mọi người cùng nhau nguyện-cầu cùng Chúa Cha. Bởi, Tiệc thánh Lòng Mến có nghi-thức để ta và người cùng đọc câu kinh “Lạy Cha” đầy ý-nghĩa do Đức Giêsu dạy.

Nguyện cầu ở Tiệc thánh, còn là và vẫn là cách nguyện và cầu như nhận-định của đấng bậc từng nói ở bài giảng bên dưới:

“Khi dạy dân con đồ đệ biết cách mà nguyện cầu cho đích đáng, Đức Kitô nhắc mọi người, một chân lý. Chân lý ấy, tóm gọn nơi lời khuyên: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” Và: “Ai trong anh em là người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ư?” (Lc 9-10)

 Thoạt nghe, tưởng chừng như có nghịch lý, khác thường ở lời Ngài. Nếu Thiên Chúa Cha trên trời chăm lo cho ta đủ mọi điều, thì tại sao ta lại cứ liên tục xin-xỏ mãi như thế? Cầu nguyện, như Đức Kitô dạy, không phải cứ lải-nhải như dân ngoại. Hẳn mọi người đều nắm vững được rằng: Cha chỉ phú-ban những gì ta cần, chứ không phải những gì ta muốn hoặc ưa-thích. Bởi, những gì mọi người ưa thích, chỉ là ưa và thích những là vật-chất tạm bợ, gồm tóm cho riêng mình, thôi.

 Cách hay nhất để nguyện cầu, là: hãy tìm-hiểu xem mình đang ở vị-trí nào trong tương-quan với Chúa. Với mọi người và với thế-giới ở quanh ta. Liên lỉ nguyện cầu -nhưng không phải là cứ ê a sớm tối-  nhưng là giúp ta định ra được những gì mình cần có và cần làm.

 Và, liên lỉ nguyện cầu, còn giúp ta biết lọc-lựa, cả lời kinh. Việc nguyện cầu, giúp ta làm sang-tỏ giá-trị nội-tại cũng như niềm hy-vọng mình đang có. Có nguyện-cầu như thế, ta mới chú-tâm đến những gì mình thật cần, để được cứu. Nguyện-cầu, là cầu và mong Chúa thực-hiện điều Ngài muốn ta làm theo ý Ngài.

 Nói tóm lại, mục-đích tối-hậu của việc nguyện-cầu, là biết đầm mình trong tương-quan với Chúa, với mọi người quanh ta. Đi vào với tiệc long-mến hôm nay, ta sẽ cùng với người anh/người chị trong Hội thánh, cứ chung-vai sát-cánh mà nguyện-cầu cho mọi người sẽ mãi mãi ở lại trong tương-quan với Cha. Để rồi, cùng với Đức Kitô, ta sẽ thực-hiện thánh-ý Cha trong mọi hoàn-cảnh của đời thường.” (X. Lm Richard Leonard sj, Suy Tư Tin Mừng tuần thứ 17 thường niên năm c, www.suyniemloingai.blogspot.com 17/7/2016)

Nói gì thì nói, có tham-dự phụng-vụ Tiệc Thánh ngày Sabát hoặc ngày-của-Chúa tức Chủ-nhật, cũng là để cùng nhau tôn-dương cảm-tạ Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu quabằng hành-động cụ-thể biến yêu-thương thành hiện-thực.

Nói gì thì nói, nói chuyện tu-đức hoặc giáo-lý niềm-tin là nói như thế. Nói, về tình-thương-yêu đùm bọc trên thực-tế cuộc đời, còn là và mãi mãi là: nói theo truyện kể để dễ nhớ. Nói, như kể cho nhau nghe đôi ba câu truyện đại để cũng dễ nhớ, mà người kể truyện đã đặt tiêu-đề là “Không nên so-sánh”, như sau:

“Trong cuộc sống không nên so sánh, một người lái chiếc xe Mercedes-Benz giá 4 tỷ, nhưng họ có thể vay ngân hàng tới 20 tỷ, cuộc sống của họ thực sự đang rất khốn đốn.

 Một người đi chiếc xe Volkswagen 500 triệu, nhưng họ có thể đang nợ ngân hàng tới 2 tỷ đồng, cũng đang ở trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng.

 Một người đi chiếc xe đạp điện 6 triệu, nhưng họ vẫn có 60 triệu gửi ngân hàng. Họ sống một cuộc sống an nhàn.

 Lúc 3 người gặp nhau ở trên đường, người đi xe đạp điện ngưỡng mộ người lái xe Volkswagen, người lái xe Volkswagen ngưỡng mộ người lái xe Mercedes-Benz, người lái xe Mercedes-Benz lại mong muốn có được cuộc sống như người đi xe đạp điện.

 Đây chính là thực tại trong xã hội, ai cũng có thể trở thành nô lệ của đồng tiền, nô lệ của cuộc sống!

Mèo thích ăn cá, nhưng mèo lại không biết bơi. Cá thích ăn giun, nhưng cá lại không thể lên bờ. Thượng đế mang đến cho bạn rất nhiều thứ hấp dẫn, nhưng lại không cho bạn dễ dàng đạt được nó.

 Nhưng, cũng không thể cứ đổ máu thì kêu đau, sợ tối thì bật điện, nhớ nhung thì liên lạc, ngày hôm nay với bạn là chuyện lớn, nhưng có thể ngày hôm sau lại là chuyện nhỏ. Cuộc đời giống như cây bồ công anh, nhìn có vẻ tự do, nhưng kỳ thực lại là thân bất do kỷ.

Có những chuyện không phải là không thèm lưu tâm, mà là có lưu tâm cũng chẳng làm được gì. Chỉ biết dốc toàn lực của mình để ứng phó là được, cuộc đời không có nếu, chỉ có hậu quả và kết quả …

Đời là bể khổ, bây giờ bạn không khổ, sau này sẽ càng khổ!

Vạn sự tương sinh tương khắc, không có lên thì không có xuống, không có thấp thì không có cao, không có đắng thì không có ngọt. Chỉ khi biết thế nào là mệt mỏi, thì mới cảm nhận được thế nào là an nhàn; nếm qua cay đắng thì mới biết thế nào là ngọt bùi. Nhân lúc đang còn trẻ, dũng cảm bước đi, nghênh đón phong sương gió mưa, tôi luyện bản thân, có thể độ lượng, có thể nhìn xa trông rộng, thì hạnh phúc mới đến. Trên thế giới này ngoại trừ bạn ra, thì không có ai có thể thực sự giúp đỡ bạn, nếu có giúp thì cũng chỉ là tạm thời. Rất nhiều người đã từng nếm thử “trứng luộc trong nước trà”, vỏ trứng nứt càng nhiều, thì trứng ăn càng ngon miệng.

Tương tự như vậy, trong cuộc sống trải nhiệm càng nhiều, trắc trở càng nhiều thì sẽ càng có hương vị. Trứng gà bị vỡ do tác động từ bên ngoài là đồ ăn, bị vỡ do tác động từ bên trong thì chính là sinh mệnh. Cuộc sống cũng vậy, làm vỡ từ bên ngoài là áp lực, làm vỡ từ bên trong chính là trưởng thành.

Nếu bạn chờ người khác làm vỡ bạn từ bên ngoài, thì nhất định bạn sẽ là món ăn của người khác; nếu bạn có thể đánh vỡ chính mình từ bên trong, như vậy bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự trưởng thành, cũng giống như là được tái sinh.

Nhìn thấy con bướm đang giãy-giụa muốn thoát ra khỏi cái kén, có người hảo-tâm giúp nó thoát ra. Nhưng không ngờ rằng, sau khi con bướm thoát ra ngoài, nó lại không thể duỗi đôi cánh ra được, và cuối cùng thiệt-mạng.

Giãy-giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng-thành, lúc đó bạn giúp nó thoải-mái, nhưng sau này nó sẽ không có đủ sức mạnh để đối mặt với những thử-thách sẽ phải gặp trong cuộc đời.

Nếu bạn muốn hóa-thân thành con bướm, thì bạn phải chịu-đựng được nỗi khổ của quá-trình giãy-giụa ở trong kén, vậy thì mới có thể dang cánh bay cao được. Trong cả cuộc đời, bạn phải tôn-trọng bao nhiêu người, thì sẽ có bấy nhiêu người tôn-trọng bạn. Bạn tin-tưởng bao nhiêu người thì sẽ có bấy nhiêu người tin-tưởng bạn.

 Bạn có thể giúp bao nhiêu người thành-công, thì sẽ có bấy nhiêu người giúp bạn thành-công! Trên thế-giới này, người giàu có nhất, thường là người vấp ngã nhiều nhất. Người có thể thành-công là người mỗi lần vấp ngã, không chỉ có thể đứng dậy, mà vẫn có thể kiên-trì tiếp-tục bước đi. (Nguồn: Sưu tầm)

Truyện kể trên, có thể không xứng với chủ-đề bạn và tôi, ta bàn chuyện nhà Đạo ở nhiều nơi dù nhiều người không đồng ý như thế. Nhưng, đã là truyện kể không để minh-hoạ cho điều mình cố ý nêu ra, đôi khi chỉ là cơ-hội để ta nhìn vào cuộc sống có nhiều ý-nghĩa; của những suy-tư vớ-vẩn chẳng ăn-nhập chuyện gì, nhưng dễ nhớ và dễ hiểu hơn chuyện nhà Đạo.

Nói gì thì nói, nói mọi chuyện bằng truyện kể và thơ/văn-âm/nhạc vẫn thích hơn là nói bằng những biện-luận có mở đề, phản-đề và tổng-đề, như một triết-thuyết không-kịp-sống thực trước đã, mà chỉ kịp nói lý và luận bàn cùng minh-định như thế rồi, nay ta cùng nhau quay về lại với nhạc-bản ở trên, mà hát những câu thêm-thắt, rất như sau:

Ta yêu em vất vả, Ôi! lần cuối lần đầu. Em là cành gai sắc, Cho thịt nát xương đau.

Yêu em nên mất cả, Vỡ nụ hôn tình đầu. Yêu là sầu chất-chứa, Yêu còn được là bao?

Người ngoảnh lưng giấu mặt, Cuộc đời mới đi xây. Đi van xin hạnh phúc, Nô lệ nào rủi may.

Ta thương em nhỏ bé, Với giấc mơ bạc vàng. Em là cây cỏ úa, Ta là loài ma hoang.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Nói gì thì nói, nói bằng thi-ca/âm-nhạc hoặc bằng luận-lý/biện-luận chi bằng ta đi vào vườn hoa Lời Vàng có những dặn dò như sau:

Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia.

Ngài cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Ngài:

‘Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu-nguyện,

cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.’

Ngài bảo các ông:

‘Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến…” (Lc 11: 1-4)

Và tiếp theo đó, Ngài còn dặn thêm:

“Thế nên Thầy bảo anh em:

anh em cứ xin thì sẽ được,

cứ tìm thì sẽ thấy,

cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.

Vì hễ ai xin thì nhận được,

ai tìm thì thấy,

ai gõ cửa thì sẽ mở cho.”

(Lc 11: 9-10)

Xem thế thì, có cầu-nguyện hay cầu xin điều gì đi nữa, cũng hãy cùng nhau làm việc ấy trong yêu-thương giùm giúp, hết mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc vẫn nhủ lòng mình

luôn phải như thế để còn thương.

Thương người, thương ta,

thương cả-và-thế-gian

hết mọi người.

CHỚ CẬY VÀO CỦA CẢI VẬT CHẤT

Lm Hồ Bạc Xái

Chủ Ðề: Chớ cậy vào của cải vật chất

“Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20)

  1. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường và trong nền văn minh hưởng thụ. Bởi đó chúng ta bị thu hút bởi tiền bạc của cải. Nhưng của cải vật chất vừa có lợi vừa có hại.

Lời Chúa hôm nay sẽ cho ta thấy rõ mặt phải và mặt trái của tiền bạc của cải. Xin Chúa giúp chúng ta có lập trường đúng đắn đối với của cải vật chất.

  1. Gợi ý sám hối

Nhiều khi chúng con đã coi tiền bạc trọng hơn tình nghĩa anh em.

Nhiều khi chúng con đã vì tiền mà lỗi đạo với Chúa.

Thực tình chúng con cậy dựa vào tiền bạc hơn vào Chúa.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I (Gv 1, 2; 2, 21-23)

Sách Giảng viên gom góp những suy tư khôn ngoan của nhiều thế hệ. Trong đoạn này, có nhiều ý tưởng xem ra bi quan yếm thế nhưng lại rất đúng:

Có người suốt đời vất vả làm việc để thu tích của cải vật chất nhưng khi chết phải bỏ lại tất cả.

Ích gì có được nhiều tiền nhưng đêm ngủ không yên vì sợ tiền bị mất.

  1. Đáp ca (Tv 94)

Tv này như một lời khuyên tiếp nối những nhận định bi quan của bài đọc I: cách sống khôn ngoan nhất là mỗi ngày hãy lắng nghe tiếng Chúa dạy và cứ sống theo đó.

  1. Tin Mừng (Lc 12, 13-21)

Vấn đề của đoạn Tin Mừng này được gợi lên từ việc anh em tranh dành gia tài.

Dụ ngôn nói tới một người phú hộ đã lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm.

Nhận định của Chúa Giêsu về người phú hộ đó: hắn là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.

  1. Bài đọc II (Cl 3, 1-5. 9-11)

Thánh Phaolô tiếp tục dạy các kitô hữu về cuộc sống mới của họ sau khi chịu phép Rửa:

Vì họ đang sống một cuộc sống mới nên từ nay hãy có một quan tâm mới: đừng tìm những sự dưới đất mà hãy tìm những sự trên trời.

Hãy cởi bỏ con người cũ theo xác thịt để mặc lấy con người mới theo hình ảnh Chúa Giêsu Kitô.

  1. Gợi ý giảng

* 1. Có tiền và xài tiền

Một lão trọc phú keo kiệt kia đã tích lũy được một số tiền rất lớn và đang mơ tới tương lai hạnh phúc đang chờ đón lão. Tuy nhiên trước khi lão kịp vung tiền ra mua lấy hạnh phúc thì thần chết hiện ra đòi bắt hắn xuống âm phủ.

Lão thương lượng: “Xin Thần chết cho tôi sống thêm ba ngày nữa thôi. Tôi sẽ chia cho Ngài một nửa tài sản của tôi”. Thần chết không chịu. Lão xuống giá: “Vậy xin cho tôi sống thêm một ngày. Tôi sẽ giao cho Ngài tất cả tài sản”. Thần chết vẫn không chịu. Lão nài nỉ “Xin cho tôi một phút thôi, để tôi kịp viết lời trối”. Thần chết đồng ý. Lão ngồi xuống, cầm bút viết câu sau đây:

“Gửi người nào gặp được tờ giấy này. Nếu bạn có đủ tiền để sống thì đừng uổng phí cuộc đời để kiếm thêm nhiều tiền nữa làm chi. Hãy lo sống thôi! Tiền bạc của tôi rất nhiều, nhưng chỉ một giờ để sống tôi cũng chẳng mua được!”

Tiền của không phải để sở hữu mà để hưởng dùng. Nói nôm na, tiền bạc không phải để “có” mà để “xài”. Nhiều người rất biết cách “sở hữu” nhưng lại không biết cách “hưởng dùng”. Rốt cuộc họ không hạnh phúc bằng một đứa trẻ, sở hữu rất ít nhưng hưởng dùng rất nhiều. Người giàu thật không phải là người có nhiều mà là người hưởng dùng nhiều. Cố gắng để có thật nhiều tiền mà không thể hưởng dùng thì chẳng khác gì một người mù cố gắng thu góp thật nhiều băng Vidéo.

Vấn đề đặt ra là “hưởng dùng” và “xài” tiền như thế nào.

* 2. Nghệ thuật làm giàu

Một ngày nọ, vua Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, viên quan địa phương đất ấy ra nghênh đón và chúc vua rằng: “Xin chúc nhà vua sống lâu”. Vua Nghiêu nói: “Đừng chúc thế!” Viên quan lại chúc: “Chúc nhà vua giàu có”. Vua Nghiêu lại nói: “Đừng chúc thế”. Viên quan chúc nữa: “Xin chúc nhà vua đông con trai”. Vua Nghiêu lại nói: “Đừng chúc thế”. Quan lấy làm lạ mới hỏi nhà vua: “Sống lâu, giàu có, đông con trai, ai cũng thích cả, sao nhà vua chẳng muốn?” Vua Nghiêu đáp: “Đông con trai thì sợ nhiều. Giàu có thì việc nhiều. Sống lâu thì nhục nhiều. Ba điều ấy không mang lại nhân đức nên ta từ chối”.

Viên quan tâu: “Nhà vua nói thế thực là bậc quân tử. Nhưng trời sinh ra mỗi người phải có một việc. Nếu đông con trai, hãy cắt đặt mỗi người một nhiệm vụ thì có lợi chứ có gì mà sợ? Giàu có mà đem phân phát cho người nghèo thì còn công việc gì mà lo? Ăn uống có chừng mực, thức ngủ có điều độ, trong lòng thanh thoả, thiên hạ tài giỏi thì vui cái vui của họ, trăm tuổi nhắm mắt về cõi trời. Một đời chẳng gây tai hoạ gì, hỏi có gì là nhục?”

***

Đứng trước tiền của, người ta có những thái độ rất khác nhau: Vua Nghiêu vì quá thận trọng chỉ nhìn thấy mặt trái của đồng tiền, nên của cải không sinh ích gì cho ông. Người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay lại quá cậy dựa vào tiền của, nên khi thần chết bất ngờ đến thì tiền muôn bạc nén cũng không cứu được linh hồn ông. Duy chỉ có viên quan địa phương là có thái độ đúng mực về tiền bạc: Nếu giàu có thì đem chia sẻ cho người thiếu thốn. Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay: Hãy dùng của cải đời này mà “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12, 21). Đó chính là “nghệ thuật làm giàu” đích thực.

Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những con người nghèo khó. Cho dù có xây bao nhiêu kho lẫm, bao nhiêu két sắt, bao nhiêu tài khoản ngân hàng, cũng chỉ là con số không. Chúng ta chỉ thực sự giàu có trước mặt Thiên chúa khi chúng ta dốc cạn kho cho người nghèo khó, mở hầu bao giúp kẻ khốn cùng. Chúa phán: “Hãy bán của chi mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12, 33).

Quả thật, một kho lẫm dù có được khoá chặt đến đâu cũng không ngăn cản được kẻ trộm. Nhưng chỉ có những tài sản đích thực mà không ai có thể đánh cắp, chính là những tài sản thiêng liêng.

Thực ra, khi người giàu chia sẻ của cải cho kẻ nghèo, cũng chỉ là bổn phận của người quản lý mà thôi. Augier đã nói một câu chí lý: “Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quĩ của người nghèo”. Vì thế, những ai “ê hề của cải, dư xài nhiều năm” mà “cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12, 19) chính là những kẻ ăn cắp. Thánh Tôma Aquinô quả quyết: “Những người giàu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa”.

Có thể nói, chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta thu lợi quá mức trên sức lao động của kẻ khác.

Chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta giữ lại đồ đạc tiện nghi mà chẳng bao giờ dùng đến.

Chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta ăn chơi, mua sắm như ném tiền qua cửa sổ.

Thánh Basilio không một chút ngần ngại nói với chúng ta rằng: “Tấm bánh mà bạn giữ lại là của người đói khổ, chiếc áo mà bạn cất trong vali là của kẻ trần trụi”.

***

Lạy Chúa, Chúa để 80% của cải trên thế gian này vào tay 20% những người giàu có, là để họ biết chia sẻ cho những người thiếu thốn, là để họ “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”, chứ không phải để biến họ thành những kẻ đánh cắp.

Xin dạy chúng con chỉ nên giữ lại những gì cần thiết, và biết san sẻ hồng ân của Chúa cho mọi người, để thế giới này không còn cảnh bất công, nghèo đói, nhưng sẽ là một thế giới công bằng và yêu thương. Amen. (TP)

* 3. Túi tham không đáy

Tolstoi kể rằng một người nông dân kia tên là Pakhom rất ham thích có một mảnh đất làm tài sản riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, anh tậu được một mảnh đất 40 mẫu. Anh mừng lắm. Nhưng chẳng bao lâu anh muốn một mảnh đất rộng hơn. Anh lại làm lụng và để dành, bán mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, mua được một mảnh đất 80 mẫu. Nhưng anh chưa thoả mãn, muốn tìm một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người cho anh biết rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản, họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được.

Ngay sáng hôm sau, anh nông dân đi sang vùng bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói: “Anh chỉ cần trả 1000 rúp thì có thể sở hữu được một vùng đất mà anh đi được trong một ngày. Nhưng cần nhớ là anh phải trở lại đúng nơi điểm xuất phát cũng trong ngày đó. Nếu về không kịp thì kể như mất tiền vô ích”.

Đêm đó người nông dân sung sướng ngủ không được. Vừa rạng sáng hôm sau anh nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu bước đi. Càng đi anh càng sung sướng vì thấy đất của mình càng rộng thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên mất thời gian. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh mới hốt hoảng quay về. Nhưng vì anh đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Đến điểm mốc, anh ngã gục xuống.

Vị tù trưởng đến chúc mừng: “Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh”. Nhưng người nông dân không đứng dậy được nữa để nhận lấy tài sản của mình, vì anh đã chết!

Có được một số tiền bạc của cải để sống là điều cần thiết. Vì thế trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu không phê phán việc chúng ta tìm cái ta cần, mà phê phán lòng tham hơn mức ta cần (tiếng anh: not about need but about greed). Nếu người nông dân trong chuyện trên biết dừng lại khi đã có 40 mẫu đất anh cần thì anh đã sống hạnh phúc, nhưng anh đã chết vì anh cứ mãi mê chạy theo lòng tham của mình. Lòng tham giống như ngọn lửa: ta càng thoả mãn nó bằng cách chất thêm củi vào thì lửa càng bùng to lên và càng đòi nhiều củi thêm. Chứng bệnh trầm trọng nhất của con người trong nền kinh tế thị trường và văn minh hưởng thụ này là con người không biết khi nào mình đủ. Có của không phải là tội, nhưng tham của thì thành tội.

Hãy xem những con chim. Khi chúng xây dựng tổ ấm, chúng chỉ tìm vài nhánh cây đủ cho cái tổ ấy rồi thôi. Hãy xem những con nai. Khi chúng khát, chúng chỉ uống vừa đủ rồi thôi. Sao chúng ta không đơn giản như những con chim và những con nai kia!

* 4. Gia tài để lại cho con cái

Có thể chúng ta cố gắng kiếm tiền không phải để cho mình hưởng, nhưng để làm gia tài trối lại cho con cái.

Xin hãy nghe câu chuyện sau đây:

Người kia làm việc trong một công ty đang phát triển mạnh, lương anh khá cao cho nên gia đình rất hạnh phúc. Anh có một ngôi nhà xinh xắn, một người vợ hiền và mấy đứa con ngoan.

Nhưng anh tự nghĩ: mình còn trẻ, sức lực còn nhiều. Mà công ty hiện không thiếu việc. Thế là anh làm thêm giờ phụ trội. Thu nhập càng cao hơn. Anh lại nghĩ: nếu mình phấn đấu để lên chức thì sẽ được tăng lương nữa. Và anh phấn đấu, và quả thực anh lên chức.

Cho đến một hôm đi khám bệnh, anh được biết mình đã mắc phải một chứng bệnh nguy hiểm và đã tới giai đoạn cuối cùng. Nghĩa là anh không sống được bao lâu nữa. Lúc sắp rời bỏ vợ con ấy, anh mới biết rằng xưa nay anh chẳng hiểu vợ con bao nhiêu, và con cái anh cũng chẳng hiểu anh bao nhiêu. Và anh chết, để lại cho con cái một gia tài lớn. Đối với người khác, anh là một con người thành đạt. Nhưng đối với vợ con thì anh là một con người thất bại. Vợ con anh hưởng gia tài của anh mà chẳng nghĩ tới anh bao nhiêu: bấy lâu nay họ sống không có anh, sau này họ cũng tiếp tục sống không cần anh.

Bởi vậy trong bài Tin Mừng này Chúa Giêsu đã không quan tâm đến gia tài. Khi một người đến nhờ Ngài phân xử việc tranh chấp gia tài. Ngài đã không xử, lại còn cảnh cáo “Các ngươi hãy coi chừng giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

* 4. Tiền bạc

Người ta nói trên đời quan trọng nhất là 2 chữ T: tình và tiền. Hôm nay chúng ta có dịp bàn đến chữ T thứ 2, Tiền. Tiền bàn ở đây không phải chỉ là những tờ giấy bạc, mà còn bao gồm tất cả những gì là của cải tài sản vật chất như nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, máy móc v.v.

Cách chung thì ai ai cũng cần tiền và cũng ham tiền hết. Không có tiền thì đói rách, con cái nheo nhóc, mặc cảm với bạn bè… Còn nếu có tiền thì ta ăn ngon mặc đẹp, con cái được giáo dục tử tế, bạn bè xã hội trọng nó… Tóm lại câu nói “có tiền mua tiên cũng được” có thể là câu nói diễn tả quan niệm chung của nhiều người.

Nhưng hình như đó lại không phải là quan niệm của Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.

– bài đọc 1 trích từ sách Giảng viên thì coi tiền bạc là thứ phù hoa “Phù hoa nối tiếp phù hoa trần gian tất cả chỉ là phù hoa”

bài đọc trích từ thư thánh Phaolô gởi tín hữu thành Colossê thì kêu gọi “Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất”.

Còn bài Tin Mừng thì mô tả một người phú hộ hả hê với những của cải chất đầy từ kho này tới kho khác, nhưng bị Chúa trách “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay Ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”, và Chúa Giêsu kết luận: Kẻ nào tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy.

Phải chăng Chúa không muốn cho ta có tiền? Phải chăng Chúa muốn người có đạo phải nghèo? Phải chăng Chúa khuyên chúng ta phải chạy trốn tiền bạc? Thưa không, không bao giờ, bởi vì những của cải vật chất trên đời này do đâu mà có? Do chính Chúa tạo dựng nên, và Chúa tạo dựng nên chúng là để cho con người hưởng dùng. Cho nên không những Chúa không muốn con người phải đói khổ, mà Chúa còn muốn sao cho con người được đầy dư của cải. Hãy nghe một lời chúc phúc của Chúa ghi trong Tv 71.

Khắp xứ sở đầy dư gạo thóc

Đỉnh non cao gợn sóng lúa vàng

Và trong Tv 64:

Thăm trái đất mưa nhuần Chúa rải.

Cho tràn trề của cải sinh ra…

Vùng hoang địa cỏ hoa đua nở

Cảnh núi đồi hớn hở xinh tươi.

Chiên bò gặm cỏ đồng xanh.

Nương vàng sóng lúa lượn quanh dạt dào.

Câu hò tiếng hát trổi cao…

Rõ ràng là Chúa muốn con người sung túc vật chất. Nhưng Chúa cũng biết tiền bạc vật chất vì có khả năng đem lại cho con người rất nhiều tiện nghi sung sướng nên cũng có thể khiến con người chỉ say mê nó mà quên hết mọi giá trị khác. Bởi đó Chúa mới nói “Kẻ giàu có vào nước Thiên Chúa thật là khó, còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”. Nhưng, tuy có khó thật chứ cũng có những người giàu có được vào nước Thiên đàng: trong Tin Mừng ta thấy Chúa cũng đề cao những người giàu có, chẳng hạn như ông Giakêu, tuy giàu nhưng biết sử dụng tiền bạc mình để làm những việc nghĩa.

Như vậy, Lời Chúa hôm nay không đề cao tiền bạc mà cũng không khinh rẻ chúng. Chúa chỉ muốn chúng ta lưu ý hai điều: một là nhận định đúng giá trị của tiền bạc và hai là sử dụng đúng những tiền bạc mà Chúa đã ban.

Bây giờ chúng ta hãy nhận định giá trị của tiền bạc:

tiền bạc là một yếu tố quan trọng làm cho đời ta được sung sướng

nhưng nó cũng là một con dao hai lưỡi, nghĩa là nó vừa có thể giúp ta sống tốt hơn “Phú quý sinh lễ nghĩa”, mà cũng có thể làm ta thành xấu đi, xấu đi vì tham lam, xấu đi vì gian lận, xấu đi vì lòn cúi…

vả lại tiền bạc không được bền vững: thiếu gì người hôm nay đang giàu sụ, thế mà ngày mai đã trở thành tay trắng.

và nhất là khi chết ta không thể mang tiền bạc theo được.

Sau khi đã nhận định đúng giá trị của tiền bạc, chúng ta hãy lắng nghe Chúa dạy phải xử dụng tiền bạc như thế nào: Hãy dùng tiền bạc đời này để làm giàu cho đời sau.

  1. Chuyện minh họa

a/ Ba người bạn

Người kia có 3 người bạn. 2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba thường thường vậy thôi. Ngày kia ông bị tòa bắt xử liền xin 3 người bạn đi theo để biện hộ. Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích nhưng tỏ ra trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta không những trắng án mà còn được thưởng nữa.

Người bạn thứ nhất là Tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Người bạn thứ hai là Bà Con Bạn Hữu. Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các Việc Lành. Chúng theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên đàng. (Trích “Phúc”)

b/ Những thứ tiền không mua được

George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, có lần viết: “Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn.”

Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được:

Tiền không mua được tình bạn chân thực.

Tiền không mua được lương tâm trong sạch.

Tiền không mua được niềm vui mạnh khoẻ.

c/ Đổi tiền

Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghiã Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.

  1. Mảnh suy tư

Một buổi tối, tôi thả bước lang thang

Tôi đi từ những khu phố lấp lánh ánh đèn

Bước chân dần dần đưa tôi đến vùng ngoại ô vắng vẻ

Ở đấy tôi thấy ngàn vạn ánh sao còn rực rỡ gấp bội.

Và tôi chợt hiểu ra rằng những ngọn đèn trần thế dễ che lấp những ngọn đèn trời đến mức nào.

Và tôi cầu nguyện: Lại Chúa xin cho những hào nhoáng của đời này đừng bao giờ làm cho con mù lòa không còn thấy ánh vinh quang Nước Trời.

  1. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, chia cơm sẻ áo cho những người nghèo khổ là cách làm giàu tốt nhất trước mặt Thiên Chúa. Với ước moong sống trọn vẹn tinh thần bác ái của Tin mừng, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

  1. Hội thánh luôn quan tâm giúp đỡ bất cứ ai đang gặp đau khổ / bệnh tật / nghèo đói / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho công cuộc từ thiện của Hội thánh / xoa dịu được phần nào đau khổ của nhân loại.
  1. Tiền bạc của cải không đem lại hạnh phúc thật sự cho con người / trái lại làm nhiều người trở nên hư hỏng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người / biết sử dụng đúng đắn tiền bạc có được / do lao động lương thiện của mình.
  1. Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết sống tinh thần nghèo khó của Tin mừng.
  1. Giúp đỡ những ai đang gặp khó khăn là bổn phận của người Kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thật tình chia sẻ cơm áo cho những ai đói nghèo.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khôn ngoan tích trữ kho tàng trên trời bằng những việc lành phúc đức của chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

  1. Trong Thánh Lễ

– Trước kinh Lạy Cha: Trong kinh Lạy Cha có câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Điều Chúa nhấn mạnh hơn trong câu này không phải là chữ “lương thực” cho bằng chữ “hằng ngày”, nghĩa là chúng ta vừa xin cho có lương thực vừa xin cho khỏi lòng tham, nhưng biết phó thác cuộc sống cho Chúa quan phòng.

VII. Giải tán

Chúng ta sắp trở lại cuộc sống mà trong đó mọi người bon chen, tranh dành nhau tiền bạc của cải. Là những môn đệ của Chúa, chúng ta hãy cố gắng sao để vừa làm ăn kiếm tiền vừa không bị tiền làm cho mình ra xấu xa tội lỗi.

CẨN TRỌNG KHI SỬ DỤNG TIỀN CỦA

Jos. Vinc. Ngọc Biển

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN, C

(Gv 1,2 ; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21)

Đã từ lâu đời, nơi xã hội loài người, con người luôn coi trọng đồng tiền. Đồng tiền nhiều khi đóng vai trò quyết định thành công hay thất bại… chẳng thế mà người ta thường nói:

“Đồng tiền là tiên là phật

Là sức bật của con người

Là nụ cười của tuổi trẻ

Là sức khỏe của tuổi già

Là cái đà danh vọng

Là cái lọng che thân

Là cán cân công lý…!”.

Và còn có những người mạnh miệng hơn khi tuyên bố rằng: “Có tiền mua tiên cũng được”.

Tuy nhiên, phụng vụ Lời Chúa hôm nay chỉ ra sự giới hạn của đồng tiền. Đồng thời cũng dạy cho chúng ta bài học về cách sử dụng tiền của sao cho hợp lý, để nó không chỉ có ích cho cuộc sống, mà còn có lợi cho phần hồn và ơn cứu chuộc.

1-Thái độ của con người về tiền bạc

Khi diễn tả tâm lý của con người về sự quý chuộng đồng tiền, người ta đã đúc kết qua một câu nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”.

Bởi vậy, nhiều người đã dành cả một cuộc đời cặm cụi kiếm tiền, tìm mọi cách để giữ tiền và không chịu rời bỏ đồng tiền. Khi phải sử dụng hay mất mát, họ cảm thấy như mất đi một phần cuộc sống, chẳng khác gì: “Của đau con xót”.

Thực ra, việc kiếm tiền và giữ tiền tự bản chất không xấu. Tuy nhiên, sử dụng tiền làm sao cho hợp lý mới là điều đáng lưu tâm.

Đáng buồn thay, trong thực trạng xã hội hiện thời, người ta coi trọng đồng tiền đến độ tôn thờ nó như ông chủ. Họ sẵn sàng sử dụng đồng tiền để làm cho cán cân công lý bị lệch chuẩn cũng như đổi trắng thành đen…

Thật vậy:

Đồng tiền không phấn không hồ,

                              Đồng tiền khéo điểm, khéo tô mặt người”.

Chính vì lẽ đó, mà thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thốt lên một cách chua chát:

Nếu không điều lợi khôn thành dại,

                                      Đã có đồng tiền dở cũng hay”.

Nếu sử dụng đồng tiền cho tốt thì nó sẽ trở thành tên đầy tớ trung thành, còn nếu sử dụng sai, nó sẽ là ông chủ bất nhân và lẽ đương nhiên, ta trở thành nô lệ cho nó.

Kinh nghiệm cuộc sống của mỗi người đã dạy cho chúng ta bài học về đồng tiền. Thật vậy, đồng tiền nó cũng có thể trang điểm cho chúng ta vinh quang, danh dự và giúp chúng ta trở thành con người có nhân nghĩa với anh chị em đồng loại. Nhưng ngược lại, đồng tiền nó cũng nhấn chìm chúng ta xuống tận bùn đen và nó tước hết tất cả những gì là danh thơm tiếng tốt nơi mỗi người nếu đặt để chúng sai vị trí!

2-Thái độ và lời dạy của Đức Giêsu về tiền bạc 

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho thấy thái độ của Đức Giêsu về vấn đề tiền bạc và làm toát lên lời dạy của Ngài cho người đương thời biết sự giới hạn của đồng tiền.

Câu chuyện được khỏi đi từ việc có hai anh em đến nhờ Ngài phân chia tài sản, bởi lẽ, trước mắt họ, Đức Giêsu là một bậc thầy rabbi có uy tín trong dân, nên việc nhờ Ngài phân chia tài sản là điều cần thiết.

Tuy nhiên, trước lời đề nghị này, Đức Giêsu đã thẳng thắn từ chối vai trò trung gian. Ngài từ chối, không phải vì Ngài thờ ơ, lạnh lùng với thực trạng cuộc sống của hai anh em này. Nhưng qua đó, Ngài muốn khẳng định rằng: sứ vụ Thiên Sai của Ngài không phải là để làm những chuyện như thế, mà là loan báo ơn cứu độ và phần rỗi của con người. Vì thế, Ngài đã trả lời khi được đề nghị: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người  xử kiện hay chia gia tài cho các anh”?.

Nhân dịp thuận lợi này, Đức Giêsu đã dạy cho hai anh em này bài học: hãy tránh xa mọi thứ tham lam, bởi lẽ những của cải chiếm dụng được sẽ không đảm bảo cho được sống đời đời. Vì thế, đừng cậy dựa vào chúng quá lẽ.

Như một sự chứng minh, Đức Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn nhà phú hộ giàu có, nhưng đã không biết sử dụng tiền của cách chính đáng và hữu ích.

Lý do, ông phú hộ này khi có tiền của dư thừa, đã chè chén say sưa, xây dựng đền đài kho lẫm khổng lồ; ăn chơi phung phí, không hề nghĩ đến việc chia sẻ cho người nghèo và mưu cầu sự sống mai sau, tức là phần hồn. Ông ta coi những thứ đó như là một thứ đảm bảo cho cuộc sống của ông. Vì thế, ông ta đã ngủ mê trên sự giàu có, nhưng thực ra, đến ngày tận cùng, sự giàu có đó đã tố cáo ông và làm cho ông trắng tay.

Kết thúc câu chuyện, Đức Giêsu đưa ra giả thiết: “Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi” thì lúc đó: “Những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai”?.

3-Thái độ của người Kitô hữu về việc sử dụng tiền bạc 

Lời cảnh tỉnh trên của Đức Giêsu đã là một sự cảnh báo cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Vì thế, với tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải chọn sao cho trọn. Tức là trước khi lựa chọn, chúng ta hãy xét đến sự ưu tiên.

Sách Giảng Viên trong bài đọc I đã đưa ra lời nhắc nhở: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.

Sang bài đọc II, thánh Phaolô tiếp nối tư tưởng đó để khuyên bảo tín hữu của ngài khi đã trở nên thụ tạo mới, mặc lấy Đức Kitô và thuộc về Ngài qua Bí tích Rửa Tội, thì: “Hãy hướng lòng trí  về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.

Và, như một sự mặc khải, Đức Giêsu đã chỉ dạy thật rõ ràng: “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”.

Nhưng oái oăm thay! Nhiều người trong chúng ta không mảy may đến những lời cảch báo trên, mà ngược lại, chúng ta đã thượng tôn đồng tiền đến độ tôn thờ chúng. Coi chúng như gia tài. Giữ chúng như kho báu. Nên đã tìm mọi thủ đoạn để chụp giật được đồng tiền, đôi khi bán rẻ cả lương tâm để có được đồng tiền. Khi có nó, chúng ta đã phung phí cách thỏa thích nơi các cuộc ăn nhậu vô bổ, hút chích cũng như những việc làm bất chính khác…!

Trước những thái độ trên, hẳn là chúng ta đã đi vào vết xe đổ của nhà phú hộ ngu ngốc trong bài Tin Mừng hôm nay.

Sứ điệp Lời Chúa dạy chúng ta rằng:

Nhiều tiền lắm bạc không phải là tội hay xấu xa, nếu đồng tiền được làm ra bởi công khó của mình. Mặt khác, giàu có mà biết sử dụng đúng mục đích thì thật là hữu ích không chỉ cho phần xác, mà còn cả phần hồn. Vì thế, giàu có trước mặt Thiên Chúa không hệ tại ở đồng tiền, mà là ở cách sử dụng đồng tiền.

Cần nhớ rằng: “Chúng ta đã chẳng mang gì vào trong thế gian, và chúng ta cũng không thể mang bất cứ cái gì ra khỏi đó” (1Tm 6,7).

Vì thế, đừng bám víu quá lẽ vào tiền bạc, mà hãy: “Sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,33), đó là sự sẻ chia cho người nghèo.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: chỉ có sự cho đi thì mới là gia tài của chúng con. Bởi vì khi nằm xuống, những gì chúng con đang có, cũng phải trả lại cho đời. Những gì thuộc về chúng con thì từ nay không còn nữa. Chỉ những gì đã cho đi vì lòng mến thì mới thuộc về chúng con và nó sẽ theo chúng con đến trước tòa phán xét để bênh vực chúng con mà thôi. Amen.

 

SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

THỨ HAI

KHÔN NGOAN VÀ THƯƠNG XÓT

(Mt 14,l3- 21)

Xem lại CN 18 TN A, CN 18 TN B,

Lễ Mình Máu Thánh năm C  và thứ Sáu tuần 2 PS và thứ Hai tuần 18 TN.

Khi đọc chuyện các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy có những cuộc truy lùng của vua chúa quan quyền rất gắt gao thời bấy giờ. Khi hay tin, các ngài thường lẩn trốn để tránh cơn nguy biến ập đến cho mình và đoàn chiên. Sự tránh né đó không phải do nhát đảm, cũng không phải sợ chết, nhưng đây là cách khôn ngoan vì ích lợi của con chiên.

Hôm nay, đoạn Tin Mừng khởi đầu bằng việc thông báo cho biết rằng: sau khi Đức Giêsu nghe tin Gioan bị bắt, Ngài đã lẩn trốn vào nơi hoang vắng để tránh sự ra tay tàn ác của vị vua này. Bởi lẽ Ngài thừa hiểu số phận của Gioan thì cũng là số phận của chính Ngài. Nhưng giờ của Đức Giêsu chưa đến, nên Ngài đã tiến vào hoang mạc…, tìm nơi thanh vắng, một mặt để thoát nạn, mặt khác để thầy trò tâm tình sau những ngày vất vả ngược xuôi vì sứ vụ.

Tuy nhiên, vì đám đông rất cảm phục những lời khôn ngoan, nên đã tìm đến để nghe Ngài giảng dạy. Họ nghe đến say mê, nghe đến nỗi quên ăn, nên khi chiều đến, ai nấy đều đói. Vì thế, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương, nên không những nuôi dưỡng họ bằng Lời Hằng Sống, mà còn nuôi họ về mặt phần xác khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và yêu thương chữa lành bệnh tật cho họ.

Tuy nhiên, để phép lạ được thành hiện thực, Đức Giêsu cần sự cộng tác của người môn đệ, vì thế, Ngài đã truyền lệnh cho các ông: “Hãy mang lại đây cho thầy”;“hãy cho họ ăn”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Trước hết, khi giờ chưa đến, thì cần khôn ngoan để tránh sự nguy hiểm do kẻ thù gây nên.

Thứ hai, hãy tin tưởng vào quyền năng tuyệt đối nơi Đức Giêsu. Bởi vì khi lòng thương xót của Ngài được đụng chạm đến chúng ta, thì mọi chuyện được dư thừa như chỉ có 5 chiếc bánh và hai con cá. Nhưng khi đã được Đức Giêsu can thiệp nuôi cả 5 ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em mà sau đó còn thu lại được 12 thúng đầy.

Thứ ba, hãy biết thương đến những người nghèo, nghèo về thể xác, nghèo về tinh thần. Luôn tìm cách chữa trị những vết thương thể xác và tâm linh cho anh chị em chúng ta. Chúa không chấp nhận việc chúng ta thương hình thức, tức là chỉ có nói, mà Ngài muốn chúng ta thương thật, tức là hành động kịp thời.

Lạy Chúa Giêsu, phép lạ hóa bánh ra nhiều đã thể hiện tình thương của Chúa dành cho nhân loại vô bờ. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết rung động trước nỗi khốn cùng của anh chị em đồng loại, để chung tay cộng góp nhằm làm cho cuộc sống của họ bớt khổ hơn. Nhưng trước hết, xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan để biết điều nên làm và điều không nên hoặc chưa nên. Amen.

 

THỨ BA

HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA

 (Mt 14, 22-36)

Xem lại CN 19 TN A, CN 6 PS C,

lễ Cung Hiến Đền  Thánh Phê-rô và Phao-lô, ngày 18 tháng 11.

Trong cuộc sống, nơi xã hội hôm nay luôn có những bất trắc. Nào là chuyện “cá lớn nuốt cá bé”; hay “ma mới bắt nạt ma cũ”; hoặc “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Một xã hội như thế, người ta lấy thước đo để đánh giá vấn đề, sự kiện… dựa vào tiền và quyền… Vì thế, không lạ gì khi vẫn còn đó tình trạng áp bức, bất công với người lương thiện và thấp cổ bé họng!

Đứng trước thực trạng ấy, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: “Thiên Chúa ở đâu?”; “Ngài có thực sự hiện hữu không?”; “Nếu có, tại sao lại có chuyện con người thay Trời hành đạo như vậy?”.

Hôm nay, bài Tin Mừng tường thuật việc các môn đệ đang trên thuyền để đi sang bờ bên kia. Trong lúc các ông trèo thuyền ra xa, thì gió lớn nổi lên, khiến các ông lo sợ. Đúng lúc đó, Đức Giêsu hiện đến mà các ông không nhận ra Ngài. Vì thế, trong cơn hốt hoảng, các ông đã la lên: “Ma đấy”. Thấy vậy, Ngài đã trấn an các ông và nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Tuy nhiên, chưa tin và vẫn còn nghi ngờ, nên Phêrô đã thử liều một phen mang tính thách thức: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.

Sự kiện Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ và việc cho Phêrô đi trên mặt nước với Ngài giúp cho chúng ta hiểu rằng: Chúa vẫn luôn còn đó trong cuộc đời. Mọi khó khăn thử thách, Ngài luôn có mặt, chỉ có điều chúng ta có một đức tin đủ mạnh để vượt qua mọi khó khăn và có đủ độ nhạy bén để nhận ra Ngài hay không mà thôi!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học: nếu có niềm tin và tín thác vào Chúa trong sự khiên tốn thì sẽ được Chúa thương.

Mong sao trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy nhớ đến câu nói của Đức Giêsu khi xưa: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con nhiều khi hoang mang và sợ hãi chẳng kém các môn đệ của Chúa là bao! Nhưng như các môn đệ, các ngài đã tin vào Chúa và được Chúa cứu, thì xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con cũng được Chúa thương như các môn đệ khi xưa. Amen.

 

THỨ TƯ

NHỜ NIỀM TIN CỦA MẸ MÀ NGƯỜI CON ĐƯỢC CỨU SỐNG

(Mt 15, 21- 28)

Xem lại CN 20 TN A.

Trong câu chuyện kể về phép lạ của Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, người ta kể về gương sáng đức tin của một bà mẹ. Chuyện kể rằng: nhờ mối liên hệ thân tình với Đức Hồng Y, lòng quý trọng và niềm tin tuyệt đối vào ngài, vì thế, bà thường xuyên cầu khấn với ngài khi con bà đang trong tình trạng hôn mê sâu nhiều tháng và chỉ còn chờ chết ngay tại đất nước Hoa Kỳ văn minh tiến bộ vào hạng nhất nhì thế giới!

Quả thật, cậu chủng sinh con bà đã thoát khỏi tử thần khi được chính Đức Hồng Y cầu thay nguyện giúp nhờ vào lòng tin của bà mẹ.

Hôm nay, Tin Mừng cũng trình thuật phép lạ Đức Giêsu đã làm khi cho một bé gái thoát khỏi quỷ ám nhờ vào lòng tin của mẹ em.

Thật vậy, lời cầu xin“Lạy Ngài là con vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi” của người phụ nữ xứ Canaan đã đụng chạm đến lòng trắc ẩn của Đức Giêsu, nên bà đã được Ngài xót thương. Nhưng Đức Giêsu còn muốn kiểm chứng đức tin của bà xem có phát xuất từ con tim yêu mến hay chỉ là thực dụng???

Tuy nhiên, càng đi sâu vào câu chuyện, chúng ta lại càng thấy niềm tin ấy được tỏa sáng. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì qua sự thinh lặng của Đức Giêsu và nhất là lời khước từ của Ngài khi nói: “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”. Đồng thời, bà còn gặp khó khăn khi những người Dothái cũng như của chính các môn đệ ngăn cản không cho bà đến gần Đức Giêsu, thế nhưng, niềm hy vọng vào tình thương của Chúa đã làm cho bà đặt hết niềm tin tưởng nơi Ngài. Vì thế, bà đã thốt lên: “Nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Đứng trước niềm tin đặc biệt đó, Đức Giêsu đã phải chạnh lòng thương đến con bà khi nói: “Lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Trong cuộc sống hiện nay của chúng ta nhiều khi đức tin mang tính nhất thời, tức là chỉ tin khi thuận tiện. Mặt khác, niềm tin của mỗi người có lúc mang tính nửa vời, tức là tin Chúa 50%; 50% còn lại thì dành cho những thần khác…

Tuy nhiên, niềm tin thì hời hợt như vậy, nhưng khi có người khác thể hiện niềm tin vào Chúa thì chúng ta lại tìm cách ngăn cản hay cho là phù phiếm… như các môn đệ và người Dothái khi xưa. Phải chăng họ không muốn vào Nước Trời, nhưng những người muốn vào thì chính họ lại ngăn cản không cho vào.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt niềm tin tuyệt đối nơi Chúa. Đồng thời ý thức rằng: niềm tin trưởng thành là một niềm tin trải qua thử thách và có kinh nghiệm thực sự về Chúa. Cuối cùng, hãy biết noi gương Chúa để thi ân giáng phúc cho những người hoạn nạn, kể cả họ là kẻ thù của ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi chúng con biết yêu mến Chúa và luôn đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Xin cũng cho chúng con có lòng nhân hậu với hết mọi người. Amen.

 

THỨ NĂM

CẦN TUYÊN XƯNG ĐỂ ĐÓN NHẬN SỨ VỤ

(Mt 16, 13-23)

Xem lại CN 21 TN A,

lễ kính Toà Thánh Phê-rô 22/2

lễ thánh Phê-rô và Phao-lô 29/6

“Người ta bảo Con Người là ai?”.

Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ như vậy? Câu hỏi này của Đức Giêsu có ý gì?

Thưa vì những lý do sau:

Thứ nhất, Ngài và các môn đệ đang ở vùng Cêsarêa Philipphê, đây là vùng đất của dân ngoại. Địa danh này còn được biết đến là một trung tâm thờ thần Baan. Nơi đây cũng có thể là nơi “chôn nhau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias – thần thiên nhiên.

Dân chúng ở đây, trong tâm thức của họ, Đức Giêsu chỉ là một nhân vật vĩ đại và thuần túy, hay chỉ là người tiếp nối quá khứ truyền thống các tiên tri mà thôi. Sẵn có lối suy nghĩ như vậy, nên họ không hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì thế không lạ gì khi được hỏi về dư luận trong dân chúng về mình, các môn đệ đã thông tri cho Đức Giêsu biết: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Khi nghe thấy như thế, Đức Giêsu không thỏa mãn với câu trả lời đó, nên đã hỏi trực tiếp các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô đã thay mặt anh em lên tiếng:  “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Khi Phêrô tuyên xưng điều đó, có lẽ ông cũng không hiểu hết, bởi vì mầu nhiệm này quá sức của ông và các môn đệ khác.

Quả thật, “Đấng Kitô” mà Đức Giêsu muốn các môn sinh của mình hiểu ở đây không chỉ đơn thuần theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa sinh ra, mà còn là người hành động như Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa. Còn “Con Thiên Chúa hằng sống ”, tức Ngài là Đấng tự hữu và tự tồn tại, vì thế “Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.

Thứ hai, đây là dịp để Đức Giêsu trắc nghiệm niềm tin của các môn đệ vào mình, bởi lẽ không thể trao phó một trách nhiệm quan trọng mang tính trường tồn cho một kẻ kém tin và không hiểu biết gì về Người Trao.

Vì vậy, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin, ngay lập tức, Ngài đã đổi tên của ông là Simon thành Phêrô và giải thích là “Đá Tảng”, đồng thời, Ngài cũng đặt gánh nặng lên vai Simon Phêrô: “Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” và “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

Khi nói Phêrô là “Đá Tảng”, Đức Giêsu cho biết, đây là một thực tại chắc chắn, không lay chuyển, không thay đổi.

Thứ ba, khi đặt Phêrô làm “Đá Tảng” để xây dựng Giáo Hội, Đức Giêsu muốn chúng ta tin rằng:

Giáo Hội được Ngài thiết lập trên “Đá Tảng” là Phêrô, và chúng ta là người được ở trong tòa nhà đó, hẳn chúng ta phải xác tín rằng: “quyền lực tử thần sẽ không phá nổi”.

Thật vậy, trải qua biết bao thế kỷ, Giáo Hội luôn đứng vững trước sự công phá của ma quỷ, không những thế, Giáo Hội còn giải thoát con người khỏi ách của tội lỗi… và sự chết.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy vững tin vào Đức Kitô, vì “Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống”. Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Bí tích Hòa Giải. Vâng phục, yêu mến đấng thay mặt Chúa, kế vị Thánh Phêrô là Đức Giáo Hoàng. Đồng thời luôn biết thể hiện tinh thần hiệp thông để xây dựng Giáo Hội của Chúa trên trần gian này, hầu cho nhiều người nhận biết “Ðức Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống”. Amen.

 

THỨ SÁU

TỪ BỎ MÌNH ĐỂ ĐI THEO CHÚA

 (Mt 16, 24-28)

Xem lại CN 22 TN A .

Ngày nay, khi đi phỏng vấn để xin việc, người ta thường đòi hỏi những điều kiện về sức khỏe và chuyên môn, đồng thời tùy một số công việc đặc thù, cần phải có sự thỏa thuận cụ thể hơn. Cũng vậy, khi được gọi để trở thành môn đệ, Đức Giêsu cũng đòi hỏi người môn sinh phải hội đủ những điều kiện cần thiết để chu toàn bổn phận của người thừa sai, hầu những ai được gọi và chọn thì đều cảm thấy hạnh phúc khi thi hành sứ vụ của người sai đi.

Hôm nay, bài Tin Mừng kể lại việc Đức Giêsu đòi hỏi những người Ngài muốn gọi và chọn để ra đi thi hành sứ vụ cần phải “từ bỏ mình và vác thập giá theo Ngài”.

Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy buồn cười và có sự mâu thuẫn! Tuy nhiên, nhìn dưới khía cạnh của Kinh Thánh, thì sự đòi hỏi này của Đức Giêsu mang tính tự do cho người đón nhận chứ không phải vì ép buộc. Tức là tự nguyện từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, hay ăn trên ngồi trước, để lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi và niềm vui của kẻ khác.

Từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo, tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi. Con đường đó là một con đường hẹp. Con đường của hy sinh, thiệt thòi. Con đường của tự hủy. Con đường khiêm tốn và là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn.

Thật vậy, từ bỏ chính mình quả là điều khó nhất, bởi vì: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3). Nhưng nhiều người lại có suy nghĩ là: bỏ tất cả, nhưng từ bỏ mình thì nhất quyết không, bởi vì họ từ bỏ cái tôi thì phải chăng họ không còn là họ nữa!

Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu muốn các môn đệ ra khỏi sự ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo, để ý Chúa rợp bóng trên cái tôi của mình, và chính từ đó, tôi được trở thành tôi đúng nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết an vui khi chọn Chúa làm gia nghiệp. Xin cũng cho chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.

 

THỨ BẨY

KIÊU NGẠO SẼ THẤT BẠI

(Mt 17, 14-20)

Xem thêm thứ Hai tuần 7 TN .

Một sự cám dỗ lớn lao nhất thường đến với con người, đó là cơn cám dỗ về sự kiêu ngạo.

Thật vậy, sự kiêu ngạo nó thường trực trong con người, và mức độ nguy hiểm của chúng là rất cao. Có thể ví rằng: sự kiêu ngạo luôn nhăm nhe bừng phát, chúng giống như bình xăng còn ma quỷ như bó đuốc. Nếu không cẩn thận và đề phòng bằng sự khiêm nhường, ắt không sớm thì muộn, chúng cũng làm cho bình xăng bốc cháy!

Đọc lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy, từ xa xưa, người ta vẫn bị mắc vào cám dỗ này.

Khởi đi từ Nguyên Tổ loài người là Ađam và Evà; rồi câu chuyện tháp Babel, đến hành động của Môsê, Aharon, Đavít, và ngay cả đến các môn đệ, tất cả đều bị ngã gục trước sự cám dỗ của ma quỷ dưới lưỡi hái của sự kiêu ngạo.

Thật vậy, cậy vào sức riêng của mình là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vì tự tin đến độ không cần đến Thiên Chúa thì lại là kẻ bất thường, vì thế, thất bại là lẽ đương nhiên.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy việc các môn đệ thất bại trong việc trừ quỷ. Nguyên do chính là do các ông tự mãn và cậy vào khả năng riêng của mình chứ không phải là niềm tin vào Thiên Chúa.

Tin Mừng thuật lại, sau khi Đức Giêsu đưa ba môn đệ lên núi Tabor, số môn đệ còn lại ở dưới núi, vì thế người ta mang đến cho các ông một đứa trẻ bị quỷ ám mắc kinh phong. Các ông đã trừ mà không được. Nên thấy Đức Giêsu xuống, dân chúng đã xúm lại và xin Ngài chữa lành. Sau khi Ngài chữa cho bé gái khỏi quỷ ám. Các môn đệ tiến lại gần và hỏi: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?”. Đức Giêsu mặc khải cho họ biết: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”.

Sau khi các ông nhận ra sự thất bại của mình và hiểu rõ về sức mạnh của niềm tin, Đức Giêsu muốn dạy các ông sự khiêm nhường và gắn bó với Thiên Chúa cách trọn ven thì mới có thể thi hành được sứ vụ.

Trong cuộc sống đức tin của chúng ta, có lẽ không cần phải xin Chúa cho được chuyển núi dời non theo nghĩa đen. Nhưng điều mà chúng ta cần chuyển dời chính là ngọn núi của kiêu căng, tự ái, ghen ghét. Có thế, chúng ta mới để cho đức tin mà Thiên Chúa ban cho chúng ta được lớn mạnh.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết gắn bó với Chúa để được Chúa yêu thương. Amen.

HÃY BỀN TÂM VỮNG CHÍ

Huệ Minh

Nhìn lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người ta cảm thấy có điều gì đó nực cười nhưng lại không dám cười. Có lẽ điều nổi bật nhất là con người không ngừng lỗi phạm đến Thiên Chúa và Thiên Chúa không ngừng thứ tha cho con người. Và rồi, xét cho kỳ cùng: cũng nhờ sự lỗi phạm ấy mà con người biết rõ hơn về Thiên Chúa và về chính bản thân mình: mình thì hết sức mỏng dòn và Thiên Chúa thì thật gần gũi, rộng lượng và luôn thứ tha.

Kinh nghiệm tâm linh này giúp mỗi người sống khiêm nhường, tin cậy phó thác hơn vào Thiên Chúa và và kiên trì hơn trong cầu nguyện. Trong lãnh vực quan trọng này, chúng ta có một vị tôn sư tuyệt vời là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Hãy học với Người để biết cách cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa và ích lợi cho bản thân mình.

Nhớ lại câu chuyện trả giá như trả giá khi đi chợ giữa Abraham và Thiên Chúa thật dễ thương. Abraham cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho dân thành Sôđôm và Gômôra và xin đừng đoán phạt. Sự đối thoại trả giá diễn tả tấm lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Ông Abraham lý luận theo cách suy tưởng của con người. Ông biết rằng trong đời sống con người, có kẻ tốt, người xấu và kẻ lành, người dữ. Thiên Chúa yêu thương mọi người. Chẳng lẽ Chúa phạt cả kẻ dữ lẫn người lành sao: Abraham lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? (St 18, 23).

Ông Abraham ước muốn Thiên Chúa tha phạt cho cả thành, vì nghĩ rằng có một số người lành đang chung sống giữa họ. Ông thưa: Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? (St 18, 24). Thiên Chúa ban ơn mưa móc xuống cho cả kẻ lành, người dữ. Người lành thánh có thể giúp người tội lỗi hối cải và người tội lỗi cũng có thể giúp cho người lành phấn đấu sống thánh thiện hơn.

Ông Abraham đã trả giá với Thiên Chúa, từ 50 người lành xuống tới chỉ còn 10 người. Cả thành không kiếm được mười người lành, nên thành Sôđôm phải chịu hình phạt. Chúa nhân từ trong mọi lời Chúa phán và thánh thiện trong mọi việc Chúa đã thực hiện. Chúa sửa phạt rồi Chúa lại tha thứ và đón nhận trở về.

Lịch sử ơn cứu độ là một cuộc phấn đấu không ngừng để tinh luyện con dân nên thánh thiện. Ông Abraham hết lời: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá hủy Sôđôm” (St 18, 32).

Cầu nguyện như là một trong các nhu cầu căn bản và là một điểm quan trọng trong đời sống của người môn đệ của Chúa Giêsu và của cộng đoàn các môn đệ.

Trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói về điều tối cần thiết phải bền tâm, kiên trì cầu nguyện dù điều chúng ta nài xin Thiên Chúa là điều khó khăn được Ngài chấp nhận. Thánh Sử Luca viết nhiều đoạn trong Tin Mừng về sự cầu nguyện : Chúng ta có thể xem Luca đoạn 5, 16 ; 6,12 ; 11, 1-13.

Một hoàn cảnh khó được toại nguyện: Trong đêm khuya khoắt, người bạn đang ngủ ngon giấc, mà có người đến xin mượn vài chiếc bánh cho người thân lỡ độ đường, đang đói bụng… nhưng người này cứ lải nhải mãi, thì người kia dù không muốn, cũng phải bắt buộc cho như ý người đó xin, chỉ vì để khỏi bị quấy rầy!

Vị thẩm phán trong đoạn Tin Mừng trên là vị thẩm phán tồi tệ: Không kính sợ Thiên Chúa, cũng không vị nể bất cứ ai, cũng không xử theo luật pháp! … nhưng ông lại chịu minh oan cho bà goá, chỉ vì bà giai giẳng quá, kiên nhẫn quá, ông chịu không nổi sự giai giẳng như đỉa đói của bà, nên đã gia ân cho bà! Không vì lý do nào khác!

Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh như thế, để tất cả chúng ta, dù lâm cơn khổ cực, dù hoàn cảnh éo le nhất, khó khăn nhất, không trông mong gì được Chúa thương, thì cũng hãy bền tâm khẩn nguyện, đừng bao giờ sờn lòng, nản chí!

Chúa Giêsu dùng hình ảnh vị thẩm phán tồi tệ nhất để khích lệ tất cả chúng ta, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng đừng mất niềm Tin Cậy Thiên Chúa, Ngài là Quan Án Chí Công, Vô Cùng Xót Thương, Ngài biết tất cả mọi nhu cầu, mọi trăntrở, éo le trong mọi cuộc sống chúng ta! Ngài nghe chúng ta ngay cả khi ta chưa kịp thốt nên lời kêu cứu.

Thật vậy, Thiên Chúa và chỉ mình Ngài, là Đấng nói lên phán quyết cuối cùng, đúng lúc để giải thoát chúng ta, những người bền chí Cậy Tin nơi Ngài! Đôi lúc Ngài có vẻ như chậm trễ, nhưng trước sau, Ngài sẽ đến cứu thoát những ai tin kính Ngài! Những người luôn nhẫn nại, kiên trì, giai giẳng tin cậy Chúa, không bao giờ thoái lui! Hãy cậy trông Thiên Chúa ngay cả những lúc chúng ta nghĩ rằng: Thiên Chúa không muốn đáp lời, không muốn ban Ơn nhưng nếu cứ nài van, thì sẽ được toại nguyện!

Qua đoạn Tin Mừng trên, Chúa Giêsu dạy ta hãy bền chí, tin tưởng nài xin dù trong hoàn cảnh khó khăn, không còn chút hy vọng, cũng cứ liên lỉ nguyện cầu, thì sẽ được Thiên Chúa nhận lời.

Giống như các môn đệ, chúng ta cũng hãy cùng nhau tề tựu chung quanh Chúa Giêsu đang cầu nguyện một mình.  Chúng ta quây quần chung quanh Người và trong Người với tất cả sức lực của chúng ta, mọi ý nghĩ, mọi lời cam kết và mối bận tâm, niềm hy vọng và nỗi đau khổ của chúng ta…

Ngày nay nhân loại tồn tại và Giáo Hội tiếp tục sống còn là nhờ đời sống nhân đức của các bậc thánh nhân, những tín hữu nhiệt thành và những con người thành tâm sống gương mẫu giữa đời. Giáo hội luôn luôn cần những gương sáng để soi dọi cho những ai ngồi trong bóng tối sự dữ và sự chết.

Hôm nay, lời của Người đang nói với chúng ta, lời mời gọi tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha gửi đến cho chúng ta.  Thật ra, ta đã mãi mê với vật chấtđể rồi đến một lúc nào đó ta khám phá ra rằng tất cả những thứ đó chỉ là phù phiếm …

Sự dữ và khổ đau thất vọng đang bao phủ ta, ngoài Thiên Chúa, không thể tìm đâu được Ơn Giải Thoát! Mỗi người chúng ta rất cần có Ơn Phù Trợ của Thiên Chúa. “Dưới gầm trời này, không thể có Danh Hiệu nào cứu được chúng ta, ngoài Danh Thánh Chúa Giêsu” đó là điều Kinh Thánh đã quả quyết! Và như vậy, ta tuyệt đối cần sự trợ giúp của Thiên Chúa! Nếu không có Ngài, tất cả chúng ta sẽ không tìm đâu được Ơn Cứu Độ, và do đó, sẽ bị khổ đau và trầm luân muôn kiếp! Thiên Chúa, dù Ngài có trì hoãn đến cứu giúp, nhưng chắc chắn rằng: Ơn Cứu Thoát sẽ đến đúng lúc để cứu các con yêu luôn tuyệt đối tin tưởng, bền chí khẩn nguyện với Ngài!

Những nghịch cảnh, khổ đau trong cuộc sống là chiến trường, nơi tôi luyện Đức Tin hoàn toàn nơi Thiên Chúa cho các con của Ngài. Những nhu cầu cấp bách của linh hồn hay thân xác chúng ta là nguyên nhân giúp chúng ta thành tâm gối quỳ thiết tha khẩn nguyện liên lỉ với Thiên Chúa. Đây là dịp để chúng ta xác tín hơn: Chỉ một mình Thiên Chúa là nơi duy nhất có thể giải cứu, phù trợ ta. Chính  Ngài là núi đá, là thành lũy vững chắc nhất để ta đến nương thân trong ngày đen tối.

Trong đời sống đức tin, khi gặp những khó khăn sợ hãi, và rồi có những lúc chúng con thấy nhàm chán trong việc cầu nguyện, tất cả những cám dỗ và trở ngại đó khiến ta giảm bớt lòng tin vào vào Chúa.

Bài học Chúa dạy ta hôm nay là hãy kiên trì trong cầu nguyện, chính sự kiên trì trong cầu nguyện cũng là sự bền đỗ trong đức tin. “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được ơn cứu độ”. Xin cho ta luôn kiên trì trong cầu nguyện, để trong khi cầu nguyện ta tập luyện tin tưởng, cậy trông vào Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm tư ước vọng của chúng con, Ngài luôn biết ta đang cần gì.

Và ta xin cho ta kiên trì cầu nguyện, để ta biết tạ ơn Chúa khi Chúa thương ban ơn cho ta, biết kiên trì và chờ đợi Chúa với niềm tin tưởng cậy trông, vì ta biết rằng Chúa luôn ban cho ta những điều tốt nhất, hơn cả những điều ta ước mong.

PHỤC VỤ KHÔNG LO QUYỀN BÍNH-Huệ Minh

Chức quyền vẫn là điều gì đó làm cho con người thèm thuồng. Có khi người ta đánh đổi lương tâm cũng như chà đạp người khác để có chút chức quyền trong tay.

Từ những cuộc xung đột giữa con người sống bầy đàn thời nguyên thủy, đến cảnh chiếu trên, chiếu dưới ở làng xã và cảnh chạy chức chạy quyền ngày hôm nay trong xã hội con người vẫn cứ tranh giành chức vụ. Ngay trong chính hàng ngũ thân cận của Thầy Giêsu là Nhóm Mười Hai cũng không thoát khỏi sức hút của quyền lực. Họ đã từng cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18, 1). Và rồi ta thấy bi đát nhất là ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc Khổ Nạn, họ lại có chuyện xích mích với nhau cũng về chuyện chức quyền.

Thật sự, trong nhóm Mười Hai, hai con ông Dêbêđê là hai môn đệ được Đức Giêsu yêu quý hơn. Chẳng rõ có phải vì thế mà họ nuôi tham vọng chiếm được chỗ hai bên tả hữu của Thầy trong Nước Thầy (Mt 19, 28). Họ khéo léo nhờ mẹ của mình xin Thầy Giêsu ban cho ơn lớn đó (c. 20-21).

Ông Giacôbê và Gioan chắc chắn không quá đơn sơ và khờ khạo : hai người đã nghe tiếng gọi, tự do từ bỏ lưới, thuyền, gia đình để đáp lại tiếng gọi (Mt 4, 21-22) ; họ đã đi theo Chúa Giêsu được một thời gian đáng kể và Chúa Giêsu đã loan báo cuộc thương khó của Người đến lần thứ ba với nhiều chi tiết nhất. Như thế, hai ông thực sự có ý muốn, có suy tính và có cả một kế hoạch để thực hiện : hình ảnh lẽo đẽo theo mẹ minh hoạ điều này ; hơn nữa, mười người còn lại sẽ tức tối với hai anh này, chứ không tức tối với người mẹ. Như thế, tham vọng kiểu này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong hành trình người môn đệ theo Thầy Giêsu.

Đức Giêsu chắc không vui vì môn đệ vẫn chưa được giải thoát khỏi cái trần tục, Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” (c. 22-23)

Các môn đệ quá xa lạ với nẻo đường Thầy sắp đi, dù Thầy vừa mới cho họ biết con đường ấy, con đường bị chế diễu, bị đánh đòn và bị đóng đinh cho đến chết (Mt 20, 18-19).

Trong khi hai môn đệ thân tín còn loay hoay với những tham vọng thế gian thì Ngài kéo họ vào hiệp thông với cuộc Khổ nạn gần đến của mình. Thầy Giêsu mời họ chia sẻ với Thầy cùng một chén đắng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (c. 22). “Thưa uống nổi”, đó là câu trả lời đầy tự tin và mạnh dạn của Giacôbê, Và ông đã thực hiện lời hứa này bằng cái chết (Cv 12, 2). Nhưng Thầy cũng khiêm tốn cho biết Cha mới có quyền sắp chỗ ngồi (c. 23).

Như thế, Đức Giêsu không quan tâm đến điều họ xin, thậm chí Người cũng không có quyền. Ngài chỉ quan tâm đến chén Người sắp uống. Có lẽ hai vị tông đồ tưởng là chén rượu nho thơm ngon, nên trả lời mau mắn : “Thưa uống nổi”. Nhưng chén Người sắp uống là chén nộp mình cho sự dữ ; và khi biến cố xẩy ra, tất cả sẽ bỏ chạy !

Sẵn sàng theo Thầy không chỉ là từ bỏ mọi sự mà theo Thầy, mà còn có nghĩa là sẵn sàng sống theo cách Thầy sống, sẵn sàng nghe theo lời Thầy dạy. Khi thấy các tông đồ ganh tị với nhau, Chúa Giêsu nói ngay: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải là người phục vụ anh em”. Rồi Ngài lấy ngay gương của Ngài mà dạy các ông: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. Gương mẫu cho các tông đồ, chính là Chúa Giêsu. Ngài là Con Người, tức là vị thẩm phán tối cao Thiên Chúa đã chỉ định để phán xét thế gian và lập Nước cánh chung (Dn7,13-14), nhưng ở trần gian, Ngài lại trở thành người hầu hạ và sau cùng hy sinh cả mạng sống để cho nhân loại tội lỗi được sống.

Đức Giêsu không có quyền bính kiểu này : thống trị, lãnh đạo, điều khiển, áp đặt… Đúng là Ngài có quyền bính, nhưng quyền bính của ngài không như kiểu quyền bính thế gian : “thủ lãnh thế gian thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền cai quản dân” (c. 25). Quyền bính của Đức Giêsu là quyền bính của ánh sáng, của sự thật và của sự sống ; và ánh sáng, sự thật và sự sống được diễn tả tốt nhất bởi sự hiền lành, khiêm nhường, phục vụ, bởi hy sinh và dâng hiến mạng sống.

Chúa muốn nói đến ý nghĩa sứ vụ của người tông đồ là đến phục vụ người khác, làm chứng tá cho Chúa, loan báo ơn cứu độ của Chúa cho muôn người. Các ông đã nhận ra sứ vụ đặc biệt của mình, từ đó biến đổi lối suy nghĩ để cá ông chuyên tâm cho việc loan báo Tin Mừng. Chính vì tình yêu dành cho Chúa nên thánh nhân đã trở nên người tông đồ đầu tiên được phúc tử đạo vì danh Chúa. Chén đắng mà Chúa dành cho Ngài và Ngài đã uống chén Chúa trao cho, để vinh quang của Chúa luôn hiển trị đến muôn đời và triều thiêng dành cho ai vì danh Chúa mà hy sinh chính bản thân mình. Chúng ta những người Thừa Sai đang bước theo Chúa, được Chúa trao cho những sứ mạng khác nhau, dù đó là gian nan thử thách hãy biết phó thác, cậy trông ơn Chúa để trở nên xứng đáng là con cái Nước Trời.

Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc đời của ta, ta “lầm địa chỉ” và ta coi Thiên Chúa như một thứ “Thần Tài”. Ta hãy nhìn lại ta để ta xem ta thường cầu nguyện thế nào: Lời cầu xin của ta có nhằm để “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” không? Hay chúng đang phản ảnh những nhu cầu và ước muốn đậm màu thế tục của ta? Và khi đó, ta nhớ lời dạy của Chúa Giêsu: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Cuộc đời của ta bị nhiễm nhiều hoen ố; hoen ố bởi danh vọng, bởi chức quyền…nhất là trong xã hội hôm nay, ai ai cũng coi trọng địa vị. Nhưng cũng chính vì địa vị nhiều khi đã kéo ta xa rời tình Chúa, thiếu vắng tình người. Xin Chúa thức tỉnh ta. Xin dùng tình yêu Chúa mà hoán cải cuộc đời ta, nhất là mỗi khi chúng ta rước lấy Mình Máu Thánh Chúa.

Xin Chúa cho ta một khi đã cảm nhận được tình yêu Chúa, hãy biết sống chết cho tình yêu Ngài bằng việc phục vụ anh chị em của ta và làm chứng cho tình yêu Chúa ngay cả mạng sống mình.

HÃY SINH HOA KẾT QUẢ NHƯ LÒNG CHÚA MONG MUỐN Huệ Minh

Dụ ngôn là một hình thức giảng dạy dùng ví du từ phong tục trong dân chúng hay cuộc sống thường nhật để rút ra bài học, hay làm sáng tỏ một chân lý đạo đức hoặc tôn giáo. Có tất cả là bảy dụ ngôn được tác giả xếp lại với nhau và hôm nay chúng ta suy niệm dụ ngôn về người gieo giống. Dụ ngôn này dài và gồm có ba phần. Phần thứ nhất Chúa Giêsu công bố dụ ngôn người gieo giống. Phần thứ hai Chúa Giêsu giải thích thêm tại sao Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy. Và phần thứ ba Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của dụ ngôn cho các môn đệ.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về Nước Trời, để giác ngộ người Do Thái khỏi lầm lẫm về Nước Trời mà Ngài thiết lập không theo kiểu trần thế như họ tưởng nghĩ và mong muốn. Dụ ngôn người gieo giống cũng thuộc nhóm dụ ngôn liên hệ về Nước Trời như các dụ ngôn.

Ta cùng nhau suy niệm ý nghĩa chung của dụ ngôn. Chúa Giêsu dạy cho các đồ đệ của Ngài ngày xưa và cho chúng ta hôm nay một bài học về tinh thần lạc quan trong đời sống đức tin. Cuối cùng, ơn Chúa sẽ thắng, Lời Chúa sẽ được đón nhận và sinh hoa kết quả tốt đẹp. Những hoa trái đó có thể bù cho những thiệt mất trong thời gian chờ đợi chiến thắng cuối cùng và vĩnh viễn của Lời Chúa và ân sủng cứu rỗi của Ngài.

Chúa Giêsu thường giảng bằng dụ ngôn (Mt 13, 34). Với các môn đệ, Ngài nói rõ sự thật, với người ngay lành, Ngài dùng dụ ngôn làm cho người nghe dễ hiểu, dễ nhớ các chân lý Ngài trình bày, và khám phá dần dần sự phong phú chứa đựng trong chân lý ấy. Với người không tiếp nhận thì chân lý không tỏ ra cho họ, và nếu lời giảng nhắm thẳng vào người nghe thì lời nói không làm cho họ quá đột ngột hay khó chịu, như khi Chúa muốn nói về nhóm Biệt Phái Luật sĩ.

Hàng Tư tế Do Thái tìm đủ mọi cách để loại trừ Chúa khi Chúa dùng dụ ngôn các tá điền làm vườn nho để đến mùa nộp huê lợi cho chủ. Còn nữa, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để thực hiện những lời tiên tri báo trước về việc dùng dụ ngôn: “mở miệng ra tôi sẽ nói dụ ngôn công bố điều huyền bí thuở xa xưa” (Tv 78, 2 ).

Trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo giống lúa tại Galilêa thời Chúa Giêsu: Galilêa là một xứ nhỏ, nhiều đồi núi, ít ruộng đất, đông dân cư, nên ruộng đất phải chia nát ra thành nhiều phần nhỏ, phần đất nào cũng có đường bờ làm cương giới. Phần nhiều đất không đủ màu mỡ, có nhiều chỗ pha trộn đá sỏi, đất đã xấu lại hỗn độn đầy cỏ, nhất là cỏ gai.

Tuy nhiên cũng có nhiều chỗ đất phì nhiêu, người ta chỉ cày bừa kỹ rồi gieo vãi đợi đến mùa là gặt lúa về. Hiểu như thế giúp chúng ta dễ dàng hiểu lời Chúa hôm nay.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về người gieo giống: người gieo giống trước tiên chính là Thiên Chúa, hạt giống là Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống thế gian để cứu chuộc thế gian, đất được gieo là nhân loại, đất khác nhau vì thái độ đón nhận khác nhau của từng người. Đồng thời người gieo giống là Chúa Giêsu, và tiếp tục là Giáo Hội qua muôn thế hệ, hạt giống là lời Chúa, đất được gieo là toàn thể nhân loại nói chung, và từng người nói riêng, đất khác nhau là thái độ đón nhận của người nghe khác nhau. Khi dùng những hình ảnh quen thuộc với thính giả Galilêa, Chúa Giêsu trình bày số phận của hạt giống tuỳ theo vùng đất tiếp nhận nó, đất sỏi, bụi gai, vệ đường, lại thêm những chướng ngại bên ngoài như chim trời, nắng gắt, nhưng có hạt rơi nhằm đất tốt thì sinh hoa kết quả nhiều, hạt được gấp trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi.

Lời Chúa được giảng dạy cũng vậy, nó phát sinh hiệu quả cho người nghe tuỳ theo thái độ đón nhận của họ, và tuỳ thuộc vào cách họ sống. Chúa Giêsu đưa ra bốn loại: vệ đường, đá sỏi, bụi gai và đất tốt. Chỉ có đất tốt mới có hiệu lực sinh hoa kết quả. Xét về hình thức thì việc rao giảng thất bại vì chỉ thành công với tỉ lệ ¼ nhưng về tính chất thì loại đất thứ tư lại gấp bội ba mươi, sáu mươi, một trăm, có nghĩa là hạt giống lời Chúa luôn là tốt có một tiềm năng hiệu lực, lúc đầu xem ra thất bại nhưng cuối cùng là vào ngày cánh chung sẽ thành công vì Nước Chúa sẽ trị đến. Hạt ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu không áp đặt mà chỉ đề nghị và mời gọi mọi người hiểu được thái độ cần phải có để đón nghe lời Chúa cho sinh kết quả phần rỗi linh hồn mà tạo cho tâm hồn nên một mảnh đất tốt.

Bài học về tinh thần lạc quan tin tưởng này được giãi bày trong bốn dụ ngôn về hạt giống, về hạt cải, về men trong bột và về hạt giống tự động mọc lên. Ở những câu đầu công bố dụ ngôn (Mt 13,1-9) chúng ta thấy yếu tố chính mà tác giả Tin Mừng thánh Mátthêu muốn chúng ta lưu ý đến không phải là mảnh đất, không phải là người gieo giống mà là chính hạt giống.

Dẫu rằng bị mất mát, bị thiệt thòi vì những hoàn cảnh môi trường khác nhau, nhưng có hạt giống trổ sinh được hoa trái.

Sau này, khi giải thích về dụ ngôn cho các môn đệ, yếu tố chính không còn là hạt giống nữa mà là các loại đất khác nhau đón nhận hạt giống. Các loại đất tốt xấu là những trạng thái tâm hồn con người đón nhận hạt giống Lời Chúa.

Ngày hôm nay ta dừng lại một chút để chiêm ngắm hạt giống trổ sinh hoa trái. Chúng ta hãy tin tưởng vào sức mạnh của Lời Chúa, không ngã lòng thất vọng trước những nghịch cảnh, những môi trường không thuận lợi cho Lời Chúa. Những người Do Thái chống đối khước từ Chúa đã không làm hư chương trình cứu rỗi của Ngài. Thực tế ngày nay có quá nhiều hoàn cảnh đối nghịch với Lời Chúa nhưng chắc chắn sẽ không diệt bỏ được sức mạnh trổ sinh hoa trái của Lời Chúa.

Ta cần nhận thức giá trị thiêng liêng của lời Chúa mà tha thiết lắng nghe và chăm chú thi hành, chúng ta cần có tinh thần khao khát lời Chúa như một nhu cầu của sự sống, cần gạt bỏ những chướng ngại, nhất là các thành kiến, khuynh hướng xấu trong tâm hồn chúng ta, chúng ta cần từ bỏ những sự lo lắng ham mê những sự thế gian xác thịt để có một tâm hồn thanh thoát, trong sạch đón nhận lời Chúa.

Với tất cả những điều đó, ta cần tu luyện cho có một tâm hồn khiêm nhường biết tin tưởng cậy trông, và yêu mến lời Chúa để cho lời Chúa biến đổi đời sống chúng ta, dẫn đưa chúng ta đến ơn cứu độ, đến sự sống đời đời. Từ đó chúng ta trở nên một tông đồ đem lời Chúa đến cho mọi người cách hăng say nhiệt thành vì phần rỗi của mọi anh em của ta.

CHỖI DẬY VÀ LÊN ĐƯỜNG NHƯ MARIA MAĐALÊNA Huệ Minh

Cả bốn sách Tin Mừng đều thống nhất một điều là cô Maria Mađalêna là người đầu tiên gặp Chúa Kitô phục sinh (Mt 28, 9-10; Mc 16, 9-11; Lc 24, 10). Maria Mađalêna có một quá khứ ảm đạm nhưng đã được biến đổi hoàn toàn từ khi cô gặp Đức Kitô: sau khi được Ngài giải thoát khỏi bảy tên quỷ, cô gia nhập đoàn những môn đệ đi theo Ngài trên mọi nẻo đường truyền giáo (Lc 8, 1-4); cô có mặt bên cạnh Chúa Giêsu dưới chân thập giá cùng với Đức Maria và người môn đệ được Chúa yêu mến (Ga 19, 25-26).

Thánh Augustinô đã gắn cho Maria Mađalêna một tên gọi rất dễ thương là “tông đồ của các tông đồ” vì cô được Đức Kitô phục sinh giao sứ mạng báo tin cho các tông đồ: “Tôi đã thấy Chúa.”

Trong tất cả các nhân vật của sách Tin Mừng, ta chưa thấy ai bày tỏ tình yêu của mình với Chúa Giêsu cách đặc biệt như chị Maria Mađalêna. Thật vậy, phải là người yêu mến Thầy Giêsu mãnh liệt lắm mới nóng ruột ra mộ từ lúc sáng sớm, khi trời còn tối, mà quên mất điều quan trọng: ai sẽ lăn tảng đá to che lấp cửa mộ? Hai ông Phêrô và Gioan ra mộ rồi cũng trở về, chỉ có chị còn nấn ná ở lại, không thất vọng, vẫn kiên nhẫn tìm kiếm Thầy. Chúa Kitô phục sinh trân trọng tình cảm của chị, nhưng đồng thời Ngài cũng giáo dục chị: đừng giữ riêng Ngài lại cho riêng mình, như một kỷ niệm đẹp, theo tình cảm sướt mướt, mà hãy gặp Ngài trong sứ mạng, trong trách nhiệm.

Thật vậy, Maria Mađalêna là người phụ nữ “đã yêu mến nhiều, vì tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha”; và chính cái nét ‘yêu mến nhiều’ này đã được Gioan dùng để phác họa lại nhân vật Mácđala trong toàn cảnh bức tranh tử nạn và phục sinh.

Chắc có lẽ Maria Mađalêna “đã yêu mến nhiều, vì tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha” mới xứng đáng xức dầu thơm “có ý dành cho ngày mai táng Thầy” (Ga 12,7), mới xứng đáng đứng gần thập giá khi Chúa Giêsu thốt lên: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi gục đầu xuống và trao Thần Khí’ (19, 25), mới ‘sáng ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối… đã đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ… liền chạy về gặp Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến…’ (20, 12), mới ‘đứng ngoài, gần bên mộ, mà khóc…’ (20,11), và mới âu yếm kêu lên với Thầy đã sống lại: “Rápbuni!” (20,16)

Quả thật là như vậy ! Chỉ có ai “đã yêu mến nhiều,vì tội… rất nhiều nhưng đã được tha” mới đáng có cái vinh dự làm được tất cả các điều ấy, và làm cách chân thành nhất với cả cõi lòng mình. Nhiều người đã muốn gọi Maria Mađalêna  là ‘tông đồ cho các tông đồ’, hay một nữ anh hùng trong niềm tin, nhưng thiết tưởng còn hơn thế nữa: chị nên được coi là mẫu mực hay tiêu biểu của ơn gọi Kitô hữu qua mọi thời đại, không phải về mặt luân lý đạo hạnh nhưng về chính diện Tin Mừng. Kể từ ngày lãnh nhận phép rửa ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, Kitô hữu được sách Công Vụ Tông Đồ mô tả như những con người ‘đau đớn trong lòng…’ vì nhận ra những lỗi tội mình phạm, để rồi đáp lại lời mời gọi của Phêrô: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội…” (Cv 2,37-38).

Và rồi ta thấy Maria Mađalêna chiếm một vị trí đặc biệt nhất.

Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, các Kitô hữu đã sớm nhận ra nơi chị hình ảnh của chính mình là ‘đứng gần thập giá’, sứ mệnh của mình là làm chứng về Giêsu đã chết và sống lại, không như một sự kiện bên ngoài, nhưng như một biến đổi sâu xa bên trong mà chính mình là một chứng nhân trực tiếp… và ra đi loan báo Tin Mừng này cho mọi người.

Những người thời chị đã  Maria Mađalêna  là ‘thánh nữ’ bởi lẽ trong khoảnh khắc đáng yêu và tuyệt dịu này đã thay đổi đời chị và chị sẽ thực hiện sau này trong phần còn lại của đời mình. Họ hiểu rằng đời Kitô hữu của họ cũng hệ tại ở việc xức dầu ‘thống hối’ mai táng Thầy mà mỗi ngày họ phải làm, vì… “Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô ấy” (Mt 26, 13).

Cuộc đời của thánh nữ Maria Mađalêna được sử sách ghi lại không mấy tốt đẹp. Ngài là một gái làm tiền, lấy đêm làm ngày và lấy ngày làm đêm. Tuy nhiên, thánh nữ đã vượt qua mọi kì thị và những cái nhìn soi mói để đến gặp Chúa Giêsu tại nhà ông trưởng hội đường. Người hy vọng Đức Giêsu sẽ làm gì để chữa lành cho cuộc sống tội lỗi xấu xa của mình.

Một cô gái làm tiền, buôn phấn bán hoa, lấy ngày làm đêm và lấy đêm làm ngày, sống ngược lại với lẽ sống tự nhiên của mọi người, làm sao có thể sống và trở thành một người tốt? Vậy mà khi biết Chúa Giêsu đang ở nhà ông trưởng hội đường, thánh nữ đã vượt qua mọi khinh bỉ, kì thị và quyết tâm đến gặp Chúa Giêsu. Gặp được Chúa, thánh nữ đã ngồi dưới chân Chúa mà khóc, rồi lấy tóc mình mà lau khô chân Chúa, để bày tỏ lòng ăn năn sám hối, một điều thật không dễ gặp được nơi Kinh Thánh. Trước thái độ khiêm tốn nhận lỗi, tin tưởng và yêu mến chân thành, chính Chúa Giêsu đã tha thứ mọi tội lỗi cho Maria Mađalêna.

Trong sự khiêm tốn, chúng ta đều cùng cảm nghiệm với cô Mađalêna rằng mình là tội nhân. Đức Kitô phục sinh, Đấng duy nhất có thể xoá tội để cứu độ và đem lại niềm vui cho chúng ta, Ngài đang sống, đang hiện diện đây trong bí tích Thánh Thể, nơi những người vẫn sống cuộc sống thường ngày quanh chúng ta.

Thánh nữ Maria Mađalêna, người đã vạch ra một con đường Kitô hữu tiêu biểu và rõ ràng nhất. Ta hãy xin Ngài dạy ta biết sống ngày càng sâu hơn sự chết và phục sinh của Đức Kitô, hàng ngày trong suốt đời ta.

Đặc biệt mỗi khi ta sa ngã lỗi phạm, xin cho ta biết ‘đứng gần thập giá’ để đón nhận hồng ân cứu rỗi…, rồi với lòng thống hối chân thành, xin cho ta chỗi dậy và gặp được Đấng Phục Sinh, để rồi được Người sai đi loan báo Tin Mừng này cho mọi người. Xin cho ta biết như Thánh Nữ Maria Mađalêna, biết biến đổi các tội lỗi mình phạm thành ‘yêu mến nhiều’ hơn, để được tận hưởng lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa.

KHIÊM HẠ TRƯỚC LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Huệ Minh

Dụ ngôn Lúa mì và Cỏ lùng được Thánh Matthêu trình bày. Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu nói đến ngày quang lâm của Con người, khi ấy các thiên sứ sẽ tách biệt kẻ gian ác (cỏ lùng) ra khỏi người công chính (lúa mì), và những kẻ gian ác sẽ bị dành cho sự hủy diệt. Dụ ngôn này phù hợp với chủ đề của Thánh Mattthêu về sự ppân biệt giữa kẻ ác và người lành cũng như về sự phán xét tối hậu.

Ý nghĩa của dụ ngôn này là không đơn giản: Dụ ngôn không được trình bày với mục đích kêu gọi con người ăn năn hầu có thể tránh khỏi hỏa ngục mà hưởng nước thiên đàng, nhưng được dùng để miêu tả sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với lòng vô tín của thế gian.

Và rồi dụ ngôn cũng là câu chuyện giàu hình ảnh thể hiện sâu sắc tình trạng đạo đức giả trong vòng hội thánh. Cỏ lùng và lúa mì trông rất giống nhau, và khi cỏ lùng mọc lên lẫn lộn giữa lúa mì thì sự phân biệt bằng mắt thường càng khó khăn hơn.

Vì những lý do khác nhau, nhiều người không thực sự chấp nhận đức tin khoác lên mình chiếc áo đạo đức và hoạt động tích cực trong hội thánh. Dù khéo léo ẩn mình trong lớp vỏ công chính, hành vi và thái độ của họ cũng sẽ chỉ ra rằng họ không phải là những tín hữu chân chính.

Ở đây, ta nói đến một dụ ngôn, dụ ngôn cỏ xấu mọc xen với lúa tốt. Lời Chúa ở đây rất sống động. Ðó là một màn kịch nhỏ, mau lẹ nhưng đầy ý nghĩa. Người ta thấy thái độ nông nổi của tôi tớ. Còn ông chủ thì chín chắn và thực tình muốn xây dựng. Ông chỉ đích danh tác giả gây ra cỏ lùng; nhưng đồng thời ông cũng muốn tôi tớ phải khiêm cung: này, ý tứ khi nhặt cỏ lùng, lỡ ra các anh lại nhổ lúa cả rễ một thể. Nghĩa là phán đoán của các anh chưa bảo đảm như những gì anh suy nghĩ và nhận định.

Hơn nữa các anh đừng quên bổn phận của các anh vì “hãy cứ để chúng mọc lên cả hai cho đến mùa gặt”. Giống tốt cũng phải mọc lên và sinh bông trái; nếu không, đến mùa gặt là ngày tận thế, giống tốt cũng chỉ là cỏ và khi ấy cũng sẽ bị bó lại để thiêu đi. Thật ra người ta không thu cỏ lùng trước đâu. Người ta thường chỉ gặt lúa mang về nhà và sau đó rơm rạ sẽ cắt sau. Thế nhưng ở đây vì tôi tớ đang muốn biết về số phận của cỏ lùng, nên buộc lòng người chủ phải nói đến nó trước.

Nhưng ý tưởng của phần giải thích dụ ngôn dường như lại nhấn mạnh đến hình phạt dành cho kẻ dữ. Chúng ta không nên lấy làm lạ vì sự chuyển hướng này. Nó cho chúng ta thấy ở mỗi thời Lời Chúa muốn mạc khải một khía cạnh riêng biệt. Vì người khôn trong Nước Trời phải biết bắt chước người gia chủ “rút ra cả cái mới cũ” mà xây dựng cuộc đời.

Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ, Ngài đã tạo dựng ra loài người và khởi đầu con người là sự tốt đẹp. Ngài để cho con người tự do trong cuộc sống. Tâm tính của mỗi người phát triển theo tâm sinh lý và môi trường chung quanh cùng với thời gian. Các tâm hồn ấy là những mảnh ruộng chờ sinh lợi hoa trái. Nhưng theo dòng đời trong tâm hồn có thể bị biến đổi, bị biến dạng bởi những điều xấu, như cây lúa tốt lành đã được gieo trồng bị giống cây cỏ lùng chen lấn.Thế nên, trong xã hội có những người có tâm tính tốt lành, nhưng đồng thời có những kẻ thâm hiểm, độc ác.

Mặt khác, trong lời thuật dụ ngôn Thánh Matthêu cho thấy, cỏ lùng được gieo trong lúc mọi người đang ngủ, điều này nhắc nhở chúng ta luôn cần khiêm nhường nhìn lại mình, vì sự chủ quan của mình không dễ gì nhận ra khiếm khuyết của bản thân, hoặc có nhận ra, thì lại tìm những lý lẽ tự bào chữa, quên đi mảnh ruộng tâm hồn mình đã dần nhiều cỏ hơn lúa. Về khía cạnh giáo dục cũng thế, các bậc phụ huynh, bấy lâu nay có quan tâm chặt chẽ đến các trẻ thơ, thiếu nhi ? Đấy là những mảnh đất màu mỡ mà những điều xấu xa luôn được lén lút gieo trồng và phát triển nếu cha mẹ lơ đãng, kém tỉnh táo thì hậu quả thật khôn lường.

Và điều đặc biệt hơn cả là ta thấy Thiên Chúa luôn luôn nhẫn nại trong sự phán xét. Giống người chủ trong dụ ngôn không muốn tôi tớ của mình do lẫn lộn mà nhổ cả lúa mì, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ chớ vội vàng phán xét mà săn đuổi những kẻ giả hình trong hội thánh.

Từ một góc nhìn khác, dụ ngôn Lúa mì và Cỏ lùng cũng có thể được hiểu như là một cách giải thích lịch sử thế giới. Thế giới là cánh đồng mà hạt giống tốt đã được gieo. Thế giới là sự sáng tạo của Thiên Chúa, và mọi điều tay ngài làm đều là trọn lành và tốt đẹp. Nhưng kẻ ác đã đến và gieo hạt giống xấu – dẫn dụ con người sa vào tội lỗi. Tình trạng của thế giới hiện nay là vẫn còn đó những hạt giống tốt – những người quay trở lại để chấp nhận ân điển của Thiên Chúa – và những hạt giống xấu – những người khước từ tình yêu của Thiên Chúa và tiếp tục chống nghịch ngài.

Lý do khiến Thiên Chúa không chịu hủy diệt những kẻ phản loạn này là vì sự hiện hữu của những người chấp nhận sự cứu rỗi của ngài, bởi vì những người này có thể bị tổn hại nếu mùa gặt đến sớm. Tuy nhiên, ngày phán xét rồi sẽ đến, khi người thiện kẻ ác được phân biệt rạch ròi – người công chính sẽ được tập hợp lại để hưởng sự sống đời đời và kẻ ác sẽ bị diệt vong.

Với trang Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy ta phải khiêm nhường hơn nữa. Ðừng dán nhãn hiệu cỏ lùng, cỏ xấu cho ai; và ai ai cũng phải cố gắng sinh hoa kết quả để khỏi trở thành cỏ dại bị thiêu trong ngày tận thế. Và nếu ta để ý trong phần giải thích dụ ngôn, ta đã thấy tác giả Thánh Kinh muốn ám chỉ rằng cỏ dại mọc ngay trong lòng Giáo Hội chứ không riêng gì ở giữa thế gian vì ông viết: Con Người sẽ sai các thiên thần của Ngài đi nhặt khỏi Nước của Ngài mọi cớ vấp phạm và hết thảy những phường tác quái.

Đứng trước tâm tình của Chúa, đặc biệt là lòng thương xót Chúa, ta phải khiêm nhường hơn, vì cỏ dại có thể mọc cả trong mảnh vườn nhà chúng ta và ngay trong lòng chúng ta. Mọi tâm tình bực tức với kẻ dữ không còn nữa. Ngược lại từ nay chúng ta phải cầu xin lòng nhân từ của Chúa nhiều hơn.

SỰ QUÝ GIÁ ĐÍCH THỰC Huệ Minh

Ở đời, người ta vẫn thường quan niệm rằng, của cải tiền bạc chính là những thứ có giá trị và quý nhất trên đời này. Thế nhưng, có người cho rằng, tiền tài không chưa đủ, còn phải có danh vọng, địa vị, tiếng tăm trong xã hội. Một số khác lại cho rằng, sức khỏe, học vấn, bằng cấp v.v.. là những thứ quý báu cho cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có quyết tâm tìm kiếm cái quý báu ấy. Biết có tiền sẽ được sung sướng, nhưng biếng nhác trác táng thì làm gì có tiền. Biết có địa vị danh vọng thì sung sướng, nhưng biếng nhác ham vui không học hành đến nơi đến chốn thì làm gì có danh vọng. Biết sức khỏe là quý báu nhưng ăn uống vô độ thì làm gì có sức khỏe.

Trang Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa muốn nói với chúng ta muốn đạt được cái quý báu phải có niềm tin và quyết tâm đánh đổi. Đánh đổi những cái đã có để lấy kho báu, không dám tin chắc đó là kho báu, không dám đánh đổi, ắt sẽ không được kho báu.

Chúa Giêsu đã kể ra hai dụ ngôn về thái độ phải có để được vào Nước Trời: thái đô của một nhà buôn nọ mua bán ngọc quý. Một hôm anh ta tình cờ gặp thấy một viên ngọc đẹp được bán với giá hời. Cả hai người này đều vui mừng, âm thầm bán gia sản lấy tiền mua bằng được thửa ruộng có chôn giấu kho báu, hoặc viên ngọc quý ấy.

Có những người, để nhận được Nước Trời, họ đã phải bỏ công, bỏ sức ra đi tìm kiếm như người trong dụ ngôn viên ngọc quý. Từ những tín điều của tôn giáo này, tôn giáo khác để tìm đường giải thoát, thoát khỏi bể khổ đời, và sau bao ngày tháng tìm hiểu Chúa,có những người đã đi quá nửa đời người trong cõi luân hồi, vị ngã và vô ngã,  và nay từng bước, từng bước tiến lên cung thánh, lãnh nhận những “viên ngọc Bí Tích”- Nước Trời mai sau và ngay cả hiện tại.

Tình cờ gặp Nước Trời  hay nỗ lưc tìm kiếm Nước Trời  “Mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28). Chính khi “yêu mến Người”, mới có thể dẫn đến việc yêu mến Nước Trời. Khi đã “yêu mến Nước Trời”, tất nhiên sẽ nhận ra “Giá Trị Nước Trời”.

Kẻ khôn ngoan đó là người kia gặp thấy một kho báu giấu trong ruộng liền vui mừng đi bán tất cả những gì anh có mà tậu thửa ruộng ấy. Kẻ đó cũng là thương gia nọ rảo tìm ngọc quý, gặp được một viên ngọc trai đắt giá, liền đi bán sạch mọi điều ông có mà mua lấy. Cuối cùng kẻ khôn ngoan đó cũng là người gia chủ biết rút tự trong kho tàng của ông ra điều mới và điều cũ.

Kho báu và viên ngọc quý trở thành động lực thôi thúc người ta sẵn sàng hy sinh những gì mình đang có để chiếm hữu được nó. Cũng vậy, các tín hữu tìm kiếm Nước Trời cũng phải sẵn sàng từ bỏ mọi giá trị trần gian và sống tốt lành noi gương Chúa Giêsu để có Nước Trời làm của mình như lời Chúa Giê-su trong bài giảng “Tám Mối Phúc thật” (x. Mt 5,3-12).

Chúa Giêsu muốn nói: để đạt được sự sống đời đời, con người phải sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì mình có thì mới xứng đáng với sự sống ấy. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ngài vẫn luôn đòi hỏi ta phải có thái độ là sẵn sàng từ bỏ mọi sự. Nước Trời mà Chúa Giêsu rao giảng không là gì ngoài Ngài. Do đó, khi đã khám phá ra Người, nhân loại sẽ bỏ hết tất cả để chỉ đạt được Người mà thôi. Nhận ra Đức Giêsu Kitô hay nhận ra Nước Trời, con người đã trở thành tạo vật mới, con người mới đến nỗi họ rũ bỏ hết những gì là lỉnh kỉnh, những gì là thần tượng, những gì là ám ảnh, trở nên hoàn toàn trống rỗng, tay trắng sạch tinh để nhận lãnh nơi Thiên Chúa hiện tại và tương lai của đời mình…

Qua hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc. Có thể nhận thấy rằng Thiên Chúa có nhiều phương cách khác nhau để đem Nước Trời đến với mọi người. Có những người nhận được Nước Trời như là một sự là “tình cờ”. Giống như người được mô tả trong dụ ngôn thứ nhất, anh ta đã “tình cờ gặp được kho báu”.

Nhiều người coi Nước Trời chỉ là một thứ kho báu thiêng liêng không thực tế, nên họ không muốn từ bỏ của cải đang chiếm hữu. Lời Chúa dạy hôm nay: Nước Trời mới thực sự là một kho báu có giá trị lớn lao tuyệt đối. Chỉ khi nào xác tín được như thế, chúng ta mới dám hy sinh từ bỏ của cải vật chất chỉ có giá trị tương đối ở đời này, để đổi lấy kho báu thiêng liêng có giá trị vĩnh hằng ở đời sau ( Mt 6,10-20).

Hẳn ta còn nhớ chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng muốn nên trọn lành và đã có thiện chí tuân giữ các giới răn ngay từ khi còn bé. Nhưng khi Chúa Giêsu đòi anh phải bán các của cải đang có phân phát cho người nghèo, để đổi lấy một kho báu thiêng liêng trên trời, rồi đến theo làm môn đệ của Người, thì anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh không thể từ bỏ được gia sản (Mc 10,17-22).

Thánh Phao lô dạy: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư. Trái lại, chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9,25). Vàng bạc châu báu sau khi chủ nhân chết, sẽ về tay người khác. Huy chương vàng sau khi vận động viên qua đời sẽ chỉ còn giá trị như một vật lưu niệm. Trái lại, nếu người tín hữu biết từ bỏ của cải vật chất để chia sẻ cho người nghèo đói bênh tật… thì sau khi chết, họ sẽ có được Nước trời làm phần gia nghiệp giá trị vĩnh hằng.

Chúa Giêsu đòi những ai muốn theo làm môn đệ của Người phải có tinh thần siêu thoát thể hiện qua việc sẵn sàng từ bỏ gia sản vật chất và tình thân gia đình để đổi lấy Nước Trời gia trị gấp bội về mặt thiêng liêng tinh thần, nhất là được hưởng ơn cứu độ đời đời như lời Chúa Giêsu: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30).

Thật vậy, khi bước vào trần gian, chúng ta muốn mở rộng bàn tay để chiếm chọn mọi sự. Thế nhưng khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta đành phải ra đi với hai bàn tay trắng.

Xuất thân từ bụi tro rồi chúng ta cũng sẽ trở về tro bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời. Không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng cuộc sống đó như thế nào, chỉ biết rằng tình yêu sẽ là giá trị mãi mãi tồn tại, và chỉ có tình yêu mới thắng được sự chết và tất cả những gì trói buộc chúng ta trong cuộc sống này. Xin cho ta nhận ra giá trị đích thực của Nước Trời và từ bỏ mọi sự để đạt được Viên Ngọc Quý là Nước Trời như Chúa mời gọi.

HÃY CHỌN CÁI BỀN VỮNG VÀ BỎ CÁI TẠM THỜI

Lm. Antôn Nguyễn Vãn ÐộAntonius-Do300

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVIII Năm – C

(Lc 12, 13-21)

“Hu không trên các sự hu không”. Ðây là lời của ông Côhelét con vua Ða-vít trong sách Giảng Viên, (Bài ðọc I). Côhélet là một vị vua khôn ngoan, ông nhìn thế giới với cái nhìn huớng thuợng và truyền lại cho các môn sinh. Một trong các môn sinh lấy lại lời dạy của Thầy và ðào sâu hon: “Hu không trên các sự hu không, và mọi sự ðều hu không (Gv 1,2). Sự khôn ngoan này ðã trở thành cách ngôn dân gian ðể con nguời nhìn thế giới mình ðang sống với sự tỉnh táo, không ảo tuởng, với hy vọng những cố gắng của con nguời sẽ không bị tiêu tan vô ích trong một thế giới thấp hèn!

Tuy nhiên, ðây là dịp ðể chất vấn chúng ta về vị trí của mình trên trái ðất này và cách thức chúng ta quản lý thế giới. Chính trong bối cảnh này mà Ðức Giêsu ngang qua dòng nguời, ở giữa ðám ðông vây quanh Nguời, với tất cả khổ ðau và kêu cứu. Một nguời trong nhóm họ lên tiếng thua : “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi (Lc 12, 13). Ðức Giêsu bỗng dung bị ðặt làm trọng tài giữa hai nguời trong tuong quan nhân loại. Có nguời hỏi : vì lý do gì mà nguời kia lại thua với Ðức Giêsu một ðiều nhu thế, Nguời ðâu phải là một quan tòa chuyên xử các vụ chia cắt gia tài của các gia ðình ? Tuy nhiên chúng ta không vội kết án nguời này. Anh ta có hai lần ðúng khi chạy ðến nhờ Ðức Giêsu. Truớc hết ðối với Ðức Giêsu không có gì vô nghĩa, thứ ðến Ðức Giêsu với tu cách là Thầy, Nguời hoàn toàn có quyền làm trọng tại ðể giải quyết cho anh vấn ðề anh nêu ở trên, nên chạy ðến Nguời cầu cứu!

Tuy nhiên Ðức Giêsu nhanh chóng gạt ði và dứt khoát từ chối can thiệp vào những chuyện nhu thế : “Hỡi nguời kia, ai ðã ðặt Ta làm quan xét, hoặc làm nguời chia gia tài cho các nguoi? (Lc 12,14). Ðức Giêsu không can thiệp, nhung Nguời lại chỉ cho cách cần phải giải quyết những vấn ðề ðó với tinh thần nào : “Các nguoi phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không hễ ai ðuợc du giả, thì mạng sống nguời ấy nhờ của cải mà ðuợc bảo ðảm ðâu (Lc 12,15).

Trở lại bài ðọc I ta thấy : “Kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải ðể sự nghiệp lại cho nguời ở nhung không, thì thật là hu không và tai hại lớn lao (Gv 1,3). Ở ðây “kẻ làm việc vất vả trong sự khôn ngoan phải kể ðến là cha mẹ hai anh, nên hai anh có lý ðể tranh dành của cải họ ðuợc kế thừa.

Câu “Hu không trên các sự hu không không thể hiện ðiều cam chịu nhung mở ra con ðuờng ân sủng cứu ðộ. Thật khôn ngoan khi biết rằng thế giới mà chúng ta ðang sống không mang lại ý nghĩa tối hậu chúng ta tìm kiếm trong cuộc ðời. Nhung cũng thật sai lầm khi ðể mình bị giam hãm trong sự phi lí của thế gian này. Thánh Phaolô trong bài ðọc II mời gọi chúng ta tìm kiếm những sự cao siêu trên trời (x. Cl  3, 1).

Câu hỏi ðuợc ðặt ra : chúng ta ðang bám víu vào ai và cái gì ? Dụ ngôn Ðức Giêsu kể trên dành cho chúng ta là những kẻ ðang ngồi ðây, ðang tiêu tán cho những dự án và lo lắng mà không biết rằng thế giời này là hu không (ý nghĩa vãn chuong hu không có nghĩa là hoi nuớc ðọng lại, phù du), chúng ta hy vọng sẽ thỏa mãn và  ổn ðịnh lâu dài. Một ngày kia, nguời giầu tỉnh giấc, ðau buồn vì của cải thế gian này không còn là của ông nữa.

Nguời nhà giầu bị trách, không phải vì ông thu góp của cải, những của cải, vật chất ðời này không phải là xấu, nhung tự bản chất, chúng không có giá trị bền vững. Xấu là ở chỗ lòng ông bám bíu trọn vẹn vào chúng, ông ðã quên ði cái ðuợc cái mất và ý nghĩa cuộc ðời. Ông muốn “nghỉ ngoi, ông muốn bình an “trong nhiều nãm (x. Lc 12,19). Liệu có phải là mục ðích cuộc ðời của ông không? Tại sao? Ông có chắc rằng ông có thể tự cho mình nghỉ ngoi vui choi không ? Những thứ mà ông ðang sở hữu có mang lại bình an và niềm vui không? ”  Ðó chính là lý do Ðức Giêsu cho ông là “kẻ ngu dại (Lc 12,20). Vì hạnh phúc bền lâu không ðến từ thế gian này mà ðến từ Thiên Chúa. Ông ðã nhầm khi chọn cái tạm bợ (ðời này) làm chỗ dựa bền vững.

Mỗi lần “kẻ ngu dại trong Tin Mừng xuất hiện là một lần Thánh Phaolô hỏi chúng ta về vấn ðề này : trong cuộc ðời, anh em có “bê tha, nho bẩn, dục vọng, uớc muốn sấu và thèm khát huởng thụ không ? Chúng ta có chắc rằng “Hu không trên hết các sự hu không? Trong ðời ta có còn những thần tuợng tạm bợ ở ðời này không ? Ðây là lúc chúng ta gạt bỏ “những thủ ðoạn của nguời xua, vì ngu dại chọn lựa sự hu không khi Ðức Kitô trao ban cho chúng ta những phuong tiện ðể xây dựng trên sự bền vững.

Phải chãng lời của ông Côhelét trong sách Giảng Viên : “Hu không trên hết các sự hu không không phải là một tiếng kêu ðầy thất vọng và chán chuờng sao? Tác giả của Sách Giảng Viên ðã bày tỏ nỗi buồn và thất vọng của mình về sự ðời, về những việc làm thuần túy nhân loại, vì chúng không mang lại lợi ích bền và không hề có giá trị tồn tại vĩnh cửu.

Ðức Giêsu và tác giả Sách Giảng Viên nhắn nhủ chúng ta hay rằng, tất cả là hu không, là lầm lẫn khi con nguời chỉ lo tìm ðịa vị, quyền hành và ðặt hết tin tuởng của mình vào những sự vật chóng qua, mà lại sao nhãng việc tích trữ các của cải thiêng liêng, thực thi các việc lành phúc ðức bác ái, thì chỉ là những kẻ dại dột và thua thiệt. Vì một ngày kia, khi chết, chúng ta sẽ làm ðuợc gì với những thứ của cải vật chất chúng ta từng ký cóp cả ðời? Chúng ta ðã trang bị, sửa soạn cho mình ðuợc những gì khi phải ra truớc tòa Thiên Chúa? Mọi vất vả khó nhọc của những kẻ sống nhu thế sẽ hoàn toàn hu không!

Ðây là một lời dạy khôn ngoan luôn mang tính cách thời sự. Vì trong thời ðại chúng ta, nhiều nguời ðang bỏ quên ði các giá trị tinh thần vĩnh cửu và cố chạy theo tìm kiếm cái tạm thời mau qua và chóng hết.

Thánh Gioan Maria Vianey nói: “Không có gì vững bền cả. Ðời sống sẽ qua ði… danh giá cũng sụp ðổ, của cải rồi sẽ tiêu tan, sức khỏe cũng bị tấn công, chúng ta ra ði nhu làn gió. ”

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tìm kiếm và tích lũy những thực tại của Nuớc Chúa. Amen.

CUỘC ĐỜI LÀ PHÙ VÂN

(Trích dẫn từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Cuộc đời là phù vân. Đó là một chân lý mà mỗi người chúng ta đều nhìn nhận. Không có gì trong cuộc đời là bền vững, là vĩnh cửu. Tất cả đều tàn phai theo thời gian. Tiền tài, danh vọng và sắc đẹp rồi cũng sẽ có một ngày vuột ra khỏi tầm tay của chúng ta. Thế nhưng, mỗi người lại sống cuộc đời gọi là phù vân này rất khác nhau. Có người nghĩ cuộc đời quá ngắn nên tranh thủ hưởng thụ bằng cuộc sống ăn chơi sa đoạ. Có người lại “tối mày tối mặt” để tích lũy cho mình thật giầu có. Có người tìm công danh. Có người trau truốt cho sắc đẹp. Có người đi tìm tình bạn. Có bao nhiêu người là có bấy nhiêu cách sống khác nhau.

Vua Salomon đã hiểu ý nghĩa cuộc đời là phù vân, nên ông đã thốt lên rằng: “Phù vân rất mực phù vân, khó nhọc vất vả thế rồi phải trao lại cho kẻ không vất vả hưởng”.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy hai nhân vật tiêu biểu cho hai hạng người: tham quyền và tham tiền. Kẻ tham quyền thì dùng quyền bính để ăn chận tài sản người khác. Kẻ tham tiền thì lo vun quén cho đầy kho. Mẫu số chung của cả hai loại người này là ích kỷ, chỉ lo cho bản thân và không màng tới tha nhân, cho dù đó là người thân của mình. Người anh đã dùng quyền bính để khước từ việc chia gia sản cho người em. Người phú hộ vì tham tiền nên chỉ lo nghĩ đến việc tích góp của cải đến nỗi không còn thời giờ dành cho tha nhân. Xem ra cuộc đời của họ không có hạnh phúc vì họ không có tình bạn. Họ coi tha nhân là kẻ thù, là kẻ đang tranh giành địa vị và tiền tài với mình. Họ không cần tình bạn, họ chỉ cần tiền. Họ không cần người thân, họ chỉ cần lợi dụng người khác cho tham vọng của mình. Sống không có tình bạn như cây xanh thiếu lá, chỉ trơ trụi và khô cần. Cuộc đời của họ sẽ không có niềm vui và hạnh phúc. Cuộc đời của họ càng không có hậu. Vì họ không có gia sản để dành cho đời sau là những việc lành phúc đức trong cuộc đời hôm nay.

Nhưng tiếc thay, nhân loại hôm nay vẫn còn đó những con người như thế. Tiền và quyền luôn làm xa lìa tình người. Tiền và quyền luôn làm cho con người biến chất đến tha hoá không còn tính người. Xã hội vẫn đầy dẫy những bất công và bất nhân. Bất công vì kẻ đổ mồ hôi lao nhọc mà vẫn đói nghèo xác xơ trong khi đó lại có kẻ “ngồi nhà mát ăn bát vàng”. Các quan tham từ nông thôn đến thành thị đều rủng rỉnh bạc vàng còn dân lành lại lầm than cơ cực. Bất nhân vì thiếu tôn trọng lẫn nhau, đến nỗi coi mạng người như phương tiện để khai thác trục lợi. Xã hội hôm nay cho rằng sống là để tranh đấu. Tranh đấu nên có kẻ được người thua. Tranh đấu nên phải giành giựt lẫn nhau, nhanh thì được chậm thì mất. Cuộc sống trở nên một bãi chiến trường. Kẻ thắng thì cười. Người thua thì khóc. Tất cả như những con thiêu thân đang lao vào cuộc chơi mà không hề biết nguy hiểm đang chờ trước mắt, cái chết gần kề mà lời Chúa hôm nay nhắc nhở: “Hỡi kẻ dại khờ, nội trong đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẽ thuộc về ai?”.

Có ai đó đã ví von về cách tìm kiếm và sử dụng của cải đời này như sau:

“Người công nhân thì đổ mồ hôi để có được nó

Kẻ hoang phí thì đốt nó

Chủ ngân hàng đem nó đi vay

Đàn bà xài nó

Kẻ lưu manh làm giả nó

Nhân viên thuế vụ lấy nó

Người hấp hối lìa bỏ nó

Kẻ thừa kế tiếp thu nó

Người tiết kiệm thèm khát nó

Kẻ ăn trộm chộp lấy nó

Người giầu gia tăng nó

Người cờ bạc bị mất nó

Phần tôi thì dùng nó”.

Về phần tôi thì dùng nó, có lẽ đó là sự khôn ngoan mà Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Hãy làm giầu trước mặt Chúa”. Hãy sử dụng tiền bạc và quyền bính để mang lại lợi ích cho xã hội và cho con người. Đừng dùng nó cho bản thân của mình. Cũng đừng xem nó như cứu cánh đời mình. Của cải và danh vọng không thể sánh với con người nên đừng vì nó mà bán rẻ lương tri, đừng vì nó mà đánh mất tình người, đừng vì nó mà lãng quên tình Chúa. Tất cả chỉ là phù vân. Sự sống đời sau mới là vĩnh cửu. Và sự sống vĩnh hằng không thể mua bằng tiền bạc, càng không thể tìm kiếm bằng vũ lực mà bằng lòng nhân nghĩa. Lòng nhân nghĩa đối với đồng loại bao hàm tinh thần yêu thương và phục vụ. Yêu thương nên sẵn lòng dấn thân và phục vụ vì lợi ích của tha nhân. Yêu thương nên sẵn lòng nhường nhịn và chia sẻ lẫn nhau. Yêu thương nên sẵn lòng hy sinh bản thân mình để tìm niềm vui trong phục vụ tha nhân.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết dùng gia sản là tài năng và khả năng của mình để mua lấy bạn hữu Nước Trời mai sau. Amen.

GIA TÀI

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Người ta kể rằng ở miền rừng núi, dân Thượng có một lối bẫy khỉ rất đơn giản. Họ làm một cái lồng có nhiều lỗ nhỏ vừa tay con khỉ. Rồi họ buộc lồng vào một gốc cây và bỏ vào đó ít hạt bắp rang. Các chú khỉ ngửi mùi bắp thơm thì thò cả hai tay vào bốc. Lúc đó người bẫy khỉ ngồi xa xa cứ việc tiến lại bắt chú khỉ. Con khỉ cuống cuồng muốn thoát chạy nhưng không rút tay ra được. Lý do đơn giản là hai tay còn nắm chặt hai nắm hạt bắp.

Tác giả sách Giảng Viên đã suy gẫm sự đời một cách rất sâu lắng. Phản ánh một triết lý sống. Thực ra cuộc sống con người rất phức tạp và đa diện. Chúng ta nên quan sát và suy gẫm rất cẩn thận để tìm một hướng đi thích hợp. Trước khi chúng ta được mở mắt chào đời, vũ trụ và muôn loài đã có đó. Khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, muôn sự vẫn cứ tiếp tục hiện hữu. Cuộc đời của mỗi người xuất hiện đó, rồi biến mất. Không có gì tồn tại mãi ở trần gian này. Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không và mọi sự đều hư không ((Gv 1,2). Hư không diễn tả một khía cạnh vô thường của cuộc sống này. Có nghĩa là mọi sự hiện hữu như gió thoảng mây bay. Giảng Viên chia sẻ kinh nghiệm sinh hoạt cuộc sống hằng ngày và gẫm suy: Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao (Gv 2, 21).

Chúng ta không nhìn cuộc sống một cách bi quan hay tiêu cực. Vì sự sống là một hồng ân. Chuỗi ngày sống là một chuỗi ân sủng nối tiếp. Sống là hiện hữu. Mọi sự hiện hữu đều hữu ích. Sự sống cần được sinh hoa kết trái. Thể xác con người cần được lớn lên và phát triển mỗi ngày. Đời sống tâm linh cũng được bồi dưỡng để tiến tới sự hoàn hảo hơn. Sinh ra là khởi đầu. Bắt đầu bước vào một cuộc lữ hành trần thế. Cuộc lữ hành cần có hướng đi và cùng đích. Trong các loài thụ tạo, sứ mệnh của con người thật cao quí. Vì con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa trao ban cho con người có ý chí, lý trí và tự do. Với những khả năng ưu việt, con người có bổn phận và trách nhiệm xây dựng một xã hội giầu mạnh, thịnh đạt và an bình. Với khối óc và bàn tay lao động, con người góp phần làm cho thế giới ngày tốt đẹp hơn.

Con người được trao quyền làm chủ trái đất và cai quản mọi loài. Làm chủ chứ không làm nô lệ cho của cải vật chất. Của cải trần thế là phương tiện thiết yếu giúp con người đạt tới cứu cánh. Con người dùng những sản phẩm do mình tạo ra để phục vụ đời sống. Con người không thể lệ thuôc làm tôi tớ cho của cải vật chất. Chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền của. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu” (Lc 12, 15). Tất cả vũ trụ đều đang thay đổi, nay còn mai mất. Của cải không thể bảo đảm kéo dài đời sống hạnh phúc. Các phương tiện vật chất chỉ giúp cho cuộc sống con người được thanh thản, thoải mái và tiện lợi hơn. Biết rằng ai cũng cần có tiền bạc của cải để nâng cao mức sống và đáp ứng những nhu cầu cần thiết.

Câu truyện Phúc âm, Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận rõ về giá trị về việc tìm kiếm và sử dụng của cải trần đời. Cần có thái độ chọn lựa đối với vật chất phù vân. Chúng ta còn có gia sản tinh thần quí báu hơn. Hãy dùng của cải hay hư nát để mua Nước Trời. Hãy dùng tiền bạc thế gian để đổi lấy bạn hữu. Hãy dùng của giả để đổi lấy của thật. Hãy tráo đổi giá trị trần thế để mua gia sản nước trời. Đổi tiền giả ra tiền thật. Đó là dùng tiền bạc hay của cải để bố thí hoặc làm việc bác ái, chúng ta sẽ tích trữ được khó báu trên trời. Chúa Giêsu đã dậy: Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu (Lc 16, 9).

Điều quan trọng là chúng ta phải đặt đúng giá trị của sự việc. Tiền bạc của cải không thể trở thành chủ nhân ông. Đừng qúa tham lam thu tích của cải phù hoa thế trần, nhưng luôn ý thức hướng tới mục đích sau cùng. Chúa Giêsu cảnh báo: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? (Lc 12, 20). Người đời nghĩ rằng phải cố gắng làm việc để trở nên giầu có và có của ăn của để, phòng khi hữu sự. Điều này thật phải lẽ! Đối với các tín hữu, chúng ta được mời gọi không chỉ làm giầu gia sản vật chất nhưng quan trọng hơn là làm giầu trước mặt Chúa. Chúa Giêsu nói tiếp: Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy” (Lc 12, 21). Khi lao động làm việc hay kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt, các thành qủa đều có giá trị giúp thăng hoa cuộc sống. Chúng ta không chỉ tích trữ gom góp tiền bạc để thụ hưởng riêng mình, nhưng sử dụng của cải để sinh hoa qủa cho tha nhân và xã hội. Biến đổi giá trị vật chất phàm hèn tới giá trị tinh thần cao siêu trước mặt Chúa.

Những lời huấn dụ trong Kinh Thánh xem ra khó áp dụng cuộc sống đời thường. Vì chúng ta thấy ai ai cũng đang mải mê lao động kiếm kế sinh nhai và vun đắp gia sản vật chất. Chúng ta nêu đủ lý do để biện minh cho sự tham lam và tích trữ của cải. Nói rằng nếu không cực lực lao động, lấy gì mà trả bills và các món nợ chồng chất. Chúng ta đầu tư mọi vốn liếng và khả năng để lo làm giầu mỗi ngày. Lòng tham vô đáy. Chúng ta chắt chiu từng đồng và thấy vẫn cần thiếu một xu. Chúng ta dần bị chìm đắm trong sự ham mê của cải vật chất. Thế là cuộc sống kéo lôi vào sự kiếm tìm không ngừng nghỉ. Biết rằng lao động kiếm sống là tốt. Dành dụm tiền bạc để tiêu xài cũng tốt. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta hãy biết làm giầu trước mặt Thiên Chúa qua việc sử dụng tiền bạc của cải đúng cách để sinh hoa kết trái đời này và đời sau.

Truyện kể có người giầu có kia chết, chôn chưa được ba ngày, một tên đạo tặc giữa đêm lén đào mả lên, lột hết vàng bạc trong mình kẻ chết, rồi lại vác búa đập bể đầu, bể miệng. Sao lại thù hằn dữ vậy? Không, chỉ vì khi chôn, người ta cho ông ngậm viên ngọc quí đó thôi. Giầu có sống không yên, chết cũng chẳng yên.

Lợi lộc gì chứ khi chúng ta chỉ biết cắm đầu lo làm giầu sở hữu của cải vật chất. Hãy ngước nhìn lên và nhắm hướng về cùng đích. Cuộc đời của chúng ta có những gia trị cao quí hơn nhiều. Vì sự sống của chúng ta được chuộc lại bởi giá Máu châu báu của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô diễn tả: Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa (Col 3, 1). Quê hương đích thực của chúng ta là trời cao. Tại sao chúng ta xả thân miệt mài thu tích của cải dưới đất nơi mối mọt rúc rỉa? Hãy tìm kiếm những sự cao siêu hơn: Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất (Col 3, 2).

Thánh Phaolô đã từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Ngài đã trở thành con người mới hoàn toàn. Sống phó thác và tin tưởng vào Đấng tạo thành vũ trụ. Phaolô lên tiếng: Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã tạo thành nó (Col 3, 9-10). Theo gương thánh Phaolô, tuy chúng ta còn khoảng cách rất xa trên con đường trọn lành. Mỗi người chúng ta có thể khởi đầu từ hôm nay để chọn lựa một thái độ và thực hành sống lời Chúa cách tích cực hơn.

Lạy Chúa, chúng con xin chọn Chúa làm gia nghiệp đời chúng con. Tiên vàn chúng ta hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và mọi sự Chúa sẽ ban thêm. Có Chúa, chúng con sẽ có tất cả.

ĐIỀU LÀM CON NGƯỜI THÀNH VĨNH CỬU

Lm. Phạm Thanh Liêm

Thu tích kiến thức và học tập những kỹ xảo, tìm cách sở hữu gia tài một cách công bằng, lo lắng để mình hưởng nhàn sau những cố gắng lao nhọc, cũng chỉ là phù vân. Vậy cái gì trường tồn?

Cái chết giúp con người nhận ra chân lý

Trong cuộc đời rao giảng, Đức Giêsu đã gặp nhiều loại người. Có những người tìm đến với Đức Giêsu để nghe Ngài dạy điều hay lẽ phải, nhưng cũng có người muốn nhờ Ngài giải quyết những tranh chấp, cụ thể là vấn đề chia gia tài. Đức Giêsu đã từ chối can thiệp vào những việc này. Tại sao Đức Giêsu lại không giúp anh ta, khi anh ta bị người anh đối xử không công bằng? Phải chăng Đức Giêsu biết rằng Ngài cũng không thành công nếu Ngài can thiệp vào, hay Ngài cho rằng điều đó không quan trọng, và không là sứ mạng của Ngài: “Ai đã đặt tôi làm quan toà hay người trọng tài để phân xử?”? Hơn nữa, Đức Giêsu còn dùng cơ hội này để giúp con người ý thức về “lòng tham” của mình dưới mọi hình thức.

Người giầu có trong đoạn Tin Mừng sở hữu nhiều của cải, tính toán để tích chứa những gì ông ta có do lao động một cách hợp lý hợp pháp, đâu có gì xấu. Thế nhưng Thiên Chúa nói với ông ta: “Đồ khùng, nếu đêm nay anh phải chết, thì kho tàng đó để cho ai?” Điều khùng ở đây là người nhà giầu không biết dùng của cải để giúp người nghèo, để thu tích kho tàng không mục nát và không bị mối mọt đục khoét.

Cái chết, giúp người ta nhận ra chân lý, giúp người ta biết điều mình toan tính thu tích có giá trị thực sự không? Nếu thu tích, bỏ công sức để được cái gì đó, mà cái chết sẽ đến đêm nay huỷ diệt tất cả, thì ích lợi gì?

Tất cả chỉ là phù vân

Sách Giảng Viên cho thấy những suy tư của ông về sự đời. “Lợi lộc gì khi con người phải chịu đựng bao nhiêu gian lao vất vả?” Với Giảng Viên, việc thu góp được bao nhiêu điều khôn ngoan hơn tất cả những người trước, việc phân biệt được đâu là khôn ngoan, đâu là tri thức, điên rồ hay khờ dại, cũng chỉ là phù vân (Gv.1, 16-17).

Khôn lắm cũng khổ, hiểu lắm cũng khổ. Tận hưởng thú vui, nếm mùi hạnh phúc, cũng chỉ là phù vân. “Tất cả đều chết, người khôn cũng như kẻ dại” (Gv.2, 16). Cái chết giúp người ta biết con người là ai, những lao nhọc vất vả của mình có giá trị gì, đâu là điều trường tồn và có gía trị thực sự? Cái chết, là nỗi sợ của nhiều người, nhưng cũng là một quà tặng cho nhiều người, và nó cũng có tính giải phóng con người khỏi u muội mê lầm. Cái chết, là khởi đầu của hạnh phúc.

Đức Kitô là tất cả trong mọi sự

Chỉ một điều quan trọng, điều ảnh hưởng dứt khoát trên cuộc sống con người, là Thiên Chúa và tình yêu của Ngài nơi Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thương con người, làm những vất vả của con người trở nên có ý nghĩa và trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Đức Giêsu Kitô. Tất cả những gì được thực hiện trong Thiên Chúa và trong Đức Giêsu Kitô, sẽ có giá trị vĩnh viễn.

Hành vi bác ái yêu thương, là hành vi “vĩnh cửu” nhờ Đức Giêsu. “Nếu tôi làm được điều này điều kia, nếu tôi được ơn này ơn kia, mà không có bác ái, thì cũng như tiếng phèng la vang dội, não bạt vang vang”. Yêu thương, là hành vi làm con người trở nên vĩnh cửu, là hành vi làm con người trở nên con Thiên Chúa và nên giống Thiên Chúa.

Đức Giêsu là mẫu gương và thầy dạy con người về yêu thương.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1-Theo bạn, điều nào quan trọng nhất đối với người đời? Tại sao?

2-Theo cái nhìn của bạn, điều nào làm hành vi của bạn trở thành vĩnh cửu? Tại sao?

3-Bạn có sợ chết không? Cái chết của những người khác, thường gợi gì nơi bạn?

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

ĐTGM. Ngô Quang KiệtDC Kiet

Từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới ít chú ý đến chính trị. Mọi nỗ lực đều tập trung vào phát triển kinh tế. Xưa kia, nước mạnh dùng sức mạnh quân sự để áp chế những nước yếu. Ngày nay những nước giàu dùng sức mạnh kinh tế để chèn ép những nước nghèo. Kinh tế trở thành một sức mạnh. Tiền bạc trở thành một vũ khí lợi hại. Chính vì thế ai cũng mong làm ăn phát đạt để trở nên giàu có. Thế mà Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay dường như đi ngược chiều với xã hội. Phải chăng Chúa chống lại sự phát triển, sự sung túc thịnh vượng của xã hội?

Nếu đọc kỹ Lời Chúa và quan sát đời sống của Chúa Giêsu, ta sẽ thấy.

1) Chúa Giêsu xuống trần gian không nhằm giải quyết vấn đề kinh tế.

Khi người thanh niên đến xin Người phân xử vụ chia gia tài, Người đã trả lời: “Ai đặt ta làm quan án cho các ngươi?” Người đến không phải để giải quyết các vấn đề kinh tế. Việc phân chia tài sản là việc giữa con người với nhau.

Sau khi chứng kiến phép lạ bánh hoá ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Nhưng Người đã lánh đi nơi khác. Người muốn cho con người thoát ra khỏi lãnh vực vật chất trong cuộc sống.

2) Chúa Giêsu muốn nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy không quan tâm đến vấn đề kinh tế, nhưng Chúa Giêsu không chống lại việc làm giàu, tích lũy của cải. Người chỉ muốn cho việc tích lũy của cải có một ý nghĩa.

Khi nói với đám đông: “Anh em phải coi chừng, phải tránh xa mọi thứ tham lam, vì dẫu có dư giả thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”, Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu: đời sống đâu chỉ gói gọn trong vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Đời sống còn là cái gì cao hơn thế, đẹp hơn thế.

Triết học phân chia con người ra hai phạm trù: “avoir” (có) và “être” (là). Tôi có gì thuộc phạm vi khối lượng. Tôi là gì thuộc phạm vi chất lượng. Những gì tôi có như của cải, quần áo, chỉ là những gì ở ngoài, không làm thành giá trị con người. Những gì tôi là mới tạo thành bản thân tôi, gắn bó thân thiết với tôi, tạo thành giá trị đời tôi.

Khối lượng không quí hơn chất lượng. Đừng lầm tưởng rằng ý nghĩa cuộc đời sẽ tăng theo khối lượng của cải. Chúa Giêsu muốn đời nghèo khổ, không của cải, nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của Người không có giá trị. Giuđa chết khi túi đầy tiền bạc, nhưng không phải vì thế mà ông có giá trị hơn người khác.

Truyện kể: xưa có nhà hiền triết sống rất đơn sơ. Ông không cần quần áo, nhà cửa. Nhà của ông là một chiếc thùng phuy. Một hôm, vị hoàng đế đến thăm hỏi xem ông có cần gì không. Ông trả lời: “Tôi chỉ cần nhà vua đứng tránh ra, kẻo che mất ánh mặt trời của tôi”. Trong hai người ấy, ai cao quý hơn, ai đáng kính trọng hơn?

Chất lượng cuộc sống làm con người sống nên người hơn, cao quý hơn, sung mãn nhân cách hơn. Của cải chỉ có ý nghĩa khi giúp con người đạt được chất lượng cuộc sống. Của cải chỉ là phương tiện. Đừng biến phương tiện thành mục đích.

3) Chúa Giêsu mở tầm nhìn vô biên

Ông phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay đã coi của cải là mục đích. Có được của cải rồi, ông không còn biết làm gì hơn là hưởng thụ. Tầm nhìn của ông quá hạn hẹp. Chỉ biết có vật chất. Chỉ nhìn thấy đời này. Lời Chúa phán: “Hỡi đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sửa đó sẽ về tay ai” đã mở tầm nhìn ra vô biên. Người ta đâu sống mãi mà hưởng thụ. Khi chết thì của cải dù nhiều cũng tan theo mây khói.

Nhưng chưa hết, chết rồi người ta còn phải ra trước toà Chúa mà chịu phán xét. Chúa không đánh con người theo khối lượng những gì họ có, nhưng đánh giá theo chất lượng của đời sống. Theo cách đánh giá của Chúa, những gì ta thu tích cho bản thân sẽ hết, sẽ qua đi. Nhưng những gì ta cho đi sẽ tồn tại.

Lời Chúa hôm nay dạy ta đừng hạ thấp đời sống con người trong một tầm nhìn hạn hẹp vào việc thu tích của cải cho riêng mình. Nhưng hay nâng cao cuộc sống, mở rộng tầm nhìn để biết tích trữ những kho tàng nơi Thiên Chúa, kho tàng ấy sẽ không bao giờ mất được.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1-Tiền bạc cần thiết cho cuộc sống, nhưng tiền bạc cũng nguy hiểm. Theo bạn đâu là những nguy hiểm do tiền bạc?

2-Tham nhũng, hối lộ đang trở thành phổ biến, người tín hữu phải có thái độ nào đối với tiền bạc?

3-Bạn nghĩ gì về Lời Chúa: “Hãy dùng tiền của phi nghĩa mà mua lấy bạn hữu trên trời”?

4-Tiền bạc có phải là tất cả? Hay đời sống con người còn cần nhiều thứ khác cao quý hơn?

NGHỆ THUẬT LÀM GIẦU

Thiên Phúc

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Một ngày nọ, vua Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, viên quan địa phương đất ấy ra nghênh đón và chúc vua rằng: “Xin chúc nhà vua sống lâu”. Vua Nghiêu nói: “Đừng chúc thế!” Viên quan lại chúc: “Chúc nhà vua giàu có”. Vua Nghiêu lại nói: “Đừng chúc thế”. Viên quan chúc nữa: “Xin chúc nhà vua đông con trai”. Vua Nghiêu lại nói: “Đừng chúc thế”. Quan lấy làm lạ mới hỏi nhà vua: “Sống lâu, giàu có, đông con trai, ai cũng thích cả, sao nhà vua chẳng muốn?” Vua Nghiêu đáp: “Đông con trai thì sợ nhiều. Giàu có thì việc nhiều. Sống lâu thì nhục nhiều. Ba điều ấy không mang lại nhân đức nên ta từ chối.

Viên quan tâu: “Nhà vua nói thế thực là bậc quân tử. Nhưng trời sinh ra mỗi người phải có một việc. Nếu đông con trai, hãy cắt đặt mỗi người một nhiệm vụ thì có lợi chứ có gì mà sợ? Giàu có mà đem phân phát cho người nghèo thì còn công việc gì mà lo? Ăn uống có chừng mực, thức ngủ có điều độ, trong lòng thanh thỏa, thiên hạ tài giỏi thì vui cái vui của họ, trăm tuổi nhắm mắt về cõi trời. Một đời chẳng gây tai họa gì, hỏi có gì là nhục?”

Đứng trước tiền của, người ta có những thái độ rất khác nhau: Vua Nghiêu vì quá thận trọng chỉ nhìn thấy mặt trái của đồng tiền, nên của cải không sinh ích gì cho ông. Người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay lại quá cậy dựa vào tiền của, nên khi thần chết bất ngờ đến thì tiền muôn bạc nén cũng không cứu được linh hồn ông. Duy chỉ có viên quan địa phương là có thái độ đúng mực về tiền bạc: Nếu giàu có thì đem chia sẻ cho người thiếu thốn. Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay: Hãy dùng của cải đời này mà “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21). Đó chính là nghệ thuật làm giàu đích thực.

Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những con người nghèo khó. Cho dù có xây bao nhiêu kho lẫm, bao nhiêu két sắt, bao nhiêu tài khoản ngân hàng, cũng chỉ là con số không. Chúng ta chỉ thực sự giàu có trước mặt Thiên Chúa khi chúng ta dốc cạn kho cho người nghèo khó, mở hầu bao giúp kẻ khốn cùng. Chúa phán: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,33)

Quả thật, một kho lẫm dù có được khóa chặt đến đâu cũng không ngăn cản được kẻ trộm. Nhưng chỉ có những tài sản đích thực mà không ai có thể đánh cắp, chính là những tài sản thiêng liêng.

Thực ra, khi người giàu chia sẻ của cải cho kẻ nghèo, cũng chỉ là bổn phận của người quản lý mà thôi. Augier đã nói một câu chí lý: “Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”. Vì thế, những ai “ê hề của cải, dư xài nhiều năm”“cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19) chính là những kẻ ăn cắp. Thánh Tôma Aquinô quả quyết: “Những người giàu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa”.

Có thể nói,

-Chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta thu lợi quá mức trên sức lao động của kẻ khác.

-Chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta giữ lại đồ đạc tiện nghi mà chẳng bao giờ dùng đến.

-Chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta ăn chơi, mua sắm như ném tiền qua cửa sổ.

Thánh Basiliô không một chút ngần ngại nói với chúng ta rằng: “Tấm bánh mà bạn giữ lại là của người đói khổ, chiếc áo mà bạn cất trong vali là của kẻ trần trụi”.

Lạy Chúa, Chúa để 80% của cải trên thế gian này vào tay 20% những người giàu có, là để họ biết chia sẻ cho những người thiếu thốn, là để họ “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”, chứ không phải để biến họ thành những kẻ đánh cắp.

Xin dạy chúng con chỉ nên giữ lại những gì cần thiết, và biết san sẻ hồng ân của Chúa cho mọi người, để thế giới này không còn cảnh bất công, nghèo đói, nhưng sẽ là một thế giới công bằng và yêu thương. Amen.

TÍCH TRỮ KHO TÀNG TRÊN TRỜI

Lm. Ignatio Trần Ngà

(Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Có một vị lãnh chúa rất giàu có, gia sản ruộng vườn bao la. Gần nơi ông đang ở có một người nông dân nghèo nhưng lòng đầy tham lam. Ngày nọ, vị lãnh chúa nói với người nông dân: “Tôi sẽ cho anh tất cả những phần đất nào mà anh có thể chạy bao quanh, tính từ khi mặt trời bắt đầu mọc cho đến khi mặt trời lặn. Nếu anh trở về đến điểm xuất phát trước khi mặt trời chìm khuất sau đồi, thì anh sẽ làm chủ tất cả những vùng đất anh đã chạy bao quanh. Nếu không, anh chẳng được gì.”

Người nông dân nghe lời hứa đó mà tưởng như mơ! Đúng là một cơ hội ngàn vàng. Thế là đến sáng hôm sau, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi, anh bắt đầu cắm đầu cắm cổ chạy trối chết. Trước hết, anh chạy bao quanh một khu rừng già đầy gỗ quý. Thế là chỉ trong buổi sáng, anh đã trở thành một chủ nhân của hàng trăm mẫu rừng.

Mặt trời lên cao, nắng như đổ lửa, mồ hôi đầm đìa, nhưng anh vẫn tiếp tục chạy phăng phăng bao quanh đồng lúa phì nhiêu bao la bát ngát. Thế là đến trưa, anh đã là người điền chủ giàu có nhất vùng.

Mặt trời sắp lặn, chỉ cách ngọn đồi chỉ chừng một con sào, anh lại thấy một con suối lớn nước chảy lênh láng tràn bờ. Anh tự nhủ lòng: Nếu ta không làm chủ được con suối nầy thì toàn bộ cánh đồng mà ta vừa thu tóm được phải đành bỏ khô. Thế là anh dồn hết hơi tàn lực kiệt, quyết chạy bao quanh con suối.

Cuối cùng, lồng ngực như muốn vỡ tung ra, anh thở hồng hộc như con bò bị thọc tiết… Mặt trời bắt đầu lặn, chỉ còn là một vầng bán nguyệt đỏ ối sắp chìm xuống đỉnh đồi. Anh phải cố chạy nhanh cho tới nơi xuất phát, nếu không kịp thì chỉ còn là hư không. Và rồi khi chỉ còn mươi bước nữa là tới đích, anh ngã gục xuống. Vỡ tim! Thế là cuối cùng, anh chỉ còn được hưởng vài thước đất để chôn vùi thân xác!

(Phỏng theo câu chuyện nhan đề: “Chỉ cần ba tấc đất” của Văn Hào Leon Tolstoi)

***

Người phú hộ trong Tin Mừng hôm nay cũng học theo sách đó. Khi ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, ông “mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ Rồi Chúa Giêsu kết luận: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Xét cho cùng, trong thế giới hôm nay, những hạng người ngốc nghếch như vậy không hề thiếu.

-Trong tôi vẫn có lòng tham của người nông dân ngu dại trên đây, hằng thúc đẩy tôi thu tóm, ky cóp cho thật nhiều, không bao giờ thấy đủ.

-Trong tôi cũng có một gã phú hộ dại khờ, tìm cách cơi nới thêm kho lẫm để chất cho đầy của cải chóng qua.

Nếu chỉ biết thu gom, ki cóp của cải vật chất đời nầy, chỉ biết lo cho nhu cầu vật chất mà lãng quên linh hồn thì chúng ta cũng đang đi vào vết xe của người phú hộ đáng thương kia.

Tất nhiên là mỗi người cũng cần phải tạo thêm nhiều của cải để bảo đảm cho đời sống phần xác, cho mình và cho xã hội, nhưng nếu chưa tạo được kho báu thiêng liêng thì khác gì “dã tràng xe cát biển đông”!

Trái lại, nếu hôm nay chúng ta tích trữ thật nhiều của cải thiêng liêng, trở nên người giàu có trước mặt Thiên Chúa, thì chúng ta có thể an tâm tự nhủ lòng mình: Hồn ta ơi, hãy hoan lạc và mừng vui, vì ngươi đã có một kho báu trên trời. Mai đây tha hồ vui hưởng!

HÃY LÀM GIẦU Ở ĐỜI SAU (Lc 12:13-21)

Lm. Hữu Độ, CMC

Chúa Nhật 18 Thường Niên – Năm C – 31-7-2016

A Lịch Sơn đại đế (Alexander the Great)  là Vua Hy Lạp, đánh đâu thắng đó, danh tiếng vang lừng. Thế nhưng ông vẫn bị thua Tử Thần. Ông chết ở tuổi 33, vì bệnh sốt cao độ. Trước khi chết, ông truyền lại 3 điều sau đây:

– Điều 1: phải trải vàng bạc trên đường dẫn tới nghĩa trang.

– Điều 2: Bắt các y sĩ phải khiêng quan tài của ông.

– Điều 3: Khoét 2 lỗ ở quan tài và đưa 2 bàn tay của ông ra ngoài.

Họ tò mò hỏi tại sao đại đế lại làm như vậy?

Ông trả lời:

– Điều 1: vàng bạc ta chiếm được chẳng có nghĩa lý gì khi ta chết.

– Điều 2: Các y sĩ dù có tài giỏi đến đâu cũng vẫn phải chết.

– Điều 3: Ta vào trần gian trắng tay khi ra khỏi trần gian cũng tay trắng.

Câu truyện của A Lịch Sơn đại đế trên nói cho chúng ta 1 chân lý: cái chết tước đoạt tất cả. Chúng ta chẳng thể mang tiền bạc và của cải xuống mồ. Cái mà chúng ta mang đi được về thế giới bên kia mới là cái quan trọng. Cái đó là: Lòng Mến Chúa – Lòng Thương người – Những Việc Lành – Những Nhân Đức – Những Của Bố Thí. Những cái đó mới vĩnh cửu, mới có giá trị trước Toà Phán Xét.

Phúc Âm hôm nay có người đến xin Chúa giúp chia gia tài. Chúa nhắc bảo anh ta hãy tránh mọi thứ tham lam. Rồi Chúa dậy dụ ngôn có phú hộ kia được quá nhiều của cải, nên xây kho dự trữ rồi sau đó thả cửa ăn chơi. Chúa nói: “Đồ ngốc, đêm nay ngươi chết thì của cải để lại cho ai? Không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó.”

Chúa không lên án tiền bạc hay của cải vì chúng ta cần có để sống. Chúa dậy chúng ta cần phải tránh tham lam, vì tham lam dẫn tới sự mải miết kiếm tìm tiền bạc rồi bỏ bê linh hồn mình, vì tham lam chỉ lo tìm những của cải hư nát đời này mà quên đi tích trữ của cải vĩnh cửu đời sau.

Về tiền bạc hay của cải có 3 cấp bậc:

a, Cần tiền: ai cũng cần tiền để sống. Điều này không cần bàn tới.

b, Thích tiền: Nói chung hầu hết ai cũng thích tiền.

c, Mê tiền: Đây là điều nguy hiểm, vì coi tiền như cùng đích đời mình. Tìm hết mọi cách kiếm tiền (dù chính đáng hay bất lương). Nhưng vì quá mê tiền nên bỏ bê con cái, thờ ơ với Thiên Chúa, chểnh mảng linh hồn mình, không nghĩ tới đời sau, chỉ lo hưởng thụ, quên đi tha nhân… Cứ đọc Phúc Âm các dụ ngôn Chúa đưa ra thì biết rỏ.

Tiền bạc là những đơn vị bằng kim loại, giấy (hay thẻ nhựa) con người tạo ra để trao đổi hay buôn bán. Nó là đày tớ tốt vì phục vụ con người, nhưng nó làm ông chủ xấu do tâm địa tham lam, bất chính của con người. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta xử dụng tiền bạc hay của cải trong thái độ chừng mực, hợp lý, thanh liêm. Điều quan trọng hơn là hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa bằng các việc lành và hành vị bác ái, thương người. Đó là kho tàng chúng ta sẽ đưa về thế giới bên kia.

CHUYỆN BIẾT RỒI VẪN CỨ NÓI

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

(Chúa Nhật XVIII TN C)

Tiền, bạc, của cải, một đề tài mà tín hữu Kitô dường như nghe đã quá nhiều. Oái ăm thay, những người thường lên giọng về đề tài của cải, tiền bạc thì hầu như ít bị chi phối bởi đồng tiền bát gạo kiểu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hay ‘dãi dầm mưa nắng’ để có cái lót dạ và sinh hoạt cho bản thân và gia đình.

Cuộc đời thật lắm điều trớ trêu. Chuyện nghịch lý như không còn là chuyện lý thuyết. Người hô hào “vô sản” thì của tiền hằng hà vô số. Người cam kết sống khó nghèo thì thật khó mà nghèo. Người chủ trương duy vật thì rất chi là chủ quan, duy ý chí, lại còn mê tín đủ điều. Người mong được rỗi linh hồn thì quá lo lắng chuyện nhà cửa, tiện nghi vật chất, cơ sở…Dù nghịch lý hay trớ trêu, thì chúng ta cũng phải đối diện với Lời hằng sống truy vấn chúng ta về thái độ của chúng ta với của cải, bạc tiền.

Ngài Côhêlét lớn tiếng: “Phù vân trên mọi phù vân, tất cả đều là phù vân”(x.Gv 1,2). Của cải, bạc tiền thảy đều chóng qua như gió thổi, như mây nổi, như chim bay. Thưa Ngài Côhêlét: Phù vân đấy, chóng qua đấy, nhưng cuộc đời này không thể thiếu gió, vắng mây. Hễ bắt tay làm việc gì, dù lớn nhỏ, dù xây Nhà Thờ, nhà xứ hay lo cho con cái sắp vào niên học mới… thì thảy đều phải bước qua ngưỡng cửa “đầu tiên” là “tiền đâu?” Phù vân mà rất thân thiết, vì đồng tiền dính liền khúc ruột.

Thánh Tông đồ dân ngoại nói với tín hữu Côlôxê rằng hãy hướng lòng trí đến những gì thuộc về thượng giới và đừng chú tâm đến những gì thuộc về hạ giới. Thưa thánh nhân: “đói thì đầu gối phải bò”; “có thực mới vực được đạo”… Đôi tay ngài đã không từng sần sùi, chai sạm với nghề dệt lều vải đấy ư? Và ngài đã không từng kết án những người lười biếng, không chịu lao động đấy sao?

Quả thật vẫn có đủ đầy những luận lý để bào chữa cho thái độ sống quyến luyến với của cải vật chất. Dĩ nhiên chẳng ai dám to gan nói xóc, nói xỉa ngài Côhêlét hay thánh Tông đồ dân ngoại, nhưng vẫn có đó những lời nói cạnh, nói khía đến các “đấng bậc làm thầy” trong Giáo Hội. Các ngài đâu có lo bữa mai chạy bữa hôm như chúng mình. Các ngài đâu có quặn thắt khi con cái ốm đau hay phải chịu cái cảnh nợ nần chồng chất. Thế nhưng dù có biện bạch cách này cách khác thì chúng ta cũng phải chân nhận sự cám dỗ của đồng tiền và sức mạnh của vật chất. Chúng có thể huỷ hoại hạnh phúc chúng ta ngay trong cuộc đời này và có thể làm nguy hại hạnh phúc vĩnh cửu. Trong thực tiễn, dù lắm khi sức mạnh của đồng tiền như “là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà của danh vọng…”, nhưng chính Chúa Kitô đã từng minh định: Không được làm tôi hai chủ. Không được vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của (x.Mt 6,24). Và Người còn cảnh tỉnh chúng ta rằng người giàu có vào Nước Trời khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim (x.Mt 19,24).

Của cải, tiền bạc tự nó không xấu mà trái lại là tốt đẹp vì đều do Thiên Chúa dựng nên. Thế nhưng cần phân biệt những cái tốt mang tính giới hạn, vì nó chỉ là phương tiện chứ không phải là cùng đích. “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”(Lc 12,15). Và cũng chắc chắn rằng không phải nhờ của tiền dư giả mà hạnh phúc vĩnh cửu được bảo đảm. Theo thánh Phaolô thì tham lam là một hình thức thờ ngẫu tượng. Ngẫu tượng chỉ có thể dẫn chúng ta đến chỗ diệt vong. Xin đừng quên tham lam là mối tội thứ hai trong “bảy mối tội đầu”.

Thiên Chúa không hề chỉ dạy chúng ta xem thường của cải vật chất và cũng chẳng bảo chúng ta khinh rẻ các tiện nghi vật chất. Người đã minh nhiên truyền lệnh cho chúng ta lao tác không chỉ để có cái sinh nhai mà còn để có điều kiện phát triển và hoàn thiện đúng phận người, loài thọ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình mà Người đã dựng nên, vốn là hình ảnh của Người (x.St 1,27). Vấn đề đặt ra là chúng ta cần tìm kiếm vật chất, của tiền với mục đích gì? Điều đáng trách của người phú hộ trong câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể đó là đã không biết trả lời câu hỏi: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”(Lc 12,20).

Cái “ngốc”của người phú hộ là khi ra sức thu tích của cải mà “không biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Nếu giả như viên phú hộ trả lời rằng của cải của con sẽ để lại cho con cháu hầu giúp chúng có điều kiện phát triển hoặc để phần nào đó giúp cho người bất hạnh thoát cảnh nghèo khổ thì có lẽ ông ta chẳng bị nguyền rủa là “đồ ngốc”.

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa chính là chiếc chìa khoá giúp chúng ta thoát ra khỏi sự tham lam vị kỷ. Hạn từ giàu khiến chúng ta liên tưởng đến sự phong phú, đến tình trạng được có nhiều hơn. Ai là người giàu có trước mặt Thiên Chúa? Không chút ngại ngần, xin thưa đó là người có tấm lòng quảng đại, vị tha. Vẫn từng có đó những con người lắm tiền, nhiều của cải mà con tim luôn rộng mở, tấm lòng rất quảng đại, vì Danh Chúa, vì hạnh phúc của đồng loại như ông Tôbia, hoặc như bà Gioanna, vợ ông Khuda, bà Sudana và nhiều bà khác mà tin mừng Luca ghi lại (x.Lc 8,3). Tuy nhiên, sự cám dỗ của vật chất cũng đã và đang làm nhiều người băng hoại. Cha ông chúng ta vốn cảm nghiệm rằng khi của tiền càng phình ra thì con tim thường bị bó hẹp lại. Biết bao nghĩa tình mẹ cha con cái, bao nghĩa tình huynh đệ đã nhạt nhòa, đổ vỡ chỉ vì chút của tiền, chút lợi lộc đang nhan nhãn trước mắt chúng ta đây đó.

Để nên giàu có ở đời này thì hoạ hiếm mới có chuyện đột xuất như trúng số độc đắc mà thường là do quá trình kinh doanh, tích lủy có mục tiêu, có phương pháp và biện pháp thích hợp, hữu hiệu. Cũng vậy, để nên giàu có trước mặt Thiên Chúa, tức là ngày càng biết sống quảng đại, vị tha, vì Danh Chúa và vì hạnh phúc đồng loại thì không gì hơn hãy tìm phương thế và biện pháp để mở rộng tấm lòng của mình. Một kinh nghiệm sống từng được chia sẻ như sau: một giáo dân thú nhận rằng mình rất ngại ngần với chuyện “làm phúc, bố thí” cho người ăn xin. Tìm cặn kẻ nguyên cớ mới vỡ lẽ đó là vì trong túi anh ta thường chỉ có những tờ bạc mệnh giá lớn (50 hay 100 ngàn đồng trở lên). Sau khi được mách bảo rằng hãy luôn để trong túi một số “tiền lẻ”, thì anh ta đã tập được thói quen tốt là làm phúc bố thí cho người nghèo. Sau một vài lần sống theo lời khuyên rằng thỉnh thoảng làm một hành vi quảng đại gấp ba, gấp bốn, thậm chí gấp mười sự tính toán của bản thân, thì tấm lòng của anh ấy đã rộng thêm và như đã vượt qua một mức nào đó. Và chẳng biết tự bao giờ, chuyện lấn cấn khi “làm phúc bố thí” cho người nghèo vốn có trước đây như biến mất. Một nhân đức (thói quen tốt) đã hình thành. Không biết ở mức độ nào nhưng anh ta đang làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

GIA NGHIỆP

Lm Vũđình Tường

Nói đến gia nghiệp là nói đến những gì người đi sau nhận được của người đi trước để lại. Gia nghiệp không thuần mang í nghĩa của cải vật chất mà nặng về tinh thần, sức sống, sự khôn ngoan, cái hay, điều tốt, tiền nhân tích trữ qua kinh nghiệm sống. Như thế hưởng gia nghiệp là hưởng những gì cao quí, tốt lành và thánh thiện. Chính những tinh tuý của tiền nhân để lại giúp cho thế hệ sau tiến thêm hơn nữa trên con đường trở nên trọn lành. Thực phẩm cần cho thân xác và tâm hồn -Tâm hồn trong bài này tạm hiểu đó là khối óc -Tuy nhiên tâm hồn không dùng chung thực phẩm thân xác dùng mà cần thực phẩm riêng cho tâm linh. Tâm hồn vui hưởng âm nhạc, tìm vui qua sách báo, thanh thản hưởng cảnh mặt trời lặn ngoài đại dương hay mặt trời mọc trong buổi sáng tinh mơ. Tâm hồn cũng thích bay bổng thả hồn vào trăng, sao, vui hồn nhiên cùng mây vần vũ. Tâm hồn không phải tìm vui cho tâm hồn mà thực sự học hỏi, phân tích trước khi tích luỹ, chắt lọc điều thiện hảo, làm giầu đời sống nội tâm và chuẩn bị hành trang cho cuộc sống tương lai. Tương lai đây là tương lai cho chính cá nhân người đó và nếu là bộ óc thông minh xuất chúng những kinh nghiệm quí báu đó còn để lại cho thế hệ mai sau. Con cháu hưởng gia nghiệp đó qua sách vở, tài liệu và các phương tiện truyền thông.

Tâm hồn vươn ra, hướng thượng bởi bản tính mong tìm kiếm chân lí của tâm hồn. Tâm hồn không bao giờ thoả mãn ở mức độ vật chất nhưng luôn muốn vươn cao lên mãi, vượt ra khỏi chính nó để học hỏi thêm về bí mật của vũ trụ mong trả lời khúc mắc con người từ đâu đến và cuối đời đi về đâu. Gia nghiệp tiền nhân để lại có nhiều câu trả lời cho vấn đề này. Các câu trả lời không đồng nhất bởi nhận thức khác biệt về đời sống tâm linh của từng thế hệ. Có những điều thế hệ trước coi là huyền bí thế hệ sau có câu giải đáp thoả đáng. Dẫu vậy vẫn còn nhiều vấn nạn chưa có câu giải đáp thích hợp. Sự khác biệt đa dạng gây nên bởi tính phức tạp và vô hạn của thế giới vật chất và thế giới tâm linh. Tâm hồn có nhận thức nhiều vể thế giới vật chất nhưng rất giới hạn về thế giới vô hình. Cả hai thế giới chứa nhiều điều kì diệu, mỗi ngày tâm hồn đều có khám phá mới và tâm hồn cũng nhận biết những khám phá mới này vô cùng tận, vì càng khám phá thêm, tâm hồn cảm nhận vũ trụ chúng ta đang sống vĩ đại hơn cảm nghĩ lúc đầu, hơn nữa chính vũ trụ cũng đang lớn rộng từng giây phút, nhanh hơn những khám phá của tâm hồn.

Vấn đề người xưa và ngày nay người ta đang tìm kiếm có lẽ không nằm ở câu hỏi có Đấng Tạo Hoá hay không mà chính là khả năng của khối óc. Có hai trường phái đối nghịch. Một cho là khối óc con người là vô tận và có khả năng giải thích được mọi sự, nếu ngày nay chưa có câu trả lời cho vấn đề không có nghĩa là khối óc đầu hàng mà chính là chưa tìm ra câu trả lời. Trường phái khác cho là khối óc con người có giới hạn và không thể có câu trả lời thích đáng cho tất cả mọi vấn đề. Khi tìm hiểu liên quan đến Đấng Tạo Hoá thì cả hai trường phái đều bảo thủ, xác quyết quan điểm của mình đúng. Điều xác quyết này hoàn toàn trái với nhận thức khối óc dù tài giỏi đến đâu cũng có lúc sai lầm. Nhóm chấp nhận khối óc có giới hạn không chấp nhận giải thích của nhóm kia cho là vũ trụ hiện tại xảy ra do ‘tự nhiên mà có – happen by chance’. Nhóm chấp nhận giới hạn của khối óc tin là vũ trụ này do Đấng Sáng Tạo dựng nên.

Hậu thế hưởng gia nghiệp của tiền nhân gồm cả nhận thức tổng quát về vũ trụ lẫn niềm tin tâm linh bởi chúng là nền tảng giúp con người hướng tiến về tương lai. Kitô hữu hưởng gia nghiệp về nhận thức vũ trụ cộng thêm niềm tin vào Đấng Tạo Hoá; tngười từ chối tin vào Đấng Tạo Hoá không hưởng gia nghiệp đức tin này. Đặt niềm tin vào Đức Kitô mang lại một hy vọng lớn lao cho cuộc sống trường sinh và đó là gia nghiệp đời đời bởi chính Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết và những ai tin vào Ngài cũng sẽ hưởng thành quả sống lại vinh quang của chính Đức Kitô – món quà từ trời cao.

Lm Vũđình Tường TiengChuong.org

CỦA CẢI CHÓNG QUA

Lm. Anthony Trung Thành

Suy Niệm Chúa Nhật XVIII THƯỜNG NIÊN C

Khi đề cập đến của cải vật chất, trong tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đừng sa vào những cạm bẫy đáng sợ khi nghĩ rằng, cuộc sống tùy thuộc vào tiền bạc, và so với tiền bạc, các thứ khác đều không có giá trị và không quan trọng. Đó chỉ là một ảo tưởng. Chúng ta không mang theo tiền bạc khi đi vào cõi chết. Tiền bạc không đem lại hạnh phúc đích thực. Bạo lực tàn ác dùng để thu tích tiền bạc, không đem lại quyền lực cũng không giúp chúng ta khỏi chết. Sớm hay muộn, mọi người đều phải chịu Thiên Chúa phán xét, không ai tránh được” (Số 19). Lời Chúa hôm nay cũng cho chúng ta thấy, đồng tiền không phải là tất cả, vì đồng tiền là vật chất nên có thể mục nát, trở về hư vô. Vì vậy mỗi người chúng ta cần có một thái độ đúng đắn đối với tiền của.

1. Sự hư vô của vật chất Bài đọc I, tác giả sách Giảng Viên cho chúng ta thấy sự hư vô của vật chất: “Phù vân, ôi phù vân. Tất cả chì là phù vân” (Gv 1,2). Nghe qua chúng ta cảm thấy tác giả có tính bi quan với cuộc đời, với của cải vật chất, nhưng đó lại là sự thật. Con người đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi ra khỏi đời này cũng hai bàn tay trắng. Ca dao có câu: “Vua Ngô ba sáu tấn vàng, chết xuống âm phủ chẳng mang được gì.” Thật đáng tiếc cho những người suốt đời làm ăn vất vả chỉ để thu tích của cải vật chất nhưng khi chết chẳng mang được gì cả. Giống như nhà phú hộ trong bài Tin mừng hôm nay. Chúng ta không biết ông ta làm giàu bằng cách nào. Chúa Giêsu cũng không lên án cách ông ta làm giàu. Nhưng Chúa lên án anh ta vì anh ta qúa cậy dựa vào tiền của, coi của cải là mục đích, là tối hậu. Vì của cải mà anh ta quên đi các mối quan hệ khác: với Thiên Chúa, với tha nhân. Cho nên, Chúa Giêsu mới quở anh ta rằng: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20). Có lẽ hôm nay Chúa vẫn nói những lời đó với chúng ta: khi chúng ta buôn gian bán lận; khi chúng ta tranh chấp đất đai, tiền của mà quyền lợi không thuộc về mình; khi chúng ta tham nhũng, trộm cắp gian lận của người khác để làm giàu cho mình; khi chúng ta chỉ biết thu tích mà không biết chia sẻ, không biết làm phúc bố thí cho người nghèo khó, bệnh tật…Nghĩa là chúng ta chỉ lo thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận của chúng ta cũng như vậy (x. Lc 12, 21).

2. Hãy tìm kiếm những sự trên trời Thánh Phaolô trong bài đọc thứ II, khuyên chúng ta: “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,2). Chúa Giêsu đã từng nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33); “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6, 19-20). Thật vậy, mục đích chúng ta sống trên đời này là để làm sao được hưởng hạnh phúc đời sau. Vì vậy, chúng ta luôn phải hướng về trời cao, tìm kiếm những gì thuộc về trời cao, để được hạnh phúc đời sau. Vậy, làm sao để tìm kiếm được nước trời?

Thứ nhất, cần phải xa tránh “những sự dưới đất”. Đó là chính là tội lỗi, là những thứ cản trở chúng ta trên con đường về với Chúa: ma quỷ, thế gian, xác thịt. Thánh Phaolô đã gợi ý cho chúng ta những điều sau đây: “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3,5). Rồi Ngài nói tiếp :“Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi” (Cl 3, 9). Xét mình lại, nếu có lỗi phạm những điều trên đây, hãy kịp thời thống hối ăn năn và quyết tâm từ nay không tái phạm nữa. Thứ hai, tránh mọi thứ tham lam. Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, sau khi từ chối việc chia gia tài, Chúa Giêsu khuyên: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu” (Lc 12,13). Tránh mọi thứ tham lam, tức là không được trộm cắp, gian lận, lỗi công bằng, tham nhũng cách này hay cách khác. Nhưng trong thực tế của xã hội hôm nay, rất nhiều người không bao giờ thỏa mãn những gì mình có: có cái này thì muốn cái kia; có nhiều thì muốn nhiều hơn nữa…Vì vậy, người ta tìm cách thu tích về cho mình càng nhiều càng tốt, thu tích hợp pháp cũng có, thu tích bất hợp pháp, không loại trừ thủ đoạn cũng không thiếu. Họ chạy theo lòng tham bất chấp mọi hậu quả. Trong Tông sắc Lòng Xót Thương, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi tham nhũng là “vết thương đang mưng mủ này của xã hội chính là một trọng tội đang kêu thấu tới trời, vì nó hủy hoại nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội. Sự tham nhũng cướp đi mất niềm hy vọng vào tương lai của con người, vì trong sự tàn nhẫn và trong sự thèm muốn của mình, nó hủy hoại những kế hoạch tương lai của những người yếu đuối, và nghiền nát những người nghèo. Đó là một tội ác, mà nó bắt đầu với việc xâm nhập vào trong những điều nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, rồi sau đó phát tán một cách rộng rãi, và đôi khi trở nên rõ ràng như trong những vụ việc lớn. Sự tham nhũng chính là một sự ở lỳ trong tội lỗi, mà tội lỗi ấy nhắm tới việc thay thế Thiên Chúa với ảo tưởng về quyền năng của tiền bạc. Nó là một công việc của bóng tối, được hỗ trợ bởi sự nghi kỵ và quỷ kế…” Và để loại trừ được sự tham nhũng ra khỏi cuộc sống, Ngài đòi hỏi chúng ta: “phải có sự khôn ngoan, sự canh chừng, sự trung thành với luật lệ, cũng như phải có tính minh bạch và sự can đảm để đặt ngón tay vào trong vết thương. Ai không chiến đấu một cách công khai với sự tham nhũng thì sớm muộn gì người ấy cũng sẽ trở thành những kẻ đồng lõa, và rồi sẽ hủy hoại cuộc sống” (x. số 19).

Thứ ba, cần phải biết chia sẻ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,33). Thật vậy, của cải chỉ là phương tiện để phục vụ: phục vụ bản thân, phục vụ gia đình, phục vụ anh em đồng loại, phục vụ lẫn nhau. Chúng ta nhớ bài Tin mừng nói về ngày phán xét chung, Chúa Giêsu dựa vào những việc làm hay không làm của chúng ta đối với những kẻ bé mọn để phán xét ta lên Thiên đàng hay sa Hỏa ngục (x. Mt 25, 31-46). Cho nên, tất cả chúng ta cần phải biết chia sẻ của cải mình có cho những người khác, nhất là những người giàu cần phải biết san sẻ cho những người nghèo. Thánh Tôma Aquinô quả quyết: “Những người giàu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa.” Thánh Basiliô thì nói rằng: “Tấm bánh mà bạn giữ lại là của người đói khổ, chiếc áo mà bạn cất trong vali là của kẻ trần trụi.” Sau thánh lễ hôm nay, mỗi chúng ta hãy xem trong gia tài của mình có cái gì đó mà lâu nay chúng ta không dùng tới không? Nếu có, hãy mạnh dạn chia sẻ cho những người cần đến nó.

Lạy Chúa Giêsu, vì của cải, tiền bạc mà biết bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình phải tan nát. Xin cho mỗi chúng con tránh mọi thứ tham lam, biết làm ăn chân chính và quảng đại chia sẻ những gì có thể cho những người xung quanh. Amen.

HÃY XỬ DỤNG CỦA HAY HƯ MẤT MUA LẤY CỦA CẢI ĐỜI ĐỜI

Lm Jude Siciliano OP

Chúa Nhật 18 THƯỜNG NIÊN (C) Giảng Viên 1: 2; 2:21-23;T. vịnh 94; Côlôxê 3: 1-5, 9-11;Luca 12: 13-21

HÃY XỬ DỤNG CỦA HAY HƯ MẤT MUA LẤY CỦA CẢI ĐỜI ĐỜI

Khi giáo dân nghe đọc sách Giảng Viên hôm nay, họ sẽ tụ̉ hỏi ông Cô-he-lét là ai? Có lẽ không phải là tên của một ngủỏ̀i, nhủng có thể nói đến một nhóm tập họp các nghiên cứu sinh, hay một cộng đoàn. Mọi người có thể không biết ý nghĩa của tủ̀ Cô-he-lét, nhủng chúng ta không cần phải là học giả Kinh Thánh cũng có thể hiểu được thông điệp trong đoạn văn.

Câu mỏ̉ đầu là lỏ̀i tóm tắt gọn ghẽ của toàn sách Giảng Viên: “Phù vân, rất mụ̉c phù vân, Cô-he-lét nói. Phù vân, rất mụ̉c phù vân; quả là phù vân”. Dịch theo cách của tiếng Do Thái: “vậy thì mọi sụ̉ đều là “hỏi thỏ̉” hay “không khí”, hay “không đáng là gì”. Sách Giảng Viên nhắc chúng ta là nhủ̃ng sụ̉ vật trong thế gian chỉ là phù du. Cũng nhủ khi một ngủỏ̀i đến lúc về già nhìn lại quá khủ́. Trong lúc đỏ̀i sống của ngủỏ̀i đó sắp tàn, và ngủòi đó chợt nhận ra rằng họ đã đầu tư sủ́c lụ̉c quý báu của mình vào nhủ̃ng sụ̉ việc không đáng hỏn là hỏi thỏ̉ hay không khí. Thật là đáng tiếc thay.

Hôm nay ngủỏ̀i khôn ngoan cho chúng ta nhiều điều để suy ngẫm. Chúng ta sẽ dùng thì giỏ̀ và năng lụ̉c tốt nhất của chúng ta vào nỏi nào và bằng cách nào? Trong khi chúng ta cần chăm sóc cho gia đình, chăm sóc cho bản thân chúng ta hôm nay, và cho tủỏng lai, thật là quá nhiều nỗi lo phải không? Năng lụ̉c chúng ta có thể đủọ̉c xủ̉ dụng đúng hay không? Chúng ta đã để ý đến nhủ̃ng ai? Sách Giảng Viên là phần của văn chủỏng Do thái về sụ̉ Khôn Ngoan. Mặc dù văn chủỏng đó có vẽ buồn chán, nhủng có thể giúp chúng ta vài quan niệm.

Tôi muốn nhìn lại quá khủ́ đỏ̀i tôi và tôi cảm thấy phần lỏ́n tôi đã sống một cách khôn ngoan. Tôi không muốn một ngày nào đó bị giật mình nhủ ngủỏ̀i phú hộ trong dụ ngôn hôm nay khi ông ta nghe lỏ̀i Thiên Chúa bảo ông ta là “Đồ ngốc; nội đêm nay ngủỏ̀i ta sẽ đòi lại mạng ngủỏi, thì nhủ̃ng gì ngủỏi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Đối vỏ́i ngủỏ̀i nghe nhủ̃ng lỏ̀i đó, cỏ hội để xem xét lại và để thay đổi đã qua rồi. Ông ta không còn dịp để có thì giỏ̀ quyết định mạng sống của ông ta, vì ngủỏ̀i ta sẽ “đòi lại” mạng sống ông ta.

Nhủng, không nhủ ông phú hộ, chúng ta có thì giỏ̀. Dụ ngôn rất củ́ng rắn nhủng cung cấp ỏn sũng cho chúng ta. Cũng nhủ tiếng reo cảnh báo về an toàn để báo hiệu mối nguy hiểm. Tiếng reo đó nhủ sách Giảng Viên, chiếu một ánh sáng vào đỏ̀i sống chúng ta, và giúp chúng ta sụ̉ khôn ngoan. Dụ ngôn trình bày một điều không may mắn, nhủng không trái vỏ́i hoàn cảnh không thông thủỏ̀ng. Thí dụ nhủ ai lại không nghe chuyện gây gỗ giủ̃a anh chị em ruột thịt về việc cạnh tranh nhau về gia tài của cha mẹ để lại. Tình ruột thịt bị tan vỏ̃. Mặc dù cha mẹ đã làm hết sủ́c để tránh sụ̉ gây gổ, vậy mà sau khi họ qua đỏ̀i con cái đủa nhau ra tòa để dành phần hủỏng hỏa. Sụ̉ gây gỗ không phải về vấn đề nhu cầu đỏ̀i sống, mà về việc ai chiếm đoạt đủọ̉c bao nhiêu thì chiếm lấy. Hình nhủ anh chị em muốn lấy đủọ̉c bao nhiêu là tốt bấy nhiêu, và nghĩ là điều đó làm họ hạnh phúc. Trong lúc đó có tiếng nói tủ̀ bên trong “Đồ ngốc”. Chúa Giêsu đã dạy ỏ̉ nỏi khác là không phải của cải giàu sang có thể làm đỏ̀i sống chúng ta an toàn. May ra dụ ngôn mỏ̉ mắt chúng ta và giúp chúng ta giỏ́i hạn lòng tham lam của chúng ta, và giúp chúng ta đặt biên giỏ́i giủ̃a sụ̉ khôn ngoan và ngu xuẫn.

Cách đây ít lâu ca sĩ Peggy Lee có bài hát gọi là: “Có phải tất cả chỉ có thế thôi?”. Đó là bài hát tỏ ý không hài lòng và chán nản. Có phải đó là thái độ của ngủỏ̀i phú hộ trong dụ ngôn hay không? Ông ta không nhìn thấy xa hơn cuộc sống hiện tại của ông ta sao? Ông ta kết luận là đỏ̀i sống này đã được tất cả cho anh ta là như vậy, nhủ ca sĩ Peggy Lee hát: “Nếu đó là tất cả các bạn bè của tôi thì chúng ta hãy vui mủ̀ng nhãy múa. Hãy nâng chai rủọ̉u mủ̀ng vui. Nếu tất cả chỉ có thế thôi”.

Ngủỏ̀i phú hộ sống nhủ “tất cả chỉ có thế thôi”. Nếu ông ta là ngủỏ̀i Do thái ngoan đạo, ông ta chắc đã biết tất cả nhủ̃ng hoa màu là của Thiên Chúa ban, và ông ta đã chia sẻ của cải đỏ vỏ́i các ngủò̀i thiếu thốn. Dụ ngôn không nói ông ta có gia đình hay không. Nếu có gia đình ông ta đã có thể nói đến hoa màu đó không? Và ông ta cũng không hỏi lỏ̀i khuyên bảo của bạn bè hay ngủỏ̀i làm việc vỏ́i ông ta. Chúa Giêsu tóm tắt khi Ngài nói: “Như vậy kẻ nào thu tích cho mình, mà không lo làm giàu trủỏ́c mặt Thiên Chúa thì số phận cũng nhủ thế đó”.

Ngủỏ̀i phú hộ chỉ chú trọng đến ông ta thôi. Ngủỏ̀i khuyên bảo chính là ông ta. Ngủỏ̀i thủ̀a hủỏ̉ng của cải cũng chính là ông ta. Hãy để ý tủ̀ “mình” đã dùng bao nhiêu lần trong việc quyết định của ông ta về của cải. Thiên Chúa trả lỏ̀i: “Đồ ngốc”. Ông ta có lỏ̀i khuyên bảo của một ngủỏ̀i ngốc, và đủọ̉c câu trả lỏ̀i của ngủỏ̀i ngốc. Ông ta yêu thích của cải và trái tim ông ta ỏ̉ đó. Nhủng, ông ta không có cỏ hội hủỏ̉ng của cải đó vì đêm đó ông sẽ qua đỏ̀i. Chúng ta có nghĩ là Thiên Chúa làm cho ông ta chết hay không? Có thể có nhủ̃ng lý do khác về sụ̉ chết của ông ta. Ngủỏ̀i phú hộ tích trủ̉ của cải có thể bị trộm củỏ́p giết. Ngủỏ̀i làm công không hài lòng hay ngay cả ngủỏ̀i trong gia đình ganh tị giết. Điều đó phải là lần đầu tiên trong cuộc sống.

Chúa Giêsu nói là “ngủỏ̀i phú hộ đó không lo làm giàu trủỏ́c mặt Thiên Chúa”. Ông ta thủỏ̀ng xuyên chỉ nghĩ đến bản thân ông ta thôi, hỏn là nghĩ đến hạnh phúc thật sụ̉. Thiên Chúa là nguồn gốc hạnh phúc thật sụ̉, và Chúa Giêsu cũng dạy tình yêu tha nhân vỏ́i tình yêu Thiên Chúa. Thủỏng yêu Thiên Chúa và chủ́ng tỏ qua tình thủỏng yêu tha nhân có thể làm cho ông ta hạnh phúc. Nhủng, dụ ngôn không nói đến tha nhân. Dụ ngôn chỉ nói đến ngủỏ̀i phú hộ tụ̉ nói vỏ̀i mình.

Đỏ̀i sống ông ta thay đổi nhanh chóng, đêm đó ông ta sẽ chết. Trong đỏ̀i sống chúng ta có nhiều cách thay đổi nhủ: kết quả của việc bác sĩ khám nghiệm; một cú điện thoại vào 2 giỏ̀ sáng; một ngủỏ̀i trong gia đình hay một ngủỏ̀i bạn thân qua đỏ̀i; bị mất việc làm; gia đình tan rả. Nhủ̃ng chuyện này và nhiều chuyện đỏ́n đau khác có thể làm đỏ̀i sống khó khăn. Nhủ̃ng điều đó có thể gây đau khổ cho chúng ta , nhủng ,nếu đỏ̀i sống chúng ta dụ̉a sâu vào Thiên Chúa là nền tảng trong nhủ̃ng lúc khó khăn, và là nền tảng giúp chúng ta năng lụ̉c để vủọ̉t qua nhủ̃ng lúc đó.

Tiền của có thể mất đi. Nhủng có thể đó là dịp cho chúng ta nghĩ của cải chúng ta nằm ỏ̉ đâu. Ngoại trủ̀ chúng ta dùng tiền của để lo cho nhu cầu căn bản hay chúng ta dùng của cải cho việc gì khác. Chúng ta có dùng tiền của chúng ta để giúp ngủỏ̀i thiếu thốn bé mọn hay không? Thì giỏ̀ có thể cho chúng ta biết phải dùng của cải khác nhủ thế nào và điều đó sẽ giúp chúng ta biết của cải chúng ta nằm ỏ̉ đâu. Đối vỏ́i nhủ̃ng ngủỏ̀i già nua, hay bị bệnh hoạn nặng, khi sắp đến cuối đỏ̀i, họ thủỏng tiếc về việc họ đã dùng thì giỏ̀. Họ sẽ nhỏ́ lại họ đã lo âu về nhủ̃ng chuyện không quan trọng và quên nghĩ đến nhủ̃ng việc thật đáng lo. “Điều gì quan trọng trong đỏ̀i sống tôi, và tôi đã làm gi về nhủ̃ng điều đó?” Nói một cách khác, chúng ta cần mỏ̉ kho lẫm để chia sẻ của cải vỏ́i kẻ khác.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP

18th SUNDAY -C- Ecclesiastes 1: 2; 2:21-23; Psalm 95; Colossians 3: 1-5, 9-11; Luke 12: 13-21

When our congregation hears the Ecclesiastes reading today they will wonder who Qoheleth is. It is probably not the name of one person, but might refer to a student gathering, or a collection of wisdom sayings. People may not know the meaning of the word Qoheleth, but you don’t have to be a Bible scholar to understand the message.

The opening lines are a good summary of the whole book of Ecclesiastes: “Vanity of vanities, says Qoheleth, vanity of vanities! All things are vanity.” Another translation of the Hebrew could be “breath” or “vapor.” One translator has it: “utter futility!” So, “all things” are “breath,” “vapor,” or “utterly futility. We are reminded by Ecclesiastes that the things of this world are ephemeral. It is as if a person has reached the end of their days and is looking back. Their life is almost over and they realize they have invested their precious energies on things no more substantial than breath or vapor. What a downer!

The sage offers us plenty of material for reflection today. Where and how are we using our time and best energies? While we need to support our families, and take care of ourselves now and for the future, how much is too much? Are our energies well spent? Whom do they include and who is left out of our concerns? Ecclesiastes is part of the Hebrew wisdom literature. Despite its gloomy and pessimistic outlook, it does offer some perspective.

I want to look back on my life and feel I have, for the most part, lived it wisely. I don’t want to be shocked someday, like the man in today’s parable, who heard the dreadful accusation, “You fool, this night your life will be demanded of you; and the things you have prepared, to whom will they belong?” For the person hearing those words the opportunity to reevaluate and change has passed. He is not being offered time and he has no control over his fate – his life will be “demanded” of him.

But, unlike the man, we still have time. The parable is stark, but offers grace. Like a security alarm that warns us of danger it can, like Ecclesiastes, be shining a light on our lives and offering us wisdom. The parable presents an unfortunate, but not uncommon scene. For example, who hasn’t heard of a major conflict and break among formally close sisters and brothers over a parent’s estate? A close relationship is torn to pieces. Even when parents did what they could to prevent this type of conflict, after their deaths, the children go to court to get what they can from the inheritance. The arguments aren’t usually over the necessities for survival, but a grab for as much as possible. We seem to want more and more, thinking that will make us happy. Meanwhile, there is that intrusive voice that enters the scene and says, “You fool….” Jesus has also taught elsewhere that it is not our riches that can secure life. Maybe the parable will open our eyes and help us put limits on how much we want – and help us construct a boundary between sanity and insanity.

A long time ago Peggy Lee had a popular song called, “Is That All There Is?” It was a song of dissatisfaction and disappointment. Is that how the man in the parable was acting? Did he not see beyond this present life? Did he conclude that this life was all there was for him so, as Peggy Lee sang, “If that’s all there is my friends, then let’s keep dancing. Let’s break out the booze and have a ball. If that’s all there is.”

The rich man lived as if, “that’s all there is.” If he were a devout Jew he would have acknowledged the bountiful harvest he had as a gift from God. He would have shared with those who were in need. There is no mention in the parable that he had family. Would they have had any say in what he did with his rich harvest? Nor did he ask advice from his workers and friends. Jesus sums it up when he says, “Thus will it be for all who store up treasure for themselves, but are not rich in what matters to God.”

The man’s focus was himself. His chief advisor was himself. The only beneficiary to his actions would be himself. Notice how many times “I” is used in his decision-making. God’s response: “You fool.” He consulted a fool for advice and got a fool’s response. The man loved his riches, that’s where his heart was. But he would have no opportunity to enjoy his wealth, because he would die that night. Do we presume God is going to strike him dead? There are other possible causes for his death. A rich man who hoarded his wealth could have been killed by thieves, disgruntled workers, even a jealous member of his family. It wouldn’t be the first time.

Jesus accuses the man of not being “rich in what matters to God.” He was habitually disposed to think of himself first, instead of pondering where true happiness lies and then acting on what he discovered. God is the source of true happiness and Jesus links love of neighbor with love of God. Loving God and showing it through love of neighbor would have brought him happiness. But there is no mention of neighbor in this parable; it is just the man talking to himself.

The man’s life is about to take a sudden turn; he will die that night. There are other ways for our lives to take sudden turns: the results of a medical exam; the phone call at 2 AM; the death of a family member, or beloved friend; a layoff at work; the breakup of a marriage. These and many other crises can make life very difficult to bear; but they can be devastating if our lives are not rooted in God, who is our rock in hard times and our strength to see us through.

Money can give out on us. But it can also be the means by which we express where our treasure lies. Besides using it to cover life’s basic needs, how else do we use our resources? Do we use our money to care for the least? And it isn’t just about money, is it? Our calendar can tell us how we use another treasure – our time – and it will show where our treasure lies. As the end approaches the elderly, or terminally ill, sometimes express regret with how they used their time. They will recall how they worried and were fretful over unimportant concerns and lost sight of what really mattered. Why wait till the end? Why not put this question to ourselves. “What really matters in my life and what am I doing about it?” To put it another way: we need to open our barn doors and share our treasures with others.

KHÔNG NÊN THU TÍCH CỦA CẢI

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chúa Nhật XVIII THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 12, 13 – 21

Chúa đến trần gian để dạy cho con người về tìm được sự sống đời đời .Bởi vì, con người sinh ra trên đời này, cơm gạo bạc tiền, vật chất luôn là những cám dỗ làm cho con người nhiều khi quên đi điều chính yếu không phải chỉ chăm chú vào những của cải hay hư nát ở đời này, nhưng mục đích chính của nhân loại, của con người là tìm của cải không hư nát, đó là tìm kiếm Nước Thiên Chúa.

Sống ở thế giới, sống nơi gian trần, của cải, vật chất, lương thực là cần thiết thật nhưng là người Công Giáo : phẩm giá của con người không cho chúng ta dừng lại nơi những thực tại hữu hình ở trần gian này. Trong Cựu Ước, Ông Côhêlét đã nói :” Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân “ ( Gv 1, 2 ). Do đó, nếu chúng ta tưởng rằng của cải ở trần gian này là mục đích chính yếu thì họ đã lầm . Thực tế, Thánh Vịnh 39 đã cho chúng ta thấy rõ sự mau qua của đời này như thế nào :” Tuổi đời con Chúa đo cho vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể bằng không. Sống ở đời, con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.Công vất vả vả việc làm ngược xuôi:làn gió thoảng, ký cóp mà chẳng ai hay sẽ hưởng dùng “. Dụ ngôn người phú hộ giầu có cho chúng ta hiểu rõ điều này. Người phú hộ ngu xuẩn, có của cải dư thừa, đến nỗi phải xây kho lẫm to lớn hơn để chứa của cải. Cái dại dột của người phú hộ là luôn dựa vào của cải, luôn níu kéo của cải, ông ta không nghĩ rằng một lúc nào đó ông cũng phải chết đột ngột, không thể mang theo được bất cứ thứ gì đi theo…Ông phú hộ cứ tưởng sư giầu sang, dư của, lắm tiền sẽ làm cho ông sống mãi: ông không nghĩ tới cái chết bao giờ cả. Ông tham lam và như nhiều người khác ở thế gian này tham lam, bao nhiêu tiền của cũng không đủ, càng có tiền, càng muốn có thêm. Ông và nhiều ngươi cứ tưởng lắm của là bảo đảm được hạnh phúc ở đời này, do đó, không cần kiếm những giá trị vĩnh viễn, của cải không bị ten sét, mối mọt gặm nhấm vv…Tuy nhiên, ông phú hộ và nhiều người đã lầm tưởng vì tất cả đều phải chết và khi chết họ sẽ đòi phải trả lời trước Chúa, và như thế sự sống vĩnh cửu họ cũng bị mất !.

Lời Chúa Chúa Nhật XVIII thường niên, năm C cho chúng ta hiểu thế nào là giầu có của cải ở trần gian. Chúa đã gọi những kẻ giầu có kiểu này là những kẻ ngu xuẩn. Thực tế, cái ngu xuẩn, dại khờ của người phú hộ là không nhìn xa, thấy rộng. ông ta chỉ xây lẫm và không nhìn ra khỏi cái kho lẫm của mình. Ông ngu dại đến nỗi không để một ngõ ngách nào để có thể nhìn thấy anh Lazarô đói nghèo đang nằm chờ từng miếng vụn của bánh mì trên bàn của ông phú hộ rơi xuống. Cái mỉa mai là chỉ có con chó đến liếm những chỗ ghẻ chốc cho anh Lazarô! Cái ngu dại khác là ông phú hộ cũng không biết rằng sau khi chết mình chẳng có thể đem được bất cứ gì đi theo với mình.

Vâng, những kẻ ngu xuẩn, dại khờ là những kẻ sống nhưng không biết mình sống để làm gì, của cải mình làm với mục đích gì và chết rồi mình sẽ đi về đâu ? Những kẻ ngu dại là những kẻ lấy cái phụ làm cái chính, lấy của cải, lấy thú vui, quyền lợi, danh vọng làm mục đích, cùng đích của cuộc đời. Những người này không biết chia sẻ của cải Chúa ban, chà đạp người nghèo và tranh giành với người khác, đặc biệt với những người thấp cổ bé họng, những người nghèo khổ để làm giầu cho bản thân và gia đình của mình vv…Đời sống con người quả thực không dài nhưng nhiều khi cái khó nó bó cái khôn làm cho con người ra ngu dai để chỉ biết nhìn thật gần mà không biết nhìn xa và không biết làm những hành động bác ái tỏa sáng vv…

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mọi người, nhắc nhớ chúng ta :” Sự sống đời này thật mau qua “ như người xưa thường ví von “ cuộc sống là phù du, như hoa sớm nở, chiều tàn vv…”. Sự sống vĩnh cửu, của ăn trường tồn mới là điều con người và chúng ta phải đầu tư lâu dài để tìm kiếm.Con người chúng ta phải có những định hướng và chấn chỉnh theo đúng Lời Chúa để cuộc đời chúng ta được hạnh phúc tròn đầy. Chúng ta là người có niềm tin, chúng ta phải sống đúng niềm tin để giữa sự bon chen của cuộc sống, chúng ta vẫn là những người khôn ngoan theo ý Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, giữa cuộc sống ô tạp, bon chen, xin Chúa giúp chúng con biết chọn lựa và tìm kiếm những của cải thường tồn là của cải mà Chúa muốn chúng con tìm kiếm.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Cái ngu dại của người phú hộ là gì ? 2.Người ta có sống mãi ở đời để hưởng thụ không ? 3.Khôn ngoan của người đời là gì ? 4.Người có đức tin phải sống thế nào giữa cuộc đời đầy bon chen này ? 5.Giá trị của Nước Trời là gì ?

GIA TÀI

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN. C

(Luca 12: 13-21)

 

GIA TÀI

 

Gia tài để lại cho con,

Anh em ganh tị, xói mòn tình thân.

Ai làm quan xét thiện chân,

Giải hòa tranh chấp, mong phần hơn thua.

Gian tham của cải tranh đua,

Sống đời sung túc, như vua trong đền.

Gia tài tiền bạc không bền

Chúa khuyên cẩn thận, hãy nên canh chừng.

Dụ ngôn phú hộ vui mừng,

Tiền rừng bạc bể, đã từng âm mưu.

Kho tàng đầy ắp chắt chiu

Ăn sung mặc sướng, về hưu hưởng dùng.

Nghĩ rằng cuộc sống ung dung,

Tha hồ an hưởng, vui chung suốt đời.

Nghỉ ngơi ăn uống gọi mời,

Gia tài sẵn có, cả đời vui chơi.

Ai ngờ tiếng gọi từ trời,

Đêm nay giã biệt, không lời chia tay.

Biết bao gian khó đắng cay,

Ra đi tay trắng, ngày nay còn gì.

Hãy tích trữ cho mình kho báu trên trời nơi không có mối mọt rúc rỉa. Chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Qua câu truyện dụ ngôn xin chia gia tài trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu đã dẫn chúng ta đến một gia tài qúy giá hơn đó là gia tài trên trời. Của cải dưới đất quan trọng, nhưng nó chỉ là phương tiện và chỉ là tên đầy tớ giúp chúng ta góp phần cho gia sản trên trời.

Thu góp nhiều của cải để hưởng thụ, nhưng của cải không bảo đảm cho ta ngay cả sự sống đời này. Chúa nói rằng: Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? Có người nói: Có tiền mua tiên cũng được. Họ đặt niềm tin nơi đồng tiền và nghĩ rằng có tiền là có thể bảo đảm cho cuộc sống hạnh phúc. Sách Giảng Viên nói: Hư không trên các sự hư không và mọi sự đều là hư không.

Không có gì sai, khi chúng ta kiếm tìm và thụ hưởng những của cải trần gian. Chúng ta cần có một số của cải cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Chúa hiểu rõ nhu cầu cuộc sống của con người. Chúa trách người giầu có chỉ lo tích trữ của cải. Có lẽ vì họ tham lam quá độ. Khi họ đã có lại muốn có nhiều hơn và lòng tham vô đáy. Họ trở thành nô lệ cho đồng tiền. Họ nghĩ rằng tiền bạc có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề. Họ đã bị lầm, vì ngày mai không nằm trong tay của họ.

Đôi khi, chúng ta chỉ đo lường giá trị con người dựa vào của cải đang có. Nào là ta có bao nhiêu nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn và tiền bạc. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, những kẻ sống vui vẻ và những người sống hạnh phúc là những người không qúa giầu có. Họ biết dùng thời gian để hưởng phước với gia đình, con cái và giúp đỡ tha nhân. Nếu chúng ta cứ mải mê tìm kiếm của cải, chúng ta đánh mất niềm vui, không còn thời giờ cho chính mình và gia đình. Kho tàng chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó.

Truyện kể: Cách đây vài năm, có bà tên là Mary, quanh năm đi rảo khắp các đường phố ăn xin. Dù giá buốt mùa đông cũng như nóng bức mùa hè, bà mặc áo rách rưới. Bà than van khổ cực, kẻ thương tình bố thí. Người quen thì xua đuổi, bà vẫn kiên tâm chịu đựng. Tối về ngủ nơi túp lều làm bằng thùng giấy. Ăn uống khổ cực. Khi bệnh hoạn không dám mua thuốc uống. Bà đã qua đời. Sở vệ sinh được tin báo, họ đến và chui vào túp lều. Họ thấy bà đã chết cứng đơ, tay của bà chỉ về phía góc lều, người ta bới lên được một hộp đựng số tiền lớn 127 ngàn mỹ kim.

Của cải tự nó không xấu và không tốt. Tiền của trên trần gian chẳng có giá trị gì trên trời nếu nó không đổi thành việc lành. Dùng của cải nhưng đừng để lòng bị dính bén, Chiếm hữu, nhưng đừng để của cải chiếm hữu. Dùng của cải đời này để mua Nước Trời mai sau qua việc chia xẻ và giúp đỡ người thiếu thốn và khó nghèo. Đó là cách chúng ta đầu tư vào gia tài trên trời.

THỨ HAI, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 14, 13-21).

THẦN LƯƠNG

Tìm nơi vắng vẻ nguyện cầu,

Đoàn dân lũ lượt, giãi dầu gió sương.

Bơ vơ khao khát tình thương.

Chữa lành thân xác, thần lương nuôi hồn.

Giữa nơi hoang địa hoàng hôn,

Xin Thầy giải tán, vào thôn mua hàng.

Giê-su thương cảm dân làng,

Các con giúp họ, dọc dàng khó khăn.

Kiếm gì cho họ cùng ăn,

Đây là bánh cá, thức ăn thường dùng.

Chúa truyền dân chúng ngồi chung,

Tạ ơn Thiên Chúa, chia chung mọi người.

Nhân thêm bánh cá diệu vời,

Năm ngàn nhân khẩu, đầy vơi dư tràn.

Mười hai thúng vụn ơn ban,

Chúa cho dư giả, tràn lan phúc lành.

THỨ BA, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 14, 22-36).

YÊN TÂM

Một mình cầu nguyện bên đồi,

Môn đồ rời bến, một hồi thật lâu.

Chúa còn ở lại phía sau,

Con thuyền giữa biển, biết đâu nương nhờ.

Chập chờn ngược gió xa bờ.

Chúa đi mặt biển, tơ mơ ngắm nhìn.

Ma kìa, sợ hãi rùng mình,

Yên tâm, đừng sợ, dáng hình Thầy đây.

Phê-rô nhận biết là Thầy,

Xin đi mặt nước, đến Thầy được không?

Chúa rằng bước đến bên hông,

Gió lùa thổi mạnh, thân ông chìm dần.

Lạy Thầy xin cứu thân trần,

Giơ tay cứu đỡ, con cần đức tin.

Lên thuyền biển lặng ngước nhìn,

Lạy Con Thiên Chúa, cầu xin phúc lành.

THỨ TƯ, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 15, 21-28).

KIÊN TÂM

Đàn bà ngoại giáo cầu xin,

Lạy Thầy thương xót, con tin nơi Ngài.

Theo sau cứ mãi van nài,

Con tôi quỉ ám, xin Ngài cứu cho.

Chẳng rằng chẳng nói lý do,

Chúa không đáp lại, tò mò dõi theo.

Môn đồ khó chịu kèo nhèo,

Xin Thầy thương xót, nhà nghèo khổ đau.

Chúa rằng sai đến trước sau,

Lo cho chiên lạc, hãy mau tụ về.

Nài xin kiên nhẫn mọi bề,

Không nên vứt bánh, bên lề bàn ăn.

Bà thưa mảnh vụn rớt lăn,

Chó con được hưởng, phần ăn dưới bàn.

Đức tin mạnh mẽ ơn ban,

Chúa cho bà ấy, muôn vàn hồng ân.

THỨ NĂM, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 16, 13-19).

ĐỨC KITÔ

Con Người giáng thế là ai?

Người ta suy đoán, thiên sai từ trời.

Ê-li-a đội lốt người,

Giê-rê-mi-a, xuống đời truyền rao.

Tiên tri nào đó trên cao,

Không ai biết rõ, vị nào Thầy đây.

Là ai? Các con nghĩ Thầy,

Phê-rô đại diện, trình bày đức tin.

Ki-tô Con Chúa đoái nhìn,

Si-mon có phúc, con tin vào Thầy.

Không do máu huyết giãi bày,

Nhiệm mầu mạc khải, Cha Thầy khấng ban,

Phê-rô là Đá trần gian,

Thầy xây Hội Thánh, gian nan trong đời.

Trao con chìa khóa Nước Trời,

Giam cầm tháo cởi, người đời tự do.

THỨ SÁU, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 16, 24-28).

THẬP GIÁ

Theo Thầy, từ bỏ mình đi,

Hãy mang thập giá, từ bi sống đời.

Ai mong cứu sống cuộc đời,

Kết cùng sẽ mất, Nước Trời ngày sau.

Ai đành mất mạng vì đau,

Sẽ ban sự sống, đời sau thanh nhàn.

Nếu ngươi lợi cả thế gian,

Mất đi sự sống, trần gian nghĩa gì?

Con Người cứu thế từ bi,

Ban ân thưởng phạt, phụ tùy sống ngay.

Trả công nhân đức đời này,

Ngày sau vinh hiển, no say phúc lành.

So đo cuộc sống tranh dành,

Hướng về cùng đích, thực hành tin yêu.

Tình yêu Thiên Chúa cao siêu,

Đổ tràn ân phúc, thiên triều thánh ân.

THỨ BẢY, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 17, 14-19).

TRỪ TÀ

Một người quì gối van xin,

Chữa lành quỷ ám, con tin vào Ngài.

Kinh phong tác quái kéo dài,

Con trai chịu khổ, van nài Thầy thương.

Bệnh tình trầm trọng không lường,

Đẩy xô vào lửa, tìm đường hại thân.

Môn đồ không thể tới gần,

Đức tin yếu kém, rất cần ơn trên.

Hãy đem nó lại ngay bên,

Giê-su quát mắng, quỷ rên xuất liền.

Bấy giờ mộn đệ hỏi riêng,

Chúng con không thể, trừ viên quỷ này.

Quỷ ma ngạo ngược lắm thay,

Đức tin kiên vững, xua bày quỷ ra.

Chúa ban ân lượng hải hà,

Một lòng tin tưởng, mưa sa lộc trời.

TẤT CẢ CHỈ LÀ PHÙ VÂN

 Lm. John Nguyễn.

Trong sách Giảng Viên viết: “Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả, nó phải chịu dưới ánh mặt trời? Đối với những con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ vì mãi mê kiếm tìm những thứ phù vân.” (Gv 2,22). “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” Nhạc sỹ Lê Dinh cũng đã viết trong bài ” Trở Về Cát Bụi”.

” Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi lại mất.

Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen

Nào người sang giàu đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em

Người ơi xin nhớ cát bụi là ta…mai này chóng phai

Người nhớ cho ta là cát bụi, trở về cát bụi,

Xin người nhớ cho, người nhớ cho ta là cát bụi,

Trở về cát bụi xin người nhớ cho.”

Dẫu biết rằng, cuộc đời này chỉ là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Nhưng con người luôn thổn thức, khao khát và kiếm tìm nó, đến nỗi họ phải tranh giành, chém giết lẫn nhau cũng vì tiền bạc và của cải. Câu chuyện trong đoạn Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rằng, phân chia của cải là vấn đề rất phức tạp và khó khăn trong gia đình, vì lòng tham con người. Có người trong đám đông đến gặp Chúa Giêsu thưa rằng: “Xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Rồi Người nói tiếp: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

Tôi thiết nghĩ người thanh niên này thất vọng khi nghe câu trả lời của Chúa Giêsu, vì Ngài nói khác đi với những gì anh đang suy nghĩ và những thứ anh đang cần là của cải, vì anh có quyền được hưởng tài sản của mình. Nhưng đằng sau sự phân chia sản đó, Chúa Giêsu cảnh cáo người đàn ông này, đừng vì của cải vật chất mà quên Thiên Chúa.

Tự bản chất của con người là thích qui về mình. Lòng tham thì vô tận, không bao giờ là đủ, không bao giờ ngừng, có rồi lại muốn có thêm. Nhưng đến khi ta không tìm được những gì mình mong muốn thì sinh ra đố kỵ, ghen tuông với người khác. Và nó trở thành tội. Tội tham lam và thèm muốn của người khác.” Người không được thèm khát của cải người khác, hoặc vợ của người khác…” ( Xh 20,17)

Nếu như lời cảnh cáo của Chúa Giêsu với người thanh niên hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, thì dụ ngôn ông phú hộ là con người ích kỷ chỉ lo cho bản thân mình, làm lợi cho chính mình,” Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? “Kẻ ấy chỉ tích lũy cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận sẽ như thế đó.”

Một người khôn ngoan giàu có, ông ta có một số tiền rất lớn. Khi về già ông ta suy nghĩ và tính toán sẽ tiêu sài như thế nào với số tiền khổng lồ này. Trong lúc ông đang suy nghĩ thần chết xuất hiện trước mặt ông và nói: “Ta sẽ lấy mạng ông đi trong ngày hôm nay. Thế là ông ta sợ hãi và van xin thần chết. Nếu thần chết cho tôi sống thêm ba ngày nữa, thì tôi sẽ chia nửa gia tài cho ông. Thần chết không chấp nhận. Sau đó, ông nói: nếu thần chết cho tôi sống thêm một ngày, thì tôi sẽ trao hết tài sản cho ông. Cuối cùng lời đề nghị của ông cũng bị từ chối. Thế là ông ta vội viết lại lời trăn chối sau cùng: “Phải chi tôi biết dùng thời gian để thưởng thức với cuộc sống hiện tại với những gì tôi có và làm những điều có ích cho tha nhân thì hôm nay tôi không phải hối tiếc. Bây giờ, tôi hối tiếc thì đã muộn rồi”.

Của cải thế gian chẳng bao giờ làm thỏa mãn ước muốn của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới cho chúng ta những thứ hạnh phúc trong tâm hồn mà con người khao khát. Như lời thánh Phaolô nói: “Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự”. Sự sống của chúng ta tùy thuộc nơi Đức Ki-tô. Chúng ta hãy làm giàu trước mặt Thiên Chúa không phải là những gì chúng ta đang sở hữu của cải, những thứ chúng ta đang có và đang làm, nhưng là những gì chúng ta sống với vai trò người con cái Thiên Chúa đích thực. Thật vậy, tất cả là phù vân. Không có gì trên thế gian này bền vững và tồn tại mãi. Chỉ có Thiên Chúa là vĩnh cửu trường tồn. Hãy dùng của cải chóng qua này để mua lấy Nước Trời, đó là người khôn ngoan. Còn kẻ nào chỉ biết thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì trở kẻ ngốc.

Lạy Chúa, chúng con trở nên giàu có khi chúng con biết niềm tin chúng con vào Chúa.

Lạy Chúa, chúng con trở nên giàu có khi chúng con biết đặt hy vọng trong tay Ngài.

Lạy Chúa, chúng con trở nên giàu có khi con biết yêu thương tha nhân như Chúa yêu chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khôn ngoan tìm kiếm kho tàng trên trời, vì mọi thứ của cải đời này, chúng con không mang theo được gì khi chúng con trở về cùng Chúa. Amen.

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

Lm. Đan Vinh

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN C

Gv 1,2; 2,21-23 ; Cl 3,1-5.9-11 ; Lc 12,13-21

GIỮ MÌNH KHỎI MỌI THỨ THAM LAM

  1. HỌC LỜI CHÚA
  2. TIN MỪNG: Lc 12,13-21

(13) Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. (14) Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?” (15) Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam. Vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. (16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu ! (18) Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: Hồn ta hỡi. Mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !”. (20)  Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó”.

  1. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay gồm hai phần chính như sau:

– PHẦN THỨ NHẤT: Một anh thanh niên đến khiếu nại xin Đức Giêsu can thiệp để người anh phải chia gia tài cho anh ta. Nhưng Người từ chối, và nhân dịp này đã dạy mọi người phải tránh thói tham lam ích kỷ, cũng đừng trông cậy vào sự bảo đảm của tiền bạc cho tương lai cuộc đời mình.

– PHẦN THỨ HAI: Người kể ra dụ ngôn về một người giàu có chỉ lo thu tích của cải và làm giàu cho bản thân. Điều đó thật là dại khờ ! Vì chính lúc anh ta tưởng rằng tương lai cuộc đời của mình được của cải bảo đảm, để yên tâm nghỉ ngơi ăn uống và vui chơi thỏa thích, lại là lúc cái chết thình lình ập đến. Thế thì số tài sản của anh ta tích trữ kia sẽ về tay ai ? Cuối cùng Người kêu gọi người ta hãy lo làm giàu về thiêng liêng, để những của cải này sẽ có giá trị trước tòa phán xét sau này.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 13-15: + “Xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”: Luật Môsê qui định: trong việc thừa kế, chỉ con trai mới được chia gia tài. Trưởng nam được hưởng trọn phần di sản về bất động sản như đất đai nhà cửa, và còn được gấp đôi phần động sản như tiền bạc, hoa màu… nữa (x. Đnl 21,17). Vậy có một người anh cả kia sau khi cha chết đã chiếm hết tài sản cha để lại và không chia cho người em phần nhỏ bé mà lẽ ra anh ta được hưởng. Thời Đức Giêsu người Do thái thường yêu cầu một luật sĩ đứng ra làm trọng tài khi có sự tranh chấp về Luật pháp. + Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?: Tuy “là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10,42), nhưng Đức Giêsu đã từ chối can thiệp về việc chia gia tài này, vì điều cấp bách mà Người sắp phải chu toàn là đi lên Giêrusalem chịu khổ nạn, nên Người tránh mất thì giờ vào việc riêng cá nhân, vốn thuộc thẩm quyền của các đầu mục Do thái (x. Xh 2,14). + Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam…: Tuy từ chối can thiệp, nhưng Đức Giêsu không nhắm mắt làm ngơ. Người nhân cơ hội này giúp cho anh ta và những người hiện diện tránh lòng tham tiền bạc của cải và tránh trông cậy quá đáng vào sự bảo đảm của tiền bạc cho tương lai cuộc đời của mình.

– C 16-19: + Có một nhà phú hộ kia: Dụ ngôn cho thấy ông phú hộ đã thành công trong công việc làm ăn. Ông mở rộng thêm nhà kho để tích trữ thóc lúa dư thừa cho an toàn. + Ta sẽ nhủ lòng: đồng nghĩa với: “Tôi sẽ bảo hồn tôi”. Danh từ “hồn” có nghĩa là một con người sống động. + Cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !: Của cải vật chất đã tác động làm cho ông nhà giàu không những chi lo làm giàu, mà còn dẫn ông ta đến chỗ ăn chơi sa đọa và lười biếng làm việc bổn phận, đồng thời trông cậy số tài sản lớn lao đã tích trữ được kia sẽ bảo đảm cho tương lai cuộc đời của mình.

– C 20-21: + Đồ ngốc: Cựu ước dùng kiểu nói “ngốc, ngu dại” để ám chỉ những người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa như lời Thánh vịnh đă viết: “Kẻ ngu si tự nhủ: Làm chi có Chúa Trời” (x. Tv 14,1). Người phú hộ này được coi là kẻ ngu dại, vì đã lãng quên Thiên Chúa, do quá bon chen về việc kiếm thêm của cải vật chất. + Nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi: Có nghĩa là đêm nay Thiên Chúa sẽ gọi ngươi ra khỏi thế gian bằng cái chết. + Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?: Thiên Chúa mới là chủ của sự sống và sự chết chứ không phải tiền bạc. Của cải trần gian không thể bảo đảm cho người ta được sống mãi mãi. Khi chết thì cả người anh giàu có khờ dại và đứa em nghèo khó tham lam đều không thể mang theo mình sang thế giới bên kia được. Như thế: Lòng tham lam và sự tích trữ của cải là một hành động khờ dại và vô ích ! + Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó: Đức Giêsu nhắn nhủ về việc sử dụng của cải. Nếu dùng của cải để hưởng thụ một mình thì sẽ bị trắng tay khi giờ chết đến. Nhưng nếu dùng của cải để làm việc thiện, quảng đại chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói, thì đó là một cách để làm giàu trước mặt Thiên Chúa và sẽ đem lại hạnh phúc vĩnh viễn cho mình ở đời sau (x. Lc 12,33; 18,22; 16,9; Mt 25,40).

  1. CÂU HỎI: 1) Tại sao người em lại yêu cầu Đức Giêsu can thiệp để người anh chia gia tài cho mình ? 2) Đức Giêsu đã từ chối can thiệp về việc chia gia tài này vì lý do gì ? 3) Đức Giêsu đã khuyên bảo thế nào về thái độ phải có đối với tiền bạc của cải trần gian ? 4) Tại sao Đức Giêsu gọi kẻ chỉ biết thu tích của cải vật chất và quá trông cậy vào giá trị của đồng tiền là “đồ ngốc” ? 5) Người muốn các tín hữu phải sử dụng tiền bạc của cải trần gian thế nào cho có lợi ở đời sau ?
  2. SỐNG LỜI CHÚA
  3. LỜI CHÚA: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21).
  4. CÂU CHUYỆN:

1) LÒNG THAM KHÔNG ĐÁY :

TOLSTOI kể rằng một bác nông dân kia tên là Pakhom rất thích có một mảnh đất làm tài sản riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, bác ta rất mừng khi tậu được một mảnh đất rộng tới 40 mẫu tây. Nhưng rồi sau đó, anh muốn sở hữu một mảnh khác rộng hơn. Anh liền chịu vất vả làm lụng để dành, rồi bán đi mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, và cuối cùng đã mua được một mảnh đất 80 mẫu tây. Nhưng anh vẫn chưa cảm thấy thoả mãn, muốn có một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người mách bảo rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản, họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được. Ngay sáng hôm sau, anh nông dân liền đi sang vùng đất phía bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói : “Anh chỉ cần đặt cọc trước 1000 rúp là có thể sở hữu được một vùng đất mà anh có thể đi vòng quanh được trong một ngày hôm đó. Nhưng phải nhớ kỹ điều kiện là bắt đầu xuất phát từ 6 giờ sáng và đến đúng 6 giờ chiều phải quay trở lại điểm đã xuất phát. Nếu về không kịp một giây thì anh sẽ bị mất trắng số tiền đã đặt cọc 1000 rúp kia !”

Đêm hôm đó bác nông dân cảm thấy thật sung sướng không sao ngủ được. Vừa rạng sáng hôm sau anh đã có mặt để nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu đi. Càng đi anh càng sung sướng khi nhìn thấy phần đất của mình mỗi lúc một rộng thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên cả dừng lại dọc đường để nghỉ ngơi ăn uống. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh liền hốt hoảng quay trở về. Nhưng vì đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Khi chạy về tới điểm đã xuất phát thì anh đã ngã gục xuống. Vị tù trưởng đến chúc mừng : “Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh”. Nhưng người nông dân kia đã không thể đứng dậy được nữa để nhận lấy phần đất của mình, vì anh đã chết rồi !

2) TỪ “MỘT TÊN SÁT NHÂN” TRỞ THÀNH ÂN NHÂN CỦA THẾ GIỚI.

Cách đây khá lâu, vào một buổi sáng sớm, khi mở mấy tờ báo hằng ngày ra đọc, ON-PHIT NÔ-BƠN (Alfred Nobel) vô cùng sủng sốt khi nhìn thấy trên nhiều tờ báo hằng ngày được phát hành số lượng rất lớn, đã đồng loạt đưa tin về cái chết của ông với những hàng tít trên trang nhất, kèm theo những bài bình luận đầy ác cảm đối với ông. Họ dùng những từ có tính bôi nhọ, hạ nhục cá nhân ông như: “Nô-bơn, ông vua cốt mìn đã chết”, “Tên đồ tể Nô-bơn đã bị tiêu đời”, “Nô-bơn, một tên sát nhân đã chế tạo các thứ vũ khí giết người hàng loạt giờ đây không còn nữa !”… Sau đó dư luận mới té ngửa rằng: người chết không phải là Nô-bơn nhưng là người anh ruột có tên gần giống với ông. Mặc dù các tờ báo kia sau đó đã phải đính chính và xin lỗi về sự loan tin thất thiệt. Nhưng dù sao các bài bình luận đó cũng là một cú “sốc” đối với Nô-bơn. Nó đánh thức lương tâm khiến ông luôn suy nghĩ và tự hỏi: “Tại sao báo chí lại coi ta là một tên đồ tể giết người như vậy ? Tại sao dư luận lại tỏ ra ác cảm và thù hận ta như thế ? Tại sao chẳng thấy ai nói một lời an ủi thông cảm và lấy làm tiếc về cái chết của ta ?” Sau thời gian này, Nô-bơn đã quyết định phải biến đổi hình ảnh xấu trong dư luận đang có về mình. Ông đã nhờ luật sư lập tờ di chúc để trao tặng toàn bộ số tài sản kếch sù đang gửi trong ngân hàng, số tiền do ông kiếm được nhờ bán các phát minh khoa học về cốt mìn cho chính phủ. Từ đó mỗi năm một ủy ban quốc tế đã lấy ra số tiền lời, chia thành 5 phần thưởng có giá trị lớn để trao tặng cho những người có công về các lãnh vực: hòa bình, vật lý, hóa học, y học và văn chương. Nô-bơn đã thành công trong việc sử dụng tiền của vào việc tốt đẹp. Việc đó không những làm cho ông lấy lại quân bình về tinh thần, mà nó còn giúp ông biến đổi dư luận đang coi ông là “một tên đồ tể giết người”, công khai nhận ông là một vị đại ân nhân của nhân loại.

3) VỀ BA NGƯỜI BẠN THÂN CỦA CHÚNG TA :

Một người kia có 3 người bạn, trong đó hai người là bạn rất thân còn người thứ ba chỉ là bạn thân bình thường. Nhưng rồi đến một ngày nọ, ông ta bị quân lính đến bắt và bị đưa ra trước quan tòa. Ông ta liền xin 3 người bạn thân kia đi theo ra trước tòa án biện hộ cho mình. Nhưng anh bạn thân thứ nhất liền từ chối và dứt khoát không chịu theo ông, viện cớ bận nhiều việc phải làm không thể đi được. Anh bạn thứ hai thì cũng bằng lòng đi theo ông ta đến tòa, nhưng khi đến nơi, anh ta liền dừng lại và sợ không dám theo ông vào nghe tòa xử. Chỉ có anh bạn thứ ba tuy không được ông mấy yêu thích, nhưng đã tỏ thái độ trung thành khi sẵn sàng ra trước tòa án để biện hộ cho ông cuối cùng được trắng án và còn được ban thưởng nữa.

Mỗi người chúng ta cũng có ba người bạn giống như người trong câu chuyện trên: Anh bạn thứ nhất là Tiền Bạc Của Cải: Khi chúng ta chết, anh bạn Tiền Bạc này lập tức bỏ rơi chúng ta, chỉ để lại cho chúng ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Anh bạn thứ hai chính là các Thân Bằng Quyến Thuộc. Họ yêu thương khóc lóc tiễn đưa chúng ta ra tới nghĩa trang, nhưng sau đó đã trở về nhà. Chỉ duy anh bạn thứ ba là các Việc Lành Phúc Đức. Chúng sẵn sàng đi theo chúng ta ra trước tòa Chúa phán xét và giúp chúng ta xin cho chúng ta được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.

  1. THẢO LUẬN: 1) Có hai cách sử dụng đồng tiền: Nếu dùng tiền cách ích kỷ thì ta sẽ bị mất sự sống ở đời sau. Ngược lại nếu dùng tiền của đời này cách bác ái vị tha thì ta sẽ có cuộc sống vĩnh hằng. Vậy bạn quyết tâm sẽ sử dụng tiền bạc thế nào ? 2) Trong những ngày này bạn sẽ làm gì cụ thể để biến những đồng tiền vật chất trở thành đồng tiền thiêng liêng có giá trị cho phần rỗi đời đời sau khi chết ?
  2. SUY NIỆM:

1) Giữ mình khỏi mọi thứ tham lam:

Nhân có người yêu cầu Đức Giêsu can thiệp để người anh ruột chia gia tài cho anh ta. Người trả lời: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?”.  Nhân dịp này Người đã kể dụ ngôn về một nhà phú hộ đã lo làm giàu rồi lại lo hưởng thụ số tài sản đã kiếm được, để dạy mọi người phải tránh cho mình thói xấu tham lam ích kỷ như sau:

-Thói tham lam: Lòng tham của nhà phú hộ biểu lộ qua sự tính toán làm giàu. Tính toán để làm tăng thêm lợi nhuận tiền bạc qua câu nói : “Ta sẽ phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó”.

-Thói ích kỷ: Lẽ ra nhà phú hộ có thể làm được biết bao việc tốt cho tha nhân với số tài sản lớn lao đó như : giúp đỡ những người nghèo khổ sống bên cạnh nhà ông, tăng lương cho những người làm công cho ông; Đóng góp xây dựng trường học tại địa phương để trẻ em có nơi học hành tử tế; Góp phần tu bổ hội đường của làng ông đang ở cho khang trang tốt đẹp hơn…  Nhưng ông đã không làm như thế, mà chỉ quan tâm dùng tiền để thỏa mãn các nhu cầu hưởng các lạc thú ích kỷ qua suy nghĩ như sau: “Thôi, hãy cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !”

2) Giá trị đích thực của đồng tiền là gì ? :

  1. a) Loài người thường gán cho tiền bạc của cải nhiều giá trị cao quý như sau:

– Đồng tiền rất được yêu quý : “Đồng tiền liền khúc ruột” và “Của đau, con xót” …

– Đồng tiền có sức vạn năng : “Có tiền mua tiên cũng được” hoặc “Kim ngân phá lề luật”.

– Đồng tiền là chúa tể mọi sự : “Đồng tiền là Tiên là Phật; Là sức bật của tuổi trẻ; Là sức khỏe của tuổi già; Là cái đà danh vọng; Là cái lọng để che thân; Là cán cân của công lý; Là đồng chí thật thân thương; Là đồng hương rất thân cận; Là thời vận tuổi thanh xuân… Tóm lại là vui mừng và phấn khởi !”.

  1. b) Nhưng Lời Chúa dạy chúng ta hôm nay lại không phải như thế ! :

– Sách Giảng Viên trong bài đọc I đã nhắn nhủ người đời : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.

– Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu một khi nhờ bí tích Rửa Tội được trở nên thụ tạo mới, được mặc lấy Đức Kitô và thuộc về Người thì : “Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.

– Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã dạy : “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Vì những kẻ giàu có mà thiếu lòng nhân ái thì quả thật khờ dại như lời Chúa phán với tên phú hộ : “Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi thì lúc đó những của cải ngươi tích trữ kia sẽ để lại cho ai ?”. Thánh Phaolô cũng khuyên đồ đệ Timôthê như sau : “Chúng ta đã chẳng mang gì vào trong thế gian, và chúng ta cũng không thể mang bất cứ cái gì ra khỏi đó” (1 Tm 6,7).

– Vì thế, thái độ khôn ngoan của các tín hữu là : Đừng quá tham lam tiền bạc, nhưng hãy : “Sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,33), và hãy biết quảng đại sẻ chia những đồng tiền mình đang chiếm hữu cho những người nghèo khổ túng cực.

– Một vị thừa sai tại Phi châu cũng cho biết như sau: Có một số dân tộc Phi châu hiện vẫn giữ tục lệ này là: Khi một người trong bộ lạc chết, trước khi liệm xác chết vào quan tài, họ sẽ lột bỏ tất cả y phục kẻ đó đang mặc rồi mới đem đi chôn. Tục lệ này nói lên sự thật này là: chúng ta sẽ rời bỏ thế gian mà không mang theo được gì như tiền bạc châu báu và mọi vật dụng khác ! Đây cũng là điều Đức Giêsu muốn dạy qua Tin mừng hôm nay : Khi chết thì cái chúng ta cần đến không phải là những gì đã tích trữ được khi còn sống, mà chính là những việc tốt đã làm ở trần gian. Vì “Không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. Thực tế đã có biết bao người giàu phải ra đi mãi mãi khi chưa kịp “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã”. Cho nên điều quan trọng chúng ta phải làm là: ý thức về giá trị đích thực của tiền bạc : Chúng chỉ có giá trị tương đối ở đời này và là phương tiện Chúa ban để chúng ta sử dụng mà phục vụ làm sáng danh Chúa và mưu ích cho tha nhân, nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc đời sau. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ coi tiền bạc là ông chủ, nhưng chỉ là đầy tớ. Vì quả thật : “Đồng tiền sẽ là một đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu !”.

3) Chúng ta phải làm gì ? :

– Ưu tiên tìm Nước Thiên Chúa : Đối với của cải vật chất Đức Giêsu dạy các tín hữu : “Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,32-33).

– Biến đồng tiền vật chất đời này trở thành đồng tiền thiêng liêng đời sau : Chúng ta cần ưu tiên “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Đồng tiền chúng ta tích trữ được hôm nay, chúng ta vẫn có thể biến chúng thành những đồng tiền có giá trị trước tòa phán xét mai ngày, bằng cách :  Tích cực góp phần vào việc xây dựng Hội Thánh “làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” ; Quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói bệnh tật, như lời Chúa phán : “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6,20). Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giêsu sẽ xét xử chúng ta dựa vào những việc bác ái chúng ta đã làm cho tha nhân như sau : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu , các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-36.40).

  1. NGUYỆN CẦU

– LẠY CHÚA GIÊSU. Bài học Chúa dạy chúng con hôm nay là phải biết khôn ngoan sử dụng tiền bạc của cải Chúa đã ban cho chúng con. Trong thực tế những kẻ đang giàu lại muốn ngày một giàu thêm. Còn những kẻ nghèo mà có lòng tham thì “bao nhiêu cũng không vừa!”, “Của vào nhà khó như gió vào nhà trống”: Người nghèo thật khổ lắm chắc Chúa đã quá rõ.

– LẠY CHÚA. Xin ban cho chúng con “mưa thuận gió hòa”, cho con người biết nghĩ tới nhau và biết chia sẻ cho nhau đáp ứng các nhu cầu cần thiết. Xin Chúa soi sáng cho người giàu biết thực hành Lời Chúa hôm nay để biết làm giàu cả về phần thiêng liêng, bằng cách quan tâm chia sẻ cơm áo vật chất cho những người đói khổ bất hạnh. Xin cho người nghèo đừng chỉ miệt mài đi tìm kiếm tiền của như lẽ sống đời mình. Xin cho mọi người chúng con biết thực hành Lời Chúa dạy : “Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các sự khác như ăn gì mặc gì thì Người sẽ thêm cho chúng con sau” (Mt 6,33).

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*