• Hai suy tư-Mai Tá
  • Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu-by NS-ĐMHCG
  • Ai có thể làm môn đệ Đức Giêsu?-trần bình An
  • bài toán đời đời-Huy Khanh
  • Đầu tư trên nước trời-Trần Huy Khanh
  • Dấn bước đi theo Chúa-Lm Đinh Lập Liễm
  • Tôi là người thứ ba-Lm Mark Link, SJ
  • Lột xác để trưởng thành-Lm Inhaxiô Trần Ngà
  • Vác thập giá vì Chúa-Lm Tạ Duy Tuyền
  • Từ bỏ để theo Chúa-Lm Minh Vận, CMC
  • ba cái từ bỏ-Lm Hùng
  • Đòi hỏi của tình yêu-Thiên Phúc
  • Theo Chúa-Lm Nguyễn Hưng Lợi, dcct
  • Từ Bỏ Đẻ Thăng Tiến-CN 23c-Lm Tạ Duy Tuyền
  • Thập giá trong đời-Am. Trần Bình An
  • Những điều kiện để bước theo Chúa Giêsu-Lm FX Vũ Phan Long, ofm
  • Phải quên mình khi dấn bước theo Chúa-Lm. Jude Siciliano, OP
  • Title 3

SUY TƯ & CHUYỆN PHIẾM

Mai Tá

Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 23 thường niên năm C 04/9/2016

Tin Mừng Tin Mừng: (Lc 14: 25-33)

Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ:

“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được. 

“Trong mọi lúc hãy giữ long cao thượng”,

“không tỵ hiềm, không giận dữ ghen tuông.

Xoá hận-thù bằng mọi dấu yêu thương,

Mỗi kinh-nghiệm là một thày dậy dỗ.”

(Dẫn từ thơ Nguyên Đỗ)

“Giận dữ, ghen tương cùng tỵ hiềm xót xa”, nhất nhất đều là những đau thương đuối ngã trên đường đời. Con đường lâu nay vẫn thắm đượm nhiều kinh nghiệm cần lướt thắng. Lướt bằng yêu thương. Thắng bằng tha thứ. Bằng cách giữ lòng cao thượng như Chúa dạy, suốt hôm nay. Lời Chúa dạy hôm nay, thoạt nghe ta tưởng như đó là nghịch lý, rất khó nghe. Nghịch lý và khó nghe, là bởi nếu không thận trọng ta những tưởng Chúa dạy phải giận hờn ghét ghen. Ghét vợ ghét con, ghét cha mẹ ghét cả người thân ta cứ tưởng là có ghét như thế, mới được gần gũi với Chúa. Với Cha.

Không. Không phải thế. Trình thuật hôm nay, thánh sử Luca muốn diễn bày quyết tâm của  các đồ đệ theo Chúa. Thánh sử diễn tả bằng những lời lẽ rất triệt để. Điều, thánh nhân muốn nói, là: khi đã dấn bước theo chân Chúa, con dân nhà Đạo cũng nên dứt khoát tư tưởng, cho trọn tình trọn nghĩa. Trọn tâm can. Trọn tình vẹn nghĩa, tức chấp nhận lối cảm nghiệm rất sâu sắc về cuộc đời. Cảm nghiệm để rồi, đem thái độ sống ấy vào chính con đường mòn ta đi, trong cuộc đời.

Đọc Tin Mừng thánh Luca với đầu óc hoàn toàn cởi mở, không theo theo nghĩa đen. Không thành kiến rất tối, người đọc hẳn sẽ nhận ra rằng thánh Luca không có ý bảo: hãy ghét hết mọi người. Hoặc, ghét bỏ chính mình. Ngược lại, thánh sử kêu gọi người người hãy yêu thương giùm giúp lẫn nhau. Yêu thương giùm giúp mà chẳng cần tìm hiểu hoặc cứu xét xem người ấy là ai. Người ấy có đáng yêu không. Cũng chẳng cần xét xem người ấy có là họ hàng người thân, không.

Những gì Đức Kitô căn dặn nơi trình thuật, đã đưa ta về lại với xác tín ta vẫn có từ trước. Đặc biệt hơn cả, là: dụ ngôn kể về người Sa-ma-ri tốt bụng, mới đề cập hồi tuần trước. Điều này còn ghi rõ nơi lời nguyện cầu “Lạy Cha”, Chúa vẫn khuyên.

Xem như thế, đã là đồ đệ theo chân Chúa, hết thảy đều phải tâm niệm câu nói nằm lòng “tứ hải giai huynh đệ”. Tức, anh em bốn bể đều người nhà. Con cái muôn phương đều một Cha. Người Cha yêu thương. Cha trên trời. Đó là điều Đức Chúa dạy tất cả các người con dưới thế: hãy yêu thương nhau như con một nhà.

Trình thuật hôm nay, nhấn mạnh đến nền tảng của Đạo: tương quan với Chúa. Tương quan – hiệp thông với Chúa, phải được dẫn chứng bằng đường lối ta cư xử với các người anh, người chị cùng một Cha. Đường lối cư xử, tức cách xử sự của những người con cùng Cha trên trời, không tùy vào hệ thống quân giai rắc rối, như ở đời. Cũng chẳng tách bách họ hàng như gia tộc. Tương quan và hiệp thông với Chúa, không thể cân đong đo đếm bằng những danh xưng/chức tước, tiền bạc của cải, hoặc tôn giáo, nghề nghiệp, hoặc giai cấp xã hội. Tương quan với Chúa, là tâm tình thân thương trìu mến được diễn bày với người dưng khác họ, ở đâu xa.

Trình thuật hôm nay, còn bàn về tương quan ta đang có giữa những người anh em đồng hội đồng thuyền, sống gần gũi với ta. Trong tương quan đối xử, điều quan trọng không nằm ở chỗ: người này người kia đánh giá thế nào về ta. Nhưng, bằng vào mức độ ta quan tâm chăm sóc mọi người đến thế nào. Quan tâm chăm sóc ấy còn được gọi là lòng yêu thương xót xa thể hiện bằng cử chỉ và tâm tình khi ta tiếp xúc với những người dưng khác họ, mà thôi.

Ai tìm sự bình an hài hoà nơi thái độ quan tâm chăm sóc những người ngoài luồng, ngoài Đạo, thì người ấy sẽ cảm nghiệm được điều mà thánh Phao-lô khẳng định trong thư gửi cộng đoàn tín hữu Do thái: “Nơi mà anh chị em phải đến, đó chính là núi Sion. Là chốn thành đô của Thiên Chúa cùng với toàn thể Hội thánh ở nơi đó mỗi người là “trưởng tử” và là công dân của Nước Trời.”

Trình thuật hôm nay cũng nhấn mạnh thêm điều này: chúng ta đương nhiên là đã yêu thương người thân thuộc cùng giòng họ. Không cần nói cũng biết. Nhưng, điều hệ trọng Chúa ân cần dặn dò, là: nếu ta chỉ yêu thương đùm bọc người thân yêu ruột thịt mà thôi, như thế hoàn toàn không trọn nghĩa, vẫn chưa đủ.

Giả như, ta chỉ thỏa mãn ước nguyện của người thân yêu/ruột thịt mà thôi, chẳng đoái hoài đến nhu cầu và thân phận của người dưng khác họ nào khác, tức là ta đã bất công với gia đình rộng lớn gồm những người con cùng Cha trên trời. Nếu không nhận ra người anh người chị trong gia đình lớn như người thân thuộc, ta không thể nào trở thành đồ đệ của Thầy Chí Thánh. Bởi, như thánh sử Luca ghi rõ:“Mỗi lần các ông từ chối không chăm sóc những người anh chị em của Ta, tức là các ông từ chối chính Ta.

Nếu chỉ yêu thương đùm bọc mỗi giòng họ người thân của mình, thôi. Đó là thứ “ghét bỏ” mà Đức Giê-su không muốn con cái và đồ đệ Ngài thực hiện. Nói tóm lại, là người theo Chúa đích thật, ta phải nhận ra sao bản của Thầy Chí Thánh nơi tất cả những người anh người chị thân thương hoặc chỉ người dưng khác họ, không hơn không kém.

Yêu thương đùm bọc Đức Giê-su nói đến, còn được thánh Phao-lô bổ túc bằng thư tâm tình xin anh Phi-lê-môn nhận người dưng khác họ là nô lệ Ônêximô làm người anh em thân thuộc: “Tôi xin anh cho đứa con sinh ra trong cảnh xiềng xích, xin gửi về anh để xin anh đón nhận như người ruột thịt.” (Plm 1: 10-14).

Tình yêu thương mà thánh nhân đề cập là tha thứ cho những gì nô lệ Ô-nê-xi-mô đã làm. Nay người nô lệ ấy đã trở thành anh em cùng nhà. Nhà của tín hữu Đức Kitô Nhân Hiền. Ở nơi đó, mọi người coi nhau như anh em ruột thịt.

Cuối cùng, cởi bỏ mọi hình thức thân cận, ruột thịt là để ta có được tự do mà theo đuổi sự thật. Sự thật về lòng yêu thương đùm bọc luôn thăng hóa. Và, khi đã thăng hóa trong yêu thương như thế, mọi người theo chân Chúa sẽ tự tạo cho mình niềm phấn khởi sẵn sàng lập một hành trình. Hành trình luôn “có lòng cao thương; không tỵ hiềm, không giận dữ ghen tuông”. Nhưng, xóa bỏ hận thù bằng mọi dấu yêu thương.

Lm Richard Leonard sj biên-soạn  –

Mai Tá lược dịch.

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 23 mùa thường niên năm C 04/9/2016

“Lìa nhau cho tim bốc cháy,”

Thù sâu lan khắp ư lan khắp địa cầu. Lìa nhau cho nhau giá buốt,

Tình thương chôn dưới chôn dưới hận sầu Lìa nhau đem theo đói khát nhục nhằn, Lìa nhau cho giấc dài trở trăn.”

(Nguyễn Đức Quang – Lìa Nhau)

(Lc 12: 32/ 12: 50)

Còn nhớ, có lần bầu bạn trong nhóm sinh-hoạt văn-học/nghệ-thuật thuộc loại “bỏ túi” ở Sydney, Úc Châu có nói với bần-đạo bầy tôi đây, rằng: “Chừng như nhạc Việt mình ít có giai-điệu ồn-ào, vui-tươi/nhộn-nhịp như nhạc của người nước ngoài, đấy chứ?” Có lẽ vì nơi quê-hương ta xảy ra quá nhiều chiến-tranh và chia-cắt khiến người mình mới “lìa nhau” ra như thế!

Nghe hỏi, bỉ-nhân đây bèn lục-lạo các bài mình từng trích-dẫn khi viết “phiếm” mới thấy rằng: nhận-định trên đây rất ư là thực-tế. Nó đúng thực và tinh-tế như nhận-xét của người xưa thời thực-dân từng minh-chứng bằng những ca-từ lặp đi lặp lại đến buồn đau với những cụm-từ “lìa nhau” và “lìa nhau” như câu hát tiếp:

“Lìa nhau cho gian nan.

Lìa nhau cho bẽ bàng.

Lìa nhau cho gian dối lan tràn.

Lìa nhau cho non nước bước phiêu lưu.

Lìa nhau cho nhau luống đất,

ngày nay không lúa,

không lúa không mầu. Triều sông dâng theo uất ức,

tràn lan trôi khắp, trôi khắp quê sầu.

Lìa nhau đem theo tiếng nói ngọt ngào. Lìa nhau cho chút lòng làm cao. Đàn trâu đi bơ vơ, bên nhà xiêu nước mắt mờ. Lìa nhau cho kiếp sống xác xơ. (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Áp-dụng vào sinh-hoạt phụng-vụ nhà Đạo, nhiều lúc và lắm khi câu nhận-định trên xem ra cũng tương-tự.

Chẳng nói giấu gì bạn đọc hoặc các bạn không thích đọc mà chỉ thích hát hoặc nghe câu ca/tiếng hát xưa/cũ thời ông bành-tổ của bần-đạo vẫn được nghe hoài và hát mãi những lời cầu sau thánh-lễ rất Misa mừng kính Đức Maria, như:

Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn. Vì đời con gieo rắc biết bao đau thương. Và tràn lan gai góc vướng trên con đường.

Ơ, Mẹ rất nhân từ,

Mẹ quên sao được hôm xưa. Lời Mẹ hứa khi ở trên núi kia. Lúc mà Chúa sinh thì,

Mẹ đứng âu sầu lặng yên. Là Mẹ chúng con,

Mẹ xin lĩnh quyền.”

(Nguyễn Khắc Xuyên – Lạy Mẹ Xin Yên Ủi)

Câu hát trên đây, lại đã đưa dẫn bần-đạo đi vào một rừng sách gồm các cuốn có những giòng tư-tưởng/nhận-định khá “lìa nhau” như sau:

“Thật cũng lạ, là: có những tuyên-ngôn cho rằng bất cứ văn-bản viết bằng chữ nào trong lịch-sử gồm lập-trường hoặc từ-vựng đều chứa đựng “Lời của Chúa” hết. Khẳng-định như thế, tức bảo rằng Thiên-Chúa cũng rất giống con người là ở chỗ: Ngài cũng có khả-năng nói bằng lời cho một dân-tộc nào đó rất cá-biệt bằng thứ ngôn-ngữ mà dân-tộc ấy hiểu được và từ đó hiểu rằng Thiên-Chúa cũng đầu-tư vào các chi-tiết vụn-vặt của đời sống phàm-trần một cách thân-thương, mật-thiết rất đặc-biệt.

Quả thật rất rõ là: tuyên-ngôn ấy lâu nay vẫn được thế-giới Tây-Phương luôn coi đó là Thánh Kinh của Đạo Chúa. Trong khi đó, các đạo-giáo khác cũng làm như thế, thì Đạo Chúa lại chẳng bao giờ coi các “tuyên-ngôn” của bạn đạo mình một cách nghiêm chỉnh hết. Nói khác đi, thì bất cứ tuyên-ngôn tương-tự xuất từ cội-nguồn ngoài Kitô-giáo rõ-ràng đều bị coi là phi-lý. Không cần phải đi đâu xa mới nhận ra được điều này mỗi lần tín-hữu Đạo Chúa tụ-tập nhau ở nhà thờ để cử-hành Tiệc lễ người nghe đều thấy câu “Đó là Lời Chúa” trước khi người đọc sách kết-thúc một đoạn trích ở Kinh Sách.

Quả thật, khi tuyên-xưng lời kết một bài đọc trong Tiệc Thánh-thể bằng các cụm-từ như thế, người nghe đọc lại sẽ hoan-hỉ thưa: “Tạ ơn Chúa”, rất rõ rệt.

Ở một số Giáo-hội có cơ-cấu ít kiên-cố hoặc tập-trung nhấn mạnh về Phúc Âm hơn, thì người đọc Tin Mừng Tân-Ước lại sẽ kết-thúc bằng một tuyên-ngôn khác, như vẫn bảo: “Xin Đức-Chúa Trời ban thêm ơn lành cho việc đọc Lời của Ngài ở nơi đây.”

Khi người đọc câu tuyên-ngôn này bằng tiếng Anh, người đọc bao giờ cũng dùng đại-từ giống “đực” để chỉ Đức Chúa Trời. Như thế có nghĩa: Thiên-Chúa là nam-nhân. Điều này không gây cho các Hội-thánh bất cứ một quan-ngại chút nào hết. Nhưng, riêng bản thân tôi, lại thấy đó là chuyện dị kỳ, khó chấp-nhận…” (X. Tgm John Shelby Spong, A claim that cannot endure, Exposing the Bible’s Texts of Hate to Reveal the God of Love, Harper Collins Publishers 2005 tr. 15-16)

Nhận-định của Tổng-giám-mục Anh-giáo John Shelby Spong trích-dẫn ở trên, có lẽ đối với một số tín-hữu khác đạo hoặc khác giáo-phái thấy đó là lý-do gây nên sự “chia lìa” giữa những người cùng thờ GiaVê Thiên-Chúa.

Bần-đạo bầy tôi đây thật sự không lấy đó làm điều, bèn tự-nhủ: hay ta thử nghe thêm ít câu hát hoặc đọc lại vài truyện kể nào đó may ra cũng thấy được lằn sáng cuối đường hầm thay cho việc ngồi đó cứ nghĩ đến chia rẽ với “Lìa nhau” cũng được đấy. Nghĩ vậy, nên bần-đạo lại mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm đôi câu khác trong nhạc bản “Lìa nhau” ở trên, như bên dưới rồi hãy xem:

“Lìa nhau mây đen lớp lớp,

về đây che khuất, che khuất mẹ hiền Mẹ buồn nhìn đời khốn khó,

đàn con gieo thêm lắm, thêm lắm ưu phiền.

Mẹ khuyên khuyên con tiếng nấc nghẹn ngào: à ơi con hỡi đừng lìa nhau. Đạn bay trên non cao,

hay đạn tuôn về xóm nghèo Lìa nhau cho non nước tiêu điều.”

(Nguyễn Đức Quang – bđd)

Đã “lìa nhau mây đen lớp lớp” thế rồi, thì còn gì nữa mà khuyên với nhủ mấy đứa con “tiếng nấc nghẹn ngào”? “Lìa nhau cho non nước tiêu-điều”, rày như tác-giả là Tổng Giám Mục John S. Spong  lại nói lên đôi điều khá sầu buồn nhận thấy ở Kinh Sách, như sau:

“Vốn xác-tín rằng Đạo Chúa có cơ-chế tổ-chức đã và đang đòi-hỏi sức-mạnh/quyền-uy cho Giáo-phái của mình mà phần lớn các đòi hỏi ấy lạ bén rễ sâu nơi tuyên-ngôn Kinh thánh bảo rằng tiếng/giọng và Lời của Chúa không còn được ai nghe thấy tận bên trong Sách thánh nữa.

Chính vì thế, nay tôi mời gọi mọi người hãy cùng nhau leo lên đỉnh núi để từ đó ta có thể xem xét/ngắm nhìn cơn gió đầy uy-lực cực-kỳ, coi xem các trận động đất và lửa ngọn tàn-phá không chỉ mỗi thần-tượng tín-điều bắt buộc mọi người phải tin, nhưng cả đến Kinh thánh, Giáo-hội, nhất nhất vẫn có thói-quen che-đậy không cho ta thấy được những gì thật sự là Thực-chất của Thiên-Chúa.

Và khi mọi sự đã bị tàn-phá đến vỡ toang rồi, thì hy-vọng của tôi sẽ là: cả chúng ta nữa lúc đó cũng sẵn sàng để vẫn còn nghe được tiếng/giọng nhỏ-nhẹ của sự lặng-thinh vốn dĩ khuyến-khích ta trở về với lời gọi mời mà theo tôi, đó là bản-chất của những gì có nghĩa trở-nên đồ-đệ của Đức Giêsu. Và rồi, ta có bổn-phận dựng-xây một thế-giới trong đó mỗi người và mọi người đều có thể sống đầy-đặn hơn, yêu-thương một cách phung-phí hơn nữa và trở thành con người mà Thiên-Chúa muốn mỗi người trở nên như thế.

Bằng lời gọi mời này, ta sẽ phản-đối tất cả những gì làm cho cuộc sống của bất cứ ai cũng không bị suy-giảm, giản-lược dù có khác-biệt về giòng giống, sắc-tộc, bộ-lạc, giới-tính hoặc hướng-chiều về phái-tính khác hoặc ngay đến đạo-giáo nữa.” (Xem thêm Tgm John Shelby Spong, A Claim that Cannot Endure, sđd tr. 25-26)

Xét lập-trường và nguyên-nhân gây nên việc “Lìa nhau” theo ý đấng bậc ở trên xong, nay ta lại mời nhau đi vào vườn thượng-uyển có những hoa thơm/cỏ lạ đầy những Lời Vàng Ngọc của bậc thánh-hiền khi xưa từng nhất-quyết:

“Anh em tưởng rằng

Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?

Thầy bảo cho anh em biết:

không phải thế đâu,

nhưng là đem sự chia rẽ.

Vì từ nay,

năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau,

ba chống lại hai, hai chống lại ba.”

(Lc 12: 51-52)

Sống hài-hoà/bình-an hay đầy những cảnh “Lìa nhau” như thế, đó là tiền-đề và phản-đề của một biện-chứng bàn về cuộc sống thực ở đời của nhà Đạo. Đấng Thánh-hiền nói thế là để cảnh-giác người đọc và nghe Lời Ngài. Để rồi, tác-giả Tin Mừng lại ta dẫn về tổng-đề rất “có hậu” như sau:

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé,

đừng sợ!

vì Cha anh em

đã vui lòng ban Nước của Ngài

cho anh em.”

(Lc 12: 32)

Vâng. “Nước” của Ngài đã được ban cho ta như thế rồi. Còn gì đâu nữa mà âu sầu, sợ sệt! Vâng. Nghe những Lời chắc-nịch của Ngài thế rồi, nay ta cứ tiếp-tục mời nhau dấn bước vào vùng trời đầy truyện kể để tìm cho ra câu nói hoặc cốt truyện ý-nhị dù truyện kể có hơi cường-điệu hoặc nhàm-chán như một triết-thuyết, vẫn không ngại.

Vậy thì, ta cứ đi thẳng vào truyện kể nói về sự thật ở đời cũng rất “Lìa nhau”, như sau:

“Truyện kể, là về người lính nọ, cuối cùng ra cũng đã trở về với gia-đình sau nhiều trận-chiến ác-liệt ở Việt Nam, vào thời ấy, như sau:

Từ San Francisco, anh con trai gọi điện cho cha mẹ mình, rằng:

-Ba mẹ ơi, con đã về lại quê nhà rồi, nhưng con có một chuyện muốn xin với ba mẹ. Con có người bạn đang trong cảnh ngặt-nghèo nên muốn đưa anh ấy về nhà cùng sống với con.

-Chắc chắn rồi, hỡi con trai yêu quý, cha mẹ anh vui vẻ nói: Ba mẹ rất muốn gặp bạn của con”.

-Nhưng có điều con muốn nói trước với ba mẹ là: bạn con bị thương khá nặng trong chiến tranh. Anh ta hơi đãng trí và chỉ còn mỗi cánh tay và một chân thôi. Anh không có nơi nào để về sống, và con muốn anh ấy đến sống với gia đình ta, ba mẹ nghĩ sao?

-Ấy chết! Ba mẹ xin lỗi con, con trai yêu quí của Ba mẹ… Có lẽ ta có thể giúp anh ấy tìm nơi nào khác để sinh sống cũng được vậy!…

-Không đâu, ba mẹ à, con muốn anh ấy đến ở chung với gia đình mình cơ.

-Con à! Con có biết là con đang yêu cầu ba mẹ làm một điều quá sức hay không? Đem về nhà mình người bạn tàn tật như vậy sẽ là gánh nặng khủng khiếp cho ba mẹ đấy. Ba mẹ còn có cuộc sống riêng-tư của mình nữa chứ, ba mẹ không thể để điều ấy làm ảnh hưởng tới cuộc sống riêng của gia-đình ta. Ba nghĩ: con hãy về nhà và quên anh bạn của con đi. Anh ấy rồi cũng sẽ tìm ra cách tự lo-liệu cho cuộc sống của mình đấy thôi…

Lúc ấy, người con bèn gác điện thoại, không nói gì nữa. Cha mẹ anh không nghe thấy gì từ đầu giây bên kia nữa. Song, ít ngày sau, họ đột-nhiên nhận được cú điện-thoại từ đồn cảnh sát San Francisco gọi về bảo cho biết: Con trai ông bà đã qua đời sau khi bị ngã từ ban-công trên cao-ốc xuống đất, cảnh sát đã thông-báo cho ông bà như vậy. Cảnh sát San Francisco quyết được rằng đây chắc chắn là một vụ tự-vẫn có suy-tính.

Cha mẹ người lính trẻ, trong cơn đau-đớn tột bực, đã vội bay tới San Francisco và ông bà được dẫn tới nhà xác thành-phố để nhận-diện thi-thể của người con trai. Họ nhận-diện đúng là anh ta, người con trai yêu quý của hai ông bà. Nhưng đột nhiên, hai ông bà kinh-hãi không thốt nên lời, khi nhận thấy điều mà trước đó họ không hề hay biết, đó là: con họ chỉ còn duy-nhất có một tay và một chân thôi.”

Thế rồi, những giọt nước mắt đau thương/ân-hận đã bắt đầu tuôn, nhưng tất cả đều đã quá muộn. Cha con gia-đình này, nay đã “lìa nhau” không được sống chung với nhau nữa, dù có muốn.” (Truyện kể lan nhanh qua điện-thư vi-tính rất thường ở thời này)    

Truyện kể chỉ có thế. Không nhàm và cũng chẳng chán, vẫn như chuyện thường ngày ở huyện, mà lại là huyện Tây Phương rất cực-lạc. Nhưng người kể hôm nay lại đã gửi đến người nghe, một cảm-nhận như sau:

Bạn đừng bao giờ đối xử phân-biệt/kỳ-thị với người khác. Bởi, bạn sẽ không biết được người thực sự bị tổn-thương đây là ai hết. Hãy cứ bao-dung/độ-lượng với mọi người và nghiêm-khắc với chính mình! Nếu mọi người trong ta đều có thể để lòng bao-dung/nhân-ái với người lạ giống như người thân của mình, thì thế giới này rồi đây sẽ tốt đẹp dường bao.”

Bởi, với lòng từ-bi/bao-dung, ta có đủ sức để mài/dũa bất cứ hòn đá vô-tri vô-giác nào đi nữa thành viên ngọc quí lung-linh chiếu sáng. Ta cũng sẽ đủ sức biến những việc khó-khăn thành dễ-dàng; đủ sức biến người tầm-thường hay khuyết-tật thành vĩ-nhân, cũng không khó.” (Bạch Mỹ sưu-tầm)

Truyện kể gọn nhẹ là như thế. Thi-ca âm-nhạc ở đâu cũng như vậy. Cũng có câu ca hoặc điệu hát thoạt nghe có vẻ âu-sầu/buồn-bã, nhưng hễ nghe hoài, nghe kỹ sẽ không còn thấy nhàm thấy chán như ai đó đã cất lên giai-điệu đầy hưng-phấn, quyết-tâm như sau:

“Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên. ca ngợi quê hương của chúng ta. bằng niềm tin chứa chan trong tim,

người thanh niên.

Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên. Cuộc đời đang dang tay đón ta. Bằng yêu thương ta đi xóa tan,

mọi căm hờn.

Đừng ngồi yên, nghe tiếng khóc quanh mình đừng ngồi yên, trên nhung gấm vô-tình hỡi bạn thân! đừng vùi lương tri dưới gót chân. đừng nhìn tha-nhân

đang kêu gào chống ngục tù xin công bằng, đòi cơm áo.

Đừng đùa vui khi đói khát vẫn còn. đừng đùa vui khi áp-bức vẫn còn, nhân-loại ơi! Đừng làm quê hương thêm tả tơi. Đừng khoe-khoang trên những xác người đã ngã gục chết cho đời được thêm vui.

“Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên! Ngợi ca quê hương của chúng ta. Bằng niềm tin chứa chan trong tim,  

người thanh niên.

Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên. Cuộc đời đang giang tay đón ta. Bằng yêu thương ta đi xóa tan mọi căm hờn.

(Lê Hựu Hà – Bài Ca Tuổi Trẻ)

Đúng thế. Dẫu có ra sao, cũng đừng sợ! Sợ gì mà không hát lại những câu ca buồn-bã rất “lìa nhau” hoặc chia-lìa như sau:

“Lìa nhau cho nhau luống đất,

ngày nay không lúa,

không lúa không mầu. Triều sông dâng theo uất ức,

tràn lan trôi khắp, trôi khắp quê sầu.

Lìa nhau đem theo tiếng nói ngọt ngào. Lìa nhau cho chút lòng làm cao. Đàn trâu đi bơ vơ, bên nhà xiêu nước mắt mờ. Lìa nhau cho kiếp sống xác xơ. (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Vâng. Thế đó là niềm vui có gọi mời “Đừng sợ bạn ơi!” gặp thấy trong mọi nỗi buồn cuộc đời, dù rất chán. Và, dù có “Lìa nhau cho tim bốc cháy những ‘thù sâu lan khắp địa cầu”. Cả vào khi ta hát những câu “Lìa nhau đem theo tiếng nói ngọt-ngào”, “chút lòng làm cao”, “nước mắt mờ”, “xác xơ”, một kiếp sống rất ơ-hờ, thờ-ơ, rất đáng chán!

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc thấy đời mình

Cũng khá nhàm và hơi chán

nhưng không sợ.

Vẫn đầu cao mắt sáng

Nhìn về phía trước có tương-lai mầu hồng

đầy sức sống,

Rất miên-trường. 

NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA GIÊSU

-by NS-ĐMHCG

Chúa nhật 23 thường niên, năm C

Báo ĐMHCG 8-2016

Kn 9:13-18b; Plm 9:10,12-17; Lc 14:25-33

Tin mừng hôm nay diễn tiến trong bối cảnh Chúa Giêsu đang trên hành trình lên Giêru salem. Hành trình đó là điểm đến cuối cùng của Người để hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại.  Tại đó, Người sẽ phải trải qua cái chết khổ nhục trên Thập giá.  Trên hành trình ấy, có rất nhiều người cũng muốn đi với Người.  Họ muốn được gắn bó với Người.  Tuy nhiên họ vẫn chưa hiểu hết con đường phía trước đang chờ đợi họ.  Họ vẫn đang tin Người là vị vua theo nghĩa trần thế, có quyền năng thay đổi vận mệnh dân tộc và ban cho họ phú quý vinh hoa khi Người hoàn thành sứ mạng.  Họ muốn Người làm Vua để đánh đuổi quân ngoại xâm và tái lập vương quốc Ítraen.

Chúa Giêsu biết những khát vọng trần thế ấy nơi họ nhưng không vì thế mà Người xua đuổi họ. Họ cần phải biết rõ hơn những yêu sách của việc đi theo Người, và họ cần phải ý thức về những khó khăn đang chờ đợi họ ở phía trước.  Vì thế, Người đưa ra cho họ một lời đề nghị dành cho những ai muốn bước theo người.  Người muốn họ phải vượt qua não trạng thông thường ưa tìm hư danh để bước xuống con đường tự hủy.

Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi vừa khẩn thiết vừa đầy thách đố cho những ai còn muốn đi theo Người: “Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, an hem, chị em, và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi được.”  Thoạt nghe, người ta có thể hiểu sai khi cho rằng lời mời gọi như thế đi ngược lệnh truyền yêu mến người thân cận, cũng như đi ngược điều răn thứ IV là thảo kính cha mẹ.  Nhưng đây là một đòi hỏi buộc người ta phải chọn Chúa vượt lên trên tất cả những tương quan khác, một chọn lựa có tính tuyệt đối.

Chắc chắn Chúa không dạy người ta phải khinh ghét cha mẹ và gia đình mình, nhưng người môn đệ phải dứt bỏ những tình cảm riêng tư, những gắn bó làm cản trở trong việc thi hành thánh ý Thiên Chúa.  Nói cách khác, người đồ đệ không để cho bất cứ điều gì cản trở mình chọn Chúa làm lẽ sống, cho dù đó là những giá trị linh thiêng cao quý như tình cảm đối với gia đình.  Điều đó có nghĩa là người đồ đệ phải yêu mến Chúa hơn tất cả những người khác, kể cả những người thiết thân nhất với mình, và thậm chí là chính bản thân mình.  Chúa Giêsu phải được đặt ở vị trí đặc biệt và độc nhất trong cuộc đời sống của người đồ đệ.  Tình yêu dành cho Người phải vượt lên trên tất cả những tương qua ràng buộc khác.  Tuy nhiên điều ấy không có nghĩa là loại trừ tình yêu mến đối với tha nhân, nhưng trái lại phải được tăng triển hơn. Bởi vì một khi tình yêu mến đối với Chúa gia tăng thì cũng đòi hỏi tình yêu thương đồng loại cũng phải triển nở.  Vấn đề là tình yêu mến dành cho tha nhân không nằm ngoài mối tương quan của chúng ta có với Chúa Giêsu và phải được hội nhập vào mối tương quan đó.

Để củng cố sức mạnh cho các môn đệ trên hành trình theo Người, Chúa Giêsu đưa ra hai minh họa về người xây tháp và vị vua đi đánh trận.  Cả hai đều phải tính toàn chi ly, lượng sức mình có đủ khả năng để đối đầu với công việc vốn gian nan này không.  Việc theo Chúa cũng gian nan không kém việc xây tháp và đánh giặc.  Từng chặng một đều đòi hỏi phải hao tốn sức lực.  việc theo Chúa cũng không thể tính toán bao lâu, bao nhiêu, hay bằng những việc gì nhưng là thái độ quyết liệt, gạt ra một bên tất cả để bước theo Chúa, xây dựng nước Trời, chiến đấu với sự dữ và chấp nhận chết đi mỗi ngày để được chiến thắng hiển vinh.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta sẹ mạnh mẽ dứt khoát với tất cả những gì làm cản trở bước đường theo Chúa.

Xin cho chúng con biết chọn Chúa làm lẽ sống duy nhất vượt lên trên tất cả những tình cảm dù thiêng liêng nhất là gia đình và ngay cả chính bản thân con.

Xin cho con vui lòng vác lấy thập giá Chúa mỗi ngày và hăng hái bước theo Người.  Sau cùng, xin cho con lòng can đảm để biết từ bỏ hết những gì mình có để được làm môn đệ người và ra đi xây dựng Nước Trời, làm chứng tá tình yêu Chúa trước mặt mọi người.

Báo ĐMHCG 8-2016

AI CÓ THỂ LÀM MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU ?

Am Trần Bình An

Ngày 02/08/2013, ca nô mang số hiệu H29, tuy tải trọng chỉ 18 khách, nhưng đã chở đến 30 người trong chuyến hành trình từ huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đến Vũng Tàu. Bất ngờ gặp sóng lớn ca nô bị lật úp, cách bờ biển Cần Giờ khoảng 4 km.

Chàng trai Trần Hữu Hiệp, 26 tuổi quê Thanh Hóa, cũng là hành khách bị nạn trên ca nô, đã cố gắng cứu vớt được 4 người suýt chết đuối. Thấy một người phụ nữ đang mang bầu, yếu ớt bám vào thân ca nô, anh Hiệp đã không tiếc mạng sống cởi ngay áo phao đưa cho người này.

Nhường áo xong, anh Hiệp bám vào thành tàu cùng bạn hữu, nhưng liên tục bị nhiều cơn sóng khác đánh dạt ra. Anh bơi vào lại, nhưng chỉ được một lúc lại bị đánh ra xa tiếp. Nhiều con sóng khác lại ập vào, anh Hiệp lúc này đã kiệt sức lại trôi ra xa.

Những người đồng cảnh ngộ liền cố gắng níu giữ anh Hiệp. Tuy nhiên lúc này anh đã quá kiệt sức, không thở được nữa. Tay bám tàu, họ cố gắng níu giữ lại anh Hiệp, nhưng một cơn sóng khác lại đánh anh ra xa. Rồi liên tiếp những sóng đánh tơi tả, thân xác anh Hiệp trôi mất hút vào trong đêm tối. (Tổng hợp trên net)

Trích thuật Tin Mừng Thánh Luca hôm nay, Đức Giêsu nhấn mạnh đến điều kiện làm môn đệ. Tiên quyết là chọn theo Người hay không. Tiếp theo là từ bỏ những quan hệ thân thuộc, đến sẵn sàng hy sinh mạng sống như gương dũng cảm nêu trên. Cuối cùng là chấp nhận những thương đau, khốn khổ để theo Người.

Chọn lựa

“Chọn lựa chính là loại trừ” (Choisir, donc exclure), triết gia Henri Bergson thừa nhận sự hiển nhiên về chọn lựa. Anh Trần Hữu Hiệp đã loại trừ sinh mạng mình, để cho chị phụ nữ mang thai được sống. Tuy nhiên chẳng hề dễ dàng khi chọn lựa, nếu không cân nhắc tầm quan trọng, ưu tiên phục vụ tha nhân hơn bản thân.

Chiến đấu hay hòa hoãn, xây dựng hay thúc thủ, sống cho mình hay chết cho người, đều là vấn đề tương phản, mâu thuẫn gay gắt, cần phải lựa chọn. Không thể bắt cá hai tay, chẳng được gì. Dựa vào lương tâm, căn cứ vào Tin Cậy Mến, để tìm hiểu Thánh Ý, mà chọn lựa cái tốt nhất hay cái không tốt bằng, cái thiện hay cái ác, cái thánh thiện hay cái tầm thường. Nếu băn khoăn khó phân định tốt xấu, thì nguyện xin Đức Chúa Thánh Thần soi sáng, ban can đảm để chọn lựa và theo đuổi. Lửa Mến sẽ minh định sự chọn lựa chính xác, phù hợp Thánh Ý Chúa. Nếu chưa tỏ tường thì nhờ các đấng tu trì, đạo đức. Các ngài sẵn sàng giúp chọn lựa theo sự khôn ngoan của Đức Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, tiên vàn cần đến lòng khiêm nhường và phó thác, noi gương Mẹ tự hạ, sẵn sàng Xin Vâng, cảm tạ và ngợi khen hồng ân lãnh nhận, mới được Chúa đoái thương chỉ bào đàng ngay nẻo chánh. Vì “chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14, 6)

Sự lựa chọn, phân định tốt xấu còn được Đức Giêsu khẳng định thật rõ ràng:“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ.”(Mt 6, 24)

Từ bỏ Từ bỏ là loại trừ đi, không quan tâm hay chú trọng. Đến với Chúa luôn ưu tiên số một, vượt trên tình cảm gia đình, huyết tộc và cả sinh mệnh.“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Thời điểm này, Đức Giêsu không còn nhắc đến sự quyến luyến với vật chất của cải phù vân nữa, mà hơn nữa, còn đòi hỏi người môn đệ vượt qua tình cảm gia đình. Theo thói đời, thường những tình cảm này tuy được cho là cao quý và đáng trân trọng, nhưng không thể trở nên sức cản khi đến với Chúa. Những người tận hiến cho Chúa, đều phải dứt áo xa lìa mái ấm, hy sinh những tình cảm huyệt tộc để có thể đến với tha nhân, đến với Chúa trong những hình hài xa lạ, khốn khổ hay tội lỗi trầm luân. Người giáo dân cũng thế, cần nhìn ra bên ngoài tổ ấm, quan tâm, săn sóc và phục vụ những người cơ nhỡ, bần hàn. Mặt khác, từ bỏ chính mình vì ”Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, nên anh em mặc lấy Đức Kitô”(Gl 3,27). Mặc lấy Đức Kitô là bỏ đi con người cũ, vốn đầy đam mê những phù phiếm thế gian, vốn sa đọa tội lỗi, mà sống Lời Chúa thật sự, tin yêu và phục vụ.

Chấp nhận Trong cuộc sống, chẳng một ai thoát khỏi những gánh nặng thường ngày đè nặng trên vai. Kẻ lo âu về vật chất, kẻ thì khắc khoải tinh thần. Mỗi người đều có thánh giá dài ngắn, nặng nhẹ khác nhau. Nhưng chẳng có thánh giá nào êm ái, dễ chịu. Cũng chẳng thể nào vác thay cho ai. “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Chấp nhận hy sinh, đau khổ, khinh khi, rẻ rúng, chịu bách hại, tù đầy vì danh Chúa, vì Nước Chúa, nếu muốn làm môn đệ. Nhờ ơn Chúa, nhờ sức mạnh của Đức Chúa Thánh Thần, người môn đệ chấp nhận mọi đầy đọa, mọi thách đố, để bước theo cuộc khổ nạn, chịu hiến tế theo Đức Giêsu. Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã chấp nhận toàn hiến, qua 14 bước theo Đức Giêsu: Con theo từng bước của Chúa trên đường hy vọng: Bước lang thang ra chuồng bò ở Bêlem, Bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai cập, Bước bồn chồn trở về trú ngụ Nagiarét, Bước phấn khởi lên Ðền thánh với Mẹ Cha, Bước vất vả suốt 30 năm trời lao động, Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng, Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc, Bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt, Bước cô đơn ra trước tòa không một người thân, Bước ê chề vác thánh giá lên đồi tử nạn, Bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác, Không tiền không bạc, Không manh áo, không bạn hữu, Chúa Cha cũng xem chừng bỏ rơi Chúa, Nhưng Chúa phó thác tất cả vào tay Cha. ( ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Năm chiếc bánh và hai con cá)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết chúng con chưa đủ can đảm làm môn đệ của Chúa. Chúng con còn đang chần chừ, chân trong chân ngoài. Vừa muốn theo Chúa, vừa muốn hưởng thụ lạc thú thế gian. Trong khi Chúa muốn chúng con quyết định dứt khoát, theo Chúa hay không. Xin Chúa ban cho chúng con Tình Yêu nồng nàn, cùng Tin, Cậy nhiệt thành, để quyết tâm theo Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin cứu giúp chúng con biết từ bỏ mọi sự, kể cả bản thân, để cố gắng noi gương Mẹ, xin vâng theo Thánh Ý Chúa mãi mãi. Amen.

BÀI TOÁN ĐỜI ĐỜI

Huy Khanh

“Nếu ai đến với ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo ta, thì không thể làm môn đệ ta” (Lc 14:26-27).

Với cặp mắt tu đức, ta có thể tìm thấy trong trích đoạn lời Chúa mà Thánh Luca ghi nhận hôm nay qui hướng về sự từ bỏ: Bỏ cha mẹ. Bỏ vợ chồng. Bỏ con cái. Để làm được việc này, Chúa nhấn mạnh đến việc phải chấp nhận những thử thách, đau thương, và hy sinh là từ bỏ chính bản thân, chính con người của ta. Nhưng nếu nhìn bằng con mắt tâm lý, hợp với tầm nhìn của con người, thì Chúa Giêsu đã vẽ ra cho ta một mô thức sống rất thực tế, và rất con người: Tính toán cẩn thận trước khi làm một việc gì.

Thật vậy, thoạt đọc trích đoạn Tin Mừng, ta có cảm tưởng như Thánh Luca đã có sự lầm lẫn trong cách ghi chép và xếp đặt tư tưởng về một số những điều kiện Chúa Giêsu đã đặt ra cho những ai muốn theo và làm môn đệ Ngài: “Nếu ai đến với ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo ta, thì không thể làm môn đệ ta” (Lc 14:26-27). Và liền sau đó, lại đề cập đến việc tính toán xây một lâu đài và chuyện phải nghiên cứu binh pháp trước khi giao chiến.

Nhưng sau khi đọc và suy gẫm cẩn thận, ta lại thấy rằng, hình ảnh một người ngồi nghiên cứu tỷ mỷ để xây một lâu đài, cũng như hình ảnh những buổi họp quân sự và nghiên cứu khả năng đối phương trước khi ra quân chỉ là những dẫn giải cụ thể và thực tế để con người có thể hiểu được tầm quan trọng thế nào là một cuộc chiến nội tâm, và việc chuẩn bị cho mình một lâu đài vĩnh cửu trên thiên quốc.

Nêu vấn đề và phương pháp hoặch định xây một căn nhà hay một lâu đài, hiển nhiên, Chúa Giêsu không muốn ta chú ý đến những công trình kiến trúc và xây cất trên mặt đất. Vì Chúa Giêsu không dậy ta cách tính toán, xây cất một căn nhà hay một lâu đài. Việc này đã có các kỹ sư và kiến trúc sư làm được. Ngài muốn ta lưu ý đến căn nhà đời đời, ngôi biệt thự trên Thiên Đàng. Đến đây, với trí tưởng tượng, ta có thể hình dung ra một lâu đài mà mình có thể tạo dựng được cho mình trên thiên quốc. Muốn to hay muốn nhỏ, muốn trình bày, thiết kế như thế nào từ trong ra ngoài tùy ý mình.

Một cách thức tương tự, Chúa Giêsu khi nhắc đến việc chuẩn bị chiến tranh, Chúa không có ý nói về những cuộc chiến giữa quốc gia này với quốc gia khác, hay những trận chiến toàn cầu. Điều này cũng đã có những nhà binh bị, quân sự, những cơ quan tình báo, và khí giới học lo. Chúa chỉ muốn nhấn mạnh đến cuộc giao tranh một mất, một còn trong cõi siêu hình. Trong cuộc chiến này, một là thắng với phần thưởng Thiên Đàng, hai là thua bị bắt làm tù binh bị đày vào hỏa ngục đời đời.

Tóm lại, hình ảnh thiết kế một công trình xây cất, hoặc hình ảnh chuẩn bị chiến tranh dẫn đến kết luận là cần phải làm thế nào để ta có thể thắng vượt được những thử thách và cám dỗ cuộc đời để chuận bị kỹ càng hầu chiếm hữu được phần thưởng đời đời. Nhưng dụng cụ xây cất ở đây là gì? Khí giới cần dùng trong cuộc chiến này là gì? Và kẻ thù của ta là những ai?

Kẻ thù đôi lúc xuất hiện hữu hình, đôi lúc tàng ẩn vô hình đó là những ham muốn vô độ của ta. Đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em. Và dĩ nhiên, kẻ thù nguy hại, và độc ác nhất vẫn là Satan. Vì vậy, trước khi nói đến việc xây một lâu đài vĩnh cửu trên thiên quốc, hoặc trước khi giao chiến với kẻ thù, Thánh Luca đã ghi lại những đòi hỏi mà Chúa Giêsu muốn ta phải chuẩn bị, tính toán trước cẩn thận. Điều làm ta hơi ngạc nhiên là Chúa Giêsu trong trường hợp này đã xếp cha mẹ, vợ con, và chính bản thân mỗi người vào danh sách những rào cản, những đối phương có thể làm hỏng chuyện hoặc ngăn trở cho việc giao chiến của ta: “Nếu ai đến với ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ ta” (Lc 14:26).

Thật vậy, rất nhiều và trong rất nhiều trường hợp, ta đã nhân danh cha mẹ, nhân danh lòng hiếu thảo, nhân danh tình yêu giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau để lỗi bác ái, lỗi công bằng, xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Nhiều lần và trong nhiều hoàn cảnh, ta đã nhân danh tình yêu, sự săn sóc và lo lắng cho bản thân mình để bộc lộ tính tham lam, ích kỷ, độc ác, hẹp hòi và đam mê vô độ. Và trong nhiều trường hợp như thế, ta không ngần ngại xúc phạm đến bất cứ ai, làm bất cứ điều gì miễn sao thỏa mãn cơn khát giầu sang, cơn khát danh vọng, cơn khát quyền lực, cơn khát dụng vọng. Cộng thêm với những phụ họa, gọi mời, và cám dỗ của thế gian, và ma quỉ, tất cả đã trở thành một thứ rào cản chắn lối ta về Thiên Đàng, và làm suy sụp khả năng chiến đấu của ta trước đối phương. Và đó là điều tại sao Chúa Giêsu đòi ta phải từ bỏ chính mình, phải hy sinh và phải vác thập giá.

Đụng chạm đến cha mẹ. Đụng chạm đến vợ chồng. Đụng chạm đến con cái là một chuyện tế nhị và khó khăn. Đụng chạm đến chính bản thân, chính con người của mình với những cá tính và đam mê lại càng khó khăn hơn nữa. Nhưng đó là điều kiện cần thiết cho những ai muốn chiếm hữu nước trời, muốn đầu tư trên thiên quốc.

Những hiểu lầm, bất trắc, vất vả, thử thách, và băn khoăn trong cuộc sống. Ma quỉ, thế gian và xác thịt. Tất cả đều phải dừng trước quyết định đời đời của ta. Phần ta, ta phải chiến đấu với cuộc chiến tâm linh này, và phải can đảm chấp nhận mọi thách đố, bằng cách vác thập giá mọi ngày. Vẽ họa đồ, thiết kế, và đặt kế hoặch xây cất một lâu đài, một tòa nhà, hay một công trình kiến trúc là việc đòi hỏi nhiều suy tư, thời giờ, và chuyên môn. Hoặch định một kế hoạch ra quân, tấn công đối phương cũng là một chương trình, một kế hoặch đòi hỏi nhiều chất xám; không phải chỉ một mà là nhiều người. Nhưng tất cả những suy tư ấy, tính toán ấy, và chất xám ấy nếu đem so sánh với những gì con người cần phải nghiên cứu, hoặch định cho phần rỗi của mình thì chỉ là một chuyện nhỏ mọn, vì tính cách đời đời của nó.

Để chiếm hữu được nước trời, tức là xây cho mình một lâu đài vĩnh viễn trên thiên quốc. Để thắng được cuộc chiến tâm linh, tức là đạt được phần rỗi đời đời đòi ta phải tính toán kỹ lưỡng và cẩn thận. Điều khó khăn nhất trong bài toán này là làm thế nào để ta có thể từ bỏ cha mẹ, mà lại không mang tội bất hiếu. Từ bỏ vợ chồng, mà không làm phương hại đến tình nghĩa phu thê, đến lời thề chung thủy. Từ bỏ con cái, anh chị em, mà không làm giảm thiểu tình thương và trách nhiệm. Nhất là từ bỏ chính mình mà không thiếu sót bổn phận hoặc đánh mất lương tâm. Nhưng đây là bài toán mà ta phải làm mỗi ngày bằng suy tư cầu nguyện, và bằng thần trí hiểu biết, khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Linh. Lậy Chúa, xin cho con biết trả lời đúng bài toán đời đời của con mọi ngày trong cuộc sống của con.

ĐẦU TƯ TRÊN NƯỚC TRỜI

Trần Huy Khanh

Thỉnh thoảng trên TV chúng ta vẫn thấy có những mục quảng cáo bất động sản ở những nơi mà trong tương lai có thể sẽ biến thành những thắng cảnh du lịch, hoặc những khu thương mại sầm uất. Những nhà địa ốc này cho khách hàng hay là đất đai ở những nơi ấy một ngày kia sẽ trở nên hiếm quý, và việc đầu tư hôm nay sẽ mang lại lợi nhuận nhiều triệu đôla sau này.

Qua Phúc Âm tuần này, người đọc cũng nhận ra một lời quảng cáo tương tựï. Chỉ có điều là nhà địa ốc trong Tin Mừng của Luca chính là Chúa Giêsu, còn khu bất động sản ấy là Thiên Đàng, là nơi mà tất cả chúng ta đều muốn có ngôi nhà mình ở đó. Nơi mà đất đai thật hiếm quý và không bao giờ bị xuống giá. Bạn có dám tin tưởng ở lời quảng cáo đó hay không? Hoặc bạn có dám tin vào nhà địa ốc Giêsu hay không? Mời bạn cùng với tôi đọc qua câu truyện ngụ ngôn mang tính cách Thánh Kinh sau đây:

Một hôm tại phòng khách của Thiên Đình có 2 người ngồi chờ để được Thánh Phêrô gọi vào bệ kiến Chúa Giêsu. Một người giầu có và một người nghèo khó. Hai ông một trời một vực, ông thì ăn mặc sang trọng, đầu tóc hớt tươm tất, giầy bóng loáng. Còn ông kia ăn mặc đơn sơ và không có chút trau chuốt. Khi người nghèo được vào gặp Chúa, thì Ngài sai thiên thần dẫn đến một toà lâu đài nguy nga, tráng lệ và rộng rãi sang trọng. Có hồ nước, có ao tắm. Có sân quần vợt. Có hòn non bộ. Có vườn hoa muôn mầu, muôn sắc. Và có cả một vườn cây ăn trái. Đẹp và tuyệt vời! Thiên thần nói với người nhà nghèo rằng: “Đây là ngôi nhà của ông. Từ nay ông là sở hữu chủ của khu bất động sản này.” Nói rồi trao chìa khóa tòa lâu đài ấy cho ông.

Thấy vậy, ông nhà giầu nghĩ thầm trong bụng rằng thằng nhà nghèo kia mà còn được một lâu đài thế kia, đến lượt mình chắc sẽ có cả một sơn trang lộng lẫy. Rồi ông ta tưởng tượng đến một sơn trang với nhiều tòa lâu đài sang trọng và tiện nghi hơn tòa lâu đài của anh nhà nghèo. Nhưng đến khi ông vào gặp Chúa Giêsu, thì không cần hỏi han gì, Ngài đã ra lệnh cho thiên thần dẫn ông tới một cái chòi nhỏ ở cuối vườn Thiên Đàng. Cái chòi nghèo nàn, và trống trải đến nỗi cũng chẳng cần chìa khóa. Rồi thiên thần nói với ông rằng: “Đây là nơi ở của ông. Ngôi nhà duy nhất mà ông có khả năng làm chủ”. Nói rồi để ông ở đó mà đi. Thấy vậy, ông nhất định xin gặp Chúa Giêsu vì cho rằng ông đã bị đối xử không công bằng khi so sánh với anh nhà nghèo mà mới chỉ ít phút ông ta gặp ở phòng khách.

Thiên thần cũng chiều ý và đem ông đến gặp lại Chúa Giêsu. Vừa nhìn ông, Chúa đã phán ngay:

– Này con! Vốn liếng con gửi lên chỉ vừa đủ ta xây cho con một cái chòi như vậy thôi. Con biết mà! Vật dụng và công thợ ở nơi này đắt đỏ lắm.

Thánh Tiến Sỹ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng có một ví dụ hết sức dễ hiểu và đơn sơ. Hạnh phúc Thiên Đàng, sự hưởng kiến Thiên Chúa tùy ở mức độ linh hồn mở rộng lòng mình đón nhận Ngài. Tùy ở sức chịu đựng mà mỗi linh hồn có thể đón nhận. Nếu linh hồn ta nhỏ bé như một cái ly, cái tách, hoặc nếu linh hồn ta như cái chậu, cái chum, cái ao, cái hồ thì tình yêu, hạnh phúc và vinh quang Thiên Chúa cũng sẽ lấp đầy tất cả tùy sức chịu đựng của mỗi linh hồn. Không ai thừa và cũng không ai thiếu. Tùy ở mỗi linh hồn. Cũng như vật dụng và tiền của mà người nghèo khó đã gửi nhờ đó Chúa xây cất cho ông một tòa lâu đài. Ngược lại, vì không có tiền của gửi lên, mà Ngài chỉ có thể cất cho người giầu một cái chòi.

Đầu tư trên Nước Trời:

Vậy, chúng ta phải bắt đầu như thế nào? Dĩ nhiên, muốn đầu tư thì phải có vốn. Mà nếu không có vốn thì phải đi mượn.

Vốn liếng ở đây, ai cũng biết đó không phải là tiền của vật chất mà là vốn liếng tinh thần. Không phải bằng nhiều triệu đôla, mà bằng những giá trị của hy sinh, của chấp nhận, của chịu đựng, và của lòng yêu mến Thiên Chúa. Điều kiện đó, Chúa Giêsu đã nói với tất cả chúng ta: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.” (Lc 14: 26-27). Đó là cái giá để trả, là tất cả vốn liếng mà chúng ta phải gửi lên để mua lấy đất ở Thiên Đàng, và để Chúa có thể sắm cho ta một ngôi nhà vĩnh viễn trên đó.

Ngoài ra, công việc đầu tư còn đòi hỏi nhiều cố gắng và chịu khó nữa. “Những ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14:33).

Sở dĩ như thế, là vì đây là một vụ làm ăn lớn, vụ đầu tư có tính cách quyết định mang ý nghĩa đời đời: : “Được lời lãi cả thế gian, mà thiệt mất linh hồn nào được ích gì? Lấy gì đổi lại linh hồn!” (Mt 16:26). Không! Không có gì đổi lại được chính mình, sự sống của mình. Bởi vì đây là sự sống vĩnh cửu, đời đời.

Gửi vốn:

Những hy sinh nhỏ mọn thường ngày. Những lời nói, cử chỉ và tấm lòng bác ái chúng ta có đối với những người khác. Những tha thứ và chịu đựng chúng ta phải đối diện thường ngày trong cuộc sống.

Chu toàn lề luật Chúa. Chu toàn trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ, của người làm chồng, làm vợ, và của người làm con, làm anh chị em trong gia đình. Chu toàn trách nhiệm của tất cả những chức bậc trong Giáo Hội và ngoài xã hội.

Tóm lại, tùy theo địa vị, theo ơn gọi, tất cả chúng ta phải chăm chỉ sống, thực hành và hoàn tất cách tốt đẹp cuộc sống của mình. Ngày qua ngày, chúng ta cứ gửi vào cái chương mục tinh thần ấy bằng những đồng tiền tinh thần, những đồng tiền mà qua đó, Chúa dùng để xây cho mỗi người một nơi ở trên đó.

Ngôi nhà xây to hay bé. Vật dụng trong nhà trang hoàng đẹp, qúi giá, dắt tiền hay rẻ và xấu. Được hưởng kiến và thấu hiểu Thiên Chúa nhiều hay ít. Tất cả tùy thuộc ở đời sống đạo, tùy thuộc vào những việc lành, phúc đức; nhất là tùy thuộc vào lòng yêu mến Thiên Chúa. Tùy thuộc vào những hy sinh, tiết độ của mỗi người. Nhưng quan trọng nhất là không được bỏ cuộc. Không để mình rơi vào tình trạng bị mang tiếng bỏ cuộc: “Người này đã khởi công xây cất mà việc không thành” (Lc 14:30).

DẤN BƯỚC ĐI THEO CHÚA

Lm. Đinh Lập Liễm

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN C DẤN BƯỚC ĐI THEO CHÚA +++ A. DẪN NHẬP

Trên đường tiến về Giêrusalem, có rất đông người đi theo Đức Giêsu. Nhiều người đi theo Ngài vì tưởng rằng Ngài đến đó để lập một vương quốc hùng cường theo nghĩa trần gian, Ngài đến đó với một vẻ huy hòang chiến thắng. Nhưng cũng có người có thiện cảm, có thiện chí đi theo để làm môn đệ Ngài. Trong bầu khí hồ hởi đó, Đức Giêsu không ngần ngại đưa ra những điều kiện khắt khe cho những ai muốn đi theo Ngài. Ngài biết trước số người đi theo thì rất đông, nhưng người trở thành môn đệ thì rất ít. Ngài đưa ra những điều kiện như vậy để họ suy nghĩ và tự quyết định con đường để theo.

Điều kiện Đức Giêsu đưa ra cho những ai muốn đi theo làm môn đệ Ngài là từ bỏ và vác thập giá. Ngài đã nói thẳng thừng và cương quyết :”Ai theo Ta mà không dứt bỏ (ghét) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta được. Và ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được”(Lc 14, 26-27). Như vậy, Đức Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Ngài hãy suy nghĩ cẩn thận để quyết định : nếu yêu chính bản thân mình, hay yêu bất kỳ ai khác, hoặc tiền tài danh lợi hơn Chúa thì không xứng đáng làm môn đệ của Ngài.

Chúng ta là những Kitô hữu. Trên nguyên tắc, Kitô hữu là người được mang tên Đức Kitô, được thuộc về Ngài, sống theo giáo huấn của Ngài và làm môn đệ Ngài, nhưng trong thực tế, mấy ai sống xứng đáng với danh hiệu là Kitô hũu chính danh, xứng đáng với danh hiệu là môn đệ trung thực của Đức Kitô, nhiều khi vô tình đã trở thành những môn đệ dổm. Hôm nay chúng ta phải xác quyết lại lời hứa khi chịu phép rửa tội là từ bỏ ma qủi và quyết tâm theo Chúa đến cùng.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1 : Kn 9,13-18.

Sách Khôn ngoan là một sưu tập những suy nghĩ của nhiều thế hệ loài người chung quanh vấn đề khôn ngoan minh triết. Ngày xưa vua Salômôn chỉ xin Chúa ban cho sự khôn ngoan ấy và ông đã trở nên người khôn ngoan nhất trên trần. Vậy sự khôn ngoan đích thực là gì và từ đâu tới ? Thưa, sự khôn ngoan đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa.

Đọan trích hôm nay cho biết con người có sự khôn ngoan, nhưng sự khôn ngoan ấy rất hạn chế. Ngay trong những việc thuộc trần thế nằm trong tầm tay của con người mà chưa thể hiểu nổi, phương chi là những điều thuộc thượng giới, những điều liên quan đến cuộc sống đời đời thì làm sao hiểu thấu được.

Vì thế, con người rất cần được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan để biết đường lối của Chúa để đi theo và nhờ đó mà được ơn cứu độ. Thiên Chúa sẽ ban ơn khôn ngoan cho chúng ta nhờ Thần Khí giúp đỡ.

+ Bài đọc 2 : Plm 9b-1012-17.

Trong lá thư ngắn gửi cho Philêmôn, thánh Phaolô biện hộ cho tên nô lệ Ôânêximô để gợi lên lòng bác ái Kitô giáo mà tha thứ cho anh ta. Anh Ônêximô là tên nô lệ của Philêmôn, đã trốn đi sau khi đã ăn cắp một số tiền. Sau khi anh này đã theo đạo, thánh Phaolô gửi anh ta lại cho chủ và xin ông chủ hãy đón nhận anh không phải một tên nô lệ mà là một người anh em trong Đức Kitô.

Tuy thế, thánh Phaolô không hề lạm dụng tình nghĩa của Philêmôn đối với mình để gây áp lực; trái lại chỉ nhẹ nhàng gợi ý và hy vọng Philêmôn sẽ vì lòng tốt mà làm theo sự gợi ý của mình.

+ Bài Tin mừng : Lc 14, 25-33.

Trên đường tiến về Giêrusalem, có rất nhiều người đi đường với Đức Giêsu. Theo tâm lý chung của những người thời đó, Đức Giêsu sẽ thiết lập một vương quốc hùng cường, cho nên họ nghĩ rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Nhưng để đánh tan sự hiểu lầm này, Đức Giêsu đã đưa ra những điều kiện cho nghững kẻ muốn theo Ngài.

Theo ý Đức Giêsu, ai muốn theo Ngài thì phải coi Ngài hơn tất cả mọi mối dây liên hệ thân ái nhất như cha mẹ, vợ con, anh chị em và kể cả mạng sống mình nữa. Theo Ngài tức là làm một đệ Ngài, và đã làm môn đệ Ngài thì phải thực hiện những điều kiện cực kỳ gay go.

Đồng thời, Đức Giêsu cũng khuyên nhủ mọi người phải khôn ngoan trong việc lựa chọn qua dụ ngôn người xây nhà và vị vua đi giao chiến. Việc theo Chúa là một việc trọng đại phải đắn đo suy nghĩ thật kỹ trước khi dấn thân, chứ không thể bốc đồng rồi bỏ cuộc.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA. Muốn làm môn đệ của Chúa.

I. GIÁO HUẤN TRÊN ĐƯỜNG ĐI GIÊRUSALEM.

Thánh Luca tường thuật cho chúng ta cuộc hành trình của Đức Giêsu tiến về Giêrusalem và những lời giáo huấn của Ngài. Cuộc hành trình này lại trùng với cuộc hành trình của người Do thái đi dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem. Vì thế, có nhiều đám đông cùng đi với Ngài. Nhưng họ không phải là những người đi qua đường mà là những người có thiện cảm với Đức Giêsu và có thiện chí muốn theo Ngài.

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “Đi theo” có nghĩa là làm môn đệ. Đức Giêsu là ông thầy đi trước, các môn đệ đi phía sau. Thông thường ông thầy chỉ cần đi trước cho các môn đệ đi theo. Nhưng trong chuyện này, Đức Giêsu “quay lại bảo họ”, nghĩa là Ngài có điều quan trọng muốn dặn dò kỹ các môn đệ. Đức Giêsu muốn dạy những điều gì ? Theo bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy có hai phần chính và một phần phụ. Phần chính là những điều kiện cho người đi theo Chúa, và phần phụ nói lên tính cách của việc đi theo Chúa qua hai dụ ngôn người xây nhà và ông vua đi giao chiến.

A. PHẦN CHÍNH CỦA GIÁO HUẤN.

Phần này gồm có hai điều kiện : từ bỏ mọi sự và vác thập giá.

1. Từ bỏ mọi sự.

Điều kiện theo Chúa là phải từ bỏ mọi sự. Việc đi theo Chúa giống như đi leo núi. Nếu mang nhiều thứ cồng kềnh thì sẽ bận vướng nặng nề khiến không leo nhanh được, thậm chí còn có thể bỏ cuộc. Chúa bảo ta phải bỏ tất cả mọi sự. Điều này xem ra quá gay gắt, nhưng chúng ta phải hiểu ý Ngài nghĩa là Ngài không bảo người môn đệ phải bỏ tất cả cha mẹ, vợ con, anh chị em… một cách tiên thiên, mà là bỏ nếu như chúng làm bận vướng cho việc đi theo Chúa. Tuy nhiên, bất cứ khi nào mình cảm thấy những thứ đó trở thành bận vướng, hay bất cứ khi nào Chúa soi sáng cho ta thấy như vậy, thì người môn đệ phải can đảm từ bỏ.

2. Vác thập giá mình.

Ở đây Đức Giêsu muốn lưu ý rằng những ai muốn theo Ngài thì chỉ có thể theo bằng cách vác thập giá như Ngài sẽ vác. Thập giá ở đây là những hy sinh phải đón nhận. Theo Chúa là đón nhận sự hy sinh trong việc từ bỏ, trong nỗ lực, cố gắng và thiện chí. Nếu không vậy thì không thể thành môn đệ của Ngài được.

B. PHẦN PHỤ CỦA GIÁO HUẤN.

Người muốn làm môn đệ phải biết khôn ngoan lựa chọn vì từ bỏ là điều kiện để theo Chúa và theo Chúa là một việc quan trọng có liên can đến sự sống còn của cuộc đời mỗi người. Vì vậy Đức Giêsu bảo ta phải thận trọng tính toán và kiên tâm bền chí mới có thể vượt thắng được mọi trở ngại trên đường theo Chúa.

Để diễn tả điều đó, Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn về một người muốn xây nhà và ông vua đi giao chiến. Muốn xây nhà thì phải dự tính xem có đủ tiền không, kẻo đang xây dở dang mà hết tiền thì không có nhà ở, và ông vua không lượng sức mình thì sẽ thua phía địch. Hai dụ ngôn này nhấn mạnh rằng nếu có ý định theo Chúa thì cần phải lượng sức mình trước, xem mình có thể từ bỏ được như Chúa đòi hỏi không. Nếu không được, thì hãy từ bỏ ý định theo Chúa, kẻo sau đó mà “giữa đường đứùt gánh” thì bỏ cả cuộc đời, đời này và đời sau.

II. TRIỂN KHAI ĐIỀU KIỆN THEO CHÚA.

Những người cùng đi với Đức Giêsu tới Giêrusalem là những người đi cho vui cũng có, để thỏa mãn ước vọng cũng có và những người vì ái mộ cũng có. Thánh Luca nói rõ :”Có nhiều đám đông cùng đi với Đức Giêsu”. Nhưng trong đám đông này có nhiều người có thiện cảm, có thiện chí muốn đi theo Ngài. Từ ngữ “Đi theo” trong Thánh Kinh có nghĩa là làm môn đệ. Vậy Đức Giêsu nói cho đám đông và cách riêng cho các môn đệ của Ngài những điều kiện phải có để trở thành môn đệ của Ngài. Chúng ta tiếp tục triển khai từng điều kiện.

1. Điều kiện tiêu cực : Từ bỏ.

Đức Giêsu nói với đám đông :”Nếu ai đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta”(Lc 14,26). Có bản dịch là “ghét” cha mẹ. Như vậy có mâu thuẫn với giới răn thứ tư không (Lc 18,19t) ?

Theo Joseph Fitzmeyer, trong ngôn ngữ Hy lạp chữ “misein” có nghĩa là “ghét”, ngược với chữ “agapan” là “yêu”. Chữ “ghét” này mang một ý nghĩa ít yêu thương, chọn một cái khác ưu tiên hơn. Nó không diễn tả một tình cảm thù nghịch, mà chỉ nói lên một sự lựa chọn hơn kém. Phải “từ bỏ” tất cả mọi sự, trừ Thiên Chúa, tức là chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hơn bất cứ sự gì khác, gồm của cải vật chất hay những liên hệ thân yêu với cha mẹ, vợ con, anh chị em trong gia đình. Nếu còn bám víu vào bất cứ ai hoặc sự gì ưu tiên hơn Thiên Chúa, chúng ta chưa xứng đáng là môn đệ của Ngài (Nguyễn văn Thái).

Như vậy, ghét hay từ bỏ ở đây chỉ có nghĩa là đặt ở hàng thứ yếu, không ngang hàng. Nên câu trên chỉ có ý nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa hơn cha mẹ, vợ con, anh chị em (St 29,30.31.33; Đnl 15,21t; Mt 10,37).

Những lời Đức Giêsu phán thật đáng ngạc nhiên, đến độ chói tai nữa. Thế nhưng nó chỉ có ý diễn tả một điều : tình yêu Chúa phải chiếm chỗ nhất trong tim ta, và ta phải gỡ bỏ tất cả những gì cản trở tình yêu ấy.

Thánh Grêgôriô Cả giải thích câu “khó nghe” này, ngài viết :” Ở đời này hãy yêu tất cả, kể cả kẻ thù, nhưng ta phải ghét những ai ngăn cản ta trên bước đường dẫn tới Chúa, dầu đó là người thân. Như vậy ta phải yêu người lân cận, phải có lòng bác ái đối với tất cả, với kẻ gần và người xa, nhưng không được vì yêu họ mà ta xa tình yêu Chúa”. Dứt khóat là phải giữ bậc thang giá trị trong tình yêu : Chúa trên hết.

Không những Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải từ bỏ những cái bên ngoài mà Ngài muốn môn đệ phải từ bỏ chính bản thân mình. Từ bỏ chính mình có nghĩa là từ bỏ tham, sân, si.

Tham là tính tham lam : tham danh, tham lợi, tham tài, tham sắc, tham quyền, tham thế. Chính cái tham ấy xô đẩy chúng ta vào vòng tội lỗi, gây tranh giành đố kỵ và làm khổ lẫn nhau.

Sân là tính nóng nảy, thường thúc đẩy chúng ta làm những sự bất công. Sân cũng là giận. Giận mất khôn, khiến chúng ta không làm chủ được mình, dễ trở nên hung bạo, gây tai ương và đau khổ cho người khác.

Si là ngu muội, tối tăm, mê mẩn. Vướng phải khuyết điểm này chúng ta thiếu sự phán đoán, sự suy luận đúng đắn, ít phân biệt được điều hay lẽ phải, khư khư sống trong thành kiến sai lầm. Hơn nữa còn mê man những cái không đáng, những cái phù du giả dối, những cái có vẻ tốt đẹp bên ngoài mà bên trong xấu xa, thối nát.

Đối với chúng ta thì từ bỏ chính mình, có nghĩa là không làm theo ý muốn ý thích của mình khi điều đó không phù hợp với ý Chúa. Từ bỏ như vậy để chỉ sống cho Chúa và tha nhân.

Vấn đề thực hành sống đạo : Nếu “bản thân mình” là con người hiện thân của chủ thể và là sự sống tâm linh nơi chủ thể, thì “bỏ bản thân mình” đi theo lời Chúa Kitô khuyên dạy trong Tin mừng hôm nay phải chăng chính là việc bỏ đi những ý nghĩ về mình và là việc bỏ đi ý muốn tự do của mình, dù những ý nghĩ về mình hay của mình đó có chí lý đến đâu, và dù ý muốn của mình đó có tốt lành và hay ho đến mấy đi nữa, chẳng hạn như trường hợp Trinh Nữ Maria trong giây phút Truyền tin Lời nhập thể, hay như trường hợp của thánh Phêrô bị Thầy quở là “Đồ Satan, hãy xéo đi, vì ngươi chẳng nghĩ tưởng theo ý hướng của Thiên Chúa mà tòan là theo kiểu của lòai người”(Mt 16,23”?

2. Điều kiện tích cực : vác thập giá.

Các đám đông hâm mộ Đức Giêsu chắc hẳn xem việc Ngài đến Giêrusalem như là một cuộc tiến vào đầy khải hoàn vinh thắng, sau đó là xuất hiện vương quốc trần thế và vinh hiển của Đấng Messia. Họ tự xem mình là môn đệ Đức Giêsu và đáng được Ngài đưa đến vinh quang. Đức Giêsu không thể để ảo tưởng đó kéo dài. Ngài lưu ý những kẻ theo Ngài : họ chỉ có thể theo Ngài bằng cách vác thập giá, như chính Ngài sẽ vác sau này. Ai quyết định theo Đức Giêsu phải sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả của việc đó, cũng như mọi thứ đi ngược lại bản tính con người.

Theo Chúa thì nhất thiết phải vác thập giá. Theo Chúa là một cuộc đăng sơn, một cuộc leo lên núi Calvariô. Theo Chúa giống như leo núi, thập giá giống như cái gậy của người leo núi. Nó rất cần và có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc. Thập giá ở đây là mọi hy sinh phải đón nhận và đón nhận với tinh thần tự nguyện :”Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14,27).

Tuy thế, không phải cứ tự nguyện vác thập giá thì thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu. Điều đó cũng đúng, nhưng không vì thế mà làm cho cây thập giá trở nên nhẹ nhàng đến nỗi không cần cố gắng nữa. Mỗi ngày một cố gắng thì sẽ thành công.

John Newton đề nghị với chúng ta cách vác thập giá : “Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra , rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế : chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay và còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi”!

3. Phải lượng sức mình : lựa chọn.

Muốn làm môn đệ Chúa, mỗi người phải suy tính cẩn thận, phải tính cái giá phải trả khi theo Ngài. Ngài minh giải điều đó bằng hai dụ ngôn người xây nhà và vị vua đi giao chiến. Cái tháp mà người định xây đó có lẽ là cái tháp của vườn nho. Các vườn nho thường có những tháp để từ trên đó có thể trông coi cả vườn kẻo kẻ trộm phá mất mùa nho. Xây tháp mà bể đổ thì thật đáng xấu hổ. Hay là ông vua điên khùng nào kéo quân ra trận mà không tính toán trước, đo lường số quân của mình với lực lượng của đối phương.

Đức Giêsu có ý nói rằng chẳng thà đừng bước vào đời sống tín hữu hơn là bước vào rồi thất bại. Ngài chỉ muốn người ta trước khi bước vào cuộc sống ấy đã phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự là điều kiện đòi hỏi trong khi phục vụ Chúa. Tục ngữ Việt nam cũng nói lên ý tưởng ấy :

Xem giỏ bỏ thóc Hay Đừng vung tay quá trán.

Sống là phải chọn lựa và sự chọn lựa nhiều lúc làm cho chúng ta phải băn khoăn lo lắng, day dứt, giống như ở đô thị Jeffa xứ Palestina, có một khu đất gọi là đất quyết định. Các sông ngòi chảy vào khu đất ấy lưỡng lự một lúc rồi mới chảy sang một trong hai hướng. Những sông ngòi theo một hướng thì chảy vào những khu vườn Sharon xinh đẹp. Còn những sông ngòi theo hướng kia thì chảy vào Biển Chết, biển này không có một sinh vật nào sống nổi. Cuộc đời chúng ta cũng thế. Chúng ta phải chọn một hướng. Không ai có thể làm tôi hai chủ.

Sự lựa chọn đã là khó, nhưng sống theo sự lựa chọn đó càng khó hơn, đúng như người ta nói :”Đâm lao thì phải theo lao”(Tục ngữ), đã theo Chúa thì phải quyết tâm theo đến cùng vì :”Ai đã tra tay vào cầy mà còn ngoái lại đàng sau thì không xứng đáng là môn đệ Ta”. Đã theo Chúa thì sẵn sàng chấp nhập mọi bất trắc rủi ro :

Muối mặn ba năm muối vẫn còn mặn, Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay. Đạo vợ chồng đừng có đổi thay, Làm nên danh vọng, hay rủi ăn mày vẫn theo nhau. (Ca dao)

4. Đi theo hay làm môn đệ ?

Trong đoạn Tin mừng này, có những cụm từ rất ý nghĩa, đó là “đi theo” và “làm môn đệ”. Thánh Luca đã xử dụng những cụm từ này rất khéo :”Lúc ấy có rất đông người “đi theo” Đức Giêsu. Ngài quay lại bảo họ :Ai không dứt bỏ…thì không thể “làm môn đệ Ta. Ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta thì không thể làm môn đệ Ta”. Rất đông người đi theo Đức Giêsu nhưng không phải tất cả đều là môn đệ Ngài; chỉ những ai đi theo mà từ bỏ và vác thập giá thì mới là môn đệ. Người đi theo chưa hẳn là người môn đệ.

Có người nói với một giáo sư danh tiếng ở Đại học Paris về một chàng thanh niên rằng : – Anh ta nói với tôi rằng, anh ta là học trò của giáo sư, có phải không ? Vị giáo sư thẳng thắn trả lời : – Anh ta có thể đã ngồi trong lớp học của tôi nhưng anh ta không phải là học trò của tôi.

Bài học của câu chuyện trên đây muốn nói một học sinh chưa chắc là “môn sinh”. Là một học sinh thì rất dễ dàng. Nó không đòi hỏi những trách nhiệm luân lý quan trọng. Học sinh có thể thay đổi giáo sư tùy theo nhu cầu bằng cấp. Một ủng hộ viên cũng có thể nay ủng hộ người này mai chạy theo ủng hộ người khác tùy theo nhu cầu cá nhân của họ. Họ là kẻ cơ hội chủ nghĩa. Châm ngôn của họ là :”Làm cái gì có lợi cho tôi”. Trái lại, một môn sinh đích thực phải có sự cam kết đoan hứa trung thành, một sự dấn thân dâng hiến hoàn toàn cho lý tưởng và thầy mình. Một môn sinh phải có một tinh thần vâng phục sâu xa và một lòng ước ao học hỏi nơi sư phụ của mình.

Một lần khác, khi nhà vua Trung quốc đến thăm những tu viện của đại thiền sư Lin Chi, nhà vua ngạc nhiên khi biết được rằng có hơn 10.000 nhà sư đang sống ở đó. Muốn biết rõ con số chính xác các nhà sư, nhà vua hỏi : – Ngài có bao nhiêu đệ tử ? Nhà sư Lin Chi đáp : – Bốn hoặc năm.

Lạ thật ! Với hàng chục ngàn người theo học mà chỉ có 4,5 người là môn đệ ! Nếu hôm nay có người hỏi Chúa : Ngài có chính xác bao nhiêu môn đệ ? Không biết Chúa sẽ trả lời làm sao vì nhiều người chỉ có danh mà không có thực, chỉ có tiếng mà không có miếng ! Phải tỏ ra mình là một Kitô hữu chính danh chứ không phải hư danh, phải sống đúng với địa vị của mình là Kitô hữu , đúng là : “Có ăn có chọi mới gọi là trâu” (Tục ngữ).

III. LÀM MÔN ĐỆ CHÚA HÔM NAY.

Những đòi hỏi của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay là quá gắt gao, người ta có thể chấp nhận được không ? Nếu Đức Giêsu làm nghề quảng cáo, chắc là Ngài sẽ thất bại. Vì không ai như Chúa, quảng cáo ơn gọi để mời gọi người ta theo mình, lại không đưa ra một tương lai sán lạn nào, không tìm thấy bất cứ một vinh dự nào, hoặc ngay cả một sự hấp dẫn nào dù nhỏ nhoi nhất, cũng không có. Ngược lại chỉ là từ bỏ và nhận thập giá. Nghĩa là chỉ có nghèo đến trần trụi như Chúa đã không có gì cho mình từ khi bắt đầu làm người, đến lúc bước lên thập giá. Hơn nữa, theo Chúa, làm môn đệ Chúa để được gì mà phải thiệt thòi đến vậy ? Theo mà điều kiện nặng nề như thế, thì theo để làm gì ? Nhất là đối với thế giới hôm nay, con người chỉ muốn tìm cho mình một cuộc sống tự do dễ dãi, ích kỷ, coi trọng vật chất, tôn thờ quyền lợi cá nhân…, thì với một điều kiện khắc nghiệt như thế, thật là một điều không tưởng. Lời Chúa xem ra quá lạc lõng, xa lạ ?

Thế nhưng không đúng ! Tất cả những suy nghĩ bên trên đều ngược hẳn với thực tế mà lịch sử Giáo hội đã ghi nhận hàng ngàn năm qua, đến hôm nay và sẽ còn mãi về sau. Bởi đã 2000 năm, những lời Đức Giêsu vẫn cứ mới nguyên, vẫn là Lời Sống cho biết bao nhiêu anh chị em chọn làm lẽ sống của mình. Những anh chị em ấy đã quả cảm bước theo Đức Giêsu, từ bỏ mọi sự, nhận thập giá làm niềm vui của đời mình. Chính họ đã làm cho tinh thần và lời dạy của Đức Giêsu chẳng những không mai một, không lạc lõng, mà còn sống, sống mạnh và lan rộng cả thế giới, qua mọi thế hệ. Họ là ai ? Hơn hai tỷ người theo Chúa Kitô trên khắp thế giới là một bằng chứng hùng hồn (Nguyễn hữu An).

Vậy ý của Đức Giêsu là ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải đặt tình yêu Chúa trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác, tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu : Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay chính cả bản thân.

Như thế, người tín hữu khi đã chọn Chúa, làm môn đệ của Ngài, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu chính bản thân mình; họ cũng phải quí mến của cải như là ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặït lại cho mình.

Truyện : Giới Tử Thôi.

Trong “Đông châu liệt quốc” có ông Giới Tử Thôi, người nước Tấn, đờøi Xuân Thu, là một bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi ấy, vua nước Tấn là Tấn Huệ Công sợ công tử Trùng Nhĩ cướp ngôi nên sai người đi ám sát. Được mật báo, Trùng Nhĩ cùng với một số bầy tôi đi lánh nạn. Trên đường chạy trốn từ nước Địch sang nước Tề phải đi qua nước Vệ, đoàn lánh nạn bị vua nước Vệ chận lại toan bắt nên chạy càng trối chết. Chẳng may lạc đường lại hết lương thực, công tử Trùng Nhĩ không ăn được rau cỏ dại nên sinh kiệt sức sắp chết. Thấy vậy, Giới Tử Thôi liền cắt thịt ở đùi mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn mới lại sức đi đến được nước Tề an toàn. Đến lúc Trùng Nhĩ khôi phục lại được nghiệp lớn là làm vua nước Tấn thì Giới Tử Thôi lặng lẽ về quê ở ẩn không màng lãnh công. Cả khi vua Tấn nhớ ơn người bầy tôi trung thành, muốn đền đáp công lao thì Giới Tử Thôi cõng mẹ vào rừng sống ẩn dật, nhất quyết không nhận. (Võ Ngọc Thành, Nhân vật Đông Châu, 1968, tr 324)

Giáo hội thúc giục chúng ta hãy dấn bước theo Chúa trong cuộc đời dương thế. Hiến chế Lumen gentium ghi rõ :”Đang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Người trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, hiệp thông với sự thương khó của Người để được cùng Người vinh hiển (Rm 8,7) (Lumen gentium đọan 7).

Sau cùng, chúng ta hãy bước theo Đức Giêsu với sự chia sẻ của Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn văn Thuận qua kinh nghiệm 14 bước theo Đức Giêsu :

. Bước lang thang ra chuồng bò ở Be lem. . Bước hồi hộp trốn sang Ai cập. . Bước bồn chồn trở về Nazareth. . Bước phấn khởi lên đền thánh với cha mẹ. . Bước vất vả suốt 30 năm lao động. . Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng. . Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc. . Bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt. . Bước cô đơn ra trước tòa không một người thân. . Bước ê chề vác Thánh giá lên đồi tử nạn. . Bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác, không tiền không bạc, không manh áo, không bạn hữu. . Bước khải hòan sống lại, hãy vững lòng Thầy đã thắng thế gian. . Bước khổng lồ đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng. . Bước liều mạng lăn xả vào thử thách, chấp nhận mọi hậu quả, vì Chúa đã dạy con liều mạng” (Trích Sứ điệp Lao Tù, Vietcatholic, CD 3)

LỘT XÁC ĐỂ TRƯỞNG THÀNH

Lm Inhaxiô Trần Ngà

Chúa Nhật Thứ 23 Mùa Thường Niên, Năm C – Luca (14, 25-33)

Phấn đấu để tăng thêm thu nhập, để thu vào thật nhiều, để có thêm địa vị, công danh… là những quan tâm hàng đầu của nhiều người trong xã hội.

Thế mà qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi những ai theo Người, thay vì thu vào như bao người khác, thì hãy bỏ ra, hãy từ bỏ tất cả những gì mình có: “Ai theo tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 26-27)

Lời Chúa xem ra ngược đời, rất khó chấp nhận. Nhưng thử hỏi: sự từ bỏ như Chúa Giê-su mời gọi sẽ đem lại gì cho những người vâng theo?

***

Mùa thu về, cây trụi lá; mùa xuân đến, cây đơm lộc xanh tươi. Cây cối cần phải từ bỏ lá già, lá cũ để khoác lá mới; nhờ thế, cây được lớn lên. Cây nho phải chịu cắt bỏ nhiều cành nhánh tốt tươi, mới có thể nẩy ra nhiều chồi lộc non và sinh hoa kết trái. Loài rắn cũng phải từ bỏ bộ da cũ để thay da mới; có vậy rắn mới trưởng thành. Loài tôm cũng phải lột vỏ nhiều lần theo đà tăng trưởng để lớn lên… Nói chung, từ bỏ là điều kiện cần thiết để cho muôn loài muôn vật được sống còn và tăng trưởng.

Là một sinh vật như bao nhiêu loài khác, nên muốn tăng trưởng và tồn tại, con người cũng không thoát ra ngoài quy luật đó.

Hằng ngày cơ thể ta loại bỏ hàng tỉ tế bào cũ để thay vào đó những tế bào mới, nhờ đó cơ thể được lớn lên và mạnh khoẻ. Nếu các tế bào cũ không chịu chết đi để nhường chỗ cho những tế bào mới, thì khối u sẽ xuất hiện và có nguy cơ dẫn đến ung thư và cái chết.

Buồng phổi mỗi người phải cố gắng loại bỏ, tống khứ càng nhiều thán khí ra ngoài thì càng thu vào được nhiều dưỡng khí.

Trong mọi lãnh vực, muốn đạt tới những thành công tốt đẹp thì người ta cần phải có sự từ bỏ không ngừng: người lao động phải đổ nhiều mồ hôi, phải bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ mới kiếm đủ tiền cấp dưỡng cho gia đình và bản thân. Người lính chiến phải chấp nhận hy sinh thân mình mới bảo vệ được quê hương. Học sinh phải từ bỏ nhiều giờ vui chơi giải trí, giảm bớt giờ ngủ nghỉ để miệt mài đèn sách thì may ra mới có thể chen chân vào đại học. Các nhà khoa học phải bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kiên trì mới có cơ may phát minh và sáng chế…

Muốn làm ăn lên, phải đầu tư bỏ vốn; muốn thu vào, phải phát ra. Ai không phát ra, không từ bỏ, thì không thể thu vào được điều gì đáng giá. Đó là quy luật của cuộc đời.

Từ bỏ để đổi lấy những giá trị cao hơn

Qua cuộc đời từ bỏ của mình, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy từ bỏ không là mất đi nhưng là được lại và là được lại gấp nhiều lần.

“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ… và bằng lòng trút bỏ mạng sống, chấp nhận chết trên cây thập tự”… Thế nên Người đã được Chúa Cha tôn vinh trên các tầng trời và đặt làm Chúa Tể mọi loài. (xem Phi-lip 2, 6- 11)

Con đường bỏ mình, từ bỏ mọi sự, con đường thập giá mà Chúa Giê-su đã đi thì Người cũng mời gọi các môn đệ cùng đi: “Ai theo tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Hôm nay, nếu muốn làm môn đệ Chúa Giê-su thì chúng ta cũng phải đi theo con đường mà Chúa Giê-su đã đi, thực hiện điều mà Thầy chí thánh đã thực hiện, đó là chấp nhận từ bỏ, chấp nhận thập giá.

Nhưng hãy nhớ rằng: từ bỏ không phải là mất mát; dâng hiến không phải là tiêu vong; nhưng trái lại, “chính khi hiến thân là lúc nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc nhận được bản thân” (kinh hoà bình của thánh Phanxicô Át-xi-di)

Thế là chấp nhận từ bỏ theo lời mời gọi của Chúa Giê-su, lại trở thành một cuộc trao đổi có lợi: đổi của tạm thời để lấy của đời đời; đổi cái phù du để thu về vĩnh cửu.

VÁC THẬP GIÁ VÌ CHÚA

Lm Tạ Duy Tuyền00 tuye

CN 23 TN-C-2013

“Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14,27)

Đôi khi để được việc nào đó chúng ta cũng phải hy sinh, phải từ bỏ rất nhiều để đạt được điều chúng ta mong muốn. Cách sống này người ta gọi là ”Khổ nhục kế”. Khổ nhục kế cũng là cách người ta dùng hy sinh, dùng nhục hình để nói lên lòng thành của mình.

Chuyện kể rằng tại lối vào một trung tâm mua sắm sầm uất ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã thực sự bị ùn tắc trước “sự cố nghiêm trọng”: một thanh niên quỳ gối nhất quyết không chịu đứng lên, khiến cho mọi người xúm lại coi! Ngay cả khi cảnh sát đến can thiệp, anh chàng cũng không chịu rời vị trí để trả lại sự yên tĩnh cho đường phố! Anh chàng cho biết bản thân đang cực kỳ đau khổ và giày vò vì đã không giữ lời hứa với người yêu mà uống rượu, khiến cô nàng tuyên bố đường ai nấy đi! Khổ thân anh chàng lếch thếch chạy theo năn nỉ và mất dấu cô bồ ở trung tâm mua sắm này. Vì thế, anh ta quyết định quỳ gối cho đến khi nào cô ấy xuất hiện mới thôi. May mà sau vài tiếng “thi gan”, anh chàng đã khiến cho trái tim cô gái “chảy nước” nên cô đã đến và đưa anh ta đi.

Hóa ra để được việc đôi khi phải từ bỏ, từ bỏ danh dự, từ bỏ chính mình để được điều mình mong ước. Tựa như một cậu học sinh cần từ bỏ những niềm vui vô bổ để tập trung học hành mới mong công thành danh toại. Cuộc sống không có vinh quang nào mà không qua gian khó. Gian khổ càng nhiều vinh quang càng lớn. Quy luật cuộc đời trường tồn vẫn là thế.

Cuộc sống của người môn đệ cũng phải trải qua gian khổ, hy sinh, tập luyện và từ bỏ. Đôi khi phải hy sinh hay từ bỏ cả những cái mình quyến luyến, thích thú hay đam mê. Từ bỏ những cái mình yêu, mình thích thật là khó. Từ bỏ những cái mình gắn bó lâu dài càng khó hơn. Thế nhưng, vì Chúa chúng ta sẵn lòng. Vì Chúa chúng ta hy sinh. Vì Chúa chúng ta sống vâng theo thánh ý Chúa. Từ bỏ như thế gọi là thập giá. Thập giá vì lòng yêu mến Chúa sẽ trở thành thánh giá vinh quang.

Chúa Giê-su cũng từng đón nhận thập giá vì Chúa Cha. Thập giá của Chúa Giê-su đã biến thành thánh giá. Thánh giá vinh quang. Thánh giá đem lại nguồn ơn cứu rỗi cho nhân trần. Theo lẽ thường chẳng ai thích đau khổ. Ai cũng tìm an nhàn sung sướng. Thế nhưng, Chúa Giê-su đã chọn gian khổ, chọn hy sinh để vui lòng Chúa Cha, vì Ngài biết Chúa Cha sẽ ân thưởng vương quyền thiên quốc cho những hy sinh mà Ngài đã làm cho Chúa Cha.

Là người ai cũng ham sướng sợ khổ. Nhưng chúng ta vẫn có thể đón nhận vì một hạnh phúc lớn hơn. Tựa như người mẹ mang thai nặng nhọc và còn sinh con trong đớn đau nhưng niềm vui thật to lớn khi con được sinh ra chào đời. Là người ky-tô hữu chúng ta cũng đón nhận thập giá không phải vỉ chúng ta thích đau khổ mà vì một phần thưởng thật lớn lao trên trời mà Chúa dành cho chúng ta. Thánh Phao-lô đã từng nói rằng: những đau khổ đời này chẳng là gi so với hạnh phúc viên mãn đời sau. Thế nên, vì lòng yêu mến Chúa chúng ta biết đi vào cửa hẹp là từ bỏ những tham sân si, những niềm vui bất chính để được sống thanh thoát đời này và vinh hiển đời sau. Vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta cũng sẵn lòng vác thập giá của bổn phận để phục vụ gia đình và tổ quốc hầu mai sau chúng ta cũng được ân thường hạnh phúc thiên đàng.

Xin cho chúng ta luôn biết đón nhận thập giá như là hồng ân Chúa gửi đến để ta lập công trước mặt Thiên Chúa. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền September 6, 2013

Niềm tín thác vào Chúa Chúa nhật 23 thường niên, năm C

Ở đời người ta cần có niềm tin để sống với nhau. Nhờ tin vào nhau con người sẽ gần gũi nhau hơn, sẽ dễ dàng cảm thông với nhau hơn. Nhờ tin vào nhau con người sẽ vượt qua những rào cản của nghi kỵ, hiểu lầm để sống thân ái với nhau hơn. Ngoài tương quan giữa người với người còn có một tương quan khác chính là giữa Thiên Chúa và con người. Trong tương quan với Thiên Chúa, con người cần có đức tin. Đức tin để con người bước đi với Đấng mà mình chưa một lần gặp gỡ diện diện đối diện. Đức tin để con người có thể nhìn xem trời đất biển rộng bao la mà khám phá ra sự hiện diện đầy tình yêu quan phòng của Chúa mà phó thác, mà tin tưởng, cậy trông. Đức tin sẽ giúp con người dấn thân một cách trọn vẹn cho Thiên Chúa, cho dù có phải đi trong mênh mông đêm tối của biển đời, cho dù phải trải qua những thử thách gian truân, con người vẫn luôn xác tín một điều: Thiên Chúa không bỏ rơi con ngừơi. Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Thiên Chúa luôn là thuẫn đỡ chở che cho cuộc đời chúng ta. Có người đã kể lại giấc mơ của mình như sau:

Tôi mơ thấy mình đang cầu nguyện, bỗng có luồng ánh sáng xuất hiện, trong đó có Chúa Giêsu đang ngự trên một tấm thảm. Người mỉm cười bảo tôi:

Con hãy ngồi trên tấm thảm này với Ta.

Lòng tràn ngập vui sướng, tôi đến gần Chúa và ngồi trên tấm thảm bên cạnh Người và tấm thảm từ từ bay bổng lên. Nhưng rồi tôi cảm thấy như Chúa không còn bận tâm đến tôi nữa, Người chăm chú rút từng sợi chỉ từ chiếc thảm chỗ Người và tôi. Chẳng mấy chốc tấm thảm chỉ còn lại một nửa, và giữa chỗ Chúa và tôi đang ngồi lại có một lỗ trống to lớn. Tay chân tôi bắt đầu run lên vì sợ rơi xuống đất chết. Nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên tiếp tục rút từng sợi chỉ, đến nỗi tôi khiếp sợ kêu lên:

Lạy Chúa, Chúa làm gì vậy? Chúa không thấy tấm thảm của chúng ta đã tan tành sao?

Chúa cười rồi cầm lấy tay tôi nói:

Sao con nghi ngờ, kém lòng tin? Con hãy bám chặt vào Ta. Con sẽ không phải sợ gì nữa, mặc dầu con phải bị tước đoạt hết cả đến sợi chỉ cuối cùng.

Người vừa dứt lời thì quả thực, sợi chỉ cuối cùng đã bị rút đi. Tôi sợ hãi quá, giật mình thức dậy….

Nếu sự kiện đó xảy ra trong cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Chúng ta có dám bỏ tất cả để chỉ bám vào một mình Thiên Chúa không? Chúng ta có dám thả trôi những sợi chỉ của tiền tài, danh vọng để chỉ còn lại một mình ta với Chúa hay không?

Một cách nào đó, đời sống của mỗi người chúng ta cũng bị trói buộc bằng những sợi chỉ tuy nhỏ bé mong manh, nhưng là những chướng ngại vật cản trở đà bay của chúng ta. Biết bao lần chúng ta tưởng mình đang đi tìm hạnh phúc thật, nhưng thật sự nó chỉ đem lại cho chúng ta thứ hạnh phúc mau qua chóng tàn, khác nào như những sợi chỉ mỏng manh kia. Biết bao lần chúng ta bám víu vào những tình cảm của con người, nhưng rồi cũng gặp phải biết bao ê chề của sự vô ơn, bội tín, bất trung. Biết bao lần chúng ta tưởng như ngồi mãi trên tấm thảm danh vọng cao sang nhưng rồi địa vị, chỗ ngồi như “của đồng lần” cũng bỏ ta để sang tay kẻ khác. Biết bao lần, thay vì bám chặt vào Chúa, đặt hết niềm tin cậy nơi Chúa, chúng ta lại chạy theo những người, những vật mỏng dòn chóng qua.

Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và hay thương xót. Người biết rõ chúng ta dễ gắn bó với tạo vật mà bỏ quên Người. Thế nên, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đặt chúa trên hết mọi quyến luyến trần gian. Hãy biết cậy dựa vào ơn Chúa để thắng vượt những ràng buộc, trở ngại trong cuộc đời.

Đã có thời người Do Thái tưởng rằng đã đến lúc Chúa Giêsu khôi phục lại vương quyền nhà Israel. Họ tưởng rằng Chúa sẽ đánh đông dẹp tây để xây dựng một nước Israel hùng cường và thịnh vượng. Họ theo Chúa xem ra chỉ nhằm mục đích để được hưởng những vinh hoa phú qúy trần gian. Tiền tài và bổng lộc trần gian là những thứ mà họ cần Chúa đáp ứng cho họ. Chúa Giêsu muốn đánh tan quan niệm, ý nghĩ sai lầm của nhiều người đang đi theo Chúa. Chúa đưa ra lời mời gọi những người muốn đi theo Ngài hãy suy nghĩ, đắn đo, tính toán xem họ có đủ can đảm, đủ nghị lực để theo Chúa đến cùng hay không? Và để theo Chúa, con người phải dành cho Ngài chỗ ưu tiên, chỗ nhất trong đời sống của mình và làm mọi việc để phụng sự Chúa, để tôn vinh Ngài. Theo Chúa là chấp nhận một cuộc mạo hiểm như Abraham đã rời quê cha đất tổ để đi theo sự hướng dẫn của Chúa. Theo Chúa là buông mình theo thánh ý Chúa như Đức Trinh Nữ Maria đã mạnh dạn thưa lên cùng Chúa:”này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin vâng như lời sứ thần truyền”. Theo Chúa là chấp nhận trải qua những gian nan thử thách của giông ba bão tố, của bách hại và tù đầy như thánh Phaolô tông đồ đã từng trải qua. Như vậy, theo Chúa là uốn mình theo thánh ý Chúa và bằng lòng với phận mình mà Thiên Chúa đã an bài. Vui với phận mình là cách mà chúng ta đang để cho ý Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta.

Xin Chúa thanh tẩy trí lòng chúng ta khỏi những toan tính lợi lộc trần thế khi theo Chúa. Xin thêm ơn trợ giúp để luôn trung thành sống cho Chúa. Cho dẫu có phải hy sinh những vinh hoa phú qúy trần gian. Cho dẫu có phải hy sinh những tình cảm chính đáng và cao thượng. Cho dẫu có phải bước đi trong đêm tối của đức tin với bao hiểm nguy và chông gai, nhưng luôn có Chúa là gia nghiệp và chiếm hữu hạnh phúc Nước Trời mai sau. Amen.

TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA

Lm Minh Vận, CMC03_Van_dong

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe khơi dậy nơi chúng ta nhiều thắc mắc: Tại sao người Do Thái đương thời cứ lũ lượt say mê theo Chúa hết ngày này sang ngày khác, đến hết cả lương thực để nuôi thân, đến nỗi Chúa phải làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi sống họ? Phải chăng nơi Chúa có một hấp lực thần linh lôi cuốn quyến rũ họ? Phải chăng lời Chúa rao giảng là một giáo lý cao siêu và đầy khôn ngoan khiến họ phải cảm phục đến sùng mộ? Phải chăng họ đã nhận ra Ngài là Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa sai đến trần gian, vì họ đã từng được mục kích các phép lạ Ngài làm, để thi ân giáng phúc cho họ: Nào người câm nói được, kẻ mù được thấy, người điếc nghe được, kẻ phong cùi được lành sạch, người đã chết được sống lại và biết bao bệnh nhân với đủ mọi chứng bệnh tật đều được chữa khỏi? Thế nhưng, một thắc mắc rất quan trọng khác nữa, khiến chúng ta không thể hiểu nổi là, tại sao người ta cảm phục Chúa, được chứng kiến biết bao phép lạ, được nghe lời giảng dạy khôn ngoan, được lãnh nhận bao nhiêu ơn lành Chúa ban, thế mà chỉ sau đó vài ba hôm họ lại hô hoán đòi Chính Quyền kết án tử hình Ngài?

I. ĐIỀU KIỆN LÀM MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ

Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, thì dân chúng lũ lượt theo Chúa, ngoài các lý do trên, còn một lý do khác hằng được họ ấp ủ trong lòng, cha truyền con nối, từ đời nọ qua đời kia, là việc hôm nay Chúa Kitô tiến lên thành thánh Jerusalem, như một cuộc khải hoàn và sau đó, Ngài sẽ thiết lập một Vương Quốc Vinh Quang trần thế, khiến Israel thành một Vương Quốc vĩ đại hùng mạnh của Đấng Thiên Sai, đáng muôn dân muôn nước phải tôn trọng nể vì. Họ tự hào mình là môn đệ của Chúa Kitô và đáng được Ngài cho hưởng vinh quang với Ngài. Chúa đã thấu tỏ tâm tư thầm kín trong lòng họ, Ngài muốn đánh tan cái ảo mộng hão huyền đó, nên Ngài quay lại phán với họ: “Nếu ai muốn theo Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta được. Còn ai không vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta, cũng không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14:25).

Theo quan niệm lương dân và nhãn quan phàm tục, thì những điều kiện Chúa đòi phải có trên đây, để trở nên môn đệ Chúa, là những đòi hỏi quá khắt khe, khiến người muốn theo Chúa phải chán nản, thất vọng bỏ cuộc. Nhưng theo khách quan, những yêu sách Chúa đòi những người muốn làm môn đệ Chúa trên đây, không có gì là quá khắt khe; vì cũng theo các nhà chú giải Thánh Kinh, thì Chúa Kitô đến trần gian là để rao giảng tình yêu thương, chứ không phải hận thù, Chúa không bao giờ phế bỏ giới luật thứ bốn trong 10 Điều Răn Chúa về tình yêu thương và lòng tôn kính hiếu thảo phải có đối với cha mẹ. Cho nên chữ “bỏ” trong bản dịch của chúng ta không có nghĩa là Chúa truyền chúng ta phải “từ” cha mẹ; nhưng là phải chọn Chúa trước cha mẹ. Còn theo các bản dịch khác đúng hơn phải dịch là “ghét”. Chữ “ghét”, ghét cha mẹ, ghét bản thân, ngôn ngữ Hy Lạp diễn tả ý niệm “thích hơn” bằng lối văn đối ngẫu: Yêu và ghét. Thay vì nói Thiên Chúa thích Giacóp hơn Esau (Mal 1:2-3) tiếng Hy Lạp nói: “Ta thương Giacóp và ghét Esau”. Cũng như trong Tin Mừng theo Thánh Mathêu, Chúa phán: “Ai yêu cha mến mẹ hơn Ta, không đáng làm môn đệ Ta” (Mt 10:37).

II. THÁI ĐỘ CÁC THÁNH TRƯỚC LỜI CHÚA GỌI

Trước lời Chúa kêu gọi, các Thánh đã ý thức và thấu hiểu được cái giá trị đích thực và cao quí của ơn gọi làm môn đệ Chúa, các ngài đã can đảm, mau mắn, dấn thân, dứt khoát khước từ tất cả mọi sự, dù cả cha mẹ, họ hàng thân quyến, dù chính cả mạng sống mình vì lòng yêu mến Chúa.

Khi đã quyết định theo Chúa, các Thánh chấp nhận mọi hậu quả, sẵn sàng vui tươi lãnh nhận vác lấy mọi thập giá đau khổ Chúa gởi đến, tất cả mọi cái ngược lại với bản tính tự nhiên của con người, các ngài không phàn nàn kêu trách; trái lại, còn lấy làm vinh dự vì được diễm phúc chịu mọi thống khổ và chịu chết vì lòng yêu mến Chúa.

Thánh Phêrô, Andrê, Giacobê đã mau mắn giã biệt cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, nghề nghiệp chài lưới, để đi theo Chúa làm kẻ chinh phục các linh hồn.

Thánh Mathêu đã dứt khoát bỏ sở thuế vụ phục vụ Chính Quyền Roma, một nghề nghiệp khá có bảo đảm cho cuộc sống, để đi theo Chúa, truyền bá Tin Mừng Cứu Độ cho các linh hồn.

Thánh Alphongsô đã bỏ văn bằng tiến sĩ luật và ghế luật sư danh tiếng thành Napoli, để đi theo Chúa, phục vụ Chúa nơi các người nghèo nàn, những người xấu số bị xã hội loại bỏ; ngài còn lập một Hội Dòng để chiêu tập nhiều anh em cùng chí hướng thực hiện lý tưởng cao cả đó, hầu Chúa được tôn vinh và yêu mến, các linh hồn được cứu độ.

Tất cả các Thánh, mỗi vị một hoàn cảnh, một môi trường, một chức vụ khác nhau, nhưng các ngài đều đã hy hiến trót bản thân và cả cuộc sống, khước từ tất cả những gì trái nghịch tính tự nhiên, hoặc có thể làm cản trở sứ mạng Chúa trao phó; dù phải đoạn tuyệt cả những tình yêu chính đáng, những sở thích và xu hướng ngay lành riêng tư, ngay cả mạng sống mình vì lòng yêu mến Thiên Chúa, miễn là Chúa được tôn vinh sùng bái.

III. THÁI ĐỘ CHÚNG TA TRƯỚC LỜI CHÚA

Thái độ của chúng ta thế nào trước lời Chúa kêu gọi từ bỏ và vác thập giá mình hằng ngày theo Chúa, để trở nên môn đệ của Người? Chúng ta có sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì làm cản trở chúng ta trên đường theo Chúa, những gì trái nghịch với giáo huấn và lề luật của Chúa và Giáo Hội không? Chúng ta có sẵn sàng lãnh nhận mọi đau khổ, ghé vai vác mọi thập giá Chúa gởi để đền tội, để lập công, để nên Thánh, để cứu độ tha nhân và để Chúa được vinh danh không?

Tại một xưởng thợ, trong giờ nghỉ, một nhóm công nhân đang ngồi bàn tán chê bai Đạo Công Giáo, cho Công Giáo là mê tín dị đoan, làm mê muội trí khôn, bức hiếp lẽ phải, làm sai lạc trí phán đoán và bản năng tự nhiên của con người. Khi họ vừa dứt lời, một chàng thanh niên đã can đảm lên tiếng: “Phải, vì Đạo Chúa, tôi đã phải từ bỏ tất cả”. Mọi người đều bỡ ngỡ trố mắt nhìn, anh thanh niên nói tiếp: “Trước kia tôi là kẻ bợm rượu, mê cờ bạc, ưa dối trá lừa đảo, thích ngao du chơi bời dâm đãng; nhưng vì Đạo Chúa tôi đã từ khước tất cả. Vì Đạo Chúa, đã làm cho tôi mất tất cả những tâm địa xấu xa. Xưa kia Satan thống trị gia đình tôi, biến gia đình tôi thành hỏa ngục nơi trần gian; nhưng nay Chúa ban cho gia đình tôi rất được hạnh phúc, vợ chồng thuận hòa, con cái ngoan ngoãn, thực sự đã làm cho chúng tôi cảm thấy được nếm hưởng hạnh phúc Thiên Đàng ngay trên trần gian này”.

Sau cùng, người thanh niên thành thực kêu gọi: “Hỡi các bạn, bây giờ các bạn đã biết, Đạo Chúa đã làm cho tôi mất tất cả những gì chưa? Hãy làm như tôi, tôi xin cam đoan chắc chắn với các bạn, các bạn sẽ không phải hối hận đâu”.

Kết Luận

Là con cái Chúa, chúng ta có can đảm từ bỏ tất cả những gì nghịch với lương tâm, trái với luật Chúa và Giáo Hội; quyết tâm sống đúng với giáo huấn của Chúa và Giáo Hội dạy, để tỏ lòng chúng ta yêu mến Chúa và nên môn đệ của Người không?

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con biết lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng thưa lời “Xin Vâng” như Mẹ, để chúng con được can đảm từ khước tất cả những gì làm cản trở chúng con trên đường theo Chúa và được trở nên môn đệ của Người.

BA CÁI TỪ BỎ

(CN 23 TN-C)

Phúc Âm Thánh Luca nhắc đến ba điều mà người muốn theo Chúa cần phải bỏ lại sau lưng: bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, (bỏ mình) vác thập giá mình mà theo Ta, và bỏ tất cả của cải mình có (Lc 14:25-33). Phúc Âm Thánh Mátthêu cũng nhắc đến ba điểm trên nhưng đem điều “bỏ mạng sống mình” thay vào điều thứ ba của Thánh Luca là “bỏ của cải” (Mat 10:37-39). Phải chăng, vì Thánh Mátthêu là người thâu thuế nên ông không muốn nhắc tới chuyện tiền bạc; vì mạng sống đi liền với tiền của, nhưng khi ta lìa trần thì cũng không thể mang của cải mình theo? Đây là vài cảm nghĩ khiêm tốn về Phúc Âm của tuần này:

Bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình: xã hội Trung Đông sống dựa vào tình liên đới trong đại gia đình và bộ lạc vì người ta thường cưới nhau trong đám anh em họ của nhà mình; thêm vào đó, người ta sẽ mất đi tất cả những gì để bảo hiểm cho mình trong lúc cần thiết nếu họ bỏ cha me, anh chị em và họ hàng.

(Bỏ mình) vác thập giá mình mà theo Ta: đây là những gì ta có quyền hưởng thụ nhưng vì muốn theo Chúa mà ta phải bỏ đi chính mình; và những thói hư tật xấu của mình cũng là những cái Chúa muốn chúng ta từ bỏ… đây có nghĩa là ta phải bỏ đi những vui thú chính đáng hay khoái lạc bất chính để sẵn sàng chấp nhận thánh giá thương đau.

Bỏ tất cả của cải mình có: khi ta lìa trần ta sẽ không thể mang của cải mình theo; và cả cha mẹ, vợ con, anh chị em ta cũng phải chia lìa trong thương khóc…

Giáo phụ Gioan Cassian (360-433), người đã gieo tư tưởng về khổ hạnh từ Giáo Hội Đông Phương vào Tây Phương lại diễn tả theo một niệm ý khác. Ông suy niệm rằng: ba điều từ bỏ này mang những ý nghĩa sau đây: thứ nhất là vật chất, đó là tất cả những gì chúng ta có; thứ hai là những tính hư tật xấu của cuộc sống trước đây; và thứ ba là bỏ tất cả những gì phù phiếm của trần gian đề hướng về một tương lai không được hoạch định bởi con người nhưng bởi Chúa. Tổ Phụ Abraham đã sống theo tinh thần này khi ông từ bỏ tất cả để theo mệnh lệnh của Chúa: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (ST 12:1).

Chúa muốn chúng ta phải chấp nhận ba điều từ bỏ trên để ta luôn cảnh giác đề phòng trong cuộc sống: từ bỏ mọi sự để Chúa làm chủ ta; nếu không thì cha mẹ, vợ con, mạng sống và của cải sẽ trở thành những chúa khác của ta; từ bỏ tất cả để một khi hoàn cảnh đòi hỏi ta phải làm một chọn lựa là vác thánh giá thì ta sẽ sẵn sàng; và sự từ bỏ này cho chúng ta thấy rằng cái mất mát ở đời này tuy dù mang nặng đớn đau nhưng ta chấp nhận để đánh đổi với phúc thật Chúa hứa trên thiên đàng.

LM JP Vũ Minh

********************************

Three Renunciations

Saint Luke’s Gospel mentions three renunciations required for the ones who want to be Our Lord’s disciple: rejecting parents, wife and children, brothers and sisters, and even his own life, (denying one’s self) carrying his cross and following Him, and renouncing all his possessions (Lk 14:25-33). Saint Matthew’s Gospel also cites these three points but replaces the third point in Luke’s “renouncing all his possessions” with the “rejecting his own life” (Mt 10:37-39). Perhaps Matthew’s does not bring up possessions because he is a tax collector, and human life is closely attached with money but ultimately no one can carry them to the next life. Here are some humble thoughts on this week’s gospel.

Rejecting parents, wife and children, brothers and sisters, and even his own life: the Middle-Eastern way of life is heavily attached to the extended family and tribal relationships because marriage is often contracted with those among their relatives; moreover, people will lose their security in times of need if they reject their parents, brothers or sisters, and relatives.

(Denying one’s self) carrying his cross and following Him: this includes legitimate pleasures but we deny them in order to follow Our Lord; and Our Lord also wants us to eliminate all our vices… this means that we must deny all rightful and illegitimate gratifications so that we can be prepared to accept suffering of the cross.

Renouncing all his possessions: when we die we cannot carry our possessions to the next world; we also have to leave our parents, spouse and children, and brothers or sisters as we mourn in time of death…

One Church Father, John Cassian (360-433), who introduced ascetic spirituality of the Eastern Church to the West, had another idea. He suggested that: these three renunciations have the following meanings: first, on the material level, we have to despise our earthy possessions; secondly, we must reject our former way of life with its vices and attachments; and thirdly, we should withdraw our mind from all that is transitory in this world in order to contemplate solely in a future not by human desire but by God’s. Father Abraham had lived this spirit of renunciation when left behind everything in order to follow God’s command: “Go forth from your land, your relatives, and from your father’s house to a land that I will show you” (Gen 12:1).

Our Lord wants us to accept these three renunciations so that we can be vigilant in this life: rejecting all so that Our Lord can possess us; if not, our parents, spouse and children, our possessions and our own life will be another gods for us; renouncing everything in order to be ready for the cross when its time comes; this renunciation means that we will suffer with our loses in this world but we accept them in exchange for the true happiness in heaven promised by Our Lord.

Rev. JP Minh Vũ

Dấn Thân Theo Chúa-Trọng Thưởng

Chúa nhật 23 thường niên, năm C

Lời Chúa trong bài Phúc Âm nhắc nhở mỗi người Kitô hữu rằng làm môn đệ Chúa là một cuộc dấn thân có trách nhiệm, không phải là một quyết định bừa bãi không cần suy tính. Tại một gia đình vào một buổi sáng sớm, bà mẹ thúc dục gọi người con thức dậy:

– Dậy mà đi đến trường mau lên, trễ rồi.

Người con đang ngủ nướng trên giường, lăn qua lăn lại nói giọng rè rè như cái loa rách:

– Con không muốn đến trường. Cả trường ai cũng không thích con. Cô giáo không ưa con. Mấy đứa học sinh cũng ghét con.

Bà mẹ năn nỉ mãi mà người con cứ nằm trên giường lật tới lật lui như nướng thịt trên lò, không chịu thức dậy. Sau cùng bà mẹ xách que củi to tổ bố đến bên giường mà hét lớn rằng:

– Con phải đến trường vì con đã 50 tuổi rồi và con là hiệu trưởng trường học.

Ông hiệu trưởng này quả thật vô trách nhiệm. Trong đời sống của một người trưởng thành, người ta luôn phải giữ thế quân bình giữa quyền lợi và trách nhiệm. Sống trong gia đình, người con được hưởng quyền lợi có nhà cửa để ở, có cơm ăn, áo mặc do cha mẹ cung cấp, nhưng đồng thời con cái cũng có trách nhiệm gìn giữ ngôi nhà cho sạch sẽ gọn gàng, bảo toàn ngôi nhà, giúp đỡ cha mẹ trong những gì có thể, vâng nghe lời cha mẹ dạy dỗ, tuân theo các điều luật của gia đình. Tuy nhiên đa số có khuynh hướng sống vô trách nhiệm: đòi hỏi quyền lợi nhưng không muốn trách nhiệm. Cuộc sống bừa bãi như thế sẽ đưa con người đến chỗ thất bại và bất hạnh.

Trong bài Phúc Âm Chúa muốn nhắc nhở các môn đệ trong đó có chúng ta: Theo Chúa là một cuộc dấn thân đòi hỏi mồ hôi, nước mắt, tốn phí tiền của và cả xương máu. Đây là cuộc dấn thân trọn vẹn, không phải chỉ nửa vời. Chúa Giêsu không chấp nhận thứ môn đệ theo Chúa xa xa, bắt cá hai tay, vừa muốn theo Chúa, vừa muốn hưởng những sự thế gian. Người môn đệ theo Chúa là người có lý tưởng cao vời, đặt hết tâm lực để theo lý tưởng đó. Họ tìm tòi, suy tính cách thế và chấp nhận trả giá đắt để đạt tới lý tưởng. Chúa Giêsu muốn một người môn đệ có giá trị đáng tín cẩn, vì Ngài là Đấng trung tín và luôn có mặt khi ta gặp khó khăn.

Lời Chúa là một thách thức cho số đông Kitô hữu. Những người này chỉ muốn theo Chúa xa xa. Làm sao tránh được tội trọng mất linh hồn là được rồi, mặc kệ Chúa muốn kêu gào người ta sống trọn lành. Người ta chỉ cần có mặt ở nhà thờ một khoảng thời gian nào đó khi cha đang cử hành thánh lễ Chúa Nhật. Thời gian càng ngắn càng khoái, để ru ngủ lương tâm rằng mình đã chu toàn bổn phận. Họ bất kể bị mất phần nào trong thánh lễ. Hôm nào quảng đại lắm thì mở bóp sai ông tổng thống Washington chui vào rổ tiền. Không cần nghĩ đến ngôi thánh đường được xây nên do công khó của bao nhiêu người đóng góp; không đếm xỉa gì đến trách nhiệm đòi hỏi họ phải đóng góp để duy trì ngôi thánh đường, điều hành xứ đạo. Xong thánh lễ, có nhiều khi chưa kịp xong, họ đã phóng cái vù ra khỏi nhà thờ, tưởng như đây là chốn tù ngục phải vượt ra cho mau, không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ thời giờ để phục vụ trong những sinh hoạt của giáo xứ. Đó là những người theo Chúa cách dở dang. Ước gì đừng có ai mang danh Kitô hữu mà sống theo lối sống đáng tội nghiệp như thế!

Lm. Trọng Thưởng, CMC

ĐÒI HỎI CỦA TÌNH YÊU (Lc 14,25-33)

Thiên Phúc

Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ.

Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.

Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.

***

Trùng Nhĩ dù sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt, mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có mặt trên cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả chính mình để bước theo Người?

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng: “Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ “dứt bỏ” không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là “ít hơn”. Vì tiếng Hy Bá không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả hơn kém người ta dùng lối văn đối ngẫu “yêu và bỏ”. Thánh Matthêu hiểu như vậy nên đã viết: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mi 10, 37).

Vậy ý của Chúa Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Người thì phải đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình.

Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ của Người, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu mến chính bản thân mình; họ cũng phải quí mến của cải như là những ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình.

Nhưng có một cám dỗ rất nguy hiểm này, là Thiên Chúa thì linh thiêng xa vời, mà con người và của cải thì sờ sờ trước mắt, lại hấp dẫn cuốn hút lạ thường, nên người ta dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào mà chính mình cũng chẳng hay biết. Vì thế, Chúa mới cảnh giác qua hai dụ ngôn “Xây tháp” và “Cuộc giao chiến”. Tháp đã khởi công xây dựng, cuộc chiến đã bắt đầu, thì không thể ngồi xuống mà bàn tính. Phải dồn vốn để xây tháp, phải dồn sức mà tấn công. Nhiều người đã khởi công nhưng chẳng thành công, nhiều kẻ đã chiến đấu nhưng không chiến thắng.

Chúa muốn những kẻ theo Người phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi của mình. Người không chấp nhận “cầm cày mà còn quay lại sau lưng”. Thật vậy, những kẻ “đứng núi này trông núi nọ” thường là những người bỏ cuộc, và những kẻ “bắt cá hai tay” là những người thua thiệt nhiều nhất. Đúng như Pierre Charles đã nói về họ: “Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi”.

***

Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát.

Xin đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hôi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ hội giúp chúng con lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn. Amen.

Thiên Phúc “Như Thầy đã yêu” năm C

THEO CHÚA

Lm. Nguyễn Hưng Lợi, dcct

Nhạc sĩ Linh mục Thành Tâm DCCT đã viết bài ca “ Theo Chúa “ tương đối khá gây ấn tượng đối với những người đang theo Chúa . “ Con nguyện theo Chúa suốt cuộc đời…”, lời ca thánh thót nhưng mang đầy ý nghĩa, theo Chúa suốt cuộc đời là một cuộc hành trình thật vất vả, nhưng cũng đầy hạnh phúc. Theo Chúa là theo Ngài về Giêrusalem để chịu nạn, chịu chết. Thực tế, có nhiều người theo Chúa vì tò mò, vì tư lợi, vì danh vọng.

Thánh Luca viết :”Có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu. Người ngoảnh lại bảo họ rằng nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ Ta “. Chúa Giêsu đã dùng động từ “ bỏ “ xem ra là nặng nề, nhưng thực chất Chúa muốn với mọi người đã chọn Chúa thì phải coi Chúa trên hết, đặt sinh mạng của mình trong bàn tay quan phòng của Chúa. Tình yêu cha mẹ, vơ con luôn là cái gì đó rất thiêng liêng, nhưng nó có thể cản bước con người dấn thân theo Chúa.Tình yêu đối với Thiên Chúa sẽ thanh lọc, thánh hóa mọi tình yêu nhân loại.

Thánh Maximalianô Kolbê đã chết thay cho một tử tội vì ông còn vơ, còn con. Thánh nhân đã coi Chúa hơn cả mạng sống mình và yêu thương đồng loại như yêu thương Chúa. Gương các thánh tử đạo Việt Nam đã cho chúng ta thấy nhiều vị thánh đã coi Chúa cao cả hơn vợ, con, hơn cha mẹ, hơn gia đình, một mực trung kiên với Chúa dẫu có hy sinh mạng sống. Theo Chúa là một cuộc hành trình đức tin thật cam go, có nhiều người đã bắt đầu nhưng đã bỏ cuộc.Sở dĩ họ bỏ cuộc vì không biết tính toán trước không biết định liệu trước, không có dự toán, dự trù. Theo Chúa,con người cũng phải khôn ngoan, tính toán như người làm thuê khôn ngoan, tỉnh thức chờ chủ về, nhưng người quản lý bất lương, như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn, mà lại mang dầu theo, như người khôn xây nhà trên đá vv…Chúa cũng cho chúng ta suy nghĩ về câu chuyện ông Vua sắp lâm chiến với ông Vua khác. Ông Vua đã ngồi lại, bàn bạc với nội các, với các nhà cầm quân, lượng định quân số, vũ khí, khả năng vv…Nếu thấy không thắng nổi thì phải sai người đi cầu hòa trước. Người theo Chúa cũng vậy khi đã bước theo Chúa thì không còn quay mặt lại, không còn tiếc nuối gì nữa.

Theo Chúa là phải “ vác Thập Giá mà theo Chúa “ bởi vì theo Chúa phải chấp nhận hy sinh, từ bỏ, chấp nhận những điều kiện mà Chúa đã vạch ra.

Hyacinthe Vulliez đã viết :” Liệu rằng Chúa Giêsu không xứng đáng với triều đại Thiên Chúa ? Người đã nói :” Ai cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không đáng được vào Vương Quốc của Thiên Chúa ?”. Và đám đông đã đi theo Người, Người quay về phía họ.Nhưng đây không phải là điểm để giải thích rằng Người đang đạt đến thành công.Người cũng không cho mình cái cảm giác ngất ngây trong vinh quang, cũng không cho phép mình đạt đến sự thỏa mãn cách chính đáng, như các ngôn sứ được lắng nghe và ngưỡng mộ.Người quay lại đằng sau không phải để rời bỏ cán cày, nhưng để thấy rõ những kẻ theo Người, ai có quyết định vững vàng để bước theo Người. Như những người hướng dẫn viên leo núi, họ có ánh nhìn một cách thận trọng bằng cách quay lại đằng sau để xác minh xem mọi thứ liệu có ổn không và lắng nghe thử xem có những tiếng thở hổn hển cách mệt nhọc, hay có những bước chân nặng nề và kéo lê. Đỉnh núi ? Chúa Giêsu dẫn đám đông đến với Chúa Cha, đến Nước Trời.Một bước đi trong niềm hân hoan.Người dặn dò, khuyên nhủ và hướng dẫn chúng ta, nhưng Người cũng đòi hỏi sự cộng tác từ chúng ta, chúng ta không” hà tiện “ những cố gắng của mình, cũng không quá bận tâm đến những thứ không cần thiết. Nhưng hãy bước những bước đi thật chậm để tiến lên “.

Vâng, theo Chúa là phải từ bỏ, phải hy sinh, phải vượt thắng. Theo Chúa là phải phó thác, chuyên cần và sẵn sàng tiến bước, làm theo ý Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng luôn bước theo con đường của Chúa và bền đỗ trong ơn gọi mà Chúa đã yêu thương gọi mời chúng con.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao theo Chúa lại phải từ bỏ ? 2.Động từ “ từ bỏ “ ở đây có nghĩa gì ? 3. Những điều kiện để theo Chúa ? 4.Cầm cày ở đây có nghĩa gì ? 5.Chúa có cần sự cộng tác của chúng ta không ?

Hưng Lợi

ĐIỀU KIỆN THEO CHÚA CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN, năm C Lc 14, 25-33

Con đường theo Chúa vẫn là con đường hẹp khác với những suy nghĩ của nhiều người. Vâng, có rất nhiều người lầm tưởng theo Chúa là bước đi trên những con đường rộng thênh thang, bước đi trên những con đường rải đá, tráng nhựa. Hoặc nghĩ một cách đơn giản là đi trên những chiếc boeing sang trọng, đi trên những chiếc xe hơi đắt tiền, đời mới. Theo Chúa là “ Vác thập giá của mình mà theo Ngài “ hoặc “ Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy “ ( Mt 10, 37 ).

Đọc kỹ Lời Chúa của ba bài đọc chúa nhật XXIII thường niên, năm C, chúng ta dễ nhận thấy ý của Chúa. Nói cách nôm na và dân dã hơn là dễ hiểu những điều kiện Chúa đặt ra để làm môn đệ của Ngài.” Ai đến với Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi được “ ( Lc 14, 26 ).

Trong tiếng Hy Bá Lai không có thể so sánh và khi phải dùng hơn kém thì họ dùng phép đối ngẫu: ” Yêu và Bỏ “. Nên, động từ “ dứt bỏ “ ở đây có nghĩa là “ ít hơn” chứ không có nghĩa là lìa bỏ, dứt bỏ luôn, hay là cắt đứt luôn.

Theo nghĩa này, Chúa muốn dạy các môn đệ của Ngài: Ai muốn đi theo Ngài phải coi Ngài hơn hết kể cả cha mẹ, họ hàng, bà con, những người thân thương. Chúa dạy hãy đặt tình yêu của Ngài trên mọi thứ tình yêu ở trần gian mà người ta đang rêu rao, ca ngợi và thụ đắc. Làm môn đệ Chúa sẽ được gia sản lớn lao, Nước Trời làm gia nghiệp trong tương lai. Do đó, muốn trở nên môn đệ trung thành, kiên vững thì phải biết lắng nghe và thực thi những điều Chúa truyền dạy: ” Bất cứ ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không đáng làm môn đệ của Ta “.

Làm môn đệ Chúa chắc chắn nó đòi hỏi mỗi người, mọi người phải chịu đau khổ, phải từ bỏ những nô lệ của con người như tính hư nết xấu, thói nghiện rượu, nghiện hút thuốc, thói say xỉn, những điều xấu xa ở trần gian này. Làm môn đệ Chúa, không buộc phải chia lìa, cắt đứt với mối liên hệ của gia đình, hay những mối liên hệ làng xóm vv…

Tuy nhiên, Chúa cần người môn đệ của Chúa vẫn sẵn sàng hy sinh cho tình yêu cao vời của Thiên Chúa. Người ta vẫn nhận ra một cám dỗ rất nguy hiểm và gay cấn: đó là Thiên Chúa thì xem ra xa vời, linh thiêng, phải có đức tin mới nhận ra được, còn vật chất, của cải, vàng bạc thì sờ sờ ở trước mắt con người. Nên con người dễ nhận ra những gì là đang ở tầm tay mình với. Của cải, tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp dễ nắm bắt, dễ nhận ra, nó hấp dẫn và thu hút con người cách lạ lùng. Chính vì thế, Chúa mới đưa ra hai dụ ngôn “ Xây thành và “ Cuộc giao chiến “. Đã xây thành, đã giao chiến thì không còn giờ để bàn bạc, để cân nhắc, để đắn đo, nhưng phải bắt tay ngay, nỗ lực đầu tư cho việc xây dựng và nỗ lực để giao chiến hầu có thể thắng đối phương.

Người môn đệ Chúa phải can đảm, kiên nhẫn vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Người môn đệ của Chúa phải trung thành với tình yêu của Chúa và dám sinh tử với con đường Chúa vạch ra cho họ. Chúa không chấp nhận việc muốn làm môn đệ của Ngài mà lại có thái độ như người thanh niên giầu có, hay người đã cầm cày lại còn ngoái lại sau lưng. Theo Chúa là phải dứt khoát.

Thánh Phaolô đã kêu gọi Philêmon quảng đại, chứ không cưỡng bách Philêmon thực hành các nhân đức. Ngài đã kết luận bức thư gửi cho Philêmon: ” Tôi viết thư này cho anh với niềm tin tưởng là anh sẽ nghe theo vì tôi biết rằng việc anh sẽ làm hơn những gì mà tôi xin nữa “.

Lạy Chúa Giêsu, đi theo Chúa, làm môn đệ của Chúa luôn đòi hỏi phải quảng đại, hy sinh. Xin cho chúng con luôn nhận ra tình yêu của Chúa và kiên nhẫn “ Vác thập giá của mình mà theo Chúa “. Amen. Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

TỪ BỎ ĐẺ THĂNG TIẾN-CN 23c

Lm Tạ Duy Tuyền00 tuye

Cuộc sống muốn thăng tiến phải biết từ bỏ. Trẻ con phải từ bỏ cái nôi để tập đi tập đứng. Lớn lên một chút phải từ bỏ mái nhà để đến trường học bao điều mới lạ. Trưởng thành lại phải can đảm từ bỏ quê hương để dấn thân vào đời. Từ bỏ cái cũ để nhận cái mới. Phải từ bỏ cái không còn phù hợp mới có khả năng đón nhận cái phù hợp với hiện tại mình hơn. Không từ bỏ con người sẽ đánh mất cơ hội để thăng tiến, để trưởng thành hơn. Từ bỏ dường như là lẽ tất yếu của định luật tự nhiên.

Có một người thanh niên luôn mong muốn mình giỏi hơn người khác, và còn muốn trở thành một học giả lớn. Nhưng qua rất nhiều năm đường học vấn vẫn ở sau nhiều người. Thất vọng, chán nản, chàng đến tâm sự với một đại sư.

Đại sư nói: “Chúng ta đi leo núi đi, đến đỉnh núi rồi con sẽ biết được nên làm như thế nào.”

Trên núi có rất nhiều hòn đá xinh xắn. Mỗi lần thấy người thanh niên nhìn thấy hòn đá ưng ý, đại sư bảo chàng cho đá vào túi để đeo sau lưng. Một lúc sau chàng thanh niên không chịu nổi nữa, nói: “Đại sư ơi, nếu cứ đeo túi này, đừng nói là leo lên đình núi, có khi bây giờ bảo con đi tiếp cũng không thể đi được nữa rồi.”

Khi đó đại sư cười nói: “Muốn tiến lên phải biết bỏ đi, nếu không bỏ đi làm sao có thể lên đỉnh núi được?”. Người thanh niên lặng người, tự dưng trong lòng sáng suốt, cảm ơn đại sư rồi ra về. Sau đó chàng tập trung học hỏi, cuối cùng trở thành một học giả lớn.

Xem ra muốn leo lên được đỉnh núi cuộc đời cần biết từ bỏ. Những viên đá nặng ta mang trong mình là những tham sân si luôn làm ta trì trệ tiến bước. Lòng tham sẽ níu kéo chúng ta ở lại để tranh dành những danh lợi thú mau qua. Sự nóng giận như viên đá cản lối ta tiến bước bình an. Sự mê muội sẽ làm ta đi lầm đường lạc lối.

Bỏ đi không có nghĩa là thất bại, cũng giống như chơi cờ tướng, tuy phải bỏ đi lợi ích nhỏ, nhưng lại nhận được lợi ích lớn hơn. Bỏ đi đôi khi làm cho con người mình thanh cao hơn, đáng kính hơn, như người nghiện ngập bỏ được thói quen xấu sẽ được yêu mến hơn. Bỏ đi những công việc không phù hợp với mình để được kính trọng hơn, như người đi tu thì không buôn bán, không tích góp tiền của . . . Bỏ đi những thú vui bất chính để sống có trách nhiệm với cuộc đời hơn.  . . Nói chung, con người cần phải biết từ bỏ: từ bỏ những quyền lợi và hư danh, từ bỏ những tranh chấp đấu đá danh vọng, từ bỏ những tình bạn đã thay đổi, những tình yêu đã thất bại, những quan hệ xã giao không có ý nghĩa, những tính cách xấu, những bận rộn và áp lực không cần thiết. Biết cách từ bỏ sẽ làm ta thanh thoát, nhẹ nhàng và bình an.

Hôm nay Chúa Giê-su cũng bảo chúng ta hãy can đảm từ bỏ để đi theo Chúa. Từ bỏ những cái mình yêu, mình thích thật là khó. Từ bỏ những cái mình gắn bó lâu dài càng khó hơn. Thế nhưng, vì Chúa chúng ta sẵn lòng. Vì Chúa chúng ta hy sinh. Vì Chúa chúng ta sống vâng theo thánh ý Chúa. Từ bỏ như thế gọi là thập giá. Thập giá vì lòng yêu mến Chúa sẽ trở thành thánh giá vinh quang.

Chúa Giê-su cũng từng đón nhận thập giá vì Chúa Cha. Thập giá của Chúa Giê-su đã biến thành thánh giá. Thánh giá vinh quang. Thánh giá đem lại nguồn ơn cứu rỗi cho nhân trần. Theo lẽ thường chẳng ai thích đau khổ. Ai cũng tìm an nhàn sung sướng. Thế nhưng, Chúa Giê-su đã chọn gian khổ, chọn hy sinh để vui lòng Chúa Cha, vì Ngài biết Chúa Cha sẽ ân thưởng vương quyền thiên quốc cho những hy sinh mà Ngài đã làm cho Chúa Cha.

Thánh Phao-lô đã từng nói rằng: những đau khổ đời này chẳng là gì so với hạnh phúc viên mãn đời sau. Thế nên, vì lòng yêu mến Chúa chúng ta biết đi vào cửa hẹp là từ bỏ những tham sân si, những niềm vui bất chính để được sống thanh thoát đời này và vinh hiển đời sau. Vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta cũng sẵn lòng vác thập giá của bổn phận để phục vụ gia đình và tổ quốc hầu mai sau chúng ta cũng được ân thưởng hạnh phúc thiên đàng.

Xin cho chúng ta luôn biết đón nhận thập giá  như là hồng ân Chúa gửi đến để ta lập công trước mặt Thiên Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

THẬP GIÁ TRONG ĐỜI

AM Trần Bình Anan2

Chia sẻ Tin Mừng CN 23 TN NC 2016 (Lc 14, 25-33)

Lực sĩ bơi lội Michael Phelps, người được nhiều huy chương nhất trong tất cả các kỳ thi thế vận hội, cách đây hai năm đã suýt tự tử. Vào thời điểm đó, anh bù đắp khoảng trống và nỗi đau của mình bằng ma túy và rượu, vì thế những thứ này còn đưa anh vào vòng xoáy hủy hoại hơn. Năm 2009, anh bị cấm bơi ba tháng vì một bức hình anh hút được lan truyền trên mạng; dù bị phạt nhưng cũng không ngăn anh tiếp tục cuộc chơi. Tệ hơn nữa khi anh bị bắt lần thứ hai, vì tội say rượu lái xe trong vòng mười năm.

Phelps ở dưới đáy. Những ngày sau khi bị bắt, anh sống cô lập và anh tiếp tục uống. Trong một buổi phỏng vấn với hãng tin ESPN, anh thú nhận: «Tôi không còn một sự tự tin nào. Tôi nghĩ không có gì có giá trị và thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôi. Tôi tự nhủ, tốt nhất là tôi nên tự tử». Các huy chương vàng cũng không an ủi anh được: anh không còn tìm được ý nghĩa cuộc đời.

Sự quan phòng đã làm cho gia đình và các bạn của anh thuyết phục được anh vào một trung tâm phục hồi để đuổi các tư tưởng xấu này. Dù mới đầu anh không muốn nghe, nhưng cuối cùng anh chấp nhận số của mình và đi trên con đường chữa lành. Phelps mang theo anh quyển sách Mục đích hướng dẫn đời sống (The Purpose Driven Life) của Rick Warren. Đó là quyển sách do lực sĩ Ray Lewis tặng anh, lực sĩ Lewis là cựu phòng vệ của đội Ravens của Baltimore. Không những anh đọc mà anh còn cho nhiều bệnh nhân khác mượn, họ đặt cho anh biệt danh «Michael Người Rao Giảng».

Các lực sĩ đều mê huy chương, đó là sự tưởng thưởng cho công trình khó nhọc. Nhưng sự chú ý của truyền thông chỉ có một thời gian. Trong khi Đức Tin dựa trên tình yêu, một tình yêu giúp tìm lại thăng bằng và phối cảnh. Ngoài việc tìm lại Đức Tin trong thời gian ở trung tâm phục hồi, Phelps cho biết, một phần sự rối loạn của mình là do sự thiếu vắng người cha. Khi anh 9 tuổi, cha mẹ của anh ly dị và để bù cho sự thiếu thốn này, anh bắt đầu bơi. Một khi đã chinh phục được nước thì nỗi đau lại trồi lên mặt.

Trong tuần lễ gia đình ở trung tâm, Phelps đã có dịp tiếp xúc với cha mình và đã giúp anh chữa lành. Lần đầu tiên họ ôm nhau từ nhiều năm nay, điều này đã giúp Phelps đi tới đàng trước. Một vài tháng sau khi ở trung tâm phục hồi, Phelps ngõ lời xin cô bạn gái Nicole Johnson của mình làm đám cưới. Họ đã đính hôn và sẽ làm đám cưới sau kỳ thi Thế vận hội. Khi lần đầu tiên bồng con mình trên tay, Phelps đã khóc. Anh thổ lộ với hãng tin ESPN: «Tôi bàng hoàng không nói lên lời. Tôi nhận ra thế nào là một tình yêu thật».

Đứng trước trách nhiệm mới của gia đình, cuộc thi thế vận kỳ này sẽ là lần chót. Nhờ ơn Chúa, lực sĩ Phelps đã ra khỏi vực thẳm để về với cuộc sống. Có thể anh không hoàn hảo, nhưng Đức Tin của anh đã dẫn anh đi trên một con đường mới. Anh hiểu, dù số lượng huy chương vàng có nhiều như thế nào thì chúng cũng không có khả năng cứu được anh. (Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch, Đối với Michael Phelps mọi huy chương không thể sáng chói nếu không có Chúa)

Kình ngư huyền thoại Michael Phelps, vô địch huy chương vàng Olympic hôm nay đã không thể đạt những kỳ tích, nếu không có sự đồng hành của bà mẹ Debbie Phelps. Người đã quyết tâm rèn luyện Michael Phelps vượt qua nỗi sợ xuống nước từ hồi 7 tuổi và hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) lúc 9 tuổi. Khi đã lên đỉnh vinh quang, Michael Phelps lại đắm đuối vào những cám dỗ ma tuý, rượu chè, cờ bạc, cá ngựa, nhưng nhờ trông cậy vào ơn Chúa và tình yêu, anh lại tiếp tục gặt hái huy chương thế vận hội. Anh đã có tiền tài, danh vọng, chỉ thiếu có Chúa, nên mới lạc lối.

Trong Tin Mừng Luca hôm nay, Đức Giêsu nêu lên những điều kiện bắt buộc tuân theo, để làm môn đệ Người, để đi theo Người. Đó là từ bỏ vật chất, tình cảm thế tục và chấp nhận thập giá. Ở đời, bất cứ ai chẳng nhiều ít, cũng đều vấp phải đau khổ, khó khăn, thách đố, nên ra sức tránh né. Nhưng Đức Giêsu lại đòi hỏi phải gánh vác lấy, không được từ chối: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Thập giá bản thân

Thách đố nặng nề hơn cả chính là tính xác thịt. Chống lại bản năng, thú tính, ham muốn, chính là một thập giá bất khả phân ly, liên tục cho đến nhắm mắt xuôi tay. Có thể gọi là thập giá tu thân. Thánh Phaolô khuyên nhủ Kitô hữu hãm mình, không nô lệ bản thân: “Chúng ta hãy ăn ở đứng đắn, như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh  em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.“ (Rm 13, 13-14)

Tiếp đến, thập giá còn là bổn phận và trách nhiệm, mà bất cứ ai sống trong cuộc đời cũng phải gánh vác. Làm con cái, cha mẹ, làm tu sĩ, Linh mục, đều có trọng trách, đều được Chúa giao cho một nén, hay nhiều nén bạc sinh lãi, tuỳ theo khả năng. (Mt 25, 14-20) Đó chính là thập giá tích đức. Mong ngày sau, được hân hạnh nghe lời khen của Ông Chủ: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25, 21)

Thập giá Kitô hữu

Ngoài thâp giá tha nhân, như quan tâm, nhân ái, tận tuỵ chăm sóc, tận tình phục vụ những người cô quả, nghèo đói, bệnh hoạn, đau khổ, bị bỏ rơi, cần được yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ, người tín hữu Kitô còn phải vác thập giá chứng nhân, gieo vãi hạt giống Tin Mừng khắp nơi. Như chính Đức Giêsu đã trao phó nhiệm vụ cao cả cho các môn đệ, những người theo Người: “Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8)

Đức Giêsu cũng thẳng thắn tiên báo những gian khổ, nguy hiểm, thách đố, dành cho các môn đệ khi thi hành sứ vụ: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói.” (Mt 10, 16) Những thập giá đau đớn, xót xa: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10, 22)

Tránh né vác thập giá, hay “khôn ngoan” thoả hiệp, thông đồng, hiệp lực, cộng tác với quyền lực đen tối của sự dữ, với văn minh sự chết, để cọng sinh, hỗ tương, thuận lợi “giữ đạo,” đều là trắng trợn nguỵ biện, xảo ngôn, cùng đối phó, phản nghịch, antichrist, bất trung với Tin Mừng. “Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.” (Lc 14, 27)

Thử thách gian khổ là “giấy phép theo Chúa” để hưởng hạnh phúc hân hoan với Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá mà theo Ta.” (Đường Hy Vọng, số 714)

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, chúng con quá mỏng dòn, yếu đuối, dễ ngã lòng, xin Chúa luôn ban Thánh Thần đến an ủi, khích lệ, phù hộ chúng con can trường vác thập giá hàng ngày, luôn trung thành theo Chúa.

Khấn xin Mẹ Maria, cầu bầu chúng con luôn chấp nhận những khó khăn, vất vả, đắng cay trong đời cho nên, cho đẹp lòng Chúa. Amen.

NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ BƯỚC THEO ĐỨC GIÊSU

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

(Lc 14,25-33 – CN XXIII – C)

 

1.- Ngữ cảnh

Được đặt vào trong bài tường thuật về hành trình lên Giêrusalem, cuộc nói chuyện của Đức Giêsu trong bữa ăn tại nhà một thủ lãnh người Pharisêu (Lc 14,1) nay đã đến lúc kết thúc. Tác giả Tin Mừng III lại giúp độc giả để ý đến bước tiến của Đức Giêsu lên Giêrusalem cũng như đến đám đông đang cùng đi với Người. Tác giả cho thấy Đức Giêsu nói về những điều kiện để làm người môn đệ đích thực (14,25-33). Khi tìm lại văn cảnh trước đó, ta gặp một lời mời gửi đến mọi người trên mọi nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ dậu, đến dự tiệc vương quốc, để “người ta vào đầy nhà cho ta” (c. 23). Nay Đức Giêsu thêm một nhận định mới: điều kiện phải giữ để được làm môn đệ trong Vương quốc. Để được vào Vương quốc, phải đáp ứng những điều kiện riêng, và phân đoạn 14,25-33 ở trong thế song đối đối nghĩa với phân đoạn 14,15-24. Nếu đặt vào trong ngữ cảnh rộng lớn hơn, là bài tường thuật về hành trình, phân đoạn này với nhiều chi tiết nói về việc bước theo Đức Giêsu, bước đi đàng sau Người, lên kế hoạch chuẩn bị cho một công trình, … cung cấp cho tác giả những chi tiết để ngài phác ra đời môn đệ của Đức Kitô.

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành bốn phần:

1) Mở đầu (14,25);

2) Điều kiện để đi theo Đức Giêsu (14,26-27);

3) Hai dụ ngôn (14,28-32):

  1. a) Dụ ngôn Người xây tháp (cc. 28-30),
  2. b) Dụ ngôn Vị vua ra trận (cc. 31-32);

4) Kết (14,33).

 

3.- Vài điểm chú giải

– dứt bỏ (26): dịch sát là “ghét” (miseô), ngược lại với agapaô, “yêu thương”. Động từ miseô đã được dùng ở Lc 6,22.27 để mô tả thái độ của những người ở ngoài đối với các môn đệ Đức Giêsu. Bây giờ động từ này lại được dùng để nói về tình yêu ưu tiên người ta phải dành cho Đức Giêsu.

– môn đệ tôi (27): Các môn đệ Đức Giêsu đã được nhắc đến ở Lc 5,30; 6,1.13.17.20; 8,9.22; 9,14.16.18.40.43b.54; 10,23;12,1.22. Sau đó họ lại được nhắc đến ở 16,1; 17,1.22; 18,15; 19,29.37.39; 20,45; 22,11.39.45. Trong sách Cv, từ ngữ mathêtai, “các môn đệ”, trở thành từ quen thuộc để gọi các Kitô hữu (6,1.2.7; 9,1.10.19.26.38; 11,26.29; 13,52; 14,20.22.28; 15,10; 16,1; 18,23.27; 19,1.9.30; 20,1.30; 21,4.26 (2x).

– một cây tháp (28): Đây là một tháp canh để bảo vê một ngôi nhà, một mảnh đất, một vườn nho.

– từ bỏ (33): Động từ Hy Lạp apotassomai, như ở 9,61, có nghĩa là “kiếu từ, từ giã” (say good-bye, say farewell). Lời khuyên này làm vọng lại lời khuyên ở 12,33, và sẽ được nhắc lại ở 18,22.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Mở đầu (25)

Điểm nổi bật nơi Đức Giêsu là sự cương quyết chấp nhận số phận bằng cách nhất định tiến về Giêrusalem. Trên đường đi, có rất nhiều người đi theo Người. Họ muốn ở với Người. Họ tưởng rằng Người có điều gì đó chắc chắn mà nói với họ và có điều gì đó bền vững mà ban cho họ. Họ bị Người thu hút. Đức Giêsu không xua đuổi họ. Nhưng Người cũng không muốn họ đi theo Người với những nỗi niềm chờ mong sai lạc. Người nói với họ rõ ràng.

Chúng ta thấy Đức Giêsu đã ba lần nêu lên những yêu cầu cho những ai muốn đi theo Người, và mỗi lần Người đều kết luận như nhau, “… thì không thể làm môn đệ tôi được” (cc. 26.27.33). Người khiến chúng ta có ấn tượng là Người muốn họ bỏ Người thay vì lôi kéo họ đến với Người.

* Điều kiện để đi theo Đức Giêsu (26-27)

Ai gắn bó với Đức Giêsu, thì cần biết mình phải đáp ứng những yêu cầu nào. Các điều kiện Người nêu ra không chỉ được đề nghị riêng cho một ít người tuyển chọn, nhưng cho tất cả những ai đang đi với Người.

Trước tiên, Người yêu cầu phải “ghét” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Chẳng phải là điều răn yêu thương người thân cận đã bị đảo lộn rồi sao? Nghĩa là để đi theo Đức Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự ghét bỏ đối với họ? Nhưng ý nghĩa của từ “ghét” ở đây được làm sáng tỏ nhờ Mt 10,37: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”. Điều này có nghĩa là ai muốn đi theo Đức Giêsu thì phải yêu mến Người hơn tất cả những người khác, kể cả những người gần gũi với mình nhất. Người ấy lại còn phải yêu mến Người hơn cả chính bản thân mình. Đức Giêsu yêu cầu người ta dành cho Người một vị trí đặc biệt và duy nhất. Vì thế, “ghét” đây cũng có thể phải hiểu là “dứt khoát” với những quan hệ nào đó nếu cần, để có thể trung thành với Tin Mừng. Chính tương quan duy nhất với Đức Giêsu sẽ điều hành mọi tương quan của ta với những người khác.

Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, mà là cái tôi, là tính ích kỷ, là tình yêu đối với chính mình. Cả cái tôi và sự sống của ta cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Đức Giêsu. Ai muốn đi theo Đức Giêsu, thì phải vác thập giá của chính mình, phải đi theo Người trên con đường thập giá. Đức Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Người thích. Nhưng Người vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa.

* Hai dụ ngôn (28-32)

Rất có thể Đức Giêsu nhận thấy rằng nhiều thính giả bắt đầu nghĩ rằng Người phóng đại. Để giúp họ hiểu Người muốn nói gì, Người kể cho họ nghe hai dụ ngôn ngắn, đơn giản. Dụ ngôn thứ nhất nói về một người muốn bảo vệ hoa mầu khỏi trộm cướp và dã thú phá phách. Ông đã quyết định xây một cái tháp trong cánh đồng của mình. Trước khi bắt đầu công việc, ông đã tính toán phí tổn, để xem ông có đủ tiền mà thực hiện chăng (cc. 28-30). Dụ ngôn thứ hai nói về một vị vua quyết định ra trận. Tuy nhiên, ngay lúc đầu, ông phải lượng định về sức mạnh của đoàn quân của ông (cc. 31-32). Vào thời của Đức Giêsu, có một câu tục ngữ: “Nếu bạn muốn săn sư tử, hãy phóng cái lao của bạn xuống đất. Nếu bạn không thể phóng cái lao thật sâu, thì đừng đi săn sư tử!”. Bài học rất rõ: đừng tự lừa dối chính mình; bạn không phải là môn đệ Đức Giêsu chỉ nhờ nghe Tin Mừng của Người và cảm thấy hứng thú đối với Tin Mừng ấy. Bạn phải xem bạn có thể làm chăng những điều Người yêu cầu bạn.

Qua hai dụ ngôn, Đức Giêsu khuyên những người đang đi theo Người đừng quyết định làm môn đệ, nếu trước đó không cân nhắc kỹ càng trước. Người ta phải cứu xét đến không những các đòi hỏi phải thực hiện, nhưng cả những hậu quả của chuyện mới bắt đầu thì đã bỏ dở dang vì không có sức đi tới cùng. Các môn đệ phải xem lại là mình có những sức mạnh và tài nguyên nào.

Sau hai dụ ngôn, Đức Giêsu nêu ra điều kiện thứ ba: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (c. 33). Vấn đề không chỉ là bỏ ra một ít tiền để làm việc bác ái, mà là phải bỏ hết mọi sự.

* Kết (33)

Sau hai điều kiện (cc. 26.27), câu kết này là điều kiện thứ ba (c. 33), một đòi hỏi triệt để. Đức Giêsu kêu mời người ta từ bỏ tất cả các của cải vật chất, để có thể làm môn đệ Người.

Có những người đã giải quyết khó khăn này bằng cách chia các Kitô hữu thành “những người hoàn thiện” (linh mục, tu sĩ) một bên, còn bên kia là tất cả các Kitô hữu còn lại, những người có thể giữ tất cả những gì họ có và chấp nhận làm “Kitô hữu bất toàn”. Cách làm này đã chia họ các môn đệ Đức Giêsu thành hai, đánh mất sự hợp nhất thiêng liêng của họ. Nhưng lệnh đó được ban cho tất cả những ai muốn nên “xứng đáng” với Đức Giêsu. Để không một ai hiểu sai ý Người, Đức Giêsu đã nhắc lại giáo huấn này nhiều lần (Lc 12,33; 18,22; x. 5,11.28).

 

+ Kết luận

Ai muốn đi theo Đức Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vì trân trọng ý muốn của Ngài, người ta phải chấp nhận đau khổ, tủi nhục, bị khinh bỉ và tất cả những gì đối lập lại với một cuộc đời thú vị, thậm chí đến chỗ mất mạng sống mình. Hẳn là chúng ta muốn tạo ra một hình thái Kitô giáo vừa tầm với chúng ta, làm chúng ta vui thích. Đức Giêsu nói với người ta rằng họ chỉ có thể bước theo Người theo những điều kiện của Người. Ai muốn thuộc về Đức Giêsu, thì phải quyết định theo Đức Giêsu toàn thể, với trọn con đường của Người.

Đức Giêsu không nói rằng nếu ai muốn đi theo Người mà không từ bỏ những người thân, mạng sống và mọi của cải, thì không thuận lợi bao nhiêu, mà nói là hoàn toàn vô ích, như muối không còn vị mặn nữa (x. Lc 14,34-35).

5.- Gợi ý suy niệm

  1. Ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu, muốn thực sự làm Kitô hữu, thì cần phải biết các điều kiện được đề ra, và phải suy nghĩ xem mình có khả năng đáp ứng chăng. Nếu dừng lại giữa đường rồi bỏ cuộc, thì chẳng nghĩa lý gì. Đức Giêsu muốn người ta đi theo Người cách ý thức và có cân nhắc. Các điều kiện được nêu ra không chỉ có giá trị cho một thiểu số ưu tuyển, nhưng cho mọi người. Bước theo Đức Giêsu có nghĩa là tuyệt đối không bám víu vào các của cải vật chất, và phải sử dụng chúng tùy theo dây liên kết chúng ta với Đức Giêsu.
  2. Dây liên kết người ta với Đức Giêsu phải có quyền ưu tiên hơn mọi liên hệ khác. Tình yêu đối với Người không loại trừ tình yêu đối với loài người, trái lại là đàng khác. Đức Giêsu muốn chúng ta yêu thương người thân cận. Và tình yêu đối với Người đòi hỏi chúng ta chu toàn ý muốn của Người. Nhưng tương quan với người thân cận phải được quy định bởi tương quan với Đức Giêsu và phải được tháp nhập vào trong tương quan này. Nếu phải chọn lựa giữa Đức Giêsu và một người gần gũi với ta, ta phải chọn Đức Giêsu. Đàng khác, ta phải đào luyện tương quan của mình với người thân cận thế nào để không gây rối cho tương quan của ta với Đức Giêsu. Tiêu chuẩn tối hậu của đời sống chúng ta không phải là nguyện vọng hoặc ý muốn của người thân cận, hoặc sở thích của người ấy, hay là sự hòa hợp với người ấy, nhưng là ý muốn của Đức Giêsu và con đường trên đó Người đang đi mà dẫn dắt chúng ta. Người Kitô hữu không được tìm cách sống hài hòa với người thân cận ngược lại với ý muốn của Đức Giêsu, nhưng là với và trong sự lệ thuộc ý muốn đó.
  3. Bước theo Đức Giêsu: hoặc là một cuộc bước theo trọn vẹn, hoặc chẳng phải là một cuộc bước theo. Người ta không được chỉ chọn ra một vài nét thuộc về hành trình của Đức Giêsu mà người ta thích. Hoặc là người ta sẵn sàng đi với Người trọn chuyến đi, hoặc có bắt đầu cũng chẳng ích gì. Thập giá của Đức Giêsu là dấu chỉ cụ thể về sự trung thành vô điều kiện của Người đối với thánh ý Chúa Cha, với định mệnh của Người và với sứ mạng của Người. Đối với Người, sự trung thành này còn quý giá hơn chính mạng sống Người.
  4. Cộng đoàn Giêrusalem đã góp mọi sự lại, nên không còn có ai bị nghèo túng ở giữa họ (Cv 2,44-45; 4,32-35). Hẳn là các Kitô hữu hôm nay cũng có thể thử những nẻo đường mới. Chắc chắn nếu chúng ta chọn bước theo Đức Kitô, chúng ta phải thay đổi thái độ của chúng ta đối với của cải của thế gian này.
  5. Hôm nay, chúng ta nghe Đức Giêsu đưa ra ba yêu cầu cho chúng ta là các môn đệ của Người. Ta phải sẵn sàng chịu rủi ro trong mối quan hệ gia đình, thực hiện sự tự từ chối và sẵn lòng từ bỏ hết những gì mình có. Cái giá mà người môn đệ phải trả là rất đắt và không phải là những điều tình cờ ngẫu nhiên. Theo Đức Kitô không hề là một điều dễ dàng chút nào. Nhưng chúng ta không đơn độc một mình. Khi ta vấp ngã, Đức Kitô luôn ở bên cạnh sẵn sàng đáp ứng lời kêu cầu của chúng ta: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Cũng chẳng phải là chỉ một mình chúng ta đơn độc khi nỗ lực thực hiện những sự hy sinh lớn lao trong danh thánh Giêsu. Thay vào đó, (điều này đặc biệt đúng trong Tin mừng theo thánh Luca) Đức Giêsu ban tặng cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng luôn sẵn sàng hướng dẫn ta ngày càng nhiều để đáp trả trọn vẹn hơn với lời kêu gọi, mà mỗi người chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu phép rửa tội rằng: “Hãy theo Ta”.

PHẢI QUÊN MÌNH KHI DẤN BƯỚC THEO CHÚA

Lm. Jude Siciliano, OP

CHÚA NHẬT 23 TN (C) 04-09-2016

Khôn ngoan 9: 13-18;T. vịnh 89; Philêmôn 9-10, 12-17, Luca 14: 25-33

PHẢI QUÊN MÌNH KHI DẤN BƯỚC THEO CHÚA

Trong mùa vận động tuyển cử có rất nhiều lời hứa hẹn. Nhưng người ta than phiền là các ứng cử viên không nói rõ ràng. Họ làm sao có đủ ngân quỹ để thay vào việc giảm thuế? Họ làm sao giải quyết vấn đề 11 triệu người ở Mỹ bất hợp pháp?  Các ứng cử viên làm sao cho đất nước an toàn hơn?

Dân chúng than phiền là họ không nghe các ứng cử viên làm sao giải quyết các vấn đề quan trọng trên đất nước này trong lúc này. Một nhân viên báo chí đề nghị là các ứng cử viên “được điểm” do các người phụ trách lo việc vận động cho họ. Các ứng cử viên tập không nên trả lời các câu hỏi ngay nhưng đưa đến “điểm nói chuyện”. Họ phải ở ngay trong chương trình. Họ không nên làm cho các thính giả nín đi. Họ không thể bỏ qua, nhất là những lúc lên truyền hình. Có cách nào khác cho họ được phiếu và một số phiếu nhiều hơn ?

Hãy tưởng tượng một chính trị gia đang nói chuyện với một đám đông người theo họ, và nói với họ những điều như Chúa Giêsu nói với đám dân chúng theo Ngài trên đường lên Giêrusalem ngày hôm đó. Người phụ trách vận động tranh cử có thể nói với Ngài: “Hãy nghe, có một đám đông quần chúng hăng hái nghe. Đủ̀ng làm họ bỏ đi cũng đủ̀ng làm họ nín đi”. Nhủng Chúa Giêsu không có ngủỏ̀i viềt bài nói chuyện, hay ngủỏ̀i phụ trách vận động cho Ngài. Chúa Giêsu chỉ có năng lụ̉c thu hút riêng của Ngài và cho tin mủ̀ng Ngài đem đến.

Có chính trị gia nào lại đủ́ng trủỏ́c đám đông thính giả và nói vỏ́i họ: “Nếu anh em  bỏ phiếu cho tôi, anh em sẽ chọn mất gia đình, và nhà củ̉a của mình. Anh em sẽ quyết định mất nhủ̃ng gì anh em quý trọng nhất. Vì vậy, hãy lụ̉a chọn: anh em có muốn theo tôi hay không?” Tóm lại, đó là điều Chúa Giêsu nói “Hãy chọn tôi hỏn gia đình, chính gia đình anh em níu kéo anh em lại. Và thật nủ̃a anh em hãy sẵn sàng chết một cách đau khổ”.

Trong thời đại Chúa Giêsu, dân chúng không nghĩ họ là tủ̀ng cá nhân nhủ chúng ta, là ngủỏ̀i Hoa Kỳ nghĩ như bây giỏ̀. “Chúng ta là nhủ̃ng mang tính cá nhân chính cống”. Thỏ̀i Chúa Giêsu con ngủỏ̀i có bản lĩnh là bỏ̉i gia đình, hay bộ lạc, làng xóm hay tôn giáo họ là thành phần. Họ không thể nào nghĩ là họ tách khỏi gia đình, vì nhủ thế họ có thể mất đỏ̀i sống họ.

Theo Chúa Giêsu có thể là một giá trị rât đắt giá và có nghĩa là chia rẻ, ngay cả tủ̀ bỏ gia đình ruột thịt mình. Thật thế, trong thỏ̀i Giáo Hội Tiên Khỏ̉i có thí dụ  trẻ con bị gia đình trao cho quân La mã vì chúng trỏ̉ nên Kitô Hủ̃u. Chọn Chúa Giêsu chắc chắn là sẽ gây hận thù trong gia đình mình:  “Ai đến vỏ́i tôi mà không dủ́t bỏ  cha mẹ, vọ̉ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nủ̃a thi không thể làm môn đệ tôi đủọ̉c”. Bạn có nghe cải vã trong gia đình không? “Làm sao mà con lại làm nhủ vậy cho cha mẹ? Làm sao mà em lại làm cha mẹ phải xấu hổ vỏ́i bạn bè? Tại sao con lại muốn theo ngủỏ̀i dạy đó, hay theo các Kitô Hủ̃u đó?

Chúa Giêsu muốn các thính giả nghe Ngài suy nghĩ điều Ngài nói. Hãy nên nhủ ngủỏ̀i xây cất, hãy tính toán cẩn thận xem tốn kém bao nhiêu trủỏ́c khi quyết định xây cất. Không nên bắt đầu điều gì mà mình không kết thúc đủọ̉c. Hãy suy nghĩ điều Chúa Giêsu đòi hỏi trủỏ́c khi dấn thân theo Ngài. Hãy nhỏ́ chặng đủỏ̀ng chúng ta đi theo Ngài lên Giêrusalem. Sẽ tốn kém nhiều.  Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải chọn gánh nặng khó khăn cho chúng ta để đi theo Ngài. Nỏi cuối cùng là khổ cụ̉c  “cũng nhủ ai trong anh em không dủ́t bỏ các của cải mình thì không thể là môn đệ của tôi “.

Vậy thì chúng ta có phải đã là ngủỏ̀i theo Chúa Giêsu hay không? Chúng ta đã chịu phép rủ̉a tội. Phần đông chúng ta đã chịu phép rủ̉a lúc còn nhỏ. Chúng ta không phải bị chọn một cách khó khăn mà Chúa Giêsu đòi hỏi nhủ̃ng ngủỏ̀i muốn theo Ngài phải không? Tôi nghĩ là Chúa Giêsu muốn đánh thủ́c chúng ta nhủ̃ng ngủỏ̀i bình thủỏ̀ng. Làm sao chúng ta lại theo thói quen thủỏ̀ng lệ trong đỏ̀i sống đủ́c tin của chúng ta?

Mặc dù mùa hè oi ủ́c sắp qua đi, chúng ta đã bắt đầu mỏ̉ đèn sỏ́m hỏn. Nhủng nếu các bạn nhủ tôi, có nhủ̃ng điều tôi nói tôi sẽ làm đầu mùa hè mà tôi vẫn chủa làm. “Hè năm nay tôi sẽ làm…” Nhủ “đọc sách” mà vẫn chủa đọc. Tôi vẫn chủa tập học thêm tiếng Spanish. Bạn đã làm việc tập luyện thêm mà bạn định làm chủa? Bạn có bỏ́t ăn đồ ngọt, và ăn thêm nhiều rau và trái cây chủa? Bạn đã dọn dẹp kho tủ quần áo và bỏ bỏ́t nhủ̃ng quần áo bạn không mặc chủa? Thôi, đủ̀ng bận tâm, không có gì quan trọng cả, bạn vẫn còn hè năm tỏ́i nữa cơ mà.

Trái lại, hôm nay Chúa Giêsu nói lỏ̀i để nhấn mạnh. Không có chuyện để rồi sau quyết định. Chúng ta phải thay đổi nhủ̃ng điều mà chúng ta không có thì giỏ̀ nghĩ đến. Không nói đến chuyện sau này, đây là chuyện ngay bây giỏ̀. Chúng ta phải suy nghĩ kỹ và cân nhắc quyết định: hôm nay chúng ta trả lỏ̀i Chúa Giêsu nhủ thế nào? Điều rõ ràng trong phúc âm là phải hy sinh để phục vụ một cách. ngay thật Chúa Kitô mà chúng ta gọi là Chúa chúng ta. Mẹ tôi có thể nói: không có việc “nếu” hay “nhưng”.

Một điều chắc chắn là với tư cách là người theo Chúa Kitô, chúng ta không thể để thong thả, chắc là chúng ta không thể nói: “vì sống trong một nước Kitô giáo” , và chỉ theo giá trị của xã hội thôi. Chúa Giêsu nói chúng ta cần phải suy nghĩ chúng ta thuộc về gia đình và đất nước nào. Chúng ta là thành phần của gia đình Chúa Kitô và là dân của Triều Đại Thiên Chúa. Từ bàn tiệc này, chúng ta sẽ tiến thêm một bước nữa, và thề hứa với Chúa Giêsu,  trong tiệc Thánh Thể hôm nay chúng ta dấn thân theo đường lối Ngài.

Chúa Giêsu đòi hỏi các người mới theo Ngài và những Kitô hữu kỳ cựu phải suy nghĩ cẩn thận. Chúng ta không thể ngây thỏ trong việc dấn thân vì Ngài. Chúng ta không thể để thời gian trôi qua. Giá trị cốt nhất là chúng ta phải dựa vào nền tảng là Chúa Giêsu. Và nếu nền tảng đó đòi hỏi chúng ta cần phải hy sinh, tôi muốn nói “nền tảng đó có thể đòi hỏi chúng ta”. Nhưng, không thể do dự về điều Chúa Giêsu đòi hỏi. Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta hy sinh, và cũng nên nói là  sinh đang đòi hỏi chúng ta thì hơn.

Có phải vì thế mà chúng ta họp nhau hôm nay ở đây không? Vì chúng ta cần lương thực để đi chặng đường với Chúa Giêsu lên Giêrusalem chăng? Nguy hiểm luôn luôn xuối chúng ta ra khỏi đường đi. Theo lời Chúa Giêsu, việc làm môn đệ hôm nay sẽ đòi hỏi chúng ta chọn những việc khó khăn như: chọn một bạn đồng hành suốt đời; làm sao dùng những nguyên liệu chúng ta có; phải đáp ứng lại lời Chúa Giêsu gọi giúp đỡ người nghèo khó v.v… Theo Chúa Giêsu không phải là về điều Ngài sẽ đòi hỏi, nhưng là về điều Ngài đang đòi hỏi ngay bây giờ; sống dấn thân trọn vẹn vào Chúa Kitô ngày hôm nay. Chúng ta cần lương thực để đi chặng đường hôm nay. Dó là điều Chúa Giêsu cho chúng ta hôm nay, và ngay bây giờ, và tại đây, trong hiện tại, không có gì ít hơn là Thân Thể Ngài.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP

 

23rd SUNDAY -C- September 4, 2016

Wisdom 9: 13-18; Psalm 90; Philemon 9-10, 12-17;

 Luke 14: 25-33

by Jude Siciliano, OP

Lots of promises are being made during this election cycle. But complaints have been leveled at candidates for not being specific. How exactly are they going to make up for a cut in taxes? What’s going to happen to the 11 million undocumented people living in this country? How exactly do they intend to make the country safer?

People complain that we don’t hear how they are going to solve some of the major issues affecting our country these days. One news analysts suggest that the candidates have been given “talking points” by their campaign managers. The candidates are practiced not to answer a question directly, but to get to the “talking points.” They must stay with the program. Candidates can’t afford to turn their audiences off. They can’t slip-up, especially in nationally televised debates – which we will soon be hearing. How else are they going to get votes and win over a large following?

Imagine a politician talking to a crowd of potential followers, telling them what Jesus told the crowds following him on the road to Jerusalem that day. A campaign manager would have told him, “Listen, you’ve got a large and enthusiastic crowd. Don’t lose them, don’t turn them off!” But Jesus didn’t have polished speechwriters, or campaign managers. He just had the strength and drawing power of himself and his message.

What politician would stand before an audience and tell them, “If you’re going to vote for me, your voting to lose your homes and families. You’ll be deciding to lose what you love best. So, come on, make a choice. Are you going to follow me?” In sum, that’s what Jesus is saying. “Choose me over family, if they are holding you back. Be prepared to give our possessions, if they are holding you back. And, oh yes, be prepared for a nasty death.”

In Jesus’ time people didn’t consider themselves as individuals the way we Americans do, we “rugged individuals.” They got their identity and social standing from belonging to family, clan, village and religious group. It would be unimaginable to cut oneself off from family. It would be like losing one’s life.

The cost of following Jesus might mean tension, even rupture in one’s biological family. In fact, in the early church there were examples of children being turned over to the Romans by their families for being Christians. A choice for Jesus, certainly would seem like hatred towards one’s family. “If anyone comes to me without hating their father and mother, wife and children, brothers and sisters, and even their own life, they cannot be my disciple.” Can you hear the family arguments? “How could you do this to us? How could you embarrass us before our friends? Why would you want to join that rabble, those Christians?

Jesus wants his hearers to ponder what he says. Be like a builder, calculate the cost before you decide to build. Don’t start what you can’t finish. Consider what Jesus is asking before you throw your lot in with him. Remember, the journey we are following him on is going to Jerusalem. It will cost. He is asking us to take on whatever difficult burden we must in order to follow him, and to leave behind what holds us back, or slows us down. The final line lays it out quite starkly: “In the same way, anyone of you who does not renounce all their possessions cannot be my disciple.”

Well aren’t we followers of Jesus already? We have been baptized, most of us as infants. We don’t have to make the hard decisions Jesus is asking those potential followers to make, do we? I think Jesus is trying to jolt us regulars too, to wake us up. How have we fallen into routine and habit in our faith?

Despite the recent heat summer is coming to an end. We have already begun to turn the lights on earlier. But if you’re like me there are things I said I was going to do at the beginning of summer that I never got around to. “This summer I’m going to….” There were “must read” books that are still unread. I never did get around to brushing up on my Spanish. Did you do that extra exercise you said you were going to do? Did you eat less sweets, more fresh vegetables and fruits? Did you clear out the closet and get rid of the clothes you no longer wear? Well, never mind, no big deal. There’s always next summer.

In contrast Jesus uses stark language today to make a point. There is no putting off decisions we must make and changes we have not yet gotten around to. It’s not about later, it’s about now. We must carefully think out and weigh decisions: how are we to respond to Jesus today? What is very clear from the gospel is that it costs to serve completely and utterly this Christ we call Lord. My mother would say, “No if’s and no buts.”

One thing is for sure, as followers of Christ we can’t coast. We certainly can’t say we live in a “Christian country” and just go along with our government and society’s values. Jesus says we have to consider to what nation and family we belong. We are members of his family and citizens of the kingdom of God. At this meal we come forward once again to claim our allegiance to Jesus and in the Eucharist recommit ourselves to his way.

Jesus is asking new followers and long-time Christians for careful consideration. We can’t be naïve in our commitment to him; can’t run on cruise control. Our priorities must be grounded in him and if they are, sacrifice will be asked of us. I was tempted to say “may be asked of us.” But there is no doubt what Jesus is asking of his followers, that sacrifice will be asked of us. Make that the present tense: is being asked of us.

Isn’t that why we gather here, because we need food and drink to stay on the journey with Jesus to Jerusalem? There’s always a danger of compromise, or giving up on the journey. From what Jesus says today discipleship will require us to make difficult choices about: a life partner; how we are to use our resources; our career choice; responding to Jesus’s call to serve the poor, etc. Following Jesus is not about what will be asked of us, but what is being asked of us right now; living our commitment to Christ fully this day. We need food for this journey. That is what Jesus gives us today, here and now, present tense, nothing less than his whole self.

Tab 3 content place

[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*