• Sống liên đới-Lm Anthony Trung Thành
  • Điều ước muộn màng-Trầm Thiên Thu
  • Title 3

SỐNG LIÊN ĐỚI

Lm Anthony Trung Thành

Suy Niệm Chúa Nhật XXVI Thường Niên C

Trong phần sám hối đầu mỗi thánh lễ, chúng ta thường đọc kinh thú nhận: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.” Thật vậy, chúng ta không những phạm các tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm mà còn cả những điều thiếu sót. Điều thiếu sót hay là tội thiếu sót là những tội liên quan đến bổn phận buộc chúng ta phải làm, phải nói mà chúng ta không làm, không nói. Để hiểu hơn về tội thiếu sót, chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài Tin mừng hôm nay.

Thánh Luca kể rằng: “Có một nhà phú hộ kia, vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19). Nhà phú hộ tức là người giàu có. Nhờ đâu mà ông ta giàu có? Chúng ta không biết, vì Tin mừng không nói tới. Đức Giêsu cũng không kết án ông vì tham ô tham nhũng, làm ăn bất chính hay chiếm đoạt tài sản của người khác. Cho nên, sự giàu có của ông không phải là tội. Nhưng tại sao nhà phú hộ này sau khi chết lại phải sa hỏa ngục? Thưa, nhà phú hộ đã mắc tội thiếu sót. Ông giàu có. Ông có khả năng giúp đỡ người nghèo. Người nghèo đó ở bên cạnh ông. Đó chính là ông Lazarô. Nhưng ông đã không quan tâm, không giúp đỡ, không có tình liên đới. Ông sống dửng dưng. Thánh Luca kể tiếp: “Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy” (Lc 16,20-21).

Vì lý do đó, nên ông bị kết án sa Hỏa ngục. Để hiểu hơn điều này, chúng ta nghe lại lời Đức Giêsu nói trong đoạn Tin mừng theo Thánh Mathêu, chương 25 nói về ngày phán xét chung. Chính Đức Giêsu nói với những kẻ bên trái lý do mà họ phải sa Hỏa ngục rằng: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25,42-43). Đức Giêsu giải thích thêm: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”(Mt 25, 45).

Thật vậy, của cải được giao cho con người quản lý. Người được trao năm nén, người được trao hai nén, người được trao một nén (x. Mt 25, 14-30). Ai cũng phải biết làm lời số vốn được giao cho mình. Cách làm lời tốt nhất là phải biết phân phát, chia sẻ. Vì vậy, ai được Chúa trao cho nhiều tiền của phải có trách nhiệm phân phát, chia sẻ cho những người khác. Người khác ở đây chính là những người “nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (x. Lc 14,13). Khi chia sẻ cho người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, không những chúng ta đang thi hành việc bác ái, mà hơn thế nữa, chúng ta đang thi hành trách nhiệm của tình liên đới giữa con người với nhau. Ông Gandhi đã nói rất chí lý rằng: “Những của cải chúng ta dư thừa là chúng ta ăn cắp của người nghèo.”

Có nhiều cách để chia sẻ: chúng ta hãy rộng tay chia sẻ cho người nghèo khi họ đến với chúng ta; có khi chúng ta đi tìm người nghèo để chia sẻ cho họ; có thể chúng ta đóng góp phần mình vào các hội từ thiện bác ái trong Giáo Hội hay ngoài xã hội… Nghĩa là chúng ta luôn chớp lấy cơ hội đến với mình, đồng thời có khi phải tạo cơ hội cho mình để phân phát, chia sẻ những gì chúng ta có cho những người nghèo, tàn tật, đui mù. Có như thế, chúng ta mới tránh được tội thiếu sót mà nhà phú hộ trong câu chuyện Tin mừng hôm nay mắc phải.

Còn ông Lazarô, có phải ông nghèo khó nên được lên Thiên đàng không? Chắc chắn không phải như vậy? Nguyên việc nghèo đói không bảo đảm cho con người được lên Thiên đàng. Trái lại, nếu vì lười biếng làm chúng ta trở nên nghèo đói, từ đó sinh ra trộm cắp, gian lận, phàn nàn kêu trách Chúa…thì lại càng không được lên Thiên đàng. Cho nên, ông Lazarô được lên Thiên đàng không phải vì ông nghèo khó, nhưng ông sống tốt bổn phận của ông trong hoàn cảnh nghèo khó. Mặc dầu nghèo khó, nhưng ông không trộm cắp, không gian lận. Ông vẫn sống tinh thần nghèo khó. Ông phó thác hoàn toàn vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ông không phàn nàn kêu trách Chúa. Nên ông đã được lên Thiên đàng.

Thời đại nào cũng có những người giàu. Đất nước nào cũng có những người sở hữu cả khối tài sản khổng lồ. Có thể họ giàu là do chính sức lao động của họ làm nên. Cũng có thể họ giàu là do thừa kế của ông bà cha mẹ. Nhưng, vẫn có những người giàu có là do nạn tham ô tham nhũng. Đặc biệt tại đất nước Việt Nam chúng ta, có những vụ tham nhũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Theo báo cáo tóm tắt của Tổng thanh tra chính phủ cho biết trong 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Đến nay số tiền đã thu hồi cho nhà nước là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất (Theo tuoitre.vn). Mới đây, hồ sơ đại án Phạm Công Danh, cựu chủ tịch ngân hàng xây dựng cho biết, ông đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng (Theo Trí Thức Trẻ).

Trong khi đó, rất nhiều người không có gì ăn, trẻ em suy dinh dưỡng, nhiều người phải chết đói. Nhiều trẻ em không có điều kiện để đến trường. Câu chuyện cậu bé Ksor Sôn (lớp 6, Trường THCS Trần Phú), 11 tuổi tự tử vì không có quần áo mới để đến trường là một ví dụ điển hình. Em sinh ra trong một gia đình quá khó khăn, Sôn không có nổi 1 bộ đồ mới chỉ hơn 100 ngàn đồng để nhập học, tủi thân rồi tìm đến cái chết. Rồi chuyện hai người nghèo ở Sơn La chết ở bệnh viện, người nhà không có tiền thuê xe, phải cuốn chiếu chở bằng xe máy đưa về nhà…Xem ra xã hội chúng ta đang sống vẫn còn nhiều nhà phú hộ và ông Lazarô.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Thứ nhất, hãy biết sống tình liên đới, chia sẻ: Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tình liên đới sẽ vượt thắng được mọi khủng hoảng.” Nếu chúng ta may mắn là người giàu có, hoặc có của cải dư thừa…Đó là cơ hội để chúng ta sống tình liên đới, chia sẻ với những người nghèo khó, những người kém may mắn hơn chúng ta.

Thứ hai, hãy quyết tâm sống thanh liêm. Nếu phải sống trong cảnh nghèo khó không được trộm cắp, gian lận, không phàn nàn kêu trách Chúa. Cổ nhân dạy chúng ta: “Đói cho sạch, rách cho thơm.”

Thứ ba, hãy làm những gì khi còn có thể: có nhiều người sống như không bao giờ chết. Chính vì thế, họ chỉ lo tích trử chứ không biết chia sẻ. Khi chết rồi họ mới hối hận về cuộc sống của mình giống như nhà phú hộ. Vậy, hãy làm những gì khi còn có thể.

Lạy Chúa Giêsu, xin đẩy xa xã hội chúng con đang sống nạn tham ô, tham nhũng. Xin cho những người giàu biết rộng lòng chia sẻ của cải cho người nghèo. Xin giúp chúng con luôn thấy được, nghe được, cảm nghiệm được sự nghèo khó của những người kém may mắn trong xã hội, để chúng con luôn biết sống tinh thần liên đới, rộng tay ban phát và chia sẻ những gì có thể cho họ. Amen.

ĐIỀU ƯỚC MUỘN MÀNG

Trầm Thiên Thu

Chúa Nhật XXVI TN, năm C

Không ai lại không có mong muốn hoặc mơ ước, dù chỉ là những mơ ước bình thường. Vì không có, vì thiếu hoặc vì ưa thích cái gì đó nên chúng ta mơ ước. Mơ ước cũng có thể xấu hoặc tốt. Cẩn tắc vô ưu!

Voltaire (1694-1778, tên thật là François-Marie Arouet, nhà thần luận kiêm triết gia người Pháp) xác định: “Chúng ta không thể mong ước điều mình không biết”. Câu nói đơn giản mà chí lý. Thật vậy, không ai lại mơ ước cái mà mình không hề biết nó thế nào. Rõ ràng điều ước đó là ngu xuẩn!

Mơ ước phải LỚN HƠN nỗi sợ hãi. Có vậy chúng ta mới dám làm những gì cần thiết để đạt được mơ ước – dĩ nhiên ở đây chỉ đề cập mơ ước tốt lành mà thôi.

Mơ ước và số phận có hệ với nhau theo chuỗi lô-gích: Có suy nghĩ mới có mơ ước, mơ ước nên cần nói ra, lời nói sẽ dẫn tới hành động, hành động sẽ tạo nên thói quen, thói quen sẽ hình thành tính cách, tính cách sẽ hóa thành số phận. Có thể “so sánh” số phận chính là định mệnh.

Sống sao chết vậy. Đó là một hệ lụy tất yếu. Sống xả láng, chơi bời trác táng, ăn uống thỏa cơn thèm, chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Món này ngon, nhưng không phải ai cũng ăn được. Tâm linh cũng thế, cần kiêng cái này và phải cữ cái nọ!

Qua miệng ngôn sứ A-mốt, Thiên Chúa đã cảnh cáo: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Sion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari” (Am 6:1a). Thiên Chúa chúc dữ cho những người nhàn hạ như vậy, còn người ta nói: “Nhàn cư vi bất thiện”. Thế thì nhàn đâu có sướng, sướng đâu có thích, thích đâu có khỏe. Tại sao? Ăn ngon thì sinh bệnh, bị bệnh thì không khỏe, không khỏe thì bao nhiêu tiền cũng chẳng mua được. Thảo nào tiền nhân đã ví von chí lý: “Sức khỏe là vàng”. Loại vàng này còn quý hơn loại vàng ròng hoặc vàng “bốn số chín” đấy!

Phong cách của những người sống xả láng được Kinh Thánh mô tả thế này: “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đa-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ! Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!” (Am 6:4-7). Và hệ lụy tất yếu cũng đã xảy ra. Đối với cuộc đời của chúng ta cũng vậy, điều gì đến cũng PHẢI đến – đã đến, đang đến hoặc sẽ đến! What will be will be – Que sera sera!

Về phương diện xã hội, người ta thường phân chia thành ba giai cấp: thượng lưu, trung lưu, và hạ lưu. Tóm gọn và đơn giản hóa, chúng ta có thể chia làm hai giới: giàu và nghèo. Người ta chỉ thích người giàu, không ai thích người nghèo – vì sợ “hãm tài”. Nhưng Thiên Chúa lại trái ngược và đối lập với chúng ta.

Thiên Chúa như thế nào? Tác giả Thánh Vịnh cho biết rõ về phong cách của Ngài: “Thiên Chúa xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146:7-9).

Đôi khi người ta tự mâu thuẫn, họ biết rõ điều gì đó tốt lành và đáng mơ ước, thế nhưng người ta lại không làm. Chẳng hạn, ai cũng biết việc vận động thể lý là điều cần thiết để sống khỏe nhưng có mấy ai kiên trì áp dụng? Đến lúc đuối sức rồi mới mơ ước. Muộn rồi! Tài năng thiên phú cũng cần được trau dồi, phải khổ luyện không ngừng.

Cách sống tâm linh cũng tương tự, tức là cũng phải không ngừng vận động – tránh điều xấu, làm điều tốt. Nói với Timôthê, ông Phaolô khuyên nhủ thiết tha: “Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà. Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng. Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Kitô Giêsu là Đấng đã làm chứng trước toà tổng trấn Phongxiô Philatô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp” (1 Tm 6:11-13). Đó cũng là lời khuyên dành cho mỗi chúng ta.

Ông Phaolô truyền lệnh cho Timôthê, đồng thời cũng là lời giải thích và xác định: “Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện. Đấng sẽ cho Đức Kitô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời” (1 Tm 6:14-16).

Thiên Chúa giàu có nhất nhưng tự nguyện trở nên nghèo khó nhất, nhờ đó mà chúng ta được giàu sang. Thiên Chúa dũng mãnh nhất nhưng tự nguyện trở nên yếu đuối nhất, nhờ đó mà chúng ta được vững mạnh. Khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối thì Ngài sẽ ban sức mạnh cho chúng ta, khiêm nhường nhận biết mình tội lỗi thì Thiên Chúa sẽ thứ tha, khiêm nhường nhận biết mình nghèo hèn thì Ngài sẽ làm cho chúng ta giàu sang.

Giàu không có tội, nhưng có thể là mối nguy. Nghèo chưa hẳn là phúc nếu không trong sạch, và nghèo vẫn có thể là mối nguy nếu trộm cướp vì viện cớ là mình nghèo. Thái quá hóa bất cập. Tác giả sách Châm Ngôn đã khôn ngoan cầu nguyện: Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài. Nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con” (Cn 30:8-9).

Trình thuật Lc 16:19-31 nói về dụ ngôn “Ông Nhà Giàu và Anh Ladarô Nghèo Khó”. Dụ ngôn cho biết có một người giàu sang, mặc toàn đồ “hàng hiệu”, đi xe hơi xịn, ở biệt thự sang trọng, và ngày nào cũng tiệc tùng linh đình. Ngoài cổng biệt thự nhà ông có anh chàng Ladarô nghèo khó, mụn nhọt đầy mình, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông nhà giàu rớt xuống mà ăn cho no cũng không được. Vừa khổ vừa đói đã đành, đằng này lại có mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc trên thân thể của anh ta. Nghèo tới tận cùng bảng số, nghèo đến nỗi cũng chẳng có mồng tơi mà rớt!

Sinh ký, tử quy. Thế rồi cả người nghèo và người giàu đều chết. Người nghèo được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham, còn người nhà giàu phải vào chốn khổ hình đời đời. Tội của ông không phải là giàu sang phú quý, mà là tội phung phí tiền bạc vào những lạc thú trần gian vô bổ, là tội không biết xót thương người nghèo. Sướng trước rồi thì bây giờ phải nhường cái phúc cho người khác. Đó là hệ lụy công bình mà thôi!

Đang khi chịu cực hình từ dưới âm phủ, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta xin tổ phụ Ápraham thương xót mà sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi để làm mát ông, vì ông bị lửa thiêu đốt khổ lắm. Khổ rồi mới biết sợ, nhưng sự hối hận đã quá muộn màng!

Ông Ápraham phân tích chi tiết: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”. Hai cuộc đời có hai cách sống khác nhau, thế nên hệ quả cũng hoàn toàn khác nhau.

Cầu cứu cho mình không được, ông nhà giàu bèn cầu cứu cho thân nhân. Ông xin Tổ phụ Ápraham sai anh Ladarô đến nhà ông báo hung tin cho năm người anh em của ông mà chấn chỉnh cách sống, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình như ông. Nhưng ông Ápraham đáp: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Ông nhà giàu nói rằng họ sẽ không chịu nghe, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ thì họ sẽ ăn năn sám hối. Lắm chuyện, lắm lời, lắm lý lẽ quá!

Ông Ápraham xác định: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”. Đúng vậy, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, thấy quan tài rồi thì không kịp đổ lệ nữa. Có biết bao lời cảnh báo, nhưng người ta chỉ sợ khi mới nghe, vài ngày là quên ngay, rồi đâu vẫn vào đấy!

Qua dụ ngôn này, chúng ta thấy Thiên Chúa đề cao lòng trắc ẩn, đề cao đức ái, vì đức ái là đức mến – một trong ba nhân đức đối thần (Tin – Cậy – Mến). Đức ái cao trọng hơn cả (1 Cr 13:13), vì đức mến tồn tại ở cả đời này và đời sau – đức tin và đức cậy không còn ở đời sau nữa.

Đức ái còn quan trọng bởi vì chúng ta “làm gì cho những người bé nhỏ là làm cho chính Thiên Chúa” (Mt 25:40). Mẹ Thánh Teresa Calcutta đã thực hiện như vậy. Mẹ nói về cách yêu thương: “Quan trọng không phải chúng ta cho đi bao nhiêu, mà là chúng ta dành bao nhiêu sự yêu thương để cho đi. Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhoi với tình yêu vĩ đại”. Người Việt chúng ta cũng có cách nói tương tự: “Của cho không bằng cách cho”.

Hai con người nhưng có ba điều ước: [1] Ladarô mơ ước chút thực phẩm thừa mà không được, [2] người nhà giàu mơ ước những giọt nước để làm dịu cơn nóng bức mà không được, [3] người nhà giàu mơ ước có người chết về báo cho thân nhân nhưng cũng không được. Điều đáng lưu ý là mơ ước [2] và [3] của người nhà giàu, vì những điều ước của ông ta quá muộn màng rồi, không thể được nữa!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết mền yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, xin làm cho con trở nên ánh sáng của Ngài và khí cụ bình an của Ngài, xin biến ước muốn tốt lành của con thành hiện thực để vinh danh Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

 

ÂN HẬN

Trầm Thiên Thu

William Cowper (1731-1800, Anh quốc), thi sĩ và nhạc sĩ viết Thánh Ca, nhận xét: “Vinh quang xây trên nền tảng ích kỷ là nỗi hối hận và sự xấu hổ”. Nhà có tốt mấy mà nền dở sẽ nguy hiểm. Ân hận thôi!

Ân hận (ăn năn, sám hối, hối hận, hối tiếc) là cảm giác ray rứt về sai lầm hoặc tội lỗi của mình. Sự ân ận rất cần thiết. Sự ân hận thường đồng nghĩa với sự muộn màng, nhưng với Thiên Chúa thì không hề muộn, vì lòng thương xót của Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi tội nhân. Nhưng nỗi ân hận sẽ muộn màng nếu chúng ta đã chết!

Trình thuật Lc 16:19-31 cho chúng ta biết về “nỗi ân hận muộn màng” này. Đó là dụ ngôn “Phú Hộ và Ladarô” – một người giàu có hoang phí và một kẻ nghèo khổ khốn cùng.

Người ta gọi đó là Định Mệnh hoặc Số Phận, nhưng hãy nhớ rằng Thiên Chúa không tiền định điều xấu. Cái mà chúng ta gọi là định mệnh đó là do chúng ta “chiều xác thịt”, thích đường rộng và trải thảm nhung chứ không muốn đi vô đường hẹp và gập ghềnh, ưa vác “cây vàng” chứ không muốn vác cây thập giá. Hệ lụy có thế nào thì âu cũng là sự công bình mà thôi. Lỗi tại tôi mọi đàng!

Đẹp hay xấu, to hay nhỏ, già hay trẻ, giỏi hay dốt, cao hay thấp (nghĩa đen và nghĩa bóng), giàu hay nghèo,… ai cũng phải qua ải tử. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng trường sinh bất tử (1 Tm 6:16). Thánh Phaolô cho biết rõ ràng: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9:27). Thánh sử Luca tường thuật dụ ngôn “người giàu và kẻ nghèo” khá chi tiết. Chúng ta cùng đọc lại:

Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên:

– Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!

Ông Ápraham đáp:

– Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

Ông nhà giàu nói:

– Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!

Ông Ápraham đáp:

– Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ thì chúng cứ nghe lời các vị đó.

Ông nhà giàu nói:

– Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ thì họ sẽ ăn năn sám hối.

Ông Ápraham đáp:

– Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.

Dụ ngôn này như một bộ phim, tuy ngắn gọn nhưng súc tích, mô tả cả một quãng đời dài của hai con người. Một người “đẻ bọc điều” với tràng hoa quấn cổ, cứ “vô tư” sống ung dung tự tại mà tận hưởng ngày tháng sung túc, chẳng phải lo lắng, chẳng phải động gì đến cái móng tay; còn một người khốn khổ cả đời, không một chút thảnh thơi nào, chỉ mơ ước những thứ đơn giản nhất mà cũng không có, chỉ thèm khát những thứ thừa thãi của người khác cũng không được.

Vì giàu mà “có” – giàu có, vì nghèo mà “khổ” – nghèo khổ. Và còn hơn thế nữa: Vì NGHÈO mà KHÓ, vì KHÓ mà KHỔ, vì KHỔ mà NHỤC. Đối với con người, ai giàu thì được trọng vọng, đưa đón, nịnh bợ, và được gọi là “người”, là “ông”, là “đại gia”,… còn ai nghèo thị bị khinh miệt, ghét bỏ, xa tránh, miệt thị, và bị gọi là “kẻ”, là “thằng”, là “đứa”, là “nó”,… Ôi, thế thái nhân tình!

Hai con người, hai hoàn cảnh. Theo cách nhìn của phàm nhân, đó là một người KHÔN và một kẻ KHỐN. Khôn và Khốn đều bắt đầu bằng vần “khờ”. Ngày xưa, người ta có Khôn hay Khốn cũng vẫn “ca hát”, còn ngày nay có Khôn hay Khốn cũng đều “khờ” cả thôi! Tuy nhiên, dù “ca hát” hay “khờ” thì vẫn có điều khác biệt giữa đôi bên: được cái này, mất cái kia – hoặc ngược lại. Thiên Chúa chí công!

Ngày xưa, tại nhà ông Simon Cùi, khi có một phụ nữ tội lỗi ngồi khc1 nức nở bên chân Chúa Giêsu, nhiều người thấy “ngứa mắt” nên đã đã “ngứa óc” và “ngứa miệng” mà xì xầm bàn tán với nhau. Thấy vậy, Chúa Giêsu đã nói với các thực khách hôm đó: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em” (Mt 26:11; Mc 14:7; Ga 12:8).

Thật vậy, người nghèo rất nhiều, nhiều hơn chúng ta tưởng, và họ cũng nghèo hơn chúng ta tưởng – mọi nơi và mọi lúc. Có những hoàn cảnh nghèo khổ tới mức mà chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi. Họ là những người “bé mọn” mà Chúa Giêsu luôn quan tâm một cách đặc biệt. Mẹ Thánh Teresa Calcutta là người đã thực hiện đúng ý Chúa theo nghĩa đen: phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo. Ai làm gì cho họ là làm cho chính Chúa Giêsu (Mt 25:40).

Nói về Ông Phú Hộ và Chàng Ladarô Nghèo Khổ, chúng ta thấy có sự cách biệt rõ ràng, một trời một vực. Khoảng cách đó gần mà xa lắc xa lơ, nhỏ hẹp mà rộng thênh thang, như hai đường thẳng không bao giờ đồng quy. Khoảng cách đó là sự kỳ thị giai cấp, người ta cứ bảo “xóa đói, giảm nghèo” nhưng chỉ là “chiến dịch”, là “phong trào”, rồi đâu lại vào đó: Nguyễn Y Vân và Vũ Như Cẩn (vẫn y nguyên, vẫn như cũ). Lũ giàu sụ lại càng tham ô hơn để giàu thêm, còn đám dân nghèo lại càng khổ hơn vì bị bọn tham quan bóc lột tới xương tủy thì lấy gì mà họ có thể sống cầm hơi nữa? Đến gói mì tôm mà bọn quan làng xã cũng chia nhau thì đúng là tàn nhẫn hết nước nói.

Đó là sự sung sướng trước mắt, hiện tại. Họ là những người Khôn Khéo lắm! Ông phú hộ cũng rất thỏa mãn với những gì ông được tận hưởng. Với đám người trọc phú và gian ác này, nỗi ân hận của họ hóa muộn màng. Ông phú hộ là gương điển hình, là lá cờ đỏ và là tiếng chuông báo động để cảnh báo cho những ai chỉ thích vác “cây vàng” và đùn đẩy cây thập giá cho người khác.

Sau khi giã biệt trần thế, ông phú hộ không chịu nổi sức nóng của lửa-đời-đời nên cầu cứu Tổ phụ Ápraham cho vài giọt nước làm dịu cơn nóng bức, nhưng không thể, vì đó là sự công bình của Thiên Chúa: sướng trước, khổ sau – hoặc ngược lại.

Thất vọng về giải pháp cho mình, ông phú hộ nhớ tới thân nhân của ông đang sống xa hoa trên trần thế, và ông xin Tổ phụ Ápraham cho người về báo mộng để cảnh báo họ, nhưng cũng vô ích. Không ai có thể làm sai Luật Công Bình của Thiên Chúa. Ông phú hộ bị án phạt không phải vì ông giàu có, mà vì ông không biết thương xót người nghèo, không biết dùng tiền của để làm việc thiện. Ông ta GIÀU vật chất nhưng lại NGHÈO tình thương. Ông ta mới là Kẻ Khốn Khổ (3K).

Số phận có thể là định mệnh được an bài, nhưng số phận cũng có thể là định mệnh do chính mình tạo nên, nhưng người ta vẫn có thể thay đổi số phận khi sinh thời. Đức năng thắng số. Vâng, sự thật là thế! Và rồi chắc chắn ai cũng một lần đối diện Tử Thần, đó là lúc lâm chung. Giàu có cỡ nào cũng không thể mua được chút sức khỏe hoặc sự sống, tài năng tột đỉnh cũng hoàn toàn chịu thua, y khoa hiện đại nhất cũng chẳng làm gì được.

Cái chết là “ngưỡng” rất đặc biệt, dứt khoát, rạch ròi, phân minh, và số phận không thể thay đổi được nữa! Mọi động thái đều vô nghĩa, mọi nỗ lực đều vô ích. Tất cả là con số KHÔNG rất tròn, rất to và rất trống rỗng. Hãy giật mình trước khi quá muộn!

Ông phú hộ và chàng Ladarô là hai cuộc đời điển hình, hai con người này có hai cách sống, cách biệt nhưng họ vẫn bình đẳng về giá trị nhân vị và nhân phẩm, tất nhiên cũng có hai hệ quả khác biệt: “Những người bất chính ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25:46).

Trong Tân Ước, chúng ta thấy có một trường hợp đặc biệt kịp sám hối ngay trước lúc chết: Tướng cướp Dismas, người cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu trên Đồi Ca-vê chiều xưa, chúng ta quen gọi là “người trộm lành”. Ngay cả người cùng bị đóng đinh kia biết mình sắp chết mà vẫn ngang ngược, không chịu ăn năn, thậm chí còn hùng hổ thách thức Chúa Giêsu nữa. Vì thế, đừng tưởng mình cứ xả láng, đợi đến lúc lớn tuổi hoặc gần chết rồi tính. Tai nạn giao thông, thiên tai, cảm gió,… đủ dạng chết bất ngờ. Liệu có thể tính kịp không?

Chẳng ai biết tương lai ra sao, ngày mai thế nào, thậm chí chỉ là lát nữa thôi. Thế thì không có gì hơn là tỉnh thức và sẵn sàng như năm cô khôn ngoan, luôn chuẩn bị đầy đủ dầu yêu thương và đèn đức tin theo lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25:1-13). Như vậy có nghĩa là phải biết ân hận ngay bây giờ, đừng để nỗi ân hận hóa muộn màng.

Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai. Có ý nói rằng thánh nhân cũng đã từng là tội nhân, và tội nhân vẫn khả dĩ trở nên thánh nhân. Để nỗi ân hận không hóa muộn màng, bí quyết là ĐỪNG bao giờ tuyệt vọng, và hãy chân thành TÍN THÁC vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Sống sao thì chết vậy, gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Người ta gọi đó là “luật nhân – quả”, và đó là sự công bình, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh (Lv 11:45; Lv 19:2; Lv 20:26; Lv 21:8), là Đấng Công Chính (Ga 17:25), là Đấng Công Minh (Hc 5:3; Br 2:6; Br 2:9; Đn 9:14), là Đấng Trung Tín (2 Tx 3:3). Ngài là Tình Yêu (1 Ga 4:8 & 16) nên chúng ta cũng PHẢI yêu thương nhau, thương xót nhau.

Lạy Thiên Chúa chí công và chí thiện, xin giúp con biết Chúa, biết người và biết chính con để có thể thi hành đúng Luật Yêu Thương của Ngài. Xin giúp con luôn biết tận dụng mọi thứ đúng với Thánh Ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

Tab 3 content place

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*