• Ông Da-kêu hoán cải-Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
  • Hãy Thương Xót Như Cha Trên Trời-Lm Nguyễn Văn Độ
  • Quyết Tâm-Trầm Thiên Thu
  • Hai suy tư-Mai Tá
  • Title 2
  • Title 3

ÔNG DA KÊU HOÁN CẢI

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chúa Nhật XXXI THƯỜNG NIÊN, năm C Lc 19, 1-10

Ông Da-kêu hoán cải

Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta đọc đoạn Tin Mừng 19, 1-10 của thánh Luca nói về ông Da-kêu. Đây là một câu chuyện hết sức dí dỏm và cảm động. Bởi vì, ông Da-kêu là người thấp bé, nên không thể chen lấn với đám đông để gặp Chúa Giêsu mà đã từ lâu ông nghe tiếng và hết sức kính nể…Thấp bé có nghĩa là lùn, Da-kêu lại là người giầu có, và là trưởng nhóm người thâu thuế. Mường tượng dáng dấp ông Da-kêu, chúng ta sẽ cười vì ông này bé quá, nhỏ quá. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hết sức cảm động vì lòng nhiệt thành, thiện chí của ông Da-kêu, muốn thấy cho bằng được Chúa Giêsu…

Da-kêu thật sự muốn gặp gỡ Chúa. Ông quyết định chạy trước đám đông và trèo lên một cây sung để khi Chúa đi ngang qua đó, ông sẽ có thể nhìn thấy Chúa Giêsu. Nhìn điệu bộ, cử chỉ, dáng dấp của ông Da-kêu, chắc chắn tất cả mọi người đều buồn cười nhưng lại hết sức cảm động.

Tin Mừng cho hay nghe danh Chúa Giêsu, ông Da-kêu đem lòng kính phục, nhưng ông không thể nào gặp được Chúa vì đám đông đi theo Chúa, thân hình của ông lại thấp lùn, nên chỉ còn phương cách là leo lên cây mới có hy vọng nhìn thấy Chúa đi ngang qua. Thực tế, đây là một thiện chí hết sức chân thành của Da-kêu, chúng ta hoàn toàn trân trọng và cảm thông với Da-kêu.

Chúa Giêsu khi đi ngang qua qua chỗ ấy, Tin Mừng viết, Người nhìn lên và nói với ông :” Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông “. Chúa nói như vậy vì Ngài nhìn thấy thiện chí, và lòng ước muốn của ông. Cái trớ trêu là những người đi theo Chúa Giêsu thấy vậy thì xầm xì, xoi mói, phê phán sao Chúa lại vào nhà người tội lỗi, người mà những người Do Thái thời đó coi như kẻ tội lỗi, thông đồng với ngoại bang để đè đầu bóp cổ người đồng hương, thờ ngẫu tượng và bóc lột đồng bào. Nhưng đối với Chúa Giêsu, đây là sứ mạng của Người vì Người đến để cứu vớt, để cứu sống chứ không phải để giết chết. Người đến kêu gọi những kẻ tội lỗi, chứ không để kêu gọi những người công chính. Người nói :” Người đau ốm mới cần đến thầy thuốc…”.Người đến để kêu gọi, cứu vớt những người tội lỗi biết ăn năn, hối cải.

Đọc đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, chúng ta nhận ra lòng thương xót của Chúa. Trong khi đám đông, và nhiều người không màng gì tới sự có mặt của Da-kêu. Họ coi như Da-kêu không là gì, không có ở đó.Chúa Giêsu đã tỏ ra rất người, rất chân tình, Chúa đi qua chỗ ấy, nhìn lên, nói với ông. Đây là những cử chỉ và thái độ rất đơn giản của Chúa Giêsu. Chúa cho chúng ta hiểu đây không phải là cuộc viếng thăm xã giao của Chúa, nhưng câu nói :” Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông “, nhằm nói lên sứ mạng cứu rỗi của Người. Sứ mạng này, Chúa Giêsu đã bắt đầu tại Nadarét và qua việc Người khai mạc sứ vụ công khai của Người bên dòng sông Giorđanô.Sứ mạng của Người là cứu vớt, làm cho sống, Người quan tâm ưu tiên đến những người nghèo và những kẻ tội lỗi.Vâng, chính cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Da-kêu đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời của ông, Qua ông cả gia đình của ông và nhiều người cũng được biến đổi. Đây là cuộc gặp gỡ ân sủng. Từ một con người bị coi là tội lỗi đầy mình, một kẻ phản quốc vì thông đồng với Đế quốc Roma để bóc lột đồng bào, Da-kêu đã trở nên người như lòng Chúa mong muốn. Ông đã trở nên người có trách nhiệm, xin đền gấp bốn cho những ai ông đã bóc lột, thu vén, trở nên người biết chia sẻ, sống bác ái khi chia phần nửa gia tài ông có cho người nghèo; và rồi, ông trở nên người công chính nhờ lời hứa ban ơn cứu độ của Chúa Giêsu :” Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này “.

Ơn cứu độ được trải rộng đến cho mọi người.Chúa không muốn bất cứ ai bị hư đi…Ơn cứu độ là sự đáp trả thành tâm của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Ông Da-kêu đã được thay đổi, được biến đổi thật sự nhờ cuộc gỡ với Chúa Giêsu. Nhờ cuộc gặp gỡ yêu thương, đầy ân sủng này, Da-kêu đã trở nên quảng đại, bác ái và yêu thương. Chúng ta cũng được Chúa mời gọi đến gặp gỡ Người. Liệu chúng ta có nhiệt thành, quảng đại và mau mắn đi tìm gặp Chúa hay không ? Chúng ta có thái độ và cử chỉ như Da-kêu khi gặp gỡ Chúa Giêsu hay không ?

Chúng ta phải sốt sắng đi tham dự, hiệp dâng thánh lễ, năng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt bí tích hòa giải, bí tích Mình Máu Chúa…cầu nguyện, suy niệm lời Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ được biến đổi và nhận lãnh ơn cứu độ.Chúng ta có mau mắn đi gặp Chúa để Chúa biến đổi chúng ta chưa ? Chúng ta có sống quảng đại, làm việc thiện hay ham mê của cải, sống tham lam ích kỷ ?.

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi đời sống chúng con. Xin sai Thánh Thần Chúa đến để cứu giúp chúng con hầu chúng con luôn biết sống đạo đức, thánh thiện và xa lánh tội lỗi. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Ông Giakêu là ai ? 2.Tại sao Chúa Giêsu lại ghé nhà ông Giakêu ? 3.Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông Giakêu đã đem lại gì cho ông ?

HÃY THƯƠNG XÓT NHƯ CHA TRÊN TRỜI

Lm Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Năm – C (Lc 19, 1-10) Vào lúc Giáo Hội đang chuẩn bị đóng Cửa Thánh bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, phụng vụ Lời Chúa lại vang lên như tiếng chuông nhắc bảo chúng ta chiêm ngắm Lòng Thương Xót và thực thi lòng thương xót.

Chúa thương xót mọi loài, và yêu thương mọi tạo vật (x.Kn 11,21-26). Thương xót đến đô “nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người …không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa tác thành” (Kn 11, 23). Lòng thương xót ấy được cụ thể hóa nơi hành động của Chúa Giêsu đối với tội nhân và những người cùng khổ, Ðấng đã khẳng định rằng Người đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng để kêu gọi những người tội lỗi (x. Lc 5,32). Trình thuật về cuộc hoán cải của ông Giakêu trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay là một bằng chứng (x. Lc 19, 1-10).

Giakêu, người thấp bé. Đây không phải là một chuyện nhỏ, nhưng là một nỗi đau đối với ông. Trong trí ông luôn mang trong mình sự ảm ảnh mình bị chế giễu và loại trừ, ông là người đau khổ. Ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để trả miếng : thậm chí trở thành người thu thuế cho ngoại bang. Đây là nghề không lành mạnh, dễ bị loại ra khỏi đời sống tôn giáo và xã hội, vì thông đồng với người Rôma, kẻ chiếm đóng và bóc lột đồng bào. Nhưng điều đó không quan trọng đối với ông, ông biết, ông có thói quen bị loại trừ. Trở thành một viên thu thuế quyền thế giàu có. Giakêu, như những người khác, đã thu về một khoản tiền lớn từ bàn thu thuế, nhưng sự yêu mến tiền bạc không phải là động lực chính của ông, ông muốn có được sức mạnh trên những kẻ coi thường ông. Vì thế, ông xa cách họ, tránh xa các cuộc tấn công của họ, và ở trên họ.

Nhưng điều trên không làm cho Giakêu chìm vào bóng tối. Con người biết tính độc ác đích thực của mình. Trong sâu thẳm của coi lòng, có cái gì đó lợi hơn : khát khao Thiên Chúa. Giakêu là người con của lời hứa và Thiên Chúa đã không quên ông. Thế là, Chúa Giêsu rảo khắp các ngả đường, giảng dạy trong hội đường. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu thấu đến tai Giakêu như cá gặp nước, củi khô gặp lửa. Người đã nhóm lên trong lòng Giakêu ngọn lửa không hề bị dập tắt từ Thiên Chúa. Giakêu, kẻ thu thuế đã nghe nói về các phép lạ của Đấng Tiên Tri, và rằng Chúa Giêsu không bao giờ từ chối những người tội lỗi. Ông chộp lấy cớ hội, quyết định tiến lại gần Chúa Giêsu.

Để đến được với Chúa Giêsu không phải là dễ, ông gặp phải sự cản trở của bản thân vì thấp bé, của đám đông. Họ sẽ nhận ra và lại chế giễu ông thấp bé, quyền lực, giàu có, bóc lột đồng bào. Họ sẽ khinh thường ông, làm cho ông xấu hổ, báo thù khơi dậy báo thù. Nhưng Giakêu không bỏ lỡ cơ hội, ông sẽ thấy Chúa Giêsu đang đến gần, không gì có thể cản trở ông được.

Vì thế, ông trèo lên cây, ẩn mình trong những tán lá để xem Chúa Giêsu mà không bị ai nhìn thấy, ông tìm cách tiếp cận, với hy vọng những tán lá sẽ bảo vệ ông khỏi đám đông. Nhưng Chúa Giêsu đi ngang qua. Người tiến lại gần, ngước mắt nhìn ông và gọi “Giakêu”. Giakêu có nghĩa là “Chúa nhớ lại”. Thiên Chúa nhớ đến kẻ yếu người nghèo, với lòng thương xót “Giakêu, hãy xuống mau” (Lc 19,5).

Cố gắng của con người xem ra vô dụng, khi dùng cả sức mạnh của mình để vươn lên tới Chúa, tới Trời : “các ngươi sẽ nên như các thần” con rắn cám dỗ Ađam như thế. Giakêu khi ở trên cao, ông khám phá ra rằng để có được điều ông tìm kiếm, ông phải đi xuống. Thiên Chúa đã hạ mình xuống với con người. Thiên Chúa đã trở nên thấp và nhỏ bé, ở dưới gốc cây. Giakêu vui sướng thấy Chúa.

Chúa Giêsu đã giao hòa Giakêu với Thiên Chúa, và với mọi người. Tiếng gọi của Chúa Giêsu đặt Giakêu vào giữa cộng đoàn, khiến ông quên đi sự báo thù, mở lòng ra để đón nhận ơn tha thứ, niềm vui này Giakêu chia sẻ với anh em. Chúng ta đừng có nhầm : Giakêu không vứt bỏ tiền vì đã gặp được Chúa, ông không còn thích nữa. Chính sự dâng cúng này, Giakêu cho thấy ông không còn cần quyền lực để bảo vệ mình giữa mọi người nữa. Cuối cùng, ông đã nhận ra họ là anh em. Trước kia ông sống trong cô đơn, nay ông khám phá ra niềm vui của một tình yêu sâu thẳm vô điều kiện ở nơi Chúa Giêsu. Vì vậy, hạnh phúc của ông là đáp lại anh em mình, bằng cách chia sẻ tài sản của ông, mở ra một mối quan hệ mới với họ, dựa trên công lý.

Trong một văn bản khác của Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định rằng, người giầu rất khó vào Nước Trời (x. Mt 19,23). Trong trường hợp của ông Giakêu, điều xem ra không thể, lại được thực hiện: thánh Girolamo giải thích rằng “ông Giakêu đã cho đi sự giầu có của ông và lập tức thay thế nó bằng sự giầu có của nước trời” (Bài giảng 83,3). Và thánh Massimo thành Torino nói thêm: “Ðối với những người dại dột, của cải giầu sang dưỡng nuôi sự bất chính, trái lại đối với những người khôn ngoan chúng trợ giúp nhân đức; cơ may cứu rỗi được cống hiến cho những người khôn ngoan, còn đối với những người dại dột sự vấp ngã khiến cho họ hư mất” (Bài giảng, 95).

Chúa Giêsu kết thúc: “Con người đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10), “điều đã hư mất” chứ không phải là “kẻ bị mất”. Đây không phải là Giakêu đã mất. Khi cô lập với anh em mình, ông đã mất niềm hy vọng tìm thấy Thiên Chúa. Chúa Giêsu mang lại cho ông niềm hy vọng khi nói với ông : “Giakêu, hãy xuống mau!”.

Thiên Chúa không loại trừ ai hết, người nghèo cũng như người giầu. Thiên Chúa thấy nơi mỗi người một linh hồn cần cứu vớt. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta : hãy noi gương Chúa và thực thi lòng thương xót như Cha trên trên! Hôm nay ơn cứu độ của Chúa đến với chúng ta ; “Hôm nay, Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19,5). Mỗi ngày, hãy đến với Chúa Giêsu, là chủ nhà của tâm hồn chúng ta và là Thầy của đời ta. Amen.

QUYẾT TÂM

Trầm Thiên Thu

(Chúa Nhật XXXI TN, năm C)

Quyết định là điều khó khăn nhất để có thể bắt đầu hành động, phần còn lại là có kiên trì hay không. Cần phải mạnh mẽ và dứt khoát để có thể quyết tâm mau chóng, nhưng cần phải nhận thức tinh tế mới khả dĩ quyết tâm đúng đắn.

Edward Bulwer-Lytton (1803-1873, thi sĩ, tiểu thuyết gia, kịch tác gia và chính khách người Anh) nhận xét: “Ai thận trọng quan sát và kiên quyết vững vàng sẽ tự nhiên dần trở thành bậc anh tài”. Còn William Arthur Ward (1921-1994, nhà giáo dục người Mỹ) nhận định: “Sự kiên nhẫn của ngày hôm nay có thể biến những nản lòng của ngày hôm qua thành khám phá của ngày mai. Những mục đích của ngày hôm nay có thể biến những thất bại của ngày hôm qua thành quyết tâm của ngày mai”.

Càng về cuối năm Phụng Vụ, Lời Chúa càng “xoáy sâu” vào tâm hồn chúng ta – rõ ràng hơn, thẳng thắn hơn, mạnh mẽ hơn, và cũng… “gay gắt” hơn. Cuối năm là thời điểm cần thiết để xem lại chính mình, luôn có nhiều điều cần quyết tâm hoặc tái quyết tâm – cả về đời thường và tâm linh.

Vì yếu đuối, phàm nhân luôn cần phải cố gắng quyết tâm và tái quyết tâm. Thật hạnh phúc vì chúng ta có một Vị Thiên Chúa vô cùng nhân từ và kiên nhẫn: “Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (Kn 11:23). Chắc chắn không có thần linh nào như Thiên Chúa của chúng ta. Trong St 18:20-32, Tổ phụ Abraham đối diện Thiên Chúa với mối quan ngại về điều sẽ xảy ra cho thành Xô-đôm. Tổ phụ Abraham đã “mặc cả” với Thiên Chúa, và Ngài sẵn sàng tha thứ cho Xô-đôm nếu thành này có được 10 người công chính.

Kinh Thánh xác định: “Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11:24-26). Thật vậy, Thiên Chúa là ĐẤNG HẰNG SINH (Đnl 5:26; Gs 3:10; Tl 8:19; R 3:13; 1 Sm 14:39 & 45; 1 Sm 17:26 & 36; 1 Sm 19:6; 1 Sm 20:3 & 21; 1 Sm 25:26 & 34; 1 Sm 26:10 & 16; 1 Sm 28:10; 1 Sm 29:6; 2 Sm 2:27; 2 Sm 4:9; 2 Sm 12:5; Tv 42:3; Tv 84:3; Mt 16:6; Mt 26:63; Ga 6:57; Cv 14:15; 2 Cr 3:3; 2 Cr 6:16; 1 Tx 1:9; 1 Tm 3:15; 1 Tm 4:10; Dt 7:24-25) và là ĐẤNG CẦM QUYỀN SINH TỬ (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13), nhưng Ngài lại luôn GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT và RẤT MỰC YÊU MẾN chúng ta (Ep 2:4).

Quả vậy, sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài muôn vật. Vì thế, “những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ; Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa” (Kn 12:1-2). Nếu Thiên Chúa không đại lượng như vậy thì chúng ta chết từ lâu rồi. Chỉ riêng một điều là chúng ta còn hít thở không khí ngày hôm nay cũng đủ cả đời để chúng ta cảm tạ Ngài – dù chúng ta còn khỏe hay đau yếu!

Là thụ tạo, chúng ta không chỉ có bổn phận tôn thờ ngài, mà còn có bổn phận chúc tụng và tôn vinh Ngài. Bức tượng không có quyền đòi hỏi gì ở nhà điêu khắc. Cầu nguyện không chỉ là cầu xin, hãy noi gương tác giả Thánh Vịnh: “Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời” (Tv 145:1-2).

Thiên Chúa mà chúng ta nhận biết và tôn thờ là Thiên Chúa của tình yêu, của lòng trắc ẩn, của lòng thương xót: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên. Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng” (Tv 145:8-11).

Vì bản chất của Ngài là yêu thương, Ngài không thể đứng nhìn các thụ tạo của Ngài chịu đau khổ. Ngài sẽ ra tay kịp thời để bảo vệ chúng ta: “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên” (Tv 145:13cd-14). Mặc dù giờ của Ngài chưa đến, nhưng lời cầu nguyện chân thành của chúng ta có thể thay đổi số phận, càng hiệu quả hơn nếu chúng ta biết cầu xin Đức Maria. Sự việc đã xảy ra ở tiệc cưới Cana, miền Galilê, là một ví dụ điển hình (x. Ga 2:1-12).

Lời cầu nguyện thành tâm không chỉ có hiệu quả đối với chính mình mà còn đối với người khác – những người chúng ta cầu nguyện cho, đồng thời còn sinh ích lợi cho chính mình: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Thánh Francis Assisi). Thánh Phaolô đã áp dụng cách cầu nguyện “hai chiều” đó: “Lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em: xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin. Như vậy, danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô” (2 Tx 1:11).

Đức tin sinh ra yêu thương, yêu thương sinh ra hành động, và hành động vì đức tin. Đức tin của chúng ta không mơ hồ, không hão huyền, mà chính xác: “Tin xác loài người ta sẽ sống lại” (Kinh Tin Kính). Vả lại, chính Chúa Giêsu đã phục sinh, điều này giúp chúng ta thêm xác tín.

Thánh Phaolô nói: “Về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ” (2 Tx 2:1-2). “Ngày ấy” có thật và sẽ xảy ra, nhưng chúng ta không tin những kẻ lợi dụng thời cơ để gây náo động. Tin phải có cơ sở đúng đắn, cần có lý trí lành mạnh. Tin để sống tốt hơn chứ không theo kiểu “phong trào”. Quyết tâm canh tân đời sống luôn là điều cấp bách.

Không ai biết ngày giờ tận thế, và cũng không biết chúng ta có được chứng kiến “ngày ấy” hay không, nhưng chắc chắn ai cũng chứng kiến ngày tận thế của cuộc đời mình: Chết. Vì thế mà luôn phải sẵn sàng – thay đổi và dứt khoát. Đó là quyết tâm vô cùng cần thiết, càng sớm càng tốt!

Trình thuật Lc 19:1-10 cho biết về một nhân vật đặc biệt: trưởng trạm thuế vụ Da-kêu. Ông là người có dáng dấp thấp bé, ngắn ngủn, lùn tịt, nhưng đức tin của ông lại cao vòi vọi. Ông là người thông minh, can đảm, dứt khoát, có quyết định mau mắn và chính xác.

Một hôm, Chúa Giêsu vào thành Giê-ri-khô. Ở đó có một trưởng trạm thuế vụ giàu có là Da-kêu. Nghe người ta nói về Chúa Giêsu, ông tìm cách để xem cho biết Ngài Giêsu là ai, nhưng ông không thể nhìn thấy Chúa Giêsu vì ông lùn quá, trong khi dân chúng chen chúc đông như kiến. Vốn thông minh và nhanh trí, ông chạy tới phía trước và leo lên một cây sung, vì Chúa Giêsu sắp đi qua đó.

Tới chỗ cây sung, Chúa Giêsu nhìn lên và nói: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Lạ nhỉ, chưa gặp mà Ngài đã biết tên ông ta là Da-kêu. Có lẽ cũng vì thế mà ông Da-kêu càng tâm phục khẩu phục. Nghe Chúa Giêsu nói vậy, ông vội vàng tụt xuốngmừng rỡ đón rước Ngài. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”. Ghen ăn, tức ở, những con người như thế thật là xấu xa. Trong chúng ta cũng vẫn có những con người nhỏ nhen và hèn hạ như thế, có vẻ biết rõ người khác nhưng lại mù lòa về chính mình!

Chúa Giêsu biết người ta xì xầm, bàn ra tán vào, nhưng Ngài không nói gì vì chưa cần thiết, chưa đến lúc. Cũng có thể chính ông Da-kêu cũng biết người ta ghét và nói xấu mình, nhưng ông cứ mặc kệ, việc mình thì mình làm, cứ là chính mình, ai nói sao thì nói.

Hãy quyết tâm điều này: “Đừng bận tâm về những điều người ta nói xấu sau lưng bạn, vì họ là những người chỉ bới móc sai lầm trong đời bạn thay vì lo sửa sai lỗi lầm của chính mình” – kiểu giống như ông Pharisêu tự tôn nên chê trách ông thu thuế (x. Lc 18:9-14). Kể cũng lạ, có những kẻ chuyên gièm pha, ưa thọc gậy bánh xe, khoái ngậm máu phun người, thấy mình không ăn được thì phá cho hôi,… Họ là dạng “siêu nhân” thế nào? Văn sĩ Dale Carnegie (1888-1955, tác giả cuốn “Đắc Nhân Tâm” nổi tiếng) nhận định: “Bất cứ kẻ ngu nào cũng có thể chỉ trích, chê trách và phàn nàn – và phần lớn những kẻ ngu xuẩn đều làm như vậy” (Any fool can criticize, condemn and complain – and most fools do).

Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Ông này nhanh trí nên quyết tâm được ngay, nhanh mà chính xác chứ không liều lĩnh hoặc bốc đồng. Đức Giêsu nói về ông Da-kêu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để TÌM và CỨU những gì ĐÃ MẤT”. Nghe Chúa Giêsu nói vậy, chắc chắn những kẻ lẻo mép kia vuốt mặt không kịp, đành phải câm họng mà thôi. Biết mắc cở mà sám hối thì tốt, nhưng khốn thay có những kẻ vẫn cố chấp, không phục thiện, chỉ tỏ ra bằng mặt mà không bằng lòng!

Biết mình, biết người mới có thể quyết tâm đúng đắn. Kẻ thù lớn nhất là chính mình, chiến thắng chính mình mới thực sự là dũng cảm. Không mặc kệ lời người ta nói về mình, nhưng đừng sợ vì người ta ghét mình, cần xét xem mình có sai như họ nói hay không để tự chấn chỉnh. Đa số chưa chắc hơn thiểu số. Có một nhận xét rất hay: “Nếu có bất cứ ai làm bạn tổn thương, bạn hãy coi họ như TỜ GIẤY NHÁM. Giấy nhám CHÀ XÁT và làm bạn ĐAU ĐỚN, nhưng bạn sẽ trở nên SÁNG BÓNG, còn họ thành miếng giấy VÔ DỤNG, chỉ BỎ ĐI thôi”.

Trong cuốn “Tự Thuật” (Confessions III, 6, 11), Thánh GM TS Augustinô (354-430) đã chia sẻ kinh nghiệm tâm linh: “Deus intimior intimo meo – Chúa còn thân mật với tôi hơn chính tôi thân mật với tôi”. Cuối cùng chỉ còn Chúa, chính Ngài mới là người mà chúng ta phải sợ, vì Ngài là Đấng “thấu suốt mọi sự” (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6).

Quyết tâm đúng thì phát ngôn đúng và hành động đúng, quyết tâm sai thì phát ngôn sai và hành động sai. Đó là điều tất yếu. Trong những ngày trung tuần tháng 10-2016, cơn bão dữ Sarika đã làm cho dân miền Trung điêu đứng – đặc biệt là hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Trong khi đó, người ta lại cho xả đập để “nhận chìm” dân lành, rồi còn nói rằng làm vậy chỉ tính “đúng quy trình” chứ chưa tính đến hậu quả. Thật tồi tệ!

Có người còn phát ngôn “vô tư” rằng mong cho bão lụt nữa để tẩy rửa chất độc của Formosa thải ra. Không hề có chút yêu thương nào! Chưa hết, khi người ta xót xa đồng bào mà làm từ thiện thì lại bị cấm, chỉ có nhà nước mới có “quyền” đó – tức là để có dịp “chia chác” chăng? Một cán bộ của “trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng” đã tuyên bố bất nhân thế này: “Làm từ thiện là làm mất bản sắc dân tộc”. Khốn thay, vì người ta dám cấm người khác thể hiện lòng yêu thương!

Tiền nhân đã dạy rằng: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Thế nhưng lời dạy này không được người ta coi trọng. Buồn thay, vì còn đâu là tình nhân loại và nghĩa đồng bào! Một danh nhân đã nói: “Chỉ có những ai có lòng yêu thương mới xứng đáng nhận danh hiệu con người”. Thật đúng như vậy!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con nhận biết chính con và người khác, đặc biệt là xin cho con nhận biết Ngài. Xin giúp con luôn có quyết tâm đúng đắn, dứt khoát và chính xác theo Thánh Ý của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

 

 

ĐOẢN KHÚC DA-KÊU

(CN XXXI TN/C – Lc 18:9-14)

Có người tên gọi Da-kêu

Cái tên hay thiệt, mà sao xấu người (1)

Trông lùn tịt, thấy mắc cười

Ở đời vẫn thế, người đời gièm pha

Nhiều người ghét, mấy ai ưa

Da-kêu biết phận, im re suốt ngày

Ông nghe nói Chúa qua đây

Chắc ăn leo tuốt lên cây khỏi phiền

Ai ngờ Chúa vẫn rõ nhìn

Ngoắc tay gọi phải xuống liền, xuống mau

Nhà ông, Chúa sẽ ghé vào

Vui mừng chia sẻ, cùng nhau cơm chiều

Tuy của ít vẫn lòng nhiều

Đức tin mới thật là điều cần hơn

Tội dù có đỏ như son

Tình thương tẩy xóa trắng ngần ngay thôi (2)

Da-kêu hạnh phúc quá trời

Bởi vì ông đã tin lời Giêsu

Dù ông lùn tịt lùn tè

Nhưng hồn ông lại cao xa hơn người

Xét mình, mắc cở lắm thôi

Cúi xin Thiên Chúa ban lời thứ tha

TRẦM THIÊN THU

Đêm 24-10-2016

(1) Zacchaeus, tiếng Hy Lạp là Ζακχαῖος hoặc Zakchaios) có nghĩa là TRONG SẠCH và CÔNG CHÍNH.

(2) Is 1:18.

 

TRUYỀN GIÁO

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16:15-16)

Di ngôn của Chúa Giêsu

Căn dặn truyền giáo sớm, khuya không ngừng

Khắp nơi, khắp cõi, mọi vùng

Gần, xa bất kể – tận cùng thế gian

Trước tiên với các thân nhân

Bạn bè, hàng xóm, dân làng, người quen

Việc truyền giáo rất tự nhiên

Đó là sống tốt, nhân hiền, thứ tha

Đừng ham việc lớn, việc to

Cứ bình thường sống chính là mình thôi

Cứ vui với những người vui

Chia buồn sớt khổ với ai ưu sầu

Chẳng cần chi việc lớn lao

Đó là chính khúc ca dao đời mình

Du ca truyền giáo chân thành

Cùng ca vang nhịp hòa bình khắp nơi

Cứ trồng cây ở khắp nơi

Chính Đức Chúa Trời làm nó lớn lên

Cứ làm trọn bổn phận riêng

Lời cầu nguyện có sức thiêng lạ lùng

Tiên-sa giữa bốn bức tường (*)

Thế mà truyền giáo khắp vùng thế gian

Cầu xin Thiên Chúa uy quyền

Biến con nên một chứng nhân của Ngài

TRẦM THIÊN THU

Khánh Nhật Truyền Giáo, 23-10-2016

(*) Thánh Nữ Tiến Sĩ Thérèse de Lisieux (1873-1897, Thérèse de l’Enfant-Jésus et de la Sainte-Face, Thérèse of the Child Jesus and the Holy Face, O.C.D.).

HAI SUY TƯ

Mai Tá

Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 31 thường niên năm C 30/10/2016

 

Tin Mừng (Lc 19:1-10)

 

Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Ngài sắp đi qua đó.

Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Ngài nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Ngài. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

 

“Con nhìn ảnh Chúa rồi con khóc,”

Trăm thảm nghìn thương mắt mỏi mòn.

Chuông ngọ từng hồi chuông ngọ đổ,

Từng hồi chuông ngọ, đổ chơi vơi.

Con nghe chuông ngọ đổ, rồi con khóc.

Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!

(Dân từ thơ Nguyễn Bính)

Nhìn ảnh Chúa, có thế thôi, mà sao nhà thơ bật lên thành tiếng khóc? Khóc xong nghe chuông ngọ đổ, thi sĩ họ Nguyễn mới nguyện-cầu Chúa cứu rỗi linh hồn mình. Phải chăng đây, một nghịch-lý của người đời?

Với nhà Đạo, nghịch-lý còn được thấy ở dụ-ngôn “người thu-thuế giàu có rất Da-kêu. Vì xưa nay, Chúa vẫn bảo: “Người giàu có, rất khó mà vào Nước Trời.

Hôm nay, trình thuật-thánh Luca lại đã ghi: “Chúa ghé nhà người thu thuế, không chỉ là người giàu có bình thường, mà là trưởng-ban thu thuế, rất đáng chê. Câu truyện Tin Mừng hôm nay, lại cũng giống nhiều truyện kể ở đời, rất như sau:

“Phú Nguyễn đi dần vào những ngày cuối, trước buổi mãn khoá đại học. Đã từ lâu, anh vẫn đến phòng trưng bày xe của công ty nọ, để mơ ước. Anh vẫn biết, nếu chịu khó học và đậu cao, thế nào ba cũng mua tặng một chiếc, hệt như thế. Nhưng không hiểu, sao đến giờ này vẫn chẳng thấy cha tiếp xúc với người bán để đặt cọc.

 Cuối cùng, ngày “N” cũng đến. Cha cho người gọi anh vào để chúc mừng. Ông bảo: ông rất tự hào về thành quả anh đạt được. Nói rồi, ông trao cho anh hộp quà bọc giấy rất đẹp. Phú Nguyễn mở quà ra xem, chỉ thấy mỗi quyển Thánh Kinh bìa da gáy mạ vàng có khắc tên anh ở trên đó. Giận quá, chẳng buồn lấy sách ra khỏi hộp, anh chỉ kịp ngước nhìn cha, gằn giọng nói: “Thế này, mà Ba gọi là giữ lời hứa hôm trước sao?” Nói rồi, chẳng kịp nghe ba anh phân bua đến một lời, anh chạy một mạch khỏi nhà, lên xe biến mất. Chẳng thèm bốc di động trả lời khi cả nhà tìm anh, hoảng hốt.

 Chiều tối đến, khi cơn giận đã lành, anh trở về thì được bảo cha vừa bị cơn đột quỵ, đã ra đi. Theo bệnh án, ông cũng từng bị nhồi máu cơ tim như thế, rất nhiều lần. Giọng mẹ buồn, bảo anh đi lấy cuốn thánh kinh bằng da cha cho xem ông có để lại đôi giòng nào trong đó không. Tìm được cuốn sách anh đã ném lên bàn của cha, trước khi đi. Giọt vắn giọt dài, anh mở đại cuốn sách, đọc mấy hàng chữ gạch mực đỏ trong đó thánh Mátthêu ghi: “Các ngươi, tuy là ác, mà còn biết lấy của lành làm quà cho con, thì huống hồ là Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời, sẽ ban của lành cho những ai xin Người.” (Mt 7: 11)

 Đọc tới đó, tức thì có chùm chìa khoá rơi từ sau Sách. Trên chùm khoá, lại thấy tên và địa chỉ của nhà buôn từng trưng bày chiếc xe anh ao ước, cộng thêm hàng chữ ghi rõ: “Mừng ngày con tốt nghiệp. Mọi lệ phí, cha đã thanh trả hết.” Đọc xong, Phú Nguyễn gục đầu khóc nức nở. Thấy đã muộn. Nghe truyện kể, chắc có người sẽ tự hỏi: đã bao lần, ta để luột mất chúc lành bình an từ Đức Chúa, vì không thấy chúc lành ấy được gói ghém theo cung cách ta vẫn mong.

Phúc Âm ta vừa nghe hôm nay, cũng nói về “cách đáp trả” của anh hùng người lùn tên Dakêu. Dakêu là tên của anh thu thuế rất nhỏ thó, ở thị trấn Giêrikhô cũng bé nhỏ, nhưng lại cả gan dám rước Chúa về nhà, mà dùng bữa.

Ở đây nữa, theo như trình thuật truyện kể, được đón tiếp Chúa là điều tuyệt diệu vẫn còn lại nơi tâm tưởng, của riêng ông. Tâm và tưởng, chỉ những tưởng được nhìn Chúa đi trên đường làng, đà mãn nguyện. Đâu ngờ, còn được Chúa thân chinh đoái hoài đến ghé thăm, và dùng bữa. Quả là ân huệ, quá mức tưởng tượng.

Với Đức Giêsu thì khác, nhân cơ hội trưởng ban thu thuế Dakêu trịnh trọng đón tiếp Đấng Nhân Hiền, Ngài tỏ bày cùng mọi người chốn Nước Trời về tính hiếu khách, mở rộng vòng tay đón chào ngươi người ghé viếng.Vì tính hiếu khách ít thấy nơi người thu thuế, mà cộng đồng Do Thái nay oán ghét cả đám người phục vụ ngoại bang, trong đó có Dakêu.

Nhưng ở đây, Đức Giêsu đã làm một công đôi việc: thứ nhất Ngài gọi đích thị tên anh. Và, còn cùng bàn với cả đám người thuộc loại “giáo gian”, nữa.

Bằng vào động-thái bước qua ngưỡng cửa nhà của người tội lỗi, Chúa lại đã đem họ ngang qua ngưỡng cửa tình thương, nhà của Ngài. Ngài còn ra tay nâng đỡ, giúp Dakêu tội lỗi đối đầu với chính hiện trạng rất gian manh của ông để rồi đưa ông về với ơn cứu chuộc, thật hy hữu.

Chúa vẫn làm thế, với hết mọi người trong chúng ta. Ngài mở rộng đôi tay thân thương đón nhận hết mọi người bằng vào động thái biết dùng mắt để thấy, dùng tai để lắng nghe. Và, Chúa cũng đến với ta qua những người rất khác thường. Tại nơi chốn rất khác lạ. Và, ở thời điểm không ai ngờ trước.

Là thành viên gia đình chung của Ngài, Chúa vẫn gọi mời hết mọi người đích thị theo tên, để thân hành đến dùng bữa với chúng ta, cũng bình thường như ta vẫn nhận lời ngồi cùng bàn với Ngài.

Tuy nhiên, mọi việc đều có giá của nó. Có giá, nghĩa là: ta vẫn tự coi mình như nhân vật khác biệt trong hội ngộ. Có giá, tức là: cứ nên độ lượng với mọi người. Để có thể mở lòng ra với thế giới.

Để, tỏ bày sự trong sáng trong quan hệ mình vẫn có. Với nhau. Không cần biết mình bị cuốn hút, biệt tăm, xa xăm đến độ nào. Chẳng cần hiểu, mình đã phải trèo lên cây cao cỡ từng mây. Chỉ cần nhớ, rằng: cả vào lúc mình ân hận khi có nhận xét quá đáng đối với người nhận quà tặng Chúa phú ban.

Bởi, khi ban quà tặng, Chúa vẫn gọi danh tánh từng người. Và, ngài vẫn mời gọi mọi người đến tham dự bàn tiệc, đã bày sẵn. Đến tham dự, để còn biết: ơn cứu độ đã nằm trong tầm tay ta, rất gần kề.

Lời Chúa hôm nay, còn được tỏ bày nơi Tiệc Thánh. Có Chúa. Có cả thành viên cộng đoàn Nước Trời. Cả khách lạ/người dưng, từng bị quên sót, bỏ bê, khen chê.

Lm Richard Leonard sj biên-soạn

Mai Tá lược-dịch

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 31 mùa thường niên năm C 30/10/2016

 

“Vẫn biết trên cõi đời thường yêu thường mơ lứa đôi” Nếu biết sống giữa trời tình yêu là con nước trôi Trôi lang thang qua từng miền Lúc êm ái xuôi đồng bằng. Cũng có lúc thác gập ghềnh chia từng con nước xuôi Mời bạn nghe chuyện thê lương Khóc cho người lỡ yêu đương Trời già nhưng còn ghen tương Cách chia người trót thương.”

(Trần Thiện Thanh – Chuyện Tình Mộng Thường)

(Tôbia 12:15)

Đây là chuyện tình thời chinh-chiến khói lửa của thiếu-uý Biệt Động Quân tên là Phạm Thái với người con gái nhỏ phương xa là tiếp viên hàng không Air Vietnam xinh đẹp tên là Nguyễn Thị Mộng Thường.

Thôi thì, trích dẫn bài ca nói về chuyện tình da diết thời chiên-chinh cũng để mời bạn và cũng mời tôi, ta nghe thêm đôi giòng nhạc khá lỉnh kỉnh kiểu Nhật-Trường/Thiên-Thanh ở một thời cũng rất “chiến”, như sau đây:

Em xinh em tên Mộng Thường Mẹ gọi em bé ngoan. Em xinh em tên Mộng Thường cha gọi em bé xinh. Đến lúc biết mơ mộng như những cô gái xuân nồng. Nàng yêu anh quân nhân Biệt Động trong một ngày cuối đông. Chuyện tình trong thời giao tranh vẫn như làn khói mong manh. Chàng về đơn vị xa xăm nàng nghe nặng nhớ mong.

Yêu nhau lúc triền miên khói lửa. Chuyện vui buồn ai biết ra sao. Nhìn quanh mình sao lắm thương đau. Khi không thấy người yêu trở lại. Tình không tìm ra dấu ban mai. Người không tìm ra dấu tương lai. Nhưng không chết người trai khói lửa. Mà chết người em nhỏ phương xa. Một đêm buồn có gió đông qua.

Xin cho yêu trong Mộng Thường

nhưng mộng thường cũng tan. Xin cho đi chung một đường

sao định mệnh chắn ngang. Xin ghi tên chung thiệp hồng

bỗng giây phút nghe ngỡ ngàng. Cô dâu chưa về nhà chồng Ôi lạnh lùng nghĩa trang. Chàng thề không còn yêu ai

dẫu cho ngày tháng phôi phai. Nhiều lần chàng mộng liêu trai Chàng hẹn nàng kiếp mai…”

(Trần Thiện Thanh – bđd)

Khởi đầu chuyện phiếm hôm nay, có vị gửi về bần đạo một đề-nghị cho đăng bài viết của một bé học sinh lớp 9b ở Hải Dương Việt Nam là Nguyễn Thị Thu Trang, viết bài đoạt giải như sau:

 “Thiên đàng, ngày 1/1/2016.

Xin gửi lời chào tới anh bạn tương lai của tôi!

Vậy là đã gần bốn tháng kể từ ngày tôi rời xa dương thế. Có lẽ sự từ giã trần thế quá sớm khiến tôi trưởng thành hơn để hôm nay tôi viết bức thư này cho anh. Tôi – bé Aylan Kurdi 3 tuổi người Syria – được cả thế giới biết đến với giấc ngủ vĩnh hằng trên bờ biển Bodrum Thổ Nhĩ Kỳ, viết cho anh – là tôi của tuổi 45 còn sống nơi trần thế.

Nghe có vẻ vô lý anh nhỉ? Tôi đã chết thì làm gì có anh! Nhưng tại sao lại không thể khi mọi thứ đều trong một giấc mơ – cả tôi và anh. Những thiên thần sẽ giúp tôi gửi bức thư này đến anh.

 Anh bạn thân yêu! Giờ đây tôi đang ở trên thiên đàng – một thế giới kì diệu lung linh biết mấy. Nơi này chẳng có ngày hay đêm. Mặt trời, vầng trăng và cả những vì sao lấp lánh cùng nhau tỏa sáng, không gian lúc nào cũng trong veo như pha lê. Mẹ và anh trai tôi đang mỉm cười cùng những linh hồn khác. Chúng tôi không có quốc gia, không phải di cư, không phân biệt tôn giáo, không có khủng bố hay bạo lực… Tất cả đều như nhau – những linh hồn bay nhẹ nhõm, thanh thản và bình yên.

 Giờ đang là giao thừa. Từ trên đây, chúng tôi có thể ngắm nhìn cả trái đất. Ngắm nhìn những chùm pháo hoa lộng lẫy bung nở trong màn đêm và lắng nghe tiếng chuông ngân vang. Dưới đó là những mảng màu tương phản. Có những nơi rực rỡ trong ánh sáng, lại có những mảng tối im lìm đâu đó. Tiếng chuông lẫn trong tiếng súng, hạnh phúc ở cùng với bất hạnh, thù hận đi liền với tình yêu… Chao ôi, cuộc sống nơi trần thế! Giờ thì tất cả đã quá xa vời.

 Anh bạn tuổi 45 ơi, anh còn nhớ chứ! Chúng ta theo cha mẹ chạy trốn khỏi chiến tranh và bạo lực đẫm máu nơi quê nhà Kobani với giấc mơ về “miền đất hứa” ở trời Âu. Vậy mà, giấc mơ ấy chấm dứt chỉ 20 phút sau khi chiếc thuyền khởi hành. Biển dậy sóng, thuyền lật úp, bàn tay bé nhỏ của tôi buông rời tay mẹ. Tôi đã hét lên: “Bố ơi, xin đừng chết!”. Tôi đã vật lộn với những con sóng, đã cố bấu víu lấy sự sống mong manh, đã vẫy vùng trong tuyệt vọng.

 Nhưng đứa bé ba tuổi thì có thể làm gì được giữa biển cả mênh mông trong đêm tối mịt mù? Và rồi… biển cả rộng mở đón tôi vào lòng. Biển cả cũng rất khoan dung khi thay vì nhấn chìm tôi đã đưa tôi vào bờ, nằm yên trên nền cát. Hẳn anh còn nhớ hình ảnh của tôi khi ấy. Bé bỏng. Áo màu đỏ và quần xanh lam. Chân đi giày. Hai tay xuôi theo chiều chân. Tôi nằm yên trên bãi biển. Mặt úp xuống bờ cát hiền hòa như đang say ngủ. Xung quanh, những con sóng vỗ về. Một giấc ngủ dài. Vĩnh viễn.

 Hình ảnh tôi được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Họ đã nói những gì? “Thảm họa nhân đạo mang tính toàn cầu”, “Biểu tượng của nỗi đau mà người dân Syria phải hứng chịu cũng như nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi nỗi đau ấy” rồi “khiến thế giới câm lặng” hay “thức tỉnh lương tri”.

 Và người ta còn vẽ lên bức hình tôi đôi cánh của thiên thần. Đây, dĩ nhiên không phải là cách người ta “cường điệu hóa” hay “thi vị hóa” một cái chết. Đây là sức lay động từ một cái chết và là cách người ta làm dịu lại nỗi đau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì một sự thật vẫn luôn hiện hữu. Một cuộc đời đã chấm dứt. Đứa trẻ mãi mãi tuổi lên ba. Tôi và gia đình đã sống sót qua mưa bom bão đạn ở Syria bất ổn, nhưng lại bỏ mạng khi đang trên đường tìm một nơi bình yên khác để sống. Cái chết quá sức đau đớn và quá sức vô lý.

 Chao ôi, 3 năm – một cuộc đời! Giá không có chiến tranh và bạo lực; giá tôi được đi trên chiếc thuyền chắc chắn hơn; giá bố mua được cho tôi chiếc áo phao; giá các nước châu Âu mở rộng đường biên giới; giá như… thì có lẽ tôi đã không phải chết!

 Giờ thì thân xác tôi đã được trở về nơi quê nhà. Một hành trình trở về đất mẹ gian truân, nhọc nhằn. Nhưng là trở về sau khi đã chết. Trở về cái nơi tôi đã tháo chạy. Trở về chỉ đề nằm dưới lòng đất. Đúng là một kiếp người dạt trôi, một phận người bèo bọt!

 Nhưng anh ạ, dù sao thì tôi cũng được nhiều người biết đến, được an ủi. Còn hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cái chết khác thì sao? Hàng nghìn người di cư đã bỏ mạng khi vượt Địa Trung Hải, hàng nghìn đứa trẻ đã chết vì đói, vì rét, vì bệnh tật, hàng trăm người đã chết vì khủng bố. Có những người biết là sẽ chết khi phải vượt biển di cư nhưng không làm khác được.

 Một người đồng hương Syria của tôi đã viết thế này trước khi chết chìm anh ạ “Cảm ơn biển cả đã chào đón chúng tôi mà không đòi hỏi visa… mà không hỏi tôn giáo của tôi là gì…”. Thế đấy, có những cái chết được người ta xoa dịu. Có những cái chết được người ta tưởng nhớ. Nhưng cũng có cái chết bị bỏ rơi, quên lãng. Chao ôi, chỉ có chết mới hết bất công sao? Hay đến chết cũng chưa hết bất công?

 Và từ nơi đây, từ trong đau đớn, tột cùng của một đứa trẻ đã chết, từ trong yên bình, nhẹ nhõm nơi thiên đàng, tôi viết thư cho anh – là tôi, 45 tuổi còn sống nơi trần thế. Anh sẽ hỏi sao không phải một độ tuổi nào khác? Anh bạn, tôi chọn anh – tuổi 45 – là bởi khi ấy ta đã định vị được bản thân trong cuộc đời. Khi tôi 45 tuổi, còn sống – là anh – ta sẽ thế nào nhỉ? Một ông bố? Một công chức bình dân? Hay một nhân vật có khả năng thay đổi thế giới?

 Anh biết đấy, Steve Jobs của Apple cũng là con một người di cư. Và ta sẽ sống ở đâu? Trở về quê hương Syria hay ở miền đất hứa trời Âu? Thế giới khi ấy sẽ ra sao? Có như thiên đàng tôi đang sống không? Tuổi 45 ngỡ sẽ đến như một lẽ tự nhiên ư?

 Không! Có những tuổi 45 mãi mãi chỉ là ước mơ không thành hiện thực. Ai sẽ cho tôi và những đứa trẻ như tôi tuổi 45? Ai sẽ cho chúng tôi cuộc đời? Làm sao để tất cả mọi người đều có tuổi 45, tuổi 55 và hơn thế nữa? Câu hỏi ấy ai sẽ trả lời cho tôi – thưa anh!

 Thân ái!

Tôi – là anh từ trên thiên đàng”. (Theo Infonet)

 Bài viết của người trẻ hôm nay, thoạt nghe đã thấy lạ. Lạ ở chỗ, bé em học trò đây viết không thua gì người lớn cả xác lẫn hồn và lớn cả tư-tưởng lẫn những tư-duy tưởng chừng chừng như đã mai một dần với thế-hệ cao niên dần dà biến mất. Không phải thế. Phải nói rằng thế-hệ già trẻ một ngày kia rồi cũng sẽ biến mất, nhưng tử-tưởng chín mùi sẽ còn tồn tại mãi mãi, chẳng biến dạng.

Suy-tư những giòng chảy như thế, lại khiến bần đạo bầy tôi đây nghĩ nhiều về các thế hệ trẻ mãi đến sau này. Một thế-hệ không còn tin vào những chuyện tưởng chừng như “không tưởng”, như không còn tưởng-nghĩ như người xưa nữa.

Cũng thế, ở nhà Đạo thời hôm nay, còn ai đâu mà tin vào chuyện thiên-thần với thần-sứ mà đức thày John Flader lại đặt vấn-đề “Thế nào là thiên-thần và tổng-lãnh thiên-thần giữa các thánh”! Thôi thì, đức thày có viết lách cũng chỉ để phục-vụ các vị nay đã hết thời tin-tưởng vào những chuyện “không tưởng” tượng được như lời hỏi/đáp ở bên dưới:

“Thưa Cha,

Sao ta cứ gọi thần-sứ Gabriel và Raphael là “tổng-lãnh thiên-thần” mãi vậy? Và, tại sao Giáo-hội lại vẫn cử-hành mừng lễ các vị ấy mỗi năm, vậy chứ?” (Câu hỏi của một vị không ghi danh tánh)

Có ghi tên không, thì bạn và tôi ta cũng nghĩ là Đức Thày John Flader của The Catholic Weekly chế ra cho đầy mặt báo, chứ giờ này làm gì có ai thắc-mắc với vấn-nạn chuyện thần-thoại như thế. Thôi thì, các cụ đã tự hỏi, thì nay ta cứ xem các cụ trả lời/trả vốn ra sao, là được.

Và, đấng bậc vị vọng là Đức thày John Flader trả lời nhưng không trả vốn, như sau:

“Hệt như anh/chị vừa đề-cập ở câu hỏi, thường thì ta dung cụm-từ “thánh” là cho các vị sống lành/thánh hạnh-đạo rất gương mẫu, được Giáo-Hội công-nhận là bậc thánh-hiền, mà thôi. Nhưng, nếu hỏi: sao ta đưa cả các đấng bậc thiên thần nói ở trên vào cùng hàng với bậc lành/thánh như thế được? Câu trả lời chỉ chấp-nhận được nếu ta quay về với truyền-thống Giáo-hội kéo dài nhiều thế-kỷ, trong đó lại kể đến thần-sứ hoặc thiên-thần cùng bậc hiển-thánh có danh-xưng như thế cũng dễ hiểu.

 Nếu gọi là thánh, tức: ám-chỉ các vị có cuộc sống thánh-thiện thì đương nhiên là các thần-sứ còn gọi là “tổng-lãnh thiên-thần” thì không thể thích-hợp như thế được. Điều này, lại càng không thể để ta bắt chước cuộc sống giống với thiên-sứ được. Bởi lẽ, các ngài chỉ là bậc linh-thiêng vốn có khả-năng làm những việc mà con người chúng ta không thể làm được. Tuy nhiên, ta vẫn có thể khẩn cầu các đấng can-thiệp cầu-bàu cho ta mỗi khi cần.

 Thế còn, hỏi rằng tại sao ta lại mừng lễ các vị ấy mỗi năm, là làm sao? Thì, có thể trả lời rằng: mỗi vị như thế đều được nêu tên trong Kinh thánh, nên ta cũng nên đem lòng sùng kính các ngài như Giáo-hội có thói quen làm thế biết bao nhiêu năm trời nay.

 Nói chung thì, các vị này đều là bậc lành thánh từng chống trả ma quỷ như sách Cựu Ước từng diễn-tả, bấy lâu nay. Đặc-biệt là thánh Mi-ca-e từng được nhắc đến nhiều lần ở sách Đanien đoạn 12 câu 1.

 Ở Tân-Ước, thư thánh Giuđê gọi ngài là Tổng-lãnh thiên-thần từng đánh chống ác-thần quỷ dữ. Và, sách Khải-Huyền ở nhiều đoạn như đoạn 12 câu 7-9 còn kể chuyện thánh thiên-thần đây đạp dẹp loài rồng/rắn hãm hại cả và thế-gian nữa.

 Riêng thánh Gabriel là Đấng thánh mang tên có nghĩa là “Quyền-uy sức mạnh của Thiên-Chúa” xuất-hiện cả ở Cựu Ước lẫn Tân-Ước, khi ngài cắt-nghĩa thị-kiến của tiên-tri Đanien như sách này từng nói ở các đoạn 8 câu 15-26 và đoạn 9 câu 20-27,vv… Đặc-biệt là ở Tân-Ước thán thiên thần này từng xuất-hiện với ông Zakaria để loan-báo việc sinh-hạ ra ông Gioan Tẩy Giả là do Chúa sắp-đặt.

 Danh tánh của thánh thiên-thần Raphael có nghĩa “Thiên-Chúa chữa cho mọi người được lành/sạch” hoặc còn gọi là “Thuốc chữa của Thiên-Chúa”. Thánh thiên thần này xuất-hiện ở sách Tôbia từng tháp-tùng trê Tôbia trong hành-trình hoàn-trả tiền bạc còn thiếu nợ người cha của ông. Để rồi, cuối cùng bèn thốt lên những lời rằng:

 “Tôi đây là Raphaen,

một trong bảy thiên-sứ luôn hầu-cận

và vào chầu trước nhan vinh-hiển

của Đức Chúa.” (Tôbia 12:15)

Vì được coi là thánh, nên đấng bậc đây cũng được mừng vào thế-kỷ thứ 16 ở nhiều địa-điểm được coi là nơi các ngài xuất-hiện. Theo lịch La Mã, thánh-nhân được mừng kính từ năm 1921. Mãi cho đến năm 1969, lễ này được mừng vào ngày 24 tháng 10. Và sau đó, được dời vào ngày 29/9 mỗi năm. Tắt một lời, truyền-thống Giáo-hội xưa nay vẫn trân-trọng sự thánh/thiêng của mỗi đấng, là như thế. (X. Lm John Flader, Why do we include angels and archangels among the saint, The Catholic Weekly 02/10/2016, tr. 26)                  

Nói cho cùng, thì: Giáo-hội có thói-quen sùng-kính/nguyện-cầu cùng các đấng bậc lành-thánh từng sống hoặc chết theo cung-cách hạnh-đạo, dù chỉ một số ít các ngài là người dấn bước theo chân Đức Kitô. Thế nhưng, theo Kinh/Sách, thì tất cả mọi tín-hữu đều được gọi là thánh, dù có vị thiếu trưởng thành về mặt thiêng-liêng hoặc kiến-thức lành/thánh nữa. Chẳng thế mà thánh Phaolô tông-đồ mỗi lần viết cho thành-viên giáo-đoàn khác nhau ở Rôma, Êphêsô hoặc Côrinthô hoặc nhiều nơi khác vẫn gọi tất cả tín-hữu Đức Kitô là các “thánh”.

Nói cho cùng, thì “thánh-nhân phải là những người đang còn sống thánh-thiện, hạnh-đạo chứ không thể là các đấng đã chết rồi, hoặc thần-sứ trên trời xuất-hiện ở nhiều nơi, như ta vẫn gọi. Nói cho cùng, thì tập-tục này khi xưa bắt nguồn từ đạo-giáo bên ngoài Đạo Chúa hoặc Do-thái-giáo dù có truyền-thống rất lâu đời.

Xem thế thì, ngoài Đạo Chúa ra, cũng có rất nhiều vị, nhiều đấng bậc từng sống rất hạnh-đạo, làm gương cho người đồng thời hoặc sau này theo đó mà bắt chước.

Bên ngoài Đạo Chúa của ta, lại cũng có rất nhiều truyện kể về nhân-sinh, cuộc sống mỗi con người đều khác nhau. Khác rất nhiều, dù chữ “thánh/thiêng” hoặc “thánh/thiện” “hạnh-đạo vẫn có nơi họ. Người đời gọi đó là cái “tâm” rất lành và cũng “mạnh”, như truyện kể để hầu người đọc tìm ra ý-nghĩa của mỗi sự việc trong đời người, như sau:

“Người phụ nữ nọ phải làm việc 8h/ngày lại còn chăm sóc gia đình và làm hết mọi công việc của một người nội trợ! Một ngày nọ cô mệt nhoài với hàng tá công việc ở cơ quan khiến cô có cảm giác như kiệt sức! Về nhà cô còn phải dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn cho chồng và con của cô! Khi người chồng đón con từ trường về, cũng là lúc cho nướng xong mẻ bánh quy trong lò! Thế nhưng vì quá mệt nên cô đã để quên nó một lúc khiến cho một vài chiếc bị cháy!

Lúc ăn tối, đứa con quan sát xem có ai nói gì về những chiếc bánh cháy đó không nhưng chẳng có ai lên tiếng cả! Khi dọn bắt đĩa, người vợ ngỏ ý xin lỗi về những chiếc bánh cháy nhưng người chồng dịu dàng nói: có gì mà em phải xin lỗi chứ, hơn nữa mùi vị nhưng chiếc bánh ấy rất ngon! Người vợ mỉm cười hạnh phúc!

Khi đưa con đi ngủ, nó thì thầm hỏi bố nó:

-Có thật bố thích ăn bánh quy cháy không?

-Không con ạ, anh ta nói với con! Nhưng hôm nay mẹ con rất mệt mà vẫn phải chuẩn bị bữa ăn cho bố con chúng ta! Không nên làm mẹ buồn mà một vài chiếc bánh cháy có ảnh hưởng đến ai đâu. chứ! Thế đấy, có bao nhiêu người không để ý đến một vài chiếc bánh cháy trên đĩa bánh? Không nhiều lắm phải không bạn! Cũng như vết mực đen trên tờ giấy trắng! Có lúc chúng ta chỉ biết nhìn vào những sai lầm, khuyết điểm của người khác để rồi lên tiếng chỉ trích mà quên rằng họ đã cố gắng rất nhiều! (Truyện kể trích từ điện-thư vi-tính)

Lại một truyện kể khác, nói rõ hơn về tâm-tánh cũng “rất thánh” của mỗi người, như sau:

Một thanh niên trẻ nọ đang muốn tìm kiếm sự thành công liền đến thỉnh-giáo vị thiền-sư từng dạy mình. Thiền sư liền đưa cho anh một hột đâu phộng rồi bảo: – Con hãy dùng sức mà vê nát nó ra! Người thanh niên dùng sức vê nát hạt lạc, vỏ hạt lạc bay ra và còn lại cái nhân. Vị thiền sư lại nói với người thanh niên trẻ tuổi: – Con hãy dùng tay chà xát hạt lạc này ra. Người thanh niên lại làm theo và kết quả vỏ hạt lạc lại rơi ra và còn lại một hạt lạc trắng không có vỏ. Vị thiền sư lại bảo người thanh niên hãy dùng tay vê nát hạt lạc trắng đó ra, và bất luận anh ta dùng sức thế nào cũng không vê nát được nhân của hạt lạc ra. Lúc này vị thiền sư mới nói: – Mặc dù nhiều lần gặp phải trắc trở, và cũng bị mất mát rất nhiều, nhưng phải có một cái tâm không bị khuất phục mới mong thành công được! Người thanh niên nghe xong và vui mừng vì hiểu được ý tứ của vị thiền-sư.” (Truyện kể cũng ráu từ một nguồn-gốc)

Xem thế thì, cứ gì phải là thiền-sư hay đấng bậc lành/thánh mới hạnh-đạo, đáng kính nể, để mọi người bắt-chước như đấng thánh. Xem thế thì, từ nay, hẳn cũng nên gọi nhau bằng các cụm-từ như: “Đấng thánh họ Nguyễn” “Thánh-nhần họ Trần”, chứ đâu chỉ mỗi Giuse hoặc Maria gì đó, mới là thánh-nhân hiền-lành trong Đạo!

Vậy thì, nay xin phép các thánh-nhân nam/nữ đang đọc mấy giòng chữ còn con này cho phép bần đạo được kết thúc ở đây với lời chào “rất thánh”, mãi mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai

Có những thời những buổi

Chẳng thấy mình thánh-hoá

hoặc “thánh goá” gì hết

Thế có chết không cơ chứ.

Tab 2 content place
Tab 3 content place

[/fruitful_tabs]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*