• Lưỡng diện-Trầm Thiên Thu
  • Đấng chăn chiên-AM Trần Bình An
  • Mục Tử nhân lành-JM. Lam Thy ĐVD
  • Xin Chúa Ban Nhiều Tông Đồ Mở Nước Chúa-Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  • Chúa chiên lành-Lm Giuse Nguyễn hưng Lợi, Dcct
  • Title 3

LƯỠNG DIỆN

Trầm thiên Thu

Chúa nhật chúa chiên lành- CN 4 Phục sinh, năm A

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10:11-13)

Bên ngoài nhìn rất hiền từ

Nhưng bên trong lại mưu mô đủ điều

Dáng như chiên, thật đáng yêu

Bất ngờ hóa sói, ai đâu mà ngờ!

Nhân lành Mục Tử Giêsu

Xót thương mà hiến thân vì đàn chiên

Thợ chiên nhìn cũng rất hiền

Họ sẽ chạy liền khi thấy sói ra

Người lưỡng diện khó nhận ra

Khi nào gặp sự cố gì

Mới rõ đâu là mặt sói hay chiên

Lạy Thiên Chúa, Đấng từ nhân

Xin thương che chở chúng con đêm ngày

Sống cho đúng Thánh Ý Ngài

Rạch ròi nóng – lạnh, tránh ngay nửa vời! (*)

TRẦM THIÊN THU

Chiều 3-5-2017

(*) Kh 3:16 – “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”.

 

 

SỰ SỐNG DỒI DÀO

(Chúa Nhật IV Phục Sinh, năm A)

Nhân lành Mục tử Giêsu

Kiếm tìm chiên lạc ốm o gầy mòn

Đưa về an ủi, chăm nom

Sớm chiều lo liệu mọi phần cho chiên

Có câu chuyện kể rằng…

Một hôm, cậu lễ sinh vừa cười vừa tròn mắt nhìn linh mục xứ và nói:

– Ôi, cha có mùi gì lạ thế?

– Mùi gì?

– Con không xác định được, nhưng hình như là mùi… heo!

Linh mục cười và xoa đầu cậu bé:

– À, tưởng gì. Cha mới tắm cho mấy con heo bên nhà hàng xóm, mùi heo là tất nhiên rồi!

– Sao cha lại làm việc ấy?

– Không có việc xấu, chỉ có người xấu. Ông ấy đã già, không thân nhân, nuôi heo để sinh sống. Mấy hôm nay ông ấy bị mệt, cha phải giúp ông ấy thôi.

– Dạ, con hiểu rồi.

Hôm sau, cậu lễ sinh cười:

– Ôi, hôm nay cha lại có mùi gì kỳ lắm. Mùi này tanh lắm!

– À, hồi nãy cha đi thăm mấy bệnh nhân nằm liệt, không ai giúp đỡ, cha phải giúp họ vệ sinh cá nhân.

– Dạ, con hiểu rồi.

Tuần sau, cậu lễ sinh ngạc nhiên nói:

– Mùi lúc này khác lạ lắm, cha ơi!

– Thế con thấy mùi gì?

– Mùi này không hôi, không tanh, không khó chịu, mà thơm tho lắm, dễ chịu lắm.

– Cái thằng này, mũi thính thế!

Cậu bé gãi đầu, ngập ngừng:

– Nhưng…

– Nhưng gì nào?

– Nhưng… con thích… ngửi mùi hôi… hơn mùi… thơm.

Linh mục tròn mắt:

– Sao vậy? Thơm không thích mà thích hôi à?

– Mùi hôi tanh là mùi thật. Mùi thơm là mùi giả. Cha hôi thì con còn muốn đến gần, cha thơm thì con không dám đến gần, vì cha sang trọng quá! Chúa Giêsu cần chiên đen hơn chiên trắng, luôn gần gũi người nghèo khổ chứ đâu có thân thích với người giàu có.

– Cha xin lỗi và cảm ơn con. Từ nay cha sẽ cố gắng giống Ngài hơn!

Câu chuyện ngắn gọn nhưng chứa đựng triết lý sống tích cực về nhân bản. Thiên Chúa là tình yêu, là vị Mục Tử luôn chạnh lòng thương, và vì giàu lòng thương xót, Ngài chấp nhận bỏ 99 con chiên trắng để đi tìm cho được 1 con chiên đen (Mt 18:12-14; Lc 15:4-7). Ngài không muốn ai phải sống èo uột, mà chỉ muốn mọi người được sống dồi dào, sống viên mãn, sống đúng nhân vị và nhân phẩm của con người, đồng thời cũng được hưởng nhân quyền và sự tự do đích thực – cả về xã hội lẫn tôn giáo. Muốn được vậy thì chắc chắn chúng ta phải “đi qua” Đức Giêsu Kitô.

Thật vậy, chỉ có Đức Giêsu Kitô là Con Đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha (Ga 14:6) và là Nguồn Sống dồi dào (Ga 10:10) cho chúng ta. Đức Giêsu Kitô không chỉ nuôi sống chúng ta bằng ân sủng mà đặc biệt là chính Mình Máu Ngài để chúng ta được sống dồi dào, vì Ngài là Thiên Chúa của người sống chứ không là Thiên Chúa của người chết (Mt 22:32; Mc 12:27; Lc 20:38).

Tuy nhiên, nếu muốn có sự sống dồi dào thì mỗi cành-nho-chúng-ta phải nối kết với Cây Nho Thật để được truyền nhựa-yêu-thương (Ga 15:1-17). Cây càng có nhiều nhựa thì càng có nhiều sức sống, con người cũng vậy, đặc biệt là sự sống tâm linh, sự sống từ Thiên Chúa.

Khi được tái sinh bởi Đức Giêsu Kitô, người ta biến đổi hoàn toàn để trở thành một con người mới – tội nhân trở thành thánh nhân. Hồi đó, sau khi Chúa Giêsu đã phục sinh, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với tất cả những người đang cư ngụ tại Giêrusalem, và lắng nghe những lời ông nói: “Toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2:36). Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?”. Biết hỏi như vậy là dấu hiệu tốt lành biết bao, vì chứng tỏ tâm hồn đã thực sự biết sám hối lỗi lầm, biết khao khát điều tốt, và biết ước muốn hướng thiện!

Thấy họ chân thành hỏi như vậy, ông Phêrô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi” (Cv 2:38-39). Ông Phêrô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Rồi ông nói: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ” (Cv 2:40). Những ai đã đón nhận lời ông thì đều xin được lãnh nhận phép rửa, muốn được tái sinh để hy vọng được vào Nước Trời (Ga 3:5). Thật kỳ lạ, ngay hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo. Việc Chúa làm thật lạ lùng vô cùng!

Ngày nay, chúng ta có phương tiện định vị toàn cầu giúp người ta không lạc lối, nhưng chỉ có Chúa Giêsu mới chính là “định vị kế” chuẩn mực nhất. Người nào nhận biết được như vậy thì sẽ an vui tín thác vào Ngài, để Ngài quan phòng và tiền định, vì người đó xác định: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-3).

Chắc chắn người đó cũng luôn an tâm vững chí và hạnh phúc thân thưa: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:4-6). Thật vậy, ai tuân giữ lời dạy của Đức Kitô thì không bao giờ phải lạc đường và cũng không phải chết (Ga 8:51).

“Lòng nhân hậu và tình thương của Thiên Chúa” không hề xa lạ, bởi vì đó chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà ngày nay đang rất phổ biến khắp nơi trên thế giới, từ thành thị tới thôn quê, từ người già tới người trẻ. Không ai không là tội nhân, và vì thế mà không ai lại không cần đến Lòng Chúa Thương Xót. Hằng ngày, khi cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi, chúng ta vẫn nhiều lần tha thiết cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con cho khỏi hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”. Nhưng cũng rất có thể vì quen quá hóa nhàm nên chúng ta không thực sự chú ý hoặc không cảm nhận lời cầu da diết như vậy.

Đời sống tâm linh được lồng trong đời thường, vẫn có đủ thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố,dục) theo bản tính phàm nhân. Do đó mà chúng ta luôn phải cố gắng không ngừng, sơ sảy một chút là té nhào ngay thôi. Đôi khi còn có những điều trái tai, gai mắt, và chúng ta phải “vượt qua chính mình”. Thánh Phêrô nói: “Nếu có tội mà anh em bị đánh đập và đành chịu thì nào có vẻ vang gì? Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, đó là ơn Thiên Chúa ban” (1 Pr 2:20). Thật vậy ư? Chúng ta hãy nghe Thánh Phêrô giải thích: “Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1 Pr 2:21-23). Cái khó là “im lặng” và “phó thác” cho Chúa.

Chính Chúa Giêsu là Nguồn Sống nhưng Ngài đã chịu bị giết chết, không phải Ngài đáng bị như vậy, mà Ngài chịu thay cho chúng ta, Ngài chịu chết để chúng ta có cơ hội sửa sai và có thể phục sinh vinh quang như Ngài: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1 Pr 2:24-25). Chúa Giêsu chết vì tội lỗi của chúng ta, nghĩa là chúng ta cũng phải dám chết cho tội lỗi của chính mình – và tội lỗi của người khác, nhờ đó mà được sống lại và được sống dồi dào trong Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.

Chúa Giêsu là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Ga 14:6), đồng thời Ngài còn là Cửa (Ga 10:9), chính Cửa này dẫn vào Nguồn Sống Dồi Dào của Thiên Chúa: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10:1-5). Nghe Đức Giêsu nói vậy, người ta không hiểu Ngài nói gì.

Tất nhiên không chỉ khó hiểu đối với những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hồi đó, mà còn khó hiểu đối với cả chúng ta ngày nay, thậm chí có khi chúng ta còn không muốn hiểu. Thật vậy, những lời Chúa Giêsu nói nghe không thấy có gì “gay gắt”, nhưng thực ra hiểu rồi thì mới cảm thấy “đụng chạm” và “nhức óc” lắm, vì Ngài muốn nhấn mạnh đến tính chất cần thiết của Mục Tử Nhân Lành. Mục tử đó phải thể hiện lòng thương xót và dám liều mạng vì đoàn chiên. Nói đến lòng trắc ẩn, và đặc biệt trong Tháng Hoa, chắc hẳn nhiều người còn nhớ gương yêu thương sáng chói của Thánh tử đạo Lm Maximilian Maria Kolbe (*).

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành đích thực, Ngài yêu thương mọi người, và Ngài chỉ muốn mọi người “đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3:18), nhất là những người được lãnh nhận tác vụ linh mục, họ cũng PHẢI là những mục tử nhân hậu, PHẢI biết phục vụ chứ không hưởng thụ (Mt 20:28), thế nhưng vẫn thấy có những người thích dùng quyền và ra lệnh hơn là khiêm nhường phục vụ vì yêu thương. ĐGH Phanxicô đã từng cảnh báo các giám mục: “Mục tử có nguy cơ bị mê hoặc bởi viễn tượng nghề nghiệp, bởi cám dỗ về tiền bạc, và những thoả hiệp theo tinh thần thế gian”. Có lần ngài nhấn mạnh rằng giám mục là người được chọn để phục vụ một Giáo hội duy nhất, vì thế không được tìm kiếm một việc gì khác ngoài việc phục vụ Giáo hội, và ngài đã nói thẳng: “Nếu tìm kiếm một việc gì khác thì chính giám mục đó đang ngoại tình”. Gương “giám mục xa hoa” Franz Peter Tebartz van Elst (người Đức) còn đó, và rồi ông đã bị đình chỉ nhiệm vụ hồi tháng 10-2013. Chắc hẳn Mục Tử Giêsu buồn lắm!

Nhắc tới những điều “nhạy cảm” như vậy, có những người “nhột” (chính họ nhột hoặc nhột dùm), nhưng phải nhột như vậy mới có thể “thức giấc”. Chúng ta chỉ tâng bốc nhau bằng những lời khen sáo rỗng để lấy lòng nhau thì có ai lợi gì không, hay lại chỉ dìu nhau vào con đường mê lầm? Dám nhìn thẳng vào sự thật mới là người yêu sự thật, và nhờ đó mới có thể thành nhân. Sợ sự thật hoặc tránh sự thật là đồng lõa với sự giả dối, đừng biện hộ vì thế này hoặc thế nọ, và cũng đừng ảo tưởng “chiếc bánh vẽ” nào đó!

Cũng vậy, khi đọc Lời Chúa thì người ta chỉ thích đọc những câu “vừa ý mình”, tránh những câu “chói tai” càng nhiều càng tốt. Người ta nói rất mạnh khi gặp đoạn Kinh Thánh không “chạm” tới mình, nhưng lại “bẻ lái” khi gặp đoạn Kinh Thánh “hóc búa”, vì có những câu “chạm” mạnh quá, nên họ cảm thấy… “nhột” lắm!

Lời Chúa là thế, có lúc khiến chúng ta vui mừng phấn khởi, nhưng có lúc làm chúng ta đau điếng. Nhưng có dám chịu “nỗi đau” đó thì mới khả dĩ “bừng cơn mê” mà sớm thành nhân. Chỉ có thuốc đắng mới “đã” tật!

Đức Giêsu là Mục Tử Nhân Lành và là Chúa Chiên Lành, Ngài xác định: “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:7-10). Mục Tử Nhân Lành là vậy, luôn sống và hành động vì người khác, vì đoàn chiên. Ai không là chủ chiên nhân hậu như Đức Giêsu Kitô thì chỉ là “thợ chiên” (chăn thuê) mà thôi. Đi qua Cửa đó sẽ phải chịu “đau nhức” lắm đấy!

Liên quan sự viên mãn, Thánh Phaolô có mơ ước và cũng là lời kêu gọi: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3:17-19). Trong lời kinh hòa bình, Thánh nghèo khó Phanxicô Assisi đã nguyện ước thực tế mà sâu sắc: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Và ngài tin chắc: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Đó chính là sự-sống-dồi-dào của những người tin thật Đức Giêsu Kitô là Thiên-Chúa-nhập-thể-làm-người, là Con-Thiên-Chúa-chịu-chết-và-phục-sinh.

Trong cuộc sống con người, những người thân thích được gọi là “họ máu”. Máu rất quan trọng. Máu có màu đỏ tươi, rất đẹp, và cũng rất đắt giá. Chúa Giêsu đã cứu độ chúng ta bằng Giá Máu. Chính nhờ Giá Máu đó mà chúng ta được phục hồi cương vị làm con và được hưởng sự sống dồi dào trong ân nghĩa với Thiên Chúa.

Hôm nay là Chúa Nhật CHÚA CHIÊN LÀNH, ngày cầu cho ơn thiên triệu dâng hiến – ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Ngày xưa, Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài đã nhắn nhủ với môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9:37-38).

Lạy Thiên Chúa hằng hữu và giàu lòng thương xót, xin giúp chúng con biết sẵn sàng quên mình mà dấn thân vì chân lý, vì công lý, và vì tha nhân – nhất là vì những người hèn mọn. Xin cho chúng con được sự sống dồi dào của Ngài, biết thể hiện sự sống đó bằng hành động cụ thể chứ không bằng lời nói suông, thực sự trở nên “Kitô khác” chứ không “khác Kitô”, chấp nhận chịu thiệt thòi và bị người đời ghét bỏ. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Thánh Maximilian Maria Kolbe, linh mục Dòng Phanxicô (O.F.M.), sinh ngày 8-1-1894, tử đạo ngày 14-8-1941 tại trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã hồi thế chiến II. Ngài được tuyên xưng là vị tử đạo bác ái, vì ngài đã động lòng trắc ẩn mà chịu chết thay cho một tử tù còn vợ con. Ngài được Thánh GH Gioan Phaolô II tuyên thánh ngày 10-10-1982, ngài được chọn làm thánh bổn mạng của những người nghiện ma túy, các tù nhân chính trị, các gia đình, các ký giả, và phong trào bảo vệ sự sống. Thánh GH Gioan Phaolô II đã tôn ngài làm “Thánh Bổn Mạng của Thế Kỷ Khó Khăn” – tức là thời đại chúng ta đang sống. Thánh Maximilian đã nỗ lực thúc đẩy phong trào tận hiến và phó thác cho Đức Mẹ, do đó ngài được mệnh danh là Tông Đồ Tận Hiến cho Đức Mẹ. Cái chết của ngài là đỉnh điểm của sự sống hoàn toàn tận hiến cho Đức Mẹ, và người ta gọi ngài là “Gã Khờ của Đức Mẹ”, bởi vì ngài đã làm mọi thứ cho Đức Mẹ.

 

KINH HOA

Chùm hoa con hái dọc đời

Đây Hoa Phục Vụ, Yêu Người, Hy Sinh

Đây Hoa Bác Ái, Hãm Mình

Đây Hoa Nhịn Nhục, Chân Thành, Khiêm Nhu

Đây Hoa Xin Lỗi, Thứ Tha

Đây Hoa Tuân Phục, Thật Thà, Kiên Tâm

Kính dâng Đức Mẹ từ nhân

Xin thương trợ giúp con luôn tín thành

Hoa đời con tím, chẳng xanh

Nhưng xin sống trọn ý lành, Mẹ ơi!

TRẦM THIÊN THU

Đầu Tháng Hoa – 2017

ĐẤNG CHĂN CHIÊN

AM. Trần Bình An 

Chia sẻ Tin Mừng CN 4 PS NA 2017 (Ga 10, 1-10)

Đấng Chăn Chiên AM. Trần Bình An

Người chăn chiên hay cừu, được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh, từ sách đầu tiên là Sáng Thế Ký cho đến sách cuối là Khải Huyền (St 4, 2; Kh 7, 17). Những người nổi bật như Abraham, Môise và vua Đavít đều là người chăn cừu. Người viết sách Thánh vịnh là Đavít miêu tả một cách thi vị trách nhiệm và mối quan tâm của người chăn cừu tốt lành.

Sau này, vào thời Chúa Giêsu, chăn cừu vẫn còn là công việc quan trọng. Chúa Giêsu tự cho mình là “người chăn chiên tốt lành” và ngài thường dùng các đức tính của người chăn tốt để dạy những bài học quan trọng (Ga 10, 2-4, 11). Ngay cả Đấng Toàn Năng, Đức Chúa Trời cũng được ví như người chăn chiên: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì…” (Tv 23, 1-4)

Người chăn cừu vào thời nước Israel xưa hẳn chăn một số loại cừu, trong đó có giống cừu Syria, đuôi mập và lông dày. Cừu đực thuộc giống này có sừng, còn cừu cái thì không. Loài vật ngoan ngoãn ấy không thể tự bảo vệ mình, khi sống ở ngoài thiên nhiên, khỏi nanh vuốt của thú dữ. Người chăn cừu phải luôn huấn luyện bầy cừu của mình biết vâng lời. Dù vậy, người chăn tốt lành kiên nhẫn và dịu dàng chăm sóc bầy, ngay cả đặt tên cho mỗi con để nó có thể nghe tiếng người chăn. (Ga 10, 14 & 16)

Vào mùa xuân, có lẽ mỗi ngày người chăn dẫn bầy từ chuồng ở gần nhà đến những cánh đồng cỏ gần làng. Ở đấy, chúng gặm chồi non xanh tươi. Trong mùa này, cừu con sinh sôi nảy nở. Cũng vào thời điểm này, người ta xén lông cừu và đây là dịp ăn mừng!

Sau khi những cánh đồng gần làng đã thu hoạch, người chăn dẫn bầy ra ăn chồi non và hạt còn lại trên những gốc rạ. Khi mùa hè oi bức đến, người chăn chuyển bầy mình đến những cánh đồng cỏ trên vùng đất cao hơn. Trong nhiều ngày liền, người chăn dẫn bầy đi ăn cỏ trên những đồi dốc xanh mướt, làm việc và ngủ ngoài trời để canh chừng bầy. Đôi khi, người chăn cho bầy của mình nghỉ qua đêm trong một cái hang, nơi chúng được che chở khỏi những con sói và linh cẩu. Nếu tiếng tru của linh cẩu làm cho bầy hoảng loạn trong đêm tối, thì giọng trấn an của người chăn làm chúng bình tĩnh lại.

Mỗi buổi chiều tà, người chăn đếm và kiểm tra sức khỏe từng con. Buổi sáng, ông gọi và chúng theo ông ra đồng cỏ (Ga 10, 3-4) Giữa trưa, người chăn dẫn bầy đến những ao nước mát. Khi ao cạn, người chăn dẫn chúng đến giếng và múc nước cho chúng uống. Cuối mùa khô, người chăn có thể chuyển bầy đến cánh đồng và thung lũng thuộc miền duyên hải. Khi mùa mưa đến, ông dẫn chúng về nhà để trú đông. Nếu không, loài vật này có thể chết vì mưa, bão mưa đá và tuyết. Người chăn giữ chúng trong chuồng cho đến mùa xuân. Người chăn tốt lành thì siêng năng, đáng tin cậy và can đảm, thậm chí liều mạng sống để bảo vệ bầy. (1Sm 17, 34-36) (Người chăn cừu, Thư viện trực tuyến)

Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay phác hoạ chân dung vị Mục Tử nhân lành với tất cả tình yêu dành cho từng con chiên, sự phục vụ chu đáo và cứu chuộc đoàn chiên khỏi phải chết đời đời.

Yêu thương

“Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.” Mục Tử nhân lành chính thức, công khai, hợp pháp đến với đàn chiên. Người biết rõ tên từng con, âu yếm gọi tên và dẫn chúng đi ăn. Quan tâm chăm sóc, Người còn  biết cả thể trạng, sức khoẻ, tính nết mỗi con, chứ chẳng bao giờ gọi chúng bằng những con số lạnh lùng, xa lạ.

Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.” Chúng nhận biết chủ chăn, vì anh yêu thương chúng, anh nưng niu từng con, chẳng muốn mất mát con nào.“Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi, mà đi tìm con chiên lạc sao?” (Mt 18, 12)

Phục vụ

“Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Mục Tử nhân lành luôn quên mình, dấn thân phục vụ đoàn chiên, chẳng bao giờ hách dịch, đe doạ, áp bức con chiên. “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Chỉ có chủ chăn giả mạo, sói đội lốt, mới đến lợi dụng, hãm hại, a tòng, âm mưu với kẻ dữ ăn thịt chiên lành.

Bởi vì ”Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ.” (Mc 10, 45) Mặc dù là Mục Tử là người chỉ huy, lãnh đạo, nhưng luôn yêu thương phục vụ, chăm sóc, dẫn dắt, nuôi dưỡng đoàn chiên được sung mãn.

Hy sinh

“Tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên của Tôi” (Ga 10, 15) Không chỉ yêu thương phục vụ, Đấng Chăn Chiên tốt lành còn sẵn sàng chịu đối xử bất công, chịu khổ nạn, chịu đóng đinh, chịu chết nhục nhã trên thập giá, để cứu chuộc đoàn chiên khỏi phải chết trầm luân và sống lại khải hoàn. Vì thế, Người đã công khai tuyên bố cho những ai trung thành đi theo Người: “Tôi là cửa Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”

“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.” (Ga 15, 13) Người khiêm nhường, tự hạ, yêu thương phục vụ, còn hơn là bạn hữu, mà y như người Đầy Tớ đau khổ, ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Ðây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu. Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân…” (Mt 12, 18 – 21)

Kinh Tin Kính phải đánh động con vì sự hy sinh của Chúa Giêsu: “Người đã nhập thể… và đã làm người. Người chịu đóng đinh… chịu tử hình, và mai táng…” Hy sinh trong cả cuộc sống, hy sinh trong lễ toàn thiêu. (Đường Hy Vọng, số 173)

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, Người chính là Mục Tử Nhân Lành, luôn quên mình, dấn thân, hy sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu giúp chúng con từng giây phút trong đời. Xin giúp chúng con biết đáp lại tình yêu vô biên của Người.

Khấn xin Mẹ Maria luôn cầu thay nguyện giúp chúng con, xin Chúa ban cho nhiều Mục Tử Nhân Lành, để dẫn đưa chúng con về Nước Hằng Sống. Amen.

MỤC TỬ  NHÂN LÀNH

JM. Lam Thy ĐVD.

(CN IV.PS-A CHÚA CHIÊN LÀNH)  

Bài Tin Mừng hôm nay (CN IV/TN-A – Ga 10, 1-10) trình thuật về dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành”. Ngay ở câu mở đầu, Thánh Gio-an ghi lại Lời Đức Giê-su nói với cộng đồng người Do-thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.” Nếu bình thường nghe nói tới cái cửa chuồng chiên, bất kỳ ai cũng chỉ nghĩ đó là một công cụ bảo vệ đàn chiên. Cửa chỉ mở ra khi muốn cho đàn chiên đi ăn cỏ ngoài đồng, nó sẽ được đóng lại khi chiên đã vào hết trong chuồng. Như vậy, khi suy niệm bài Tin Mừng, đa số hay chú ý đến vai trò chủ nhân của đàn chiên, đó là Đức Giê-su Ki-tô, vị Mục Tử Nhân Lành. Đức Ki-tô đã dùng dụ ngôn nói về ràn chiên và nhấn mạnh đến vai trò người chủ. Người chủ đích thực sẽ vào ràn chiên bằng cửa chính và chiên sẽ nghe lời ông chủ, bởi ông biết tên từng con chiên và chúng nhận biết tiếng của ông. Ngoài ra, những kẻ không theo cửa chính mà vào, lại trèo lối khác, thì đó chỉ có thể là kẻ trộm, kẻ cướp.

Nghe dụ ngôn này, đáng lẽ những người Do-thái phải hiểu rằng Đức Ki-tô muốn nói đến những kẻ tin theo Người giống như đàn chiên ngoan hiền và Người chính là Mục tử chăn dắt đàn chiên đó. Tiếc một điều là họ chẳng hiểu, khiến Đức Ki-tô phải nói rõ hơn: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10, 7-10). Cũng vì thấy Đức Ki-tô khi thì nói đến người chủ của đàn chiên, bây giờ lại tự nhận mình là cửa ràn chiên, khiến cho bộ mặt của đám đông càng thêm ngơ ngác. Điều đó cho thấy họ vẫn chưa hiểu Người nói gì; nên cuối cùng, Đức Ki-tô phải nhấn mạnh: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10, 11).

Đức Ki-tô cho biết Người là vị Mục tử nhân lành thì điều đó là hiển nhiên, nhưng tại sao Người lại nói Người là cửa chuồng chiên? Chuồng chiên có cửa là để đón nhận và bảo vệ đàn chiên. Khi chiên đã vào hết trong ràn, thì cửa được đóng chặt để tránh sói dữ. Tránh được sói dữ nhưng khó tránh được con người nếu con người đó là kẻ trộm kẻ cướp, vì chúng sẽ đào tường khoét vách mà vào. Suy nghĩ sâu hơn một chút sẽ thấy khi Đức Ki-tô tự nhận Người là cửa chuồng chiên, thì cũng có nghĩa là Người kêu mời tất cả mọi người hãy đến cùng Người với một niềm tin và một tấm lòng trung thực công chính. Nói rõ hơn, khi đã qua cửa Giê-su mà vào thì chỉ có thể là những con chiên ngoan hiền biết nghe lời chủ. Cũng có thể có sói dữ lẫn lộn trong đoàn chiên (giống như cỏ lùng trong ruộng lúa), nhưng tất nhiên chúng không vào bằng cửa chính – cửa Giê-su Ki-tô – mà là trèo vào bằng cửa khác, đó chỉ có thể là kẻ trộm kẻ cướp mà thôi. Rõ ràng Đức Ki-tô vừa là xuất phát điểm, vừa là đích điểm cho hành trình của người Ki-tô hữu. Người là cửa để đón nhận và bảo vệ đoàn chiên, đồng thời Người cũng là vị Mục tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên đó (“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” – Ga 10, 9-10).

Đức Giê-su Ki-tô mời gọi tất cả mọi con chiên, không phân biệt chiên “nội” hay chiên “ngoại” như kiểu phân biệt của những kinh sư Do-thái thời  đó (“Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” – Ga 10, 16). Điều làm cho những con chiên Ki-tô hữu vui mừng hãnh diện nhất, là được chính Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật mời gọi hãy qua chính cửa Giê-su mà vào làm chiên con trong ràn chiên của Thiên Chúa. Còn đáng vui mừng hãnh diện hơn thế nữa khi được thấy không chỉ những tín hữu là con chiên của Thiên Chúa, mà chính vị Mục tử nhân lành chăn dắt mình cũng là một con chiên – Chiên Thiên Chúa – được sát tế để cứu chuộc tội lỗi cho đoàn chiên nhân thế (“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” – Ga 1, 29). Như vậy, Thiên Chúa đã thương yêu con cái của mình, coi chúng như đoàn chiên ngoan ngoãn dễ thương, nên mới ban Con Một xuống thế để chăn dắt đoàn chiên đó, đồng thời hy sinh chính mạng sống mình làm “chiên sát tế” để đem lại ơn cứu rỗi cho chiên con.

Ngoài ra, khi nói về “cửa chuồng chiên” đón nhận những con chiên ngoan hiền vào trong “ràn chiên”, Đức Ki-tô còn dạy cho người tín hữu biết về ý định của Người sẽ thành lập Giáo Hội (ràn chiên) để nuôi dưỡng những con chiên sẽ là những thành phần trung kiên của Giáo Hội tương lai. Ràn chiên Giáo Hội được xây trên Tảng Đá Phê-rô (“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” – Mt 16, 18) và cũng chính Phê-rô sẽ là Mục tử kế nghiệp Mục Tử nhân lành Giê-su Ki-tô trực tiếp chăm sóc những chiên con trong ràn chiên của Chúa. Ràn chiên Giáo Hội sẽ phát triển và trường tồn với những mục tử (giám mục, linh mục thừa tác vụ Linh Mục Thượng Phẩm Giê-su) chăn dắt đoàn chiên Ki-tô hữu.

Ý thức được vấn đề như vậy, người Ki-tô hữu hãy cầu xin cho mọi thành phần của Giáo Hội sống đúng và sống trọn vẹn vai trò của mình: Ai được chọn làm mục tử thì luôn luôn phải là người mục tử tốt theo gương Chúa Giê-su; và xin cho đoàn chiên luôn biết đoàn kết thương yêu nhau, cùng nghe theo tiếng nói đích thực của vị Mục Tử Nhân Lành Giê-su thông qua các mục tử trong ràn chiên Giáo Hội, để ai nấy đều “được sống và sống dồi dào” Tình Yêu của Chiên-Sát-Tế-Giêsu-Kitô. Ước được như vậy. Amen.

XIN CHÚA BAN NHIỀU TÔNG ĐỒ MỞ NƯỚC CHÚA

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Chúa nhật Chúa Chiên Lành

(Ga 10, 1-10)

Đức Chúa phán thế này: Này Ta chống lại các mục tử, Ta sẽ đòi lại chiên Ta nơi tay chúng ” (Ez 34, 10). Các mục tử đã làm gì để Thiên Chúa nổi giận và đòi lại chiên đây? Qua miệng ngôn sứ Ezêkiel, Thiên Chúa còn nói mạnh hơn nữa : “Ta sẽ không để chúng chăn chiên Ta nữa. Các mục tử sẽ không còn được chăn nuôi lấy mình chúng nữa. Ta sẽ giựt lấy chiên khỏi mõm chúng, khiến chiên Ta không còn là mồi ngon cho chúng ăn thịt nữa ” (Ez 34, 10). À thì ra, các mục tử chỉ để ý đến lợi ích của mình, không dám xả thân vì để cứu chiên, nay Chúa đòi lại chiên và Ngài tuyên bố : “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng ” (Ez 34, 10). Thiên Chúa chăm nom chiên như thế nào? Ngài phán : “ Như người mục tử chăm nom đàn chiên của mình vào ngày nó ở giữa chiên phiêu bạt thế nào, cũng vậy Ta sẽ chăm nom chiên của Ta. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi nơi chúng tán loại, vào ngày mây mù đen tối. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ các xứ. Ta sẽ dẫn chúng về lại thửa đất của chúng. Và Ta sẽ chăn nuôi chúng trên núi Israel ” (Ez 34, 13-14).

Những “ngọn núi Israel ” theo các tác giả Thánh Kinh là nơi an nhàn, có suối nước trong lành, không có gì độc hại và nguy hiểm, nơi ấy có đồng cỏ non tốt tươi, màu mỡ (x. Ez 34, 13-15). Nếu ta muốn an toàn thoải mái, hãy đến đó tận hưởng.   “Đức Chúa phán: Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức ” (Ez 34, 16). Những ngọn núi chúng ta vừa nói ở trên còn ám chỉ dòng suối chảy Tin Mừng được rao giảng từ các Tông Đồ cho đến tận cùng thế giới : ” Tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển ” (Ps 18, 5).

Thật là hình ảnh cụ thể tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, được Chúa Cha phái đến, cũng tuyên bố : ” Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14 ).

Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi : tôi có phải là chiên của Chúa không, nếu phải thì tôi có biết Chúa không, biết thì biết thế nào ? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là “biết” được diễn tả qua việc làm. Chính thánh Gioan Tông Đồ đã viết điều này và làm chứng ở nơi khác : “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2, 4).

Chúa Giêsu còn nói về các con chiên : ” Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời và chúng sẽ không bao giờ hư mất ” (Ga 10, 27).

Vậy, ai chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với bao công dân Nước Trời.

Trên đây là những lý do với nhiều lý do khác mà Giáo hội gọi Chúa nhật thứ IV Phục Sinh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, đồng thời mời gọi con cái mình suy nghĩ đặc biệt về hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao đã hy sinh Mạng Sống Mình vì đoàn chiên. Chúa Giêsu muốn không chỉ có các mục tử  tiếp bước, Người muốn những người nam nữ dâng mình cho Chúa trong đời thánh hiến, đến lượt mình, cũng xả thân mình để bảo vệ đàn chiên, đưa các con chiên lạc trở về.

Vì thế, chủ đề ngày thế giới cầu cho ơn kêu gọi năm nay được Đức Thánh Cha đưa ra là : “Được Thần Khí Dẫn Dắt Cho Việc Truyền Giáo ” như một dấu nhấn đối với người rằng “không thể không có sự cổ võ cho ơn gọi hoặc sứ mạng Kitô Giáo tách ra khỏi đời sống cầu nguyện chiêm niệm liên lỉ“. Đức Thánh Cha nói : “Dấn thân cho việc truyền giáo không phải là một điều gì thêm vào đối với đời sống Kitô Giáo như một kiểu trang trí, mà thay vào đó là một yếu tố thiết yếu của chính niềm tin. Một mối quan hệ với Thiên Chúa“, và Ngài khích lệ mối quan hệ sâu sắc này với Chúa, ” trên hết vì sự khẩn xin từ trên cao những ơn gọi mới cho đời sống linh mục và đời thánh hiến “. Ngài nhắc lại rằng, ngang qua “Phép rửa, mọi Kitô Hữu là một ‘Christopher’, một người mang lấy Đức Kitô, cho anh chị em của mình”.

Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết rằng : “Ngày nay vẫn vậy, sống trong cộng đồng các môn đệ là Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô kêu gọi đi theo Người”. Ngài cũng đặc biệt mời giới trẻ “hãy trau dồi nét hấp dẫn các giá trị, các mục tiêu nâng cao, các chọn lựa triệt để, để có thể phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu“. Chúa Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại “Hãy đến! Hãy theo ta“. Theo Chúa Giêsu “có nghĩa là nhấn chìm ý muốn của chính mình vào thánh ý Chúa Giêsu, dành ưu tiên cho thánh ý Người và đặt Chúa Giêsu ở vị trí đầu so với tất cả những gì làm nên cuộc sống chúng ta : gia đình, công việc, những lợi ích ca nhân và bản thân“.

Xin cho giới trẻ hôm nay đang ở giữa biết bao những gợi ý nông cạn và phù phiếm, tạm thời, biết chuyên tâm trau dồi nét hấp dẫn đối với các giá trị, các mục tiêu cao thượng, những chọn lựa triệt để, hầu phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu. Đáp trả quảng đại và mau lẹ tiếng Chúa Kitô kêu gọi đi theo Người sát sao hơn nữa, đặc biệt với các thế hệ mới. Amen.

CHÚA CHIÊN LÀNH

Lm Giuse Nguyễn hưng Lợi, Dcct

Chúa Nhật IV Phục Sinh, năm A (Ngày cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ ) Ga 10,1-10

Chúa Chiên lành

Hằng năm Giáo Hội dành riêng ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Giáo Hội luôn ý thức trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình là rao giảng, giới thiệu Đức Giêsu Kitô cho nhân loại. Do đó, cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ là việc làm quan trọng và ý nghĩa đối với toàn thể Dân Chúa và cả Hội Thánh.

Nếu chúng ta chịu khó quan tâm và tha thiết với ơn gọi, chúng ta sẽ cảm thấy hết sức ngạc nhiên vì nhiều nước trên thế giới rất hiếm ơn gọi, Nhiều tu viện, đan viện, nhà dòng phải đóng cửa vì không có người đi tu nữa.Lớp linh mục già, tu sĩ nam nữ già nua, tuổi tác càng ngày càng gia tăng. Các gia đình sinh con ít, và sống trong nền kinh tế thị trường, văn minh tột bậc, hưởng thụ, nên lớp trẻ không muốn dấn thân hy sinh. Chính vì thế, hầu hết các nước Tây Phương đều thiếu các bạn trẻ dấn thân vào các chủng viện, các dòng tu. Ơn gọi linh mục và tu sĩ trở nên khan hiếm nghiêm trọng . Thế nhưng, tại Việt Nam ơn gọi linh mục và tu sĩ vẫn còn đông đảo. Các bạn trẻ nam nữ vẫn can đảm, hy sinh, xả thân đi tìm một chỗ trong các chủng viện, trong các dòng tu, tu hội, tu đoàn để mong thực hiện được mộng ước phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân với tất cả thiện chí và tình thương của mình. Có nhiều chủng viện không có đủ chỗ để đáp ứng nhu cầu, đáp ứng đòi hỏi của các bạn trẻ, có chủng viện một người phải chọi với ba chụcngười, nên số được tuyển sinh thực sự vào các chủng viện không đáp ứng đủ cho số dự tuyển còn phải bỏ lại rất nhiều. Nhiều đan tu, tu hội, dòng tu không đủ chỗ nhận các bạn trẻ vào tu.

Giáo Hội Việt Nam vần còn nhiều ơn gọi. Hiện nay, các bạn trẻ nam nữ ở miền quê còn rất thích đi tu. Nhưng trong tương lai có thể ơn gọi sẽ khan hiếm ơn vì các gia đình sinh con ít, vì những cám dỗ của vật chất,hưởng thụ làm các bạn trẻ ngao ngán dấn thân, đặc biệt các bạn trẻ ở thành phố, nhiều khi được tiếp xúc với nền văn minh hiện đại, những phương tiện ăn chơi, những trò giải trí, những cạm bẫy dễ lôi cuốn các bạn trẻ vào thế thụ động, ăn chơi, ích kỷ, hưởng thụ, không còn mở rộng cõi lòng, mở rộng con tim để quảng đại dấn thân, hy sinh giúp đời nữa.

Chúa Nhật IV mùa Phục Sinh là Chúa Nhật Chúa chăn chiên lành: Vị Mục Tử Hiền Lành, Nhân Hậu tự hiến mạng sống mình để chia xẻ với chúng ta sự sống PhụcSinh của Người. T rong thời Cựu Ước đề tài người mục tử nhân lành, xả thân cho bầy chiên là một nguồn hứng khởi cho các văn sĩ Thánh Kinh khiến họ mô tả Thiên Chúa như một Đấng Mục Tử. “ Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, Tôi không hề thiếu chi …Dù phải đi qua thung lũng tối đen, Tôi cũng không hề lo sợ “ ( Tv 23, 1-4 ). Từ đó các vị lãnh đạo tôn giáo của Israen cũng được ví như các vị mục tử. Tiếc thay, theo thời gian, vai trò lãnh đạo tôn giáo của Israen đã bị thoái hóa. Khi điều này xảy ra, ngôn sứ Êdêkien đã nhân danh Chúa nói lên :” Hỡi các mục tử của Israen, các ngươi đã bị băng hoại rồi ! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến bầy chiên…Vậy, hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, Vị Chủ Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng…Ta sẽ bầy chiên ra khỏi các ngươi…Ta sẽ giao chúng cho một Vị Vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của chúng ta và Người ấy sẽ chăm sóc lo lắng chúng “ ( Ez 34, 2-4, 9-10, 23 ).

Do đó, chúng ta phải đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay theo cách nhìn này. Chúa Giêsu nói :” Ta là mục tử tốt lành, sẵn sàng hysinh liều mạng sống vì đàn chiên…Chúng sẽ nghe tiếng Ta và chúng sẽ trở nên một đàn chiên dưới quyền một chủ chiên “.

Đức Giêsu chính là mục tử tốt lành mà tiên tri Êdêkiên đã tiên báo.Giống như Đavít, người mục tử nhân lành, Ngài chăm sóc những con chiên yếu đuối bơ vơ, lạc lõng, chữa lành con nào bệnh hoan tật nguyền, và đi tìm những con chiên lạc đường, sai lối. Đức Giêsu còn nhiều hơn thế nữa, Ngài hy sinh, hiến mạng sống để cứu thoát đàn chiên của Ngài. Và Chúa Giêsu còn làm hơn thế, Ngài đã phục sinh từ cõi chết và chia xẻ đời sống phục sinh của riêng Ngài với đàn chiên.

Đức Giêsu quả thật là mục tử tốt lành mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ngài không chỉ hiến mình cho nhân loại, cho con người cách đây hơn 2.000 năm, nhưng Ngài còn tiếp tụccư ngụ giữa chúng ta và thông ban sự sống lại của riêng Ngài cho nhân loại, cho thế giới, chúng ta nữa.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra Chúa là mục tử nhân lành nhờ đó, chúng con tin nhận và đi theo Chúa mãi mãi. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao lại gọi Chúa Giêsu là mục tử nhân lành ? 2.Nhân vật mà ngôn sứ Êdêkiên nói tới là ai ? 3.Đavít là ai ? 4.Mục tử tốt và mục tử xấu khác nhau thế nào ? 5.Chúa Phục Sinh có còn hiện diện giữa chúng ta không ?

Tab 3 content place

[/fruitful_tabs]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*