• Giao thừa–Giây Phút Đoàn Tụ-Tạ Duy Tuyền
  • Suy Tư Tin Mừng Trong tuần thứ 4 thường niên năm A-Mai Tá
  • Thánh vịnh đáp ca video-Lm La Thập Tự
  • Chúa Muốn Con Người Hạnh Phúc-Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  • Đại Phúc-AM Trần Bình An
  • Tiếng gà gáy-Lm Giuse Nguyễn Hữu An

GIAO THỪA – GIÂY PHÚT ĐOÀN TỤ

Lm Tạ duy Tuyền

Giao thừa được hiểu là giây phút chuyển giao giữa cũ và mới. Giữa hiện tại và tương lai. Đó là giây phút lịch sử. Giây phút mà người ta vẫn chờ đợi những gì tốt lành nhất đến với mọi nhà, mọi người.

Đối với truyền thống Việt Nam đây là giây phút đoàn tụ gia đình, và cũng là giây phút để đón nhận những lời chúc phúc tốt đẹp nhất từ ông bà, cha mẹ. Từ những người thân thương nhất của mình. Có lẽ, đó cũng là giây phút cô đơn nhất của những ai xa nhà, những ai không có một mái ấm gia đình thực sự. Ngày xưa mỗi độ xuân về, mà nghe lời hát “Xuân này con vắng nhà” là một lần nghe lòng tái tê, là một lần nhắc nhở mỗi người hãy nhớ rằng mình còn có một mái ấm gia đình. Hãy nhớ mình còn có những người thân thương đang ngóng trông. “Con nhớ xuân này mẹ chờ tin con. Khi pháo giao thừa rộn ràng muôn nơi. Năm trước con hẹn mùa xuân sẽ về. Trông bánh chưng chờ đợi sáng. Đỏ hây hây như đôi má hồng”.

Vâng, mỗi khi nghe giai điệu bài hát này ai cũng cảm thấy lòng bồi hồi gợi nhớ lại bao kỷ niệm thân thương về một đêm giao thừa đoàn tụ với cha, với mẹ trong nôi ấm gia đình. Và ai cũng mong muốn được trở về với gia đình, được đoàn tụ với những người thân yêu trong giây phút linh thiêng nhất của một năm.

Giây phút đó, giờ đây đang dần đến với chúng ta. Ai cũng mong được hạnh phúc trong giây phút đầu năm. Ai cũng mong được sống đoàn tụ quây quần với những người thân yêu trong giây phút hết sức linh thiêng này. Giây phút này chúng ta mới thấy cần có một mái ấm gia đình. Giây phút này chúng ta mới thấy gia đình là một quà tặng thật qúy giá mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta. Thế mà đã bao lần chúng ta lại muốn ly tán gia đình! Đã bao lần chúng ta gây nên biết bao thương tổn cho những người thân yêu nhất của chúng ta! Đã bao lần chúng ta đã sống khờ dại như cha ông ta vẫn nói: “khôn nhà dại chợ”. Đã bao lần chúng ta sống thiếu trách nhiệm với gia đình, trở thành gánh nặng cho gia đình, vì lười biếng, vì “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”, hay “việc nhà thì nhác, việc cô bác thì siêng”.

Có lẽ đây là giây phút thật thuận tiện để chúng ta xin lỗi về cả một quá khứ. Về những việc chúng ta đã làm có lỗi với nhau. Về những việc chúng ta đã quá thiếu sót với nhau. Về cả những lời nói mà chúng ta đã xúc phạm đến nhau. . . Đây là giây phút lịch sử để chúng ta làm lại cuộc đời. Giây phút này không ai muốn làm phiền lòng nhau và càng không muốn phiền hà đến ai. Chúng ta hãy dành những cử chỉ, những lời nói tốt đẹp nhất cho nhau. Hãy chân thành chúc phúc cho nhau một năm mới an lành, một năm tràn đầy hồng ân Chúa.

Song song với tinh thần đoàn tụ gia đình, truyền thống Việt Nam còn có một thói quen là xông nhà. Chúng ta ao ước có một người tốt phúc tới xông nhà, để cầu phước cho một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió, cho một năm an bình thịnh vượng. Tôi ước mong qúy ông bà và anh chị em hãy mời Chúa đến “xông nhà” chúng ta. Hãy lắng nghe Chúa chúc phúc cho gia đình chúng ta. Năm nay với chủ đề “Gia đình hãy là dấu chỉ Lòng Thương Xót”, với điểm nhấn của năm nay là mời gọi các thành viên gia đình hãy có tình thương với nhau. Chúng ta hãy nguyện xin Chúa chúc phúc cho gia đình chúng ta đựơc sống hiệp nhất yêu thương nhau, mỗi người biết sống phục vụ lẫn nhau trong tinh thần trách nhiệm và tròn bổn phận. Thiên Chúa là tình yêu, nguyện xin tình yêu Chúa ở lại luôn mãi trong các gia đình, để tình yêu của Ngài được thể hiện qua từng ngôn ngữ, từng hành vi mà chúng ta dành cho nhau. Vì chưng, giá trị của một con người không hệ tại ở sự giầu có, không hệ tại ở chức vụ quyền qúy cao sang, mà hệ tại ở tư cách của một con người biết sống kính trên nhường dưới, biết sống trên thuận dưới hoà và biết sống yêu thương mọi người. Vì thế, một gia đình hạnh phúc không hệ tại ở giầu sang phú quý mà hệ tại ở một cuộc sống trên thuận, dưới hoà, người người biết yêu thương nhau.

Và cuối cùng trước thềm một năm mới, nguyện xin Chúa luôn cư ngụ trong mỗi gia đình, xin Ngài chúc lành cho các gia đình được hưởng những giây phút giao thừa thắm được tình Chúa, tình người. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

TÁM MỐI PHÚC

Mai Tá dịch

Suy Tư Tin Mừng Trong tuần thứ 4 thường niên năm A-Mai Tá

Tin Mừng: (Mt 5: 1-12a)

Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Ngài ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Ngài mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

“Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa”

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú

Người có nghe náo động cả muôn trời?

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời

Để ca tụng , bằng hương hoa sáng láng.

(dẫn nhập từ thơ Hàn Mặc Tử)

Thơ mầu nhiệm ra đời, nghe xôn xao náo động muôn tinh tú. Náo động, phải chăng người thi sĩ muốn nói đến mầu nhiệm cứu chuộc dân gian nơi trần thế? Bằng Hiến Chương/Cương Lĩnh Nước Trời?

Trình thuật Cương Lĩnh hôm nay, là những chương đoạn về hạnh phúc ở trần gian. Nơi đất miền thân thương, dẫy đầy phúc đức có chen lẫn những cực hình. Hiến chương/Cương lĩnh Nước Trời mà thánh sử lược ghi, là để người người được thấy dung mạo Đức Chúa, một Mô-sê rất mới.

Giống hệt như Môsê thời buổi trước, Đức Giê-su nay khởi đầu cuộc đời Ngài giảng rao bằng 5 bài giảng thuyết có những đề xuất, rất nghịch thường. Giống hệt như sách Ngũ Thư của Cựu Ước, Hiến chương Hạnh phúc Chúa ban hành trên non cao chốn núi vắng, là để tỏ bày cho người Do thái biết về đường lối Chúa dạy. Tức, những điều Ngài muốn ta thực hiện, trong cuộc sống.

Bài thuyết giảng đầu đời Chúa tuyên bố, không là băng hình đậm nét về những sự kiện vừa xảy ra trên núi thánh. Mà, là sưu tập tóm tắt những lời vàng Thầy gửi đến với đồ đệ rất thân thương. Lời Thầy khuyên dạy sẽ giúp những ai dấn bước theo Thầy, biết đường nghe theo mà sống những chuỗi ngày hạnh phúc, với anh em. Núi thánh ở đây, là địa điểm Thầy ban hành Hiến Chương mới. Là, điểm mốc lịch sử nơi diễn tiến mọi sự kiện đổi đời, có từ Thầy.

Vị thế Thầy ngồi khi tuyên bố Hiến Chương Hạnh Phúc, nói lên quyền uy rất mực của Đấng Vị Vọng, rất Tối Cao. Cách Chúa ngồi giảng rao, còn diễn tả quyền uy thế thượng mà các vị cha chung trong Giáo hội, vẫn đương làm khi có phán quyết quan trọng, gửi đến con dân. Phán quyết quan trọng, là quyết định có liên quan đến cuộc sống hạnh phúc của mỗi người, cho mọi người.

Phán quyết Chúa ban, là Hiến Chương còn hệ trọng hơn cả Mười Điều Giáo Lệnh Mô-sê rao truyền, vào thuở trước. Các giáo Lệnh Mô-sê chuyển giao, là luật sống cho con dân Do Thái để thi hành, không mấy khó. Không khó, vì luật là luật chẳng cần đến tình thương, chẳng cần phải tôn trọng. Cứ theo phương cách vị kỷ, tập trung vào chính mình. Hệt như thái độ chàng thanh niên rất giàu mà Tin Mừng từng nhắc đến: anh giữ trọn đủ 10 điều, từ hồi nhỏ. Giữ, nhưng chẳng cần tình thương yêu tha thứ. Anh là công dân tốt, nhưng không thể là đồ đệ đúng nghĩa của Chúa.

Hiến chương Thầy công bố, không là giới lệnh rất dễ làm. Tuy rằng, mỗi điều khoản bắt đầu bằng cụm từ “Phúc thay!”. Cụm từ này, xuất xứ từ tiếng Hy Lạp makarios, hoặc felix, tiếng La-tinh, cả hai bao hàm ý niệm hạnh phúc, rất cao trọng. Muốn am hiểu niềm hạnh phúc Chúa tuyên ban, có lẽ cũng nên am tường bối cảnh Nước Trời, Ngài tỏ bày. Tức, cần có tương quan tốt đẹp giữa ta và Đức Chúa. Cần chấp nhận Ngài là Chúa, Đấng hướng dẫn cuộc đời mà mọi người nên giữ.

Về bối cảnh Nước Trời, không chỉ người giàu sang, thành đạt hoặc quyền uy mới là người cao trọng, nhiều hạnh phúc. Trái lại, chỉ người hiền biết chấp nhận khổ đau mới đích thực là người được Chúa chúc phúc. Đây, không hẳn là hiến chương bình thường, cho muôn nước. Nhưng là Hiến Chương Hạnh Phúc Nước Trời Chúa đã ban. Hiến chương Hạnh Phúc Ngài ban, chú trọng nhiều đến nhu cầu thiết thực đổi thay cách sống. Đổi cả quan niệm về giá trị cuộc đời. Giá trị, nơi uy lực của kẻ yếu mềm, bị bỏ rơi.

Tìm hiểu ý nghĩa đích thực của Hiến Chương Hạnh Phúc, mọi người sẽ nhận ra điều Chúa thách thức lối suy tư bình thường, theo qui ước. Có tìm và có hiểu, ta mới thấy được ý nghĩa Ngài đưa ra:

*Hạnh phúc thay, người có tinh thần khó nghèo vì Nước Trời là của họ: người có tinh thần khó nghèo chính là người biết phó mặc hoàn toàn cho Đức Chúa. Có thái độ như thế, người người mới thực sự bước vào triều đại của Ngài. Không ỷ vào những gì mình đang có.

*Hạnh phúc thay cho người sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an: sầu buồn và khổ đau nói ở đây, không là tâm trạng của người vừa có mất mát. Mất bạn bè. Mất người thân. Nhưng, còn vì ác thần/sự dữ cứ xảy đến với thế giới nhân trần. Nên, sầu buồn và khổ đau vẫn cứ đến. Hạnh phúc, là bởi họ vẫn cùng với mọi người đã giáp mặt khổ đau. Giáp mặt và sẻ san, chứ không bỏ chạy.

*Hạnh phúc thay cho người mềm yếu, vì họ sẽ thừa hưởng trái đất này: cụm từ “mềm yếu” trong Tin Mừng thánh Mat-thêu xuất từ tiếng Hy Lạp praus có nghĩa là: từ bi, bác ái. Trái ngược hẳn tính kiêu căng trịch thượng, chèn ép hoặc bạo tàn. Điều Chúa nói, ám chỉ sự tôn kính, tính hiền hoà phải có, với mọi người. Đây, còn là thái độ lùng kiếm bản chất thiện căn hầu tỏa sáng khắp nơi. Điều này trái với tính nhút nhát, đớn hèn mà người Do Thái đương thời thường lây nhiễm.

*Hạnh phúc thay, những ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đầy: điều Thầy Chí Thánh muốn nói, là: những ai sống ở đất miền ứ tràn những của ăn cùng thức uống, sẽ chẳng bao giờ có được kinh nghiệm về sự đói khát người dân vùng sa mạc, vẫn hứng chịu. Người đói khát sự công chính mà Chúa nói, từng hiến trọn công sức và cuộc đời ngõ hầu tái tạo công bằng và bình an ở xã hội, họ đang sống. Những người như thế, chắc chắn thuộc về Triều đại Nước Trời. Làm Chúa yên vui.

*Hạnh phúc thay,những ai có lòng thương xót vì sẽ được xót thương: đây không cốt ý chỉ sự thương hại hoặc cảm xúc hời hợt, nhưng là tâm tình thương cảm sẻ san. Tâm tình bước vào với nỗi niềm buồn đau, nơi người khác. Những người như thế, chắc chắn sẽ được Chúa đoái thương. Ở đoạn khác trong Tin Mừng, Đức Giê-su cũng khuyên môn đệ mình bắt chước lòng thương yêu của Đức Chúa. Điều này có nghĩa: ta hãy bỏ qua một bên mọi thành kiến lẫn ác cảm. Bỏ mọi ghét ghen miệt thị trong giao tiếp, đối xử.

*Hạnh phúc thay, những ai có tâm hồn trong trắng vì họ sẽ được diện kiến Đức Chúa: trong trắng ở đây không là sự trinh trong xác thịt. Nhưng, nhìn sự vật với cặp mắt không thành kiến, méo mó. Không kỳ thị hoặc có đầu óc hẹp hòi như các luật sĩ đầy xung khắc, vị kỷ. Có tâm hồn trong trắng, là người nhận ra tình yêu Đức Chúa đang ở với họ. Người như thế quả thật họ đang có phúc.

*Hạnh phúc thay, những người biết dựng xây hòa bình, vì họ được gọi là con Thiên Chúa. Hạnh phúc là phúc cho ai hoạt động cho việc hòa giải, hòa hợp ở khắp nơi. Hòa giải – hòa hợp, không chỉ bãi bỏ tâm tình kình chống mà thôi. Nhưng còn là, đến với nhau. Chữa lành cho nhau. Cùng nhau kiến tạo sự hòa hoãn trong gia đình. Nơi phố chợ. Tại công sở. Ở chốn thị thành. Bình an trong chung sống, không để cho bất cứ ác tậm sự xấu được tồn đọng với nội tâm. Sự xấu, chính là thành kiến, xung khắc, kỳ thị; và cả đến những khai thác, bóc lột nữa. Tóm lại, có dựng xây hòa bình, mới tự nhận mình là dân con Đức Chúa.

*Hạnh phúc thay, những người bị bách hại vì sự công chính, bởi Nước Trời thuộc về họ: ở đây, có lẽ có người sẽ hỏi: tại sao kẻ đau buồn cực khổ lại được Chúa chúc phúc? Lý do, những gì khiến họ đau buồn cực khổ là vì Tin Mừng. Do sự công bình và lành thánh, Tin Mừng Ngài đem đến. Người chịu đựng khổ đau, là cốt đem chân lý và bình an đến với thế giới nhân trần. Làm thế, họ đem niềm an vui hạnh phúc đến cho ta. Niềm vui ta có được, khi đã hoàn thành mục đích Ngài giảng rao. Lịch sử nhân loại dẫy đầy gương sáng của những người như thế. Ở Ấn Độ, Trung và Nam Mỹ, và khắp nơi. Đâu đâu cũng thấy những gương lành thánh những người như thế. Thế kỷ 20 là thế kỷ sản sinh nhiều gương lành tử đạo hơn các thế kỷ trước. Các vị, đã chấp nhận tử đạo vì niềm tin. Vì bình an và công bình. Ngày nay, nhiều người vẫn chấp nhận hy sinh thân xác cho lý tưởng cao đẹp, hơn bao giờ.

Hiến Chương Nước Trời, quả thật sâu sắc. Rất cao đẹp. Hiến chương vẫn kêu mời mọi người kiến tạo tương quan mật thiết, giữa ta với Chúa, với mọi người. Hiến chương cũng đòi ta quan tâm sâu sắc, tham gia dựng xây thế giới đương đại cho tốt đẹp. Và, kêu gọi mọi người hãy tìm cách biến đổi thế giới thành nơi ngập tràn tình yêu thương. Ngập tràn chân lý công bình và lòng xót thương. Đầy ngập sự tự do và hài hòa giữa mọi người. Đó là ý nghĩa của Hiến Chương Hạnh Phúc. Của Cương Lĩnh Nước Trời. Là mục tiêu của cuộc sống. Sống hạnh phúc đích thật.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu cho mỗi người và mọi người sẵn sàng tham gia dựng xây Nước Trời đầy hạnh phúc, ở nơi đây. Nơi ta chung sống, chốn gian trần. Trong tinh thần ấy, ta cùng cất tiếng hát lên bài ca tạ ơn khi xưa:

“Ôi ơn đời chói vói, nhớ khi thân tròn ôm gối

Ba trăm ngày trong gói, ngóng trông ra đời góp mối chung vui

Ôi ơn đời mãi mãi, thoát theo đời vun sới

Bao nhân tình thế giới, lớn lên trong vườn ân ái muôn đời.”

(Phạm Duy-Tạ ơn đời)

Tạ ơn đời. Nhưng, đích thực là tạ ơn Người. Tạ ơn Thầy đã ban cho mọi người Hiến Chương Hạnh Phúc Nước Trời. Hiến Chương “xông lên lời ca ngợi sum hoà”. Rất yêu thương.

Frank Doyle sj biên-soạn – Mai Tá lược dịch

THÁNH VỊNH ĐÁP CA

Lm La Thập Tự

Kính gởi quý vị – đặc biệt là quý ca trưởng

Lời dẫn và Đáp ca bằng Video

Chủ nhật 4 Thường niên – Năm A

https://www.youtube.com/watch? v=nCpspnHgw50

Và bài Thánh ca của LM La Thập Tự

Rất quý mến

Tamlinhvaodoi

CHÚA MUỐN CON NGƯỜI HẠNH PHÚC

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Chúa nhật IV – Năm A

(Mt 5, 1-12a )

Chúa nhật thứ IV thường niên A năm nay trùng vào ngày Mùng Hai Tết Nguyên Đán năm 2017, thật là ý nghĩa khi chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng (Mt 5, 1-12a) đọc trong Thánh lễ Giao thừa, chúng ta có thể khẳng định rằng : Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc. Suy diễn này không có quá ảo tưởng, vì vào khởi đầu của Kitô giáo, các thành phần của Giáo hội cũng được gọi là “những người diễm phúc”. Thiên Chúa là Hạnh Phúc, Ngài luôn muốn chúng ta hạnh phúc, nên Ngài thi ân giáng phúc cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta không chỉ hạnh phúc tạm thời, mà còn hạnh phúc luôn mãi cả đời này và đời sau. Quả thực, người kitô nhờ Bí tích Rửa tội, được kết hiệp với Chúa Giêsu là Quả Phúc nơi cung lòng Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc, nên chúng ta hạnh phúc là lẽ đương nhiên.

Ngày đầu năm, chúng ta đã đi chúc tết nhau, ngoài bánh chưng, bánh tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc. Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau là bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn… người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.

Về phía Thiên Chúa, vì Ngài là nguồn mạch mọi ân phúc, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta. Ngài vui khi nhìn thấy chúng ta mạnh khoẻ, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cha mẹ nào mà không vui khi thấy con cái mình lớn lên, khôn ngoan, khoẻ mạnh, huống chi là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, không để chúng ta hư không đời, mà lại sinh ra ta cho ta được làm người…lại cho Ngôi Hai Xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát ta khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời. Đoạn Tin Mừng đọc trong Thánh lễ hôm nay minh chứng rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc (x. Mt 5, 1-10).

Hạnh phúc thật theo Chúa Giêsu phán trong Tin Mừng (Mt 5:1-12) nghe xong nhiều người không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt, bởi vì những người mà người đời coi là khờ dại, bất hạnh và đáng thương hại theo Chúa Giêsu lại là những người có phúc. Lý do là vì họ sống tinh thần nghèo khó, mặc dù họ giàu sang, có tiền của. Sống tinh thần nghèo khó, không cậy dựa vào tiền của, nhưng phó thác vào quyền năng của Chúa. Họ còn là những người hiền lành, những người đau khổ, những người đói khát sự công chính, những người có lòng trong sạch, những người ăn ở thuận hoà và những người bị bách hại vì lẽ công chính. Đó là những người được Thiên Chúa chúc phúc.

Chúa Giêsu là hiện thận của Chúa Cha là Hạnh Phúc, Người cũng muốn chúng ta có được hạnh phúc, nên đã vạch ra cho chúng ta con đường Tám Mối Phúc Thật để tất cả chúng ta đi theo mà trở thành phúc nhân. Con đường Chúa đã đi khi còn sống thân phận lữ thứ trần gian như chúng ta : Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10).

Trước thềm năm mới, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, là ‘Đấng đầy ơn phúc’, giúp con cái Mẹ trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.

ĐẠI PHÚC

AM Trần Bình An

Chia sẻ Tin Mừng Lễ  Giao Thừa & Tết Đinh Dậu 2017 ((Mt 5,1-10)

Đại Phúc

Đan Mạch đã đứng đầu danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới của LHQ năm 2016, 2014 và 2013. Mặc dù thời tiết ở Đan Mạch rất u ám trong mùa đông, thế nhưng nơi đây vẫn được coi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Khảo sát về mức độ hạnh phúc thực hiện bởi Liên Hợp Quốc và Viện Trái Đất tại Đại học Columbia (Mỹ), dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, dịch vụ y tế, mối quan hệ gia đình, công việc bền vững, tự do chính trị và một bộ máy nhà nước không tham nhũng.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Ở Đan Mạch, trung bình một người làm việc 37 tiếng/tuần. Họ có thời gian nghỉ lễ 5 tuần/năm. Điều này có nghĩa là thời gian nghỉ ngơi chiếm phần lớn trong văn hóa Đan Mạch. Tan làm đúng giờ, đi xe đạp về nhà, hoặc sử dụng một phương tiện công cộng rất hiệu quả, đón con từ trường học và có một bữa ăn tối ấm cúng cùng gia đình, là định nghĩa của hạnh phúc ở hầu hết các gia đình Đan Mạch.

Dành nhiều thời gian để giải trí thư giãn

Người Đan Mạch thường dành thời gian rảnh rỗi của mình với người thân, gia đình, bạn bè. Những cuộc gặp mặt ấm cúng này có thể là một buổi tụ tập bên lò sưởi, sau ngày Giáng sinh khi trời đầy tuyết rơi, hoặc đi dạo trên bãi biển, xuống phố, tranh thủ mọi nơi để trò chuyện, cùng nhau uống cốc bia….

 

Ít kì vọng

Người Đan Mạch không quá tham vọng. Trong xã hội Đan Mạch, mọi người đều như nhau. “Bạn không hề tốt hơn những người khác.” là một câu nói nổi tiếng của người Đan Mạch. Không ai chỉ trích bạn vì lựa chọn sự nghiệp, hoặc thiếu tham vọng, nếu bạn hạnh phúc với nó, thì cứ tận hưởng. Ít kì vọng khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với người Đan Mạch.

Chính sách phúc lợi “hào phóng”

Đan Mạch được coi là một trong những quốc gia bình đẳng nhất trên thế giới, nơi mà cả nam giới và phụ nữ đều có trách nhiệm như nhau. Thuế ở đây rất cao, giúp quyên góp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước. Mọi người đều được khám chữa bệnh miễn phí. Trường học cũng miễn phí. Sinh viên được trợ cấp hàng tháng trong suốt năm. Chi tiêu của chính phủ về trẻ em và người cao tuổi cao hơn so với bất kỳ nước nào trên thế giới

An ninh tốt

Niềm tin là một yếu tố quan trọng trong khái niệm hạnh phúc của người Đan Mạch: tin tưởng vào chính phủ, tin tưởng nơi làm việc, trường mẫu giáo và trường học chăm sóc con của bạn, tin tưởng rằng bạn an toàn, với tỉ lệ tội phạm và tham nhũng thấp, tin vào lực lượng cảnh sát đáng tôn trọng và những người hàng xóm thân thiện. Ở làng quê, bạn ra ngoài mà chẳng cần khóa cửa nhà. (Trà My, Người Đan Mạch hạnh phúc nhất thế giới nhờ 5 điều này, Dân Việt)

 

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì vào năm 2006, Đan Mạch xếp hạng 35/107 nước có tỷ lệ tự sát cao. Như thế bảng xếp hạng Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất chưa thể coi là chính xác.

Hôm nay, vào đêm Giao Thừa, (sáng Mồng Một Tết) theo Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu công bố Hiến Chương Nước Trời với Bát Phúc tuyệt vời, lại bất tương đồng, cực kỳ mâu thuẫn với tiêu chuẩn hạnh phúc thế gian. Tam Phúc đầu tiên là nghèo khó, hiền lành và sầu khổ, có thể là những điều quan trọng trong Bát Phúc.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”

Tài năng, sự nghiệp thành công, của cải sung túc, quyền cao chức trọng, chưa hẳn có phúc bằng người có tâm hồn nghèo khó. Tuy nhiên, Đức Giêsu chẳng chúc cho ai phải lâm vào cảnh khốn khó, bần cùng, lầm than, mà cầu chúc cho ai biết ý thức thân phận nghèo nàn trước Đấng Tạo Hoá, tột đỉnh quyền uy. Nhờ biết mình thiếu thốn, khốn khó, bất toàn, mới có cơ hội tìm về nguồn cội, Thiên Chúa chí ái, đầy lòng thương xót. Suốt cuộc đời Đức Giêsu là tấm gương sáng chói người có tâm hồn nghèo khó, hoàn toàn không tìm kiếm tư lợi, từ khi sinh ra cơ cực, sống thanh bần cho đến khi tử nạn trần trụi.

Có tâm hồn nghèo khó là người tự do đích thực, ung dung tự tại, không nô lệ vật chất của cải. Là người tự do với chính bản thân, vượt lên những đòi hỏi bản năng, cám dỗ xác thịt. Là người được kết hiệp mật thiết với Chúa, đi lên núi Bát Phúc gặp Chúa, thoát khỏi hấp lực thế gian ghì xuống. (Lm GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ, Phúc Thay! Tám Mối Phúc Thật)

Người có tâm hồn nghèo khó không kiêu căng, tự mãn với của cải phù vân tích luỹ, mà khiêm nhường, tự hạ, khao khát tình Chúa, nguồn hạnh phúc vô biên, cũng như tha thiết tình người, bác ái, chia sẻ, phục vụ. Người có tâm hồn nghèo khó thể hiện Đức Tin vững mạnh, luôn tin tưởng, luôn kính nhớ rằng, chính Thiên Chúa làm chủ, dẫn dắt, che chở cuộc đời trầm luân của mình.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Trong xã hội nhiễu nhương, bạo lực, Đức Giêsu tha thiết mời gọi sống hiền hoà, khoan dung, tha thứ, như chính người đã nêu gương, khi bị xúc phạm, vu oan, chịu khổ nạn. “Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa… Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5, 38-44)

Hiền lành là sống tử tế, điềm đạm, can đảm, dũng khí, xả kỷ, làm chủ bản thân trước nghịch cảnh, áp bức, bạo lực.“Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.” (Tv 13) Sống hiền lành là tích cực thực hành Đức Cậy, phó thác vào Chúa Quan Phòng.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

 

Bao lần Đức Giêsu sầu khổ, như thương tiếc Lazarô, như đồng cảm với bà goá thành Naim, mất đứa con trai. Nhất là trước viễn cảnh khổ nạn, Người khiếp hãi đổ mồ hôi máu. “Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được.” (Mt 26, 37-38)

Khi bị thiên hạ ức hiếp, dày vò, vu oan giáng hoạ, bắt bớ, tù đày, chẳng ai cứu vãn, giúp đỡ người tín hữu, ngoài Người Cha Nhân Từ, luôn giang rộng vòng tay chờ đón những đứa con thương tích, bầm dập, trở về. Đó là dịp vô cùng thuận lợi để tuyên xưng Đức Mến, tình yêu Chúa đầy lòng thương xót.

“Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng. Vì không phải của con, chính là của Chúa trao cho con xử dụng, của người nghèo.  (Đường Hy Vọng, số 414)

Lạy Chúa Giêsu, ngay từ ngày đầu Năm Mới, xin giúp chúng con trung thành đi theo Người, sống theo Người, hầu chúng con mãi giữ được niềm tin mạnh mẽ, đức cậy bền vững, tình mến sắt son.

Khấn xin Mẹ cầu bầu cho chúng con sang Năm Mới luôn vững vàng sống Tin Mừng, thực thi Bát Phúc, dẫu rằng bao nguy khó, thách đố trên con đường hy vọng. Amen.

TIẾNG GÀ GÁY

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Tiếng gà gáy

Năm mới Đinh Dậu 2017, năm Con Gà đã cận kề. Con Gà Trống từ lâu đời đã hiện diện trong nhiều nền văn hoá Đông Tây. Hình ảnh Gà Trống được văn chương thi phú nhắc đến nhiều. Trên nhiều ngọn tháp nhà thờ, ngoài Thánh giá, còn có tượng chú gà trống bằng đồng hay sắt thép. Ở Châu Âu biểu tượng này khá phổ biến nhưng ở Việt Nam có vài Nhà thờ cổ xây dựng theo kiến trúc Tây phương và có chú gà trống trên tháp cao. Được nhiều người biết đến nhất và gắn với cái tên Nhà thờ Con Gà là Nhà thờ Chính toà Đà lạt và Nhà thờ Chính toà Đà nẵng.

– Nhà thờ Chính toà Đà lạt là một trong những công trình mang dấu ấn kiến trúc phương Tây kết hợp kiến trúc của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên. Với vẽ đẹp cổ kính, Nhà thờ con gà Đà lạt tạo cho du khách một ấn tượng đặc biệt về kiến trúc và sự hoành tráng hiếm thấy trên cao nguyên. Năm 1931, linh mục Céleste Nicolas, cha sở Đà Lạt thời đó, khi xây cất nhà thờ kéo dài 11 năm, ngài đã cho gắn trên chóp đỉnh Thánh giá tháp chuông một con gà trống được đúc bằng đồng, dài 66cm, cao 58cm. Con gà này có thể quay quanh một trục, để người ta biết gió thổi hướng nào.

– Nhà thờ Chính toà Đà nẵng có kiến trúc theo kiểu Gothique với những đường nét cao vút, những vòng cửa quả trảm. Nhà thờ hiện nay được xây dựng trong khoảng thời gian từ tháng 2.1923 đến tháng 9.1924, do linh mục Louis Vallet chủ công xây dựng và phác thảo phối cảnh tổng thể, trên khoảng đất trống đường Rue du Musée (nay là đường Trần Phú).Trên nóc nhà thờ có có biểu tượng con gà màu xám. Cột thu lôi, đế bầu tròn đỡ con gà và chữ thập chỉ bốn hướng đông-tây-nam-bắc, sau nhiều năm đã được sữa chữa, thay mới vài lần. Con gà xoay theo hướng gió nên người dân bản xứ kháo nhau rằng đây là đài dự báo thời tiết rất hiện đại, quay chiều nào là gió mưa, chiều nào là nắng tạnh họ nắm hết.

Theo các linh mục sở tại, tượng chú gà trống trên đỉnh tháp nhà thờ mang ba ý nghĩa:

-Chú gà đánh thức: ngày xưa khi chưa có đồng hồ báo thức chỉ giờ, nhất là ở miền thôn quê, người dân nghe tiếng gà gáy biết được giờ thức dậy đi lễ, đi làm… -Chú gà báo tin: Chú là “người” đầu tiên tiếp cận ánh sáng mặt trời để liên tiếng gáy báo tin đêm đen đã qua và ngày đang đến. Chú mang biểu tượng của “người báo tin” Chúa Giêsu sống lại, đưa con người từ bóng tối tội lỗi đi vào ánh sáng. -Chú gà nhắc bảo: ngày xưa trong sân xứ án Chúa Giêsu, chú gà trống đã gáy lúc canh ba, thức tỉnh lương tâm và lòng tin của ông Phêrô (x. Mt 26 34.75). ngày nay tiếng gà gáy cũng nhắc bảo chúng ta như thế. (x. Năm Gà, Trần Thăng tổng hợp, Nhịp sống Tin Mừng, số 01.2017).

Dù không được gọi là nhà thờ Con Gà nhưng một số nhà thờ ở Việt Nam cũng có con gà trên ngọn tháp cao, có thể xem là những dấu tích của quá khứ. Đó là nhà thờ đá Bảo Nham (Yên Thành – Nghệ An), nhà thờ Huyên Sĩ và nhà thờ Xóm Chiếu ở Sài gòn cũng có biểu tượng chú gà trống trên tháp chuông. (x.Con gà trên tháp nhà thờ, Công Giáo và Dân tộc, Xuân Đinh dậu, tr 24-26).

Có lẽ khi vẽ bản thiết kế nhà thờ, đặt con gà trống trên đỉnh tháp chuông cao vút, các kiến trúc sư muốn nhắc đến tiếng gà gáy cảnh tỉnh Thánh Phêrô trong Phúc âm. Khi Thánh Phêrô chối Chúa ba lần thì gà gáy. Tiếng gà gáy đã giúp Thánh Phêrô thức tỉnh và sám hối về sự bất trung đối với Thầy. Cả 4 Phúc âm đều tường thuật về tiếng gà gáy cảnh tỉnh Phêrô. Mt 26,34-35: Đức Giêsu bảo ông: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông Phêrô lại nói: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Mc 14, 30-31: Đức Giêsu nói với ông: “Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần”. Nhưng ông Phêrô lại nói quả quyết hơn: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Lc :22,34: Đức Giêsu lại nói: “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy.” Ga 13,38: Đức Giêsu đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần. Ðúng như lời Thầy đã cảnh báo, Phêrô đã run rẩy trước những tên đầy tớ vô danh tiểu tốt và mau mắn chối từ Thầy. Mt 26,74-75: Bấy giờ ông Phêrô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.” Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phêrô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. Mc 14, 71-72: Nhưng ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó! “. Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phêrô sực nhớ điều Đức Giêsu đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.” Thế là ông oà lên khóc. Lc 22, 60-63: Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. Ga 18,28: Một lần nữa ông Phêrô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.

Tiếng gà gáy đã thức tỉnh Phêrô. Phúc âm cho biết, Ngài đã khóc lóc thảm thiết và ăn năn thống hối suốt cuộc đời. Cách các thánh sử Matthêu, Luca và Gioan kể lại đều giống nhau ở chi tiết này : có tiếng gà gáy, sau 3 lần chối. Nhưng thánh Luca thêm một chi tiết thú vị : ông đang chối lần ba, thì gà gáy. Thánh sử Maccô kể lại hơi khác một chút : sau lần chối thứ nhất, gà gáy; sau lần chối thứ 2 và thứ 3, gà gáy lần nữa. Đức Giêsu đã nói với ông Phêrô : “nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy 3 lần”, ngay trong đêm Đức Giêsu bị bắt, trước khi trời sáng. Như thế, bối cảnh “chối Thầy” là những hình ảnh thiên nhiên mang đầy ý nghĩa : hành động từ chối tương quan thuộc về xảy ra rất mau; và đó là hành động thuộc về ban đêm, thuộc về đêm tối, trước khi trời sáng; thế mà ánh sáng là biểu tượng của sự sống và tương quan thuộc về ánh sáng Đức Kitô.

Tiếng gà gáy báo cho người ta thức dậy, sau giấc ngủ. Hành động từ chối thuộc về Thầy của mình, đến ba lần, đủ nhiều để chúng ta hiểu đó là một giấc ngủ, và là một giấc ngủ mê. Tiếng gà gáy đánh thức ông Phêrô. Tuy nhiên, tiếng gà gáy, xét như hiện tượng tự nhiên vẫn chưa đủ. Bởi vì, sau tiếng gà gáy, ông nhớ lại lời Đức Giêsu. Đi đôi với hiện tượng thiên nhiên, cần phải có Lời Chúa nữa. Ông Phêrô nhớ lại lời Chúa đã nói với mình. Đó là chìa khoá của hoán cải. Chúa là Tình yêu, và trong tình yêu không có chỗ cho việc chối từ sự trở về, mà chỉ có đón nhận mà thôi.

Bản văn của Tin Mừng theo thánh Luca, còn nói đến một chi tiết rất đánh động : Chúa quay lại nhìn ông (Lc 22, 61). Như vậy Phêrô chối Thầy trong tầm nhìn của Ngài. Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô. Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: Phêrô, sao con lại chối Ta. Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vấn hay sao? Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya, nhắc nhở lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: “trước khi gà gáy, con đã chối Ta ba lần”. Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, cõi lòng xốn xang, mình chỉ là cát bụi, phận yếu hèn và quá dễ sa ngã! Phêrô thổn thức. Mới hôm nào ông còn tuyên bố: “dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Thế mà, giờ đây ông lại nhát gan khi đối diện nguy nan nên đã chối Thầy đến ba lần. Và đêm hôm ấy, tiếng gà gáy đã thức tỉnh tâm hồn Phêrô.

Xuất thân là ngư phủ với bản tính chất phác, chân thật, có sao nói vậy, nên khi lầm lỗi, ngài chân thành sám hối và òa khóc như một đứa trẻ. Đó là hành trình của phàm nhân, những con người luôn mỏng dòn và yếu đuối, nhưng luôn được Thiên Chúa hải hà thương xót, thứ tha và thánh hóa. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Tuy nhiên, thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài. Nhờ đó, ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa.

Thánh Phêrô có lòng quảng đại. Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa. Thánh Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: “Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường. Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Khiêm nhường là mẹ các nhân đức. Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là satan thì ngài cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá. Lòng mến chân thành chính là sự thánh thiện.Chúa đã từng cho Phêrô thất bại, suốt đêm không bắt được con cá nào để sáng hôm sau ngài thấy quyền năng của Chúa. Chúa đã từng cho Phêrô chìm xuống mặt nước để ngài có dịp chứng nghiệm đức tin yếu kém của mình và trông cậy vào quyền năng của Chúa. Chúa cho ngài sa ngã, chối Chúa ba lần để ngài càng thấy rõ sự yếu hèn của bản thân. Sau khi sống lại, Chúa hỏi: “Phêrô, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Phêrô xúc động tận đáy lòng.Từ đó ngài đã cảm nghiệm huyền nhiệm tình yêu Chúa dành cho mình nên đã viết cho đoàn chiên: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1,15); “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2,9).

Từ thế kỷ IX, con gà bắt đầu được đặt lên tháp chuông nhà thờ và nhà thờ cổ nhất có biểu tượng này hiện ở TP.Brescia, miền bắc Ý. Đức Giáo Hoàng Lêô IV (qua đời năm 855) quyết định mỗi thánh đường sẽ đặt sẽ đặt con gà trống lên trên chong chóng chỉ chiều gió ở tháp chuông “để đánh thức những ai còn ngũ say”.

Xuân Đinh Dậu đang về trên muôn lối. Năm Con Gà đang mở ra nhiều triển vọng tốt lành, báo trước những điều thuận lợi. Mỗi sáng sớm, con gà trống cất tiếng gáy vang trong trẻo, đúng giờ đúng canh. Tiếng gà gáy gợi nhớ thánh Phêrô tỉnh thức sám hối. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta suốt năm nay luôn biết tỉnh thức và “sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh”.


[/fruitful_tabs]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*