• Yêu Mến Thầy, Thì Hãy Giữ Các Giới Răn-Lm Anton Nguyễn Văn Độ
  • 3 video đáp ca-ca đoàn Na Uy
  • suy tư tin mừng-Mai Tá dịch thuật
  • Chuyện phiệm-Trần Ngọc Mười Hai
  • Hiệp nhất trong tình yêu-AM Trần Bình An
  • Nếu anh em yêu mến Thầy-Fx  Đỗ Công Minh
  • Hứa ban Chúa Thánh Thần-P.Trần Đình Phan Tiến
  • Tình yêu đích thực, và tình yêu giả dối-Lm Inhaxiô Trần Ngà
  • Lời Chúa căn dặn- Lm Giuse Nguyễn Hữu An
  • Cậy trông-Lm. Giuse Trần Việt Hùng
  • Thầy sống… mà anh em sao lại cứ chết-Khổng Nhuận
  • Anh còn nợ em- Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

YÊU MẾN THẦY, THÌ HÃY GIỮ CÁC GIỚI RĂN

Lm Anton Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh năm – A

(Ga 14, 15 – 21)

Khi đến « giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha »  (Ga 13, 1) . Người đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết đầy tình Thầy trò. « Tối hôm trước ngày chịu khổ hình ». Chúng ta dễ hình dung ra thái độ nội tâm và đoán được sự lo lắng của các môn đệ trước giờ Thầy đi chịu chết.

Thực ra, nguyên những lời của Chúa Giêsu đã thể hiện mối lo sợ rồi. Người nói sẽ không để các môn đệ mồ côi, rõ ràng Người gợi lên nỗi buồn Thầy trò phải chia ly.

Câu hỏi đặt ra : ở trung tâm của mùa Phục sinh thật là vui, sao lại gợi lên những giờ đen tối chất chứa nỗi buồn ? Trước ngày lễ Ngũ Tuần, nghĩa là trước khi loan báo Tin Mừng cho Muôn Dân, tại sao lại cho chúng ta chứng kiến sự sợ hãi của các môn đệ ? Có lẽ vì bản văn giới thiệu Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Vấn nạn vẫn còn đó. Chúng ta hãy cố gắng từng bước theo di ngôn của Chúa Giêsu.

« Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy » (Ga 14, 15). Lời di chúc này thật không đơn giản, có ý nói : các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến tức khắc giới răn của Thầy sẽ được tuân giữ, có nghĩa là : khi yêu mến Chúa Giêsu, người ta sẽ tuân giữ các giới răn Chúa để lại là yêu mến Người. Có thế hiểu cách khác : nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng các giới răn Thầy truyền. Tôn trọng các giới răn là thể hiện lòng mến nên tuân giữ.

Lời của Chúa Giêsu nêu lên tương quan giữa các giới răn với tình yêu dành cho mình, nên Người kết luận : « Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy » (Ga 14, 21). Và Người cam kết : « Thầy sẽ xin Cha ». Nói thế là Người chịu trách nhiệp về những việc Người làm. Một cách chắc chắn và bảo đảm là ;  nếu Chúa Giêsu bênh đỡ chúng ta, chúng ta còn sợ hãi gì ?

Chúa Giêsu xin Cha điều gì ? Người xin Cha « ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác » (Ga 14, 16). Khi nói Đấng Phù Trợ khác, Chúa Giêsu chứng tỏ sự lo lắng bảo vệ các môn đệ, và cho thấy Người là một Đấng Phù Trợ. Đó là lý do tại sao Người nói đến một « Đấng Phù Trợ khác ». Lời cầu xin của Chúa Giêsu còn ngụ ý nói rằng vụ án của Chúa qua đi sẽ tiếp đến một vụ án khác là chính các môn đệ bị kết án vì niềm tin của họ vào Chúa Giêsu bị đóng đinh và sống lại. Chúng ta hãy để ý đến thuật ngữ Đấng Bầu Chữa, Trạng Sư, hay Đấng An Ủi. Trong ngành tư pháp Do thái, vị luật sư hỗ trợ thân chủ của mình và tư vấn, vì khi bào chữa cho thân chủ là lúc luật sư cố gắng bảo vệ chính mình. Điều này ám chỉ về Chúa Thánh Thần. Ngài nâng đỡ các môn đệ trong hành động cũng như lời nói, « Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con mọi sự » (Ga 14, 26).

Nhưng làm thế nào để biết được Ngài, đón nhận Ngài hay đơn giản là để thấy được Thần Chân Lý ? Khỏi phải lo, vì « thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài » (Ga 14, 17). Chúa Giêsu thêm « còn các con, các con biết Ngài » (Ga 14, 17). Vậy là chúng ta an tâm. Nhưng điều đó có giúp chúng ta bám chặt vào Chúa Thánh Thần hơn không ? Chưa chắc. Chúng ta biết Ngài là Đấng Phù Trợ và cũng biết rõ Ngài chưa được đón nhận, vì Chúa Giêsu nói về tương lai là sẽ xin Cha : « Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi » (Ga 14, 16). Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần đã được biết đến : « Còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con » (Ga 14, 17). Ngài không chỉ được Chúa Cha ban cho chúng ta, mà Ngài còn ở trong chúng ta. Rõ ràng Chúa Giêsu không tự mâu thuẫn và không nói những gì là không thể. Thậm chí còn rất thú vị khi cầu nguyện cùng Cha để xin Cha ban Thánh Thần của Ngài xuống. Ngày Lễ Ngũ Tuần sắp tới sẽ là ngày Chúa Thánh Thần từ Đức Chúa Cha do Chúa Con xin mà đến và chúng ta lãnh nhận qua Chúa Con, lần nữa và một lần nữa.

Các môn đệ sợ bị bỏ rơi, tức là mồ côi. Chúa Giêsu tìm cách giúp các ông an tâm khi nói : « Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ đến với các con ». Chúa Giêsu không đến với họ trong tư cách là Cha, vì Người là Con trong mối quan hệ với Cha. Trước lúc chia tay, nỗi lo sợ bao trùm lên các môn đệ, vì họ không biết sống như những người con ; họ biết mình mỏng giòn yếu đuối hay lo sợ về bí ẩn của cuộc đời. Nên Chúa Giêsu hứa ban Thần Chân Lý, Đấng làm cho cho họ trở nên những người con. « Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con » (Ga 14, 18). Trong ngày đó, là ngày Chúa Thánh Thần xuống trên các ông, ở với và  trong các ôn mãi mãi, bằng sự hiện diện vô hình, sự sống làm con được phục hồi. Họ sẽ đón nhận hoa quả ơn cứu độ là Chúa Thánh Thần và họ sẽ nếm trước niềm vui cứu rỗi là làm conThiên Chúa.

Chúa Giêsu kết luận : « Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó» (Ga 14, 21). Chỉ sợ hãi khi tách mình ra khỏi Chúa con và không nhận  biết tình yêu của Chúa Cha. Vậy, khi tuân giữ giới răn và lệnh Chúa truyền, các môn đệ được tham dự vào tình nghĩa tử với Chúa Cha. Chính Chúa Cha đến với con người trong Đức Giêsu và khi sai Thánh Thần xuống. Vai trò của Chúa Thánh Thần là giúp các môn đệ trở nên những chứng nhân cho lời Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con nài xin Chúa xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến với chúng con, và ở trên chúng con như đã ở với các môn đệ Chúa, những người sống nhờ Thánh Thần Chúa và vui mừng nhận biết chỉ có Chúa là ơn cứu độ chúng con : chúng con hướng về Chúa Cha và thưa rằng « Abba, Lạy Cha » .

VIDEO THÁNH VỊNH ĐÁP CA

Kính gởi quý vị – đặc biệt là quý ca trưởng

Lời dẫn và Đáp ca bằng Video

CN 6 A Phục Sinh:

https://www.youtube.com/watch?v=Np6baaAAuE0

Và bài Thánh ca của LM La Thập Tự

Rất quý mến

Tamlinhvaodoi

SUY TƯ TIN MỪNG

Mai tá dịch

Chúa nhật thứ 6 Phục Sinh 21/5/2017

 

Tin Mừng (Ga 14: 15-21)

Hôm ấy, Đức Giêsu nói với các môn-đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

 

“Trông thấy ta, cả cõi đời kinh hãi”

“Dòng sông con, nép cạnh núi biên thuỳ”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Trông thấy ai, mà kinh hãi cả cõi đời? Đời cô đơn, thi sĩ nép cạnh núi biên thùy, tựa giòng sông. Vốn hy vọng, nhà Đạo chẳng kinh hãi với âu lo. Bởi, Thầy Chí Thánh đã uỷ lạo, tạo niềm tin, nơi mọi người.

Niềm tin, thánh Gioan diễn tả ở trình thuật hôm nay, là tình tự thân yêu Chúa dặn dò, trước ngày Ngài về với Cha. Tình tự Ngài để lại, là chúc thư cuối về sự sống còn của dân con đạo Chúa. Chúc thư tuy hơi lạ, nhưng là lời khuyên dân con tuân giữ mọi qui định Ngài từng phán quyết. Phán và quyết, một giới lệnh rất mới, nếu áp dụng triệt để, người người sẽ sống rất hạnh phúc. Chúc thư Thầy để lại, còn là lời nhắn nhủ giản đơn Thầy cương quyết: “Hãy yêu thương nhau”.

 

Hãy yêu thương nhau, là câu nói người người đều nghe biết. Nhưng thường thì, không phải tất cả mọi người đều hiểu rõ ý nghĩa Lời Ngài muốn căn dặn. Bởi, ý nghĩa ấy không chỉ bao gồm mỗi một việc, là: hãy đối xử tử tế với mọi người. Nhưng còn hơn thế nữa. Hơn, là bởi: có như thế người người mới thủ đắc nhiều điều lợi của xã hội.

 

Hãy yêu thương nhau, không chỉ thực hiện với nhóm/phái của mình, thôi. Bởi nhóm/phái, đoàn thể thường vẫn chỉ khép kín trong vòng khoanh bé nhỏ, của chính mình tuyệt nhiên không để lọt ra ngoài, nên người ngoài cuộc luôn bị coi là người xa lạ. Muốn gia nhập nhóm/phái, tuyệt đối phải đăng ký/ghi danh, mới được vào. Vào được rồi, kể như mình đã nắm chắc là người đồng đội sẽ yêu thương giùm giúp rất tích cực. Kẻ ở ngoài, vẫn bị coi là người ngoại cuộc chuyên gây phiền toái.

Khi Chúa bảo: Hãy yêu thương nhau, là Ngài có ý khuyên: “hãy yêu thương hết mọi người. Không chỉ mỗi người cùng phe, cùng nhóm với mình, thôi. Mà, cả người những ở ngoài, như: đám Pharisêu, Ký sự, đám người La Mã, lẫn cả thượng tế, đám đông quần chúng, bất cứ ai. Yêu hết mọi người, là yêu toàn thể chúng sinh, nhân loại. Bởi thế nên, khi Ngài sai phái các thánh ra đi là để các thánh đi đến với mọi người, bằng sứ vụ mới. Sứ vụ, biến mọi người không còn là người dưng khách lạ, hoặc ngoại cuộc nữa.

Điều đó còn có nghĩa: Hội thánh, cho đến nay, vẫn chưa thực hiện đúng mức sứ vụ Chúa ban hành. Đôi khi chính mình còn đi ngược lời dạy cùng bảo ban của Chúa, nữa. Đi ngược, là bởi quá gắn chặt với tinh thần phe/nhóm của giáo hội riêng mình. Ví dụ cụ thể thấy rõ nơi Giáo Hội Công giáo Úc lâu nay vẫn thủ thế, suốt ba bốn thập niên qua.

Vì thủ thế, nên Giáo hội ở đây chưa thực hiện đủ lời Chúa dạy bảo khi phải đối xử tử tế với những người mới tới từ các nơi. Chí ít, là những người ngoài Đạo. Vì thế nên, lời Chúa hôm nay đích thị gửi đến Hội thánh Công giáo nơi đây phải ra đi thực hiện lời khuyên “yêu thương hết mọi người” cả những người dưng khác Đạo, vừa mới tới.

Lễ Chúa Thăng Thiên ở Úc, thường được tổ chức rất trùng hợp với ngày “Nhớ Ơn Mẹ”. Tức, một ngày có lời khuyên, rất tương tự. Lời khuyên rất lành và rất thánh: “Hãy yêu thương” Mẹ thánh Giáo hội và cung kính Đức Maria, Mẹ Hiền của Thiên Chúa. Mẹ rất Hiền, vì Mẹ là mẹ đích thực, vẫn nối kết/duy trì mọi thành viên trong gia đình. Thôi thúc mọi người hãy đến với nhau trong yêu thương. Mẹ, là trung tâm của gia đình. Là, người luôn đem đến với gia đình, bầu khí yêu thương, liên kết. Yêu thương, để mọi người sẽ đến với nhau mà giùm giúp, đỡ đần, trong mọi lúc.

Mẹ là Mẹ Thánh rất hiền, vì là Từ Mẫu của Chúa, Mẹ còn làm nhiều điều hơn thế. Mẹ hiền ở nhà cũng làm thế. Bà đem tình người mẹ trong gia đình đến với người ngoài cuộc, tức: những người cần tình thương hơn ai hết. Thấy ai cần tình thương, mẹ hiền ở nhà chẳng bao giờ bỏ qua, hoặc nề hà điều chi. Mẹ hiền ở đời, vẫn từ tâm với mọi người. Không chỉ người trong nhà mình, mà thôi.

Trái lại, mẹ hiền vẫn từ tốn, nhẫn nại và bươn chải không chỉ lo cho gia đình mình thôi, mà mẹ còn đến với người chòm xóm kẻ khốn khó, ốm đau ở đâu đó, tức những người cần tình thương. Nhiều khi, chỉ một ngụm trà ấm nóng. Có lúc, chỉ một đường chổi nhẹ để dọn dẹp tiếp đón người dưng khách lạ, cần đón tiếp.

Rất thường tình, mẹ cũng đóng góp vài đồng giúp đỡ kẻ túng bấn, những người nghèo khổ. Có khi, chỉ cần để mắt ngó chừng đàn trẻ xa quê, vắng bóng mẹ mình. Có thể nói, mẹ hiền ở nhà là người thực thi lời Chúa, rất yêu thương. Bởi, mẹ là người không chỉ biết thương yêu mỗi con mình thôi, mà cả người dưng khách lạ nữa.

Trên thực tế, phụ nữ là những người luôn quên mình đi, để có thể yêu thương giúp đỡ hết mọi người, bất kể ai.Các bà, là những người thường xuyên có mặt ở nhà thờ, vào mọi lễ. Các bà còn yêu thương hội thánh đến độ không ngại phê bình tính bè phái, rẽ chia của hội thánh mình, ở địa phương. Các bà vẫn muốn Hội thánh ra đi mà tỏ bày tình thương yêu với những ai cần đến Chúa, đến tình thương của Ngài. Các bà vẫn chứng tỏ cho hội thánh mình biết cách tuân phục lời Chúa dạy, hôm nay. Chứng tỏ, bằng gương thương yêu giúp đỡ. Tỏ bày, bằng cung cách nhẹ nhàng/thuỳ mị nhưng đạt hiệu quả hơn nam giới.

Trong lễ hôn phối, có lời cầu Chúa chúc phúc cho đôi tân hôn bằng những lời lẽ thiết thực dành cho các bà mẹ tương lại, rất ý nghĩa:

 

“Lạy Cha là Thiên Chúa, Đấng gìn giữ anh/chị trong tình thương yêu tỏ bày cùng nhau để bình an của Đức Kitô sẽ ở mãi với anh/chị hiện diện ngay tại nơi ăn chốn ở của anh/chị. Xin cho con cái của anh/chị chúc phúc anh chị. Cho bạn bè ủi an anh/chị và mọi người sống yên vui hiền hoà với anh/chị. Xin Chúa cho cho anh chị luôn trở thành chứng nhân cho tình yêu của Ngài đến với thế gian, để những người buồn phiền nhận ra được anh/chị là những người bạn rất ngoan hiền, đại độ. Và tất cả sẽ đón chào anh/chị vào với niềm vui của Nước Trời.”

Tham dự Tiệc Lòng Mến hôm nay, cầu mong sao giới lệnh của Chúa sẽ là niềm chúc phúc gửi đến mọi người trong nhà, và hội thánh. Cầu và mong, cho toàn thể dân con Hội thánh biết noi gương các Bà Mẹ được vinh danh trong ngày “Nhớ Ơn Mẹ” năm nay, sẽ thực hiện chúc thư yêu thương với mỗi người và mọi người trong/ngoài Hội thánh.

Trong tâm tình ấy, tưởng cũng nên ngâm tiếp lời thơ vương vấn một nhắc nhở:

“Ôi ngơ ngác, một lũ người vong bản,

Mất tinh thần, từ những thuở xa xôi!

Ta về đây, lạ hết các ngươi rồi,

Lạ tình cảm, lạ đời chung cách sống.”

(Đinh Hùng – Bài Ca Man Rợ)

Gọi đó là “Bài Ca Man Rợ”, phải chăng nhà thơ muốn ám chỉ cung cách của người từng nghe biết lời khuyên yêu thương, nhưng vẫn dửng dưng như kẻ mất gốc, rất vong bản? Mất, cả bản gốc yêu thương của người con. Mất, cả tình mặn nồng, chung sống nơi nhà của Chúa của chính mình.

 

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –

Mai Tá lược dịch.

CHUYỆN PHIẾM

Trần Ngọc Mười Hai 

Đọc Trong Tuần thứ 6 Phục Sinh năm A 21/5/2017

“Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều.” “Nhất là những buổi chiều mưa rơi. Cũng may Cali trời mưa ít không như Sài Gòn Nếu không tôi đã khóc một giòng sông.”

(Đức Huy – Khóc Một Giòng Sông)

(Luca 24: 25-26)

Khóc gì không khóc, sao anh lại cứ “khóc một giòng sông”? Nhất thứ, là khi anh lại khóc khi hát câu ca “Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều”. Thế đấy là văn-chương thi-tứ, rất âm-nhạc. Còn đây là văn-hoá riêng tây của Đạo cũng có nhớ, có gào, nhưng không khóc. Khóc sao được, khi tôi và bạn những nhớ nhiều về một buổi chiều Đức Chúa của mình đã “trỗi dậy từ cõi chết”, mà người người có thói quen gọi là “Sống lại”.

Còn nhớ, có đấng bậc nọ khi giảng về sự “trỗi dậy” của Lazarô bạn-hiền của Đức Chúa, có bảo rằng: “Lazarô dù đã “sống lại” vào ngày hôm ấy, nhưng anh cũng chỉ sống thêm được ít năm, sau đó cũng chết tốt!”

Thế thì, “sống lại” hay “trỗi dậy” cụm-từ nào đúng, tự vựng nào lại không đúng, nhưng vẫn cứ dùng. Một lần nữa, khi đặt bút hoặc gõ máy những giòng chữ như trên, bần đạo bầy tôi đây chả dám tranh-luận văn-chương hay nghệ-thuật sử-dụng từ-vựng đúng hay sai, nhưng chỉ muốn nói/muốn bàn về âm-hưởng một buổi chiều vàng có nhiều nỗi nhớ, cũng rất thương.

Nỗi nhớ của bần đạo, hôm nay, không phải về những buổi chiều mưa nhiều/ít ở Sài gòn hay Cali, rồi lại khóc. Nhưng, nhớ nhung/nhung nhớ hôm nay lại nhớ rất nhiều về “một buổi chiều” Đức Chúa của mình từng “Phục sinh” hay “trỗi dậy” một lần là mãi mãi. Nhớ nhung/nhung nhớ của bần đạo, nhân một buổi chiều nghe người nghệ sĩ hát cho mình nghe ca khúc có nỗi xót xa, ở bên dưới:       

“Không chi xót xa cho bằng thân phận người Xa nhà sống một mình đơn côi. Cũng may thời gian qua vun vút không như Sài Gòn Nếu không tôi đã khóc một giòng sông. Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông. Một giòng sông dài, nhớ cha, nhớ mẹ. Nhớ anh, nhớ chị. Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông. Một giòng sông dài, những chiều mưa tôi khóc. Khóc một giòng sông.

(Đức Huy – bđd)

Đấy thấy không? Nghệ sĩ nhà mình chưa kịp hát đã muốn khóc rồi. Khóc thật nhiều, để rồi lại sẽ xót xa thân phận người phàm những là “xa nhà sống một mình đơn côi…”

 

Thế còn, nhà Đạo mình mỗi lần nhớ về lễ hội Phục Sinh, Đức Chúa của mình đã “trỗi dậy từ cõi chết”, thì tôi và bạn lại đã nhớ gì? Có nhớ tập tục mà người xưa ở chốn trời “Tây Phương cực lạc” ấy đã mừng kính cũng rất mực, rồi đưa vào văn-hoá Đạo Chúa để rồi trở thành Lễ-Hội Phục Sinh chăng? Nếu không, xin đề-nghị bạn và tôi, ta thử để mắt cứu-xét mục hỏi/đáp trên tờ Tuần Báo Sydney có những lời lẽ rất như sau:

“Thưa Cha, Tôi nhớ có đọc ở đâu đó có nói rằng: cụm-từ “Phục Sinh” có gốc nguồn sử-dụng từ dân ngoại. Điều có có thật không, xin cha cho biết để con đây khỏi tranh-luận, đỡ mất lòng”.

 

Vâng. Cha cố nào cũng thế. Hễ nghe đàn con ít đọc sách sử, chí ít là Giáo-sử, cũng sẽ nhanh chân đáp trả ngay kẻo con cái nhà Đạo mình thua cuộc trong cãi cọ, cũng không tốt. Và, câu trả lời của đấng bậc vị vọng, chắc chắn như thế này:

“Trước khi tìm hiểu nguồn-gốc phát-sinh ra cụm-từ “Phục Sinh”, ta cũng nên tự nhắc nhở mình rằng: khi mừng kính Phục Sinh, dù ta có gọi đó bằng tên gọi thế nào đi nữa, vẫn là việc mừng kính Đức Kitô Sống Lại và cùng với sự việc này, ta còn mừng Ngài cứu chuộc tất cả mọi người chúng ta.

 

Đây là hội lễ quan-trọng nhất trong năm đối với tín-hữu Đức Kitô và là ngày vui đích-thực, như Thánh vịnh từng có câu như sau: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ (Tv 118: 24).  Xem thế thì, điều quan-trọng không nằm ở chỗ: ta coi sự việc ấy vui đến thế nào, mà là: Qua dự-kiện này, ta mừng kính những gì đây?    

 

Quay về lại với danh xưng ngày lễ hội, thì: với ngôn-ngữ trời Tây và ở cả vài nước bên Đông Phương, thì tên gọi “Phục Sinh” xuất-phát từ cụm-từ “Vượt Qua”, tức lướt vượt rồi ngang qua . Hồi tưởng lại thời-kỳ người Do-thái lưu-đày từ đất Ai Cập lạc-loài trở về, họ được dạy là hãy giết cừu non bôi máu lên cửa ra/vào nhà mình, để rồi tối đến thần chết ghé ngang qua sẽ chỉ giết sạch trẻ đầu lòng người Ai-cập không có vết máu bôi lên đó, mà thôi.

 

Ta có thói quen sử-dụng tự-vựng Vượt Qua là để qui về Đức Kitô, là chiên con đích-thực ngày Vượt Qua, nhờ cái chết và sự sống lại của Ngài, ta được giải-thoát khỏi ách nô-lệ đoạ-đày của tội lỗi, cái chết và ác-thần sự dữ nữa. Thánh Phaolô có viết lá thư đầu cho giáo-đoàn Côrinthô có gọi điều này bằng những lời sau đây: “Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta.” (1 Côrinthô 5: 7)

Thành thử, đối với nhiều ngôn-ngữ trên thế-giới Phục Sinh đích-thực là Lễ Hội Vượt Qua. Bên tiếng Pháp, mọi người không phân-biệt tôn-giáo vẫn mừng chúc nhau “Niềm Vui Vượt Qua” (“Joyeuse Pâques”), trong khi đó, tiếng Tây Ban Nha cũng mang một ý-nghĩa tương-tự, lại đã dùng ngữ-âm giống như thế, tức: “Felices Pascuas”, tiếng Ý thì gọi: “Buona Pasqua”, ngay cả tiếng Inđô cũng phiên-âm cùng một cụm-từ như”Selamat Paskah”. Trong khi đó, người Bắc Âu cũng làm một việc tương-tự như bên tiếng Hoà-Lan, ta có “Vroliik Pasen”, tiếng Na-Uy lại cũng nói: “God pãske: và tiếng Thuỵ Điển, cũng giống hệt thế, tức: cũng phát lên âm-vực gọi là “Glad Pãske”.

 

Còn, hỏi rằng bên tiếng Anh sao lại gọi là “Easter”, nghe cũng lạ. Thì, thánh Bede là thày dòng (672-735) khi xưa có viết về tháng “Eostre” tức tháng Tư, vì đại lễ này được mừng để nhân-danh vị nữ-thần này đúng vào tháng Tư mang tên nữ-thần “Eostre” hoặc “Ostra” mà tiếng Đức có nghĩa là tên của thần rạng đông, mặt trời mọc. Nữ-thần này được mừng kính sau nhiều tháng ngày mùa Đông đen tối che phủ khắp cõi miền ở phương Đông, tức: vị thần mang lại sự sống phục hồi gia-tăng từ bóng tối, tức: sự chết.

 

Thật dễ hiểu, khi thấy Kitô-hữu chúng ta nối kết cụm-từ Phục Sinh với Lễ Hội Phục-hồi Sinh-lực, khi ta cử hành mừng sự việc Đức Giêsu trỗi dậy từ sự chết đem ánh-sáng của sự sống đến với thế-gian. Đức Kitô luôn được coi như Mặt Trời của sự Công-Chính và Ngài được nối-kết với trời Đông, rất ý-nghĩa…

 

Thành ra, ta có thể nói rằng: bẵng đi từ nhiều thời-đại thần Eostre được coi là nữ-thần của dân ngoại, nhưng cụm-từ “Phục-Sinh” (tức: Easter) lại rất phong-phú về ý-nghĩa đối với. Thế nên, ta cũng đừng tỏ ra quá ưu-tư phiền-sầu về tên gọi, nhưng tốt hơn hãy mừng kính niềm vui của Đức Kitô đã Phục-hồi Sinh-lực từ bóng tối sự chết, thế nên có gọi là Phục-sinh cũng thật rất đúng.”                 (Xem Lm John Flador, Pagan origins of “Easter” and the Christian bent of building on culture The Catholic Weekly 16/04/2017 tr. 32)

 

Thế đấy, là lời hỏi/đáp của đấng bậc về Phục Sinh rất thật hay không thật. Còn, về lý lẽ mà nhiều người vẫn cứ đem ra để cãi vã hoặc tranh-luận, lại cũng có vài điểm tích-tụ nghe hơi khác, khiến đấng bậc thày dạy ở Úc có lời biện-luận, như sau:

“Nhiều thành viên Hội thánh xem ra vẫn cãi tranh, giành giựt mọi thắng lợi để thuyết phục mọi người chấp nhận lý lẽ mình đưa ra. Về sống lại, nhiều sự kiện xảy đến với Chúa, không theo hướng quen thuộc, nên nếu người người sử dụng ngôn ngữ bình thường để suy-tư nghĩ-ngợi, ắt thấy khó mà tin. Khó, nhưng đó là việc có thật, từng xảy đến. Chúa sống lại, tuy gây dao-động, nhưng đã tạo cho mọi người xác tín rằng niềm tin chính là quà tặng Chúa ban để mọi người có dịp suy nghĩ. Suy và nghĩ, những gì xảy đến với Chúa, rất hợp tình hợp lý chẳng nghi nan.

 

Xét bề ngoài, ta thấy nhiều việc xảy đến với Chúa xem ra khá mâu thuẫn. Nên trên thực tế, không phải ai ai cũng đều công nhận Chúa đã sống lại làm người thường. Nhưng, nếu Ngài sống lại bằng cách mặc lấy xác phàm làm người thường, thì sau đó, chắc Ngài sẽ phải chết thêm lần nữa. Sự thật, không phải thế.

 

Trình thuật hôm nay, thánh Luca mô tả việc Chúa đến đồng hành với môn đệ bằng hình hài ta thấy và sờ chạm được bằng chân tay, nhưng không thể tưởng tượng được là: Ngài sẽ phải chết, thêm lần nữa. Thật ra, không thể có chuyện như thế. Điều, thánh Luca kể ở Tin Mừng, là để nói lên ý nghĩa nào đó mà nhiều vị gọi là truyện “Đường Emmaus, hành trình với môn đệ”.

 

Về thể lý, một khi đã chết rồi, thì những gì là xác thân hoặc vật thể vũ trụ, đều rữa nát, vỡ tan. Không ai có thể trở lại sống với xác thân có xương thịt vẹn toàn như khi trước. Chẳng người nào lại có thể duy trì cùng một xác thân, suốt miên trường. Khi đã chết rồi, mà lại tái sinh với nguyên vẹn hình hài như khi trước, thì đó chỉ có thể là vòng chuyển luân, luẩn quẩn hết kiếp này đến kiếp khác, khoanh tròn quanh thành vòng quay sống-chết/chết-sống, không lối thoát.

 

Truyện hai môn đệ hướng về thành đô Giêrusalem được thánh Luca ghi chép, còn để nói lên rằng: Đức Giêsu được đồ đệ nhận ra Ngài đích thực là Đức Chúa Ngôi Hai, vẫn tồn tại với mọi người. Ngài chẳng là quỉ ma hiện hồn theo qui cách của người thật. Nhưng, Ngài hiển hiện qua hình hài sao đó, rất sống động (Mc 16: 12).

 

Ở đây nữa, khi viết Tin Mừng Phục Sinh, thánh Luca tập trung nhấn mạnh vào điểm, bảo rằng: Chúa tỏ cho mọi người thấy hình hài của Ngài theo qui cách rất khác, nên khi gặp lại Ngài, đồ đệ thấy mình sợ hãi, đến khiếp kinh (Lc 24: 37). Vì kinh khiếp, nên đồ đệ mới nói năng những điều chẳng có nghĩa. Theo nhà chú giải Kinh thánh Herbert McCabe, thì: khi đồ đệ gặp Thầy Chí Ái, các thánh cứ tưởng Thầy là Vị đồng hành chẳng hề quen biết. Kịp đến khi Thầy nhắc lại toàn bộ chi tiết về lịch trình cứu độ, các thánh mới vỡ lẽ ra đó là Thầy.

 

Xem thế thì, Phục Sinh là điều mà người phàm xác thịt chúng ta chẳng thể nghiệm ra bằng lý lẽ của đời thường, để kiểm chứng. Bởi, dù biết Chúa sống lại thật, các thánh vẫn không coi đó như một chứng cứ hiển nhiên, tựa khi Ngài còn sống. Nhận biết hình hài Chúa rất nhãn tiền, điều đó có nghĩa: các thánh đã có động thái tin-yêu rất khác thường, trong cuộc sống.

 

Và, đây là thực tại chỉ xảy đến với những người cũng trỗi dậy như Chúa và với Chúa bằng niềm xác tín yêu thương của người vẫn tin. Tin, theo quy cách và ý nghĩa khác. Khác ra sao, đó là vấn đề. Là, sự thực. Thực ra sao? Cũng nên suy xét.

 

Trở về với lập trường chú giải của các tổ phụ thuộc Giáo hội Đông phương thời tiên khởi, như: Thượng phụ Origen, Grêgôriô thành Nyssa… khi gọi sự việc gì là ‘cảm nhận linh thiêng’, các ngài có ý nói về cảm xúc thiêng liêng, sốt sắng. Điều mà các đấng bậc trên nói đến, có ý bảo rằng: tất cả chúng ta đều mang trong người cung cách yêu thương có nhận thức sự vật mà não-bộ-thần-kinh-thuộc-mé-trái không thể lĩnh nhận.

 

Nhờ yêu thương như thế, con người ‘định hình’ sự vật thành những ảnh hình như do chính mình tạo ra. Làm như thế, là để tác tạo thực thể như mọi người vẫn làm cho chính mình, nơi phần sâu thẳm của con người. Làm như thế, là để nhận thức rằng: thực thể ấy có thật. Vượt quá phạm vi và qui cách của ảnh hình. Nói theo ngôn từ triết học, thì các triết gia gọi đó là “tiềm thức”. Coi đó là giòng chảy sống, rất diệu kỳ. Là, sờ chạm thế giới nguyên uỷ không hư nát, mà thường ra, ta không sống ở trong đó.

 

Nhận thức sự vật như thế, giống hệt cảm giác thấy được ‘lửa ngọn’ rực cháy trong người mình. Lửa rực cháy, khiến mình sống yêu thương, hạ mình. Thúc bách mình sống bừng sáng luôn tiến về phía trước. Có tiến như thế, mới cảm nhận được ‘lửa ngọn bừng bừng’ đang trào dâng với mức độ rất mới mẻ. Khác thường. Có kinh nghiệm từng trải rồi, người người sẽ nhận ra cuộc sống lại thực sự đang dâng trào nơi con người mình.

 

Đó là cung cách mà dân con đồ đệ dám sử dụng thơ văn như chưa từng làm, và cũng chẳng ai nghĩ tới để diễn tả tình huống Chúa Phục Sinh hiện hình với dân con của Ngài, thật như thế. Có thể nói, các thánh đã sờ chạm Chúa. Cảm nhận được nhịp đập nơi tim mạch cùng vết thương đầy máu của Ngài. Thấy được Thầy mình bẻ bánh rồi cầm lên ăn. Các thánh không thể quên được vị ngọt nơi bánh thánh Thầy trao tặng. Tự thân, các thánh đều biết rõ chính Thầy là Đấng đã bẻ bánh phân phát cho người nghèo hèn, rất đói kém. Tương lai mai ngày, rồi ra các ngài cũng sẽ tạo nên thơ/văn như thế để kể về Thầy đến với mình, nơi nào đó.” (X. Lm Kevin O’Shea, Có Lần Tôi Thấy Một Người Đi, Lời Chúa Sẻ San Năm A, nxb Tôn Giáo 2013, tr. 115118)

Nói cho cùng, có suy-tư nghiền ngẫm các sự-kiện Chúa “trỗi dậy” theo thơ văn/nghệ-thuật hay sao đó, cũng vẫn là chuyện nhung-nhớ những gì Đức Chúa dẫn dụ qua thơ văn/truyện kể rất Tin Mừng, rằng:

“Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng:

“Các anh chẳng hiểu gì cả!

Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!

Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế,

rồi mới vào trong vinh quang của Ngài sao?”

(Luca 24: 25-26)

 

Chậm tin hay không vào “lời các ngôn-sứ”, vẫn là tình-trạng của nhiều người Đạo Chúa rất lâu nay. Chậm hay mau, tin hay không, vẫn là tình trạng “khóc lóc” rất nhiều về một giòng sông đang chảy xiết, để rồi bạn và tôi ta lại hát những lời như:

“Nếu không tôi đã khóc một giòng sông. Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông. Một giòng sông dài, nhớ cha, nhớ mẹ. Nhớ anh, nhớ chị. Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông. Một giòng sông dài, những chiều mưa tôi khóc. Khóc một giòng sông.

(Đức Huy – bđd)

Thế nhưng, để dung-hoà một tình-tự nhung nhớ, có “khóc ròng” một giòng song, cũng xin đề nghị bạn/đề-nghị tôi ta đi vào vùng tưởng nhớ có truyện kể để kết luận như sau:

“Ngày xưa có 3 cái cây mọc gần nhau trong rừng. Chúng thường nói rì rào với nhau về ước mơ và những hy vọng của mình.

 

Cây thứ nhất bảo: “Tớ muốn được trở thành một hộp gỗ quý, được đựng trong lồng một kho báu đầy vàng bạc đá quý”. Cây thứ hai cũng nói: “Tớ muốn được trở thành một con tàu vĩ đại, sẽ đưa các vị vua và nữ hoàng vượt biển. Cuối cùng thì cây thứ ba nói: Tớ muốn mọc thành cái cây cao nhất trong rừng. Như thế, mọi người sẽ nhớ đến tớ”.

 

Sau nhiều năm, người ta vào rừng đốn cây. Nhìn cây đầu tiên, một người nói:

– Cây này gỗ có vẻ tốt, tôi sẽ đốn nó bán cho bác thợ mộc gần nhà. 

Cây rất vui vì tin rằng bác thợ mộc sẽ biến nó thành hộp đựng vàng bạc. 

 

Người thứ hai vỗ vỗ vào thân cây thứ hai:

-Cây này cũng được, tôi sẽ đốn nó bán cho bác thợ đóng thuyền.

Cây thứ hai rất mừng vì nghĩ rằng bác thợ thuyền sẽ đóng nó thành một con tàu lớn.

 

Khi người thứ ba đến gần cây thứ ba, cây này rất thất vọng và lo sợ, vì biết rằng một khi người ta đốn nó xuống, tức: giấc mơ của nó sẽ không bao giờ thành hiện thực nữa. Y như rằng, người thứ ba bảo:

-Tôi cũng sẽ đốn cây này.

 

Cây thứ nhất được bán cho người thợ mộc, bác ta đục nó thành một cái như nôi trẻ con nhưng vì không vừa ý nên lại quẳng nó ra sân, thậm chí còn nhét cỏ khô vào. Sự thể đã không như cây tưởng tượng!

 

Cây thứ hai được người thợ thuyền đóng thành cái thuyền câu cá bé tẹo. Nó nghĩ giấc mơ trở thành con tàu lớn chở vua và hoàng hậu đá tan tành… Người đốn cái cây thứ ba chẳng có mục đích gì nên ông cứ kệ nó ở trong kho.

 

Nhiều năm trôi qua, những cây ấy đã quên đi ước mơ của mình khi xưa. Một buổi tối rét buốt, có hai vợ chồng nghèo đi qua nhà bác thợ mộc. Họ bế một đứa bé mới sinh, đang khóc vì lạnh.Mà mẹ nhìn thấy cái nôi đầy khỏ khô ngoài hiên nên đặt đứa bé vào đó. Được ấp ủ trong cái nôi cỏ, đứa bé thôi khóc, cây thứ nhất –nay là cái nôi– cảm nhận được sự quan trọng của mình lúc đó và biết rằng mình đang được đựng trong lòng một kho báu lớn hơn tất cả vàng bạc đá quí :một sinh linh bé bỏng và tình thương yêu cua bố mẹ em bé.

 

Ít lâu sau, người thợ đóng thuyền dùng chiếc thuyền nhỏ đóng băng cái cây thứ hai đi chơi và ngủ thiếp đi. Không may một lúc sau trời trở gió và nổi dông. Thuyền bắt đầu chao đảo, vô cùng nguy hiểm. Bỗng một người dân trên bờ nhìn thấy, vội chèo thuyền của mình thật nhanh tới chỗ người thợ đang ngủ. Bác thợ đóng thuyền tỉnh dậy ú ớ hoảng hốt, nhưng người dân kia đã bỏ thuyền của mình nhẩy sang thuyền của người thợ và lấy hết sức chèo vào bờ.

 

Lúc đó cây thứ hai nay là cái thuyền-đã biết rằng mình đang chở một vị vua của lòng dũng cảm. Cuối cùng cây thứ ba, sau một thời gian nằm trong kho tối tăm thì có người đến hỏi mua nó. Người này biến cây thành một cái cột nhỏ rồi vác lên đỉnh đồi, đóng xuống để sắp tới bắc đường dân điện-lần đầu tiên tới vùng hẻo lánh này. Đến khi người ta mắc đường dây điện,cái cây thứ ba- nay là cái cột điện-hiểu rằng mình đang đứng trên đỉnh đồi, cao hơn rất nhiều các cây khác và thực hiện một nhiệm vụ lớn lao khiến ai cũng có thể luôn nhớ tới.

 

Và người kể lại cũng có những lời bàn như sau: “Khi mọi việc diễn ra không theo ý bạn mong muốn không có nghĩa là giấc mơ của bạn đã tan tành rồi. Trong cuộc sống luôn có những “kế hoạch dài hạn”, người ta có thể có được những cái mà mình mong ước, nhưng không chắc là đúng như những gì người ta tưởng tượng. Vì vậy, đừng bao giờ thôi mơ ước và hy vọng vào những điều tốt đẹp bạn nhé!”

 

Thật ra, truyện kể ở trên không để nói rằng cây cối biết nói lên những gì là tốt/xấu trong đời người. Nhưng, người kể chỉ muốn nói về ý-nghĩa của niềm hy-vọng để ta tin vào sự thật rồi thực hiện ước vọng sống sự thật ấy trong đời mình. Sự thật ở đây, hôm nay, là mơ ước được gặp gỡ Ngài như hai tông đồ từng gặp trên đường Emmaus, nếu tất cả chúng ta quyết thực-hiện những điều Ngài dạy ở Kinh Sách.

Trần Ngọc Mười Hai

Và những sự kiện tương tự

Khi nhớ đến bài hát

Tôi đã khóc một giòng sông.

HIỆP NHẤT TRONG TÌNH YÊU

AM Trần Bình An

 

Chia sẻ Tin Mừng CN 6 Phục Sinh Năm A 2017 (Ga 14, 15-21)

Hiệp nhất trong Tình Yêu

Là cháu nội của Picasso, bà Marina được thừa hưởng 1/5 tài sản của nhà danh họa vào năm 20 tuổi, bao gồm 10.000 trong số 500.000 tác phẩm nghệ thuật đắt giá cùng căn biệt thự nổi tiếng La Californie ở Pháp.

Nhưng cho tới nay, khi đã ở vào tuổi 64, người phụ nữ này vẫn chưa hết ấm ức về những ngày thơ ấu nghèo túng, bị ông nội hắt hủi. Sự oán giận và nỗi khắc khoải đó được khắc họa ít nhiều trong cuốn hồi ký Picasso: Ông nội của tôi xuất bản năm 2001. Trong sách, bà Marina viết ông mình luôn lạnh lùng và xa cách, “khiến những người ở gần phải rơi vào tình cảnh khốn khổ, tuyệt vọng.”

Marina kể rằng bà thậm chí chẳng có tấm hình nào chụp chung với ông nội và chưa bao giờ được chạm vào tác phẩm nào của ông cho tới khi nhận thừa kế. Cha của bà, ông Paulo, là người con đầu tiên mà danh họa Picasso có trong cuộc hôn nhân ngắn ngủi với vũ công ba lê người Nga Olga Khokholova. Gia đình đổ vỡ, Marina và người anh trai Pablito lớn lên trong túng quẫn cùng người mẹ nghiện rượu. “Tôi ít khi thấy cha và tôi không có ông nội” – bà cay đắng.

Sự oán giận đối với ông nội càng gay gắt hơn khi bà Jacqueline Roque, người vợ thứ hai của Picasso, nhất quyết không cho Pablito tới dự lễ tang của đại danh họa vào năm 1973. Chỉ vài ngày sau, Pablito uống thuốc tẩy tự sát. Khi qua đời ở tuổi 91, Picasso không để lại di chúc, dẫn tới một cuộc tranh chấp tài sản căng thẳng trong gia đình. Marina Picasso bất ngờ có tên trong danh sách thừa kế hợp pháp.

“Mọi người nói rằng tôi nên cảm kích. Và tôi thực sự cảm kích nhưng đó là sự thừa kế lạnh lùng chẳng có chút yêu thương.” Bà Marina day dứt. Trong rất nhiều năm sau đó, Marina vẫn úp tranh của ông nội vào tường vì đối với bà, chúng là “những ký ức vô cùng đau buồn.”

Mang nỗi u uất lớn nhưng người phụ nữ gai góc này đã dành cả cuộc đời để thắp lên hy vọng cho những trẻ em thiệt thòi, cũng như những số phận bất hạnh trên thế giới. Bà có 5 người con, trong đó 3 người được nhận nuôi từ Việt Nam. Trên mảnh đất hình chữ S này, bà còn hỗ trợ kinh phí xây dựng một số phòng khám tại Sàigòn, nâng cấp một trại trẻ mồ côi ở quận Gò Vấp, đồng thời xây dựng một trại dưỡng lão…

Ước tính, số tiền thu được từ lần bán tranh sắp tới của bà Marina lên tới 290 triệu USD (hơn 6.000 tỉ đồng) và sẽ tiếp tục đổ vào các hoạt động từ thiện do bà khởi xướng từ hơn 40 năm trước, trong đó có dự án hỗ trợ bệnh viện nhi ở Việt Nam, chăm sóc người già và trẻ em thiệt thòi ở Pháp, Thụy Điển… (Việt Lâm, Thể thao & Văn hóa, Cháu gái Picasso và những ký ức buồn về ông nội )

Hoạ sĩ danh tài Pablo Picasso hoàn toàn không để lại tình yêu cho những người thừa kế, mà chỉ để lại những tác phẩm giá trị và những chua cay, đau khổ. Nay người cháu Marina Picasso muốn sửa chữa lại, biến lòng oán giận thành tình yêu, chia sẻ, bác ái những người bất hạnh. Còn hơn 2000 năm trước, Đức Giêsu để lại cho nhân loại niềm hạnh phúc viên mãn với Tình Yêu, những lời bảo chứng Tình Yêu bền bỉ, cụ thể và viên mãn, qua sự hiệp nhất với Ba Ngôi dành cho những ai tin yêu và tuân giữ Tin Mừng.

Hiệp nhất với Đức Chúa Thánh Thần

“Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi.” Ai tin yêu Đức Giêsu, thì đón nhận, nghe theo và thực hành Tin Mừng, sẽ được Người ban Đức Chúa Thánh Thần đến hộ phù. Bởi vì: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an… Ai không có Thần Khí của Ðức Kitô, thì không thuộc về Ðức Kitô.” (Rm 8, 6 & 9)

Hơn nữa:“Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.”(Rm 8, 11)

Hiệp nhất với Đức Chúa Cha

Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con.”  Khi môn đệ Philipphê xin được thấy Đức Chúa Cha, Đức Giêsu trả lời: “Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ưCác lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Ðấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.”(Ga 10, 10)

Trả lời cho người Do Thái cho rằng Người lộng ngôn, Đức Giêsu công khai xác nhận:  Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha.” (Ga 10, 37-38)

Hiệp nhất với Đức Giêsu

“Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy.” Yêu Chúa là hiệp nhất với Đức Giêsu, vì đón nhận và thực hành Lời Chúa một cách trung thành và bền vững, mặc bao khó khăn, bao thách đố, bao chống đối của thế gian.

Vì theo Chúa, dĩ nhiên bị thế gian tẩy chay, ganh ghét và trừ khử: “Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15, 19)

Như vậy, những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, Tin Mừng là được hồng phúc kết hiệp chặt chẽ với Ba Ngôi Thiên Chúa. Luôn có Chúa trong mình là hạnh phúc tuyệt đỉnh, viên mãn, vô biên.

“Chúa Ba Ngôi ở trong con, con trở nên đền thờ Chúa, con cũng là của lễ toàn thiêu, con là lời ngợi khen không ngừng, con là đóa hoa muôn sắc dâng lên Chúa.”(Đường Hy Vọng, số 244)

Lạy Chúa Giêsu, khi chúng con nghe và thực hành Tin Mừng là chúng con vinh dự trở nên đền thờ Ba Ngôi Thiên Chúa. Kính xin Chúa cho chúng con xứng đáng cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa luôn.

Khấn xin Mẹ Maria cầu bầu, giúp đỡ, biến đổi cung lòng chúng con trở nên khiêm hạ, vâng phục trong sạch và tin yêu, để có thể kính trọng đón rước Chúa Ba Ngôi đến ngự trị luôn mãi. Amen.

NẾU ANH EM YÊU MẾN THẦY

Fx  Đỗ Công Minh

Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ các điều răn của Thầy (Ga 14; 15).

Bài Tin mừng  hôm nay trích thuật huấn từ ly biệt của Chúa Giêsu khi Người sắp từ giã các Tông đồ để bước vào cuộc thương khó. Con mường tượng ra ngày hôm ấy, hẳn là các Tông đồ ngồi quanh Chúa trong một căn phòng quen thuộc, để nghe Người tâm tình. Những lời tâm tình tràn ngập cảm xúc thầy trò, cha con mà còn thân mật đến đỗi Người trải lòng mình với  học trò, đồ đệ thân thiết : “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Cao điểm là lời nhắc nhở: “Ai  có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy . . .”

Lạy Chúa,

Nghe những lời ấy trong chúng con đây ai mà không xúc động. Các Tông đồ ngày ấy không biết Thầy mình sẽ đi đâu, sẽ ra sao ít ngày sau đó. Hoang mang, lo lắng, sầu buồn. Nhưng nghe những lời tâm tình ấy, mỗi người cũng có dịp nhìn lại mình : Tôi đã đối xử với Thầy ra sao mà để Thầy nhắc đi nhắc lại “ Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”, như vậy ít nhiều trong cuộc đời theo Chúa, chúng tôi (các tông đồ) đã chưa tuân giữ đủ những lời Thầy dạy. Phải chăng Người biết trong chúng tôi vẫn còn có kẻ hèn tin, vẫn còn có người “xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”, vẫn còn ghen tương, đố kỵ, tranh giành chỗ đứng, nghi ngờ lẫn nhau. . . chưa thực sự tuân giữ các điều Chúa truyền dạy.

Con vẫn tự hào là người tin Chúa, con vẫn thường thưa lên trong lời cầu nguyện:”Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”. Rồi trong lời kinh con vẫn thường đọc:“ Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa mà con thương yêu người như mình ta vậy. Amen”( Kinh kính mến ). Kinh thì đọc,miệng thì thưa,nhưng thực hành thì con không biết là được bao nhiêu? Như thế yêu mến như lời Chúa dạy: “Yêu mến Thầy thì sẽ giữ những điều răn của Thầy” xem như con chỉ giữ một vế, đó chỉ là yêu mến bằng môi miệng, còn tuân giữ những điều răn của Chúa thực ra còn rất ít. Chúa cũng biết được sự yếu đuối của con người chúng con, nên Người đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người

Xin cho con khi đón nhận Lời Chúa dạy, con biết giữ vế sau, đó là “Tuân giữ các điều Chúa dạy”,bởi có thực sự làm theo, làm được những điều Chúa dạy, đó mới là con yêu mến Chúa thật lòng như Lời Chúa phán : “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì  sẽ được Cha Thầy yêu mến” .

Xin Thánh Thần của Thiên Chúa đổ trên con lửa sốt mến và ơn Thánh của Ngài, giúp con thực thi Lời Chúa dạy.Và như thế con mới được hưởng điều Đức Giêsu hứa “Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Amen

HỨA BAN CHÚA THÁNH THẦN

P. Trần Đình Phan Tiến

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI P/S 2017 ( Ga 14, 15 -21)

HỨA BAN THÁNH THẦN

Thưa quý vị, thưa các bạn trang Tin Mừng hôm nay ( Ga 14, 15 -21) cho chúng ta một “ Chúc Thư “ tiếp theo của Chúa Giêsu, trong phần “ Chúc Thư “ nầy, có thể nói là phần hay nhất, tâm huyết nhất của Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ của Người, từ Gioan chương 14 -17. Ba chương liên tiếp, ghi lại những  “Lời Chúc Thư” của Chúa Giêsu để lại cho các Tông Đồ.

Theo đó, có thể nói trong Đoạn Lời Chúa hôm nay ( Ga 14 , 15 -21) cho chúng ta ba ý chính:

-Thứ nhất : Điều kiện để được yêu mến Chúa Giêsu .

-Thứ hai : Hứa ban Thánh Thần

-Thứ ba : Mạc khải ( Mặc khải ) sự hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa với những ai được kết hợp với Chúa Giêsu.

Như vậy, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một sự mạc khải trọn vẹn, một niềm tin vững chắc, vì phàm nhân được chính Thiên Chúa cho kết hợp vì tình Ngài yêu thương con người một cách kỳ lạ, được Chúa Giêsu tỏ cho biết.

Vâng, triển khai Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một chiều kích tâm linh sâu sắc, bởi vì không có tình yêu nào chân thật, chân chính, vạn đại cho bằng  “điều “mà  được Thiên Chúa yêu thương, được gọi là “ tình yêu”. Vâng, tình yêu là đề tài muôn thuở, mà phàm nhân không thể đón nhận trọn vẹn tại bất cứ nơi đâu , nếu như Thiên Chúa không trao ban. Vậy, Thiên Chúa đã trao ban một tình yêu duy nhất là Đức Kitô –Giêsu, Con Một thiên Chúa.

Theo đó, điều mà Chúa Giêsu “tâm huyết” cho các môn đệ của Người trong đó có chúng ta là một sự mạc khải trọn vẹn tình yêu duy nhất và vô biên bởi Thiên Chúa là Cha toàn năng, trong tình yêu ấy có một sự hiệp nhất kỳ diệu, siêu nhiên, mầu nhiệm đó là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ba Ngôi Thiên Chúa là Đấng trở nên tự có duy nhất , hằng hữu, vô biên, toàn năng để sinh ra muôn vật trong đó có con người là loài được mang hình ảnh Thiên Chúa ( có hữu hình).

Từ sự vô biên thông ban cho loài thụ tạo một sự ưu ái đặc biệt, mà ta gọi là tình yêu. Tình yêu vô biên không chiếm hữu như tình yêu xác thịt , mà là thông truyền sự sống, thông ban yếu tố Thần linh. Nên chi, theo đó, Lời Chúa là một trong những sự “thông ban“đó. Như vậy, từ câu 16, chính Chúa Giêsu nói : “ Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với an hem luôn mãi” ( c 16).

Vậy,  “Đấng Bảo Trợ” khác sẽ ở cùng các môn đệ luôn mãi, chính là “Chúa Thánh Thần “. Như vậy, khi Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình nữa, có nghĩa là nơi trần thế , Người đã hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc, thì Chúa Thánh Thần sẽ hiện diện cách cụ thể để điều khiển con thuyền Hội Thánh. Như vậy, ý nghĩa trên không còn xa lạ gì với người Kitô hữu nữa. Bởi vì, xuất phát từ câu Lời Chúa (Ga 14, 16). Theo đó, đặc điểm Chúa Thánh Thần đến với những ai tìn vào Đức Kitô, và nhờ đó, những ai chưa tin vào Đức Kitô, thì Chúa Thánh Thần chính là “Người nhạc trưởng” sẽ hướng dẫn họ trở thành chứng nhân Tin Mừng Nước Trời.

Vâng, yếu tố kỳ lạ nầy, trải qua bao thế hệ, Lời Hứa ban Thánh Thần của Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta một niềm xác tín vững chắc. Đó là gương các thánh, các ngài không tự mình làm được, nhưng , qua Lời của Chúa Giêsu, các ngài biết “đón nhận “ Chúa Thánh Thần, để Ngài hun đúc tâm can hầu trở nên khí cụ bình an của Chúa. Vâng , điều kiện để yêu mến Chúa Giêsu là tuân giữ các điều răn của Người, nhưng, nếu chúng ta không được ban Chúa Thánh Thần, mặc nhiên, chúng ta khó tuân giữ. Vì , Chúa Thánh Thần hun đúc và làm nên những điều lạ lùng, trải qua lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy có biết bao điều kỳ diệu mà nhân thế không thể làm được, nhưng những người để cho Thánh Thần hướng dẫn có thể làm được mọi sự lạ lung, mà quen gọi là ”thánh”.

Vâng, gần đây nhất, ngay tại Việt Nam nầy, có một vị linh mục vừa qua đời vào ngày 10/05/2017, đó là cha Augustino Nguyễn Viết Chung, một cựu phật tử, có học vị là bác sĩ. Người đã cống hiến cuộc đời còn lại của mình để tìm gặp Chúa và đã gặp được Người ở tuổi 39, sau đó tiếp tục dấn thân vào con đường tu trì, để tiếp tục phục vụ Thiên Chúa qua người nghèo 23 năm và trong Thiên Chức linh mục 14 năm. Vừa kết thúc cuộc hành trình 62 năm tại dương thế. Cuộc đời cha Chung có thể nói là một cuộc đời được chính Chúa Thánh Thần viết lên một hành trình để treo gương , vì những nhân đức có thể nói “anh hùng” của cha là do chính Chúa Thánh Thần tác động. Một luồng gió tự nhiên thổi vào tâm hồn một chàng “sinh viên phật tử”, làm cho nó bùng phát lên một “ngọn lửa siêu nhiên” rực cháy trong linh hồn của một con người muốn bước theo Đức Kitô, để rồi sau đó, muốn dâng hiến trọn vẹn hơn trong đời sống thánh hiến. Và rồi trong hành trình “ngắn ngủi” của đời thánh hiến, cha Chung lại như bị” thiêu đốt” trọn vẹn để trở nên một tông đồ của Chúa Thánh Thần, cuối cùng phần thân xác được trở nên “tro bụi” đích thực . Như vậy, có thể nói, nếu như có “một luồng gió” khác của Chúa Thánh Thần, cha Chung có thể được tuyên thánh, vì cuộc đời cha như một vị thánh. Vâng, theo đó, thánh là những người được “Lửa Thánh Thần” hun đúc. Mong thay !

Vâng, Lời Chúa hôm nay, chính là Chúa Giêsu muốn “tiết lộ” trọn vẹn sự thông hiệp cho tất cả những ai bước theo Người một chân lý hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lạy Thiên Chúa, Đấng đã ban Thánh Tử Giêsu cho nhân thế, để Người đến thế gian bày tỏ mầu nhiệm chân lý là Ba Ngôi Thiên Chúa, trong sự hiệp thông Thần Tính cao siêu ấy, Người tỏ cho thế gian biết và cho những ai “TIN” vào Người được hiệp thông trọn vẹn. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị trong sự hiệp nhất Ba Ngôi. Amen.

26/05/2017

P.Trần Đình Phan Tiến

TÌNH Y ÊU ĐÍCH THẬT VÀ TÌNH YÊU GIẢ DỐI

Lm Inhaxiô Trần Ngà

(Suy niệm Tin mừng Gioan (Ga 14,15-21) được trích đọc vào Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

Muốn xác minh vàng thật hay giả, người ta thường lấy lửa thử vàng. Người ta dùng mỏ đốt của máy khò để phun tia lửa có nhiệt độ cao hơn 1.000 độ vào thỏi vàng. Nếu vàng nóng chảy thành chất lỏng và khi để nguội nó trở lại thành vàng như cũ, thì đó là vàng thật; còn nếu trong quá trình đốt, vàng nóng chảy và bay hơi đi mất thì đó là vàng giả.

Phép thử tình yêu

Những chàng trai, cô gái khôn ngoan không chọn bạn đời cách hấp tấp vội vàng vì sợ chọn lầm người. Các bạn biết cân nhắc xem người mà mình đang nhắm đến, có thật sự yêu thương mình bằng tình yêu chân thật hay chỉ là thứ tình cảm giả dối nhằm trục lợi mà thôi.

Bởi vì một cô gái dễ dàng chấp thuận kết hôn với một chàng trai chỉ vì anh này giàu có; hoặc chàng trai thích lập gia đình với cô gái chỉ vì cha mẹ cô này có địa vị cao trong xã hội và có thể giúp chàng tiến thân… vì thế, trước khi chọn bạn trăm năm, người khôn ngoan phải dùng một phép thử, tức là tìm cách nào đó để xác định xem người mà mình nhắm đến, có thật sự yêu thương mình bằng tình yêu chân thật hay chỉ vì tiền bạc, địa vị, công danh…

Thế là người khôn ngoan biết căn cứ vào một số yếu tố nào đó để biết ai là kẻ yêu thương mình thực sự.

Yếu tố để nhận ra ai thực sự yêu mến Thiên Chúa

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho biết Ngài căn cứ vào một yếu tố duy nhất để xác định ai là kẻ yêu mến Ngài thực sự, đó là người thực hành giới răn của Ngài.

Chúa nói: “Ai vâng giữ các điều răn của Thầy, thì người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14, 21).

Như thế, ai không tuân giữ giới răn Chúa thì bị xem là người chẳng có lòng yêu mến Chúa.

Ngoài ra, những ai tự cho là mình yêu mến Thiên Chúa mà không thể hiện tình yêu ấy bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa, thì đó là thứ tình yêu vô bổ, vì người đó chẳng được vào Nước Trời, như lời Chúa Giê-su nói: “Không phải kẻ nói với Ta: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy… mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

Phần thưởng dành cho người yêu mến Thiên Chúa

Những ai có lòng mến Chúa được thể hiện qua việc tuân giữ các giới răn Chúa, chủ yếu là luật yêu thương, sẽ được lãnh nhận những hồng phúc vô giá.

Hồng phúc thứ nhất là được Thiên Chúa yêu thương: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21).

Hồng phúc thứ hai là tâm hồn họ trở nên cung điện của ba Ngôi Thiên Chúa, được ba Ngôi Thiên Chúa luôn “ở lại” với mình, như lời Chúa dạy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” Ga 14, 23).

Và hồng phúc thứ ba là được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Trong ngày phán xét, Chúa Giê-su sẽ long trọng ban thưởng hạnh phúc thiên đàng cho người người đó, như lời Ngài phán:

“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm… (Mt 25, 34-35).

Lạy Chúa Giê-su,

Thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng cách giữ luật yêu thương là điều kiện cần thiết và không thể thiếu để chúng con được Chúa yêu thương, được Chúa ở cùng trong suốt đời này và được hưởng hạnh phúc đời đời trên thiên quốc.

Xin cho chúng con biết thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng cách giữ cho tròn luật yêu thương Chúa dạy để đáng hưởng những phần thưởng vô cùng lớn lao không gì sánh được mà Chúa đã hứa ban.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Tin mừng thánh Gioan (14,15-21)

15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. 19 Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

LỜI CHÚA CĂN DẶN

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Chúa Nhật 6 Phục Sinh- năm A

Khi xa nhau, người ta thường quyến luyến, bịn rịn. Con cái phải xa nhà đi học đi làm, vợ chồng phải xa nhau vì công việc. Lời nhắn nhủ của cha mẹ thường là: con hãy ngoan ngoãn, giữ lời cha mẹ chỉ bảo, cố gắng học hành, nỗ lực làm việc để có một tương lai tốt đẹp, đừng làm mất mặt, chớ phụ lòng hy vọng của cha mẹ nghe con! Vợ chồng sẽ có những lời dặn dò tâm huyết: hãy trung thành và nhớ tới nhau luôn…Khi yêu ai, mến thương ai, người ta luôn lưu giữ những hình ảnh, kỷ niệm và lời nói thân thương của người ấy.

Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi về cùng Chúa Cha, Ngài đã căn dặn, khuyên nhủ các môn đệ nhiều lần. Ngài nói hết tâm tình, hết con tim của mình và muốn các môn sinh lưu giữ trong tâm hồn những lời tâm huyết này: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12); “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy“ (Ga 14,15); “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).

1.”Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy

Người Kitô hữu là người có Đức Kitô nhờ theo Ngài và yêu mến Ngài. Ai không yêu mến Ngài, không theo Ngài, thì không có Ngài, nên họ không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Ngài, chúng ta sống trong Ngài: “Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em“.  Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi yêu mến Ngài. Yêu mến là giữ lời Ngài “Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta” (Ga 15,10).

Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không động chạm đến Ngài? Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Điều răn của Chúa là gì? Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 12,34). Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em“. Như vậy, câu nói “nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” có nghĩa là “nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau“. Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này: “Nếu ai nóiTôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20).

2.“Anh em có lòng yêu thương nhau”

Chúa Giêsu còn đưa ra một tiêu chuẩn để nhận ra ai là môn đệ đích thật của Ngài: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 12,35). Tiêu chuẩn này dựa trên tình yêu của người ấy đối với đồng loại, cụ thể là những người gần gũi sống chung quanh họ. Tình yêu cụ thể đối với tha nhân là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Chúa Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Chúa Giêsu. Ai không có đặc trưng ấy, thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là môn đệ “hữu danh vô thực“, giả hiệu mà thôi. Tình yêu thật sự, tình yêu chân thành thì cần phải có hy sinh, cần có quên mình. “Tình yêu mà không có hy sinh là tình yêu giả. Hy sinh mà không có tình yêu là hy sinh thừa” (ĐGM.Bùi Tuần).

Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm cả cuộc đời về những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài.Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Tình yêu đó là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy, là yêu thương nhau.

Từ nay để gặp gỡ Chúa, để yêu mến Chúa, để sống với Chúa, cần phải có đức tin và tình yêu. Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói : “Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy, Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy. Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy“.

3.Gương sáng sống Lời Chúa

Những người yêu mến Chúa là những người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép: “Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác…. Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng sẻ cơm cho họ“. Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Thánh nhân là người yêu mến Chúa thật sự và xứng đáng được Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời. Chỉ tình yêu biết trao đi, mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền.

Những ngày qua, các trang web Công giáo viết nhiều về gương sáng của vị Linh mục “Một bác sĩ Phật tử trở thành Linh mục vì người nghèo, bệnh nhân phong-sida, đã về với Chúa”. Thánh lễ an táng cha Augustinô Nguyễn Viết Chung thuộc Dòng Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn (CM) ngày 13/5/2017, tại nhà thờ giáo xứ Phát Diệm, Sài gòn.

Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo kể về cái chết của Ðức Cha Jean Cassaigne tại trại phong Di linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp. Ðức Cha Jean Cassaigne trở thành thần tượng của chàng trai trẻ. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như lòng khát khao. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Phật giáo và là một bác sĩ chuyên khoa Da liễu. Nhờ tin vào Đức Kitô nên vị bác sĩ đã theo Chúa và trở thành linh mục của Chúa vào ngày lễ truyền tin 25.3.2003. Sau ngày lãnh tác vụ linh mục, ngài dấn thân truyền giáo, phục vụ người nghèo, bệnh nhân phong. Vị mục tử không chỉ nặng mà nhiễm cả mùi chiên, máu chiên vào trong người. Nơi thân xác gầy guộc của ngài lại ẩn chứa sức mạnh ơn thánh và một tấm lòng nhân ái bao la. Ngài yêu mến Chúa nơi những con người đau khổ và yêu thương họ như yêu mến Chúa.

Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy! Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy! Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu. Chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc ngay trong cuộc sống ở đời này.

Lạy Chúa, con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn. Amen.

CẬY TRÔNG

Lm Giuse Trần Việt Hùng

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH. A

 (Ga 14:15-21)

 CẬY TRÔNG

Trước khi từ giã ra đi,

Chúa thương nhủ bảo, thực thi đôi lời.

Các con yêu mến trong đời,

Giới răn bác ái, là lời Thầy khuyên.

Chúng con tuân giữ luật truyền,

Yêu Thầy kính Chúa, tinh tuyền trí khôn.

Thầy về cùng Chúa chí tôn,

Xin Cha chúc phúc, cho hồn ân thiêng.

Thánh Thần Phù Trợ thiêng liêng,

Người là Chân Lý, ơn riêng chữa lành.

Thế gian chẳng biết Thánh Danh,

Chúng con nhận biết, thực hành yêu thương.

Luật Thầy truyền giữ tỏ tường,

Mến yêu sự thật, mở đường ta đi.

Dù cho cuộc sống khó nguy,

Đồng hành bên Chúa, sợ gì thế gian.

Cuộc đời muôn nỗi gian nan,

Có Thầy yêu mến, chứa chan phúc lành.

Cậy trông phó thác chân thành,

Yêu người mến Chúa, rạng danh sáng ngời.

Chúa Giêsu trước khi từ giã các môn đệ, Ngài đã ưu ái nhắn nhủ và mời gọi các môn đệ hãy yêu thương nhau. Chúa ra đi, nhưng không để các ông mồ côi. Chúa biết khi Ngài rời xa, các tông đồ sẽ buồn phiền. Ngài hứa sẽ ban Thánh Thần đến để thêm sức và dậy dỗ các ông tất cả.

Không buồn sao được khi Chúa từ giã ra đi. Tuy rằng, Chúa chỉ vắng mặt nơi thân xác, nhưng tinh thần Chúa luôn hiện diện bên cạnh. Trước khi ra đi, Chúa đã dậy dỗ các môn đồ cách cặn kẽ. Chúa trao ban quyền năng để phục vụ và xây dựng Giáo Hội. Chúng ta biết các tông đồ là những người chài lưới sống ở vùng quê và ít học. Nhận lãnh trách nhiệm lớn lao trong việc truyền rao tin mừng cứu độ cho muôn dân.

Các tông đồ không thể cậy dựa vào sức mình. Với sự đơn sơ và lòng nhiệt thành, các ngài đã ra đi làm nhân chứng cho Chúa. Mười một trong số 12 tông đồ đã lấy chính máu đào của mình chứng minh niềm tin vào Chúa Kitô sống lại. Các ngài theo chân Chúa, thánh giá vác mỗi ngày. Biết bao chống đối, biết bao gian khổ và biết bao thăng trầm, các ngài đã từng bước vuợt qua và vươn tới.  Không chùn bước khi gặp gian nan thử thách. Nhờ đâu các ngài có được sự can đảm như thế? Đó chính là ơn Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa sai đến.

Vai trò Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong buổi sơ khai của Giáo Hội. Lửa yêu mến của Thánh Linh đã rực cháy trong tâm hồn của các tín hữu thời sơ khai. Dầu bị cấm cách, bị thiêu đốt, bị giam cầm, bị bách hại liên tục, các ngài luôn kiên cường làm chứng nhân cho Chúa sống lại. Các ngài đã xứng đáng lãnh nhận triều thiên vinh quang.

Triều thiên phải đổi bằng giá máu. Phải phấn đấu và tín trung cho đến cùng đường. Ai trong chúng ta cũng muốn được hạnh phúc và được đội triều thiên. Truyện kể: Trong giấc mơ, có một bà thấy mình bước vào cửa tiệm và ngạc nhiên thấy Chúa ngồi tại quầy hàng. Bà hỏi: Ở đây Chúa bán những món hàng nào? Chúa trả lời: Có tất cả các món hàng mà con mong muốn. Ngỡ ngàng quá sức! Bà định mua tất cả sự bình an, tình yêu và hạnh phúc. Bà muốn mua cho con cái và cho mọi người nữa. Chúa cười và nói rằng chắc bà hiểu lầm rồi, tiệm này không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống mà thôi.

Chúng ta đã lãnh nhận hạt giống đức tin, đức cậy và đức mến. Chúng ta hãy làm nẩy sinh những hoa quả tốt đẹp trong cuộc sống. Hạt giống có trổ sinh nhân đức hay không, tùy thuộc cuộc sống nơi mỗi người chúng ta. Xin Chúa tràn đổ ơn lành giúp chúng ta sinh hoa kết trái tốt đẹp.

 

THỨ HAI, TUẦN 6 PHỤC SINH

(Ga 15, 26-16,4).

THẦN CHÂN LÝ

Thần Linh Chân Lý cao vời,

Cha Thầy sai đến, dậy khơi mọi điều.

Những lời mạc khải cao siêu,

Các con ghi nhớ, thiên triều gia ân.

Thánh Thần làm chứng canh tân,

Ban ơn sức mạnh, chứng nhân về Thầy.

Người ta bách hại lạm gây,

Hội đường xua đuổi, đong đầy gian nan.

Tưởng rằng phụng sự thánh nhan,

Chu toàn lề luật, liên can đạo đời.

Kẻ thù không biết Ngôi Lời,

Con Cha cực thánh, vào đời cứu nhân.

Mọi lời nhắc nhở ân cần,

Các con ghi nhớ, tinh thần vững tin.

Kiên trì phó thác cầu xin,

Thánh Linh Phù Trợ, ngước nhìn trời cao.

THỨ BA, TUẦN 6 PHỤC SINH

(Ga 16, 5b-11).

RA ĐI

Phán cùng môn đệ lời này,

Thầy về thiên giới, đợi ngày ra đi.

Những điều dạy bảo thông tri,

Thầy đi lợi ích, chỉ vì các con.

Nói lời sự thật sắt son,

Thánh Thần Phù Trợ, mỏi mòn chờ mong.

Thông ban sức mạnh trong lòng,

Khôn ngoan thông suốt, tinh trong rạng ngời.

Ngôi Ba Thiên Chúa cao vời,

Tuôn tràn ân sủng, cho người tin yêu.

Những ai chê chối thiên triều,

Thế gian tội ác, ngả siêu thói đời.

Thánh Linh xét xử trần đời,

Không tin cứu độ, Ngôi Lời hạ thân.

Quyền năng phó thác Thánh Thần,

Công bằng chính trực, dự phần phúc vinh.

THỨ TƯ, TUẦN 6 PHỤC SINH

(Ga 16, 12-15).

SỰ THẬT

Khi Thần Chân Lý viếng thăm,

Khai lòng mở trí, chuyên chăm sống đời.

Bảy ơn thánh đức cao vời,

Nói năng sự thật, qua lời truyền rao.

Ban ơn sức mạnh dồi dào,

Thêm ơn lo liệu, hiến trao thân mình.

Kiên trì trung tín quang minh,

Xin ơn soi sáng, tâm linh rạng ngời.

Hồn con kính sợ Chúa Trời,

Khôn ngoan hiểu biết, sống đời thánh ân.

Nguồn ơn phù trợ Thánh Thần,

Thông ban truyền dạy, canh tân lòng người.

Mọi điều hiện hữu trên đời,

Chúa Cha tác tạo, Ngôi Lời trung gian.

Những gì Cha đã trao ban,

Thần Linh lãnh nhận, sẻ san cho đời.

THỨ NĂM, TUẦN 6 PHỤC SINH

(Ga 16, 16-20).

NIỀM VUI

Niềm vui trăn trối đôi lời,

Ra đi dọn chỗ, cho người mến yêu.

Tới ngày từ giã cô liêu,

Tông đồ môn đệ, vốn nhiều xót xa.

Vui buồn lẫn lộn phôi pha,

Thầy đi vắng mặt, thật là nhớ thương.

Cho dù lòng trí vấn vương,

Thêm phần lợi ích, tựa nương sống đời,

Thầy còn trở lại một thời,

Các con sẽ thấy, rạng ngời thiên nhan.

Bây giờ con cái thế gian,

Tẩy chay bách hại, gian nan cực hình.

Chúng con khóc lóc tự tình,

Than van sầu khổ, bất bình thế nhân.

Kiên tâm giữ vững tinh thần,

Mừng vui chan chứa, dự phần phúc vinh.

THỨ SÁU, TUẦN 6 PHỤC SINH

(Ga 16, 20-23a).

VUI MỪNG

Tâm tư trầm lắng chiều nay,

Thầy trò tâm sự, đến ngày xa nhau.

Chia ly muôn nỗi sầu đau,

Tông đồ môn đệ, trước sau dự phần.

Giê-su từ giã gian trần,

Thăng thiên thượng giới, vô ngần cao siêu.

Các con than khóc thật nhiều,

Buồn sầu cay đắng, đốt thiêu tâm hồn.

Thế gian ghét bỏ vùi chôn,

Thù hằn ghen ghét, dại khôn cõi đời.

Các con tin vững ơn trời,

Niềm vui trở lại, cho người thiện tâm.

Hy sinh chịu đựng âm thầm,

Vinh quang rạng sáng, nẩy mầm xinh tươi.

Vui mừng rạng rỡ tươi cười,

Đoàn con xum họp, mọi người hân hoan.

THỨ BẢY, TUẦN 6 PHỤC SINH

(Ga 16, 23b-28).

XIN ƠN

Phán cùng môn đệ lời này,

Hãy xin sẽ được, danh Thầy hứa ban.

Niềm vui trọn vẹn chứa chan,

Cha ban muôn phúc, tràn lan tâm hồn.

Trước ngày giảng dạy dụ ngôn,

Các con chưa hiểu, học khôn tháng ngày.

Đến nay Thầy nói thẳng ngay,

Loan truyền rành rẽ, điều hay lạ thường.

Chia ly sầu lắng vấn vương,

Thầy đi chuẩn bị, yêu thương vô ngần.

Cầu xin Thiên Chúa chí nhân,

Ủi an soi dẫn, bước lần thoát nguy.

Ban ơn giáng phúc từ bi,

Trung kiên vững bước, sá gì gian nan.

Chúa Cha yêu mến thế gian,

Trao ban Con Một, hứa ban Nước Trời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

THẦY SỐNG… MÀ SAO ANH EM SAO LẠI CỨ CHẾT

Khổng Nhuận

 

Số 318. Chủ nhật 6 Phục Sinh – năm A.

Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống.

Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy,

anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.   (Ga 14 : 19 – 20)

Thầy sống? Hẳn nhiên rồi.

Đức Giê-su liền phán : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.

Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.   (Ga 11:25)

Chúng ta cũng sẽ sống?  Một câu hỏi to tướng !!!

Một câu trả lời cũng to tướng – nhưng là một SỐ KHÔNG TO TƯỚNG !!!

Tại sao vậy?

Thầy Giêsu đã trả lời:

Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống. (Ga 5:40)

Các nhà đạo đức nhao nhao phản đối:

Tầm bậy. Đừng dùng Lời Chúa để xỏ xiên chúng tôi.

Chúng tôi đến cùng Chúa hàng trăm, hàng ngàn lần rồi qua việc đọc kinh thần vụ xưng tội, xem lễ, rước lễ – đặc biệt là rước lễ.

Sao dám nói là chúng tôi không muốn đến cùng Chúa !!!

 

Về việc rước lễ, có 3 tâm tình:

Tâm tình thứ nhất: Mỗi lần rước lễ, tôi tự xác tín với lòng mình rằng:

Chúa đang sống trong tôi từ lâu lắm rồi.

Tôi tiếp tục tập sống với Chúa trong cuộc sống thường nhật.

Bắt đầu từ 5 – 10 phút mỗi ngày…một cách kiên trì…

về sau sẽ tăng thời gian lên…có thể tới vài tiếng đồng hồ…

Tuyệt vời !!!

Tâm tình thứ hai: Mỗi lần rước lễ, tôi nhủ thầm:

Chúa ơi, dù con tội lỗi, bất xứng nhưng Chúa vẫn sẵn lòng viếng thăm hồn con.

Để con có thể sống gần Chúa hơn.

Theo lối nhìn nhân loại : Khá lắm!!!

Tâm tình này được đặt danh hiệu:  đạo đức hơn nhiều người.

Theo lối nhìn tâm linh :

Tội lỗi, bất xứng chính là tình trạng miền u tối…của con cái sự sáng.

Thầy Giêsu đã minh định:   Chính anh em là ánh sáng cho trần gian  (Mt 5:14)

(tôi vốn là con cái sự sáng… thế mà lúc nào cũng thấy mình tội lỗi, tối tăm !!!..)

Viếng thăm chứng tỏ : Trước đó, Chúa không có trong nhà linh hồn mình!!

Rồi Chúa trốn đi đâu mất tiêu !!!… mai hoặc tuần tới lại mời Chúa viếng thăm.

Đây chính là tình trạng :

Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh,

nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. (Kh 3:16)

Tâm tình thứ ba: Rước lễ theo thói quen.

Lên rước lễ như người máy.

Rước lễ xong, chẳng biết làm gì…

Thế thì ứng nghiệm lời Kinh Thánh:

Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống. (Ga 5:40)

Kết luận đương nhiên :

Thầy sống… mà anh em sao lại cứ chết!!!

ANH CÒN NỢ EM

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Suy niệm Chúa nhật 6 Phục sinh

Anh còn nợ em

Có một bài hát rất nổi tiếng về tình yêu. Đó là bài “Anh còn nợ em”. Bài hát với cung nhạc thật ray rứt như diễn tả tâm hồn ai đó đang vướng bận nợ nần với người mình thương.

“Anh còn nợ em, công viên ghế đá,” “Công viên ghế đá, lá đổ chiều êm. Và còn nợ em dòng xưa bến cũ Dòng xưa bến cũ, con sông êm đềm.”

Ghế đá công viên hay dòng xưa bến cũ chỉ là nơi chốn, thế mà lại là món nợ của tình yêu. Tâm trạng chàng trai dường như đang ray rứt vì đã để lỡ những cuộc hẹn và có khi những hình ảnh thân thương ấy đã vào dĩ vãng khiến chàng trai bần thần, nhớ nhung.

Nhưng theo Kinh Thánh, nợ tình yêu là lẽ thường tình. Ai cũng cần có nhu cầu yêu. Ai cũng có một trái tim để yêu. Nhưng tình yêu thì chẳng bao giờ cùng khiến con người luôn mắc nợ tình yêu vì yêu chưa trọn.

Vì yêu chưa trọn nên vẫn ray rứt về những lần mình chưa làm tròn bổn phận tình yêu. Con tim vẫn bồi hồi về những việc đáng lý phải làm mà mình vẫn chưa làm :

“Anh còn nợ em, chim về núi nhạn Trời mờ mưa đêm, trời mờ mưa đêm Anh còn nợ em nụ hôn vội vàng nụ hôn vội vàng nắng chói qua song.”

Xem ra anh chàng rất si tình. Không trả được nợ thì lòng hối hận, mặc cảm tội lỗi vì mình vẫn thiếu một cuộc tình. Anh đã xem tình yêu là bổn phận đến nỗi không chu toàn thì được xem là tội, là nợ của nhau.

“Anh còn nợ em Con tim bối rối Con tim bối rối Anh còn nợ em Và còn nợ em Cuộc tình đã lỡ.. Cuộc tình đã lỡ Anh còn nợ em…”

Cái nợ đã trở thành tội khi để lỡ một cuộc tình. Chàng trai sẽ ray rứt mãi vì đã để ai đó đang sầu muộn vì trông mong, thương nhớ người thương. Cái nợ đã trở thành tội khi cuộc tình đã lỡ khiến gặp nhau mà con tim bối rối thẹn thùng, vì phụ bạc lẫn nhau.

Xem ra cuộc tình nào cũng nợ nhau thôi. Càng yêu càng nợ nhau. Nhiều người lầm tưởng rằng kết hôn là hết nợ nhau, là đã làm xong nhiệm vụ rồi có quyền xao nhãng, bỏ rơi nhau. Nhưng đúng ra, kết hôn là ký kết nợ tình của nhau. Họ phải trả nợ nhau suốt đời. Họ phải dành tình yêu cho nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Họ phải nợ ân nghĩa vợ chồng cho đến khi tóc bạc răng nong.

Thiên Chúa luôn yêu thế gian. Vì yêu mà Ngài đã dám dốc cạn cuộc đời qua hiến tế trên thập giá. Ngài còn gánh nợ cho thế gian khi chịu chết để đền tội cho thế gian. Ngài đã hy sinh cả tính mạng mình để đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Tình yêu của Ngài không ray rứt vì cuộc tình đã lỡ mà luôn canh cánh bên lòng sự quan tâm, lo lắng, xót thương con người. Ngài tự nguyện nợ tình yêu con người đến nỗi đã yêu là yêu cho đến cùng.

Hôm nay Ngài còn ký một giao ước nợ ân tình với con người qua Đấng bảo trợ mà Ngài sẽ ban để ở cùng chúng ta luôn mãi. Đấng bảo trở ấy sẽ ủi an, nâng đỡ, che chở con người trước mọi khó khăn thử thách. Đấng ấy sẽ an ủi khi chúng ta gặp u buồn. Ngài sẽ soi sáng khi chúng ta gặp bước gian nan. Ngài sẽ ban sức mạnh khi chúng ta cần sức mạnh để vượt qua cám dỗ tội lỗi và làm lại cuộc đời. Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta hoàn thành sứ mạng cuộc đời như một tôi tớ trung tín và khôn ngoan, vì Chúa đã hứa rằng: “Ơn Ta đủ cho con và quyền năng Ta hiển trị nơi sự yếu hèn của con”.

Nguyện xin Chúa Kyt-ô Phục sinh luôn đồng hành với chúng ta và chúc lành cho cuộc đời chúng ta được bình an để chúng ta mãi trung thành với Chúa. Ước gì các đôi vợ chồng cũng đừng để cuộc tình đã lỡ mới nói nợ nhau. Xin hãy vì tình yêu mà quan tâm nâng đỡ nhau và vì ân nghĩa mà trung thủy với nhau trọn đời. Đó là cách mà chúng ta không nợ nhau trong tâm trạng ray rứt, mà là niềm vui vì tự nguyện gánh nợ cho nhau khi dâng hiến cuộc đời mang lại hạnh phúc cho nhau. Amen


[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*