• NGÀI ĐÃ MANG THƯƠNG TÍCH CỦA CHÚNG TA ĐỂ CHÚNG TA ĐƯỢC CHỮA LÀNH - Lm. Inhaxiô M. Hải Dương, CRM
  • MÁU CON CHIÊN – Lm. Nguyễn Thái
  • THAM DỰ VÀO CUỘC VƯỢT QUA CỦA CHÚA – Lm. Đinh Lập Liễm
  • NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI – TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
  • GIỜ CHIẾN THẮNG VINH QUANG – Lm. Inhaxiô Trần Ngà
  • NGƯỜI TÔI TỚ CỦA THIÊN CHÚA ĐI VÀO CON ĐƯỜNG CHỊU NẠN – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

NGÀI ĐÃ MANG THƯƠNG TÍCH CỦA CHÚNG TA ĐỂ CHÚNG TA ĐƯỢC CHỮA LÀNH (Mc 14:1-15:47)

Lm. Inhaxiô M. Hải Dương, CRM

Dung mạo Chúa Kitô trong Tin Mừng Tân Ước thường được giấu kín. Biến cố sinh hạ tại Bét Lem là một Tin Mừng cho toàn dân như lời sứ thần: “Ta báo cho các ngươi một Tin Mừng, hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các ngươi trong thành Davit” (Lc 2.11). Nhưng Tin Mừng này đầu tiên chỉ được loan báo cho các mục đồng, những con người đơn sơ, chất phát. Rồi “Vua dân Do Thái mới sinh” được ba vua tìm kiếm để tôn thờ lại bị Hêrôđê tìm giết… Rồi 30 năm dài sống ẩn dật tại Nazareth không ai biết đến. Tới khi rao giảng khuôn mặt đó vẫn bình thường là “Con ông Giuse và bà Maria và anh em của các ông Giacôbê, Giuda và Simon” (Mc 6.3). Khi làm phép lạ, ma quỉ biết Ngài là ai, là “Con Thiên Chúa”, Ngài cũng cấm không cho chúng nói. Khi dân chúng thấy Ngài những việc vĩ đại, lạ lùng, tôn vinh Ngài làm vua, thì Ngài bỏ họ lên núi một mình (Gn 6. 15).

Nhưng khi cái chết gần kề, Ngài đã chấp nhận sự tán dương của đám đông, và chính Ngài cũng muốn ngồi trên lưng một con lừa để khải hoàn vào thành Giêrusalem (Mc 11.1-10). Nói là khải hoàn, nhưng thật ra là để bắt đầu những ngày khổ nạn. Lời tuyên xưng của thánh Phêrô tại địa hạt Cêrarê-Philippê hôm nào “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16.16) được Chúa Kitô khẳng định “Con Người phải chịu khổ đau…” (Mt 16.21), hôm nay bắt đầu được thực hiện, khi Ngài cưỡi lừa vào thành Giêrusalem.

Nhìn những con lừa được nuôi ở những nông trại của người Mỹ, trông nó yếu ớt. Lừa thường được dùng để tải đồ, ít khi để cưỡi. Chúa Kitô, theo như những nhà khoa học, phân tách từ tấm khăn liệm thành Turin, thì Ngài phải cao tới 1m75, nặng chừng 180 pounds. 180 pounds ngồi trên lưng con lừa, mà đây là con lừa con, con của con lừa mẹ, và đi trên đường người ta trải áo, trải cây khúc khuỷ như vậy thì những bước đi của con lừa này chắc dệu dạo lắm. Và khi thấy một người ngồi trên lưng lừa được dân chúng tôn vinh là “con vua David! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời “ thì thật là khó hiểu.

Quả thật Chúa Kitô là Vua, nhưng không phải là vua trần thế, nhưng là vua khổ đau, như tấm bảng Philatô cho viết và được đóng trên đầu cây thánh giá: “Người này là Giêsu, vua dân Do Thái” (Mt 27.37).

Lễ Lá khởi đầu Tuần Thánh. Đây là tuần quan trọng nhất trong năm, mà các Thánh Giáo phụ không ngần ngại gọi là Mẹ của các tuần lễ. Vì tuần này, Chúa Kitô bước vào những ngày cuối đời.

Trình thuật bài thương khó và phục sinh của Chúa Kitô là phần quan trọng các tác giả Tin Mừng. Đọc bài thương khó trong Tin Mừng Thánh Marco trong ngày Lễ Lá hôm nay, chúng ta nhận ra được những điều liên quan tới cái chết của Chúa Giêsu của nhân loại: Các tông đồ được thông báo bỏ Chúa, ba tông đồ thân tín ngủ vùi ngủ dập trong vườn Cây Dầu, Giuda nộp Chúa bằng một cái hôn, Phêrô chối Chúa, các môn đệ bỏ trốn, dân chúng hô hoán đóng đinh. Philatô tuyên án giết Chúa. Ông tuyên án Chúa vì cả nể dù ông đã minh định: “Người này đã làm gì nên tội”.

Bài thương khó được đọc trong ngày Lễ Lá là một bài dài, và chúng ta thường cảm thấy mệt khi nghe bài Thương khó. Nhưng nếu chúng ta để tâm suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta sẽ thấy lời nói và thái độ của Chúa Giêsu có sức biến đổi, giúp chúng ta đón nhận mọi gai góc, thánh giá của cuộc đời.

Chúa Kitô không xa lạ với những khổ đau của nhân loại. Tiên Tri Isaiah trong bài đọc thứ nhất vào ngày thứ Sáu tuần thánh đã nói với chúng ta: “Thực sự người đã mang lấy đau khổ của chúng ta…” (Is 53.4). Sự đau khổ đó được thể hiện trong sự vu khống, bất công, phản bội, trong nhục nhã, trong sợ hãi, trong cô đơn và giết chết. Trước đau khổ, Chúa Kitô không phân tích thế nào là đau khổ, nhưng ngài đã đón nhận đau khổ, biến đau khổ đời người mang nhiều ý nghĩa.

Suy niệm bài thương khó trong ngày Lễ Lá, biết đâu chúng ta cũng giống như Giuda nộp Chúa, như Phêrô chối Chúa hay như Philatô cả nể chối bỏ sự thật. Chẳng ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa.

Hãy đi với Chúa qua từng chặng đường từ vườn Cây Dầu tới Núi Sọ. Đừng theo Chúa như một người lạ quay video cho một đám tang, bởi lẽ Chúa Kitô chịu đau khổ là vì chúng ta và cho chúng ta. Và khi thấm nhuần cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta sẽ thêm sức mạnh để yêu thánh giá của Chúa Kitô hơn, mến thánh giá của mình hơn, và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

Thánh Marcô kết thúc bài Thương Khó trong Tin Mừng của ngài là việc Chúa Kitô chết và được an táng trong mồ. Nhưng thật ra, cuộc thương khó của Chúa Kitô vẫn còn kéo dài tới tận thế. Thập giá của Chúa Kitô, của mỗi người, của tha nhân vẫn diễn ra hằng ngày. Trong đó, Ngài mời gọi mỗi người hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa, đồng thời hãy giúp tha nhân vác thập giá của họ.

Ước gì thế giới này có nhiều Simon Kyrênê, và chúng ta hãy là một trong những Simon Kyrênê, ghé vai vác đỡ thập giá Chúa Kitô và nâng đỡ thập giá của tha nhân. Lời thánh Phaolô: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau. Như vậy là anh em chu toàn luật Chúa Kitô” (Gl 6:2).

Xin Đức Mẹ, người Mẹ kiên vững đứng dưới chân thập giá Chúa Kitô, đồng hành với chúng con trong tuần Thánh này, để khi dõi theo, chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, chúng con cũng sẽ được hân hoan mừng ngày phục sinh vinh hiển của Ngài. Amen.

Lm. Inhaxiô M. Hải Dương, CRM

MÁU CON CHIÊN (Mc 11:1-10)

Lm. Nguyễn Thái

Năm 1959 quân đội Cộng Sản Trung Quốc chiếm đóng Tibet, Tây Tạng và hành hạ những tu sĩ Phật Giáo bằng những cách tàn nhẫn, dã man. Người Cộng Sản Trung Hoa muốn hủy diệt đời sống tâm linh đã từng ăn rễ sâu trong lòng người dân Tây Tạng. Câu chuyện xảy ra là khi những người lính Trung Hoa xâm lược vào một ngôi chùa của người Tây Tạng, tất cả các tu sĩ đã chạy trốn hết, chỉ trừ ra có một vị ở lại trông coi tu viện và chùa chiền. Thấy chỉ còn mỗi một vị sư trong chùa, trong cơn giận dữ viên sĩ quan chỉ huy quân đội đưa chân đá cổng chùa bước vào. Đứng giữa sân chùa viên sĩ quan nạt nộ vị đại đức: “Ông không biết tôi là ai hả? Tôi là người có thể giết ông bằng một thanh gươm trong nháy mắt.” Vị đại đức bình tĩnh trả lời lại: “Và ông, ông cũng không biết tôi là ai hả? Tôi là người cho phép ông giết tôi bằng một thanh gươm trong nháy mắt đó.”

Vị đại đức đã đặt trọng tâm nơi Thượng Đế, Đấng đã giúp cho ông tách biệt ra khỏi mọi sự đe dọa hầu phá hủy sự bình an và niềm hy vọng mà ông chắc chắn chỉ tìm thấy nơi Ngài (Pl 1:21). Đây chính là hành động khải hoàn của Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem để chịu cuộc thương khó mà chúng ta mừng kính trọng thể hôm nay. Giống như chúng ta, là con người, Ngài cũng đã tiến đến cái chết với nỗi sợ hãi. Tuy nhiên Ngài có sự bình an và yên tĩnh của một người đang làm theo thánh ý Thiên Chúa. Vì thế Ngài tiến vào thành Giêrusalem trong khí phách hiên ngang và hùng dũng (Gl 6:14) để chu toàn sứ mạng phục hồi sự sống đời đời cho tất cả mọi người.

Trong Tuần Thánh này chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó, đổ máu chịu chết trên cây Thánh Giá của Chúa Giêsu. Ngài mang hình ảnh của Con Chiên Chuộc tội trần gian: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian!” (Ga 1: 29)

Ngày xưa, trong Cựu Ước, máu của con chiên bôi trên các cửa nhà của những người Do Thái, đã cứu những người con trai đầu lòng của họ khỏi tử thần, và sau cùng dẫn họ đến sự tự do khỏi tình trạng nô lệ ở Ai Cập (Xh 12:23; Dt 11: 28). Và 40 năm sau, Thiên Chúa đã dẫn họ vào miền Đất Hứa.

Để biết lễ Vượt Qua quan trọng như thế nào đối với người Do Thái, William Barclay đã dùng sử liệu của Josephus cho chúng ta biết như sau. Theo sử gia Josephus, vào năm 65 A.D, Cestius, thủ lãnh của xứ Palestine đã gặp phải khó khăn trong việc thuyết phục Hoàng Đế Nêro ý thức về biến cố tôn giáo tối quan trọng của người Do Thái. Để gây ấn tượng mạnh cho Hoàng Đế, Cestius đã yêu cầu thầy cả Thượng Phẩm làm một bảng kiểm tra về số lượng những con chiên bị giết vào ngày lễ Vượt Qua trong một năm. Theo Josephus, con số là 256,500 con chiên. Căn cứ theo luật đòi buộc, mỗi nhóm ít nhất 10 người ăn một con chiên, do đó con số người hành hương lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua phải là 3,000,000 người.

Thật là ý nghĩa, khi người Do Thái từ khắp mọi nơi chen chúc nhau về Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, biến cố được giải thoát khỏi sự nô lệ ở Ai Cập khi xưa, thì cũng là ngày chính Đức Giêsu Kitô đã trở nên Con Chiên Thiên Chúa, đổ máu ra để giải thoát nhân loại khỏi sự nô lệ của tội lỗi, và mở cánh cửa vào miền đất hứa mới – nước Thiên Đàng – cho chúng ta.

Jeff Smith, một người nổi tiếng ở Chicago với những show nấu ăn trên tivi có tên là Frugal Gourmet, Người sành ăn, đã viết một cuốn sách có tựa đề là “The Frugal Gourmet Keeps The Feast”. Trong cuốn sách này, qua việc nghiên cứu tra hỏi với những người chăn chiên, ông đã giải thích làm thế nào máu của Chúa Giêsu Kitô đã đổ ra lại hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.

“Qua kinh nghiệm của những người chăn chiên cho biết, vào lúc tinh sương, khi người chăn chiên vừa thức dậy, ông thấy một con chiên mẹ đã sinh con, nhưng chẳng may chiên con bị chết. Trong một bầy chiên khác, ông lại khám phá ra một con chiên khác cũng vừa đẻ con, nhưng chiên mẹ bị chết đang lúc sinh vào ban đêm! Do đó, người chăn chiên có một con chiên mẹ đau lòng vì không có con, và một con chiên con mồ côi không có mẹ. Để cho hợp lý thì ghép chung lại với nhau. Nhưng không được, vì chiên mẹ biết rằng đó không phải là con của nó, và chiên con tự nó cũng rất lúng túng, nên nó cũng sẽ bị chết đói.”

Ông Smith nói, “những vị tiên tri và những chủ chiên ngày xưa đã nhìn thấy sự kiện này thường xuyên xảy ra trong bầy chiên của họ, nên đã dùng hình ảnh tuyệt vời này để diễn tả sự liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta như chiên con bị xa cách với Thiên Chúa nên cũng sẽ chết vì đói. Còn Thiên Chúa giống như chiên mẹ chết con, luôn đau lòng khốn khổ. Chỉ có một điều duy nhất có thể làm được, nếu người chăn chiên lấy máu của con chiên con đã chết, bôi vào con chiên con mất mẹ. Khi chiên mẹ ngửi thấy máu của con mình, thì lập tức xúc động mà để cho con chiên mồ côi được tự do bú. Hay nói một cách khác, qua máu chiên con mà con chiên mồ côi được chấp thuận làm con nuôi, “the blood of adoption”. Trong Cựu ước Thánh Kinh đã hứa rằng Đấng Thiên Sai sẽ đến và là con chiên chuộc tội trần gian, mang chúng ta về với sự liên hệ thân mật với Thiên Chúa.”

Bắt đầu cuộc hành trình thiêng liêng trong Tuần Thánh này, điều trước tiên chúng ta phải nghĩ đến là tình yêu vô bờ bến của Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta khi Ngài chấp nhận đóng vai trò là Con Chiên Thiên Chúa.

Để diễn tả tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu, Shel Silverstein đã dùng một dụ ngôn, gọi là “The Giving Tree” – “Cây Hy Sinh.” Dụ ngôn nói về sự yêu thương một chiều giữa một cây và chú bé. Giống như một người mẹ thương mến đứa con yêu dấu, cây sẵn lòng cống hiến cho chú bé mọi sự trong suốt cuộc đời, miễn sao chú được vui tươi hạnh phúc.

Khi chú còn nhỏ bé, cây cống hiến cho chú cành lá để chú leo trèo thích thú. Chim chóc rủ nhau về làm tổ, ca hát. Chú nương mình dưới bóng cây mát mẻ mỗi buổi trưa hè nóng nực, vui tươi với tiếng chim ca. Mỗi năm chú một lớn, tới tuổi yêu đương thơ mộng, chú thích thẫn thờ lang thang trong những vườn hoa ngoài đồng nội. Cây lại chiều chú nở ra những cành hoa hương phấn ngạt ngào. Ong bướm rủ nhau về lẳng lơ tình tự. Hết mùa sinh hoa thì cây kết trái. Lúc này chú đã lớn hẳn, biết tiêu xài tiền bạc, nguồn vui thiên nhiên không còn là nhu cầu thiết yếu nữa. Cây cho chú những trái ngon ngọt không những dư thừa để thưởng thức mà còn bán ra để chi tiêu. Khi chú lấy vợ, ra riêng, cây lại phải cung cấp vật liệu cho chú xây cất nhà cửa. Những cành to lớn phải chặt xuống cưa ra làm gỗ. Và sau cùng ngay đến thân mình cổ thụ to lớn nhất của cây cũng phải hy sinh để chú xẻ ra lấy ván, đóng thuyền, lênh đênh trên biển cả, đưa chú đi ngao du khắp năm châu bốn bể.

Năm tháng qua đi, sau cùng chú bé ngày xưa nay đã già, trở thành một ông lão lưng còng, tóc bạc, muốn trở về mái nhà xưa. Cây khi xưa chẳng còn gì, ngoài một cái gốc cây đã bị cưa gần sát đất. Nhưng gốc cây lại rất ân tình, sung sướng gặp lại chú bé ngày xưa. Vui buồn mừng tủi. Vui vì gặp lại bên nhau. Buồn vì nay cây chẳng còn gì để dâng hiến cho chú bé như ngày xưa nữa. Bây giờ chỉ còn là một cái gốc cây trơ trụi. Gốc cây muốn cống hiến nốt cho ông lão để ông có một chỗ ngồi nghỉ ngơi đỡ đau lưng. Câu chuyện kết thúc với một bức hình hí họa vẽ một ông lão nằm nghỉ trên gốc cây với một hàng chữ: “Và cây rất vui vẻ.”

Dụ ngôn “Cây Hy Sinh” nói lên sự hy sinh và tình yêu tột đỉnh của Chúa Giêsu chịu chết trên cây thập giá cho chúng ta như những điều Thánh Phaolô đã diễn tả về Ngài trong thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 5:7-8) và thư gửi tín hữu Philipphê 2: 6-11: “Ngài hủy bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Ngài đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá.”

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người quá cao vời. Những cách thức của Thiên Chúa khác với cách thức của con người (Ps 103:11-13). Điều phải suy nghĩ trong cuộc thương khó là Chúa Giêsu đã cứu chữa ngay cả những kẻ chế nhạo mình (Lc 23: 47-48). Ngài làm như vậy qua phương cách của Thiên Chúa: Đó là chết cho họ. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì ta, thì sẽ cứu được mạng sống ấy ” (Lc 9: 24). Chính Philatô và dân chúng đã chẳng ai hiểu lời Ngài (Lc 23:34).

Để cảm nghiệm ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa và sự sống lại của Ngài, chúng ta phải cùng bước đi với Chúa Giêsu qua sự thương khó và tử nạn trong Tuần Thánh này. Không có đêm tối sẽ không có rạng đông (Rm 8:17). Và không có thập giá sẽ không có sự sống lại (Lc 24:26).

Lm. Nguyễn Thái

THAM DỰ VÀO CUỘC VƯỢT QUA CỦA CHÚA

Lm. Đinh Lập Liễm

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay kỷ niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem. Ngài sai môn đệ vào làng kiếm con lừa: “Nếu có ai hỏi chúng con: “Tại sao các ông làm như thế?”, thì các con hãy đáp: “Vì Chúa cần dùng, rồi Người sẽ giao hoàn lại sau” (Mc 11,3).

Marcô sử dụng danh từ “Chúa” (Kyrios) với một ý rất thông dụng và thường để chỉ một nhân vật đáng kính, một vị luật sĩ nổi danh nào đó, như tiếng “ông”, tiếng “Ngài” của chúng ta. Câu 3 đoạn 11 là trường hợp duy nhất trong Phúc Âm Marcô, trong đó từ ngữ “Chúa” được áp dụng cho Ðức Giêsu, mà lại do chính Người nói về mình. Ðó chính là tước hiệu mà Cựu Ước luôn dành cho Thiên Chúa hoặc Ðấng Thiên Sai, đồng thời cũng là danh hiệu mà các tín hữu tiên khởi sau này sẽ dùng để chỉ về Ðức Kitô Phục Sinh: “Chúa Giêsu Kitô” (Jn 21:7).

Ðồng thời tiếng hoan hô chào mừng của dân chúng trong Marcô mang một ý nghĩa rõ rệt: “Hosanna! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến” (Mc 11,9). Trong khi Luca lại ghi: “Chúc tụng Ðức Vua…” (Lc 19,38).

Các lời hoan hô trên quả như muốn giới thiệu Ðức Giêsu chính thật là Ðấng Thiên Sai đang đến với Dân Người. Dân chúng chặt lá, cởi áo trải ra đường để Người đi qua, hoan hô Người là Con Vua Ðavít! Dân chúng chờ đợi Người tỏ uy quyền như một Môsê quyền thế, một Ðavít chiến thắng, một Salômon trẻ trung xưa, hoặc như một lãnh tụ kiêu hãnh trong ngày công khai ra mắt.

Tại sao Ngài không đọc một tuyên ngôn vạch rõ chương trình hoạt động? Ðức Giêsu đã vào Giêrusalem khiêm nhu trên lưng lừa qua hình dáng một người nô bộc! Ngoài vẻ mặt quen thuộc của người nô bộc được ghi trong Isaia Ðệ Nhị mà Ðức Giêsu đã sống lại cách trọn vẹn, hai đặc tính khiêm nhu của Ðấng Thiên Sai, Marcô muốn vẽ lại cho chúng ta là: sự cô đơn và thinh lặng của Ðức Giêsu trong suốt thời kỳ Khổ nạn!

Marcô đã cố gắng trình bày một cách linh động sự cô đơn tuyệt đối của Ðức Giêsu sau những tiếng hoan hô tán tụng của dân chúng. Chẳng những Người đã bị dân bỏ rơi, mà ngay cả các môn đệ thâm tín của Người cũng xa lìa, trốn tránh! Tại Ghếtsêmani, đáng lẽ những người này phải tỉnh thức, lắng nghe tâm sự của Người, thế mà họ lại ngủ mê mệt (Mc 14,37-40).

Lúc Người bị bắt, tất cả đều bỏ trốn (Mc 14,50). Và có lẽ để tăng thêm vẻ bi đát cho cảnh cô đơn này, Marcô đã không ngần ngại ghi lại cách châm biếm cảnh một môn đệ trẻ vứt bỏ áo quần mình để thoát thân (Mc 14,51-52). Phêrô cũng mạnh dạn chối từ (Mc 14,66-72). Có chăng là sự hiện diện của một con gà vô tội, cố gáy lên hai lần (Mc 14,72) như thức tỉnh những người thân! Người bị ngay cả Cha của mình bỏ rơi (Mc 15,34-35). Thật là một cảnh cô đơn tuyệt đối.

Ngoài ra, đóng vai thân phận người Tôi Tớ Chúa “bị hành hạ, nhưng Người vẫn khiêm nhu, và không mở miệng thốt lên lời nào. Như một con cừu bị điệu đi giết, như một con chiên câm miệng trước người thợ xén lông, Người đã không mở miệng” (Is 53,7).

Trước cảnh tượng ấy, có lẽ chỉ có “những tâm hồn nghèo khao khát Tin Mừng, những kẻ thiếu tự do, những kẻ đui mù, những người bị áp bức, những tâm hồn tan vỡ, những kẻ bị lưu đày, những con người không tiếng nói” (Lc 4,18; Cf Is 61,1; 58,6) mới nhận ra khuôn mặt thật của Người và bắt gặp Người trong địa vị đích thực của Ðấng Thiên Sai Thiên Chúa.

Ðức Giêsu đến, và đến với con người chúng ta qua hình ảnh một người tôi tớ. Chân lý đó quả đã khiến bao người vấp ngã như đám dân Giêrusalem xưa, bởi họ không nhận ra ý nghĩa cuộc hành trình gian khổ về Ðất Hứa xưa của dân Do Thái cũng chính là cuộc hành trình khiêm nhu và thinh lặng của Ðấng Thiên Sai trong giờ Khổ nạn. Ðó cũng chính là cuộc hành trình cứu độ của dân Chúa qua cuộc sống nhân loại ngày hôm nay.

Đức Giêsu không đến để đáp lại những chờ đợi trần gian. Người sẽ không cỡi một con ngựa trận to lớn, nhưng lại ngồi trên một con lừa nhu mì và tầm thường. Khuôn mặt Người chỉ giãi ra một vẻ hiền dịu trong trắng chứ không có vẻ quắc thước và đắc thắng. Ðám rước lúc đầu có vẻ muốn đưa đến một cuộc suy tôn lãnh tụ, nhưng thực ra đã đi vào chốn lặng lẽ của Vườn Giệtsimani. Ðức Kitô vào thành không phải để làm Vua theo ước muốn của quần chúng nhưng để thi hành một sứ mệnh siêu nhiên, đòi phải từ bỏ hết mọi vinh hoa quyền thế, cho đến cả sự sống của mình. Bài Thương Khó tường thuật cuộc thụ khổ như chúng ta vừa nghe cho thấy rõ: Ðức Kitô đã vào thành để chịu chết, và chết ô nhục trên thập giá.

Ðức Kitô biết “GIỜ” của đời Ngài đã gần đến (Jn 13:1), hay đúng hơn, thời điểm thực hiện cuộc Vượt Qua mới mà Thiên Chúa đã chờ đợi từ lâu, hôm nay đã gần đến rồi, và Ngài là Con Đức Chúa Cha sẽ là Đấng thực hiện cuộc Vượt Qua này. Qua việc thực hiện cuộc Vượt Qua mới, Thiên Chúa Cha sẽ chứng tỏ cho nhân loại thấy Người là Đấng chân thật, đã hứa điều gì là thực hiện điều đó, Thiên Chúa không phải là Đấng nói suông, không phải là Đấng lừa dối (Hr 6:17-18). Và cuộc Vượt Qua mới mang lại cho nhân loại một thứ hạnh phúc, một hồng ân quí giá, vượt xa ngàn trùng mọi thứ hạnh phúc khác, vượt xa mọi tưởng tượng, chờ mong và ước mơ của con người.

Chúng ta cũng hãy đi theo Ngài, mật thiết kết hợp với Ngài, để được hưởng hiệu quả của cuộc Vượt Qua mới mà Ngài thực hiện. Phụng vụ Tuần Thánh muốn đưa chúng ta đi theo Người cho đến khi chết trong mồ, để có như vậy, chúng ta mới hy vọng được cùng Người chỗi dậy trong đời sống vĩnh cửu. Chân lý này, Giáo Hội muốn chúng ta đào sâu, để thâm tín, để thi hành. Bất cứ ai muốn theo Chúa, phải theo Ngài cho đến chết. Phải cùng chết với Người, mới được phục sinh (II Tm 2:11-13). Thế mà có nhiều người không theo Chúa cho đến chỗ chết. Họ giống như hầu hết quần chúng Do Thái ngày trước: theo Chúa, rước Chúa, tháp tùng Chúa, phấn khởi, hân hoan trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá, nhưng như trong bài Thương Khó chúng ta vừa nghe, họ đã từ bỏ, phủ nhận, lên án, đóng đinh Chúa. Họ chỉ là những con người ham sống, muốn thứ hạnh phúc trước mắt rẻ tiền. Họ đang sống trong lầm than, hay ít ra, vất vả của cuộc đời. Nghe nói ông Giêsu là nhà tiên tri, có những quyền phép phi thường, làm cho ngay cả Lazarô chết rữa ra rồi mà còn sống lại. Họ liền nô nức chạy đến với nhà tiên tri đó, muốn công kênh Người lên làm vua, để mưa móc ân huệ trần gian cho họ. Ðến khi thấy Người bất lực trước đối thủ, không cứu được mình huống nữa còn đỡ được ai, họ chỉ còn một thái độ: xô luôn con người đó nhào xuống chết đi, để khỏi thấy mặt, để khỏi bực bội vì đã hy vọng hão huyền. Họ không xứng đáng với con người của Ðức Kitô, với sứ mạng cao cả của Người.

Dĩ nhiên chúng ta không ai muốn đồng hóa mình với đám người Do Thái trên. Nhưng có thật chúng ta đã theo Chúa một cách xứng đáng không? Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp theo đạo vì gạo, vì vợ, vì quyền. Mùa Chay khuyến khích, đòi hỏi mỗi người phải kiểm thảo chính mình, chứ không phải là cứ nhìn vào người khác để phê phán anh em. Ước gì chúng ta có can đảm, sáng suốt, biết phê bình chính cuộc sống đạo đức của mình, để thấy rõ chúng ta có còn đi theo Chúa không, và có dám đi với Người cho đến khi xuống mồ, để cùng chết với Người và sống lại với Người không? Hay là chúng ta đang có khuynh hướng muốn rẽ ngang, không theo đường lối Chúa nữa, nay giấu giếm che đậy chân lý Phúc Âm này, mai có thể bớt dần các thái độ tỏ ra mình là người tín hữu? Ấy là chưa kể, việc đi theo Chúa cho đến chết và chết trên thập giá, đòi chúng ta phải chết đi cho tội lỗi, tiêu diệt các nết xấu, và sống theo giáo lý Phúc Âm. Chúng ta hằng ngày có thực thi những điều ấy không? Ngày xưa, đi theo Chúa cho đến Núi Sọ, không có mấy người. Mười hai tông đồ, bảy mươi hai môn đệ cũng không; chỉ có Ðức Maria và một số người rất ít. Như vậy, chúng ta đừng mặc cảm nhận ra cuộc đời đạo đức hời hợt hiện nay của mình. Ðiều cốt yếu trong Mùa Chay Thánh và đặc biệt trong Tuần Thánh này, là nhận ra tình trạng còn khuyết điểm của ta để cầu xin ơn tha thứ, để hưởng ơn tha tội của Thập giá Ðức Kitô, mà được sống lại đi vào cuộc đời mới.

Cuộc sống mai ngày vẫn là cuộc đời đi theo Ðức Kitô cho đến chết để được sống lại với Ngài. Thế nên tham dự tinh thần của Tuần Thánh này là hun đúc lại niềm tin, sưởi nóng lại lòng mến, để thề hứa lại trong đêm Vọng Phục Sinh: chúng ta nhất định chọn Chúa, đời đời chọn Chúa, mãi mãi trung thành với đức tin, với Giáo Hội; vì dù được lợi tất cả thế gian, mà mất hạnh phúc muôn thuở, cũng là trơ trơ hai bàn tay trắng cộng thêm ân hận vì đã hỏng cả cuộc đời. Nói đơn sơ hơn, trong Tuần Thánh cử hành mầu nhiệm cái chết và cuộc Phục sinh của Chúa chúng ta, không chân lý nào cần được suy nghĩ và thâm tín bằng lời Phúc Âm sau đây: ai ham sống thì chết; còn ai coi nhẹ sự sống sẽ được sống xứng đáng với nhân phẩm và ao ước hạnh phúc trường cửu của mình. Người biết khinh chê những mối lợi nhỏ trước mắt như thế, mới dễ có lòng nhân, hy sinh tư kỷ cho hạnh phúc tha nhân. “Con Người phải đi qua gian khổ để đạt tới vinh quang” (Lc 24:26). Chúng ta có chấp nhận vác Thánh giá hằng ngày để cùng chết với Chúa, thì mới hy vọng được cùng Người phục sinh trong hạnh phúc trường sinh.

Hôm nay chúng ta đã vào thành với Chúa, và rồi đây sẽ rước Chúa vào lòng; chúng ta xin Ngài cho chúng ta được kết hợp với Người hằng ngày và mãi mãi, vì chỉ có như vậy chúng ta mới được ơn cứu độ và được tham dự vào công cuộc cứu thế của Người.

(Trích từ tập Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Lễ cho sinh viên – giới trẻ Hà nội

Thánh lễ hôm nay rất ý nghĩa cho giới trẻ. Trong ngày Lễ Lá, biết bao thanh thiếu niên ra đón mừng Chúa. Cả một bầu khí trẻ trung, hăng say, kính mến. Sự trẻ trung bột phát qua việc cầm cành lá, qua lời tung hô đón chào Chúa. Thật là một bầu khí cuồng nhiệt. Giới trẻ Do thái lúc ấy biểu lộ lòng kính mến thật hồn nhiên, thật dễ thương. Không khác gì giới trẻ chúng ta hôm nay. Nhưng thánh lễ hôm nay cũng khiến ta phải suy nghĩ không ít vì những biến cố quá trái ngược. Chúa vừa vinh hiển vào thành chưa được bao lâu đã phải tủi nhục chết trên thập giá. Tại cổng thành có biết bao người ra chào đón tung hô, nhưng trên Núi Sọ chẳng còn mấy người theo Chúa. Từ chúa nhật Lễ Lá đến thứ Sáu tuần thánh thời gian không dài, nhưng biết bao người đã thay lòng đổi dạ. Từ cổng thành đến Núi Sọ đường đất không xa, nhưng biết bao người đã rẽ đường, đi ngang, về tắt. Tại sao thế ? Ta hãy lần theo dấu vết của những người bỏ cuộc để nhận diện những ngã rẽ cuộc đời. Có ba ngã rẽ tiêu biểu.

Ngã rẽ của Giuđa. Giuđa là môn đệ trung tín theo Chúa trong suốt 3 năm Chúa đi rao giảng. Ông còn được Chúa tin cẩn trao phó cho công việc quan trọng: nắm giữ tài chánh. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông có mặt. Nhưng khi Chúa chịu chết thì ông vắng mặt. Ông đã rẽ sang lối khác. Lối rẽ đuổi theo tiền bạc vật chất. Theo tiếng gọi của tiền bạc, ông đã đưa chân đi những bước xa lạ. Ông đi vào con đường khác. Ông trở thành con người khác. Ông bỏ Chúa vì tiền. Tệ hơn nữa ông bán Chúa để lấy tiền.

Ngã rẽ của Phêrô. Phêrô là môn đệ rất thân thiết của Chúa. Là người đứng đầu tông đồ đoàn. Ông thề rằng dù mọi người có bỏ Chúa thì ông vẫn trung thành với Chúa. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông ở bên Chúa. Nhưng ngày thứ sáu tuần thánh, không thấy ông đâu. Ông đã rẽ sang lối khác : lối rẽ lười biếng và hưởng thụ. Lười biếng vì khi vào vườn Giêtsimani, Chúa kêu gọi ông hãy thức cầu nguyện với Chúa, vậy mà ông cứ ngủ. Hưởng thụ vì trong sân tòa án, thay vì theo dõi cuộc xét xử Chúa thì ông lại vào tìm hơi ấm nơi đống lửa giữa sân. An nhàn hưởng thụ đã kéo ông xa Chúa. An nhàn hưởng thụ đã đẩy ông đến chỗ chối Chúa.

Ngã rẽ của đám đông. Hàng vạn người đã theo Chúa, mê mệt nghe đến mấy ngày quên ăn, quên về. Biết bao người reo mừng nghênh đón Chúa ngày long trọng vào thành. Thế mà trên Núi Sọ chỉ thấy những người đến sỉ vả, chê bai, nhạo cười. Đám đông đã rẽ sang lối nào ? Thưa họ rẽ sang lối dư luận. Thiếu lập trường, chạy theo đám đông. Thấy người ta đi nghe Chúa thì cũng đi. Thấy người ta nhạo cười Chúa thì cũng cười nhạo. Thấy người ta kết án Chúa thì cũng kết án.

Để tự nhiên, chắc chắn không ai nỡ nhẫn tâm bán Chúa, chối Chúa, lên án Chúa. Nhưng người ta thay lòng đổi dạ do tác động của tiền bạc, của hưởng thụ, của dư luận. Đó là những ngã rẽ nguy hiểm.

Những gì đã xảy ra cho Giuđa, cho Phêrô và cho đám đông năm xưa vẫn có thể xảy ra cho ta hôm nay. Làm sao để ta luôn đi trên đường theo Chúa và trung thành với Chúa ? Thưa hãy Sống Lời Chúa. Năm nay, Hội đồng Giám mục Việt nam đề nghị chúng ta hãy lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam. Trong thư chung năm 2005, HĐGM đã nhắn nhủ riêng các bạn trẻ :

“Các bạn trẻ sẽ là chủ nhân của tương lai, là niềm hy vọng của Giáo Hội. Trước bao nhiêu khuynh hướng, trào lưu và thần tượng của thời đại, các bạn không được phép sai lầm khi lựa chọn tiêu chuẩn hướng dẫn hành động. Lời Chúa là Aùnh Sáng duy nhất giúp các bạn trong sự lựa chọn có tính quyết định này” (Thư chung 2005, 9).

Thật là trùng hợp. Ngay lúc này đây, khi giới trẻ Hà nội đang họp nhau tại Nhà thờ Lớn này, thì tại quảng trường thánh Phêrô, Rôma, Đức Thánh Cha Bênêđíchtô cũng đang gặp gỡ giới trẻ Rôma, Italia. Và Đức Thánh Cha cũng khuyên nhủ các bạn trẻ hãy siêng năng đọc, học hỏi, suy niệm Lời Chúa để thực hành trong đời sống. Lời Chúa sẽ hướng dẫn các bạn biết sáng suốt trước những chọn lựa trong đời sống. Lời Chúa sẽ soi sáng cho các bạn trong những lúc bóng tối vây phủ. Lời Chúa sẽ ban sức mạnh khi các bạn cảm thấy yếu mệt. Lời Chúa sẽ hướng dẫn các bạn biết lối quay về nếu lỡ lạc đường. Lời Chúa sẽ biến các bạn trở thành chứng nhân cho Chúa trong xã hội hôm nay. Vì Lời Chúa sẽ ấp ủ, nuôi dưỡng để các bạn lớn lên trong tình thương yêu. Cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa, các bạn sẽ biết đáp lại. Và sẽ trung thành với Chúa cho đến cùng.

Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con trong tình thương của Chúa. Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý CHIA SẺ

  1. Trong ba loại ngã rẽ, bạn thấy ngã nào nguy hiểm nhất ?
  2. Bản thân bạn có kinh nghiệm gì với những cám dỗ này ? Bạn đã chống trả ra sao ? Bạn đã thành công hay thất bại trong cuộc chiến đấu chống những cơn cám dỗ kể trên ?
  3. Đối với bạn, Kinh Thánh có quan trọng không ?
  4. Câu nào trong Kinh Thánh đánh động bạn nhất ?
  5. Phải đọc Kinh Thánh thế nào mới có kết quả ?

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

GIỜ CHIẾN THẮNG VINH QUANG

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Đức Giê-su gọi giờ tử nạn là giờ Người được tôn vinh: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh (Gioan 13:31)

Vinh quang ở đâu mà chỉ thấy bị bắt bớ, xét xử, bị vu cáo đủ điều, rồi lại bị kết án, bị đòn vọt, bị vác thập giá và cuối cùng là cái chết thảm thương ô nhục trên đồi Can-vê! Vậy vinh quang của Chúa Giê-su ở đâu? Vì sao Chúa Giê-su gọi đây là giờ Người được tôn vinh?

Đối với người không am hiểu, cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá là một thất bại não nề; nhưng suy cho kỹ, cái chết đó là một chiến thắng rất oanh liệt và vinh quang.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung.

Đối diện với cuộc kết án bất công, đứng trước những thượng tế, kỳ mục muốn huỷ diệt mình cho bằng được, đối diện với đám đông cuồng nộ đòi đóng đinh kết liễu đời mình, trước những kẻ chế giễu nhạo cười với bao lời thách thức, đứng trước đội quân hành quyết dã man tàn bạo… Chúa Giê-su vẫn không may may oán hận! Người chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung vô bờ bến. Người nhìn họ với ánh mắt thương xót, vẫn yêu họ bằng trái tim khoan nhân… Rồi vì sợ Chúa Cha đánh phạt họ vì tội lỗi ngất trời của họ, Người tha thiết cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ gây đau khổ và kết án tử cho Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23, 34). Đó là tâm tình đẹp nhất, cao thượng nhất trên cõi đời nầy.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng tính khiếp nhược và lòng tham sinh uý tử bằng sự dũng cảm rất cao cường.

Là người ai không sợ chết. Chính Chúa Giê-su cũng đã trải qua những giờ phút kinh hoàng trước viễn ảnh cái chết đau thương sắp đến khi cầu nguyện trong vườn Dầu, thế nhưng Người không bị khuất phục bởi cái chết. Người đã chổi dậy để dũng cảm đương đầu với nó. Người đã chấp nhận chết cách can trường và đã huỷ diệt sự chết để hồi sinh.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng đau đớn thể xác và đau khổ tinh thần.

Là người ai cũng sợ khổ và tìm cách lánh thoát khổ đau. Nhưng Chúa Giê-su đã đón nhận những cực hình đau thương khủng khiếp nhất cách can đảm phi thường. Qua thập giá, Ngài đã hoàn toàn chiến thắng tính khiếp nhược của phận người.

Qua cách thức Chúa Giê-su đương đầu với cuộc khổ nạn, ta thấy không một thách thức nào làm cho Người lùi bước; không một đe doạ nào làm cho Người khiếp sợ; không một sỉ nhục nào làm cho Người nổi giận hay mất bình an; không hận thù nào tiêu huỷ được lòng bao dung vô bờ bến của Người.

Người thắng được bản năng tham sinh úy tử; Người vượt lên trên nỗi sợ mọi thứ khổ đau; Người thắng được lòng hận thù có thể bùng lên khi bản thân mình bị sỉ nhục và bị đối xử rất dã man và tàn ác… Trong cuộc khổ nạn của mình, Đức Giê-su chiến thắng hoàn toàn bản thân mình, vượt qua các thách thức từ mọi phía để hoàn thành mỹ mãn sứ mạng Chúa Cha đã trao ban.

Chiến thắng cả thiên hạ không bằng chiến thắng chính bản thân mình. Chúa Giê-su đã thực sự chiến thắng bản thân mình, hoàn toàn làm chủ con người mình, bắt thân xác phải vâng phục tinh thần như chiên ngoan. Oai hùng thay! Vinh quang thay!

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa vô cùng dũng cảm và hùng mạnh nên đã chiến thắng tử thần và đẩy lùi mọi cuộc tấn công của nó, xin nâng đỡ chúng con là những kẻ đớn hèn khiếp nhược, đừng để chúng con chào thua trước tội lỗi cách dễ dàng nhưng giúp chúng con kiên cường chiến đấu chống lại tội lỗi và thói hư, để mai ngày được khải hoàn vinh quang như Chúa.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

NGƯỜI TÔI TỚ CỦA THIÊN CHÚA ĐI VÀO CON ĐƯỜNG CHỊU NẠN

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

I. Dẫn vào Thánh lễ

(Như lời dẫn nhập in trong sách lễ Rôma)

Anh chị em thân mến. Từ đầu mùa chay chúng ta đã dùng việc hãm mình đền tội và công việc bác ái chuẩn bị tâm hồn chúng ta, thì hôm nay chúng ta tụ họp để cùng với toàn thể Hội Thánh khai mạc mầu nhiệm vượt qua của Chúa chúng ta, nghĩa là cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Người. Ðể thực hiện điều đó, chính Người đã tiến vào thành Giêrusalem. Bởi vậy, với tất cả lòng tôn kính sùng mộ tưởng nhó đến việc Người vào thành mang lại ơn cứu độ, chúng ta hãy bước theo Chúa, để nhờ ơn thánh, chúng ta được tham dự vào thập giá, chúng ta cũng được dự phần vào sự phục sinh và sự sống.

II. Lời Chúa

  1. Bài Tin Mừng lúc kiệu lá: Mc 11:1-10

Việc Ðức Giêsu vào thành Giêrusalem tuy có phần long trọng (dân chúng đón rước, tung hô…) nhưng không phải là một cuộc biểu dương chính trị, trái lại nhằm cho biết Ðức Giêsu là người như thế nào:

  • Ðức Giêsu rất coi trọng việc này, cho nên đích thân Ngài thu xếp từng chi tiết cho cuộc vào thành (thu xếp trước với chủ lừa, dặn dò kỹ hai môn đệ về đường đi nước bước và lời ăn tiếng nói).
  • Nhưng mọi sự chuẩn bị đều được tiến hành trong âm thầm kín đáo (những lời đối đáp giữa môn đệ với chủ lừa giống như trao đổi mật hiệu với nhau).
  • Ðức Giêsu chọn cởi lừa chứ không cởi ngựa.
  • Lời chúc tụng của dân chúng có tính cách tôn giáo hơn là chính trị (“Hoan hô Ðấng nhân danh Chúa mà đến”, “Hoan hô trên các tầng trời”)

Như thế, Ðức Giêsu muốn cho người ta biết Ngài là vua nhưng là một vị vua cứu nhân độ thế, hiền hòa, khiêm tốn.

  1. Bài đọc Cựu Ước: Is 50:4-7

Ðây là bài ca thư ba về Người Tôi Tớ trong sách Isaia.

  • Người Tôi Tớ nâng đỡ kẻ nhọc nhằn.
  • Người Tôi Tớ luôn thức tỉnh đón nghe và thi hành ý Chúa.
  • Người Tôi Tớ nhẫn nhục chịu đựng những đau khổ hành hạ.
  1. Ðáp ca: Tv 21

Tâm tình của người công chính bị bách hại:

  • Than thở với Chúa về những sự hành hạ mình phải chịu
  • Ðồng thời bày tỏ lòng trông cậy vững vàng vào Chúa và vẫn chúc tụng Ngài.
  1. Bài Thánh Thư: Pl 2:6-11

Thánh Phaolô vẽ 2 con đường của Ðức Giêsu:

  • Con đường hạ mình: dù là Con Thiên Chúa, nhưng Ðức Giêsu đã tự ý hạ mình đến mức tột cùng (làm thân tôi đòi, chết, chết trên thập giá)
  • Con đường được tôn vinh: Ngài càng hạ mình thì Thiên Chúa càng nâng Ngài lên cao đến tột cùng (danh Ngài trổi vượt mọi danh hiệu, mọi loài trên trời, dưới đất và trong địa ngục đều phải tôn thờ Ngài).
  1. Bài Thương khó: Mc 14:1-15: 47

Diễn tiến cuộc chịu nạn của Ðức Giêsu đều giống nhau trong 4 quyển Tin Mừng. Nhưng Mác cô nhấn mạnh một số ý lớn:

a/ Ðức Giêsu “bị trao nộp”: Ðộng từ này được dùng 9 lần trong bài tường thuật. Tác nhân trao nộp Ðức Giêsu là: Giuđa (nộp Ðức Giêsu cho các thượng tế), các Thượng tế (nộp Ðức Giêsu cho Philatô), Philatô (nộp Ngài cho quân lính). Nhưng đàng sau và chủ động nhất là chính Thiên Chúa đã trao nộp Con mình cho loài người. Phần Ðức Giêsu, Ngài cũng tự trao nộp mình.

Lý do trao nộp cũng khác nhau: vì tiền (Giuđa), vì lòng ganh ghét (các Thượng tế), vì mị dân (Philatô), và vì yêu thương (Chúa Cha, Ðức Giêsu).

b/ Ðức Giêsu là “Con Thiên Chúa”: Tin Mừng Mc diễn tiến theo sơ đồ từ từ hé lộ về con người Ðức Giêsu: Ngài là người – là Kitô (Messia) – Con Thiên Chúa (Câu đầu tiên của tác phẩm vạch rõ sơ đồ này. Mc 1,1: “Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa”. Mặc khải cao nhất về Ðức Giêsu là tư cách Con Thiên Chúa của Ngài. Mặc khải này được thốt ra khi Ngài tắt thở: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (15,39).

III. Gợi ý giảng

  1. Chúa chọn con lừa

Nhiều độc giả Tin Mừng rất ngạc nhiên trước những lời căn dặn của Ðức Giêsu với hai môn đệ mà Ngài sai vào thành trước: “Các anh vào làng trước mặt kia. Tới noi sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cởi bao giờ đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. Nếu có ai bảo tại sao các anh làm như vậy thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay” (các câu 2-3). Mọi việc đã diễn ra đúng lời Chúa dặn. Tưởng như một phép lạ. Thực ra không phải là phép lạ gì cả, mà là chính Ðức Giêsu đã kín đáo thu xếp trước với người thân của Ngài trong làng: đến ngày đó, tại địa điểm đó, họ hãy để sẵn hai con lừa, sẽ có hai môn đệ của Ngài đến dắt đi, mật khẩu để nhận ra nhau là một câu hỏi và một câu trả lời đã quy ước sẵn.

Tại sao Ðức Giêsu phải đích thân thu xếp các chi tiết cho chuyến vào thành Giêrusalem lần này? Thưa có hai lý do:

1/ Sự việc diễn ra “mấy ngày trước lễ Vượt Qua” (c 1). Lễ này kỷ niệm việc dân Do Thái được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, cho nên mỗi lần mừng lễ này, ý tưởng giải phóng luôn hiện lên trong đầu dân chúng, nhất là khi đất nước đang nằm dưới ách thống trị của ngoại bang. Chính vì thế, viên Tổng trấn Rôma bình thường vẫn an tâm ở tổng hành dinh của ông tại Syria, nhưng gần đến lễ Vượt Qua thì phải đến Giêrusalem để có thể trực tiếp chỉ đạo nếu có xảy ra nổi loạn. Trong bầu khí nhạy cảm đó, Ðức Giêsu phải kín đáo thu xếp để đừng ai biết trước chuyến vào thành của Ngài.

2/ Mọi chi tiết mà Ðức Giêsu đích thân thu xếp đều liên hệ đến con lừa. Tại sao? Vì Ngài không muốn người ta hiểu lầm Ngài là một nhà giải phóng quân sự hay chính trị. Ngài muốn người ta hiểu rằng Ngài là một vị vua hòa bình, hiền từ và khiêm tốn. Vua chinh chiến thì cỡi ngựa, còn vua hòa bình thì cỡi lừa.

Tuy nhiên xem ra không ai hiểu đúng ý Chúa: các môn đệ “lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó”, dân chúng thì cũng “chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước kẻ theo sau reo hò vang dậy” (các câu 7-9). Sự hồ hỡi của họ có lẽ xuất phát từ ý tưởng giải phóng: Hôm nay ngày giải phóng đã đến rồi, vị Anh hùng đã xuất hiện! Tóm lại mọi người đều nghĩ rằng hôm nay Ðức Giêsu bắt đầu cuộc khởi nghĩa.

Chúa nhật Lễ Lá hôm nay bắt đầu Tuần Thánh. Chúng ta có thể dùng đoạn Tin Mừng này để soi sáng ý nghĩa những sự việc sẽ xảy ra trong Tuần Thánh:

  • Tại sao các Thượng Tế Do Thái tìm bắt Ðức Giêsu? Thưa vì họ tưởng rằng Ngài là một chính khách nguy hiểm. Tin Mừng thứ tư ghi nhận rằng ngay cả trước biến cố này, các vị lãnh đạo ấy đã tính đến khả năng sức thu hút quần chúng của Ðức Giêsu sẽ dẫn đến sự đàn áp của quân Rôma: “Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta” (Ga 11,48).
  • Tại sao Giuđa nộp Ðức Giêsu cho các Thượng Tế? Nhiều chuyên gia Thánh Kinh cho rằng đó là do một tính toán chính trị: Hắn vẫn nghĩ Ðức Giêsu là một người có khả năng làm một cuộc đảo chánh. Nhưng Giuđa chờ mãi mà không thấy Ðức Giêsu làm gì nên hắn nộp Ðức Giêsu như dồn Ngài vào chân tường: hy vọng khi đã bị bắt thì Ðức Giêsu bó buộc phải ra tay hành động.
  • Tại sao dân chúng hùa theo các Thượng Tế đòi giết Ðức Giêsu? Ðó là phản ứng thất vọng của những người đã từng hy vọng quá nhiều: Họ hy vọng Ðức Giêsu giải phóng đất nước nhưng khi Ngài không làm vậy thì họ thất vọng và trừng trị Ngài.

Hôm nay chúng ta cũng tay cầm lá, miệng tung hô Ðức Giêsu. Nhưng chúng ta coi Ngài là ai và mong gì nơi Ngài?

  • Nếu chúng ta coi Ðức Giêsu là một vị vua uy quyền, chúng ta sẽ như các lãnh tụ Do Thái tìm cách trừ khử Ngài khi cảm thấy uy quyền ấy đe dọa đến quyền tự do của chúng ta.
  • Nếu chúng ta coi Ngài là một vị vua giúp chúng ta chiến thắng thù địch, chúng ta sẽ như quần chúng hôm ấy chán bỏ Ngài khi Ngài không giúp chúng ta đạt được mục đích ấy.
  • Nếu chúng ta coi Ngài là một thứ ô dù cho chúng ta núp bóng, chúng ta sẽ như các môn đệ bỏ Ngài mà chạy trốn khi ước vọng của chúng ta không thành.

Ðức Giêsu là một vị vua hòa bình, hiền từ và khiêm tốn. Ði theo Ngài có lẽ chúng ta sẽ không được hưởng đặc quyền đặc lợi, nhưng tâm hồn chúng ta sẽ luôn được bình an.

  1. Con đường dẫn đến vinh quang

Trong bài Thánh Thư, Thánh Phaolô ngầm so sánh Ađam và Ðức Giêsu.

  • Ađam đã muốn “dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa”. Nhưng kết quả chỉ là thấy mình trần truồng xấu hổ và bị đuổi khỏi hạnh phúc địa đàng.
  • Còn Ðức Giêsu thì vâng lời Thiên Chúa mà hạ mình xuống đến mức tột cùng. Kết quả là được nâng lên tới mức tột cùng.

Tự nhiên, chúng ta theo con đường của Ađam: tìm cách khẳng định mình, tưởng rằng làm thế thì giá trị của mình sẽ được nâng cao. Nhưng chúng ta quên rằng chúng ta là do Thiên Chúa tạo dựng, vì thế chúng ta có giá trị hay không, được nâng cao hay không là do Thiên Chúa chứ không do chúng ta. Con đường tốt nhất là vâng lời Thiên Chúa, đi theo sự chỉ dẫn của Ngài, rồi Ngài sẽ nâng chúng ta lên đúng theo ý Ngài muốn.

  1. Trao nộp Ðức Giêsu 

Bài Tin Mừng theo thánh Mác cô cho thấy mọi người đều trao nộp Ðức Giêsu, nhưng vì những động cơ khác nhau (xin xem lại phần giải thích phía trên).

Suy nghĩ thêm, ta còn thấy có những cách trao khác nhau:

  • Trao cái này để đổi lấy cái kia (như Giuđa, Philatô): cách trao vụ lợi
  • Trao cho người khác cái mình muốn bỏ (các Thượng tế): cách trao ác độc.
  • Trao cho người khác cái mình rất quý (Chúa Cha): cách trao yêu thương.
  • Trao chính mình (Ðức Giêsu): yêu thương tột cùng.

Chúng ta hãy suy gẫm về những cách trao của mình và về cách mình trao Ðức Giêsu cho người khác.

  1. Cách chịu đau khổ là thước đo nhân phẩm

Một điều hiển nhiên là cuộc đời ngập tràn đau khổ. Giáo lý đạo Phật dạy “Ðời là bể khổ”. Nhiều người đã tìm nhiều cách để tránh khổ và diệt khổ. Nhưng có lẽ cái khổ sẽ không bao giờ tránh hết và diệt hết được.

Ðức Giêsu không tránh khổ, không diệt khổ. Ngài “vác” lấy đau khổ (thập giá), và Ngài dạy môn đệ mình “Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà theo”.

Nino Salveneschi có suy nghĩ này: “Thật lạ khi người ta có thể tính toán chính xác về sức nặng có thể chất lên một chiếc xe, một chiếc tàu hay một chiếc máy bay… nhưng không tính nổi sức nặng có thể chất lên vai con người. Xét cho cùng, càng có thể vác nặng bao nhiêu thì càng có giá trị bấy nhiêu” (Savoir souffrir)

  1. Phêrô chối Thầy 

Việc ông Phêrô chối Thầy gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ:

  • Ông là người nhiệt tình nhất với Ðức Giêsu, thế mà cuối cùng cũng chối Chúa. Nghĩa là bất cứ ai cũng yếu đuối và cũng có thể sa ngã nặng nề. Hơn nữa, Phêrô sa ngã vì ông không biết ông yếu, ông luôn tưởng mình mạnh.
  • Lý do khiến Phêrô chối Chúa là vì ông sợ bị liên lụy. Nếu những người hỏi ông không phải là những người của vị Thượng Tế đang xét xử Ðức Giêsu thì chắc Phêrô vẫn mạnh dạn nhìn nhận mình là môn đệ Ðức Giêsu. Nhưng vì họ là người của Thượng Tế nên ông phải chối, kẻo họ báo cáo với Thượng tế rồi Thượng Tế cũng bắt ông luôn.
  • Phêrô đã dám theo Ðức Giêsu suốt 3 năm khi Ngài đi rao giảng, khi Ngài làm phép lạ… Trong thời gian đó không phải là Phêrô không cực khổ, nhưng ông có thể chịu được. Nhưng hôm nay ông chối vì chuyện hôm nay không chỉ là vấn đề cực khổ, mà là vấn đề an toàn của sinh mạng. Ông chấp nhận từ bỏ và hy sinh, nhưng chỉ từ bỏ và hy sinh đến một giới hạn nào đó thôi.

Có lẽ cũng có những giới hạn mà chúng ta đặt ra – tuy một cách vô ý thức – cho việc chúng ta theo Chúa, việc chúng ta từ bỏ, việc chúng ta hy sinh.

  1. Vương quốc Tình yêu

Ngày 15-4-1996, linh mục George Parker, giám quản xứ thánh Giuse thuộc giáo phận Norwich ở Connecticut Hoa Kỳ, đã trả lại số tiền 5.000 đôla của nghị sĩ Christopher J.Dodd giúp cho trường học của giáo xứ. Cha Parker làm thế để phản đối nghị sĩ Dodd mang danh Công giáo, nhưng lại liên tục bỏ phiếu ủng hộ các dự luật phá thai. Cha Parker gọi số tiền của Dodd là “số tiền vấy máu hài nhi vô tội”. Người không ngần ngại gọi Dodd là “môn đệ của thần chết”.

Việc làm của cha khiến nhiều người cảm kích, dân chúng đã gởi về giúp trường học 61.000 đôla. Nhiều tổ chức bênh vực sự sống, và nhiều cơ quan truyền thông bày tỏ sự ngưỡng mộ ngài.

Trớ trêu thay không một linh mục nào trong giáo phận Norwich bênh vực hành động kiên cường ấy. Không ai dám công khai phê phán việc làm của nghị sĩ Dodd. Ðau đớn hơn nữa, chính đức cha Daniel A. Hart vì áp lực của nghị sĩ Dodd đã cho ngài ngưng việc coi xứ. Ðến nước này ngài chỉ biết xin về hưu. Ðức Cha Hart viết thư cho ngài như sau: “Tôi rất tiếc là cha đã xin về hưu với tâm trạng bị xử bất công. Tôi cầu nguyện cho sự đau khổ này sẽ kết hợp cha với Ðức Kitô một cách trọn vẹn hơn, nhờ Người mà cha tìm được niềm vui”.

Câu chuyện trên đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ tâm trạng của Ðức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Thánh Gioan viết: “Sắp đến lễ Vượt Qua, rất nhiều người đi Giêrusalem… Họ đang tìm Ðức Giêsu và hỏi han nhau: “Chắc ông ấy chẳng đến dự lễ đâu!” Còn bọn tư tế và Biệt phái đã ra lệnh: Bất cứ ai biết ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt” (Ga.11,55-57). Vậy Ðức Giêsu vào thành Giêrusalem với tâm trạng của một kẻ bị truy nã, một kẻ có tên trong sổ bìa đen.

Nhưng Người vẫn công khai vào thành, không một chút sợ hãi. Người cỡi trên lưng lừa con để thực hiện lời tiên tri Dacaria: “Này Vua ngươi đến, đầy vẻ dịu dàng, cỡi lừa, lừa con của lừa mẹ” (Dcr.9,9). Ðức Giêsu muốn chứng tỏ Người là Ðấng Mêsia, Vị cứu tinh, Vua hiền từ: Một Vị vua chiến thắng bằng cái chết trên thập giá, khác với chiến thắng bằng vũ lực của các vua trần thế ngồi trên lưng ngựa.

Dân chúng trải áo, lấy lá lót đường, hoan hô chúc tụng Người như một vị vua chiến thắng, Ðấng cứu tinh của dân tộc, đuổi lũ quân Rôma ra khỏi vùng Palestina, xô nhào chúng ra biển, tái lập vương quyền vua Ðavít. Trái lại, Ðức Giêsu đã cưỡi con vật hiền lành, tiến vào Giêrusalem, hành động này đã đi ngược lại quan niệm của họ, nên không lạ gì họ đã hùa theo nhóm Biệt phái, kết án tử hình cho Người chỉ vài ngày sau đó.

Cha Parker đã không chấp nhận thỏa hiệp với thế gian, với tội lỗi. Người đã giữ đúng vai trò tiên tri, chấp nhận lội ngược dòng, cho dù phải chịu khổ đau và bị bỏ rơi để nên giống Thầy Giêsu.

Ðức Giêsu không xua quân đi giao chiến với các dân tộc. Nhưng đã qui tụ mọi người chiến đấu với nghèo đói, bất công và thù hận.

Ðức Giêsu không đến để kết án và hủy diệt kẻ khác. Nhưng đã thứ tha và băng bó những vết thương tâm hồn.

Ðức Giêsu không ngồi trên ngai vàng để dân chúng hầu hạ. Nhưng đã quì xuống rửa chân cho các thần dân.

Ðức Giêsu không đến để thiết lập một vương quốc trần gian tạm bợ, Người đến để xây dựng một vương quốc vĩnh hằng, vương quốc tình yêu ngay trong lòng mọi người.

Lạy Chúa, người đời đón rước Chúa vào thành Giêrusalem, để rồi lại kết án Chúa ngay trong thành thánh. Xin cho chúng con đừng bao giờ thỏa hiệp với thế gian, nhưng cho chúng con can đảm theo Chúa đến chiều thứ Sáu Tuần Thánh, để được sống lại với Chúa trong đêm Phục Sinh khải hoàn. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

IV. Lời nguyện cho mọi người 

Chủ tế: Anh chị em thân mến, hôm nay bước vào Tuần Thánh, Hội thánh mời gọi các Kitô hữu bước theo Ðức Giêsu trên đường thập giá, để được phục sinh với Người trong cuộc sống mới. Chúng ta hãy tha thiết nguyện xin:

  1. Ðức Giêsu đã khải hoàn vào thành Giêrusalem không phải để biểu dương uy quyền / mà là để bày tỏ lòng yêu thương và nhân lành / Xin cho các vị chủ chăn trong Hội thánh / biết noi gương Người để phục vụ mọi người trong khiêm tốn và hiền lành.
  2. Ðức Giêsu đã đến trần gian không phải để thống trị / nhưng để phục vụ mọi người / Xin cho các vị có chức quyền trong xã hội / biết lo cho công ích và quan tâm giúp đỡ mọi người.
  3. Ðức Giêsu đã phục vụ mọi người cho đến chết và chết trên thập giá / Xin cho tất cả những ai đang phải đau khổ trong tâm hồn hay thể xác / vì đã phục vụ mọi người / được luôn can đảm và vững tin nơi tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
  4. Ðức Giêsu đã chịu chết và sống lại để đem hạnh phúc thật cho mọi người / Xin cho mọi người trong họ đạo chúng ta đừng bao giờ trở nên gánh nặng và thập giá cho anh chị em mình.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ðức Giêsu Con Chúa phải đi qua đường thập giá mới vào được vinh quang. Xin cho mỗi người chúng con luôn noi theo đường lối của Người, để làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

V. Trong Thánh lễ

  • Trước kinh Lạy Cha: Ðức Giêsu đã hiến mình làm lễ vật tình yêu nên đã thiết lập Nước Thiên Chúa. Xin cho Nước Thiên Chúa mau trị đến nhờ những hy sinh của chúng ta.

VI. Giải tán

Chúng ta đã bắt đầu tuần lễ trọng đại nhất của năm phụng vụ. Chúng ta hãy sống tuần này một cách hết sức sốt sắng trong tâm tình kết hợp với Ðức Giêsu, với Ðức Mẹ và với toàn thể Hội Thánh. Hãy cùng chết với Ðức Giêsu để được cùng sống lại với Ngài.

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*