• NGƯỜI PHẢI SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT – Lm. Đức Học, CRM
  • NGƯỜI PHẢI SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT – Lm. Nguyễn Thái
  • CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT – Lm. Đinh Lập Liễm
  • ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI – TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
  • SỐNG LẠI VỚI CHÚA PHỤC SINH – Lm. Inhaxiô Trần Ngà
  • CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

NGƯỜI PHẢI SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT

Lm. Đức Học, CRM

Biến cố Phục Sinh là một mầu nhiệm cao cả mà chỉ do Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay cho biết biến cố này được tỏ hiện trước tiên cho một người phụ nữ, mà lại là một người nữ rất hèn kém: Maria Madalena. Chúng ta tìm hiểu một chút, tại sao Thiên Chúa không trao cho các tông đồ, ngay đến Gioan là người được mệnh danh là “Tông đồ được Chúa yêu”.

Trở lại lịch sử ơn cứu độ, ngay khi tạo dựng vũ trụ, con rắn cám dỗ loài người và loài người đã sa ngã. Người đầu tiên đã lỗi phạm là chính bà Eva. Sau đó bà mới đưa cho ông Adong ăn, nhưng “tội quy vô trưởng”, nên ông Adong được xem như người đầu tiên của nhân loại đã phạm tội (x. St 3:1-7). Nhưng liền sau đó Thiên Chúa đã phán: “Ta đặt mối thù… giòng giõi người ấy sẽ đạp dập đầu ngươi” (x. St 3:15).

Trong Tân Ước, biến cố Truyền Tin, và sứ thần Thiên Chúa đã đến hỏi ý kiến một người nữ, đó là Mẹ Maria; và Ngôi Lời Nhập Thể đã xuống đầu thai trong lòng Mẹ. Ở đây có thể nói, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến với người nữ (Mẹ Maria) trước tiên, sau đó Con Thiên Chúa là Ngôi Lời mới đến với nhân loại.

Từ những sự kiện trên, đã cho chúng ta thấy: Eva là người nữ đã “tự ý khóa cửa” nước trời; và Mẹ Maria, một người nữ đã “đồng ý mở cửa” nước trời; để rồi, Maria Madalena, cũng người nữ, đã được Thiên Chúa mạc khải để loan báo “Tin Mừng Phục Sinh” cho toàn thể nhân loại.

Trong văn hóa Á đông, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”; mà không chỉ vùng Châu Á, nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới vai trò của nữ giới luôn bị xem thường, và không biết tư tưởng tiêu cực này bắt nguồn từ đâu. Tuy nhiên, trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Ngài đã có những chương trình riêng, và rất đặc biệt, để rồi được lồng theo bối cảnh mà xét theo tính tự nhiên nơi con người, chúng ta coi như là tai họa, nhưng Thiên Chúa đã xử dụng để mưu ích lợi sau nay. Điển hình như Tổ Phụ Giuse khi còn trẻ bị những người anh bán sang Ai Cập, hoặc như câu chuyện rất ly kỳ ngay từ khi mới sinh, rồi lớn lên, đã phải trốn thoát khỏi Ai Cập khi mang tội giết người của Moisen… Thật đúng như lời thánh Phaolô đã nói: “Bởi vì sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người” (1Cr 1:25).

Cảm tạ Thiên Chúa đã đến với nhân loại, và đã không chê chán, để rồi còn nhận loài thụ tạo tội lỗi thấp hèn chúng con làm con, làm anh em, làm bạn hữu. Thiên Chúa cũng đã không phân chia giai cấp, giầu nghèo, cũng như giới tính khác nhau của chúng con, mà còn cho chúng con cộng tác trong công trình cứu độ của Con Ngài. Xin Mẹ Maria là Người Nữ đầy ơn phúc, cầu bầu cho chúng con luôn biết sống đời tạ ơn, và làm chứng Chúa Kitô Phục Sinh trong đời sống thường ngày như Mẹ. Amen.

Lm. Đức Học, CRM 

NGƯỜI PHẢI SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT

Lm. Nguyễn Thái

Vào dịp lễ Phục Sinh năm 1997, tại nhà thờ St. Pius X, Westerly, Rhode Island, linh mục Raymond Suriani đã chia sẻ bài giảng với tựa đề “Một câu chuyện Phục Sinh hiện đại có thật: Bác sĩ Bernard Nathanson.”

Ngày xưa, có một cậu bé Do Thái tên là Bernard. Bernard là con của một bác sĩ, nhưng trước khi trở thành bác sĩ ông là một Rabbi Do Thái. Ông đã từ bỏ đức tin Do Thái để trở thành bác sĩ. Dù vậy ông vẫn gửi Bernard đến trường học Do Thái. Dĩ nhiên điều này ảnh hưởng không ít đến chú bé Bernard, như sau này ông đã nói:

“Khi về nhà, tôi nói với ba tôi về điều đã học được ở trường học Do Thái. Ông cười nhạo, chế diễu và đả phá tất cả những gì tôi đã học… Trong nhiều năm tôi bị bỏ rơi, lầm đường lạc lối, không biết gì về tôn giáo và Thiên Chúa. Tôi đã vào quán rượu lúc 13 tuổi thay vì đến hội đường… Tôi đã không có một tí tia sáng nào, không có phương hướng, dù chỉ là sự hướng dẫn tinh thần.

Bernard là một chàng thanh niên trẻ có tài. Anh học đại học, vào trường y khoa và tốt nghiệp ưu hạng. Thật không may, chỉ sau đó một thời gian ngắn, Bernard đã hai lần lập gia đình, chỉ vì anh đã đặt những liên hệ của anh với những người vợ dựa trên của cải vật chất, và khoái lạc, ngoài ra không có gì khác.

Bernard là một bác sĩ sản khoa và phụ khoa rất thành công. Cuộc đời sự nghiệp của ông trôi chảy bình thường cho đến một buổi tối vào năm 1968, tại bữa tiệc, ông đã gặp ông Lawrence Lader. Lader vừa viết một cuốn sách về phá thai, nên họ cùng thảo luận về chủ đề này. Cả hai người đều sớm nhận ra rằng họ có thể kiếm được rất nhiều tiền qua việc cung cấp “dịch vụ” này cho phụ nữ. Nhưng vào lúc đó, phá thai vẫn còn là bất hợp pháp. Do đó, họ đồng ý quyết định thành lập một nhóm người hoạt động để loại bỏ bất cứ luật lệ nào ngăn cản việc phá thai. Nhóm đó hiện nay vẫn còn hoạt động, gọi là NARAL – The National Abortion Rights Action League.

Như chúng ta đã biết NARAL rất thành công trong những nỗ lực của họ. Và sau cùng Bernard đã đứng đầu một bệnh viện phá thai lớn nhất thế giới, ở phía đông của Manhattan, New York. Ông có 35 bác sĩ và 95 y tá làm việc phụ giúp. Họ đã thực hiện 120 vụ phá thai mỗi ngày trong năm, trừ ngày nghỉ Lễ Giáng Sinh. Trong thời gian Bernard làm việc ở đây, ông đã thực hiện khoảng trên 75,000 vụ phá thai. Sau này ông gọi 75,000 thai nhi bị giết này là “một hành lý rất nặng nề” – “a pretty heavy baggage” – đè trên lương tâm ông.

Sau hai năm, ông ngưng làm việc phá thai và đảm trách chức vụ trưởng phụ khoa và sản khoa ở bệnh viện St. Luke của Columbia University. Với sự giúp đỡ của khoa học kỹ thuật hiện đại như ultrasound – siêu âm, ông bắt đầu suy tư về điều mà ông đã làm. Ông nghiên cứu bào thai trong bụng mẹ từ quan điểm thuần tuý khoa học, và đã đạt đến một kết luận kinh hoàng rằng bào thai là một người, một con người có nhân tính. Từ đó ông đã trở nên một người bảo vệ sự sống – pro-life. Nhưng sự thay đổi này vẫn chỉ dựa trên lãnh vực khoa học, ông nói: “Lúc đó, tôi đã thay đổi quan điểm, nhưng tôi vẫn chưa có một chút ý niệm gì về Thiên Chúa, về một Đấng Tối Cao, hay về tôn giáo. Không có sự tin tưởng, không có đức tin, chỉ hoàn toàn thuần túy khoa học mà thôi.”

Quả vậy, lúc ấy có lẽ Bernard đã tự coi mình là một người vô thần. Tuy nhiên, trong thập niên 1980, Bernard đã trở thành một tiếng nói mạnh mẽ trong hoạt động bảo vệ sự sống, pro-life. Ông đã làm hai cuốn phim nổi tiếng, “The Silent Scream và Eclipse of Reason” – “Tiếng kêu thét thinh lặng và Bóng tối của Lý Trí”. Ông vẫn cảm thấy còn vướng mắc một điều gì đó. Ông không có sự bình an trong tâm hồn. (Với 75,000 oan hồn đang treo lơ lửng trên đầu bạn thì làm sao có sự bình an cho được!) Đây là lời tự thú của ông: “Tôi cảm thấy chán nản ngã lòng không thể tả được. Tôi không thể làm việc được. Tôi rất là bối rối về điều tôi đã làm trong cuộc đời. Lại thêm một hôn nhân khác tan vỡ làm đứa con trai tôi bị bấn loạn. Càng ngày tôi càng già, và khi tôi nhìn lại cuộc đời của mình thì tất cả những gì tôi có thể thấy đó là “cái gói hành lý” của 75,000 sinh mạng thơ ngây bé nhỏ đã bị phá hủy, và một phần quan trọng cuộc đời của những người lớn mà tôi đã gây thiệt hại cho họ… Những ngày này tinh thần tôi sa sút tới tận cùng… và tôi đã nghĩ đến việc tự vận. Tôi cảm thấy không còn lý do gì để sống nữa.”

Trước khi kết thúc câu chuyện này, chúng ta cần phải ngừng lại một chút và tự hỏi, “Phục Sinh – Easter, là gì?” Ngày nay có một số người chỉ nghĩ rằng Phục Sinh là mùa những bông hoa tulip, hoa lili nở. Hay là mùa những anh hề phát cho trẻ con những trái trứng sơn màu mè xanh đỏ tím vàng. Những người khác thì nghĩ rằng Phục Sinh chỉ là cái cớ để diện quần áo đẹp và quy tụ gia đình lại với nhau ăn nhậu một bữa cho sướng. Đây không phải là ý nghĩa của Phục Sinh!

Phục Sinh dành để cho những người như ông bác sĩ Bernard! Hay nói một cách khác, Phục Sinh dành cho những người biết thực sự họ cần ơn cứu rỗi. Phục Sinh dành cho những người khiêm nhường, và thành tâm chấp nhận, như lời Chúa Giêsu đã nói trong Gioan 12: 32, “Khi nào được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta.” Đó là điều đã xảy ra vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh: Chúa Giêsu đã kéo tất cả mọi người, và tội lỗi của họ về cho Ngài, luôn cả Bernard và tội giết 75,000 người của ông. Chúa Giêsu đã cứu chuộc cho tất cả tội lỗi đó, và cho mọi người trên cây Thập Giá. Và Ngài đã sống lại từ cõi chết, ba ngày sau đó, để chúng ta có thể chỗi dậy từ cõi chết với Ngài (Rm 6:3), cũng như Bernard có thể chỗi dậy từ tình trạng chết chóc tinh thần mà ông ta đang sống trong đó. Đó là ý nghĩa của Phục Sinh. Đó là món quà của sự sống đã chỗi dậy trong Chúa Kitô. Đời sống đó chúng ta đã lãnh nhận, trước hết, trong bí tích Rửa Tội, và sau này, trong bí tích Hòa Giải. Đó là đời sống mà Bernard cũng như mọi người cần đến, bởi vì nó dẫn đưa chúng ta vào thiên đàng sau cái chết của thể xác này (Rm 8:11).

Để kết luận câu chuyện của Bernard, hãy nghe chính ông tâm sự: “Khoảng cuối thập niên 1980, tôi cảm thấy không còn lý do gì để tiếp tục sống như vậy được nữa, nhưng cần phải được giải thoát. Người đã cứu tôi là linh mục John McCloskey, ngài đã nghe biết về trường hợp của tôi và ngài đã bắt đầu câu chuyện với tôi. Trước hết chỉ là cuộc đàm thoại chung chung, nhưng dần dần chúng tôi đã đi vào những vấn đề chính. Và tôi bắt đầu nghĩ rằng con đường mà tôi đã chọn, đó là tự khinh bỉ chính bản thân mình, thì không xây dựng tích cực lắm. Đã có sự hy vọng được tìm thấy… sự hy vọng vào ơn cứu rỗi, vào sự thanh tẩy tội lỗi, vào sự trút bỏ đi cái “hành lý nặng nề không thể dung tha được”.

Trước hết, cha McCloskey tặng cho tôi mấy cuốn sách để đọc. Ngài biết rằng đối với tôi phải qua lãnh vực tri thức trước, rồi sau đó mới chinh phục con tim. Và với tài năng và sự chính xác không sai lầm của một nhà phẫu thuật về tim mạch, ngài biết rõ cách thế đến với tôi. Dần dần, tôi càng bị thu hút, rồi dự các buổi cấm phòng. Tôi vẫn không ý thức rằng mình là người Do Thái. Tôi đã xin sự hướng dẫn soi đường của các rabbis trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng sự trả lời của họ không thích đáng. Họ đã không giúp tôi thực sự hy vọng vào sự thanh tẩy, cứu chuộc và trút đổ “cái gói hành lý” đi. Do đó, dần dần tôi hiểu rằng sự hy vọng duy nhất của tôi vào ơn cứu độ là trong sự bình an của Chúa Kitô! Đến bây giờ tôi đang đứng ở trước quý vị như một người tín hữu Kitô Giáo. Tôi đã được sinh lại, sống lại, đổi mới lại, và sau cùng hôm nay tôi đã tìm thấy sự bình an. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi rất vui với cái mà tôi có, với cái mà tôi tin vào. Quí vị đã biết tất cả điều này. Tôi đã học được một điều rằng: tôi không thể kiểm soát được cuộc đời của tôi. Nó nằm trong bàn tay của Thiên Chúa.”

Năm 1996, tại nhà thờ chánh tòa St. Patrick của thành phố New York, bác sĩ Bernard Nathanson đã chịu phép rửa tội, gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo. Bernard đã được tha thứ tất cả những tội lỗi ông đã phạm. Ông đã trở thành một tạo vật mới, hoàn toàn mới trong Đức Chúa Giêsu Kitô (2 Cr 5:17). Đây là sức mạnh của sự Sống Lại. Đây là sức mạnh của Phục Sinh. Ước gì mỗi người chúng ta cũng kinh nghiệm được điều này cho chính bản thân mình.

Lm. Nguyễn Thái

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT

Lm. Đinh Lập Liễm

Thành Công Và Thất Bại

Nhìn vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài thất bại hoàn toàn bởi vì bao nhiêu sự nghiệp lẫy lừng Ngài đã làm trong ba năm truyền giáo đã bị tiêu tan. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại như lời Ngài đã báo trước lúc còn sinh thời. Ngài đã sống lại, nên các sự nghiệp xem ra đã bị tiêu tan, ngày này cũng được sống lại theo và muôn đời sẽ còn ghi nhớ những công việc ấy. Ngày nay, sau 2000 năm, hằng tỷ người vẫn còn nhắc đến những sự kiện ấy, nhất là trong Tuần Thánh vừa qua.

Trong cuộc sống hằng ngày, không ai dám nói rằng mình chưa bao giờ gặp đau khổ, chưa bao giờ nếm mùi thất bại, chỉ có những kẻ không làm gì thì mới không thất bại. Thất bại và thành công luôn đi đôi với nhau, cũng như vinh với nhục là chị em với nhau, đã có vinh thì có nhục: “Nước dưới sông có khi trong khi đục, Trang anh hùng có khi nhục khi vinh (Tục ngữ).

Xưa nay biết bao người không thành công, chí không đạt được, là vì bỏ cuộc giữa đường, thất vọng tràn trề khi gặp hết tai nọ đến nạn kia. Người có chí phải bền gan gánh vác việc đời. ”Ngã xuống bảy lần, lần thứ tám đứng dậy“ mà hành động thì mới mong thành đạt. Muốn thành công phải chấp nhận thất bại vì như người ta thường nói: ”Thất bại là mẹ thành công.” Đối với người hèn kém thì thất bại là cơ hội làm cho họ nhụt chí, còn đối với người hùng thì thất bại là dịp thúc đẩy họ tiến lên hơn.

Vì thế, René Bazin, hàn lâm viện Pháp, có khuyên mọi người: ”Đừng sợ thất bại. Lần thất bại thứ nhất cần phải có, vì nhờ đó mà ý chí ta thêm cứng cát. Lần thất bại thứ hai có thể có ích. Bị bại lần thứ ba mà anh vẫn đứng vững, thì anh thật là một người…, anh như chùm nho chín ở trên đá sỏi: Không có thứ nho nào ngọt hơn nữa.”

Hòn sỏi nào tròn trịa trơn láng mà chẳng phải chịu biết bao nhiêu sự cọ xát từ tháng năm này sang tháng năm khác. Con người muốn đạt được sự cao quí của tâm hồn, học hỏi được kinh nghiệm sống, không thể chưa từng va chạm tới trăm đau nghìn khổ. Xưa nay anh hùng hào kiệt, chí sĩ văn gia, những bậc tài hoa dường như đều trần ai như thế cả. Nếu mỗi lần gặp gian nguy, trở ngại mà lùi lại thì bao giờ mới đặt chân được đến đài vinh quang (Sđd, trang 27).

Cũng trong tư tưởng ấy, Abraham Lincoln nói: ”Điều mà tôi muốn hiểu trước hết, không phải là anh có thất bại không, mà là anh có biết chấp nhận sự thất bại của anh không.” Ông Henry Ford cũng khuyên: ”Một cuộc thất bại chỉ là cơ hội để thử lại lần thứ nhì với nhiều khôn ngoan hơn.”

Trong cuộc sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng, chúng ta đã có kinh nghiệm: không thiếu gì thành công, nhưng cũng chứa đầy thất bại. Có người vui sướng đón nhận những thành công và buồn rầu chấp nhận thất bại; nhưng cũng có những con người xứng đáng là con người: đón nhận thành công nhưng cũng bình tĩnh và đôi khi vui lòng đón nhận thất bại. Đối với những con người này, họ coi thất bại chỉ là động lực khiến họ mạnh dạn tiến lên đến thành công. Thành thử, thất bại không còn gì là đáng sợ mà chỉ là cơ hội cho họ can đảm hơn.

Trong cuộc sống hằng ngày, người ta cần phải hiểu phương cách “Tiến thoái.” Tiến là đi lên; thoái là đi xuống hoặc rút lui. Có một sự tương quan biện chứng giữa tiến và lùi. Tiến chưa hẳn đã thắng và lùi chưa hẳn đã thua. Trong cái lùi đã có cái thắng. Như trong thể thao và trận chiến, chúng ta đã nhận thấy phải có lùi thì mới tiến được; lùi là điều kiện phải có để tiến, lùi đây là lùi chiến thuật. Chúng ta thử xem câu nói này có đúng không? Mới đọc xem ra vô lý, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì câu nói ấy rất hay. Đây là một kiểu nói bắt người đọc phải động não mới tìm ra ý nghĩa của nó: ”Một ngàn việc tiến, Chín trăm chín mươi chín việc lùi, đó là TIẾN BỘ” (Henri Frédéric AMIEL).

Khi còn sinh thời, Đức Giêsu đã nhiều lần loan báo trước Ngài sẽ bị bắt, đánh đòn, giết chết và sau ba ngày thì sống lại (Mt 16:21; 17:22-23; 20:17-19). Sự kiện tiên tri Giona nằm trong bụng cá ba ngày (Mt 12:40) và việc xây đền thờ Giêrusalem trong ba ngày (Jn 2:19) đã là những hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sống lại sau ba ngày đã chết. Trên dương gian này, những ai đã chết là chết luôn, chỉ có Đức Giêsu mới có thể dùng quyền năng của mình mà tự sống lại (Rm 1:4; 6:9-10; I Cor 15:4, 20).

Đức Giêsu đã sống lại thế nào? Ai đã khám phá ra điều này? Cả bốn sách Tin Mừng đều tường thuật về biến cố này, nhưng đều không cho biết Đức Giêsu đã sống lại thế nào. Vì thật sự, không ai có mặt để chứng kiến biến cố lịch sử quan trọng này. Nhưng có những nhân chứng đã thấy ngôi mộ trống, họ quả quyết xác Chúa không còn trong mộ, và sau đó Chúa đã hiện ra nhiều lần với họ, xác nhận Ngài đã sống lại, đồng thời dạy bảo họ nhiều điều. Đó là các tông đồ và một số phụ nữ… những nhân chứng về sự sống lại của Đức Giêsu (Act 10:40-42).

Như vậy, một điều chắc chắn: sự kiện Đức Giêsu phục sinh không thể minh chứng một cách rõ ràng như chúng ta minh chứng một biến cố, một sự kiện tự nhiên mà phải dùng đến đức tin. Cho nên, đối với chúng ta việc Chúa sống lại là vấn đề đức tin: phúc cho ai không thấy mà tin (Jn 20:29).

Trong mùa Phục sinh chúng ta vẫn đọc đi đọc lại câu: ”Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa” (Mt 28:6). Chúng ta tin thật Đức Giêsu đã sống lại như lời minh chứng của Thánh Kinh, chúng ta hân hoan ca mừng việc Chúa sống lại vì Ngài đã chết để tiêu diệt sự chết và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta (Rm 8:11; 6:9-11;I Pet 3:18). Chúng ta tin chắc như vậy! Nhưng tin như thế vẫn chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin ấy ra trong cuộc sống hằng ngày. Phải theo gương Đức Giêsu mà chết đi để rồi mới sống lại được. Phần thưởng của chúng ta chỉ có được sau khi đã trải qua mọi thử thách trong cuộc sống ở trần gian này: per crucem ad lucem!

Chúng ta đã có một gương xán lạn của Đức Giêsu: Người đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại (Gal 3:13; Rm 4:24-25). Trước mặt người đời, người ta cho là Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn vì chết là một thất bại, mọi sự nghiệp đã tan thành mây khói. Nếu chết là hết mà không có sự sống lại thì Đức Giêsu bị thất bại hoàn toàn, nhưng sau cái chết đã có sự sống lại. Ngài đã dùng sự chết để đánh tan cái chết và sống lại để phục hồi sự sống lại cho chúng ta (I Cor 15:54-56; Hr 2:14-15). Vậy Ngài đã chuyển bại thành thắng, đã thành công trong thất bại.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, chúng ta phải chấp nhận hy sinh, phải lột bỏ con người cũ đầy tội lối để mặc lấy con người mới thánh thiện. Chúng ta có chết đi cho tội lỗi thì mới hy vọng được sống lại vinh quang như lời Chúa Giêsu dã nói: ”Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Như vậy, chúng ta phải đón nhận những thất bại đời này để chuẩn bị cho đời sau. Đây chỉ là thất bại chiến thuật vì trong thất bại đã có chiến thắng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy có nghịch lý giữa “mất” và “được” hay giữa “bị” và “được.” Theo khuynh hướng tự nhiên thì ai cũng muốn “được” và sợ “mất”, muốn “sống” hơn là “chết.” Nhưng nghịch lý thay! Nhiều khi vì “được” mà phải “mất.” Ví dụ: bạn muốn cho có một mùa bội thu thì hạt giống phải “bị” mục nát ra thì mới có thể “được” một mùa bội thu, nếu không “bị” thì cũng chẳng có “được.” Một ví dụ khác: trong một vụ tranh cãi bạn cố gắng dùng đủ mọi mưu mô để tranh cãi cho bằng được, kết quả là bạn thắng trong vụ cãi nhưng mất tình nghĩa bạn bè hay người thân; trái lại, nhiều khi “mất” mà lại “được.” Ví dụ: Thánh Anphongsô là một luật sư nổi tiếng. Một lần kia ngài biện hộ cho một vụ kiện lớn, ngài bị thua. Thất bại ê chề hôm đó đã giúp cho ngài nhận thức rằng danh vọng thế gian chỉ là giả trá; ngài đi tìm một lẽ sống khác và trở thành một vị Thánh Lập Dòng (Cf Carôlô).

Chúng ta cũng thấy có một nghịch lý nữa giữa “sống” và chết.” Chết và sống không phải là hai điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau: sự chết nuôi sự sống và sự sống sống được là nhờ sự chết. Ví dụ: con vật phải chết đi mới có thịt nuôi sống con người, hay cây nến sáp phải chảy ra và bị đốt thì ánh sáng mới bùng lên soi sáng cho con người.

Đối với cái chết của Chúa trên thập giá cũng vậy. Đức Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng trong sa mạc là hình ảnh loan báo trước: ”Khi các ông đưa Con người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai” (Jn 3:14; 8:28) Như thế việc Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

Vì thế, chính khi Đức Giêsu “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu độ cho nhiều người. Khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng biết nhìn lên thập giá Đức Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu độ. Nhìn ngược lại ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Thiên Chúa thì lại “bị” đuổi ra khỏi vườn địa đàng (Gen 3:5, 23).

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy nghiền ngẫm câu nói của Đức Giêsu: ”Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Như vậy, chúng ta thấy rõ tương quan giữa cái “mất” và cái “còn.”

Nếu Đức Giêsu là người Ả rập, thì thay vì hình ảnh của hạt lúa được gieo vào lòng đất, có lẽ Ngài sẽ kể câu truyện ngụ ngôn sau đây: Một dòng suối mát rơi từ ngọn núi, chảy qua một đồng bằng cho đến khi chạm đến một sa mạc. Tại đây, nó chợt nhận ra nước của mình bắt đầu bốc hơi và khô dần. Dù vậy, dòng nước vẫn quyết tâm băng qua sa mạc. Nó nghe có tiếng thì thầm: “Nếu ngươi muốn, ngươi có thể băng qua sa mạc được, bởi vì gió vẫn làm được điều đó. Dòng suối giận dữ: “Nhưng ta có phải là gió đâu?” Nó thấy gợi ý của tiếng thì thầm là điều ngu xuẩn, nhưng tiếng nói vẫn tỏ ra kiên nhẫn: “Gió sẽ mang ngươi đi. Dĩ nhiên với điều kiện là ngươi phải tan biến đi trong gió.” Dòng suối suy nghĩ miên man về ý nghĩa này: nó vẫn chưa hiểu được tại sao nó phải tan biến đi, phải chăng nó phải đánh mất chính mình? Điều gì bảo đảm được rằng khi băng qua hết sa mạc, nó sẽ tìm lại được bản thân một cách nguyên vẹn? Đọc được ý nghĩ của nó, gió mới lên tiếng: “Ngươi chỉ cần tin tưởng nơi ta, không còn cách nào khác nữa đâu.” Dòng suối vẫn tiếp tục giữ giọng kiêu hãnh: “Đồng ý, nhưng ta không thể chấp nhận tan biến được.” Tiếng nói thì thầm giải thích: “Ngươi không thể băng qua sa mạc mà vẫn giữ nguyên hình nguyên trạng được. Làm thế ngươi chẳng khác nào một con rắn xấu xí, nhưng nếu ngươi để cho gió mang ngươi đi xuyên qua sa mạc, thì bên kia sa mạc, ngươi sẽ hiện nguyên hình là một dòng suối xinh đẹp. Dòng suối thắc mắc: “Vẫn một dòng suối như cũ ư?” Giọng nói giải thích: “Dĩ nhiên, ngươi sẽ tìm gặp lại bản thân, tóm lại nếu ngươi cứ chần chừ đứng ở đây, ngươi cũng sẽ đánh mất chính mình ngươi mà thôi. Thế là dòng suối chấp nhận biến thành hơi nước và để cho gió mang đi. Nó cùng với gió băng qua sa mạc. Và khi cả hai đến đầu ngọn núi bên kia sa mạc, gió để cho nó rơi từ từ như mưa. Không mấy chốc, dòng suối gặp lại chính nó, đẹp hơn, trong suốt hơn (R. Veritas, Mạch nước trường sinh, tr 96-97).

Hạt lúa có được gieo vào lòng đất để thối đi mới có thể sinh hoa kết quả. Dòng suối có chấp nhận tan biến trong gió mới có thể gặp lại bản thân. Đây là định luật của cuộc sống thiêng liêng mà Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta. Đây là con đường siêu thoát, con đường chiến đấu, ai muốn được sự sống đời đời không thể đi theo con đường nào khác.

Đức Giêsu đã chỉ đường dẫn lối cho chúng ta tiến tới cuộc sống đời đời. Con đường ấy là con đường khổ giá, con đường từ bỏ, con đường siêu thoát chính mình, vì Đức Giêsu đã phán: ”Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mk 8:34). Đấy là con đường một chiều, ai đã theo thì chỉ có tiến chứ không có lùi, như thế mới xứng đáng làm môn đệ của Chúa: ”Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).

Thập giá của Chúa trao không nặng lắm, luôn vừa sức ta, nhưng đòi hỏi ta phải kiên trì vác hằng ngày vì sự khốn khó ngày nào đủ cho ngày ấy (Mt 6:34). Hãy bắt tay vào việc ngay, đừng chần chừ, đừng để công việc hôm nay sang ngày hôm sau. Về vấn đề này, ta hãy nghe John Newton nói: “Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta không vác nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi.”

Hãy tin tưởng cất bước, quyết không lùi trước những khó khăn. Phần thưởng chỉ dành cho những ai chiến đấu và kiên trì cho đến cùng (II Tm 4:6-8; Rev 2:26-29). Hãy tin tưởng vào Chúa, Đấng đã trải qua mọi khó khăn sẽ giúp đỡ chúng ta vượt qua mọi thử thách (II Cor 1:3-6). Trong cuộc chiến này, chúng ta chỉ biết tiến chứ không biết lùi.

Muốn có chiến thắng thì phải chiến đấu. Chiến đấu càng cam go, chiến thắng càng vinh quang. Không có thành công nào mà không đòi cố gắng. Thành công của chúng ta là biết lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa. Để giúp chúng ta biết cách kiên trì sống theo thánh ý Chúa với niềm tin tưởng trong gian truân, chúng ta hãy đọc đoạn thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Do Thái sau đây: “Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ Lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức. Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời để được sống. Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn, và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta” (Hr 12:5-10).

Lm. Đinh Lập Liễm

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Phụng vụ trong thánh lễ vọng Phục Sinh vào tối thứ Bảy trình bày cho ta sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng.

Mở đầu phần nghi thức, nhà thờ chìm vào bóng tối. Bóng tối tượng trưng cho thế lực sự dữ, sự ác. Khi Đức Giêsu chưa Phục Sinh, sự dữ, sự ác còn thống trị. Nhân loại chìm ngập trong bóng tối sự chết.

Cây nến Phục Sinh tượng trưng cho Đức Kitô Phục Sinh. Đức Kitô Phục Sinh chiếu lên nguồn sáng mới, xua tan đi bóng đêm. Đức Kitô Phục Sinh là sự sống mới đã chiến thắng sự chết.

Như cây nến muốn chiếu sáng phải tiêu hao chính mình. Đức Kitô đã phải chịu tiêu hao đi trong những đớn đau, khổ cực, tủi nhục và cả trong cái chết, mới đem lại ánh sáng sự sống cho ta.

Chúng ta là con cái Chúa, là con cái của sự sáng. Nhưng trong ta còn nhiều phần chưa thuộc về Chúa. Nhiều phần trong tâm hồn ta còn thuộc về bóng tối.

Có thứ bóng tối tội lỗi nhận chìm linh hồn ta trong những vực sâu tối đen không có đường thoát ra.

Có thứ bóng tối đam mê dục vọng gìm linh hồn ta trong cơn mê ngủ miệt mài, mất hết ý chí phấn đấu tiến lên.

Có thứ bóng tối tham lam ích kỷ làm lu mờ lương tâm, lý trí, khiến ta coi tiền bạc trọng hơn tình nghĩa. Vì tiền bạc mà dám phạm những tội ác tày trời. Vì lợi nhuận của mình mà làm thiệt hại cho người khác.

Có thứ bóng tối ghen ghét oán thù nó làm cho tâm hồn ta không lúc nào bình an, vì chìm ngập trong nỗi hận thù dai dẳng.

Có thứ bóng tối tự ái kiêu căng khiến cho linh hồn ta không tìm thấy niềm vui trong sự khiêm nhường tha thứ.

Tất cả những bóng tối đó đang khiến linh hồn ta suy yếu, chết dần chết mòn. Tất cả những bóng tối đó ngăn chặn ánh sáng của Chúa, ngăn chặn dòng suối ơn lành của Chúa đổ vào hồn ta.

Để ánh sáng Phục Sinh của Chúa tràn vào hồn ta, ta phải quét sạch những bóng tối còn vương vấn trong tâm hồn.

Cũng như cây nến phải chịu tiêu hao mòn mỏi mới nuôi được ánh sáng soi chiếu đêm tối, ta cũng phải phấn đấu với chính bản thân mình, quên mình, chịu chết cho tội lỗi, để ta sống một đời sống mới.

Khi phấn đấu đẩy lùi bóng tối tội lỗi, ta thoát được ách ma quỷ và được sống trong ánh sáng của Chúa, trở nên con cái ánh sáng.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, Chúa đã chiến thắng ma quỷ, xin giúp con chiến đấu với ma quỷ, để được sống một đời sống mới trong ánh sáng của Chúa.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SỐNG LẠI VỚI CHÚA PHỤC SINH

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả sự nghiệp.

“Trăm năm còn có gì đâu?

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. (Nguyễn Du)

Ngôi mộ là cửa đưa xuống âm ty

Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty hay vào chín tầng địa ngục.

Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh

Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giê-su đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới.

Ngài biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh; Ngài khiến cho cửa mồ đã từng há rộng nuốt lấy bao người xuống cõi âm ty trở thành cổng chào hân hoan tiếp đón nhân loại vào thiên quốc; Ngài đã biến đau thương của sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh; biến ngày cuối của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới!

Từ đây ngôi mộ không là cửa tử nhưng là cửa sinh, đưa muôn người vào đời sống vinh quang bất diệt.

Huỷ diệt con người cũ để được tái sinh với Chúa Giê-su 

Để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát nhưng trở thành ngõ vào cuộc sống vinh quang thì trước hết chúng ta cần phải cùng chết với Chúa Giê-su để sống lại với Ngài trong đời sống mới như lời Thánh Phao-lô dạy: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6:8).

Chết với Chúa Giê-su là hủy diệt con người cũ của ta đang nằm dưới ách thống trị của tham lam, ích kỷ, kiêu căng, ghen ghét, hận thù…. để cho người mới được tái sinh trong Chúa Ki-tô, không còn hận thù, ích kỷ, tham lam, ghen ghét …

Sống lại với Chúa Giê-su là chúng ta hãy mặc lấy Chúa Giê-su như lời thánh Phao-lô kêu gọi: “Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt” (Rm 13:13-14).

Mặc lấy Chúa Giê-su là mang những tâm tình cao đẹp như Chúa Giê-su, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa Giê-su, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa Giê-su.

Thực hành được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ được khải hoàn vinh thắng với Chúa Giê-su phục sinh.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

NGÔI MỘ LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU HAY LÀ ĐIỂM CUỐI?

Ngôi mộ là điểm cuối của cuộc đời?

Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả sự nghiệp.

“Trăm năm còn có gì đâu?

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. (Nguyễn Du)

Ngôi mộ là cửa đưa xuống âm ty?

Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty hay vào chín tầng địa ngục.

Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh.

Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giê-su đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới.

Người biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh; Người khiến cho cửa mồ đã từng há rộng nuốt lấy bao người xuống cõi âm ty trở thành cổng chào hân hoan tiếp đón nhân loại vào thiên quốc; Người đã biến đau thương của sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh; biến ngày cuối của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới!

Từ đây ngôi mộ không là cửa tử nhưng là cửa sinh, đưa muôn người vào đời sống vinh quang bất diệt.

Phục sinh với Chúa Giê-su 

Để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát nhưng trở thành ngõ vào cuộc sống vinh quang thì trước hết chúng ta hãy gắn bó với Chúa Giê-su như chi thể liên kết với thân mình và vững tin vào Người như lời Người mời gọi: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Hễ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”. (Gioan 11:25)

Vậy thì cùng với Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta hãy giã từ ngôi mộ giam nhốt chúng ta lâu nay trong tội lỗi. Cùng với Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta hãy cởi bỏ những giây băng, những khăn trùm đầu, những tấm vải liệm ràng buộc gò bó chúng ta bấy lâu nay để vùng đứng lên bước vào đời sống mới. Cụ thể là chúng ta hãy từ bỏ những đam mê tội lỗi vốn trói buộc chúng ta và làm cho đời sống tâm linh chúng ta giẫy chết.

Chúa Giê-su là Đầu của chúng ta đã khải hoàn bước vào thiên quốc, là thân mình của Người, chúng ta chắc chắn sẽ được cùng Người tiến vào cõi vinh quang bất diệt.

Vậy ngay hôm nay, chúng ta hãy bắt đầu ngày thứ nhất của cuộc đời mới với Chúa Giê-su bằng tiếng reo alleluia và với niềm vui tràn ngập tâm hồn.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

I. Dẫn vào Thánh lễ

“Chúa đã sống lại rồi”, đó là tiếng hô vui mừng của Phêrô, của Gioan, của Phaolô và của mọi thế hệ kitô hữu. Ðó là niềm tin của Giáo Hội. Cho dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn và ai cũng phải chết, nhưng cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng, bởi vì sau khi chết là sống lại, và ai chết trong Chúa thì sẽ được sống lại với Ngài. Trong Thánh lễ này, xin Chúa cho chúng ta càng ngày càng xác tín hơn về điều ấy.

II. Gợi ý sám hối

  • Vì chưa xác tín vào việc sống lại nên chúng ta sống như mục đích của cuộc đời chỉ là ở thế gian này.
  • Vì chưa xác tín vào việc sống lại nên khi gặp gian nan thử thách, chúng ta ngã lòng, thất vọng.
  • Cuộc sống chúng ta chưa là một bằng chứng trước mặt người thế về niềm tin có sự sống lại.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I: Cv 10:34, 37-43

Lời rao giảng này của Phêrô được các nhà Thánh Kinh gọi là Kerygma, tức là bài giảng truyền giáo. Lần đầu tiên ngõ lời với một nhóm thính giả mới, các tông đồ luôn giảng Kerygma.

Mỗi Kerygma, cho dù có khác nhau trong những chi tiết phụ, nhưng luôn gồm những yếu tố chính về Ðức Giêsu: a/ Tóm tắt cuộc sống trần thế của Ðức Giêsu ; b/ Cái chết của Ngài ; c/ Việc Ngài sống lại ; d/ Kêu gọi tin vào Ngài để được cứu độ. Tin vào nội dung Kerygma là bước đầu tiên và là điều quan trọng cơ bản để trở thành Kitô hữu.

  1. Ðáp ca: Tv 117

Thánh vịnh này là tâm tình của người đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả, cho dù là khổ đau, là chết chóc. Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

  1. Bài Tin Mừng: Ga 20:1-9

Những chi tiết quan trọng nhất của bài tường thuật này là ngôi mồ trống và 3 phản ứng trước hiện tượng ấy.

Maria Mađalêna nghĩ rằng “Người ta đã lấy mất Chúa rồi”. Bà hoang mang chạy đi báo tin “chẳng lành” ấy cho các tông đồ khác. Phải chờ đến khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với bà thì bà mới tin Ngài sống lại.

Phêrô nhìn thấy những hiện tượng nhưng chưa có phản ứng nào cả.

“Người môn đệ kia” khi thấy thì nhớ lại những lời Ðức Giêsu đã nói trước nên đã tin ngay.

  1. Bài đọc II: Cl 3:1-4

Thánh Phaolô dạy cách sống của người thực sự tin vào việc Ðức Giêsu sống lại:

  • Kitô hữu là người đã chết với Ðức Giêsu và sống lại với Ngài.
  • Hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới.
  • Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc về thượng giới.

IV. Gợi ý giảng

  1. Hai cách nhìn

Trước ngôi mồ trống của Ðức Giêsu, có hai cái nhìn, dẫn đến hai cái thấy khác nhau:

  • Cái nhìn của bà Maria Magdala là cái nhìn tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi tình cảm: chỉ mới nhìn tảng đá đã lăn khỏi mộ, tình cảm của bà bị tác động ngay khiến bà không còn thấy thêm điều gì khác mà chỉ nghĩ đến tình huống xấu nhất: “Người ta đã đem Chúa ra khỏi mộ!” Cái nhìn tình cảm này không giúp thấy được sự thật mà chỉ làm cho bà buồn rầu, lo lắng, khóc lóc.
  • Cái nhìn của người môn đệ Chúa yêu được đức tin hướng dẫn: Ông nghe nói tảng đá đã lăn khỏi mộ, ông chạy đến nơi để xem và xem xét rất kỹ. Ông cúi xuống nhìn vào trong, quan sát những tấm khăn liệm và dừng lại để suy nghĩ. Rồi ông nhớ lại những lời Thánh Kinh mà Ðức Giêsu đã dạy. Cái nhìn này giúp ông thấy được sự thật: Ðức Giêsu đã sống lại. Cái nhìn đức tin này đem lại cho ông niềm vui: “Ông đã thấy và đã tin”.

Có thể so sánh cái nhìn đức tin giống như người ta nhìn các sự vật trong đêm tối bằng ánh sáng của tia hồng ngoại, nên có thể thấy được những điều mà mắt thường không trông thấy. Theo định nghĩa, “Tín hữu” là người tin. Vì thế tín hữu vừa có cái nhìn tự nhiên như mọi người, vừa phải có cái nhìn đức tin. Ai biết nhìn sự việc bằng đức tin thì sẽ thấy mọi sự rất thanh thản và lạc quan.

Chẳng hạn Thánh Phaolô trong lúc đang ngồi tù và sắp bị đem ra xử, ông nghĩ đến hai tình huống có thể xảy ra: một là bị xử tử, hai là được tự do. Bằng cái nhìn đức tin, ông đã thấy sống hay chết đều tốt cả: “Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Còn thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu sau khi đã nhìn lại mọi sự việc xảy đến trong đời mình bằng cặp mắt đức tin, đã kết luận “Tất cả là hồng ân”

Ðức Giêsu phục sinh đã chiếu một luồng sáng mới lên tất cả mọi sự. Thiết tưởng, việc đầu tiên mà chúng ta cần cố gắng và cũng là ơn đầu tiên mà chúng ta cần xin trong mùa Phục sinh là biết nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin. Có như thế, trong tất cả mọi sự chúng ta mới đều có thể lạc quan cất lên tiếng hát đặc trưng của Mùa Phụng vụ này: Halleluia!

  1. Tin là thế nào?

Ðức tin của các tín hữu thường chỉ có một chiều kích, đó là chiều kích của trí óc: tin có Thiên Chúa ; tin rằng Ngài đã tạo dựng mọi sự, Ngài biết mọi sự và điều hành mọi sự.

Ðức tin của các tín hữu thường hướng tới đời sau: tin rằng mình sẽ được ở với Thiên Chúa sau khi từ giã cõi đời này.

Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay buộc ta phải điều chỉnh lại đức tin ấy: phải có thêm chiều kích hiện sinh nữa: Không chỉ tin bằng trí óc mà còn bằng cả cuộc sống. Không chỉ nhắm tới cuộc sống mai sau, mà phải nghĩ tới cuộc sống hiện tại. Thánh Phaolô dạy: “Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Ðức Kitô“.

  1. Làm chứng là thế nào?

Chỉ có các tông đồ là những “chứng nhân” đúng nghĩa: các ngài đã cùng sống với Ðức Giêsu, đã thấy Ngài chết và thấy Ngài sống lại. Việc làm chứng của các ngài dựa trên điều các ngài đã thấy.

Nhưng lời chứng xuất phát từ cảm nghiệm cũng có giá trị, nhiều khi lại còn có sức thuyết phục hơn. Chúng ta có thể làm chứng cho Ðức Giêsu phục sinh theo cách thứ hai này: sống làm sao cho người ta biết chúng ta đang sống một cuộc sống mới, chúng ta hạnh phúc, chúng ta tự do, chúng ta vui mừng trong cuộc sống mới đó, và trong bất cứ hoàn cảnh nào lòng chúng ta cũng tràn trề hy vọng.

  1. Tâm thức kiêu căng của kẻ chiến thắng

Nhiều người trách rằng những người công giáo có tâm thức kiêu căng vì nghĩ rằng mình là kẻ chiến thắng, kẻ mạnh, kẻ giỏi hơn người… Tiếng pháp là “triomphalisme”. Thực ra, chúng ta có tâm thức đó không? Và xét cho cùng, nên có tâm thức đó không?

Chúng ta xác tín rằng chúng ta có một chỗ dựa vô cùng vững chắc là Ðức Giêsu phục sinh, và cũng xác tín rằng nếu có Ngài phù trợ thì chúng ta sẽ vượt thắng tất cả. Những câu đáp ca hôm nay trích từ Thánh vịnh 117 tuyên bố niềm xác tín đó: “Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa cao cả vô song. Tôi không phải chết nhưng còn sống mãi, để tường thuật những kỳ công Chúa làm“.

Thế nhưng, chúng ta không nên kiêu căng, cũng không nên khinh chê những người khác không có được niềm xác tín của chúng ta. Ðúng hơn, chúng ta cần làm chứng cho họ và chia xẻ với họ niềm xác tín ấy, một niềm xác tín vẫn giúp con người lạc quan hy vọng cho dù đang ở giữa bao khổ đau, thất bại, bệnh tật và thậm chí sắp chết.

  1. Mộ mở toang

Gioan “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó… Ông đã thấy và đã tin. ”

Nhưng ông thấy gì? Chẳng thấy gì hết. Có gì đâu mà thấy. Tuy vậy điều ông thấy đã dẫn ông tới chỗ tin.

Ta hãy nghiêng mình xuống như Gioan. Ta thấy gì? Một hố sâu thăm thẳm, đầy màu trắng. Một sự trống rỗng mênh mông dâng đầy mầm sống. Cờ tang khăn tang chuyển biến thành y phục ánh sáng. Một sự vắng mặt vang dội sự có mặt. Một sự im lặng của nấm mồ nói nhiều hơn mọi bài diễn văn. Một bức tường mà ta chỉ thấy được phần bị khoét lỗ. Một kết quả của tất cả mang dáng dấp khởi đầu. Một cái chết có bộ mặt một cuộc giáng sinh. Mầu nhiệm mà ta khám phá ra bí mật. Vậy ai đã tạo ra ngôi mộ trống. Ngôi mộ đâu có trống. Vì Gioan đã thấy chân dung thực sự của Ðức Giêsu, bạn ngài.

Ngôi mộ không trống, không sâu, không câm nín, không vương mùi chết chóc. Ngôi mộ nói. Nó sẽ nói. Hôm nay nó còn nói với ta. Ta có bị cụt hứng không? Vì sự vắng mặt này, lớn như một nấm mồ, chính là một sự hiện diện, vĩ đại như một phép lạ.

Dưới nhãn quan của não trạng hiện đại, đã thấm nhiễm vào ta, chết là hết. Chấm hết. Chết rồi chẳng còn gì ráo. Chẳng còn gì ngoài đêm đen. Chẳng còn gì ngoài trống rỗng và hư vô. Cái chết khép lại tất cả. Cái chết chôn kín đời ta.

Nhưng ở đây cái chết mở ra. Ngôi mộ của Người đã mở ra. Mở ra một mầu nhiệm lớn lao. Một mầu nhiệm loan báo sự sống. Mầu nhiệm mang tên chỗi dậy. Phục sinh.

Ngôi mộ mở lòng mở trí ta. Ký ức sống và sống lại. Ta mở hồn ra với đức tin. Sau cùng ta hiểu rằng Ðức Giêsu đã vượt qua bức tường sự chết, đã nâng phiến đá che mộ, đã hoàn thành Phục sinh báo trước. (G. Boucher, “Le ciel sur terre”, được trích trong Fiches dominicales, năm A, trang 122-123).

  1. Tin mừng Phục sinh

Bà Regina Riley hằng cầu nguyện cho hai cậu con trai đã xa rời đức tin nhiều năm. Bỗng một sáng Chúa Nhật, bà không thể tin vào mắt mình, hai đứa con bước vào nhà thờ ngồi ghế đối diện với bà. Tan lễ, bà liền hỏi lý do nào khiến các con trở về với Chúa. Ðứa con nhỏ mau mắn kể lại:

Thời gian nghỉ hè tại Colorado, vào một sáng Chúa Nhật, chúng con đang lái xe thả dốc trong cơn mưa tầm tã. Bỗng nhiên, một cụ già không dù che, người ướt sũng đang vội vã bước đi, dáng điệu khập khiễng. Chúng con dừng lại mời cụ lên xe, mới được biết cụ đang đi lễ, đến một nhà thờ cách đó 5 cây số. Chúng con liền đưa cụ đến dự lễ. Nhưng vì trời vẫn mưa nên hai anh em quyết định vào xem lễ rồi cùng đón cụ về. Lạ thay, sau khi lắng nghe Lời Chúa chúng con rất xúc động, tâm hồn như được đổi mới hoàn toàn. Mẹ biết không, lúc bấy giờ chúng con như được trở về nhà sau một chuyến đi dài đầy mệt mỏi.

Câu chuyện hai anh em gặp gỡ cụ già xa lạ sẽ minh họa cho chúng ta bài Tin mừng Phục sinh hôm nay.

Bà Maria Macđala, bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê là ba phụ nữ nhân đức từng theo giúp Ðức Giêsu và các môn đệ. Các bà đã từng được Thầy Giêsu dạy dỗ, yêu thương. Nhưng giông tố kinh hoàng của chiều thứ Sáu Tuần Thánh đã cướp đi người Thầy rất đáng kính yêu của họ. Giờ đây, Thầy đã nằm yên trong mộ đá. Còn lại gì? hay chỉ còn bao kỷ niệm thân thương và nước mắt. Ðể vơi đi nỗi sầu, các bà chỉ biết mua dầu thơm về ướp xác Thầy. Nhưng “Ai sẽ lăn dùm tảng đá ra cho chúng ta?” (Mc.16,3).

Kinh ngạc thay, khi đến nơi, các bà đã thấy tảng đá được lăn ra một bên, và xác Thầy cũng không còn nữa. Chỉ còn đó sứ thần chờ để loan báo Tin mừng: “Ðấng bị đóng đinh đã sống lại rồi, Người hẹn gặp lại các môn đệ tại Galilê” (x. Mc.16,7). Từ ngôi mộ trống, nơi tối tăm và chết chóc, sự sống đã bừng lên.

Hai anh em trong câu chuyện trên cũng đã một thời tin theo Chúa. Nhưng giông tố của thời niên thiếu đến, đã cướp đi bao kỷ niệm đạo đức thuở ấu thơ. Thế rồi, cụ già đã xuất hiện loan báo một Tin mừng, không phải bằng lời mà bằng gương sáng đạo đức: “Thầy Giêsu hẹn gặp lại các con nơi thánh đường”.

Tin mừng chính là: Hễ có giông tố của chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, thì cũng có bình an của sáng Chúa Nhật Phục sinh.

Tin mừng chính là: Hễ có bình an là có niềm hy vọng, có trở về và có đổi mới.

Tin mừng chính là: Nếu ta cùng chết với Ðức Kitô, ta sẽ cùng được sống lại với Người.

Tin mừng chính là: Nếu có tình yêu quằn quại trên thập giá, thì cũng có tình yêu rạng rỡ sáng Phục sinh.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con, luôn xác tín rằng:

Mỗi lần chúng con trở về sau những lầm lỗi, là chúng con đang phục sinh với Chúa.

Mỗi lần chúng con tin tưởng sau những lần phản bội niềm tin, là chúng con đang sống lại với Người.

Mỗi lần chúng con tiếp tục cố gắng sau những lần thất bại đắng cay, là chúng con đang ra khỏi mồ trống.

Xin giúp chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón nhận ân sủng Phục sinh của Chúa. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

V. Lời nguyện cho mọi người (Như Lễ Ðêm)

Chủ tế: Anh chị em thân mến, hôm nay toàn thể Hội thánh long trọng mừng Ðức Giêsu Kitô sống lại vì đó là nền tảng cho niềm tin của Hội thánh, là nền tảng cho Tin mừng Người loan báo. Chúng ta hãy phấn khởi dâng lên Chúa những lời cầu nguyện sau đây:

  1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong Hội thánh / đã được chết cho tội lỗi và sống lại trong Ðức Kitô nhờ Bí tích Thanh tẩy / biết mau mắn từ bỏ tội ác / và sống theo đời sống mới của con cái Thiên Chúa.
  2. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người không tin Chúa, chống lại Chúa và sống trong tình trạng tội lỗi / biết mở lòng mở trí đón nhận ánh sáng của Chúa Phục sinh / để tìm được chân lý và hy vọng cho đời mình.
  3. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người đang sống trong nghèo đói, thất nghiệp không nhà không cửa / gặp được nhiều người giúp đỡ ủi an / và nhận ra Ðức Giêsu là đã chết và sống lại vì yêu thương họ.
  4. Chúng ta cầu xin Chúa cho anh chị em giáo hữu trong họ đạo chúng ta / biết dùng lời nói và việc làm để làm chứng về Ðức Giêsu Phục sinh / cho những người lương dân sống chung quanh chúng ta.

Chủ tế: Lạy Ðức Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã đem niềm vui phục sinh đến cho chúng con hôm nay, xin cho chúng con biết chia sẻ niềm vui và niềm tin ấy cho mọi người chúng con gặp để tất cả được chung hưởng niềm vui của con cái Chúa. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh lễ

  • Trước kinh Lạy Cha: Ðức Giêsu phục sinh đã thiết lập cơ sở vững chắc cho Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho Nước ấy được mở rộng khắp nơi, trong lòng mọi người.
  • Sau kinh Lạy Cha: “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an, sự bình an mà Ðức Giêsu phục sinh đã ban cho các môn đệ. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp, chúng con trở thành những con người mới, sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn…”
  • Trước khi rước lễ: “Ðây Chiên Thiên Chúa… phúc cho ai được mời đến dự tiệc của Ðức Giêsu phục sinh, Ðấng ban cho chúng ta một sự sống mới”.

VII. Giải tán

Ðức Kitô đã sống lại và đang sống mãi. Ngài sống trong cuộc đời chúng ta và trong thế giới này. Chúng ta hãy làm những chứng nhân nhiệt tình cho Ngài, mang niềm vui và an bình đến cho mọi người. Halleluia, Halleluia.

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*