• Tin Mừng Chúa Phục Sinh-Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  • Người Đã Sống Lại Như Lời Kinh Thánh Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
  • Tìm Chúa-Am Trần Bình An
  • Suy Niệm Lễ Phục Sinh-Năm A- Lm. Anthony Trung Thành
  • Bóng Hồng trong sương-Lm Giuse Nguyễn hữu An
  • Hồi sinh trong Đức Kitô-Lm Giuse Tạ duy Tuyền

TIN MỪNG CHÚA PHỤC SINH

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Đêm Vọng Phục Sinh 

(Lc 24, 1-12)

Mừng vui lên… vui lên, hỡi Mẹ Hội Thánh vui lên…hãy vang lên tiếng ca hát của toàn dân. Vâng đêm nay là “đêm của Đức Chúa” (Xh 12, 42), đêm Thánh “mẹ của mọi đêm thánh” (thánh Augustinô). Đêm đêm tôn vinh và cảm tạ, vì Thiên Chúa đã, đang và mãi mãi yêu thương con người, đêm nối kết trời với đất, con người với Thiên Chúa, và con người trần thế với nhau.

Lễ nghi Canh Thức long trọng đêm nay làm cho chúng ta sống lại biến cố Chúa Phục Sinh, một biến cố có tính cách quyết định và luôn thời sự, Mầu Nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đêm nay, vô số những cây nến phục sinh được đốt lên trong các nhà thờ tượng trưng ánh sáng Chúa Kitô đã và còn đang sáng soi nhân loại, ánh sáng không bao giờ lụi đi, ánh sang chiến thắng bóng tối của tội lỗi và sự dữ(x. Exsultet). Còn hạnh phúc và hy vọng nào lớn lao hơn, khi Con Thiên Chúa sống lại, để tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại vinh quang. Vì thế, Giáo hội trần thế đêm nay với niềm vui khôn tả đều đồng thanh công bố Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới : “Mừng vui lên”, mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiền thần…Cùng vui lên hỡi các nhiệm mầu thánh này…Và vui lên, toàn trái đất…Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh…(x. Exsultet) vì Chúa đã sống lại.

Chúa Giêsu thành Nagiarét, Ðấng chịu đóng đinh, đã sống lại từ trong cõi chết sau ba ngày bị mai táng trong mồ, đúng như lời Kinh Thánh. Lời loan báo của “hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói” (Lc 24,4) làm “các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất” (Lc 24,5). Thấy vậy, hai người lên tiếng : “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết ? Người không còn ở đây. Người đã sống lại”(Lc 24, 5-6). Vâng Người đã sống lại rồi.

Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem tâm tình của mấy phụ nữ “vừa tảng sáng, đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn” (Lc 24,1), hết sức bàng hoàng khi thấy : Hòn đá đã lăn ra khỏi mồ ?” (Lc 24,2). Nhờ lời của hai người lạ kia, các bà nhớ lại lời Người đã nói : “Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 24,7).

Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Chính vì thế mà các Thiên Thần từ trời cao đã tuyên bố : “Người không còn ở đây. Người đã sống lại” (Lc 24, 6). Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.

Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội tổ tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người. Từ nay con người phải chết sẽ được sống, ơn làm con cái Chúa được phục hồi, sự chết sẽ không còn cơ hội để khống chế và tiêu tan những cố gắng của con người nữa. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô, sự Phục Sinh của Người trở thành sự phục sinh của chúng ta, như lời tiên tri Ezechiel đã loan báo: “Ðây, Ta mở ra các mồ mả của các người; Ta phục sinh các người từ các mồ mả, hỡi dân ta ơi, và ta sẽ dẫn các người trở lại xứ sở của Israel” (Ed 37,12). Những lời tiên tri trên có một giá trị đặc biệt trong ngày Chúa phục sinh, bởi vì hôm nay được nên trọn lời hứa của Ðấng Tạo Hóa.

Ngày hôm nay, trong thời đại chúng ta đây, thời đại bị ghi dấu bởi sự lo âu và không chắc chắn, thời đại khủng hoảng, mất niềm tin vào nhau, chúng ta được sống biến cố Phục Sinh, một biến cố đã thay đổi dung mạo cuộc đời chúng ta, đổi thay cả lịch sử nhân lọai. Tất cả những ai đang bị áp bức bởi những mối dây ràng buộc của đau khổ, của sự chết, đang chờ đợi niềm hy vọng từ Chúa Kitô Phục Sinh, cả đôi khi họ chờ đợi một cách vô ý thức.

Cùng với Giáo Hội, những lời của bài ca Exsultet, “Hãy vui lên, hỡi ca đoàn các thiên thần, hãy hát lên… hỡi trái đất, hãy nhảy mừng”. Biến cố Phục Sinh của Chúa bao trùm toàn thể vũ trụ, và liên kết đất trời chung lại với nhau. Một lần nữa, với những lời của bài ca “Hãy vui lên”, chúng ta có thể cao rao : “Chúa Kitô… Ðấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên toàn thể nhân loại, Ðấng là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng sống và hằng trị mãi mãi muôn đời”. Amen.

NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI NHƯ LỜI KINH THÁNH

Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

SUY NIỆM CHÚA PHỤC SINH

(Ga  20, 1-9)

Ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà nước mắt chưa vơi, tình người chưa cạn. Maria Mađalêna, người đàn bà rất thật đàn bà, mạnh mẽ phi thường. Lúc các môn đệ, giới mày râu vai u thị bắp, có những vị được mệnh danh là con cái sấm sét, đang ẩn đâu đấy sau khi thầy bị bắt, bị giết và an táng trong mồ, thì Maria Mađalêna vẫn can đảm dõi bước theo Thầy trong hành trình Thương Khó, tận mắt thấy cảnh Thầy bị đánh đòn vai mang thập giá, can đảm hơn bà còn đứng dưới chân Thánh giá, chôn cất Thầy, nay lại ra viếng mồ Thầy khi trời còn chưa sáng như Matthêu thuật lại trong Tin Mừng hôm nay : “Ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ” (Mt 28,1) . Lúc tranh tối tranh sáng, người ta thường hay sợ thế lực nào đó, Maria đã chứng tỏ bản lĩnh của mình. 

Bà tới mộ, ô kìa, chuyện gì đã xảy ra vậy ? Động chuyển mạnh vì Thiên Thần từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Trong lúc “lính canh khiếp đảm” (Mt 28,4) thì các bà lại được trấn an : “Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã sống lại như lời Người đã nói” (Mt 28,5-6).

Chúa Giêsu đúng như lời Người đã báo trước

Sao tảng đá lấp cửa mồ lại lăn ra, xác Thầy tôi đâu ? Cho dù can đảm, nhưng vốn bà vẫn là phái yếu, liễu yếu đào tơ, cần tìm người trợ giúp, hiển nhiên phải là các ông rồi. Bà liền tức tốc quay về tìm Simon Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, với hy vọng mấy ông sẽ tìm ra thủ phạm, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu ?” (Ga 20, 2). Chúng ta cứ tưởng tượng xem, khi hay tin, tâm trạng các ông như thế nào lúc “cả hai cùng chạy, nhưng một ông chạy nhanh hơn, tới mộ trước cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong“(x. Ga 20, 4). Tại sao ông lại không vào trong ? Ông không vào là vì ông tôn trọng Phêrô là đầu của nhóm. Ông thấy và ông  tin Người phải sống lại từ cõi chết, đúng như lời Kinh Thánh.

Chúa đã sống lại thật rồi ! Allêluia ! Allêluia ! Allêluia ! Chúng ta có tin không ?

Tin Chúa Giêsu sống lại là tin từ trời

Nếu như ngày Con Thiên Chúa nhập thể làm người, Thiên Thần từ trời loan báo “Này bà sẽ thụ thai…” (x. Mt 1, 23). Ngày hạ sinh Con Một Chúa, cũng chính các Thiên Tần báo tin : “Này đây ta báo cho các người một tin mừng …” (Lc 2,10). Nay Chúa sống lại, cũng chính các Thiên Thần từ trời xuống loan tin cho bà Maria Mađalêna và truyền cho ba đi báo tin cho các môn đệ. Chúa sống lại, không phải do con người khám phá ra nhờ ngôi mộ trống hay những tấm khăn niệm. Không, Chúa sống lại là tin bởi trời, do trời mặc khải va sai các Thiên Thần loan tin cho người thế.

Sống Tin Mừng Phục Sinh

Hôm nay Giáo hội mừng Chúa sống lại với niềm vui khôn tả. Chúa Giêsu sống lại là một thực tế của lịch sử mà những người phụ nữ thánh thiện, các tông và môn đệ chứng thực, họ đã nhìn thấy và nhất là đã đụng chạm vào Chúa Giêsu Phục sinh. Lời của Phêrô là bằng chứng : “Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng ” (Cv 10, 37-41).

Chính Phaolô, người Do thái nhiệt thành cũng quả quyết : “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm Mười hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần đông hiện nay cũng còn sống, nhưng cũng có người đã yên nghỉ. Rồi Ngài đã hiện ra cho Giacôbê; đoạn cho các tông đồ hết thảy.  Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh (1 Cr 15, 3-8 ; Ga 20, 1-29) ; Mt 28, 9-10). Những người dân ngoại và Do thái cũng là những chứng nhân rất đặc biệt !

Bài Ca Tiếp Liên chúng ta hát trong ngày hôm nay nhắc lại biến cố lịch sử quan trọng này. Maria Madalêna đã thực sự gặp các thiên thần làm chứng tỏ tường, thấy y phục và khăn liệm của Đức Kitô Phục Sinh. Với hồng ân đức tin, đến lượt chúng ta phải công bố tin mừng Chúa phục sinh (x. Ca Tiếp Liên lễ Phục Sinh).

Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh là dịp để người kitô chúng ta vui mừng hân hoan và tràn trề niềm hy vọng vào một tương lai huy hoàng sáng lạng trong nước Thiên Chúa sau khi đã hoàn tất cuộc đời lữ thứ trần gian. Chúa Kitô Phục sinh khải hoàn, đó là niềm tin và lẽ sống của người Kitô. Hôm nay chúng ta hân hoan vui mừng với tinh thần mà thánh Phaolô nói : “Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Đức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật” (1Cr 5,7-8). Từ nay chúng ta quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng nữa, bởi vì ngày chúng ta chịu phép rửa tội, “nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới” (Rm 6, 4). Ước mong niềm tin vào Đấng Phục sinh luôn đem đến cho Giáo hội, cho thế giới và mọi người trên trái đất này sự bình an, ơn hiệp nhất để cùng hướng về mục đích đệ nhất của kiếp người là được hưởng sự sống vĩnh hằng trong ngày sau hết.

Sau khi hân hoan mừng Chúa Phục Sinh. Giáo hội muốn nhắn gửi mỗi người chúng ta rằng : hãy lên đường, để sự hiện diện của ta là lời chứng rao giảng hùng hồn về Đức Kitô đã chết đi, loan tin Người đã sống lại, trong vinh quang mai Người lại đến đón chúng ta, những người tin vào Đức Kitô lên trời về với Chúa Cha. Vì quê hương chúng ta là quê Trời, nước chúng ta là Nước Trời. Thánh Phao lô khuyên chúng ta “hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3, 3).

Chúa sống lại thật rồi, Allêluia! Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn đời muôn thủa. Allêluia!

TÌM CHÚA

Am Trần Bình An

Chia sẻ Tin Mừng Lễ Phục Sinh Năm A 2017 (Mt 28, 1-10)

 Tìm Chúa

Trong một con hẻm gần ngã ba Ông Tạ (Quận Tân Bình, SG), căn nhà khá khang trang đã ít nhiều thay đổi công năng, để làm phòng chăm sóc dã chiến cho người nhiễm HIV, Chị Maria Nguyễn Thị Vinh, thuộc giáo xứ Nam Thái, địa phận Saigon, vừa bước vào tuổi 60, mà nhiều người hay gọi là “Vinh Sida,” vẫn chưa thôi trăn trở về những người đang đối mặt với căn bệnh bị xã hội xa lánh.

Chị tâm sự rằng, khi người ta gọi mình như vậy nghĩa là mình đã thành công, vì có thể hòa nhập với người nhiễm HIV và giữa chúng tôi không có khoảng cách, dù tôi không hề nhiễm HIV. Tại các bệnh viện khi chúng tôi thăm, tắm rửa và gội đầu cho người đó, nhiều người xầm xì: “Cùng bọn với nhau, nên chăm sóc nhau thôi.” Điều đó không làm chúng tôi buồn, vì niềm vui của người bệnh là hạnh phúc của chúng tôi.

Năm 1998, khi dự tĩnh tâm tại dòng Chúa Cứu Thế, linh mục hướng dẫn mời gọi chúng tôi giúp đỡ bệnh nhân AIDS. Tôi biết về AIDS rất mù mờ, nhưng vì tò mò đã đăng ký tham dự một khóa học chăm sóc người có HIV cùng hơn 300 người khác. Nhưng khi nhập cuộc chỉ còn khoảng chục người và chúng tôi lập nhóm Tiếng Vọng để đi tìm người nhiễm HIV, chăm sóc, tắm rửa, ủi an, giúp thuê nhà, liên hệ với một số bác sĩ khám chữa bệnh và trung tâm cai nghiện, giúp chữa trị để sớm hòa nhập với cộng đồng. Cho đến nay, những người của Tiếng Vọng ngày ấy, giờ chỉ còn mình tôi. Tôi may mắn được một số linh mục và bác sĩ hỗ trợ, nên có một cơ sở chăm sóc người có HIV, chủ yếu là giai đoạn cuối. Tôi cũng quy tụ được hơn 10 thành viên mới vào Nhóm Tiếng Vọng ngày nay, gồm một số anh chị em HIV. Sau khi được chữa trị, thuyên giảm bệnh tật, tình nguyện ở lại giúp những người nặng hơn. Buổi sáng, chúng tôi chăm sóc các bệnh nhân ở cơ sở. Chiều và tối chúng tôi đến với các bệnh nhân không di chuyển được, để chăm sóc, tắm rửa và vệ sinh vết thương cho họ. Mọi thành viên trong nhóm đều làm việc thiện nguyện vì chúng tôi không có nguồn thu…(theo Bích Thuỷ, Người phụ nữ tắm rửa, gội đầu cho bệnh nhân AIDS, Tuoitre)

Gần 20 năm, chị Vinh vẫn đang còn mải miết đi tìm Đức Kitô bị bỏ rơi, qua hình hài những người nhiễm HIV. Chính nhờ Tình Yêu Chúa thôi thúc chị luôn mãi tìm kiếm, đem về chăm sóc, phục vụ. Hôm nay, hai bà Maria Mađalêna và bà Maria khác cùng ra huyệt mộ tìm Chúa. Họ đã không phải thất vọng, mà hân hoan, hạnh phúc, vinh dự tìm thấy Chúa Phục Sinh.

Kính mến tìm Chúa

“Khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ.” Một tình yêu nồng nàn, thắm thiết đã thôi thúc hai bà ra đi tìm Chúa ngay từ sáng sớm tinh mơ. Trong lòng khắc khoải, nóng ruột, khôn nguôi kính nhớ Đức Giêsu, khiến họ không thể nào chờ đến sáng hẳn mới đi ra mộ.

Caritas Christi urget nos. Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi.” (2Cr 5, 14). Hai bà đạo đức chẳng còn quan tâm đến điều gì khác, ngoài Đức Giêsu Kitô đã an táng trong mồ. Họ tha thiết mong được gặp Người và chiêm ngưỡng Người. Không điều gì có thể ngăn cản, cấm đoán hay chia cách Người được.

Nhiệt thành tìm Chúa

Trong khi các môn đệ Đức Giêsu cửa đóng then cài, náu mình trốn kỹ, kẻo quân dữ bắt bớ liên luỵ, thì hai bà đạo đức chẳng ngại, chẳng sợ Biệt phái, quân quan Philatô, lẫn những tay quá khích, quý bà vẫn can đảm đi tìm Chúa.

Dẫu vẫn biết bao gian nguy chờ đợi những ai theo Thầy, nhưng đừng sợ, vì Đức Giêsu Kitô, Vua Tình Yêu, đã chiến thắng vẻ vang. “Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16, 33)

Với tình yêu mãnh liệt, đức mến nồng nhiệt, đức tin bền vững, đức cậy phó thác, thì chẳng có gì lấn lướt, chèn ép, áp bức, đe doạ được con chiên trung thành của Chúa. Bởi chưng “Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13, 7)

Loan báo tìm Chúa

Hai bà không chỉ được diễm phúc gặp Chúa Giêsu sống lại phục sinh, mà còn được an ủi, khích lệ, vinh hạnh làm nhân chứng cho Đấng Phục Sinh.“Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta.”

Cùng sinh hoạt, cầu nguyện, hiệp ý với các Tông Đồ, các bà đã chính thức trở nên những chứng nhân nhiệt thành, sẵn sàng chịu gian khổ, chịu tù đầy, chịu nhục hình và chịu chết, làm chứng cho niềm tin: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.” (Cv 2, 32)

Thánh Phaolô sau này cũng chia sẻ, hiệp thông cùng quý bà, ý thức bổn phận loan báo Tin Mừng, dẫu đầy nguy nan, khó khăn và thách đố. “Xin Thiên Chúa mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Người, để chúng tôi loan báo mầu nhiệm Ðức Kitô; chính vì mầu nhiệm này mà tôi bị giam giữ.  Xin cho tôi biết công bố rõ ràng mầu nhiệm ấy, như bổn phận tôi phải loan báo.” (Cl 4, 3-4)

“Lãnh nhận một trách nhiệm tông đồ là sẵn sàng chấp nhận chịu “tử đạo” bởi mọi người, ở mọi nơi, bằng mọi cách, với tất cả yêu thương và bền chí như Phêrô và Gioan:“Họ từ hội đường ra về vui vẻ vì đã được xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa.” (Đường Hy Vọng, số 313)

Lạy Chúa Giêsu, Người đã chịu khổ nạn, chịu chết và đã phục sinh sống lại, để cứu chuộc chúng con khỏi phải chết. Xin Người thương xót cứu giúp chúng con được sống lại, tái sinh cuộc đời mới, sống theo Tin Mừng.

Khấn xin Mẹ giúp đỡ chúng con chết đi thân phận tội lỗi, để được tái sinh cuộc đời mới, nhờ ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

SUY NIỆM LỄ PHỤC SINH, NĂM A

Lm. Anthony Trung Thành Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ Phục Sinh. Đây là biến cố quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và là nền tảng niềm tin của mỗi Kitô hữu chúng ta. Biến cố này đã được báo trước và được củng cố bằng sự kiện ngôi mộ trống, những lần hiện ra và sự thay đổi nơi các môn đệ sau khi gặp Đức Giêsu Phục Sinh.

1. Đức Giêsu phục sinh được tiên báo trước

Việc Đức Giêsu phục sinh đã được tiên báo trước nhiều lần và nhiều cách khác nhau:

– Câu chuyện ông Giona: Ông Giona được sai đi rao giảng cho dân thành Ninivê, nhưng ông đã không vâng lời Thiên Chúa, ông xuống thuyền vượt biển để trốn đi nơi khác. Thế rồi, một cơn cuồng phong nổi lên. Những người lái buôn cho rằng tại vì ông mà có cơn cuồng phong đó. Vì thế, ông bị quăng xuống biển, một con cá đã nuốt ông vào bụng và sau ba đêm ngày ông được thả lên bờ gần thành Ninivê (x. Gn 2,1-11). Ông cho đó là ý Chúa. Nên ông đã vào thành Ninivê để thi hành nhiệm vụ rao giảng.

Hình ảnh ông Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày rồi được thả lên bờ tiên báo việc Đức Giêsu ở trong mộ ba đêm ngày rồi sống lại.

– Biến cố Đức Giêsu tẩy uế đền thờ (x. Ga 2, 13-22). Tin Mừng Thánh Gioan cho biết, khi Đức Giêsu thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Ngài nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Người Do thái hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”

Thánh Gioan còn giải thích thiêm rằng: Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

– Đức Giêsu phục sinh kẻ chết: Trong ba năm đời sống công khai, Đức Giêsu đã phục sinh cho con gái ông Giairô (x. Mc 5, 21- 24. 35- 43), cậu con trai bà góa thành Naim (x. Lc 7, 11- 17) và ông Ladarô (x. Ga 11, 1- 44). Việc làm này cho chúng ta thấy Đức Giêsu làm chủ cả sự chết lẫn sự sống. Ngài dùng quyền năng của mình để làm cho kẻ chết sống lại thì Ngài cũng có thể dùng quyền năng để tự cho mình sống lại. Việc Đức Giêsu phục sinh kẻ chết báo trước việc Ngài sẽ phục sinh sau này.

– Đức Giêsu tiên báo về sự sống lại của Ngài: Ít nhất ba lần Đức Giêsu đã loan báo về sự chết và sự sống lại của Ngài: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31; Mc 9,31; Mc 10, 33-34). Chính Ngài đã khẳng định với Matha rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ.” (Ga 11,25-26).

2. Ngôi mộ trống (x. Ga 20,1-9; Lc 24,1-12; Mc 16,1-8; Mt 28,1-8). Cả bốn sách Tin Mừng đều tường thuật về ngôi mộ trống của Đức Giêsu. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, chính ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Madalêna ra thăm mộ Chúa. Bà không thấy xác Chúa Giêsu đâu cả. Bà vội vã chạy về báo tin cho các môn đệ biết. Nghe vậy, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã nhanh chóng chạy ra mộ. Tới nơi, hai ông thấy ngôi mộ trống như bà nói. Ông Gioan cúi mình xuống thì thấy “khăn liệm để đó.” Ông Phêrô thì “thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.” Đó là cái nhìn của thể lý, nhưng Thánh Gioan đã đi xa hơn cái nhìn của thể lý, Tin Mừng cho chúng ta biết: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8).

Tuy nhiên, sự kiện ngôi mộ trống chưa đủ thuyết phục các môn đệ và mọi người về việc Đức Giêsu sống lại. Bởi vì, bà Maria Madalêna vẫn nghi ngờ xác Đức Giêsu bị đánh cắp (x. Ga 20,2). Còn quân lính thì phao tin đồn rằng: “Ban đêm, đang lúc chúng tôi ngủ thì các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 14). Cho nên, niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu cần phải được cũng cố bằng những bằng chứng khác.

3. Những lần hiện ra của Đức Giêsu

Sau khi sống lại, Đức Giêsu đã hiện ra nhiều lần, nhiều nơi với rất nhiều người. Ngài hiện ra với các môn đệ ngay chiều Chúa Nhật Phục Sinh (x. Ga 20, 19-23). Cũng ngay ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Ngài hiện ra với hai môn đệ đi làn Emmau (x. Lc 24, 36-42). Tám ngày sau, Ngài hiện ra với các môn đệ và bảo Tô-ma xỏ ngón tay vào cạnh sườn Ngài (x. Ga 20, 26-29). Rồi Ngài còn hiện ra nhiều lần nhiều nơi khác nữa. Thánh Phaolô cho biết: “Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.” (1Cr 15,5-8). Những lần hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh là bằng chứng về sự sống lại của Ngài.

4. Sự thay đổi của các Tông Đồ sau Đức Giêsu Phục Sinh

Mặc dầu trong ba năm được sống bên cạnh Đức Giêsu, chứng kiến việc Ngài phục sinh kẻ chết, được nghe Ngài tiên báo về sự sống lại của Ngài, nhưng không dễ gì các Tông đồ đón nhận niềm tin đó. Ngay cả khi các phụ nữ về báo tin (x. Lc 24, 11) hay khi Ngài hiện ra đứng giữa các ông mà các ông còn kinh hồn sợ hãi vì tưởng là ma (x. Lc 24, 36- 43). Sau nhiều lần gặp gỡ, chuyện trò, thậm chí là được ăn uống với Đức Giêsu phục sinh thì các ông mới tin (x. Cv 1, 3- 4). Đặc biệt, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần ở Nhà Tiệc Ly, các Tông Đồ đã mạnh dạn làm chứng Đức Giêsu đã sống lại. Bài đọc thứ I, Thánh Phêrô đã nhân danh các Tông Đồ lên tiếng rằng: “Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.” (Cv 10, 34a. 37-43). Không những làm chứng bằng lời nói, các Tông Đồ còn làm chứng bằng sự bắt bớ, tù tội và cả cái chết.

Đức Giêsu đã sống lại, đó là niềm tin của mỗi Kitô hữu chúng ta. Niềm tin chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính, niềm tin chúng ta tuyên xưng trong thánh lễ mỗi ngày. Nhưng chúng ta không chỉ tuyên xưng niềm tin đó bằng môi miệng mà cần phải cụ thể hóa niềm tin đó vào trong cuộc sống hằng ngày. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất.” (Cl 3,1-2). “Không nghĩ đến những sự dưới đất” là gì nếu không phải là biết từ bỏ ma quỷ và những gì thuộc về nó. “Tìm kiếm những sự trên trời” là gì nếu không phải là sống niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày để được “xuất hiện với Người trong vinh quang.”(x. Cl 3,4).

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chịu chết để ban sự sống đời đời cho chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm làm chứng về sự Phục Sinh của Chúa, đồng thời biết sống làm sao để mai sau được xuất hiện với Người trong vinh quang. Amen.

BÓNG HỒNG TRONG SƯƠNG

Lm Giuse Nguyễn Hữu An.

Chúa nhật phục sinh

Bóng hồng trong sương

Thi sĩ Xuân Ly Băng viết bài thơ “Bóng hồng trong sương” với hình ảnh thật thi vị. Nhạc sĩ Tuấn Kim phổ nhạc. Giai điệu vui tươi phấn khởi. Lời thơ nhạc khởi đi từ câu chuyện Tin Mừng Phục Sinh. Maria Mađalêna đi thăm mộ từ sáng sớm tinh sương. Hình ảnh đẹp nên thơ “bóng hồng lay động sương mai, sương ướt đẫm bờ vai, đi tìm Thầy mà không thấy Thầy đâu. Nhìn ngôi mộ trống lòng nàng đau biết bao, bóng hồng khóc lóc kêu than, nàng trách lời ai áo trắng hỏi han… Bóng hồng hoan lạc bao la vì bóng hồng nay thấy Chúa Phục Sinh. Chúa truyền rằng đừng động đến mình Ta, về mau hãy nói là Ta đã sống lại”…

Maria Mađalêna và các phụ nữ là “những bóng hồng” chân yếu tay mềm nhưng can đảm lạ thường và chan chứa lòng mến. Trước khi rời nghĩa trang, họ đã có ý nhìn xem nơi người ta đặt xác Đức Kitô, Thầy dấu yêu. Mong mau hết ngày hưu lễ, họ sẽ trở lại xức dầu thơm theo đúng nghi lễ. Họ im lặng canh thức và mua hương liệu chuẩn bị. Đêm dài quá! Họ chỉ mong trời mau sáng. Họ thấp thỏm không ngủ được. Họ chỉ nghĩ đến ngôi mộ, với xác thân của Thầy nằm đó.

Tảng đá to đã niêm phong cửa mồ rồi. Các Thượng tế và những người Pharisiêu xin Tổng trấn Philatô cắt đặt một tiểu đội binh sĩ đến canh ngôi mồ (Mt 27,62), và “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá, rồi cắt lính canh mồ” (Mt 27,66). Cận vệ đền thờ nghĩ rằng, dấu niêm phong của lãnh đạo Do thái có khả năng thách thức được quyền phép Đấng Chịu Đóng Đinh sao?

Giêsu người thành Nagiarét đã yên nghỉ trong mồ sâu. Tảng đá đã lấp cửa mồ. Nỗi lo sợ và niềm đau xót đã giam hãm các môn đệ trong các căn phòng đóng kín. Hãy yên nghỉ và quên đi những đau khổ. Hãy quên đi những oan khiên và tất tưởi của phận người. Hãy quên đi những tiếng la ó, những lời thóa mạ và bản án bất công. Hãy quên đi những tiếng búa nặng nề trên những đinh nhọn xuyên thấu tay chân. Hãy quên đi cơn hấp hối kinh hoàng. Và hãy quên đi đồi Golgotha loang máu chiều tử nạn thê lương.

Câu chuyện tưởng đã ngũ yên, người đời sẽ mau quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới Giêsu Nagiarét nữa…

1. Nấm mồ mở toang

Vậy mà, khi ngày Sabat chấm dứt, vào rạng sáng tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna và một số phụ nữ đang âm thầm lặng lẽ dưới sương mai, gió sớm se lạnh, hối hả bước đi, lòng trí chỉ còn những kỷ niệm xót xa đắng đót. Họ vội vã chạy ra mồ để thi hành cử chỉ thương yêu cuối cùng đối với Thầy.

Đến cửa mồ, họ phát hiện ngôi mộ mở toang, trống rỗng, và thân xác Thầy yêu quý đã không còn trong đó nữa. Dầu thơm và hương liệu khuếch tán vị ngọt ngào ra khắp vũ trụ. Họ hết sức sững sờ khi thấy mồ trống, hai thiên sứ mặc áo trắng canh gác mồ, một phía đầu, một phía chân, nhưng không thấy xác Thầy. Họ nghĩ lại mất Thầy lần nữa. Họ hối hả chạy về báo tin cho nhóm Mười Hai. Họ xúc động và âu lo: “Chúa đã bị mang ra khỏi mồ. Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu”.

Các môn đệ đã hoang mang sợ hãi, nay càng thêm hốt hoảng khi nghe tin này. Phêrô và Gioan cũng bị lôi cuốn và muốn tìm ra sự thật. Cả hai bắt đầu chạy ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng Gioan chạy nhanh hơn và đến mồ trước. Phêrô cũng vừa tới nơi. Tảng đá niêm mồ đã trở thành thử thách đầu tiên đối với niềm tin các môn đệ vào Thầy Giêsu. Trông thấy tảng đá lăn qua một bên, cả ba người đã có thể nhận ra dấu chỉ Chúa đã sống lại. Cả ba đều hụt hẫng, chưa thể thấu đạt những lời Chúa đã báo trước.

2. Thấy và tin

Tuy Phêrô, Gioan và Mađalêna chưa nhận ra ý nghĩa của dấu chỉ tảng đá lấp cửa mồ, nhưng những trải nghiệm thân tình sống với Thầy đã thôi thúc họ tìm hiểu cặn kẽ những gì vừa xảy đến sáng nay. Gioan cúi xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm ở trên đất. Rồi Phêrô bước hẳn vào trong mồ. Cả hai đều thấy “Những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại xếp riêng ra một nơi”. Đây là một dấu hiệu mang nhiều ý nghĩa: Thầy đã chỗi dậy, tự mình gỡ và xếp ngay ngắn các băng vải liệm và khăn băng đầu. Chỉ có người đang sống mới làm những việc tỉ mỉ đó. Thầy không còn chết nữa. Thầy đang sống. Thầy đã đánh bại sự chết và bước ra khỏi nấm mồ rồi. Gioan “đã thấy và đã tin”. Không như khi nhìn thấy tảng đá lăn qua một bên, lần này Gioan tin Thầy đã sống lại. Lời tuyên xưng “đã thấy và đã tin” diễn đạt quá trình từ “thấy” đến gắn bó trọn vẹn niềm tin vào Đấng Phục Sinh. Gioan đã thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại. Khi Lazarô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu: Ngài phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Ngay giây phút thấy cũng là lúc Gioan nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ: “Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Gioan còn nhớ điềm lạ của Giona với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy” (Mt 12,40). Gioan vẫn nhớ như in, trên núi Tabor, Chúa hiển dung và căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9,9). Gioan luôn nhớ, trước lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Thầy cũng đã nói với 12 môn đệ thân tín: “Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con Người mọi điều các tiên tri đã viết. Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại” (Lc 18,31-33). Gioan ghi tạc vào lòng lời tâm sự của Thầy trong buổi tiệc ly: “Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay… Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê” (Mt 26,31-32)…Nhờ ghi nhớ lời Chúa mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô.

3. Ánh sáng bừng tỏa

Từ ngôi mồ trống, ánh sáng Phục sinh bừng toả. Sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá cửa mồ vỡ nát ra. Nấm mồ bằng đá nặng nề đã vỡ tan như vỏ trứng. Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an. Tảng đá lấp mộ làm sao niêm giữ được Người! Nấm mồ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang. Đức Giêsu dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi sống trường sinh.

Mặt Trời Công Chính đã Phục Sinh. Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát đắng cay. Tin mừng đã lau khô đôi mắt ngấn lệ khóc lóc tiếc thương của các môn đệ. Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương. Chúa đã chỗi dậy từ chính nơi đã được mai táng. Ánh sáng tràn ngập. Niềm hy vọng lớn lao đã được bắt đầu từ chính nơi hôm qua còn đầy đau thương tuyệt vọng.Từ đây các môn đệ bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.

4. Chúa đã sống lại thật! Allêluia!

Đó là niềm vui và tuyên tín của các Tông đồ. Niềm vui và tuyên tín đó đã được loan truyền cho tới ngày nay và mãi cho tới ngày tận cùng của nhân loại.

Chúa Giêsu Phục Sinh. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã trở thành niềm tin và sức sống mãnh liệt cho nhân loại hơn hai ngàn năm qua. Phục Sinh là một biến cố làm nên lịch sử, và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Hàng triệu triệu người đã sống với niềm tin Phục Sinh và hàng triệu triệu người đã chết để bảo vệ niềm tin Phục Sinh. Giáo Hội làm chứng bằng tình yêu và sự xác tín dọc dài dòng lịch sử.

Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài không thể bị chôn vùi trong cõi chết. Là Đấng quyền năng, nên Ngài không thể bị giam hãm trong ngục thất của tử thần. Là Đấng vĩnh cửu, nên Ngài không thể bị giới hạn trong thời gian. Là ánh sáng, lẽ nào Ngài lại bị bao vây bởi bóng tối? Là Đấng tạo dựng, lẽ nào Ngài lại bị thân phận con người cầm chân? Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã đem theo những đau khổ của loài người đi về miền hạnh phúc. Ngài đưa cuộc sống trần gian hướng tới cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Kitô đã sống lại. Từ nay thập giá không còn là dấu hiệu của nhục nhã, nhưng là biểu tượng của vinh quang. Chúa Kitô đã sống lại, cái chết không còn là ngõ cụt mà là cánh cửa mở về đời sống mới. Chúa Kitô đã sống lại, Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa, chúng ta cũng được hưởng vinh quang với Ngài. Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta.

Phục Sinh là biến cố lạ thường, chưa từng có bao giờ trong lịch sử nhân loại. Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm Tình Yêu cứu độ. Những chứng nhân đâu tiên của Chúa Phục Sinh cũng là những chứng nhân Tình Yêu.Các môn đệ, bằng các cảm nghiệm bản thân đã tin vào sự Phục Sinh của Thầy mình. Cảm nghiệm thì mỗi người mỗi cách. Mỗi người đều có một kinh nghiệm về đức tin vào Chúa Giêsu một cách khác nhau.

Có người được Chúa ban cho một tình yêu mạnh mẽ như Gioan, cho dù phải sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ vững niềm tin. Người môn đệ được yêu và đang yêu này chỉ “thấy cái tối thiểu”, tuy nhiên lại luôn“tin tối đa”.Tình yêu bồi bổ niềm tin và niềm tin giữ cho tình yêu luôn kiên vững.

Có người được Chúa ban cho những kinh nghiệm như Phêrô: yêu mến Thầy nồng nàn, nhưng hay nóng vội, quá tin tưởng vào sức mình; khi gặp những hoàn cảnh khó khăn thì lại trở nên nhát đảm, không dám bày tỏ niềm tin của mình. Nhưng một khi được gặp lại Chúa Phục Sinh, niềm tin đã trở thành như núi đá, không gì có thể lay chuyển được. Sẵn sàng dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho đức tin.

Có người được Chúa ban cho một niềm tin đơn sơ như những người phụ nữ đạo đức. Họ chẳng cần lý luận, chỉ cần yêu mến Chúa và cảm nhận được lòng Chúa yêu thương. Họ sẵn sàng cho đi tất cả và chỉ mong được ở bên cạnh Thầy tôn kính.

Mỗi người có một cách thế tiếp cận niềm tin và biểu lộ đức tin; nhưng tất cả đều có một điểm chung là họ yêu mến Chúa và sẵn sàng làm chứng bằng cuộc sống và cả mạng sống của mình.

Hãy cùng với những “bóng hồng trong sương” hát lên khúc ca Allêluia với những nốt nhạc tin yêu và hy vọng. Hãy sống niềm vui Phục Sinh giữa đời và hãy làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng một đời sống chan hòa bình an và yêu thương.

HỒI SINH TRONG ĐỨC KY-TÔ

Lm Giuse Tạ duy Tuyền

Người xưa thường nói rằng: “sau đêm dài là ánh bình minh”. Sau những ngày tháng vất vả gieo trồng là những ngày mùa rộn rã hân hoan. Điều này cũng diễn tả tâm trạng nơi các tông đồ trước và sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại. Từ u buồn đã biến thành hân hoan. Từ thất vọng đã trở lên tin tưởng lạc quan. Từ sợ hãi đã trở thành can trường mạnh mẽ.

Sự hồi sinh của các ngài tựa như sau một cơn giông tố đã đánh gục ngã biết bao cây cối, làm tan hoang ruộng vườn. Sự tan hoang tràn về mọi miền nhưng chỉ một thời gian những mầm sống tưởng đã chết ấy, vẫn len lỏi trong bùn đất đã trỗi dậy và đem lại một màu xanh mới, một sức sống mới. Sự sống mới trồi sinh. Cái cũ đã mất nhưng cái mới lại tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Biến cố tử nạn của Chúa Giê-su cũng tựa như một cơn giông bão quật ngã các tông đồ. Dường như đứng trước sự dữ các tông đồ đã ngục ngã hoàn toàn. Họ không còn nhớ những gì Thầy đã nói với họ. Họ càng không thể giữ trọn lời cam kết cùng chết với Thầy. Họ bỏ chạy trong đêm tối. Đêm tối của đức tin đến nỗi tuyệt vọng hoàn toàn. Họ tan đàn xẻ nghé. Mạnh ai nấy sống. Họ cũng bỏ Thầy một mình trong cô đơn.

Ngay cả khi Chúa đã sống lại. Họ vẫn hoài nghi. Tô-ma đã từng cứng lòng nói rằng: “nếu tôi không thọc tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Có người còn hoang mang không biết đều gì đã xảy ra như 2 môn đệ Emmau đã nói: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.” Lc 24, 21-24. Đó là tâm trạng hoài nghi khi họ chưa gặp được Chúa phục sinh. Tâm trạng đó đã hoàn toàn thay đổi khi họ gặp Chúa. Chúa phục sinh đã hiện ra với họ và thực sự thay đổi hoàn toàn con người của các ngài. Từ chỗ sợ hãi, bất an, giờ đây họ trở nên những người đầy nhiệt huyết, xông xáo, không còn hồ nghi về Thầy Giê-su đã sống lại.

Sự xông xáo đầy nhiệt huyết ấy mạnh mẽ đến nỗi không còn lo sợ nguy nan như Phê-rô đã từng tuyên bố: “chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Sự xông xáo ấy đã giúp các ngài vượt ra khỏi phòng tiệc ly để đến tận cùng trái đất mà loan tin mừng Chúa đã phục sinh. Các ngài đã hồi sinh để rồi từ nay không còn là chính mình mà là Đức Ky-tô đang sống và hoạt động trong các ngài như lời thánh Phaolo đã nói: “Tôi sống không còn là tôi sống mà là Đức Ky-tô đang sống trong tôi”.

Biến cố Chúa Giê-su phục sinh đã thay đổi biết bao cuộc đời, đặc biệt là các môn đệ của Ngài. Các ngài đã biến đổi trong Chúa để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Các ngài đã biến đổi để trở nên một với Chúa và chỉ còn lo cho công việc của Chúa là mang tin vui Chúa phục sinh đến khắp cùng trái đất.

Chúa đã phục sinh nhưng liệu rằng chúng ta đã để cho Chúa làm chủ tư tưởng và hành động của chúng ta chưa? Chúa đã phục sinh nhưng chúng ta đã được thay đổi đời sống hay chúng ta vẫn bám vào những đam mê lầm lạc, những bất công sa đọa?

Ước gì niềm tin Chúa đã Phục sinh sẽ thay đổi đời sống chúng ta như đã từng thay đổi lối nghĩ, cách sống của các môn đệ. Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ giúp chúng ta dám vượt qua những cám dỗ thấp hèn để sống một cuộc đời cao đẹp hơn. Ước gì chúng ta cũng hãy theo chân các tông đồ mạnh dạn ra đi tuyên xưng về niềm tin phục sinh của Đức Ky-tô và của từng người chúng ta.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã phục sinh và đổi mới các tông đồ, xin ân sủng Chúa cũng đổi mới tâm hồn chúng con nên tinh tuyền, trong sáng, thánh thiện hầu xứng đáng là con cái của Chúa. Amen


[/fruitful_tabs]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*