• ADAM! NGƯƠI Ở ĐÂU? – GM Lệ Tâm
  • AI THI HÀNH Ý MUỐN CỦA THIÊN CHÚA, NGƯỜI ẤY LÀ ANH EM CHỊ EM, LÀ MẸ TÔI – Lm. Đinh Tất Quý
  • AI LÀ ANH EM TÔI – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

ADAM! NGƯƠI Ở ĐÂU? (St 3:9-15)

GM Lệ Tâm

Sau khi Ađam ăn trái cấm, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?’ ( St 3:9) Con người thưa: “ Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. (St 3:10)

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài thấu suốt mọi sự, Ngài biết rõ ông đang ở đâu, và phạm tội như thế nào. Nếu như muốn trừng phạt, Ngài không cần phải tìm kiếm Ađam. Nhưng câu hỏi Ađam “ngươi ở đâu” là một lời kêu gọi để Ađam nhận thức được tình trạng tội lỗi, ý thức sự hư mất, lầm lạc của chính mình mà biết ăn năn, sám hối thì tội lỗi sẽ được tha và thiên đường lại tiếp tục. Thiên Chúa không trừng phạt hay bỏ rơi con người. Mà Người đến một cách nhẹ nhàng và tế nhị để kêu gọi con người quay đầu trở lại ăn năn. Câu hỏi “ngươi ở đâu?” là câu hỏi của tình yêu thương, tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Có một điều đáng tiếc là Ađam không ăn năn hối lỗi, nhưng lại cố tình che giấu tội lỗi của mình, lại còn tìm cách đổ lỗi cho người khác. Đây là thái độ khinh thường Chúa, cho rằng Chúa cũng không biết tội lỗi của ông ta. Thiên Chúa đương nhiên biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng Ngài lại tiếp tục cho Ađam thêm một cơ hội nữa để ăn năn, khi Người hỏi: “Ai đã chỉ cho ngươi biết là ngươi trần truồng?” (St 3:11). Câu hỏi của Ngài chỉ thẳng vào tội lỗi, nhưng lại rất tế nhị. Qua đây, chúng ta lại thấy một khía cạnh khác của tình yêu Thiên Chúa đối với tội nhân. Ngài nhẫn nhục, chịu đựng và kiên nhẫn với hy vọng họ sẽ ăn năn để được cứu độ.

Nhưng Ađam đã không dám nhìn thẳng vào tội lỗi của mình. Ông trả lời với Chúa rằng: “Người đàn bà Ngài đã cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3:12). Thay vì ăn năn sám hối, ông tự bào chữa, biện hộ. Ông còn đổ thừa cho Chúa, và đổ thừa cho người nữ. Nhưng Thiên Chúa cho chúng ta thấy một phương cách khác, chỉ có ăn năn, sám hối mới giải thoát được chúng ta khỏi tội lỗi, và đó là phương cách duy nhất.

Khi Ađam từ chối ăn năn, và tự bào chữa cho mình, Thiên Chúa ngay lập tức đã có kế hoạch cứu rỗi loài người. “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:15).  Câu Kinh Thánh này như một bức màn mỏng đang hé mở dần ra cho chúng ta biết được kế hoạch của Ngài. Thường Kinh Thánh chỉ nói về dòng dõi người nam, nhưng câu Kinh Thánh này nói về dòng dõi người nữ. Chúa Giêsu đến thế gian này bởi một người nữ, và hơn nữa là một trinh nữ, do quyền phép Chúa Thánh Thần, Ngài đã được cưu mang trong cung lòng Trinh Nữ có tên là Maria. Vì thế, Ngài hoàn toàn là con người, nhưng không thuộc về dòng dõi của Ađam, mà thuộc về dòng dõi của Evà, mà Kinh Thánh gọi là dòng dõi người nữ. Do đó, Ngài không thừa gien di truyền tội nhân của Ađam, Ngài không có bản chất của tội nhân. Tất cả mọi người chúng ta đều chết do tội lỗi của mình, nhưng Chúa Giêsu không có tội, nên cái chết của Ngài là một sự Hiến Tế, Ngài chết thay cho chúng ta, thay cho tội lỗi nhân loại.

Khi Chúa Giêsu đến thế gian này và đã chịu chết trên cây thập tự, và ngày thứ ba Ngài Phục Sinh đã giải thích rõ ràng cho chúng ta qua câu Kinh Thánh: “Người sẽ đạp dập đầu mày, và mày rình cắn gót chân Người”.

Kế hoạch của Thiên Chúa sau khi con người đầu tiên phạm tội là: “Người đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người là Chúa Giêsu Ki tô”, để tất cả những ai tin vào Người thì sẽ được cứu rỗi. Chính Ngài là con đường duy nhất đem đến cho chúng ta ơn Cứu độ.

Phạm tội và đổ tội lẫn cho nhau, là khuynh hướng bản chất con người, ở thời nào cũng có. Ngày nay, chúng ta cũng vậy, thường khi chúng ta phạm lỗi hoặc làm điều gì sai trái, chúng ta hay đổ lỗi cho người này người khác; hoặc vì lý do này, lý do nọ mà chúng ta mới lầm lỗi. Chúng ta đã không can đảm, và chưa đủ khiêm tốn để nhận lỗi về mình. Chúng ta hay bào chữa, chúng ta tự biện hộ cho chính mình, và đổ lỗi cho nhau.

Lạy Chúa! Xin dạy cho chúng con biết nhận ra sự yếu đuối và lầm lỗi của mình mà sám hối ăn năn, hầu đáng được Chúa xót thương mà ban ơn Cứu độ. Amen.

AI THI HÀNH Ý MUỐN CỦA THIÊN CHÚA, NGƯỜI ẤY LÀ ANH EM CHỊ EM, LÀ MẸ TÔI .(Mc 3:35)

Lm. Đinh Tất Quý

(nguồn: tgpsaigon.net)

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hơi dài, mang nhiều sự kiện rời rạc nhưng nếu chịu khó suy nghĩ, chúng sẽ giúp cho sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Giêsu phong phú và toàn diện hơn.

  1. Chúa Giêsu là Người bị mất trí (Mc 3:21)

Đây không phải là cảm nghĩ của những người xa lạ, nhưng là của những người thân nhân với Chúa.“Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.“(Mc 3:21)

Đọc trong toàn bộ Tin Mừng ai cũng phải nhận Ðức Giêsu là người rất quân bình, vậy mà người ta còn cho Ngài là người bị mất trí, khi thấy Ngài xả thân để lo cho đám người đông đảo. Rồi Ngài còn bị coi là bất bình thường, khi Ngài và các môn đệ bận bịu, lo phục vụ đến nỗi không có cả thời giờ nghỉ ngơi và ăn uống.

Đúng là họ chẳng hiểu gì về Chúa Giêsu, dù họ tưởng mình đã biết rất rõ về Ngài.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có một cái nhìn khách quan và trong sáng về mọi người cũng như những việc xảy ra chung quanh cuộc sống của chúng ta, để cuộc sống của chúng ta có nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn..

Ngôi sao điện ảnh Lloyd lái xe đến trạm sửa chữa. Cô thợ máy ân cần đón tiếp anh. Ngay lập tức anh đã bị cuốn hút bởi đôi tay khéo léo và điêu luyện của cô.

Cả Paris đều biết đến anh, thế nhưng cô gái này lại tỏ vẻ rất bình thản, xem ra không mấy vui sướng cũng như ngưỡng mộ con người nổi tiếng này.

– Cô có thích xem phim không? Anh ta hỏi.

– Đương nhiên là thích rồi, tôi là một “fan” điện ảnh mà.

Tay cô rất nhanh, chẳng bao lâu cô đã sửa xong xe:

– Ông có thể lái xe đi rồi, thưa ông.

Anh ta vẫn tiếp tục:

– Thưa cô, tôi có thể đưa cô đi dạo được không?

– Không! Tôi còn có công việc.

– Đây cũng giống như là công việc của cô. Cô sửa xe cho tôi, tốt nhất là tự mình lái thử kiểm tra xem sao.

– Được, vậy tôi lái hay ông lái đây?

– Tôi lái, tôi mời cô mà!

– Xe chạy rất tốt, cô gái hỏi: “Xem ra không có vấn đề gì, vậy xin ông vui lòng cho tôi xuống được không?”

– Sao cơ? Cô không muốn tôi đưa đi sao? Tôi chỉ muốn hỏi lại cô một việc, cô có thích xem phim không?

– Tôi rất thích, tôi đã trả lời với ông rồi mà, hơn nữa tôi còn là một “fan” điện ảnh nữa.

– Vậy cô không nhận ra tôi sao?

– Sao tôi không nhận ra chứ! Từ đầu tôi đã nhận ra ông là diễn viên điện ảnh Lloyd nổi tiếng hiện nay mà.

– Biết thế, sao cô vẫn lãnh đạm vậy?

– Không! Ông lầm rồi, tôi không hề lãnh đạm. Nhưng tôi không cuồng nhiệt như các cô gái khác. Ông có thành tựu của ông. Tôi có công việc của tôi. Ông đến đây để sửa xe. Ông là khách hàng. Nếu ông không phải là ngôi sao nổi tiếng, khi ông đến sửa xe thì tôi cũng tiếp đãi như vậy. Giữa người với người không phải như thế sao?

Anh ta im lặng. Đối diện với cô gái bình thường này anh cảm thấy mình tầm thường và thật ngông nghênh.

– Cảm ơn cô! Cô đã khiến cho tôi phải tự cảnh tỉnh về giá trị bản thân. Được, bây giờ tôi đưa cô về.

  1. Ðức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Quỉ Lớn mà trừ quỉ nhỏ.

Khi các kinh sư từ Jêrusalem xuống để điều tra về Ðức Giêsu. Họ không thể phủ nhận được chuyện Ngài có khả năng trừ quỷ, nhưng họ lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý. Tin Mừng ghi: “Các kinh các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” (Mc 3:21)

Thật là “tội nghiệp” cho Chúa! Ðấng mà thần ô uế đã phải sấp mình xuống dưới chân mà tuyên xưng: “Ông là Con Thiên Chúa” (Mc 3:11); Ðấng đã khiến quỉ phải kêu la khi xuất ra. Vậy mà các kinh sư lại nói về Chúa như thế. Đúng miệng lưỡi của “thế gian”.

Chúng ta hãy tập cho mình có một lương tâm ngay thẳng và trung thực đừng để những tà ý làm hỏng cái tính bàn thiện Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Oklahoma, tôi cùng một người bạn và hai đứa con của anh đến vui chơi tại một câu lạc bộ. Bạn tôi tiến đến quầy vé và hỏi:

– Vé vào cửa là bao nhiêu? Bán cho tôi bốn vé. Người bán vé trả lời:

– 3 đô la một vé. Chúng tôi đặc biệt miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi?

– Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ thì lên bốn. – Bạn tôi trả lời.

– Như vậy tôi phải trả cho ông 9 đô la tất cả.

Người đàn ông ngước lên với cặp mắt ngạc nhiên:

– Sao ông không nói rằng đứa lớn chỉ mới sáu tuổi? Như thế có phải là tiết kiệm được 3 dollars không?

Bạn tôi nhìn người bán vé rồi chậm rãi nói:

– Dĩ nhiên, tôi có thể nói như vậy và ông ta cũng sẽ không nhận ra. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3 dollars.(Hồng Diễm)

  1. Mẹ và anh em của Chúa Giêsu.

Tin Mừng ghi lại: “Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”

Nhưng Người đáp lại:”Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”

Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi.”(Mc 3:32-35)

Khi nói như thế Chúa Giêsu không có ý phủ nhận mối giây liên kết máu mủ gia đình với Chúa. Ngược lại nhiều nhà chú giải còn bảo là Chúa muốn đề cao Đức Mẹ.Ví Đức Mẹ làm Mẹ Chúa Giêsu đến hai lần!

Phải nhận rằng việc thì hành thánh ý Chúa không phải là chuyện dễ làm. Abraham ngày xưa là một thí dụ.

Phải can đảm lắm mới có thể thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống làm người của mình.

Ngày 30-01-1938 chuyến xe lửa khởi hành từ Quito Galio dến Colombia bất ngờ bị trật đường rầy. Tai nạn làm cho nhiều người chết và bị thương, trong số hành khách đang quằn quại vì những vết thương đau đớn, người ta thấy có một linh mục tên là Felix Louis dòng thánh Don Bosco. Cha bị gẫy chân, và một phần ruột lòi ra khỏi bụng. Nhận ra Ngài, các y tá đã chạy đến giúp đỡ Ngài. Nhưng cha ra hiệu cho các y tá phải lo săn sóc các hành khách khác. Nói xong cha lấy hết sức mình, nhét ruột vào bụng, lấy khăn băng lại, và xin người ta dìu tới những nạn nhân bị thương nặng, đang hấp hối, để giải tội cho những ai muốn xưng tội.

Làm xong công tác mục vụ, linh mục nói với các y tá: tôi cám ơn Chúa đã cho tôi thi hành chức vụ linh mục của tôi cho tới giây phút cuối cùng. Giờ đây các cô có thể đưa xác tôi đi.

Người ta vội đưa Ngài đến bệnh viện Hedini. Nhưng chỉ vài giờ sau, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng khi chưa tròn 36 tuổi (Góp nhặt 217).

Lạy Chúa xin cho mỗi người chúng con biết can đảm làm cho thánh ý của Chúa được hoàn thành trọn vẹn từng giây từng phút trong cuộc đời của chúng con. Amen.

AI LÀ ANH EM TÔI (Mc 3, 20-35)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Trong những năm tháng công khai rao giảng,

Ðức Giêsu đã gặt hái được thành công từ phiá dân chúng.

Nhưng Ngài cũng phải nếm nhiều khổ đau và thất bại

do những hiểu lầm, ghen tương và cố chấp.

Ðức Giêsu, người quân bình hơn cả, lại bị coi là mất trí,

khi Ngài xả thân để lo cho đám người đông đảo.

Ngài bị coi là bất bình thường,

khi Ngài và các môn đệ bận bịu, không có giờ ăn.

Chính thân quyến của Ngài đã coi Ngài như thế.

Họ chẳng hiểu gì, dù họ tưởng mình biết Ngài rất rõ.

Các kinh sư từ Giêrusalem xuống để điều tra về Ðức Giêsu.

Họ không thể phủ nhận chuyện Ngài có khả năng trừ quỷ,

nhưng họ lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý:

Ðức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Xatan.

Éo le thay, Ðấng mà thấn ô uế phải sấp mình dưới chân

và tuyên xưng: “Ông là Con Thiên Chúa” (Mc 3,11);

Ðấng khiến quỷ phải kêu la khi xuất ra:

“Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai rồi.

Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24);

Ðấng trừ quỷ ấy lại bị coi là người bị quỷ ám.

Một người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun chiếm đoạt

lại đi trừ những người bị ám bởi các quỷ con ư?

Như thế đúng là Xatan lại diệt trừ Xatan,

tướng quỷ cho người ngoài làm hại đàn em của mình!

Ðức Giêsu nói đến thứ tội mãi mãi không được tha.

Không được tha chẳng phải vì Thiên Chúa hẹp hòi,

nhưng vì người ấy không cần đến ơn tha thứ.

Khép lại trước sự thật rành rành, hay bóp méo sự thực,

cố chấp ở lại trong sự gian dối với chính bản thân:

đó là những thái độ ta có thể mắc phải.

Quả thực không dễ hiểu được con người Ðức Giêsu.

Hiểu một người ta thân quen cũng là điều khó.

Chỉ một chút ghen tương đủ làm ta hiểu sai.

Chỉ một chút tự ái đủ làm ta không thấy

điều ai cũng rõ như ban ngày.

Càng trí tuệ và học thức, như các kinh sư,

ta càng dễ bẻ cong chân lý về phía mình,

càng dễ biện minh cho thái độ mình đã chọn.

Khi vơi bớt đam mê của cái tôi,

ta sẽ dễ nhận ra chân lý quá đơn sơ, gần gũi.

Ðám đông dân chúng ngồi chung quanh Ðức Giêsu, nghe giảng.

Một vòng tròn thân thương như những người trong nhà.

Ðức Giêsu thấy mình gắn bó sâu xa với họ.

Ngài không ngại nhận họ là mẹ, là anh chị em Ngài.

Có một thứ tình máu mủ ruột thịt thiêng liêng.

Có một mẫu số chung giữa Ngài và người nghe giảng,

đó là thi hành thánh ý Cha trong cuộc sống.

Ðức Maria là Mẹ của Ðức Giêsu hai lần,

vì Mẹ đã sinh dưỡng Ngài và suốt đời xin vâng ý Chúa.

Chúng ta tự hỏi mình có bà con gì với Ðức Giêsu không.

Cầu Nguyện:

Lạy Thầy Giêsu, Thầy không gọi chúng con là tôi tớ, Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ. Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy, vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con nhưng điều riêng tư thầm kín nhất trong tương quan giữa Thầy với Cha. Hơn nữa, sau phục sinh, Thầy đã gọi các môn đệ là anh em. Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con luôn thi hành ý muốn của Cha để trở nên những người em cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. Còn Thầy lại hạ mình xuống phục vụ chúng con như người tôi tớ, rửa chân cho chúng con như một nô lệ và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*