• LOAN TRUYỀN ƠN CỨU ĐỘ - Hạ Vấn
  • NGÀI SAI CÁC ÔNG ĐI – Lm. Nguyễn Thái
  • SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO CHÚA – Lm. Đinh Lập Liễm
  • ĐƯỢC NGÀI SAI ĐI – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • HÀNH TRANG NGƯỜI MÔN ĐỆ – TGM. Ngô Quang Kiệt

LOAN TRUYỀN ƠN CỨU ĐỘ (Mc 6:1-6)

Hạ Vấn

Các khuôn mặt hớn hở. Có người hiện lên vẻ lo lo. Lần đầu tiên được Thầy sai đi “thực tập” việc rao giảng. Hành trang mang theo là tối giản. Hành trình đi là tùy vào Thánh Thần đưa lối. Mỗi người một tâm trạng nhưng chung một tâm tình và một ý hướng. Từng người đến quỳ trước Thầy để nhận sự chúc lành. Một sự trang trọng linh thiêng. Chào Thầy chúng con lên đường. Thầy ở lại mà ánh mắt vẫn dõi theo từng bước chân đi gieo lời ân phúc.

Hành trang của người môn đệ chỉ gồm cây gậy, đôi dép và một bộ quần áo. Có vẻ như hành lý đó đi ngược với sự khôn ngoan và lo toan của đời thường. Nhìn bề ngoài thì đây là những con người rất tầm thường. Nói một cách nào đó là: nghèo. Con người thời nào cũng thường đánh giá cao những người ăn mặc đẹp đẽ và giàu có. Ngoại hình có một sức công phá rất lớn đối với những người chưa quen biết. Nếu đặt theo tiêu chỉ của ngành Marketing ngày nay thì các môn đệ của Chúa bị đánh rớt. Rớt ngay từ vòng gửi xe. Nếu cứ theo lý luận thông thường thì các môn đệ của Thầy Giêsu khó mà đạt được kết quả tốt đẹp. Đó là phần ngoại hình. Còn mặt kế hoạch và phương thức rao giảng thì Thầy Giêsu chẳng nói chi rõ ràng. Thầy chỉ nhắc nhở những gì nên tránh. Kèm theo là thái độ đối với những ai đón nhận và những người không đón nhận lời giảng. Phương pháp sư phạm của Thầy: lạ!

Suy ngẫm hồi lâu thì thấy Thầy có ý sâu xa cả đấy! Hành trang gọn nhẹ và ngoại hình bình thường thì dễ đi và dễ gặp mọi người. Nếu hành trang nặng nề sẽ khó đi được xa và khó vào được nhiều ngóc ngách của làng mạc. Ăn mặc xa hoa, ngoại hình mướt quá khiến nhiều người sẽ cảm thấy sự xa cách. Người nào chỉ chăm chú vào ngoại hình thì dễ sinh kiêu ngạo và chạy tìm hư danh. Đó là một cám dỗ nguy hiểm. Thầy Giêsu muốn các môn đệ mang theo một trái tim yêu thương làm hành trang. Còn ngoại hình là điều phụ tùy không đáng bàn. Rao giảng một tình yêu cao siêu bằng một cách thức đơn giản và nhẹ nhàng, đó mới là trọng tâm của người làm chứng cho nước Thiên Chúa.

Rao giảng về Nước Trời là bổn phận của mọi người Kitô hữu. Những ai là bạn hữu của Đức Kitô đều có nhiệm vụ kể về Ngài cho người khác. Có lẽ việc làm chứng nhân cho Nước Trời không phải là chuyện dễ. Chính vì thế mà Thầy Giêsu mới cho các môn đệ thực tập từng bước. Mỗi người chúng ta cũng cảm nhận được sự khó khăn trong việc rao truyền Tin Mừng của Chúa. Bí quyết là phải tin tưởng và đầy nhiệt huyết. Thực tập từ những gì đơn giản và gần gũi nhất. Cha mẹ rao giảng về Chúa cho con cái. Anh chị rao giảng cho em. Bạn bè kể về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa cho nhau nghe. Những người trong gia đình cùng nhau đọc kinh, rủ nhau đi dự lễ, ngồi bên nhau cầu nguyện cũng là một hình thức rao giảng Tin Mừng. Đó là việc làm không đến nỗi xa tầm với của mọi người. Những ai thực sự yêu mến và gắn bó với Chúa thì không có gì khó. Hãy vui mừng lên đường như các môn đệ khi xưa. Hân hoan rao giảng Phúc Âm. Phấn khởi loan truyền hồng ân cứu độ cho muôn người. Niềm hạnh phúc sẽ lấp đầy và thay thế cho mọi đau thương hay nước mắt.

Người tin vào Chúa không chỉ được mời gọi làm chứng nhân, mà còn được kêu gọi đón tiếp những chứng nhân khác. Ai tiếp đón người các tông đồ cũng là đón tiếp chính Chúa. Phần thưởng lớn lao dành cho những ai đón tiếp người Chúa sai đến. Đón tiếp, giúp đỡ và che chở người rao giảng thì sẽ được phần thưởng của người rao giảng. Người Việt ta có truyền thống yêu quý các người đi tu. Đó là một nét văn hóa tâm linh  rất đẹp và đáng quý. Đón tiếp người của Chúa là cộng tác vào công việc của Chúa. Đón tiếp đúng cách và giúp đỡ đúng lúc là một sự cần thiết cho những người môn đệ của Chúa. Để cho nước Thiên Chúa được mở rộng nhờ một phần công sức của mọi người. Hãy tiếp rước để được hưởng phúc do người rao giảng Tin Mừng mang đến.

Lời mời gọi lên đường và rao giảng Nước Trời vẫn vang vọng đến với mọi người và mọi thời. Thầy Giêsu vẫn hằng sai chúng ta đi đến với muôn dân. Phúc cho những ai rao giảng về nước hạnh phúc. Vì người ấy sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời. Phúc cho những ai tiếp rước người của Chúa. Vì Chúa sẽ gọi họ là môn đệ của Ngài.

NGÀI SAI CÁC ÔNG ĐI

Lm. Nguyễn Thái

Tôi biết rất ít về khoa học kỹ thuật và chậm chạp trong việc theo kịp đà tiến bộ của computer, internet. Tôi rất ngại đi vào internet, nhưng đã đi vào thế giới thông tin này rồi thì lại đâm nghiền vì nó rất hấp dẫn và mới lạ. Ngày nào cũng check email, nhận rất nhiều chuyện vui cười rồi lại gửi đi cho bạn bè. Tôi rất ngạc nhiên về sức mạnh kỳ diệu của nó. Chỉ qua những ngón tay nhỏ bé đánh máy trên bàn chữ, tôi có thể đến được với tất cả mọi bạn hữu. Tôi có thể gửi đi ngay tức khắc những tin tức cần thiết, và đón nhận những sự trả lời cũng mau chóng như vậy. Tôi có thể gửi đi những lời chúc mừng, những lời hỏi thăm, khích lệ, nâng đỡ… Tôi cảm thấy có một sức mạnh nổi lên qua những ngón tay của tôi khi tôi bấm vào chữ “send” hay “OK”. Toàn bộ những gì tôi muốn gửi đi vâng lệnh ngay. Sức mạnh nằm trên đầu ngón tay tôi! Lạ lùng thật! Chỉ bấm một cái, một thông điệp được truyền đi.

Cảm nghiệm về một sức mạnh nổi lên trên đầu ngón tay, chỉ qua một cái bấm trên bàn chữ, làm tôi suy nghĩ về trường hợp và cảm giác phấn khởi của các thánh tông đồ khi Chúa Giêsu sai họ đi thi hành sứ mệnh trong các làng và chữa được bệnh tật: “Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân” (Mc 6:13).

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Mc 6:7-13, Chúa Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel. Các ông là những viên đá nền móng cho thành Giêrusalem mới (Kh 21:12-14). Mười Hai Tông Đồ đã tham dự vào sứ mạng Chúa Kitô, vào quyền năng và vào số phận của Ngài. Qua hành vi này, Chúa Kitô chuẩn bị và xây dựng Giáo Hội (GLCG # 765) với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.

Theo William Barclay để hiểu sâu xa đoạn Phúc Âm này, chúng ta cần tìm hiểu y phục của một người thường mặc ở Palestine thời Chúa Giêsu. Có năm thứ căn bản: 1- Áo trong: rất đơn sơ, dài cho đến chân, chỉ là một miếng vải dài được gấp và khâu lại. 2- Áo choàng bên ngoài: là một miếng vải dầy, ban ngày dùng làm áo choàng, ban đêm là mền để đắp. 3- Dây vải thắt lưng: được cột ngang bụng ở bên ngoài hai áo trên, thường được khâu chập đôi trở thành cái túi đựng tiền. 4- Mũ che đầu: làm bằng một miếng vải hay nỉ khổ 1 mét vuông, được xếp chéo góc thành cái mũ bảo vệ đầu, sau gáy, hai bên má, và mắt khỏi sức nóng và sự chói chang của ánh mặt trời. 5- Đôi dép sandal.

Ngoài ra còn có hai loại túi thường được sử dụng. Túi cho khách du hành làm bằng da thú vật đựng bánh, nho và trái olive với hai sợi dây đeo trên vai. Và một loại túi đặc biệt của các thầy tư tế đi gom góp tiền và các thứ đóng góp của dân chúng cho đền thờ. Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ “không mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng” để phó thác và tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa. Ngài còn muốn ám chỉ các môn đệ không được mang túi thu tiền giống như các thầy tư tế. Họ phải ra đi để ban phát chứ không phải thu góp.

Công Đồng Vatican II cũng đã nhắc lại sứ điệp của Tin Mừng như sau: “Các Kitô hữu vì có những ân huệ khác nhau (Rm 12:6), nên mỗi người phải cộng tác vào việc rao giảng Phúc Âm tùy theo hoàn cảnh thuận tiện, tài năng đặc sủng và chức vụ (1Cr 3:10) của mình. Do đó tất cả mọi người, kẻ gieo và người gặt, kẻ trồng và người tưới, phải hiệp nhất, đồng tâm gắng sức xây dựng Giáo Hội” (Ad Gentes, đoạn 28).

Trong bài đọc thứ hai Thánh Phaolô cũng đã nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ phải làm chứng tá cho Tin Mừng bằng những lời lẽ hết sức chân thành và yêu thương: “Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian… Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1:4).

Do đấy nơi mỗi người chúng ta được ban những ơn khác nhau để hoàn thành sứ mệnh trong những cách khác nhau. Vì “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1 Cor 12, 4-6).

Chim sơn ca là loài chim quý. Nó thích bay lên trời cao, và hát những bài ca thánh thót. Nhưng chỉ có một điều nó không thích là phải lao động hằng ngày vất vả để đào bới tìm kiếm những con giun, con bọ làm lương thực sinh sống qua ngày. Một ngày nọ khi đang cao hứng và thú vị bay tít trên trời cao, nhìn xuống đất trông thấy một người đàn ông mang chiếc áo đỏ rảo bước trên đường và rao to: “Giun đại hạ giá. Giun on sale. Đổi giun lấy lông chim sơn ca. Đại hạ giá. Mại dô, mại dô!” Nghe vậy, con sơn ca từ trên cao tập trung tầm mắt vào người đàn ông, xà xuống thấp rồi hỏi: “Giá cả làm sao?” “Hai con giun một sợi lông,” người đàn ông trả lời, “Thử xem, bạn sẽ thích mà! Giá cả như vậy là quá rẻ rồi!” Chim sơn ca nghe thế lấy làm hợp lý bèn thử một phen và thú vị lắm, vì nghĩ rằng mình vẫn còn đầy đủ lông, mất một sợi có nghĩa lý gì. Rồi từ ngày này sang ngày khác, chim sơn ca cũng đã nhổ hết lông dài đến lông ngắn lấy giun ăn qua ngày. Ngày khốn cùng đã đến, nó cố gắng cất cánh bay thử lên khỏi mặt đất, nhưng thân xác nặng nề của nó cứ lao đầu xuống đất. Nó đã nhận biết sự gì xảy ra. Nó đã trở thành một con chim sơn ca dính đầy bùn đất, không thể nào bay nổi nữa. Thật là mâu thuẫn, chim sơn ca mà không thể bay được. Do đấy nó phải suốt ngày đi đào đất bới tìm những con giun đất. Khi đêm về, người đàn ông mặc áo đỏ đi ngang, chim sơn ca lo âu nói với ông ta: “Xin ông đổi lại những chiếc lông cho tôi đi.” Không thèm quay lại, người đàn ông cứ tiếp tục bước đi vừa cười vừa trả lời: “Đâu có vụ đó, ông bạn! Đổi giun lấy lông là nghề nghiệp của tôi, không phải là đổi lông lấy giun. Tôi không cần giun đâu!”

Chúng ta cũng có thể giống như con chim sơn ca này. Một con chim sơn ca không còn lông cánh để bay. Chỉ mải mê kiếm tìm của ăn vật chất mà quên đi việc truyền giáo rao giảng Tin Mừng, chúng ta cũng trở nên mâu thuẫn với chính mình: một người Kitô hữu không mang một sứ mạng gì cả!

Dĩ nhiên, khi làm việc tông đồ truyền giáo, chúng ta sẽ gặp nhiều trở ngại và khó khăn trong mọi lãnh vực (2 Tm 4:2). Theo bài Phúc Âm, Chúa dạy các môn đệ phải rũ sạch bụi khỏi giầy dép và ra đi khi không được đón tiếp: “Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ” (Mc 6:11).

Linh mục Munachi Ezeogu, CSSp – Dòng Thánh Linh và Trái Tim Vẹn Sạch Đức Bà, kể câu chuyện như sau. Một người bạn của tôi đã mướn một ông thợ mộc giúp anh ta sửa lại nhà kho ở nông trại. Ngày đầu tiên đến làm việc thật là không may cho ông thợ mộc đó. Ông đến làm việc quá trễ vì bị bể bánh xe trên đường đi làm. Đang làm nửa chừng thì cái cưa điện bị gẫy. Và cuối cùng, sau một ngày lao động vất vả, leo lên chiếc xe pickup truck thì xe không nổ máy được. Người bạn của tôi phải chở ông ta về nhà!

Về tới nhà, ông mời người bạn tôi vào nhà chơi. Khi sắp bước tới cửa, người thợ mộc ngừng lại một lúc phía trước một cái cây nhỏ, xoa cả hai tay vào đầu những cành lá. Rồi ông ta mở cửa nhà với những nụ cười tươi nở trên mặt; ông ôm lấy hai đứa con nhỏ và hôn nhẹ lên má vợ ông. Sau đó ông đưa bạn tôi ra xe về. Khi họ bước qua cái cây, ông bạn tôi mới tò mò hỏi ông thợ mộc về hành vi ông đã làm trước khi bước vào nhà. “Đây là cái cây xả xui”, “That’s my trouble tree” ông trả lời. “Tôi biết rằng khi làm việc tôi chẳng làm được gì cả với những trục trặc, nhưng một điều chắc chắn là, những trục trặc rắc rối đó đã không do vợ con của tôi gây ra và nó cũng không ở trong căn nhà này. Do đó tôi đã treo cổ chúng nó lên trên cái cây này mỗi đêm trước khi bước vào nhà. Thế rồi sáng sớm tôi lại nhặt lấy chúng lại. Điều buồn cười là, khi tôi đi ra ngoài vào ban sáng để nhặt lấy chúng nó, dường như là không còn nhiều như tôi nhớ được khi treo chúng lên vào đêm hôm trước.”

Những trục trặc khó khăn là một phần của đời sống con người và luôn luôn có mặt trong công việc truyền giáo. Thế nhưng Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ là phải “phủi bụi chân”, phủi khó khăn và nghịch cảnh ra, treo nó lên như người thợ mộc, đừng để nó theo chúng ta và làm chúng ta nản chí (Cv 18:6).

Theo William Barclay, ở Đông Phương sự hiếu khách là một bổn phận thiêng liêng. Khi người khách lạ vào làng, người dân làng đó phải đón tiếp bằng sự hiếu khách như một bổn phận. Đối với luật của Rabbi, bụi của một quốc gia ngoại giáo là nhơ nhuốc, và khi một người bước vào xứ Palestine từ một quốc gia khác, phải giũ sạch mọi hạt bụi của vùng đất nhơ bẩn đó đi. Đây là một hình ảnh diễn tả sự từ chối với bất cứ một sự liên hệ nào, dù chỉ là hạt bụi của người ngoại giáo. Ý Chúa Giêsu muốn nói rằng, nếu họ từ chối lắng nghe lời giảng dạy của các môn đệ, thì hãy đối xử với họ như một người Do Thái nghiêm khắc đối xử với một nhà ngoại giáo. Phủi bụi chân tức là không còn giữ lại một sự liên hệ nào cả!

Trong Phúc Âm của Máccô, các môn đệ được trình bày như là những con người yếu đuối, thất bại, và chậm hiểu. Máccô nhắc đi nhắc lại rằng họ vẫn không hiểu lời Chúa nói (Mc 4;13; 8;21; 9;32). Chúa Giêsu đã biết rõ những yếu đuối của các môn đệ của Ngài. Ngài gọi họ không phải để thành công, nhưng để thi hành sứ mạng trong niềm phó thác nơi Thiên Chúa. Thành công là trách nhiệm của Thiên Chúa.

Khi chấp nhận sứ mạng của Chúa Giêsu đã trao, chúng ta cũng phải chấp nhận chia sẻ số phận Ngài đã chịu. Chính Chúa Giêsu đã bị những người đồng hương từ chối (Mc 6:1-6), các môn đệ từ bỏ (Mc 14:50), sau cùng bị lên án, và chết treo trên cây thập giá. Ngài đã mang lấy số phận của “một cái cây xả xui” như lời Thánh Phêrô đã nói: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5: 7), “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1 Pr 2: 24).

SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO CHÚA

Lm. Đinh Lập Liễm

Khi Đức Giêsu đã về trời, các Tông Đồ đã chia nhau đi rao giảng Tin Mừng, có các người phụ tá và những người cộng tác với các ngài. Khi các ngài đã qua đi thì Giáo Hội lãnh nhận công tác tiếp nối công việc của các Tông Đồ mà rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng thế giới, không kể mầu da sắc tộc, ngôn ngữ. Lời Chúa phải được rao giảng cho mọi người. Và đến lượt các tín hữu, mọi người có trách nhiệm phải rao giảng cho người khác. Mọi người phải rao giảng Tin Mừng, không trừ ai, nhưng Giáo Hội trạch cử một số người chuyên đi rao giảng mà ta gọi là “các nhà truyền giáo.” Đức Giêsu không còn trực tiếp rao giảng như ngày xưa nữa mà cần loài người chúng ta phải cộng tác để đi đến các hang cùng ngõ hẻm đem Lời Chúa đến cho mọi người.

Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tranh tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng, có một ngôi nhà thờ Công Giáo. Bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Đức Kitô. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh qua rồi bức tượng đã biến mất. Bức tượng đã bị hất ra khỏi bệ vỡ ra từng mảnh trên mặt đất. Một hôm lính Mỹ đã giúp vị linh mục thu thập những mảnh vụn. Một cách cẩn thận, họ đã ráp lại pho tượng. Họ tìm thấy tất cả các mảnh vỡ, trừ đôi bàn tay. Họ đề nghị khi trở về Mỹ họ sẽ đặt làm đôi bàn tay ấy. Nhưng vị linh mục đã từ chối. Ông nói: “Tôi có một ý tưởng hay hơn: Chúng ta hãy để pho tượng không có bàn tay. Và chúng ta sẽ ghi vào chân tượng lời này: BẠN ƠI, BẠN HÃY CHO TÔI MƯỢN ĐÔI BÀN TAY CỦA BAN” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr 494).

Trở lại bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta biết Đức Giêsu đã chọn 12 Tông Đồ để trở thành những cán bộ nồng cốt cho việc rao giảng Tin Mừng. Các ông đã sống với Ngài một thời gian, đã chứng kiến cuộc đời Chúa, đã nghe Ngài giảng thuyết, đã chứng kiến phép lạ Ngài làm, đã nhìn thấy những thất bại của Ngài ở Gherasa và ở Nazareth, đã nhận thức thái độ thù ghét của người biệt phái (Jn 15:27). Nay đã đến lúc thử để biết vàng hay thau. Ngài cần cho các ông biết phải hoạt động theo tinh thần nào và những nguyên tắc nào.

Chúng ta hãy xem cách thức Đức Giêsu sai các Tông Đồ như thế nào: 1. Ngài sai các ông đi từng hai người một để giúp đỡ nhau (Mk 6:7), biểu lộ tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ, đồng thời để làm chứng tích sống động về điều họ rao giảng là cộng đoàn huynh đệ yêu thương. Nguời ta cứ dấu đó mà biết họ là những môn đệ của Chúa Kitô (Jn 13:35). 2. Ngài ban quyền lực đây phải hiểu là “quyền trừ các thần ô uế” (Mk 6:7) Câu nói đó phải hiểu theo quan điểm đã ghi chép trong Mt 10,8 và Lc 9,1 nghĩa là khu trừ quỉ ám và chữa lành các bệnh tật: vì theo quan niệm thời đó, tất cả các bệnh tật đều coi như là hậu quả của tội lỗi (Jn 9:2, 34) và không ít thì nhiều do ma quỉ làm.

Trước tiên hãy đến với dân Chúa tức là những người Do Thái: ”Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn là hãy đến với các chiên lạc nhà Israel” (Mt 10:5). Còn đối với dân ngoại, các ông sẽ đến với họ sau khi Chúa đã về trời (Act 13:46).

Các ông sẽ rao giảng sự thống hối (Mk 6:12). Vì công cuộc cứu chuộc chưa hoàn tất nên Đức Giêsu không dạy các ông giảng về Ngài. Điều đó Ngài sẽ dạy các ông rao giảng sau này khi Ngài đã chịu chết và sống lại để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu thế (Rm 1,3-4; 1Cr 1,23).

Khi sai các Tông Đồ đi truyền giáo, Đức Giêsu căn dặn các ông kỹ càng nhiều điều để làm hành trang lên đường. Chúng ta có thể tóm tắt các lời căn dặn đó trong 3 điểm sau: 1. Đức Giêsu đã từng nói về Ngài: ”Con chồn có hang, con chim có tổ, Con người không có nơi tựa đầu” (Mt 8:20). Ngài di chuyển nay đây mai đó, không vướng mắc gì về phần vật chất nghĩa là sống siêu thoát. Vì thế, Ngài khuyên các ông đừng mang gì ngoài cây gậy. Thậm chí không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi (Mk 6:8). Người tông đồ không chuẩn bị gì để lên đường, mọi sự đã có Chúa lo: ”Tiên vàn các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các sự khác Ngài sẽ ban cho” (Mt 6:33). 2. Đức Giêsu đã bị hất hủi nơi quê hương mình: ”Không có tiên tri nào mà không bị khinh dể nơi quê hương mình” (Mk 6:4). Các Tông Đồ cũng sẽ rơi vào trường hợp đó. Các ông sẽ không được một số người tiếp nhận và còn bị ngược đãi nữa. Trong trường hợp đó, Ngài cho phép ra đi đến một nơi khác, và giũ bụi chân lại cho họ biết lỗi lầm của họ (Mk 6:11). Người Do Thái có thói quen làm như thế khi họ đi từ vùng dân ngoại vào vùng đất của họ để minh chứng họ dứt bỏ mọi liên hệ xấu xa với dân ngoại. Vậy người môn đệ làm như thế để đánh thức những ai từ chối họ, và cho những người ấy biết rằng cách cư xử của họ như vậy là đã trở thành dân ngoại. 3. Đức Giêsu đã dạy các Tông Đồ phó thác theo nghĩa là khi các ông ra đi truyền giáo, các ông chỉ cần một số phương tiện vật chất vừa đủ: một cây gậy để chống lại thú dữ dọc đường, một chiếc áo mặc, một đôi dép để đi, thế thôi. Đừng quá lo lắng về vật chất: không cần mang lương thực dự trữ, không cần thủ nhiều tiền trong túi, không cần tới hai áo, không cần mang bị theo để đựng quà biếu của người khác. Về nơi ăn chốn ở cũng thế, miễn sao có chỗ trọ là được, không cần tìm đến nhà giầu sang, chỗ nào không tiếp nhận thì đi chỗ khác (Mt 10:9; Lc 10:4-7). Điều chính yếu quan trọng mà các ông cần cậy dựa vào, đó là quyền năng của Chúa.

Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, trước khi ra về, Linh mục nói lên lời cầu chúc và căn dặn mọi người: ”Ite, Misa est”: Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Linh mục không cầu chúc mọi người trở về nhà bình an mà cầu chúc mọi người ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Thánh Lễ chưa kết thúc ở đây mà còn kéo dài trong cả ngày, trong cả cuộc sống. Chúng ta đã tiếp nhận được Lời Chúa trong Thánh Lễ thì hãy đem lời Chúa gieo rắc khắp nơi nhất là cho những người chưa nhận biết Chúa. Hãy đi làm chứng cho Chúa giữa lòng đời.

Làm chứng cho Chúa là lấy lời nói, nhất là cách ăn ở, việc làm mà tỏ cho người khác biết Chúa Kitô, vì người ấy giống Chúa Kitô trong tư tưởng, nói năng, xử sự, việc làm. Vì giống như vậy nên khi người ta gặp người ấy, thì người ta nhớ đến Chúa Kitô. Người ấy đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô như Thánh Phaolô nói: ”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).

Chúng ta chỉ là công cụ của Chúa để nhờ đó người ta biết Chúa. Tuy công cụ nhỏ bé chẳng đáng kể nhưng lại cần thiết. Chúa không trực tiếp tỏ mình ra cho người ta mà dùng con người nhỏ bé của chúng ta để tỏ lộ cho mọi người biết Thiên Chúa cao cả. Chúng ta chỉ là phương tiện để Chúa đến với người ta và người ta đến với Chúa. Ví dụ: một người muốn biết ngôi sao mai trên trời nhưng không biết ngôi nào trong hàng ngàn ngôi sao, nhưng nếu chúng ta dùng bàn tay chỉ cho họ thì họ sẽ nhận ra ngôi sao mai trên trời. Bàn tay chỉ là phương tiện để người ta nhìn ra sao mai, nếu không có bàn tay ấy thì người ta không nhìn ra sao mai được.

Một ngày mùa đông một người đàn ông đang đi gặp một cậu bé đang ngồi ăn xin trên một cây cầu của thành phố. Trời lạnh, gió thổi mạnh. Cậu bé run lập cập vì lạnh và rõ ràng đang cần một bữa ăn ngon. Nhìn thấy cậu bé, người đàn ông rất tức giận bèn nói với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa không làm điều gì đó cho cậu bé này?” Thiên Chúa đáp lại: “Ta đã làm một điều gì đó cho nó rồi. Ta đã làm ra con” (Flor McCarthy, Sđd, tr 492).

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ những lời sau cùng: ”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16,15; Mt 28,19). Nếu Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân thì lệnh truyền ấy phải có thể thực hiện được: thực tế đã chứng minh, các ông đã đem Tin Mừng đến mọi nơi, và từ hai ngàn năm nay vẫn còn tiếp tục. Dĩ nhiên với thời gian vắn vỏi các ông chưa có thể đi khắp thế giới rao giảng được, nhưng Giáo Hội đã tiếp nối sứ mạng ấy và nhờ chúng ta là những phần tử trong Giáo Hội tiếp tục sứ mạng ấy. Ai không rao giảng Tin Mừng là một điều thiếu sót. Thánh Phaolô đã nói: ”Khốn thân tôi, nếu không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Chúa về trời, Ngài đã mượn miệng lưỡi chúng ta để rao giảng, mượn đôi tay chúng ta để thi ân, mượn đôi chân chúng ta để đi đến những người cùng khổ. Tuy về trời, Ngài vẫn hiện diện và hoạt động trong cuộc sống chứng nhân của mỗi Kitô hữu.

Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên thế giới này có biết bao nhiêu ngành nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta. Chính vì vậy mà Chúa đã bảo các Tông Đồ và chúng ta rằng: ”Các con là chứng nhân của Thầy” (Lc 24,48).

Chúng ta có thể rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết hay bất cứ một phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính cách thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta; chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho Linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ Ngài về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: ”Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người.”

Thánh Phanxicô gọi một thầy dòng cùng đi giảng với ngài. Hai thầy trò cùng đi các đường phố Assise, cách nghiêm trang, suy tưởng về Chúa… Về nhà, thầy dòng hỏi cha Thánh: “Giảng ở đâu?” Cha Thánh trả lời: “Giảng là đem Chúa đến bằng gương sáng, bằng cách sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn.”

Trong cuộc sống văn minh đầy tiện nghi hôm nay, nhiều Kitô hữu đã lao mình vào cuộc sống vật chất; họ chỉ biết hưởng thụ, thu tích cho nhiều của cải mà quên đi vai trò làm chứng của mình. Họ là những Kitô hữu vô thần. Trên danh nghĩa thì họ là Kitô hữu, nhưng trong thực tế, cách sống của họ hoàn toàn là vô thần. Họ còn vô thần hơn cả người vô thần nữa. Cách sống thiếu gương mẫu của họ vô tình biến đổi từ nhân chứng đến “phản chứng”, thay vì lôi kéo người ta đến với Chúa lại đẩy người ta ra xa Chúa hơn.

Đức Giêsu đã dạy chúng ta: ”Các con sẽ làm chứng về Thầy” (Jn 15:27; Lc 24:48; Act 1:8). Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô đều có trách nhiệm sống ơn gọi của mình như thế nào để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh. “Không ai có thể nhìn thấy Chúa” (Jn 6:46), nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa cho anh chị em chung quanh. Qua tình thương nhân từ của chúng ta, qua những việc tốt lành chúng ta làm, anh chị em chung quanh có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng tràn đầy tình thương nhân từ. Qua sự sẵn sàng tha thứ của chúng ta cho kẻ khác, anh chị em chung quanh cảm thấy được Thiên Chúa là Đấng giầu lòng tha thứ (Lc 6:36; Mt 5:48).

ĐƯỢC NGÀI SAI ĐI

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Ðức Giêsu là người làm nên Nhóm Mười Hai.

Sau một thời gian ở với Ngài (x. Mc 3,14),

họ đã được Ngài sai đi rao giảng.

Người được sai đi

phải là người có đời sống gần gũi thiết thân với Chúa.

Ðức Giêsu sai họ lên đường.

Ngài trao cho các ông những quyền năng Ngài có:

quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ.

Ðó là hành trang lên đường của các ông.

Mọi hành trang khác chỉ là phụ thuộc:

một chiếc áo đang mặc,

một cây gậy và đôi dép khi đi đường.

Ðức Giêsu cấm các ông không được mang theo

lương thực, bao bị, tiền bạc…

Không lương thực đi đường nên có thể bị đói.

Không bao bị nên không thể để dành.

Không tiền bạc nên không thể mua sắm.

Ngài muốn các ông hoàn toàn nương tựa

vào lòng tốt của Thiên Chúa và của con người.

Ra đi mà không có một chút bảo đảm.

Các môn đệ đã đi từ nơi nọ đến nơi kia,

lê gót qua các làng mạc và thành phố.

Họ không đóng đô ở một nơi, dù gặp thành công,

vì họ nhớ lời của Thầy:

“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh,

để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (x. Mc 1,38)

Tính cơ động là đặc tính thiết yếu của người tông đồ.

Sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi.

Các môn đệ loan báo về Nước Thiên Chúa đang đến.

Ðó là một tin vui, nhưng đòi con người hoán cải.

Hoán cải là điều chẳng ai ưa.

Người tông đồ cần can đảm nói điều phải nói.

Không làm nhẹ đi những đòi buộc của Tin Mừng,

không bóp méo Tin Mừng để tìm thành công cá nhân,

cũng không mị dân để vuốt ve dư luận.

Người tông đồ phải chấp nhận được tiếp đón

một cách nồng hậu hay lạnh nhạt.

Họ chỉ là những người phục vụ cho Tin Mừng.

Chúng ta cần cảm nghiệm niềm vui của các môn đệ.

Những người đánh cá nay trở thành nhà rao giảng.

Những người ít học, bình dân, nay trừ quỷ và chữa bệnh.

Họ đem đến cho con người niềm vui,

sự giải phóng toàn vẹn cả hồn lẫn xác.

Hôm nay Ðức Giêsu vẫn sai ta đến trong thế giới.

Ði từng hai người hay từng nhóm để nâng đỡ nhau.

Chúng ta có thể mang theo nhiều đồ trang bị hơn xưa,

nhưng không vì thế mà bỏ rơi cậy dựa vào Chúa.

Thế giới hôm nay vẫn có nhiều bệnh tật:

bệnh tuyệt vọng chán chường, bệnh hoài nghi khép kín…

Ước gì chúng ta chữa lành những nỗi đau hôm nay.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đường

nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,

biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng

đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đường,

nhẹ nhàng và thanh thoát.

HÀNH TRANG NGƯỜI MÔN ĐỆ

TGM. Ngô Quang Kiệt

Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.

Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác. Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.

Hành trang của người môn đệ là tình liên đới. Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.

Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương. Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.

Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa Nam rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Chúa sai bạn đi làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?
  2. Mỗi khi đi làm việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ không?
  3. Theo bạn, đâu là phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?
  4. Đâu là những hành trang cần thiết của người môn đệ của Chúa?

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*