• NIỀM VUI – Theo Lm. Peter Tran
  • NĂM CHIẾC BÁNH – Lm. Nguyễn Thái
  • CÁC CON HÃY CHO HỌ ĂN – Lm. Đinh Lập Liễm
  • CON MƠ ƯỚC… – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • ĐÀO TẠO TRÁI TIM – TGM. Ngô Quang Kiệt

NIỀM VUI (Mc 6:1-6)

Theo Lm. Peter Tran

Kính thưa anh chị em thân mến,

Hôm nay, bài đọc hai và bài Tin Mừng cho chúng ta thấy có hai niềm vui khác nhau. Trong bài Tin Mừng, dân chúng đã chứng kiến một phép lạ, và họ đã được ăn một bữa no nê và còn dư 12 thúng đầy, không mất tiền, hoàn toàn free.  Họ đã vui mừng đến nỗi muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua để họ được tiếp tục ăn free.

Chúng ta thấy dân chúng có thái độ thật kỳ quặc với phép lạ bánh hoá nhiều Chúa thực hiện. Họ hoàn toàn hiểu sai chủ ý của Chúa Giêsu. Phải, dân chúng đã trần tục hóa phép lạ. Chạy theo lợi nhuận vật chất, họ chỉ nhìn thấy vật chất. Nói như thánh Phaolô họ tôn thờ cái bụng! Thánh Gioan nói rõ chi tiết này: “Sau biến cố, dân chúng muốn bắt Chúa đi mà tôn lên làm vua.” Dân chúng được ăn no nê và vui mừng muốn tôn Chúa làm vua để được ăn free hoài, có lẽ để tiếp tục phục vụ cho những lợi lộc vật chất, cho những tham vọng của họ. Thay vì cố gắng để được ăn của ăn không hư nát, để được sống đời đời, thì dân chúng lại giới hạn phép lạ trong chiều kích vật chất của cơm bánh để nuôi sống thể xác mà thôi. Phải chăng đó cũng là một trong những cám dỗ vẫn thường xảy ra cho mỗi người chúng ta dù thời đại nào. Cám dỗ dùng Thiên Chúa cho những chuyện tầm phào, vài ba chuyện lẻ tẻ! Bắt Chúa chỉ phục vụ cho vài ba nhu cầu thể xác thôi.

Nhưng khi Chúa Giêsu từ chối sự tôn phong ‘làm dzua’ của họ, chúng ta nghĩ niềm vui của họ sẽ tồn tại được bao lâu? Chắc chắn là không có dài. Phép lạ cũng không đem lại niềm vui bền vững được.

Còn trong bài đọc hai, thánh Phaolô đang là tù nhân khuyên các tín hữu Êphêsô “ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận” “chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người và ở trong mọi người.”

Lý do tại sao thánh Phaolô đang trong tù vẫn bình an khuyên tin nơi Chúa vì như trong Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa công minh trong mọi đường lối, thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. Chúa gần gũi những kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm.”

Nếu Chúa là trung tâm của cuộc sống chúng ta, thì không ai có thể làm mất niềm vui của chúng ta được. Nếu lòng chúng ta mong ước những sự trên trời thì ba cái nhỏ như con thỏ ăn cỏ làm sao ảnh hưởng trên ta? Niềm vui ở đây phát xuất từ một niềm tin, một niềm hy vọng, vào sự hạnh phúc cao vượt hơn, sâu xa hơn, và chân thực hơn; làm cho chúng ta sẵn sàng hy sinh chấp nhận tất cả những khó khăn và đau khổ khác.

Nếu chúng ta chỉ chú tâm vào những rắc rối, những khó khăn, những lời nói chê bai, những bất công, những sự không vừa ý, hay những nhu cầu không được thoả mãn, những bệnh tật, sự mất ngủ, sự kém tài… thì chúng ta sẽ bị bế tắc trong đau khổ, bị thất vọng, và tức giận.

Ngược lại nếu chúng ta chú tâm vào Thiên Chúa, đặt Chúa làm trung tâm, thì chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho những khó khăn; chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và hồng ân của Chúa bao bọc xung quanh những đau khổ của chúng ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, thánh Phaolô bị tù đầy hay các thánh, nhất là các thánh tử đạo, đã sẵn sàng đón nhận đau khổ hiện tại, để có được hạnh phúc cao vời sẽ tới.

Một ngày nọ, có ông tiên hiện ra với một anh chàng u sầu, và hỏi:

– Sao trông con buồn bã thế, có việc gì không vui à?

– Con buồn lắm, Ông Tiên ơi! Con không hiểu tại sao con làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo.

– Nghèo ư, con là một người giàu có đấy chứ.  Giả sử ta chặt một bàn tay của con, ta trả con 30 đồng vàng, con đồng ý không?

– Không bao giờ. Chưa ai nói với con như vậy cả, con rất nghèo.

– Giả sử ta chặt một ngón tay cái của con, ta trả con 3 đồng vàng, con có đồng ý không?

– Không ạ.

– Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của con, ta trả con 300 đồng vàng, con thấy thế nào?

– Cũng không được.

– Vậy, ta trả con 3.000 đồng vàng để con trở thành một ông lão, già cả, lú lẫn được không?

– Đương nhiên là không.

– Con muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho con 30.000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của con, con thấy thế nào?

– Con cảm ơn ông! Con đã hiểu, con cũng là một người giàu có.

Có khi vì mê mải sự đời, hay phải đối diện với những đau khổ, mà chúng ta quên rằng mình cũng là những người rất giàu có, vì khi chúng ta chịu phép Rửa Tội, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta sự sống Phục Sinh quí giá, sự sống đời đời, hay nói khác đi là ơn gọi sống thánh thiện mà chúng ta cố gắng theo đuổi hằng ngày.  Cho dù có mấy trăm ngàn đồng tiền vàng, hay bao nhiêu của cải vật chất, hay những khó khăn đau khổ, cũng không thể đánh đổi được sự sống Phục Sinh, sự sống thánh thiện đó. Mong rằng một khi chúng ta đã nắm chắc được kho tàng quí giá là chính Chúa Giêsu, thì cho dù có gặp những thử thách, khó khăn, đau khổ, chúng ta cũng vẫn hân hoan như thánh Phaolô đang bị cầm tù vẫn bình thản mà còn vui mừng chia sẻ những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa cho Giáo Hội.

Lạy Chúa, xin luôn nâng tâm hồn con lên để con nhìn nhận và tôn vinh Chúa hằng ngày. Xin Chúa giải thoát con khỏi làm nô lệ cho thể xác, vật chất vì Chúa vẫn còn làm nhiều phép lạ trong đời con. Xin cho con được luôn sẵn sàng lắng nghe. Xin Thánh Thể Chúa mà chúng con lãnh nhận hôm nay nên nguồn ánh sáng và sức mạnh và giúp con chu toàn trọn vẹn hơn sứ mạng Chúa đã trao phó cho con. Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã nhìn nhận Chúa làm nơi Mẹ những điều trọng đại, xin mở mắt con để con thấy Chúa cũng làm muôn điều trọng đại nơi con và ca lên với Mẹ “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa.”.

NĂM CHIẾC BÁNH

Lm. Nguyễn Thái

Xưa kia, Mẹ Têrêsa Calcuta đã có một giấc mơ. Mẹ đã từng nói với những vị bề trên của mình rằng: “Con chỉ có 3 xu thôi, nhưng Thiên Chúa cho con một giấc mơ là xây dựng một viện mồ côi.” Bề trên đã nhẹ nhàng khiển trách rằng: “Con không thể nào xây dựng được một viện mồ côi với 3 xu. Chỉ với 3 đồng xu thôi con không thể làm được bất cứ việc gì cả!” Mẹ mỉm cười đáp: “Con biết, nhưng với Thiên Chúa và 3 đồng xu của con có thể làm được bất cứ việc gì.”

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Ga 6:1-15, Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé trai. Đây là câu chuyện duy nhất đã được cả bốn Phúc Âm kể lại, hai lần trong các Phúc Âm của Mátthêu (14:13-21; 15:32-39) và Mác-cô (6:32-44; 8:1-10), một lần trong Luca (9:10-17) và Gioan. Vì thế, như William Barclay đã nhận xét, câu chuyện mang tích cách bí tích với một nội dung phong phú, có liên hệ đến đời sống đức tin của các tín hữu thời sơ khai.

Trước tiên, hóa bánh ra nhiều là sự chia sẻ trong tình liên đới. Thời Cựu Ước, trẻ con và phụ nữ là những thành phần không đáng kể. Em bé trai thì có gì đáng nói! Năm chiếc bánh và hai con cá của em cũng rất tầm thường và bé nhỏ. Theo William Barclay, bánh lúa mạch là loại bánh rẻ nhất và bị khinh chê, vì lúa mạch là lương thực của gia súc. Bánh lúa mạch là bánh của người nghèo. Còn cá thì không có gì hơn cá mòi, sardine, bắt ở biển Galilêa, được ngâm muối rất phổ thông. Vào thời này, cá tươi là loại quý giá, chỉ có ở những nơi gần biển Galilêa, vì không có phương tiện bảo trì và di chuyển đến những nơi xa.

Qua những phương tiện tầm thường và nhỏ bé này Chúa Giêsu đã làm nên một phép lạ vĩ đại. Ngài cần bất cứ cái gì chúng ta có thể mang lại cho Ngài, dù nhỏ bé đến đâu. Chúng ta đã sử dụng thế nào những món quà Thiên Chúa ban cho ta? Những món quà của chúng ta sẽ được nhân lên nếu chúng ta biết chia sẻ trong tình liên đới.

Bạn có biết rằng mỗi giờ đồng hồ, có khoảng 1,500 trẻ em trên thế giới đang chết vì đói hay vì những bệnh tật và những nguyên nhân có liên hệ đến sự đói khát không? Bạn có để ý đến sự kiện mùa Đông năm 2002, ở Afghanistan, có hằng triệu người dân phải ăn cỏ để giữ lấy mạng sống của mình không?

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khuyên: “Tình liên đới giúp ta nhìn ra ‘người khác’ – cá nhân, dân tộc, hay quốc gia – không phải như dụng cụ nào đó mà người ta khai thác khả năng lao động hay sức dẻo dai thể lý cho đỡ tốn tiền, để rồi vất bỏ đi như đồ vô dụng. Nhưng phải nhìn ‘người khác’ đó như kẻ ‘giống’ mình, một trợ lực (St 2:18-20), mà người ta phải làm cho được cùng tham dự vào bữa tiệc cuộc đời ngang hàng với ta; bữa tiệc mà mọi người đều được Chúa mời gọi tới dự. Do đó, cần phải khơi dậy ý thức tôn giáo nơi mọi người, mọi dân tộc” (TVNNTB, Lao Động, trang 190).

Thứ hai, việc hóa bánh ra nhiều nói lên thái độ duy vật của dân chúng. Trong cuốn “The Great Church Year” (Crossroad, New York: 1994), thần học gia Karl Rahner đã giải thích tâm lý phức tạp của quần chúng lũ lượt kéo đến với Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay: “Họ đã đi theo Chúa Giêsu vào hoang địa vì họ ý thức rằng cuộc sống riêng tư của họ cũng là một hoang địa. Họ đói những lời Chúa Giêsu phán dạy. Họ muốn có thêm một sự gì đó hơn là cuộc sống hằng ngày đã đem lại cho họ. Nhưng trong khi họ đói khát Thiên Chúa, thì cái đói thể lý chộp lấy họ. Đang khi đói khát Thiên Chúa, thì họ cũng nhận thấy chính mình đang đói khát cuộc sống trần thế này. Rồi tình huống đã biến đổi lạ lùng. Chúa Giêsu, Đấng mà họ đang theo đuổi để lắng nghe những lời hằng sống, đã ban cho họ bánh và cá, lương thực trần gian. Sau khi đã ăn uống no nê, họ lại muốn tôn phong Ngài lên làm Vua: “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6, 15). Điều đã được ban cho họ như là lương thực để nâng đỡ họ đang lúc đi tìm kiếm Thiên Chúa đã trở nên một sự cám dỗ, thúc đẩy họ thèm muốn “bữa ăn miễn phí” và đánh mất đi cái ý nghĩa của nó. Hậu quả là, Chúa Giêsu đã chạy trốn thoát ra khỏi họ.” Karl Rahner kết luận: “Đây chính là một dụ ngôn về điều đang thường xuyên xảy ra trong đời sống của mỗi cá nhân, và đặc biệt trong thời buổi khoa học kỹ thuật ngày nay.”

Thiên Chúa đã ban cho con người lý trí khôn ngoan để phát triển nền khoa học kỹ thuật, tạo nên cơm bánh và các phương tiện sinh sống khác. Khoa học kỹ thuật phải giúp con người đi tìm kiếm Thiên Chúa và hướng về đời sống vĩnh cửu. Nhưng khi đã đạt đến trình độ văn minh tân tiến rồi, con người lại muốn tôn vinh khoa học kỹ thuật trở thành một thứ ngẫu tượng giống như Thiên Chúa!

Một thực tại khác nữa là, khi nghèo khổ, người ta nhiệt tình đi tìm kiếm và thờ phượng Thiên Chúa. Xin Chúa ban cho có cơm ăn áo mặc để “có thực mới vực được đạo”. Nhưng khi đã no đủ, giàu sang, văn minh tiến bộ, người ta lại muốn tôn vinh của cải trần gian đó lên làm thượng đế thay cho Thiên Chúa!

Đây chính là những cám dỗ của con người trong mọi thời đại. Chúa Giêsu đã có những quyết định dứt khoát như Công Đồng Vatican II diễn tả: “Vì không muốn là một Đấng Thiên Sai làm chính trị, dùng sức mạnh để cai trị, nên Người thích tự xưng là Con Người, đến ‘để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn dân’ (Mc 10:45). Người đã tỏ ra là một Tôi Tớ hoàn hảo của Thiên Chúa (Is 42:1-4)” (Dignitatis Humanae, đoạn 11).

Trên hết, hóa bánh ra nhiều nói lên tình yêu thương của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu với tình yêu thương và quyền phép của Ngài chính là trung tâm của câu chuyện hóa bánh ra nhiều hôm nay. Phúc Âm kể về những hành động của Chúa Giêsu như sau: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (Mc 6:11). Đây là những hành động Ngài đã làm được diễn tả trong bữa tiệc ly khi cử hành Bí Tích Thánh Thể (Mt 26:26). Dấu chỉ hóa bánh ra nhiều dạy cho chúng ta biết rằng Bí Tích Thánh Thể là lương thực thực sự cho những ai theo Chúa Giêsu. Một nguồn ban phát lương thực phong phú vô tận cho nhân loại.

Một trong những con bệnh đáng sợ của thời đại chúng ta đang sống là tính ích kỷ (Gl 6:2; Pl 2:21). Sự ích kỷ gây nên chiến tranh và hận thù (Gc 4:1-3). Khi Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần lưu vong của người Tây Tạng, được hỏi về giải đáp cho những vấn đề rắc rối của thời đại chúng ta, ngài đã trả lời thật ngắn gọn: Lòng Thương Xót!

Có người đến nói với triết gia Hy Lạp Epictetus rằng: “Tôi không phải là bậc thánh hiền, nhưng tôi thương con tôi và con tôi cũng thương tôi lắm.” Epictetus mỉn cười rồi chỉ hai con chó con đang đùa giỡn với nhau rất thân thiện và nói: “Nếu ông thích nhìn chúng vui vẻ nô đùa với nhau như vậy, thì chớ có ném cho chúng mẩu xương nào.” Nói xong, triết gia quay lại nói tiếp với người kia: “Ông có nhớ không, hai người con sanh đôi của Oedipe là Étéocle và Polinice, ngay từ bé đã yêu thương nhau thắm thiết, nhưng chỉ vì một mẩu xương vụn rơi giữa hai đứa – tức là cái ngai vàng – mà chúng đã trở nên thù nghịch đến nỗi giết hại nhau. Vậy nếu cha con ông thương nhau, tôi cầu mong đừng bao giờ có một mẩu xương vụn nào rớt giữa cha con ông. Nghĩa là đừng bao giờ có một miếng đất nhỏ nào mà cha con ông cùng ước muốn; đừng bao giờ có người nữ xinh đẹp nào mà cha con ông cùng say mê; đừng bao giờ có một chức vị nào mà cha con ông cùng nhắm tới. Tôi chỉ sợ tổn thương tình phụ tử của cha con ông. Khi nào cha con ông, vì tình nghĩa với nhau, loại bỏ được tính ích kỷ, hờ hững của cải vật chất bên ngoài, chừng đó ông bảo với tôi cha con ông thương nhau, bấy giờ tôi mới tin.”

Mỗi khi chúng ta đến nhà thờ cử hành Bí tích Thánh Thể, tuyệt đỉnh của Tình Yêu và Hy Sinh của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi đến để học biết loại bỏ tính ích kỷ (1 Cr 11:17), và để gia tăng tình liên đới. Dấu chỉ hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá chính là phép lạ của sự chia sẻ và tình liên đới đối với những món quà của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ơn Chúa ban cho chúng ta vô cùng phong phú, đặc biệt qua bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta được gọi đến không những để lãnh nhận ơn lành của Tình Yêu Thiên Chúa mà còn phải chia sẻ ra những gì chúng ta đang có cho anh chị em chúng ta nữa. Bởi “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35).

CÁC CON HÃY CHO HỌ ĂN

Lm. Đinh Lập Liễm

Trong khung cảnh giữa nơi hoang vắng, trước một đám đông dân chúng hầu như mệt lả sau một ngày đi theo Chúa để được nghe Ngài giảng dạy và được chữa lành. Đức Giêsu bảo các Tông Đồ hãy cho họ ăn (Mk 6:37). Các ông đều có ý nghĩ rằng trong nơi hoang địa này lấy gì cho họ ăn; giả như có được 200 đồng mua bánh đi nữa thì cũng chẳng thấm vào đâu với số người đông đảo này. Nhưng Đức Giêsu đã ra tay, chỉ với 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá, Ngài đã làm cho 5000 người đàn ông, không kể đàn bà con trẻ, được ăn no nê, lại còn thu được 12 thúng đầy miếng bánh vụn (Mk 6:34-44).

Qua phép lạ này, dân chúng rất hồ hởi và muốn tôn phong Ngài làm vua (Jn 6:15) vì coi Ngài như một tiên tri có quyền năng, Đấng phải đến trong thế gian. Nhưng Đức Giêsu thấy họ hiểu sai ý định của mình và có thể gây ra nguy hiểm cho việc truyền giáo nên Ngài lánh mặt họ, trốn lên núi một mình.

Phép lạ hóa bánh ra nhiều cho người ta ăn no, không chỉ có mục đích làm cho người ta khỏi bị chết đói mà còn mang nhiều ý nghĩa cao quí hơn. Phép lạ hóa bánh ra nhiều không phải chỉ để nuôi năm ngàn người, mà để nuôi cả nhân loại qua mọi thế hệ. Như vậy phép lạ là dấu chỉ phép Thánh Thể. Bánh ấy là bánh ban sự sống (Jn 6:33-35), mà quần chúng đông đảo vô số kể là Giáo Hội qua mọi thời đại. Đức Giêsu hiện diện trong Giáo Hội sẽ thực hiện lại phép lạ mà Ngài làm hôm nay là biến bánh rượu nên Thịt và Máu để nuôi linh hồn chúng ta. Và nhân danh Ngài, các ”cộng tác viên của Đức Kitô và những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” còn tiếp tục ban phát Bánh Hằng Sống cho nhân loại (1Cr 4,1) (Hồng Phúc).

Tường thuật phép lạ làm cho bánh hoá nhiều đều muốn nói với chúng ta về lòng thương và quyền năng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đức Giêsu tỏ lòng thương những người dân đơn sơ, chất phác đi theo Ngài không kể gian nan, không nghĩ đến việc phải tìm ra đâu của ăn. Nếu chúng ta đem so sánh Đức Giêsu với tiên tri Êlisê trong bài đọc 1 hôm nay (II King 4:42-44), thì chúng ta thấy Đức Giêsu trổi vượt hơn nhiều về quyền năng, vì Ngài đã làm cho bánh ra nhiều, còn Êlisê chỉ ban phát bánh mà ngài đã nhận được mà thôi, còn việc làm cho bánh ra nhiều lại là việc của Thiên Chúa: Êlisê khi nhận được những tấm bánh người ta biếu ông, thì đã nói với tiểu đồng: ”Phát cho người ta ăn”, nghĩa là ông chia sẻ những tấm bánh của mình với những người đang đói. Còn Đức Giêsu đứng trước hàng ngàn người bụng đang đói, đã thực hiện phép lạ biến 5 chiếc bánh và 2 con cá thành một khối lượng thật nhiều bánh và cá để làm cho mọi người no nê. Rõ ràng trong phép lạ bánh hoá nhiều, Đức Giêsu vừa thể hiện lòng thương, vừa thể hiện quyền năng của một vị tiên tri của Thiên Chúa (Jn 6:14).

Theo sách Sáng Thế, trước khi dựng nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa đã tạo dựng nên vạn vật từ hư vô, và Ngài đã trao vũ trụ này cho con người quản lý (Gen 1:28; 2:15). Thiên Chúa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con người làm việc để làm ra của ăn. Con người được sống trong cảnh an nhàn thư thái trong vuờn địa đàng. Sau khi phạm tội, con người bị đuổi ra khỏi vuờn địa đàng (Gen 3:24), phải làm việc cực nhọc mới có của ăn (Gen 3:19), nhưng Thiên Chúa vẫn tạo mọi điều kiện để con người làm việc và có đầy đủ của ăn. Thánh vịnh cũng có câu: ”Chúa thương mở tay ra và thi ân cho mọi sinh vật được no nê” (Tv 144,16). Người Việt nam cũng trình bầy tư tưởng đó trong ca dao tục ngữ như “Trời sinh, trời dưỡng” hoặc “Trời sinh voi, trời sinh cỏ.”

Suốt chiều dài lịch sử loài người hoàn toàn sống nhờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự theo ý Ngài, nhưng Ngài lại muốn chúng ta cộng tác vào công trình của Ngài. Ngài có thể biến đá thành cơm bánh (Mt 4:3), nhưng Ngài vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé (Jn 6:9). Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ pháp có câu: ”Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp bạn.”

Trong phép lạ bánh hóa nhiều, chúng ta không chỉ thấy tình thương và quyền năng của Đức Giêsu, mà chúng ta còn thấy giá trị của sự đóng góp của con người. Dĩ nhiên nếu không có 5 chiếc bánh và 2 con cá của một cậu bé, Đức Giêsu vẫn có thể làm phép lạ ra nhiều bánh để nuôi dân chúng, như Thiên Chúa đã làm cho manna từ trời rơi xuống trong sa mạc nuôi dân Issrael khi họ tiến về Đất Hứa (Ex 16:4-35). Nhưng ở đây có yếu tố 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé và chi tiết này đáng chúng ta suy nghĩ để rút ra bài học bổ ích.

Trong lời giới thiệu cuốn sách “Năm chiếc bánh và 2 con cá” của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đức Hồng Y Bernard Law (nguyên hồng y giáo chủ giáo phận Boston, Hoa kỳ) đã viết: ”Một cậu bé đã đem đến cho Đức Giêsu 5 chiếc bánh và 2 con cá, một tặng vật đơn sơ mà Đức Giêsu đã dùng để nuôi một đoàn dân đông đảo. Chúng ta cũng thế, dù tặng vật của mình nhỏ bé, chúng ta cũng có thể dâng lên Thiên Chúa. Ngài sẽ dùng chúng để có một hiệu quả lớn lao trên đường của Ngài” (trang 5).

Ngày nọ, có một phụ nữ trung niên đến với lũ người nghèo khổ, hung dữ. Nhìn thấy tình trạng bi đát trước mắt, bà nhủ lòng: ”Ta phải làm điều gì mới được.” Thế rồi bà dồn tất cả tiền bạc của mình thuê một căn nhà cũ với chiếc sàn nhà dơ dáy bẩn thỉu. Tuy căn nhà không khang trang lắm nhưng có thể dùng được. Ngày hôm sau, bà đi khắp vùng lân cận tìm lũ con nít đem về dạy dỗ chúng. Thế rồi điều gì đã xẩy ra cho người phụ nữ và công việc bảo trợ của bà ấy? Ngày hôm nay bà đã có 80 trường học trang bị đầy đủ, 300 nhà phát chẩn lưu động hiện đại, 70 bệnh viện cho người cùi, 30 viện săn sóc người hấp hối, 30 viện săn sóc trẻ em bị bỏ rơi và 40 ngàn tình nguyện viên khắp thế giới sẵn lòng giúp bà. Người phụ nữ đó chính là Mẹ Têrêsa Calcutta, ngày nay đã được phong hiển thánh ( Theo M. Link).

Có một sự tương phản giữa Anrê và Philipphê. Khi Philipphê nói: “Hoàn cảnh thật là tuyệt vọng, chẳng có thể làm gì được.” Anrê thì nói: ”Để coi thử, tôi có thể làm được gì và phần còn lại tôi trao cho Đức Giêsu.” Chính Anrê đã đem cậu bé đến với Đức Giêsu (Jn 6:8-9), và bởi việc đem cậu bé ấy lại mà phép lạ đã xẩy ra. Đức Giêsu bắt các ông vào cuộc, dù khó khăn cũng phải vượt qua. Với sự cố gắng của Anrê mà Đức Giêsu đã làm phép lạ cho bánh hoá nhiều từ 5 cái bánh và 2 con cá. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người và thu lượm được 12 thúng đầy bánh vụn (Jn 6:12-13). Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.

Năm 1634, Thánh Vinh Sơn họp một số các bà đạo đức để cùng nhau sống đức ái như lời Chúa dạy. Họ ngồi lại với nhau bàn cãi để tìm phương cách hành động. Tuy nhiên, sau nhiều buổi họp bàn sôi nổi mà chẳng đi đến kết quả cụ thể nào. Một hôm, trong lúc họ đang hội họp như vậy, thì Thánh Vinh Sơn từ bên ngoài buớc vào phòng họp, trên tay mang theo một vật gói trong khăn vải. Ngài đặt chiếc khăn xuống giữa bàn họp. Thì ra đó là một bé gái khoảng mới sinh được ba ngày, bị bỏ rơi bên cạnh đống rác công cộng, mà ngài mới lượm được. Thánh nhân nói: ”Các bà muốn làm việc bác ái thì không cần nói nhiều nữa mà hãy làm việc cụ thể. Các bà hãy bắt tay mà làm ngay!” Dòng Bác Ái Vinh Sơn ra đời từ đó.

Đức Giêsu đã nói: ”Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không” (Mt 10,8). Thánh Phaolô cũng xác nhận: Mọi sự chúng ta có đều là hồng ân Chúa ban (Ps 116:20;I Cor 4:7). Ngày nay đói khát và dư thừa, thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái nguợc hiện nay trên thế giới. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh thừa. Đức Giêsu bảo các môn đệ đi thu lượm những miếng bánh thừa ấy (Jn 6:12). Ngài dạy cho mọi người biết tiết kiệm. Tiết kiệm là biết trân trọng những cái Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức rằng của cải trên thế giới là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Ngày nay, người ta có mối bận tâm về lương thực nhưng vấn đề khác nhau tùy từng khu vực của thế giới.

Trong thế giới phát triển, chúng ta có quá nhiều lương thực. Lo lắng chính của nhiều người là làm thế nào giảm bớt phần ăn để được giảm cân. Nhưng những người cứ mãi bận tâm về mình với vấn đề đó, không còn có chỗ dành cho yêu thương. Còn trong thế giới thứ ba, vấn đề là làm sao có được cái ăn cho mọi người.

Phép lạ của Đức Giêsu phải làm cho chúng ta biết ơn Thiên Chúa về lương thực mà chúng ta có được và cẩn thận không hoang phí nó. Phép lạ ấy cũng phải làm cho chúng ta tích cực quan tâm đến những người không có lương thực. Người ta biết rằng có hơn 700 triệu người trên thế giới ngày nay không đủ ăn. Một phần ba trẻ em châu Phi bị suy dinh dưỡng. Thế giới văn minh ngày nay vẫn còn là một thế giới đói nghèo, vì 80% của cải trên trái đất này đang nằm trong tay 20% những người giầu sang phú quí.

Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời, nhưng còn cần phải giải quyết các nạn đói khác nữa. Đó là nạn đói văn hoá. Đó là nạn đói những nhu cầu thiêng liêng. Ngày nay được ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp cũng chưa đủ, người ta còn cần nhu cầu tinh thần, nhu cầu văn hoá nữa. Người ta muốn nâng cao tinh thần hơn, nếu chỉ biết ăn ngon ngủ kỹ thì không hơn con vật bao nhiêu. Con người có lý trí cần phải có nhu cầu hiểu biết, nhu cầu giải trí, tinh thần phải được vươn cao hơn vật chất.

Con người có hai phần: linh hồn và thể xác. Linh hồn phải có những nhu cầu khác với thể xác, cao hơn thể xác, linh thiêng hơn. Nhu cầu tâm linh của con người ngày nay càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện.

Đối với đời sống thể xác, con người cần có của ăn vật chất để duy trì và phát triển sự sống. Đối với đời sống linh hồn, con người cũng cần phải có của ăn thiêng liêng để giúp linh hồn được sống và phát triển, đó là Lời Chúa và Thánh Thể: –Lời Chúa là nguồn sống mới nuôi linh hồn ta: ”Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). Thánh Thể là nguồn sống dồi dào và nhu cầu khẩn thiết cho linh hồn: ”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời… vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống” (Ga 6,54-55).

Hai nguồn sống này Chúa vẫn ban cho ta mọi ngày trong Thánh Lễ Misa. Thánh Lễ được chia ra hai phần: Phụng vụ lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Chúng ta được trực tiếp nghe Lời Chúa trong các bài Sách Thánh và được tăng cường bằng các lời giảng dạy của Linh mục chủ tế. Thật vậy, Lời Chúa đem lại sự sống cho con nguời: ”Lời Thầy nói là Thần khí và là sự sống” (Ga 6,63). Bánh rượu được trở nên mình và máu Chúa Kitô để trở nên của ăn của uống cho chúng ta. Chúa thiết tha mời gọi: ”Các con hãy nhận lấy mà ăn… Các con hãy nhận lấy mà uống” (Lc 22,17-20; 1Cr 11,25).

Bất cứ chúng ta trao tặng cho Ngài điều gì – chẳng hạn thời gian, tài năng, lời cầu nguyện, sự hy sinh và nguồn lực của chúng ta – Ngài sẽ xử dụng nó để đem lại kết quả vượt mọi kỳ vọng vĩ đại nhất của chúng ta. Ngài sẽ bội nhân chúng lên vượt khỏi bất cứ niềm mơ ước nào của chúng ta (Eph 3:20) giống như Ngài đã biến đổi những chiếc bánh lúa mạch và hai con cá trong bài Tin Mừng hôm nay.

Để kết thúc, chúng ta hãy dâng lời kinh nguyện rất được Thánh Igatiô Loyola yêu chuộng: “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tự do, trí nhớ, sự hiểu biết và toàn bộ ý chí của con. Xin hãy nhận lấy toàn thân con và tất cả sở hữu của con. Ngài đã ban tặng cho con, giờ đây con xin hiến tặng hết cho Ngài để Ngài tùy ý xử dụng. Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng, như thế là đủ cho con rồi và con không còn mong muốn điều chi khác nữa” (M. Link).

CON MƠ ƯỚC…

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Có người cho rằng Kitô giáo là một thứ duy tâm,

chỉ biết có đời sau, chỉ lo cho linh hồn.

Khi đọc Tin Mừng, ta thấy một điều khác hẳn.

Ðức Giêsu vừa rao giảng Nước Trời,

vừa chữa mọi thứ tật bệnh cho dân chúng.

Ngài quan tâm đến thân xác con người.

Ngài đem lại ơn cứu độ cho cả hồn lẫn xác.

Ðức Giêsu đã từng nếm cái đói trong hoang địa,

cái khát bên bờ giếng, cái mệt khiến Ngài ngủ vùi,

cái lạnh của những đêm không chỗ trọ,

Ngài biết con người có thân xác và là thân xác.

Khi thấy đám đông kiên trì theo Ngài,

Ðức Giêsu biết lòng họ rất vui, nhưng bụng họ thì đói.

Ngài muốn tặng họ một bữa ăn đơn sơ, bất ngờ,

một bữa ăn tập thể ngoài trời,

trên thảm cỏ xanh tươi sau những trận mưa xuân.

Bữa ăn khiến niềm vui được trọn vẹn.

“Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Ðức Giêsu đưa các môn đệ đi vào nỗi bận tâm của Ngài.

Ngài cần sự cộng tác của họ.

Nhưng câu hỏi trên lại là một bài toán khó.

Nó giúp các môn đệ nhận ra sự bất lực của mình.

Dù có một số tiền lớn cũng chẳng thấm vào đâu.

Khi con người bất lực thì Thiên Chúa bày tỏ quyền năng.

Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ,

từ tay một cậu bé con đến tay Ðức Giêsu,

đã trở nên lương thực nuôi năm ngàn người.

Thế giới tiến bộ hôm nay vẫn là một thế giới đói.

Ðừng vội nói đến cái đói tinh thần.

Cái đói trên thân xác vẫn làm con người quay quắt.

Ðói cơm ăn áo mặc, đói nhà ở, đói thuốc men,

đói chút nước sạch, rau sạch để dùng,

đói an toàn và bảo hộ khi lao động,

đói một bầu khí trong lành và yên tĩnh để nghỉ ngơi…

Có bao Kitô hữu đã xót xa trước cảnh đói,

và đã bắt tay vào cuộc với niềm tin,

dù họ chỉ có năm cái bánh và hai con cá.

Tất cả những gì giúp thăng tiến đời sống con người

đều là việc thánh thiêng, việc của Chúa.

Khi thân xác con người được sống xứng hợp,

tâm hồn con người dễ vươn lên các giá trị tinh thần.

Thiên Chúa đã ban một trái đất đủ nuôi sống mọi người.

Ðừng trách Thiên Chúa đã tạo ra nghèo khổ.

Chỉ nên nhận rằng bất công nằm ngay nơi lòng mình.

Xã hội còn nhiều người nghèo đói

vì tôi không dám chia sẻ cả điều mình dư thừa,

vì tôi bị hút vào cơn lốc của thời trang và mua sắm,

vì tôi xa lạ với những Giêsu quanh tôi

đang đói khát, không nhà, trần trụi và đau yếu.

Ước gì tôi biết yêu mến con người như Ðức Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:

Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này

là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.

Con mơ ước

không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,

bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.

Con mơ ước

mọi người đều có việc làm tốt đẹp,

không còn những cô gái đứng đường

hay những người ăn xin.

Con mơ ước

những người thợ được hưởng lương xứng đáng,

các ông chủ coi công nhân như anh em.

Con mơ ước

tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,

các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con,

con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,

xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,

và xanh của bao niềm hy vọng

nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.

Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,

thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.

ĐÀO TẠO TRÁI TIM

TGM. Ngô Quang Kiệt

Tâm hồn người thanh niên dũng cảm và quảng đại ấy có những nét giống với tâm hồn của Đức Giêsu. Mỗi khi nhìn thấy những cảnh khổ ở đời, Đức Giêsu không sao cầm được lòng thương. Hôm nay, nhìn thấy đám đông đói khát, Người không thể để mặc họ ra về. Người cảm thấy có trách nhiệm phải lo cho họ ăn uống đầy đủ. Dù giữa nơi hoang vu không có hàng quán. Mà nếu có hàng quán cũng chẳng ai đủ tiền mua cơm bánh cho hàng chục nghìn người đang đói khát. Nên người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân. Qua phép lạ lớn lao này, Đức Giêsu hé mở cho ta thấy trái tim đầy tình thương xót của Người, quyền năng cao cả của Người. Nhưng đồng thời Người cũng nhân dịp này đào tạo trái tim con người.Đài VTV1 đã chiếu lại bộ phim truyền hình nhiều tập “Bản Tin Sớm”. Nhân vật chính trong phim là Gary Hopson, một người thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày qua tờ báo “Chicago”. Khi đọc tin tức, anh thường chú ý tới những người đang gặp nạn. Mỗi khi thấy có người bị nạn, anh luôn băn khoăn tự hỏi xem mình phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân. Và lập tức, bất kể những khó khăn, anh lên đường tìm giúp người bị nạn.

Bài học thứ nhất mà Người muốn dạy ta, đó là lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể.  Lòng cảm thương là một tình cảm tốt. Nhưng cảm thương suông thì chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả dối. Lòng cảm thương ai cũng có. Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu thốn phương tiện. Các tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động. Nhưng Đức Giêsu bắt họ vào cuộc. Đã thấy việc tốt thì cố gắng làm. Dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua. Chỉ có việc làm cụ thể mới minh chứng một lòng cảm thương đích thực. Thế là các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người. Các ông đi thu lượm những mẩu bánh còn dư. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.

Bài học thứ hai mà Người muốn dạy ta, đó là hãy cộng tác vào công trình của Chúa.  Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của Người. Người có thể biến đá thành bánh. Nhưng Người vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp bạn”. Sự cộng tác của ta nói lên nhu cầu thật sự bức thiết. Sự cộng tác tích cực nói lên lòng ta tha thiết mong muốn. Nỗ lực của con người là khởi đầu phải có. Rồi Chúa sẽ làm nốt phần còn lại. Ở đây ta phải ghi nhận lòng quảng đại của em bé. Có lẽ em đi bán bánh. Giữa nơi hoang vu vắng vẻ, trước một đoàn người đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ nâng giá bánh để tìm lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại dâng hết cho Chúa. Chính sự quảng đại của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn người.

Bài học thứ ba mà Người muốn dạy ta, đó là hãy biết tiết kiệm. Đói khát và thừa mứa.  Thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Khi dư giả người ta dễ phung phí. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Đức Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẩu bánh thừa. Chúa dậy cho mọi người hãy biết tiết kiệm. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Tiết kiệm để chia sẻ. Tiết kiệm vì công bình. Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giầu có tiêu xài phí phạm.

Bài học thứ bốn mà Người muốn dạy ta, đó là phải tìm lương thực thiêng liêng.  Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời. Về lâu về dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác. Đó là nạn đói văn hóa. Đó là nạn đói đạo đức. Và trên hết, đó là nạn đói lương thực thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện. Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, vươn lên những giá trị tâm linh.

Với những bài học kèm theo việc hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn đào tạo trái tim chúng ta. Người muốn trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại. Người muốn lòng cảm thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh em. Người muốn trái tim ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Người muốn đào tạo ta nên những con người phát triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Người muốn nuôi dưỡng không chỉ thân xác nhưng nhất là linh hồn ta.

Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn con lên tới Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Hãy kể lại những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
  2. Bạn có thể góp phần phát triển xã hội bằng cách tiết kiệm. Bạn có thấy việc đó là cần thiết không?
  3. Nhiều lần bạn đã xin Chúa cho được cơm no áo ấm. Nhưng có bao giờ bạn xin Chúa cho được nên người tốt, biết sống đạo đức hơn không?
  4. Lòng cảm thương của bạn có đi đến những việc làm cụ thể không?

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*