• CHIA SẺ - Lm. Inhaxiô M. Hải Dương, CRM
  • CUỘC SỐNG MUÔN ĐỜI – Lm. Nguyễn Thái
  • HÃY TÌM LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH – Lm. Đinh Lập Liễm
  • MANNA TỪ TRỜI… – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • TÌM KIẾM GIÁ TRỊ TUYỆT ĐỐI – TGM. Ngô Quang Kiệt

CHIA SẺ(Ga 6:24-35)

Lm. Inhaxiô M. Hải Dương, CRM

Hiện nay, Hoa Kỳ, cũng như nhiều nước trên thế giới đã chú ý tới những loại thực phẩm sạch, mà người ta gọi là Organic food. Đây là loại thực phẩm không dùng chất hóa học. Có những loại rau organic, trứng organic, thậm chí cả đường cũng organic. Thế rồi có những tiệm ăn chỉ phục vụ thực phẩm Organic.

Ngay tại Việt Nam, bên cạnh những thực phẩm chết người, nhập từ Trung Quốc, cũng thấy có những thực phẩm Organic như rau sạch. Nhà vườn quảng cáo loại rau sạch này được cấy ở trong những nhà kiếng, không có bụi bậm, không dùng phân hoá học, ăn  không bị đau bụng. Nếu có đau thì người ta bảo là vì bạn ăn thịt thà, cá mú toàn là những thứ được nuôi bằng cám, trộn chất hoá học, hay bị ô nhiễm môi trường.

Ngày nay, thiên hạ cố đi tìm cho được những thực phẩm sạch để bảo toàn sức khoẻ.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc người Do Thái đi tìm Chúa, tìm thức ăn đặc biệt qua phép lạ Chúa Giêsu làm từ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Sau  bữa tiệc này, dân chúng vẫn còn sôi nổi, đi kiếm tìm người đã ban cho họ của ăn đó. Chúa Kitô nói với họ: “Các ngươi tìm Ta không phải vì thấy các dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Và có lẽ đúng như vậy, vì người ta hy vọng sẽ được ăn những bữa ăn tương tự.

Thực phẩm là nỗi lo âu của người nghèo vùng Galilê. Đó cũng là mối lo của hằng tỉ người trên thế giới hiện đang sống trong những tình cảnh khó khăn. Có những thống kê, ước tính hằng nhiều triệu người trên thế giới đi ngủ đêm mà bụng bị đói.

Đức Kitô không chê trách họ vì chuyện ăn uống này. Ngài chỉ muốn nâng họ lên cao hơn, bởi lẽ con người không chỉ có thân xác, mà còn có hồn thiêng. Ngài căn dặn họ hãy “tìm những thực phẩm không hư nát, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi.”

Khi nói với dân chúng tìm những của ăn không hư nát, Chúa Kitô muốn nói lên rằng đời sống con người không chỉ lẩn quẩn trong thế giới vật chất, như của ăn, của uống, như ngủ nghỉ, vui chơi. Vì nếu chỉ có thế thì con người không khác chi một con vật, chúng cũng có bản năng tìm kiếm những thứ đó. Đời sống con người phải được nâng lên đến với Chúa, Đấng luôn chia sẻ những gì là tốt đẹp cho con người. Tuần trước Ngài làm phép lạ cho bánh hoá nhiều cho dân chúng ăn no nê. Tuần này, Ngài ban cho họ bánh bởi trời là bánh đích thực, không như Man-na từ trời rơi xuống để dân chúng phải đi lượm hằng ngày.

Đón nhận của ăn từ môi miệng Chúa Kitô mệnh danh là: “Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống”, cũng đòi hỏi chúng ta phải chia sẻ những gì chúng ta có cho tha nhân.

Chia sẻ đó là điều chúng ta luôn được kêu mời thực hành trong đời sống. Cậu bé trong bài Tin Mừng tuần trước cũng đã biết chia sẻ những gì mình có cho Chúa, để Chúa làm nên phép lạ. Sự chia sẻ đầu tiên đó, cuốn theo cả một dây chuyền chia sẻ. Các tông đồ đón nhận sự chia sẻ của em bé, lại mang lại cho Chúa. Rồi sự chia sẻ tiếp tục, khi Chúa Kitô, sau khi đọc lời tạ ơn, lại chia sẻ cho các môn đệ, và các môn đệ lại chia sẻ cho dân chúng. Nhưng làm sao các tông đồ, với 12 vị có thể chia sẻ cho mấy ngàn người, nếu không có sự tiếp tay của dân chúng, người này chuyền tới người khác, người khác chuyền tới người kia. Và kết cục, là nhờ sự chia sẻ, mọi người được ăn no nê.

Nhưng sự chia sẻ đó chưa hết. Chúa Kitô kêu mời các Tông Đồ thu lại những mảnh bánh vụn còn lại. Một lần nữa, mọi người lại chia sẻ phần dư thừa của mình cho các tông đồ, và kết quả là được 12 thúng bánh vụn còn lại.

Mỗi ngày Chúa Nhật, tham dự Thánh Lễ, Chúng ta được đón nhận Mình Máu Thánh Chúa vào trong tâm hồn. Chúng ta được đón nhận ơn phúc bình an của Chúa hứa mỗi khi tham dự Thánh Lễ. Lời linh mục đọc sau kinh Lạy Cha: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban sự bình an của Thầy cho các con” và lời chúc bình an vào lúc kết Lễ, phải là lời phấn khích chúng ta  hãy chia sẻ sự bình an của mình cho tha nhân. Đây chính là lời mời gọi nối dài Thánh Lễ trong cuộc sống.

Thực tế, cuộc sống thường nhật của chúng ta, cũng như tha nhân có biết bao nhiêu là những khó khăn, thử thách, chúng ta hãy chia sẻ những gì mình có để nâng đỡ tha nhân, như hy sinh thời giờ, sức lực, tài năng, của cải vật chất để giúp đỡ tha nhân. Vì chính Mình Thánh Chúa Kitô cũng đã phải bẻ ra để phân phát cho mọi người tham dự. Sự chia sẻ này sẽ làm cho chúng ta được giầu có hơn, làm cho trái tim chúng ta được mở rộng, và làm cho cuộc sống  chúng ta được giầu có thêm lên.

Xin Đức Mẹ, sau khi mang thai Chúa Kitô, đã mau mắn quảng đại chia sẻ Chúa Kitô cho tha nhân, cho gia đình Giacaria, cho các mục đồng, cho ba vua, và cho nhân loại khi đứng dưới chân thập giá, giúp chúng ta cũng biết chia sẻ đời sống mình cho tha nhân như vậy.

CUỘC SỐNG MUÔN ĐỜI

Lm. Nguyễn Thái

Ngày 31/7/1997, trên trang nhất của hai tờ báo lớn ở Chicago, Chicago Tribune và Sun Times, đăng tin, hình ảnh, và cuộc đời của bà cụ Gladys Holm. Bà qua đời vào tháng 6/1996, thọ 86 tuổi, đã để lại một di chúc trao tặng 18 triệu đô la cho bệnh viện Nhi Đồng Children’s Memorial. Với cuộc sống giản dị, tấm lòng yêu thương các em nhi đồng, và quan trọng hơn hết là viễn tượng hướng về tương lai nhân loại của bà cụ là bài học quý giá cho hậu thế.

Bà sống rất bình dân trong một căn nhà nhỏ, chỉ có 2 phòng ngủ ở Evanston, một thị xã nhỏ phía bắc Chicago. Hàng xóm láng giềng không ai biết rằng họ đang sống với một bà cụ triệu phú. Bà thích ở nhà có hàng xóm láng giềng để cảm thấy gần gũi, ấm cúng như đang ở trong gia đình hơn là cư ngụ ở những biệt thự sang trọng, giàu có dọc theo bờ hồ Michigan với cuộc sống trưởng giả dành cho các triệu phú. Khi còn trẻ bà làm việc cho công ty cung cấp dụng cụ y khoa của Mỹ, “The American Hospital Supply Corp.” Tất cả số tiền bà kiếm được trong 42 năm làm việc đã được đầu tư vào thị trường chứng khoán (stock). Với sự phát triển mau chóng, công ty đã trở thành một trong những hãng sản xuất những sản phẩm về sức khoẻ và y dược lớn nhất thế giới.

Bà là người con duy nhất trong gia đình, lúc qua đời, tất cả thân nhân họ hàng không ai còn sống cả! Tuy cuộc sống có vẻ đơn độc bà không cảm thấy cô đơn chút nào, vì trái tim luôn chứa đầy tình thương mến dành cho các trẻ em ở bệnh viện Nhi Đồng Children’s Memorial. Khi về già, với chứng bệnh phong thấp, bà phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng bà vẫn thường xuyên có mặt ở bệnh viện để thăm viếng, phát quà, và đồ chơi cho các em, ngay cả cho các em tới thăm viếng người bệnh, vì bà không muốn một em nào bị bỏ rơi. Trong nhà bà luôn luôn có sẵn khoảng từ 200 tới 300 con gấu Teddy để phát cho các em. Năm 1991, bà bác sĩ Constantine Mavroudis, trưởng khoa phẫu thuật về tim của bệnh viện Nhi Đồng, cùng với luật sư và bạn bè đã đến thăm bà tại tư thất, đã kể lại câu chuyện như sau:

Bà bác sĩ đã trao tặng bà cụ ít sách và phim ảnh tài liệu liên quan đến việc giải phẫu tim cho các em. Hôm đó, tại phòng khách, bà vừa rót nước mời khách, vừa hỏi bác sĩ: “Bà có cần gì không?” “Có, tôi đang cần 50 ngàn đô la, để tài trợ cho chương trình nghiên cứu giải phẫu tim cho các em,” bác sĩ trả lời. “Được! Bà sẽ có ngay! Nếu cần thêm nữa thì cho tôi biết!” Bà cụ hứa hẹn.

Bà đã đóng góp 18 triệu đô la vào để nghiên cứu về vai trò của gen, thay thế các bộ phận trong cơ thể con người, và săn sóc các trẻ em sơ sinh bị nhiễm bệnh AIDS. Bà Gladys Holm đã sử dụng tất cả những gì bà có, không những tiền bạc, mà còn chính tình yêu và sự sống của bà để bảo vệ và xây dựng nguồn mạch sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho loài người. Bà đã dùng của cải trần gian để đi tìm gia tài không thể hư hoại trên trời (1Pr 1: 4-5).

Bài Phúc Âm hôm nay, Ga 6:24-35, nối tiếp câu chuyện Chúa Giêsu nuôi một đám đông 5000 người ngày hôm trước. Sau việc Chúa hóa bánh ra nhiều, dân chúng được ăn uống no nê và muốn phong Chúa Giêsu làm vua, nên Ngài phải tránh họ đi nơi khác. Họ bèn đi tìm kiếm Ngài. Chúa nhìn thấy động lực thúc đẩy quần chúng tìm kiếm Ngài vì “đã được ăn bánh no nê”, vì được thỏa mãn những nhu cầu vật chất, tạm bợ ở đời, nên Ngài đã dạy họ: “Đừng làm việc vì lương thực mau hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời” (Ga 6:27). Chúa Giêsu đã có một viễn tượng khác với cái nhìn thiển cận của con người.

Trong bộ Barclay’s Daily Study Series, William Barclay đã chú giải như sau: “Con người, như Chrysostom đã nói, bị đóng đinh vào những sự vật của đời sống này. Ở đây, những con mắt của người ta chưa bao giờ được cất nhắc ra khỏi các thành vách của thế giới này để tới những sự đời đời ở bên kia.” Xưa kia, Napoleon và một người bạn đang nói chuyện với nhau về cuộc đời. Bên ngoài trời tối thui, họ đi bộ đến bên cửa sổ và nhìn ra bên ngoài. Trông bầu trời ở rất xa, có những vì sao nhỏ li ti. Napoleon rất sáng mắt, trong khi người bạn lại cận thị. Napoleon chỉ tay lên bầu trời và hỏi: “Anh có nhìn thấy những ngôi sao này không?” Người bạn lắc đầu: “Không! Tôi không thấy chúng.” Napoleon nói: “Đó là sự khác biệt giữa anh và tôi.” Con người bị cột vào quả đất đang sống với một nửa đời. Con người với một viễn tượng, trông vào chân trời và nhìn thấy những ngôi sao, mới thực sự là đang sống.

Chúa Giêsu đề cập đến sự đói khát đời sống tinh thần của con người mà chỉ một mình Ngài mới làm thỏa mãn được khát vọng này. Đôi khi đó là sự đói khát chân lý mà con người chỉ tìm thấy nơi Đức Giêsu Kitô: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Là sự sống vĩnh cửu mà Ngài đã hứa ban: “Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và sống một cách dồi dào” (Ga 10:10). Có khi là chính tình yêu mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta: “Không ai có tình yêu thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15:13).

Thomas Long kể về cuộc đời của một thầy Rabbi đã chết tại Anh Quốc. Khi còn bé, cậu và gia đình bị bắt giam trong trại tù của Nazi, Đức Quốc Xã, chờ ngày hành quyết. Trong trại những tù nhân chỉ được phân phát đủ lương thực để sống qua ngày – một ít hạt ngũ cốc, một chút bánh thiu, một ít mỡ lợn mỗi tuần. Mặc dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, gia đình của cậu bé vẫn giữ luật của ngày Sabát. Họ vẫn tìm cách biến chế, làm nên một cây đèn cầy và một ít lương thực mỗi tuần. Rồi họ đọc lời kinh nguyện và công bố phúc lành của ngày Sabát. Tuy nhiên, vào một tuần nọ, họ không còn đèn cầy nữa. Bóng đêm đã đến, sắp bước sang ngày Sabát, cha của cậu bé đã lấy một ít mỡ heo quý giá và đổ xung quanh một sợi giây. Ánh sáng đã được đốt lên thay cho đèn cầy, và ông bắt đầu hướng dẫn gia đình cầu nguyện và xin ơn chúc lành của ngày Sabát. Thấy vậy, cậu bé nổi cơn giận dữ. Khi những lời cầu nguyện chấm dứt, cậu bèn chất vấn cha mình rằng: “Tại sao cha lại làm như vậy? Tại sao lại phí phạm mỡ heo để làm đèn cầy trong khi chúng ta chỉ còn một chút lương thực duy nhất?” Cha cậu từ tốn trả lời: “Hỡi con, không có lương thực chúng ta vẫn còn có thể sống sót được vài ngày. Nhưng không có hy vọng, chúng ta sẽ không thể nào sống được thêm một giờ.”

Sách Giáo Lý Công Giáo số 2835 đề cập đến những sự đói khát của con người như sau: Các Kitô hữu phải tận lực lo “loan báo Tin Mừng cho những người nghèo”. Có nạn đói trên mặt đất này, “không phải đói cơm bánh và khát nước, nhưng là đói khát nghe Lời Thiên Chúa” (Am 8:11). Bởi vậy ý nghĩa đặc biệt Kitô giáo của lời cầu xin ban lương thực hằng ngày liên quan đến Bánh của Sự Sống, đó là Lời Chúa ta đón nhận trong niềm tin, và Mình Thánh Chúa Kitô ta lãnh nhận trong Thánh Lễ.

Trong bài Phúc Âm, người Do Thái cũng hỏi Chúa Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (Ga 6:28). Chúa Giêsu đã trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6:29). “Tin vào Đấng Người đã sai đến” có nghĩa là nhận ra rằng chúng ta thuộc về Ngài, và Ngài là cha của chúng ta. Đó là đáp trả lại tình yêu của Ngài bằng chính tình yêu sâu xa của chúng ta dành cho Ngài (GLCG # 26). Tin có nghĩa “là sự gắn bó bản thân của con người với Thiên Chúa” (GLCG #150).

Thiên Chúa là tình yêu. Do đó, trong đời sống chúng ta phải yêu thương, phục vụ và tha thứ cho tha nhân để đáp lại tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa đối với ta. Thiên Chúa là sự thánh thiện. Do đó chúng ta phải trở nên thánh, công chính, đạo đức như lời Chúa Giêsu đã nói: “Hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Thiên Chúa là sự khôn ngoan. Do đó, trong cuộc sống chúng ta phải luôn vâng theo thánh ý của Thiên Chúa và hoàn toàn phó thác trong sự khôn ngoan nhiệm mầu của Người đã quan phòng cho chúng ta.

Ngày xưa, có hai người ăn xin hằng ngày vẫn đến xin bánh tại cổng triều đình của vua. Mỗi ngày vua cho họ một ổ bánh mì. Người ăn xin thứ nhất lấy lòng vua bằng cách luôn cám ơn lòng quảng đại của vua. Còn người ăn xin thứ hai luôn cám ơn Thiên Chúa đã ban cho vua sự giàu có để làm việc bác ái. Những lời cám ơn của người thứ hai làm nhà vua đau lòng. Do đó, vua quyết định dạy cho ông ta một bài học. Vua ra lệnh nướng hai cái bánh y hệt như nhau, nhưng trong một cái bánh có giấu những hạt kim cương quý giá bên trong. Rồi vua bảo người làm bánh cho người ăn xin thứ nhất ổ bánh có giấu những viên kim cương đó.

Ngày hôm sau, người làm bánh ra cổng và trao cho hai người ăn xin hai ổ bánh. Ông hết sức chú tâm để tránh khỏi lầm lẫn vì sợ vua giận dữ nếu có sai lầm xẩy ra. Khi người ăn xin thứ nhất nhận ổ bánh nặng nề, ông ta kết luận ngay rằng ổ bánh này nướng chưa được chín, bên trong bột còn sống nên cầm rất nặng tay, và năn nỉ người ăn xin thứ hai đổi cho ông ta. Người ăn xin thứ hai rất tốt bụng, lúc nào cũng muốn giúp đỡ bạn nên đồng ý đổi. Thế rồi họ chia tay nhau ra về. Khi người ăn xin thứ hai khám phá thấy bên trong ổ bánh những hạt kim cương quý giá. Ông tạ ơn Thiên Chúa vì phúc lộc của Ngài đã ban cho, đồng thời cũng biết ơn Ngài vì từ nay trở đi ông không phải đi xin bánh ăn nữa.

Sáng hôm sau nhà vua rất đỗi ngạc nhiên khi thấy chỉ có người ăn xin thứ nhất xin bánh ở cổng triều đình. Vua truyền lệnh gọi người nướng bánh đến và hỏi: “Ngươi có làm gì lầm lẫn ở hai ổ bánh mà ta đã ra lệnh cho ngươi không?” “Tâu Hoàng Thượng,” người nướng bánh trả lời, “Hạ thần đã làm đúng như lệnh truyền của Hoàng Thượng.” Rồi nhà vua quay sang người ăn xin và hỏi: “Nhà ngươi đã làm gì với ổ bánh ta cho ngươi ngày hôm qua?” Người ăn xin thứ nhất trả lời: “Nó nặng quá, nên con nghĩ rằng bánh nướng chưa được chín. Do đó con đã đổi nó cho người bạn ăn xin của con để lấy cái bánh của anh ta!”

Sau đó nhà vua đã hiểu rằng tất cả của cải mình có thực sự đều đến từ Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho một người nghèo khó trở nên giàu có và một người đang giàu có hóa ra nghèo nàn. Dù là vua chăng nữa cũng không thể nào thay đổi được ý Trời!

Sự liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa chỉ qua Đức Giêsu Kitô. Ngài đã hứa giúp chúng ta: “Chính Ta là bánh hằng sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Ga 6:35). Ngài đã ban cho chúng ta sự sống Ngài dưới hình thức của bánh từ trời. Dĩ nhiên bánh từ trời này là Bí Tích Thánh Thể, là Mình và Máu Chúa Giêsu chúng ta đón nhận. Chính sự sống này sẽ mang lại cho chúng ta sự can đảm và sức mạnh, niềm tin cậy mến, và ân sủng để trung kiên cho đến hơi thở cuối cùng trên mặt đất và bắt đầu sự sống đời đời trên thiên quốc.

HÃY TÌM LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH

Lm. Đinh Lập Liễm

Sau phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giêsu và các Tông Đồ bỏ đảo Ghênêsarét trở về Capharnaum, nhưng Đức Giêsu không đi cùng thuyền với các Tông Đồ vì Ngài còn lên núi cầu nguyện một mình (Ga 6,15). Dân chúng thấy rõ Đức Giêsu không đi trên thuyền đó, nên họ đổ xô đi tìm Ngài. Khi về tới Capharnaum gặp Chúa, họ hết sức ngạc nhiên vì gặp Ngài ở đó rồi: ”Lạy Thầy, Thầy đến đây bao giờ?”  (Jn 6:25).

Đức Giêsu không trả lời câu hỏi ấy, mà nhân cơ hội này Ngài giảng cho họ một bài về Bánh hằng sống. Bài này cốt nâng cao tư tưởng thính giả lên bên trên những lo lắng vật chất. Phép lạ làm cho bánh hoá nhiều làm cho người ta nghĩ rằng: đã đến thời lập lại nước Israel (Act 1:6), đời sống sẽ phú túc. Bài này có ý cải chính ý tưởng đó. Điều Đức Giêsu muốn là đưa họ đi xa, đưa họ lên cao hơn những điều họ thấy trước mắt: Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Ngài sai đến (Jn 6:29), tức tin vào Ngài là Đấng vừa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn. Nhưng như thế vẫn chưa hết, vì Đức Giêsu còn muốn làm cho người Do Thái nhận ra rằng Ngài không chỉ có thể làm cho bánh hoá nhiều để duy trì sự sống vật chất của con người, mà Ngài còn có thể ban chính sự sống cho con người, không chỉ là sự sống thể xác mà cơm bánh lương thực tạo nên, mà còn sự sống thần linh, sự sống vĩnh cửu mà chỉ một mình Thiên Chúa mới ban được cho con người: ”Chính Ta là Bánh trường sinh, ai đến với Ta, không hề phải đói. Ai tin vào Ta, chẳng hề khát bao giờ” (Ga 6,35).

Đức Giêsu là bánh trường sinh (Jn 6:35,48,51). Những ai ăn bánh trường sinh thì không còn phải đói khát bao giờ nữa vì được no thỏa tâm hồn. Nhưng sự sống trường sinh là gì? – Sự sống trường sinh là nhận biết Đức Giêsu là Đấng đến từ Thiên Chúa, là sự sống của Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống của Thiên Chúa cho những ai muốn đón nhận (Jn 6:58). Sự sống trường sinh là sự sống của ”con người mới” tức con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được dạy dỗ theo tinh thần của Đức Kitô. Cụ thể đó là con người thực sự sống công chính và thánh thiện (bài đọc 2: Eph 4:17,20-24).

Đức Giêsu nói với họ: ”Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Đức Giêsu nói chuyện với những người nông dân vùng Galilê đang vất vả để kiếm sống. Họ biết đói khổ là thế nào khi họ miệt mài làm việc để mùa thu hoạch có kết quả tốt. Đức Giêsu dựa vào một nhu cầu vật chất của thính giả làm khởi điểm, đó là những biểu tượng thông thường: đói, khát, bánh, nước…

Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: nếu một người giầu có đầy đủ: gia đình, nghề nghiệp, lợi tức, chức quyền, danh vọng… nhưng họ vẫn thấy còn thiếu cái gì nữa chăng? Nếu chúng ta trả lời rằng “CÓ” thì các bài đọc Kinh Thánh hôm nay là một sứ điệp quan trọng cho chúng ta. Chúng nhắc cho chúng ta một điều chúng ta thường hay bỏ quên, đó là: Trên thế giới này có hai loại đói: trước hết là đói khát thể lý mà chỉ đồ ăn thức uống mới có thể thỏa mãn được. Thứ đến là đói khát thiêng liêng mà không thực phẩm nào trên trần gian này có thể thỏa mãn được. Nói cách khác, dầu chúng ta có giầu có hoặc thành công đến đâu đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy nơi thâm sâu lòng mình một cơn đói khát khó có thể bầy tỏ được.

Đối với con người nếu chỉ nhằm thoả mãn những nhu cầu về thể xác thì càng cảm thấy thiếu thốn vì nhu cầu đẻ ra nhu cầu; nhu cầu này nối tiếp nhu cầu kia làm cho người ta luôn tìm kiếm mà không bao giờ được thỏa mãn.

Tần Thủy Hoàng của nước Tầu đã sống trước Chúa Giáng Sinh 200 năm. Ông tự phong là vô địch nhất thế gian này, về đức độ hơn cả Tam Hoàng, có công hơn cả Ngũ Đế là những vị vua có công lập quốc, kiến quốc nhất của Trung Hoa. Tần Thủy Hoàng còn muốn trường sinh trẻ mãi, nên đi tìm đủ mọi danh y, pháp thuật, bói toán, chỉ dẫn cho uống thuốc, tập luyện và sai quần thần đi khắp nơi tìm thuốc trường sinh, với bất cứ giá nào, dù phải vượt biển Đông hão huyền cũng phải đi tìm, dù phải khổ luyện đến chết, vẫn nhắm mắt theo. Đồng thời, ông lại lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga, rộng lớn chín dặm vuông vức, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông Ngân hà, lấy vàng bạc xây tường và chôn sống hàng trăm cung nữ vây quanh nhà mồ của ông… Quả thực, Thủy Hoàng chỉ làm vua hơn chục năm và sống hơn năm mươi tuổi (Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm B, tr 155).

Dân chúng hỏi Đức Giêsu rằng: ”Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa.” Đức Giêsu đáp lại: ”Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Người sai đến” (Jn 6:28-29). Ở đây bắt đầu một mặc khải lạ lùng. Lương thực cốt yếu mà con người đói khát, đó chính là Đức Giêsu! Một quyết đáp có vẻ táo bạo và điên rồ, nhưng đã được kiểm chứng hàng triệu lần từ hai ngàn năm qua. “Anh em hãy tin.” Đó là công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta. Tin, có đức tin, đó là làm việc với Thiên Chúa, là cộng tác với Thiên Chúa Đấng muốn ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu của Ngài.

Đức Giêsu vừa đưa ra một tuyên bố quan trọng. Ngài bảo rằng công việc đích thực của Thiên Chúa là tin Ngài. Người Do Thái nói: Hay lắm, quả thật đây là lời tuyên xưng mình là Đấng Messia, vậy ông hãy chứng minh đi (Jn 6:30).

Bấy giờ họ vẫn còn nghĩ đến việc Chúa hóa bánh cho đám đông ăn, nên điều không tránh được là họ liên tưởng ngay đến manna trong sa mạc. Họ kết hợp hai việc đó thật dễ dàng. Manna vẫn được xem như bánh của Thiên Chúa (Tv 77,24; Xh 16,15). Trong Do Thái Giáo, có một niềm tin mạnh mẽ rằng: khi Đấng Messia đến, Ngài sẽ lại ban manna. Việc ban manna được cho là việc tối quan trọng trong cuộc sống của Maisen, mà Đấng Messia thì còn phải hơn thế nữa. Vị cứu tinh đầu tiên thế nào thì vị cuối cùng cũng phải như thế. Vị cứu tinh đầu tiên đã khiến manna từ trời rơi xuống thế nào, thì vị cứu tinh thứ hai cũng phải khiến được manna từ trời rơi xuống thể ấy.

Như vậy, dân Do Thái đang thách thức Đức Giêsu hãy khiến bánh từ trời xuống để hậu thuẫn cho lời tuyên bố của Ngài. Họ không chịu xem số bánh cho 5000 người vừa được ăn là bánh từ Thiên Chúa đến. Ban đầu nó vốn là bánh của trần gian. Theo họ, manna phải khác hẳn, và đó là trắc nghiệm cho Đức Giêsu.

Câu trả lời của Đức Giêsu gồm hai phương diện. Trước hết, Ngài nhắc họ rằng, không phải Maisen đã cho họ ăn manna, mà là Thiên Chúa (Jn 6:32). Thứ hai, Ngài bảo họ: manna không phải là bánh thật của Thiên Chúa, mà chỉ là biểu tượng cho bánh của Thiên Chúa. Bánh của Thiên Chúa là Đấng từ trời xuống và ban cho loài người không chỉ sự no đủ về phương diện thể xác nhưng là sự sống (Jn 6:33). Đức Giêsu tuyên bố rằng sự thỏa mãn duy nhất là ở trong Ngài (Jn 6:35).

Đức Giêsu biết rõ tâm tư của họ, họ đến với Ngài chỉ vì muốn được ăn bánh no nê như đã được ăn hôm trước (Jn 6:26). Dĩ nhiên, việc ăn uống nuôi thể xác là một điều cần thiết, ai lại không phải ăn? Nhưng Đức Giêsu muốn nói với họ là ngoài sự đói khát vật chất và thể lý còn có sự đói khát thuộc tinh thần và tâm linh nữa. Và Chúa đã đưa ra cho họ một lời khuyên: ”Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Jn 6:27).

Con người sống trên trần gian này có rất nhiều khát vọng cần được thỏa mãn. Khát vọng đầu tiên là được thoả mãn cơn đói khát thể xác. Cái ăn cái uống là những nhu cầu vật chất khẩn thiết làm cho thể xác được bảo toàn và tăng trưởng. Người Tây phương có một câu ngạn ngữ nói về nhu cầu đó: ”Manducare priusquam philosophare”: ăn đã rồi muốn nói gì thì nói. Người Việt nam chúng ta cũng có tư tưởng ấy được gói ghém trong câu tục ngữ: ”Dĩ thực vi tiên”: cái ăn phải đứng đầu.

Ngoài những nhu cầu vật chất, người ta còn có những khát vọng tinh thần cần được thỏa mãn: nhu cầu hiểu biết, cần được tôn trọng, cần được quan tâm, cần được thông cảm…. Tuy nhiên, con người còn có một khát vọng căn bản và sâu xa nhất, đó là khát vọng tình yêu. Đó là khát vọng sống đời đời (Jn 6:54-58). Nói cách khác, đó là khát khao Thiên Chúa. Cảm nghiệm được khát khao này không phải là một bất hạnh mà là sự chúc lành. Thánh Gioan nói: ”Thiên Chúa là tình yêu” (I Jn 4:8,16). Chính Chúa là hạnh phúc; ai được yêu mến là sống trong hạnh phúc. Nhiều người muốn được hạnh phúc mà không biết cách tìm; họ tìm hạnh phúc ở nơi tạo vật mà bỏ quên Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc, cho nên họ đã thất bại (Jer 2:13). Thay vì tiến tới hạnh phúc, họ chỉ đạt tới những bất hạnh vì họ đã đi trệch đường.

Tại Pháp, có một thương gia rất giầu, phương châm sống của đời ông là làm tiền, ăn nhậu và chơi bời. Nhưng chẳng bao lâu ông bị bệnh trầm trọng: thần kinh chỉ huy thanh quản bị tê liệt, làm ông bị câm. Trên giường bệnh, ông luôn thở dài chán nản. Cuối cùng, trước khi chết, ông ghi một hàng chữ và truyền khắc nó trên bia mộ của ông: ”Đây là người dại dột, đã sống mà không biết sống. Hỡi những người đang sống, chớ gì sự vô phúc của kẻ khác mở mắt các ông.”   Đức Giêsu nói: ”Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Jn 6:33). Đức Giêsu khẳng định mình là bánh từ trời xuống để ban sự sống cho thế gian: ”Ta là bánh hằng sống.” Linh hồn chúng ta phải có của ăn mới sống được, mà của ăn ấy chính là Đức Kitô: ”Chính Ta là bánh ban sự sống ai đến với Ta sẽ không hề đói. Ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Jn 6:35).

Chúng ta đã được tạo dựng cho Thiên Chúa. Dù muốn dù không, cơn đói của chúng ta chính là đói Thiên Chúa. Tiên tri Isaia đã nói: ”Tại sao phí tiền vào những của không làm no bụng” (Is 55:2). Thánh Augustinô đã thú nhận rằng: ”Lạy Chúa, tâm hồn con không nghỉ yên khi nó chưa được an nghỉ trong Chúa.” Vâng, tâm hồn chúng ta rất rộng lớn đến nỗi không gì có thể lấp đầy được, ngoài một mình Thiên Chúa mà chúng ta được dựng nên vì Ngài.

Vậy sứ điệp trong các bài Kinh Thánh hôm nay gửi đến cho chúng ta như sau: Tận thâm tâm mỗi người chúng ta đều ẩn chứa một cơn đói khát sâu xa mà chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể thoả mãn. Khi người Do Thái nói với Chúa: ”Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (Jn 6:34). Đức Giêsu bảo họ: ”Chính Ta là Bánh trường sinh” (Jn 6:35). Bánh trường sinh mà Đức Giêsu ban cho chúng ta, chính là Lời Chúa và Thánh Thể:

Chúng ta thấy quan niệm cho rằng Lời Chúa, giới răn Chúa là thức ăn thiêng liêng bồi dưỡng cho con người, cao quí hơn thức ăn thông thường đã có trong Cựu Ước. Ví dụ tiên tri Amos đã nói: ”Sắp tới những ngày, Ta sẽ cho nạn đói đến trong xứ, không phải đói bánh, không phải khát nước, mà là đói khát nghe Lời Chúa” (Am 8,11). Tiên tri Giêrêmia cũng khát Lời Chúa: ”Khi nghe Lời của Ngài, tôi đã ăn ngấu nghiến. Lời Chúa là sự vui sướng hạnh phúc cho lòng tôi” (Gr 15,16).

Đức Giêsu nói ”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” (Jn 6:54). Chúa xác quyết: ”Chính ta là bánh ban sự sống! Ai đến với Ta sẽ không hề đói, và ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Jn 6:35).

MANNA TỪ TRỜI…

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Dân chúng vẫn còn sôi nổi sau phép lạ bánh hoá nhiều.

Hôm sau, họ lên thuyền qua bờ bên kia để tìm Ðức Giêsu.

Ðức Giêsu thấy nỗ lực tìm kiếm của họ.

Ngài biết họ tìm Ngài chỉ vì đã được ăn bánh no nê.

Có lẽ họ hy vọng sẽ được những bữa ăn tương tự…

Miếng ăn là nỗi lo của người nghèo vùng Galilê.

Ðó cũng là nỗi lo của hàng tỉ người trên thế giới.

Ðức Giêsu không trách họ về chuyện này.

Ngài chỉ muốn nâng họ lên cao hơn,

bởi lẽ con người không chỉ là thân xác.

Dân chúng vất vả tìm chút lương thực mau qua.

Ðức Giêsu muốn họ đừng quên thứ lương thực thường tồn

nhằm nuôi dưỡng tinh thần và đem lại sự sống vĩnh cửu.

Người dân Galilê chỉ nhớ đến chiếc bánh hôm qua.

Họ bị sa lầy và ngừng lại trong phép lạ.

Họ không thể đi xa hơn và cũng không mơ ước gì hơn.

Con người hôm nay có nét giống đám đông ngày xưa.

Người nghèo thì bị hút vào công việc lam lũ nhọc nhằn,

để thỏa mãn cái đói cấp bách của thân xác.

Người giàu thì mê mải với bao tiện nghi đang mời gọi.

Họ bị ám ảnh và chạy đua với những mặt hàng mới.

Rốt cuộc, kẻ nghèo người giàu đều có nguy cơ như nhau,

đó là đánh mất đi cái đói khát tinh thần,

mãn nguyện với cái bụng no, hay với thứ nữ trang đắt giá.

Thật ra, cũng khó dập tắt nỗi khát khao về Tuyệt Ðối

mà Thiên Chúa đã đặt rất sâu trong lòng người.

Mọi thứ thức ăn trần gian, con người không lấy làm đủ.

Người nghèo không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần tình thương.

Người giàu dư cơm bánh, nhưng lại cần lẽ sống.

Không thiếu những bạn trẻ nhà giàu, có học, có tương lai,

nhưng lại thất vọng chán chường, thậm chí rơi vào trụy lạc.

Họ có tất cả, nhưng vẫn thấy thiếu cái gì đó…

Thiếu cái này thì mọi thứ khác trở thành thừa.

Có khi sống sa đọa lại là cách họ biểu lộ

cơn đói khát vô cùng về những điều cao cả.

Ðức Giêsu khơi dậy những khát khao tốt đẹp đang ngủ quên.

Ngài không cho dân chúng thứ manna từ trời rơi xuống,

để mỗi ngày họ phải lượm mà ăn.

Ngài cho họ thứ bánh bởi trời đích thực,

bánh ban sự sống đời đời cho toàn thế giới.

“Xin cho chúng tôi thứ bánh đó luôn luôn”

“Xin ông cho tôi thứ nước ấy” (Ga 4, 15).

Con người vẫn đói khát thức ăn tinh thần.

Cơn đói này còn kinh khủng hơn cả cơn đói thân xác.

Hãy đến với Giêsu! Hãy tin vào Giêsu!

Nếu bạn khao khát Tuyệt Ðối

thì chỉ Tuyệt Ðối mới làm bạn no thỏa.

Tuyệt Ðối đã hiện diện nơi Ðức Giêsu.

Ước chi bạn để cho Ngài nuôi bằng lời giáo huấn,

và tin tưởng dấn thân theo Ngài bằng cả cuộc đời.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

những lúc con cảm thấy đói,

xin ban cho con một ai đó đang cần của ăn.

Khi con khát,

xin gởi đến cho con một ai đó đang cần nước uống.

Khi con lạnh lẽo,

xin gởi đến cho con một ai đó đang cần được sưởi.

Khi con bị xúc phạm,

xin ban cho con một ai đó đang cần ủi an.

Khi thập giá của con trở nên nặng nề,

xin ban cho con thập giá của một người khác

để cùng chia sẻ.

Khi con túng nghèo,

xin dẫn đến cho con một người thiếu thốn.

Khi con không có thời giờ,

xin ban cho con ai đó để con giúp họ giây lát.

Khi con nản chí,

xin gởi đến cho con một người cần khích lệ.

Khi con chỉ biết nghĩ đến mình,

xin xoay chuyển tư tưởng con hướng đến tha nhân.

Trích trong PRIER

TÌM KIẾM GIÁ TRỊ TUYỆT ĐỐI

TGM. Ngô Quang Kiệt

Tính tỉ lệ những người tự tử, ta thấy thanh niên các nước giàu tự tử nhiều hơn thanh niên các nước nghèo. Hiện nay trong nước ta, tại các thành phố lớn, đang có hiện tượng các thanh niên đua xe gắn máy, liều lĩnh coi thường mạng sống. Kết quả các cuộc điều tra cho thấy đó là những thanh niên con nhà giầu có.Cách đây khoảng 10 năm, tại bang California bên Mỹ, có hiện tượng thanh niên tự tử hàng loạt. Tất cả đều là những thanh niên trẻ tuổi, con nhà giàu, có học thức. Nguyên nhân tự tử là vì họ mong về Thiên đàng. Năm ấy có sao chổi xuất hiện. Họ cho rằng sao chổi chính là chuyến xe về Thiên đàng. Mấy mươi năm mới có một chuyến, nên họ vội vàng ra đi, sợ nhỡ chuyến.

Những hiện tượng đó đáng cho ta suy nghĩ. Những người nghèo đói thật vất vả khổ sở. Họ chỉ mong sao cho có đủ cơm ăn áo mặc. Có cơm ăn áo mặc đã là hạnh phúc. Nhưng khi người ta đã có đủ cơm đủ áo, đủ mọi phương tiện, người ta vẫn không hạnh phúc. Nhìn những thanh niên giầu có chán đời đi tìm cái chết; nhìn những thanh niên chán cảnh nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm đeo ba-lô đi du lịch bụi đời, ta thấy rằng vật chất không phải là tất cả. Và những khao khát của con người là vô tận. Hôm nay tôi chưa đủ ăn thì tôi mong cho có đủ ăn. Ngày mai đủ ăn rồi, tôi lại muốn ăn ngon hơn. Hôm nay còn đi bộ, tôi mong được một chiếc xe đạp. Có xe đạp rồi tôi mong có xe máy. Có xe máy rồi tôi mong có ô – tô. Có ô – tô rẻ tiền rồi, lại mong có cái tốt hơn, tiện nghi hơn, chạy nhanh hơn, êm ái hơn. Có tất cả rồi, người ta vẫn chưa hài lòng. Cuộc đời vẫn còn thiếu một cái gì đó. Bao tử hết bị hành hạ, thì lập tức tâm hồn cảm thấy những cơn đói khác dày vò: đói bình an, đói tình yêu, đói hạnh phúc, đói ý nghĩa cuộc đời, đói những điều cao thượng. Những cơn đói khát tinh thần này rất mãnh liệt. Nên con người mãi mãi khắc khoải đi tìm. Mà hạnh phúc dường như luôn luôn ở ngoài tầm tay với.

Hôm nay, đứng trước đoàn người hăm hở đi tìm lương thực, Đức Giêsu đã cảnh báo họ: “Đừng lo tìm những thứ lương thực hay hư nát, nhưng hãy tìm lương thực đem lại hạnh phúc trường sinh”. Vì Người đã rõ giá trị tạm bợ của miếng cơm manh áo. Người cũng thấu rõ tâm hồn con người mau chán những gì đạt được. Người đã tạo dựng tâm hồn con người, nên Người hiểu lòng khao khát của con người là vô biên. Chỉ có những giá trị tuyệt đối mới có thể lấp đầy những khát khao ấy. Người đã mở đường để tâm hồn con người thoát khỏi những ràng buộc của vật chất, vươn lên tìm kiếm những giá trị thiêng liêng cao cả, xứng với tầm vóc con Thiên chúa.

Thế nhưng ta tìm đâu ra những giá trị tuyệt đối để lấp đầy nỗi khao khát vô biên? Ta tìm đâu ra thứ bánh làm dịu được cơn đói hạnh phúc? Hôm nay, Đức Giêsu giới thiệu cho ta thứ bánh đó. Đó là bánh đích thực, vì ăn rồi ta sẽ không bao giờ đói nữa. Đó là bánh ban sự sống, ai ăn sẽ không chết nữa. Đó là bánh ban hạnh phúc, ăn vào sẽ không còn khao khát điều gì khác. Đó là bánh Thiên Chúa ban chứ loài người không ban được. Đó là bánh từ trời chứ trần gian không sản xuất được. Tấm bánh đó là chính bản thân Người, Đức Giêsu Kitô.

Những người Do thái đã sai lầm khi đi tìm Đức Giê-su để được ăn bánh. Đức Giêsu đã cảnh tỉnh họ khi cho họ biết rằng không nên tìm bánh, vì như thế họ sẽ thất vọng. Bánh ăn rồi sẽ lại đói. Nhưng phải tìm chính Đức Giê-su. ở đây ta nhớ tới bài học Chúa đã dậy tổ phụ Ápraham. Thoạt tiên, Chúa kêu gọi tổ phụ Ápraham đi theo Chúa và hứa cho ông được một đất nước chảy sữa và mật và một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. Nghe theo lời hứa, tổ phụ đã lên đường. Nhưng khi ông sinh được một người con trai duy nhất trong tuổi già, Chúa lại bảo ông phải sát tế dâng cho Chúa. Đây là một thử thách lớn lao, nhưng cũng là một lời mời gọi vươn lên. Ápraham được mời gọi thoát khỏi sự ràng buộc của lợi lộc vật chất. Theo Chúa chỉ vì Chúa chứ không phải vì lợi lộc vật chất. Ông hoàn toàn có lý vì ông đã chọn Chúa là sự Thiện tuyệt đối chứ không chỉ lựa chọn một vài sự thiện tương đối. Ông đã lựa chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc chứ không đuổi theo những ảo ảnh của hạnh phúc. Đức tin của ông hoàn toàn trưởng thành, nên ông đã trở thành Cha của những kẻ tin.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi, hãy noi gương tổ phụ Ápraham. Đừng tìm những mảnh vụn hạnh phúc, nhưng hãy đi đến nguồn mạch hạnh phúc. Đừng lo nắm giữ những của cải phù du, nhưng hãy tìm chiếm giữ kho tàng bền vững mối mọt không đục khoét được. Đừng đuổi theo những giá trị tương đối, nhưng hãy biết tìm kiếm giá trị tuyệt đối là chính Chúa. Chính Chúa sẽ làm ta no thoả. Chính Chúa sẽ lấp đầy những khát vọng của ta. Chính Chúa ban cho ta hạnh phúc tràn đầy, vĩnh viễn.

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với thánh Âucơtinh: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Có một thời người ta nói: “Đi đạo kiếm gạo mà ăn”. Bạn nghĩ gì về câu nói đó?
  2. Mơ ước một đồ vật. Khi được rồi lại chán. Bạn có kinh nghiệm đó không?
  3. Bạn có những khao khát về vật chất cũng như tinh thần. Khi đến với Đức Giêsu, bạn có thấy được thoả mãn phần nào không?

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*