• THỜ PHƯỢNG CHÚA HẾT LÒNG – Phó Tế Đaminh Maria Nguyễn Bình An
  • KẺ GIẢ HÌNH – Lm. Nguyễn Thái
  • LỀ LUẬT VÀ TRUYỀN THỐNG – Lm. Đinh Lập Liễm
  • CẦN TRỞ VỀ VỚI TRÁI TIM – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • VỚI CẢ TÂM TÌNH – TGM. Ngô Quang Kiệt

THỜ PHƯỢNG CHÚA HẾT LÒNG (Mc 7:1-23)

Phó Tế Đaminh Maria Nguyễn Bình An

Dân Do Thái có rất nhiều luật. Luật quy định tỉ mỉ từ đời sống tâm linh như cách thờ phượng Thiên Chúa tới những việc làm cụ thể hàng ngày như tập tục rửa tay trước bữa ăn… Họ giữ rất nghiêm chỉnh các luật lệ này đến nỗi họ nhiều khi chỉ vì luật, và những hình thức bên ngoài mà quên đi ý nghĩa sâu xa của những luật lệ ấy. Chúa Giêsu trong Tin Mừng tuần này chê trách người Do Thái chuộng bề ngoài hơn bề trong: “Dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng, mà lòng chúng rời xa Ta” (Mt 15,8). Đức Giêsu không lên án những người giữ luật vì đây là những luật chính đáng được lưu truyền trong dân. Ngài chỉ chê trách những người coi trọng luật bên ngoài  mà bỏ quên cốt lõi, ý nghĩa đích thực của những luật đó. Những người này có thể nghĩ rằng giữ đạo là trung thành với một số các điều luật được truyền lại, ngay cả nhiều khi những luật này không cần thiết. Trong khi căn bản của lời rao giảng của Đức Giêsu chỉ gồm tóm trong hai điều duy nhất: Mến Chúa, Yêu Người. Mọi chuyện chúng ta làm, mọi luật lệ chúng ta giữ cần phải quy hướng và thể hiện hai mục đích này.

Lời Chúa hôm nay không phải chỉ nói cho người Do Thái nhưng cũng đang nhắc nhở mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta có thể cũng chỉ vì hình thức bên ngoài. Chúng ta nghĩ rằng thờ phượng Chúa hết lòng là tới nhà thờ dự lễ hàng ngày, sáng tối kinh nguyện hoặc đóng góp xây dựng cộng đoàn, hay rộng tay giúp đỡ người nghèo khổ. Điều này đúng nếu khi chúng ta làm với một ý thức bên trong. Tôi tới nhà thờ không phải để cho người khác biết tôi siêng năng, đạo đức, nhưng thật sự tôi tới để thờ phượng, cám tạ Chúa vì mọi ơn lành Chúa ban xuống cho tôi và gia đình. Tôi rộng tay chia sẻ của cải của tôi có cho những người vô gia cư, già yếu, cô đơn, nghèo khổ, vì họ là anh em tôi, là hình ảnh của Thiên Chúa… Hành động của chúng ta đi kèm với ý thức bên trong hỗ trợ, thì việc làm ấy không bị Chúa chê trách là chỉ kính thờ Chúa bằng môi miệng, bằng hình thức bên ngoài.

Câu truyện “Để Người Ta Không Thể Nói” trong Hạt Giống Âm Thầm (trang 296) làm cho tôi xúc động. Chúng ta thề hứa với Chúa bao nhiêu lần là sẽ tha cho người khác khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…” Tuy nhiên, khi nhìn vào xã hội hiện nay, lời kinh chúng ta đọc có lẽ chỉ trên môi miệng, và có lẽ Chúa cũng nói với chúng ta y chang như Ngài nói với người Do Thái…

Hai thanh niên điệu một tên sát nhân đã giết cha mình ra trước tòa án. Với đầy đủ bằng chứng nên tên sát nhân lãnh án tử hình. Tội nhân không khiếu nại nhưng chỉ xin hoãn hành quyết ba ngày để hắn về lo liệu cho một thiếu nữ, mà hắn đã được trao phó cho săn sóc từ nhỏ. Mọi người bối rối, nhưng một bàn tay giơ lên với giọng quả quyết: “Tôi xin bảo đảm cho anh này. Nếu sau ba ngày anh không lại, tôi sẽ chịu tội thay”. Tên tử tội được phép ra về. Sau đúng ba ngày, trong khi mọi người đang nôn nóng chờ đợi giờ hành quyết thì tên tử tội hiên ngang bước đến và dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã giải quyết xong công việc. Giờ đây, theo đúng lời cam kết, tôi trở lại đây để xin chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết, để người ta không thể nói, chữ tín không còn trên mặt đất này nữa.” 

Sau lời phát biểu của tên tử tội, người đàn ông đứng ra bảo lãnh cũng tiến ra tuyên bố: “Phần tôi, sở dĩ đứng ra bảo lãnh cho người này là vì tôi không muốn để người ta có thể nói: lòng quảng đại không còn có mặt trên mặt đất này nữa”.

Sau hai lời tuyên bố trên, đám đông bỗng trở nên im lặng. Dường như ai cũng được mời gọi để thể hiện những gì là cao quý nhất trong thẳm sâu tâm hồn. Và rồi hai người thanh niên bước lên trước quan tòa và nói: “Thưa ngài, chúng tôi xin được tha thứ cho kẻ đã giết hại cha chúng tôi, để người ta không thể nói: lòng tha thứ không còn hiện diện trên mặt đất này nữa”.

Hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta cách chúng ta sống đạo. Bạn và tôi, chúng ta chắc phải dừng lại đôi phút để xét lại xem, chúng ta thật sự sống đạo như thế nào?

KẺ GIẢ HÌNH

Lm. Nguyễn Thái

Trong nỗ lực làm sạch sẽ thành phố Los Angeles chuẩn bị cho ngày thế vận hội Olympic Games, và để gây ấn tượng tốt đẹp cho thành phố lớn nhất nhì thế giới này, vấn đề được đặt ra là phải giải quyết thế nào đối với những người vô gia cư nghề nghiệp và những kẻ say sưa đi lang thang trong thành phố. Những người này không thể bị đuổi ra khỏi thành phố hay nhốt vào những trại tập trung. Có một hãng sản xuất quần áo địa phương đã có sáng kiến tặng 350 bộ tuxedo của đàn ông và áo dạ tiệc của phụ nữ để họ ăn mặc ngoài đường phố trong suốt 2 tuần lễ. Với biện pháp này, người ta hy vọng sẽ giấu được một góc cạnh xấu xa dơ bẩn của đời sống trong thành phố.

Đây chính là sự giả hình mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay, Mc 7: 1-8; 14-15; 21-23. Ngài đã nói với những người Biệt Phái và Luật sĩ, những chuyên viên về luật pháp, những người đã tố cáo các môn đệ của Chúa Giêsu là không giữ những phong tục, nghi thức bề ngoài: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'” (Is 7: 6-7).

Trong cuốn “Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh” do Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X dịch thuật đã định nghĩa sự giả hình dựa trên hai yếu tố: sự câu nệ hình thức và cứng lòng.

William Barclay đã chia sẻ một câu chuyện liên quan đến vấn đề câu nệ hình thức như sau: Một vị Rabbi Do Thái cao niên bị giam trong một nhà tù của người La Mã. Mỗi ngày ông đều nhận một khẩu phần ăn uống. Sau một thời gian, vị rabbi trở nên yếu ớt, gầy còm xuống ký rõ rệt. Những nhân viên cai tù thắc mắc muốn biết ông có bệnh gì không, nên cho mời một bác sĩ đến khám. Bác sĩ chuẩn đoán là bệnh nhân bị mất nước trầm trọng. Những nhân viên coi tù không thể hiểu được tại sao lại có thể xảy ra như vậy được. Họ tin là phần nước uống của vị rabbi đã được cung cấp đầy đủ. Những người canh gác bèn được lệnh phải canh chừng kỹ lưỡng xem vị rabbi đã làm gì với phần nước của ông; khi đó thắc mắc mới được giải tỏa: Những người canh gác đã trông thấy vị rabbi cử hành nghi thức tôn giáo rửa tay trước khi cầu nguyện và ăn. Do đó, ông ta còn rất ít nước để uống.

Nhiều người cũng lầm lẫn nghi thức, phong tục, và tập quán bề ngoài với sự thánh thiện (2 Tm 3:5). Chúng ta có một loạt danh sách các kinh phải đọc, những việc phải làm: lần hạt Mân Côi, đọc kinh Truyền Tin, tuần Chín Ngày, đeo Thánh Giá, đi Chặng Đàng Thánh Giá v.v… Chúng ta sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng chỉ có cách duy nhất để làm đẹp lòng Thiên Chúa là giữ những nghi thức này; hay là sẽ phạm tội nặng nếu không tuân giữ. Nhưng Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực chính là sự liên hệ yêu thương và mật thiết với Ngài (Ga 4:23). Sự liên hệ này mang lại cho chúng ta niềm vui và sự sẵn sàng hy sinh phục vụ Ngài.

Qua những lời của tiên tri Isaia, Chúa Giêsu đã tố cáo sự giả hình trong tất cả mọi hình thức vì người giả hình chỉ sống bề ngoài mà không thực lòng (Rm 12:9). Họ giống như những người vô gia cư ăn mặc tuxedo đi lang thang trong thành phố Los Angeles. Sự giả hình không gì khác hơn là một sự dối trá trong hành động. Họ đánh lừa người khác bằng những thái độ tôn giáo bề ngoài để chiếm được lòng quý mến.

Những người giả hình là những người “tâm ngôn bất nhất”. Họ không thực hành điều họ giảng dạy. Họ tuyên xưng thờ kính Thiên Chúa, nhưng chỉ ngoài môi miệng. Họ dạy và giải thích lề luật, nhưng không hiểu tinh thần của luật. Trong nhiều trường hợp, chính họ cũng không tin những điều họ nói và làm. Họ thường giả bộ tốt lành với những người khác. Trong ý nghĩa này một người giả hình thường hành động để đề cao chính họ. Những việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí… được họ đánh tráo nhằm đề cao họ (Mt 6:2,5,16). Họ không bao giờ nhìn thấy điều tốt đẹp nơi những người khác, nhưng luôn luôn bới móc tìm kiếm những khuyết điểm để phê bình chỉ trích. Và sau cùng mọi sự sẽ tập trung vào chính họ (Mt 23:1-36).

Đức Ông Arthur Tonne kể câu chuyện sau đây về một linh mục đã kêu gọi sự giúp đỡ khẩn trương vào giờ sáng sớm. Sau khi dâng Thánh Lễ, từ nhà thờ trở về nhà xứ, ngài bị một tên ăn cướp dí dao đằng sau lưng: “Tiền hay mất mạng!” Khi nhìn thấy cái cổ trắng của chiếc áo đen, nó ra lệnh cho ngài phải vứt cái ví xuống đất. Sau đó, vị linh mục cảm thấy nhẹ nhõm lấy một điếu thuốc lá ra hút và mời tên cướp một điếu. Nó bèn từ chối mà rằng: “Cám ơn cha. Vì là Mùa Chay nên tôi tạm bỏ hút thuốc.”

“Sự câu nệ hình thức thì có thể sửa đổi được, nhưng sự giả hình thì gần như sự ‘cứng lòng’… Các ‘mồ mả tô vôi.’ Họ muốn lường gạt người khác. Họ tưởng mình công chính” (Lc 18:9; 20:20) (Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh).

Thế kỷ vừa qua, Đức Giáo Hoàng Piô XII (1939 – 1958) đã cảnh giác loài người cứng lòng, đang huênh hoang về nền khoa học kỹ thuật của mình: “Tội của thế kỷ này là tội đánh mất cảm giác về tội lỗi.” Đức Gioan Phaolô II đã lớn tiếng nói rằng: “Chủ nghĩa trần tục hóa -secularism – chủ trương không có Thiên Chúa cũng không có tội lỗi. Tâm lý học chống lại những cảm giác tội lỗi. Xã hội học quy trách tất cả trách nhiệm cho xã hội và nghĩ mình là nạn nhân. Nhân chủng học đổ lỗi cho môi trường. Cả những nhóm thần học mới lên diễn đàn giải thích rằng không có tội.”

Không những thời đại văn minh khoa học ngày nay đã đánh mất cảm giác về tội, mà còn đề cao một số tội lên hàng nhân đức. Tội tà dâm được coi là sinh hoạt tính dục trước hôn nhân. Phá thai được coi như quyền của phụ nữ. Sự thụ thai được coi như một con bệnh có thể điều trị được. Trong cuốn “Final Exit”, cuốn sách được báo The New York Times coi là sách bán chạy nhất, xuất bản lần đầu 40 ngàn cuốn, bán sạch trong một thời gian rất ngắn, Derek Humphry đã hướng dẫn những cách thức để một người có thể tự tử bằng 18 cách khác nhau. Ông Humphry quan niệm rằng tự tử là một hành động cao quý, có thể chấp nhận được!

Những người chủ trương trên là ai? Họ có thể là những người mang danh Kitô hữu, nhưng chẳng bao giờ biết đến bản chất của Kitô giáo là gì. Họ được rửa tội nhưng chẳng bao giờ giữ đạo. Thế nhưng hằng năm đến ngày Lễ Tro cả trăm ngàn người lũ lượt đứng sắp hàng để lãnh tro trên trán. Họ là những thành phần trí thức như bác sĩ, y tá, các giáo sư đại học, các thương gia, kỹ sư, chuyên viên v.v… trong các hãng lớn đang bôn ba với tiền bạc, đứng sắp hàng dài ngoài phi trường chờ đợi lãnh tro. Xức tro là gì mà những con người văn minh trí thức ngày nay lại biến nó trở thành như bản chất thiết yếu của tôn giáo vậy? Họ nghĩ rằng không cần phải giữ điều gì cả, chỉ cần lãnh tro một năm một lần, hay đến nhà thờ vào dịp lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh. Đối với họ thế là đủ, thế là tròn việc giữ đạo!

Một người không phải là Kitô hữu, đã biết tự vấn lương tâm mình bằng một danh sách của 7 trọng tội. Đó là sự giàu có mà không làm việc, hưởng khoái lạc mà không có lương tâm, làm thương mại mà không có luân lý, khoa học mà không có sự khiêm tốn, thờ phượng mà không có hy sinh, có kiến thức mà không có lễ phép, làm chính trị mà không có nguyên tắc. Chúng ta đã phạm những tội nào? Tôn giáo không phải chỉ là những nghi lễ. Đời sống tinh thần không phải chỉ là giữ những luật lệ. Và những hình thức bề ngoài chưa hẳn là sự thánh thiện (Mt 7:15; 24:4).

Có hai vị tu sĩ nọ, một trẻ và một già, đang thả bộ xuống phố vào một ngày mưa tầm tã. Nước mưa ngập lụt phố phường. Họ gặp một cô gái trẻ đẹp ăn mặc tơ lụa gấm vóc. Cô muốn băng qua khúc đường lầy lội để về nhà phía bên kia đường. Vị tu sĩ trẻ bèn trạnh lòng thương: “Này cô, tôi giúp cô một tay nhé!” Với cánh tay khỏe mạnh của mình, người tu sĩ trẻ đã ẵm cô gái trẻ băng ngang khúc đường lầy lội. Rồi hai vị tu sĩ bước đi trong sự “thinh lặng đáng sợ” cho đến khi họ trở về đến tu viện. Vị tu sĩ cao niên không thể nào chịu đựng nổi bèn lên tiếng: “Các nhà tu hành không nên gần gũi những phụ nữ trẻ, nhất là những người đẹp như cô gái này! Tại sao thầy lại làm như vậy?” Thầy dòng trẻ trả lời: “Thưa thầy, em đã bỏ cô gái ở dưới phố rồi, nhưng thầy, thầy lại mang cô ấy về đến nhà dòng này.”

Chúng ta thấy có hai khuynh hướng trái nghịch nhau trong đời sống thiêng liêng Kitô hữu, tạm gọi là THOÁT TỤC và VÀO ĐỜI. Tinh thần “thoát tục” hay xa tránh cõi trần nhấn mạnh vào lòng đạo đức qua việc tuân giữ những luật lệ tôn giáo nghiêm nhặt, và tránh xa khỏi những người được coi là tội lỗi hoặc không đứng đắn vì sợ sẽ bị lây nhiễm.

Còn tinh thần “vào đời” lại nhấn mạnh đến sự liên đới chặt chẽ với những người đáng thương, những người thường bị coi như là xấu xa trần tục. Với tinh thần “vào đời”, nhập thế, người tín hữu không xa tránh, nhưng dang rộng cánh tay tới những người đang cần giúp đỡ.

Đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu cốt ở sự quân bình, và dung hòa hai khuynh hướng này như Thánh Giacôbê Tông Đồ đã nhắn nhủ trong bài đọc II: “Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế của thế gian” (Gc 1:27).

LỀ LUẬT VÀ TRUYỀN THỐNG

Lm. Đinh Lập Liễm

Thèm Lòng Chứ Ai Thèm Thịt.

Trong Cựu Ước, bộ luật có tới 613 khoản, nhưng những khoản luật đó chỉ nói trên nguyên tắc, còn trong áp dụng thực hành người ta còn thêm vào những lời cắt nghĩa mà ta gọi là truyền thống hay truyền khẩu. Như vậy có hai thứ luật.

Luật quan trọng hơn là Lề luật thành văn, căn cứ trên sách Torah (Ngũ Kinh), nghĩa là 5 cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước, đôi khi còn gọi là luật Maisen. Thật ra, Ngũ kinh hàm chứa một ít qui tắc và chỉ dẫn chi tiết, nhưng về các vấn đề đạo đức, những gì được nêu lên chỉ là một loạt nguyên tắc mà người ta phải tự giải nghĩa và ứng dụng cho riêng mình. Trong một thời gian dài, dân Do Thái bằng lòng với những “kiểu mẫu” này. Họ áp dụng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp.

Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, có một nhóm chuyên nghiên cứu Lề luật, dưới biệt hiệu là Luật sĩ (Kinh sư). Nhóm người này thấy những điều luật tổng quát trong bộ luật ấy quá mơ hồ, thiếu tính rõ ràng, cần phải được soạn thảo lại cho rõ ràng hơn, với nhiều chi tiết hơn. Do đó, họ muốn triển khai, phóng đại, phân tích các nguyên tắc lớn ấy biến chúng thành hàng ngàn lề luật, qui tắc nhỏ nhặt, để điều khiển từng hành động, từng hoàn cảnh của đời sống. Chúng vẫn được gọi là Luật truyền khẩu, đây chính là cái gọi là tương truyền của người xưa.

Trong khoảng thời gian này, trong dân chúng Do Thái, có rất nhiều người muốn bắt chước các tư tế của họ về sự thánh thiện bề ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn theo lề luật thành văn, mọi tư tế đều phải rửa tay khi vào nơi thánh trong đền thờ. Mục đích của luật này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa.

Có nhiều luật lệ rõ ràng và nghiêm nhặt về việc rửa tay. Trước khi dùng bữa và giữa hai món ăn, người ta phải rửa tay, và phải rửa theo một nghi thức nhất định. Đây là vấn đề không phải chỉ là vệ sinh mà là tập tục tôn giáo về “sạch” và “dơ”, được ghi thành luật của Maisen trong sách Lêvi, được thêm vào nhiều chi tiết và qui định rõ ràng qua truyền thống.

Vào thời Đức Giêsu, dân Do Thái tuân giữ những lệnh truyền khẩu này cũng tỉ mỉ và thành tín chẳng khác nào lề luật thành văn của Ngũ Kinh. Ý tưởng hàm chứa đàng sau việc tuân giữ này quả thực cao đẹp, bởi vì nó nhằm mục đích làm cho tôn giáo thấm nhập vào mỗi hành vi của cuộc sống, nhưng trong quá trình thực thi luật lệ này, một điều bi đát đã xẩy ra vì tôn giáo đã dần dần thoái hoá thành một hoạt động chỉ đơn thuần là chu toàn những nghi thức bên ngoài: tuân giữ những nghi thức này thì được kể là làm đẹp lòng Thiên Chúa, còn không giữ chúng đồng nghĩa với phạm tội. Nói tóm lại, tuân giữ những nghi thức bên ngoài này được đồng hóa, được đánh giá là đạo đức, là biết phụng sự Chúa.

Có một thầy tiến sĩ luật Do Thái bị đi tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu, nhằm mục đích kéo dài cuộc sống cho qua ngày. Thời gian trôi qua, thầy luật sĩ yếu dần. Cuối cùng, người ta phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng cơ thể ông bị thiếu nước. Các sĩ quan cai ngục không hiểu nổi tại sao ông ta lại có thể thiếu nước. Bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, nhưng vẫn tương đối đủ cho một cơ thể. Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát thầy luật sĩ một cách kỹ lưỡng hơn, xem ông ta làm gì với số nước ấy. Cuối cùng, người ta khám phá ra: Thầy luật sĩ ấy đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn uống. Như thế ông ta chỉ còn lại rất ít nước để uống.

Thực ra, việc rửa tay không phải chỉ nhằm việc vệ sinh thân thể nhưng là việc vệ sinh tâm hồn. Rửa tay là có ý rửa cho linh hồn mình được sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Trong Thánh Lễ, khi chủ tế rửa tay với chút nước thì đọc: ”Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm xin Ngài thanh tẩy” (Ps 51:3-4). Nhưng tiếc thay, nhiều người Do Thái chỉ chú trọng rửa tay là rửa tay theo truyền thống mà không để ý đến việc thanh tẩy tâm hồn mình. Vì thế, nhà thần học William Barclay nói: ”Người ta có thể căm thù tha nhân tận xương tủy mà không một chút áy náy vì họ đã tuân giữ một cách chặt chẽ các nghi thức rửa tay và các nghi thức thanh tẩy khác.”

Chúng ta phải nể phục sự nghiêm túc giữ luật của các luật sĩ Do Thái: họ giữ luật Maisen cẩn thận từng chi tiết, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ngoài những điều khoản của Lề Luật, họ còn giữ cả những chi tiết nhỏ mọn trong truyền thống Do Thái Giáo.

Nhưng Đức Giêsu đã cho họ thấy rằng sự thánh thiện không hệ tại việc giữ một cách chi tiết như thế, hay giữ theo hình thức bên ngoài, mà hệ tại một cái gì đó sâu xa hơn nhiều (Mk 7:17-23). Cái đó ở trong nội tâm chứ không phải ở bên ngoài.

Điều đáng tiếc là những người đặt nặng những chi tiết hay những hình thức bên ngoài của lề luật, thì lại thường coi nhẹ cái cốt tủy của lề luật. Đức Giêsu đã tố giác điều ấy: ”Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ” (Mt 23,23). Như vậy, theo Đức Giêsu, ba điều quan trọng nhất trong lề luật, tinh thần của lề luật, cũng là cốt tủy của sự thánh thiện, chính là chân lý, công lý và tình thương.

Đối với lòng nhiệt thành giả tạo có vẻ quá hình thức này, Đức Giêsu trách cứ họ hai điều: một là giả hình, hai là làm đảo lộn giá trị. Họ giả hình vì cũng như thời tiên tri Isaia, người ta không nghĩ đến sự hối cải trong các tâm hồn, mà chỉ bận tâm đến việc thực hiện mấy việc bên ngoài: ”Dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người” (Is 29,13). Hơn nữa, Thiên Chúa là chân lý tuyệt đối, có nghĩa là sự gian dối không có chỗ nơi Ngài, không được Ngài ưa thích và ủng hộ. Trái lại, Thiên Chúa lên án cách sống giả hình, sai lạc với sự thật. Thiên Chúa không khinh chê người yếu đuối, tội lỗi, nhưng khinh chê những người đạo đức giả (Lc 16:15). Thiên Chúa yêu thương, tha thứ cho những yếu đuối, tội lỗi, nhưng Thiên Chúa không thể chấp nhận kẻ sống giả hình.

Nếu chỉ có những hành động bên ngoài mà không có tinh thần cốt tủy bên trong, thì việc giữ luật đó sẽ ít giá trị trước mặt Chúa. Còn những người luật Chúa thì không giữ, lại chỉ lo giữ những tập tục tôn giáo truyền thống, chẳng hạn một số thói quen mà ta gọi là “việc đạo đức”, những hình thức do con người sáng tạo…thì việc giữ những tập tục ấy lại càng ít giá trị hơn.

Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/08/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ ở Nhật, đó là “Sư Máy.” Vị Sư Máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi, một tay thì gõ mõ, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật Giáo khác nhau tại Nhật. Như tác giả bài báo ghi nhận, những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).

Họ chỉ giữ tập tục của tiền nhân là những tập tục của con người đặt ra. Các tiền nhân của người Do Thái đặt ra nhiều tập tục tỉ mỉ mà các biệt phái và luật sĩ tuân giữ rất nhiệm nhặt. Biệt phái là những người Do Thái rất sùng đạo, nhưng sùng đạo cách giả hình, vụ hình thức, vì họ chỉ chú trọng đến những hình thức bên ngoài như nhiệm nhặt gìn giữ các tục lệ của tiền nhân, chuộng hình thức bên ngoài mà không có tinh thần bên trong.

Chúa khiển trách họ: ”Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người, vì các ngươi bỏ qua các giới răn của Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người” (Mk 7:6-9). Chúa khiển trách họ là người làm đảo lộn giá trị vì họ chỉ chú ý đến việc tuân giữ các tập tục của tiền nhân mà lại bỏ qua những giới răn căn bản của Chúa. Họ coi trọng việc thuộc về con người hơn việc thuộc về Thiên Chúa.

Nhân dịp các luật sĩ chê trách các Tông Đồ không rửa tay khi dùng bữa, Đức Giêsu muốn dạy cho họ một bài học: cái xấu xa không phải từ ngoài mà vào mà ở trong mà ra. Ngài nói: ”Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mk 7:20-23). Do đó, chính cõi lòng mới là nguồn gốc của việc lành hay việc dữ.

Theo lời Chúa dạy, chúng ta thấy yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bề ngoài. Chính ý hướng ở bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có giá trị hay không. Nhiều người có những hành động rất tốt nhưng lại làm vì những động lực ích kỷ hay gian ác, thì hành động ấy trở nên xấu. Chẳng hạn những hành động giả nhân giả nghĩa nhằm được một lợi lộc nào đó, như bố thí thật nhiều để được khen, để có tiếng là đạo đức hầu lừa đảo người khác; hay làm việc tích cực chỉ nhằm để được lên chức, để nắm quyền hành nhằm thao túng lũng đoạn tập thể. Ngược lại, có những người “tình ngay mà lý gian”, hành động thì có vẻ như xấu, bị kết án, nhưng lại được Thiên Chúa chúc lành.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng sự thánh thiện hệ tại tình trạng tốt đẹp tâm hồn hơn là tại những hành động bên ngoài. Xin cho chúng con một tâm hồn ngay thẳng, luôn thành thật, luôn tôn trọng và bênh vực công lý, luôn yêu thương mọi người. Tâm tốt lành ấy mới chính là điều cốt yếu làm nên sự công chính thánh thiện của chúng con, hơn là giữ luật lệ một cách chi tiết hay việc làm cho thật nhiều (JKN).

CẦN TRỞ VỀ VỚI TRÁI TIM

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Ðoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một chuyện nhỏ,

chuyện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn.

Ðối với người Pharisêu, sau khi ra nơi phố chợ,

người ta thường trở nên ô uế do đụng chạm.

Phải rửa tay, vì tay ô uế làm đồ ăn ô uế,

và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ô uế.

Ðức Giêsu đã long trọng khẳng định:

“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người

lại có thể làm cho con người ra ô uế” (c.15).

Khẳng định này là một cuộc cách mạng trong Do Thái giáo,

bởi lẽ đời sống người Do Thái bị bao vây bởi nhiều cấm kỵ:

không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt;

không được đụng vào xác chết, vào người phong cùi;

không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi…

Ðụng vào hay ăn vào là ô uế ngay.

Ðức Giêsu đã phạm nhiều điều cấm kỵ,

đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu – người tốt,

dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ, nô lệ và tự do…

Ngài hồn nhiên đến với những người bị coi là ô uế

để làm họ nên sạch.

Thật ra Ðức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa tay,

nhưng Ngài thấy nó có vẻ giả hình

vì người ta chẳng để ý đến chuyện tẩy rửa trái tim.

Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện,

tránh khỏi phải rửa tâm hồn là điều khó hơn.

Ðức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực sự

lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống.

Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong trái tim mỗi người.

Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong ra.

Ngài kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ trái tim,

ý định xấu dẫn đến hành động không đẹp (cc.21-22).

Cần trở về với trái tim của mình.

Ðó không phải là một cuộc dạo chơi,

nhưng là một thách đố dám nhìn cái tôi sau lớp mặt nạ.

“Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31).

Ðó là lệnh truyền của Ðức Chúa,

nhưng con người chẳng thể tự mình thay tim.

“Ta sẽ thanh tẩy các ngươi.

Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed 36,25tt).

Ðổi được trái tim là đổi được tất cả.

Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở Hội Thánh.

Truyền thống, luật lệ và nghi thức là điều cần thiết,

nhưng không được quên điều cốt tủy của luật Chúa là yêu thương.

Tôn kính Thiên Chúa qua phụng vụ là điều phải làm,

nhưng phải đặt trái tim và cuộc sống mình trong đó.

Chúng ta vẫn có thể lẫn lộn cái chính với cái phụ.

“Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ” (c.14).

Ðó là lời Ðức Giêsu nhắn nhủ đám đông ngày xưa

và chúng ta hôm nay.

CẦU  NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu,

xin dẫn con vào nhà của con,

căn nhà của trái tim,

căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy

những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,

những mâu thuẫn và vô lý nơi con.

Xin hãy cho con thấy

những nhỏ mọn, ích kỷ,

những yếu đuối, khô khan,

những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức

những lo âu, sợ hãi

đang đè nặng làm con ngột ngạt,

những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,

những vết thương không biết bao giờ lành,

những đỗ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,

xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.

Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,

hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,

bằng trái tim bao dung của Chúa.

Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,

trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn

để yêu mến mọi người. Amen.

VỚI CẢ TÂM TÌNH

TGM. Ngô Quang Kiệt

Truyện thiền kể có hai nhà sư xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một thiếu nữ đứng bên vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư liền bế thiếu nữ vượt qua vũng nước. Trở về gần đến chùa, nhà sư kia trách bạn: “Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế?” Nhà sư trả lời: “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa”.

Câu chuyện ý nhị trên đã minh họa rõ nét về hai lối sống đạo. Lối sống đạo theo hình thức và lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành. Ông đã hoàn toàn giữ luật theo hình thức bề ngoài mà không xét đến nội tâm của mình.

Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do Thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những lề luật theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do Thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.

Đức Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Đức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám xấu xa.

Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.

Những hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết. Nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị, cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị

Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”.

Vì thế, khi làm việc gì, điều cần thiết là cho cử chỉ phản ánh trung thực tâm hồn. Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối. Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần gũi Chúa. Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi. Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương. Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng. Với tất cả tâm tình, những nghi thức mới trở nên có hồn, thành thực. Với tất cả tâm tình, ta mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa ta đến gần Chúa. Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

 

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Rửa tay hay rửa linh hồn, điều nào quan trọng hơn?
  2. Điều gì quan trọng nhất trong đạo? Làm những việc phi thường hay là mến yêu Chúa và yêu thương anh em?
  3. Bạn thường đi lễ cho đầy đủ bổn phận hay đi lễ vì yêu mến Chúa?
  4. Bạn làm việc thiện vì yêu mến người nghèo hay vì muốn khoe khoang

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*