• MỘT NGÀY CỦA CHÚA GIÊSU – HOẠT ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN – Sr. Maria Bình Yên, CMR
  • ĐI GIEO TIN MỪNG – TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
  • NGƯỜI CẦM LẤY TAY BÀ MÀ ĐỠ DẬY – Lm. Nguyễn Thái
  • HÃY SIÊNG NĂNG LÀM VIỆC THEO GƯƠNG CHÚA – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
  • TIẾP XÚC VỚI CHA TRÊN TRỜI – Lm. Đinh Lập Liễm
  • TẤM LÒNG CỦA THIÊN CHÚA – Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

MỘT NGÀY CỦA CHÚA GIÊSU – HOẠT ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN

Sr. Maria Bình Yên, CMR

 

Lắng nghe sứ điệp Tin Mừng

Người Kitô hữu thường hay cân đo giữa hoạt động và cầu nguyện. Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra ý tưởng tuyệt vời về sự quân bình cần thiết: “một ngày của Chúa Giêsu” – hài hòa giữa cầu nguyện và hoạt động. Trang tường thuật của Thánh sử Marcô cho ta thấy cầu nguyện cần thiết trong đời sống thường nhật như thế nào.

Một ngày sống của Chúa Giêsu là dành cho tha nhân: giảng dạy tại hội đường Caphacnaum, chữa bà mẹ vợ ông Simon khỏi cơn sốt; và dù trời bắt đầu tối nhưng vô vàn người đau yếu và bị quỷ ám vẫn ùn ùn kéo đến. Chắc là sinh hoạt của Chúa còn kéo dài thêm và Người chỉ còn ít giờ để ăn vội bữa tối. Tuy nhiên, điều mọi người không ngờ là “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”. Người xác tín sự cần thiết của cầu nguyện. Người đã dành nhiều thì giờ cho tha nhân và Người cũng cần dành thì giờ cho Chúa Cha. Đối với Chúa Giêsu, cầu nguyện và bắt đầu ngày mới là một. Cái bắt đầu này sẽ đem lại sinh lực và ý lực cho ngày sống. Điều đặc biệt nhất là cầu nguyện đã giúp Chúa Giêsu làm một quyết định sáng suốt, phù hợp với ý muốn của Chúa Cha.  Đó là Người quyết định cùng với các môn đệ “đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Người còn rao giảng ở đó nữa”.

Chúng ta thử nghĩ xem: “Mọi người đang tìm Thầy!”  Nghĩa là dân chúng đang cần Chúa Giêsu, ngưỡng mộ Người. Người rất thành công trong sứ vụ tại Caphacnaum. Thế mà sau một sáng sớm cầu nguyện, Người đã quyết định rời Caphacnaum để đến các nơi khác. Đâu là lý do để Người “đi nơi khác”?  Chúa Giêsu trả lời:  “Thầy còn rao giảng ở các nơi đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.  Việc chính của Chúa Giêsu là tiếp tục ra đi rao giảng Tin Mừng, chứ không phải dừng chân lại một chỗ để được hoan hô. Nhờ cầu nguyện, Người mới thấy rõ cần phải ra đi. Cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và quyền lực của ma quỷ không chỉ thu hẹp tại một địa điểm nhưng là khắp nơi.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

Ta thường bận rộn “trăm công ngàn việc”, nhưng chắc chắn không bận đến nỗi không thể dành được mỗi ngày ít phút để cầu nguyện.  Thiếu cầu nguyện thì ngày sống của ta sẽ khập khiễng như người mất thăng bằng.  “Nơi thanh vắng” của chúng ta không hẳn chỉ là nhà thờ nhưng có thể là trong xe trên đường đi công tác, tại băng ghế một ít phút sau giờ ăn trưa ở sở làm,… Dành chút thì giờ và kiếm một chỗ thuận tiện thực ra không khó, mà khó khăn là tại chính chúng ta không nhìn nhận sự cần thiết của cầu nguyện.

Một ngày sống, chúng ta phải làm nhiều quyết định, từ nhỏ nhặt nhất đến những quyết định quan trọng, làm sao có thể là những quyết định đúng?  Một ngày của Chúa Giêsu cũng đầy những quyết định phải làm giống như chúng ta, nhưng khác là Người đã cầu nguyện cho được thấu rõ thánh ý Chúa Cha và được đầy tràn Thánh Thần để có thể quyết định mọi sự theo đường lối của Thiên Chúa.  Quyết định ra đi của Chúa Giêsu được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay khiến ta ngạc nhiên, nhưng phải là điều giúp chúng ta hiểu sự cần thiết tuyệt đối của cầu nguyện.  Ước mong cầu nguyện sẽ giúp thay đổi thời khóa biểu và làm cho ngày sống của chúng ta được hài hòa!

Cầu nguyện

“Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

 Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa”

(Rabbouni).

 

Sr. Maria Bình Yên, CMR

ĐI GIEO TIN MỪNG

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA 

 Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ 

Đoạn Tin Mừng hôm nay tóm tắt một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Qua những hoạt động của một ngày làm việc, Chúa Giêsu đưa ra những chỉ dẫn khuôn mẫu cho người đi gieo Tin Mừng.

Chỉ dẫn thứ nhất: Tin Mừng phải được rao giảng. Ngày Sabbát, Chúa Giêsu vào Hội đường, đọc Sách Thánh và giải nghĩa. Việc đọc và diễn giải Lời Chúa là một phần quan trọng của đời sống người môn đệ. Vì Tin Mừng phải được rao giảng. Lời Chúa phải được công bố. Người môn đệ phải say mê rao truyền để cho Lời Chúa trở thành ánh sáng soi đường cho con người, hướng dẫn tư tưởng, lời nói, hoạt động của con người. Chính Lời Chúa hướng dẫn con người đi trên đường Sự Thật để đạt được Sự Sống.

Chỉ dẫn thứ hai: Tin Mừng phải chứng tỏ bằng yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. Chúa Giêsu đã làm chứng về điều đó. Ra khỏi Hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon. Bà nhạc của ông đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà để chữa bà khỏi bệnh. Thực ra Chúa có quyền năng chỉ cần đứng ngoài cửa phán một lời cũng có thể chữa bệnh cho bà nhạc ông Simon. Hơn nữa ở vào thời phong kiến với quan niệm nam nữ thọ thọ bất thân, việc cầm tay phụ nữ có thể gây nên dị nghị. Nhưng Chúa Giêsu đã đến tận giường cầm tay bà. Điều này nói lên lòng yêu thương kính trọng. Chúa không chỉ chữa bệnh mà còn muốn bày tỏ tình người, sự quan tâm âu yếm đối với người bệnh và cả sự kính trọng đối với phụ nữ nữa.

Chỉ dẫn thứ ba: Tin Mừng phải đem đến tự do. Ma quỉ luôn muốn giam cầm con người trong vòng nô lệ. Bị ma quỉ trói buộc con người mất hết ý chí, không còn làm được việc lành, chỉ có thể làm theo mệnh lệnh ma quỉ. Tin Mừng của Chúa có sức giải phóng con người. Giải phóng khỏi sự trói buộc của ma quỉ. Giải phóng khỏi những mặc cảm. Giải phóng khỏi những thói tục hủ lậu, những mê tín cấm kỵ. Nhờ đó con người có thể vươn lên, sống xứng đáng với phẩm giá và có thể làm việc lành phục vụ Nước Chúa. Bà nhạc của Simon là một thí dụ điển hình. Khi được khỏi bệnh, bà liền đi đứng và làm việc phục vụ Chúa.

Chỉ dẫn thứ tư: Tin Mừng phải được kín múc từ cội nguồn Thiên Chúa. Sáng sớm, Chúa Giêsu đến nơi vắng vẻ cầu nguyện. Suốt ngày bận rộn với con người, Chúa Giêsu phải dành buổi sáng sớm để cầu nguyện. Điều đó cho thấy, đối với Chúa, việc cầu nguyện là quan trọng biết bao. Chúa Giêsu cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho cuộc đời. Vì thế trước khi bắt tay vào làm việc, Chúa cầu nguyện với Đức Chúa Cha để múc lấy nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

Người môn đệ muốn dấn thân rao giảng Tin Mừng, mở rộng Nước Chúa không thể đi ra ngoài những chỉ dẫn khuôn mẫu của Thày Chí Thánh. Phải biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Coi việc cầu nguyện như cội nguồn của họat động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công. Chuyên tâm học, đọc, suy gẫm Lời Chúa để có thể thấu hiểu và trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống yêu thương bác ái. Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người tới tự do, có thể làm những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.

Lạy Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin hướng dẫn chúng con đi trên đường của Chúa. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU 

  1. Bạn hãy thử tóm tắt những việc Chúa Giêsu làm trong một ngày.
  2. Bạn tha thiết với việc rao giảng Tin Mừng, bạn sẽ làm gì để cho việc rao giảng Tin Mừng có kết quả tốt đẹp?
  3. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Bạn áp dụng câu nói này thế nào trong đời sống đạo của bạn?

 

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

NGƯỜI CẦM LẤY TAY BÀ MÀ ĐỠ DẬY

Lm. Nguyễn Thái

Sơ Maureen Cahill dòng Mân Côi – Holy Rosary – làm việc truyền giáo trong một bệnh viện ở phía bắc Transvaal, Nam Phi gửi cho tác giả cuốn “Story Power”, linh mục James A. Feehan một dụ ngôn Sơ đặt tên là “Dụ Ngôn Cây Viết Chì”: Thực sự chúng ta không biết được ai là người đã làm nên cây bút chì. Nhưng sau khi phát minh ra cây viết chì rồi, người chủ đã ngỏ lời với sản phẩm của mình như sau: Tôi muốn các bạn nhớ đến 4 điểm: 1- Sự tốt lành hay phẩm giá đích thật nằm ở bên trong con người của bạn. 2- Bạn sẽ cần phải được vót cho nhọn, gọt dũa đi khi bạn sống trong cuộc đời. 3- Bạn sẽ được sử dụng trong tay một người nào đó, nếu không tự bạn, bạn sẽ chẳng làm nên cái tích sự gì cả! 4- Người ta sẽ yêu cầu bạn phải để lại ít nhất là một dấu vết gì đó.”

Đời sống con người giống như cây viết chì. Mẹ Têrêsa Calcutta đã áp dụng trường hợp thứ ba cho Mẹ khi Mẹ nói: “Tôi là cây viết chì trong bàn tay của Thiên Chúa.” Còn tác giả của cuốn sách “Story Power”, cha Feehan áp dụng dụ ngôn này trong Thánh Lễ trên đài phát thanh cho những người ốm đau. Cha đã áp dụng sự đau khổ của con người vào trường hợp thứ hai của cây viết chì, là phải được thanh tẩy, chuốt nhọn bởi những khổ đau trong cuộc sống. Cây viết chì mà không bị vót, gọt, dũa thì không thể nào sinh lợi cho người khác được. Ngạn ngữ Pháp có lời khuyên như sau: “Con người là kẻ học nghề, mà thầy là nỗi ê chề đớn đau. Không ai hiểu nổi mình đâu, nếu chưa từng bước nhịp sầu mênh mông.”

Trong các bài đọc hôm nay có đau đớn và cũng có chữa lành. Có hai người chịu đau khổ vì ốm đau bệnh tật và cũng có hai người được chữa lành. Cả hai đều giống nhau. Một người là ông Gióp và người kia là bà nhạc mẫu của Phêrô. Cả hai đều gửi cho chúng ta một cái sứ điệp giống như sứ điệp trong dụ ngôn của cây viết chì. Họ nói về đau khổ và phục vụ. Họ tỏ cho chúng ta thấy rằng qua đau khổ họ thông cảm và hiểu biết tha nhân, rồi dẫn tới yêu thương và phục vụ tha nhân (1 Pr 4:10).

Bài đọc thứ nhất đưa ta vào những đau khổ của ông Gióp phải chịu đến độ hầu như tuyệt vọng: “Xin Ngài nhớ cho cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (G 7:7). Ông tuyệt vọng lắm rồi! Ông mất tất cả mọi sự. Tài sản, của cải, gia đình, uy tín, và sức khỏe. Bạn bè nói rằng ông bị thử thách vì ông đã phạm tội. Vợ ông xúi ông nguyền rủa Thiên Chúa mà chết cho rồi! Nhưng ông Gióp lại là một ứng viên tuyệt vời trong tuyệt vọng. Ông nhấn mạnh rằng ông đã không hề phạm tội, không hề xúc phạm tới Thiên Chúa. Nhưng ông không biết tại sao ông phải đau khổ. Đau khổ là một mầu nhiệm đối với ông. Ông trở thành con người của hy vọng. Ông vẫn tin tưởng nơi Thiên Chúa mặc dù đời ông có quá nhiều đau khổ: “Thiên Chúa ban cho, Ngài lại lấy đi, xin chúc tụng danh Ngài” (G 1:21). Ông không hiểu, nhưng vẫn tin tưởng, và sau cùng ông đã nhận ra tình yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa.

Người Ả Rập sống ở sa mạc thường nói: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được là một khu vườn.” Không ai thích đau khổ, ngay cả sa mạc cũng mong muốn thoát khỏi khổ đau. Câu chuyện này làm tôi nghĩ đến cuốn “Đường Hy Vọng” của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Trong dịp Đại Hội Đệ Tam Thiên Niên Kỷ 2000, ngài kể lại với các linh mục, tu sĩ và giáo dân về những năm tù đày của ngài:

“Trong những năm khốn đốn bị biệt giam, những năm đau buồn nhất trong đời tôi, tôi chỉ nhìn thấy hai người lính canh và họ được lệnh không được nói với tôi một lời nào. Tôi cảm thấy bị mọi người bỏ quên; tôi thấu suốt nỗi đau khổ tuyệt đỉnh của Chúa Giêsu, cô đơn trên Thánh giá. Tôi nghĩ đến những giáo dân, những tín hữu, đến các linh mục, tu sĩ, chủng sinh đang ở ngoài kia; họ cũng bị ruồng bỏ, bị đau khổ tù đày và bị bách hại. Trong sâu thẳm của yếu đuối, tinh thần lẫn thể xác, tôi nhận được ân sủng của Đức Mẹ Maria.

Tôi không được phép dâng Thánh Lễ, nhưng tôi đã đọc hàng trăm Kinh Kính Mừng, và Đức Mẹ đã ban cho tôi sức mạnh kết hợp với Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Tôi cảm thấy Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại khi Ngài cô đơn trên Thập Giá, trong sự bất lực hoàn toàn.

Các người lính canh dần dần hiểu biết tôi. Chúng tôi trở thành bạn hữu. Họ đã giúp đỡ tôi. Họ cho phép tôi làm một cây Thánh Giá bằng gỗ. Tôi đã giấu trong một cục xà bông. Tôi dùng một đoạn giây điện để làm giây đeo và họ đã cho tôi mượn chiếc kìm nhỏ để làm và họ còn làm giúp với tôi nữa. Chiếc Thánh Giá mà tôi mang đây làm bằng gỗ và dây điện từ nhà tù. Chiếc Thánh Giá này luôn luôn nhắc nhở: Hãy yêu thương mãi! Hãy tha thứ mãi! Sống với hiện tại để truyền bá Tin Mừng! Mỗi giây phút sống là để yêu mến Thiên Chúa” (Phó tế J.B. Huỳnh Mai Trác, VietCatholic News, Thứ Tư 18/9/2002). Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận là một nhân chứng của tình yêu và hy vọng trong đau khổ).

Bài Phúc Âm đưa ta vào hoàn cảnh của gia đình Phêrô, một gia đình đang có việc lo buồn. Mác-cô cho ta biết, “Lúc ấy bà nhạc mẫu của Simon cảm sốt nằm trên giường” (Mc 1:30). Theo William Barclay, đối với người Do Thái thời đó, bệnh là do ma quỷ. Bà nhạc mẫu của Simon bị bệnh, đồng nghĩa với sự hiện diện của sự dữ trong gia đình – sự hiện diện của ma quỷ nơi người đàn bà. Trong hoàn cảnh bi đát này, Chúa Giêsu ra tay cứu chữa: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1:31).

Từ ngữ của đoạn Phúc Âm này, đã được Mác-cô chọn lựa rất cẩn thận. Từ “egeirò – nâng lên” diễn tả việc Chúa Giêsu nâng bà lên giống như Sự Sống Lại của Chúa Giêsu từ cõi chết, được nâng lên đưa về trời. Sau khi được nâng lên rồi, bà bắt đầu phục vụ các ngài. Từ “diakonei – phục vụ” là nguồn gốc của chức phó tế “diaconatus”, mà Tân Ước dùng để diễn tả chức vụ phó tế.

Bà đã được Chúa Giêsu gọi cũng như Ngài đã gọi Phêrô, Anrê, Gioan…và các môn đệ khác. Chỉ trong một giây phút được chữa lành, bà đã tin tưởng và nhận biết Chúa, rồi bà bắt đầu làm việc phục vụ người khác ngay. Người bệnh được chữa lành, và được gọi để trở nên thừa tác viên đi thoa dịu, an ủi khổ đau, cực nhọc của người khác. William Barclay đã trích dẫn một câu châm ngôn trong những gia đình người Scottish như sau: “Saved to serve – Được cứu để phục vụ”. Chúa Giêsu đã cứu chữa chúng ta. Vậy chúng ta phải đi giúp đỡ người khác.

Chuyện cổ Trung Hoa kể câu chuyện về một người đàn bà có người con trai duy nhất đã chết. Trong đau thương buồn khổ, bà đến năn nỉ vị thánh hiền: “Xin ngài hãy dạy cho con biết những lời cầu khấn, hay những câu thần chú nào làm cho con trai của con được sống lại?” Thay vì lý luận dài dòng với bà, vị thánh hiền trả lời: “Bà hãy đi tìm cho tôi một hạt rau cải từ một gia đình chưa từng bao giờ biết buồn khổ là gì. Tôi sẽ dùng nó làm thuốc chữa cho con bà sống lại.”

Người đàn bà bắt đầu đi lang thang khắp nơi tìm kiếm hạt cải kỳ diệu đó. Trước hết, bà đến gõ cửa một lâu đài vô cùng sang trọng: “Tôi đang đi tìm kiếm một nhà chưa bao giờ biết buồn khổ là gì. Xin cho hỏi có phải nhà này không ạ?” Chủ nhà trả lời: “Thưa bà chắc chắn là bà đã đi lộn nhà rồi! Chồng tôi đang hấp hối nằm trên giường bệnh. Con trai tôi bỏ nhà ra đi. Tôi sợ rằng tôi sẽ sống trong cô đơn góa bụa! ”

Nghe xong bà nói: “Ai là người may mắn hơn tôi để có thể giúp đỡ cho những người bất hạnh đáng thương này, cho dù tôi cũng có những rủi ro của riêng mình?” Sau đó, bà ở lại để an ủi chủ nhà trước khi lên đường đi tìm cho ra một nhà chưa bao giờ biết buồn khổ là gì. Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, cho dù là lâu đài sang trọng, dinh thự giàu có đến đâu, bà cũng đều nghe kể về những chuyện buồn bã và bất hạnh. Cuối cùng, đi tới đâu bà cũng đều khuyên răn, an ủi và khích lệ người khác cho tới nỗi chính bà đã trở nên một thừa tác viên phục vụ cho những người buồn phiền đau khổ. Trong công tác mục vụ này bà đã quên việc đi tìm hạt cải kỳ diệu làm thuốc cứu chữa con bà. Bà quên đi nỗi buồn của chính bà.

Khi nào bạn đau khổ, chán nản, tuyệt vọng… hãy nhớ rằng Chúa Giêsu cùng hiện diện với bạn cũng như Thiên Chúa ở bên cạnh ông Gióp. Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn (Mt 8:25; 28:20). Hãy nhớ rằng bạn đang được yêu thương. Hãy tiếp tục tin tưởng, hy vọng, yêu thương và phục vụ. Khi nào bạn đau ốm về thể xác, tinh thần hay tình cảm, hãy cởi mở tâm hồn ra đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ chữa lành bạn, nắm chặt lấy tay bạn và giúp bạn đứng dậy. Ngài sẽ chữa lành bạn như Ngài đã chữa bệnh cho bà nhạc mẫu của Phêrô. Hãy lắng nghe tiếng Ngài mời gọi, bước theo Ngài và phục vụ tha nhân, vì ơn sủng của Ngài sẽ ban xuống đầy đủ cho bạn (2 Cr 12:8).

Lm. Nguyễn Thái

HÃY SIÊNG NĂNG LÀM VIỆC THEO GƯƠNG CHÚA

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

 

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Làm việc không phải là gánh nặng mà là ý nghĩa của cuộc đời. Ngày xưa Thiên Chúa dựng nên các nguyên tổ rồi đặt họ trong vườn địa đàng để họ “canh tác và giữ vườn”. Chính Ðức Giêsu cũng làm việc bận rộn từ sáng tới tối.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta ý thức giá trị của việc làm, đồng thời giúp chúng ta siêng năng làm việc theo gương Chúa.

 

II. Gợi ý sám hối

  • Xin Chúa tha thứ những lần chúng ta lười biếng không chịu làm việc.
  • Xin Chúa tha thứ vì chúng ta không biết thánh hóa những công việc mình làm.
  • Xin Chúa tha thứ cho những việc làm sai trái của chúng ta.

III. Lời Chúa

  1.  Bài đọc I (G 7:1-4, 6-7)

Ðoạn sách Gióp này đưa ra một cái nhìn bi quan về công việc con người phải làm trong cuộc sống: Làm việc là cực nhọc như “nô dịch” Con người giống như một người làm công. Và cuộc đời với những công việc như thế được coi là buồn thảm, bất hạnh. Cái nhìn bi quan này sẽ được sửa sai bằng gương làm việc của Ðức Giêsu trong bài Tin Mừng.

 

  1. Ðáp ca (Tv 146)

Thánh vịnh này đặc biệt ca tụng một loại “công việc” đặc biệt của Thiên Chúa, đó là việc “cứu chữa”: Ngài là Ðấng “cứu chữa những kẻ dập nát tâm can”.

 

  1. Tin Mừng (Mc 1, 29-39)

Ðoạn Tin Mừng này mô tả một ngày làm việc tiêu biểu của Ðức Giêsu:

  • Giảng dạy ở hội đường
  • Giảng vừa xong thì đến nhà nhạc mẫu của Simon để chữa cho bà này khỏi bệnh sốt.
  • Tiếp tục chữa bệnh và trừ quỷ từ chiều cho đến tối.
  • Sáng tinh sương hôm sau, Ngài cầu nguyện ở một nơi thanh vắng.
  • Người ta lại tìm đến với Ngài để được chữa bệnh. Nhưng Ngài đành phải ra đi, bởi vì còn phải rao giảng Tin Mừng ở những nơi khác nữa.

Tóm lại, Ðức Giêsu là một người làm việc bận rộn suốt ngày. Việc làm của Ngài là rao giảng Tin Mừng, chữa bệnh và trừ quỷ.

 

  1. Bài đọc II (1 Cr 9:16-19, 22-23) (chủ đề phụ)

Thánh Phaolô trình bày quan niệm của ngài về việc rao giảng Tin Mừng:

  • Ðó là một nhu cầu: “Nếu tôi rao giảng Tin Mừng thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi”
  • Đó là nguồn hạnh phúc: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”

Vì thế phải làm việc rao giảng Tin Mừng một cách tự ý tự nguyện chứ không phải do bị bó buộc.

 

IV. Gợi ý giảng

  1.  Lao động là vinh quang

Ông Lafontaine có kể một câu chuyện như thế này: có một tiều phu vác củi từ trong rừng về nhà. Củi thì nặng mà sức thì yếu cho nên ông ta cứ than thở hoài. Sau hết vì quá chán nản, ông đã kêu thần chết đến đem mạng sống mình đi phứt cho rồi. Vừa kêu dứt tiếng thì thần chết bỗng hiện ra, mặt mày khủng khiếp, tay cầm sẵn lưỡi hái. Thần chết hỏi: “Mi gọi ta đến để làm gì?” Ông tiều phu mặc dù vừa mới đòi chết nhưng khi thấy thần chết thì hoảng sợ và không muốn chết nữa, bèn nói trớ: “Xin ông làm ơn đặt bó củi này lên vai hộ tôi”. Thần chết bỏ lưỡi hái xuống và đem bó củi chất lên vai người tiều phu. Ông này vội vàng cám ơn và nhanh chân rảo bước, không còn thấy nặng nhọc gì nữa.

Câu chuyện ngụ ngôn trên có thể giúp ta hiểu được phần nào Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe. Tất cả 3 bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đều bàn đến những việc lao động nhọc nhằn trong cuộc sống chúng ta nơi dương thế. Cuộc sống này quả là vất vả: ai nấy phải làm lụng từ sáng tới chiều, quần quật hết ngày này sang ngày khác, hết tháng nọ sang tháng kia để kiếm lấy miếng cơm manh áo. Kẻ thì lao động chân tay, người thì lao động trí óc, nhưng tất cả mọi người đều phải làm việc vất vả. Làm để có cái mà ăn, ăn để có sức mà làm. Làm-ăn, ăn-làm như một cái vòng lẩn quẩn trói buộc con người, cho tới khi con người làm không nỗi, ăn không vô thì cũng là lúc sắp xuôi tay chấm dứt một kiếp sống làm người.

Trước kiếp sống đó, những kẻ bi quan và những người lười biếng thì than thở như trong sách Gióp được trích đọc trong bài đọc thứ nhất: “Lao động nhọc nhằn là kiếp sống của con người trên mặt đất. Ngày của họ giống như ngày của một kẻ làm công, như một người nô lệ. Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối và mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”. Thái độ đó cũng giống như người tiều phu trong chuyện ngụ ngôn của Lafontaine, làm việc cực nhọc quá nên cứ đòi chết cho rồi. Khi người ta làm việc cực nhọc mà không hiểu được ý nghĩa và giá trị của việc mình làm thì người ta dễ có thái độ bi quan như thế.

Chính để giúp cho loài người thấy được ý nghĩa và giá trị của lao động nhọc nhằn mà Ðức Giêsu Kitô đã sinh xuống trần gian, mang lấy thân phận làm người lao động vất vả. Bài Tin mừng hôm nay mô tả một ngày làm việc của Chúa: Chúa vừa giảng dạy trong Hội đường và cứu chữa một người bị quỷ ám xong, vừa mới đi ra thì hay tin bà Nhạc mẫu của Phêrô đang bị sốt nặng. Người liền đến nơi cầm tay nâng bà dậy, bà liền khỏi sốt. Liền sau đó có cả một đám đông tụ họp trước cửa nhà, đó là những người đau đớn vì đủ thứ bệnh tật, Chúa lại phải cứu giúp họ. Mãi tới chiều tối Chúa mới có chút ít giờ nghỉ ngơi. Người tìm một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Vừa tảng sáng hôm sau thì các môn đệ lại đi tìm Người và cho hay dân chúng lại tấp nập tuôn đến xin Người cứu chữa. Nhưng Ðức Giêsu đành phải từ chối và nói “Chúng ta còn phải đi đến những làng, những thành phố khác để rao giảng Tin Mừng nữa”.

Chính Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa mà còn phải làm việc vất vả từ sáng tới tối, hết ngày này sang ngày khác, không chỉ làm việc để lo cho bản thân Người mà làm việc để cứu giúp người khác, không phải chỉ lo phần xác người ta mà còn lo rao giảng để cứu giúp linh hồn người ta nữa. Qua tấm gương đó, Ðức Giêsu muốn cho chúng ta thấy ý nghĩa và giá trị của việc lao động nhọc nhằn: lao động là bổn phận của mọi người, lao động giúp ích cho bản thân và cho người khác, lao động sinh ích lợi cả phần xác lẫn phần hồn.

Vì hiểu được như thế cho nên Thánh Phaolô đã hăng hái chu toàn những công việc nặng nhọc Chúa giao như chúng ta đã nghe trong bài trích thư gởi tín hữu Côrintô. Là một tông đồ, công việc chính của Ngài là rao giảng Tin mừng. Ngài đã hăng hái làm trọn công việc đó, thậm chí Ngài còn nói “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Ngài còn nói thêm: “Giả như tôi tự ý đảm nhận công việc ấy thì tôi mới có công. Còn nếu tôi làm vì bị ép buộc thì tôi còn mang phần thưởng ở đâu nữa! Tôi đã nên mọi sự cho tất cả mọi người để làm cho mọi người được cứu rỗi. Thánh Phaolô đã hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của việc mình làm nên đã tự nguyện hăng hái làm việc không ngơi nghỉ.

Những bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ hôm nay thật ích lợi vì vạch cho ta thấy phương hướng sống trước những công việc bề bộn cực nhọc.

  • Trước tiên chúng ta hãy dâng lên cho Chúa tất cả những công việc ấy.
  • Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta sức khoẻ thể xác và tinh thần để có thể đảm nhận những công việc ấy.
  • Chúng ta hãy xin Ngài chúc lành cho việc làm của chúng ta sinh ra những kết quả tốt đẹp.
  • Xin Chúa giúp chúng ta làm việc không phải chỉ cầu lợi ích cho bản thân mình, mà còn để giúp ích cho những người khác.
  • Và đặc biệt xin Chúa giúp chúng ta biết để ra một phần thời giờ, một phần sức lực để làm việc mở mang Nước Chúa nơi trần gian.

 

  1. Vấn đề đau khổ

Bài Tin mừng cho thấy một ngày bận rộn của Ðức Giêsu.

  • Giảng xong trong hội đường thì đến chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô.
  • Ðến chiều còn cả đám đông bệnh nhân đủ loại.
  • Ðêm đến đi cầu nguyện còn được môn đệ mời về chữa bệnh.
  • Và còn phải đi đến nhiều thành nhiều vùng khác nữa.
  • Ðức Giêsu như một chiếc phao giữa biển khổ cuộc đời mà vô số người bám. 20 thế kỷ qua rồi, nhưng ngày nay đau khổ nhân loại vẫn còn chồng chất: cả thể xác lẫn tinh thần. “Ðời là bể khổ” câu giáo lý nhà Phật vẫn còn là một nhận xét thật đúng. Nhưng từ nhận xét đó ta chớ vội kết luận.
    • Hoặc theo kiểu bi quan như những người chán đời tự tử.
    • Hoặc theo kiểu thả trôi ăn chơi kẻo hết đời “chơi xuân kẻo hết xuân đi”. Mà hãy bình tỉnh nhận định về vấn đề đau khổ.
  • Có những cái khổ tự mình gây ra: tham ăn đau bụng.
  • Có những cái khổ do người khác xấu bụng gây ra cho mình: thằng ăn cắp làm cho người ta mất của.
  • Có những cái khổ là do quy luật thiên nhiên như thế: trước khi sinh con thì phải mang nặng đẻ đau. Muốn được mùa thì phải cực nhọc cầy cấy.
  • Trước cái khổ cũng có nhiều thái độ:
    • Có thứ khổ sinh buồn chán: nhậu nhẹt, tự tử.
    • Có thứ khổ làm cho con người trưởng thành: người lao động biết quý trọng đồng tiền, người lính chiến trở nên anh dũng.
    • Có thứ khổ người ta sung sướng chịu đựng: khổ vì yêu mà lo cho người yêu.
  • Sau khi phân tích như thế, ta thấy cái khổ mặc khải 3 vấn đề:
    • Trần thế không phải là nơi hoàn hảo.
    • Tội lỗi là một nguyên nhân lớn của khổ đau.
    • Khổ đau chứng minh cho tình yêu.
    • Lạy Chúa, xin cho con có một nhận định sáng suốt trước đau khổ.
    • Cho con đừng tự gây đau khổ cho con hay cho người khác do tính ích kỷ của con.
    • Cho con kiên trì đấu tranh làm giảm những đau khổ cho con và cho người khác.
    • Cho đau khổ đừng làm con gục ngã nhưng giúp con vươn lên cao hơn cõi đời này hướng về quê hương không đau khổ trên cao.
    • Cho con biết chịu khổ vì yêu.

 

  1. Nan đề đau khổ

Vấn đề đau khổ của loài người, đặc biệt của người lành, là một nan đề. Gióp đã vật lộn với nan đề này mà không tìm được lời giải đáp thỏa đáng.

Ngày nay đau khổ cũng vẫn là một nan đề. Ngày nay có rất nhiều người cùng cảnh ngộ với ông Gióp ngày xưa. Ðó là những người đau khổ vì nghèo, đói, bệnh, bất công, áp bức v. v. Thời Cựu Ước, người ta nghĩ rằng đau khổ là hình phạt của Chúa.

Phần Ðức Giêsu, Ngài không chấp nhận quan niệm coi đau khổ là hình phạt của Chúa, bởi Chúa không làm điều xấu, mà đau khổ là điều xấu. Ðức Giêsu không trả lời cho câu hỏi “Tại sao đau khổ” nhưng Ngài dạy phải làm gì trước đau khổ.

Trong bài Tin Mừng này, chúng ta thấy những người đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần bao quanh Ðức Giêsu. Ngài không tránh xa, nhưng hòa mình với họ, xả thân để cứu chữa họ.

Gặp người đau khổ, Ðức Giêsu không chỉ khuyên họ hãy nhẫn nhục chịu đựng như chúng ta quen khuyên. Ngài ra tay hành động, cứu người bệnh tật, xua trừ ma quỷ.

Vần đề đau khổ còn là cơ hội để Ðức Giêsu tỏ cho người ta biết Thiên Chúa. Qua cách Ngài tận tuỵ cứu giúp người đau khổ, Ðức Giêsu cho người ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những kẻ đau khổ.

Sự đau khổ của người khác cũng là cơ hội cho chúng ta. Tuy chúng ta không có khả năng cứu chữa nhưng chúng ta luôn có khả năng chăm sóc. Mà chăm sóc cũng là một cách cứu chữa. Chỉ cần ở bên người đau khổ thôi cũng là một điều gì đáng quý rồi. Nhưng ở bên người đau khổ mà với hai bàn tay không thì có thể làm gì được? Ðược chứ, vì với hai bàn tay, chúng ta có thể an ủi họ. Ðiều họ cần nơi chúng ta nhất là chúng ta đừng bỏ rơi họ. Khi chúng ta ở bên họ thì cũng giống như ngày xưa Ðức Maria ở bên Thập giá Ðức Giêsu.

Còn đối với những đau khổ của bản thân chúng ta, đó cũng là điều không thể tránh của thân phận làm người. Tuy nhiên thật là an ủi cho chúng ta vì chính Ðức Giêsu cũng đi con đường đau khổ như chúng ta, và Ngài đi tới cùng. Và cũng thật vui mừng khi chúng ta biết rằng sau khi đi đến tận cùng đau khổ thì Ðức Giêsu đã tới vinh quang. Như thế, đối với kitô hữu, đau khổ là cơ hội cho chúng ta chia sẻ cuộc chịu nạn của Ðức Giêsu, trong hy vọng cũng sẽ được chia sẻ vinh quang phục sinh của Ngài (Viết theo Flor McCarthy)

 

  1. Niềm vui được chữa lành

Ðầu năm 1996, cả thế giới xôn xao theo dõi một loại bệnh có tên thật ngộ nghĩnh: Bệnh bò điên (Mad-Cow disease). Người những mắc bệnh này vì họ ăn nhằm những con bò điên. Khi mắc phải, bộ não người bệnh sẽ bị hư hoại dần dần, tay chân run rẩy và đi dần đến cái chết.

Lúc đầu người ta phát hiện có mười người mắc bệnh này ở Anh Quốc, tám người trong số đó đã chết. Ngày 21 tháng 3 năm 1996, Bộ trưởng Y tế của Anh là ông Stephen Dorell đã phải tuyên bố: “Có thể có sự liên quan giữa bệnh bò điên và bệnh Creutzfeldt – Jacob nơi con người”

Sau đó, Pháp là nước đầu tiên tuyên bố ngưng nhập cảng thịt bò của Anh Quốc. Các nước Âu Châu lần lượt làm theo Pháp. Cộng đồng Âu Châu còn khuyến cáo Anh quốc phải triệt hạ tất cả mọi con bò mắc bệnh. Việc này đã khiến Anh Quốc thiệt hại hàng tỷ đôla.

Bệnh tật theo đuổi con người như hình với bóng, Người ta xóa sổ được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện, càng ngày các căn bệnh càng khó trị hơn, và dường như là bất trị. Có những bệnh tật tưởng chừng đã biến mất, nhưng nay lại quay trở về với con người.

Hôm nay Ðức Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc gia ông Simon – Phêrô. Bà đang bị cảm sốt liệt giường. Ðức Giêsu cầm tay bà nâng dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi lại tiếp đãi các Ngài.

Người Do thái cho rằng cảm sốt là hình phạt của Thiên Chúa, cũng giống như bệnh dịch (x. Ds. 5, 3). Sau này người ta còn gán cho cảm sốt là do ma quỉ. Trong cái nhìn đó, bệnh tật được coi như bắt nguồn từ ma quỉ và việc chữa lành bệnh tật được xem như là sự chiến thắng quỉ ma. Vì thế, việc Ðức Giêsu chữa bệnh cảm sốt cho nhạc gia ông Simon biểu lộ ý nghĩa Thiên Chúa cứu chuộc con người khỏi ách tội lỗi, nói lên sứ mạng Thiên sai của Người.

Ðức Giêsu đến đâu thì chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ đến đó. Người mang đến cho họ niềm vui và nụ cười. Người tín hữu Kitô cũng hãy đem niềm vui, niềm hạnh phúc đến cho tha nhân trong môi trường mình sinh sống. E. Lamy khẳng định: “Chính khi chiếu tỏa quanh ta niềm hoan lạc, mà ta sẽ cứu vớt được nhiều linh hồn. Bởi vì niềm vui tự nó là một lời rao giảng”.

Sau khi được chữa lành, bà nhạc ông Simon đã đứng dậy đi phục vụ mọi người. Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được xua trừ ma quỷ, được chữa lành bệnh tật, linh hồn, và được trở nên con cái Chúa, chúng ta cũng hãy ra đi phục vụ anh em đồng loại, nhất là những người cô thân cô thế, những kẻ bệnh hoạn tật nguyền. V. Ghika có viết: “Thiên Chúa cho kẻ biết cho, hiến thân cho kẻ hiến thân. Nếu bạn biết gánh lấy niềm đau kẻ khác, thì Thiên Chúa sẽ gánh lấy nỗi khổ của bạn và biến nó thành của Người”.

Dường như gánh lấy nỗi đau của kẻ khác, chúng ta cảm thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh. Dường như hy sinh cho tha nhân bao giờ cũng có hương thơm của hạnh phúc. Dường như sống yêu thương sẽ thấy lòng thanh thản, cuộc đời nhẹ thênh thang.

Lạy Chúa, thế giới ngày nay vẫn còn các tà thần ám ảnh: thần của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm; vẫn còn các bệnh tật lan tràn: bệnh trong lối nghĩ, lối nhìn và lối sống. Xin Chúa thương chữa lành cho tất cả chúng con. Nhất là xin cho các tín hữu chúng con cũng biết xoa dịu, băng bó và chăm sóc những vết thương thể xác và tâm hồn của anh chị em xung quanh. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

 

  1. Cực nhọc

Ba bài đọc hôm nay đều nói về làm việc. Nhưng bài đọc Cựu Ước (trích sách Gióp) thì than rằng làm việc là một gánh nặng quá cực nhọc. Còn 2 bài đọc Tân Ước thì nêu gương Ðức Giêsu và thánh Phaolô làm việc cách hăng say và vui vẻ.

Cũng là làm việc, nhưng người thì thấy nặng nhọc, kẻ thì thấy vui vẻ. Tại sao?

  • Thánh Phaolô cho biết lý do thứ nhất: làm việc vì bó buộc hay làm vì tự nguyện: “Tôi mà tự ý làm việc thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công”
  • Thánh Augustinô đưa ra lý do thứ hai: Ubi amatur, non laboratur (Khi nào người ta yêu thì người ta không cảm thấy nhọc mệt)

 

  1. Phép lạ chữa lành như là dụ ngôn về sự sống lại.

“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”.

Câu kinh đọc trước rước lễ có thể soi sáng một vài suy tư sau đây về phép lạ chữa bệnh.

Ðức Giêsu đã làm nhiều phép lạ chữa bệnh, đó là điều rõ ràng ai cũng biết. Chúng có mặt hầu như ở từng trang Tin mừng. Ðàng khác, nếu không chữa bệnh làm sao Ðức Giêsu chứng tỏ mình là Ðấng Mêssia được? Ðó là điều đòi hỏi phải có vào thời của Người, mà người ta còn gặp thấy lại nơi mọi lãnh tụ tôn giáo thời nay.

Nhưng Ðức Giêsu không chỉ là một người chuyên chữa bệnh. Chắc chắn không! Người không đến để chữa bệnh nhưng để cứu con người. Nếu có chữa bệnh đi nữa thì cũng là để cứu độ. Người không bảo: “Ðức tin đã chữa lành con” nhưng: “Ðức tin đã cứu con”. Thế mà ơn cứu độ là gì nếu không phải là được sống nhờ sự sống của Ðức Kitô, dù khi khỏe mạnh hay ốm đau, cả sau khi chết cũng như lúc còn sống. Phép lạ chữa bệnh chỉ là một thứ dụ ngôn về sự sống lại. Một nhà chú giải hiện nay đã có một nhận định, mà theo sự đánh giá của tôi, đã soi sáng cho tôi rất nhiều. Trong Phụng vụ, vị ấy nói, ngay từ ban đầu người ta chưa hề bao giờ đọc một bài tin mừng về phép lạ Ðức Giêsu chữa bệnh để cầu cho bệnh nhân được lành (như thế chẳng khác nào đọc thần chú) nhưng chỉ để công bố sự Phục sinh của Chúa”. (H. Denis, trong “100 mots pour dire”, Desclée de Brouwer, trang 183. Trích dịch bởi Fiches dominicales, năm B).

 

  1. “Ngài đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”

Người kia có thói quen một mình đi vào một khu rừng hẻo lánh. Một hôm, người bạn của người đó tò mò đi theo. Khi thấy người này ngồi im trong rừng thì ngạc nhiên hỏi: – Anh làm gì ở đây thế? – Tôi cầu nguyện. – Nhưng cần gì phải đến một nơi xa xôi hẻo lánh như thế này để cầu nguyện chứ? – Vì ở đây tôi thấy mình gần Chúa hơn. – Nhưng Chúa ở khắp mọi nơi kia mà. Ở đâu mà Chúa chẳng gần ta. – Chúa thì như thế thật, nhưng tôi thì không như thế.

Ðành rằng Chúa ở khắp mọi nơi nên ở đâu ta cũng có thể gặp Chúa, tuy nhiên nếu thỉnh thoảng ta lui vào một nơi yên tĩnh nào đó thì ta sẽ cảm thấy Chúa gần gũi hơn và thân thiết hơn. Ở những nơi yên tĩnh như thế, một mặt tất cả mọi sự đều nhắc chúng ta nhớ đến sự hiện diện của Chúa, từ một làn gió, một cánh hoa, một dòng nước, một tiếng chim hót cho đến cả sự im lặng; và mặt khác con người chúng ta thư thái hơn, bình lặng hơn nên dễ cởi mở tấm lòng ra với Ngài hơn. (Viết theo Flor Mc Carthy)

 

V. Lời nguyện cho mọi người

CT: Anh chị em thân mến Lao động là nhọc nhằn, nhưng lao động cũng là nguồn vui, là tiền đề cho cuộc sống ấm no hạnh phúc, và nhất là lao động tạo dịp cho chúng ta góp phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây:

  1. Ngày xưa Ðức Giêsu đã bảo các môn đệ rằng “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành thị lân cận để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Ngày nay Hội Thánh tiếp tục làm theo lời dạy ấy của Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh được nhiều thuận lợi và nhiều kết quả.
  2. Ðất nước chúng ta còn nghèo. Rất nhiều người chưa có công ăn việc làm xứng đáng và đủ nuôi sống gia đình mình. Chúng ta hãy cầu xin cho các vị lãnh đạo đất nước có những đường lối chính sách đem lại công ăn việc làm cho mọi công dân, để cuộc sống mọi người đều ấm no hạnh phúc.
  3. Chúng ta hãy đặc biệt nhớ đến những người thất nghiệp và những người vì hoàn cảnh bó buộc phải làm những công việc không xứng với nhân phẩm và đạo đức. Xin Chúa giúp cho những anh chị em ấy sớm thoát khỏi tình trạng khốn khổ hiện tại.
  4. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho mọi người trong cộng đồng giáo xứ chúng ta biết siêng năng làm việc, để vừa nuôi sống bản thân mình, vừa góp phần xây dựng xã hội và Giáo Hội.

CT: Lạy Chúa, Chúa đã nêu gương cần cù làm việc từ sáng đến tối; Chúa làm việc không phải vì bản thân Chúa mà còn để cứu giúp mọi người. Chúng con xin dâng lên Chúa những việc làm vất vả hằng ngày của chúng con. Xin Chúa thánh hóa những việc làm ấy và cho chúng sinh nhiều hoa quả tốt lành. Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp Ðức Giêsu Kitô là Chúa chúng con.

 

VI. Trong Thánh lễ

  • Trước kinh Lạy Cha: Chúng ta hãy cầu xin với Thiên Chúa là Cha chúng ta, xin Ngài thêm sức cho chúng ta có thể chu toàn mọi công việc chúng ta phải làm trong cuộc sống, đồng thời cũng xin Ngài cứu chúng ta khỏi mọi bệnh tật và mọi sự dữ.
  • Sau kinh Lạy Cha: “Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin thêm sức cho chúng con gánh vác những lao nhọc hằng ngày, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”

 

VII. Giải tán

Với ý thức rằng làm việc là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và với sự trợ giúp của Ngài, chúng ta hãy hăng hái trở về với cuộc sống và tích cực chu toàn những công việc của chúng ta. Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

TIẾP XÚC VỚI CHA TRÊN TRỜI

Lm. Đinh Lập Liễm

Đức Giêsu là gương mẫu của sự cầu nguyện. Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy rất nhiều lần Đức Giêsu đã cầu nguyện: Vừa khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả, Chúa lắng sâu trong cầu nguyện và đồng thời cửa mở ra (Lc 3:21; Ga 1:32-34). Năm đầu cuộc đời công khai, ngày Sabat Chúa vào hội đường cầu nguyện (Lc 4:16) và cầu nguyện nơi thanh vắng (Lc 5:16). Đêm áp ngày Chúa chọn 12 tông đồ, Chúa đã lên núi và cầu nguyện suốt đêm (Lc 6:12). Trước khi Chúa hỏi các tông đồ về dư luận dân chúng về Ngài, Chúa đã tìm nơi thanh vắng mà cầu nguyện (Lc 9:18). Trước khi biến hình Chúa đã lên núi cầu nguyện (Lc 9:28) và trong khi cầu nguyện thì Ngài biến hình. Lần kia, sau khi thấy Chúa rời các ông để cầu nguyện, các tông đồ xin Chúa dạy các ông cầu nguyện như Gioan đã dạy các môn đệ của ông. Và Chúa đã dạy các ông kinh Lạy Cha (Lc 11:1-4). Hơn nữa, nhất là trong giờ hấp hối trong vườn Cây Dầu, Chúa đã cầu nguện thống thiết tới 3 lần (Lc 22:40-45).

Rất nhều lần Ngài đã khuyên các môn đệ cầu nguyện. Ta chỉ ghi ra đây một số trường hợp: – Cầu nguyện trong thinh lặng: vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha nơi kín ẩn (Mt 6:6). – Cầu nguyện với lòng tin: Thiên Chúa có thể ban mọi sự (Mc 11:23-24). – Cầu nguyện với Cha chúng ta ở trên trời (Lc 11:13). – Cầu nguyện không nhiều lời (Mt 6:7). – Biết tha thứ cho người khác để Cha trên trời có thể tha thứ cho chúng ta (Mc 11:25). – Với lòng khiêm tốn và thống hối như người thu thuế tội lỗi (Lc 18:9-14). – Cầu nguyện không ngừng (Lc 18,1). – Cầu nguyện chung với người khác (Mt 18:19). – Nhận biết ân huệ của Thiên Chúa (Ga 4:10). – Xin những sự trên trời (Ga 6:27). – Kinh Lạy Cha (Lc 11:2t; Mt 6:9-13).

Đức Giêsu đã cảnh báo Phêrô về nguy cơ ma quỉ làm cho ông bị sa ngã, phải luôn tỉnh thức và đề cao cảnh giác: ”Phêrô, ma quỉ nó sàng con như sàng gạo” (Lc 22:31). Sức riêng của loài người không thể chống lại được sức mạnh của ma quỉ, nên phải cậy nhờ vào ơn Chúa, đừng cậy vào sức riêng mình.

Chúng ta không muốn định nghĩa sự cầu nguyện như các nhà tu đức học mà chỉ nói đơn sơ như Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nói: ”Con đã ở như một đứa trẻ không biết chữ: con cứ đơn sơ thật thà than thở cùng Chúa những điều con ước muốn, bao giờ con cũng được Chúa hiểu thấu tình. Với con, cầu nguyện chỉ là một cơn lòng sốt sắng, một liếc mắt nhìn lên trời, một tiếng kêu tri âm, một lời nói tình giữa lúc phải gian nan khốn cực, cũng như khi được bình an vui sướng. Và nữa, cầu nguyện là một cái gì cao thượng, siêu nhiên cởi mở lòng, phơi giãi linh hồn, trao đổi lại tâm tình, để được kết hợp cùng Chúa cách chí thiết” (Trích Một tâm hồn, Kim Thiếu dịch, tr 204).

Cầu nguyện có thể ví như tình yêu. Chúng ta không thể học yêu qua sách vở được. Phải có phần thực hành. Cầu nguyện ví như học bơi lội. Muốn biết bơi thì phải nhào xuống nước, không thể vừa khô ráo trên bờ vừa lại biết bơi. Cầu nguyện cũng như việc học gia chánh. Muốn thực tập làm các món ăn thì phải lăn vào bếp. Cầu nguyện cũng giống như việc chăm sóc mảnh vườn. Muốn có hoa đẹp thì phải trồng, phải phân bón, phải có nắng, phải tưới nước và phải chăm làm cỏ. Cầu nguyện không là một đề tài để bàn luận, nhưng là một thực tại để sống. Chúa Kitô là thầy dạy chúng ta, và tất cả chúng ta đều là học trò trong lớp “cầu nguyện.” Muốn có một đời sống sung mãn trong Chúa Kitô, chúng ta phải cầu nguyện (Thanh Thủy, Con đường tình yêu, tr 197).

Có nhiều cách cầu nguyện. Thường thường người ta cho rằng cầu nguyện là chuyện vãn với Chúa, là một cuộc đối thoại, mình phải nói với Chúa, nói nhiều cho Chúa nghe. Cũng có người có ý kiến cao hơn: cầu nguyện là lắng nghe tiếng Chúa, cầu nguyện chỉ là cơ hội để Chúa nói với ta. Tất cả đều đúng. Nhưng cầu nguyện cao nhất là sự thinh lặng tuyệt đối, trong đó chẳng ai nói mà cũng chẳng ai nghe vì lúc đó giữa Chúa và ta có một sự kết hợp mật thiết rồi, một sự kết hợp cao độ đến nỗi không còn phân biết giữa Chúa và ta nữa. Tư tưởng này đã được Cha Anthony de Mello diễn tả trong câu chuyện sau đây:

Sau một ngày học hành mệt nhọc, người bạn trẻ thường có thói quen ghé ngang qua nhà thờ để viếng Chúa, và lần nào cũng bắt gặp một cụ già ngồi yên lặng trước Thánh Thể trong nhà tạm. Ngày kia, người bạn trẻ chờ cho cụ cầu nguyện xong, tiến đến gần và hỏi: “Cụ ngồi lâu giờ như vậy, có nghe Chúa nói gì với cụ không?” Cụ già chậm rãi trả lời: “Chúa không nói gì hết, Ngài chỉ nghe thôi.” “Vậy thì cụ nói những gì với Chúa?” Lão cũng chẳng nói gì cả, chỉ nghe thôi.” Thấy người bạn trẻ có vẻ ngỡ ngàng, cụ nói tiếp: “Thời gian đầu thì lão nói, Chúa nghe, sau đó thì Chúa nói, lão nghe. Giai đoạn kế tiếp thì không ai nói hết vì cả hai cùng nghe và có lẽ giai đoạn cuối là lúc không ai nói mà cũng không ai nghe. Tất cả chỉ là một sự thinh lặng tuyệt đối” (Anthony de Mello, Taking Flight).

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc cầu nguyện là sự thinh lặng. Chúng ta cần sự thinh lặng, vì chính trong sự thinh lặng này, Chúa Cha sẽ nói với ta lời của Ngài, Chúa Kitô sẽ chia sẻ với chúng ta ý nghĩa của mầu nhiệm Chết và Phục sinh của Người, và Chúa Thánh Thần sẽ thôi thúc để chúng ta tìm ra đường hướng Chúa muốn chúng ta đi. Ngày nay, con người dường như rất sợ sự thinh lặng, do đó con người tạo ra trăm ngàn cớ để chạy trốn cái giây phút tĩnh lặng trước mặt Chúa, Đấng lột trần cho thấy sự hư vô tột cùng của kẻ từ chối chấp nhận mình nghèo khó và yếu đuối (Thanh Thủy, op.cit. tr 203-204).

Việc cầu nguyện có thể ví được như cách điều chỉnh radio và vô tuyến truyền hình. Chúa và ân sủng của Ngài lúc nào cũng sẵn sàng, bàng bạc khắp không gian như luồng điện. Con người nào không cầu nguyện cũng ví như máy thu thanh và vô tuyến truyền hình không bao giờ dùng tới. Muốn cho các máy đó bắt đúng luồng sóng, đúng tầng số, ta cần điều chỉnh nhẹ nhàng, trong thinh lặng để các máy đó bắt đúng tầng số; bằng không, vẫn chơ vơ một mình, đơn chiếc, lẻ bóng và chẳng ích lợi gì.

Hơn nữa, việc cầu nguyện còn có thể ví như “xạc” bình điện. Chúng ta ưa phóng ngoại, để chạy theo những cái hào nhoáng, những hấp dẫn bên ngoài, thích chạy trên chính mình chẳng khác gì bình điện xài luôn nên hết điện, hết năng lực. Thế nên cần phải có thời gian nghỉ ngơi, thinh lặng để “xạc” lại bình, để hấp thụ và để bắt liên lạc với chính nguồn điện lực. Giờ cầu nguyện là lúc bồi dưỡng, chuyển hóa, thăng hoá chính bản thân mình như bắt lại với chính nguồn là Thiên Chúa, chính Thánh Thần là Tình Yêu, để ta được gọi Thiên Chúa là Cha (Rm 8:15-16; Gl 4:6). Nhờ đó con người được đổi mới (Cl 3:9-11) tìm lại được con người nội tâm (Rm 7:22) của chúng ta. Tìm gặp, biến thể và hoà đồng với chính Tình Yêu.

Tại bảo tàng viện ở Wittenberg, Đức, người ta còn lưu giữ một lá thư của một tu sĩ dòng Augustinô rất thời danh, mới 35 tuổi, đã làm tới chức Giám Tỉnh. Bức thư như sau: ”Tôi quá bận rộn, phải đi dạy học, giảng thuyết, viết sách, tôi làm quản lý, bắt cá ở hồ… nên không có giờ đọc kinh, không có giờ nguyện gẫm, không có giờ dọn mình dâng Thánh Lễ, có lúc phải bỏ luôn cả Lễ…” Vị cựu tu sĩ thời danh ấy là Luther, người đã ly khai khỏi Giáo Hội, ra khỏi dòng, lập gia đình, lôi kéo nhiều người đi vào con đường ly khai.

Phải phân biệt hai lối cầu nguyện: thụ động và chủ động. Cầu nguyện thụ động là thái độ của kẻ ươn hèn, muốn được điều lành mà không cố gắng, không làm gì cả: họ chỉ há miệng chờ sung. Trái lại cầu nguyện chủ động là tính cách của người vừa cầu nguyện vừa làm việc để đi tới mục đích mình cầu xin: Aide-toi, le Ciel l’aidera!

Nhà khoa học lừng danh Alexis Carrel đã nói: ”Dẫu có vẻ lạ lùng, người ta vẫn phải nhận là đúng rằng kẻ nào cầu xin sẽ được và cửa sẽ mở cho kẻ gõ.” Một nhà khoa học đã từng được giải Nobel còn tin tưởng như vậy.

Văn hào Cronin đã than thở cho những kẻ mất lòng tin tưởng, những kẻ không cầu nguyện: ”Địa ngục là khi lòng mất hy vọng.” Sống là hy vọng, mà mất hy vọng thì còn sống làm sao? Chính vì vậy, những kẻ tự tử là những kẻ không còn tin tưởng, những kẻ không biết có sự cầu nguyện.

Cầu nguyện cũng còn lợi ích nhiều cho đời sống tâm lý và thể lý nữa. Chính những nghiên cứu của các nhà khoa học thời danh đã chứng minh điều đó. Bác sĩ Carl Jung cho biết: ”Tôi nhận thấy rằng những bệnh nhân, rút cuộc người nào cũng phải tìm một giải pháp tôn giáo mới hết bệnh. Họ đau vì mất quân bình, mất tin tưởng.” Giải pháp ông nói đây rõ ràng là CẦU NGUYỆN (Viết theo Vũ minh Nghiễm, Sống, tr 44-45).

Môt hôm, một bệnh nhân trạc tuổi 40, đến gõ cửa phòng mạch bác sĩ. Người bệnh nói: “Đã lâu rồi tôi mắc bệnh mất ngủ. Tôi đã uống nhiều loại thuốc an thần, thuốc ngủ. Ban đầu uống một viên, sau đó uống hai viên. Hiện giờ tôi uống những ba viên mà cũng chẳng tài nào ngủ được. Hết muốn sống.” Bác sĩ là một người Công Giáo, liền cho một toa thuốc không mất tiền mua: “Từ nay ông đừng uống thuốc ngủ nữa. Thế vào đó, trước khi lên giường, ông hãy đọc một câu kinh sốt sắng, và dâng phó những lo lắng của ông vào lòng Thượng Đế.” Đã lâu lắm, bệnh nhân chẳng hề đọc kinh. Tối hôm ấy, chàng áp dụng toa thuốc của bác sĩ đã cho một cách nghiêm chỉnh. Một tuần lễ sau, thần kinh bớt căng thẳng, chàng được lành mạnh, ăn ngon ngủ ngon và làm việc như thường lệ.

Tuy rất bận rộn với công việc rao giảng, chữa bệnh, trừ quỉ và tiếp xúc với mọi hạng người, nhưng Đức Giêsu không quên cầu nguyện, Ngài tranh thủ những lúc vắng vẻ, những đêm tĩnh lặng để tiếp xúc với Cha Ngài. Hãy theo gương Đức Giêsu mà cầu nguyện trong đời sống hằng ngày, mặc dầu chúng ta rất bận rộn với công việc.

Chúa không đòi chúng ta phải cầu nguyện bằng những lời lẽ hoa mỹ hay bằng những hình thức gò bó, mất tự nhiên, nhưng hãy cầu nguyện đơn sơ như một em bé nói chuyện với cha mình, nói lên tất cả tâm tình của mình, nói lên những việc lớn cũng như việc nhỏ trong cuộc sống. Cha Charles khuyên: “Khi bạn quì gối trước nhan Chúa, bạn đừng xua đuổi những cái khác ra ngoài, nhưng hãy làm ngược lại. Khi bạn thưa chuyện với Chúa Giêsu Kitô, bạn đừng bỏ bớt ba phần tư từ ngữ quen dùng của bạn đi, bạn đừng dùng những từ ngữ ít gặp và đừng tránh không nói đến những chuyện tầm thường. Đừng giả vờ biến thành một người khác. Bạn hãy dám thưa với Chúa Giêsu rằng, bạn bị nhức đầu, bạn bị bực mình khó chịu, bạn làm bữa cho gia đình trễ quá rồi” (Charles, La priere de toutes les heures, tr 10).

Cũng cần lưu ý thêm khi cầu nguyện trong những biến cố quan trọng: “Dĩ nhiên rằng khi một biến cố quan trọng xẩy ra, nhất là một thử thách xẩy đến trong đời bạn, bạn đem ra thưa với Chúa trong kinh nguyện của bạn, nhưng đàng khác cũng có một nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ không đưa vào kinh nguyện của bạn hàng ngàn chuyện lặt vặt xẩy ra hàng ngày, nhưng quan trọng đối với bạn và làm thành những đường chỉ dệt nên đời sống của bạn” (Gaston Dutil, Đạo Trong Đời Bạn, tr 29).

Thường người ta quan niệm rằng làm việc và cầu nguyện là hai việc khác nhau, có khi đối chọi nhau. Người ta tưởng rằng cầu nguyện là phải chu chu chăm chắm, nhắm mắt lại mà cầu nguyện. Thực ra, với lòng yêu mến, chúng ta có thể biến tất cả công việc làm của chúng ta thành kinh nguyện. Như thế, suốt ngày làm việc của chúng ta là một lời kinh nguyện dâng lên Chúa. Cần nhất ban sáng khi thức dậy, chúng ta đã dâng lên Chúa mọi công việc trong ngày, thì mọi việc trong một ngày có thể trở thành kinh nguyện liên miên.

Để kết thúc, chúng ta nhắc lại lời Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu: ”Con đã ở như một đứa trẻ, con cứ đơn sơ thật thà than thở cùng Chúa những điều con ước muốn, bao giờ con cũng được Chúa thấu hiểu.”

Lm. Đinh Lập Liễm

TẤM LÒNG CỦA THIÊN CHÚA

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

[G 7:1-4,6-7; 1 Cr 9: 16-19,22-23; Mc 1: 29-39]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Một trong những bài hát mà tôi ưa thích nhất là bài TRONG TIM CHÚA, với những lời thật hay:

  1. Trong trái tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chỗ nghỉ ngơi, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, như nước mưa tan trong biển khơi. Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, những ước mơ con có trong đời, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi là tình con trong khối tình Người.

ĐK: Trái tim hồng Thiên Chúa trái tim Người CHA. Mãi muôn đời yêu dấu chúng con gần xa. Tháng năm đời con sống chứa chan lời ca. Có ân tình Thiên Chúa trái tim nở hoa.

  1. Trong trái tim Chúa như nôi hồng, con xin được như bé ngủ mơ, một giấc mơ, nghìn giấc mơ, những giấc mơ ấm êm tuổi thơ. Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, những giấc mơ con có trong đời, là sống vui, là hát vui, là trẻ thơ trong mái nhà Người.

ĐK: Trái tim hồng Thiên Chúa trái tim Người CHA. Mãi muôn đời yêu dấu chúng con gần xa. Tháng năm đời con sống chứa chan lời ca. Có ân tình Thiên Chúa trái tim nở hoa.

  1. Trong trái tim Chúa bao ân cần, con xin được say nếm hồng ân, là trái ngon, là trái ngon, những trái ngon dưỡng nuôi đời con. Là bánh thơm, là sữa thơm giúp con mau chân bước lên trời, là đóa hoa, là tiếng ca, gọi lòng con mau bước về nhà.

ĐK: Trái tim hồng Thiên Chúa trái tim Người CHA. Mãi muôn đời yêu dấu chúng con gần xa. Tháng năm đời con sống chứa chan lời ca. Có ân tình Thiên Chúa trái tim nở hoa.

  1. Trong trái tim Chúa bao dịu dàng, con xin được nghe Chúa bảo ban, dậy dỗ con, dậy dỗ con, dậy dỗ con biết sống sao thắm tươi tình son. Tìm bước theo đường mến yêu, biết dâng trao, biết thứ tha nhiều. Cùng Chúa đi, cùng Chúa đi, hòa niềm vui chung với mọi người.

ĐK: Trái tim hồng Thiên Chúa trái tim Người CHA. Mãi muôn đời yêu dấu chúng con gần xa. Tháng năm đời con sống chứa chan lời ca. Có ân tình Thiên Chúa trái tim nở hoa.

Bài hát ấy rất phù hợp với những đoạn Phúc Âm trong đó chúng ta thấy Chúa Giê-su có một tấm lòng hết sức nhạy cảm trước nỗi đau của con người và vì thế mà Người rất quyết liệt chống lại cái ác và luôn luôn ra tay cứu giúp những người yếu đau bệnh tật, những người bị xã hội khinh khi và loại ra bên lề.

Chúng ta hãy đọc kỹ các bài Sách Thánh hôm nay để khám phá tấm lòng của Chúa Giê-su cũng là tầm lòng của chính Thiên Chúa trước những nỗi thống khổ của con người.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Trong bài đọc 1 (G 7,1-4.6-7): Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.

(1) Bấy giờ ông Gióp lên tiếng nói: Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê? (2) Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công, (3) cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề. (4) Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: “Khi nào trời sáng?” Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: “Bao giờ chiều buông?” Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng….

(6) Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. (7) Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 9,16-19.22-23): Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.

(16) Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! (17) Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. (18) Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

(19) Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. (22) Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. (23) Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 1,29-39): Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.

(29) Hôm ấy vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-mon và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. (30) Lúc đó bà mẹ vợ ông Si-mon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.  (31) Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

(32) Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. (33) Cả thành xúm lại trước cửa. (34) Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

(35) Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dạy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (36) Ông Si-mon và các bạn kéo nhau đi tìm. (37) Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (38) Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thày còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (39) Rồi Người đi khặp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung của Thiên Chúa:

1o) Trong đoạn Sách G 7, 1-4.6-7, ông Gióp không đề cập trực tiếp đến Thiên Chúa nhưng là những lời ông than thở với Người, về những nỗi khổ đang tràn ngập cuộc sống và năm tháng ngày giờ của ông. Ông than thở với Thiên Chúa vì ông tin vào tình thương và quyền năng của Người: chỉ có Thiên Chúa mới cứu được ông khỏi cảnh khổ, mới làm cho những tháng năm của ông có ý nghĩa, mới đem lại hạnh phúc cho ông!

2o) Trong đoạn thư 1 Cr 9,16-19.22-23, Thánh Phao-lô cũng không đề cập trực tiếp đến Thiên Chúa nhưng ngài thổ lộ tâm tư sâu thẳm của mình: Thánh Phao-lô chỉ có một trách nhiệm, một sứ vụ, một mối quan tâm: đó là rao giảng Tin Mừng Cứu độ và giúp đỡ người khác đón nhận Tin Mừng ấy. Sứ vụ/trách nhiệm ấy là do chính Thiên Chúa đã giao cho ngài.

Để chu toàn việc rao giảng Tin Mừng và chinh phục các tâm hồn cho Thiên Chúa, Thánh Phao-lô tự biến mình thành người nô lệ cho Tin Mừng và cho con người. Ngài sống hòa đồng, thậm chí đồng hóa với hết mọi hạng người, để Tin Mừng được loan báo và đón nhận. Tin Mừng mà Thánh Phao-lô phục vụ quả thật là Tin Vui, là Tin Chiến Thắng! Đấng Thiên Chúa mà Thánh Phao-lô phụng thờ quả là Vị Thần Linh cao cả và tuyệt diệu!

3o) Trong đoạn Tin Mừng Mc 1,29-39, Thánh Mác-cô muốn giới thiệu với chúng Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng làm việc không biết mệt mỏi, để rao giảng Tin Mừng và chữa lành những người ốm đau bệnh tật cũng như trừ quỷ ám hại làm nhiều người khốn khổ.

Sở dĩ Chúa Giê-su Na-da-rét làm như thế là vì Người đã được Thiên Chúa sai đến trần gian này để cứu độ chúng sinh và vì Người có tấm lòng của Thiên Chúa: xót thương con người bị hành hạ bởi đủ thứ khốn khổ trên đời. Cùng với tác dụng chữa lành những con người khốn khổ phần hồn phần xác, những phép lạ (hay dấu lạ) Chúa Giê-su đã thực hiện còn mang ý nghĩa khác là bộc lộ lòng xót thương của Thiên Chúa và loan báo Nước Trời đã có mặt, đang hình thành và lớn lên trong thế giới của loài người. Ở đâu có khổ đau ở đấy có Thiên Chúa tình thương. Ở đâu bệnh tật, ma quỷ bị đầy lui, ở đấy Nước Thiên Chúa ngự đến. Ở đâu có lời công bố Tin Mừng, có lời hay hành động công bố Tình Yêu của Thiên Chúa, ở đấy Nước Thiên Chúa hiện diện. Chúa Giêsu ở đâu, Nước Thiên Chúa và chính Thiên Chúa Cứu Độ ở đó!

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa gồm 2 phần:

Thứ nhất là tìm đến với Chúa Giê-su Ki-tô để nghe Người giảng dạy và để được Người chữa lành tất cả những bệnh hoạn tật nguyền phần hồn phần xác đang hành hạ chúng ta!

Thứ hai là noi gương bắt chước Chúa Giê-su Ki-tô mà mở rộng tấm lòng trước nỗi khổ của người chung quanh và giúp đỡ phục vụ những người ấy.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng không hề bỏ rơi hay trừng phạt người tôi tớ công chính là ông Gióp trong Cựu Ước, nhưng Người đây đã giao cho Con Một là Đức Giê-su Ki-tô, bộc lộ tấm lòng yêu thương và quyền năng của Người trong việc chữa lành những người bệnh tật, đau khổ.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa

Muốn thực thi sứ điệp Lời Chúa, có ba việc chúng ta nên làm:

Một là chúng ta thường xuyên chạy đến với Chúa Giê-su Ki-tô bằng những giây phút riêng tư sống một mình với Người, lắng nghe Lời Người. Chúa nói trong tâm hồn chúng ta và qua các trang Kinh Thánh và các biến cố cuộc đời.

Hai là chúng ta để cho Chúa Giê-su Ki-tô chạm tới những bệnh hoạn tật nguyền là những tội lỗi, yếu đuối, đam mê của chúng ta để Người chữa lành chúng ta.

Ba là chúng ta noi gương bắt chước Chúa Giê-su Ki-tô mà tích cực cứu giúp những người bị bệnh hoạn, tật nguyền phần hồn phần xác để họ được ơn giải thoát khỏi cảnh khốn khổ.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.» Chúng ta hãy cầu xin cho hết mọi người trên thế gian này, nhất là cho những người đang đau khổ phần hồn phấn xác, để ai nấy được  Thiên Chúa ủi an nâng đỡ bằng Tình Thương và Quyền Năng vô biên của Người.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các bệnh nhân và các người già được Chúa chữa lành hoặc được ơn bình an chịu đựng bệnh tật hay tuổi già hầu sống đẹp lòng Chúa và hữu ích cho chính mình cũng như cho người khác.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi người hăng say nhiệt thành việc tông đồ, hầu giúp nhiều người nhận biết Chúa là Thiên Chúa thật.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, được ơn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho những người trong gia đình và khu phố/xóm!

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Sài gòn ngày 26 tháng 01 năm 2018

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*