• NỖI ĐAU KHI BỊ CHỐI BỎ – Lm. Gioan Quốc Toản, CRM
  • MUỐN VÀ CÓ THỂ - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • NGÀI ĐỘNG LÒNG THƯƠNG – Lm. Nguyễn Thái
  • ĐỪNG TRỞ THÀNH NGƯỜI PHUNG CÙI – Lm. Đinh Lập Liễm
  • BỆNH PHONG TÂM HỒN – TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
  • “SẠCH” và “DƠ” – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
  • BÀN TAY THẦN KỲ - Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

NỖI ĐAU KHI BỊ CHỐI BỎ

Lm. Gioan Quốc Toản, CRM

Bài đọc 1, trích từ Sách Levi, liệt kê một số quy tắc khắt khe mà cộng đoàn Môsê thiết lập để đề phòng khỏi nhiễm lây bệnh phong cùi. Thời xưa, bệnh phong cùi được coi như là căn bệnh biến dạng, bất trị và truyền nhiễm. Những người phòng cùi bị gia đình và láng giềng ruồng bỏ và buộc phải sống xa cộng đoàn, sống ngoài thị trấn và làng mạc. Họ là những người sống nhưng xem như đã chết. Đối với người xưa thì họ hình như bị Chúa chúc dữ vì đã phạm tội hoặc một lý do nào đó. Những người phong cùi phải ăn mặc rách rưới và để đầu trần như bài đọc một cho thấy, họ phải “mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế.” Bất kể những ai va chạm đến người phong cùi sẽ được coi là ô uế như họ.

Hãy tưởng tượng, nếu có thể, cảm giác của họ như thế nào. Cơ thể bị hủy hoại và bị Thiên Chúa cũng như con người ruồng bỏ. Nỗi đau lớn nhất của họ là cảm giác bị mọi người xa lánh và lãng quên. Tuy nhiên, trong Tin Mừng hôm nay, một người trong bọn họ đã mạnh dạn bước ra khỏi nhóm, vượt trên sự cô đơn và quên lãng để đối diện với Chúa Kitô, một người mà anh nghĩ là sẽ không từ chối anh. Và quả thật, Chúa Kitô đã không chối từ anh ta, nhưng đã chữa anh khỏi bệnh. Ở đây, điểm cần chú ý, không phải là việc Chúa Giêsu đã chữa anh ta, nhưng là thái độ quan tâm khi Ngài chữa anh.

Trong cuộc sống hằng ngày, tha nhân giúp đỡ nhau là chuyện bình thường, nhưng chỉ giúp cách gián tiếp chứ không trực tiếp gắn bó mật thiết với người mà chúng ta giúp đỡ. Ví dụ, các bác sĩ thường viết toa và cho thuốc thay vì trực tiếp dành thời giờ chăm sóc bệnh nhân. Cha mẹ thường nói với những đứa con nghịch nghợm, “Đi lên phòng hoặc đi xem TV đi,” thay vì ngồi xuống và lắng nghe chúng. Nói cách khác, một cách nào đó chúng ta nói: xin tránh xa và đừng chạm đến tôi.

Chúa Giêsu đã không đối xử với người phong cùi như thế. Ngài để cho anh ta đến với Ngài. Chúa Giêsu đã làm một việc không thể tưởng tượng, Ngài đã giơ tay ra và chạm đến người phong cùi. Chúng ta có thể tưởng tượng nỗi sung sướng của anh ấy…Anh được coi như đã chết, bị mọi người chối bỏ và lãng quên và bây giờ Chúa Giêsu đến và chạm đến anh. Thật là một cảm giác hạnh phúc, sung sướng, và an ủi. Chúa Giêsu đã chữa lành viết thương tinh thần của người phong cùi trước khi chữa viết thương thể lý. Ngài đã chữa lành viết thương gây nên do bị chối bỏ và lãng quên; qua đó, Ngài làm cho người phong cùi cảm nhận mình rất đặc biệt và được quý yêu trong tầm mắt của Thiên Chúa.

Ngày nay người phong cùi không sống chúng với ta, nhưng chúng ta lại đối xử với tha nhân như những “người phong cùi” khi chối từ họ. Họ luôn hiện diện trong xã hội. Người già bị ruồng bỏ, người trẻ trong những gia đình tan vỡ không được yêu thương, và những thai nhi bị hủy hằng ngày…Hơn nữa, người phong cùi có thể gần gũi hơn, tức là bất kỳ ai mà chúng ta hất hủi, khinh rẻ, và coi thường. Người đó có thể đang sống chung một mái nhà với ta. Chúng ta có thể chối bỏ họ bằng những cử chỉ nhỏ nhưng khôn khéo như qua giọng nói hoặc ánh mắt mà qua đó chúng ta gửi thông điệp đến họ là mình không thích họ…như thế, chúng ta đã chối bỏ họ. Nếu nhìn lại chính mình, chúng ta sẽ ngạc nhiên là chúng ta không ý thức là mình không để ý đến những cách mình chối bỏ tha nhân.

Một người sẽ cảm thấy rất đau khi bị chối bỏ! Nó để lại một vết thương sâu đậm. Nó làm cho con người cảm thấy mình vô dụng và đưa đến thái độ tự ty mặc cảm. Nếu chúng ta nhận thấy mình có thái độ chối từ tha nhân thì đó là một dấu hiệu chắc chắn là tâm trạng của chúng ta không ổn. Đây là thời điểm để đổi thay! Đón nhận là đối nghịch với chối bỏ. Đón nhận làm cho tha nhân ý thức là mình được yêu. Đón nhận đòi hỏi một mối liên quan sâu xa và yêu thương với tha nhân.

Chúng ta là con cái Thiên Chúa nên cần phải sống như Chúa Kitô. Hôm nay, Chúa Kitô dạy chúng ta cách mở lòng và đón nhận tha nhân vào trong cuộc sống của mình, đặc biệt là những người bị thương tích, cô đơn, và lãng quên trong xã hội. Làm như thế chúng ta sẽ mang lại cho họ sự bình an và ơn chữa lành. Liều thuốc duy nhất có thể chữa lành nỗi đau của sự bị chối bỏ là Tình Yêu. Tất cả chúng ta đều có khả năng yêu thương. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết xử dụng tối đa khả năng yêu thương như Mẹ.

Lm. Gioan Quốc Toản, CRM

MUỐN VÀ CÓ THỂ

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

LỜI CHÚA: Mc 1:40-45

Một hôm, có người bị phong hủi đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”.

Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với  Người.

SUY NIỆM

Mẹ Têrêxa lập quỹ giúp người phong ở Calcutta. Những thùng quyên tiền của Mẹ mang dòng chữ: “Hãy chạm đến một người phong bằng lòng trắc ẩn của bạn”. Chạm đến người phong là điều xưa nay ai cũng sợ. Theo luật Cựu Ước, người phong phải mặc rách, xõa tóc, che râu. Đi đâu người ấy cũng phải la to: “Ô uế! ô uế!” (Lv 13:45- 46). Bị cách ly với mọi người, bị coi như mắc trọng tội, đau đớn cả xác lẫn hồn, người phong sống mà như chết. Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay khá đặc biệt. Anh tự ý đến gặp Đức Giêsu và quỳ xuống trước mặt Ngài. Lời van xin của anh thật là một lời xin mẫu mực. “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Nếu Ngài muốn: anh mời gọi lòng thương xót của Ngài. Anh để cho Ngài tự do chữa hay không tùy ý. Dù rất muốn khỏi bệnh, nhưng anh lại phó thác số phận mình cho ý Ngài muốn. Ngài có thể: anh tin tưởng vào quyền năng của Ngài. Anh không nói như người cha của đứa con bị động kinh: “Nếu Thầy có thể làm được gì…” (Mc 9:22). Đối với anh, chắc chắn Ngài có thể chữa anh lành bệnh. Chỉ cần Ngài muốn là đủ rồi. Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ, phó thác của anh đã đụng rất mạnh đến chỗ sâu nhất trong lòng Đức Giêsu. Không cưỡng lại được sự tin cậy đó, Ngài nói: “Tôi muốn”. Phép lạ phát sinh từ lòng tin của người phong và từ ý muốn đầy quyền năng của Đức Giêsu. Nhưng Ngài không chỉ muốn, mà còn đụng vào anh. Ngài không kinh tởm, không sợ lây, không sợ bị ô uế. Bàn tay Ngài đụng vào da thịt anh với các vết thương. Ngài không bị ô uế, nhưng Ngài làm cho anh hết ô uế. Chính lòng thương đã khiến Ngài mạnh dạn đụng vào anh, như chính anh đã mạnh dạn đến với Ngài bằng lòng tin. Đức Giêsu vừa tự do với Lề Luật, vừa lệ thuộc Lề Luật. Ngài bảo anh đi trình diện với tư tế và dâng của lễ. Chúng ta cần nếm niềm vui của người phong được lành. Anh hạnh phúc vì được sạch, được làm người bình thường, được chung sống với cộng đoàn, được hiệp thông với Thiên Chúa. Anh lấy lại phẩm giá, ra khỏi những mặc cảm. Niềm vui quá lớn khiến anh đi loan báo khắp nơi. Người phong sau khi được khỏi đã có thể vào thành. Còn Đức Giêsu lại phải ở ngoài thành, nơi hoang vắng.

Từ khi ông Hansen tìm ra vi trùng bệnh phong năm 1871, người phong đã có được niềm hy vọng chữa lành. họ không còn bị trục xuất ra đảo xa hay bị bách hại. Nhưng để cho họ được sống như mọi người vẫn là điều khó. Cũng có những người bị ta xa tránh như người phong: những cô gái lỡ lầm, những người mắc bệnh sida hay nghiện ngập, những người có tiền án hay thuộc giai cấp cùng đinh… Hãy đến gần họ và để họ đến gần mình, vì nói cho cùng, ít nhiều chúng ta đều là người phong.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày đón nhận những người khác

là điều vượt quá sức con,

vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con

có những ngày mà yêu mến người khác

làm cho tim con đau nhói,

vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau

và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con

trong những ngày khó khăn đó,

xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

tất cả chúng con đều là con cái Chúa

và đừng để con quên lời Chúa nói:

“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

là làm cho chính Ta.” ª

(Trích trong PRIER)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

NGÀI ĐỘNG LÒNG THƯƠNG

Lm. Nguyễn Thái

Ông Nguyễn Văn Xê, người bạn đồng bệnh sống với anh Nguyễn Trọng Trí, tức nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa vào những giây phút cuối cùng, đã viết bài “Nhớ Hàn Mặc Tử”, đăng trên cuốn “Hàn Mặc Tử, Thơ và Đời,” nhà xuất bản Văn Học. Hàn Mặc Tử bị bệnh phong cùi hành hạ, thân xác vô cùng đau đớn, bị người đời xa tránh, ghê tởm, vậy mà sao thơ của anh lại thanh tao, siêu thoát “bay cho đến cõi thiên đàng”? Cả ý, lẫn lời, cùng với tâm hồn của nhà thơ đã thoát ra khỏi cơn bệnh khổ đau bay lên thật cao.

Câu trả lời đã nằm trong câu thơ: “Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh” trong bài “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”. “Trí” là Nguyễn Trọng Trí, tên thật của Hàn Mạc Tử. “Miêu duệ” nghĩa là con cháu. Hàn Mặc Tử tự nhận mình là con cháu của các Thánh. Đúng như vậy! Vì trái tim của anh tràn ngập tình yêu thương. Nguồn suối yêu thương tuôn đổ xuống từ người mẹ, người chị, và Mẹ Juetta. Tất cả thu về một nguồn mạch chính, tình yêu Thiên Chúa qua Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Từ đó, anh tự hào mình là con cháu của các Thánh, của tình yêu!

Trần Thị Huyền Trang trong bài “Những Người Thân Yêu, Những Vòng Tay Nối Kết” đã viết như sau về người mẹ của Hàn Mặc Tử, bà góa phụ Nguyễn Thị Duy: “Căn bệnh nan y của nhà thơ là gánh nặng trên đôi vai già nua của bà. Nhưng người mẹ, trước sau như một, tận tụy thương con, nghe bất cứ nơi nào có thầy thuốc giỏi là không nề xa xôi khổ cực; lẽo đẽo theo con đến tận nơi chữa trị. Bà cố dành cho Hàn mọi nguồn an ủi tinh thần, chăm chút từng sở thích của đứa con bạc phận. Bà tự tay làm cho Hàn món cá bống kho tiêu rim mặn… Khi Hàn quyết định vào bệnh viện phong Quy Hòa, bà khóc lóc sợ xa đứa con yêu quý” (Hàn Mặc Tử, Thơ và Đời, trang 241-242).

Theo tâm lý, trong những lúc lâm nguy người ta thường gọi đến mẹ như một trẻ thơ xin cầu cứu. Trường hợp của Hàn Mặc Tử cũng như vậy: “Mẹ ơi, con sắp chết nay mai. Con không sợ chết mẹ ạ. Nhưng nghĩ rằng con sẽ phải rời bỏ mẹ, con đau lòng quá” (trang 242).

Chị Nguyễn Thị Như Lễ, chị của Hàn Mặc Tử “là người gần gũi Hàn Mặc Tử nhất về tính tình và sở thích. Nếu như mẹ được Tử nhìn qua hình ảnh Đức Bà Maria ở năng lực che chở và đức hy sinh thì chị Lễ là hiện thân của Đức Bà ở vẻ đẹp sáng trong uyển chuyển.” “Với tình thương rộng lớn và niềm thông cảm sâu sắc, chị đã cố gắng cho Hàn cảm giác dễ chịu và tự do tuyệt đối.” “Chị đã có mặt trong những trang thơ: lặng lẽ và dịu dàng như một vầng trăng, tỏa đầy những luồng sáng thanh khiết và ấm áp” (trang 244-245).

Và Mẹ Juetta, người Pháp, phụ trách nhà thương Nam Phong ở Quy Hòa, đã săn sóc Hàn Mặc Tử ngay từ khi mới nhập bệnh viện, được ông Xê diễn tả như sau: “Người bệnh nhân đó như bị tê hai chân nên gắng gượng lắm mới đứng lên được, đầu gối run run bước từng bước một, tay bám vào xe cho khỏi ngã. Mẹ Juetta: “Mau đưa tay cho mẹ đỡ xuống con.” Mẹ nói và bước tới xốc đỡ người bệnh một cách nhẹ nhàng. Theo bàn tay dìu đỡ của mẹ Juetta, người bệnh cố đi như lết, đầu cúi xuống. Đến giường số 3, mẹ dừng lại: “Trí, đây là chỗ của con.” Mẹ Juetta bưng đến một tách lớn đầy sữa nóng, và múc từng muỗm cho Trí uống. Trí e ngại nói: “Xin mẹ để con tự bưng uống được”; mẹ lắc đầu nói: “Không được, để mẹ đút cho con uống vì sữa nóng sẽ làm con phỏng tay.” Rồi mẹ sung sướng mỉm cười thấy Trí cố gắng uống cạn ly sữa. Mẹ nói: “Con nằm nghỉ, chút nữa ăn cơm” và Trí lễ phép: “Con cám ơn mẹ” (trang 186-187).

Những nguồn mạch yêu thương này đã tạo nên nghị lực mạnh mẽ cho Hàn Mặc Tử tự phấn đấu trong đau khổ và đã chắp đôi cánh cho thơ của anh bay lên trời cao. Anh Xê kể tiếp: “Trí và tôi thường nói chuyện với nhau và có lần Trí thổ lộ tâm tư đôi chút: ‘Tôi đến Quy Hòa này là nơi có bãi biển, rừng dừa xanh, núi non hùng vĩ, cù lao xanh huyền ảo, đặc biệt là tình người, nên tôi được hưởng cái bình an của nội tâm, cái thanh tao của nguồn vui tưởng như đã chết trong khi ở thôn Tấn đầy đau khổ, nghèo túng, cô đơn'” (trang 189).

Tình yêu cứu chuộc con người. Sự săn sóc đặc biệt của Mẹ Juetta đã giải thoát Hàn Mặc Tử, đã giúp cho Hàn Mặc Tử sống giữa sự hôi thối của bệnh phong cùi lại cảm thấy “Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng.” Sống giữa khổ đau lại cảm nghiệm “Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa.” Chỉ có tình yêu mới giúp Hàn Mặc Tử chắp cánh đại bàng bay lên khung trời cao rộng từ vực thẳm tăm tối của đau khổ và tuyệt vọng. Qua tình yêu đích thực phản ảnh tấm lòng của Đức Mẹ Maria đối với nhân loại, Mẹ Juetta đã chữa lành tâm hồn của Hàn Mặc Tử: “Lạy bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn. Giàu nhân đức, giàu muôn lộc từ bi. Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy. Cơn lâm nguy vừa trải qua dưới thế.” Mặc dù đau đớn đến run rẩy nhưng lòng vẫn tràn ngập mến thương: “Run như run hơi thở chạm tơ vàng… Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.”

Và sau cùng đã giúp anh “bay cho đến cõi thiên đàng” như ông Xê đã chứng kiến tận mắt: “Còn nói đến cử chỉ hành động bộc lộ ra ngoài mà tôi và mọi người thấy rõ ràng nhất là Trí trong những ngày giờ biết mình sắp chết thì rất sốt sắng lo về phần hồn của tôn giáo, nên Trí rất thích nói về Đức Mẹ Maria đầy ân phước” (tr. 203).

Hôm nay, có hai bài đọc nói về bệnh cùi. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Lêvi 13: 1-2, 44-46, nói rõ người bị bệnh cùi phải “ở riêng một mình ngoài trại”. Còn bài Phúc Âm, Mc 1: 40-45, diễn tả việc Chúa Giêsu giơ tay đặt lên người cùi, tiếp xúc với anh và anh được khỏi bệnh. Trong Cựu ước cũng như Tân ước, bệnh cùi là biểu tượng của tội lỗi. Người Do Thái coi người bị bệnh cùi đã bị phạt bởi Thiên Chúa do tội lỗi của họ. Và sự lây lan của nó giống như sự lan truyền của tội lỗi. Do đó tất cả mọi người bị cấm đụng chạm đến họ. Họ bị tách biệt, cô lập ra khỏi gia đình, cộng đoàn và xã hội. Nhưng Chúa Giêsu, với tình yêu vô biên của Ngài: “Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy” (Mc 1: 41). Ngài phá tan cái hàng rào ngăn cách, cái thành kiến sai lệch của cả ngàn năm. Nhờ đó tâm hồn anh ta đã được chữa lành trước khi bệnh phong cùi thể xác thực sự biến mất.

Quả thực, việc đặt tay hay đụng chạm đến người bệnh cùi phải là một việc khởi sự từ trong tâm hồn, từ con tim phát xuất yêu thương. Ngoài tình yêu ra không có một động lực nào có thể thúc đẩy chúng ta đến gần hay đụng chạm, chưa nói đến việc săn sóc. Một tình yêu lớn lao như Chúa Giêsu đã làm trước tiên, rồi Mẹ Juetta ở trại phong Quy Hòa, và các sơ săn sóc các bệnh nhân bị cùi, bệnh AIDS… đã làm theo: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15: 13).

Chỉ nhờ tình yêu và ân sủng Thiên Chúa ban, con người mới có thể hành động được những việc phi thường như vậy thôi! Tiền bạc, của cải, vật chất hay bất cứ sự gì trên thế gian này cũng không thể làm cho người ta có thể hy sinh quên mình mà săn sóc cho các bệnh nhân bị bệnh phong cùi lở loét hôi thối được. Nhưng với tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa thì tất cả đều có thể làm được. Quyền năng của Thiên Chúa làm được mọi sự (Lc 1:37).

Đức Giám mục Fulton Sheen, nhà giảng thuyết trứ danh trên các show TV mỗi đêm thứ Tư trong những năm 1955-1960. Một đêm ngài kể cho khán giả nghe về chuyến viếng thăm một trại cùi bên Phi châu. Để làm quà ngài mang theo rất nhiều Thánh Giá bằng bạc có thể phát cho khoảng 500 bệnh nhân cùi trong trại. Bệnh nhân đầu tiên ngài gặp chỉ còn lại một cánh tay trái. Tay phải và bàn tay được băng bó với những vết thương nhầy nhụa. Đức cha mới cầm một tượng Thánh Giá, giữ nó cách bàn tay của người cùi chừng 10 cm và thả nó xuống lòng bàn tay của bệnh nhân. Trong một chớp nhoáng, ngài bị đánh động bởi chính việc ngài làm. Ngài nói: “Thình lình, tôi nhận ra có 501 người cùi trong trại. Và người cùi ghẻ lở nhất là tôi. Tôi đã tặng họ cây Thánh Giá là biểu tượng tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa cho tất cả chúng ta. Nhưng rồi, tôi đã lấy đi mất cái tình yêu tuyệt đối đó và nhắm mắt lại trước cái ý nghĩa của nó đối với tôi. Tôi không dám nhìn thẳng vào cây Thánh Giá bé nhỏ. Và sau cùng tôi đã biết tôi phải làm gì. Tôi ấn bàn tay tôi vào bàn tay của những người cùi với một biểu tượng của tình yêu giữa chúng ta. Và rồi tôi đã làm y như thế cho 499 người bệnh cùi còn lại.”

Bao lâu chúng ta còn cảm thấy ghê tởm, sợ sệt và e dè là còn có ngăn cách. Còn ngăn cách là chưa có ân sủng và tình yêu đích thực, mà không có tình yêu đích thực thì không thể nào làm cho một bệnh nhân phong cùi cảm thấy: “Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng” được! Huống chi là giúp cho họ cảm nghiệm: “Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng!”

Lm. Nguyễn Thái

ĐỪNG TRỞ THÀNH NGƯỜI PHUNG CÙI

Lm. Đinh Lập Liễm

Theo luật Do Thái, những ai mắc bệnh cùi không được sống trà trộn trong dân chúng vì bệnh này là bệnh nan y và hay lây. Vì vậy số phận của họ đã khổ vì bệnh hoạn lại còn khốn nạn hơn vì tình trạng cô đơn.

Căn bệnh đáng sợ nhất đối với người Do Thái ngày xưa chính là bệnh cùi. Nó như cơn đại dịch truyền nhiễm gieo rắc biết bao khiếp sợ cho những nạn nhân của nó vì hồi đó không có hy vọng cứu chữa. Số phận của người bệnh cùi thực sự rất đáng thương. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, người bệnh bị cách ly khỏi mọi đời sống xã hội và ép buộc phải trốn tránh xã hội. Điều này có nghĩa là người bệnh phải thốt ra lời từ biệt gia đình, bỏ lại sau lưng tất cả cuộc sống nghề nghiệp và tất cả mọi người thân thương quen biết. Một lần vĩnh biệt như là đã chết. Tâm trạng âu lo hoảng loạn và nỗi đau lòng khổ tâm vì bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi cộng đồng xã hội, phải nói thật là có sức tàn phá khủng khiếp. Hơn nữa, người bệnh bị mang danh là người tội lỗi bị Thiên Chúa phạt.

Có những triệu chứng để xem biết ai đã mắc chứng bệnh này. Nó có thể bắt đầu bằng những mụn nhỏ và lở loét, những chỗ ung lở thì có mùi tanh hôi. Ở trên mặt thì lông mày rụng hết, mặt lộ ra, thanh quản bị lở, giọng nói trở nên khàn đặc, hơi thở khò khè… Trung bình bệnh này phát triển trong 9 năm, cuối cùng điên loạn, hôn mê và chết.

Cũng có thể bắt đầu bằng tình trạng mất cảm giác ở một vài phần thân thể, dây thần kinh bị nhiễm trùng, gân cốt co lại làm cho hai bàn tay trông giống như móng thú vật. Tiếp theo là tay chân bị lở loét, ngón tay ngón chân rụng dần cho đến khi cả hai bàn tay bàn chân rớt hẳn ra. Trường hợp này có thể kéo dài từ 20 đến 30 năm. Đó là cái chết tiệm tiến kinh khủng làm cho con người chết từng phần một.

Đau khổ tinh thần còn lớn hơn đau khổ về thể xác. Theo sách Lêvi, người phung cùi phải sống tách biệt khỏi gia đình và bạn hữu, bị coi như đã chết. Và sách còn cho biết thêm: ”Người mắc bệnh phung hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ”Ô uế, ô uế.” Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế, nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là là một nơi bên ngoài trại (Lv 13, 45-46). Nếu gặp người mạnh khỏe ngoài đường, họ phải hô hoán lên cho người ta biết là mình mắc bệnh, như là dấu hiệu đề phòng cho người khác. Ngoài ra, người phong cùi không được phép đến nơi thờ phượng công cộng vì phong cùi bị coi là nhơ bẩn và còn bị coi là bị Chúa phạt.

Thời trung cổ, người nào mắc bệnh phung cùi thì thầy cả mặc áo lễ, cầm thánh giá đưa người bệnh vào nhà thờ và cử hành lễ an táng.

Đọc những vần thơ của thi sĩ Hàn mặc Tử, người thi sĩ thời danh mắc bệnh cùi cách đây không lâu ở trại cùi Qui hoà, biểu lộ những rung cảm trong cảnh sầu khổ ta mới hiểu được nỗi đau đớn trong cảnh cô đơn thất vọng của người bị bệnh cùi như thế nào.

Đọc chuyện cha Đa-miêng, vị tông đồ người hủi, ta mới thấy xúc động và cảm phục. Khi Đức giám mục ở đảo Hawaii giới thiệu cha Đa-miêng với dân cùi ở đảo là cha tình nguyện đến phục vụ họ. Cha Đa-miêng rởn tóc gáy khi nhìn thấy họ đến sờ vào thân mình cha. Đức Cha giải thích cho cha Đa-miêng là họ không thể hiểu nổi một người ở phương xa, không bà con huyết thống gì với họ, lại còn trẻ, đẹp trai, lại có thể đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt nhìn của họ nên mới đến sờ thử vào con người cha, xem có thực sự mắc bệnh cùi không. Rồi họ nói với nhau: ”Không.” Dần dần cha Đa-miêng hoà đồng được với họ, và không còn cảm thấy như ngày đầu. Một ngày kia đến lượt cha cũng mắc bệnh cùi.

Người Do Thái rất sợ người phung cùi vì họ là người ô uế phải tránh xa. Không ai được phép chào hỏi một người phung ở ngoài đường, không được đến gần 2 mét. Nếu người phung hủi đứng đầu gió thì người ở cuối gió phải cách xa 45 mét. Ngay cả một quả trứng, các rabbi Do Thái cũng không ăn nếu bán ở đường phố có người phung hủi đi qua.

Vì có những sự kỳ thị và cấm kỵ quá mức như vậy, chúng ta cần xem thái độ của người phung và của Đức Giêsu trong phép lạ chữa bệnh này.

Theo nguyên tắc, người mắc mệnh phung không được đến gần người lành. Đây là một cấm kỵ. Nhưng người phung hủi đây bỏ mọi mặc cảm đến với một lòng tin tưởng: anh chắc chắn nếu Chúa muốn Ngài có thể chữa lành. Nếu không tin, anh đã không dám làm thế vì không một người phung hủi nào dám đến gần một vị bác sĩ vì biết sẽ bị ném đá đuổi đi. Nhưng người này đã đến với Đức Giêsu. Anh hoàn toàn tin tưởng Ngài sẵn sàng tiếp đón một người bị mọi người xua đuổi. Lòng tin tưởng đã khiến anh liều mình bị ném đá khi đến gần Đức Giêsu vì anh đã vi phạm luật.

Anh còn đến với Chúa với tấm lòng khiêm cung khi anh ta nói: ”Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được lành” (Mk 1:40). Nói như thế, anh ta dường như muốn nói với Đức Giêsu rằng: ”Tôi biết mình chẳng ra gì, mọi người xa lánh, khinh dể tôi, tôi biết tôi không có quyền gì kêu cầu Ngài, chỉ mong Ngài đoái thương đến cảnh cùng khốn của tôi.” Chính lòng khiêm nhường nhận biết sự bất xứng và nhu cầu của mình, người bệnh tìm đến với Đức Giêsu.

Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giêsu rất xúc động cảm thông khi gặp thấy người cùi; thấy người phung cùi tiến đến, Chúa bầy tỏ lòng thương xót ngay. Dầu luật pháp không cho phép đụng đến người phung hủi, chỉ đến gần 2 mét đã bị ô uế rồi, thế mà Đức Giêsu giơ tay ra đụng đến anh ta. Đối với Đức Giêsu, trong cuộc sống chỉ có một bó buộc duy nhất là luật yêu thương. Đây là lần duy nhất trong số những người tiếp xúc giữa Chúa và người bệnh mà Ngài tỏ ra động lòng trắc ẩn rõ ràng nhất. Điều này nói lên một điều gì đó sâu xa nơi Con Người đang-ra-tay-chữa-lành kia, như là dấu chỉ của lòng thương xót, đồng thời giúp chúng ta nhìn sâu vào trong lòng thương xót của Thiên Chúa, luôn quan tâm săn sóc mọi thứ bệnh tật phần xác cũng như phần hồn.

Điều đáng nói là chúng ta phải nhìn đến thứ bệnh cùi thiêng liêng như là một thực tế của mọi thời đại. Các nhà tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thế xác khiến người ta bị cô lập hoá về phương diện thể lý, nghĩa là phải sống tách biệt khỏi gia đình và xã hội, thì bệnh cùi thiêng liêng là tội lỗi, cũng khiến người ta bị cô lập hoá về đời sống thiêng liêng. Tội làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người khác. Có những tội khiến ta không còn dám đến nhà thờ và lên rước lễ. Tội còn làm sứt mẻ tình bạn, tình cộng đồng. Khi phạm tội, người ta thường muốn tránh người khác vì mắc cỡ, và người khác cũng không muốn gặp họ vì đã là nạn nhân hay không muốn trở thành nạn nhân.

Để được thoát khỏi cảnh tuyệt vọng, người phung cùi đã tìm đến Chúa để xin được chữa lành. Người cùi đã không để cho thất vọng chi phối. Anh ta đã đến kêu cầu Chúa. Cái điều mà tội nhân cần có là đức tin và lòng trông cậy của người cùi vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa. Để có thể nại đến quyền năng và lòng thương xót của Chúa, người ta phải nhận mình có bệnh và có tội. Người không nhận mình là có bệnh và có tội, thì không tìm đến thầy thuốc. Họ là những người vô phương cứu chữa.

Khi phạm tội trọng, đó là lúc linh hồn bị bệnh phong cùi, linh hồn còn sống mà đã như chết trước mặt Chúa, chỉ có phép giải tội mới làm cho linh hồn được khỏi bệnh phong, mới làm cho linh hồn được trong sạch và được sống lại. Thiên Chúa không trực tiếp chữa bệnh phong linh hồn nhưng Ngài nhờ tay Linh mục để sửa chữa và làm cho sống lại.

Sau khi xưng tội thành tâm, linh hồn ta bắt đầu reo vui vì sự yêu mến thiêu đốt của Chúa Giêsu, đổ xuống chan chứa trong linh hồn ta. Chúa Giêsu vào ở lại trong linh hồn ta tràn trề sự vui, và tiếp theo sau Chúa Giêsu một mãnh lực như đồng như sắt chỗi dậy: đó là ý muốn quyết định bắt đầu một cuộc đời mới mẻ, đẹp hơn và thanh sạch hơn. Phải làm thử đã thì mới nghiệm biết phép lạ Chúa làm trong linh hồn ở tòa giải tội. Bởi vì sự dựng nên thế giới là điều ít cao siêu hơn là sự linh hồn chết được sống lại (GM Toth – Phêrô Thông, Tôn giáo với thanh niên, 1949, tr 235).

Đứng trước những nạn nhân phong cùi đau khổ này, chúng ta phải có một quyết tâm không bao giờ tự làm cho mình thành người cùi và cũng đừng làm cho những người sống chung quanh mình thành những người cùi. Nghĩa là có những người cư xử như mình bị cùi, khi tự xây cho mình một pháo đài ích kỷ, lập dị… Có những người khác lại đối xử với anh em như những người cùi, khi làm cho anh em cô đơn hoàn toàn, do lời nói hay thái độ chia rẽ, phân biệt đối xử…chẳng hạn có những người, những tập thể mà chúng ta xa lánh theo kiểu dân Do Thái xa lánh người cùi.

Chúng ta đừng bao giờ sống như thế, chúng ta đừng bao giờ tự cô lập mình, đừng bao giờ gây chia rẽ; trái lại, hãy luôn sống cởi mở với mọi người, đối xử với mọi người trong tinh thần yêu thương và hợp tác.

Thái độ tiếp theo của chúng ta là phải yêu thương và tôn trọng người đau khổ, nhất là những người phong cùi về thể xác cũng như linh hồn. Xử đối tốt với người đau khổ là món quà quí giá chúng ta tặng cho họ, không gì làm cho họ sung sướng hơn. Người ta thường nói: “Của cho không quí bằng cách cho” (Tục ngữ)

Chúa Giêsu luôn tiếp đón mọi người một cách lịch sự và yêu thương, không bao giờ Ngài có thái độ cứng rắn hay khinh miệt người đau khổ và tội lỗi. Có biết bao gương tốt đẹp của Chúa Giêsu đã được ghi trong sách Tin Mừng, tất cả đều nói lên tình thương và tôn trọng mọi người, không phân biệt sang hèn hay màu da ngôn ngữ, kẻ lành hay người dữ.

Một hôm Tolstoi, một đại văn hào người Nga, đang ngồi nghỉ mát trên ghế đá trong một công viên gần nhà, thì bỗng có người đàn ông lớn tuổi, áo quần nhếch nhác, đến gần và giơ chiếc mũ cũ rách ra trước mặt nhà văn để xin giúp đỡ. Nhà văn liền thò tay vào túi áo định lấy tiền cho người ăn xin, nhưng tìm hết túi áo này sang túi áo khác mà không kiếm thấy đồng nào. Bấy giờ ông nhìn người ăn xin và nói với sự hối tiếc như sau: ”Này người anh em, xin thứ lỗi cho tôi, vì hôm nay tôi rất tiếc đã để quên ví tiền ở nhà rồi!” Bấy giờ, người ăn xin thay vì buồn giận, thì đã mỉm cười và nói: ”Tôi thật không biết phải cảm ơn ông thế nào cho xứng, vì hôm nay ông đã cho tôi một món quà quí báu hơn tiền bạc. Đó là ông đã không những không khinh dể tôi, mà còn tôn trọng tôi khi gọi tôi là ‘Người anh em’.”

Lm. Đinh Lập Liễm

BỆNH PHONG TÂM HỒN 

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Một hôm, 40 có người bị phong hủi đến gặp Chúa Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. 41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” 42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y, bị mọi người kinh tởm xa lánh. Trong đạo Do thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu cũng phải kêu to lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà xa tránh. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị coi như mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà bị coi như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nỗi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm, thiêu đốt.

Một lần nữa, Chúa Giêsu lại vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Không những Người đến gần mà còn đưa tay chạm vào thân mình bệnh nhân. Lòng thương yêu đã khiến Chúa Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Chúa Giêsu đã bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm, đã bất chấp những điều bị coi là cấm kỵ của đạo Do thái.

Khi chữa khỏi bệnh phong, Người đã giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thanh tao. Anh cũng là một người như bao người khác.

Nhưng điều quan trọng hơn, đó là khi chữa anh khỏi chứng bệnh nan y, Chúa Giêsu đồng thời cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi Chúa Giêsu vuốt ve thân thể bệnh tật của anh, Người đã vuốt ve tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh. Nay anh cảm thấy qua Chúa Giêsu mọi người gần gũi anh hơn bao giờ. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt. Nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi. Nay, dưới bàn tay dịu hiền của Chúa Giêsu, anh cảm thấy được yêu thương vỗ về. Những vết thương sâu thẳm trong trái tim anh đã liền da lành lặn. Chúa Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.

Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội, Chúa Giêsu bảo anh đi trình diện với thày cả theo như luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nay anh được bàn tay âu yếm ân cần của Đức Giê su đón nhận anh trở lại xã hội loài người. Qua vị thượng tế, anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm anh được phục hồi. Danh dự anh được tôn cao. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người, như mọi người.

Chúng ta ai cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi, những nỗi buồn hầu như không ai thông cảm an ủi được. Hãy noi gương người bệnh phong chạy đến với Chúa Giêsu. Người sẽ xoá đi những mặc cảm đè nặng hồn ta. Người sẽ chữa lành những vết thương bao năm gặm nhấm trái tim ta. Người sẽ xoa dịu những nỗi đau vò xé tâm tư. Người sẽ an ủi những nỗi buồn phủ kín hồn ta.

Phần ta, hãy biết noi gương bắt chước Chúa Giêsu, đừng loại trừ anh em mình ra khỏi đời sống xã hội. Hãy biết đến với những anh em bị bỏ rơi. Hãy biết an ủi những anh em đang buồn khổ. Hãy biết tránh cho anh em những mặc cảm nặng nề. Hãy hàn gắn những vết thương trong tâm hồn anh em. Hãy tôn trọng danh dự và nhân phẩm của anh em. Hãy giúp cho anh em mình được hoà nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội. Nước ta đang quyết tâm thanh toán bệnh phong vào cuối năm nay. Xứ đạo ta cũng hãy quyết tâm thanh toán bệnh phong trong tâm hồn. Hãy diệt trừ bệnh phong chia rẽ. Hãy tẩy chay bệnh phong loại trừ. Hãy xoá đi bệnh phong phân biệt. Hãy phá tan bệnh phong nghi kị. Hãy bài trừ bệnh phong kết án. Nếu ta thanh toán được bệnh phong tâm hồn, thân thể xứ đạo ta sẽ liền da liền thịt, khuôn mặt xứ đạo ta sẽ hồng hào, rạng rỡ vui tươi phản ảnh được khuôn mặt đích thực của Đức Kitô. Lạy Chúa Giêsu, xin cứu độ chúng con. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

  1. Cha Đa-miêng và Đức cha Cát- xe đã sống với người phong và lây bệnh của họ. Có lần nào bạn đã tiếp xúc với người bị bệnh hay bị bỏ rơi chưa ? Bạn có phải trả giá về hành động này không ?
  2. Có bao giờ bạn đã là nạn nhân bị người khác loại trừ chưa ? Bạn cảm thấy thế nào ? Bạn rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm đó ?
  3. Bạn đã có kinh nghiệm về sự được Chúa an ủi, được Chúa cứu chữa, được Chúa tha thứ bao giờ chưa ?
  4. Bệnh phong tâm hồn là gì ?

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

“SẠCH” và “DƠ”

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Trong cuộc sống chung với mọi người, chúng ta nhận thấy có một số người bị người khác khinh bỉ lánh xa; có khi chính chúng ta cũng bị xa lánh như thế. Tại sao? Lời Chúa hôm nay sẽ dạy rõ cho chúng ta về vấn đề này. Chúng ta hãy chăm chú lắng nghe Lời Chúa và xin Chúa giúp chúng ta sống theo lời Ngài dạy.

II. Gợi ý sám hối

  • Tội lỗi làm cho tâm hồn chúng ta ra nhơ uế, không xứng đáng đến với Chúa. Chúng ta hãy thành tâm sám hối tội lỗi và xin Chúa tẩy sạch tâm hồn chúng ta.
  • Nhiều lần chúng ta tự làm nhơ uế đầu óc mình bằng những sách báo, phim ảnh đồi truỵ và những câu chuyện khiếm nhã.
  • Chúng ta cũng làm nhơ uế trái tim mình do cách sống ích kỷ và giận hờn ganh ghét.

III. Lời Chúa

  1.  Bài đọc I (Lv 13, 1-2. 45-46)

Ðoạn này là một phần của sách Lêvi được các chuyên viên gọi là “Luật về sự tinh sạch”. Ðoạn này đề cập riêng về bệnh cùi. Nhưng quan niệm về “bệnh cùi” không giống với quan niệm ngày nay:

  • Tất cả những hiện tượng về da liễu (ung nhọt, da đổi màu hoặc bóng láng) đều bị gọi là “cùi”. Người ta còn nghĩ rằng bệnh cùi rất lây, cho nên sách Lêvi buộc những người mắc bệnh ấy phải ở riêng.
  • Hơn nữa, người ta còn nghĩ bệnh này có liên hệ đến tôn giáo: trong quan niệm chung rằng bệnh tật là hình phạt của tội lỗi, và bệnh cùi là thứ bệnh nặng nhất, người thời đó cho kẻ mắc bệnh cùi đã phạm tội rất nặng. Do đó người bắt đầu bị cùi phải đến trình diện với tư tế, và sau này “nếu” khỏi bệnh thì cũng phải được tư tế xác nhận. Thực ra, đó chỉ là một chữ “nếu” to tướng, vì người ta đều coi cùi là một chứng nan y không thể nào khỏi, trừ khi chính Thiên Chúa ra tay cứu chữa. Vì vậy, người nào cứu chữa được bệnh cùi, như Êlisê và Ðức Giêsu, thì chứng tỏ người ấy có uy quyền đặc biệt do Thiên Chúa ban.

 

  1. Ðáp ca (Tv 31)

Ca tụng sự tha thứ của Thiên Chúa và hạnh phúc của người được tha thứ.

 

  1. Tin Mừng (Mc 1, 40-45)

Như đã nói trong phần giải thích bài đọc I, người Do Thái coi bệnh cùi là a/ chứng nan y chỉ có Thiên Chúa mới chữa khỏi; b/ chứng bệnh rất hay lây; c/ có liên hệ đến tội lỗi.

Người cùi trong bài Tin Mừng này nói với Ðức Giêsu “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðiều này chứng tỏ anh tin rằng Ðức Giêsu là người của Thiên Chúa.

Ðức Giêsu đưa tay đặt trên người ấy: chứng tỏ Ngài không sợ lây bệnh, nhất là Ngài không ghê tởm kẻ mắc bệnh cùi.

Ngài chữa bệnh một cách rất nhanh chóng và dễ dàng: chứng tỏ Ngài có uy quyền đặc biệt của Thiên Chúa.

 

  1. Bài đọc II (1 Cr 10, 31–11, 1)

Ðoạn thư này tuy không đề cập đến bệnh cùi, nhưng cũng chung một vấn đề, đó là “sạch và dơ”. Người Do Thái thời thánh Phaolô cũng còn phân biệt những thức ăn “sạch” và thức ăn “dơ”.

Thánh Phaolô đả phá sự phân biệt đó. Ðiều quan trọng không phải là cân nhắc thức ăn nào sạch hay dơ, mà là dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm bất cứ việc gì khác thì đều phải có ý làm cho sáng danh Chúa.

 

IV. Gợi ý giảng

  1. Thứ bệnh “cùi” nguy hiểm hơn

Những kiến thức y khoa ngày nay giúp chúng ta không còn quá sợ bệnh cùi Hansen nữa. Nhưng chúng ta phải cảnh giác với một thứ bệnh cùi đặc biệt với những nét mà bài Tin Mừng hôm nay mô tả: Ðó là một thứ tội thực sự làm cho tâm hồn con người ra nhơ uế, lại có sức truyền nhiễm rất mạnh, và do đó đáng bị mọi người xa lánh.

Tội “cùi” ấy là gì? Là tội có những ý nghĩ xấu và tội loan truyền những ý nghĩ xấu ấy. Ebba de Pauli trong quyển “Vị ẩn sĩ” đã mô tả một người cùi như thế: Ðó là một bà trung lưu và có thể nói là “đạo đức”. Bà không phải bận bịu với việc sinh nhai, bà có nhiều giờ để đi nhà thờ đọc kinh dự lễ, và vẫn còn nhiều giờ để tìm nói chuyện với người này người nọ. Nhưng bà không hiểu tại sao người ta cứ muốn xa lánh bà. Một nhóm người đang trò chuyện với nhau vui vẻ nhưng khi vừa thấy bóng dáng bà thì mọi người đều im bặt. Có người vừa thấy bà xa xa thì đã lẫn đi nơi khác. Bà đến hỏi ý kiến với Vị Ẩn Sĩ. Sau khi hỏi bà một số chi tiết, Vị Ẩn Sĩ kết luận:

– Sở dĩ người ta xa lánh bà vì họ coi bà là một con rắn độc!

– Nhưng sao họ coi tôi là rắn độc?

– Vì trong đầu óc bà đầy những ý tưởng độc hại, như nghĩ xấu về người khác, hằn học, đố kỵ, bi quan… Nghe bà nói, người ta cảm thấy tâm hồn mình chùn xuống, cuộc sống mình buồn thảm hơn.

– Vậy xin ngài chỉ cho tôi phải làm sao. Vị Ẩn Sĩ khuyên bà thay đổi cách suy nghĩ và cách giao tiếp: từ nay hãy nuôi trong đầu mình những ý tưởng tốt lành; khi nói chuyện với người khác, hãy chia xẻ những ý nghĩ tốt lành ấy, rồi mọi sự sẽ khá hơn. Bà này làm theo. Và kết quả đúng như Vị Ẩn Sĩ tiên báo.

 

  1. Những “con hủi”

Hoàn cảnh đáng thương của người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay không phải vì anh mắc một chứng bệnh ô uế và hay lây, vì thực ra nếu xét theo y khoa bây giờ thì bệnh anh không đến nỗi như thế. Anh đáng thương vì người ta nghĩ anh như thế nên ghê tởm và xa lánh anh. Có nhiều người tuy không “cùi” nhưng vẫn bị coi là “con hủi” do bị mọi người khinh tởm tránh xa. Nhưng Ðức Giêsu thì không. Ngài rất thương và rất gần gũi với những “con hủi” ấy, chẳng hạn những người thu thuế, đĩ điếm, trộm cắp v. v.

 

  1. Nỗi khổ bị xua đuổi

Bệnh cùi là một bệnh khủng khiếp. Tuy nhiên nó không khủng khiếp bằng nỗi khổ bị xua đuổi. Có thể nói, đau khổ lớn nhất của con là bị người khác xua đuổi, vì sự xua đuổi khiến người ta cảm thấy cô đơn, thấy mình không còn phẩm giá gì nữa, thậm chí nó còn khiến người ta nổi loạn.

Trẻ con mà bị cha mẹ xua đuổi thì kể như chết. Người lớn thì sợ bị xua đuổi còn hơn phải chịu tất cả mọi đau khổ khác dồn lại. Vết thương làm người tàn tật đau đớn nhất không phải là chứng bệnh thể xác hay tinh thần người đó đang mắc phải, mà là bị người khác xa lánh.

Người cùi đến với Ðức Giêsu trong bài Tin Mừng này là một người bị xua đuổi. Vì cùi, anh không được sống chung với người khác trong xã hội. Anh phải tránh không để cho người khác chạm tới mình. Hơn nữa vì người ta coi người cùi là kẻ tội lỗi bị Chúa phạt, nên anh còn thêm mặc cảm mình bị chính Thiên Chúa xua đuổi nữa.

Ðiểm hay trong chuyện này không phải là việc Ðức Giêsu chữa anh này khỏi bệnh cùi, mà là cách Ngài đối xử với anh. Khi thấy anh đến gần mình, Ngài không xua đuổi, nhưng để anh đến. Chẳng những thế Ngài còn giơ tay đụng vào anh. Bằng cử chỉ giơ tay đụng vào anh như thế, Ðức Giêsu tỏ dấu hoan nghênh anh, đón nhận anh. Và thái độ hoan nghênh đón nhận đó đã chữa anh khỏi mặc cảm và nỗi đau bị xua đuổi. Cho nên có thể nói, trước khi chữa bệnh thể xác cho anh, Ngài đã chữa lành tinh thần của anh.

Khi ta xua đuổi ai thì ta cũng coi người đó là cùi mặc dù có lẽ ta không ý thức rõ như thế. Ta có thể xua đuổi người khác bằng nhiều cách tuy nhỏ nhưng tế nhị, như giọng nói thế nào đó, một cách nhìn thế nào đó v. v. Ðó là những mũi kim đâm rất nhỏ nhưng gây đau đớn rất lâu. (Viết theo Flor Mc Carthy)

 

  1. Bệnh phong cùi

Một vụ nổ đã làm cho chú bé bảy tuổi bị phỏng nặng ở đôi chân, đến nỗi các bác sĩ đã nghĩ rằng cần phải cưa chúng. Người ta nói với mẹ cậu: “Thằng Glenn của chị sắp thành kẻ tàn phế suốt đời đấy”.

Thế mà hai năm sau với niềm tin mạnh mẽ, cậu đã rời bỏ cặp nạng, chẳng những đi bộ mà cậu còn chạy được nữa. Dù chạy không nhanh lắm, nhưng vẫn chạy được.

Cuối cùng, cậu thi đậu đại học. Môn ngoại khoa của cậu là chạy đua. Quả thật, cậu đã làm cho mọi người phải kinh ngạc. Cậu lần lượt phá kỷ lục ở liên đại học.

Thi đại hội Olympic Berlin, chẳng những cậu được đánh giá là vận động viên xuất sắc môn chạy 1500 mét, mà cậu còn phá kỷ lục Olympic về môn này.

Với niềm tin vào khả năng của chính mình, cậu bé tưởng chừng như một phế nhân, đã trở thành vận động viên chạy nhanh nhất thế giới. Với niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, người phong cùi tưởng chừng như suốt đời sống trong căn bệnh ghê tởm nhất, đã trở nên lành sạch. Ðối với người Do thái, kẻ mắc bệnh phong cùi bị coi như Thiên Chúa chúc dữ và xã hội loại bỏ. Không được tham dự nghi lễ trong hội đường. Họ là thành phần tội lỗi, phải sống thành từng nhóm nơi mồ mả, phải la lên “ô uế” để mọi người tránh xa. Ai trò chuyện với họ là phạm luật. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, người phong cùi đã hết lòng tin tưởng quyền năng của Ðức Giêsu, nên anh đã quỳ xuống van xin: “Nếu Người muốn, Người có thể khiến tôi nên sạch” (Mc. 1, 40). Thấy lòng tin của anh, Ðức Giêsu động lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh” (Mc. 1, 41). Chạm đến người phong cùi, Ðức Giêsu đã phạm luật, khiến người ta khó chịu. Người muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Qua việc đặt tay của Ðức Giêsu, con người được tiếp xúc thần tính của Người, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Người. Chính vì thế mà bệnh phong biến mất và anh ta được sạch.

Carré có nói: “Sống trong một thế giới đầy đau khổ trước mắt, thì chúng ta phải là những nhà chuyên môn của niềm tin tưởng cậy trông“. Vâng, trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị vi trùng Hansen gặm nhắm rúc rỉa; trong lúc tâm hồn tan nát vì bị mọi người kinh tởm xa cách, chính trong lúc đau khổ ngút ngàn ấy người phong cùi lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và trọn vẹn phó thác cho tình yêu của Người.

Vì thế Ðức Giêsu chỉ còn biết rộng rãi trao ban tình yêu của Người, để làm phát sinh một hiệu quả vô cùng diệu kỳ là cho anh lành sạch cả thể xác lẫn tâm hồn. G. Bossis viết: “Hãy tin và tin nhiều hơn nữa cho đến khi xảy ra phép lạ”.

Bí quyết trở nên hùng cường của nước Mỹ được in trên đồng tiền của họ, đó là câu: “In God we trust” (Chúng tôi tin vào Thiên Chúa). Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa”.

Lạy Chúa, trong cơn đau khổ cùng quẫn, chúng con vẫn tin tưởng nơi Người, chỉ một mình Người thôi. Trong bóng đêm cô đơn trống vắng, chúng con vẫn cậy trông nơi Người; tất cả nơi Người.

Xin cho chúng con nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin thương chữa lành mọi bệnh tật xác hồn chúng con. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

 

  1. Chạm vào

Nhiều người chúng ta sợ chạm vào người khác.

Thà cho người ăn mày một vài xu, nhưng đừng để người ấy chạm tới mình.

Ðức Giêsu thì khác. Ngài không đứng xa, không ngại chạm vào.

Ngài chạm vào những người cùi, những người tội lỗi, những người bệnh tật, và cả những người chết.

Những cái chạm thân ái làm cho lòng người đang lạnh giá được ấm lại và những cõi lòng buồn sầu được vui mừng sung sướng.

Lạy Chúa, xin cho con một trái tim ấm áp và một đôi tay dịu dàng. (Flor Mc Carthy)

 

  1. Chúa chạm vào

Người phong cùi nói với Ðức Giêsu: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Ðức Giêsu chạnh lòng thương đưa tay đụng vào anh và bảo “Tôi muốn, anh hãy được sạch”Mẫu đối thoại ngắn này gợi cho tôi nhiều ý tưởng:

  • Xét về mặt thiêng liêng thì ai cũng đều “cùi” vì ai cũng có tội.
  • “Nếu Ngài muốn”: Ðức Giêsu có muốn cho chúng ta hết “cùi” thiêng liêng không? Dĩ nhiên là muốn, rất muốn, vì Ðức Giêsu đến trần gian là để rửa sách tội lỗi cho loài người. Bởi vậy Ngài đã trả lời cho người cùi: “Tôi muốn”
  • Người cùi trong bài Tin Mừng được sạch nhờ Ðức Giêsu đụng tay vào anh. Chúng ta ngày nay không chỉ được Ðức Giêsu đụng tay vào, mà còn được rước Chúa vào trong cơ thể chúng ta mỗi khi chúng ta rước lễ.

 

  1. Ý nghĩa việc làm của Ðức Giêsu

Các sách Tin Mừng trình bày Ðức Giêsu luôn làm hai việc: chữa bệnh và rao giảng Tin Mừng. Hai việc này không riêng rẻ nhưng song song nhau và hỗ trợ cho nhau. Nói cách khác, Ðức Giêsu không rao giảng suông, mà vừa rao giảng vừa chữa bệnh. Việc chữa bệnh hỗ trợ cho việc rao giảng. Ta cũng có thể nói: chữa bệnh là một cách rao giảng Tin Mừng.

Người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay chẳng những được chữa bệnh mà còn được đón nhận Tin Mừng. Chẳng những thế, sau khi khỏi bệnh, chính anh lại trở thành kẻ loan báo Tin Mừng: “Ði khỏi nơi đó, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó… và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người”.

 

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Ðức Giêsu đã không ngại đụng chạm đến người cùi để chữa lành và tỏ lòng yêu thương họ. Chúng ta xin Ðức Giêsu thương chữa lành cho mọi bệnh tật phần hồn và phần xác cho chúng ta:

  1. Trong Hội thánh có nhiều người mắc bệnh cùi thiêng liêng là sống trong tình trạng tội nặng / Chúng ta cầu xin Chúa cho họ sớm chạy đến tòa cáo giải để được lành sạch.
  2. Trên thế giới có đủ các thứ bệnh tật cả phần xác lẫn phần hồn / Chúng ta cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền biết quan tâm để mọi người dân được chữa bệnh cả phần xác lẫn phần hồn.
  3. Ngày nay ở khắp nơi có nhiều người mắc những bệnh hiểm nghèo không thể chữa được như ung thư, sida / Chúng ta cầu xin Chúa cho họ luôn được nhiều người yêu thương và ủi an.
  4. Trong xứ đạo chúng ta có nhiều người mắc bệnh cùi thiêng liêng mà không ý thức và không muốn chữa lành / Chúng ta cầu xin Chúa cho họ gặp dịp để ăn năn sám hối và chạy đến với Chúa để được chữa lành.

Chủ tế : Lạy Ðức Giêsu, Chúa luôn luôn muốn chữa lành mọi bệnh tật phần hồn phần xác cho chúng con, Xin cho chúng con biết tin tưởng và tìm đến với Chúa, để Chúa chữa lành cho chúng con. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

VI. Trong Thánh lễ

  • Trước kinh Lạy Cha: Như những đứa con bệnh hoạn tật nguyền vì những chứng bệnh phần hồn, phần xác, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa là Cha chúng ta lời kinh sau đây: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”
  • Sau kinh Lạy Cha: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, nhất là sự dữ làm cho tâm hồn chúng con ra nhơ uế, và sự dữ tách chúng con ra khỏi nếp sống cộng đoàn yêu thương, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”

 

VII. Giải tán

Nhờ linh dược của Thánh Thể, mọi bệnh tật nhơ uế trong tâm hồn chúng ta đã được sạch. Chúng ta hãy ra về và giúp cho anh chị em chúng ta cũng được lành sạch như vậy.

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

BÀN TAY THẦN KỲ

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN

[Lv 13:1-2, 45-46; 1 Cr 10:31-11:1; Mc 1:40-45]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Chỉ cần liếc qua bất cứ một tờ báo nào (báo giấy, báo mạng) chúng ta sẽ nhận ra ngay rằng: trong thế giới loài người có những bàn tay làm nên những kỳ công, nhưng cũng có những bàn tay gây ra những tội ác tầy trời; có những bàn tay sạch thì cũng có những bàn tay bẩn thỉu, nhơ nhớp; có những bàn tay xây dựng, kiến thiết thì cũng có những bàn tay phá hoại; có những bàn tay cứu sống thì cũng có những bàn tay giết hại; có những bàn tay chữa lành thì cũng có những bàn tay gây nên thương tổn cho tâm hồn hay thân xác người khác.

Đọc các bài Thánh Kinh hôm nay chúng ta sẽ thấy bàn tay của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô là BÀN TAY THẦN KỲ. Điều đó đem lại cho chúng ta niềm vui lớn lao vì chúng ta sẽ được bàn tay ấy đụng đến để chữa lành và vỗ về an ủi. Điều đó cũng thúc bách để chúng ta nối dài bàn tay của Thiên Chúa để xoa dịu và chữa lành bệnh hoạn, tật nguyền và khổ đau của những người xung quanh! Xã hội Việt Nam ta đang ở trong một tình trạng không thể tồi tệ hơn nữa, nên rất rất cần bàn tay của Thiên Chúa, của Chúa Kitô và của các Kitô hữu tốt lành thánh thiện đụng đến!

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

(1) Trong bài đọc 1 (Lv 13:1-2, 45-46): Người mắc bệnh phong phải ở riêng ra ngoài trại

(1) Đức Chúa phán với ông Môsê và ông A-ha-ron như sau: (2) “Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, là những triệu chứng bệnh phong, thì phải đưa người ấy đến với tư tế A-ha-ron hoặc với một trong các tư tế, con của A-ha-ron. (44) Nếu mắc bệnh phong, thì người ấy trở thành ô uế. Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế; vì người ấy bị vết thương ở đầu.

(45) Người mắc bệnh phong phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!’ (46) Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.

(2) Trong bài đọc 2 (1 Cr 10:31 – 11:1): Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.

10 (31) Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. (32) Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do Thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa; (33) cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.

11 (1) Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.

(3) Trong bài Tin Mừng (Mc 1:40-45): Chứng phong hủi biến khỏi anh và anh được sạch.

(40) Khi ấy, có người bị phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng:  “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”  (41) Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” (42) Lập tức bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. (43) Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, (44) và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế; và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, đễ làm chứng cho người ta biết.” (45) Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung của Thiên Chúa.    

1o) Trong đoạn sách Lv 13:1-2, 44-46 là những quy định mà Thiên Chúa truyền cho ông Môsê để ông phổ biến cho dân chúng tuân giữ: Người mắc bệnh phong bị coi là ô uế nên phải ở riêng một nơi, tách xa khỏi cộng đồng. Đi đâu người ấy cũng phải hô lớn tiếng (là mình ô uế) để mọi người tránh xa. Thật chẳng có gì đau đớn và tủi nhục cho bằng! Nếu người mắc bệnh phong được khỏi bệnh, thì người ấy phải tìm đến trình diện với tư tế để được vị này nhìn nhận là sạch bệnh và cho phép tái nhập vào cộng đồng. Hiển nhiên là trước mặt Thiên Chúa thì người bệnh phong chẳng ô uế hơn người khác và chẳng ô uế chỉ vì mắc bệnh phong là thứ bệnh vế thể lý. Điều làm cho con người thành ô uế trước mặt Thiên Chúa là tội lỗi chứ không phải là bệnh này bệnh nọ. Chúng ta có thể hiểu mệnh lệnh của Thiên Chúa ở đây có ý nghĩa “ngừa bệnh” cho cộng đồng và ám chỉ những người ô uế thực sự (là tội nhân) cần phải tách ra khỏi cộng đồng.

2o) Trong đoạn thư 1 Cr 10:31 – 11:1 Thánh Phaolô không đề cập trực tiếp đến Thiên Chúa, nhưng qua các lời khuyên của ngài, chúng ta hình dung ra được Thiên Chúa là Đấng nào, có vị trí ra sao trong cuộc sống của Phaolô và các tín hữu.

Trước hết Thiên Chúa của Phaolô là Đấng đáng được tôn vinh bằng/qua mọi việc làm của người tín hữu. Kế đến Thiên Chúa của Phaolô là Đấng làm cho mọi người có giá trị và đáng được người khác trân trọng và phục vụ. Sau cùng Thiên Chúa của Phaolô là mẫu mực mà Phaolô và mọi tín hữu (phải) noi gương bắt chước.

Nếu nối kết bài Thánh Thư này với bài Phúc Âm thì chúng ta có thể nói một cách cụ thể là Thánh Phaolô đã noi gương bắt chước Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết mọi người. Thánh Phaolô đã bắt chước Chúa Giêsu Con-Một-Thiên-Chúa-xuống-thế-làm-người là Đấng chạnh lòng thương người mắc bệnh phong khốn khổ. Người không chỉ chạnh lòng thương mà Người còn ra tay cứu vớt, còn đụng tay tới người phong mà không sợ bị lây cái ô uế. Thánh Phaolô đã bắt chước Chúa Giêsu là Đấng không tìm lợi ích hay vinh danh riêng cho mình mà chỉ tìm lợi ích hay vinh danh cho con người, nhất là cho những người bị khinh chê hay bị quên lãng trong xã hội. Vậy thì các tín hữu – trong đó có chúng ta – cũng hãy noi gương bắt chước Phaolô mà trở nên giống Thiên Chúa, giống Chúa Giêsu Kitô!

3o) Thiên Chúa mà Thánh Mác-cô muốn giới thiệu với chúng ta trong đoạn Mc 1:40-45 là Đức Giêsu Na-da-rét với quyền năng đặc biệt là chữa lành bệnh tật của con người, kể cả những bệnh nan y (theo trình độ y tế thời bấy giờ) như bệnh phong. Đức Giêsu chỉ cần muốn người bệnh được lành là người ấy được khỏi. Nhưng Đức Giêsu đã có một cử chỉ hết sức dễ thương là đụng tay đến người bệnh phong. Cử chỉ này chẳng ai dám làm vì ai nấy đều sợ hãi, kinh tởm và tránh xa người bệnh.

Nhưng không chỉ có thế. Thánh Mác-cô muốn cho chúng ta nhìn sâu vào tâm hồn của Đức Giêsu để thấy tấm lòng của Người nhạy bén và rung cảm trước nỗi khổ của người bệnh như thế nào. Người bệnh phong vừa khổ vừa nhục cầu cứu Chúa đã khiến Chúa chạnh lòng thương và chạm tay vào anh để chữa lành anh.

Hơn nữa chúng ta còn thấy Chúa Giêsu là người tuân giữ những quy định của lề luật Môsê khi bảo người bệnh phong trình diện tư tế…. để được nhìn nhận là đã được khỏi bệnh (sạch) và được tái nhập vào cộng đồng con cái nhà Ít-ra-en.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa. 

Sứ điệp của Lời Chúa dành cho chúng ta hôm nay gồm 2 ý:

  • Ý thứ nhất là dù yếu đuối, u mê, tội lỗi chúng ta hãy để cho bàn tay chữa lành của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô đụng đến chúng ta. Chắc chắn chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ, thông sáng và thanh sạch.
  • Ý thứ hai là chúng ta hãy học cùng Thánh Phaolô mà noi gương bắt chước Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô mà yêu thương và cứu chữa những người đang đau khổ về tinh thần cũng như về thể xác ở chung quanh, trong cộng đồng chúng ta.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng quyền năng và giầu lòng xót thương; ngài đã chạm tay vào những con người bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ để chữa lành họ.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa. Để thực thi sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật VI Thường Niên Năm B này, chúng ta cần tiến hành những bước như sau:

Trước hết, trước mặt Chúa và trước lương tâm mình, chúng ta tự hỏi:

  • Trong tâm hồn và cuộc sống của riêng tôi, còn có những ngõ ngách nào tăm tối, nhớp nhơ cần được bàn tay chữa lành của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô đụng vào để tôi được hoàn toàn lành mạnh?
  • Chung quanh tôi, bên cạnh tôi hiện nay, ai là người đáng được tôi yêu thương, chăm sóc chữa lành? Phải chăng đó là những bệnh nhân HIV-AIDS? Là những phụ nữ lỡ đường lạc lối? Là các cô gái mang thai mà không muốn giữ con? Là các cháu sơ sinh bị cha mẹ từ chối? Là các ông bà già không ai chăm sóc yêu thương? Là những anh chị em từ các tỉnh và nông thôn chạy về thành phố để lao động kiếm sống? Là chính người nào đó trong gia đình tôi?
  • Trong giáo phận, giáo xứ, cộng đồng, hội đoàn tông đồ của tôi hiện nay có những công việc nào mà tôi coi thường và trốn tránh không muốn đụng tay vào, trong khi đáng lẽ ra tôi phải vén tay áo và nhúng tay đảm nhận những công việc ấy cho giáo phận, giáo xứ, cộng đồng, hội đoàn tông đồ lành mạnh và phát triển hơn nữa?

Sau khi xác định được ngõ ngách nào còn tăm tối, nhớp nhơ trong tâm hồn và cuộc sống của mình, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô đụng tay chữa lành chúng ta! Sau khi đã xác định được đối tượng cần được chăm sóc và công việc cần được làm rồi, chúng ta hãy hành động như Chúa Giêsu Kitô của chúng ta!

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.» Lạy Thiên Chúa là Đấng Toàn Trí Toàn Năng và lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng chạnh lòng thương những con người khốn khổ, xin Chúa hãy dơ tay chạm đến những thân xác và tâm hồn tan nát vì đau khổ, bất công và tủi nhục để chữa lành họ.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!»  Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con xin Cha ban cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ nam nữ, một tấm lòng yêu thương con người, để các ngài dấn thân cứu giúp và chữa lành những người bệnh hoạn, tật nguyền và đau khổ xác hồn.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.» Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con xin dâng lời cầu xin Cha ban ơn trợ giúp mọi giáo hữu thuộc cộng đoàn giáo xứ chúng con, nhất là những người tham dự Thánh Lễ này, để họ biết làm vinh danh Cha trong mọi công việc lớn nhỏ.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.» Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cầu xin Cha cho tất cả các Kitô hữu dấn thân trên cánh đồng truyền giáo, để ai nấy biết noi gương bắt chước Chúa Giêsu Kitô như Thánh Phaolô Tông Đồ.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Sàigòn ngày 02 tháng 02 năm 2018

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*