• SỰ THẬT ĐƠN GIẢN – Lao Thư
  • NGƯỜI LÀM CHỨNG – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,  SJ
  • CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG – TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
  • LÀM CHỨNG – mcchrist.org
  • GIOAN TIỀN HÔ – mcchrist.org
  • HÃY VUI LÊN – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
  • LÀM CHỨNG VỀ ÁNH SÁNG – Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến
  • VUI MỪNG VÌ CHÚA SẮP ĐẾN – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
  • CHÚA ĐẾN MANG LẠI NIỀM VUI – Lm Giuse Đinh lập Liễm
  • VỊ ẤY ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG– Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

SỰ THẬT ĐƠN GIẢN – Lao Thư

Nhân vật nổi tiếng nói dối ngày xưa ở Việt Nam là chú Cuội, “Nói dối như Cuội.” Nhưng vào những năm trước năm 1954, người ta lại nói, “Nói dối như Vẹm” tức nói dối như VM (Việt Minh, Cộng sản). Quả thật sau này tổng thống Nga cũng nhìn nhận, “Không nói dối, không phải là Cộng sản.”

Phúc Âm hôm nay giới thiệu một nhân vật rất ngay thẳng: Gioan Tẩy Giả. Khi người Pharisiêu hỏi, “Ông có phải là Đức Kitô không?” Ông đáp cách dứt khoát, “Tôi không phải là Đức Kitô!” Họ liền hỏi, “Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời, “Tôi không phải là Elia.” “Hay ông là một tiên tri?” Gioan đáp, “Không phải!”

Gioan không nói chuyện vòng vo quanh vấn đề, không nói bóng, nói gió dễ gây hiểu lầm, không chơi chữ, không rào đón xa gần. Gioan nói sự thật ngắn gọn, đúng là ‘thẳng như ruột ngựa!’

Điều này làm tươi mát tâm trí chúng ta trong một thời buổi ít khi nghe câu trả lời “có hay không”. Trong việc kinh doanh, vấn đề quốc tế, tòa án của pháp luật, chính trị, chúng ta đã quen với những người sử dụng các từ, các tiếng cho các mục đích khác nhau ngoại trừ nói sự thật. Chúng ta nghe thấy lời dối trá tỏ tường ngay cả khi thề nói sự thật. Trên báo chí và truyền thông, chúng ta đọc các vận động thông minh nhất của nửa sự thật; trong các cuộc họp báo, chúng ta được dồn dập với thông tin, tuyên bố dập dằng nước đôi hai nghĩa, ba nghĩa. Trái với Gioan khi ông nói, “không, tôi không phải.”

Tôi nhớ lại một bài trình bày rất nghệ thuật của thời đại chúng ta liên quan đến sự thật trong một bộ phim mang tên Ứng Cử Viên nhiều năm trước đây. Nhân vật chính là một luật sư, một nhà hoạt động ra ứng cử (diễn viên chính Robert Redford). Phương tiện truyền thông đã kinh ngạc cuộc họp báo đầu tiên của ông. Ông đã nói chuyện trên một loạt các vấn đề lớn với sự ngay thẳng mà một số các nhà báo nhìn nhận nắm được thật sự của câu trả lời của ông.

Nhưng ông “đã học” như bản phim diễn tiến. Ông trở thành lẩn tránh hơn, ông tránh né khai thác của phóng viên với khẩu hiệu khéo léo nhưng rỗng tuếch. Ông “đã học” quá giỏi đến độ từ một ứng viên lót đường vô vọng, ông thắng trong cuộc bầu cử. Và sau khi đã méo mó với muôn ngàn từ ngữ, ông không có ý tưởng về những gì ông đã cam kết! Một kết thúc buồn bã biết bao!

Thật tươi mát thoải mái khi đọc bài Phúc Âm hôm nay. Gioan nói sự thật rõ ràng và đơn sơ. Khả năng làm việc này chắc chắn đến từ liên hệ bí nhiệm mà ông có với một người thợ mộc thành Nazareth đến sau ông ít năm và tuyên bối “Ta là sự thật!”

Lao  Thư

NGƯỜI LÀM CHỨNG – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,  SJ

LỜI CHÚA: Ga 1,6-8.19-28

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh  sáng.

Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô”. Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi  và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép  rửa.

SUY NIỆM

Trong bài Tin Mừng trên đây cụm từ làm chứng được dùng đến bốn lần. Lẽ sống của Gioan là làm chứng. Ông được sai đến để làm chứng (x. c.6-7). Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan, cũng là một lời chứng hùng hồn của ông (c.19). Gioan không làm chứng cho mình hay về mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng. Ông chỉ là ngọn đèn (Ga 5,35) giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Đức   Kitô.

Sau khi nhiều người tuốn đến chịu phép rửa, tiếng tăm của Gioan trở nên lừng lẫy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cử một phái đoàn đến tìm hiểu con người ông. Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai? Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định: “Tôi không phải là Đức Kitô” – “Không phải” – “Không”. Những tiếng không dứt khoát và trung thực. Ông không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông. Ông chẳng phải là một Êlia tái giáng hay một  vị Ngôn Sứ phi thường như Môsê. Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình khiến Đấng ông giới thiệu bị che khuất. Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai? Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa, là lời mời gọi con người sửa đường cho Đức Kitô. Ông biết rõ mình là người đến trước nhưng  vị đến sau lại có trước ông và trổi vượt hơn ông ngàn trùng (Ga 1,30). “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Làm đầy tớ cho Đức Kitô, ông nhận mình không xứng.

Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần. Gioan không ngại giới thiệu môn đệ mình theo Đức Giêsu, và ông bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài để chịu phép rửa (Ga 3,26). Có ai siêu thoát như Gioan? Ông từ bỏ trong niềm vui hồn nhiên. Ông hạnh phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng. “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Sự khiêm hạ  làm  cho lời chứng của Gioan đáng tin hơn.

“Có một vị đang ở giữa  các  ông mà các ông không biết.” Hôm nay Đức Giêsu vẫn là Đấng xa lạ với nhiều người. Con người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ, trong khi Đấng Cứu Độ đã đến từ 2000 năm. Xin được làm người chứng như Gioan, giới thiệu cho bạn bè Đấng mà họ đang tìm kiếm.

CẦU NGUYỆN

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của  tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh  gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.        ª

(R. Tagore)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,  SJ

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG – TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Dothái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Ðức Chúa đi, Như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Ðấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi.

Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của Ngài. Nhìn vào cuộc đời Ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường. Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh Ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một “tiếng kêu trong sa mạc”. Ngài khiêm nhường nói rằng Ngài không xứng đáng xách giày cho Đấng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo Ngài một làn ánh sáng. Ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của Ngài càng có sức thuyết phục. Ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời Ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của Ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của Ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niềm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Chúa Giêsu Kitô mà Ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực. Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên Ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên Ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên Ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hêrôđê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Chúa Giêsu  Kitô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình.  Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Chúa Giêsu, nên Ngài nói: ” Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người”(Ga 1, 27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Chúa Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ Ngài để đi theo Chúa Giêsu, Ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên Ngài nói: “ Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” ( Ga 3, 30 ).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến. Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

  1. Thánh Gioan Baotixita luôn ý thức mình là chứng nhân của Chúa. Tôi có luôn ý thức mình là chứng nhân của Chúa không?
  2. Vì ý thức mình là chứng nhân của Chúa, thánh Gioan Baotixita đã luôn khiêm nhường, quên mình, trung thực. Còn tôi, tôi đã làm gì?
  3. Trong đời sống, tôi để ý làm chứng cho Chúa nhiều, hay tôi chỉ để ý làm chứng cho bản thân mình?
  4. Trong tuần này, tôi quyết định làm gì để làm chứng cho Chúa?

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

LÀM CHỨNG – mcchrist.org

Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay đã đưa ra những câu hỏi để truy tìm tông tích, lý lịch, dung mạo và vai trò của Gioan tiền hô, nhưng thực ra là truy tìm chính Đức Kitô, Đấng Cứu Thế.

Bấy giờ, mọi người ở Giêrusalem đã bị khuấy động bởi những chuyện khác thường. Thế nhưng, những câu hỏi nêu lên lại không đi ra ngoài những khuôn mẫu sẵn có: là Elia, là tiên tri? Và Gioan đã chỉ có thể trả lời không. Bao lâu người ta còn loanh quanh trong những cái có sẵn, người ta không thể nhận ra Ngài. Sự hiện diện của Ngài đã là một sự độc đáo. Gioan đã phải vất vả để dứt cái nhìn của đám đông ra khỏi con người của ông để hướng về chính Đấng họ đang tìm kiếm. Và Đấng ấy đang ở giữa họ, nhưng họ chưa nhận ra. Gioan quả đã là người chứng đích thực vì ông đã không ngăn cản ánh sáng chiếu tới họ.

Muôn ngàn những bận rộn trong ngày chuẩn bị lễ Giáng sinh của chúng ta cũng có thể được coi là những câu hỏi về dung mạo của Đấng chúng ta đang chờ đợi và tìm kiếm. Những cuộc vui chơi với bè bạn. Những chiếc hang đá xinh xinh và gợi cảm. Những món quà đắt giá, những chiếc bánh truyền thống, những bài hát thơ mộng, những ánh đèn muôn màu và rồi những buổi lễ long trọng. Lễ Giáng sinh có thể được làm nên bởi những thứ đó, nhưng tất cả những thứ đó được lặp lại hàng năm, có phải là giáng sinh? Có phải đó là lễ giáng sinh của ngày hôm nay? Chúng ta chỉ có thể trả lời: Không phải và không thể.

Bởi lẽ giáng sinh là một con người, con người ở giữa chúng ta trước khi là một ngày lễ. Con người ấy được nhận diện không phải bằng những lời giới thiệu, những bài giảng hay bằng các nghi lễ, mà trước tiên bằng chính việc làm. Không phải những việc làm thuộc loại gây chấn động trong thiên hạ, gây kin ngạc và thán phục, những việc làm ngoạn mục xuất chúng.

Bài đọc hai đã kê khai những việc làm của Đấng được xức dầu, tức là Đức Kitô: Loan báo Tin Mừng cho kẻ khó nghèo, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên bố việc ân xá cho những bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Và Đức Kitô đã khẳng định: Chính Ngài là người đã thực hiện những việc làm này, và chính Ngài cũng đã từng trả lời với những ai đang thắc mắc về Ngài: Hãy nhìn những việc làm để nhận ra Ngài là ai. Ngài quả là Đức Kitô, vì Ngài đã làm những việc của người đã được Thiên Chúa xức dầu. Đức Kitô đã chết và đã được tôn vinh, nhưng Ngài vẫn hiện diện giữa con người. Theo ánh sáng của lòng tin, chúng ta biết được Ngài hiện diện ở đâu có những nỗ lực và hành động giải phóng, đưa con người bị vùi dập bạc đãi, bị kỳ thị, bị tước mất quyền làm người. Mỗi người chúng ta có bổn phận phải làm chứng. Làm chứng không phải chỉ bằng lời nói mà chủ yếu bằng việc làm. Những việc làm của chính Đức Kitô, Đấng được xức dầu.

Thế nhưng nhiều khi chúng ta chuẩn bị mừng lễ giáng sinh bằng sự phô trương chính mình thay vì là một chứng tá sống động về sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng mà mọi người đang mong đợi và tìm kiếm.

GIOAN TIỀN HÔ – mcchrist.org

Sống dưới ách thống trị của đế quốc La-mã dân Do Thái luôn trông chờ một Đấng cứu thế do Thiên Chúa sai đến. Họ đã mượn nỗi khắc khoải của cha ông thuở trước để cầu xin: Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời. Chính vì thế, khi Gioan xuất hiện bên bờ sông Giođan, họ đã phấn khởi vui mừng. Và rồi họ đã cử một phái đoàn đến để tìm hiểu cho cặn kẽ và thấu đáo. Những người này đã hỏi Gioan: Ông là ai, ông có phải là Đức Kitô hay không. Gioan đã xác quyết với họ: Tôi không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng tôi chỉ là người tiền hô, đi trước để dọn đường cho Ngài. Hãy chuẩn bị vì Ngài sắp đến. Hãy sám hối ăn năn vì Nước Trời đã gần. Ông không để cho người ta chú ý tới ông mà trái lại, ông hướng mọi sự chú ý của họ vào Đức Kitô: Ngài cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.

Qua sứ điệp của Gioan Tiền Hô, chúng ta rút ra hai điểm thực hành. Điểm thứ nhất đó là hãy sám hối, cải thiện đời sống. Thực vậy, Chúa không phải chỉ đến với chúng ta trong đêm giáng sinh, mà hơn thế nữa Ngài còn đến với chúng ta vào ngày tận cùng của vũ trụ, cũng như vào ngày sau hết của cuộc đời chúng ta. Và hơn thế nữa, Ngài còn đến với chúng ta mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể. Như thế cuộc đời chúng ta phải là một mùa vọng nối dài. Và trong mùa vọng cuộc đời này chúng ta phải thực hiện ngay sứ điệp của Gioan Tiền Hô, đó là hãy sám hối, dọn đường Chúa đến. Sám hối ở đây không phải chỉ là hối tiếc về những tội đã phạm mà hơn thế nữa còn phải cố gắng uốn nắn sửa đổi để nhờ đó thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời.

Điểm thứ hai, đó là hãy trở nên những tiền hô cho Chúa. Thực vậy, là người Kitô hữu, chúng ta không phải chỉ có Chúa trong tâm hồn, mà hơn thế nữa, còn phải đem Chúa đến cho người khác. Dọn đường cho Chúa đến trong tâm hồn của mình mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải dọn đường để Chúa cũng đến được trong tâm hồn người khác. Muốn được như thế, chúng ta cần phải có một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, nhờ đó mà dần dần chúng ta có thể cảm hoá được những người chung quanh và dẫn đưa họ trở về cùng Chúa.

Dọn đường Chúa đến trong tâm hồn mình và giúp người khác dọn đường Chúa đến trong tâm hồn họ đó là việc chúng ta cần phải làm ngay trong mùa vọng này.

HÃY VUI LÊN – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Theo truyền thống dân tộc Do Thái, năm đại xá của Đức Chúa, là năm đại phúc cho người nghèo, cho người bị tù đầy. Năm đó, có nợ ai bao nhiêu, cũng được xóa; có đang bị ở tù, cũng được trả tự do. Đức Yêsu là Đấng đến để công bố năm toàn xá cho toàn thể nhân loại. Vì thế, hãy vui lên, hỡi nhân trần.

1. Tin Mừng Cho Người Nghèo Con người sống trên trần gian này cảm nghiệm bao nhiêu nỗi khổ: nỗi khổ vật chất và tinh thần. Ai càng coi trọng tiền bạc và vật chất, càng cảm thấy khổ nhiều. Tuy nhiên, đôi khi người nghèo không cảm thấy khổ, mà những người đặt nặng giá trị vật chất lại cho rằng họ khổ.

Người nghèo cũng có niềm vui riêng của họ, trời xanh, khí mát trong lành, đất trời đẹp tuyệt vời và vô tận. Tuy vậy, nếu người nghèo không thanh thoát vượt lên được cái bình thường, thì cái nghèo, và đặc biệt là tình trạng bần cùng, ảnh hưởng thê thảm trên con người. Nàng Kiều bán mình chuộc cha cũng là một thí dụ. Và từ cái khổ này dẫn tới cái khổ khác; đến độ người ta thấy “đời là bể khổ.” Nghèo, tù, tội, là những điều gây cho bao người đau khổ dằn vặt.

Hôm nay, tin mừng đã được công bố: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Đức Chúa đã xức dầu cho tôi. Ngài sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn tan vỡ, loan báo ơn giải thoát cho những kẻ bị bắt, tự do cho kẻ tù đày, và loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa.” Chính Thiên Chúa giải phóng con người, cho con người tìm được sự giải phóng, tự do, niềm vui và hạnh phúc.

2. Đấng Đến Sau Tôi Cái nghèo vẫn còn tiếp tục. Cái nghèo như gắn chặt với cuộc đời của một số người như hình với bóng. Con người vẫn khổ, vẫn miệt mài đi tìm miếng cơm manh áo. Những người đã có miếng cơm áo thì lại muốn có nhiều hơn nữa. Con người vẫn không thoát khỏi cảnh khổ. Nỗi khổ do nghèo vật chất dường như giúp con người thấy nỗi khổ của nghèo tinh thần. Dường như khổ vật chất không làm con người khổ, mà nghèo tinh thần làm con người khổ.

Yoan Tẩy Giả sống đơn sơ trong cảnh nghèo. Ngài như một lời chứng cho nỗi khổ vì nghèo tinh thần, vì không thấy được ánh sáng sự thật, chứ không phải vì nghèo vật chất. Hơn nữa, Yoan Tẩy Giả còn làm chứng cho một Đấng khác nữa: “Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, và tôi không đáng cởi dây giầy cho Ngài. Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng Đấng đó sẽ làm phép rửa cho anh em với Thánh Thần và lửa.” Đấng đó là Đấng mà mọi người phải mong chờ, cho dù lúc đó người ta và cả Yoan Tẩy Giả cũng chưa biết người đó là ai.

Đức Yêsu như tất cả mọi người đã sống cái nghèo đến tận cùng: sinh trong hang chiên cừu, ăn uống mặc như người nghèo, làm nghề của những người nghèo, ngay cả khi đi rao giảng vẫn nghèo, có lúc đi tìm trái vả ăn cho đỡ đói cũng không có (Mt.21, 18-19). Tuy vậy, Đức Yêsu là người làm trọn lời tiên tri trong sách Isaya, Ngài công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, Ngài tới để làm cho người mù được thấy, người tù được trả tự do, băng bó những tâm hồn tan vỡ. Đức Yêsu mang lại cho người ta thấu hiểu sự thật, và sự thật sẽ giải phóng con người khỏi mọi phiền não, tù tội ràng buộc tinh thần. Ngài giúp con người vươn lên, vươn lên tới Thiên Chúa là đỉnh bình an hạnh phúc. Hãy vui lên vì với Đức Yêsu, chúng ta biết con đường giải thoát và hạnh phúc đích thực.

3. Hãy Vui Mọi Lúc Như một người đã được giải phóng, thánh Phaolô viết cho dân thành Thessalônica: “hãy vui hạnh phúc mọi lúc.” Một người rao giảng tin mừng Đức Yêsu phục sinh, luôn bị phản đối, rượt đuổi và bắt bớ, mà khuyên người ta hãy sống vui và hạnh phúc được sao? Nếu đúng, người đó phải sống vui và hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời điểm.

Tại sao Phaolô lại được như vậy? Vì Ngài đã đạt đạo, đã chọn Thiên Chúa trên hết, đã chấp nhận Đức Yêsu như lý tưởng và Chúa của mình. Ngài đã thấy được trần gian chóng qua, chỉ có thực tại bền vững là chính Thiên Chúa, và cũng là bình an và hạnh phúc của Ngài. Với quan niệm sống và chọn lựa như vậy, Ngài sống vui và hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời điểm.

Chỉ khi nào con người chọn Thiên Chúa trên hết, phó thác tất cả cho Thiên Chúa, thì con người mới sống chấp nhận thực tại và thanh thản trước mọi biến cố và nghịch cảnh. Thiên Chúa đang thực hiện việc giải phóng con người qua Đức Yêsu, qua việc cho con người thấy cách sống giúp con người bình an hạnh phúc. Cách sống đó chính là cách sống của Đức Yêsu. Đức Yêsu cũng không được miễn trừ khỏi bao cám dỗ, nhưng Ngài đã vượt qua và vẫn trông cậy vào Thiên Chúa ngay cả khi không thấy dấu chỉ cho thấy như vậy. Biến cố Đức Yêsu kêu trời “lạy Cha, lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” là một bằng chứng. Ngay cả như vậy, chúng ta tin rằng, Ngài vẫn bình an và phó thác.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. “Hãy bình an hạnh phúc mọi lúc.” Liệu điều này có thể xảy ra không?

2. Làm sao để có thể bình an hạnh phúc trong mọi nơi mọi lúc?

3. Bạn có thể gặp được Đức Yêsu không? Xin đưa lý lẽ cho câu trả lời của bạn?

LÀM CHỨNG VỀ ÁNH SÁNG – Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

Tin mừng chúa nhật nầy gồm hai đoạn 1:6-8 và 1:19-28 thuộc 2 văn mạch khác nhau, tuy nhiên đều nói về Gioan, là chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô. Đoạn 1:6-8 nằm trong văn mạch của 1:1-13, nói về Ngôi Lời là ánh sáng (1:1-5) và Ngôi Lời đã đi vào lịch sử (1:6-13). Đoạn 1:19-28 nói về Gioan và công việc của ông.

Trong tin mừng Gioan, làm chứng là sứ mạng chính của Gioan, không phải là làm phép rửa (1:7[2].8.15.19.32). Để làm chứng, Gioan phải là một con người và được Thiên Chúa sai đến (c.6). Là con người, để Gioan có thể nói cho con người điều ông đã thấy và đã tin. “Được Thiên Chúa sai đến”, vì sứ mạng của ông là làm chứng cho Con Thiên Chúa (3:27). Bởi đó, Gioan không làm chứng cho một điều, mà cho một người. Mục đích của Gioan là làm cho mọi người tin vào Chúa Giêsu (c.7), để họ được làm con Thiên Chúa (1:12) và không còn thuộc về bóng tối nữa (1:5; 11:10; 12:35).

Chúa Giêsu là ánh sáng của trần gian (1:4; 9:5; 11:9; 12:35.36.46). Ánh sáng ấy là sự sống (1:4;8:12[2x]) và cũng là sự thật (1:9; 3:21). Gioan làm chứng cho ánh sáng, có nghĩa là làm chứng cho một sự sống Chúa Giêsu đang mang đến (1:15-16; 6:41.48.51) và một sự thật: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (1:32.35; 5:33). Đón nhận chứng từ của Gioan, nghĩa là tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là sự thật và sự sống (14:6) để được trở nên con cái Thiên Chúa (1:12). Khước từ chứng từ của Gioan là khước từ Chúa Giêsu và tiếp tục sống trong bóng tối (1:5; 8:12).

Gioan là chứng nhân, không phải là ánh sáng (1:8). Bởi đó, Gioan từ chối nhận mình là Đấng Kitô hay là Êlia. Ông nhận mình không xứng đáng cởi quai dép cho Đấng đang đến. Thành ngữ egò ouk eimi “Tôi không là” mà Gioan dùng cho mình (c.20.21.27; 3:28) đối nghịch với egò eimi “Tôi là”, được dùng độc nhất cho Chúa Giêsu: “Tôi là tôi” (4:26; 6:20; 13:19; 18:5.6.8), “Tôi là bánh ban sự sống” (6:41.48.51), “Tôi là ánh sáng trần gian” (8:12; 9:5), “Tôi là…” (10:9.11.14; 11:25; 14:6; 15:1.5; 18:37). Chính cách nói nầy cho thấy Chúa Giêsu, là ánh sáng, ngày mỗi tỏa sáng lên, còn Gioan, như là chứng nhân của ánh sáng, ngày mỗi tan biến dần (3:30). Gioan giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ của mình, và họ đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu (1:35-42), dân chúng đến với Chúa Giêsu thay vì đến với Gioan (3:26) và cuối cùng chết âm thầm trong ngục tối (3:24). Gioan, một chứng nhân chân thật và khiêm tốn vô hạn (10:41).

Gioan không là chứng nhân duy nhất của Chúa Giêsu. Chúa Cha (5:32.37; 8:18), Kinh Thánh (5:39), công việc của Chúa Giêsu (5:36; 10:25), chính Chúa Giêsu (8:14.18), Thánh Linh (15:26) và các môn đệ (15:27) tất cả đều làm chứng một điều: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Đến trần gian, Chúa Giêsu cần chứng nhân, vì không dễ tin Người là Con Thiên Chúa. Nếu tin, sẽ được làm con cái của Thiên Chúa. Nếu được làm con cái của Thiên Chúa, tất phải sống như con cái của Người.

VUI MỪNG VÌ CHÚA SẮP ĐẾN – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

 

I. Dẫn vào Thánh lễ

Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những niềm vui: vui khi thấy những nụ hoa hé nở trong vườn, vui khi nhìn những cặp vợ chồng trẻ hân hoan trong ngày cưới, vui với những tù nhân mãn hạn trở về. Ngày xưa, một ngôn sứ cũng đã dùng những hình ảnh tương tự để loan báo niềm vui khi Chúa đến. Thật vậy, khi Chúa đến, Ngài sẽ làm cho cuộc sống ta tràn ngập niềm vui. Vậy chúng ta hãy chuẩn bị đón tiếp Ngài.

II. Gợi ý sám hối

  • Chúng ta không nghĩ rằng sống đạo là một niềm vui, trái lại nhiều khi còn coi đó là gánh nặng khó chịu.
  • Chúng ta ít nghĩ đến việc làm cho những người chung quanh được vui tươi hạnh phúc.
  • Chúng ta không sẵn sàng để cho Chúa giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc của tội lỗi và những đam mê bất chính.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I: Is 61, 1-2. 10-11

Ðoạn này thuộc phần thứ ba sách Isaia (các chương 56-66) do một (hoặc một số) tác giả không được biết tên nên người ta tạm gọi là Ðệ Tam Isaia. Có hai giả thuyết về thời gian soạn tác phần này: a/ Ðó là thời sau lưu đày từ lúc xây xong Ðền thờ mới cho đến năm 445 trước công nguyên (Nhóm dịch CGKPV); b/ Một vài năm trước khi kết thúc cuộc lưu đày. Nội dung đoạn được trích hôm nay xem ra phù hợp với giả thuyết thứ hai hơn. Tác giả nghĩ đến lúc được giải thoát khỏi ách lưu đày.

  • Trong phần đầu (cc 1-2), tác giả tự đồng hóa mình với một nhân vật được Thiên Chúa chọn làm sứ giả đặc biệt để loan tin vui ấy. “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.
  • Trong phần sau (cc 10-11), tác giả lại tự đồng hóa mình với dân được giải thoát: “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, vì Ngài đã mặc cho tôi áo phần rỗi và choàng áo công chính cho tôi…” Sau này, trong bài ca Magnificat, Ðức Maria đã lấy lại một số tâm tình của tác giả; và Ðức Giêsu, tại hội đường Nadarét, cũng đã áp dụng những lời này cho chính bản thân Ngài.

 

  1. Ðáp ca: Trích bài Magnificat, Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54.

Bài ca diễn tả tâm tình của Ðức Maria. Ðó cũng là tâm tình của Ðệ Tam Isaia ngày trước, mà cũng là tâm tình của Giáo Hội ngày nay: vui mừng vì được Chúa đến thăm và dùng mình làm sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa.

  1. Tin Mừng: Ga 1, 6-8. 19-28

Sứ giả loan Tin Mừng mà Ðệ Tam Isaia đã tiên báo chính là Gioan Tiền hô, và Tin Mừng mà Gioan công bố chính là Ðức Giêsu. Ðoạn Tin Mừng Chúa nhật tuần trước đã cho biết Gioan là người dọn đường và ông đã dọn đường như thế nào. Ðoạn Tin Mừng hôm nay (của thánh Gioan Tông đồ) cho biết nhiều hơn:

  • Ðấng Messia mà Gioan dọn đường chính là Ánh sáng. Ngài đến thế gian như ánh sáng chiếu soi trong đêm tối.
  • Phần Gioan tiền hô, ông rất khiêm tốn: nói rõ mình không phải là Messia và tuyên bố Ðấng Messia là Ðức Giêsu cao trọng hơn ông.
  1. Bài đọc II: 1 Tx 5, 16-24

Thêxalônica là một giáo đoàn mà thánh Phaolô rất quan tâm, bởi vì ngài mới thành lập giáo đoàn này không bao lâu thì phải bị buộc rời họ đi xa. Nhưng dù non trẻ, giáo đoàn này đã sống đạo khá tốt. Bởi thế khi biên thư cho họ, Phaolô bảo họ một mặt hãy luôn vui mừng trong Chúa và mặt khác hãy cầu nguyện không ngừng và cảm tạ Chúa trong mọi việc.

IV. Gợi ý giảng

  1. Vui mừng theo mệnh lệnh?

Lời kêu gọi rất rõ của Giáo Hội trong Thánh lễ hôm nay là “Anh em hãy vui lên”. Nhưng có thể vui mừng theo mệnh lệnh như thế chăng? Vả lại, trong cuộc sống cũng có nhiều nỗi buồn. Ðâu phải bất cứ lúc nào hễ Giáo Hội kêu chúng ta vui lên thì chúng ta vui lên ngay được? Thiết tưởng ta nên phân biệt cho rõ. Cuộc đời gồm nhiều phương diện lắm khi không hoàn toàn phối hợp hài hòa với nhau. Bởi thế người ta vẫn có thể vui về phương diện này đang khi gặp điều không vừa ý thuộc phương diện khác. Chẳng hạn nghèo mà vui, bị sỉ nhục vẫn vui v. v. Phương diện lúc nào cũng có thể vui chính là phương diện siêu nhiên: vui vì Chúa, vui trong Chúa. Thứ niềm vui này ở tận trong lòng nên bất cứ thứ xáo trộn bên ngoài nào cũng không ảnh hưởng tới nó được. Tác giả Sách Huấn ca đã viết: mọi việc đều có thời của nó. Có thời để khóc và có thời để cười, có thời để buồn và có thời để vui… Giáo Hội chỉ cho chúng ta biết rằng thời để vui chính là thời bây giờ đây, thời chuẩn bị đón Chúa Giáng sinh. Chúng ta vui vì Chúa đã “công bố năm hồng ân” (bài đọc I), vì “Chúa đã đoái nhìn phận hèn tôi tớ” của chúng ta (Bài đáp ca) và vì ý Thiên Chúa muốn rằng chúng ta luôn được hân hoan hạnh phúc (Bài Thánh Thư).

  1. Vui và sướng

Trong bài đọc II, Thánh Phaolô bảo: “Anh em hãy vui luôn”. Flor McCarthy có những suy nghĩ sau đây về vui và sướng (joy and pleasure). Vui và sướng rất khác nhau:

  • Ta có thể vạch kế hoạch để mình được sướng, nhưng không thể làm thế để được vui.
  • Sung sướng đến ngay, còn niềm vui thường đến sau; và niềm vui ngọt ngào hơn cả là thứ niềm vui đến sau đau khổ.
  • Sung sướng đến do mình trả lời “có” với mình; niềm vui đến do mình trả lời “không” với chính mình.
  • Sung sướng giống như một ánh lửa loé lên trong đêm tối, chiếu sáng mọi sự trong giây lát rồi tắt lịm, sau đó ta cảm thấy tối tăm và trống rỗng hơn bao giờ hết; Niềm vui giống như một ngọn lửa trong tim, sau đó dù lửa đã tàn nhưng vẫn còn để lại hơi ấm trong ta.
  1. Vui luôn

Thánh Phaolô kêu gọi “Anh em hãy vui mừng luôn mãi”.

  • “Luôn mãi” là cả khi bị người ta đối xử xấu với mình nữa chăng?
  • “Luôn mãi” là cả khi làm việc thất bại nữa chăng?
  • “Luôn mãi” là cả khi người thân bị chết hay bị bệnh nặng nữa chăng?
  • “Luôn mãi” ngay cả khi đã phạm tội chăng? v. v.

Chắc chắn là thánh Phaolô đã nghĩ đến những tình huống đó, dù vậy Ngài vẫn kêu gọi “Hãy vui mừng luôn mãi”. Tại sao? Liền sau lời kêu gọi ấy, thánh Phaolô viết tiếp “Hãy cầu nguyện không ngừng”. Ðúng rồi, nếu gặp phải những tình huống ấy mà biết cầu nguyện thì mọi buồn sầu lo lắng sẽ sớm tan biến và trở thành niềm vui.

  1. Có Ðấng mà các ngươi không biết, Ngài sẽ đến sau tôi

Ðấng mà người ta không biết chính là Thiên Chúa. Thật vậy, rất nhiều người không biết Thiên Chúa, thậm chí còn không tin là có Thiên Chúa. Ðiều này cũng tự nhiên thôi, vì chính Thánh Kinh cũng nói rằng khả năng con người không thể biết được Thiên Chúa: Thánh Gioan tông đồ đã viết “Chưa ai trông thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1, 18); Thánh Phaolô cũng viết rằng Thiên Chúa là Ðấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm, Ðấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1 Tm 6, 16). Thế nhưng, vì yêu thương loài người, Thiên Chúa đã khấng cho loài người biết Ngài, qua Ðức Giêsu con yêu dấu của Ngài nhập thế sống giữa loài người chúng ta. Gioan Tiền hô đã báo cho người ta biết tin vui đó: “Ngài đang ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết.” Chúng ta là những người được biết, vậy chúng ta hãy vui mừng; và cũng như Gioan, chúng ta hãy chỉ Ngài cho nhiều người khác được biết.

  1. Ðiều kiện của người làm chứng

Ðiều kiện tiên quyết của người làm chứng là sống đúng như chứng từ của mình. Gioan Tẩy giả là người làm chứng như thế. Ðoạn Tin Mừng hôm nay viết: “Ông đến để làm chứng về ánh sáng”. Trung thực với chứng từ này, một mặt ông cố gắng chỉ cho người ta thấy Ánh Sáng là ai, mặt khác khi có người tưởng ông là Ánh sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận. Rồi khi Ánh sáng xuất hiện, ông âm thầm rút lui: “Ngài phải sáng lên, còn tôi phải mờ đi”. Câu chuyện sau đây được thuật lại trong quyển The Tablet (Tháng 5 năm 1998): Một cặp vợ chồng trẻ kia đều là bác sĩ. Họ đã học chung với nhau ở Ðại học Y khoa, quen nhau, rồi cưới nhau. Người vợ là công giáo, người chồng thì không. Ðã nhiều lần người vợ cố gắng thuyết phục chồng Rửa Tội, nhưng anh không hề quan tâm, có lẽ vì chưa thấy đạo công giáo có cái gì hay. Thế rồi trong một đợt thanh lý công nhân viên, người chồng bị bắt đi cải tạo cùng với một số nhà trí thức khác. Người vợ không vào tù nhưng bị làm áp lực bỏ đạo và ly dị chồng. Nhiều nữ bác sĩ khác cùng cảnh ngộ đã đành chìu theo những áp lực ấy. Nhưng bà này vẫn cương quyết sống theo niềm tin và tình yêu của mình, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhưng một ngày kia, người chồng được trả tự do cùng với nhiều bác sĩ khác. Xảy ra rất nhiều tình huống trớ trêu dở khóc dở cười: nhiều bà vợ vui mừng vì chồng trở về nhưng không dám đón chồng vì đã trót ly dị. Riêng cặp vợ chồng này thì niềm vui rất trọn vẹn. Sau đó người chồng xin gia nhập đạo công giáo. Anh đã thấy được giá trị của đức tin và tình yêu hiện thân nơi vợ mình. Ðó là một chứng từ, không phải bằng lời nói suông mà bằng cả cuộc sống.

  1. Làm chứng cho Ðức Kitô

Linh mục Anthony de Mello có kể một câu chuyện sau đây: Có gia đình kia đi nghỉ hè một thời gian dài bên bờ biển. Ngày nọ, mấy đứa con đang nô đùa, xây những lâu đài bằng cát trên bãi biển, thì có một bà cụ xuất hiện. Tóc bà rối bời trong gió, quần áo bẩn thỉu rách rưới. Bà vừa lẩm bẩm một mình, vừa cúi nhặt những vật gì đó trên mặt cát rồi cho vào giỏ. Cha mẹ lũ nhỏ gọi chúng lại và bảo chúng hãy tránh xa mụ đàn bà đó. Khi đi ngang qua, bà mỉm cười với họ, nhưng mọi người không hề tỏ dấu đáp lại. Nhiều tuần sau, cả gia đình mới biết rằng đã lâu lắm rồi, người đàn đà ấy đã tự nguyện, làm công việc lượm các mảnh thủy tinh rơi rớt trên bãi biển, để bọn trẻ khỏi bị đứt chân. “Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết” (Ga. 1, 26). Sứ mạng của Gioan Tiền Hô là làm chứng cho Sự Sáng đích thật chính là Ðức Kitô. Ðức Kitô đến để chiếu ánh sáng cho trần gian. Toàn bộ Tin mừng Gioan chỉ là để trả lời cho câu hỏi này: “Giêsu Nagiarét, Người là ai?” Gioan không dùng danh từ Phúc âm mà chỉ dùng từ ngữ “chứng nhân”. Ðộng từ “làm chứng” được Gioan nhắc đến 33 lần. Tin mừng Gioan được khai mở bằng lời chứng của Gioan Tiền Hô và kết thúc với minh chứng của Gioan Tông đồ: “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra. Chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thực” (Ga. 21, 24). Qua lối sống khổ hạnh khác người, qua lời rao giảng sám hối, và qua lời chứng: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi” (Ga. 1, 23) đã minh chứng Gioan là vị Tiền Hô của Ðấng Cứu Thế, là chứng nhân của Thiên Chúa. Gioan chỉ đứng ra làm chứng và báo trước ngày Chúa xuất hiện, rồi rút lui vào bóng tối. Có thể nói, Gioan là người tôi tớ, còn Ðức Giêsu là ông chủ, Gioan là đèn soi, còn Ðức Giêsu là ánh sáng, Gioan là tiếng kêu, và Ðức Giêsu là lời hằng sống. Như Gioan, người tín hữu cũng sẽ là chứng nhân cho Ðức Kitô trong cuộc sống. Về điểm này, Teihard de Chardin đã ví von rất sống động: “Ánh sáng xuyên qua những áng mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta mọi người cũng đoán được có Ðức Kitô”. Bà cụ trong câu chuyện của Cha Mello phản ánh một tấm gương sáng ngời về lòng thương người, luôn quan tâm tới kẻ khác. Cụ sống khó nghèo, âm thầm, hy sinh thời giờ sức lực của mình, để cho niềm vui của người khác được trọn vẹn. Martin Luther King viết: “Chúng ta không chỉ làm chứng bằng lời nói, mà còn làm chứng bằng cuộc sống của mình”. Có những tâm hồn dần dần cải hóa nhờ việc làm của ta, nhưng chính ta lại không ngờ tới. J. Basquin nói: “Sống chứng nhân không phải là đuổi theo các tâm hồn, mà là sống làm sao để các tâm hồn chạy theo ta”. Ước gì khi nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng có thể nói như đã nói về Thánh Gioan Vianey “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người”. Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời rao giảng và bằng gương sáng đời sống chúng con. Xin cho chúng con biết sống khiêm nhường: không hiếu danh cũng chẳng ganh tị, không cao ngạo cũng chẳng cậy uy. Nếu có khi nào thành công việc gì xin cho chúng con biết hướng vinh dự về cho Chúa, để qua đó, người ta nhận biết Chúa là Ðấng quyền năng và yêu thương con người. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, chúng ta đã tiến đến Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng, niềm vui ngày Chúa đến dịp lễ Giáng Sinh đã gần kề. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy vui mừng cầu nguyện và tạ ơn. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những ước nguyện của chúng ta:

  1. Thánh Gioan đã dọn đường về Ðức Giêsu là ánh sáng, là niềm vui cứu độ / Xin cho cộng đoàn Hội thánh trở thành chứng tá cho Chúa xuyên qua việc gieo rắc và bồi dưỡng niềm vui cho mọi người.
  2. Ðức Giêsu được sai đi để đem Tin mừng cho người nghèo khổ bất hạnh / Xin cho các nhà cầm quyền trở thành những người bênh vực kẻ hèn yếu và đem an vui cho những người thiếu may mắn.
  3. Ðức Giêsu đến trần gian để băng bó những tấm lòng tan nát / Xin cho những người nghèo đói thất nghiệp, tù đày, bị bỏ rơi / tìm được niềm an ủi và hy vọng nơi những người họ gặp gỡ.
  4. Chúng ta đã được hiệp thông với Ðức Giêsu qua các Bí tích / Xin cho mọi người trong cộng đồng họ đạo chúng ta / luôn thắp lên trong đời mình ánh sáng của Chúa / để sưởi ấm và soi sáng cho mọi người.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con đang sửa soạn để đón nhận niềm vui ngày Ðức Giêsu Giáng Sinh, xin Chúa sai Thánh Thần Chúa đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con để chúng con trở thành niềm an vui cho mọi người chúng con gặp gỡ. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô.

VI. Trong Thánh lễ

  • Nên dùng Kinh nguyện Thánh Thể 4. Nhấn mạnh những chỗ:
  • (Bài tiền tụng, đoạn 1): “và cho nhiều thọ tạo được vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Cha”
  • (Kinh nguyện Thánh Thể, cuối đoạn 3): “Người đã loan Tin Mừng cứu độ cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ tù đày, đem lại niềm vui cho những ai sầu khổ” Trước Kinh Lạy Cha: Ðức Maria đã hát lên rằng “Ðấng toàn năng đã làm cho tôi bao điều kỳ diệu. Danh Ngài là thánh”. Chúng ta hãy hợp ý với nhau cầu xin cho Danh Thiên Chúa được hiển thánh.
  • Sau Kinh Lạy Cha: “… Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an, sự bình an mà các ngôn sứ của Cha đã loan báo…. Chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn. Xin cho chúng con luôn giữ được niềm vui của những con người được cứu độ, cho dù đang sống giữa những gian truân thử thách của cuộc đời, đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng phúc…”
  • Trước khi Rước lễ: Thánh Gioan Tẩy giả đã loan báo: “Có một Ðấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết”. Ðấng ấy chính là đây, “Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian, phúc cho ai…”

VII. Giải tán

Những lời Thánh Phaolô chúc cho các tín hữu Thêxalônikê cũng là những lời Giáo Hội cầu chúc cho anh chị em hôm nay: “Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hóa anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ vẹn toàn trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến”.

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

CHÚA ĐẾN MANG LẠI NIỀM VUI – Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP

Người ta thường nói: Đời là bể khổ hoặc đời là thung lũng nước mắt. Đối với chúng ta đời không hẳn là như thế, mà ta có thể nói: cuộc đời có rất nhiều đau khổ, đầy gian nan thử thách, và chúng ta có thể biến tất cả thành niềm vui nếu chúng ta biết đặt niềm tin vào Chúa, Đấng là nguồn vui bất tận.

Qua các bài đọc Chúa nhật hôm nay, Giáo hội mời gọi ta sống trong niềm vui chờ đợi Giáng sinh. Chúa sẽ đến cứu chúng ta, ngày giờ Chúa đến không được xác định. Trong thời gian chờ đợi có lẽ chúng ta lo âu, buồn phiền và nghĩ rằng hy vọng của mình có thể là ảo tưởng, niềm tin của mình xem ra hão huyền.

Không, chúng ta hãy vững tin, đừng thất vọng. Thánh Phaolô thúc giục chúng ta:”Anh em hãy vui mừng luôn mãi”(bài đọc 2). Tuy trên bước đường chờ đợi có gặp nhiều khó khăn, nhiều gian nan thử thách, nhưng chúng ta là Kitô hữu, hãy cứ mạnh tiến, với tâm hồn tin tưởng và phấn khởi. Đức Kitô đang ở đó, vẫn âm thầm hiện diện, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp gỡ Ngài ở cuối đường. Sống trong Mùa Vọng, chúng ta hãy sống với tư tưởng này: Chúa đã gần đến, nên ta hãy trút mọi phiền sầu và hãy vui lên.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+  Bài đọc 1: Is 61,1-2a.10-11.

Dân Israel bị bắt đi lưu đầy ở Babylon 70 năm trường. Vài năm trước khi kết thúc cuộc lưu đầy, tiên tri Isaia đã loan tin mừng cho dân, báo cho họ biết là sắp được giải thoát, họ sẽ không còn bị đè nén, ức hiếp bởi kẻ thù nữa.

Họ sẽ được trở về quê cha đất tổ của mình, tuy còn là những người nghèo khổ, đụng phải những khó khăn nghiêm trọng, hoàn toàn thiếu phương tiện vật chất, bị những người lân cận sách nhiễu và thù ghét, nhưng trước mặt Thiên Chúa, họ không còn là những người bị ruồng rẫy, trái lại, họ mới là chính đối tượng Thiên Chúa dành cho mối tình âu yếm.

Như vậy, tiên tri Isaia đã đem đến cho những người khốn khó này một sứ điệp hy vọng, nhằm an ủi họ và cũng khơi dậy niềm vui trong họ, là những kẻ được Thiên Chúa yêu hơn cả:”Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao” (Is 61,10) .  Sau này, trong bài Magnificat, Đức Maria đã lấy lại tâm tình này, và Đức Giêsu, tại hội đường Nazareth, cũng áp dụng ý tưởng này cho bản thân mình.

+ Bài đọc 2: 1 Tx 5,16-24.

Trong thư gửi cho tín hữu Thessalonica, thánh Phaolô nhắc nhở họ hãy vui tươi vì đã được Thiên Chúa cứu độ:”Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không  ngừng”.  Nhưng dù sao, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải quan tâm đến ngày Quang lâm hay ngày Chúa trở lại.  Phải chuẩn bị cho ngày đó .

Phải chuẩn bị bằng cách nào? Theo thánh Phaolô,  phải chuẩn bị bằng cách sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong bình an và vui tươi nhờ cầu nguyện, theo đuổi điều thiện hảo, tin tưởng nơi Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.  Nếu làm được như thế là chúng ta đã sẵn sàng đón tiếp Đức Kitô, cho dù không biết ngày nào Ngài trở lại.

+ Bài Tin mừng: Ga 1,66-8.19-28.

Trong bài Tin mừng tuần trước, thánh Gioan Tẩy giả đã hô hào dân chúng dọn đường cho Chúa đến,  hôm nay, Ngài tự giới thiệu cho người Do thái Ngài chỉ là người làm chứng và sửa soạn cho Chúa đến.  Gioan đi rao giảng phép rửa thống hối, từng đoàn người tấp nập kéo đến bờ sông Giorđan xin chịu phép rửa. Việc này chứng tỏ ảnh hưởng của Gioan đã lan rộng khắp vùng, làm cho các nhà chức trách phải thắc mắc: Ông này là ai? Ông có ý đồ gì không?

Vì thế, nhà chức trách gửi một số tư tế và mấy Lêvi đến điều tra xem Gioan là ai? Câu hỏi chỉ xoay quanh tư tưởng chủ chốt: “Ông có phải là Đấng Messia không”? Gioan đã trả lời thẳng thắn: Ông không phải là Đấng Messia, cũng không phải là Elia, thậm chí cũng không phải một trong các tiên tri thời xưa trở lại.  Ông chỉ khẳng định: Ông là sứ giả có trách nhiệm dọn đường cho Chúa thôi.  Còn phép rửa của ông làm chỉ là dọn đường mở  lối cho phép rửa chính thức của Đấng Cứu thế.  Nhưng ông nhấn mạnh cho họ tư tưởng này: Đấng Cứu thế đang ở giữa họ, mà họ không biết.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

LÀM CHỨNG CHO CHÚA

I. GIOAN, ÔNG LÀ AI?

Đã từ 400 năm, tiếng nói tiên tri đã im bặt, bây giờ với Gioan, tiếng nói ấy lại vang lên.  Qua đó một số người đã ngưỡng mộ ông Gioan Tẩy giả đến độ dành cho ông địa vị cao hơn địa vị thích đáng, còn cao hơn cả Đức Giêsu. Tiếng nói của Gioan đã vang dội và đánh động nơi nhiều người.

Cấp lãnh đạo Do thái sợ Gioan chiếm mất địa vị của mình, đã sai mấy tư tế và Lêvi đến điều tra xem Gioan là ai.  Họ sợ ông là Êlia sống lại, người đã thiêu sống hơn 500 tư tế của hoàng hậu  Giêzabel thời vua Achab. Họ sợ ông là một tiên tri, như bao tiên tri của Thiên Chúa, đến đe dọa họ, đưa những tin làm đảo lộn thời thế, làm mất quyền lợi địa vị của họ. Họ phải đề phòng, kiểm soát, canh chừng mọi bất trắc xẩy ra. Họ đã biết có nhiều người được dân coi là Đấng Cứu thế, nổi lên chống ngoại bang, làm cho bao nhiêu người phải chết lây, nhất là tầng lớp lãnh đạo tôn giáo lại càng sợ đế quốc tiêu diệt.

Vì vậy, cấp lãnh đạo tôn giáo sai tư tế và Lêvi đến đặt câu hỏi, yêu cầu Gioan phải trả lời cho ho biết: Ông là ai?

  1. Gioan là Đấng Messia?

Tâm lý chung của các nước các dân bị trị đều mong có một vị cứu tinh nào đến giải phóng họ khỏi cảnh kìm kẹp của ngoại bang.  Dân Do thái đang sống trong tâm trạng đó. Họ tin rằng  họ là dân tuyển chọn của Giavê, họ không nghi ngờ gì về việc chẳng chóng thì chầy Thiên Chúa sẽ can thiệp để cứu dân Ngài.  Không phải chỉ có một quan niệm về Đấng Messia: có người tin rằng Đấng Messia sẽ đem lại hòa bình cho cả thế giới. Có người trông chờ Ngài sẽ cai trị đất nước bằng sự công chính. Có người trông chờ có một siêu nhân đến từ Thiên Chúa. Nhưng đa số trông mong một vị tướng lãnh vô địch sẽ cầm đầu quân đội quốc gia Do thái đi chinh phục cả thế giới.

Trước câu hỏi đó, Gioan hoàn toàn bác bỏ danh xưng Messia, nhưng lại tiết lộ một phần khác.  Trong tiếng Hy lạp có vẻ như Gioan muốn nói: “Tôi không phải là Đấng Messia, nhưng Đấng Messia đang có mặt ở đây mà các ông không biết”.

  1. Gioan là tiên tri Êlia?

Người Do thái tin rằng tiên tri Êlia và ông Hênốc đã được đưa về trời trên chiếc xe bằng lửa, và khi Đấng Messia giáng lâm, Êlia sẽ trở lại để loan báo trước, và chuẩn bị cho thế gian tiếp rước Ngài.  Họ tin rằng Êlia sẽ đến sắp xếp lại mọi công việc cho người Do thái: dàn xếp những bất hòa, đem lại sự đoàn kết và nối lại các gia đình.  Niềm tin rằng Êlia phải đến trước Đấng Messia bắt nguồn từ Malakia 4,5.  Người ta còn tin rằng chính Êlia xức dầu cho Đấng Messia làm vua cũng như cho tất cả các vị vua được xức dầu. Nhưng Gioan tẩy giả đã bác bỏ mọi vinh dự đó.

  1. Gioan là một tiên tri nào đó?

Nhiều người Do thái tin Isaia và đặc biệt là Giêrêmia hoặc một trong các vị anh hùng cứu nước như Samuel, Maisen… sẽ có ngày trở lại.  Niềm tin đó dựa vào sách Đệ nhị luật (18,15) nói có vị tiên tri sẽ xuất hiện.  Đó là lời hứa dân Do thái không khi nào quên. Họ chờ đợi sự xuất hiện của một nhân vật sẽ là tiên tri vĩ đại nhất.  Họ hỏi Gioan có phải là một trong các vị tiên tri được hứa trong sách Đệ nhị luật không? Một lần nữa, Gioan Tẩy giả trả lời là “không”.  Sự thực ngài cũng là tiên tri, nhưng không phải là tiên tri theo sách Đệ nhị luật nói.

  1. Gioan là người làm chứng?

Để trả lời cho họ, Gioan không trả lời trực tiếp: Tôi là Tiền sứ của Chúa Cứu thế vì ông khiêm tốn nhưng ông mượn lời tiên tri Isaia:”Tôi chỉ là tiếng hô trong hoang địa: hãy dọn đường cho Chúa.

Muốn hiểu rõ câu nói đó của Gioan Tẩy giả, ta nên nhớ rằng những con đường ngày xưa chỉ có một ít là trải sỏi hoặc đá, còn đa số là những con đường lầy lội. Khi một vị vua muốn đi thăm một tỉnh nào đó trong vương quốc của mình, ông sẽ sai một người “tiền hô” tới đó trước để báo cho dân chúng lấp đầy những hố, những vũng bùn, và làm cho những con đường thẳng thắn lại.  Người  “tiền hô” còn một điều nữa phải làm là dạy cho dân chúng những nghi thức tiếp tân thích hợp để đón nhà vua tới.  Gioan Tẩy giả cũng lưu ý tới thái độ tiếp tân cần phải có để đón Chúa tới. Ông nói:”Hãy ăn năn hối cải tội lỗi mình và hãy lãnh nhận phép rửa”.

Tóm lại, chúng ta có thể diễn đạt toàn bộ sứ điệp của Gioan như sau:”Tôi không phải là Đấng Cứu thế, nhưng tôi là người “tiền hô” cho Ngài. Hãy chuẩn bị vì Ngài sắp đến”. Gioan đã làm những gì mà mọi vị lãnh đạo tôn giáo đích thực phải làm. Ông không để cho người ta chú ý tới ông, mà hướng mọi sự chú ý của họ vào Đức Giêsu.

Còn một điều khác làm cho phái đoàn Do thái thắc mắc: Gioan lấy quyền gì mà làm phép rửa? Nếu ông là Đấng Messia, là Êlia hay là một tiên tri thì ông mới có quyền làm !  Nhưng bằng một giọng thản nhiên, Gioan  nói rõ: ông là tiên tri dọn đường Chúa Cứu thế thì cố nhiên phép rửa của ông cũng chính là phép dọn đường mở lối cho phép rửa chính thức của Đấng Cứu thế.  Và ông nhấn mạnh thêm: Chúa Cứu thế đã đến rồi và hiện  nay đang ở giữa họ, thế mà họ đã không nhận ra Ngài.

II. KITÔ HỮU, NGƯỜI LÀ AI ?

  1. Là chứng nhân của Chúa

Kitô hữu là người được mang danh Chúa Kitô, danh hiệu này đã được thánh Phaolô lần đầu tiên gọi các tín hữu ở Antiochia. Kitô hữu là người thuộc về Chúa Kitô, được đồng hoá với Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta.  Chúng ta không như người Do thái phải mất mấy thế kỷ  mong đợi Đấng Cứu thế đến.  Hơn nữa,  cũng không phải sống lại những biến cố đã qua. Đức Kitô đã đến. Ngài đang có đó. Liên tục hiện diện giữa chúng ta để loan báo Tin mừng cho người nghèo, để chữa lành các tâm hồn bị tan vỡ và giải thoát những kẻ bị xiềng xích.

Tuy Chúa Cứu thế đã đến rồi và ở giữa chúng ta,  nhưng trong thực tế , chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài không?  Phải chăng lời khiển trách của Gioan Tẩy giả lại không nhằm đến chúng ta, cũng như những người Do thái đời ông:”Giữa các ngươi có một Đấng , mà các ngươi không biết”. Do đó, lời mời gọi khẩn thiết được trao gửi cho ta, giúp chúng ta dễ chấp nhận những nỗ lực và hy sinh cần thiết, để từ bỏ mọi kiêu căng, thoát khỏi những lố lăng trần thế, hầu nhận biết Đức Kitô.

Truyện: Tình nghĩa vợ chồng.

Tại một trung tâm bài phong, đa số các bệnh nhân đều buồn chán, vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn còn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ.  Vị nữ tu coi sóc trung tâm muốn tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân của phép lạ này.  Sau nhiều ngày theo dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng, xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và mỉm cười rất trìu mến.  Đó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. Mỗi ngày ông chờ đợi nụ cười ấy, khuôn mặt người đàn bà khi xuất hiện, mỉm cười và biến mất.  Người đàn ông duy nhất còn biết cười nơi trung tâm bài phong đó đã giải thích cho vị nữ tu đó như sau: “Người đàn bà ấy chính là vợ tôi; trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy cho tôi. Mỗi ngày nàng lau chùi một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một cái hôn.  Nhưng cuối cùng nàng không thể giữ tôi lâu hơn, người ta đã đến đưa tôi vào trung tâm này, nhưng vợ tôi đã không bỏ tôi, mỗi ngày nàng đến nhìn qua vách tường và mỉm cười với tôi.  Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống, nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống”.

Người vợ đã làm sống lại niềm tin của chồng. Ông ta không còn thất vọng, không bi quan, không chán đời và còn muốn sống vì đã được tình thương của người vợ ấp ủ. Chính tình yêu của người vợ đối với chồng đã làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.

Người Kitô hữu cũng là chứng nhân của Đức Kitô trong cuộc sống. Về điểm này, nhà Thần học, linh mục Teilhard de Chardin đã ví von rất sống động: ”Ánh sáng xuyên qua những đám mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng đoán được có Đức Kitô”.

Người vợ trong câu chuyện kể trên  phản ảnh một tấm gương sáng ngời về lòng thương người, luôn quan tâm tới người khác, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân vì tình yêu Đức Kitô như thánh Phaolô nói:”Caritas Christi urget me”: Tình yêu Đức Kitô thúc đẩy tôi.

Mục sư Martin Luther King nói:”Chúng ta không làm chứng chỉ bằng lời nói, mà còn làm chứng bằng cả cuộc sống của mình”, đúng như người ta nói:

“Lời nói như gió lung lay, Gương bày như tay lôi kéo.”

Có những tâm hồn dần dần được cải hóa nhờ việc làm của ta, nhưng chính ta lại không ngờ.

Basquin nói:”Sống chứng nhân không phải là đuổi theo các tâm hồn, mà là sống làm sao để các tâm hồn chạy theo ta”.

Ước gì nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người có thể nói như đã nói về thánh Gioan Vianney:”Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một người”.

  1. Chờ  đợi ngày Chúa trở lại.

Người Kitô hữu luôn nhớ lời Chúa hứa mà phấn khởi trong cuộc sống:”Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến, và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó” (Ga 14,3).

Trong suốt Mùa Vọng, Giáo hội hướng lòng chúng ta về Chúa Kitô như một điểm qui chiếu. Giáo hội hành động giống như vị “tiền hô” của Ngài.  Và cuối cùng Giáo hội giải thích cho chúng ta phải chuẩn bị đón Ngài như thế nào.

Mùa Vọng nói với chúng ta về việc Đức Giêsu đến. Ngài không phải chỉ đến trong dòng lịch sử như chúng ta vẫn mừng và kỷ niệm ngày lễ Giáng sinh, mà còn đến lần chót vào cuối dòng lịch sử nữa, để lúc ấy sẽ có trời mới đất mới.

Và việc Chúa sẽ trở lại lần thứ hai với loài người trong ngày chung thẩm, Tin mừng thánh Matthêu còn ghi rõ:”Khi con người đến với tư cách là vị Vua, Ngài sẽ ngồi trên ngai vàng của Ngài, và toàn dân thiên hạ đều qui tụ trước mặt Ngài. Lúc đó Ngài phân chia họ ra thành hai nhóm, y như người chăn tách chiên ra khỏi dê… Nhà Vua sẽ nói với những người ở bên phải: Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc ! Hãy đến và lãnh lấy Nước Trời làm cơ nghiệp… Rồi Ngài nói với những người ở bên trái: Hãy đi khỏi mặt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25,34-41).

  1. Chờ đợi trong niềm vui.

Đối với Kitô hữu, cuộc sống ở trần gian này là thời gian chờ đợi Chúa đến.  Chúa đến trong ngày chung thẩm và Chúa đến với ta trong ngày sau hết của đời mình. Đời là một cuộc lữ hành đi về trời.  Trong cuộc lữ hành đó có buồn vui sướng khổ xen lẫn nhau. Nhưng trong bài Thánh  thư hôm nay, thánh Phaolô khuyên tín hữu Thessalonica:”Anh em hãy vui mừng luôn  mãi”(Tx 5,16).

Tại sao Ngài khuyên chúng ta “hãy vui mừng luôn mãi”? Ngài bảo chúng ta hãy vui mừng  vì chúng ta đã được Thiên Chúa cứu độ:”Linh hồn tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Ngoài ra, chúng ta là con cái Chúa, con cái Chúa thì phải vui luôn, vui trong lúc buồn, vui trong lúc khổ, vui trong thất bại vì tất cả nằm trong thánh ý Thiên Chúa. Làm sao chúng ta mang một nét mặt buồn rầu khi chúng ta đến gần Chúa là nguồn vui, như lời thánh vịnh nói: ”Tôi sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, Đấng làm cho tuổi thanh xuân tôi được vui tươi”. Chúa là nguồn vui, tại sao gần nguồn vui mà lại buồn? Ta hãy bắt chước thánh nữ Têrêsa Hài đồng mà chấp nhận trong vui tươi:

Vâng, con sẽ hát, con còn hát mãi Dù trăm gai con vẫn hái hoa hồng. Gai càng nhọn, tiếng con hát càng trong Gai càng dài, lời ca càng thánh thót. (Têrêsa Hài đồng)

Truyện: Kịch sĩ hài lại buồn

Người ta cho biết tại một thành phố kia có một kịch sĩ nổi tiếng vì tài nhạo cười. Ai buồn đến đâu, khó tính đến mấy nếu nghe kịch sĩ này pha trò thì thế nào cũng phải bật cười. Cũng trong thành phố ấy có một nhà tâm lý nổi tiếng chữa được hầu hết mọi tâm bệnh. Ngày nọ một người đàn ông đứng tuổi, mặt mày rầu rĩ đến xin gặp nhà tâm lý. Được nhà tâm lý hỏi nguyên do, ông trả lời: – Thưa bác sĩ, tôi là một người thiếu hạnh phúc, cuộc đời tôi quá buồn khổ. Bác sĩ có cách nào làm cho tôi vui được không? Nhà tâm lý hỏi: – Ông có quá túng thiếu về tiền bạc  không? Ông đáp: – Thú thật với bác sĩ, tôi là người khá giầu. Nhà tâm lý hỏi tiếp: – Thế vợ con ông ra sao? Ông ta gật đầu nói: – Tôi có một người vợ vừa hiền vừa đẹp và mấy đứa con rất dễ  thương. Sau khi hỏi thêm một vài điều khác, nhà tâm lý đề nghị: – Tôi nghĩ ông nên đến nghe kịch sĩ  nổi tiếng trong thành phố chúng ta. Thế nào ông cũng quên đi được nỗi buồn chán và tìm lại được niềm vui. – Thưa bác sĩ, tôi xin cám ơn lời khuyên của bác sĩ. Nhưng… Tôi lại chính là kịch sĩ đó !

Nghe câu chuyện có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực tế là vậy. Một con người có biệt tài làm cho người khác dù buồn chán đến đâu cũng phải vui lên được mà chính mình lại là nạn nhân của sự buồn rầu. Cái mâu thuẫn đó dễ hiểu vì kịch sĩ  đó ngay trong tâm hồn  không có nguồn vui thì làm sao mình cảm thấy vui được? Niềm vui đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là chính niềm vui vĩnh cửu cho chính Ngài và từ nơi Ngài, niềm vui ấy được trao ban cho con người.

Chúa Giêsu chính là hiện thân niềm vui của Thiên Chúa. Từ cung lòng Chúa Cha, Ngài đến báo tin vui cho nhân loại và giải thoát con người khỏi mọi sầu khổ đau thương gây nên bởi tội lỗi và sự chết.  Ngài đã đem niềm vui đó đến với nhân trần trong đêm Giáng sinh tại Belem: Vinh danh Thiên Chúa tên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.

Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy đến với Chúa. Gặp gỡ Chúa là đến với nguồn vui bất tận, có niềm vui Thiên Chúa trong lòng mình, chúng ta sẽ làm cho người khác hưởng được niềm vui chân thật và bền vững.

Chúng ta hãy nhớ một câu trong bản nhạc rất hay của nhạc sĩ trứ danh Sebastian Bach:“Lạy Chúa Giêsu su, xin cho niềm vui của con luôn tồn tại, để niềm vui đó đem lại niềm vui cho những người khác”.

Lạy Chúa, xin hãy đến: Maranatha, xin viếng thăm và ban cho chúng con niềm vui Giáng sinh bất tận.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát -Đà lạt

VỊ ẤY ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG MÀ CÁC ÔNG KHÔNG BIẾT – Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Giới lãnh đạo Do-thái giáo đã phải vất vả mà không sao nhận ra Đấng Mê-si-a mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân riêng Người là Đức Giê-su Na-da-rét. Khi thấy Gio-an xuất hiện với dáng dấp và ngôn ngữ của một ngôn sứ, họ cử người đến gặp và hạch hỏi Gio-an xem ông có phải là vị Mê-si-a mà Thiên Chúa đã hứa không. Gio-an đã trả lời rành mạch rằng ông không phải là vị ấy mà chỉ là tiếng hô dọn đường cho vị ấy mà thôi. Gio-an còn nói cho người Do-thái đương thời biết là Đấng Mê-si-a đang ở giữa họ mà họ không biết….

Còn chúng ta ngày nay, chúng ta có nhận ra Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Thiên Chúa sai đến không? Mỗi người phải cố gắng trả lời được câu hỏi ấy.

Trong các bài Sách Thánh của Phụng Vụ Chúa nhật III Mùa Vọng hôm nay chúng ta được Ngôn sứ I-sai-a, Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta và Thánh Phao-lô Tông đồ dân ngoại, chia sẻ kinh nghiệm của họ về cách họ nhận ra Thiên Chúa và nhận ra Đức Giê-su Ki-tô.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

 2.1 Trong bài đọc 1 (Is 61,1-2a.10-11): Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa.

(1) Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, (2a) công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta…

(10) Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn gói, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang (11) Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nổ hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.

 

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Tx 5, 16-24): Thần trí, tâm hồn và thân xác anh em phải được giữ gìn vẹn toàn trong ngày Chúa quang lâm.

(16) Anh em hãy vui mừng luôn mãi (17) và cầu nguyện không ngừng (18) Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.. (19) Anh em đừng dập tắt Thần Khí. (20) Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. (21) Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; (22) còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa. (23) Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta quang lâm. (24) Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.

 

2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 1,6-8.19-28): Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.

(6) Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gio-an (7) Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. (8) Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

(19) Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy Thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” (20) Ông tuyên bố thẳng thắn: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” (21) Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là một vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” (22) Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” (23) Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa:  hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” (24) Trong nhóm được cử đi có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. (25) Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” (26) Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết (27) Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (28) Các việc đó đã xẩy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sống Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

 

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong 3 Bài Sách hôm nay chúng ta biết Thiên Chúa nhờ/qua ba tôi tớ lỗi lạc của Người là ngôn sứ I-sai-a, Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta và Thánh Phao-lô, Tông Đồ Dân Ngoại:

(1) Thiên Chúa mà ngôn sứ I-sai-a làm chứng là Đức Chúa đã xức dầu tấn phong cho sứ giả của Người là Đức Giê-su Na-da-rét. Thiên Chúa đổ tràn Thần Khí trên Người để Người thực thi sứ mạng được giao là loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân và năm hồng ân của Thiên Chúa. Sau này chính Đức Giê-su đã xác định sứ vụ của Người khi long trọng tuyên bố trong hội đường Na-da-rét: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe.” (Lc 4,21). Lời Kinh Thánh ấy là câu 1 và 2 trong Chương 61 của Sách Ngôn sứ I-sai-a ở trên.

 (2) Thiên Chúa mà Gio-an Tiền Hô làm chứng là Đấng đang ở giữa dân mà người ta không nhận ra Người. Người làm Phép Rửa trong Thánh Thần trong khi Gio-an Tẩy Giả chỉ làm phép rửa trong nước. Người cao trọng vượt xa Gio-an đến độ Gio-an không xứng được cởi quai dép cho Người. Chính Người mới là ánh sáng trong khi sứ mạng của Gio-an chỉ là làm chứng về ánh sáng, chỉ là dọn đường cho Người mà thôi.

 (3) Thiên Chúa mà Thánh Phao-lô Tông đồ cảm nghiệm là Thiên Chúa rộng lòng rộng tay ban phát muôn hồng ân, nhất là Thần Khí cùng với ơn nói tiên tri, ơn khôn ngoan và ơn thẩm định (tốt/xấu) cho người tín hữu. Thiên Chúa còn là nguồn mạch bình an và là Đấng thánh hóa toàn diện con người. Vì thế Người đáng được chúng ta đón rước với tâm tình biết ơn và lời cảm tạ.

 

3.2 Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì? –  Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta hãy vui mừng và cất tiếng tạ ơn vì THIÊN CHÚA ĐÃ BAN CON CỦA NGƯỜI CHO CHÚNG TA! Đó chính là Đức Giê-su Na-da-rét, Vị Sứ Giả của Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa của chúng ta. Người đã đến trần gian cách đây hơn hai ngàn năm và Người vẫn ở lại giữa loài người, vẫn ở bên và ở trong chúng ta.

 

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn sống với Đấng ban ơn, như tạo vật sống với Đấng Tạo Hóa, như ngôn sứ I-sai-a, như Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta và như Thánh Phao-lô tông đồ dân ngoại đã và đang sống với Thiên Chúa.

 

4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa gồm 3 phần hay ba việc sau:

  • Thứ nhất là chúng ta vui mừng cảm tạ Thiên Chúa giầu lòng thương đã ban cho chúng ta Con của Người là Đức Giê-su Na-da-rét,
  • Thứ hai là chúng ta đón rước Chúa Giê-su Ki-tô vào trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.
  • Thứ ba là chúng ta cộng tác với Chúa Giê-su trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người nghèo và cứu chữa những người đau yếu, bệnh tật, tù tội, bị gạt ra ngoài lề xã hội.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa  Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho các dân tộc và các nhóm người đang phải sống trong đau khổ, bất công, đàn áp để các dân tộc và nhóm người ấy sớm đón nhận Tin Mừng và nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương và giải thoát.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri.»  Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho mọi thành phần Dân Chúa, nhất là cho các vị lãnh đạo trong hàng giáo phẩm và giáo sĩ, để mọi Ki-tô hữu sống đúng như lời giáo huấn của Thánh Phao-lô Tông Đồ Dân Ngoại.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Ông Gio-an đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sángChúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho các tín hữu và các gia đình thuộc giáo xứ chúng ta để mọi người, mọi nhà làm chứng cho ánh sáng là Chúa Ki-tô trong gia đình và khu xóm của mình.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho những người trẻ đang gặp khó khăn trong cuộc sống và nhiều lúc không biết phải làm gì, để các bạn ấy biết cân nhắc, phân định và chọn lựa cho đúng với lương tâm và phẩm giá làm người và làm con Chúa.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

Sài-gòn ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*