• SỰ THẬT ĐƠN GIẢN – Thế Thư
  • NGÔI LỜI NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI - Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
  • KHIÊM NHƯỜNG ĐÓN NHẬN –                  TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
  • CHUẨN BỊ GẦN CHO VIỆC CHÚA ĐẾN –      Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
  • TRỞ NÊN DỤNG CỤ CỦA CHÚA –             Lm. Giuse Đinh lập Liễm
  • Title 3

SỰ THẬT ĐƠN GIẢN – Thế Thư

Khi nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu, ta nhớ ngay đến người mẹ. Người mẹ dù trẻ hay già, đen hoặc trắng, nhưng chắc chắn ta không có mặt ở đây nếu không có bà. Bởi bản tính tự nhiên, ơn gọi của người mẹ là lo lắng cho phúc lợi cho con cái. Chúng ta chia sẻ với mẹ mối liên hệ đặc biệt trong tình yêu hỗ tương.

Không có gì ngạc nhiên khi Mẹ Maria là ở trung tâm của Phúc Âm hôm nay, cho chúng ta một trình thuật đơn sơ nhưng chứa một sứ điệp lớn lao. Trình thuật nói đơn sơ và rõ ràng rằng có một cô gái trẻ quỳ gối trước sứ điệp bí ẩn của tổng thần Gabriel, và với cả tự do nội tâm, cô đã dâng trót mình cho Thiên Chúa và thưa rằng: “Xin làm cho con như lời sứ thần truyền!”

Truyền Tin là thời điểm lần đầu tiên Thiên Chúa tiết lộ một bí ẩn mà Chúa giữ kín từ đời đời. Quả thật, tình yêu Chúa dành cho chúng ta quá tuyệt vời đến nỗi Chúa muốn trở thành một trong chúng ta. Mẹ Maria là khí cụ cần thiết mà Đức Chúa Trời dùng để có thể thực hiện các kế hoạch này cho thế giới và gửi Con Một Mình giữa chúng ta. Mẹ được yêu cầu hợp tác với Thiên Chúa để làm Mẹ Chúa Kitô. Mẹ Maria đã thưa “Xin Vâng” với Chúa. Rạng đông cứu rỗi cho nhân loại đã bắt đầu vì nhờ Mẹ, sự cứu rỗi đã sinh ra tại Belem ngày Giáng sinh. Mẹ Maria không nói ‘xin vâng’ với Thiên Chúa chỉ có một lần. Lời “xin vâng” của Mẹ còn kéo dài trong suốt cuộc sống. Mẹ xác nhận lời “xin vâng” đó nhiều lần trong đời Mẹ. Mẹ không thể tưởng tượng các cửa nhà sẽ đóng chặt trước mặt Mẹ, không cho Mẹ vào sinh hạ Chúa Kitô. Mẹ đã một thời gian làm người tị nạn ở Ai Cập và hơn ba mươi năm sau, Mẹ nhìn xem Con Mẹ chết trần trên thập giá.

Giáng sinh đã sát gần chúng ta, và hôm nay Chúa Nhật IV Mùa Vọng, chúng ta suy nghĩ về Mẹ Maria mẹ của chúng ta, Mẹ là mẫu gương cho chúng ta lắng nghe và chờ đợi Chúa đến. Mẹ đã bối rối không hiểu lời chào của thiên sứ có nghĩa là gì. Mẹ chỉ dần dần hiểu được sứ điệp và bí ẩn của Giáng sinh. Thiên Chúa không chỉ muốn trở thành một trong chúng ta, nhưng lý do Chúa làm như vậy vì Chúa muốn chúng ta trở nên giống Chúa. Mẹ Maria cho chúng ta thấy một khía cạnh của đời sống Kitô hữu đặc biệt quan trọng là lắng nghe lời Chúa. Kitô hữu là người mở rộng đôi tai để nghe Thiên Chúa gọi mời. Do đó họ có thể đáp trả lời mời gọi. Chúng ta hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta nên giống Mẹ biết lắng nghe và đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để chúng ta sẵn sàng và vui mừng mang Chúa Kitô vào thế giới như Đức Mẹ.

Mẹ Maria đã hạ sinh Chúa trong hang bò lừa và Mẹ hằng muốn sinh Chúa trong lòng chúng ta. Mẹ xây dựng cuộc sống của mình vào một vị trí phù hợp cho Thiên Chúa và chúng ta phải làm như vậy. Thiên Chúa đã không loại trừ Mẹ Maria trong lễ Giáng sinh – chúng ta cũng hãy mời Đức Mẹ đến để Chúa Giáng Sinh trong lòng chúng ta.

Thế Thư

NGÔI LỜI NHẬP THỂ LÀM NGƯỜIGiêrônimô Nguyễn Văn Nội

 

“ Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 

Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.

Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người

ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.

Người sẽ trị vị nhà Gia-cóp đến muôn đời,

và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

 

  1. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA (1,26-38):

(26) Bà Ê-li-sa-bet có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-rien đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (27) gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. (28) Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (29) Nghe lời ấy Bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì? (30) Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. (32) Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vị nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (34) Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (38) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

  1. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA (1,26-38):

 

2.1 Chân dung Đức Giê-su con Bà Ma-ri-a:

Những lời sứ thần Thiên Chúa nói với Đức Ma-ri-a cho chúng ta một bức chân dung hoành tráng về con trẻ Giê-su mà Thiên Chúa muốn Đức Ma-ri-a đón nhận để cưu mang và hạ thế:

”Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vị nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

 

2.2 Phép mầu của Thiên Chúa trong sự kiện Ngôi Lời nhập thể làm người

Đức Ma-ri-a có lý khi nêu thắc mắc với sứ thần:  “Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

Và chúng ta cũng thắc mắc như thế. Nhiều người khác cũng thắc mắc như thế.

Vì đó là thắc mắc chính đáng nên sứ thần không thể không giải đáp:

“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”

III. THỰC THI  LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA (1,26-38): 

 

3.1 Tôi chiêm ngắm dung nhan Đức Giê-su Con Thiên Chúa

Bài Phúc Âm hôm nay không phải để chúng ta tìm hiểu mà là để chúng ta chiêm ngắm Đức Giê-su Con Thiên Chúa. Đường lối, kế họach của Thiên Chúa đều vượt xa tầm hiểu biết của tôi. Lịch sử cứu độ của Thiên Chúa và lịch sử Ít-ra-en đều ở ngoài tầm hiểu biết của tôi. Vì thế việc tôi cần làm là đón nhận trong hân hoan và cảm tạ Thiên Chúa!

 

3.2 Tôi bái phục mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người 

Nếu bài Phúc Âm hôm nay giúp tôi chiêm ngắm chân dung Đức Giê-su Con Thiên Chúa thì cũng giúp tôi bái phục và ngưỡng mộ mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Mầu nhiệm ấy vô cùng huyền nhiệm, vượt xa khả năng trí tuệ của tôi. Tôi chỉ cần cúi mình khuất phục trước quyền năng vô biên và tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa!

 

  1. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA (1,26-38):

Lạy Thiên Chúa là Cha siêu việt và quyền năng, con bái phục trước những kỳ công Cha đã thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô Con Cha.

Cùng với Đức Ma-ri-a và Thánh Cả Giu-se, con xin dâng lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Cha.

Xin Cha ban bình an và ân sủng của Cha cho con, để con sống hạnh phúc trong thế giới  yêu thương và huyền nhiệm của Cha.

Con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Ki-tô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Sài-gòn ngày 19 tháng 12 năm 2017

KHIÊM NHƯỜNG ĐÓN NHẬN – TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Đọc Tam Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo : Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta. Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy. Không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương : Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen : Thằng bé này dạy được đây. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.

Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Đọc truyện Trương Lương, tôi lại nhớ đến Đức Mẹ. Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.

Đức Mẹ khiêm nhường trong đời sống bình dị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Sống trong một thôn xóm nghèo hèn vô danh. Ngày ngày chu toàn những công việc tầm thường như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa.

Đức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gabriel, Đức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Sau đó, Đức Mẹ đến thăm bà chị họ Elidabet. Vừa nghe Đức Mẹ chào, bà Elidabet đã ngợi khen Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đáp lại, Đức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là do Thiên Chúa thương ban.

Vì khiêm nhường nên Đức Mẹ hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Đức Mẹ đã có chương trình riêng. Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết. Đó là một chương trình tốt đẹp. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Đức Mẹ theo chương trình của Chúa, Đức Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng tư để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Đức Mẹ nhận biết rằng, chương trình của Chúa là vô cùng tốt đẹp, còn chương trình riêng chỉ là bất toàn. Thánh ý Thiên chúa là tuyệt đối, còn ý riêng chỉ là khiếm khuyết.

Vì khiêm nhường nên Đức Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng trong tay Chúa. Khi thưa Xin vâng, Đức Mẹ đã mạnh dạn vượt qua những toan tính dè dặt của người đời để nép mình vào bàn tay quan phòng của Thiên chúa. Nếu ta hiểu luật lệ khắc nghiệt của người Do Thái đối với phụ nữ không chồng mà có con, ta sẽ thấy Đức Mẹ liều lĩnh biết bao, và sự phó thác của Mẹ vào Thiên Chúa mãnh liệt đến thế nào.

Vì đã thưa Xin vâng, nên Đức Mẹ chấp nhận tất cả, dù chưa hiểu hết Thánh ý Thiên Chúa. Tại sao Con Thiên Chúa phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo nàn? Tại sao Vua trời đất lại phải chạy trốn như một kẻ yếu hèn? Tại sao Đấng Cứu Thế làm nhiều phép lạ đến thế để cứu nhân độ thế lại bị người ta chống đối, hành hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân? Hoàn toàn không hiểu, nhưng Đức Mẹ vẫn khiêm nhường chấp nhận và tin tưởng phó thác. Vì thế Đức Mẹ vẫn kiên trì theo Chúa Giêsu trên khắp mọi nẻo đường, cho đến dưới chân thánh giá.

Thái độ khiêm tốn chấp nhận của Đức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy xuống chỗ trũng. Ân huệ Thiên chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng nhận được nhiều ân phúc. Đức Mẹ có một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Đức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên Chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc.

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa. Ta hãy noi gương Đức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vân mệnh trong tay Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.

Lạy Đức Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của Thiên Chúa.

CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ

  1. Bạn có nhận thấy sự khiêm nhường của Đức Mẹ không?
  2. Từ bỏ ý riêng có dễ không?
  3. Có khi nào bạn cảm thấy hoàn toàn bất lực để phó thác trọn vẹn trong tay Chúa chưa?
  4. Khi đã hiểu rõ gương khiêm nhường của Đức Mẹ, bạn có muốn bắt chước Đức Mẹ không?

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

CHUẨN BỊ GẦN CHO VIỆC CHÚA ĐẾN – L. M. Carôlô Hồ Bặc Xái

I. Dẫn vào Thánh lễ

Càng gần đến lễ Giáng sinh, lời cầu chúc mà chúng ta vẫn nghe ở đầu Thánh lễ “Chúa ở cùng anh chị em” càng thêm ý nghĩa. Ðây chính là lời ngôn sứ Natan nói với vua Ðavít trong bài đọc I hôm nay, và cũng là lời thiên sứ Gabriel nói với Ðức Mẹ trong bài Tin Mừng. Chúng ta hãy dọn tâm hồn cho xứng đáng để Chúa thực sự ở cùng chúng ta.

II. Gợi ý sám hối

  • Ðã bao dịp lễ Giáng sinh chúng ta chỉ lo chuẩn bị bề ngoài mà không lo chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng.
  • Ðã bao dịp lễ Giáng sinh chúng ta chỉ lo cho bản thân và gia đình mình mà không quan tâm đến những người khác.
  • Ðã bao dịp lễ Giáng sinh người công giáo chỉ biết mừng lễ với nhau mà không chia xẻ niềm vui cho anh em lương dân.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I: 2 Sm 7, 1-5. 8b-11. 16

Sau khi vua Ðavít đã chiến thắng mọi quân thù và đã yên vị trong Hoàng cung, ông muốn xây cho Chúa một ngôi nhà. Ông đem dự định ấy ra hỏi ngôn sứ Natan. Natan thỉnh ý Chúa xong, trở lại trả lời cho Vua Ðavít:

  • Thiên Chúa không cần ở trong những ngôi nhà vật chất cho dù có sang trọng và vững chắc bao nhiêu đi nữa.
  • Ngược lại, Thiên Chúa muốn xây “nhà” cho Ðavít, nghĩa là củng cố triều đại của ông cho bền vững đến muôn đời.
  1. Ðáp ca: Tv 88

Tv này ca ngợi Thiên Chúa đã trung thành giữ lời Ngài đã hứa với Ðavít là sẽ cho “nhà” (triều đại) của ông bền vững muôn đời.

  1. Tin Mừng: Lc 1, 26-38

Nếu nhìn lại lịch sử bằng cái nhìn của loài người thì xem ra Lời Thiên Chúa hứa với Ðavít (một triều đại trường tồn) đã không được thực hiện, bởi vì từ khi nước Do thái bị đế quốc Babylon thôn tính thì không còn vua thuộc dòng dõi Ðavít nữa.

Nhưng Thiên Chúa có cách hành động vượt ngoài dự đoán của loài người: Ðức Giêsu là dòng dõi Ðavít chính là vị Vua sẽ làm cho triều đại Ðavít vững bền mãi mãi. Qua biến cố truyền tin, Ðức Giêsu bắt đầu nhập thể trong lòng Ðức Trinh nữ Maria. Thiên sứ Gabriel đã nói cho Ðức Mẹ biết về tương lai của hài nhi: “Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai báu Ðavít tổ phụ Ngài… và triều đại Ngài sẽ vô tận”.

  1. Bài đọc II: Rm 16, 25-27

Thánh Phaolô suy gẫm về mầu nhiệm cứu độ: đó là điều được Thiên Chúa dấu kín từ đời đời nhưng nay nhờ Ðức Giêsu mà được tỏ bày cho muôn dân.

Thật đúng như lời ngôn sứ Natan đã nói với vua Ðavít và thiên sứ Gabriel nói với Ðức Mẹ: triều đại của Ðức Giêsu mở rộng đến vô biên.

IV. Gợi ý giảng

  1. Loài người muốn xây nhà cho Chúa

Bài đọc I hôm nay thuật rằng vua Ðavít muốn xây cho Chúa một ngôi nhà nhưng Ngài từ chối. Tin Mừng theo Thánh Luca cũng thuật rằng khi tới lúc Ðức Giêsu sắp sinh ra, Thánh Giuse và Ðức Mẹ không tìm được chỗ trong các quán trọ nên Ðức Mẹ phải sinh Ðức Giêsu trong hang đá.

Thiên Chúa không cần đến những ngôi nhà của loài người chúng ta!

Ngôi nhà mà Thiên Chúa muốn chính là một triều đại bền vững muôn đời, triều đại bắt đầu với Ðavít và tiếp nối bởi những kẻ thực lòng kính mến tôn thờ Ngài. Ngôi nhà mà Thiên Chúa muốn là những tâm hồn như Ðức Maria, luôn khiêm tốn vâng theo thánh ý Chúa.

Ðể chuẩn bị Lễ Giáng sinh, chúng ta cũng “cất nhà” cho Chúa. Ðó là những hang đá, máng cỏ theo kiểu truyền thống; những mô hình cách điệu, những bức họa theo kiểu hiện đại; những trang trí lộng lẫy huy hoàng v. v. Nhưng chúng ta phải biết rằng Chúa không thích những ngôi nhà đó cho bằng những đền thờ được xây dựng trong chính tâm hồn chúng ta và tâm hồn những người chung quanh chúng ta.

  1. Thiên Chúa xây nhà cho loài người 

Vua Ðavít có kế hoạch xây một Ðền thờ huy hoàng cho Chúa bằng tất cả những vật liệu quý giá nhất mà ông có thể có được. Ðức Maria cũng có một hướng sống mà Người cho là đẹp lòng Chúa nhất: “Tôi không biết đến người nam”.

Thiên Chúa không từ chối ý tốt đó: Ngài nói với Ðavít “Ðiều gì ngươi nghĩ trong lòng thì cứ thực hiện”. Nhưng Ngài giúp vua Ðavít và Ðức Maria thực hiện theo một cách thức vượt ngoài dự tưởng của các ngài: Natan nói với Ðavít “Thiên Chúa ở cùng bệ hạ”; Thiên sứ Gabriel cũng nói với Maria “Thiên Chúa ở cùng cô”. Ngôi nhà mà Thiên Chúa cùng xây dựng với loài người chính là tâm hồn con người.

Nhưng do đâu mà tâm hồn vua Ðavít được Chúa chọn làm nhà? Do lòng sám hối sâu xa về tội đã phạm. Và do đâu mà tâm hồn Ðức Maria trở thành nhà của Chúa? Do lòng khiêm tốn và tuyệt đối tin tưởng vào Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi như lời thiên sứ truyền”.

  1. Ðón nhận Chúa

Hai gương mặt nổi bật hôm nay là Vua Ðavít và Ðức Maria. Cả hai giống nhau ở điểm là muốn làm cho Chúa những gì tốt đẹp nhất, nhưng cuối cùng điều tốt đẹp ấy không phải là do hai vị làm cho Chúa mà là đón nhận việc Chúa làm cho mình.

Chuyện của hai vị gợi cho chúng ta một số ý tưởng:

  • Thiên Chúa quý chuộng thiện chí của con người. Vì thiện chí nên vua Ðavít và Ðức Maria được Thiên Chúa chọn.
  • Nhưng Thiên Chúa có chương trình của Ngài. Chương trình này vượt quá dự tính của con người.
  • Nhờ vâng lời, con người được tham dự vào chương trình của Thiên Chúa và thiện chí của con người được Thiên Chúa nâng lên đến tầm mức kết quả không ngờ.

Chúng ta hãy chuẩn bị đón nhận Chúa bằng cách:

  • Trình bày cho Chúa những thiện chí của mình.
  • Khiêm tốn thưa với Ngài “Này con là tôi tớ của Chúa”
  • Xin vâng theo kế hoạch của Ngài, cho dù có bất ngờ hay vượt quá dự tưởng của mình.
  1. Chiếc đũa thần và Cô bé Lọ lem

Câu chuyện được thánh Luca kể trong đoạn Tin Mừng này có phần giống chuyện cổ tích về Cô bé Lọ Lem. Cô Bé Lọ Lem Cinderella nghèo nàn xấu xí bỗng dưng trở thành nàng công chúa cực kỳ xinh đẹp chỉ bằng một cái phất nhẹ chiếc đũa thần của một Bà tiên.

Chúng ta hãy đọc kỹ những mô tả của Thánh Luca về tình trạng “đã là”, “đang là” và “sẽ là” của Maria:

Tình trạng đã và đang là của Maria thì rất tầm thường: một thôn nữ sinh sống ở làng Nadarét vô danh rất ít người biết đến, mang một cái tên khá phổ biến là Maria (nguyên trong Tin Mừng thôi đã có ít là 3 người phụ nữ khác cũng mang tên Maria như thế). Lý lịch của nhân vật thứ nhất trong câu chuyện của Luca chỉ có thế, không như lý lịch của nhân vật thứ hai là Giuse dù sao cũng còn được ghi kèm là “thuộc dòng dõi Ðavít”.

Nhưng tình trạng sẽ là của Maria thì khác hẳn: Maria “sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Ðứa con đó “sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”. Cô thôn nữ tầm thường Maria sẽ là mẹ của Ðấng Cứu Tinh thiên hạ.

Chiếc đũa thần chính là quyền năng của Thiên Chúa: “Ðối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Mà giây phút chiếc đũa thần vung lên chính là lúc Maria thốt lên lời Fiat. Trong Kinh Truyền tin, chúng ta vẫn đọc “Phút ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người”. Trước tiếng Fiat, Maria là Cô Bé Lọ Lem, sau tiếng Fiat, Maria trở thành Mẹ Ðấng Cứu Thế. Tiếng Fiat nhiệm mầu giống câu thần chú “Vừng ơi mở ra” vậy!

Nhưng Fiat là gì? Fiat không hẳn là “Xin vâng”, vì “xin vâng” hàm ý là Maria sẽ đi làm theo ý Thiên Chúa, phần chủ động vẫn là phía con người. Mà nếu như để con người làm thì con người có làm được gì đáng kể đâu. Bàn tay yếu ớt của Cô Bé Lọ Lem làm sao nhặt lựa cho hết mấy thúng hạt đậu. Cô thôn nữ Maria làng Nadarét làm gì được để cứu độ cả thế giới loài người. Ðúng hơn, Fiat là “Xin Chúa cứ làm cho tôi”, chính Chúa làm chứ không phải Maria làm, phần của Maria chỉ là để cho Chúa làm, bằng chiếc đũa thần quyền năng của Ngài. Và khi chiếc đũa thần ấy vung lên, Maria cảm nghiệm “Chúa đã làm cho tôi bao điều cao cả” (Ðáp ca).

Tuy nhiên, chúng ta đừng tưởng Maria hoàn toàn thụ động, chỉ ở yên để Chúa làm, vậy thôi. Quả thật, phần cộng tác của Mẹ không nhỏ chút nào: Người muốn một tương lai êm ả, nhưng Chúa làm cho tương lai ấy hoàn toàn đổi hướng với biết bao xáo trộn. Thử tưởng tượng một thiếu nữ mang thai trước khi về nhà chồng. Biết bao rắc rối và khổ tâm đối. Biết bao khó xử đối với gia đình, với họ nhà chồng và nhất là với người chồng sắp cưới. Ðể Chúa làm có nghĩa là mình không làm chủ đời mình nữa nhưng giao trọn dòng đời cho Ngài định hướng, miễn sao mọi sự đi đúng chương trình của Ngài. Dù sao, Maria vẫn tin rằng Chúa sẽ hướng đời Mẹ đến chỗ tốt đẹp: “Phận nữ tì hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Ðáp ca).

Chúng ta cũng là những cô bé lọ lem. Thiên Chúa có chiếc đũa thần kỳ diệu “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”. Làm thế nào để Thiên Chúa vung chiếc đũa thần ấy lên cho đời ta được biến đổi? Chúng ta hãy noi gương Ðức Mẹ thưa lên lời Fiat: “Xin Chúa cứ làm cho con”

  1. Xin vâng

Một linh mục nổi tiếng là thánh thiện và nhiệt thành có kể lại kinh nghiệm khi được mời dự tiệc tại một nhà giáo dân khá giả trong giáo xứ như sau:

Trong suốt bữa tiệc thịnh soạn hôm đó, giữa tiếng cười nói của thực khách, có một điều làm tôi thắc mắc đó là tiếng nước chảy đâu đó trong nhà. Vì là lần đầu tiên được mời, tôi không dám lên tiếng, chỉ mong sao có người nhà nhận ra tiếng nước chảy đó.

Sau cùng, không thể cầm lòng được, tôi hỏi một người giúp việc. Với nụ cười lịch sự, người này giải thích. Cách đây khoảng 40 năm, khi người ta đào móng xây nhà và dựng nông trại, tình cờ họ đã khám phá ra mạch nước ngầm. Thế là họ xây một căn phòng ngay bên mạch nước, kể từ đó họ xây những căn phòng khác ở chung quanh.

Mạch nước ngay trong nhà mình, tư tưởng đó xâm chiếm tâm trí tôi suốt quảng đường về, và tôi đoán ra được đâu là bí quyết hạnh phúc của gia đình giáo dân ngoan đạo và tốt lành đó.

Câu chuyện trên đây gợi lại trong tâm trí chúng ta lời sứ thần chào Ðức Trinh Nữ: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc. 1, 28). Vâng, mẹ chính là mạch suối tràn đầy thánh ân, mạch suối trong lành, tươi mát, mạch suối không bao giờ cạn của Thiên Chúa.

Ðể chuẩn bị cho Ngôi Hai xuống thế làm người, Thiên Chúa đã dọn sẵn cung lòng Ðức Maria trinh khiết vẹn tuyền, xứng đáng cho Con Thiên Chúa ngự đến. Thiên Chúa đã ưu đãi và ban ơn đặc biệt cho Mẹ qua lời sứ thần: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa” (Lc. 1, 3). Và để bảo đảm cho sự can thiệp đặc biệt này, sứ thần loan báo thêm: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Trinh Nữ, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh Nữ” (Lc. 1, 35). Như vậy, việc sinh con này hoàn toàn do Thiên Chúa, xác thịt không tham dự vào.

Cuối cùng, thiên thần đã kết thúc sứ điệp Truyền Tin bằng một lời bảo đảm tuyệt diệu: “Vì không việc gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc. 1, 38).

Và Ðức Maria, với tâm tình đầy tin tưởng, vâng phục và phó thác, liền thưa: “Xin hãy thể hiện nơi tôi theo như ngài nói” (Lc. 1, 38). Một câu tuy ngắn gọn nhưng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới. Một câu đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi. Một câu đã đem lại cho muôn loài niềm hy vọng và bình an.

Với “Uy quyền Ðấng Tối Cao”, một thế giới tuyệt vọng trong vòng kiềm tỏa của tội lỗi, đã hy vọng được ơn giải thoát.

Với “Uy quyền Ðấng Tối Cao”, một cung lòng trinh nữ không sinh con, đã được dâng hiến để hạ sinh Ðấng Cứu Thế.

Với “Uy quyền Ðấng Tối Cao”, một nhân loại đang sống dưới ách nô lệ của Satan, đã được tự do làm con cái Chúa.

Lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ không chỉ thốt lên một lần để thay tất cả, nhưng là tiếng “xin vâng” liên lỉ trọn kiếp người. Từ tiếng “xin vâng” đầy phó thác và tuân phục vào ngày Truyền Tin đến lời “xin vâng” trọn vẹn tin yêu và chấp nhận dưới chân thập giá.

Lạy Mẹ Maria, việc Mẹ thụ thai cách lạ lùng là dấu hiệu báo trước sứ mạng cao cả của Hài Nhi. Xin cho chúng con biết vâng phục và phó thác cho chương trình nhiệm mầu của Chúa. Nhất là xin Mẹ cho chúng con biết cộng tác với ơn Chúa để hoàn thành sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng con. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

  1. “Xin Chúa cứ làm nơi con”

“Ðối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Câu này chẳng gây thắc mắc gì đối với những việc Thiên Chúa đã làm trong vũ trụ và trong lịch sử: Thiên Chúa đã làm ra trời đất muôn vật bao la vô vàn vô số; Thiên Chúa đã làm bao phép lạ từ xưa tới nay v. v.

Nhưng tôi có thể áp dụng câu này vào chính bản thân tôi không? Nói cách khác, Thiên Chúa có thể làm được bất cứ điều gì nơi bản thân tôi không?

  • Rất nhiều khuynh hướng xấu đã đâm rễ rất sâu trong con người tôi. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng tôi đã không bứng rễ chúng được. Thiên Chúa có bứng được không?
  • Tôi là một kẻ tội lỗi. Thiên Chúa có thể làm cho tôi thành một vị thánh không?
  • Tôi là một người rất ít khả năng. Thiên Chúa có thể dùng tôi để thực hiện những dự định lớn lao của Ngài không?

Dù còn bối rối và chưa hiểu như Ðức Maria ngày xưa, nhưng thôi, tôi hãy bắt chước Mẹ mà thưa lại “Xin hãy thể hiện nơi con”.

V. Lời nguyện cho mọi người 

Chủ tế: Anh chị em thân mến, lễ Giáng Sinh đã gần kề, hôm nay Hội thánh nêu bật Ðức Maria là mẫu gương cho những người tiếp đón Ðức Giêsu. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những ý nguyện sau đây:

  1. Ðức Maria đã rộng lòng đón tiếp Ðức Giêsu xuống thế cứu độ loài người / Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi thành phần trong Hội thánh biết noi gương Ðức Maria / đón tiếp Ðức Giêsu vào cuộc sống của mình.
  2. Ðức Maria đã tìm hiểu ý muốn của Thiên Chúa rồi sẵn sàng vâng theo / Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo các quốc gia biết tìm hiểu chương trình cứu độ của Ðức Giêsu / để dẹp bỏ mọi thành kiến và nghi kỵ đói với đạo Chúa.
  3. Ðức Maria đã tin rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được / Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người là nạn nhân của chia rẽ, bất công, hận thù, nghèo đói không rơi vào thất vọng / nhưng tìm được hy vọng nơi Chúa là Ðấng có thể làm được tất cả.
  4. Ðức Maria đã cộng tác với Chúa Thánh Thần để Ðức Giêsu nhập thể cứu độ / Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh chị em trong cộng đoàn họ đạo chúng ta / biết cộng tác với Chúa Thánh Thần để Ðức Giêsu luôn được chúng ta tiếp đón trong cuộc đời.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến với mỗi người chúng con, giúp chúng con biết đón nhận Ðức Giêsu, để đem Ðức Giêsu đến cho mọi người chung quanh chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô. . .

VI. Trong Thánh lễ

  • Nên đọc Kinh nguyện Thánh Thể 4, nhấn mạnh những chỗ sau:
    • (Cuối đoạn 1): Hơn nữa nhiều lần Cha đã giao ước với loài người và dùng các ngôn sứ mà dạy cho biết đợi chờ ơn cứu độ.
    • (Ðầu đoạn 3): Lạy Cha chí thánh, Cha quá yêu thương thế gian, đến nỗi khi tới thời viên mãn, đã sai Con Một đến cứu độ chúng con…
  • Trước kinh Lạy Cha: Bài đáp ca hôm nay chứa đựng một lời Chúa hứa cho vua Ðavít: “Ðavít sẽ thưa với Ta: Chúa là Cha tôi”. Lời hứa này chúng ta đang được thừa hưởng: chúng ta trở thành con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha. Trong tâm tình vui sướng được làm con Thiên Chúa, chúng ta hãy dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha.
  • Trước lúc Rước Lễ: Chúng ta hãy đón rước Chúa vào lòng với những tâm tình sốt sắng như Ðức Mẹ ngày xưa. “Này con là tôi tớ Chúa. Xin hãy thực hiện nơi con điều Chúa muốn”. “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng cứu độ trần gian…”

VII. Giải tán

Chúa đã ở cùng anh chị em. Anh chị em hãy ra về và suốt tuần hãy nhớ ở cùng Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và mọi việc anh chị em làm.

L. M. Carôlô Hồ Bặc Xái

TRỞ NÊN DỤNG CỤ CỦA CHÚA – Lm. Giuse Đinh lập Liễm

 

A. DẪN NHẬP.

Thiên  Chúa có thể cứu độ con người bằng bất cứ cách nào Ngài muốn , theo sự khôn ngoan thượng trí của Ngài. Nhưng trong công cuộc cứu độ này, Ngài không muốn hành động một mình  mà muốn có sự cộng tác của con người.  Chính vì vậy mà Ngài đã sai sứ thần Gabriel đến hỏi ý kiến Đức Maria trong việc làm Mẹ Đấng Cứu thế. Ngài tôn trọng tự do của con người. Ngài không áp đặt mà chỉ đề nghị. Ngài muốn sự đáp trả sáng suốt và tự nguyện của con người. Sau khi Đức Maria đã thưa Xin Vâng, Ngôi Hai Thiên Chúa lập tức đầu thai trong lòng Trinh nữ Maria và Maria đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa.

Chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria để trở nên dụng cụ cho Thiên Chúa. Ngày xưa Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, ngày nay Chúa vẫn còn muốn nhập thể nơi chúng ta, vì vậy chúng ta phải trở nên dụng cụ ngoan ngoãn để Chúa nhập thể nơi ta, để ban ân sủng cho ta và ta sẽ đem ban phát cho nhiều người khác.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

Bài đọc 1 : 2 Sm 7,1.8b-11-16.

Sau khi chiến thắng được mọi quân thù, chiếm lĩnh được thành Giêrusalem, yên vị trong hoàng cung rồi, vua Đavít nhờ tiên tri Nathan thỉnh ý Chúa về việc xây cho Chúa một ngôi nhà để làm nơi cho “Khám Giao ước” trú ngụ.

Thiên Chúa đã nhờ Nathan thông báo cho Đavít biết là Ngài không cần ở trong những ngôi nhà vật chất cho dù sang trọng và vững chắc  bao nhiêu đi nữa. Đáp lại tấm lòng thơm thảo của vua, Thiên Chúa muốn xây cho ông một ngôi nhà, nghĩa là sẽ làm cho triều đại ông bền vững và vinh quang muôn đời.

 

Bài đọc 2 : Rm 16,25-27.

Đây là đoạn thư cuối cùng gửi cho tín hữu Rôma, trong đó thánh Phaolô dâng lời ca tụng Thiên Chúa về ơn cứu độ và nhất là đã mạc khải mầu nhiệm này,  đã được giấu kín từ đời đời mà nay đã nhờ Đức Giêsu mà tỏ bầy cho muôn dân.

Thánh Phaolô còn ca tụng Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí đã sắp đặt để muôn dân được hưởng ơn cứu độ :”Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Kitô”.

 

Bài Tin mừng : Lc 1,26-38.

Thiên Chúa có thể hành động bằng mọi cách để đạt tới mục đích. Trong việc Ngôi Hai xuống thế làm người, Thiên Chúa đã muốn cho con người cộng tác : Ngài đã chọn Đức Maria để đầu thai Con Một Thiên Chúa. Tuy Thiên Chúa là Đấng vô cùng thượng trí, có thể làm mọi sự theo ý của mình, nhưng thay vì đặt Đức Maria trước một quyết định độc đoán, Chúa đã gợi cho Mẹ biết trước điều  Ngài đang chờ đợi nơi Mẹ.

Qua cuộc đối thoại diễn ra giữa Đức Maria và sứ thần thiên quốc, chúng ta được biết Đức Maria đã hoàn toàn hiến thân để thi hành thánh ý Chúa. Mặc dù đã trông thấy trước những khó khăn trong việc thực hiện này, nhưng Đức Maria đã dấn thân và tự nguyện chấp nhận đề nghị này trong tiếng “Xin Vâng”. Qua tiếng Xin Vâng này, Ngôi Hai đã nhập thể trong lòng Đức Maria và chờ ngày giáng sinh.

 

C. THỰC HÀNH  LỜI CHÚA.

 

XIN VÂNG THEO THÁNH Ý CHÚA

 

I. ĐỨC MARIA ĐƯỢC THIÊN CHÚA CHỌN.

 

  1. Con người Đức Maria.

Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và vĩ đại, nhiều khi đã dùng những phương tiện nhỏ bé, yếu đuối, hèn mọn mà làm những việc vĩ đại. Công cuộc cứu chuộc loài người là một công cuộc hết sức lớn lao mà Thiên Chúa đã dùng một phương tiện nhỏ bé thấp hèn để thực hiện, đó là Trinh Nữ Maria.

Đây là một Trinh nữ khiêm tốn, bình dân, sống trong một làng nghèo nàn xứ Galilêa gọi là Nazareth với khoảng 20 nóc nhà và 150 nhân danh.  Xét theo tiêu chuẩn thông thường của người đời, nghĩa là xét theo tài năng, thông minh, học vấn, sắc đẹp, địa vị xã hội… chắc hẳn Maria không có gì đặc biệt hơn những thiếu nữ khác cùng trang lứa với mình. Trên đời chắc còn những thiếu nữ đặc biệt hơn Maria nhiều. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, Maria là người “đầy ơnphúc”, được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu thế để cộng tác với Ngài trong công cuộc lớn lao vô tiền khoáng hậu này.

Thiên Chúa chọn Maria không vì lý do nào khác ngoài ý muốn riêng và theo sự tự do của Ngài (x.Rm 9,12) và cũng  “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Và Ngài đã thành công trong việc chọn Maria, trong khi có những người khác được Ngài chọn đã làm “hỏng việc” của Ngài, hay đã làm Ngài không hài lòng, chẳng hạn trường hợp vua Saul (x.1Sm 9,17 ; 13, 13,40), hay tông đồ Giuđa (Mt 26,47-50)

 

  1. Đức Maria được hỏi ý kiến.

Thánh Augustinô viết :”Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần ta. Nhưng khi cứu độ ta, Ngài không thể thiếu ta”.  Thiên Chúa chủ động về phía Ngài, nhưng khi cứu độ, Ngài cần đến sự cộng tác của ta.  Trong công cuộc cứu độ này, Thiên Chúa muốn Maria cộng tác. Đó là lời mời gọi mà sứ thần  đã trao gửi nơi Maria theo chương trình của Thiên Chúa, Mẹ phải tạo điều kiện cho Ngài làm người trong thân phận của Con Ngài.

Ngài không áp đặt điều gì : Ngài chỉ đề nghị.  Chính vì thế, Thiên Chúa đã sai sứ thần Gabriel đến hỏi ý kiến Maria về việc làm Mẹ Chúa Cứu thế mà vẫn còn đồng trinh : “Maria sẽ thụ thai một con trai và đặt tên là Giêsu”.  Đứa con đó “sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu vua Đavít, tôi tớ NgườiNgài sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”.

Maria thấy mình tầm thường mà được Thiên  Chúa ban cho vinh dự ấy, làm Mẹ Con Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh.  Làm Mẹ mà vẫn còn đồng trinh ! Điều ấy làm cho Maria thắc mắc.  Nhưng sứ thần đã trấn an Maria :”Không có điều gì mà Thiên Chúa không làm được”. Tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa, Maria đã khiêm tốn thưa với sứ thần :”Này tôi là tôi tá Chúa, xin vâng như lời thiên thần truyền”.  Maria đã đáp  trả bằng lời mời gọi của Thiên Chúa một cách quyết đáp và khiêm tốn. Sau tiếng “Xin Vâng” này, Maria đã trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế.

 

II. TIẾNG XIN VÂNG CỦA CHÚNG TA.

 

  1. Xin Vâng nơi Mẹ và nơi ta.

Từ khi thưa “Xin Vâng”, Đức Maria đã hoàn toàn tận hiến đời mình để thực hiện thánh ý Chúa. Nơi Đức Maria cũng như nơi chúng ta, một trong những yếu tố quan trọng nhất để Thiên Chúa có thể thành công nơi ta, đó là biết xóa bỏ bản ngã mình trước Thiên Chúa, xóa bỏ ý riêng mình trước thánh ý Chúa, xóa bỏ dự định hay kế hoạch  của mình trước dự định hay kế hoạch của Thiên Chúa. Đó chính là tinh thần tự hủy (kenosis)mà Đức Giêsu là gương mẫu hoàn hảo nhất, và kế đó là Đức Maria.

Theo gương Đức Maria, khi được Thiên Chúa chọn, ta hãy toàn tâm toàn ý cho việc của Ngài. Nếu Thiên Chúa chọn ta là để ta thực hiện công việc của Ngài chứ không phải việc của ta, để ta làm theo thánh ý Ngài chứ không phải ý ta.  Nên nếu ta được chọn, ta hãy để Ngài hoàn toàn làm chủ công việc của Ngài mà trong đó ta chỉ là công cụ của Ngài dùng mà thôi.

Công cụ thì không hiện hữu cho mình mà cho công việc hay ý muốn của người xử dụng. Công cụ tốt là công cụ  hoàn toàn làm đúng ý người xử dụng. Vậy, ta hãy toàn tâm toàn ý cho công việc và mục đích của Ngài, đừng nghĩ  gì đến công việc hay mục đích của ta.  Nếu công việc hay mục đích của Ngài thành tựu thì công việc hay mục đích của ta  cũng sẽ tự động thành tựu tốt đẹp, có khi gấp trăm lần ta tự lo cho công việc hay mục đích của mình.

Người được chọn thường gặp nhiều thử thách, đau khổ. Đó là cách mà Thiên Chúa vẫn đối xử với những ai Ngài đặc biệt yêu thương và tuyển chọn để tinh luyện người ấy xứng đáng với ơn gọi. Hãy coi những thử thách mà Đức Giêsu và Đức Maria – là những người được Thiên Chúa đặc biệt ưu đãi – phải chịu trong cuộc đời các Ngài thì rõ.

Đây là kế hoạch của Ngài dành cho những người được Ngài chọn :”Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi ; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính ; những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang”(Rm 8,30)…

Cách thức “làm cho nên công chính “ của Ngài chính là thử thách, cho trải qua đau khổ :

Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn”(Dt 2,10) , “Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ”(1Tm 3,10) , “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng  gấp bội”(1Pr 1,7).

Bù lại, vinh quang của những người được Thiên Chúa yêu mến và tuyển chọn cũng rất lớn lao :”Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta”(Rm 8,18).

 

  1. Chúa mời gọi ta cộng tác với Ngài.

Thiên Chúa không chỉ thực hiện kế hoạch yêu thương cứu độ của Ngài nơi chúng ta  và cho chúng ta, mà còn mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài, tham gia vào việc  thực hiện kế hoạch yêu thương và cứu độ của Ngài, nơi chúng ta và nơi những người có liên hệ với chúng ta nữa.  Đó chính là niềm vinh hạnh và cũng là trách nhiệm nặng nề nơi chúng ta. Vậy mỗi lần chúng ta làm bất cứ việc gì đó để kế hoạch yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi tâm hồn và cuộc sống của mình là chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.

Cũng thế, mỗi lần chúng ta làm một việc gì đó giúp người khác hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa hoặc giúp người khác yêu thương phục vụ tha nhân là chúng ta cộng tác với Ngài trong việc thực hiện kế hoạch yêu thương cứu độ của Ngài.  Công việc ấy thật bề bộn và cấp bách ; vì một đàng chung quanh chúng ta  còn rất nhiều người chưa biết Chúa, chưa đón nhận Tin Mừng, chưa đón nhận bí tích Thánh tẩy ; đàng khác, nơi những người đã biết và đón nhận Chúa cũng còn rất nhiều người chưa hiểu biết cho sâu sắc, chưa biết sống gắn bó mật thiết với Chúa. Đó là cánh đồng truyền giáo mênh mông đang chờ đợi chúng ta.

Ngày nay Chúa vẫn còn muốn đầu thai trong lòng Đức Maria và chúng ta.  Dĩ nhiên Ngài không còn đầu thai nữa như xưa ở trong lòng trinh nữ Maria, nhưng Ngài vẫn còn muốn đầu thai cách mầu nhiệm trong bí tích bàn thờ này, để được đầu thai trong tâm hồn chúng ta  qua việc rước lễ,  để đầu thai nữa trong nếp sống hằng ngày của chúng ta, hầu ai thấy đời sống tốt đẹp của chúng ta, cũng nhận ra vinh quang của Chúa mà ca tụng Ngài. Mầu nhiệm đầu thai qua Bí tích Thánh Thể đã làm cho chúng ta trở nên cao qúi trong việc cộng tác với Ngài.

Nhưng còn một cách nữa Chúa vẫn dùng để đầu thai nơi ta giữa thời buổi này, chính là Lời Chúa khi đến với ta  trong sức mạnh của Thánh Thần. Lời Chúa mà ta nghe  và đọc trong Thánh kinh có thể trổ sinh trong lòng ta  một cuộc sống mới, thánh thiện và tốt đẹp,  Ta sẽ trở thành con cái Chúa một cách trung thực hơn và dần dần dòng dõi những người con Chúa trở thành một thực tại có thể cảm nghiệm được.  Ngay đến những biến cố xẩy ra hằng ngày cũng có thể mang theo nhiều ân sủng, khiến ai đón nhận như thánh ý Chúa, sẽ làm cho nước Ngài được lan rộng ; và như vậy, Thiên Chúa lại nhập thể ở giữa chúng ta.

 

  1. Hãy trở nên dụng cụ của Chúa.

Khi nói đến dụng cụ là nói đến một đồ vật để con người xử dụng theo ý mình. Dụng cụ chỉ biết phục tùng theo ý muốn người xử dụng. Không bao giờ dụng cụ có thể nói với người xử dụng tại sao lại dùng vào việc nọ việc kia, mà chỉ biết hoàn toàn vâng theo người xử dụng,  có khi người xử dụng phế thải cả dụng cụ , thì chính dụng cụ ấy cũng không có quyền phản đối.

Chúng ta là dụng cụ của Chúa, một thứ dụng cụ bất toàn hoặc vô dụng, cũng như người đầy tớ nghèo hèn (x. Lc 17,7-10) không thể tự mình làm được việc gì như Chúa phán :”Sine me nihil potestis facere” : Không có Thầy các con không thể làm gì được,  nhưng sẽ trở nên hữu dụng dưới bàn tay khôn khéo của Chúa.

Chúng ta cũng có thể tìm được hình ảnh này ngay trong văn chương bình dân của nước ta, trong ca dao tục ngữ, một hình ảnh rất quen thuộc đối với người dân quê :

Ai làm cho cải tôi ngồng, Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê. Chồng chê thì mặc chồng chê, Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ. (Ca dao)

Ở miền quê, ai mà không biết ăn dưa cải chua ? Đây là món ăn quen thuộc trong bữa ăn của người bình dân, một món ăn hợp với khẩu vị, nhất là khi ăn với thịt mỡ. Món dưa cải chua ngon là phải có màu vàng, dòn và thơm.  Nhưng một khi dưa bị “khú” thì không ăn được nữa. Dưa khú có màu đen xám, không chua và nhạt , đôi khi có hương vị ung ủng. Người ta không ăn dưa khú, chỉ còn cách bỏ đi. Tuy thế, người dân quê lại biết biến “dưa khú” đó thành một món ăn khác, ăn vào vẫn ngon miệng, đó là nấu với cá trê. Vì thế, người ta mới mách bảo kinh nghiệm cho người khác trong việc nấu ăn :”dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ”.

Chúng ta hãy trở nên dụng cụ ngoan ngoãn của Chúa để lúc nào cũng chỉ biết “Xin Vâng”.  Theo gương Mẹ Maria, trước khi nói lời Xin Vâng, Mẹ đã trải qua một hành trình đức tin. Xin Vâng không có nghĩa là thấy rõ con đường trước mặt  mà Chúa muốn mình đi. Xin Vâng là mềm mại, buông mình cho Thiên Chúa dẫn đi, yên tâm không phải mình làm chủ tương lai, nhưng vì tương lai của mình nằm trong tay Chúa. Xin Vâng không phải vì mọi sự đều sáng sủa và trơn tru, nhưng Xin Vâng ngay giữa đêm tối gập ghềnh, là chấp nhận để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.

Truyện : Thánh Gioan Vianney.

Thánh Gioan Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không có đủ khả năng để tiến tới chức Linh mục. Ngày kia, thừa lệnh Giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học, đã đến khảo sát Vianney, tội nghiệp Vianney đã không thưa được câu nào. Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn : – Vianney, anh dốt như lừa. Với một con lừa như anh, Giáo hội sẽ làm được gì ? Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời : – Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng có một cái hàm của một con lừa, để đánh bại được ba ngàn quân Philitinh, vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được gì sao (Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, tr 42).

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Thiên Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào chương trình của Ngài. Ngài chọn chúng ta không vì tài năng, đức độ của chúng ta , Ngài quyền năng đến độ có thể biến đổi những con người hèn mọn thành những bậc siêu phàm. Điều quan trọng là chính sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của Ngài. Thiên Chúa luôn làm được phép lạ, nếu con người biết cộng tác với Ngài, ngay cả bằng với sự dốt nát, ngu dại của mình.

Ngày xưa Thiên Chúa đã nhập thể nơi cung lòng Trinh nữ Maria, ngày nay Thiên Chúa vẫn còn muốn nhập thể nơi chúng ta, hãy trở nên dụng cụ ngoan ngoãn cho Chúa nhập thể. Ngài dùng Lời Thánh kinh và Bánh Thánh Thể để đi vào trong tâm hồn ta,  biến ta nên con người sống như Chúa : và như vậy, Ngài đang muốn nhập thể để tiếp nối cuộc đời của Ngài ở nơi ta.  Ngài dùng mọi biến cố xẩy đến hằng ngày, kêu gọi ta đón nhận  như thánh ý Ngài gửi đến, để ta hợp tác thi hành trong tinh thần xã hội Kitô giáo, hầu ơn Ngài có thể tràn lan trong thế gian, khiến Chúa ở trong mọi sự và mầu nhiệm nhập thể được kiện toàn.

Điều cần hơn hết là chúng ta phải tin vững vàng rằng : Thiên Chúa muốn sinh ra làm người. Ngài muốn sống giữa trần gian. Ngài kêu gọi ta nhìn vào cuộc sống và muốn nhập thế với Ngài. Ta hãy sẵn sàng đem tinh thần Phúc âm vào thế giới để đáp lại lời mời gọi của Chúa.

 

Lạy Chúa, này con đây, với tất cả những yếu hèn, khiếm khuyết của con, nhưng con tin rằng trong bàn tay nhào nặn của Chúa, tất cả đều có giá trị.  Xin cho con luôn biết cởi mở đón nhận ơn Chúa, và phó thác cho chương trình của Chúa, như Mẹ Maria đã thưa lời “Xin Vâng”, đáp trả lại tình yêu của Chúa và phó thác hoàn toàn cho chương trình của Ngài.  Amen.

 

 Lm. Giuse Đinh lập Liễm  Giáo xứ Kim phát  Đà lạt 

Tab 3 content place

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*