• NHẬN RA CHÚA – Sr. Maria  Đào Thị Tâm, CMR
  • VUI MỪNG VÀ NGỠ NGÀNG – Lm. Nguyễn Thái
  • LÀM CHỨNG CHO CHÚA PHỤC SINH – Lm. Đinh Lập Liễm
  • NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG – TGM Giuse Ngô quang Kiệt
  • GẶP CHÚA GIỮA LÒNG ĐỜI – Lm. Inhaxiô Trần Ngà
  • NHẬN BIẾT ĐỨC GIÊSU – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

NHẬN RA CHÚA (Lc 24:35- 48)

Sr. Maria  Đào Thị Tâm, CMR

Ấm cúng và thánh thiện, chan hòa tình huynh đệ, ngập tràn tình mến Chúa, trong căn phòng ắp đầy những kỷ niệm đẹp của Thầy trò, các tông đồ và môn đệ, quây quần bên nhau, kể lại cho nhau, “việc mình đã nhận ra Chúa thế nào” (c.35), khi Người hiện ra với họ vừa mới hôm qua đây.

Người say mê nói, người chăm chú nghe.

Một buổi chia sẻ về Chúa Phục Sinh thật tuyệt vời!

Ấn tượng về hình ảnh Thầy Giêsu đã sống lại thật sâu đậm,

Cảm nghiệm khi chợt nhận ra Người vẫn bừng cháy trong tim.

Chính lúc không ngờ, Chúa Giêsu Phục Sinh lại hiện ra, đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho các con.”

Những cảm xúc sốt sắng vụt biến mất, chỉ còn lại sự kinh hồn bạt vía vì các ông tưởng mình thấy ma!

Một sự ngộ nhận!

Nhận biết Chúa rất dễ mà cũng rất khó!

Chẳng hơn gì các ông,

Chúng ta dễ nhận ra Chúa trong cử hành phụng vụ, nhưng lại khó nhận ra Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta dễ nhận ra Chúa trong nhà thờ, nhưng khó nhận ra Chúa trong anh em.

Chúng ta dễ nhận ra Chúa ngự trên trời cao, nhưng khó nhận ra Chúa nơi người bên cạnh.

Chúng ta dễ nhận ra Chúa là Đấng Cao Cả, nhưng khó nhận ra Chúa trong những khuôn mặt tầm thường, phận nhỏ.

Chúng ta dễ nhận ra Chúa là Đấng Thánh Thiện, nhưng khó nhận ra Chúa trong các tội nhân.

Chúng ta dễ nhận ra Chúa khi được bình an, nhưng khó nhận ra Chúa khi gặp thử thách.

Chúng ta dễ nhận ra Chúa trong những người làm ơn cho chúng ta, nhưng khó nhận ra Chúa khi Ngài đến xin chúng ta giúp đỡ.

Chúng ta dễ nhận ra Chúa trong người hợp tính, nhưng khó nhận ra Chúa trong người không đồng thuận.

Chúa Giêsu Phục Sinh không bị đóng khung trong bất cứ một dạng thể nào. Người đang sống, đang hiện diện dưới nhiều dáng vẻ khác nhau.

Người vô hình, nhưng cũng hữu hình, đang ở giữa chúng ta, bên cạnh chúng ta.

Người không phải là ma, nhưng là những con người bằng xương bằng thịt.

Người muốn chúng ta nhìn tay chân Người, đụng chạm đến Người, đưa cho Người “một khúc cá nướng” (x.c 39-40).

Những hành vi đó tuy đơn giản, nhưng mang lại niềm vui lớn lao, vì ta gặp được Chúa Phục Sinh.

Có nhận ra Chúa ta mới yêu mến, và dấn thân chu toàn sứ mạng Chúa trao: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (c.48).

Không nhận ra Chúa, dễ dẫn đến hành động chối bỏ và lên án tử cho Người, như thánh Phêrô nói với người Do Thái trong bài đọc 1 (Cv 3:17).

Nói rằng “mình biết Chúa” mà không giữ giới răn yêu thương của Người, đó là kẻ nói dối (1 Ga 2:4).

Lời cầu nguyện đơn sơ của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Lạy Chúa, xin cho chúng con được ơn kinh ngạc khi gặp Chúa”.

Vâng, kinh ngạc và vui mừng vì thấy Chúa Phục Sinh trong khuôn mặt mới, chứ không phải kinh hồn bạt vía vì tưởng mình thấy ma!

Sr. Maria  Đào Thị Tâm, CMR

VUI MỪNG VÀ NGỠ NGÀNG (Luca 24:35–48)

Lm. Nguyễn Thái

Có một câu chuyện kể rằng khi Chúa Giêsu về trời, tất cả các thánh, các thiên thần quy tụ lại xung quanh Ngài để phỏng vấn. Giống như báo chí thường phỏng vấn các tân giám mục hoặc hồng y, các thiên thần nhìn thấy những vết thẹo trên mình Ngài, những vết đinh trên bàn tay, bàn chân, những mũi gai nhọn trên đầu, vết đòng đâm bên cạnh sườn, và những vết roi bị đánh đòn phía sau lưng… Thánh Giuse mới hỏi: “Ắt hẳn là Ngài phải chịu đau đớn kinh khủng lắm vì sự tàn bạo của con người chứ?” “Đúng vậy!” Chúa Giêsu trả lời. “Thế họ có nhận ra tình yêu của Ngài dành cho họ và điều Ngài đã làm cho họ không?” Thánh Giuse hỏi tiếp. “Không!” Chúa Giêsu trả lời, “Chưa đâu, có thể là sau này thôi!” “Thế Ngài đã làm gì để bảo đảm rằng mọi người sẽ nhận ra?” Thánh Giuse lại hỏi. “Ừ, Ta đã yêu cầu ông Phêrô, Giacôbê, bà Maria, và vài người khác nói lên điều đó, và yêu cầu tất cả những ai nghe họ cũng phải loan truyền cho những người khác, cho đến khi nào tất cả mọi người ở mọi nơi đều biết đến điều đó.” “Nhưng nếu ông Phêrô, Giacôbê, và bà Maria không nói với ai hết thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ trở nên mệt mỏi, nhàm chán? Hoặc giả những người đến sau họ quên luôn? Hoặc là họ nghe, rồi quên nói lại? Ngài có dự phòng một kế hoạch nào khác nữa không?” Thánh Giuse đặt vấn đề. Chúa Giêsu trả lời: “Không! Ta đã chẳng dự trù một kế hoạch khác nào cả. Ta hoàn toàn tin tưởng và trông cậy nơi họ.”

Bài Phúc Âm hôm nay, Lc 24: 35-48, diễn tả việc Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ trong lúc họ đang sợ hãi và ngờ vực. Nhưng Chúa đã biến đổi sự sợ hãi và ngờ vực thành niềm vui và kinh ngạc, để rồi sau cùng Chúa đã tin tưởng và trao phó sự nghiệp truyền giáo cho họ: “Phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem… Chính anh em là những chứng nhân của những điều này” (Lc 24:47-48).

Đó là lúc ban đêm, cái đêm sau những kinh hoàng về cái chết của Chúa, một đêm chuyển tiếp giữa sự kiện Chúa đã chết và Ngài sống lại, giữa thập giá và vinh quang, giữa quá khứ và hiện tại, giữa cũ và mới. Các tông đồ tụ họp nhau trong căn phòng kín đáo trên gác. Cửa đóng chặt, im lặng vì sợ. Bóng của họ đổ dài trên tường qua ánh đèn dầu le lói. Chúa Giêsu xuất hiện. Các tông đồ sợ hãi. Theo Thánh Luca họ sợ vì nghĩ là ma: “Các ông kinh hồn, bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24: 37). Còn Thánh Gioan lại cho rằng: “vì sợ người Do Thái” (Ga 20: 19).

Mỗi Thánh Ký diễn tả nỗi sợ hãi của các tông đồ một cách khác nhau, nhưng có nguyên nhân giống nhau. Sợ người Do Thái có nghĩa là sợ một quyền lực bắt bớ từ bên ngoài, nhưng có nguyên nhân của nội tâm. Sợ ma là một nỗi ám ảnh bên trong tâm hồn, một sự trống vắng niềm tin. Nói chung, các tông đồ sợ vì họ đã có kinh nghiệm riêng tư với Chúa Giêsu. Họ sợ vì mặc cảm tội lỗi, như đã chối Chúa, đã chạy trốn, đã để Chúa bị chết… Tất cả đều là những nguyên nhân làm cho họ sợ hãi.

Trong cả hai bản tường thuật, Chúa Giêsu đều chào các tông đồ với lời chào theo truyền thống của người Do Thái: “Bình an cho anh em!” (Lc 24:36; Ga 20:19). Nhưng trong mạch văn của Gioan, những từ này được hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của một lời chào. Chúa Giêsu đã trấn an nỗi sợ hãi của các tông đồ tương tự như Ngài đã làm dịu trận cuồng phong bão tố trên biển (Mc 4: 35-41). Trong Luca, những chữ này thực sự là những lời chào hỏi, làm họ phải chú ý đến sự hiện diện của Ngài ở trong phòng. Các ông đã sợ hãi khi trông thấy Ngài.

Thánh Luca giải thích rõ hơn. Chúa Giêsu đã hỏi: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng?” (Lc 24:38). Chúng ta đã hiểu nỗi sợ hãi của các môn đệ là do sự nghi ngờ mà ra. Quả vậy, ở một khía cạnh nào đó, chúng ta cũng thường cảm nghiệm điều này trong đời sống tinh thần của mình. “Nghi nan chỉ thấy cản ngăn. Vững tin nhìn thấy phăng phăng thẳng đường. Nghi nan toàn thấy đêm trường. Vững tin chỉ thấy sáng trưng như ngày” (Thơ Lệ Hằng).

Cha Anthony De Mello đã ghi lại cảm nghiệm sợ hãi vì nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa như sau: “Tôi sống mối quan hệ rất tốt với Chúa. Tôi trò chuyện với Ngài, cầu xin, chúc tụng, tạ ơn Ngài. Nhưng tôi cứ có cảm giác khó chịu là Ngài muốn tôi nhìn vào mắt Ngài. Nhưng tôi không nhìn. Tôi chỉ nói và nhìn ra nơi khác nếu tôi cảm thấy như thể Ngài đang nhìn tôi. Tôi thường xuyên nhìn ra nơi khác như thế, vì tôi sợ! Tôi nghĩ rằng cặp mắt Ngài sẽ tố giác tôi về những tội lỗi nào đó chưa chừa được! Hoặc là cặp mắt đó sẽ đòi hỏi tôi phải làm điều gì đó. Cuối cùng, một ngày kia, tôi thu hết can đảm và nhìn lên. Không có tố giác! Chẳng có đòi hỏi! Cặp mắt ấy chỉ muốn nói: “Cha yêu con!” Tôi nhìn lại nữa. Cũng vẫn lời nhắn nhủ ấy: “Cha yêu con!” Tôi bước ra ngoài, và như Thánh Phêrô xưa, tôi khóc.”

Chúa Giêsu đã nói lên nguồn gốc của sự sợ hãi là nghi ngờ. Sợ hãi và nghi ngờ là hai mặt của một vấn đề. Và sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu đã biến đổi sợ hãi và nghi ngờ trở nên an bình và vui tươi. Ngài đã đưa tay chân cho họ xem và rờ vào vết thương của Ngài (Lc 24:39). Điều này, trong Phúc Âm của Gioan, chỉ xảy ra với Tôma mà thôi!

Thánh Luca diễn tả sự biến đổi này một cách khéo léo và tài tình như sau: “Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin, và còn đang ngỡ ngàng…” (Lc 24:41). Đang trong tâm trạng hỗn độn, nghi ngờ và lo sợ, các môn đệ lại phải đối diện với một thực tại siêu phàm quá sức tưởng tượng; họ nhìn thấy Chúa Giêsu đã sống lại. Người bình dân gọi điều lạ lùng này là “quá trí”, vượt quá trí hiểu biết, trí tưởng tượng của loài người. Họ đã thực sự trông thấy Thiên Chúa sống động, nhưng điều này vĩ đại quá làm họ chưa dám tin vào con mắt trần gian của mình. Điều này cũng không thể nào xảy ra được so với sự hiểu biết nông cạn của họ. Vì thế, họ chưa dám tin!

Tâm trạng này lại được diễn tả trong bài đọc thứ nhất, Cv 3:11-26, trích từ sách Công Vụ Tông Đồ cũng được coi là của Luca. Chúng ta thấy Phêrô và Gioan vừa bước vào cổng đền thờ liền gặp một người què được bạn bè khiêng tới mỗi ngày để xin ăn. Vừa gặp hai ông, anh què xin các ngài giúp đỡ. Các môn đệ không có tiền, nhưng Phêrô đã cho anh một điều còn quý giá hơn tiền bạc. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Phêrô chạm đến anh và chữa anh què được lành. Quá vui mừng, anh nhẩy nhót sung sướng, chạy đi đây đó. Mọi người vây quanh lại trong kinh ngạc, có lẽ đầy sợ hãi nữa vì điều lạ lùng vĩ đại đã xảy ra trước mắt họ một cách không thể ngờ được! “Quá trí!” Họ quá ngỡ ngàng và kinh ngạc đến độ khó mà tin được vào con mắt của mình. Người què bị tàn tật từ khi mới sanh, nhưng bây giờ, sau khi Phêrô chỉ nói vài câu, anh đã không còn què nữa. Rồi Phêrô bắt đầu rao giảng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu chết, sau ba ngày đã sống lại, hiện ra với các ông. Các ông đã chứng kiến tất cả những điều lạ lùng xảy ra như mọi người cũng đang thấy. “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24:48).

Một câu chuyện khác cũng xảy ra tương tự như vậy, Luca nói về Phêrô đang ở trong tù. Các bạn hữu của Phêrô quy tụ lại với nhau để cầu nguyện cho ông được ra khỏi tù. Lời cầu nguyện của họ sẽ được chấp nhận. Giữa đêm khuya, một thiên thần đến dẫn Phêrô ra khỏi nhà tù. Phêrô đi thẳng đến nhà bạn hữu của ông. Ngài gõ cửa. Một người tớ gái đi ra cửa đã nhìn thấy Phêrô. Giống như các môn đệ trong bài Phúc Âm hôm nay, nàng rất đỗi kinh ngạc. Trong niềm vui, thay vì mở cửa và mời Phêrô vào, nàng chạy vào trong nhà báo tin cho mọi người biết Phêrô đang đứng ngoài cổng. Họ đang cầu nguyện cho Phêrô, nhưng thay vì tin vào lời cầu nguyện của mình, họ đã trả lời với cô: “Đồ khùng!” Trong khi đó Phêrô tiếp tục đập cửa. Mở cổng ra, thấy ông, họ ngỡ ngàng vì chứng kiến một điều vượt quá trí khôn của con người! (Cv 12: 1-15).

Phép lạ quá vĩ đại cũng làm chúng ta vui mừng “quá trí” đến độ ngỡ ngàng. Cảm xúc ngỡ ngàng trước những mầu nhiệm siêu việt hay thực tại linh thiêng làm con người chưa dám tin vào con mắt trần gian, trí hiểu biết hay sự nhận thức nông cạn của mình. Đó là kinh nghiệm đã xảy ra cho các môn đệ khi xưa và cho cả chúng ta ngày nay.

Một người đã được ơn trở lại với niềm tin Kitô Giáo kể lại rằng sau khi theo đạo, những người bạn vô tín ngưỡng đã đến chất vấn anh. Họ nói với anh rằng: “Tôi nghe tin anh mới gia nhập đạo Công Giáo có đúng vậy không?” Anh trả lời: “Phải”. Họ hỏi: “Như vậy anh phải hiểu biết rất nhiều về Đức Kitô, hãy nói cho chúng tôi biết, Ngài đã sinh ra ở quốc gia nào?” Anh trả lời: “Tôi không biết”. “Ngài đã chết năm nào?” họ hỏi. Anh trả lời: “Tôi không biết”. “Vậy anh có thể nói cho chúng tôi biết vài điều về giáo huấn của Ngài, vài phép lạ, hay làm thế nào Ngài đã sống lại từ cõi chết được không?” Anh trả lời: “Tôi cũng không biết!” “Nhưng chắc chắn rằng anh phải biết tí gì về Người đã tự xưng là Đức Kitô chứ?” Anh trả lời: “Các anh nói đúng. Tôi rất xấu hổ vì biết rất ít, nhưng điều tôi thực sự biết: Đó là ba năm trước, tôi đã là một người nghiện rượu và bị mang nợ. Gia đình tôi tan rã. Vợ tôi và con cái phải khiếp sợ vào mỗi buổi tối khi tôi trở về nhà. Tôi đã tuyệt vọng, nhưng tôi đã dâng hiến tâm hồn tôi cho Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa của tôi. Bây giờ, tôi đã bỏ rượu, trả hết nợ, vợ chồng tôi yêu thương nhau. Tất cả điều này Đức Giêsu Kitô đã làm cho tôi. Đấy là điều duy nhất tôi biết.

Những chuyện không thể ngờ và không thể tin được như thế vẫn tiếp tục xảy ra hằng ngày trong cuộc sống. Hãy mở mắt tâm hồn ra mà đón nhận! Câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra sau khi sống lại, và những điều các tông đồ đã làm chứng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh vẫn còn đang hiện diện ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hãy tìm kiếm và để Ngài biến đổi nỗi sợ hãi và ngờ vực của chúng ta trở thành vui mừng và ngỡ ngàng!

Lm. Nguyễn Thái

LÀM CHỨNG CHO CHÚA PHỤC SINH

Lm. Đinh Lập Liễm

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa hiện ra lần thứ ba với các Tông Đồ tại nhà Tiệc Ly. Với một cái nhìn chung, người ta nhận ra nơi Luca việc tường thuật các lần Chúa sống lại hiện ra được kể với ba hạng người: Trước tiên với các phụ nữ (Lc 24:1-12), rồi cho các môn đệ (Lc 24:13-25), và cuối cùng cho các Tông Đồ, tức nhóm Mười Hai (Lc 24:35-48). Đó là ba nhóm người mà khi Chúa đi rao giảng, đã liên kết với Chúa một cách chặt chẽ, tuy nhiên với mức độ khác nhau.

Khi Luca kể lại việc Chúa xuất hiện cho mười một Tông Đồ lúc đêm xuống, thì ông nhấn mạnh việc Chúa xuất hiện bằng thể xác của Ngài. Khi các môn đệ thấy Ngài thì họ tưởng mình thấy ma, hoặc là hồn Ngài hiện về. Đánh tan cảm tưởng sai lầm đó, Đức Giêsu đã vận dụng mọi giác quan để chứng tỏ Ngài có một thân thể không phải phi vật chất hay linh thiêng, nhưng là một thân thể có xương có thịt, mà hôm thứ sáu đã bị đóng đinh vào thập giá và được táng trong mồ. Chính là thân thể vật chất ấy với những dấu đinh, với cạnh nương long mà các ông trông thấy và có thể sờ vào được.

Để chứng minh tính chất vật chất của thân thể mình, Ngài cầm lấy miếng cá nướng và ăn trước mặt các ông và đưa cho các ông cùng ăn (Lc 24:40-43). Khi các Tông Đồ đã trở về tình trạng lành mạnh về tâm lý và thể lý rồi, Chúa mới hướng dẫn các ông về bằng chứng lịch sử: ”Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Maisen, các sách tiên tri và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy, đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24:44).

Đức Giêsu nói cho các Tông Đồ biết toàn bộ Kinh Thánh đã ứng nghiệm về Ngài. Nếu Thánh Kinh không ứng nghiệm về Ngài, thì toàn bộ Thánh Kinh là giả dối vì Thánh Kinh loan báo về Đấng cứu độ và ngoài Đức Giêsu ra không ai đem lại ơn cứu độ (Cv 4:12). Để thấy rõ như thế, Ngài đã “dẫn giải cho các ông những điều viết về Ngài trong toàn bộ Thánh Kinh” (Lc 24:27). Để có thời gian giải thích, chắc Ngài còn phải ở với các ông lâu dài, như Thánh Luca đã xác định là 40 ngày được ghi rõ trong sách Công Vụ Tông Đồ: ”Ngài lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong 40 ngày, Ngài đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1:3). Thời gian 40 ngày đã quá đủ để các Tông Đồ thấy chắc chắn: Thầy đã sống lại thật.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca nhắc lại cho chúng ta lời Đức Giêsu ra lệnh cho các Tông Đồ khi Ngài sống lại: ”Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24:47-48).

Trong bài đọc một, Thánh Phêrô đã làm chứng cho toàn dân Giêrusalem về Đức Giêsu bị đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Chính họ đã nộp Ngài và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan xét xử không thấy tội gì. Họ đã xin tha cho kẻ sát nhân và lên án Đấng công chính. Nghe thế, họ quá rõ tội lỗi đã phạm, họ đã ăn năn sám hối: ”Hôm ấy đã có thêm khoảng 3000 người theo đạo” (Cv 2:41).

Trong bài đọc hai, Thánh Gioan đã làm chứng về “Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, chính Người là của lễ hy sinh đền bù tội lỗi ta, và còn đền bù tội lỗi cho cả thế giới” (1 Jn 2:1-2). Rồi Gioan kêu gọi chúng ta làm chứng về Đức Kitô bằng đời sống đừng phạm tội, hãy vâng giữ lệnh Đức Kitô để chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa tới mức hoàn hảo và biết được mình đang ở trong Đức Kitô. Ai không vâng lời Đức Kitô là kẻ nói láo (Jn 2:4).

Nhìn vào lịch sử truyền giáo, chúng ta thấy các Tông Đồ, những chứng nhân trung thực, đã đi rao giảng Đức Giêsu chịu chết và phục sinh cho muôn dân, nghĩa là sau khi Chúa về trời, và sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, từ những người nhát gan, sợ hãi, từ những người dân chài, quê mùa, không hiểu gì về Đấng Cứu thế… các Tông Đồ đã trở nên những người can đảm, thông thái, lợi khẩu. Các ngài đã vâng lệnh Chúa ra đi rao giảng cho mọi người biết và tin Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa đã đến trần gian, đã chết và sống lại để cứu chuộc tất cả mọi người. Các ngài đã đóng đúng vai trò chứng nhân và thi hành đầy đủ bổn phận làm chứng của mình.

Bằng lời nói, các ngài rao giảng mà không sợ bất cứ một áp lực nào hay một sự đe dọa nào. Mỗi khi rao giảng, các ngài thường hiên ngang tuyên bố: ”Chúng tôi xin làm chứng” (Act 3:15). Dù đứng trước toà án cấm đoán, dọa nạt, các ngài vẫn khảng khái thưa: ”Xin quí vị xét cho, phần chúng tôi, chúng tôi không thể không nói về những điều đã thấy, đã nghe” (Act 4:20).

Không những làm chứng bằng lời nói, các ngài còn làm chứng bằng việc làm, bằng chính đời sống của mình: sẵn sàng chịu vất vả, khổ cực, đòn vọt, tù ngục, và sẵn sàng chịu chết vì Chúa Giêsu. Sau 12 Tông Đồ, lại có biết bao lớp tông đồ khác, trải qua các thời đại, tiếp nối sự nghiệp loan báo Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

Đức Kitô đã làm chứng về Ngài đã sống lại thật. Phêrô, Gioan, các Tông Đồ và bao nhiêu người đã tin và đã làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh. Còn chúng ta, nếu chúng ta vâng lệnh Đức Kitô truyền, chúng ta phải ra sức làm chứng về Ngài.

Trong sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân của Công Đồng Vatican II, Hội Thánh nhắc nhở cho các tín hữu nhiệm vụ làm tông đồ và làm chứng nhân bởi vì nhiệm vụ này phát xuất từ bí tích Thánh Tẩy: “Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến. Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa” (Sác Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 16).

Làm chứng là nhận thực một sự kiện mà chính mình đã trải qua hay đã kinh nghiệm. Hay nói cách khác, làm chứng là chứng nhận bằng lời nói hay bằng hành động một sự việc đã xẩy ra, một sự kiện có thật mà mình đã thấy, đã nghe, đã trải qua. Ở toà án, chứng nhân hay nhân chứng là người nói sự thật những điều mắt thấy tai nghe, và phải nói đúng sự thực như mình đã thấy. Chứng nhân càng có uy tín thì lời chứng của mình càng có giá trị, khiến người khác dễ bị thuyết phục. Ngược lại, những người không có uy tín thì khiến những lời nói của mình không có tính thuyết phục, đôi khi lại trở nên phản chứng.

Làm chứng cho Đức Giêsu đâu có phải là chỉ kể lại cho kẻ khác về đời sống của một vĩ nhân đã sống cách đây hai ngàn năm. Ai cũng có thể làm được điều này. Làm chứng cho Đức Giêsu đâu phải chỉ là xác nhận rằng Đức Giêsu đã sống lại. Đám lính cánh gác mồ cũng đã làm như thế (Mt 27:11). Làm chứng cho Đức Giêsu chính là dùng chính cuộc sống của mình để chứng tỏ rằng quyền năng của Đức Giêsu sống lại đã tác động và biến đổi chúng ta một cách lạ lùng nhất, có thể tưởng tượng được. Làm chứng nhân cho Đức Giêsu là để cho Ngài ngỏ lời với tha nhân ngang qua chúng ta, nghĩa là dùng chúng ta để nói với kẻ khác (1 Th 2:13).

Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo của giới trẻ về đề tài ”Truyền Giáo Năm 2000”, nhiều bạn trẻ đề nghị phải xử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, gồm sách vở báo chí, phim ảnh có phẩm chất và hấp dẫn, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác xã hội và bác ái. Một số bạn trẻ khác đi xa hơn bằng cách đề nghị Giáo Hội chống lại những bất công xã hội, những chà đạp quyền con người, để xây dựng công lý và hoà hợp.

Trong lúc mọi người đang hăng hái đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da mầu giơ tay xin phát biểu: ”Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở, báo chí, phim ảnh; chúng tôi chỉ gửi đến đó một gia đình Công Giáo tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống Kitô giáo (R.D. Wahrheit, Ánh Sáng Hy Vọng, tr 208).

Thánh Phaolô nhận thấy mình có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, nếu không là một điều có lỗi lớn: ”Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cor 9:16). Nếu muốn rao giảng Lời Chúa thì mỗi người có trách nhiệm phải lắng nghe và thực hành lời Chúa vì không nghe thì làm sao mà biết, không biết thì làm sao có thể rao giảng.

Vào giây phút cuối cuộc đời, văn sĩ John Bayern đã nói những lời từ giã người vợ thân yêu như sau: ”Mình yêu dấu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng.”

“Trong gương mặt của mình tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa.” Mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống như thế nào, để anh em chung quanh có thể nói tương tự: ”Trong gương mặt của anh, tôi có thể nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn bạn vô cùng.” Đó là ơn gọi cao cả của mỗi người Kitô hữu được gọi trở nên giống Chúa, và làm cho những người khác nhìn thấy Chúa như trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ: ”Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48). Đức Giêsu còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của người Kitô hữu đến độ Chúa so sánh cuộc sống của họ như đèn sáng: ”Các con là anh sáng thế gian. Ánh sáng đó cần phải chiếu sáng trước mặt người đời, ngõ hầu họ thấy việc lành mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời” (Mt 5:16) (Hạt giống âm thầm, tr 178).

Ta hãy suy nghĩ về đoạn văn trích từ lá thư mục vụ của Giám mục Duval của Pháp: “Dù có phát biểu khéo léo đến đâu, những tư tưởng trừu tượng cũng khó mà cảm động được lòng người. Như những con người sống động, có khả năng làm cảm động lòng người, những người đó hãy xung phong bước ra. Hãy để cho chân lý trào ra từ cuộc sống của mình, và hãy làm cho quyền năng của mình tương xứng với món quà mà mình trao tặng bằng tình yêu. Lúc đó mọi người sẽ lắng tai nghe, và bình minh của những ngày tươi sáng sẽ bừng lên trên bầu trời của chúng ta.”

Một nhà truyền giáo Ấn Độ, ông Gordon M. Suer đã xin một tín đồ Ấn Giáo sống bên cạnh, để dạy ông học tiếng bản xứ, nhưng tín đồ Ấn Giáo này từ chối: “Thưa ông, tôi không đến dạy tiếng bản xứ cho ông, vì tôi không muốn trở nên người Kitô hữu.” Nhà tuyền giáo trả lời: “Tôi muốn học tiếng bản xứ để có thể giao thiệp với những người chung quanh, để hiểu biết họ hơn chứ không nhằm bắt họ phải trở lại đạo Chúa.” Nhưng người tín đồ Ấn Giáo đáp lại: “Thưa ông, tôi biết vậy nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không ai có thể sống bên cạnh ông lâu, mà không bị cảm hóa trở thành người Kitô hữu.”

Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, đều có trách nhiệm sống ơn gọi của mình như thế nào để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh. “Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa cho anh em chung quanh. Qua tình thương nhân từ của chúng ta, qua những việc tốt lành chúng ta làm, anh chị em chung quanh có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng tràn đầy tình thương nhân từ. Qua sự sẵn sàng tha thứ của chúng ta cho kẻ khác, anh em chung quanh cảm thấy được Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ (Sđd, tr 179).

Lm. Đinh Lập Liễm

NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG

+ TGM Giuse Ngô quang Kiệt

 

  1. TẤM BÁNH LỜI CHÚA(Lc 24:35–48)

Hai môn đệ được Chúa Giêsu hiện ra trên đường Emmau thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em !” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. 

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này.” 

  1. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Có truyện kể rằng trước khi dâng mình cho Chúa, thánh An-phong-sô là một luật sư lỗi lạc. Người rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén. Nhờ tài ba, Người đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc. Nhưng một hôm, Chúa đã để cho Người phải thất bại. Trong một vụ án mà Người thấy là đơn giản, dễ dàng, Người đã bị thua một cách thảm hại. Trước thất bại cay đắng đó, Người thấy như cả bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan như mây bay. Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời. Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, Người quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa, Người tìm được niềm bình an. Hơn thế nữa, Người nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn. Từ đó, Người hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, Người đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dong Chúa Cứu Thế. Sau này, khi nhìn lại, Người hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa Người về con đường theo ý Chúa. Chính Chúa đã dùng những đau khổ để huấn luyện Người trong đức khiêm nhường phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ Người xuống trong danh vọng trần thế để nâng Người lên trong vinh quang Thiên đàng.

Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự. Khi thuyền của các môn đệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các ông. Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn. Nhưng đó chính là Chúa Giêsu. Người làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an.

Có lần Chúa Giêsu cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ngủ say đến nỗi sóng gió dữ dội mà vẫn không hay biết gì. Các ông hoảng hốt đánh thức Người dậy. Và Người đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.

Hôm nay cũng thế. Người đến bất ngờ khiến các môn đệ sợ hãi. Họ đang bị cái chết đau thương của Người ám ảnh. Nên khi Người đến họ tưởng là ma hiện hình. Đức Giê- su phải trấn an họ. Cho họ xem những vết thương ở tay chân. Cùng ăn uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ. Nhờ thế, họ được bình an, được vui tươi và tin tưởng.

Trong đời sống chúng ta cũng thế. Rất nhiều lần trong đời ta tưởng Chúa là bóng ma đến đe doạ đời sống ta. Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa. Có những khi ta gặp thất bại ê chề tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi. Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới cao cả tươi đẹp hơn. Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được. Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta. Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, phong phú hơn.

Khi đức tin các Tông đồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma. Khi đức tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Chúa Giêsu là có thực. Đức tin của các Tông đồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Chúa Giêsu và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh.

Đức tin của ta còn rất non yếu. Ta hãy biết bắt chước các Tông đồ củng cố đức tin bằng cách năng gặp gỡ Chúa Giêsu. Hãy đến gặp Người trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình. Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.

Hãy củng cố đức tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh hằng ngày để hiểu biết Chúa hơn. Suy niệm Thánh Kinh để tìm ra thánh ý Chúa. Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày.

Khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh. Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và niềm bình an.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, con tin Chúa đang ở bên con. Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.

 

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

  1. Có khi nào bạn đã gặp những đau buồn quá sức, tưởng như đã bị Chúa bỏ rơi không ?
  2. Qua đau khổ đến bình an, bạn đã bao giờ cảm nghiệm được điều này chưa ?
  3. Thánh Kinh giúp ta hiểu biết Chúa và biết sống theo thánh ý Chúa. Bạn có siêng năng đọc và học hỏi Thánh Kinh không ?

+ TGM Giuse Ngô quang Kiệt

GẶP CHÚA GIỮA LÒNG ĐỜI (Luca 24:35-48) Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Sau cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, có hai môn đệ Người thất vọng cất bước trở về Em-mau, lòng đầy sầu muộn. Đức Giêsu, Đấng mà họ tin tưởng là vị lãnh tụ vĩ đại sẽ giải thoát Ít-ra-en, đã gục chết trong đau thương và mang niềm hy vọng của họ xuống mồ.

Đang lúc đó, Chúa phục sinh xuất hiện như một lữ khách cùng đi đường với họ, lấy lời Kinh thánh hâm nóng cõi lòng băng giá của họ, minh chứng cho họ biết Đấng Cứu Thế phải trải qua đau khổ như thế rồi mới tiến vào vinh quang. Thế mà suốt cả hành trình đó, hai môn đệ vẫn không nhận ra người bạn đồng hành với mình là Chúa Giêsu.

Sau đó, Chúa phục sinh lại bất thần có mặt giữa các môn đệ trong một căn phòng tại Giêrusalem. Mọi người kinh hồn bạt vía, vì tưởng là oan hồn của Chúa Giêsu hiện về!

Chúa Giêsu phải dùng nhiều cách tỏ cho họ biết Người đã thật sự sống lại, chứ không phải là ma. Người cho họ xem thương tích nơi tay chân, để chứng tỏ Người có xương có thịt chứ chẳng phải là vong hồn. Vì họ vẫn còn nghi ngờ nên Người lại đề nghị họ sờ tay chân Người để kiểm chứng. Thấy họ vẫn còn hoài nghi, Người lại ăn miếng cá nướng trước mặt họ để tỏ cho mọi người thấy ma đâu có nhai có nuốt như vầy.

Rồi tiếp đó, Chúa Giêsu dùng Kinh thánh để tỏ cho các môn đệ biết Người là Đấng Kitô đã phải trải qua đau khổ rồi mới phục sinh.

Bấy giờ mắt các môn đệ mới sáng ra và tin Người đã sống lại.

Các tông đồ xưa thật đáng trách vì được phúc đối diện với Chúa Giêsu mà không nhận ra Người. Nhưng xét lại, chúng ta cũng chẳng khá hơn vì hằng ngày Chúa Giêsu vẫn hiện diện giữa chúng ta mà chúng ta chẳng nhận ra Người.

Chúa Giêsu đã nhiều lần dùng Kinh thánh để chứng tỏ cho chúng ta biết rằng: Người đang hiện diện nơi tha nhân và những anh chị em chung quanh là chi thể của Người ( 1 Cor. 12:27; 6:15; 10:17), Người tự đồng hóa mình với tha nhân nên những gì chúng ta làm cho tha nhân là làm cho chính Người (Mt 25:40)… [xem 1]. Vậy mà chúng ta vẫn chưa xác tín lời Người dạy, chưa nhận ra Người đang sống bên cạnh, đang đồng hành với chúng ta.

Để diễn tả thực trạng đó, Cha Anthony de Mello, có ngụ ngôn sau đây:

Một con cá sống ở đại dương hỏi một con cá khác:

– Xin lỗi bác, bác già hơn và kinh nghiệm hơn cháu. Hẳn là bác có thể giúp cháu được. Xin bác hãy nói cho cháu biết: cháu có thể tìm thấy ở đâu điều mà người đời thường gọi là đại dương? Cháu đã tìm kiếm khắp nơi mà chẳng thấy.

Cá già nói:

-Đại dương ư? Cháu đang lội trong đó mà!

-Đây ư? Nhưng chỉ là nước thôi mà. Cái mà cháu tìm kiếm là đại dương kìa.

Rồi con cá non dại đó đã rất thất vọng ngoe nguẩy cái vây và lội đi tìm kiếm ở nơi khác.

(Anthony de Mello trong tác phẩm: “Như tiếng chim hót”)

Con cá bơi lội trong đại dương mà chẳng thấy đại dương đâu, chỉ thấy chung quanh toàn là nước. Thế rồi, con cá tội nghiệp đó vẫn thơ thẩn bơi lội đi tìm đại dương.

Chúng ta cũng như con cá bé bỏng đáng thương kia. Chúng ta đang kiếm tìm Thiên Chúa, chúng ta khao khát được gặp Chúa phục sinh, trong khi Người đang hiện diện chung quanh ta, đang đồng hành với ta, cùng ta làm việc, cùng ta sinh hoạt trong cùng một mái nhà, một xưởng máy… Vậy mà chúng ta đâu có nhận ra Người. Chúng ta tưởng Người ở nơi đâu xa lắm, mãi tít trên trời xanh; chúng ta tưởng chừng Người đang lởn vởn đâu đó như một bóng ma. Thế rồi, như con cá non dại kia, chúng ta thơ thẩn đi tìm Chúa ở những phương trời khác.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

Con cá bé bỏng kia không ngờ rằng nước biển và đại dương chỉ là một nên nó đã hoài công bơi lội tìm kiếm điều mà nó vẫn được tiếp cận thường xuyên; chúng con cũng không ngờ rằng Chúa và tha nhân là một nên chúng con đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội được phục vụ và vui sống bên Ngài.

Xin giúp chúng con sớm giác ngộ để chấm dứt hành trình tìm kiếm Chúa cách viển vông nhưng biết dừng lại để yêu thương và phục vụ Chúa đang hiện diện nơi những anh chị em đang sống quanh mình. Amen.

(1) “Vậy anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” ( 1 Cor. 12:27);

“Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? (1 Cor. 6:15);

“Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cor. 10:17)

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40)

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

NHẬN BIẾT ĐỨC GIÊSU

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

I. Dẫn vào Thánh lễ

Trên cuộc lữ hành dương thế, chúng ta không phải là người độc hành cô đơn phải tự mình giải quyết mọi vấn đề. Nhưng có Chúa cùng đi với chúng ta. Tuy vô hình nhưng Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Lời Ngài soi sáng tâm trí và sưởi ấm cõi lòng chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe câu nói mà phụng vụ thường nhắc đi nhắc lại: “Chúa ở cùng anh chị em”.

II. Gợi ý sám hối

Ðức Giêsu đã nói “Bình an cho chúng con”. Nhưng bình an có đang thực sự ngự trị trong tâm hồn chúng ta và trong môi trường chúng ta sống không? Ðức Giêsu đã nói “Hãy ở trong Thầy”. Nhưng chúng ta có thực sự ở trong Chúa khi cầu nguyện, khi lãnh nhận các bí tích và khi sống trong cộng đoàn Giáo Hội không? Ðức Giêsu đã nói “Chúng con là nhân chứng của Thầy”. Nhưng chúng ta có thực sự làm chứng cho Chúa qua lời nói, việc làm và cách sống không?

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I: Cv 3:13-15, 17-19

Sau khi Phêrô chữa lành một người què tại cửa Ðền thờ, nhiều người ngạc nhiên và bàn tán. Nhân cơ hội này, Phêrô giảng một bài:

  • Trong phần đầu bài giảng, Phêrô xác nhận người què này được chữa lành không phải nhờ quyền năng hay đạo đức riêng của ông, mà chính là nhờ Danh Giêsu.
  • Qua phần hai, Phêrô nhắc lại vụ án Ðức Giêsu. Ông nói người Do Thái đã giết Ðức Giêsu vì họ không “biết”. Nay Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại. Việc này chứng tỏ Ðức Giêsu chính là Ðấng Messia. Vậy họ hãy sám hối và tin vào Ngài để được ơn cứu độ.
  1. Ðáp ca: Tv 4
  • Ðây là lời cầu nguyện bày tỏ lòng trông cậy phó thác: mặc dù đang ở trong cơn khốn khó, tín hữu vẫn tin rằng Thiên Chúa sẽ giải thoát mình cho nên người tín hữu cảm thấy “thư thái bình an, vừa nằm tôi đã ngủ”.
  • Ðức Giêsu chính là người sống tâm tình này tuyệt hảo nhất: Ngài đã “nằm ngủ” bình an trong tay Thiên Chúa rồi được Thiên Chúa cho “thức dậy” qua cuộc phục sinh.
  1. Tin Mừng: Lc 24:35-38
  • Hai môn đệ Emmau đã theo Ðức Giêsu bấy lâu nay, họ nghĩ rằng họ “biết” Ngài. Theo cái “biết” ấy thì Ngài chỉ là “một tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ” và họ “hy vọng Ngài sẽ cứu Israel”.
  • Nhưng khi Ðức Giêsu bị giết, họ mới ý thức rằng cái “biết” đó chỉ là cái họ “tưởng” chứ không phải là “biết” thật.
  • Ðức Giêsu giúp họ “biết” thực sự, nhờ việc Ngài giảng giải Lời Sách Thánh và nhờ việc Bẻ bánh.
  • Khi đã “biết” Ðức Giêsu, hai ông vội vã trở lại Giêrusalem để loan báo cho các môn đệ khác “biết” nữa.
  1. Bài đọc II: 1 Ga 2:1-6a
  • Chịu ảnh hưởng của thuyết Ngộ đạo, các tín hữu cũng coi trọng sự “biết” và họ tự hào rằng mình đã biết Ðức Giêsu.
  • Thánh Gioan tông đồ giải thích thế nào là “biết” thật: “Chính nơi điều này mà chúng ta biết rằng mình “biết” Ðức Giêsu, đó là chúng ta giữ các giới răn của Ngài. Ai nói rằng mình “biết” Ngài mà không giữ giới răn Ngài thì ấy là kẻ nói dối“.

IV. Gợi ý giảng

  1. “Biết” và được cứu độ

Vào khoảng cuối thế kỷ I, có một lạc thuyết nổi lên trong Giáo Hội, đó là thuyết Ngộ đạo. Thuyết này đề cao sự hiểu biết (“ngộ”): ai đã đạt đến trình độ hiểu biết cao sâu về Chúa thì sẽ bảo đảm được cứu độ. Ngày nay, có nhiều người cũng lầm tưởng rằng nếu “biết” giáo lý, “biết” lề luật, “biết” Thánh Kinh thì cũng bảo đảm được phần rỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay xóa tan ngộ nhận ấy, cái “biết” có thể mang đến ơn cứu độ là cái “biết” do suy gẫm sách Thánh và kết hợp với Ðức Giêsu Thánh thể. Bài trích thư thứ nhất Thánh Gioan cho thấy thêm một điều kiện nữa: không chỉ biết Chúa mà còn phải tuân giữ các giới răn của Ngài nữa thì mới được cứu độ.

  1. Những cảm nghiệm Emmau

Vào chính ngày Ðức Giêsu sống lại, có hai môn đệ chán nản rời Giêrusalem để về làng Emmau. Thánh Luca cho biết tên một người, đó là Clêôpát. Còn người kia thì Luca không nói tên. Chắc chắn không phải vì ông không biết, nhưng có lẽ vì người thứ hai ấy chính là Luca, hoặc cũng có thể vì một lý do gì khác. Ch. Perrot đã đoán lý do khác ấy là: “Người bạn của Clêôpát không được nêu rõ tên nhưng lại mang tên của mọi tín hữu”. Nghĩa là, theo suy đoán của Ch. Perrot, Thánh Luca cố ý không nêu tên người môn đệ kia vì muốn coi người ấy là đại biểu của mọi tín hữu. Nói cách khác, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể trải qua những cảm nghiệm của người môn đệ ấy. Vậy chúng ta hãy đi vào tâm trạng của người môn đệ ấy, và chia xẻ những cảm nghiệm của ông.

  1. “Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán thì chính Ðức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản nên không nhận ra Ngài”: Ðây là cảm nghiệm thứ nhất, cảm nghiệm về tình trạng của Ðức Giêsu phục sinh. Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta và luôn cùng đi với chúng ta. Chỉ có điều là cặp mắt xác thịt của chúng ta không thấy được Ngài, giống như có một bức màn ngăn cách giữa chúng ta với Ngài. Ðến một lúc nào đó, nếu Ngài muốn, thì Ngài bỏ bức màn ấy xuống, khi đó không còn gì ngăn cản nữa thì chúng ta sẽ thấy được Ngài. Ðối với hai môn đệ Emmau, đó là lúc ở trong lữ quán, “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài”.
  2. Vậy nhờ cái gì mà tấm màn ngăn cách chúng ta với Ðức Giêsu phục sinh được cất đi để chúng ta nhận ra Ngài? Cảm nghiệm của hai môn đệ Emmau cho thấy nhờ hai điều:
    1. Ðiều thứ nhất là nhờ suy gẫm Sách Thánh: “Ngài giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh”. Sau này hai ông nhớ lại cảm giác lúc đó: “Dọc đường khi Ngài nói chuyện và giải thích Sách Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao?”.
    2. Ðiều thứ hai là Bí tích Thánh Thể: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài”.
  • Sách Thánh đã làm cho những cõi lòng lạnh giá chán chường bừng cháy lên, Bí tích Thánh Thể khiến cho bức màn ngăn cản cặp mắt xác thịt hạ xuống.
  • Thực ra chúng ta đã nhiều lần đọc Sách Thánh và tham dự Bí tích Thánh Thể. Nhưng tại sao khi đọc Sách Thánh lòng chúng ta không “cháy bừng lên”, và khi tham dự Thánh Lễ mắt chúng ta không “mở ra”? Thưa vì chúng ta đọc Sách Thánh như đọc về Ðức Giêsu chứ không phải đọc với Ðức Giêsu như hai môn đệ Emmau; và chúng ta dâng Thánh Lễ như dâng lên cho Ngài chứ không phải cùng dâng với Ngài.
  • Chúng ta có thể làm mọi việc với Ngài, bởi vì Ðức Giêsu phục sinh luôn hiện diện bên cạnh chúng ta và luôn cùng đi với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Ngày xưa đối với hai môn đệ Emmau cũng thế và ngày nay cũng vẫn thế.
  1. Cuộc sống mới của các môn đệ

Có thể nói sau khi Ðức Giêsu chết thì các môn đệ cũng chết luôn, chết về mặt tinh thần và về luân lý: nhóm 12 đã rã rời, vì Giuđa đã tự vẫn, Tôma đã bỏ đi do khủng hoảng đức tin, những người còn lại thì co cụm với nhau trong căn phòng đóng kín cửa, lòng họ đầy sợ hãi, nghi ngờ, mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng.

Nhưng ngay sau khi sống lại, Ðức Giêsu phục sinh cũng làm cho họ sống lại: Ngài chủ động đến với họ chứ không chờ họ đi tìm Ngài, Ngài không nói một lời trách móc nhưng lại chúc bình an, Ngài ăn uống với họ để họ tin chắc Ngài vẫn sống, Ngài mở trí cho các ông hiểu ý nghĩa Thánh Kinh, Ngài lại còn sai họ ra đi rao giảng cho muôn dân. Tất cả những việc làm tế nhị và yêu thương ấy đã giúp cho các môn đệ

  • không còn sợ hãi
  • không còn nghi ngờ
  • không còn mặc cảm tội lỗi
  • không còn buồn phiền
  • không còn thất vọng

Con người cũ của các ông không còn, các ông như được sống lại trong con người mới, sẵn sàng ra đi khắp nơi loan báo Tin Mừng phục sinh cho mọi người.

  1. “Hãy nhìn chân tay Thầy”

Một người con kia rất yêu thương cha mình. Người cha là một nông dân, suốt đời cần cù lao động để nuôi sống gia đình. Khi người cha chết đi, lòng người con rất buồn rầu. Anh cứ đứng gần thi thể của cha mà nhìn, nhất là nhìn đôi bàn tay của cha. Anh nói: “Nhìn đôi bàn tay sần sùi chai sạm ấy, tôi nhớ lại tất cả những cực nhọc khổ sở mà cha tôi đã chịu vì yêu thương tôi” Khi hiện đến với các môn đệ, Ðức Giêsu cũng bảo họ hãy nhìn chân tay Ngài, những chân tay không phải chai sạm mà đầy những thương tích. Nhìn không phải chỉ để xác nhận Ðức Giêsu hôm nay cũng chính là Ðức Giêsu hôm qua bị đóng đinh, mà còn để nhận ra tình thương bao la vô bờ bến của Ngài: “Không có tình thương nào lớn hơn tình của người thí mạng sống cho người mình thương”.

Khi hiện ra với Tôma, Ðức Giêsu cũng bảo ông hãy chạm đến các vết thương của Ngài, rồi Ngài nói: “Ðừng hồ nghi nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20:28). Tin gì? Không chỉ tin là Ngài đã sống lại, mà còn tin vào tình thương của Ngài.

Tình Chúa thương ta là một điều chắc chắn, đã được đóng dấu bằng những vết thương trên thân xác Ngài. Chúng ta hãy tin chắc như thế, không có gì lay chuyển được.

  1. Biến cố làm đảo lộn lịch sử thế giới

Trong những ngày ấy, có hai người bước trên đường về Emau, một làng cách Giêrusalem vài cây số. Về Emau, có nghĩa là trở về hư vô, về cõi của những niềm hy vọng đã tan vỡ. Họ kiệt lực rồi, họ hết còn mơ mộng, họ cũng đã hết nhiệt tình. Trước đây, họ đã đi theo phong trào Giêsu với tất cả nhiệt huyết, họ cứ chắc mẩm rằng họ sẽ giải phóng thế giới khỏi cái ác, giải phóng dân tộc họ khỏi giới quí tộc Ðền thờ và khỏi ách đô hộ La Mã.. Nhưng nay thì hết rồi Thầy đã chết, chết quá dễ dàng không một biểu hiện tự vệ. Các thủ lãnh phong trào Giêsu, những bạn đồng hành thân cận nhất của Thầy, những người mà Thầy tín cẩn, cũng đã lánh mặt vì khiếp nhược, vì thất vọng. Có người thậm chí còn bảo, anh Phêrô nhiệt tình là thế, bao giờ cũng tranh ăn trên nói trước, thế mà người ta bảo anh đã thề độc, đã chứng minh anh không hề quen biết Giêsu.

Thế là hết. Hai anh tưởng đã được tham dự vào một cuộc phiêu lưu độc đáo, khiến cho đời các anh có một ý nghĩa rực sáng, mở ra cho hai anh, mở ra cho mọi người một tương lai chan chứa niềm vui và niềm hy vọng. Vậy mà giờ đây họ chỉ còn những nuối tiếc, hận đời và dằn vật.

Một người khách lạ nhập bọn với hai anh, bảo hai anh kể cho ông ta nghe về những nỗi buồn và niềm bất hạnh của họ. Cái ông khách này là một người hiếm hoi, biết nghe người khác nói. Rồi ông ta giải thích cho hai anh nghe về lịch sử thế giới, bắt đầu bằng kể về ông Môisê và các ngôn sứ. Hai anh thấy lòng ấm dần lên, cởi mở dần ra. Ðầu óc của hai anh, chậm hiểu hơn trái tim, chỉ nhận ra Ngài sau khi cùng Ngài chia sẻ bữa tối và sau khi Ngài khuất dạng.

Thế là hai anh quay lại, bước ra khỏi tăm tối và hư vô, trở về Giêrusalem. Những người các anh gặp lại ở Giêrusalem cũng đã từng trải qua những thất vọng não nề… Vậy mà những con người thảm hại ấy bỗng đứng lên, mạnh dạn tuyên bố rằng Ðức Kitô đang sống, và bằng chúng thuyết phục nhất là chính họ đã thấy Ngài, thậm chí đã cùng ăn uống với Ngài.

Những điều họ nói, thật ra không phải một bằng chứng bằng chứng thuyết phục nhất là chính họ, những người thấp hèn, nhát gan, ít chữ nghĩa, nay dám đương đầu với mọi hiểm nguy và làm phục sinh lại phong trào Giêsu. Ðến đâu họ cũng nhắc lại những lời yêu thương và giải phóng, những lời không hẳn được tất cả mọi người nghe theo, nhưng là những lời đã thay đổi lịch sử thế giới.

Vậy thì, trong những ngày ấy, đã có một biến cố xảy ra, như một vụ bùng nổ, làm xuất hiện niềm tin và thay đổi cuộc đời những người này. Ðối với họ, biến cố đã xảy ra đó là, Ðức Giêsu đang sống. Ðức Giêsu đã phục sinh, và họ đã loan truyền cái tin ấy đến nỗi dám hy sinh cả mạng sống. Chẳng ai có thể đưa ra những bằng chứng để chứng tỏ điều đó. Ai cũng có quyền nghi ngờ. Thiên Chúa mà Ðức Giêsu đã rao giảng thì tôn trọng tự do của con người đến độ đẻ họ nghi ngờ và phủ nhận Ngài… Tuy nhiên, trong những ngày ấy, một biến bố đã xảy ra làm đảo lộn những người đàn ông, những người phụ nữ ấy, và đã làm đảo lộn thế giới. Jacques Duquesne (Nhà văn Pháp)

  1. Ðời sống chứng nhân

Albert Schweitzer là một cậu bé rất thông minh, lại say mê âm nhạc. Khi trưởng thành cậu chơi đàn Organ, và cuối cùng đã trở thành Tiến sĩ âm nhạc. Sau đó, Albert nghiên cứu các chủ đề về tôn giáo, và đã đậu Tiến Sĩ Triết Học. Ông làm Hiệu Trưởng trường Ðại Học. Như thể học chưa đủ, ông từ chức Hiệu trưởng để theo ngành y khoa, 7 năm sau, trở thành bác sĩ với bằng Tiến sĩ Y Khoa. Với 3 bằng cấp Tiến sĩ, Albert Schweitzer dễ dàng trở thành một người giàu có, và nổi tiếng.

Thế nhưng, tiến sĩ Albert Schweitzer lại cùng với người vợ bán tất cả gia tài, sang tận Châu Phi thiết lập một bệnh viện ở Lambarene. Ông cứu giúp hàng ngàn người phong cùi và những người mắc bệnh buồn ngủ.

Ông huấn luyện y tá và điều dưỡng để phụ giúp ông. Khi hết tiền mua thuốc, ông trở về Âu Châu, trình diễn âm nhạc trong thành phố lớn, lấy tiền vé vào cửa để trả tiền mua thuốc cho bệnh viện của ông ở Lambarene. Ông tin rằng những người nghèo ở Châu Phi đều là những thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1953.

Sau khi dâng hiến cả cuộc đời cho người Châu Phi nghèo khổ, nhà truyền giáo đã đi về nhà Cha năm 1965 lúc 90 tuổi.

Tin mừng hôm nay, Ðức Giêsu Phục sinh kêu gọi các môn đệ hãy làm chứng nhân cho Người. Chúng ta hãy là chứng nhân của sự sống mới. Thế giới ngày nay quay cuồng trong nỗi chết. Cái chết của chiến tranh, khủng bố khiến người ta chết không toàn thây. Cái chết của sida, ma tuý làm người ta chết không ra con người. Cái chết của phá thai, tự vẫn như cướp quyền Ðấng Tạo Hóa. Người tín hữu Kitô phải làm chứng cho sự sống mới.

Sự sống của Ðấng Phục sinh: Lôi cuốn, hấp dẫn gấp ngàn lần nỗi chết quay quắt điên loạn của con người. Sự sống của Ðấng Phục sinh tràn đầy niềm hy vọng. Nếu Ðức Kitô bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ, thì chúng ta có quyền tin tưởng vào chiến thắng của Người trên bạo lực, hận thù và nỗi chết.

Chúng ta hãy là chứng nhân của niềm vui. Nếu các môn đệ buồn phiền vì Thầy đã chịu khổ hình, thì các ông lại vui mừng biết bao khi nghe tin Thầy sống lại. Nếu các môn đệ lo âu vì sợ người ta đã giết Thầy sẽ bắt luôn cả trò, thì các ông lại trọn niềm hân hoan khi thấy Thầy sống lại ra khỏi mồ. Nếu chúng ta thực sự ra khỏi nỗi âu lo về mình, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui. Nếu chúng ta mang lại nụ cười cho những người bất hạnh, chúng ta đang công bố tin vui Phục sinh.

Ðức Hồng Y Danielou có nói: “Chúng ta hãy tự khai mở niềm hy vọng của người bất hạnh, cho dù điều đó đe dọa đến của cải chúng ta”.

Cha Charles de Foucauld quả quyết: “Chỉ có một số người có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng đời sống lương thiện, gương mẫu, và bằng đời sống Kitô hữu sinh động”.

Trong nghi thức rửa tội của Giáo hội Ấn Ðộ, người chịu phép Rửa tội đặt tay lên đầu và nói: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr. 9:16).

Vậy lời rao giảng Tin mừng sinh động nhất, hữu hiệu nhất và cao đẹp nhất chính là một cuộc đời quên mình phục vụ như nhà truyền giáo Albert Shweitzer đã làm cho những người phong cùi Châu Phi.

Lạy Chúa,

Khi chúng con u sầu, xin đem đến một ai đó để chúng con an ủi. Khi gánh nặng đè bẹp, xin chất thêm cho chúng con gánh nặng của người khác nữa.

Khi chúng con cần sự âu yếm vỗ về, xin cho người khác kêu gọi chúng con đến để vỗ về âu yếm họ.

Xin dạy chúng con trở nên chứng nhân của một Thiên Chúa phục vụ và yêu thương. Amen.

(Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Ðức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và phải làm chứng về Chúa Phục sinh cho muôn dân. Ý thức trách nhiệm đó, chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện:

  1. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong Hội thánh / luôn nêu gương khiêm tốn ăn năn sám hối về các thiếu sót lỗi lầm / và luôn kêu gọi mọi người ăn năn sám hối / để loại trừ bớt tội lỗi trong thế giới.
  2. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền trên thế giới / biết cộng tác với nhau để ngăn chặn chiến tranh / diệt trừ tội ác, khủng bố, giết người / và xây dựng một thế giới hòa bình hạnh phúc hơn.
  3. Chúng ta cùng cầu xin cho những nạn nhân của bất công khủng bố / những người vô tội bị bách hại / những người nghèo đói bị khinh chê / những người yếu đuối bị áp bức / được Ðức Giêsu Phục sinh nâng đỡ và ủi an.
  4. Chúng ta cùng cầu xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta / luôn nhớ đến trách nhiệm làm chứng về Ðức Giêsu Phục sinh cho mọi người chung quanh chúng ta.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn nhớ lệnh truyền của Ðức Giêsu Kitô là ăn năn sám hối và dùng tất cả đời sống làm chứng về Người, để chúng con thực sự là môn đệ của Người. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.

VI. Trong Thánh lễ

  • Trước kinh Lạy Cha: Ðức Giêsu là Ðấng công chính nhưng đã hiến thân làm lễ vật đền tội cho loài người chúng ta. Chính vì công nghiệp của Ngài mà chúng ta dám thưa với Thiên Chúa là Cha chúng ta rằng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”
  • Chúc bình an: Ngày xưa Ðức Giêsu phục sinh đã “ở giữa các môn đệ và nói ‘Bình an cho anh em”. Hôm nay nguyện chúc bình an của Chúa cũng hằng ở cùng anh chị em.
  • Trước rước lễ: Ðức Giêsu phục sinh đã mời các môn đệ đụng chạm vào thân thể Ngài và hãy tin. Bây giờ Ngài cũng mời chúng ta kết hợp với Mình Máu Thánh Ngài. “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng…”

VII. Giải tán

Anh chị em đã biết rằng Ðức Giêsu đã chịu nạn, chịu chết và sống lại để sinh on cứu rỗi cho loài người. Anh chị em phải làm chứng điều đó trước mặt mọi người. Chúc anh chị em về bình an.

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*