• CUỘC GẶP GỠ “E NGẠI” – Sr. Maria Nguyễn Thị Quỳ, CMR
  • THIÊN CHÚA ĐÃ YÊU TRẦN THẾ - Lm. Nguyễn Thái
  • LÒNG CHÚA YÊU THƯƠNG THA THỨ - Lm. Đinh Lập Liễm
  • NHÌN LÊN ÁNH SÁNG - TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
  • THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG YÊU THƯƠNG – Lm. Inhaxiô Trần Ngà
  • KHUYẾN KHÍCH SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

CUỘC GẶP GỠ “E NGẠI” (Ga. 3:14-21)

Sr. Maria Nguyễn Thị Quỳ, CMR

Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay thuật lại cho chúng ta một cuộc gặp gỡ kỳ lạ xẩy ra giữa Chúa Giêsu và một bậc vị vọng trong dân. Người đó là ai mà phải tìm đến Chúa Giêsu vào ban đêm? Đó chính là Nicôđêmô, người được xem là “bậc thầy” trong dân Israel (c.10), và cũng được coi là người đạo đức. Xét như là “bậc thầy” thì ông phải là người có tri thức và địa vị trong xã hội. Còn xét như là người Biệt phái thì ông phải là người đạo đức và giữ luật thật nghiêm nhặt. Tuy nhiên, khi ông đến gặp Đức Giêsu thì mọi giá trị nơi ông đang có đều bị đảo lộn. Ông từ một người làm thầy của dân giờ trở thành một người học trò đối với những gì Đức Giêsu nói. Ông từ một người đạo đức, am tường và tuân giữ mọi lề luật cách nghiêm ngặt thì lại ngạc nhiên trước mầu nhiệm Đức Giêsu đang nói.

Câu nói mở đầu cuộc đối thoại của ông cho chúng ta thấy rằng: Cả nhóm Pharisiêu đều hiểu biết về Chúa Giêsu, nhưng chỉ một mình Nicôđêmô có sự khao khát tìm kiếm và mong gặp được chân lý. Ông đã có một khởi đầu tốt, một sự can đảm trong “rụt rè – e ngại”, “ông đến gặp Chúa Giêsu ban đêm”. Tuy nhiên, khởi đầu rất yếu còn hơn là không có khởi đầu. Có khởi đầu nhưng không can đảm tiếp tục dứt khoát cũng lại là điều lỡ làng đáng tiếc. Trong cuộc sống có biết bao lần ta cũng có những khởi đầu như Nicôđêmô, nhưng kết thúc cuộc gặp gỡ ấy còn tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi chúng ta. Điều mà chúng ta lãnh nhận tỷ lệ thuận với những gì chúng ta dám mất.

Nicôđêmô thì sao, vào đoạn kết của Tin Mừng, tác giả không cho thấy ông đã hiểu ra điều gì Đức Giêsu đã nói. Nhưng đã có một sự thay đổi, làm cho mọi giá trị nơi Nicôđêmô bị đảo lộn. Phải chăng do tính uyên thâm nơi giáo lý của Đức Giêsu dạy, hay do quyền năng của Đức Giêsu? Tuy nhiên, điều được làm nổi bật ở đây là tình yêu bao la của Thiên Chúa.

Chính tình yêu bao la này làm cho Nicôđêmô không hiểu những điều Đức Giêsu nói, dù ông là bậc thầy trong dân. Và cũng tình yêu này làm cho ông ngạc nhiên trước mầu nhiệm Đức Giêsu đang nói. Ông ngạc nhiên vì ông chỉ biết một Thiên Chúa của Cựu Ước luôn sửa phạt những bất trung của con người, chứ không biết đến một Thiên Chúa luôn yêu thương con người cả khi con người còn mang tội lỗi. Ông không hiểu vì những kiến thức của ông chỉ là những biến cố trong quá khứ, còn mầu nhiệm Đức Giêsu nói thì hoàn toàn mới mẻ: mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa tưởng nghĩ đến.

Một cuộc gặp gỡ, dù được khởi đầu trong e ngại nhưng dám bước ra khỏi những gì mình đang có để thiết lập một mối tương quan với Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm nhận được sự vĩ đại lớn lao tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người. Cuộc gặp gỡ có thể là một cuộc trao đổi hay một biến cố trong cuộc đời mỗi người. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phải tinh tế để nhận ra cuộc gặp gỡ này. Như vậy, để có thể nhận ra được tình yêu Thiên Chúa dành cho ta hoàn toàn tùy thuộc vào việc ta dám chấp nhận để cho Thiên Chúa đảo lộn những giá trị mà ta đang theo đuổi thành điều giá trị nhất đó, chính là nhận ra Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại khi trao ban chính Con Một.

Nicôđêmô đã nhận ra được điều này nên vào cuối Tin Mừng ông lại xuất hiện một lần nữa với tư cách là người môn đệ tháo xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, chứ không phải xuất hiện một cách e ngại nữa. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta sợ có những cuộc gặp gỡ Chúa như Nicôđêmô đã làm, phải chăng ta sợ khi để cho Chúa đi vào cuộc đời ta, Ngài sẽ làm đảo lộn mọi giá trị trong ta, ta sợ phải thay đổi, phải trực diện với lương tâm của mình?

Chúa Nhật IV Mùa Chay đưa chúng ta đến gần cuối hành trình sứ mệnh của Đức Giêsu trên dương thế. Giáo Hội qua phụng vụ Lời Chúa càng làm nổi bật hơn khi giới thiệu cho ta gương mặt của Nicôđêmô, ông trở thành tấm gương cho mỗi chúng ta trên con đường hoán cải. Sự khởi đầu cho hành trình hoán cải không ngừng của người tín hữu, không gì khác hơn là bắt chước Nicôđêmô thiết lập một mối tương quan với  Chúa dù khởi đầu có e dè, nhưng dám để cho Thiên Chúa đảo lộn những giá trị đang có nơi ta, hầu ta có thể nhận ra tình yêu bao la của Thiên Chúa vẫn luôn thi thố trong cuộc đời mình. Và đó còn là hành trình người tín hữu làm chứng về tình yêu bao la của Thiên Chúa giữa một thế giới hôm nay còn thiếu vắng tình yêu.

Sr. Maria Nguyễn Thị Quỳ, CMR

THIÊN CHÚA ĐÃ YÊU TRẦN THẾ

Lm. Nguyễn Thái

Hôm nay, Giáo Hội kêu gọi chúng ta: “Mừng vui lên, Giêrusalem hỡi!… Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở reo mừng, và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan” (Is 66: 10-11). Tại sao Giáo Hội lại kêu gọi chúng ta hãy vui lên giữa lúc phải ăn năn sám hối của Mùa Chay? Câu chuyện sau đây có thể giúp trả lời.

William Willimon kể rằng: “Một trong những điều xảy ra lạ lùng nhất và ám ảnh nhất trong tuổi thơ của tôi đó là vết cắn của một con rắn. Bảo tàng viện The Field Museum ở Chicago, nơi cha tôi làm việc, có một bộ sưu tầm về những con vật sống cũng như những con đã chết được trưng bày và làm giống như còn sống. Câu chuyện xảy ra cho một nhà khoa học chuyên môn nghiên cứu về rắn. Một đêm nọ, trong văn phòng, ông làm việc rất khuya để ghi nhận những đặc điểm về vài loại rắn độc mà viện bảo tàng vừa có được. Có một con rắn mà ông đặc biệt chú ý đến vì chưa ai biết về nó. Rủi thay, đang khi nghiên cứu về con rắn này, nhà khoa học đã bị nó cắn. Ông nhận ra ngay rằng đây là một con rắn rất độc, và cũng biết rằng nó là loại rắn chưa ai biết và phân loại, nên cũng chưa có thuốc giải độc. Toàn bộ khu vực bảo tàng viện hoàn toàn vắng người, chỉ trừ mấy người gác gian ngoài cửa chính, nhưng lại rất xa chỗ văn phòng làm việc của ông. Chẳng còn cách nào để gọi cầu cứu, ông đã mau chóng quyết định trở lại bàn giấy và bắt đầu viết xuống, diễn tả những triệu chứng ông đang trải qua.

Sáng sớm hôm sau, khi những nhân viên làm việc đến, nhà khoa học đã chết gục trên bàn làm việc của ông. Những điều ông viết xuống kể lại những gì đã xảy ra là một di sản quý báu cho những người tiếp tục công việc ông làm. Qua cuộc khám nghiệm tử thi người ta đã biết được làm thế nào nọc độc đã giết chết ông, và từ đó đã có thuốc chống nọc độc thích hợp. Biết bao nhiêu người đã được cứu sống vì ông đã lãnh nhận toàn bộ nọc độc của con rắn trong người ông.”

Sự hy sinh của nhà khoa học nhắc nhở chúng ta về điều mà Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi dân thành Côrintô đã viết: “Nọc độc của sự chết là tội lỗi, và sức mạnh của tội là lề luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cor 15:56-57).

Lý do của sự vui mừng hôm nay là Tình Yêu Thiên Chúa. Nhà khoa học đã hy sinh mạng sống mình cho người khác được sống là một hình ảnh minh họa cho tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã hy sinh mạng sống mình để cứu nhân loại được sống.

Con rắn đưa chúng ta trở về với câu chuyện Thánh Kinh đã diễn tả trong Cựu Ước. Trong sa mạc, nạn dịch đã xảy ra cho dân Do Thái. Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê treo con rắn lên cây cột và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó thì được sống (Ds 21:9). Hình ảnh của con rắn bằng đồng biểu tượng cho ơn cứu độ nhờ Ngôi Lời Nhập thể (GLCG # 2130). Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã phán dạy những lời mà các nhà chú giải Thánh Kinh gọi là “Thánh Kinh thu nhỏ lại – Bible in miniature”, hay “Trái tim của Thánh kinh – The heart of the Bible”: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3:16). Để dễ nhớ, một tác giả đã đơn giản hóa lại như sau:

– “Thiên Chúa”… Người Yêu vĩ đại nhất.

– “Đã yêu… đến nỗi”… Cấp độ vĩ đại nhất.

– “Thế gian”… Con số vĩ đại nhất.

– “Đã ban”… Hành động vĩ đại nhất.

– “Con Một Ngài”… Món quà vĩ đại nhất.

– “Để tất cả những ai”… Thiệp mời vĩ đại nhất.

– “Tin”… Sự đơn giản vĩ đại nhất.

– “Vào Ngài”… Con Người vĩ đại nhất.

– “Khỏi phải chết”… Sự giải thoát vĩ đại nhất.

– “Nhưng”… Sự khác biệt nhất.

– “Có”… Sự chắc chắn nhất.

– “Sự Sống đời đời”… Sở hữu vĩ đại nhất.

Để diễn tả tình yêu, tiếng Hy Lạp có ba từ khác nhau cho ba loại tình yêu, trong khi Anh ngữ chỉ có một từ chung là “love” để chỉ ba tương quan đó: 1- Eros: tình yêu vợ chồng, nam nữ – romantic love – trong hôn nhân. 2- Philia: tình bạn hữu – fellowship love – trong xã hội. 3-Agape: tình yêu tận hiến, hy sinh – sacrificial love – như người mẹ liều thân mình bảo vệ và hy sinh cho người con còn trong bụng mẹ.

Tình yêu nam nữ, vợ chồng, thường có khuynh hướng muốn đón nhận nhiều hơn. Trong khi tình bạn lại muốn được chia sẻ, có qua có lại. Còn tình yêu tận hiến thì chỉ muốn cho đi. Với tình yêu tận hiến (agape or sacrificial love): “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban”. Đây là sự khác biệt lớn lao giữa tình yêu của Thiên Chúa và của chúng ta: Thiên Chúa cho đi và tha thứ; chúng ta đón nhận và lãng quên. Cho đi là dấu hiệu của tình yêu tận hiến.

Sách Giáo Lý Công Giáo diễn tả tình yêu Thiên Chúa như sau: “Tình yêu của Thiên Chúa dành cho Israel được ví với tình yêu của người cha đối với con mình (Hs 11:1). Tình yêu này mạnh hơn tình yêu của người mẹ đối với các con mình (Is 49:14-15). Thiên Chúa yêu Dân của Ngài hơn là vị phu quân yêu ái thê của mình (Is 62: 4-5); và tình yêu này sẽ thắng vượt tất cả những sự bất trung xấu xa nhất (Hs 11); và tình yêu này sẽ đi tới sự trao ban quý trọng nhất: ‘Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến mức đã ban Con Một của Ngài’ (Ga 3:16)” (số 219).

Đây là loại tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và Ngài cũng đòi hỏi chúng ta phải yêu nhau bằng tình yêu này (Ga 15:12). Có thể nói, đây cũng là loại tình yêu đang được sống trên thiên đàng. Và bất cứ nơi nào vắng mặt tình yêu tận hiến này đều làm cho chúng ta xa cách khỏi Thiên Chúa.

Có một vị thánh cầu xin với Chúa tỏ cho biết sự khác biệt giữa thiên đàng và hỏa ngục. Chúa mới sai một thiên thần dẫn bà đi xem, đầu tiên xuống hỏa ngục trước. Ở đó bà trông thấy quý ông quý bà ngồi quây quần xung quanh một bàn ăn đầy dẫy những lương thực thơm ngon. Nhưng chẳng có ai ăn được miếng nào cả. Tất cả ngồi buồn bã ngáp dài. Bà thánh mới hỏi một người trong họ, “Tại sao quý vị không ăn đi?” Người đó mới đưa bàn tay lên cho bà xem. Nó bị cột chặt vào một cái nĩa dài chừng một mét rưỡi, mỗi lần họ cố gắng lấy đồ ăn xúc vào miệng thì chỉ làm tung tóe xuống nền nhà. Nhìn thấy họ đói khát, thèm muốn mà tội nghiệp!

Rồi thiên thần đưa bà lên thiên đàng. Bà rất ngạc nhiên vì cảnh ở thiên đàng cũng hầu như giống với cảnh ở hỏa ngục. Quý ông quý bà cũng ngồi xung quanh một cái bàn tiệc với đủ loại đồ ăn ngon tuyệt vời, và tay mỗi người cũng bị cột vào một cái nĩa dài một mét rưỡi. Nhưng không giống như ở hỏa ngục, mọi người ở đây rất vui vẻ, cười đùa thỏa thích. Bà thánh mới hỏi một trong những người của họ, “Cái gì vậy? Tại sao các ngài lại vui vẻ trong tình trạng như thế này được?” Một người trả lời, “Ở đây, trên thiên đàng chúng tôi săn sóc, phục vụ và giúp cho nhau ăn uống.”

Chúng ta có thể nói rằng: “Ở đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.” Theo thơ của Thánh Gioan Tông Đồ: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Jn 4:16). Ở đâu có sự săn sóc, phục vụ và giúp đỡ cho nhau, ở đấy là thiên đàng.

Một ngày nọ, em bé gái bày đồ chơi trong phòng nơi người mẹ đang may vá quần áo. Thình lình bé chạy đến chỗ mẹ ngồi may vá, trèo lên đùi mẹ, quàng hai tay xung quanh cổ mẹ, rồi hôn mẹ. Sau đó với một cử chỉ yêu thương bé nghiêng cái đầu nhỏ bé lên bờ vai của mẹ và thì thầm vào tai mẹ, “Mẹ ơi, bé yêu mẹ lắm!” Người mẹ mỉm cười ngọt ngào nói: “Bé ơi, tại sao bé thương mẹ?” Với những giọt nước mắt long lanh trên khóe mắt, bé trả lời, “Bé thương mẹ là bởi vì mẹ yêu bé khi bé còn quá nhỏ để thương mẹ lại.”

Tương tự như tình yêu của người mẹ dành cho con cái (Mt 7:11), Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn chưa có gì để yêu thương lại Ngài (Rm 5:8). Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta hãy vui mừng trong tình yêu của Thiên Chúa ban cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Đó là “đã ban Con Một Ngài” cho chúng ta (Rm 8:32).

Chúng ta được mời gọi để tin vào Con Thiên Chúa, dấu tích của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta. Vì thế chúng ta phải dâng lời chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã làm (Ep 1: 3-5, 9-10). Trong Tông Sắc “Mầu Nhiệm Nhập Thể”, nhân dịp triệu tập năm thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Trong Đức Kitô, lịch sử cứu rỗi đạt đến chóp đỉnh và ý nghĩa cuối cùng…, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (Ga 1:16), và được giao hòa lại với Thiên Chúa Cha” (Rm 5:10; 2 Cr 5:18) (Bulla Apostolisca số 1).

Chúng ta cũng được mời gọi để sống một cuộc đời biết ơn Thiên Chúa bằng tình yêu thương đối với anh chị em đồng loại; không phải một tình yêu chỉ đi tìm sự đáp trả, nhưng với tình yêu hy sinh, tận hiến cho đi một cách quảng đại như Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi Ngài ban chính Con Một Ngài (Ep 4: 1-6; 3:17-19). Đây là ý nghĩa của Mùa Chay khi chúng ta ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái với một tình yêu hy sinh, tận hiến, và phục vụ cho tha nhân.

Lm. Nguyễn Thái

LÒNG CHÚA YÊU THƯƠNG THA THỨ

Lm. Đinh Lập Liễm

Con người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là một chân lý mà không ai chối cãi được. Chân lý gây xúc động sâu xa nhất mà Giáo Hội rao giảng là chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước muôn đời (Jer 31:3). Kitô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố đến thế gian đau khổ bệnh tật qua con người Đức Kitô. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tủy của Tin Mừng. Không có đoạn văn nào trong Kinh Thánh nói rõ điều này hơn là lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: ”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời” (Ga 3:16).

Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta cứ như là không còn ai khác để cho Ngài yêu thương. Ngài như người cha luôn mong muốn cùng gia đình đồng hành suốt cuộc đời, và không thể an lòng cho đến khi con cái đi đây đó, ai nấy đều an toàn trở về mái ấm gia đình.

Bài đọc thứ nhất (Jer 31:31-34) cho chúng ta biết dân Do Thái đã bất tuân lề luật và phụ bạc đối với tình yêu Thiên Chúa như thế nào. Họ đã phá vỡ giao ước và kéo theo sự sụp đổ hoang tàn của đền thờ và thành thánh. Chúa đâu có muốn trách phạt họ; Ngài muốn cho họ sống trung thành với Ngài như con cái đối với người cha, nhưng họ cứ đi sâu vào đàng tội, bỏ Chúa mà đi theo tà thần dân ngoại, bất đắc dĩ Ngài phải phạt để cho họ tỉnh ngộ (Is 10:5-6). Cho đến lúc mà Thiên Chúa không còn dung thứ được nữa, Ngài liền cho phép quân thù đến tấn công họ. Quân Babylon đến xâm chiếm đất nước của họ, giết chết hàng ngàn, hàng vạn người. Quân thù phá hủy thành thánh, đốt phá đền thờ và cưỡng ép dân còn sống sót đi lưu đầy bên Babylon.

Tuy nhiên vừa khi họ bị sát phạt, thì các tiên tri của Chúa liền xuống giọng. Các tiên tri bảo họ: đó là hình phạt của Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu. Nhiều tiên tri đã lên tiếng kêu gọi thống hối và sửa đổi cách sống, nhưng đã hoài công, chẳng ai màng tới. Chưa hết, ngay trong những giây phút đen tối nhất của cuộc lưu đầy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài nhưng tiếp tục kêu gọi họ quay về với lề luật, với Thiên Chúa.

Lịch sử dân Do Thái thật là một kho lưu trữ nhắc nhở cho chúng ta hay biết những gì sẽ xẩy ra mỗi khi chúng ta phũ phàng từ chối tình yêu Thiên Chúa. Lịch sử ấy cũng đem lại cho chúng ta niềm an ủi rằng chúng ta phải đối diện với sự lựa chọn: đón nhận hay từ chối lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta đã tự đặt mình vào một tình thế nguy hiểm là sống xa lìa với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn kính trọng tự do cá nhân của chúng ta và sẽ không áp đặt ép uổng tình yêu của Ngài, đi ngược với những ước vọng chúng ta. Chúng ta có thể từ chối lòng thương yêu cũng như quà tặng tình nghĩa của Chúa. Chúng ta có thể quay lưng lại với tình yêu của Chúa mà ôm lấy bóng tối của tội lỗi và tự mình vĩnh viễn tách xa khỏi Ngài.

Tuy vậy, Chúa không nỡ bỏ rơi dân Ngài. Chúa dùng vua của dân ngoại là Cyrô, vua Ba tư, để cứu thoát dân Ngài và đưa họ trở về quê cha đất tổ (Ez 1:1-3). Như vậy ta thấy những hình phạt của Chúa, không phải nhằm báo thù, trách phạt, mà là cách thế để luyện lọc, thanh tẩy và chữa trị họ, khiến họ trở nên tùy thuộc vào Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay có nhắc đến chuyện con rắn đồng (Jn 3:14). Sau khi xuất Ai cập, bốn mươi năm ròng rã trong hoang địa, dân Israel gặp mọi thử thách. Họ oán trách Chúa đã để họ lầm than. Một lần cơn thịnh nộ của Chúa đã để cho rắn độc cắn chết nhiều người. Dân Chúa quá sức khiếp sợ. Họ nhìn nhận tội lỗi của mình, và Chúa đã đoái thương nỗi khốn khổ của họ. Ngài dạy ông Maisen hãy làm một con rắn bằng đồng, treo lên một cái sào để bất cứ ai bị rắn cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng, sẽ được khỏi. Như vậy, khi con rắn đồng được giương lên, thì ngay chính lúc đó, lòng tha thứ của Thiên Chúa lại tỏa sáng và trao ban. Từ nay Thiên Chúa sẽ cứu sống dân, những kẻ đã từng oán trách Ngài.

Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng con người không nhìn ra. Chính vì thế Thiên Chúa đã biểu lộ một cách cụ thể tình yêu của Ngài cho nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô, Con yêu của Ngài, như lời Thánh Gioan đã nói: ”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Con Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3:16), và Ngài còn nói tiếp: ”Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến để luận phạt mà là để cứu độ” (Ga 3:17).

Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại qua Đức Kitô đã được ám chỉ trong Cựu Ước. Ta có thể nói Cựu Ước là hình ảnh của Tân Ước. Cựu Ước là hình ảnh, Tân Ước là thực tại. Chính vì thế, ta thấy có sự sánh đôi giữa Cựu Ước và Tân Ước. Những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Cựu Ước đều là hình bóng của những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Tân Ước.

Chẳng hạn, họ chứng tỏ cho thấy Isaac, con trai tổ phụ Abraham là hình bóng của Đức Giêsu như thế nào: Isaac con trai độc nhất, Đức Giêsu cũng thế. Isaac được cha mình rất mực yêu dấu, Đức Giêsu cũng thế. Isaac bị dâng làm hy lễ, Đức Giêsu cũng thế. Isaac bị hiến tế trên một ngọn đồi, Đức Giêsu cũng thế. Isaac vác củi dùng vào việc hy tế, Đức Giêsu cũng thế.

Thánh Phaolô cũng so sánh tương tự như thế giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chẳng hạn, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Ngài đã so sánh giữa Adong và Đức Giêsu. Ngài viết: ”Con người đầu tiên là Adong, đã được dựng nên là một người sống động, nhưng Adong sau cùng (Đức Giêsu) là Thánh Linh ban sự sống… Adong thứ nhất được dựng nên bằng đất, từ đất mà sinh ra, còn Adong thứ hai (Đức Giêsu) từ trời mà sinh ra. Người thuộc về đất thế nào, thì những người thuộc về đất cũng thể ấy. Người thuộc về trời thế nào thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người thuộc về trời” (1 Cr 15:45-49) (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 88).

Chính khi nhìn vào thập giá, chứng kiến hình ảnh Đức Kitô chịu khổ hình treo trên thập giá, thấm đẫm bao nhiêu là quyền lực của sự dữ nơi tội lỗi, chúng ta mới bắt đầu nhận ra tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta cao cả biết bao. Tất cả mọi độc ác hận thù ghen ghét bất công của cuộc đời đều đổ dồn vào cây khổ giá, sừng sững giữa trời và đất, trên ngọn đồi Calvê. Một trong những chi tiết đầy ngỡ ngàng nhất về cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giêsu chính là Thập giá nay trở nên bằng chứng tột cùng cho tình yêu Thiên Chúa. Thập giá sừng sững trên đồi cao, xưa kia là dấu chỉ của tủi nhục, nay trở nên chiếc cầu ân sủng thần kỳ có sức chữa lành cả thế giới. Cây chết chóc nay trở nên cây sự sống, cây thất bại nay trở thành cây chiến thắng.

Con rắn đồng là biểu trưng cho Đức Giêsu bị treo trên thánh giá. Sách Dân số 21,4-9 kể rằng: Dân Do Thái đi từ núi Horeb về phía Biển đỏ đi vòng quanh xứ Eđom. Quãng đường dài này đã làm cho dân chúng kêu trách Đức Chúa và ông Maisen: ”Tại sao đem chúng tôi ra khỏi Ai cập để rồi cho chúng tôi chết trong rừng? Không có bánh, không có nước, chúng tôi đã chán món ăn khốn nạn này lắm rồi.” Bấy giờ Đức Chúa cho một thứ rắn lửa từ trong rừng bò ra cắn dân chúng, nhiều người phải chết.

Dân chúng chạy đến ông Maisen, thưa với ông: ”Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi đã nói phạm đến Đức Chúa và đến ông, xin ông cầu với Đức Chúa cho chúng tôi để Ngài đuổi lũ rắn này xa khỏi chúng tôi đi.” Ông Maisen cầu cho dân. Chúa bảo Maisen: ”Hãy làm một con rắn và treo trên ngọn sào, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn vào đó thì được sống.” Maisen làm một con rắn đồng và treo lên ngọn sào. Hễ ai bị rắn cắn nhìn vào rắn đó đều được khỏi.

Không phải tự con rắn treo lên có sức chữa người ta, nhưng cái sức chữa đó do Đấng truyền lệnh đã ban cho. Việc treo rắn đồng là tượng trưng cho việc Chúa chịu treo sau này. Ai tin vào Chúa chịu treo trên Thánh giá sẽ được cứu rỗi (Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm B, tr270).

Thiên Chúa có thể cứu chuộc nhân loại bằng bất cứ cách nào nhưng Ngài lại muốn Con của Ngài phải đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc. Máu ấy có thể rửa sạch mọi tội lỗi của nhân loại, làm linh hồn con người được trở nên trong trắng, xứng đáng được làm con Chúa và làm đền thờ của Ngài. Chúng ta không thể hiểu được việc này vì đây là một mầu nhiệm lớn, mầu nhiệm “Ngôi hai cứu chuộc.” Vì thế, suy niệm về ơn cứu độ này, Thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Do Thái đã khẳng định: ”Không có đổ máu ra thì không có ơn tha thứ” (Dt 9:22).

Thánh Gioan nói: ”Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:17-18). Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giêsu và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tin còn là hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha.

Người tin bước vào một cuộc sống mới; đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa, là một ân huệ Đấng Messia mang lại. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma quỉ. Phải, chính trong đêm tối của tối tăm mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, miễn là đừng khép kín lòng lại: ”Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu” (Ga 3:19). Hãy tin vào Đức Giêsu thì sẽ được tha thứ và được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Tại một nhà thờ bên Tây ban nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành. Chuyện kể rằng: một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi toà giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã; rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục nói: ”Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh.” Hối nhân ra khỏi toà giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: ”Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha.” Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: ”Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con.” Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào Thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: ”Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ.”

Thiên Chúa đã không dạy bài học tha thứ suông, nhưng đã dạy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Con yêu dấu Ngài là Đức Giêsu. Nếu ngày xưa, con rắn đồng trong sa mạc được giương lên, thì hôm nay chính Chúa Giêsu được giương lên. Mãi mãi chúng ta biết ơn Chúa Giêsu và khắc sâu lời Ngài: ”Như Maisen đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ giương cao như vậy” (Jn 3:14).

Lm. Đinh Lập Liễm

NHÌN LÊN ÁNH SÁNG

+ TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21:4b-9).

Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Môsê, Đức Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống. Việc nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:

 

1) Nhận thức về tội lỗi của ta. Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết. Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ. Chính tội lỗi đã gây ra tai hoạ cho toàn dân. Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc. Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi. Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Đức Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế. Không một mảnh vải che thân. Chết lúc tuổi thanh xuân. Chết như một tội nhân. Chết như một người nô lệ. Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn hình tượng con người. Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta. Tội lỗi đã làm ta phải chết. Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa. Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên. Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta. Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do. Người chịu chết cho ta được sống. Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi. Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta. Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.

 

2) Nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Ta tội lỗi đáng phải chết. Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách cứu ta. Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết. Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại. Còn ai điên dại hơn người dám hy sinh con một mình để cứu người khác. Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta. Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu. Thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho ta. Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã hy sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta. Ta có xứng đáng gì đâu? Ta chỉ là một hạt bụi. Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi. Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta. Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi. Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.

 

3) Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa. Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ. Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết. Chỉ mình Thiên Chúa có thể cứu họ. Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu. Ta cũng thế. Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống. Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình. Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.

Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng. Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Bạn có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó bạn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.
  2. Bạn có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không?
  3. Bạn đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa? Bạn có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không?

+ TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG YÊU THƯƠNG

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Một người mẹ goá bụa, ngày ngày thức khuya dậy sớm buôn bán tất bật nuôi cả gia đình gồm bảy miệng ăn.

Tối hôm ấy, bà vội vã phóng xe máy về nhà cho kịp nấu cơm tối cho đoàn con; bất thần, đèn pha xe máy bị hỏng khiến bà không nhìn thấy chiếc xe bò chở đầy những cây tre dài đang di chuyển cùng chiều trước mặt; hậu quả là chiếc xe máy chở bà lao vào các ngọn tre nhọn hoắt. Đôi mắt bà bị hai ngọn tre chọc thủng, máu tuôn ra đầm đìa. Bà liền được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Sáu người con khôn lớn của bà vội đến bệnh viện thăm mẹ. Thấy mẹ bị tai nạn hết sức thương tâm, đứa nào cũng nức nở sụt sùi.

Vị bác sĩ điều trị thấu hiểu bao nỗi gian truân mà người mẹ này đã cam chịu đêm ngày để nuôi dạy sáu người con trong mấy chục năm qua và ông nghĩ rằng công lao của bà đáng được đoàn con đáp đền cân xứng, nên đề nghị rằng nếu có ai trong họ hiến cho mẹ một con mắt, chỉ một con mắt thôi, thì ông có thể lấy con mắt của người cho để thay vào cho người mẹ. Như thế, người mẹ sẽ thoát cảnh mù loà và có thể tiếp tục làm ăn buôn bán nuôi cả đoàn con.

Khi nghe lời đó, cả sáu người con đều cúi đầu thinh lặng. Dù biết công lao mẹ dành cho mình như trời như biển, nhưng không một đứa con nào có đủ yêu thương để hiến cho mẹ, dù chỉ một con mắt của mình.

Không trách sáu người con trên đây, vì xét lại bản thân mình, mấy ai trong chúng ta có đủ yêu thương để có thể hiến cho người thân một con mắt của mình?

 

Chúa Giêsu hiến thân chết cho nhân loại 

Vậy mà có một Đấng không những trao hiến một phần thân thể, mà còn hy sinh cả thân xác và mạng sống mình, không chỉ hy sinh cho những người thân, mà còn cho cả loài người bội bạc và tội lỗi. Đó là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng nộp mình chịu chết treo trên thập giá để cứu sống muôn người, như đã được báo trước qua chuyện con rắn đồng sau đây:

Thời ấy, trong hành trình bốn mươi năm trong hoang địa, có lần dân Do-Thái phải lâm cảnh đói khát trầm trọng nên kêu trách Thiên Chúa và Mô-sê. Thế là có nhiều rắn lửa xuất hiện cắn chết nhiều người. Trước nguy cơ đó, dân Do-thái chạy đến kêu cứu Mô-sê. Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê đúc một con rắn đồng, treo lên trụ cờ cao, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống (Ds 21:4-9).

Sau này, để cứu nhân loại tội lỗi khỏi kiếp sống điêu linh và khỏi phải chết đời đời, thay vì dùng “liệu pháp” rắn đồng như hôm xưa trong sa mạc, Thiên Chúa Cha phải cho Con Một Ngài chịu chết treo trên thập giá làm phương dược cứu chữa muôn dân. Chúa Giê-su bày tỏ cho ta biết việc này như sau:

“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3:14).

Thế là vì yêu thương con người quá đỗi, Thiên Chúa Cha đã cho Con Một yêu quý của Ngài chết thay cho thế gian. Vì yêu thương nhân loại không bờ bến, Chúa Giê-su trao ban cả thân xác và mạng sống Ngài để đổi lấy sự sống cho muôn dân.

Tuy nhiên, tình yêu của Thiên Chúa chưa dừng lại ở đó mà còn vươn cao hơn. Không những chỉ trao ban Con Một chết thay cho chúng ta mà thôi, Thiên Chúa Cha còn cho chúng ta được sống lại với Chúa Giê-su, cùng lên trời, cùng ngự trị với Đức Giê-su trên cõi trời.

Thánh Phao-lô, qua thư gửi tín hữu Ê-phê-sô (được đọc trong Thánh Lễ hôm nay) nhắc chúng ta điều đó: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Ngài cũng đã cho chúng ta cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời”  (Ephêsô 2:4-6).

Lạy Chúa Giê-su,

Chúng con là những tên tử tội đáng phải trầm luân muôn đời vì tội lỗi của mình, thế nhưng Chúa đã chết thay cho chúng con, thứ tha cho chúng con muôn vàn tội lỗi, ban cho chúng con được hưởng đời sống mới, rồi lại đưa chúng con lên trời để “cùng ngự trị với Chúa trên cõi trời” (Ephêsô 2: 6). Xin cho chúng con cảm nhận thật sâu sắc tình yêu vô biên của Chúa, để sống xứng đáng với tình yêu đó và đừng để công trình cứu chuộc của Chúa hoá ra vô hiệu nơi chúng con.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

KHUYẾN KHÍCH SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

 

“Như Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc…” (Ga 3:14)

I. Dẫn vào Thánh lễ

Trong cuộc hành trình Mùa Chay, chúng ta đã đi được nửa đường. Bây giờ là lúc chúng ta phải sám hối và đổi mới cuộc sống. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta xứng đáng bị phạt. Nhưng nếu chúng ta sám hối thì Thiên Chúa sẵn sàng thứ tha ngay.

 

II. Gợi ý sám hối

  • Tội lỗi khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa.
  • Tội lỗi khiến chúng ta xa cách anh chị em.
  • Tội lỗi làm mất bình an ngay trong bản thân chúng ta.

 

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I: 2 Sb 36:14-16, 19-23

Tác giả điểm lại những giai đoạn lịch sử trước, trong và cuối thời lưu đày: vì dân Do Thái bất trung với Thiên Chúa nên Ngài để cho họ bị mất nước và phải bị lưu đày. Nhưng dù sao Thiên Chúa vẫn còn thương họ nên Ngài đã soi sáng lòng vua Kyrô nước Ba Tư ra chiếu chỉ cho phép họ hồi hương.

  1. Ðáp ca: Tv 136

Ðây là bài ca của những người đang sống cảnh lưu đày: buồn nhớ quê hương và đền thờ Giêrusalem, buồn đến nỗi không muốn đàn hát gì nữa, chỉ mong được trở về quê hương yêu dấu.

  1. Tin Mừng: Ga 3:14-21

Một phần trong cuộc đối thoại giữa Ðức Giêsu với ông Nicôđêmô. Ðức Giêsu nhắc lại câu chuyện con rắn đồng trong sa mạc thời xuất hành. Từ đó Ngài mặc khải về tình thương của Thiên Chúa “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian, để tất cả những ai tin vào Ngài Con ấy thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời“. Khi đề cập đến tội lỗi của loài người, Ðức Giêsu còn khẳng định: “Thiên Chúa sai Con mình xuống thế gian không phải để phạt loài người nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ“.

  1. Bài đọc II: Êp 2:4-10

Thánh Phaolô nói “Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót”. Do lòng thương xót ấy, khi con người vì phạm tội mà phải chết, thì Ngài đã cho họ được sống lại nhờ Ðức Giêsu Kitô.

 

IV. Gợi ý giảng

  1. “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi…”

Ðể giúp Nicôđêmô hiểu tình yêu Thiên Chúa, Ðức Giêsu đã nhắc lại câu nguyện ngày xưa về con rắn đồng.

Ngày xưa, trong thời xuất hành, Thiên Chúa đã hết lần này tới lần khác tỏ cho dân Do Thái thấy tình yêu của Ngài:

  • Vì yêu thương, Ngài đã cứu họ khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai cập, dẫn họ xuất hành về Ðất hứa.
  • Họ đã chẳng nhớ ơn Ngài, lại còn đòi quay lại Ai cập để có hành tỏi thịt thà. Thiên Chúa ban cho họ manna.
  • Ăn manna một thời gian, họ lại đòi ăn thịt. Thiên Chúa ban cho họ chim cút từ trời rơi xuống.
  • Họ lại đòi nước. Ngài cho nước từ tảng đá vọt ra.
  • Họ lại nổi loạn đòi giết chết cả ông Môsê. Chúa để cho rắn lửa bò ra cắn chết một số người trong họ. Khi đó họ mới biết sợ và năn nỉ Môsê xin Chúa cứu họ. Chúa dạy ông Môsê làm một con rắn bằng đồng treo lên cao. Ai nhìn lên con rắn đồng mà sám hối thì sẽ được cứu khỏi chết.

Con rắn đồng ở sẵn đó như một con tim yêu thương và tha thứ luôn mở rộng. Dù con người hết cứ lần này đến lần khác xúc phạm đến Chúa, nhưng chỉ cần họ sám hối và nhìn lên đó thì lại được tha.

Sau khi kể chuyện con rắn đồng, Ðức Giêsu kết luận: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, được cứu độ”. Nghĩa là Thiên Chúa chỉ biết thương, chỉ muốn cứu, chứ không bao giờ muốn lên án hay trừng phạt ai cả. Chỉ có con người tự lên án và tự trừng phạt mình, do thái độ ngoan cố của họ. Như ngày xưa chỉ có những ai quá sức ngoan cố không chịu nhìn lên con rắn đồng thì mới phải chết.

Thiên Chúa luôn chờ đợi. Chỉ cần con người sám hối và nhìn lên Ngài.

 

  1. Giận mà thương

Nếu ta đã thực sự yêu thương ai thì dẫu khi người đó làm gì sai quấy khiến ta giận nhưng ta vẫn thương, như lời của một bài hát “giận thì giận mà thương thì thương”. Ðiều này càng đúng với Thiên Chúa.

  • Việc nguyên tổ phạm tội đã khiến Thiên Chúa rất “giận” (có thể tạm nói vậy, theo kiểu diễn tả “của con người”). Ngài đã tuyên án cho các nguyên tổ. Dù vậy, liền ngay sau đó Ngài đã hứa sẽ ban Ðấng Cứu thế sinh bởi người nữ (St 3:15). Và, như sách Sáng thế diễn tả, khi Thiên Chúa thấy hai ông bà xấu hổ lấy lá che thân thì Ngài thương lấy da thú may áo cho họ mặc (St 3:21).
  • Cain đã giết chết em ruột của mình, Thiên Chúa cũng rất “giận” nên phạt hắn phải lang thang vất vưỡng. Nhưng vì thương hắn, Thiên Chúa đã “ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp anh khỏi giết anh” (St 4:15).
  • Loài người dù đã bao lần chứng kiến tình thương của Thiên Chúa nhưng vẫn phạm tội và phạm tội ngày càng nhiều hơn, đến nỗi Thiên Chúa phải cho cơn Hồng thuỷ huỷ diệt họ. Dù vậy, Thiên Chúa đã cứu sống gia đình ông Noê. Ngài dạy ông đóng tàu. Khi gia đình ông đã vào tàu hết, chính Thiên Chúa tự tay đóng cửa tàu lại (St 7:16).
  • Thiên Chúa luôn luôn là như vậy: luôn luôn yêu thương, dù giận nhưng vẫn thương. Trong bài Tin Mừng hôm nay Ðức Giêsu nói: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian, để tất cả những ai tin vào Ngài Con ấy thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời”; “Thiên Chúa sai Con mình xuống thế gian không phải để phạt loài người nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”.

 

  1. Lên án hay cứu độ

Bài Tin Mừng hôm nay có một câu rất đáng chú ý: “Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”

Từ trước tới nay chúng ta cứ bị ám ảnh bởi nỗi sợ “bị Chúa phạt”. Cho nên đọc câu này, chúng ta không còn sợ như thế nữa.

Nhưng để vững lòng hơn, chúng ta hãy kiểm chứng qua những cách đối xử của Ðức Giêsu trong các sách Tin Mừng. Chúng ta thấy có nhiều người rất đáng bị lên án, và quả thực họ đã bị người Do Thái lên án, nhưng phần Ðức Giêsu thì không bao giờ lên án họ, như: người phụ nữ tội lỗi trong bữa tiệc tại nhà một người biệt phái (xem Lc 7,36-50 “Tội của chị đã được tha rồi”), ông Dakêu (x. Lc 19,1-10), người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8,1-11), tên gian phi bị đóng đinh bên cạnh Ngài (x. Lc 23,43) v.v.

Ðức Giêsu đến chỉ để cứu chúng ta. Ngài ban cho chúng ta rất nhiều cơ hội để được cứu. Ngài không phạt ai cả, chỉ những ai không chịu cho Ngài cứu là tự phạt mình mà thôi.

 

  1. Nicôđêmô

Trong Tin Mừng Gioan, Nicôđêmô xuất hiện 3 lần:

  • Lần thứ nhất là trong bài tường thuật Tin Mừng hôm nay. Ông đến với Ðức Giêsu “ban đêm” để thảo luận với Ngài về tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ. Sau đó ông ra đi.
  • Lần thứ hai là khi các thủ lãnh tôn giáo Do Thái muốn giết Ðức Giêsu. Là thành viên của Thượng Hội đồng Do thái giáo, Nicôđêmô phản đối quyết định ấy. Ông nói: “Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7:51)
  • Lần thứ ba là lúc táng xác Ðức Giêsu. Nicôđêmô đến để tẩn liệm thi hài Ðức Giêsu một cách sang trọng như người ta tẩn liệm một vị vua. Thánh Gioan thuật: “Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người do thái” (Ga 19:39-40)

Lần thứ nhất Nicôđêmô đến với Ðức Giêsu để thưa chuyện với Ngài, lần thứ hai ông lên tiếng bênh vực Ngài, và lần thứ ba ông tôn kính thi hài của Ngài.

Nicôđêmô là hình ảnh minh họa cho hành trình của người tìm đến với ánh sáng như Tin Mừng hôm nay viết: “Ai sống theo sự thật thì đến với ánh sáng”

 

  1. Nỗi buồn thánh

“Bên bờ sông Babylon, ta ngồi ta khóc ta nhớ Sion”. Một bài ca buồn, diễn tả tâm tình chung của suốt Mùa Chay này.

Nhưng có nhiều thứ buồn khác nhau, phát xuất từ nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến nhiều kết quả khác nhau:

  • Buồn bực là thứ buồn do tức giận, dẫn tới ý muốn đập phá. Như Cain buồn vì tức giận ganh ghét Abilê rồi lập mưu giết chết em mình.
  • Buồn chán là thứ buồn do thất vọng, khiến người ta buông xuôi. Như Giuđa buông xuôi đến nỗi tự tử.
  • Buồn nhớ là buồn vì xa cách một điều gì hay một người nào mình thương. Thứ buồn này thôi thúc mình tìm về với điều hoặc người thương mà mình phải xa cách đó. Như dân Do Thái ngồi buồn trên bờ sông Babylon mà lòng nhớ về Sion yêu quý.
  • Buồn thương là thứ buồn phát xuất từ tình thương, buồn vì tình thương đang bị đổ vỡ, buồn vì người mình thương đang phải khổ sầu. Thứ buồn này thúc đẩy người ta hàn gắn lại đổ vỡ, xây đắp cho tình thương thêm mặn nồng. Như Phêrô buồn sau khi chối Chúa. Ông đã khóc lóc ăn năn và tìm cách quay về với Ngài.

Cái buồn của Mùa Chay là thứ buồn nào? Nó xuất phát từ nhận thức Chúa rất thương yêu mình, thế mà mình đã không xứng đáng với tình thương đó. Nó khiến mình tỉnh ngộ dừng chân suy nghĩ về cách sống hiện tại. Nó thôi thúc mình tìm về với Chúa, sửa chữa những lỗi lầm đã qua và tìm cách làm cho lòng mình thương Chúa càng nồng nàn thắm thiết hơn.

Ðó không phải là buồn bực, buồn chán, mà là buồn nhớ, buồn thương. Ðó là thứ buồn rất nên buồn, vì là nỗi buồn thánh.

 

  1. Ánh sáng và bóng tối

Báo Los Angeles Times ngày 8-6-1996, viết về ông Sam Eason, một người đánh giày ở bãi đậu xe như sau:

Sam Eason là một người đánh bóng với tất cả ý nghĩa của danh từ ấy. Ông ta không chỉ làm cho bạn nhìn bảnh hơn ở chiếc giá đánh giày.. mà còn giúp bạn cảm thấy thoải mái vui hơn. Với vài đường đánh giày thật khéo, ông làm cho đôi giày cũ sờn của bạn trở nên bóng loáng. Và bằng mấy câu nói khéo, ông có thể khiến những luật sư hoặc những người buôn chứng khoán mệt mỏi trở nên hăng hái vui tươi.

Quản lý các hệ thống văn phòng Timothy Matthews nói: “Bất kể màu da hay màu giày của bạn, Sam là một người bạn tốt của mọi người”. Giám đốc công ty sản xuất máy Photocopy Phil Canon thêm: “Không có gì giả tạo nơi Sam”.

Trước sự giao tế niềm nở, cảm thông và đầy tình người của Sam Eason, nhiều khách hàng dù đã đổi đi xa, vẫn lái xe đến với ông để được đánh bóng đôi giày và được làm cho tươi mát tâm hồn.

Người đánh giày dễ thương ấy đã qua đời vì bệnh tiểu đường ngày thứ Hai 3-6-1996 và được an táng đúng sinh nhật thứ 59 của ông (thứ Sáu 7-6-1996). Trên giá đánh giày bỏ trống, khách hàng đặt những bó hoa tươi thắm ấp đầy thương nhớ. Họ kể cho nhau nghe Sam Eason đã làm tươi mát cuộc đời họ như thế nào…

Sĩ quan cảnh sát John Bavetta trong điếu văn đọc ở tang lễ của Sam Eason đã khóc khi kể lại hàng trăm tập quán của Sam Eason. Trước khi chào từ biệt ông đã nói: “Bây giờ đến lượt hào quang của Sam được đánh bóng”.

Ðức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay đã nói với Nicôđêmô: “Ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa” (Ga. 3:21). Chắc chắn tâm hồn của người đánh giày ngập tràn ánh sáng, nên ông luôn lan tỏa niềm vui chân thật và nét đơn sơ trong sáng.

Cuộc đời mãi mãi là một thách đố. Chúng ta chọn ánh sáng bên này hay bóng tối bên kia. Cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa liên lỉ giữa ánh sáng và bóng tối. Lựa chọn của người đời lại khác với lựa chọn của người con Chúa. “Sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sống, vì hành động của họ xấu xa” (Ga.3,19). Người đời trốn chạy ánh sáng vì sợ hành động xấu xa của họ bị lộ tẩy.

Ghét ánh sáng và thích bóng tối là thảm kịch của người đời, vì con người sinh ra là để sống cho ánh sáng. Thiên Chúa không đào hỏa ngục, không xây ngục tối, nhưng chính tù nhân đã tự nhốt mình và nội tâm tăm tối. Ai từ chối ánh sáng của Chúa sẽ héo tàn trong bóng tối của chính mình.

Có cách nào để ra khỏi bóng tối? Có lối nào để trở về với ánh sáng? Ðức Giêsu đã chỉ ra một con đường duy nhất: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga. 3:16). Nếu ngày xưa dân Do thái đã tin tưởng nhìn lên con rắn đồng để được chữa lành thì ngày nay tất cả những ai tin tưởng nhìn lên Ðức Giêsu trên thập giá đều được ơn Cứu độ.

Thập giá là tột cùng của đau đớn nhục nhã, nhưng cũng là minh chứng tuyệt vời của một tình yêu: Tình yêu của Cha đã trao ban Con Một, tình yêu của Con đã hiến dâng mạng sống. Tin vào một tình yêu như thế sẽ chữa lành những vết thương cuộc đời. Ðức Giêsu đã từng nói: “Ðức tin của con đã chữa con” (Mc. 10:52).

Ðức tin là thành phố trên đồi, là ngọn đèn trên cao. Thành phố trên đồi không bị khuất tầm nhìn. Ngọn đèn trên cao soi sáng cả nhà. Ðức tin trong sáng luôn sống động không nằm chết trong lòng, nhưng luôn tỏa sáng.

  • Ðức tin trong sáng luôn mang lại nụ cười, an bình, và hạnh phúc.
  • Ðức tin như những vì sao, lấp lánh lao xao, trên trời cao thăm thẳm.
  • Ðức tin như những vì sao, ngời sáng như kim cương trên ngực người tín hữu.

Lạy Chúa, sống là phải chọn lựa không ngừng giữa ánh sáng và bóng tối. Xin cho chúng con đừng chỉ biết nguyền rủa bóng tối, nhưng can đảm thắp lên những ngọn nến sáng, để cả thế giới ngập tràn ánh sáng của Chúa. Amen (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

 

V. Lời nguyện cho mọi người 

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Mùa Chay là thời gian giúp chúng ta khám phá lại tình thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người để tất cả những ai tin vào Con Người thì được sống hạnh phúc. Với tâm tình biết ơn, chúng ta dâng lời nguyện xin:

  1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn cũng như đàn chiên là Hội thánh Chúa / luôn trở nên dấu chỉ của niềm vui và niềm hy vọng / để có thể loan báo cho muôn dân biết tình thương của Thiên Chúa.
  2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền trên thế giới / có dịp khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua công trình cứu độ của Chúa / để họ tin tưởng và cộng tác với Chúa trong việc cứu độ thế giới.
  3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người nghèo khổ, bệnh tật, thất nghiệp, bị tù đầy và biệt xứ / có dịp khám phá ra tình thương cứu độ của Ðức Giêsu qua những hoạt động bác bái của các Kitô hữu.
  4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người trong họ đạo chúng ta / đều cảm nhận được tình thương cứu độ của Chúa / để quyết tâm chết đi cho tội lỗi và sống lại trong tình thương và ân sủng của Người.

Chủ tế : Lạy Chúa xin cho mỗi người chúng con biết dùng thời gian thuận lợi của Mùa Chay này, để nhìn nhận hồng ân cứu độ mà Ðức Giêsu đã mang đến cho tất cả mọi người / và tin tưởng vào Người để được sống đời đời. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.

 

VI. Trong Thánh lễ

  • Trước kinh Lạy Cha: Thiên Chúa là cha giàu lòng thương xót. Dù chúng ta phạm tội nhưng Ngài vẫn thương chúng ta. Vậy chút nữa đây khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt lấy hết tâm tình nói với Ngài câu “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
  • Trước lúc rước lễ: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban chính Con Một của Ngài làm lương thực cho chúng ta.

 

VII. Giải tán

Hôm nay chúng ta được biết một điều rất an ủi là Thiên Chúa không muốn phạt ai cả mà chỉ muốn cứu mọi người. Bất cứ ai tội lỗi sám hối quay về với tình thương của Chúa thì đều được tha thứ. Chúng ta đều có tội, vậy chúng ta hãy sám hối quay về với Chúa, đón nhận sự tha thứ của Ngài.

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*