• NƯỚC TRỜI: HẠNH PHÚC TUYỆT ĐỐI – Lm. Luy Hữu Độ, CRM
  • CHÚA GIÊSU NGỰ BÊN HỮU THIÊN CHÚA – Lm. Nguyễn Thái
  • SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG – Lm. Đinh Lập Liễm
  • NGƯỚC MẮT NHÌN TRỜI – TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
  • HƯỚNG VỀ TRỜI CAO – Lm. Inhaxiô Trần Ngà
  • CHUYỂN SANG MỘT GIAI ĐOẠN MỚI – Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

NƯỚC TRỜI: HẠNH PHÚC TUYỆT ĐỐI (Mc 16:15-20)

Lm. Luy Hữu Độ, CRM

Năm 2017 vừa qua, Vương Quốc Na Uy (Norway) được các chuyên gia đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Hằng năm họ vẫn làm điều này. Trong năm 2014, 2015 và 2016 thì danh hiệu này thuộc về Nước Đan Mạch (Denmark). Na Uy là một nước nằm ở Bắc Âu, chỉ có 5.2 triệu dân, dồi dào về dầu mỏ và khí đốt, nạn thất nghiệp rất thấp, dưới mức 2%. Học hành miễn phí đến hết đại học. Nhận lương hưu hậu hĩnh, chữa bệnh miễn phí, nghỉ thai sản 1 năm mà vẫn có lương đầy đủ, sinh con không mất tiền nhà thương mà còn được tặng thêm tiền, vì chính phủ khuyến khích có thêm dân số. Lương tháng trung bình cao nhất thế giới, thân thiện với thiên nhiên, coi thiên nhiên là một phần máu mủ, tuổi thọ cũng cao, tận gốc nạn tham nhũng, an toàn công cộng, tỉ lệ tội ác thấp. Nói chung các chuyên gia dựa vào nhiều yếu tố để bình chọn.

Hạnh Phúc là điều khao khát tự thâm tâm của mỗi người. Chúng ta không tạo ra điều này nhưng Thiên Chúa đặt vào trong lòng của con người. Hạnh phúc được hiểu là “trạng thái sung sướng hoặc hài lòng khi đạt được điều mình mong muốn.” Những niềm hạnh phúc thông thường vẫn có trong cuộc sống như ăn được bữa cơm ngon, được tặng quà dịp sinh nhật hay ngày Tết, có nghề nghiệp tốt lương cao, con cái ngoan, học giỏi, gia đình thuận hoà, êm ấm, có những bạn bè tốt, trung thành, có sức khoẻ, ít ốm đau… Thế nhưng xét cho cùng thì chẳng có thứ hạnh phúc nào làm chúng ta thoả mãn hoàn toàn, và cũng chẳng phải lúc nào chúng ta cũng được hài lòng, hạnh phúc. Có khi bị thất nghiệp, có khi gặp rủi ro, tai nạn, có lúc bị ốm đau, có khi con cái hư hoặc không nghe lời, có khi mất thẻ, mất giấy tờ… Đời sống không phải lúc nào cũng tươi sáng, thời tiết không phải lúc nào cũng mát mẻ, lòng người không phải lúc nào cũng tốt lành. Chắc chắn có những lúc đau lòng, mất mát, thất bại, lục đục, buồn phiền…

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Chúa Thăng Thiên, nghĩa là Chúa về Trời. Chúa Giêsu đã hoàn tất 33 năm trên dương thế, sống với Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Tông Đồ. Ngài đã rao giảng Nước Trời, kêu gọi sám hối, truyền dậy  những Giáo Lý mới, thiết lập các Bí Tích, chữa lành các bệnh nhận, và nhất là Ngài đã chịu khổ nạn cực độ, chết tủi nhục trên thập giá và phục sinh vinh hiển để cứu chuộc chúng ta. Chúa đã có những phút giây hạnh phúc bình thường như chúng ta và cũng đã có những phút giây đau khổ như chúng ta. Chúa về Trời để cho chúng ta hướng tâm trí về Trời, ngôi nhà vĩnh cửu của mỗi người, sự hạnh phúc hoàn toàn của khát mong. Trời chính là Thiên Đàng, nơi đó chúng ta được hưởng Thánh Nhan Chúa, chính điều này là Hạnh Phúc đổ đầy linh hồn ta, khiến ta không thèm khát hay ước mong gì hơn được nữa. Chính Thiên Chúa  là Đấng khơi dậy lòng khao khát hạnh phúc vô biên của chúng ta thì chỉ có Ngài mới có thể lấp đầy sự khao khát đó mà thôi, không một ai khác. Nước Trời là nơi có hạnh phúc tuyệt đối nên Thiên Chúa muốn  mọi người được vào đó, vì thế Ngài cũng truyền dậy chúng ta phải rao giảng cho nhiều người biết tới và được vào.

Con người chưa được VÔ BIÊN

Là còn khắc khoải ưu phiền tháng năm.

Lạy Thiên Chúa của lòng con.

Xin cho con sau này được về Trời với Ngài.

Thế là đủ cho lòng con.

Lm. Luy Hữu Độ, CRM

CHÚA GIÊSU NGỰ BÊN HỮU THIÊN CHÚA (Mc 16:15-20)

Lm. Nguyễn Thái

Một học giả Thánh Kinh, linh mục David Stanley, SJ. đã cho rằng Lễ Thăng Thiên, Chúa Giêsu Lên Trời, chính là Lễ Chúa Kitô Vua. Và hôm nay Chúa Giêsu “ngự bên hữu Đức Chúa Cha” như là lời Thánh vịnh 47, câu 6 trong phần Đáp Ca: “Thượng Đế ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang.”

Bài đọc thứ hai, trích thơ Thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu Êphêsô, diễn tả Chúa Giêsu như một người cai trị, “mọi sự quy phục dưới chân Ngài” (Eph 1:22). Chúa Giêsu lên trời với mọi quyền hành tập trung nơi Ngài. Chúng ta thường quen với hình ảnh Chúa Giêsu là mục tử hiền lành, là anh em hay bạn bè, là Thầy, nhưng khó nghĩ đến Ngài như một người cai trị hay vị vua đòi buộc chúng ta phải hoàn toàn vâng phục quyền bính của Ngài (GLCG # 659-664).

Trong một bài giảng ngày Chúa Nhật, một linh mục đã lớn tuổi sắp về hưu kể lại câu chuyện như sau. Những năm sau Công Đồng Vaticanô II, khoảng năm 1970, nhiều linh mục Mỹ xin hồi tục, cưới vợ. Ngài có một cha bạn, học cùng lớp, rất thân. Ngài rất buồn khi nghe tin anh bạn này cũng xin hồi tục chỉ vì muốn được mặc quần jean áo pull thay vì bị gò bó trong bộ đồ màu đen của giáo sĩ. Anh có bộ râu quai nón rất rậm và mái tóc để dài đến vai. Đang khi ngài bị hói đầu, rất thèm thuồng bộ tóc của anh, nhưng Đức Tổng Giám Mục lại rất khó chịu về bộ tóc ấy mà không khuyên bảo anh thay đổi được! Khi từ giã nhau, ngài mới hỏi lý do nào đã thực sự thúc đẩy anh hồi tục. Anh trả lời: “Tôi chỉ cảm thấy bị giới hạn, gò bó quá. Giữ đủ mọi thứ luật lệ. Tôi chỉ muốn sống thực với con người của mình thôi.”

Vài năm sau đó ngài tình cờ gặp lại anh trên đường phố ở Seattle, thoạt tiên, cha không còn nhận ra anh nữa vì bộ râu quai nón đã bị cạo mất. Tóc cắt ngắn 2 phân trong bộ đồ comblê. Anh đang làm việc cho một hãng bán bảo hiểm. Cha mời anh bạn uống cà phê tâm sự, nhưng anh vội vàng nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói: “Bây giờ không được đâu, bà xã tôi đang chờ ở nhà.” Cái trớ trêu là một người đã từ chối tùng phục quyền bính của Thiên Chúa và Giáo Hội, lại phải chịu đựng một loại quyền bính khác khó khăn hơn, và đòi hỏi hơn.

Linh mục thì muốn hồi tục. Còn giáo dân thì muốn tục hóa những gì là thần thánh. Người ta không muốn nhìn lên trời nữa, mỏi cổ quá rồi! Muốn nhìn xuống trần thế, muốn thực tế. Đó là phong trào trần tục hóa – secularism.

Đức Gioan Phaolô II đã nói rõ về phong trào này phát xuất từ một hệ thống tư tưởng muốn chối bỏ Thiên Chúa: “Chúng ta thấy ở đây một hệ thống tư tưởng nội tại về sự phủ định, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi lòng con người và về việc xã hội từ bỏ Thiên Chúa, để “nhân bản hóa” con người – như người ta thường nói – nói khác đi, là làm cho con người được là người theo đúng nghĩa của danh từ, một cách nào đó đặt con người vào địa vị Thiên Chúa, “Thần hóa” con người, lấy con người làm Thiên Chúa…” (TVNNTB, Từ Chối Chân Lý, tr. 20).

Ảnh hưởng của phong trào tục hóa này còn lan tràn rộng rãi trong các thành phần của Giáo Hội: “Ta cũng thấy não trạng bị thế tục hóa nơi nhiều giáo dân dấn thân trong những cơ cấu Giáo hội, giáo xứ, địa phận và quốc gia, cũng như thấy nhiều tu sĩ nam nữ càng ngày càng bị thu hút bởi những công việc xã hội đến mức đồng hóa những công việc ấy với công tác thừa sai” (TVNNTB, Khủng Hoảng Đức Tin Công Giáo, tr. 21).

Đức Tổng Giám Mục của Seattle, Raymond Hunthausen đã đưa ra một ví dụ về ảnh hưởng của sự trần tục hóa ngày nay trong thế hệ trẻ: “Các trẻ em đều say mê cuốn phim gọi là War Games. Trong phim có một cậu choai choai được gọi là “hacker”, người có tài ăn cắp các dữ kiện trong computer, đã lấy trộm được mã số của Ngũ Giác Đài, và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh nguyên tử. “Điều làm chúng ta ngạc nhiên là”, Đức Tổng Giám Mục nói, “trong cuốn phim thế giới đang sắp tận thế đến nơi, chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ nữa thôi. Nhưng không có một ai đề cập đến Thiên Chúa hay đời sau, hoặc sự sám hối ăn năn. Chỉ có một người ở gần nhất, đã đến và nói rằng anh ta ân hận vì chưa bao giờ học cách biết bơi lội cả!” Cái nhìn của thế giới, của văn hoá ngày nay qua báo chí, tivi, nhà trường, phim ảnh, và games trong computer… đang đầu độc não trạng giới trẻ với phong trào trần tục hoá là như thế!”

Cái não trạng trần tục hoá không chỉ ảnh hưởng trên giới trẻ, nhưng cả những người lớn tuổi nữa. Tất cả chúng ta đã mất bao nhiêu năm trời đi làm vất vả, vun đắp chức quyền để có lợi lộc vật chất, lương bổng và y tế khi về hưu. Những bảo đảm về tiền bạc và sức khỏe cho thời gian hưu dưỡng sắp tới là mối bận tâm lớn nhất. Những điều này là sự quan trọng nhất trên đời!

Một linh mục thường xuyên làm việc mục vụ tại nhà thương, một hôm thăm một người bị bệnh ung thư sắp chết. Linh mục hỏi ông ta đã sẵn sàng chuẩn bị để chết chưa. Ông nói, “Oh, yes, tôi đã ký di chúc hết cả rồi!” Cái chết đang gần kề, với tư cách là một linh mục đứng cạnh giường bệnh của ông, tôi muốn hỏi ông để giúp đỡ về phần linh hồn, đời sau, vậy mà ông ta cũng vẫn còn gắn bó chặt chẽ với tiền bạc, không thể thoát ra khỏi cái nhìn trần tục mà ngước mắt nhìn lên trời được trước khi chết. Thật tội nghiệp!

Điều này thật buồn cười, nhưng nó lại là thảm kịch của con người thời đại. Cái thách thức lớn lao cho chúng ta ngày nay là cố gắng thoát ra khỏi cái quan niệm trần tục về số phận của mình. Lễ Chúa Giêsu Lên Trời hôm nay, kêu gọi chúng ta đặt lại giá trị và ý nghĩa của cuộc đời mình một cách đúng đắn hơn. Đang khi lên trời, trước mắt các môn đệ, Chúa Giêsu chứng tỏ cho họ thấy rằng có một lãnh vực khác đang hiện hữu, rất khác với cái thế giới trần gian và thiên nhiên này. Nó ở bên trên thế giới này (Pl 3:20). Nó thuộc lãnh vực cao siêu hơn cảm giác của thân xác. Mọi sự trên trần thế sẽ qua đi chỉ trừ một mình Thiên Chúa và những ai ở trong Vương Quốc của Ngài (IPet 1:24-25). Chúa Giêsu vượt lên trên thế giới trần gian nhưng Ngài không tách biệt ra khỏi thế giới. Ngài đang tiếp tục làm việc để dẫn đưa mọi người, mọi sự tốt lành thánh thiện đi vào trong Vương Quốc của Ngài (2 Tm 4:18).

Sách Giáo Lý Công Giáo số 669 viết: “Là Đức Chúa, Chúa Kitô cũng là Đầu của Giáo Hội, Giáo Hội là thân thể của Ngài. Được nâng lên trời và được tôn vinh, sau khi chu toàn đầy đủ sứ mạng của mình, Chúa Kitô vẫn ở dưới đất này trong Giáo Hội của Ngài. Sự cứu chuộc là nguồn mạch của uy quyền mà Chúa Kitô hành sử trên Giáo Hội, nhờ sức mạnh của Thánh Thần.”

Ai muốn ở trong Vương Quốc của Ngài thì phải chấp nhận vâng theo huấn lệnh của Ngài. Như Thánh Phaolô khuyên những tín hữu Êphêsô rằng: “phải quy phục dưới chân Ngài.” Phải dùng tự do của mình mà chọn lựa Ngài. Đã chọn lựa Ngài rồi thì phải chấp nhận toàn bộ luật lệ của Ngài. Hoàn toàn vâng phục thánh ý Ngài. Chứ không phải chỉ chọn lựa cái gì chúng ta thích, còn cái không thích thì không giữ.

Cố Hồng Y O’Connor của New York rất thích kể câu chuyện sau đây về một nhà giảng thuyết hùng hồn tại một xứ đạo miền quê. Để tăng thêm phần hưởng ứng nhiệt tình giữa vị giảng thuyết và người nghe, vị giảng thuyết yêu cầu mọi người thưa “Amen!” sau mỗi câu giảng, đặc biệt là lời Chúa dạy bảo. Có một anh ngồi ở hàng ghế đầu tiên, thưa rất hăng say “Amen!” khi vị giảng thuyết kêu gọi mọi người phải từ bỏ phạm tội ngoại tình, sách báo khiêu dâm, phá thai, giết người… Sau mỗi tội anh ta đều thưa rất lớn “Amen!”

Khi vị giảng thuyết đề cập đến việc bài bạc, casino, phá hủy đời sống gia đình. Anh ta vẫn thưa rất to “Amen!” Sau cùng vị giảng thuyết đề cập đến tật nghiện rượu, “sáng sỉn, chiều say, tối lơ mơ” thì anh ta hoàn toàn im lặng. Vị giảng thuyết cứ tiếp tục nói về những tai hại của rượu, những lạm dụng, những bạo lực đánh đập vợ con, những lười biếng làm việc, trốn tránh trách nhiệm trong gia đình, những hậu quả bệnh tật ốm đau do rượu gây ra… Rồi chịu không nổi nữa anh ta bèn đứng dậy, la lên: “Stop! Stop! Stop! Ông xen vào đời tư của tôi nhiều quá!”

Chúa Giêsu đòi hỏi “mọi sự phải quy phục dưới chân Ngài”, vì thế Ngài bước vào trong mọi lãnh vực của đời sống con người. Cách thức giúp ta tiến bộ trong đời sống là xét mình sau mỗi một ngày (II Cor 13:5). Có một nhà tu đức đề nghị rằng mỗi ngày chúng ta nên xét mình xem đã làm những gì chung với Chúa Giêsu và những điều gì ta làm theo ý riêng của ta (1 Cr 10:31). Chẳng hạn như khi ta giúp đỡ người nghèo khó thì Chúa Giêsu và ta cùng làm việc đó. Khi ta phạm lỗi khinh rẻ người nào đó thì chúng ta đã hành động theo ý riêng mình. Đời sống Kitô hữu của chúng ta là một sự phấn đấu thường xuyên để cho phép Chúa Giêsu có thêm quyền hành nơi cuộc sống của chúng ta, là mở rộng sự cai trị của Ngài nơi trái tim của chúng ta, là cùng sống và hành động với Chúa Giêsu.

Mừng Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Giáo Hôi kêu gọi chúng ta hãy hướng lên trời cao từ trái đất nhỏ bé và hẹp hòi này. Hãy dẹp bỏ cái quan niệm trần tục hóa trong cách sống duy vật chất. Hãy nhìn nhận quyền bính thống trị của Chúa Giêsu, Đấng đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha và ngự trị trong mỗi tâm hồn chúng ta (Cl 3:1-4).

Lm. Nguyễn Thái

SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Lm. Đinh Lập Liễm

Hôm nay Thánh sử Marcô cho chúng ta biết “Sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mk 16:19) và Đức Giêsu đã trao cho các tông đồ sứ mạng tiếp tục công việc của Ngài là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (Mk 16:20).

Việc Đức Giêsu lên trời có hai ý nghĩa hay có hai cách hiểu: Đức Giêsu được tôn vinh và tính cách lịch sử. Khi sống lại, Đức Giêsu đã được tôn vinh. Cuộc tôn vinh đó đã được diễn ra chính vào lúc Chúa sống lại, Chúa lên trời ngay, giác quan không thể cảm nghiệm được; chúng ta chỉ có thể nhận thức bằng con mắt đức tin. Và sau đó, Chúa đã hiện ra với các Tông Đồ nhiều lần để củng cố niềm tin của họ trong một thời gian mà sách Công vụ tông đồ xác định là 40 ngày (Act 1:3). Nhưng có một dữ kiện thứ hai có tính cách lịch sử, cảm nghiệm được dựa trên chứng cứ của những người tai nghe mắt thấy, như Thánh Luca cho biết: ”Vài tuần sau lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đã “được đưa lên trời” trước mặt các môn đệ.”

Đức Giêsu lên trời là cuộc ra đi trở về với Chúa Cha, không còn hiện diện hữu hình với các môn đệ. Vì thế, Thánh Augustinô đã nói: ”Đức Kitô trở về nơi tối cao, nhưng vẫn ở lại với chúng ta. Và cũng như chúng ta, chúng ta ở dưới đất nhưng chúng ta đã ở bên Ngài.”

Trước khi “lên trời”, Đức Giêsu trao sứ mạng cho các môn đệ, ủy thác cho họ nối tiếp sứ mạng loan báo Tin Mừng khắp cùng trái đất. Vì thực hiện theo mệnh lệnh của Đức Giêsu nay đã ở trong vinh quang của Chúa Cha, các môn đệ sẽ có thể làm những gì mà xưa kia chính Đức Giêsu chưa làm được: ”Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14:12). Việc hơn ấy là nay họ sẽ ra đi loan báo Tin Mừng khắp thế giới.

Vì thế, việc rao giảng của các Tông Đồ phải mang lại cùng hiệu quả giống như việc rao giảng của Đức Giêsu. Ngài ban cho các ông nhiều quyền năng làm phép lạ. Nhưng chúng ta không nên hiểu từng chữ về câu nói rằng “các tông đồ có thể cầm được rắn trong tay và uống thuốc độc mà vẫn không sao” (Mk 16:18). Theo người Trung Đông, lối nói cường điệu được người ta chấp nhận như một cách thức nhấn mạnh: qua quyền năng của Đức Giêsu, các môn đệ sẽ chiến thắng được tất cả mọi sự dữ.

Đức Giêsu muốn dùng Hội Thánh cũng như chúng ta như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Ngài, nghĩa là Hội Thánh như một nối dài của Đức Giêsu. Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã đi lại, đã nói, đã làm nhiều điều tốt đẹp cho người ta. Ngày nay, Ngài cũng muốn cho các hành động của Ngài được tiếp tục qua Giáo hội. Sứ mệnh của Đức Giêsu là một sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó cần được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi trao phó sứ mạng đó cho Giáo hội, Đức Giêsu muốn nó được thực thi trong một khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo Hội mà Đức Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống và dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.

Đức Giêsu không bảo các môn đệ là hãy cứ ngồi chờ đó, mọi thọ tạo sẽ đến với các con! Không! Ngài bảo: ”Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ. Loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo” (Mt 28:19).

Thọ tạo” nghĩa là được Thiên Chúa dựng nên. Mọi loài thọ tạo là tất cả những gì được Thiên Chúa tạo dựng nên. Không phải chỉ là loài người, mà còn là loài động vật, đất đai, sông núi, bầu trời, tinh tú… Tóm lại là tất cả. Tất cả “mọi loài”, chỉ có loài người là vừa nghe vừa hiểu vừa cảm được. Cho nên loan báo Tin Mừng cho loài người là có thể. Còn loan báo Tin Mừng cho những loài khác, thì làm sao mà làm được? Tôi nghĩ ra rằng tuy những loài ấy không thể đón nhận Tin Mừng theo cách của loài người đón nhận, nhưng chúng cũng có thể hưởng nhờ lợi ích của những giá trị Tin Mừng. Chính vì thế mà có những lời hô hào làm đẹp thiên nhiên, bảo vệ sinh vật, giữ sạch bầu khí quyển v.v.. Rốt cuộc, loan báo Tin Mừng mang một chiều kích rất bao la. Loan báo Tin Mừng là sống vui bằng niềm tin của mình giữa mọi người khác, giữa thiên nhiên và giữa vũ trụ; đồng thời làm cho tất cả chung quanh mình đều tốt đẹp, vui tươi (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 271).

Một cách loan báo Tin Mừng thích hợp với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, đó là loan báo bằng cách sống đời thường với châm ngôn: ”Các con là ánh sáng thế gian. Các con là muối đất. Các con là men trong bột” (Mt 5:13-16; 13:33). Các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã loan báo bằng cách này và đã được một tác giả cổ xưa mô tả và gửi cho ông Thêôphilê như sau: “Giáo lý của các Kitô hữu không phải do một sự suy tư nào đó, hay do mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như một số người kia. Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tùy theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như người khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhưng quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình và sinh con cái như mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ” (Trích Các Bài đọc Kinh sách, tập 2, tr 354).

Có một người Kitô hữu tầm thường, thấy bên cạnh mình có một người tự xưng mình là vô thần. Lòng nhiệt thành đã thúc đẩy họ tìm cách giới thiệu Chúa cho họ. Người này đi mua một cuốn Thánh Kinh biếu cho người láng giềng ấy, hy vọng họ đọc và sẽ nhận ra Thiên Chúa. Người láng giềng vui vẻ đón nhận và hứa sẽ đọc.

Sau một thời gian, người Kitô hữu sang chơi nhà láng giềng, tình cờ thấy cuốn Thánh Kinh nằm trong sọt rác. Người Kitô hữu ngạc nhiên hỏi người láng giềng: “Sao ông không đọc Kinh Thánh? Nếu đọc, ông sẽ nhận ra Thiên Chúa.” Người láng giềng lạnh nhạt trả lời: “À suốt trong 10 năm qua, mỗi ngày tôi đều đọc cuộc sống của anh!!!” Câu chuyện kết thúc ở đây. Chúng ta hãy suy nghĩ về câu trả lời của người láng giềng vô thần ấy. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, người vô thần ấy muốn nói gì?

Có một bài viết ngắn về điều này: “Tôi là cuốn sách Kinh Thánh đối với người hàng xóm của tôi; người đó đọc tôi mỗi khi gặp tôi. Hôm nay, anh ta đọc tôi trong ngôi nhà của tôi; ngày mai, anh ta đọc tôi trên đường phố. Anh ta có thể là một người họ hàng, một người bạn, hoặc chỉ là một người quen biết sơ giao mà thôi. Thậm chí anh ta có thể không biết tên tôi, tuy nhiên, anh ta vẫn đang đọc Kinh Thánh qua cuộc đời của tôi” (Flor McCarthy).

Chúa về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha sau khi đã thi hành trọn vẹn sứ mạng đã được trao phó (Ga 17:4-5). Chúng ta còn ở lại dưới đất để tiếp nối chương trình cứu chuộc của Đức Kitô, và sau khi hoàn tất sứ mạng được trao phó chúng ta cũng sẽ được về trời với Ngài vì: ”Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó” (Ga 12,26; 17,24). Công việc ở trần gian của chúng ta là mắt nhìn trời, chân đạp đất.

Sách Tông Đồ Công Vụ kể rằng sau khi Đức Giêsu từ từ lên trời thì các môn đệ đưa mắt trông theo và cứ ngây ngất đứng nhìn về trời như thế, mãi cho đến khi có hai thiên thần từ đám mây hiện ra nhắc nhở cho các ông thì các ông mới hoàn hồn trở lại (Act 1:9-12). Tại sao các môn đệ ngây ngất như vậy? Chắc chắn là vì cảnh thiên đàng hấp dẫn lắm!

Trời hay thiên đàng là quê hương của ta, nơi ta đang trông ngóng như lời Thánh Phalô đã nói với tín hữu Philipphê: ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3:20). Quê hương chúng ta ở trên trời (Hr 11:16), ở đó chúng ta sẽ được thấy Thiên Chúa nhãn tiền và được hạnh phúc vô cùng (1 Cor 13:12; 1 Jn 3:1-3). Những người đã được nếm thử cảnh Hạnh phúc Thiên đàng nói lại cho chúng ta điều họ thử nghiệm như sau: “Các tông đồ ngây ngất nhìn về trời khi Chúa được cất lên khỏi mặt đất, đến nỗi phải có hai thiên thần đến thức tỉnh các ông dậy (Cv 1:9-10). Ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được thoáng thấy một chút vinh quang thiên đàng khi Đức Giêsu biến hình trên núi. Ba ông đó cũng say sưa ngây ngất đến nỗi xin Chúa cho mình cất lều ở lại mãi mãi trên ngọn núi đó (Mt 17:1tt).

Thánh Phaolô khi được ngất trí đã thốt lên: ”Người ấy đã được nhấc lên đến tận tầng trời thứ ba. Và tôi biết rằng người ấy – hoặc trong thân xác hoặc ở ngoài thân xác, tôi không biết – đã được nhắc vào Thiên đàng và được nghe những lời khôn tả, người phàm không được phép nói lại” (2 Cor 12:2-4).

Ở Lộ Đức, năm 1858 Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Nữ Bernadette, và ở Fatima, năm 1917, Đức Mẹ lại hiện ra với ba em Lucia, Phanxicô và Giaxinta. Các nhân chứng chỉ biết khen rằng Đức Mẹ đẹp lắm và luôn ao ước tới ngày được lên trời.

Đó là vài tia sáng yếu ớt giúp chúng ta thoáng thấy một phần nào cảnh tượng thiên đàng. Các nhân chứng chỉ thấy một chút hào quang mà đã say sưa ngây ngất, chỉ muốn sớm chết đi để được vào thiên đàng. Nếu thực sự được hưởng thiên đàng trọn vẹn thì hạnh phút ngây ngất đến chừng nào.

Khi Đức Giêsu về trời, Ngài hứa sẽ đem chúng ta về với Ngài ở quê hương vĩnh cửu để hưởng phúc vô biên (Ga 14:1-3), nhưng không phải vì quê trời mà sao lãng nhiệm vụ trần thế. Chúng ta còn phải xây dựng trần thế theo tinh thần Chúa Kitô. Thiên đàng là quê hương vĩnh viễn của chúng ta, nhưng trần thế chính là con đường dẫn tới quê hương hạnh phúc đó. Chỉ đứng đó mà ngóng nhìn thiên đàng thì có lẽ không bao giờ ta tới thiên đàng được. Muốn tiến tới thiên đàng, thì trước hết phải đi hết con đường dương thế bằng cách chu toàn nhiệm vụ của mình ở đời này.

Ngày lễ Thăng Thiên hôm nay, chúng ta hãy nhắc lại sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta. Chúa muốn Giáo Hội và từng người chúng ta tiếp nối công việc cứu chuộc của Ngài. Chúng ta phải là cánh tay nối dài của Chúa, làm sao cho Tin Mừng của Chúa phải được loan truyền cho đến tận cùng trái đất. “Hỡi những người Galilê, sao cứ đứng đó mãi nhìn trời?” (Act 1:11). Khi các thiên thần nhắc cho các môn đệ trở về với nhiệm vụ hằng ngày, thì cũng là nhắc các ông thi hành nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng mà Đức Giêsu cũng đã căn dặn một lần nữa cho các môn đệ trước khi Ngài về trời: ”Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho nhân loại” (Mt 28:19).

Đời là một cuộc hành trình về đời sau, mà cuộc hành trình nào cũng gặp nhiều khó khăn, gian khổ, đòi hy sinh cố gắng không ngừng. Mỗi khi ta phải chiến đấu, phải vất vả hy sinh, hãy nghĩ tới thân phận con người, nghĩ tới cuộc đời chóng qua, nghĩ tới lời Chúa phán: ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, Lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Muốn thi hành ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta càng phải nỗ lực vượt qua sự yếu đuối của ta vì như Chúa nói: ”Nước Trời đòi sự cố gắng, ai cố gắng thì mới chiếm được” (Mt 11:12).

Lm. Đinh Lập Liễm

NGƯỚC MẮT NHÌN TRỜI

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo. Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời. Không tha thiết gì với những người chung quanh. Không tham gia những sinh hoạt xã hội. Khinh chê tất cả những giá trị ở đời này. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc đời. Chỉ coi trọng những giá trị vật chất. Chỉ biết có đời này. Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.

Việc Đức Giêsu lên trời và những lời Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.

Đức Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.

Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.

Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Đức Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đấy.

Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi gieo Tin Mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.

Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.

Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.

Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nỗ lực xây dựng trần gian trong niềm mong đợi hạnh phúc nước trời. Amen.

 

Gợi ý chia sẻ:

  1. Tin có thiên đàng. Điều này có quan trọng đối với bạn?
  2. Người môn đệ của Chúa phải có thái độ nào đối với của cải vật chất?
  3. Khi ngắm thứ hai mùa mừng, đọc “Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”, bạn nghĩ gì? Bạn phải sống làm sao để thực hiện lời cầu nguyện này?

 

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

HƯỚNG VỀ TRỜI CAO

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Có một số thanh thiếu niên hiện nay không màng đến chuyện học hành, chẳng lo trau dồi đức hạnh, không chịu rèn luyện để trở thành người có ích… Trái lại, họ đâm ra lêu lỏng chơi bời, quậy phá, đắm mình trong truỵ lạc đê hèn. Nguyên nhân nào đã gây ra thảm trạng đó?

Không có hướng tiến thân sẽ làm con người hư hỏng

Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đáng buồn đó là vì một số bạn trẻ cảm thấy không có đường tiến thân cho mình, cánh cửa mở vào tương lai dường như đang khép lại trước mặt họ. Họ chẳng hy vọng có chút địa vị trong xã hội hay có được công ăn việc làm ổn định với đồng lương cao. Họ chẳng còn mục tiêu nào tốt đẹp để phấn đấu vươn lên. Họ cảm thấy tương lai bế tắc, nên đâm ra chơi bời lêu lỏng, làm hư hỏng cả cuộc đời.

Nói chung, khi con người cảm thấy không có tương lai, nhìn về mai sau chỉ thấy ngõ cụt, thấy kết thúc của đời người chỉ là một nấm mồ … thì người ta không còn muốn cố gắng phấn đấu sống đời đạo đức, không còn muốn làm lành lánh dữ, không còn muốn tu thân tích đức… mà chỉ muốn ăn chơi cho qua ngày đoạn tháng, hoặc sống buông thả và làm hỏng đời mình.

Tâm trạng đó được nhà thơ Cao Bá Quát diễn tả như sau:

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

cảnh phù du trông thấy cũng nực cười,

thôi công đâu chuốc lấy sự đời, 

tiêu khiển một vài chung lếu láo.”

Vì cảm thấy kiếp người thì ngắn ngủi, mọi sự chỉ là phù du, nên người ta không muốn chuốc lấy sự đời, không muốn kê vai gánh vác trách nhiệm xã hội mà chỉ muốn tìm an nhàn trong chén rượu cho vơi nỗi sầu.

Vì cảm thấy tương lai là ngõ cụt, nên cũng có người chọn sống như những con thiêu thân:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu).

Đức Giêsu lên trời hướng tâm hồn ta tới một tương lai huy hoàng

Có một đàn chim đông đảo bị giam nhốt trong một chiếc lồng khá lớn. Kiếp sống ngục tù trong cảnh “chim lồng cá chậu” làm cho đa số chim trong lồng không có cơ hội cất cánh bay lên, thế nên đôi cánh của chúng gần như bị tê liệt. Đối với chúng, thế giới chỉ là chiếc lồng chim chật chội và khung cảnh chung quanh mình. Hằng ngày chúng sống chen chúc trong khoảng không gian giới hạn của chiếc lồng, an phận sống kiếp gia cầm chờ ngày bị đem đi xào nấu.

Vào một ngày đẹp trời, một con chim mẹ trổ được một lỗ hổng trên nắp lồng và thoát ra được bên ngoài, tung cánh bay vút lên cao giữa khung trời cao rộng. Thế là từ hôm đó, nhiều con chim trong lồng cố gắng luyện tập cho đôi cánh mạnh mẽ lên để có thể bay cao, thoát ra khỏi chiếc lồng chật chội như ngục tù giam hãm mình, để bay vút lên trời xanh nối đuôi chim mẹ.

Qua biến cố sống lại và lên trời, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy rằng kiếp người không phải chỉ giới hạn trên trái đất chật hẹp này nhưng còn được nối tiếp trong thế giới thiêng liêng và Ngài đã mở ra cho chúng ta một lối thoát, thoát ra khỏi thế giới tạm bợ này để vào thiên quốc.

Sự kiện Chúa Giêsu lên trời hướng tâm hồn chúng ta về trời cao, giúp chúng ta biết cùng đích của đời người không phải là chốn trần gian tạm bợ mà là cõi hạnh phúc thiên đàng. Ngài lên trời mở ra cho chúng ta một chân trời mới, một triển vọng mới.

Vì thế, chúng ta đừng bám chặt vào thế giới phù du tạm bợ này, vì không sớm thì muộn, chúng ta cũng phải từ bỏ nó. Vậy thì đừng trầm mình trong nếp sống ươn hèn tội lỗi, đừng ngụp lặn trong lạc thú mau qua, đừng chỉ biết cúi xuống để sống an phận, mà biết sống siêu thoát và biết hướng tâm hồn lên cao.

Khi đàn chim non thấy chim mẹ bay thoát ra khỏi chiếc lồng giam nhốt mình từ bấy lâu nay thì chúng quyết luyện tập cho đôi cánh được mạnh mẽ để có thể thoát ra khỏi chốn ngục tù, tung cánh bay lên cao như chim mẹ.

Vậy thì chúng ta cũng phải kiên trì luyện tập mỗi ngày, cho đức tin của mình được mạnh mẽ, cho tâm hồn đạo đức được gia tăng, cho lòng mến được dồi dào, nhờ đó, mai đây chúng ta có thể “cất cánh” về với Thiên Chúa là nguồn hoan lạc của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xuống trần để vạch đường chỉ lối cho chúng con về thiên quốc. Chúa đã về trời để dọn sẵn chỗ ở cho chúng con trong Ngôi Nhà của Chúa Cha (Ga 14,2). Xin cho chúng con biết rèn luyện “đôi cánh mến Chúa yêu người” cho mạnh mẽ, để đủ sức “bay” về nơi Chúa đã dọn sẵn cho chúng con.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

CHUYỂN SANG MỘT GIAI ĐOẠN MỚI (Mc 16, 15)

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

 

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Việc Ðức Giêsu thăng thiên đánh dấu một bước ngoặc trong việc loan báo Tin Mừng. Trước đây, loan báo Tin Mừng chủ yếu là việc của Ðức Giêsu. Nhưng từ đây, việc này chủ yếu là của Giáo Hội, với sự hỗ trợ đắc lực của Ðức Giêsu và Chúa Thánh Thần. Bởi đó, khi từ biệt các môn đệ, Ðức Giêsu đã trao sứ mạng “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Hôm nay, sứ mạng này được trao cho thế hệ chúng ta. Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa hỗ trợ để chúng ta chu toàn sứ mạng Chúa trao.

 

II. Gợi ý sám hối

  • Chúng ta có lỗi vì hay quên rằng Ðức Giêsu là Ðấng đang sống và đã được Chúa Cha trao cho toàn quyền. Do lỗi này nên chúng ta dễ chán nản và không cậy dựa vào Ngài.
  • Chúng ta có lỗi vì chỉ hướng về trời mà quên trách nhiệm xây dựng thế giới của mình.
  • Chúng ta có lỗi vì ít quan tâm loan báo Tin Mừng.

 

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I: Cv 1:1-11

Tường thuật việc Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm lễ Ngũ Tuần.

  • Vâng theo lời căn dặn của Ðức Giêsu phục sinh, các tông đồ tụ họp trong nhà Tiệc Ly để chờ đón nhận điều Ngài đã hứa.
  • Sáng ngày lễ Ngũ tuần, Ðức Giêsu thực hiện lời hứa ấy: Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Ðức Giêsu.
  1. Ðáp ca (Tv 46)

Ðây là một Tv ca tụng vương quyền của Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã chiến thắng cái chết, Ngài xứng đáng đón nhận vương quyền. Và vương quyền này đã mở rộng khắp nơi nhờ công tác loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

  1. Tin Mừng (Mc 16:15-20)

Những lời cuối cùng của Ðức Giêsu với các môn đệ:

  • Sai các ông đi loan Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
  • Hứa hỗ trợ đặc biệt cho các ông: “Nhân danh Thầy họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu có uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Những “dấu lạ” mà Ðức Giêsu hứa có thể mang 2 nghĩa: a/ Nghĩa bóng: Chúa giúp các ông chiến thắng thế lực của sự dữ; b/ Nghĩa đen: các ông sẽ thật sự làm được những phép lạ

Các môn đệ vâng lời Thầy, đi khắp nơi loan Tin Mừng, và những lời Chúa hứa đã thành sự thật: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo”

  1. Bài đọc II (Êp 4:1-13)

“Thánh tông đồ gợi ý cho chúng ta một cách nhìn về sự kiện Chúa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Rực rỡ vinh quang Thiên Chúa, sự hiện diện của Ðức Kitô phục sinh từ nay sẽ mang những chiều kích vĩnh hằng và vũ trụ, vượt khỏi khuôn khổ không gian và thời gian, nghĩa là bây giờ và mãi mãi Chúa vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta” (CgvDt, số đặc biệt giáng sinh ’93)

 

IV. Gợi ý giảng

  1. Quê hương thiên đàng và cuộc hành trình dương thế

Sách Tông đồ công vụ kể rằng khi Ðức Giêsu từ từ lên trời thì các môn đệ ngước mắt trông theo, và cứ ngây ngất đứng nhìn về trời như thế, mãi cho đến khi có hai thiên thần từ đám mây hiện ra nhắc cho các ông thì các ông mới hoàn hồn trở lại. Tại sao các môn đệ ngây ngất như vậy? Chắc hẳn là vì cảnh thiên đàng rất là hấp dẫn.

  • Cũng như một lần kia, 3 tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê cũng được thoáng thấy một chút vinh quang thiên đàng khi Ðức Giêsu biến hình trên núi. Ba ông đó cũng say sưa ngây ngất đến nỗi xin Chúa cho mình cất lều ở lại mãi trên ngọn núi đó.
  • Còn Thánh Phaolô sau khi được Chúa cho ngất trí chiêm ngưỡng cảnh thiên đàng trong một khoảng khắc ngắn ngủi, đã mô tả lại kinh nghiệm ấy trong bức thư II gửi tín hữu Côrintô như sau “Mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe… “
  • Ở Lộ Ðức năm 1858, một người từ trời xuống là Ðức Mẹ Maria đã hiện ra cho thánh nữ Bernadette. Sau đó thánh nữ đi tu. Một lần kia có một em bé đơn sơ hỏi thánh nữ “Thưa Ma sơ, Ma sơ đã được thấy Ðức Mẹ, chắc là Ðức Mẹ đẹp lắm nhỉ?” Thánh nữ trả lời với em bé bằng một lời diễn tả cũng rất đơn sơ “Ðẹp lắm con ạ, đẹp đến nỗi ai đã thấy được một lần thì chỉ mong chết để lại được thấy nữa”.
  • Còn ở Fatima năm 1917, Ðức Mẹ hiện ra cho 3 em Luxia, Phanxicô và Giaxinta. 3 em đó cũng đơn sơ hỏi Ðức mẹ “Thưa Bà, Bà ở đâu đến vậy?” Ðức Mẹ đưa tay lên cao và nói “Từ trời xuống”. 3 em liền xin “Vậy xin Bà cho chúng con cũng được lên trời đi”. Ðức Mẹ mỉm cười đáp “Phanxicô và Giaxinta thì Ta sẽ cho về trời trong một ngày gần đây; còn Luxia thì hãy chịu khó ở lại trần thế này một khoảng thời gian nữa. Kể từ ngày đó 2 em kia lúc nào cũng mơ ước tới ngày được lên trời. Dù sắp chết 2 em cũng chẳng chút lo sợ, lại còn mừng vì mình sắp được lên trời.

Ðó là một vài tia sáng yếu ớt giúp chúng ta thoáng thấy một phần nào cảnh tượng thiên đàng. Những chứng nhân vừa kể chỉ thoáng thấy một vài tia sáng yếu ớt ấy là đã say sưa ngây ngất, chỉ muốn sớm chết đi để được hưởng thiên đàng, huống chi khi thực sự hưởng thiên đàng và hưởng trọn vẹn còn hạnh phúc ngất ngây đến chừng nào!

Khi về trời, Ðức Giêsu đã hứa rằng Ngài về trời là để dọn chỗ cho chúng ta, thiên đàng hạnh phúc vô biên ấy sẽ là quê hương vĩnh viễn của chúng ta.

Thế nhưng không phải vì quê hương vĩnh viễn ấy của chúng ta hạnh phúc vô biên mà ta chỉ biết ngóng trông quê trời và sao lãng nhiệm vụ ở trần thế. Tất cả những chứng nhân vừa kể trên, sau một thoáng giây chiêm ngưỡng thiên đàng đều được nhắc nhở phải trở lại với nhiệm vụ trần thế:

  • Hai thiên thần đã hiện ra từ đám mây nhắc nhở các môn đệ “Hỡi những người xứ Galilê sao còn mãi mê đứng đó nhìn trời, hãy trở lại Giêrusalem và bắt đầu nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng mà Chúa đã giao phó… “
  • Còn 3 ông Phêrô, Gioan và Giacôbê, sau những giây phút say sưa trên núi Tabôrê, đã được Chúa thức tỉnh dẫn xuống núi để tiếp tục nhiệm vụ.
  • Thánh nữ Bernadette, cũng như Nữ Tu Luxia sau khi được thấy Ðức Mẹ thì được Ðức Mẹ giao nhiệm vụ ở trần gian, Ðức Mẹ còn cho biết trước; chúng con sẽ phải đau khổ nhiều.

Nghĩa là làm sao? Nghĩa là: Thiên đàng là quê hương vĩnh viễn của chúng ta, nhưng trần thế chính là con đường dẫn tới quê hương hạnh phúc đó. Chỉ đứng đó mà ngóng nhìn thiên đàng thì có lẽ không bao giờ ta tới thiên đàng được. Muốn tới được thiên đàng thì trước hết phải đi hết con đường dương thế bằng cách chu toàn những nhiệm vụ của mình ở đời này.

Trong khi chờ đợi tới ngày hưởng phúc Thiên Ðàng, chúng ta vẫn còn phải tiếp tục sống ở trần gian này. Mà trần gian thì vẫn còn biết bao đau khổ: Khổ về vật chất như nghèo đói, bệnh tật; khổ về tinh thần như ganh ghét hận thù đố kỵ nhau. Mà nguồn gốc của tất cả những khổ sở vật chất và tinh thần ấy là vì người ta còn tội lỗi, người ta còn chưa thực hành theo những Lời Chúa dạy. Chuẩn bị đi về quê trời là hết sức cố gắng góp phần xoá đi bớt những đau khổ đó ở trần gian như: chia sớt cho những người túng thiếu, chăm sóc những kẻ bệnh tật, ủi an những người đau khổ, hoà giải những kẻ bất thuận với nhau, giúp cho người ta tránh bớt tội lỗi, làm cho người ta biết Chúa và thực hành những Lời Chúa dạy.

“Hỡi những người xứ Galilê, sao còn cứ đứng đó mãi nhìn trời… ” Khi các thiên thần nhắc cho các môn đệ trở về với nhiệm vụ hằng ngày, thì cũng là nhắc các ông làm những việc vừa kể trên. Những việc đó chính là nội dung của việc rao giảng Tin Mừng mà Ðức Giêsu cũng đã căn dặn một lần nữa cho các môn đệ trước khi Người về trời “Chúng con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho nhân loại”.

Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta đã để ra ít phút ngước nhìn lên quê trời để nhìn ngắm hạnh phúc vô biên mà Chúa sẽ ban cho chúng ta. Những phút đó thật là quý giá, là niềm vui, là nguồn an ủi, là sự khích lệ cho chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không thụ động mãi mê chiêm ngắm hạnh phúc tương lai ấy. “Hỡi những người xứ Galilê, sao còn đứng mãi nhìn trời… ” Chúa nhắc chúng ta hãy quay về với bổn phận của chúng ta trong cuộc hành trình nơi dương thế: Làm cho cuộc đời này bớt đau khổ hơn, giúp cho người đời biết thương nhau hơn, và góp phần cho cuộc sống này tươi đẹp hơn. Ðó chính là bổn phận hiện tại của chúng ta trong khi chờ đến ngày ta được về quê trời hưởng hạnh phúc vô cùng với Chúa.

  1. “Củng cố lời giảng bằng những dấu lạ kèm theo” 

Việc loan Tin Mừng sẽ có sức thuyết phục hơn nếu có những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ này không hẳn là các phép lạ lớn lao, mà còn là cách sống có sức thu hút của chúng ta.

  1. Con đường về Trời

Thủ lãnh của một bộ tộc kia nằm hấp hối trên giường. Ông cho gọi ba người có thể thay thế ông và nói: – Ta phải chọn một người kế tục. Các ngươi hãy leo lên đỉnh núi linh thiêng của chúng ta, và mang về cho bộ tộc một món quà quí giá nhất.

Người thứ nhất trở về đem theo một thỏi vàng lớn. Người thứ hai mang về viên ngọc vô giá. Còn người thứ ba trở về với hai bàn tay trắng. Hết sức ngạc nhiên, vị tù trưởng mới hỏi: – Món quà quí giá của ngươi đâu?

Người này điềm tĩnh trả lời: – Khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi thấy ở phía bên kia một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, tại đó dân chúng có thể hưởng một cuộc sống sung túc tốt đẹp.

Người tù trưởng nói: – Ngươi sẽ nối nghiệp ta. Ngươi đã mang về món quà quí giá nhất: Một viễn tượng tương lai tốt đẹp.

Ðó cũng là viễn tượng Ðức Giêsu mời gọi chúng ta đem lại cho thế giới qua bài Tin mừng hôm nay: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật” (Mc. 16, 15)

Chúa về trời là về với Chúa Cha – Cuộc đời chúng ta là một cuộc hành trình, mà đích đến nằm ở phía bên kia. Trời là đích xa xôi nhưng chi phối những bước chân gần gũi. Những bước chân đi đến với anh em, những bước chân đi vào lòng thế giới, những bước chân đi loan báo Tin mừng.

  • Tin mừng chính là Thiên Chúa yêu thương con người.
  • Tin mừng chính là ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ.
  • Tin mừng chính là có Chúa cùng hoạt động với những dấu lạ kèm theo.

Vậy người tín hữu Kitô không chỉ ngước mắt nhìn trời, nhưng hăng say đi loan báo Tin mừng, vì trái đất còn mênh mông những đồng lúa chín vàng.

Chúa về trời, nên Người đã mượn miệng lưỡi chúng ta để rao giảng, mượn đôi tay chúng ta để thi ân, mượn đôi chân chúng ta để đi đến với người cùng khổ.

Chúa về trời nhưng người vẫn hiện diện và hoạt động trong cuộc sống chứng nhân của mỗi người tín hữu.

Chúa về trời, nhưng Người vẫn thực hiện những dấu lạ trong cuộc đời những con người biết sống tận tình cho tha nhân.

Chúa về trời, nhưng Người vẫn canh cánh bên lòng một ước mơ: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha ban cho con cũng sẽ ở đấy với con” (Ga. 17, 24).

Ðã ước mơ thì lúc nào cũng nghĩ tới điều mình mơ ước. Nếu Chúa đã ước mơ ở cùng chúng ta trên trời thì bao lâu chúng ta chưa về trời với Chúa, là bấy lâu trong lòng Chúa còn hình bóng chúng ta.

Ðã ước mơ bao giờ cũng mong đạt được điều mơ ước. Nếu Chúa đã mong chúng ta có mặt nơi Chúa ngự, thì không lẽ gì chúng ta không hiện diện ở đó.

Lạy Chúa, con đường lên trời là con đường hẹp, con đường về trời là con đường yêu thương. Xin cho tất cả mọi nẻo đường chúng con đi, đều dẫn chúng con về quê trời. Ước gì qua cuộc sống chúng con, người ta nhận ra Nước Trời đang tỏ hiện. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

  1. Những cách giảng đạo

Ngày xưa, một đạo sĩ gọi 6 người đệ tử của mình lại và bảo họ hãy đi khắp nơi chiêu mộ môn đệ. Một thời gian sau, tất cả đều trở về.

– Người thứ nhất trở về với 500 môn đệ. Khi được hỏi bằng cách nào anh chiêu mộ được số môn đệ đông như thế, anh trả lời: “Con rảo khắp mọi nơi nghèo nàn và hứa sẽ chu cấp mọi nhu cầu cần thiết cho ai theo đạo của chúng ta”

– Người thứ hai đem về 400 môn đệ. Anh nói: “Con hứa ai theo đạo thì sẽ được phúc thiên đàng”.

– Người thứ ba đem về 300 môn đệ. Anh nói: “Con đe dọa rằng nếu ai không theo đạo thì sẽ bị phạt trong hỏa ngục. Thế nhưng người ta không tin lắm. Cho đến một hôm con đã nguyền rủa một con chó điên khiến nó chết liền tại chỗ. Thấy thế những người này đã theo con”.

– Người thứ tư đem về 200 môn đệ. Anh nói: “Con tìm đến những người đơn sơ ít học và dùng nhiều lý luận khiến họ say mê và đi theo”.

– Người thứ năm đem về 100 môn đệ. Anh nói: “Ðây là những người trẻ. Họ đang chờ một người lãnh đạo họ. Con đã thuyết phục họ đi theo con và họ đã theo. Con nghĩ rằng nếu mình không chiêu mộ họ thì cũng có những messia giả đến chiêu dụ họ mà thôi”.

– Người thứ sáu chỉ đem về 12 môn đệ. Anh giải thích: “Con không thể gieo những hạt giống ngay mà phải chờ, vì đang là mùa đông, phải đợi đến lúc tuyết tan thì đất mới mềm và gieo mới được. Thế là con chờ. Ðang lúc chờ như thế, con kết bạn với một số người. Con cố gắng sống cho họ thấy cách sống của đạo chúng ta. Và con cũng chia xẻ cuộc sống của họ. Ðang khi chia xẻ cuộc sống như thế, con khám phá rằng họ rất coi trọng tự do đến nỗi nếu tước mất tự do của họ thì cũng là tước đi phẩm giá của họ. Con cũng học được nơi họ những điều tốt, chẳng hạn họ rất quảng đại và không sợ hy sinh. Con thành thật nói cho họ biết cái giá phải trả nếu muốn theo đạo chúng ta, nhưng con nhấn mạnh rằng nếu họ theo đạo chúng ta thì họ có thể làm được nhiều điếu tốt cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Xem ra những điều con nói đã làm họ cảm động. Tuy nhiên khi đến lúc phải quyết định thì chỉ có 12 người này chịu theo con”.

Vị đạo sĩ khen người thứ sáu này.

Năm người trước đã giảng đạo bằng cách khai thác sự yếu đuối và sợ hãi của người ta. Những cách đó thật quá dễ, nhưng lại xâm phạm đến tự do nên người ta có theo đạo cũng vì miễn cưỡng. Còn người thứ sáu thì biết kêu gọi thiện chí bằng cách kết bạn với người ta và thuyết phục họ bằng chính gương sống của mình. Cách này tuy chậm và khó nhưng kết quả sẽ vững chắc và lâu bền. (Viết theo Flor McCarthy)

  1. Chúng ta là dụng cụ Chúa dùng

“Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc”, đó là mệnh lệnh của Chúa khi Ngài từ biệt chúng ta.

Bây giờ Ngài không còn có ai trên thế gian ngoài chúng ta.

Ngài không còn tay để nâng người sa ngã ngoài tay của chúng ta.

Ngài không còn chân để đi tìm kẻ hư mất ngoài chân của chúng ta.

Ngài không còn mắt để nhìn những giọt lệ khổ đau âm thầm ngoài mắt của chúng ta.

Ngài không còn lưỡi để an ủi kẻ buồn sầu ngoài lưỡi của chúng ta.

Ngài không còn trái tim để yêu thương những người không được yêu thương ngoài trái tim của chúng ta.

Lạy Chúa xin thương xót chúng con là những môn đệ nhút nhát và sợ sệt của Chúa. Xin ban cho chúng con lòng can đảm để làm chứng cho Chúa giữa thế gian, hầu Tin Mừng được rao giảng và người ta tìm được đường vào Nước của Chúa. (Flor McCarthy)

  1. Loan Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo

Trong bài Tin Mừng này, có một câu mà nếu đọc kỹ từng lời thì ý nghĩa rất lạ. Ðức Giêsu bảo “Hãy loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

– “Thọ tạo” nghĩa là được Thiên Chúa tạo dựng nên. Mọi loài thọ tạo là tất cả những gì đã được Thiên Chúa tạo dựng nên. Không phải chỉ là loài người, mà còn là loài động vật, loài thực vật, đất đai, sông núi, bầu trời, tinh tú… Tóm lại là tất cả.

– Trong tất cả mọi loài đó, chỉ có loài người là vừa nghe vừa hiểu vừa cảm được. Cho nên loan báo Tin Mừng cho loài người thì có thể. Còn loan báo Tin Mừng cho những loài khác, thì làm sao mà làm được? Tôi nghĩ ra rằng tuy những loài ấy không thể đón nhận Tin Mừng theo cách của loài người đón nhận, nhưng chúng cũng có thể hưởng nhờ lợi ích của những giá trị Tin Mừng. Chính vì thế mà có những lời hô hào làm đẹp thiên nhiên, bảo vệ sinh vật, giữ sạch bầu khí quyển v. v.

– Rốt cuộc, loan báo Tin Mừng mang một chiều kích rất bao la. Loan báo Tin Mừng là sống vui bằng niềm tin của mình giữa mọi người khác, giữa thiên nhiên và giữa vũ trụ; đồng thời làm cho tất cả chung quanh mình đều tốt đẹp, vui tươi.

 

V. Lời nguyện cho mọi người 

Chủ tế: Anh chị em thân mến, mầu nhiệm Ðức Giêsu về trời được tôn vinh bên Chúa Cha, luôn luôn là điều khích lệ và nâng đỡ cho mọi Kitô hữu còn đang tại thế. Chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây:

  1. Chúng ta cầu xin Chúa cho mọi người Kitô hữu / biết luôn làm vinh danh Ðức Giêsu Phục sinh / trong khi thi hành những trách nhiệm trần thế nơi gia đình và xã hội.
  2. Chúng ta cầu xin Chúa cho nhiều người trên thế giới / đang mất dần ý thức về Thiên Chúa hoặc cố tình dửng dưng với Thiên Chúa / được nhận biết Thiên Chúa là Cha và là nguồn hạnh phúc của họ.
  3. Chúng ta cầu xin Chúa cho nhiều anh chị em chung quan chúng ta / đang gặp nhiều khó khăn thử thách trong việc xây dựng đời sống cá nhân, gia đình và xã hội / được luôn kiên trì và hy vọng rằng / Ðức Giêsu Phục sinh và lên trời là bảo đảm cho hạnh phúc thật của họ.
  4. Chúng ta cầu xin Chúa cho nhiều anh chị em chung quanh chúng ta / đang gặp nhiều khó khăn thử thách trong việc xây dựng đời sống cá nhân, gia đình và xã hội / được luôn kiên trì và hy vọng rằng / Ðức Giêsu Phục sinh và lên trời là bảo đảm cho hạnh phúc thật của họ.
  5. Chúng ta cầu xin Chúa cho cộng đồng xứ đạo chúng ta đã tin Ðức Giêsu Phục sinh về trời / thì cũng luôn sống theo niềm tin đó / để cũng được sống lại và lên trời như Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng, Chúa đã cho Ðức Giêsu Kitô phục sinh và về trời, xin giúp chúng con biết sống theo lối sống của Người, để mai sau cũng được hưởng vinh quang với Người. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.

 

VI. Trong Thánh lễ

  • Kinh Tiền Tụng riêng cho lễ Thăng Thiên
  • Trước kinh Lạy Cha: Ðức Giêsu phục sinh đang ở bên cạnh Chúa Cha để làm trung gian cho chúng ta. Chúng ta hãy nhờ Ngài và với Ngài dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.
  • Trước lúc rước lễ: Chúng ta sắp rước Ðức Giêsu vào lòng. Hãy xin Ngài thêm sức giúp chúng ta chu toàn sứ mạng Ngài trối lại cho chúng ta tiếp nối. “Ðây Chiên Thiên Chúa…”

 

VII. Giải tán

Hôm nay Ðức Giêsu lặp lại với anh chị em lời Ngài đã bảo các môn đệ ngày xưa: “Anh em hãy đi đến với muôn dân…”, “Anh em hãy làm chứng cho Thầy”. Chúc anh chị em bình an.

 

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*