• NÀY LÀ MÌNH THẦY – Viễn Đông
  • ĐÂY LÀ MÌNH THẦY – Lm. Nguyễn Thái
  • THÁNH THỂ, BẢO CHỨNG TÌNH YÊU – Lm. Đinh Lập Liễm
  • NÀY LÀ MÁU TA – TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
  • TA LÀ BÁNH – Lm. Inhaxiô Trần Ngà
  • LUÔN KẾT HIỆP VỚI CHÚA TRONG MỌI LÚC MỌI NƠI – Lm. Jude Siciliano, OP

NÀY LÀ MÌNH THẦY (Mc 14:12-16)

Viễn Đông

Khi nhìn vào hình ảnh Bữa Tiệc Ly, bạn thấy gì? Có lẽ bạn sẽ nói rằng đó là quang cảnh ăn chia tay chiều Thứ Năm Tuần Thánh, trước khi Chúa Giêsu bị bắt và bị giết. Vâng, hoàn toàn đúng, không có gì sai. Đó là thời điểm Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu, Bí Tích Thương Xót, và là Thánh Lễ đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo.

Nói như vậy là quá “chuẩn”, đúng giáo lý, là dạng “cao cấp”. Còn riêng tôi lại thấy có điều khác, một điều rất ư bình thường. Bạn có đoán ra chưa?

Đó là một Bữa Ăn thân mật mang tính cách gia đình. Rất bình thường, phải không nào? Việt ngữ gọi là Tiệc Ly vì muốn chứng tỏ lòng tôn kính, chứ ngoại ngữ chỉ nói là Bữa Tối. Bữa ăn gia đình rất quan trọng, vì đó là lúc quây quần bên nhau chia sẻ hạnh phúc thực tế (ăn uống đồ ăn dù ngon hoặc dở) và hạnh phúc tinh thần (chia sẻ vui, buồn), nhưng có lẽ bữa tối là bữa quan trọng nhất. Ngồi cùng ăn với nhau chứng tỏ hạnh phúc của gia đình, ghét nhau không thể ngồi ăn với nhau.

Sau khi chứng tỏ tình yêu dành cho các đệ tử bằng cách rửa chân cho họ (Ga 13:1-20), Chúa Giêsu muốn trăn trối mọi điều vì Ngài biết Ngài không còn ở bên các đệ tử bao lâu nữa (Ga 13:31-38), thế nên giây phút cuối này Ngài nói nhiều hơn bao giờ hết, nhắn nhủ mọi điều, ví von đủ thứ,… Tình yêu ấy tiếp tục trào dâng trong “con người sắp chịu chết” nên lại được thể hiện qua lời cầu nguyện tha thiết mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha tại Vườn Dầu. Lời cầu nguyện này đã được thánh sử Gioan ghi lại trong cả chương 17 (gồm 26 câu) của sách Phúc Âm thứ tư.

Nói về bữa ăn, người ta kể “Chuyện Hai Đồng Bạc” đã xảy ra thật thế này…

Luiz Inácio Lula da Silva sinh tháng 10-1945 trong một gia đình nông dân ở Brazil. Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, cậu đã phải đi bán đậu phụng ngoài đường, quần áo tả tơi và thiếu ăn. Khi học tiểu học, cậu ở thủ đô Rio de Janeiro. Sau mỗi buổi học, cậu thường hay cùng hai người bạn đồng trang lứa đi đánh giầy ở đầu đường, hôm nào không có khách thì đành nhịn đói.

Năm Lula 12 tuổi, vào một buổi xế chiều, có một người khách là chủ tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố, cả ba đứa đều chạy lại mời chào. Ông chủ tiệm nhìn vào ba cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng, ông ta nói: “Đứa nào cần tiền nhất thì tôi cho đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng”.

Thời đó, công đánh một đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là một món tiền rất lớn. Cả ba cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nói: “Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!”. Đứa khác nói: “Nhà cháu đã hết thức ăn từ ba ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn…”.

Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Nếu cháu được ông cho 2 đồng này thì cháu sẽ chia cho hai đứa nó, mỗi đứa 1 đồng!”.

Câu nói của Lula làm ông chủ tiệm và hai đứa nhỏ kia rất ngạc nhiên. Lula giải thích: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết một ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó. Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng”.

Cảm động trước câu nói của Lula, ông chủ tiệm đã trả cho Lula 2 đồng sau khi đánh bóng đôi giầy. Lula giữ đúng lời hứa nên đã đưa ngay cho mỗi đứa 1 đồng.

Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã đến tìm Lula, nhận cậu đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta sau buổi tan học, ông còn cho Lula ăn bữa tối. Tiền lương lúc học nghề tuy thấp nhưng so với đánh giầy thì còn khá hơn rất nhiều. Lula hiểu rằng: Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.

Từ đó, khi có khả năng, Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình. Sau này, Lula nghỉ học, đi làm thợ trong một nhà máy để có cơ hội bênh vực quyền lợi cho những người thợ. Lula tham gia vào công đoàn, và năm 45 tuổi, Lula lập ra Đảng Lao Công.

Năm 2002, trong cuộc ứng cử tổng thống, Lula lấy khẩu hiệu: “Ba bữa ăn no cho tất cả những người trong quốc gia này”. Và Lula đã đắc cử tổng thống Brazil. Năm 2006, ông tái đắc cử nhiệm kỳ II. Trong 8 năm tại chức, ông đã thực hiện đúng lời hứa: 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Ông đã thực hành đúng tâm niệm: GIÚP ĐỜI.

Nước Brazil được ông lãnh đạo đã không còn là “con khủng long nhai cỏ” mà đã trở thành “con mãnh sư Mỹ châu”, và xây nền kinh tế Brazil đứng thứ 10 trên thế giới. Tổng thống tài năng và nhân đạo của Brazil là Luiz Inácio Lula da Silva – cậu bé đánh giày ngày xưa – đã mãn nhiệm tổng thống ngày 31-12-2010.

Đọc câu chuyện này, chúng ta thấy rằng, ngay từ nhỏ, cựu tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã có tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương và chia sẻ với người nghèo khổ (dù có lầm lỗi khi làm tổng thống). Từ một cậu bé nghèo khổ tới một nguyên thủ quốc gia Brazil, Lula vẫn sống hướng thiện, chắc hẳn kết quả nhân đạo và nhân bản đó phải bắt đầu từ gia đình.

La Bruyère nói thật chí lý: “Ân huệ không bởi việc cho thật nhiều mà là cho đúng lúc”. Tương tự, Việt Nam cũng có chuyện “Thằng Bờm và Phú Ông”. Thằng Bờm không cần những gì sang trọng mà chỉ cần “nắm xôi”. Cuộc sống đa dạng và phức tạp, nhưng Paul Éluard phân tích: “Sự khôn ngoan khiến người ta tồn tại, nhưng sự đam mê mới khiến người ta sống”.

Và tổng thống Lula có nhắc tới “bữa ăn”, điều đó cho thấy bữa cơm gia đình rất quan trọng vậy. Quan trọng không vì của ngon vật lạ, cao lương mỹ vị, mà quan trọng vì “bữa ăn là bữa yêu thương”. Đừng khinh suất! Đã và đang có những gia đình rạn nứt hạnh phúc, và có nguy cơ tan vỡ, là do thiếu những giây phút quây quần bên nhau, điển hình là các bữa ăn – đặc biệt là Bữa Ăn Tối. Tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền”. Đừng chỉ lo san lấp những “hố sâu”, những “ổ voi” hoặc “ổ trâu”, mà hãy bắt đầu san lấp những “ổ gà” nho nhỏ.

Bữa ăn gia đình nhắc nhở chúng ta về điều gì?

  1. NHẮC NHỞ VỀ BỮA TIỆC LY VÀ THÁNH LỄ

Trong Bữa Ăn Tối mừng Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26:26). Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26:27-28).

Chúa Giêsu đã di chúc cho chúng ta Thánh Thể và Bửu Huyết của Ngài để hoàn tất lời hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Bổn phận của chúng ta là phải yêu mến Ngài hết linh hồn và hết trí khôn. Để chứng tỏ điều đó, chúng ta phải tham dự Thánh Lễ và tiếp nhận Thánh Thể hằng ngày. Đó là cách chúng ta làm theo lời căn dặn của Ngài: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22:19).

Thiết tưởng, mỗi người hãy cố gắng DÀNH VÀI PHÚT IM LẶNG SAU KHI RƯỚC LỄ để suy niệm, kết hiệp, tâm sự và trò chuyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, đừng bỏ Ngài cô độc, vì Ngài mới thực sự là Nguồn Sống dồi dào của mỗi chúng ta (x. Ga 10:10). Những lúc khác, bất kỳ lúc nào, hãy hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Ngài đến với chúng ta. Chắc chắn Ngài rất vui mà đến ngự vào lòng chúng ta. Cách này gọi là “rước lễ thiêng liêng”. Hình như ngay nay người ta ít quan tâm (hoặc không biết, hoặc không được dạy) việc rước lễ thiêng liêng! Cha mẹ nên lưu ý mà nhắc nhở con cái về cách tốt lành này.

Chúng ta hãy nghe thánh Thomas Aquinas (1225–1274), Tiến sĩ Giáo Hội, giải thích: “Rước lễ thiêng liêng sinh hiệu quả như rước lễ thật, nhưng còn tùy chúng ta dọn mình kỹ hay không, có tha thiết ao ước ơn Chúa hay không, và có yêu mến Chúa nhiều hay không”.

Đến với Chúa Giêsu là việc cần thiết vô cùng, vì chính Ngài cũng đã ân cần nhắn nhủ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Đừng ngại ngần hoặc mặc cảm, hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể bất cứ lúc nào, càng nhiều càng tốt. Vả lại, những người yêu nhau thì luôn thích nhìn thấy nhau, ở bên nhau và tâm sự với nhau mọi điều.

  1. NHẮC NHỞ VỀ ĐỨC ÁI: SỰ CHIA SẺ, TÌNH YÊU THƯƠNG, LÒNG THƯƠNG XÓT

Chúa Giêsu đã chia sẻ chính Mình và Máu Ngài, không còn gì hơn thế nữa. Tình yêu nào có tiết ra chất hy sinh mới là tình yêu đích thực, nếu không thì chỉ là ích kỷ. Chúa Giêsu đã chia sẻ mọi thứ, chúng ta là những người “đi theo” Ngài thì không thể không chia sẻ: Qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói, thái độ, hành động, tinh thần, vật chất,… Đúng vậy, vì Chúa Giêsu đã rất thẳng thắn: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Ngài cảnh báo chúng ta về việc “nói ít, làm nhiều”, “đừng háo danh”, “đừng coi trọng hình thức” và “đừng lẻo mép”, nhưng phải thực sự sống yêu thương, thể hiện lòng thương xót. Chúa Giêsu không nói đùa đâu đấy!

Chúa Giêsu rất hào phóng, vì Ngài hứa chắc: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:42).

Qua đó, chúng ta thấy rõ rằng Thánh Thể và Bữa Ăn Gia Đình có liên đới với nhau rất chặt chẽ. Bí tích Thánh Thể là tình yêu tột đỉnh Chúa Giêsu dành cho chúng ta, vì Ngài đã xác định với người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:53-56). Vừa cảnh báo vừa nhắc nhở. Và đó cũng là lời “nói nhỏ” riêng với mỗi người!

Thánh Thể là bằng chứng hùng hồn và minh nhiên về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Hãy bắt đầu từ gia đình, vì gia đình là “chiếc nôi sống động” của mọi con người: Giáo dục về nhân bản, về đạo đức, về cách xử sự, về đức tin, về cách sống đạo,… Đúng như tục ngữ Việt Nam nhắc nhở: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Cái gì cũng phải học, ngay cả những việc rất nhỏ nhưng lại có thể là nền tảng của cuộc đời chúng ta.

Rất tiếc khi thấy có một số gia đình cứ mạnh ai nấy ăn, ai thích ăn lúc nào thì cứ “vác tô” ăn riêng, như vậy thì thiếu hẳn tinh thần đoàn kết, không coi trọng tình cảm gia đình. Nếu cứ “vô phép” như vậy thì còn gì là tổ ấm? Cha mẹ nào để con cái tự do vô độ như vậy là lỗi của cha mẹ đã thiếu sự quan tâm giáo dục con cái cho đúng gia phong. Nước có quốc pháp, nhà có gia phong. Nhờ đó mà xã hội mới khả dĩ bình an. Hãy chấn chỉnh ngay cho kịp kẻo quá muộn. Đó cũng là Phúc-Âm-Hóa gia đình vậy!

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin giúp chúng con biết luôn kết hiệp với Ngài và thể hiện lòng yêu thương như Ngài căn dặn, bắt đầu từ mái ấm gia đình. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Viễn Đông

ĐÂY LÀ MÌNH THẦY

Lm. Nguyễn Thái

Chuyện lịch sử Việt Nam kể lại rằng, lúc còn bé vua Duy Tân ra biển nghịch cát. Nhìn hai bàn tay hoàng tử bị bẩn, nhà vua suy nghĩ một hồi rồi quay ra hỏi các quan cận thần: “Tay dơ lấy gì mà rửa?” Các quan thưa: “Lấy nước.” “Thế nước dơ lấy gì mà rửa?” Vua hỏi tiếp. Các quan ấp úng còn chưa biết nên trả lời như thế nào thì nhà vua nói: “Lấy máu mà rửa.”

Ý của nhà vua muốn nói rằng đất nước đã nguy vong, loạn lạc, giặc giã, chia rẽ, và ngoại bang xâm chiếm, chỉ có sự hy sinh, đổ máu ra mới cứu nguy được đất nước. Cùng một ý như vậy, thư gửi Tín Hữu Do Thái nói về tội lỗi đã làm hủy diệt nhân loại, đưa con người đến sự chết, và chỉ có máu của Đức Kitô mởi rửa sạch được mà thôi: “Máu của Đức Kitô thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống ” (Dt 9: 14) (GLCG #1365, Ecclesia De Eucharistia, số 13).

Đó cũng là ý nghĩa của Thánh Lễ chúng ta mừng kính hôm nay, Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Tình yêu và sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu đã được thánh Mác-cô giải nghĩa rõ ràng qua khung cảnh của bữa tiệc ly trong bài Phúc Âm, Mc 14: 12-16. Chúa Giêsu ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ trước khi Ngài đổ máu ra để cứu nhân loại: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mc 14:22). “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14: 24).

Theo một tài liệu ở Bắc Phi châu từ thế kỷ thứ II để lại cho biết có một câu chuyện dị thường đã xảy ra về loài chim bồ nông – pelican – loại chim nước, to, có cái túi dưới chiếc mỏ dài để đựng thức ăn. Vì thiếu thốn lương thực, chim bồ nông mẹ đã dùng cái mỏ bén nhọn như lưỡi dao của mình để mổ ngực, móc tim ra lấy máu thịt mình nuôi đàn chim con nhỏ bé. Văn chương thời Giáo Hội Sơ Khai đã nhìn thấy trong biến cố này một hình ảnh của Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu Kitô. Nghệ thuật Kitô Giáo thời Trung Cổ đã đón nhận hình ảnh này như một biểu tượng phong phú của Bí Tích Thánh Thể, và người ta thường vẽ hay khắc hình ảnh này trước các bàn thờ, hay nhà chầu đựng Mình Thánh Chúa. Trong bí tích này, Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Mình và Máu cực thánh của Ngài.

Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của sự hy sinh và tình yêu tuyệt hảo của Chúa Giêsu còn được diễn tả bằng câu chuyện đầy ý nghĩa sau đây:

“Ngày xưa, nơi xứ Thiên Trúc có một vị vua gọi là Thi Tỳ, ép thân khổ hạnh, cầu lấy phép chính đẳng. Bỗng trên trời có một con chim ưng đuổi bắt một con chim bồ câu. Con bồ câu sợ chim ưng bắt ăn thịt, lao mình xuống nách vua Thi Tỳ cầu cứu, toàn thân run lẩy bẩy. Vua Thi Tỳ thấy thế, ôm con bồ câu vào lòng. Chim ưng đáp tới, xin nhà vua trả cho nó con mồi, và bảo: “Nếu vua cứu nó thì tôi chết đói.”

Nhà vua tự nghĩ, nếu cứu một con chim mà hại mạng một con chim thì chẳng ích gì, và cũng không hợp lý. Vua liền rút dao tự thẻo một miếng thịt đùi của mình, đưa cho con chim ưng, thế mạng cho con bồ câu. Chim ưng không nhận và nói: “Miếng thịt của ngài còn nhẹ hơn con bồ câu nhiều lắm. Xin cho thăng bằng.”

Vua Thi Tỳ gọi lấy cân đem đến, buộc con bồ câu một bên, bên kia móc miếng thịt đùi của vua lên. Quả nhiên miếng thịt của vua nhẹ bổng. Nhà vua lại xẻo thêm một miếng thịt nơi bả vai bù vào. Nhưng lạ thay, nhà vua xẻo bao nhiêu thịt móc vào cũng vẫn còn thiếu. Cuối cùng, nhà vua chặt một cánh tay móc vào cân, thì bỗng thấy trời đất chuyển động, cát bay đá chạy vù vù, có nhiều vị thiên thần hiện xuống cử nhạc, nhiều tiên nữ hiện xuống nhảy múa, tiếng đàn hát vang vang giữa không trung, và hương thơm ngào ngạt bay xa hàng mấy vạn dặm. Rồi có tiếng của Thượng Đế khen: “Thiện thay! Thiện thay! Người đâu can đảm xả thân cứu chúng sinh! Thật hiếm có” (VietCatholic News, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, Thánh Thể quà tặng tuyệt hảo của Tình Yêu Chúa Giêsu cho nhân loại).

Vua Thi Tỳ chỉ mới có chặt một cánh tay. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã dâng hiến mạng sống và toàn thân cho chúng ta đã đổ máu ra cho nhiều người được cứu rỗi. Ngài đã trở nên đầy tớ của chúng ta khi Ngài rửa chân cho các môn đệ. Qua cái chết trên Thánh Giá, Ngài đã biến đổi toàn bộ Cựu Ước thành một Giao Ước mới. Và khi chúng ta cử hành hy tế tuyệt hảo của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, chúng ta có bổn phận phải làm cho máu đó đổ ra cho nhiều người được cứu độ.

Chú chủng sinh cùng chạy bộ tập thể dục với một cha sở trong khu xóm lân cận. Đang khi chạy thì chú chủng sinh đề cập đến những điều đang học hỏi trong việc mục vụ và hỏi cha về những kinh nghiệm mục vụ của ngài. Chạy được vào khoảng nửa hành trình, họ quyết định ngừng lại ở một trạm điện thoại công cộng để đặt pizza giao tận nhà. Họ dự trù khi chạy về tới nhà thì đã có sẵn, không mất thì giờ chờ đợi nữa. Cha sở vừa đến trạm điện thoại, thì một người ăn xin cũng xuất hiện đúng lúc, chìa tay ra xin tiền lẻ. Cha sở thò tay vào túi, móc ra một nắm tiền cắc. “Đây!” ngài nói với người ăn xin: “Cần bao nhiêu lấy đi.” Nắm lấy cơ hội may mắn, người ăn xin nói: “Muốn lấy hết!” Ông xòe rộng hai tay ra, cố vốc hết nắm tiền cắc vào tay mình, rồi bỏ đi. Khi người ăn xin đã quay gót ra đi rồi, cha sở mới nhận ra rằng mình không còn cắc nào để gọi phôn nữa. Ngài mới gọi người ăn xin lại năn nỉ: “Xin lỗi ông, tôi cần gọi điện thoại. Ông làm ơn chia lại cho tôi mấy hào lẻ được không?” Người ăn xin quay lại, cũng chìa hai vốc tay tiền cắc ra và nói: “Đây, cần bao nhiêu lấy đi!”

Trong bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta, “Đây, cần bao nhiêu lấy đi.” Ngài đã ban tặng cho chúng ta tất cả. Và Ngài cũng mong chờ chúng ta làm y như vậy cho người khác. Phải yêu thương tha nhân và chia sẻ với họ như là một thành phần của một chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô. Đây không phải là việc dễ dàng (1 Cr 12:27). Chúng ta hãy nghe tâm sự của Thomas Merton (1915-1968), tác giả nổi danh của trên 70 cuốn sách về đời sống thiêng liêng, một tu sĩ của dòng chiêm niệm Trappist.

Mặc dù đã là tu sĩ trong nhà dòng tới 17 năm rồi, ấy vậy mà sự đầy đủ ý thức về tình liên đới với tất cả những thành phần của nhiệm thể Chúa Kitô mới chỉ đến với Thomas Merton trong một “sự biểu tỏ” (epiphany) tại góc đường Fourth và Walnut ở Louisville, Kentucky, vào năm 1958. Ngài viết: “Bất thình lình tôi bị tràn ngập bởi ý thức rằng tôi yêu mến tất cả mọi người dân ở đó; họ thuộc về tôi và tôi thuộc về họ. Chúng ta không thể làm người mặt lạ với nhau, ngay cả những người hoàn toàn xa lạ. Từ đó trở đi cuộc đời tôi trở nên một sự chấp nhận, “yes” đối với mọi sự tốt lành và đẹp đẽ trong con người và thế giới.”

Giúp đỡ người khác không phải là một sự rộng lượng, nhưng là một bổn phận (Rm 13:8). Một sự đáp trả lại sự đòi buộc của Chúa Giêsu (Ga 15:12-17). Giống như lời phát biểu của Gustavo Guitierrez, thần học gia giải phóng của Châu Mỹ La Tinh: “Sự nghèo đói của người nghèo hay người đói không phải là một sự yêu cầu đòi buộc để làm thoa dịu tình trạng nghèo khổ của họ bằng những hành động rộng lượng, nhưng đúng hơn, là một sự bó buộc phải sửa lại hoàn toàn một trật tự xã hội khác.”

Đức Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp về Bí tích Thánh Thể đã viết: “Một hệ quả đầy ý nghĩa khác của chiều hướng cánh chung gắn liền với Thánh Thể còn là sự kiện nó thúc đẩy chúng ta tiến bước trong lịch sử và làm nảy sinh hạt giống của niềm hy vọng, dẫn đến việc mong chờ “Trời mới” và “Đất mới” (Kh 21:1), làm gia tăng ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới hôm nay. Nghĩa vụ của họ là nhờ ánh sáng Tin Mừng, góp phần xây dựng một thế giới nhân bản hơn, một thế giới hòa hợp trọn vẹn với kế hoạch của Thiên Chúa. Kiến tạo hòa bình, thiết lập những mối tương giao giữa con người với nhau dựa trên nền tảng vững chắc là sự công bình và tình liên đới; và bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai, những người yếu ớt nhất, không có quyền lực nhất, và nghèo nhất dường như không có chút hy vọng!”

Thánh Phaolô đã nói: “Thật bất xứng khi một cộng đoàn Kitô hữu cùng tham dự vào bữa ăn của Chúa trong sự chia rẽ và dửng dưng với người nghèo” (1 Cr 11: 17-22, 27-34). Khi đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta rước lấy Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được liên kết nên một với Ngài, và hiệp nhất với nhau trong tình bác ái yêu thương. Tấm bánh hình tròn là biểu tượng thân thể Chúa Kitô (1 Cr 10:17), nhưng cũng là hình ảnh của Giáo Hội hoàn vũ, và của cộng đồng nhân loại trên địa cầu này nối kết, hiệp thông lại với nhau.

Sự hiệp thông hoàn vũ đã được linh mục Teihard de Chardin diễn tả trong cuốn “The Divine Milieu” như sau: “Mặc dù mỗi sự cử hành của Bí Tích Thánh Thể xảy ra ở một nơi và trong một thời gian nhất định, mỗi sự cử hành đó đều có một kích thước hoàn vũ.” “Khi linh mục nói lời: ‘Này là mình Ta,’ thì những lời vị linh mục nói xuống ngay trên tấm bánh và trực tiếp biến đổi nó trở nên thực tại cá vị của Chúa Kitô. Nhưng việc cử hành thành sự của bí tích không ngừng ở biến cố có tính cách địa phương và thuộc về thời gian chốc lát.” “Qua Bí Tích Thánh Thể, mỗi một biến cố đang xảy ra trong thế giới là sự nhập thể được thể hiện trong mỗi cá nhân.” “Tất cả sự hiệp thông của một đời người là một sự hiệp thông. Tất cả sự hiệp thông của toàn thể nhân loại hiện đang sống là một sự hiệp thông. Tất cả sự hiệp thông của mọi dân tộc, ở hiện tại, quá khứ, và tương lai là một sự hiệp thông.”

Sách Giáo Lý Công Giáo số 1370 viết: “Không những các thành phần Dân Chúa còn sống trên trần gian hiệp nhất với hy lễ của Chúa Kitô, mà cả các thành viên của Giáo Hội trên trời nữa: Giáo Hội dâng Thánh Lễ trong sự hiệp thông với Trinh Nữ Đức Maria rất thánh và toàn thể các thánh nam nữ.” Và “Hy lễ Thánh Thể cũng được dâng lên để cầu cho các tín hữu đã qua đời” (số 1371).

Mình Máu Thánh Chúa Kitô hiệp nhất toàn thể vũ trụ và tất cả mọi người, mọi thời đại trong Thiên Chúa. Đất trời, con người giao hòa với nhau trong Đức Giêsu Kitô. Do đó việc rước lấy Mình Máu Thánh Chúa Giêsu đã được gọi là Sự Hiệp Thông Thánh Thiện – Holy Communion.

Lm. Nguyễn Thái

THÁNH THỂ, BẢO CHỨNG TÌNH YÊU

Lm. Đinh Lập Liễm

Vào năm 1263, có một linh mục người Đức đang cử hành Thánh Lễ tại một nhà thờ kính Thánh Christiana, lúc bẻ bánh trước khi rước lễ, vị linh mục này đã trông thấy hình bánh đã biến thành Thân Xác Đức Giêsu tử nạn. Trên thân mình Chúa, máu đang rịn ra qua các vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người. Máu chảy ra làm ướt tấm khăn thánh và mấy lớp khăn phủ bàn thờ. Vị linh mục vội gấp các tấm khăn kia lại. Nhưng gấp tới đâu thì máu lại thấm ra tới đó. Cuối cùng máu thấm qua tới 25 lần vải khăn. Vừa cảm động lại vừa sợ hãi đến nỗi vị linh mục không thể tiếp tục dâng hết Thánh Lễ được. Ngài yết kiến Đức Giáo Hoàng Urbanô và tường trình sự kiện lạ lùng ấy. Đức Giáo Hoàng liền sai một phái đoàn, đứng đầu là một giám mục đến điều tra thực hư. Sau khi xác định là phép lạ, vị giám mục đã cho rước Mình Thánh Chúa cùng các khăn bàn thờ đã thấm Máu Thánh kia về Rôma và đặt tại một nhà thờ dâng kính phép Thánh Thể, và mời gọi giáo dân đến chầu Mình Thánh liên tục. Sau đó, vào ngày mồng 8 tháng 9 năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô đã ra sắc dụ truyền thiết lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và truyền mừng lễ trong toàn thể Hội Thánh.

Người đời trước khi đi xa thường để lại cho người thân thích một món đồ nào đó để ghi nhớ. Đức Giêsu cũng hành động như vậy, Ngài muốn để lại cho họ một kỷ vật có một không hai, không phải là món đồ vật nào mà chính là bản thân Ngài. Ngài đã thực hiện trong bữa tiệc này mà Thánh Marcô đã ghi lại: ”Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các ông mà nói: ”Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước đổ ra vì muôn người” (Mc 14 :22-24).

Với những lời ấy, Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể. Rồi Ngài còn truyền cho các môn đệ: ”Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22:19) tức là Ngài ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao quí này để tưởng nhớ đến Ngài.

Trong bữa Tiệc Ly và cũng là Thánh Lễ đầu tiên do Đức Giêsu cử hành, Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể và ban quyền chức Linh mục cho các tông đồ. Từ đó trở đi, cho tới ngày nay, và cho đến tận thế, trong Thánh Lễ, khi Linh mục trịnh trọng lặp lại những lời Đức Giêsu: ”Này là mình Thầy, “Này là Máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa mà đã trở thành Mình Máu Chúa Kitô.

Như vậy, Đức Giêsu đã tìm ra phương thế để ở lại với các môn đệ; và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Dưới hình bánh rượu, Đức Giêsu hiện diện luôn mãi với loài người nơi trần gian. Đây là một chân lý cao siêu vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người. Vì vậy, sau truyền phép, Linh mục xướng lên: ”Đây là mầu nhiệm đức tin.” Mọi người đều thưa lên: ”Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho đến khi Chúa đến” (I Cor 11:26).

Trong bài ca Tiếp liên của Thánh Lễ hôm nay, Thánh Tôma tiến sĩ đã ca tụng mầu nhiệm Thánh Thể như sau: ”Đây là tín điều dạy người Kitô hữu, rằng Bánh trở nên Thịt Chúa và Rượu trở nên Máu Chúa. Thịt Chúa là của ăn, Máu Ngài là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình. Lạy Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, là Bánh thực, xin Ngài thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con, xin Ngài ban cho chúng con nhìn thấy những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh” (Bài Lauda Sion do Thánh Tôma Aquinô soạn tại Orvieto năm 1264).

Bí tích Thánh Thể cũng là một dấu chỉ: dấu chỉ của sự hiệp thông. Hiệp thông có nghĩa là nên một. Nói cách khác, bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của sự nên một, của sự hiệp nhất (I Cor 10:16-17), như Hội Thánh luôn tuyên xưng và cầu nguyện rằng: ”Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và máu Đức Kitô” (Kinh Tạ ơn II) Hay: ”Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Tạ ơn III).

Chính Đức Giêsu đã từng nói: ”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông. Có ai trong chúng ta dám khẳng định dứt khoát và mạnh mẽ như Đức Giêsu? Dẫu là tình yêu mặn nồng của đôi lứa yêu nhau hay ngay cả vợ chồng đi nữa, có chắc là họ ở trong nhau như Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa? Chỉ có bí tích Thánh Thể làm nên sự hiệp thông kỳ diệu, sự hiệp thông toàn vẹn: Chúa với ta và ta với Chúa: một thân thể không thể tách lìa.

Trong bí tích Thánh Thể, ta không chỉ nên một với Chúa mà thôi, nhưng còn với anh chị em của mình nữa. Vì khi cùng chia sẻ một tấm bánh là chính thân mình Chúa Kitô, tất cả mọi người sẽ nên những chi thể của Ngài. Thánh Phaolô đã từng nói: Tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh, vì thế chúng ta làm nên một thân mình (I Cor 10:17). Thân mình mầu nhiệm này sẽ được sống nhờ sức sống của Chúa Kitô là chính Thánh Thần của Chúa Kitô mà Ngài ban cho ta.

Bởi thế, trong Chúa Kitô, nhờ Thánh Thể của Người, tất cả chúng ta thật xứng đáng gọi Thiên Chúa là Cha, còn ta chỉ là một với nhau, cùng làm con một Cha (Lm Ng. minh Hùng).

Con người ta ai cũng có nhu cầu yêu, nghĩa là nhu cầu yêu và được yêu, mà không yêu là chết. Nhưng khi yêu người ta không dựa trên cơ sở lý luận mà chỉ theo cảm tình. Chính vì thế, Blaise Pascal đã nói: ”Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu được.” Tình yêu mạnh hơn sự chết (Nhã Ca 8:6). Với sự thúc đẩy mạnh liệt của tình yêu, người ta có thể làm những việc mà không ai có thể nghĩ tới. Chỉ tình yêu mới có thể cắt nghĩa được những hành động đó.

Thiên Chúa cũng yêu chúng ta bằng tình yêu như vậy đó. Tình yêu mà Thiên Chúa lắm lúc cũng có vẻ “điên khùng” như thế, vượt qua mọi lý luận của lý trí con người như tình yêu đôi lứa. Thật vậy, nhìn lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, chúng ta sẽ thấy trong mối tương quan này, Ngài không nhận lại bất cứ một điều gì. Chỉ vì yêu loài người chúng ta, Ngài đã làm những việc mà trí khôn con người không thể tưởng tượng được, đó là việc Ngài từ bỏ vinh quang của một vì Thiên Chúa, nhập thể làm một con người nghèo hèn ở giữa chúng ta (x. Pl 2:6-7).

Cuộc đời Đức Giêsu, dù xét một cách toàn thể hay từng chi tiết, chúng ta thấy Ngài sống hoàn toàn vị tha, nghĩa là vì tình yêu với Chúa Cha và đối với chúng ta. Cụ thể nhất là cái chết thê thảm và nhục nhã trên thập giá của Ngài. Hơn thế nữa, Ngài còn để lại chính thịt máu Ngài làm của ăn cho từng người chúng ta như Ngài phán: ”Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta ban, chính là thịt Ta để cho thế gian được sống” (Ga 6:51). Hành vi này là của Đức Giêsu, quả thật đã vượt quá suy luận của con người đến nỗi ngay các môn đệ của Ngài cũng phải thốt lên: ”Lời chi mà sống sượng thế, ai nào có thể nghe nổi” (Ga 6 :60).

Thiên Chúa cảm thông và thương yêu chúng ta như vậy, lẽ nào chúng ta không cảm thông và yêu thương nhau? Tình yêu của Đức Giêsu có hai chiều kích: yêu Chúa Cha và yêu con người. Lẽ nào chúng ta là con người với nhau lại chỉ quan tâm đến Thiên Chúa mà không quan tâm đến nhau?

Là một Thiên Chúa yêu thương, chắc chắn Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau, quan tâm đến nhau hơn là quan tâm đến Ngài. Tại sao? Vì những người chung quanh chúng ta cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta hơn Ngài rất nhiều. Ngài là Thiên Chúa – Đấng không thiếu thốn sự gì và cũng không hề ích kỷ – Ngài không cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta cho bằng những người chung quanh đang chung sống với chúng ta. Tại sao chúng ta lại quá quan tâm đến Ngài mà bỏ rơi anh chị em mình? Trong thực tế, chính khi ta yêu thương và quan tâm đến anh chị em mình, là chúng ta yêu mến Chúa (Mt 10:40,42; 25:35-40). Nếu yêu mến Thiên Chúa thì hãy bắt chước Đức Giêsu: chẳng những chấp nhận chịu khổ để anh chị em mình đỡ khổ, mà còn trở nên “của ăn” cho anh chị em mình nữa.

Với bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu trao ban trọn vẹn và hoàn toàn con người của Ngài cho chúng ta, để nhờ Ngài chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa và được sống đời đời như Ngài quả quyết: ”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6 :54). ”Nếu các ngươi không ăn thịt Con người và uống máu Người, các ngươi không có sự sống nơi mình” (Ga 6 :53). Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi đã tự hủy mình đi để trở nên tấm bánh và ao ước được chúng ta ăn, để chúng ta được nên một với Ngài. Vì thế, trong một đoạn Tin Mừng ngắn hôm nay, động từ “ăn” được lặp lại tới 9 lần.

Như vậy, “ăn và uống máu” Đức Giêsu chính là suy niệm Lời và đời sống của Ngài để dần dần thay thế “chất tôi” thành “chất Ngài”, biến “tôi” thành “Ngài.” Nói cách khác, đó là được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (Ph 3:11, 21; Rm 6:5), nên giống Đức Kitô mọi đàng để có thể nói như Thánh Phaolô: ”Tôi sống nhưng không phải tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”  (Gal 2:20). Giống Đức Giêsu là giống Thiên Chúa, mà “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4 :8, 16). Tình yêu ở đây là thứ tình yêu hoàn toàn vị tha nghĩa là trở nên “chiếc bánh bị ăn” (pain mangé) như Đức Giêsu (theo cách nói của cha Antôn Chevrier, tu hội Prado) để rồi mỗi người chúng ta sẽ trở nên “con người bị ăn thịt đi” (homme mangé) để phục vụ những người khác.

Một lần Thánh Phanxicô chầu Thánh Thể, được nghe tiếng Chúa hỏi: ”Hỡi Phanxicô sao con mê Cha như điên như cuồng như vậy?” Thánh Phanxicô trả lời: ”Lạy Chúa, xét về yêu, thì Chúa còn điên hơn con.”

Lm. Đinh Lập Liễm

NÀY LÀ MÁU TA

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Máu cần thiết cho sự sống. Thiếu máu nhiều bệnh nhân sẽ khó sống. Hiến máu đã cứu được nhiều người thoát chết. Hiến máu là tặng ban sự sống. Đó là hình ảnh cuộc hiến mình của Đức Kitô trên thập giá. Trong bữa tiệc ly, Đức Kitô cho biết Người sẽ đổ máu ra để cứu thế giới khi Người cầm chén rượu và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống. Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội”. Máu để cứu sống, máu để thiết lập giao ước, máu để tha tội, tất cả những ý nghĩa này đã được tiên báo trong Cựu ước.

Máu để cứu sống được diễn tả bằng hình ảnh con Chiên Vượt Qua. Để cứu dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa truyền cho người Do Thái giết một con chiên còn trong sạch, lấy máu bôi lên cửa. Đêm hôm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai Cập, nhà nào có máu chiên bôi trên cửa sẽ được cứu thoát. Để tưởng niệm việc được cứu sống và được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, từ đó, hằng năm vào đúng ngày ấy, người Do Thái vẫn giữ tập tục giết chiên mừng lễ. Lễ đó gọi là lễ Vượt Qua. Con chiên bị giết gọi là con chiên Vượt qua. Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu trở thành Chiên Vượt Qua mới. Máu Người đổ ra cứu linh hồn ta khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi chết. Các thánh Giáo phụ cắt nghĩa rằng: Miệng ta là cửa linh hồn. Người rước Mình Máu Thánh Chúa vào miệng cũng như bôi máu chiên lên cửa nhà, sẽ được cứu sống và được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi.

Máu giao ước được diễn tả qua nghi lễ ông Môsê cử hành dưới chân núi Sinai. Bài đọc thứ nhất hôm nay thuật lại: “Ông Môsê sai các thanh niên trong dân Israel tiến dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò tơ làm lễ hiệp thông tế Chúa. Ông lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và sẽ tuân theo. Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy trên dân và nói: Đây là máu giao ước Chúa đã lập với anh em”. Đó là giao ước cũ hay là Cựu ước.

Tại Việt Nam cũng như tại các nước Á Đông có tục “uống máu ăn thề”. Khi muốn giao kết với nhau, mỗi người lấy một chút máu của mình hòa chung vào một chén rượu. Sau đó mọi người chia nhau cạn chén. Việc uống máu ăn thề nói lên sự đồng tâm nhất trí. Những người cùng uống chung chén rượu pha máu trở nên ruột thịt với nhau, cùng sống cùng chết với nhau. Đức Giêsu đổ máu ra để lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên Chúa. Máu Đức Giêsu giao hòa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Máu giao ước đó làm cho con người trở thành con cái ruột thịt của Thiên Chúa và trở nên anh em ruột thịt với nhau. Đó là máu giao ước.

Máu để tha tội được dùng nhiều trong Cựu ước. Khi dâng lễ đền tội, người ta cũng xả thịt một con vật dâng cho Thiên Chúa. Thày cả lấy máu con vật vảy lên tội nhân để ban ơn tha tội. Khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa, ta cũng được tha tội vì Máu Chúa không vảy lên thân xác, nhưng vảy vào linh hồn ta.

Những ý nghĩa mà máu súc vật trong Cựu ước tượng trưng nay được hoàn thành viên mãn trong Máu Đức Kitô.

Nhân loại đang rên xiết trong ách nô lệ đã được Người giải thoát. Nhân loại đang xa lìa Thiên Chúa và bất hòa với nhau đã được Người giao hòa thành một gia đình thương yêu thuận hòa, sống chết có nhau. Nhân loại đang sống trong tội lỗi được Máu Người tẩy sạch mọi vết nhơ.

Chúng ta được ân phúc dường ấy là nhờ Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Dòng Máu Người đổ ra đến đâu đem lại sự sống đến đấy. Dòng Máu Người lan tới đâu thì ban ơn tha tội đến đấy.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy cảm tạ tình yêu vô biên của Người đã hiến mình, đổ máu để cứu chuộc ta.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy đáp lại tình yêu của Người bằng cách siêng năng đến lãnh nhận và siêng năng đến thờ lạy Đức Giêsu ngự trong phép Thánh Thể.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy noi gương Người, biết quên mình, hiến thân phục vụ đồng loại.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Bạn có tham dự Thánh lễ và chịu lễ sốt sắng không?
  2. Mỗi khi chịu lễ, bạn có cảm nghiệm được Đức Giêsu ngự trong bạn không?
  3. Yêu mến Chúa trong phép Thánh Thể, bạn có muốn nên giống Người, biết hiến thân phục vụ đồng loại không?
  4. Trong Kinh Thánh, máu có những ý nghĩa nào?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

TA LÀ BÁNH

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

Chúa Giêsu dùng một ngôn ngữ vừa hình tượng vừa thân quen để diễn tả vai trò hết sức quan trọng của Ngài đối với sự sống của chúng ta, đó là bánh. “Ta là Bánh”. Nếu Chúa Giêsu ở Việt Nam, thì Ngài sẽ nói: “Ta là cơm”, vì ở đất nước chúng ta cơm là thực phẩm hàng ngày của mọi người.

Thân phận của bánh, của cơm là phải chịu nghiền, chịu nhai, chịu tiêu tan và phân hủy đi để đem lại sự sống cho người khác.

Để trở thành cơm thành bánh nuôi sống con người, thóc lúa bị phơi ra nắng, kế đó phải bị xay, bị nghiền, bị sàng sảy, chịu trầy vi tróc vảy, rồi mới thành hạt gạo trong ngần. Hạt gạo nầy lại phải chịu ngâm, chịu vò trong nước, chịu bỏ vào nồi nấu sôi rồi mới thành cơm. Khi đã thành cơm lại còn bị hàm răng của con người nhai nghiến, chịu co bóp và phân huỷ trong hệ tiêu hoá rồi mới thành chất dinh dưỡng đem lại sức sống cho con người.

Nhưng để được lớn lên thành người, ngoài các loại cơm bánh thông thường, chúng ta còn cần những tấm bánh khác. Xét theo nghĩa rộng, cha mẹ cũng là cơm bánh cho con, vì nhờ cha mẹ chịu nghiền tán, chịu tiêu hao đi, con cái mới có thể lớn lên thành người.

Cha mẹ cũng là cơm bánh

Nhà thơ Kiên Giang có những diễn tả rất thiết tha về tình thương dạt dào của người mẹ, người mẹ hiến mình làm cơm, làm bánh cho con lớn lên:

“Ngày xửa ngày xưa thời trẻ dại Con đau rên siết mẹ sầu lo Bán đôi bông cưới mua thang thuốc Mua bánh tai heo giấy học trò. Đêm nao con khóc đòi ru ngủ Mẹ thức mỏi mòn: nhịp võng đưa Thân lạnh nằm khoanh lòng mẹ ấm Mẹ ơi! con lớn giữa niềm ru. Nhớ ngày mẹ ốm nằm trong xó Chiếu lạnh ủ không ấm vóc gầy Đau đớn không hề rên siết khẽ Sợ con nghe tiếng mà buồn lây”…

  • Mẹ là cơm bánh cho con khi mẹ thức thâu đêm để cho con say nồng giấc ngủ.
  • Mẹ là cơm bánh cho con khi mẹ đem bao nhiêu dinh dưỡng trong châu thân hoá thành dòng sữa nuôi con.
  • Mẹ là cơm bánh cho con khi mẹ phải hao mòn đi cho con được lớn lên từng ngày; mẹ phải gầy guộc đi để cho con lớn mạnh; lưng mẹ ngày càng còng xuống cho con được đứng thẳng hiên ngang.
  • Mẹ đúng là tấm bánh rất cần thiết cho con. Mẹ chịu nghiền tán, chịu tiêu hao đi để con thành người khôn lớn.

Chúa là Tấm Bánh cho loài người

Chúa Giêsu phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh nầy sẽ được sống đời đời”. Suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu hoá mình nên như cơm bánh, chịu nghiền tán, chịu tiêu hao đi cho nhân loại được sống còn.

Chúa Giêsu hoá mình nên cơm bánh cho nhân loại khi Ngài gieo mình xuống thế, sống kiếp người lam lũ thấp hèn để đồng hành và khai hoá chúng ta. Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho nhân loại khi Ngài chịu đau thương mất mát, chịu tiêu hao, chịu nghiền tán… cho chúng ta được hạnh phúc và vinh quang:

Ngài hạ mình xuống làm người phàm để cho chúng ta được tôn lên làm con Thiên Chúa; Ngài cam chịu vô vàn sỉ nhục cho chúng ta được vinh quang; Ngài phải mang đầy thương tích cho chúng ta được chữa lành; Ngài phải chết đi trong đau thương cho chúng ta được sống lại trong vinh hiển; Ngài xuống tận âm phủ cho chúng ta được lên cõi trời cao; Và nhất là qua bí tích Thánh Thể, Ngài hiến ban thân mình như tấm bánh cho mỗi người chúng ta được ăn Ngài thực sự, để cho chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Ngài, để Ngài ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài, để Thiên Chúa và con người không còn là hai mà chỉ là một xương một thịt: Một sự kết hợp nhiềm mầu và đầy yêu thương…

Hôm nay, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta hãy ăn Ngài. Ăn Chúa Giêsu là vâng nghe lời Ngài phán dạy, là học với Ngài, noi gương bắt chước Ngài, là uốn nắn đời sống chúng ta nên giống Ngài… để lớn lên thành người có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức, có văn hoá.

Và một khi đã được nuôi dưỡng hằng ngày bằng bánh Giêsu -“các con hãy nhận lấy mà ăn”- thì chúng ta cũng được mời gọi trở thành bánh cho người thân trong gia đình cũng như cho các anh chị em đang sống quanh ta – “các con hãy làm việc nầy (việc Thầy đang làm) để tưởng nhớ đến Thầy”.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

LUÔN KẾT HIỆP VỚI CHÚA TRONG MỌI LÚC MỌI NƠI

Lm. Jude Siciliano, OP / Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP

 

Nhiều lúc chúng ta vội vả lấy thức ăn rồi chạy đi. Các hành khách ở phi trường chung quanh tôi đang vội vàng như thế. Ngay cả khi có hai hay ba người  cùng đi với nhau, họ vội vả hình như không có thì giờ nói chuyện với nhau. Họ vừa đi vừa ăn để có nghị lực chạy.

Có những bữa ăn có ý nghĩa hơn như: chúng ta mời một người quen ra tiệm ăn để thương thuyết vấn đề mua bán, hoặc nữa chúng ta gặp một người chúng ta thích rồi mời người đó ra tiệm ăn, hay nấu một món ăn người đó thích. Rồi ăn uống chậm rãi để có thể biết người đó hơn. Trong những trường hợp đó hình như câu chuyện trong bữa ăn có ý nghĩa nhiều hơn.

Chúa Giêsu và các môn đệ kéo dài bữa ăn đặc biệt, và những lời nói trong bữa ăn đó có rất nhiều ý nghĩa. Chúa Giêsu chắc biết các môn đệ,và hiểu các ông biết Ngài. Các ông cùng đi với Chúa Giêsu suốt ba năm trời, và họ nghĩ họ sẽ có tương lai rực rỡ với Chúa Giêsu. Nhưng bữa ăn Chúa Giêsu sắp đặt cho các môn đệ không phải là bữa ăn nơi chỗ nghỉ chân trên đường đi. Bữa ăn đó có rất nhiều ý nghĩa vì Ngài sẽ dạy bảo các ông nhiều hơn về Ngài, và Ngài là ai đối với họ. Các hành động xảy ra sau bữa ăn sẽ nói rõ thực tế hơn điều gì Chúa Giêsu nói và làm nơi bàn ăn.

Bữa ăn đó là bữa ăn lễ Vượt Qua, mừng ngày người Do thái vượt khỏi ách nô lệ qua tự do. Bữa ăn đó để tạ ơn Thiên Chúa đã làm cho họ trong đời sống họ. Bài đọc trong sách Xuất Hành không những mừng việc Thiên Chúa đã giải thoát người Do thái khỏi ách nô lệ, mà còn nhắc họ một cách sâu đậm hơn việc họ từ nơi bóng tối âm u đến ánh sáng, từ tội lỗi sang ơn thánh sủng. Ông Môsê  lấy máu vật tế lễ rảy trên dân chúng để kết thúc giao ước với họ.

Giao ước này nói rõ hai điều cam kết: Thiên Chúa lãnh nhận dân chúng và đáp lại dân chúng có trách nhiệm với Thiên Chúa. Toàn dân đồng thanh đáp lại hai lần: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành”, “Tất cả những lời Đức Chúa, chúng tôi sẽ nghe theo và thi hành”. Lời giao ước giữa hai bên được chấp nhận qua máu vật tế lễ “Này là máu của giao ước đã kết với các ngươi, thể theo mọi lời ấy.”

Trong Phúc Âm hai điều trong lời giao ước có ý nghĩa mới: việc đó chứng tỏ Thiên Chúa giao ước với chúng ta, và chúng ta đáp lại. Phúc âm cho chúng ta một bữa ăn với ý nghĩa sâu đậm hơn về những người theo Chúa Giêsu. Trong bữa ăn Chúa Giêsu dùng những thức tầm thường làm dấu chỉ Ngài giao ước với chúng ta. Bánh và rượu, Mình và Máu thánh Ngài đổ ra cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta tất cả thân hình Ngài, và bởi đó chúng ta chia sẻ một mối tương quan mới với Thiên Chúa qua Chúa Kitô trong bữa ăn này.

Chúng ta gọi bữa ăn này là “bữa ăn tế lễ” và chúng ta nghĩ đến Chúa Giêsu tế lễ và hiến dâng mình cho tội lỗi chúng ta. Nhưng, việc tế lễ còn được xem như một người đã hiến dâng điều gì để giúp ích cho người khác. Chúng ta hy sinh một vật gì để người khác được hưởng. Bởi thế, hiến dâng có thể xem như một cử chỉ phục vụ người khác. Chúa Giêsu hiến dâng đời sống Ngài để chúng ta có thể chia sẻ với Ngài. Đó là Phúc Âm của giao ước: điều Ngài ban cho chúng ta, và kết quả là chúng ta có thể thi hành trách nhiệm của chúng ta trong giao ước, và làm như Chúa Giêsu là sống đời sống phục vụ kẻ khác.

Bánh được bẻ ra và chia sẻ, rượu được đổ ra và uống. “Đây là mình Thầy cho anh em ăn… Đây là máu Thầy đổ ra cho anh em uống…”. Điều Chúa Giêsu làm cho chúng ta trong phép Thánh Thể là điều chúng ta phải làm cho kẻ khác. Bánh bẻ ra và rượu đổ ra giúp chúng ta có thể hiến dâng đời sống và đổ máu chúng ta cho kẻ khác. Phép Thánh Thể cũng là việc nhắc chúng ta là chúng ta đã thất bại phần chúng ta trong giao ước.

Chúng ta đang tiếp tục, nhưng chưa sẵn sàng hy sinh phục vụ và hiến dâng đời sống chúng ta cho kẻ khác, chưa vui lòng nhận những hy sinh nhơ hằng ngày của người môn đệ. Nhưng, phép Thánh Thể chữa lành và giúp chúng ta sống đời sống ấy. Phép Thánh Thể nhắc lại hy vọng của chúng ta để giúp chúng ta không sống buông thả, hy sinh đời sống chúng ta theo đường lối của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hy sinh đời sống Ngài để người khác được sống. Bữa tiệc này giúp chúng ta có thể đáp lại với Thiên Chúa như người Do thái đã làm: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ nghe theo và thi hành. Có lẽ lời đáp của chúng ta  là “Mọi điều Thiên Chúa ̣đã nói và làm, chúng tôi sẽ thi hành – với sự giúp đỡ của Thiên Chúa “.

Chúng ta cũng như những hành khách ở phi trường vội vả ăn trên đường đi. Thức ăn sẽ cho họ có nghị lực và giúp họ đi đến thành phố khác để thăm bạn bè hay để thương thuyết về các thương vụ. Tôi tự hơi bao nhiêu người trở về với gia đình thân thương của họ?  Nơi tiệc Thánh Thể này, chúng ta đến để xin lương thực cho chúng ta có đủ nghị lực, và giúp chúng ta tiếp tục chặng đường đi. Lương thực Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sẽ đổi mới đời sống Ngài trong chúng ta  để chúng ta không buông thả hay do dự trên đường đi mà Ngài đã soạn cho chúng ta. Trong tiệc Thánh Thể hôm nay Chúa Giêsu cũng nói “Thầy bảo thật anh em, chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu có ý nói đến sự chết của Ngài. Nhưng, Ngài cũng nói đến bữa tiệc trong tương lai cùng chia sẻ với chúng ta khi Nước của Thiên Chúa được khai trương và thực hiện, và bữa ăn hôm nay là hình ảnh tượng trưng. Đến lúc đó, chúng ta sẽ ăn “bữa tiệc” đầy đư và thanh bình với nhau. Bởi thế, cũng như các hành khách ở phi trường cùng đi về nhà qua một hành trình mệt mỏi. Và Mình, Máu Thánh Chúa Kitô sẽ đưa chúng ta đến nơi đến chốn bình an.

Lm. Jude Siciliano, OP / Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*