• TÊN NÓ LÀ GIOAN – Thế Tiến
  • MỪNG SINH NHẬT – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ - Lm. Minh Trân, CRM

“TÊN NÓ LÀ GIOAN” (Lc 1:57-66)

Thế Tiến

Hôm nay mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Bài Phúc Âm nói cho biết ngày thứ 8, làm lễ cắt bì và bà con lối xóm bàn định đặt tên cho em. Tên tuổi có gì quan trọng không? William Shakespear hỏi, nếu chúng ta gọi hoa hồng bằng một tên khác, hương hoa hồng có thay đổi không? Có lẽ nhiều người như Shakespear nghĩ rằng nội dung mới quan trọng chứ hình thức hay danh hiệu có gì quan trọng. Ngày nay nhất là tại Âu Mỹ, tên tuổi ít quan trọng và đôi khi chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt. Tên Bill hay tên Donald hay tên gì khác có gì khác biệt đâu. Quả thực, tên tiếng Tây thì rất ít ý nghĩa. Người ta bảo xưa Tây đâu có tên họ đâu. Đến khi nhà nước đòi phải có tên họ, thì đa số chọn ngay nghề nghiệp làm tên họ cho tiện lợi. Baker chỉ vì ông tổ nướng bánh mì, Farmer chỉ vì ông tổ làm nghề nông, Smith chỉ vì ông tổ làm các ổ khóa, Taylor có ông tổ làm thợ may. Muốn may quần áo thì cứ việc đến với ông Taylor là có ngay.

Tên tiếng Việt đôi khi còn có một ý nghĩa nào đó. Tôi nhớ hồi nhỏ có anh bạn mang họ Phạm. Anh ta thắc mắc tại sao lại họ Phạm bởi vì khi mang họ phạm tên càng hay, càng tốt đẹp lại càng xấu. Trung Thành là điều tốt nhưng Phạm Trung Thành là điều xấu rồi. Phạm chỉ có phạm tội trọng là nổi tiếng thôi …

Tên trong Thánh Kinh thường mang nhiều ý nghĩa hơn. Chúa nhấn mạnh con của ông Zacaria và bà Elizabeth phải được gọi là Gioan vì một lý do tốt lành dù điều này không đúng theo truyền thống gia đình, dù trong họ hàng chẳng có ai lấy tên Gioan đi nữa. “Gioan,” theo tiếng Do Thái Yohanan (hay y’hohanan), có nghĩa là “Đức Chúa khoan dung” “Thiên Chúa thương xót.” Gioan Tẩy Giả là Tiên Tri cuối cùng của Cựu Ước và theo một nghĩa ông tóm tắt trong mình mọi ơn lành Chúa dành cho dân riêng Do Thái. Mọi sự Chúa làm trong Cựu Ước hướng về Người mà Gioan làm tiền hô là Đức Giêsu. Gioan được thụ thai cách lạ và sinh ra là bước cuối cùng tiên báo Đức Kitô trong việc sửa dọn cho sứ mạng Cứu thế của Đức Kitô. Gioan với ý nghĩa cái tên là Chúa xót thương để loan báo Đấng Messia quả là hợp lý. Con trẻ Gioan là một biểu lộ lòng Chúa thương xót, cách riêng cho ông bà Zacharia và Elizabeth, vì Chúa đã cất đi sự tủi nhục cho người đàn bà son sẻ và cách chung cho toàn thể gia đình nhân loại. Ngay Việt Nam cũng có câu: “Cây khô không có lộc – Người độc không có con” hay” Cây khô không có trái – gái  độc không có con.” Gioan xuất hiện để làm tiền hô dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến với dân Ngài, một niềm vui mà đã bao ngàn năm gia đình nhân loại ngóng chờ. Chẳng hồ nghi,  những người có mặt bữa đó đều biết nghĩa chữ Gioan hay Yohanan có nghĩa là “Thiên Chúa thương xót”.

Tuy nhiên thực tế, họ không nhìn ra lòng Chúa thương xót trong biến cố nên đã từ chối không chịu nhận tên Gioan cho con trẻ. Họ bị ràng buộc bởi những suy nghĩ trần tục, của các thói đời, của  tập quán cổ xưa: “Không ai trong họ hàng bà có tên này”.

Chúng ta có nhìn ra lòng Chúa xót thương  trong thực tại của cuộc sống không? Một niềm vui nho nhỏ, một chuyện buồn vô lý nhưng Chúa chất vào đấy nhiều ý nghĩa của lòng Chúa xót thương. Lạy Chúa xin giúp con nhìn ra lòng Chúa xót thương trong biến cố nho nhỏ của đời con hôm nay.

MỪNG SINH NHẬT

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Giới trẻ ngày nay xem ra thích mừng sinh nhật hơn mừng lễ bổn mạng.

Ngày vui ấy thường đi với quà, tiệc mừng và những lời cầu chúc.

Thật ra mừng sinh nhật có thể là một hành vi mang nhiều tính tôn giáo.

Tôi nhớ đến ngày tôi được sinh ra,

một sinh linh bé nhỏ chào đời,

mang hình ảnh của Thiên Chúa, mang khuôn mặt của Đức Giêsu.

Ngày ấy quan trọng và đáng nhớ ngay cả đối với chính Thiên Chúa.

Dù thế giới có hơn 6,7 tỷ người thì một hài nhi mới sinh

cũng có một chỗ đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa.

Thiên Chúa có những ước mơ và dự tính riêng về từng con người.

Chẳng ai chào đời một cách tình cờ và ngẫu nhiên.

Mỗi người đều cần cho kế hoạch lớn của Thiên Chúa.

Mừng sinh nhật một cách nghiêm túc lại trở thành một lễ tạ ơn.

Tạ ơn Chúa đã cho tôi được làm người ở đời.

Bất chấp những khổ đau vấp ngã, những thất bại đắng cay,

tôi vẫn xin được yêu mảnh đời Chúa dệt cho tôi.

Hôm nay Giáo Hội mừng sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả.

Chỉ có Đức Giêsu và Mẹ Maria mới được mừng ngày sinh trong phụng vụ.

Điều đó cho thấy sinh nhật của Gioan là biến cố có ảnh hưởng lớn.

Bài Tin Mừng hôm nay nói vắn gọn về chuyện sinh hạ và cắt bì Gioan,

nhưng kể dài hơn về chuyện đặt tên cho em.

Chúng ta có thể cảm được niềm vui lớn lao của người mẹ là bà Êlisabét.

Niềm vui này đã bắt đầu từ khi bà có thai Gioan.

Chẳng biết bà bao nhiêu tuổi, chỉ biết là bà đã cao niên lại không sinh con.

Hiếm muộn thời xưa thường bị coi là do người vợ.

Đó là một sự sỉ nhục (St 30:23) và là một hình phạt của Chúa (2 Sm 6:23).

Nhưng bà Êlisabét lại là người công chính thuộc dòng tư tế Aharon,

“sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa,

không ai chê trách được điều gì” (Lc 1:6).

Bà đã sống với nỗi đau này trong nhiều năm, sau bao lần chờ đợi và thất vọng.

Khi biết mình có thai trong lúc tuổi già,

bà tự nhủ : “Chúa đã làm cho tôi như thế đó,

khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước người đời (Lc 1:25).

Ngày sinh của Gioan là ngày vui đặc biệt cho bà, người làm mẹ lần đầu.

Niềm vui ấy còn được nhân lên vì bà sinh một cậu con trai.

Láng giềng, thân thích đến chung vui với bà vì bà được Chúa thương.

Chúng ta không rõ bởi đâu mà Êlisabét đòi phải đặt tên cho con mình là Gioan.

Chỉ biết bà đã phản ứng quyết liệt chuyện đặt tên con  là Dacaria.

Nhưng quyết định của người cha mới là quan trọng,

vì người cha thường là người có quyền đặt tên cho con,

qua đó nhìn nhận người con ấy là của mình (x. Mt 1:21).

Ông Dacaria chẳng những bị câm, lại còn điếc nữa,

nên người ta phải làm hiệu để hỏi ý ông.

Khi ông viết trên bảng tên “Gioan” thì mọi người chưng hửng.

Chính lúc ấy một phép lạ xảy ra: ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa.

Gioan là tên mà sứ thần đã dặn ông lúc dâng hương trong Đền thờ.

Gioan (Yôkhanan) có nghĩa là Đức Chúa thi ân.

Gioan thật là một ơn của Chúa và sẽ đóng một vai trò trong lịch sử cứu độ.

Chúng ta để ý đến vai trò của bà con láng giềng trong bài Tin Mừng này.

Họ đến chung vui, can thiệp ít nhiều vào chuyện đặt tên đứa trẻ.

Họ bỡ ngỡ với cái tên Gioan, và kinh sợ khi ông Dacaria nói lại được.

Việc sinh hạ Gioan quả đã được vây bọc bởi nhiều chuyện lạ lùng.

Tiếng vang không chỉ nơi láng giềng thân thích,

mà còn được loan truyền khắp vùng đồi núi xứ Giuđê (c. 65).

“Rồi đây đứa trẻ này sẽ ra thế nào ?”

Đó là câu hỏi mà ai cũng để tâm suy nghĩ sau khi nghe câu chuyện.

Hẳn là em này sẽ có một định mệnh và ơn gọi đặc biệt.

Có thể sau đó mọi sự lại lắng xuống,

còn cậu Gioan thì vẫn lớn lên, tinh thần vững mạnh.

Cậu không lập gia đình và sống trong hoang địa, chờ ngày đến với Ítraen.

Mừng sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả,

chúng ta thấy được sự khiêm tốn của Thiên Chúa.

Để giới thiệu Con của Người là Đức Giêsu cho dân Ítraen,

Thiên Chúa cần đến Gioan, một người dọn đường.

“Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng

kêu gọi toàn dân Ítraen chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” (Cv 13:24).

Và Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc sinh hạ của con người này.

“Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ,

lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” (Is 49:1).

Hình ảnh người Tôi Trung trên đây trong Isaia khá hợp với Gioan.

“Người là đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ

để tôi trở thành người Tôi Trung đem nhà Giacóp về cho Người…” (Is 49:5).

Hóa ra việc Thiên Chúa chọn, gọi và giao sứ mạng

đã diễn ra ngay từ con người chỉ mới là phôi thai trong lòng mẹ.

Điều này đúng với Gioan :

“Em sẽ được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ.

Em sẽ đưa nhiều con cái Ít raen về với Đức Chúa…

và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1:15-17).

Gioan đã được gọi để làm ngôn sứ cho dân tộc của ngài,

giúp cho dân Ítraen đón nhận Đấng đến sau ông nhưng lại có trước ông.

Ơn gọi ấy đã làm cho ông hiện hữu ở trên đời.

Cuộc sinh hạ của Gioan được coi là kỳ lạ.

Thật ra cuộc sinh hạ nào cũng là một màu nhiệm lạ lùng.

Khi rửa tội một em bé mới sinh,

chúng ta cũng vẫn đặt câu hỏi: Em này rồi sẽ ra sao ?

Đâu là định mệnh tương lai của em ?

Đâu là con đường riêng mà Chúa muốn em đi ?

Chúng ta chỉ mong bàn tay Chúa ở với em (Lc 1:66).

Những thai nhi, những hài nhi, những trẻ thơ hôm nay ở quanh ta

cũng được hiện hữu và được trao một sứ mạng.

Mừng sinh nhật một vị thánh, chúng ta thêm trân trọng sự sống nơi các em,

và thấy mình có bổn phận nâng đỡ để các em đi con đường Chúa muốn

và trở thành những người đưa dân tộc Việt Nam đến với Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ

Lm. Minh Trân, CRM

Hôm nay Giáo Hội mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, một vị thánh thường chỉ xuất hiện trong Mùa Vọng. Việc ngài được sinh ra thật là một điều kỳ diệu. Ngài được sinh ra bởi ông Giacaria và bà Isave, một cặp vợ chồng xem ra là quá già để có con. Cuộc sống của ngài cũng kỳ diệu… ăn châu chấu và uống mật ong rừng… Suốt cả đời, ngài tập trung vào Chúa và phục vụ Chúa. Ngài được gọi là Đấng Tiền Hô, dọn đường cho Chúa đến với loài người.

Ngày lễ đặc biệt này luôn được mừng vào ngày 24 tháng 6. Cho nên, không mấy khi chúng ta được mừng lễ này vào Chúa Nhật. Ngày lễ này rất quan trọng trong phụng vụ của Giáo Hội, đến nỗi thậm chí lễ này còn “át” cả phụng vụ Chúa Nhật thường niên.

Gioan Tẩy Giả được sinh ra vào một thời điểm khi ngày bắt đầu ngắn dần và ngắn dần cho đến khi chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh – một dấu hiệu cho thấy Đấng là Ánh Sáng đã bước vào thế giới. Vì vậy, ngài được xem như là đỉnh cao của một lịch sử lâu dài của các tiên tri, những người trong suốt nhiều thế kỷ đã liên tục kêu gọi người Do Thái để tín trung hơn, để cậy tin tưởng hơn, và để yêu thương hơn. Gioan Tẩy Giả là vị tiên tri cuối cùng (và “vĩ đại nhất”) trong dòng người can đảm đó. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, từ tận trong cõi thâm sâu của trái tim, Gioan Tẩy Giả biết có một cái gì đó sắp thay đổi, một cái gì đó sẽ khác, một cái gì đó sắp xảy ra.

Và do đó, sự ra đời của Gioan Tẩy Giả, theo một nghĩa nào đó, là một lễ kỷ niệm trên bờ vực của một cái gì đó tuyệt vời, trên bờ vực của một thế giới sắp được biến đổi, trên bờ vực của một cuộc gặp gỡ với Đức Chúa Trời hằng sống – không phải là Đức Chúa Trời “ở ngoài kia” – nhưng một Đức Chúa Trời ở ngay giữa chúng ta (như Ngài đã làm cho dân chúng hai ngàn năm trước) – Đức Chúa Trời của họ đến thăm họ trong con người của Chúa Giêsu. Và với Gioan, đó là tất cả.

Đôi khi chúng ta nghĩ Gioan Tẩy Giả có một thông điệp “tiêu cực” công khai. Và đúng là ngài không ngại nói những điều khá khó khăn, nói những điều thách thức mọi người kiểm điểm trung thực về cuộc sống của họ. Gioan Tẩy Giả không bôi đường trát mật trên sự vật. Ngài nói những gì ngài tin cần phải nói. Nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ những gì ngài đã rao giảng, thì rõ ràng là Gioan Tẩy Giả hướng mọi người theo một hướng nhất định, tập trung sự chú ý vào những gì quan trọng nhất, và đảm bảo họ chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những gì sắp xảy ra. Đối với Gioan Tẩy Giả, tất cả qui về việc thực hiện những lời hứa của Đức Chúa Trời. Người mà họ đã chờ đợi từ rất lâu, và giờ đã ở giữa họ. Và vì vậy tôi dám nghĩ rằng thông điệp của Gioan cuối cùng là một niềm hy vọng, tin tưởng, và đầy hứa hẹn (kèm theo lời kêu gọi hoán cải trái tim chân thành) – một niềm hy vọng và tin tưởng rằng tương lai cho cả cá nhân họ và dân tộc họ sẽ không bao giờ giống như trước nữa. Những điều tuyệt vời đó đã ở ngay dưới chân trời. Tương lai tươi sáng hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người.

Chúng ta có tin như vậy không?

Thật dễ dàng để tập trung vào những điều tiêu cực. Thật dễ dàng để xem tin tức và tự hỏi liệu mọi thứ có khác biệt hay không, tự hỏi liệu thế giới có sáng sủa tí nào không. Thật dễ dàng để tự hỏi liệu nhân loại có mất đi tính cơ bản của nó hay không, cảm giác tử tế và lòng từ bi thương xót của nó, la bàn đạo đức của nó. Nói cách khác, thật dễ dàng để sợ hãi và sợ hãi tương lai – hơn là mong chờ nó.

Nhưng đối với người Kitô giáo, đối với người có đức tin, nó không bao giờ có thể như vậy. Chúng ta được gọi là những con người của hy vọng và có hy vọng sâu sắc – những người tin rằng những ngày tốt nhất của chúng ta không phải phía sau chúng ta, nhưng trước mắt chúng ta, những người tin vào lòng tốt cơ bản của mọi người, những người tin rằng mọi người đều được ấp ủ yêu thương, những người tin chắc vào lời hứa của Đức Chúa Trời – hứa rằng thế gian, bởi vì sự sống lại của Chúa Kitô và qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, sẽ tiếp tục được biến đổi thành nơi đẹp đẽ, yêu thương, từ bi mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng lên.

Một phần của sự tiêu cực, theo tôi nghĩ, vừa là một sự nhớ sai về quá khứ cũng như thiếu hiểu biết về lịch sử loài người. Chúng ta vào nhìn thế giới chung quanh chúng ta, và những cuộc chiến đấu riêng tư của chính mình, và tưởng rằng đáng lẽ mọi thứ đã phải tốt hơn từ lâu – người ta phải tử tế, trung thực, và quan tâm hơn với nhau. Tuy nhiên, lịch sử lại cho thấy ngược lại. Đàn ông và phụ nữ luôn phải vật lộn để làm điều đúng đắn, luôn vất vả cố gắng để “tín trung”, để sống không chỉ cho riêng bản thân họ mà cho cả người khác. Đời là thế. Và đó là lý do tại sao chúng ta cần Đấng Cứu Thế.

Chúa đã chiến thắng thế gian. Chúa đã đến và đã thay đổi mọi sự. Mỗi người chúng ta (và thế giới này) có thể được tái tạo mới mẻ mỗi ngày. Đó không chỉ là giấc mơ – nó có thể và sẽ là hiện thực – miễn là chúng ta lắng nghe Gioan Tẩy Giả, cải cách cuộc sống của chúng ta, tập trung vào cái gì (và ai) là quan trọng nhất, và cho phép chúng ta thay đổi từ bên trong, biến thành con người của lòng nhân hậu, từ bi, và dạt dào yêu thương.

Chúng ta có thể là Gioan Tẩy Giả trong thời gian và tại địa điểm của chúng ta không? Chúng ta có thể tin rằng những điều tuyệt vời đang ở ngay dưới chân trời không? Chúa nói chúng ta có thể. Chúng ta có thể hy vọng và tin tưởng không?

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*