• NOI GƯƠNG THÁNH GIA XÂY DỰNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH – Sao Mai
  • NGÀY CÀNG LỚN LÊN – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,  SJ
  • NẾP SỐNG THANH BẦN ĐẠO HẠNH CỦA THÁNH GIA NA-DA-RÉT – Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
  • LỄ THÁNH GIA – Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
  • XÂY DỰNG GIA ĐÌNH KITÔ HỮU – Lm. Giuse Đinh lập Liễm

NOI GƯƠNG THÁNH GIA XÂY DỰNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH – Sao Mai

 

Lễ Thánh Gia Thất giúp chúng ta liên tưởng đến gia đình, đến những giá trị truyền thống, căn bản và chính yếu mà Thiên Chúa đã đặt định nơi mái ấm của mỗi con người trong xã hội. Với Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, Thánh gia thất là một gương mẫu cho các gia đình nhân loại. Cho dù ngày nay phải chịu đựng rất nhiều áp lực và biến đổi, các gia đình vẫn còn giữ nguyên những giá trị mà nếu không được tôn trọng, thì cơ chế gia đình sẽ bị đổ vỡ và con người sẽ trở nên hụt hẫng, bấp bênh, què quặt, bất hạnh.

Trước hết, gia đình là nơi trao ban và đón nhận sự sống. Con Thiên Chúa xuống thế làm người cũng đã chọn gia đình làm điểm tựa đầu tiên trong hành trình cứu chuộc, cũng có một người mẹ bình thường như những người khác. Thực vậy, người ta sinh ra trong gia đình, lớn lên, phát triển, và được giáo dục trong gia đình. Một khi đã trở nên trưởng thành, đến lượt mình, người ta lại xây dựng một gia đình mới. Và cứ như vậy, gia đình tiếp tục tồn tại trên trần gian cho đến ngày tận thế. Đó là một đặc ân được trao ban, cho phép con người cộng tác với Đấng Tạo Hóa trong việc truyền sinh dòng giống loài người. Vì thế, gia đình cần phải được trân trọng, yêu mến.

Thứ đến, những giá trị của cuộc sống được chuyển thông trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp và rất sâu đậm trên con người và xã hội. Ai trong chúng ta có thể đánh giá được tất cả những gì mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận được từ Đức Maria và thánh Giuse trong khoảng ba mươi năm sống ẩn dật. Trong gia đình nhân loại này, ngài đã học hỏi, và tập tành để thành nhân, thành người con của dòng tộc Israel. Trung thành với Lề luật của Thiên Chúa, Đức Maria và thánh Giuse đã chuyển thông cho con trẻ Giêsu di sản thiêng liêng quí giá làm nền móng căn bản cho Tin Mừng tình yêu của ngài sau này. Như thế, gia đình có sứ mạng chuyển thông đức tin và những giá trị nhân bản cần thiết cho phẩm giá con người.

Đồng thời, gia đình cũng là nơi hiệp thông và liên đới. Chính ở trong gia đình mà các mối dây liên hệ tình thân đầu tiên được nối kết, và đan xen giữa những con người thương mến. Đây là nơi mà mỗi người học hỏi để biết nhìn nhận người khác, sẵn sàng tôn trọng chỗ đứng và vai trò của họ trong cuộc sống. Cũng chính ở nơi đây, người ta tập sống liên đới với người khác, một sự liên đới không thể thiếu để giúp phát triển nhân cách của riêng mình và của anh em chung quanh. Không ai là một hòn đảo. Sống luôn luôn là sống cùng, sống với người khác. Do đó, phẩm chất đời sống của riêng mình tùy thuộc phần lớn ở những mối liên hệ mà mỗi người trao đổi với người khác.

Ngoài ra, gia đình còn là tổ ấm tình yêu, là nơi chia sẻ và trao hiến cho nhau. Điều đó rất đúng cho mỗi thành phần trong gia đình. Con trẻ sẽ không thể sống hạnh phúc ngay giữa gia đình, nếu từ chối chia sẻ và quên mình vì người khác. Sự sống của Cha mẹ từ đầu cho đến cuối, luôn luôn được đánh dấu bởi sự hy sinh, trao hiến và chia sẻ. Làm cha, làm mẹ có nghĩa là gì, nếu không phải là cho đi và chia sẻ những gì mình có và những gì là chính mình, từ ngày này qua ngày khác?- Tình cha nghĩa mẹ là nét cao trọng của con người, bởi vì tất cả đều phát xuất từ tình phụ tử của Thiên Chúa, kiểu mẫu của mọi người cha, người mẹ.

Tuy nhiên, sống những thực tại đó thực ra không phải là dễ. Trao ban sự sống, làm cho sự sống lớn lên, bảo vệ và làm phát triển sự hiệp thông giữa các phần tử trong chính gia đình, học tập chia sẻ và tự hiến thân mình để cho người khác được hạnh phúc .v.v. điều đó không phải luôn luôn là điều đương nhiên, và chắc chắn cũng không thể nào tránh khỏi những giờ phút đau khổ, thất vọng và lo lắng. Từ đó, chúng ta có thể nói, về một phương diện nào đó, gia đình là nơi ghi dấu ấn của mầu nhiệm phục sinh. Chết đi để sống lại. Trải qua đau khổ trước khi đi đến niềm vui Phục sinh. Gia đình, nếu được hiểu biết và sống trọn vẹn như thánh ý Chúa, là một lễ vượt qua, một sự sống lại trong hạnh phúc bất diệt.

Một người đàn ông đang đánh bóng chiếc xe hơi mới mua của mình thì cô con gái 4 tuổi của ông lại dùng đá để viết lên chiếc xe ấy. Điên tiết, ông ta cầm lấy bàn tay của đứa trẻ và đánh rất nhiều, và ông không nhận ra mình đang đánh bằng một cái mỏ lết. Lúc đến bệnh viện, cô bé phải cưa bỏ tất cả những ngón tay của mình vì vết thương quá nghiêm trọng.

Khi đứa trẻ nhìn thấy cha, cô bé đơn sơ hỏi “Cha ơi, đến khi nào thì ngón tay con sẽ mọc lại?”. Người cha đau đớn trong lặng câm. Ông trở lại chiếc xe hơi và tức giận đá vào nó. Phải đến lúc thấm mệt ông mới nhìn vào chỗ có những vết rạch mà con gái ông đã viết nên, cô bé đã viết: “Con yêu cha.”

Con người hôm nay với những méo mó lệch lạc trong cách sống, họ quên đi rằng: ” Đồ vật là để sử dụng, nhưng con người là để yêu thương”

Lạy Chúa, Chúa đã chọn Thánh Giuse là người đứng đầu gia đình Nadarét với những đức tính rất cần thiết của một người làm chủ gia đình để gia đình ấy hạnh phúc. Xin cho tất cả những người làm chủ trong các gia đình Kitô hữu biết noi gương bắt chước Ngài, biết coi nhẹ cái tôi của mình để thường xuyên quan tâm đến hạnh phúc của mọi thành viên khác trong gia đình. Xin cho những người làm vợ và làm mẹ noi gương Đức Maria biết luôn tỏ ra dịu dàng và biết hy sinh ý riêng của mình cho hạnh phúc gia đình. Và xin cho mọi con cái trong gia đình Kitô hữu biết noi gương Đức Giêsu luôn kính trọng và vâng phục cha mẹ mình. Amen.

Sao Mai

NGÀY CÀNG LỚN LÊN – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,  SJ

LỜI CHÚA: Lc 2:22-40

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí dun dủi, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã  hứa,

xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

là vinh quang của Israel Dân Ngài.

Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những  ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.

Khi ấy cũng có một nữ ngôn sứ   tên là Anna, con ông Pơnuen, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá,  đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ gặp ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

SUY NIỆM

Khi viết sách Tin Mừng, thánh Luca thích nêu bật vai trò của phụ nữ, vì trong xã hội Israel thời xưa, việc lãnh đạo chủ yếu do đàn ông. Luca hay đặt sóng đôi những câu chuyện về các nhân vật nam và nữ. Sau trình thuật sứ thần Gabrien truyền tin cho ông Dacaria, thì đến trình thuật sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ. Sau sự xuất hiện của ông già Simêon nói tiên tri về Hài Nhi, thì bà Anna cũng được giới thiệu minh nhiên như một nữ ngôn sứ. Làm ngôn sứ đâu phải là đặc quyền dành cho phái nam!

Khuôn mặt của Simêon và Anna  có những nét giống nhau. Cả hai đều là những người tuổi cao và đạo hạnh. Đời sống của họ gắn bó với Đền thờ. Riêng cuộc  đời  của  cụ bà Anna thì thật đáng phục. Cụ xuất giá được bảy năm thì ở góa, nay cụ đã tám mươi tư. Giả như  cụ lấy chồng vào năm mười lăm tuổi, thì hẳn cụ đã sống trong cảnh góa bụa hơn sáu mươi năm. Một thời gian dài không có chỗ dựa vững chắc của người chồng. Nhưng cụ Anna lại tìm thấy một chỗ dựa khác, vững hơn. Đó là Thiên Chúa mà  cụ đêm ngày thờ phượng (c. 37). Đó là Đền thờ mà cụ coi như nhà của mình. Đời sống của một góa phụ trẻ, lúc mới ngoài hai mươi, thật không dễ. Ăn chay cầu nguyện là cách để cụ làm chủ bản thân và thắng cám   dỗ.

Simêon và Anna đều là những người cao tuổi đã và đang chờ. Họ sống để chờ những lời Chúa hứa được thành tựu, sống để chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem (c. 38). Anna có biết hôm nay nỗi đợi chờ của cụ được đáp ứng không? Với trực giác của một ngôn sứ, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ đang được bồng ẵm trên tay của đôi vợ chồng nghèo. Như xuất thần, cụ nói về Hài Nhi cho những người chung quanh. Không phải chờ nữa, vì ơn cứu chuộc mong mỏi từ lâu nay đã đến. Thiên Chúa đã giữ trọn lời hứa  của Ngài.

Chúng ta đang mừng Lễ Giáng sinh, mừng Con Thiên Chúa làm người. Chúng ta có ít thời gian để suy niệm về thời gian của Ngài ở Nadarét. Hơn ba mươi năm để Hài Nhi từ từ lớn lên, trở nên người trưởng thành. Làm người là chấp nhận lớn lên mỗi  ngày  một  chút về mọi mặt. Thân xác của cậu Giêsu trở nên mạnh mẽ, trí tuệ cậu đầy khôn ngoan, và về mặt tâm linh, ân lộc của Thiên Chúa ở trên cậu (c. 40). Hài Nhi Giêsu đã lớn lên một cách quân bình để thành Thầy Giêsu đi rao giảng vào lúc ngoài ba mươi. Con Thiên Chúa cũng phải chăm chỉ học làm người, qua tha nhân và kinh nghiệm, qua lao động và thách đố trong cuộc sống. Ngài chia sẻ phận người long đong của chúng ta, nên Ngài hiểu gánh nặng của phận người. Xin được học nơi Nadarét về chia sẻ và phục vụ, về tha thứ và yêu thương. Xin được trở nên người có khả năng dám sống và chết cho người  khác.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa,

xin cho con luôn vui tươi.

dù có phải lo âu và thống khổ,  xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;

nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,

những người – cũng như con – đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu  đuối,

thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,

thông cảm và nhân từ  hơn.

Nếu bàn tay con run  rẩy,

thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

Khi lâm tử,

xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật

như một lời kinh.

Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,

như một lời xin vâng cuối cùng. Và con về nhà Chúa,

để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.  ª

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,  SJ

NẾP SỐNG THANH BẦN ĐẠO HẠNH CỦA THÁNH GIA NA-DA-RÉT – Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

“Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê,

bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem,

để tiến dâng cho Chúa, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền,

là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.”

I. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA (2:22-40):

22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,   24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: 29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

II. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA (1:26-38):

2.1 Cha mẹ Đức Giê-su là những người Do-thái ngoan đạo và sống thanh bần:  

Đức Ma-ri-a và Thánh Cả Giu-se là hai người tín hữu Do-thái ngoan đạo và sống thanh bần. Vì thế mà các ngài tuân theo lể luật Mô-sê một cách thành khẩn và hiến dâng con mình cho Thiên Chúa cũng như dâng lễ vật khiêm tốn trong Đền Thờ: ”Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,  và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non”

2.2 Hài Nhi Giê-su là Đấng được dân Ít-ra-en mong đợi:  

”Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.  Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

2.3 Hài Nhi Giê-su là Đấng sẽ khiến người ta phải chọn lựa:  

“Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

2.4 Hài Nhi Giê-su đã chọn một nếp sống ẩn dật, khiêm nhường:  

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

III. THỰC THI  LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA (1:26-38):  

3.1 Tôi học theo gương sống thanh bần đạo hạnh của Thánh Gia Na-da-rét

Thánh Gia Na-da-ét là tấm gương sống động cho gia đình và cá nhân tôi trong việc tuân giữ Luật Lệ của Thiên Chúa và trong nếp sống thanh bần đạo hạnh, giữa một xã hội tôn thờ đồng tiển và chạy theo quyền chức. Vì không dư giả về kinh tế và không có địa vị xã hội, gia đình và bản thân tôi không được ai trọng vọng. Nhưng gia đình tôi và tôi được bình an và hạnh phúc, vì được nên giống Thánh Gia Na-da-rét!

3.2 Tôi bắt chước lối sống khiêm nhường, ấn dật của Chúa Giê-su Con Thiên Chúa 

Trong những năm sống trong Chủng Viện và Dòng Tu, tôi luôn được lôi cuốn bởi những tấm gương khó nghèo, thánh thiện như chân phước Charles de Foucauld, Thánh Vincent de Paul, cha Chevrier…. Các ngài là những tấm gương phản chiếu cách sống động đời sống của Đức Giê-su Na-da-rét. Khi trở lại đời sống người giáo dân, hoàn cảnh xã hội và khả năng cá nhân cũng chỉ giúp tôi sống ngày qua ngày, nên tôi dễ dàng sống khiêm nhường và ẩn dật. Tôi lấy thế là đủ và hạnh phúc.

IV. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA (1:26-38):

Lạy Thánh Gia Na-da-rét, con dâng lời ngợi khen và cảm phục các Ngài. Chúa Giê-su là Thiên Chúa mà chọn nếp sống ẩn dật, khiêm cung. Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a  là cha là mẹ Đức Giê-su mà sống thanh bần và đạo hạnh.

Nhìn vào Thánh Gia Na-da-rét, gia đình con và bao gia đình khác được an ủi khích lệ dường nào. Gia đình Na-da-rét gần gũi với chúng con quá chừng. Con chân thành cảm tạ Thiên Chúa, cảm tạ Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se!

Xin Ba Đấng chúc lành cho con và gia đình con.

Xin Ba Đấng chúc lành cho các gia đình, nhất là cho các gia đình trẻ và các gia đình gặp khó khăn thử thách.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Sài-gòn ngày 26 tháng 12 năm 2017

LỄ THÁNH GIA – Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

 

Chủ Ðề: Gia đình gương mẫu

 

I. Dẫn vào Thánh lễ

Con Thiên Chúa đã sinh ra làm người và sống trong một gia đình. Gia đình của Ngài gồm có Thánh Giuse, Ðức Mẹ Maria và Ngài. Một gia đình rất thánh thiện, gương mẫu. Hôm nay dâng lễ mừng kính Thánh Gia, chúng ta hãy học nơi các Ngài những đức tính cần có trong cuộc sống gia đình, và chúng ta xin các Ngài ban ơn cho gia đình chúng ta.

 

II. Gợi ý sám hối

  • Chúng ta hãy ăn năn sám hối vì những thiếu sót của chúng ta đối với những người trong gia đình mình.
  • Chúng ta hãy ăn năn sám hối vì chưa dành chỗ xứng đáng cho Chúa trong gia đình mình.
  • Chúng ta hãy ăn năn sám hối vì những gương xấu mà gia đình mình đã gây ra cho những gia đình chung quanh.

 

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a

Huấn ca là một tập sách luận bàn về cách sống khôn ngoan trong nhiều lãnh vực. Trong đoạn này, tác giả, Ben Sira, đưa những lời khuyên về cách sống trong gia đình. Ðiều quan trọng nhất là con cái phải thảo kính cha mẹ. Tác giả kể ra những ích lợi của việc này:

  • Việc thảo kính cha mẹ sẽ đền bù được tội lỗi
  • Người thảo kính cha mẹ đến khi có con cái thì được con cái mình thảo kính.
  • Người thảo kính cha mẹ khi cầu nguyện sẽ được Chúa nhậm lời.
  • Phải thảo kính cha mẹ nhất là khi các ngài già yếu.

 

  1. Ðáp ca: Tv 127

Tv này được hát lúc hành hương lên Ðền thờ Giêrusalem. Người tín hữu hành hương tin chắc rằng ai sống công chính thì sẽ được Thiên Chúa ban phúc. Các ơn phúc Chúa ban trước hết là những ơn cho cuộc sống gia đình: việc làm ăn có kết quả, vợ con mạnh khoẻ, sống lâu v. v.

 

  1. Tin Mừng: Lc 2:22-40

Tường thuật việc Thánh gia lên Ðền thờ Giêrusalem để dâng con cho Thiên Chúa. Trong dịp này, cụ ông Simêon và cụ bà Anna nói những lời tiên tri về tương lai của Ðức Giêsu.

Một số điều đáng lưu ý:

  • Thánh gia là một gia đình nghèo (lễ vật của người nghèo), nhưng giữ luật đạo rất chín chắn (luật thanh tẩy người mẹ sau khi sinh con, luật cắt bì cho con, luật dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa).
  • Các phần tử của Thánh gia rất hiệp nhất với nhau: tất cả đều cùng nhau lên Ðền thờ mặc dù luật không buộc như thế (chẳng hạn luật tẩy uế cho người mẹ chỉ buộc người mẹ lên đền thờ thôi).
  • Khi đó cha mẹ Ðức Giêsu chưa hiểu hết mầu nhiệm con mình. Bởi vậy, khi nghe Simêon nói, hai ông bà “kinh ngạc”.

 

  1. Bài đọc II: Cl 3, 12-21

Thánh Phaolô giảng về “nếp sống mới” của những người đã cùng chết và cùng sống lại với Ðức Giêsu. Nếp sống này gồm:

  • Những đức tính nhân bản: “Từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau”.
  • Nền tảng và nguồn gốc của những đức tính trên là chính Thiên Chúa: “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương”.
  • Bí quyết để sống được như trên là luôn suy gẫm Lời Chúa.
  • Và dịp tốt thường có để thực hành các đức tính ấy chính là trong gia đình.

 

IV. Gợi ý giảng

 

  1. Gia đình Nadarét và gia đình chúng ta

Gia đình Nadarét vừa giống nhưng cũng vừa khác phần lớn gia đình chúng ta:

  • Như phần lớn gia đình chúng ta, gia đình Nadarét nghèo. Trong Tin Mừng ta tìm thấy hai dấu chỉ tình trạng nghèo của các ngài: Khi đến Bêlem, Thánh Gia không đủ tiền để thuê một chỗ trọ trong hàng quán nên phải ở tạm trong hang súc vật; khi đem con đầu lòng dâng trong đền thờ cùng với lễ vật theo luật định, Thánh Gia chỉ dâng một đôi chim câu, là thứ lễ vật của người nghèo.
  • Như phần lớn gia đình chúng ta, gia đình Nadarét phải sinh nhai bằng chính sức lao động của mình. Có lẽ các ngài không có vốn để đầu tư, buôn bán. Thánh Giuse và Ðức Giêsu kiếm tiền sinh sống bằng nghề thợ mộc.
  • Như phần lớn gia đình chúng ta, vì nghèo và vì theo nghề lao động, nên gia đình Nadarét không được người ta coi trọng cho lắm. Mãi sau này khi Ðức Giêsu đã thôi làm ăn để đi rao giảng, thế mà nhiều người vẫn nhắc với giọng mỉa mai “Ông ta là con bác thợ mộc”.

Nhưng gia đình Nadarét khác hầu hết gia đình chúng ta ở nhiều điểm: một là dù nghèo nhưng không gian tham trộm cắp; hai là dù nghèo nhưng không lục đục với nhau; ba là dù nghèo nhưng vẫn thu xếp công việc được để chu toàn mọi bổn phận trong đạo.

Những nét giống giữa gia đình Nadarét và gia đình chúng ta khiến chúng ta cảm thấy gần gũi với Thánh gia, và nhớ đó chúng ta biết mình có thể học với các ngài ở những điểm khác biệt với chúng ta.

 

  1. Tương lai của đứa con gia đình

Trong ngày lễ đặt tên cho Gioan Tẩy giả, bà con lối xóm đã đặt câu hỏi “Ðứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào?” (Lc 1, 66). Ðây là câu hỏi của mọi người làm cha mẹ. Càng thương con bao nhiêu, câu hỏi đó càng là mối băn khoăn cho cha mẹ bấy nhiêu, bởi vì cha mẹ thương con chỉ muốn cho con mình có một tương lai tốt đẹp, nhưng tương lai ấy lại không do cha mẹ hoàn toàn lo liệu cho con được.

Cha mẹ Ðức Giêsu cũng thế. Bởi vậy, sau khi nghe cụ Simêon nói về tương lai của trẻ Giêsu bằng những lời rất khó hiểu, Tin Mừng viết, “Cha mẹ Ngài đều kinh ngạc”.

Nhưng tương lai của đứa con không hoàn toàn không có phần của cha mẹ. Ðiều này rất rõ trong trường hợp Ðức Giêsu:

  • Người ta vẫn nói Ngài là “con bác thợ mộc” (Mc 6, 3).
  • Ðức Giêsu có thói quen cầu nguyện và sống với Chúa Cha. Thói quen này hẳn là Ngài đã học được từ gia đình. Tin Mừng tuy nói rất ít về thời thơ ấu của Ngài, nhưng cũng đủ cho ta thấy Thánh gia rất quan tâm chu toàn những bổn phận tôn giáo.

 

  1. Dung mạo Chúa cứu thế

Hoàng đế của một vương quốc hùng cường và thịnh vượng, một ngày kia đã triệu tập các nghệ nhân từ khắp các nước đến dự một cuộc tranh tài. Cuộc thi mô tả dung mạo hoàng đế.

Các nghệ nhân Ấn Ðộ đến với đầy đủ dụng cụ và các loại đá hoa cương quí hiếm. Các nghệ nhân Acmêni mang theo một loại đất sét đặc biệt. Các nghệ nhân Ai cập mang đủ loại đồ nghề và khối cẩm thạch hảo hạng.

Sau cùng, người ta hết sức ngạc nhiên vì phái đoàn nghệ nhân Hy Lạp chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.

Mỗi phái đoàn thi thố tài năng của mình trong một phòng riêng. Khi thời gian ấn định đã hết, hoàng đế đến từng gian phòng để thưởng thức các tác phẩm. Vua hết lời khen ngợi bức chân dung của mình do các họa sĩ Ấn Ðộ vẽ. Ông càng thán phục hơn khi nhìn ngắm các pho tượng của chính ông mà các người Ai Cập và Acmêni điêu khắc.

Sau cùng, đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế không nhìn thấy gì cả, duy chỉ có bức tường của căn phòng được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy chân dung mình hiện ra từng nét.

Dĩ nhiên, giải nhất thuộc về các nghệ nhân Hy Lạp. Bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được dung mạo của chính mình.

Muốn họa lại dung mạo Ðức Kitô, chúng ta cần phải đánh bóng lòng mình cho sạch mọi vết nhơ, mọi tì ố của tâm hồn. Một khi đã nên sáng bóng như gương, chúng ta sẽ tiếp nhận khuôn mặt rạng ngời của Chúa.

Khi Ðức Maria và Thánh Giuse dâng Chúa Hài Nhi trong đền thánh, có biết bao tư tế và luật sĩ thông thái, giỏi giang, am tường Kinh Thánh, nhưng họ đã không nhận ra Chúa. Duy chỉ có ông Simêon, và bà Anna đã nhận ra được dung mạo của Người.

Simêon và Anna đã dâng hiến trọn vẹn con người và cuộc đời, đã mài bóng đời mình bằng đạo hạnh và khiêm tốn, đã tôn thờ Chúa trong tin yêu và phó thác. Vì thế, dung mạo của Ðấng Cứu Thế đã tỏ hiện sáng ngời trước mặt các ngài.

Simêon và Anna đã đón nhận Ðấng Cứu Thế như những người nghèo hèn bé nhỏ. Các ngài đã được bồng ẵm Chúa, được thay mặt cho cả nhân loại nói lời đầu tiên tôn vinh Chúa đến cứu độ con người.

Lễ Thánh Gia mời gọi chúng ta nhìn vào các gia đình. Truyền thống gia đình ngày càng sút giảm. Ly thân, ly dị, trẻ em lang thang, thanh niên nổi loạn, phá thai, mại dâm, ma tuý ngày càng gia tăng. Gia đình là nền tảng của xã hội. Nếu không có những gia đình lành mạnh thì không thể có một xã hội tốt đẹp. Cuộc sống của gia đình phải tỏa hương thơm của thiên đường.

Hơn bao giờ hết, các gia đình chúng ta phải nhìn lên Thánh gia thất: một gia đình lý tưởng, đạo đức, yêu thương và chăm lo cho nhau. Thánh Luca đã ghi lại hình ảnh rất đẹp của Thánh Gia như sau: “Ðức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadaret và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Ðức Giêsu ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc. 2, 51-52).

Xã hội chúng ta không thiếu các mẫu gương đạo hạnh: Louis Pasteur, nhà bác học thời danh, đã tâm sự khi đặt tấm bia kỷ niệm tại gia đình ông: “Kính thưa cha mẹ thân yêu của con đã khuất bóng, các ngài đã khiêm tốn sống trong nếp nhà bé nhỏ này. Con mắc nợ công ơn cha mẹ về hết mọi điều…”

Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp cũng tâm sự: “Những lời khuyên nhủ dịu dàng của mẹ tôi, gương đạo đức, lòng nhiệt thành hâm nóng linh hồn nguội lạnh của tôi, khuyến khích nâng đỡ sức mạnh cho tôi. Chính nhờ giáo huấn của người mà tôi có đức tin”.

Có lẽ thế giới biết nhiều đến Thủ tướng Thái Lan, nhưng ít ai biết được cậu Chuam Leekpai còn là một người con giàu cảm xúc, hiếu thảo, và luôn nghĩ đến bậc sinh thành. Ông nói với mẹ: “Giờ đây, con đã là một chính trị gia và con không còn thời gian về thăm mẹ thường xuyên nữa. Ðiều này làm con cứ áy náy mãi. Tuổi mẹ càng cao thì nỗi lo của con càng nhiều. Do đó con cố gắng tìm mọi cơ hội về thăm mẹ”.

Ðức Piô XI trong thông điệp về Giáo dục Kitô giáo có viết: “Nền giáo dục hữu hiệu nhất và bền bỉ nhất là nền giáo dục được nhận lãnh từ một gia đình Kitô giáo có qui củ và khuôn phép. Những gương lành của cha mẹ và của những người trong gia đình càng chiếu tỏa và bền bỉ, thì kết quả của giáo dục càng lớn lao”.

Lạy Ðức Giêsu, xin dạy chúng con biết theo gương Chúa, luôn sống trung hiếu với Cha trên trời, thảo kính với ông bà cha mẹ, và sống hết tình với anh chị em chung quanh.

Xin cho chúng con luôn biết đánh bóng đời mình, bằng tấm lòng khiêm tốn và đạo hạnh, bằng việc tôn thờ Chúa trong tin yêu và phó thác, để dung mạo của Chúa ngày càng tỏ hiện sáng ngời trong cuộc đời chúng con. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

 

  1. Con cái

Con cái các bạn không phải là con cái của các bạn.

Chúng đến qua các bạn chứ không phải từ các bạn.

Mặc dù chúng ở với các bạn nhưng chúng không thuộc về các bạn.

Các bạn có thể cho chúng tình thương nhưng không thể cho chúng ý tưởng, bởi vì chúng có những ý tưởng riêng của chúng.

Các bạn có thể lo nơi ăn chốn ở cho thân xác chúng chứ không thể cho linh hồn chúng, vì linh hồn chúng ở một nơi thuộc tương lai mà các bạn không thể đến thăm, ngay cả trong giấc mơ.

Các bạn có thể cố gắng để giống như chúng, nhưng đừng cố bắt chúng giống như các bạn. Bởi vì cuộc sống không đi giật lùi và cũng không ngừng mãi ở ngày hôm qua.

Các bạn là những chiếc cung, và những mũi tên từ đó phóng đi chính là con cái của các bạn. (Kahil Gibran)

 

  1. Ðạo hiếu

Bài trích sách Huấn Ca (bài đọc I, được chỉ định đọc trong năm A, nhưng cũng có thể đọc trong năm B và C) có câu: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”

Những từ mà Thánh Kinh dùng rất quen thuộc với người Việt Nam. Thí dụ như câu ca dao: “Một lòng thờ mẹ, kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

“Thờ” và “kính” chính là những việc làm trong tôn giáo. Hiếu thảo với cha mẹ chính là Ðạo.

Câu Huấn ca và câu ca dao trên giúp ta ý thức rằng hiếu thảo với cha mẹ không chỉ là một tình cảm, cũng không phải chỉ là một lẽ công bình, mà là một Ðạo. Mà lỗi đạo tức là phạm tội chứ không chỉ là một sự thiếu sót.

 

V. Lời nguyện cho mọi người 

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Ðức Giêsu đã làm cho Thánh gia trở nên đền thánh của sự sống, của tình thương, và của niềm vâng phục ý Chúa. Hôm nay mừng lễ Thánh Gia, chúng ta đặc biệt hướng về các gia đình và dâng lời cầu nguyện:

  1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong Hội thánh là gia đình của Chúa / luôn cố gắng sống hiệp thông với nhau / để làm chứng cho tình yêu Chúa cho thế giới.
  2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các bậc làm cha mẹ và các nhà giáo dục / biết hướng dẫn và cộng tác với các con em mình / để xây dựng gia đình thành một tổ ấm đầy tình yêu thương.
  3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người không gia đình / hoặc sống trong gia đình đang bị khủng hoảng xáo trộn / được ơn can đảm để nhẫn nhục chịu đựng / và tích cực góp phần hàn gắn lại những gì đã tan vỡ.
  4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người làm cha mẹ cũng như làm con cái trong xứ đạo chúng ta / luôn ý thức trách nhiệm của mình đối với hạnh phúc gia đình / để biết cởi mở, đối thoại, thông cảm và côïng tác với nhau theo thánh ý Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu chúng con dâng lên Chúa nhân dịp lễ Thánh Gia, để nhờ ơn Chúa giúp, mỗi người trong gia đình đều cộng tác làm cho gia đình trở nên Ðền Thánh của sự sống của tình thương, và niềm vâng phục ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô.

 

VI. Trong Thánh lễ

  • Trước kinh Lạy Cha: Ngoài gia đình tự nhiên, người kitô hữu chúng ta còn có được một gia đình siêu nhiên trong đó Thiên Chúa là Cha, mọi người là anh em với nhau, và Ðức Giêsu là anh cả. Trong tình nghĩa gia đình ấy, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời kinh Lạy Cha.
  • Trước lúc Rước lễ: Thánh lễ là một bữa ăn gia đình. Chúa là gia trưởng, các tín hữu là con cái ngồi quanh bàn ăn. Phúc cho những ai được mời vào bàn ăn gia đình ấy.

 

VII. Giải tán

Sau khi được khuyến khích bởi tấm gương gia đình Nadarét, giờ đây anh chị em trở về sống với gia đình mình và các gia đình hàng xóm. Anh chị em hãy sống theo gương thánh gia. Chúc anh chị em bình an.

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

December 27, 2014

XÂY DỰNG GIA ĐÌNH KITÔ HỮU – Lm. Giuse Đinh lập Liễm

 

A. DẪN NHẬP

Hôm nay Giáo hội cho chúng ta mừng lễ kính Thánh Gia, một mẫu gương cho các gia đình Kitô giáo. Tuy bài Tin mừng hôm nay không trực tiếp nói đến đời sống Thánh gia, chỉ có vài đoạn đề cập đến nhân đức âm thầm của Đức Maria, đức tin phó thác của thánh Giuse, sự vâng phục của Đức Giêsu, nhưng đó cũng là gương mẫu cho các gia đình noi theo.

Các gia đình ngày nay đang xuống dốc, làm lung lay cả nền tảng xã hội. Chúng ta là những gia đình Kitô hữu cần phải được củng cố lại cho bền vững để nêu gương cho các gia đình khác đang bị lung lay, bằng cách làm cho mái ấm gia đình thấm nhuần đức tin Kitô giáo: biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, sống trên thuận dưới hoà, biết phục vụ, tha thứ cho nhau và trung thành trong đời sống hôn nhân.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

Bài đọc 1Hc 3,2-6,12-14.

Khi nói về những đức tính phải có trong đời sống gia đình, Ben Sira, tác giả sách Huấn ca, nói ngay đến lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.  Sách Huấn ca này được viết vào khoảng năm 190 trước Chúa Kitô, bàn về cách sống khôn ngoan trong nhiều lãnh vực. Đây là tuyển tập các phương ngôn, phản ánh sự khôn ngoan của xã hội thời đó, một sự khôn ngoan dựa trên kinh nghiệm và lương tri.

Theo tác gia sách Huấn ca, lòng hiếu thảo đưa đến nhiều lợi ích:

  • Đền bù tội lỗi.
  • Được con cái cháu chắt thảo hiếu lại.
  • Sẽ được Chúa nhận lời.
  • Phải thảo kính nhất là khi cha mẹ già yếu.

 

Bài đọc 2Cl 3,12-21.

Trong lễ Thánh gia hôm nay, Giáo hội trích đoạn thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côlossê trong khi Ngài đang bị cầm tù lần thứ nhất. Ngài nói về “nếp sống mới” của những người đã cùng chết và sống lại với Đức Kitô. Theo đó, người theo nếp sống mới phải có những đức tính nhân bản: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.

Nền tảng của những đức tính này là Thiên Chúa. Nếu thánh Gioan tông đồ nói:”Thiên Chúa là tình yêu” thì căn bản của đời sống gia đình cũng là thực tình yêu thương nhau trong Chúa. Nếu Thiên Chúa đã xử đối với chúng ta thế nào thì chúng ta cũng phải xử đối với nhau như vậy.

 

Bài Tin mừngLc 2:22-30.

Thánh Luca đã tường thuật việc thánh Giuse và Đức Maria đem con lên đền thờ Giêrusalem để dâng Con cho Thiên Chúa theo luật dạy. Cuộc hành hương lên Giêrusalem này hé mở cho chúng ta biết một số đặc tính của gia đình Thánh gia:

  • Thánh gia là một gia đình nghèo, của lễ dâng chỉ là cặp bồ câu.
  • Cặn kẽ giữ luật Chúa mặc dầu Luật không đòi buộc các Ngài phải giữ.
  • Gia đình hiệp nhất cùng đi dâng lễ.

Trong dịp này, thánh Giuse và Đức Maria đã nhìn thấy rõ và xác định được sứ mạng của Người Con các ngài, qua lời tiên tri của cụ già Simêon và bà Anna: sứ mạng của con trẻ này sẽ vừa bi thương vừa vinh quang. Tuy thế, các Ngài hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa, các Ngài đã quảng đại chấp nhận và thi hành ý Chúa.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Xây dựng mái ấm gia đình.

 

I. NGÀY LỄ THÁNH GIA

 

  1. Lý do mừng lễ.

Lễ Thánh gia được thiết lập vào cuối thế kỷ 19, tương đối mới. Đức Giáo hoàng Lêô XIII bấy giờ rất quan tâm  đến các vấn đề xã hội. Người thấy nhân loại đang đi vào một nền văn minh mới. Lý trí và khoa học đòi quyền tự lập và tự chủ. Ảnh hưởng đạo đức bớt dần. Và trong phạm vi gia đình, người ta đã nói nhiều đến tự do, ly dị, cởi mở… Những phong trào “gia đình công giáo” có từ thế kỷ 16 ráo riết cổ động người ta noi gương Thánh gia. Đức Giáo hoàng Lêô XIII cũng như các vị kế tiếp muốn chúc phúc cho những phong trào này. Và lễ Thánh gia được thiết lập theo bối cảnh ấy.

Do đó, Giáo hội muốn cho chúng ta mừng lễ này là nhằm đề cao vai trò của gia đình và đưa ra một mẫu gương tuyệt hảo cho mọi người noi theo.

 

  1. Thánh gia, một gia đình gương mẫu.

Dựa theo Tin mừng chúng ta có thể biết được rằng gia đình Thánh gia là một gia đình gương mẫu trong việc giữ luật Chúa, mặc dù luật không buộc các ngài phải giữ, nhưng các Ngài đã làm như thế để nêu gương cho chúng ta.  Các  nghi lễ đó là:

 

a) Lễ nghi cắt bì: Theo luật, mỗi con trai người Do thái phải chịu cắt bì ngày thứ tám sau khi sinh, và trong ngày này con trẻ được đặt tên. Thánh Giuse và Đức Maria cũng cho con trẻ được cắt bì và đặt tên là Giêsu, tên mà thiên sứ đã báo trước khi truyền tin cho Đức Maria.

b) Chuộc con đầu lòng: Theo sách Đệ nhị luật (13,2) thì mọi con đầu lòng, dù người hay súc vật đều được dành riêng cho Thiên Chúa.  Người ta qui định rằng dâng một số tiền 5 shekel, cha mẹ có thể chuộc lại đứa con từ nơi Chúa, hoặc dâng một số lễ vật khác như chiên hay đôi chim câu. Thánh Giuse và Đức Maria cũng đã chuộc lại con trẻ Giêsu  bằng đôi chim câu.

 c) Lễ thanh tẩy sau khi sinh: Theo luật, khi người đàn bà sinh con trai thì người mẹ bị ô uế trong 40 ngày, nếu sinh con gái thì bị ô uế 80 ngày. Khi thời gian qui định chấm dứt, người mẹ phải vào đền thờ để được tẩy uế và đem theo con chiên làm của lễ toàn thiêu và một chim bồ câu non làm của lễ chuộc tội. Nếu người nghèo không có chiên thì dâng bồ câu thứ hai thay vì chiên. Đức Maria nghèo nên dâng lễ theo kiểu này.

Ba nghi lễ này là nghi lễ cổ và lạ, nhưng cũng hàm chứa một niềm tin rằng con cái là hồng phúc Chúa ban cho. Trong các hồng phúc Chúa đưa đến không có ơn nào khiến ta  mang nhiều trách nhiệm với Chúa cho bằng con cái. Sinh con ra, chúng ta còn lo nuôi dưỡng và giáo dục chúng cho nên người.

 

II. NÓI VỀ GIA ĐÌNH KITÔ HỮU.

 

  1. Ý nghĩa gia đình.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng:”Gia đình là nền tảng của xã hội”. Chính vì vậy , mà năm 1994 Liên hiệp quốc đã chọn làm năm quốc tế về gia đình. Nếu gia đình là nền tảng của xã hội mà ngày nay đang bị khủng hoảng một cách trầm trọng thì tương lai xã hội sẽ ra sao ?

Vì thế, đứng về phương diện Giáo hội, chúng ta coi gia đình là   một “Tổ ấm” hay một  “Mái ấm”, một ” Giáo hội nhỏ” và là một” trường dạy đức tin

 

a)  Gia đình là một tổ ấm yêu thương.

Gia đình là tổ ấm yêu thương, là chiếc nôi hạnh phúc. Dù ai ở trong giai cấp nào trong xã hội, nếu tìm thấy niềm an vui trong gia đình, thì họ chính là người hạnh phúc nhất, vì gia đình tồi tàn đi nữa thì đối với một con người, chẳng nơi nào có thể so sánh được với gia đình.  Nhưng nếu có người phản đối cho rằng: gia đình là nguồn hạnh phúc, vậy sao gia đình cũng là nguồn đau khổ của đời người ? Thực ra, đau khổ, bế tắc chính là cơ  hội để mỗi thành viên trong gia đình động não, sáng tạo và thể hiện tình yêu của mình một cách thuyết phục nhất.

 

Tổ ấm hay mái ấm gia đình thì cũng vậy. Khi nói tới mái ấm thì nhiều người có rất nhiều ý tưởng cao đẹp về hình ảnh này, một hình ảnh gợi cảm và thân thương nhất mà ai cũng mơ ước. Truyện: Mái ấm gia đình là gì ?

Mới đây một tờ báo ở London, thủ đô nước Anh, đã gửi câu hỏi “Mái ấm gia đình là gì, theo anh chị” tới 1000 người. Có 800 người đã trả lời, tập trung vào các ý tưởng sau đây:

  • Mái ấm: một thế giới xung đột khép lại, một thế giới tình thương mở ra.
  • Mái ấm: nơi chuyện nhỏ là quan trọng, chuyện quan trọng là chuyện nhỏ.
  • Mái ấm: vương quốc của cha, thế giới của mẹ và thiên đàng của con cái.
  • Mái ấm: nơi chúng ta cằn nhằn nhiều nhất nhưng được đối đãi tốt nhất.
  • Mái ấm: trung tâm của tình thương mà mọi lời ước nguyện của con tim quyện vào đây;
  • Mái ấm: nơi dạ dầy chúng ta ăn 3 lần mỗi ngày và tâm hồn ăn ngàn lần mỗi  ngày.
  • Mái ấm: nơi duy nhất nơi trần gian mà mọi lỗi lầm và thất bại của con người được che đậy dưới lớp áo bác ái che đậy.

(GM Arthur Tone, Góp nhặt, tr 125-126).

 

b) Gia đình là một Giáo hội nhỏ.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn về Gia đình cũng dạy:”Giữa những nghĩa vụ căn bản của gia đình Kitô hữu, có một nghĩa vụ có thể nói là có tính cách Hội thánh, vì nghĩa vụ này đặt gia đình vào chỗ phục vụ  cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, đó là tham dự vào cuộc sống và sứ mạng của Hội thánh” (GĐ số 49). Mối liên hệ giữa gia đình và Hội thánh rất sâu sắc  và nhiều đến nỗi có thể gọi gia đình công giáo là “Hội thánh tại gia” (L.G. số 11), hay “Hội thánh rút gọn”, “Hội thánh bỏ túi”. Gia đình công giáo có nhiều liên hệ đến Hội thánh.

* Về phía Hội thánh: Mẹ Hội thánh sinh ra, dưỡng dục và xây dựng gia đình công giáo bằng cách thực hiện cho gia đình sứ mạng Hội thánh đã nhận từ Đức Kitô.

* Về phía gia đình: Gia đình công giáo đã được tháp nhập vào Hội thánh ; sứ mạng tháp nhập này cho phép gia đình dự phần vào sứ mạng cứu rỗi của Hội thánh theo cách thức riêng của mình. Nếu Hội thánh được tham dự vào 3 chức năng của Chúa Kitô: tư tế, tiên tri và vương giả, thì gia đình công giáo là Hội thánh tại gia cũng phải xây dựng nếp sống theo mẫu mực Hội thánh gồm 3 chức năng ấy và cũng phải thực hiện 3 chức năng ấy theo chiều kích Hội thánh toàn cầu.

 

c) Gia đình, một trường dạy đức tin.

Trong tông huấn về gia đình, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói:”Gia đình là trường học đầu tiên” dạy các đức tính xã hội mà không đoàn thể nào khác có thể vượt qua” (GĐ số 3). Ta cũng có thể nói: gia đình là môi trường thuận lợi cho việc giáo dục đức tin cho con cái. Gia đình là trường dạy đức tin tốt nhất.

Giáo dục đức tin đây không có nghĩa là dạy giáo lý cho các em khi các em còn quá nhỏ không thể tiếp thu được. Cha mẹ chỉ dạy con bằng cách nói về Chúa. Dạy các em biết lạy Chúa, chào Chúa, làm dấu thánh giá hay đọc kinh Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh. Nhưng cách dạy tốt nhất là cha mẹ cứ đọc kinh cầu nguyện để chúng bắt chước, nhất là khi hai vợ chồng cầu nguyện có đứa con ở giữa.

Truyện: Dạy bằng gương sáng

Thực là cảm động khi thấy đứa trẻ ngây thơ nhưng chăm chú nhìn xem nét mặt dịu dàng của bà mẹ đang cầu nguyện.

Bà Vaugham là một trong những người mẹ đáng kể làm gương. Bà đặt tất cả uy tín của bà trong tình yêu thương và lòng đạo đức. Cầu nguyện, bà thường để những đứa nhỏ ngồi bên. Và các em sung sướng học được lòng mến Chúa trên khuôn mặt bà. Cô nhỏ Gladys lần kia đã kêu lên:”Mẹ ơi, sao khi mẹ ở trong nhà thờ, mẹ xinh đẹp thế” ? Bà mỉm cười:”Con ơi, vì có Chúa Giêsu ở đấy”. Cô bé lui ra, vừa đi vừa nhẩm lại lời của mẹ (Bùi Đức, Vinh quang bà mẹ, 1959, tr 124).

2. Đời sống trong gia đình.

 a) Trật tự trong gia đình.

Trong gia đình Thánh gia chỉ có 3 thành viên: Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Theo pháp lý, thánh Giuse phải là chủ gia đình vì là chồng và là cha. Đức Maria và Đức Giêsu phải phục tùng thánh Giuse như người có quyền trên hết.

Trong cuộc sống gia đình chúng ta cũng vậy:”Kim chỉ phải có đầu”, không thể sống trong cảnh “cá đối bằng đầu”. Gia đình và xã hội phải có trật tự, như bài hát sinh hoạt của thiếu nhi,  nếu không sẽ rối loạn:

Con vỏi con voi,

Cái vòi đi trước,

Hai chân trước đi trước,

Hai chân sau đi sau,

Còn cái đuôi thì đi sau rốt…

Một nhà văn viết:”Trật tự là tất cả đều ở trong vị trí của mình để điều động cho tất cả, với một mục tiêu cho tất cả”.

Nếu tục ngữ Việt nam nói:”Kim chỉ phải có đầu” thì ngạn ngữ Tây phương cũng nói:”Piscis e capite vivit et e capite faetet” (cá sống tự đầu và cá thối tự đầu).

Thánh Phaolô nói:”Người chồng là đầu người vợ”(Ep 5,23). Thánh nhân cũng biết đầu thì rất hay và cũng rất dở theo kiểu nói Tây phương “cá sống cũng tự đầu và cá thối cũng tự đầu”,  nên Ngài còn thêm mấy chữ khác vào câu nói trên:”Người chồng là đầu người vợ như Chúa Giêsu là đầu Hội thánh”.

Do đó, ta có thể kết luận: “Người chồng là đầu sống của người vợ nghĩa là làm cho vợ sống chứ không làm cho nó hư đi như cá thối tự đầu vậy: nghĩa là chồng phải yêu thương vợ như yêu thương chính mình.

 

b) Đạo Hiếu trong gia đình.

Trong bài đọc I của sách Huấn ca có câu:”Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”. Như thế, Thiên Chúa chúc phúc và ban ơn lành cho những kẻ biết thờ cha kính mẹ theo như điều răn thứ bốn dạy:”Hãy thảo kính cha mẹ”. Ai giữ điều răn đó thì làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Tư tưởng trên cũng rất giống với tư tưởng của người Việt nam chúng ta mà các em nhỏ đã hiểu khi đọc câu ca dao  này:

Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ Hiếu mới là Đạo con.

Hai từ ngữ THỜ và KÍNH là hai từ dùng trong những việc làm của tôn giáo. Thờ kính cha mẹ là có hiếu với cha mẹ, và người ta nâng chữ Hiếu lên thành một ĐẠO. Do đó, chúng ta phải ý thức rằng thảo kính cha mẹ không còn là những tình cảm chủ quan tùy tiện, cũng không phải chỉ là lẽ công bằng mà là một Đạo. Mà lỗi Đạo là phạm tội chứ không phải chỉ là một thiếu sót.

Truyện: Hàn Bá Du có hiếu.

Hàn bá Du ăn ở với mẹ rất có hiếu. Những khi có lỗi mẹ thường đánh đòn. Một hôm Hàn Bá Du phải đòn, khóc mãi. Mẹ thấy vậy hỏi:

  • Mọi khi mẹ đánh con, con biết lỗi, con cam chịu ngay. Lần này sao con khóc dai như thế?
  • Bá Du thưa: Mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn mạnh khỏe. Lần này mẹ đánh con, con thấy không đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, cho nên con nghĩ, con thương mẹ mà con khóc.
  • Ôi ! con ăn ở với mẹ, tuy khó nhọc, khổ sở cũng không dám oán. Như Bá Du trong truyện này, không những không oán mẹ, lại còn thương mẹ già yếu, tình con yêu mẹ thế mới là thắm thiết

(Nguyễn văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, quyển 2, tr 18).

 

c) Hoà hợp trong gia đình.

Ai cũng có một ngôi nhà để ở, nếu không,  phải ở đầu đường xó chợ hoặc phải đi ở nhờ nhà người khác. Chỗ ở là một nơi rất quan trọng vì người ta nói:”An cư lạc nghiệp”, muốn làm việc cần phải có chỗ ở đã. Việc lập gia đình ví như việc xây dựng một ngôi nhà. Nhà nào cũng là nhà, lớn nhỏ, đẹp xấu, tùy theo khả năng của mình. Nhưng ngôi nhà phải luôn ấm cúng. Vì thế, ngôi nhà của gia đình được gọi là MÁI ẤM.  Mái ấm này trước tiên được vợ chồng xây dựng, sau này con cái góp phần làm cho mái ấm trở nên khang trang, đẹp đẽ và ấm cúng hơn.

Người ta thường nói:”Đàn ông dựng nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Xây dựng được ngôi nhà thì dễ còn làm sao cho ngôi nhà trở nên ấm cúng thì càng khó. Có những ngôi nhà trong đó có những người không hòa hợp với nhau, bề ngoài tuy đồ sộ nguy nga, nhưng bên trong thì lạnh lẽo , vắng vẻ, tiêu điều .

Ngược lại, có những ngôi nhà tuy đơn sơ, có khi còn nghèo nàn như một túp lều tranh mà lại ấm cúng vì trong đó có những người biết sống hòa hợp thương yêu nhau, biết mưu cầu hạnh phúc cho nhau, biết quên mình phục vụ, biết nhịn nhục nhau, tha thứ cho nhau… để ngôi nhà đơn sơ đó trở nên một hình ảnh rất đẹp “Một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”. Mái ấm đó được thành hình do sự cộng tác và hoà hợp của vợ chồng như hình ảnh:

Em về chẻ rạ đánh tranh

Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà.

Sớm khuya hòa thuận đôi ta

Hơn ai gác tía, lầu hoa một mình  (ca dao)

Thánh gia thất Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse là một gia đình kiểu mẫu đáng cho mọi gia đình Kitô hữu noi theo, trong đó mọi người yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau trong tình bác ái, mỗi thành viên làm trọn nhiệm vụ của mình để xây đắp cho gia đình. Gia đình không phải là nơi tạm trú mà phải là nơi thường trú của mọi người, không ai có thể rời bỏ được. Nếu hiểu được ý nghĩa thực của gia đình thì phải nói gia đình là một kho tàng quí giá.

Truyện: Gia đình là một kho tàng.

Ông George đã đến tuổi 70, ông không lập gia đình, ông là một thủy thủ, cả cuộc đời lênh đênh trên biển cả. Ông không có nhà riêng. Cháu trai ông tên là BILL rất thương bác George nên đã mời bác về sống với Bill, với vợ và 5 con của Bill. Đó là sự giúp đỡ lẫn nhau: bác George có nhà ở, còn gia đình của Bill có dịp làm những chuyến viễn du tưởng tượng quanh thế giới mỗi khi lắng nghe  bác George kể lại kinh nghiệm của mình.

Đôi khi Bill cảm thấy nhàm chán và bất mãn với cuộc sống gia đình. Được rảo quanh thế giới không lo lắng, thảnh thơi vui sướng biết bao. Và Bill đã bày tỏ nỗi lòng cho bác.

Một chiều kia, bác George nhắc đến một nơi xa xăm. Bác có đánh dấu trên bản đồ một kho tàng chôn giấu. Bill ghi nhớ điều đó, nên sau khi bác George chết vài năm, Bill coi lại đồ đạc của bác và tìm thấy một bao thư đề tên Bill , trong đó có một tấm bản đồ. Tim đập mạnh, tay run run, Bill cố gắng tìm ra nơi cất giấu kho tàng. Sau cùng chàng cũng xác định được địa điểm: đó là căn nhà của chàng, nơi mà chàng đang đứng. Bác George đã trối lại cho chàng một kho báu là ý thức rằng nhà của chàng, gia đình riêng của chàng là kho báu (Góp nhặt 4, tr 109).

Lm. Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát -Đà lạt

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*