• Thiên Chúa yêu thế gian-Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • Suy niệm lễ Chúa Ba Ngôi-Lm.Jos Tạ duy Tuyền
  • tình yêu bất tử-Lm Jos tạ duy Tuyền
  • Ba ngọn nến lung linh-Huệ Minh
  • Thiên Chúa là tình yêu-ns ĐMHCG
  • Căn tính Đức Kitô-Lm Vũđình Tường

THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy nim:

Có một điều thường khiến các bạn trẻ băn khoăn,

đó là làm sao nhận ra một tình yêu chân thực,

làm sao không bị chóa mắt bởi những ảo ảnh,

không bị lừa dối bởi những ngọt ngào, để rồi vỡ mộng.

Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta một số tiêu chuẩn,

khi mời ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa.

Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao:

“Thiên Chúa đã yêu thế gian

đến nỗi đã trao ban Con Một của Người…”

Không phải chỉ là trao một quà tặng,

hay một cái gì ở ngoài mình,

nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu.

Điều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha

là người Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô.

Khi trao cho chúng ta Đấng bị treo trên thập giá,

Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân Ngài.

Ngài chấp nhận Con Ngài phải chết

để nhân loại được sống.

Tình yêu chân thực chẳng hề biết giữ lại cho mình.

Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ,

tình yêu mong hạnh phúc cho người mình yêu :

“… để bất cứ ai tin vào Người Con ấy

thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.”

Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này.

Được sống là được đưa vào thế giới thần linh,

được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân.

Nếu có ai hư mất hay bị luận phạt

thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác,

nhưng chỉ vì Ngài tôn trọng tự do con người.

Con người có thể tin hay từ chối,

mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban.

Thánh Gioan đã dám định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu.

Một Tình Yêu chia sẻ chan hòa giữa Ba Ngôi:

Cha trao tất cả cho con, Con dâng tất cả cho Cha.

Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con.

Một Tình Yêu tràn ngập cả vũ trụ:

Thiên Chúa là Tình Yêu sáng tạo

khi Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài ;

Ngài là Tình Yêu cứu độ

khi Ngài muốn thứ tha cho ta qua Đức Giêsu ;

Ngài là Tình Yêu thánh hóa

khi Ngài muốn ban cho ta sức sống mới trong Thánh Thần.

Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa

nếu chúng ta xa lạ với tình yêu.

“Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8).

Ai không ở lại trong tình yêu

thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. 1 Ga 4,16).

Ước gì đời ta được tưới gội bởi Tình yêu,

để mọi việc chúng ta làm

đều bắt nguồn từ Tình yêu và quy hướng về Tình yêu.

Ước gì chúng ta làm chứng về Thiên Chúa Tình yêu

bằng một đời sống hiến trao và chia sẻ.

 

Cầu nguyn:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

THIÊN CHÚA BA NGÔI

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Người ta kể rằng: Ngày kia, tại một ngôi làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “Phong hủi! Phong hủi!”

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:

– Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

– Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em bé.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

– Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

– Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt. Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau rằng:

– “Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!”

Vâng, con hãy trao tặng cho người khác tình yêu của con phải chăng cũng là sứ điệp mà lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta? Hãy sống cho tha nhân. Hãy trao tặng cho nhau một nụ cười cảm thông. Một cái bắt tay thân mật. Một nghĩa cử bác ái đầy tình người. Hãy sống cho anh em của mình một cách quảng đại. Hãy là chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa một thế giới mà con người đang xa dần nhau vì quyền lợi bản thân, vì bon chen và hưởng thụ. Hãy giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng không bị hoen ố bởi những toan tính ích kỷ, tầm thường. Hãy giới thiệu cho thế giới một tình yêu hy sinh đến quên cả chính mình cho người mình yêu được hạnh phúc. Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu dẫn chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm tình yêu của Chúa để chính chúng ta cũng biết thở ra hơi ấm tình thương cho anh em của mình. Amen.

TÌNH YÊU BẤT TỬ

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Tình yêu bất tử

Tình yêu luôn bất tử. Nó tồn tại mãi bởi tình yêu luôn đẹp về tình người, về hy sinh, về dâng hiến. Tình yêu càng nhiều hy sinh thì tự bản chất nó sẽ vĩnh cửu vì người đời luôn tán dương, ca tụng. Tình yêu càng giầu về tình người càng bất diệt vì muôn thế hệ sẽ truyền tụng nhau về một tình yêu cao đẹp tuyệt vời.

Có một câu chuyện xảy ra ở một bệnh viện nhỏ ở vùng quê hẻo lánh. Ở khoa hóa trị có một phụ nữ trẻ đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư. Tuy luôn bị những cơn đau hành hạ nhưng những khi chồng cô tới thăm, mắt cô luôn rạng ngời hạnh phúc. Hằng ngày người chồng mang đến cho cô những bó hoa tươi thắm cùng nụ cười rạng rỡ, anh đến bên giường nắm lấy tay cô và trò chuyện. Những lúc quá đau đớn, cô khóc và trở nên cáu gắt, anh ôm chặt cô vào lòng, an ủi động viên cho đến khi cơn đau dịu đi. Anh luôn bên cô mỗi khi cô cần, anh giúp cô uống từng ngụm nước và không quên vuốt nhẹ đôi chân mày của cô. Cho đến khi căn bệnh muốn cướp lấy sinh mạng cô. Người bác sĩ bước vào phòng thấy người chồng vẫn ngồi bên cô mỉm cười nói: “Cho đến bây giờ món quà tuyệt vời nhất tôi dành cho cô ấy chính là tình yêu của tôi”.

Và người chồng đã cất lên bài hát “Beautiful brown eyes”. Sau đó anh đã nói với bác sĩ trong nước mắt: “Tôi đã hát bài này mỗi đêm cho cô ấy nghe kể từ ngày chúng tôi quen nhau. Mọi ngày tôi vẫn thường cố giữ cho giọng mình thật nhỏ để khỏi làm phiền bệnh nhân khác. Và tôi chắc rằng đêm nay trên thiên đường cô ấy cũng vẫn nghe tôi hát. Tôi xin lỗi đã quấy rầy mọi người. Tôi chỉ không biết sống ra sao khi thiếu vắng cô ấy, nhưng mỗi đêm tôi vẫn tiếp tục hát. Bác sĩ có nghĩ rằng cô ấy nghe thấy tiếng tôi không?”.

Tình yêu của họ trở thành bất tử khi họ cùng chăm sóc nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Họ nắm tay nhau khi hạnh phúc và cả khi gặp đau khổ bủa vây. Họ vẫn tiếp tục ở bên nhau dầu âm dương tách biệt.

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Ngài vẫn trường tồn vượt mọi thời gian. Qua mỗi thời đại, Thiên Chúa luôn bày tỏ tình yêu của mình xuống cho nhân loại với cách thế khác nhau. Tình yếu ấy luôn thủy chung, sắt son cho dù con người có quay lưng nhưng tình yêu ngài vẫn trường tồn dành cho con người.

Hôm nay mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta “như con ngươi trong mắt Ngài”. Chúa biết rõ từng cuộc đời chúng ta như mục tử biết từng con chiên. Chúa vẫn ngàn đời tín trung với tình yêu ban đầu, vì cho dầu “như người cha người mẹ có bỏ con cái, còn Ta cũng không bao giờ bỏ các ngươi”. Tình thương đó Chúa muốn mời gọi chúng ta đón nhận với lòng tri ân và cũng biết trao lại tình yêu đó cho tha nhân. Vâng, có lẽ, điều Chúa muốn nơi chúng ta chính là hãy hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa cho anh em. Vì con người là “hoạ ảnh của Chúa”, nên con người phải biết sống yêu thương. Yêu thương sẽ làm chúng ta giống Chúa hơn. Yêu thương sẽ giúp chúng ta sống hoàn thiện con người mình hơn. Chính tình yêu phục vụ tha nhân sẽ là cách chúng ta đáp đền tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.

Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu dẫn chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm tình yêu của Chúa để chính chúng ta cũng biết thở ra hơi ấm tình thương cho anh em của mình. Xin cho chúng ta biết ghi dấu ấn muôn đời nơi thế gian khi biết sống hết mình yêu thương như Chúa đã yêu. Amen

BA NGỌN NẾN LUNG LINH

Huệ Minh

Lễ Chúa Ba Ngôi

Làm việc mệt, tôi thường nghe nhạc cho thư giãn tâm hồn. Thi thoảng mở lên và nghe : Ba ngọn nến lung linh.

Ba là cây nến vàng Mẹ là cây nến xanh Con là cây nến hồng Ba ngọn nến lung linh A à á a a Thắp sáng một gia đình Gia đình, gia đình Ôm ấp ta những ngày thơ Cho ta bao nhiêu niềm thương mến Gia đình, gia đình Vương vấn bước chân ra đi Ấm áp trái tim quay về Gia đình, gia đình Ôm ấp ta những ngày thơ Cho ta bao nhiêu niềm thương mến Gia đình, gia đình Bên nhau mỗi khi đơn độc Bên nhau đến suốt cuộc đời Lung linh, lung linh tình mẹ, tình cha Lung linh, lung linh cùng một mái nhà Lung linh, lung linh cùng buồn cùng vui Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình

Cảm ơn Ngọc Lễ, có lẽ đời sống gia đình làm ăn trăn trở, suy nghĩ nhiều để anh cảm hứng và sáng tác bài hát hết sức chân thành, dễ thương và ấm áp đầy tình người. Không khó hiểu lắm để rồi dù học cao học thấp học ít học nhiều gì cũng hiểu rằng Ngọc Lễ diễn tả tình yêu gia đình. Và rồi, mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng có một gia đình và đặc biệt Ba Ngôi Thiên Chúa cũng như một gia đình : Cha – Con & Thánh Thần.

Trong Kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng, chúng ta nhận thức từng vai trò, tình cảm, đặc tính của từng ngôi. Tuy 3 mà là 1 mà 1 là 3. Ba Ngôi ấy cứ quyện vào nhau trong bầu khí hiệp nhất và yêu thương.

Trong công trình sáng tạo, Cha và Thánh Thần đã tạo nên trời đất muôn vật cũng như thổi sinh khí lên để tác tạo con người. Thần Khí Chúa hoạt động nơi con người, nơi thụ tạo.

Đến khi con người sa ngã thì Cha lại không nỡ cắt đứt tình yêu thương dành cho con người mà lại hứa ban Đấng Cứu Độ trần gian là Đức Giêsu Kitô đến để hòa giải tình thương mà con người cắt đứt với Thiên Chúa. Tình yêu vâng phục mãnh liệt nơi Đức Kitô đã gửi ơn cứu độ xuống trần gian.

Và cùng với Đấng Cứu Độ trần gian là Ngôi Hai con Thiên Chúa làm người, Chúa Thánh Thần lại hoạt động mãnh liệt nhất vai trò của mình là tái tạo, là làm mới tình yêu mà con người đã đánh mất với Thiên Chúa.

Trong khi rao giảng Tin Mừng và nhất là để chuẩn bị cho cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã đi vào sa mạc để chịu sự cám dỗ của ma quỷ. Chịu ma quỷ cám dỗ trong sa mạc đó nhưng không cô đơn bởi có Thánh Thần Chúa đi cùng với Chúa Giêsu trong sa mạc.

Và trong hoạt động loan báo Tin Mừng, mọi lúc, mọi nơi Chúa Giêsu hướng về Cha, kết hợp mật thiết với Cha trong những phép lạ. Tâm tình hết sức dễ thương : “Lạy Cha là Chúa tể trời đất ! Con xưng tụng, cảm tạ Cha vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn …” Rồi đâu đó ta thấy tình yêu thương tột cùng của Chúa Giêsu dành cho nhân loại tội lỗi : “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những kẻ Cha đã ban cho con cũng ở đó với con …”. “Hỡi những kẻ cha ta chúc phúc, hãy vào hưởng phần gia nghiệp đã dành sẵn cho các ngươi …”

Và, đặc biệt, trước khi về Trời và sau khi về Trời, Chúa Giêsu đã gửi Thánh Thần xuống để Ngài nhắc lại những gì Thầy đã nói với anh em. Hơn tất cả mọi chuyện đó là Thánh Thần ban bình an cho những môn đệ mà trước đây họ là những người kém tin, họ là những người nhát đảm.

Ba Ngôi là như vậy đó ! Hiệp nhất, yêu thương nên một với nhau từng giây từng phút trong cuộc đời và mục tiêu duy nhất mà Ba Ngôi hướng đến đó là cứu độ con người và cho con người hưởng vinh quang Nước Thiên Chúa.

Cuối kinh Tạ ơn, ta thấy linh mục chủ Tế nhắc nhớ cho chúng ta : Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng đến muôn thuở muôn đời. Mà, vinh quang của Chúa đó là gì ? Đó là con người nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất đến trong trần gian để cứu độ con người.

Người Kitô hữu, khi lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy đã được ghi dấu ấn tình yêu Ba Ngôi và được mời gọi sống mầu nhiệm Ba Ngôi đó trong chính cuộc đời của mình. Lời mời gọi hết sức đơn giản và rất dễ nhớ dễ làm đó là khi người Kitô hữu làm dấu Thánh Giá trên mình mỗi ngày, mỗi giờ và thậm chí mỗi phút mỗi giây.

Khi ghi dấu Thánh Giá, nhắc nhớ cho người Kitô hữu rằng mình là người thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa và mình phải sống mầu nhiệm Ba Ngôi đó trong cuộc sống của mình.

Cảm ơn nhạc sĩ thân thương Lê Đức Hùng đã chia sẻ cảm nhận và mời gọi mọi người nhìn lại tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa :

Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng… Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu… Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần… Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc đời con… Mỗi lần làm Dấu Thánh xin ngự đến trong tâm hồn con… Mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con… Xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm… Ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương, của ngài giữa đời… Con làm Dấu hằng ngày, con làm Dấu một đời… Khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con… Ôi Dấu Thánh nhiệm màu dấu ấn tình yêu… Nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa… Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ… Bao phen con ngại ngần lúc làm Dấu tuyên xưng niềm tin… Đã có lúc yếu hèn không làm Dấu giữa đời… Ngài ơi..giúp con bừng cháy niềm tin… Giữa niềm hiểm nguy khốn khó con làm Dấu xin ơn bình an… Trong an vui ngập tràn con làm Dấu hân hoan tạ ơn… Khi cô đơn thất vọng…khi mệt mỏi chán chường… Chúa ơi, ở bên con nhé…vì con đây luôn cần tới Ngài. Con làm Dấu hằng ngày, con làm Dấu một đời.. Khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con.. Ôi Dấu Thánh nhiệm màu dấu ấn tình yêu.. Chúa mãi ở trong con….con ở trong Chúa

Giáo Hội và cả Xã Hội nữa, vẫn đặt để vấn đề gia đình lên hàng đầu chuyện phải lo. Giản đơn gia đình là tế bào của Xã Hội và Gia đình là Hội Thánh thu nhỏ. Thật sự mà nói, không thể nào phủ nhận được sự đổ vỡ của đời sống gia đình ngày hôm nay để rồi hơn bao giờ hết, Giáo Hội khuyên nhủ, mời gọi chúng ta xây dựng gia đình chúng ta hiệp nhất yêu thương theo khuôn mẫu của Tình Yêu Ba Ngôi.

Ngay cả gameshow, người ta cũng đưa vấn nạn gia đình ra để khuyên nhủ mỗi người hãy xem : Gia đình là số 1 !

Là người, là con cái của Chúa sống trong Hội Thánh, ta được mời gọi xây dựng tình yêu thương sự hiệp nhất nên một ngay trong gia đình, trong hội đoàn, trong giáo xứ. Nếu như ta là tác nhân gây sự bất hòa, sự chia rẽ cũng chính là lúc ta làm hư đi mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời ta. Khi đó, làm dấu Thánh Giá, tuyên xưng Ba Ngôi chỉ là cử chỉ hình thức bên ngoài mà không có nội dung ở bên trong.

Vẫn là phận người mỏng dòn và yếu đuối. Ta xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để trong mỗi bậc sống của gia đình, ta hãy chiếu tỏa ngọn nến lung linh đời ta trong vai trò hồng, xanh, vàng. Có như thế gia đình ta mới lung linh và hiệp nhất được. Và ta cũng xin tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa biến đổi cuộc đời ta, canh tân đời ta để ta như là khí cụ bình an của Chúa

Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục

Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,

Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,

Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Tìm an ủi người hơn được người ủi an,

Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,

Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Ns/ĐMHCG

LỄ CHÚA BA NGÔI

Xh 34:4b-6,8-9; 2Cr 13:11-13; Ga 3:16-18

Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi nói cho chúng ta về tình yêu. Tình yêu là tâm điểm việc tôn thờ của chúng ta đối với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Nơi mầu nhiệm Ba ngôi, chúng ta cảm nhận sự hiệp thông sâu xa về tình yêu hoàn hảo, của khởi nguyên và cùng đích của toàn vũ trụ và của mọi thụ tạo. Sự hiệp thông sâu xa giữa Cha-Con-Thánh Thần. Từ đầu Giáo hội sơ khai đã dạy chúng ta về tình yêu hoàn hảo nơi Ba ngôi: Chúa Cha yêu Chúa Con và trong tình yêu ấy phát sinh Chúa Thánh Thần. Lời giáo huấn này không bao giờ thay đổi và chúng ta thường tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.

Thiên Chúa Ba ngôi cũng là mô hình hiệp thông của Giáo hội, trong đó chúng ta được mời gọi yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.  Tình yêu là dấu chỉ nổi bật của đời sống tín nhữu.  Người tín hữu được mời gọi làm chứng và loan báo sứ điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, Thiên Chúa không xa cách hay vô cảm đối với các biến cố của con người. Thiên Chúa gần bên chúng ta, Người luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, người đồng hành với chúng ta để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn cũng như khổ đau, hy vọng của chúng ta.  Người yêu thương nhân loại tới độ sai Con của Người, Người Con Độc Nhất, Ngôi Hai Thiên Chúa đến trong thế gian để cứu thế gian.  Chúa Thánh Thần, ơn ban từ sự Phục sinh của Chúa Giêsu, thông ban sự sống thần linh cho chúng ta và làm cho chúng ta bước vào trong sự năng động của Ba Ngôi, là một sự năng động của tình yêu, của sự hiệp thông, của việc phục vụ và chia sẻ cho nhau.

Ngày Lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội muốn chúng ta suy niệm về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Mầu nhiệm Chúa Ba ngôi không thể hiểu được bằng lý trí, nhưng sẽ cảm nhận được khi chúng ta sống theo lời mời gọi tình yêu của Chúa.

Trong đoạn tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định với ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống muôn đời.  Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.  Ai tin vào Con của Người , thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”. Chính khi Đức Kitô bị gương cao lên cũng chính là lúc mà Thiên Chúa biểu lộ tình yêu cao cả của Ngài ban cho nhân loại.  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống muôn đời”, Chúa Giêsu là ân huệ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Con Người được giương cao – như con rắn đồng trong sa mạc xưa – đồng thời cũng chính là Con độc nhất của Thiên Chúa chịu chết cho tội lỗi của nhân loại.  Đó là mầu nhiệm cao vời của tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ ra cho trần gian được diễn tả hung hồn và trọn vẹn nhất.

Thiên Chúa yêu thế gian nên sai Con Một đến thế gian và ban tặng Người Con Một cho thế gian.  Mục đích cao vời của tiến trình “sai xuống” và “ban tặng” chính là con người được ơn cứu độ.  Không ai bị loại ra khỏi tiến trình này.  Chương trình cứu độ ấy mang tính phổ quát.  Con độc nhất của Thiên Chúa được sai đến thế gian không phải để lên án, cũng chẳng phải để loại trừ bất cứ ai khỏi ơn cứu độ.  Chỉ những ai khước từ Thiên Chúa và cũng không đón nhận Người Con đến từ Cha thì mới bị loại ra khỏi ơn cứu độ, vì họ đã không tin “những kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”. Và như thế án phạt là chính họ tự gây ra cho mình.

Tóm lại mầu nhiệm thiên Chúa Ba ngôi mà chúng ta mừng kính hôm nay có thể tóm lại trong câu này:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống muôn đời”.

Chúa Giêsu sai lại Chúa Thánh Thần đến với các đồ đệ.  Chúa Thánh Thần là Đấng đến từ nơi Cha và sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu, tức là sẽ làm cho người ta nhận biết Chúa Giêsu và sẽ xác nhận công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Như thế, giữa Chúa Cha, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần có một mối liên kết và hiệp thông sâu xa.  Mầu nhiệm liên kết và hiệp thông sâu xa ấy là nguồn mạch ơn cứu độ của chúng ta.

Từ  nay mỗi khi làm dấu Thánh  Giá, chúng ta hãy làm ý thức về tình yêu Thiên Chúa dành cho ta và sứ mạng rao giảng về tình yêu Thiên Chúa dành cho ta và sứ mạng rao giảng về tình yêu Thiên Chúa mà ta được ủy thác.  Mỗi người, mỗi gia đình và mỗi công đoàn giáo xứ đều được mời gọi diễn tả và phản ánh tình yêu nơi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bằng chính đời sống yêu thương anh chị em mình.  Tình yêu đích thực thì không giới hạn nơi chính mình nhưng luôn mở ra hướng đến người khác.

Trích ĐMHCG 5-2017.

CĂN TÍNH ĐỨC KITÔ

Lm Vũđình Tường

Đức Kitô tự mặc khải cho nhân loại biết Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi là Con Thiên Chúa nên Thiên Chúa là Cha Ngài. Có sự liên hệ hết sức mật thiết, bền chặt đến độ không gì có thể tháo gỡ giữa tình Cha Con. Chính nhờ sự mật thiết này mà Kitô hữu khám phá, tìm tòi, học hỏi biết được khá nhiều về bí ẩn của một Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và Thiên Chúa đó có Ba Ngôi riêng biệt, cùng bản tính nhưng không cùng bản thể. Ba Ngôi khác bản thể bởi có Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ba Ngôi cùng bản tính bởi Ba Ngôi suy nghĩ như nhau, cảm nhận như nhau và chia sẻ một tình yêu duy nhất. Chính Đức Kitô xác nhận sự liên kết mật thiết trong lời nói và trong hành động.

Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy Gn 5,19.

Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy Gn 14,7 Ai Thấy Thầy là thấy Chúa Cha c.9 Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy c.11.

Chúa Con yêu mến Chúa Cha hết tâm tình và đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa Cha, đồng thời trao phó mạng sống mình trong tay Chúa Cha. Chúa Con vâng lời Chúa Cha xuống thế gian vác thập giá chuộc tội cho thiên hạ. Chúa Con không phải chỉ chuộc tội một phần nhân loại mà cứu chuộc toàn thể nhân loại làm của lễ Dâng Chúa Cha. Vì thế mọi hành động bác ái yêu thương, dù nhỏ mọn của các Kitô hữu thực hiện đều được Thiên Chúa tác động biến thành hiệu quả tuyệt vời.

Đức Kitô xuống trần gian mặc lấy thân phận con người như chúng ta chỉ trừ tội lỗi. Qua Đức Kitô mặc khải chúng ta biết Chúa Cha yêu mến nhân loại như chính Đức Kitô yêu mến nhân loại. Chúa Cha yêu mến nhân loại đến nỗi sai con một là Đức Kitô xuống trần gian.

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi dã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời Gn 3,16.

Đức Kitô yêu mến nhân loại đến nỗi ban cho nhân loại chính Thánh Thần Ngài. Chính món quà thượng hảo hạng Thánh Thần Đức Kitô trao ban mà nhân loại biết Ngôi Ba Thiên Chúa là Thánh Thần. Ngôi Ba Thiên Chúa cùng đồng hành với các Kitô hữu mọi ngày cho đến tận thế như lời Đức Kitô phán hứa.

Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy Gn 15,26.

Đức Kitô chính là Đường là Sự Thật và là Sự Sống Gn 14,6 và con đường đó, sự thật và sự sống đó được Thánh Thần Chúa thánh hoá làm cho trở nên thánh thiện và tinh tuyền cho những ai bước đi trên con đường đó, lắng nghe và giữ sự thật sẽ được sống muôn đời. Ngoài ra những ai bước đi trên con đường đó còn được liên kết với Ba Ngôi Thiên Chúa, không phải do sức riêng mình mà do chính Đức Kitô liên kết họ với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta Gn.17,21.

Lậy Cha, Con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con, cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con. C.24.

Nhận biết Đức Kitô và tin vào Ngài sẽ học biết về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần và mối liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa cùng ơn cứu độ Chúa ban cho toàn nhân loại.

Lm Vũđình Tường TiengChuong.org


[/fruitful_tabs]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*