- THÔI ĐỪNG GIẾT CHÚA – ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
- NGẮM NHÌN THẬP GIÁ – Lm.Jos Tạ duy Tuyền
- TÌNH YÊU và THẬP GIÁ – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
THÔI ĐỪNG GIẾT CHÚA
+ ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
“Khi đến gần Chúa Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh giập ống chân Ngài. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.” Chiêm ngắm dòng nước và máu tuôn chảy ra cả sau khi đã tắt thở, ta hiểu được tình yêu của Chúa. Yêu cho đến chết. Yêu cho đến cả sau khi chết. Chết rồi vẫn còn tuôn chảy dòng máu và nước. Như muốn vắt hết tất cả những gì còn lại để dâng hiến đến cùng. Yêu không còn giữ lại chút nào. Đúng như lời thánh Gioan diễn tả: “Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài thì Ngài yêu thương họ đến cùng.” Yêu cho đến cùng tận của bản thân Ngài. Tất cả những gì có thể làm để yêu thương thì Chúa đã làm hết. Không còn có thể làm thêm gì được nữa. Yêu cho đến tận cùng con người. Không có con người nào ở ngoài tình yêu của Chúa. Yêu cả người tội lỗi. Yêu cả kẻ phản bội. Yêu cả người thù địch làm hại mình. Nếu Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu.” Thì còn hơn thế nữa, Chúa đã hi sinh tính mạng cả vì người phản bội, người thù ghét, người làm hại Chúa nữa.
Yêu thương như thế nhưng Chúa lại nhận được sự phản bội, sự thù ghét, sự thay đổi, sự dửng dưng và bị giết chết. Nhìn lại cuộc xử án Chúa ta thấy những thái độ sau đây đã góp phần giết chết Chúa.
- Thái độ thù ghét của các Thượng tế và Biệt phái. Vì ghen tương, thù hận họ đã bày mưu, xúi giục dân chúng và quan quyền lên án Chúa.
- Thái độ nhập nhằng của Philatô. Biết Chúa là người vô tội. Muốn cứu Chúa nhưng lại sợ mất chức quyền, nên đã kết án Chúa.
- Thái độ phản bội của Giuđa. Đã theo Chúa nhưng lại ham mê tiền bạc đến nỗi bán Chúa.
- Thái độ hay thay đổi của dân chúng. Ngày Lễ Lá thì phấn khởi, tưng bừng đón rước Chúa vào thành, nhưng đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lại hò hét kết án Chúa.
Nếu chúng ta có mặt hôm xử án Chúa, có lẽ chúng ta cũng đã kết án Chúa. Vì tuy chúng ta không thù ghét Chúa như các Thượng tế và Biệt phái, nhưng chúng ta có thể giống như Philatô nhập nhằng trong thái độ. Philatô vì sợ mất quyền lợi nên đã kết án Chúa. Chúng ta cũng thế, trong đời sống hiện tại, biết bao lần chúng ta đã đặt địa vị của mình lên trên sự thật, đặt quyền lợi của mình lên trên công lý. Không bảo vệ sự thật và công lý nhưng chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân và gia đình mình.
Chúng ta cũng có thể giống Giuđa, coi trọng tiền bạ c hơn đạo nghĩa. Biết bao lần chúng ta đã vì tiền bạc mà đánh mất tình nghĩa, vì tiền bạc mà bán rẻ lương tâm, vì tiền bạc mà tha hóa gian giáo, lừa đảo.
Chúng ta cũng có thể giống đám đông luôn thay lòng đổi dạ. Không có lập trường nên sợ dư luận, chỉ biết chạy theo đám đông. Sống giữa những người không tin nên không dám bày tỏ đức tin của mình. Thay đổi đức tin, thay đổi tình nghĩa như thay đổi quần áo. Sống hời hợt theo hình thức bên ngoài, thiếu chiều sâu và nền tảng bên trong.
Với lối sống như thế, ta chẳng khác gì Philatô, Giuđa và đám đông. Sống như thế, ta đang tiếp tục giết Chúa hằng ngày hằng giờ ở khắp nơi.
Hôm nay trên Thánh Giá tất tưởi, Chúa đang nài van chúng ta thôi đừng giết Chúa nữa. Đừng tiếp tục lối sống cũ theo Philatô, theo Giuđa, theo đám đông. Hãy sống đời sống mới theo Chúa Giêsu. Sống theo Chúa Giêsu luôn yêu thương, yêu thương cho đến cùng. Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, tìm ích lợi của Hội Thánh. Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm quên mình, tìm những giá trị thiêng liêng cao quí. Sống theo Chúa Giêsu luôn trung thành với lựa chọn của mình, trung tín đến hi sinh cuộc đời mình, trung tín cho đến chết. Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con. Amen!
+ ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
NGẮM NHÌN THẬP GIÁ
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
Chết là hết. Sự thường là vậy. Sau cái chết mọi sự sẽ nguôi ngoai. Không gì tồn tại và bền lâu. Thế nhưng sau cái chết của Chúa Giêsu thì không vậy. Lời các ngôn sứ đã nói từ xưa: “Họ sẽ ngắm nhìn Đấng mà họ đã đâm thâu qua”. Ai sẽ ngắm nhìn. Nhân loại của thời đó hay nhân loại hôm nay? Phải chăng họ ngắm nhìn một thây ma trơ trụi trên thập giá ? Chắc là không. Vì thây ma chỉ làm người ta khiếp sợ. Thế mà hơn 2000 năm nay họ vẫn đang ngắm nhìn. Ngắm nhìn một tình yêu tự hiến chết cho người mình yêu. Ngắm nhìn để cảm nhận tình yêu thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu. Ngắm nhìn Đấng mà họ đã đâm thâu, để giục lòng ăn năn sám hối. Ngắm nhìn để thấy sự sống đang chồi sinh sau cái chết của Con Thiên Chúa.
Ngắm nhìn một tình yêu tự hiến: đó là cái nhìn của Mẹ Maria. Mẹ nhìn con đau khổ. Mẹ cảm thương nỗi đau của con. Thân xác con tan nát. Trái tim Mẹ lại se thắt từng cơn, nuốt nghẹn đến tận tâm can. Máu con tuôn rơi trên cây thập tự. Nước mắt Mẹ tuôn rơi trên đồi Calvê. Mẹ đã dâng nỗi đau của mình nên một với nỗi đau của con để làm hiến tế tôn vinh Chúa Cha. Ngày hôm nay cũng có biết bao ngừơi đang đau khổ, đang nhìn lên thập giá Chúa để tìm sự nâng đỡ ủi an. Đón nhận đau khổ như Đức Giêsu và Mẹ Maria là đón nhận thập giá của bổn phận, của trách nhiệm trong hy sinh, tự hiến cho gia đình, xứ đạo và cộng đồng nhân loại.
Ngắm nhìn để cảm nhận tình yêu thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu: Đó là cái nhìn nuối tiếc của các môn đệ. Tiếc nuối vì cả một đời theo Thầy, nhận được biết bao ân huệ của Thầy, thế mà chỉ một chút nghi nan đã bỏ mặc Thầy cô đơn trong đau đớn tột cùng. Nhìn để làm lại cuộc đời. Nhìn để chuộc lại lỗi lầm, để dám chết cho niềm tin của mình. Điển hình là Phêrô. Dù ông muốn bỏ chạy vì sự truy sát của Nêrón, nhưng ông đã kịp quay trở lại thành để chịu tử đạo, vì nhìn thấy Thầy một lần nữa vác thập giá vào thành. Ngày nay có biết bao người vẫn đang sống trong nuối tiếc ân hận, mặc cảm vì một quá khứ lầm lỡ. Mặc cảm vì một lần vô ơn bạc nghĩa đã gieo vãi sầu đau cho tha nhân. Hãy ngước nhìn lên Chúa để sám hối ăn năn, chuộc lại lỗi lầm. Hãy đền đáp tình yêu bằng trao tặng tình yêu của mình cho tha nhân.
Ngắm nhìn để giục lòng ăn năn: đó là cái nhìn của đám đông dân chúng bị mua chuộc, xúi giục la ó “đóng đinh nó vào thập giá”. Đó là cái nhìn thống hối của Philatô. Một người có chức có quyền nhưng hèn nhát, thiếu bản lĩnh, và nhu nhược đã để đám đông lấn áp đến nỗi chẳng dám nói một câu bênh đỡ cho người công chính khỏi án chết bất công. Dù ông biết rõ “người này vô tội”. Ngày nay cũng có biết bao người đang đóng đinh cuộc đời nhau vì xu thời, hèn nhát, thiếu trách nhiệm đã và đang dầy xéo cuộc đời anh chị em mình. Liệu rằng có mấy ai biết nhìn lại để cúi mình ăn năn? Vì tội lỗi tôi mà Chúa mang thảm sầu. Vì lối sống thiếu trách nhiệm của tôi mà gia đình tan nát, xào xáo, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt chăng?
Ngắm nhìn để thấy sự sống đang chồi sinh sau cái chết của Con Thiên Chúa. Đó là cái nhìn của viên đội trưởng Rôma, của các người phụ nữ, của các môn đệ. Trong cái chết nhục hình, họ đã nhận ra một sụ chiến thắng của Chúa Giêsu. Thập giá đã không còn là biểu tượng của tủi nhục mà là dấu chỉ một tình yêu. Một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Một tình yêu dám tha thứ cho cả kẻ hành hạ, giầy xéo cuộc đời mình cho đến chết. “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Một tình yêu bằng lòng chịu chết để tôn vinh Chúa Cha và cứu độ nhân loại. Nhân loại ngày nay vẫn đang cần những con người dám hy sinh cho nhau, dám quên đi sự an nhàn bản thân để hiến thân cho bạn hữu của mình. Nhân loại ngày nay vẫn đang cần một tình yêu thứ tha để có thể giải hoà những đổ vỡ, những ngăn cách đang làm cho các gia đình đau khổ, đang làm cho xã hội bất an vì những thù oán nhỏ nhoen.
Ngắm nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu. Chúng ta có nhận ra tội lỗi của mình đang tiếp tục làm khổ Chúa, làm khổ nhau? Khi ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu chúng ta có áy náy lương tâm hay vẫn dửng dưng bàng quang như khách qua đường tại thành Giêrusalem? Ngắm nhìn xem Đấng đã bị đâm thâu để chúng ta thấy mình cũng có trách nhiệm trong cuộc thương khó của Chúa, trong nỗi đau của anh chị em mình. Ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu để chúng ta biết sống bù đắp những lỗi lầm của mình đã và đang gây đau khổ cho anh chị em mình.
Nguyện xin Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh giúp chúng con mỗi lần ngắm nhìn Chúa biết giục lòng ăn năn thống hối và can đảm đứng lên làm lại cuộc đời. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
TÌNH YÊU và THẬP GIÁ (Ga 18:1-19, 42)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Hôm nay, Giáo hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn ngắm Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình bị treo trên thập giá, chân tay đanh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa, lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá. Bởi theo thánh Ambrosiô, khi Ađam đang ngủ Thiên Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà, Giáo hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu khi ngài chết trên Thánh Giá, và Giáo hội mời gọi chúng ta tưởng nhớ tình yêu dâng trào ấy.
Chúa đã chết vì yêu Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến, tình yêu thương xót và thứ tha, khi phải mang trên mình những đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa được Isaia mô tả: « Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.
Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta » (Is 53:2-6).
Người ta nói rằng: nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản Kinh Thánh, và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được, và nếu dòng đó là thư thứ nhất của thánh Gioan viết “Thiên Chúa là Tình Yêu”, thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó. Mầu Nhiệm Thập Giá mà chúng ta cử hành là bằng chứng. Vì thế, khi suy tôn Thánh giá Chúa, kính nhớ Chúa chịu chết, chúng ta cảm nhận được sự thật rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Thờ lạy Thánh Giá Chúa Phần tiếp theo của nghi thức chiều nay là thờ lạy Thánh Giá, tiến xướng chúng ta hát: Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa… vì nhờ gỗ này mà cả vũ trụ được hân hoan. Tại sao vậy ?
Với khí giới của riêng mình là cây Thánh Giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng cách diệu kỳ. Người đã chiến thắng ma quỉ bằng phương cách do chính ma quỉ dùng để chiến thắng thế gian. Chúng ta thấy: Một người nữ, cây gỗ, sự chết, là những phương tiện và khí cụ làm con người thất bại. Người nữ ấy là Evà đã không còn biết đến Adam; cây trái cấm, và bản án tử hình đối với người đầu tiên. Một người nữ, cây gỗ, sự chết, là những phương tiện và khí cụ làm chúng ta thất bại đã trở nên phương tiện và khí cụ giúp chúng ta chiến thắng. Đức Maria đã thay thế Evà; gỗ thánh giá, gỗ của cây biết lành biết dữ ; sự chết của Chúa Giêsu Kitô, cái chết của Adam. Ma quỷ đã bị đánh bại bởi cùng một phương tiện mà nó đã chiến thắng. Ma quỉ đã dùng cây để quật ngã Adam, Chúa Giêsu Kitô đã dùng cây Thánh Giá để đánh bại quỉ ma. Cây trái cấm đã ném con người vào vực thẳm, nay gỗ Thánh Giá kéo con người lên. Cây đã làm cho con người mất đi tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa, tống con người vào ngục ; nay gỗ Thánh Giá tước lấy vũ khí của ma quỉ đã chiến thắng con người, giúp con người vượt qua trần thế. Cái chết của Adam đã kéo theo con cháu mình là kẻ sinh sau ông ; sự chết của Chúa Giêsu Kitô mang lại sự sống cho những kẻ sinh ra trước Người.
Nhờ những ân huệ và kỳ công từ cây Thập Giá, chúng ta đã từ cái chết đến cõi trường sinh. Thập Giá đã mang lại chiến thắng cho chúng ta; chúng ta hãy học để chiến thắng mà không phải chiến đấu, không phải dàn trận, vũ khí không dính máu, chúng ta không bị thương vong nhưng lại giành chiến thắng: Thiên Chúa chiến đấu, còn vương niệm chiến thắng chúng ta nhận.
Từ đó chiến thắng là của chúng ta, hãy để niềm vui dâng trào như những người lính, hát bài ca chiến thắng để ngợi khen Thiên Chúa: “Sự chết đã bị vùi trong toàn thắng. Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu? “( 1 Cor 15:54-55).
Đây là những lợi ích mà chúng ta có được từ cây Thập Giá; Thánh Giá là cờ vua cả toàn thắng đã cứu chúng ta cho khỏi tay ma quỉ, là vũ khí chông lại tội lỗi, là thanh gươm sắc bén Chúa Giêsu dùng để chiến thắng con rắn xưa. Thánh Giá là ý Chúa Cha, là vinh quang của Chúa Con độc nhất, là chiến thắng của Thánh Thần Thiên Chúa, là niềm vinh dự của các thiên thần, là sự an toàn của Giáo hội, là bức tường thành của các vị thánh, niềm tự hào của thánh Phaolô, là ánh sáng chiếu soi trên toàn thế giới.
Thật vậy, để xua tan bóng tối của một ngôi nhà tăm tối, chúng ta thắp một ngọn nến hay nâng cao ngọn đuốc ; chính Chúa Giêsu Kitô đã thắp sáng và nâng cao cây thánh giá như một ngọn đuốc để xua tan bóng tối nhân gian. Thế giới khi nhìn xem Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, rùng mình, trời đất động địa, đã vỡ ra ; nhưng trái tim của những người Do Thái, cứng hơn đá vẫn không động đậy. Các màn trong đền thờ bị xé ra; nhưng các âm mưu phạm tội vẫn không bị phá vỡ. Tại sao màn che bị xé ? Phải chăng đền thờ đau đớn khi chứng kiến cảnh Thiên Chúa bị giết bên ngoài trên bàn thờ Thập Giá; và khăn che trong đền thờ xé ra như muốn nói với mọi người rằng: sẽ có nhiều đền thờ trở nên hoang vắng và bị bỏ rơi.
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa. Xin Chúa cho chúng con khi nhìn lên Thánh Giá Chúa, biết khám phá ra rằng Thiên Chúa đã chết chỉ vì yêu, để chúng con biết yêu thương nhau hầu chứng tỏ rằng chúng con yêu Chúa, vì đó là cốt lõi của Đạo Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ