• Thánh Tôma Tông Đồ ngày 03 tháng 7
  • Thánh Philipphê Minh ngày 03 tháng 7
  • Thánh Elisabeth Lusitania ngày 04 tháng 7
  • Thánh Giuse Uyển ngày 04 tháng 7
  • Thánh Tôn Maria Zacaria ngày 05 tháng 7
  • Thánh Maria Goretti - Sr Minh Nguyệt ngày 06 tháng 7
  • Thánh Maria Goretti ngày 06 tháng 7
  • Thánh Agostino Triệu Vinh ngày 09 tháng 7
  • Thánh Phêrô Tự ngày 10 tháng 7
  • Thánh Antôn Quỳnh ngày 10 tháng 7
  • Thánh Bênêđictô ngày 11 tháng 7
  • Thánh Anê Thành ngày 12 tháng 7
  • Thánh Phêrô Khanh ngày 12 tháng 7
  • Thánh Henri II ngày 13 tháng 7
  • Thánh Camillô Lellis ngày 14 tháng 7
  • Thánh Bonaventura ngày 15 tháng 7
  • Thánh Phêrô Tuần ngày 15 tháng 7
  • Thánh Anrê Thông ngày 15 tháng 7
  • Đức Ba Núi Camêlô ngày 16 tháng 7
  • Thánh Đa Minh Đạt ngày 18 tháng 7
  • Thánh Giuse An ngày 20 tháng 7
  • Thánh Laurensô Brindisi ngày 21 tháng 7
  • Thánh Ignatiô Hy ngày 21 tháng 7
  • Thánh Maria Mađalêna ngày 22 tháng 7
  • Thánh Bregitta ngày 23 tháng 7
  • Thánh Giuse Hiền ngày 24 tháng 7
  • Thánh Giacôbê Tông Đồ ngày 25 tháng 7
  • Thánh Gioan Kim và Anna ngày 26 tháng 7
  • Thánh Giuse Xuyên ngày 28 tháng 7
  • Thánh Matta ngày 29 tháng 7
  • Thánh Phêrô Chrysôlôgô ngày 30 tháng 7
  • Thánh Ignatiô Loyola ngày 31 tháng 7
  • Thánh Phêrô Quý và Emmanuel Phụng ngày 31 tháng 7

Ngày 03 tháng 7

Thánh Tôma Tông Ðồ

pv_chu_thanh_jesusThánh Tôma, còn gọi là Ðiđimô, người xứ Galilêa là một trong số mười hai môn đệ của Chúa Giêsu. Phúc Âm, đặc biệt là Phúc Âm thánh Gioan, đã cho ta thấy ngài là người rất nhiệt thành và tận tụy. Một lần Chúa Giêsu muốn về Giuđêa để cho Lazarô sống lại, nhưng nơi đó người Do Thái đang âm mưu giết Chúa, nên Tôma đã can đảm nói: “Nào chúng ta cùng đi để được chết với Thầy”. Sau khi Chúa sống lại, lòng cứng tin của Tôma đã là bài học đích đáng cho muôn thế hệ. Ðối với sự Phục Sinh của Chúa, ngài chỉ biết thốt lên: “Lạy Chúa tôi và là Chúa Trời tôi”.

Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, có lẽ ngài đã đi rao giảng Tin Mừng ở Patia, Ba Tư. Một văn kiện khác cho rằng ngài đã đặt chân lên Ấn Ðộ và chịu tử đạo ở đó, vì người ta đã tìm thấy nhiều tài liệu chứng minh ngay từ xưa dân tộc Ấn Ðộ đã có một lòng tôn kính đặc biệt đối với thánh Tôma tông đồ.

Hợp ý với Giáo Hội, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời bầu cử của thánh nhân, thêm đức tin cho chúng ta, nhất là trong thế giới duy vật ngày nay.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 03 tháng 7

Thánh Philipphê Phan Văn Minh, Linh Mục (+1853)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Philipphê Phan Văn Minh sinh năm 1815 tại họ Cái Mơn, thuộc Vĩnh Long, trong một gia đình Công Giáo đạo đức. Ngài được Ðức Taberd cho vào Chủng Viện Lái Thiêu. Ðến năm 1840, được gửi học tại Ðại Chủng Viện Pénang (Mã Lai). Sau sáu năm học tập và tu luyện, ngài trở về quê hương và thụ phong linh mục vào năm 1846.

Vào cuối năm 1852, lệnh cấm đạo trở nên gắt gao, ngài phải vâng lệnh Bề Trên, đến trú ẩn tại họ Mặc Bắc, nhưng lại được lãnh triều thiên tử đạo. Nguyên lúc ấy, có bếp Nhẫn say mê cờ bạc rượu chè, vì hy vọng tiền thưởng, nên đã đi báo quan đem quân về bắt cha Phêrô Lựu, chánh sở Mặc Bắc. Không gặp cha Phêrô Lựu nhưng quan quân lại bắt được cha Minh trong đêm 25/02/1853, cùng với chủ nhà cho trú ẩn là ông trùm Giuse Lựu, và một số giáo dân nữa. Tất cả bị điệu về Vĩnh Long.

Trong ngục, ngài luôn hãnh diện vì là linh mục và đầy lòng thương mến các bạn tù, dù chịu nhiều hình khổ và nhiều điều xỉ nhục. Vì không lay chuyển nổi đức tin sắt đá của ngài, các quan đã lên án “phát lưu ra Bắc” và đệ án vào kinh xin châu phê. Vua Tự Ðức không nghe, truyền phải xử tử.

Ngày 03/7/1853, ngài bị điệu đi xử trảm tại pháp trường Ðình Khao (Vĩnh Long).

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Phaolô II tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 04 tháng 7

Thánh Elisabeth Lusitania Hoàng Hậu Bồ Ðào Nha (1271-1336)

pv_chu_thanh_jesusElisabeth sinh năm 1271, là con vua Aragon Pierre II. Thánh nữ được ca tụng rất nhiều về việc hãm mình, siêng năng cầu nguyện và lòng bác ái vị tha. Ngài thành hôn với Denys, vua xứ Bồ Ðào Nha năm 1283. Suốt đời, ngài luôn làm vui lòng chồng và giáo dục con cái theo ý Chúa. Ngài xây nhiều tu viện, trường học và nhà thờ. Ngài cũng được ngưỡng mộ vì đã hòa giải những mối bất đồng giữa các quan, giúp đỡ những khổ cực lầm than của dân chúng. Sau khi vua Denys băng hà, ngài được mặc áo dòng Sêraphim năm 1325 và dâng cúng mọi tài sản cho nhà thờ chánh tòa Compostelle.

Sau cùng, đang khi cố thuyết phục hòa giải mối tranh chấp giữa con trai và con rể, ngài đã lâm bệnh và qua đời ngày 04/7/1336.

Năm 1626, Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII nâng ngài lên bậc Hiển Thánh.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 04 tháng 7

Thánh Giuse Nguyễn Ðình Uyển, Thầy Giảng (+1838)

pv_chu_thanh_jesus2Thầy giảng Giuse Nguyễn Ðình Uyển, nguyên quán tại Ninh Cường (Nam Ðịnh), bị bắt ngày 29/5/1838 và bị đóng gông giải về Hưng Yên. Tại đây suốt mấy tháng trời, ngài đã phải chịu mọi cực hình. Nhưng dù bị đòn vọt tàn ác, dù bị bỏ đói, ngài vẫn kiên trì giữ vững đức tin và sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Các quan nổi giận vì lòng trung tín anh hùng đó, liền truyền quân lính thay gông nặng xiết vào cổ ngài mà quay. Bị máu chảy nhiều và quá đau đớn, thầy đã trút hơi thở cuối cùng trong ngục, với niềm hân hoan đón nhận triều thiên tử đạo rạng sáng ngày 04/7/1838, hưởng thọ 63 tuổi.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn thầy Giuse lên bậc Chân Phước ngày 29/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 05 tháng 7

Thánh Tôn Maria Zacaria, Linh Mục Lập Dòng (1509-1539)

pv_chu_thanh_jesusTôn Maria Zacaria chào đời tại Crémore trong một gia đình quyền quý, năm 1509. Ngài được mọi người yêu mến ngay từ thuở nhỏ vì đức trong sạch và lòng bác ái đối với người nghèo khổ. Dù đường học vấn đang tươi sáng, nhưng ngài lại có ý hiến dâng mình cho Chúa. Bởi đó, ngài đã chăm chú trau dồi các kiến thức thánh. Sau khi chịu chức linh mục, ngài cùng với Bartôlômeô Ferrariô và Giacôbê Morigia lập hội Linh Mục Triều (1533) gọi là Hội Thánh Phaolô và nhóm nữ tu thiên thần (1535), sống theo tinh thần huynh đệ Phúc Âm. Với tinh thần ấy, ngài chu toàn phận vụ và làm việc tông đồ chống lại ảnh hưởng của bè rối Luther.Ngài đã hăng say và mộ mến phép Thánh Thể cùng cổ vũ lòng sùng kính qua việc chầu phép lành.

Vì quá hăng say với nhiệm vụ, ngài ngã bệnh rồi an nghỉ trong Chúa ngày 05/7/1539 tại Crémore, hưởng thọ 30 tuổi.

Với lòng nhiệt thành truyền giáo và tinh thần cầu nguyện cao độ của ngài, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII đã đặt ngài vào hàng các vị Hiển Thánh của Giáo Hội năm 1897.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 06 tháng 7

MARIA GORETTI ĐÓA HUỆ ĐỒNG NỘI

1/ Nữ Thánh Maria Goretti chết vì đức trinh khiết

pv_chu_thanh_jesusNgày 6-7-1902, thiếu nữ đồng quê 12 tuổi – Maria Goretti – êm ái trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Orsenigo ở Nettuno, cách thủ đô Roma khoảng 60 cây số. Trước khi chết, Maria Goretti sẵn sàng tha thứ cho Alessandro Serenelli (1882-1970), kẻ đã muốn xúc phạm đến tiết trinh và đã tàn nhẫn sát hại mình. Maria Goretti được sùng kính và ngưỡng mộ như một vị thánh trẻ, đồng trinh và tử đạo. Cùng lúc, Maria Goretti là vị nữ thánh của lòng tha thứ và đức từ bi.

Cuộc đời vắn vỏi và cái chết anh hùng của Maria Goretti nêu bật tầm quan trọng của nền giáo dục gia đình Công Giáo.

Song thân của Maria là ông Luigi Goretti (26/12/1859 – 6/5/1900) và bà Assunta Angelina Carlini (15/8/1866 – 8/10/1954). Cả hai đều thuộc gia đình nghèo và thành hôn ngày 25-2-1886. Năm ấy Luigi 27 tuổi và Assunta 20 tuổi. Hành trang duy nhất cho cuộc sống lứa đôi là Đức Tin Công Giáo và tình yêu đậm đà. Họ dùng sức lao động để nuôi sống gia đình. Từ tổ uyên ương hạnh phúc ấy, ra chào đời 7 người con, 4 trai và 3 gái. Nhưng Antonio, trai đầu lòng, chết lúc 8 tháng. Chỉ còn lại 6 người. Sinh ngày 16-10-1890 tại Corinaldo, Maria Goretti là con thứ ba và là trưởng nữ của ông bà Luigi và Assunta.

Vì cuộc sống khó khăn nơi vùng Marche (Bắc Ý) hai vợ chồng Luigi và Assunta quyết định rời bỏ làng, đưa đàn con ra đi lập nghiệp nơi khác. Ban đầu gia đình Goretti đến sống tại Paliano. Sau đó dời về làm công nơi nông trại Ferriere di Conca trong vùng Agro Romano Pontino vào đầu năm 1900.

Luigi và Assunta Goretti là đôi vợ chồng nghèo. Họ chỉ giàu nhân đức và tình thương. Cả hai vợ chồng đón nhận những đứa con như món quà của THIÊN CHÚA đến từ Trời Cao. Họ tận lực giáo dục con cái. Ferriere di Conca không có trường học và cách xa nhà thờ, nên chính bà Assunta dạy các con đọc kinh và học giáo lý. Ngoài việc giải thích giáo lý đạo Công Giáo, bà còn huấn luyện các con về nhân đức vâng lời. Maria Goretti khắc sâu lời mẹ dạy và đem ra thực hành. Biết rõ nổi cơ cực của Ba Má, Maria Goretti quyết tâm phụ giúp cha mẹ trông coi việc nhà và các em nhỏ.

Tại Ferriere di Conca, gia đình Goretti gặp gia đình Serenelli. Ông Giovanni góa vợ và sống với con trai Alessandro. Để kiếm thêm chút ít lợi lộc, hai gia đình cùng nhau phân chia công việc đồng áng. Nhưng rồi hoạn nạn xảy đến cho gia đình Goretti. Chỉ vỏn vẹn sau 5 tháng ra công cày sâu cuốc bẫm, ông Luigi ngã bệnh nặng và vĩnh biệt vợ con vào ngày 6-5-1900, hưởng dương 41 tuổi. Trước khi tắt thở, ông thì thào nói với vợ hiền: – Assunta, em hãy đưa các con trở về quê!

Cái chết bất ngờ của ông Luigi để lại lổ hổng rộng lớn nơi gia đình Goretti. Từ nay, bà Assunta thay thế chồng trong các việc nặng nhọc và làm chung với hai cha con ông Giovanni và Alessandro. Cuộc sống thật khó khăn. Khó khăn vì việc làm và nhất là vì tính tình trái ngược giữa hai gia đình. Gia đình Goretti nhẫn nhục, hiền hòa, quảng đại và đạo đức. Gia đình Serenelli cộc cằn, thô bạo, ích kỷ và không sống đạo.

Giữa bầu khí căng thẳng ấy, nổi bật khuôn mặt cô bé Maria Goretti, một thiếu nữ đơn sơ trong trắng. Mặc dầu còn nhỏ tuổi, Maria đã hiểu rõ thực trạng gia đình. Cô bé đặt trọn Đức Tin nơi THIÊN CHÚA và Đức Mẹ MARIA. Cô thường đến trước bức ảnh Đức Mẹ treo trong nhà để kêu xin Đức Mẹ phù giúp.

Maria cũng yêu chuộng việc lần hạt Mân Côi. Cô bé luôn giữ tràng hạt trong mình hoặc cầm nơi tay. Cuộc ra đi nhanh chóng của hiền phụ khiến Maria như già dặn hẳn ra. Cô bé thay thế mẹ trong tất cả các việc nội trợ. Cô sống trầm lặng và luôn giữ nét đoan trang. Có lẽ con tim thơ trẻ của Maria Goretti linh cảm trước những khó khăn. Cô cẩn thận tự chuẩn bị những đức tính cần thiết, hầu can đảm đối phó, khi hiểm nguy xảy ra. Maria Goretti đúng là đóa huệ đồng nội tỏa ngát hương thơm.

Một năm sau ngày ông Luigi Goretti từ trần, bé Maria được diễm phúc rước lễ lần đầu ngày 16-6-1901. Từ nay, Maria có thêm trợ lực vững mạnh từ Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể. Nhưng nhất là, để làm vui lòng Chúa và để được xứng đáng rước Đức Chúa GIÊSU ngự vào lòng, Maria cố gắng giữ thân xác trong sạch, con tim trong sạch, tâm trí trong sạch và linh hồn trong sạch. Trọn tình thương Maria dành cho mẹ và các em. Nơi các bữa ăn gia đình, Maria luôn mời mẹ và anh cả trước, rồi chia phần ăn dồi dào cho các em, sau đó mới lấy phần còn lại dành cho mình.

Kể từ tháng 6 năm 1902, hai cha con ông Giovanni và Alessandro dọn đến ở cùng căn nhà với mấy mẹ con bà Assunta. Vốn tính tình chất phác và chân thật, có lẽ bà Assunta không thấy ngay hiểm nguy rình rập gia đình bà. Nhưng bé Maria thì khác. Cử chỉ thô bạo, lời nói khiếm nhã đầy ẩn ý ”chọc ghẹo” của Alessandro khiến Maria hiểu rõ và cẩn trọng đề phòng. Maria – thiếu nữ 12 tuổi – thường lánh xa thanh niên Alessandro, 20 tuổi.

Nhưng chuyện phải đến đã đến. Hai lần Alessandro ”mon men” tìm cách dụ dỗ Maria Goretti phạm tội, trước tiên bằng lời nói, rồi bằng hành động. Sau lần cám dỗ thứ hai bị Maria quyết liệt từ chối và đẩy xa, Alessandro ngăn cấm Maria không được tiết lộ với mẹ, nếu bất tuân, chàng sẽ giết chết. Cũng từ đó, Alessandro nuôi ý định trả thù. Và cơ hội thuận tiện đã đến. Hôm ấy là 3 giờ chiều ngày thứ bảy 5-7-1902. Sau này, chính Alessandro cung khai trước tòa như sau:

… Tôi kéo áo Maria lên để lập lại cám dỗ lần thứ ba, nhưng tận thâm tâm tôi biết chắc: cô bé sẽ không chìu theo ước muốn bất chính của tôi. Thật thế, khi tôi kéo áo lên, cô bé giữ chặt áo lại và tìm cách tẩu thoát. Ngay lúc ấy, tôi hiểu rằng, chỉ còn cách duy nhất là giết chết cô bé. Tôi bắt đầu đâm túi bụi lên người cô bé. Phần Maria, khi tôi kéo áo cô lên, cô không ngừng lập đi lập lại lời răn đe: – Không! Không! Chúa không muốn chúng ta làm điều xấu. Anh sẽ rơi xuống hỏa ngục! Trong lúc bị tôi dùng dùi cui đâm, Maria tiếp tục nói như thế. Rồi cô bé kêu lớn tiếng gọi mẹ. Cô bé luôn tìm cách giữ chặt áo. Maria không bao giờ giơ tay đỡ các cú đâm của tôi. Trái lại, cô bé chỉ dùng đôi tay, tìm hết cách để kéo áo, che kín người cô lại. Vì thế, tôi có thể quả quyết rằng, không bao giờ, dù chỉ trong một thoáng giây, Maria có ý định chìu theo chước cám dỗ của tôi!

Maria Goretti được đưa ngay tới nhà thương Orsenigo ở Nettuno, do các Nữ Tu trông coi. Người ta đưa cô bé vào phòng mổ để các bác sĩ khâu lại các vết thương. Trên toàn người cô bé có tổng cộng đến 14 vết đâm lớn.

Cuộc mổ chấm dứt, bà Assunta được phép vào phòng thăm con. Vừa trông thấy mẹ, Maria cảm động kêu lên: – Má ơi!

Bà Assunta cúi xuống hỏi thăm con, Maria trả lời: – Con không sao Má à. Các em con thế nào? Xin Má đừng để cho Serenelli vào đây nhé!

Linh Mục Martino, Tuyên Úy bệnh viện đến thăm và hỏi Maria có muốn gia nhập Hội Con Đức Mẹ không. Maria thưa có. Cha Martino liền tròng vào cổ Maria sợi dây màu xanh với ảnh thánh Đức Mẹ MARIA. Sau đó, khi Cha hỏi cô có bằng lòng tha thứ cho Alessandro, kẻ sát nhân không, Maria Goretti đáp ngay, không chút do dự: – Thưa Cha CÓ! Vì tình yêu Đức Chúa GIÊSU, con tha thứ cho anh ta. Con cũng muốn anh ấy vào Thiên Đàng với con!

Đó là cử chỉ anh hùng sau cùng, biểu lộ lòng quảng đại cao cả của Maria Goretti, cánh huệ đồng nội trong trắng. Cô nghiêng đầu tắt thở lúc 15 giờ 45 phút chiều Chúa Nhật 6-7-1902, hưởng dương 11 tuổi, 8 tháng, 21 ngày.

Mọi người tấm tắt ngợi ca tấm gương can đảm của Maria Goretti, thà chết chứ không thà phạm tội mất lòng Chúa.

Về phần Alessandro Serenelli, ngày 14-10-1902, bị kết án 30 năm tù. Trước khi rời phòng xử, quan tòa hỏi bà Assunta Carlini, thân mẫu Maria Goretti, có bằng lòng tha thứ cho Alessandro không. Bà trả lời ngay, không chút do dự: – Thưa CÓ! Tôi tha thứ cho anh ta!

Lời tha thứ của hai mẹ con bà Assunta và Maria Goretti đã theo Alessandro vào nhà giam. Trong tù, nhờ lời chuyển cầu của thiếu nữ đồng trinh tử đạo Maria Goretti, Alessandro hồi tâm thống hối.

Mãn hạn tù, một ngày trong tháng 12 năm 1937, Alessandro tìm đến gặp bà Assunta ở Corinaldo để chính thức xin lỗi. Vừa gặp mặt, anh quì sụp xuống, nước mắt chan hòa, môi mấp máy: – Xin bà Assunta tha thứ cho con!

Bà Assunta dịu dàng trả lời: – Maria Goretti đã tha thứ cho anh. Chúa đã tha thứ cho anh. Vậy tôi cũng tha thứ cho anh.

Lễ Giáng Sinh năm đó, nơi nhà thờ xứ đạo Corinaldo, Alessandro Serenelli quì bên cạnh bà Assunta Carlini Goretti nơi bàn rước lễ, để lãnh nhận Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Từ Bi Nhân Hậu Vô Biên ..

Chiều thứ bảy 24-6-1950, trong khung cảnh Năm Thánh, Đức Thánh Cha Pio XII (1939-1958) long trọng nâng cô thiếu nữ đồng quê Maria Goretti, 12 tuổi, lên hàng hiển thánh với tước hiệu đồng trinh và tử đạo. Hiện diện trong nghi lễ, có thân mẫu Assunta Angelina Carlini Goretti và khoảng 500 ngàn tín hữu hành hương, đến từ khắp năm châu và toàn nước Ý. Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha Pio XII đã trìu mến thân thưa cùng vị tân hiển thánh Maria Goretti như sau:

… ”Xin kính chào vị nữ thánh hiền dịu và khả ái! Hỡi vị Tử Đạo dưới đất và là Thiên Thần trên trời, từ nơi vinh quang của ngài, xin hãy ghé mắt nhìn xuống đoàn dân đây, đang yêu mến, kính tôn, tung hô và chúc tụng ngài. Trên vầng trán ngài, ghi rõ danh thánh chói sáng hiển vinh của Đức Chúa KITÔ chiến thắng (cfr. Apoc 3,12); trên khuôn mặt trinh khiết ngài, tỏa sáng sức mạnh tình yêu và lòng kiên trung với Đức Lang Quân Chí Thánh. Ngài là vị Hiền Thê dùng chính máu đào để họa lại nơi mình hình ảnh của Đức Chúa KITÔ. Hỡi vị nữ thánh quyền uy cạnh ngai tòa Chiên THIÊN CHÚA, xin phó dâng cho ngài những người đang có mặt nơi đây, cũng như những người đang kết hợp cách thiêng liêng với chúng con. Tất cả cùng ngưỡng mộ lòng anh hùng của ngài, nhưng nhất là, muốn bắt chước ngài trong nhiệt tâm giữ vững Đức Tin và bảo toàn các phong hóa cao quí. Từ nay, các bậc làm cha làm mẹ chạy đến kêu cầu, xin ngài trợ giúp trong nhiệm vụ giáo dục con cái. Xin đặt vào vòng tay ngài mọi trẻ thơ cùng thanh niên thiếu nữ, hầu ngài bảo vệ chúng thoát khỏi mọi hiểm độc và an vui tiến bước trên đường đời, trong niềm hoan lạc của những con tim trong trắng. Ước gì được như vậy”.

2/ Ông Alessandro Serenelli kẻ sát nhân thống hối

pv_chu_thanh_jesus2Cuối tháng Giêng năm 1985, nhà xuất bản Mondadori tại Milano (Bắc Ý) phát hành cuốn sách: “Povera santa, povero assassino – La vera storia di MARIA GORETTI”. Xin tạm dịch: ”Cô thánh đáng thương, tên sát nhân tội nghiệp – Câu chuyện thật về MARIA GORETTI”. Tác giả là sử gia Ý Giordano Bruno Guerri. Dụng ý ông Guerri là vừa trích dẫn vừa lèo lái các sử liệu để đi đến kết luận: – Đây là vụ án ngụy tạo do Giáo Hội Công Giáo bịa đặt để chế biến một mẫu gương thánh thiện đáng thương!

Ông Guerri muốn bác bỏ các sử liệu minh chứng: – Maria Goretti là thiếu nữ anh hùng, đồng trinh và tử đạo, được Đức Giáo Hoàng Pio XII long trọng nâng lên bậc hiển thánh vào ngày 24-6-1950.

Khi cuốn sách của ông Giordano Bruno Guerri vừa xuất hiện, Bộ Phong Thánh phản ứng tức khắc. Ngày 5-2-1985, Bộ thành lập một ”Ủy Ban” gồm các chuyên viên về kỷ luật thần học, sử học và luật học. Ủy Ban có nhiệm vụ vạch rõ và trả lời từng điểm, về những sai trái, bóp méo sự thật và những luận cứ hàm hồ trong cuốn sách của ông Guerri.

Đúng một năm sau, ngày 2-2-1986, ”Ủy Ban” của Bộ Phong Thánh phổ biến tài liệu: ”A Proposito di MARIA GORETTI, Santità e Canonizzazioni”. Xin tạm dịch: ”Vụ liên quan đến MARIA GORETTI, bậc Thánh Thiện và những cuộc Phong Thánh”.

Chúng tôi không mở lại vụ án với những tranh cãi lịch sử, giáo luật và thần học, cho bằng trích dẫn các lời khai của Alessandro Serenelli, kẻ sát nhân thống hối. Chính lời khai của Alessandro làm nổi bật khuôn mặt thánh thiện khả ái của một thiếu nữ đồng quê trong trắng, MARIA GORETTI. Maria bị hành hung ngày 5-7 và tắt thở hôm sau, 6-7-1902, hưởng dương 12 tuổi.

Ngày 15-10 cùng năm 1902 – ba tháng sau vụ thảm sát – Alessandro Serenelli bị kết án 30 năm tù. Năm ấy Alessandro đúng 20 tuổi. Anh bị giam tại nhiều nhà tù khác nhau. 16 năm đầu, từ 1902 đến 1918, anh được chuyển xuống Noto trên đảo Sicilia (Nam Ý).

Trong tù, nhờ lời chuyển cầu của Maria Goretti, cũng như tâm tình quảng đại tha thứ của cả hai mẹ con bà Assunta và Maria Goretti, Alessandro dần dần hồi tâm thống hối. Một yếu tố không kém quan trọng góp phần vào tiến trình cải hóa này, đó là một giấc mơ. Chính Alessandro thuật lại như sau:

… Xin kể về một giấc mơ đã thôi thúc tinh thần tôi sống tốt đẹp hơn. Đây là lần duy nhất tôi mơ thấy Maria Goretti. Tôi mơ thấy Maria xuất hiện thật đẹp, vận y phục toàn màu trắng và hái hoa nơi vườn tôi đang đứng. Maria hái những cành hoa huệ trắng tinh và mang đến cho tôi từng cánh huệ một. Mỗi lần đưa hoa cho tôi, Maria nói: ”Anh cầm lấy”, rồi nhoẻn miệng cười, nụ cười đẹp như một vị thiên thần. Nhưng khi những đóa huệ được đặt vào tay tôi, huệ liền chuyển thành những cây nến thắp sáng. Trước khi biến đi, Maria còn nhoẻn miệng cười lần nữa. Tôi giật mình thức giấc. Tôi tự nhủ: ”Mình sẽ được cứu rỗi vì chắc chắn Maria cầu nguyện cho mình”. Kể từ sau giấc mơ ấy, tôi thoát hẳn ra khỏi tâm tình tuyệt vọng. Điều này xảy ra vào cuối năm 1906.

Năm 1910, Đức Cha Giovanni Blandini (1832-1913), Giám Mục giáo phận Noto, đến nhà tù thăm tôi. Ngài đến thăm, theo lời yêu cầu của Đức Cha Cucchi, Giám Mục giáo phận Senigallia, nơi có làng Corinaldo, quê sinh của Maria Goretti. Lý do cuộc viếng thăm là như thế này:

Tại Corinaldo, các người đồng hương của Maria Goretti đã dựng một đài tưởng niệm cô. Ngày khánh thành đài là một lễ hội tưng bừng. Mấy mẹ con bà Assunta Goretti cũng có mặt, vì họ đã rời Ferriere và trở về làng cũ, sau ”vụ thảm sát”. Bà Assunta giúp việc cho Cha Sở nơi giáo xứ Corinaldo.

Có lẽ theo lời đề nghị của bà Assunta Goretti, người vẫn hằng cảm thương tôi, nên Cha Sở xin Đức Cha Tito Maria Cucchi dò xem tôi bị giam nơi nào. Sau khi biết tôi đang ở nhà tù Noto trên đảo Sicilia, Đức Cha Cucchi liên lạc ngay với Đức Cha Giovanni Blandini, Giám Mục sở tại. Ngài xin Đức Cha Blandini đến nhà tù thăm hỏi sức khoẻ, mang tin tức cũng như khuyến khích tôi sống đàng hoàng.

Đức Cha Blandini lúc ấy đã cao tuổi, phải chống gậy, nhưng vì lợi ích các linh hồn, ngài đã đích thân đến thăm tôi.

Tôi chưa bao giờ hầu chuyện trực tiếp với một vị Giám Mục. Do đó, khi được gọi ra nhà khách, tôi cảm thấy thật lúng túng. Nhưng thái độ khoan dung hiền phụ của vị Giám Mục đã giúp tôi tự nhiên cởi mở tấm lòng. Không hiểu sao, dần dần chúng tôi đề cập đến ”vụ thảm sát” và chính tôi kể lại tỉ mỉ cho ngài nghe, kể cả “giấc mơ” tôi thấy Maria Goretti.

Ngồi lắng nghe tôi nói, vị Giám Mục lão thành rưng rưng dòng lệ. Tôi cũng khóc và ân hận về lỗi lầm đã phạm. Rất tiếc là thời gian thăm viếng nơi nhà tù hạn hẹp, sắp chấm dứt. Vị Giám Mục hỏi tôi có hối hận không, tôi trả lời ngay: – Thưa Đức Cha có. Trong những đêm khó ngủ, dồn dập diễn ra trong đầu con không biết bao nhiêu ý tưởng. Phải là người điên mới có thể không ăn năn thống hối!

Đức Cha tỏ ra thật cảm động. Nhưng vì thời gian thăm viếng kết thúc, nên Đức Cha khuyên tôi viết một bức thư để xin lỗi Chúa, xin lỗi gia đình nạn nhân và xin lỗi xã hội.

Tôi đáp không do dự: – Con sẽ làm, vì đó là bổn phận của con.

Đức Cha âu yếm ban phép lành cho tôi. Ngài cũng khẩn cầu cùng THIÊN CHÚA và Maria Goretti cho tôi nữa.

Vừa về đến tòa Giám Mục, Đức Cha Giovanni Blandini viết thư ngay cho Đức Cha Cucchi, thuật lại cuộc gặp gỡ nơi nhà tù Noto. Hôm ấy là ngày 10-11-1910. Về phần tôi, khi trở lại phòng giam, tôi cũng tức khắc thi hành lời đã hứa. Nguyên văn bức thư của tôi:

Trọng kính Đức Giám Mục giáo phận Noto, Con không biết diễn tả như thế nào cùng ngài tâm tình biết ơn của con, về niềm an ủi ngài để lại nơi tâm hồn sầu khổ của con, về vinh dự con được hầu chuyện với ngài. Vì thế, con xin gởi đến ngài tâm tình tri ân sâu xa, chân thành nhất của con.

Nếu quả thật đúng rằng, trong một lúc thác loạn tâm thần, đưa đến việc phạm một tội sát nhân man rợ và đã bị luật pháp trừng phạt, thì con không bao giờ có thể tự xưng thú rằng, con đã hoàn toàn tự ý quyết tâm làm điều xấu. Thật ra con còn quá trẻ và chưa biết rõ trường đời. Đây là lý do chính đưa con đến việc phạm một tội ác tầy trời mà hôm nay con cay đắng than khóc ăn năn. Con còn than khóc gấp đôi điều xấu con đã làm, bởi vì, con ý thức sâu xa rằng, con đã giết chết một thiếu nữ vô tội mà cho đến phút chót, vẫn cương quyết bảo toàn danh dự, thà hy sinh mạng sống chứ không thà nuông chìu theo ước muốn bất chính của con. Chính sức kháng cự của cô bé đã đẩy con đến hành động khủng khiếp và tồi tệ. Con xin công khai bày tỏ lòng gớm ghét điều xấu con đã làm và xin THIÊN CHÚA tha thứ cho con. Con cũng xin gia đình đáng thương và sầu khổ của nạn nhân tha thứ cho con về tội ác con đã phạm. Chỉ có thế, con mới hy vọng nhận được ơn tha thứ như bao nhiêu người khác trên cõi đời này. Con xin bày tỏ cùng Đức Cha những tâm tình trên đây với hy vọng được Đức Cha tận tình chiếu cố và tha thứ cho con. Nếu trong quá khứ con đã lầm lỡ làm hư hỏng tuổi trẻ của con, thì trong hiện tại, nguyện cho lời kinh của Đức Cha kết hiệp với lời khẩn cầu của con, có thể kéo xuống trên con ơn tha thứ của Đấng Cai Quản muôn loài, cũng như phép lành của thiếu nữ quá cố.

Con kính cẩn hôn tay Đức Cha và xin Đức Cha tha thứ cho con.

Đứa con mọn hèn, Serenelli Alessandro

Viết tại nhà giam Noto ngày 10 tháng Mười Một năm 1910.

Ba ngày sau, 13-11-1910, Đức Cha giáo phận Noto gởi bức thư của tôi cho Đức Cha giáo phận Senigallia, kèm theo lá thư của ngài, trong đó ngài viết: – Nguyện xin THIÊN CHÚA, nhờ lời chuyển cầu của thiếu nữ nạn nhân thánh thiện, bổ túc công trình tái sinh thiêng liêng bằng ân sủng thánh hóa.

Về phần Đức Cha giáo phận Sinigallia, ngài chuyển thư của tôi đến Cha Sở giáo xứ Corinaldo. Trước tiên, Cha Sở đọc cho bà Assunta Goretti nghe. Sau đó, ngài đọc cho các tín hữu và toàn dân trong làng cùng nghe. Ngày 6-12-1910, Cha Sở viết thư cám ơn Đức Cha giáo phận Noto, vì đã đích thân đến nhà tù thăm tôi và đã giao hòa tôi với gia đình Goretti cũng như với xã hội loài người.

Kể từ đó, chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau. Các ngài gởi cho tôi tin tức cũng như các sách báo viết về Maria Goretti, kể cả các ơn lành nhận được nhờ lời chuyển cầu của Maria Goretti.

Ngày 31-5-1935, giáo phận Albano, nơi có thành phố Nettuno, chính thức lập hồ sơ xin phong chân phước cho thiếu nữ Maria Goretti, đồng trinh và tử đạo. Hơn 10 năm sau, ngày 25-12-1945, Đức Giáo Hoàng Pio XII nhìn nhận cuộc tử đạo vì trinh tiết của Maria Goretti và ngày 27-4-1947, ngài tuyên phong Maria Goretti lên bậc chân phước. Cũng chính Đức Pio XII đã long trọng nâng Maria Goretti lên hàng hiển thánh ngày 24-6-1950, trong khung cảnh Năm Thánh, trước sự hiện diện của thân mẫu Assunta cùng toàn gia đình Goretti và 500 ngàn tín hữu hành hương đến từ khắp 5 châu.

Suốt tiến trình điều tra của tòa án giáo phận Albano, đã xuất hiện một nhân chứng quan trọng nhất, đó là Alessandro Serenelli, kẻ sát nhân. Nhưng nay là một sát nhân thống hối.

Alessandro đã nhiều lần cung khai trước tòa cách tỉ mỉ các chi tiết chung quanh ”vụ án mạng”. Chẳng hạn, hai lần Alessandro ”mon men” tìm cách dụ dỗ Maria Goretti phạm tội, trước tiên bằng lời nói, rồi bằng hành động. Sau lần cám dỗ thứ hai bị Maria quyết liệt từ chối và đẩy xa, Alessandro ngăn cấm Maria không được tiết lộ với mẹ, nếu bất tuân, chàng sẽ giết chết. Cũng từ đó, Alessandro nuôi ý định trả thù. Và cơ hội thuận tiện đã đến. Hôm ấy là 3 giờ chiều ngày thứ bảy 5-7-1902. Alessandro làm chứng rõ ràng như sau:

… ”Tôi kéo áo Maria lên để lập lại cám dỗ lần thứ ba, nhưng tận thâm tâm tôi biết chắc: cô bé sẽ không chìu theo ước muốn bất chính của tôi. Thật thế, khi tôi kéo áo lên, cô bé giữ chặt áo lại và tìm cách tẩu thoát. Ngay lúc ấy, tôi hiểu rằng, chỉ còn cách duy nhất là giết chết cô bé. Tôi bắt đầu đâm túi bụi lên người cô bé. Phần Maria, khi tôi kéo áo cô lên, cô không ngừng lập đi lập lại lời răn đe: ”Không! Không! Chúa không muốn chúng ta làm điều xấu. Anh sẽ rơi xuống hỏa ngục!” Trong lúc bị tôi đâm, Maria tiếp tục nói như thế. Rồi cô bé kêu lớn tiếng gọi mẹ. Cô bé luôn tìm cách giữ chặt áo. Maria không bao giờ giơ tay đỡ các cú đâm của tôi. Trái lại, cô bé chỉ dùng đôi tay, tìm hết cách để kéo áo, che kín người cô lại. Vì thế, tôi có thể quả quyết rằng, không bao giờ, dù chỉ trong một thoáng giây, Maria có ý định chìu theo chước cám dỗ của tôi!”

Sau khi mãn hạn tù, Alessandro Serenelli tìm đến nương thân nơi tu viện. Các tu sĩ Phan-Sinh Hèn Mọn Cappuccini của tu viện Thánh Serafino ở Ascoli Piceno là những người đầu tiên tiếp nhận Alessandro. Từ năm 1956, ông Alessandro chuyển đến sống với các tu sĩ Cappuccini nơi tu viện ở Macerata, miền Trung Đông nước Ý. Ông ở lại đây, sống chay tịnh và cầu nguyện cho đến khi tắt thở vào ngày 6-5-1970, hưởng thọ 89 tuổi.

9 năm trước đó, ngày 5-5-1961, cụ Alessandro Serenelli đã viết chúc thư tinh thần, nguyên văn như sau:

… ”Tôi là một cụ già gần 80 tuổi, sắp kết thúc những ngày sống của tôi. Nhìn lại quá khứ, tôi thành thật nhìn nhận rằng, từ thời xuân trẻ, tôi đã rơi ngay vào con đường lầm lạc: con đường xấu đưa tôi đến chỗ hư hỏng. Tôi đọc báo xấu, xem tranh ảnh xấu và bắt chước những gương xấu của đa số các bạn trẻ đi theo con đường xấu mà không hề nghĩ ngợi. Tôi cũng thế, tôi không mảy may lo lắng gì.

… ”Có các tín hữu đạo đức và thực hành đạo sống cạnh tôi, nhưng tôi không hề lưu ý, trái lại, tôi nghe theo một sức mạnh xấu, thúc đẩy tôi đi theo con đường xấu. Năm 20 tuổi tôi đã phạm ngay một tội sát nhân mà mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn cảm thấy kinh hoàng. Maria Goretti, giờ đây là một vị thánh, từng là thiên thần tốt lành mà THIÊN CHÚA Quan Phòng đã đặt để trên bước đường tôi đi. Tôi vẫn còn khắc sâu trong tim lời thánh nữ trách cứ tôi cũng như lời thánh nữ tha thứ cho tôi. Thánh nữ đã cầu nguyện cho tôi, đã bầu cử cho tôi, kẻ đã nhẫn tâm sát hại mình.

… ”Tôi đã trải qua gần 30 năm trong nhà tù. Nếu không vì lý do tuổi còn trẻ, hẳn là tôi đã bị kết án chung thân. Nhưng tôi chấp nhận bản án tương xứng với tội ác của tôi: bản án gột rửa phần nào tội lỗi của tôi. Maria Goretti đích thật là ánh sáng cho tôi, là người che chở tôi. Nhờ sự trợ giúp của thánh nữ Maria Goretti, tôi đã cố gắng làm điều thiện và tìm cách sống ngay chính, khi xã hội loài người bằng lòng tái tiếp nhận tôi giữa những phần tử của mình. Con cái thánh Phanxicô, các Tu Sĩ Hèn Mọn Cappuccini ở vùng Marche, với tình bác ái thiên thần, đã bằng lòng tiếp rước tôi đến sống giữa các vị, không như một kẻ tôi tớ, nhưng như một người anh em. Tôi đã sống chung với các vị từ năm 1936.

… ”Và giờ đây tôi bình thản chờ đợi giây phút được nhận vào chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa, được gặp lại những người thân và được gần gũi vị thiên thần bảo trợ tôi, cũng như người mẹ dấu ái của Maria là bà Assunta.

… ”Cầu chúc cho tất cả những ai đọc chúc thư này của tôi rút ra bài học quí giá là hãy luôn luôn tránh xa điều xấu và luôn luôn đi theo điều thiện, ngay từ thời thơ ấu. Hãy khắc sâu tư tưởng này là, tôn giáo với các lề luật đích thật là niềm an ủi, là con đường duy nhất, chắc chắn nhất trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những hoàn cảnh đau thương nhất của cuộc sống. Nguyện chúc tất cả An Bình và Tốt Đẹp!”

Vào năm 2002 – tưởng niệm 100 năm thánh nữ Maria Goretti chết vì đức trinh khiết (1902-2002) – Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) dâng lên thánh nữ lời Kinh:

… Hỡi Cô Bé của THIÊN CHÚA, Bé đã sớm biết thế nào là khổ cực, nhọc mệt, đau thương cùng những niềm vui ngắn ngủi của cuộc sống. Bé từng biết thế nào là nghèo đói và mồ côi. Bé đã không ngừng yêu mến tha nhân, tự làm người hầu hạ khiêm tốn và ân cần. Bé sống tốt lành, không khoe khoang, và đã yêu mến Tình Yêu trên mọi sự. Bé đã đổ máu đào để khỏi phản bội THIÊN CHÚA. Bé đã tha thứ cho người đã giết Bé và cầu mong hạnh phúc Thiên Đàng cho anh ta. Xin Bé hãy bầu cử và cầu nguyện cho chúng tôi bên tòa THIÊN CHÚA CHA, hầu chúng tôi cũng biết thưa vâng đối với chương trình THIÊN CHÚA định liệu trên chúng tôi. Hỡi Đấng là Bạn Hữu của THIÊN CHÚA, đang chiêm ngưỡng Chúa mặt giáp mặt, xin hãy khẩn cầu cùng Chúa ban cho chúng tôi ơn xin cùng ngài… Chúng tôi cảm tạ ngài, hỡi Marietta, vì tình yêu ngài dành cho THIÊN CHÚA và cho anh chị em đồng loại, mà ngài đã gieo vãi trong lòng chúng tôi. Amen.

(Mario Ferrarese, ”MARIA GORETTI, una Santa Pontina per i nostri giorni”, Editrice Arti Grafiche Archimio, 2000. // ”A Proposito di MARIA GORETTI, Santità e Canonizzazioni”, Libreria Editrice Vaticana, 5/2/1985)

Sr Minh Nguyệt 2010

Ngày 06 tháng 7

Thánh Maria Goretti, Ðồng Trinh Tử Ðạo (1890-1902)

pv_chu_thanh_jesusThánh nữ Maria Goretti sinh năm 1890 tại miền Pontins nước Ý. Năm 12 tuổi, Goretti được rước lễ lần đầu. Thánh nữ cố gắng bảo toàn đức trong sạch như một bông huệ trắng ngần để tiến dâng Thiên Chúa. Vì thế thành nữ đã cương quyết chống lại những lời cám dỗ đường mật của Alexandre, một thanh niên cùng làm việc trong nông trại với ngài. Thánh nữ thường nói với Alexandre: “Ðừng, đừng anh, Thiên Chúa không muốn anh xuống hỏa ngục đâu”. Và lần khác thánh nữ đã nói: “Không, anh Alexandre, Thiên Chúa không muốn chúng ta làm điều đó”. Nhưng Alexandre qúa say mê nhan sắc ngài, nên vào ngày 05/7/1902, chàng đã lợi dụng dịp may để áp bức Goretti. Thánh nữ đã chống cự hết sức mãnh liệt, nhưng vì sức yếu nên đành khuất phục. Sau đó, vì sợ bị tố cáo, Alexandre đã đâm chết thánh nữ. Vào sáng hôm sau, 06/7/1902, thánh nữ đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Nettuno. Trước khi chết, thánh nữ đã thều thào trong hơi thở: “Vì tình yêu Chúa Kitô, tôi sẵn sàng tha thứ cho Alexandre và muốn anh cũng được vào thiên đàng với tôi”.

Năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã phong thánh cho Maria Goretti trước sự hiện diện của bà mẹ già yêu dấu của thánh nữ.

Nhờ lời bầu cử của thánh Goretti, chúng ta xin Chúa cho chúng ta luôn yêu mến sự trong sạch và can đảm chống lại những cám dỗ xác thịt.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Thánh Maria Goretti (1890-1902) lễ kính 6 tháng 7 hàng năm

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Maria Goretti sống ở trần thế có 12 năm, nhưng câu chuyện cuộc đời của thánh nữ đã xúc động biết bao tâm hồn. Maria Goretti là con gái của một gia đình nghèo người Ý, mà cha chết sớm, chỉ còn người mẹ tần tảo nuôi con. Cô không có cơ hội để đi học, do đó cũng không biết đọc và biết viết. Khi rước lễ lần đầu, cô là một thiếu nữ to con so với cả lớp. Trong buổi trưa hè oi ả vào tháng Bảy, Maria một mình ngồi may vá trên các bậc thang trong căn nhà lụp xụp. Lúc ấy, cô chưa đến 12 tuổi, nhưng cơ thể cô đã phát triển đẫy đà. Một chiếc xe bò dừng ở bên ngoài, và người thanh niên hàng xóm là Alessandro, 18 tuổi, chạy vào nhà, bước vội lên cầu thang. Hắn tấn công Maria và lôi cô vào phòng ngủ để hãm hiếp. Cô kháng cự và kêu cứu, trong hơi thở dồn dập cô cho biết thà chết còn hơn là phạm tội. “Ðó là tội. Chúa không muốn như vậy. Anh sẽ xuống hỏa ngục vì tội này.” Như một con thú điên, Alessandro rút dao đâm túi bụi vào người Maria Goretti. Trong khi nằm ở bệnh viện, Maria đã tha thứ cho Alessandro trước khi từ trần. Kẻ sát nhân bị án tù 30 năm. Trong một thời gian dài, hắn vẫn không ăn năn sám hối và hay bực tức. Một đêm kia hắn mơ thấy Maria, tay cầm một bông hoa và trao cho hắn. Kể từ đó, cuộc đời Alessandro thay đổi. Sau khi được trả tự do, hành động đầu tiên của Alessandro là đến xin người mẹ của Maria tha thứ cho mình. Câu chuyện của Maria Goretti ngày càng lan rộng và lòng sùng mộ vị tử đạo trẻ tuổi ngày càng gia tăng, nhiều phép lạ đã được ghi nhận và chưa đầy nửa thế kỷ, Maria Goretti đã được tuyên xưng á thánh. Trong buổi lễ phong chân phước, mẹ của Maria Goretti (lúc ấy 82 tuổi), hai cô em gái và một em trai cùng xuất hiện với Ðức Giáo Hoàng Piô XII ở bao lơn Công Trường Thánh Phêrô. Ba năm sau, vào năm 1950, ngài được phong thánh. Trong đám đông những người dự lễ có Alessandro Serenelli, lúc ấy đã 66 tuổi, đang quỳ gối với hai hàng nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má. Thánh Maria Goretti được coi là vị tử đạo vì ngài đã chiến đấu chống trả hành động bạo lực của Alessandro. Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất của thánh nữ là sự tha thứ cho kẻ xúc phạm, mà ngài vẫn lưu tâm đến kẻ thù ngay cả sau khi chết. Thánh Maria Goretti được đặt làm quan thầy giới trẻ và các nạn nhân bị hãm hiếp.

Lời Bàn Có lẽ Thánh Maria Goretti phải vất vả khi học giáo lý, nhưng ngài không trở ngại gì với đức tin. Thiên Chúa muốn chúng ta thánh thiện, đoan trang, tôn trọng thân xác con người, tuyệt đối vâng phục, hoàn toàn tín thác. Trong một thế giới phức tạp, đức tin của thánh nữ thật đơn giản: Ðiều tiên quyết là đẹp lòng Thiên Chúa, và yêu mến Người bằng mọi giá. Trong xã hội ngày nay, đức khiết tịnh hầu như đã chết, Thánh Maria Goretti như một đóa sen, toả hương thanh tú trong đám bùn lầy. (trích nguoitinhuu.com)

Ngày 09 tháng 7

9-7: KÍNH THÁNH AGOSTINO TRIỆU VINH (ZHAO RONG) VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO TRUNG HOA

pv_chu_thanh_jesusTháng 4 năm 1785, Đức Cha Jean-Gabriel Taurin Dufresse (1750-1815), thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) và là đại diện tông tòa giáo phận Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt và bị giải về Bắc Kinh, vì tội dám rao giảng Kitô Giáo trên vương quốc Trung Hoa.

Trên đường đi, Đức Cha được một nhóm binh sĩ hộ tống. Trong nhóm binh sĩ có một người ngoại giáo tên Triệu Vinh (Zhao Rong). Thái độ điềm tĩnh và hiền từ, khiêm tốn của vị Giám Mục thừa sai ngoại quốc đã đánh động sâu xa tâm lòng chàng trai Triệu Vinh.

Sau cuộc hành trình đó, chàng xin giải ngũ và tìm hiểu học hỏi về Kitô Giáo, một tôn giáo mà theo chàng có thể trao ban cho con người sức mạnh vô song, thực thi được những nhân đức anh hùng.

Sau khi được rửa tội dưới tên thánh Agostino, Triệu Vinh không ngừng lại ở địa vị một giáo dân. Chàng tiến một bước xa hơn. Agostino xin gia nhập chủng viện và sau đó thụ phong Linh Mục.

Cha Agostino Triệu Vinh (1742-1815) được chỉ định coi sóc một giáo xứ Quảng Nguyên (Guangyuan), cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Cha nhiệt thành rao giảng Lời Chúa, trao ban bí tích và đưa rất nhiều người ngoại giáo theo Kitô Giáo.

Cha có một chương trình mục vụ rất đặc biệt. Cha lần lượt đi từ làng này sang làng khác. Cứ mỗi lần đến một làng, Cha dành ra ba ngày đầu để giải thích Lề Luật Chúa, nói về 7 mối tội đầu, về các ân xá và về các bí tích. Cha cũng đặc biệt nói về cuộc Khổ Nạn của Chúa Cứu Thế. Lời giảng của Cha vừa hùng hồn vừa chân thành đến độ làm cho mọi người nghe, ai nấy đều cảm động đến rơi nước mắt. Sau ba ngày giảng dạy là đến thời gian Cha ngồi tòa giải tội. Đây là lúc Cha lắng nghe từng tín hữu, khuyên bảo và chỉ dạy họ những điều khôn ngoan, những cách thức phải cẩn trọng trong lúc đạo Công Giáo bị cấm cách và bị bắt bớ trong toàn nước Trung Hoa. Sau cùng, Cha Agostino Triệu Vinh ban bí tích rửa tội cho các tân tòng và cử hành Thánh Lễ cho tất cả các tín hữu.

Vào cuối năm 1814, Cha Agostino Vinh có linh cảm sẽ đổ máu đào làm chứng cho đạo Công Giáo. Cha nói với Cha Benedetto Dương (Yang): – Giờ tôi đã già lại bị bệnh tật nên có lẽ tôi không trốn thoát khỏi cuộc lùng bắt của các binh lính. Xin Cha cầu nguyện nhiều cho tôi. Xin THIÊN CHÚA cho tôi can đảm chịu đau khổ để làm vinh danh Ngài.

Sang đến đầu năm 1815, Cha Agostino Triệu Vinh ngã bệnh nặng. Tuy thế, Cha vẫn tiếp tục chu toàn nhiệm vụ chủ chăn. Một ngày, có người đến mời Cha đi kẻ liệt. Dầu liệt giường, Cha vẫn nhận lời, nhờ người cáng Cha đến nhà người hấp hối. Sau khi ban các bí tích sau hết và bệnh nhân êm ái trút hơi thở cuối cùng, Cha lại lên cáng ra về.

Giữa đường, Cha gặp một nhóm lính đi tuần. Người dẫn đầu toán lính tỏ dấu nghi ngờ. Ông ra lệnh chặn cáng Cha lại và hỏi: – Ông có phải tín hữu Công Giáo không?

Cha Agostino Triệu Vinh điềm tĩnh trả lời: – Phải, tôi là Linh Mục Công Giáo.

Lời thú nhận quá tốt và quá đủ để bọn lính ập tới, lôi Cha xuống cáng và còng tay Cha lại.. Cha bị giải về Thành Đô. Tại đây, Cha bị đánh đập tàn nhẫn. Bọn lính tìm đủ mọi cực hình để làm cho Cha nản lòng bỏ đạo. Nhưng Cha già Vinh vẫn kiên vững như đá. Bọn lính tức giận hét lớn: – Sao Chúa của ông không xuống đây để bảo vệ ông?

Cha hiền từ trả lời: – THIÊN CHÚA che chở linh hồn tôi, ban cho tôi đủ sức mạnh để tôi có thể chịu khổ vì Ngài. Các ông là những kẻ phàm tục và điên rồ, các ông không thể nào hiểu niềm an bình và hạnh phúc mà THIÊN CHÚA tuôn đổ vào tâm lòng con người đâu!

Nghe Cha Agostino Triệu Vinh nói thế, bọn lính càng hăng máu dữ tợn hơn. Chúng giáng xuống thân xác đau yếu và già cả của Cha những trận đòn khủng khiếp. Cha yên lặng chịu đựng, không hé môi nói nửa lời than trách. Đánh chán rồi, bọn lính lại lôi Cha về phòng giam và bỏ Cha nằm đó, thập tử nhất sinh.

Dĩ nhiên Cha già Agostino Triệu Vinh không sống lâu với những trận đòn dữ tợn như thế. Ngày 27-1-1815, Cha êm ái trút hơi thở cuối cùng trong phòng giam, hưởng thọ 73 tuổi, trước khi chính thức nhận lãnh bản án tử hình do nhà vua châu phê.

Ngày 27-5-1900, Cha Agostino Triệu Vinh được Đức Giáo Hoàng Leo XIII (1878-1903) tôn phong chân phước cùng với Đức Cha Jean-Gabriel Taurin Dufresse và 8 vị tử đạo Trung Hoa.

Chúa Nhật 1-10-2000, trong khung cảnh Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) tôn phong 120 vị Tử Đạo Trung Hoa lên bậc Hiển Thánh với danh tánh dẫn đầu là Cha Agostino ZHAO RONG (Triệu Vinh) và Các Bạn Tử Đạo Trung Hoa.

120 Vị Tử Đạo Trung Hoa đổ máu đào làm chứng cho Đức Tin Công Giáo trong thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX dưới 3 triều đại: nhà Nguyên (1281-1367), nhà Minh (1606-1637) và nhà Thanh (1648-1907).

Trong số 120 thánh Tử Đạo có 87 vị người Hoa gồm 5 Linh Mục, 12 nữ tu và 70 giáo dân. 33 thánh Tử Đạo khác là các Thừa Sai Âu Châu gồm 6 Giám Mục, 19 Linh Mục, 1 tu huynh và 7 nữ tu Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. 86 trong số 120 thánh Tử Đạo Trung Hoa chịu chết vì Đạo vào năm 1900.

… Kinh ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI CẦU CÙNG ĐỨC BÀ TẮC-SAN (TRUNG QUỐC)

pv_chu_thanh_jesus2Lạy Đức Nữ Trinh Rất Thánh, Mẹ Ngôi Lời nhập thể và là Mẹ chúng con, được tôn kính nơi đền thánh Tắc-San dưới tước hiệu ”Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”, Mẹ là Đấng mà toàn thể Giáo Hội tại Trung Quốc ngước nhìn với lòng trìu mến sâu xa, ngày hôm nay chúng con đến trước nhan Mẹ để khẩn cầu ơn che chở đặc biệt của Mẹ. Xin Mẹ ghé mắt nhìn đến dân Chúa với mối quan tâm từ mẫu và dẫn dắt dân Chúa bước đi trên con đường sự thật và tình yêu, hầu cho trong mọi hoàn cảnh đều có mối chung sống hòa điệu giữa mọi công dân. Nhờ tiếng ”THƯA VÂNG” Mẹ thuần thục đáp lại ở Nazareth mà Con THIÊN CHÚA đã nhập thể làm người trong cung lòng vô nhiễm của Mẹ và khởi đầu công trình cứu chuộc trong lịch sử loài người, công trình mà Mẹ mau mắn hợp tác cách tận tụy khi chấp nhận lưỡi đòng đau đớn đâm thủng hồn Mẹ, cho đến giờ phút tối cao của Thánh Giá, khi, trên đồi Can-Vê, Mẹ đứng bên Thánh Giá Con Mẹ, chịu chết để cho loài người được sống.

Từ đó, Mẹ trở thành, theo cách thức mới, Người Mẹ của tất cả những ai đón tiếp trong Đức Tin Đức Chúa GIÊSU Con Mẹ và sẵn sàng bước theo Ngài khi chấp nhận vác Thánh Giá trên vai. Lạy Mẹ của niềm Hy Vọng, khi trong đêm đen của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, với trọn lòng tin tưởng phó thác không lay chuyển, Mẹ đã can đảm tiến bước cho đến buổi sáng Phục Sinh, xin Mẹ ban cho con cái Mẹ khả năng biết phân biệt trong mọi hoàn cảnh, cho dù đen tối nhất, vẫn nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện ưu ái của THIÊN CHÚA.

Lạy Đức Bà Tắc-San, xin Mẹ nâng đỡ sự dấn thân của tất cả mọi người, tại Trung Quốc, giữa những khó khăn hàng ngày, vẫn tiếp tục tin, cậy, mến, hầu cho họ không bao giờ sợ hãi nói về Đức Chúa GIÊSU cho thế giới và nói về thế giới với Đức Chúa GIÊSU. Nơi bức tượng Mẹ đặt trong đền thánh, Mẹ giơ cao Con Mẹ để giới thiệu cho thế giới với đôi tay giang rộng trong cử điệu đầy yêu thương. Xin Mẹ hãy giúp các tín hữu Công Giáo được luôn luôn là những chứng nhân đáng tin cậy về tình yêu thương này. Xin Mẹ gìn giữ các tín hữu Công Giáo luôn hiệp nhất với Đá Tảng là Phêrô, trên đó được xây dựng Hội Thánh. Lạy Mẹ là Hiền Mẫu của Trung Quốc và của Á Châu, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con bây giờ và mãi mãi. Amen!

(”I martiri Annamiti e Cinesi, 1798-1856”, Tipografia Vaticana, 1900, trang 359-362)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

dongcongnet sưu tầm 7-7-2010

Ngày 10 tháng 7

Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự, Thầy Giảng (+1840)

pv_chu_thanh_jesusThánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự sinh năm 1811 tại Ninh Bình. Từ nhỏ đã được vào nhà Chúa, dọn mình làm thầy giảng, theo giúp cha già Quế. Khi cha qua đời, ngài lại theo giúp Ðức Cha Cao, lúc đó còn là linh mục. Sau bốn năm giúp Ðức Cha Cao, ngài bị bắt sau Ðức Cha. Trong ngục, được gặp lại thầy cũ, ngài tỏ ra hết sức vui mừng, hứa sẽ trung thành với thầy tới chết. Khi Ðức Cha Cao và hai cha Khoa, Ðiểm cùng bị giam một nơi đã được phúc tử đạo, ngài tỏ ra buồn khổ mong cho tới lượt mình.

Ngày 08/7/1840, triều đình phê án tử. Hôm sau khi nhận được tin này, ngài vui mừng và hân hoan tạ ơn Chúa. Ngày 10/7/1840, ngài bị xử giảo tại Ðồng Hới.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 10 tháng 7

Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm Quỳnh), Trùm Xứ (+1840)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm Quỳnh) là trùm xứ, đồng thời làm nghề thầy thuốc, đã cao niên. Bị bắt và giam cùng với Ðức Cha Cao, cha Ðiểm, cha Khoa và thầy Phêrô Tự. Trong tù, quan khuyên dụ ngài bỏ đạo và hứa sẽ tìm dịp cho đi xưng tội với các linh mục, nhưng ngài nhất quyết từ chối. Bị ép bước qua Thập Giá, ngài đã lớn tiếng cải chính, không chuẩn. Ngày 08/7/1840, án tử hình được triều đình phê chuẩn. Hôm sau, được con cái tới báo tin, ngài rất vui mừng hô lên: “Ðã tới giờ hy sinh rồi, đó là giờ tâm hồn tôi hằng mong mỏi…”. Ngày 10/7/1840, ngài đã bị điệu đi xử cùng với thầy Phêrô Tự.

Ðức Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 11 tháng 7

Thánh Bênêđictô, Tu Viện Trưởng

pv_chu_thanh_jesusBênêđictô chào đời năm 480, tại Norcia. Sự giáo dục đạo đức trong gia đình đã sớm làm cho ngài trưởng thành về phương diện luân lý. Dù mới chỉ là một thiếu niên 16, 17 tuổi, mà ngài đã có những tư cách thật khôn ngoan, không ham chi những thú vui, khoái lạc, coi thường danh vọng, của cải trần gian.

Sau những ngày hạnh phúc sống dưới mái nhà êm ấm, ngài được gửi đi du học tại La Mã. Ðang mải mê việc học thì Bênêđictô tìm ra ý Nhiệm Màu của Thiên Chúa. Ngài vào hoang địa Subiacô cách La Mã 40 dặm để sống đời tịch liêu thân mật với Chúa.

Danh tiếng và lòng đạo đức thánh thiện của ngài được truyền tụng khắp nơi. Không một ai mà không biết đến tên ngài.

Gần nơi ngài trú có một nhà dòng, vị Bề Trên vừa mới mất, nên toàn thể cộng đồng đã đến xin thánh nhân kế vị và coi sóc. Trước lời van xin tha thiết, ngài đã bằng lòng. Sau một thời gian, ngài lại trở về hang cũ, sống mật thiết với Chúa hơn.

Số người đến xin làm môn đệ ngài càng ngày càng đông. Ngài phải lập ra nhiều nhà cho họ trú. Với bầu nhiệt huyết sẵn có, ngài ra sức giảng thuyết cho dân chúng xa rời các ngẫu tượng trở về với Thiên Chúa. Kèm theo lời giảng, Chúa đã dùng tay ngài thực hiện những phép lạ cả thể, chữa bệnh tật cho kẻ chết sống lại. Chúa cũng ban cho thánh nhân ánh sáng để thấu rõ lòng người, biết trước công việc xảy ra. Cuộc sống của ngài đã chứng minh lòng tin cậy nơi Chúa rất sâu xa, và nhân đức khó nghèo trọn hảo.

Vì tuổi già sức yếu do thời gian chay tịnh, hy sinh hãm mình, ngià đã mong ước về cùng Chúa sau những ngày dọn mình sốt sắng. Nhiều phép lạ xuất hiện sau cái chết của ngài, làm cho danh thơm và sự nghiệp của ngài loan truyền, tồn tại mãi mãi. Chính sự phát triển mau lẹ của nhà dòng ở khắp năm châu đã nói lên được điều đó.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 12 tháng 7

Thánh Anê Lê Thị Thành (Bà Ðê), Giáo Dân (+1841)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Anê Lê Thị Thành, người ta quen gọi là Bà Ðê, sinh khoảng năm 1781 tại Bái Ðền thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, bà đã theo mẹ về quê ngoại ở làng Phúc Nhạc trong tỉnh Ninh Bình. Tại đây, năm 17 tuổi, bà lập gia đình với ông Nguyễn Văn Nhất. Về sau được gọi là Bà Ðê theo tên con trai cả. Bà thật là tấm gương sáng chói về đạo hạnh cho các bà mẹ Công Giáo, rất quý mến và sốt sắng giúp đỡ các linh mục trong thời cấm đạo. Chính đó là lý do bà bị bắt giải về Nam Ðịnh, vào tháng 3/1841, đời vua Thiệu Trị.

Trong ngục, mặc dù phải chịu đòn đau đớn nhiều lần, và tuy là phận nữ, bà vẫn một lòng trung kiên tuyên xưng đức tin Công Giáo. Vì chịu quá nhiều cực hình, thân thể đầy thương tích, lại không ăn uống được, bà kiệt sức và chết rũ tù ngày 12/7/1841.

Ðức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong bà lên bậc Chân Phước tử đạo vào ngày 02/5/1909.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 12 tháng 7

Thánh Phêrô Khanh, Linh Mục (+1842)

pv_chu_thanh_jesusThánh Phêrô Khanh sinh năm 1780 tại Hòa Duệ thuộc tỉnh Nghệ An. Về sau, ngài dâng mình cho Thiên Chúa, và lãnh nhận thiên chức linh mục. Thời vua Thiệu Trị cấm đạo, ngài bị bắt, chịu nhiều cực hình và bị trảm quyết tại Hà Tĩnh vào ngày 12/7/1842.

Ngày 02/5/1909, Ðức Thánh Cha Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 13 tháng 7

Thánh Henri II, Hoàng Ðế (937-1024)

pv_chu_thanh_jesus2Henri sinh năm 937, còn có biệt hiệu là Pieux, làm công tước miền Bavière năm 995, vua nước Ðức năm 1007 và là hoàng đế Rôma năm 1014. Suốt đời ngài đã tận tụy với công việc mở mang Giáo Hội.

Ngài đã lập Tòa Giám Mục Bamberg và dâng cúng vào đền thánh Phêrô cũng như tòa thánh Rôma rất nhiều sản nghiệp. Ngài đón tiếp Ðức Benoit VII khi bị lưu vong và giúp Ðức Giáo Hoàng chỉnh đốn lại Giáo Hội. Ngài đã từng chiến đấu chống lại những người Hy Lạp để bảo vệ đức tin Công Giáo, và chinh phục nhiều dân tộc khác vừa bằng lời cầu nguyện vừa bằng quân đội.

Ngài đã đưa dân tộc Hung Gia Lợi về cùng Chúa qua cuộc hôn nhân giữa em ngài với hoàng đế Etienne (996).

Có thể nói ngài luôn lo lắng vãn hồi trật tự trong đế quốc, cải tiến đời sống dân chúng về tinh thần cũng như vật chất.

Ngày 24/8/1024, ngài bị kiệt sức rồi ngã bệnh và trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 77 tuổi. Xác ngài được mai táng tại nhà thờ chánh tòa Bamberg do chính ngài đã xây cất dâng kính Ðức Maria và thánh Phêrô.

Ðức Giáo Hoàng Eugêniô III đã tôn ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1146 vì sự thánh thiện và uy thế thanh liêm chính trực của ngài.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 14 tháng 7

Thánh Camillô Lellis, Linh Mục Lập Dòng (1550-1614)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Camillô sinh năm 1550, tại Bucchianicô, thuộc giáo phận Chieti, trong một gia đình quyền quý miền Lellis. Thời niên thiếu, ngài gia nhập quân đội và bắt đầu đua đòi ăn chơi phóng túng. Từ năm 20 đến năm 25 tuổi, ngài đã sống một quãng đờ sa đọa. Kết cuộc ngài phải vào nằm bệnh viện thánh Giacôbê tại Rôma. Những đau khổ rên xiết của các bệnh nhân đã khiến ngài xúc động sâu xa. Lời Chúa Giêsu như còn vang dội bên tai ngài: “Ta đau yếu và các con đã thăm viếng”. Những lời đó đã thắp lên trong tim ngài một ngọn lửa yêu thương đối với người đau khổ. Bởi đó ngài đã tình nguyện giúp việc tại bệnh viện và xin gia nhập dòng Phanxicô. Ðã hai lần xin xuất tu nhưng cả hai lần ngài đều xin nhập lại, và được chấp thuận. Cuối cùng, ngài thụ phong linh mục để giúp đỡ những kẻ bệnh tật (1582). Do lời khấn thứ 4 rất nghiêm khắc, người tu sĩ buộc phải dấn thân hoàn toàn cho bệnh nhân bất chấp bệnh truyền nhiễm, vì đó là tiếng mời gọi của lòng nhân từ Chúa.

Mặc dầu những cơn bệnh nhức đầu, đau bao tử, lở loét luôn hành hạ, ngài vẫn rảo qua các phòng để chăm sóc bệnh nhân. Ngài vẫn vui vẻ chịu đựng nhiều điều tủi nhục, ngài thường nói: “Tôi hằng ước ao có một trái tim rộng lớn như thế giới”.

Ngài qua đời vào ngày 14/7/1614. Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong ngài lên bậc Hiển Thánh và đặt ngài làm đấng bảo trợ các bệnh viện và người ốm đau.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 15 tháng 7

Thánh Bonaventura (1221-1274)

pv_chu_thanh_jesusThánh Bonaventura sinh tại Bagnorea miền Toscane năm 1221. Ngài trải qua thời niên thiếu tại dòng thánh Phanxicô Khó Khăn thành Assise (1243). Dưới sự hướng dẫn của Alexandre de Hales, ngài theo học văn chương và cũng thâu lượm nhiều kiến thức khoa học. Bảy năm sau, ngài cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Commentaire sur les 4 livres des sentences” và nhiều sách có giá trị khác.

Ngài có lòng dịu hiền tột bậc, lòng khiêm nhường sâu xa và lòng mộ mến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Năm 35 tuổi, ngài được bầu làm Bề Trên của dòng Phanxicô (1257). Với trọng trách nặng nề này, ngài được mọi người biết đến, không những vì học thuyết và sự thánh thiện nhưng còn vì sự thông minh và khôn khéo của ngài nữa. Chính vì vậy, năm 1273, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô X đặt ngài làm Hồng Y coi địa phận Albanô. Ngài đã viết nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị và sau cùng ngài chết tại Lyon (1274), hưởng thọ 53 tuổi.

Ðức Giáo Hoàng Sixtô IV nâng ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1482 và Ðức Giáo Hoàng Sixtô V đặt ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1588, vì ngài là cột trụ chống đỡ Giáo Hội, lưu tâm đến vấn đề hiệp nhất Hy Lạp và La Mã, đồng thời duy trì và củng cố dòng Phanxicô được lớn mạnh, vững vàng.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 15 tháng 7

Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần, Linh Mục (1766-1838)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần sinh năm 1766, đời Lê Hiến Tông, tại Ngọc Ðồng, tỉnh Hưng Yên, nay thuộc địa phận Thái Bình. Từ nhỏ, ngài đãdâng mình cho Chúa, và được gửi về Chủng Viện học tập. Ðến sau, vua Cảnh Thịnh (Tây Sơn) cấm đạo gắt gao, nhà trường giải tán, và mãi tới triều vua Gia Long, ngài mới trở lại tiếp tục tu luyện. Năm 1807, ngài thụ phong linh mục.

Năm 1838, thời vua Minh Mạng cấm đạo, ngài từ xứ Lác Môn đến họ Quần Liêu trấn an giáo hữu về việc cố chính Fernandez Hiền trú ẩn tại đây, và ngài cũng ở lại săn sóc giúp đỡ. Thấy tình thế bất an, hai ngài lại trốn sang Kim Sơn. Sau đó, ngày 18/6/1838, các ngài bị một người ham lợi lộc dùng mưu bắt nộp cho các quan. Cả hai bị điệu lên Ninh Bình, rồi bốn ngày sau lại bị điệu tới Nam Ðịnh.

Mặc dầu luật nhà nước không cho phép tra tấn và xử tử người già 60 tuổi trở lên, cha Phêrô Tuần với 72 tuổi thọ, vẫn phải chịu nhiều cực hình và bị kết án tử hình. Vua Minh Mạng châu phê, nhưng trước khi bản án về tới Nam Ðịnh, ngài đã chết rũ tù vào ngày 15/7/1838.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước vào ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 15 tháng 7

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thông) (+1855)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, quen gọi là Năm Thông, sinh vào cuối thời Tây Sơn, khoảng năm 1790, tại Gò Thị (Bình Ðịnh). Ðời sống đạo hạnh, rất kính mến Ðức Mẹ, và có học thức, nên ngài được bầu làm trùm họ, sau lại được cử làm trùm cả Bình Ðịnh. Ngài là một phụ tá đắc lực cho hàng giáo sĩ trong việc truyền bá Phúc Âm.

Dưới cơn bách đạo của vua Tự Ðức, vì sự tố giác của một đứa cháu nội hoang đàng, ngài bị bắt và bị tống giam. Các quan đã hết lời dụ dỗ ngài quá khóa, nhưng thất bại trước đức tin sắt đá, nên sau ba tháng giam giữ, ngài bị phát lưu vào Mỹ Tho.

Vì đường xá xa xôi, lại thêm tuổi già sức yếu và bị mang gông xiềng nặng nề, ngài từ trần khi vừa tới Mỹ Tho ngày 15/7/1855, thọ 65 tuổi.

Ðức Thánh Cha Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 02/5/1909.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 16 tháng 7

Ðức Bà Núi Carmêlô

pv_chu_thanh_jesusThánh Kinh đã ca tụng vẻ đẹp của Carmêlô như là một ngọn núi thánh. Vào thế kỷ IX trước Chúa Kitô, tiên tri Elia đã lên núi đó để giữ lòng trung thành với Thiên Chúa. Ngọn lửa nhiệt thành ấy vẫn cháy sáng qua muôn thế hệ. Dưới thời thập tự quân, những hang động Carmêlô đã tiếp đón các vị ẩn tu, nhưng từ thế kỷ XIII, tất cả đã liên kết thành một nhà dòng và Ðức Thượng Phụ Albert thành Giêrusalem đã ban hành những quy luật được Ðức Thánh Cha Honorius III (1226) chuẩn y. Núi Carmêlô đứng sừng sững trên đồng bằng Galilêa, gần Nazareth, nơi Ðức Mẹ đã sống và lưu giữ trong lòng những kỷ niệm về Chúa Giêsu. Bởi đó dòng Carmêlô đã được đặt dưới quyền điều khiển của Ðức Mẹ.

Ngày 16/7/1251, Ðức Mẹ đã hiện ra với thánh Simon Cột, bấy giờ đang giữ chức Bề Trên của dòng, và người hứa sẽ bảo trợ đặc biệt không những các thầy trong dòng mà còn tất cả những người mang áo của dòng này (mà chúng ta quen gọi là áo Ðức Bà núi Carmêlô). Người phán: “Hỡi các con, hãy nhận lấy áo của dòng, đó là dấu hiệu của đặc ân mà Ta dành cho các con. Người nào chết khi mang áo này sẽ tránh được ngọn lửa thiêu đốt đời đời”.

Năm 1726, Ðức Giáo Hoàng Benoit XIII đã phổ biến lễ này trong toàn Giáo Hội để kính nhớ lần hiện ra đó của Ðức Mẹ và lời hứa can thiệp đặc biệt của Người cho những ai mang áo ấy.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

16/7 –  Đức Mẹ Camêlô pv_chu_thanh_jesus2Các vị ẩn tu sống trên Núi Camêlo gần Núi Elijah (Bắc Israel) hồi thế kỷ XII. Họ xây dựng một nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ. Thế kỷ XIII, họ được biết đến với danh xưng “Huynh đệ Đức Mẹ Camêlô” (Brothers of Our Lady of Mount Carmel). Họ cử hành thánh lễ và phụng vụ đặc biệt kính Đức Mẹ. Năm 1726, lễ này được mừng kính trong cả giáo hội với tước hiệu Đức Mẹ Camêlô. Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Dòng Camêlô (Carmelites) coi mình có quan hệ đặc biệt với Đức Mẹ. Các vị thánh lớn và các thần học gia đã thúc đẩy lòng sùng kính này và thường bênh vực mầu nhiệm Vô nhiễn Nguyên tội (Immaculate Conception).

Thánh Teresa Avila gọi Dòng Camêlô là “Dòng Đức Mẹ Đồng trinh” (the Order of the Virgin). Thánh Gioan Thánh giá tin Đức Mẹ đã cứu ngài khỏi chết đuối khi còn là một em bé, Đức Mẹ đã dẫn ngài tới núi Camêlô và giúp ngài thoát khỏi tù đày. Thánh Teresa Hài dồng Giêsu tin rằng Đức Mẹ đã chữa mình khỏi bệnh. Khi ngài rước lễ lần đầu, ngài tận hiến cho Đức Mẹ. Trong những ngày cuối đời, ngài thường nói về Đức Mẹ. Có một truyền thống (có thể không mang tính lịch sử) rằng Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Simon Stock, bề trên Dòng Camêlô, trao cho ngài Áo Đức Bà (scapular) và nói ngài truyền bá lòng sùng kinh này. Áo Đức Bà tượng trưng sự bảo vệ đặc biệt, kêu gọi những người mang Áo Đức Bà tận hiến cho Đức Mẹ theo cách đặc biệt này. Áo Đức Bà nhắc nhớ lời Phúc âm kêu gọi cầu nguyện và sám hối – lời kêu gọi mà Đức Mẹ là mẫu mực.

Trầm Thiên Thu dịch

Ngày 18 tháng 7

Thánh Augustinô Phan Viết Huy, Binh Sĩ; Nicôlao Bùi Ðức Thể, Binh Sĩ; Và Ða Minh Ðạt, Binh Sĩ (+1839)

pv_chu_thanh_jesusBa thánh Augustinô Phan Viết Huy, người làng Hạ Ninh, Nocôlao Bùi Ðức Thể quê tại Kiên Trung và Ða Minh Ðạt sinh quán Phú Nhai đều là binh sĩ thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Ðời sống của ba đấng thật bình thường, nhưng nhờ ơn Chúa, các ngài đã được phúc tử đạo.

Ðầu năm 1838, quan tổng đốc Nam Ðịnh Trịnh Quang Khanh mở tiệc khoản đãi khoảng 500 binh sĩ Công Giáo trong các cơ đội thuộc quyền, với ý đồ xúi giục bỏ đạo. Vì sợ bị kìm kẹp, gông xiềng tù ngục và tra tấn, hầu hết đã quá khóa, cuối cùng chỉ còn có ba người là quyết giữ vững đức tin nơi Thiên Chúa. Liền đó, các ngài phải mang gông xiềng nặng nề, chịu đánh đập, phơi nắng mưa và chịu sỉ nhục nhiều tháng. Có lần bị lính ào tới lôi các ngài qua Thánh Giá, thánh Augustinô Huy đã phân phô: “Các ông cưỡng bách được thân xác tôi, khiến chân tôi chạm Thánh Giá, nhưng các ông tưởng cũng lay chuyển được ý chí của tôi sao? Bao lâu ý tôi không đồng tình thì việc các ông bắt ép tôi không có hiệu quả gì hết”. Ðến tháng 20/1838, trước đức tin sắt đá của các ngài, các quan đã phải lên án tử hình và gửi vào kinh xin châu phê, nhưng vua Minh Mạng không nghe, bắt tìm mọi cách để buộc các ngài bỏ đạo.

Tổng đốc Trịnh Quang Khanh liền ra lệnh đem cha, mẹ, vợ, con, họ hàng và chức sắc các làng thuộc quê quán các ngài tới công đường, rồi dọa sẽ ra cực hình nếu nếu họ không dụ được các vị này bỏ đạo. Dù đây là một đòn tâm lý ác độc, nhưng các ngài luôn khích lệ nhau trung thành với Chúa cho đến chết. Âm mưu sau cùng là tách mỗi vị một nơi để cho mọi người dễ dàng xúi giục bỏ đạo.

Một tháng sau, ngài lại phải ra trước công đường, nhưng không hề bị lay chuyển. Quan tòa liền truyền đánh đòn một kỳ hào thuộc làng của Chân Phước Nicôlao Thể. Do đó vì tình ruột thịt làng nước và để tránh cho mọi người khỏi bị tàn sát, ba đấng đều phải lần lượt quá khóa. Quan tổng đốc liền trả tự do và ban cho mỗi vị 10 quan tiền.

Nhưng sau khi được trả tự do, bị lương tâm cắn rứt còn khổ hơn những hình phạt thân xác phải chịu, nên các ngài đã ăn năn thống hối, đi xưng tội và trở lại Nam Ðịnh tìm gặp quan tổng đốc. Các ngài ném trả tiền cho quan thượng, cùng tuyên xưng đức tin Công Giáo và sẵn sàng chết vì Chúa. Tổng đốc Trịnh Quang Khanh giận dữ nhưng vẫn cố tình làm ngơ đuổi các ngài về và trao cho hương chức coi chừng.

Các ngài bàn với nhau phải vào tận kinh đô xưng đức tin để chuộc lại tội cũ và cất đi gương xấu đã làm. Tháng 5/1839, hai thánh Augustinô Huy và Nicôlao Thể vào tới kinh đô, còn thánh Ða Minh Ðạt vì mắc công vụ phải ở nhà nhưng luôn đồng một lòng với hai bạn.

Ðã hai lần dâng sớ biện minh đức tin không được chấp nhận, hai thánh Augustinô Huy và Nicôlao Thể lợi dụng dịp vua Minh Mạng ngự giá ngoài thành hóng mát và quan sát dân tình, để bày tỏ nỗi lòng, vua truyền thu tờ sớ ký tên ba đấng, và khi biết nội dung, ngài liền nổi giận ra lệnh tống giam hai đấng tại kinh. Trong tù, dù chịu tra tấn đòn vọt, được khuyên dụ ngon ngọt với bả vinh hoa, hai đấng vẫn một lòng kiên trung giữ đạo thánh. Cuối cùng vua Minh mạng phải ra án tử cho hai ngài và truyền bỏ xác xuống biển. Ngày 12/6/1839, thánh Augustinô Huy và ngày hôm sau thánh Nicôlao Thể, cả hai cùng chịu lăng trì, xác bị quăng xuống biển tại cửa Húc Tuần (Thừa Thiên).

Thánh Ða Minh Ðạt rất vui mừng khi được tin hai bạn đã can đảm đổ máu vì Chúa và mình cũng sẽ được chung số phận. Ngài bị bắt giải về Nam Ðịnh và chịu xử giảo ngày 18/7/1839.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã phong các ngài lên hàng Chân Phước tử đạo ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

18/7 –  Chân phước Angeline Marsciano, Đồng trinh (1374-1435)

pv_chu_thanh_jesus2CP Angeline thành lập cộng đoàn nữ tu Phanxicô đầu tiên, khác Dòng của thánh Clara, và được giáo hoàng phê chuẩn.

CP Angeline là con của công tước Marsciano (gần Orvieto). Bà mồ côi mẹ khi mới 12 tuổi. Ba năm sau, cô gái Angeline khấn trọn đời đồng trinh. Cùng năm đó, bà phải tuân lệnh cha để kết hôn với công tước Civitella. May thay, chồng bà tôn trọng lời khấn đồng trinh của bà.

Hai năm sau, chồng bà qua đời, bà vào Dòng Phanxicô và cùng vài phụ nữ khác tự nguyện chăm sóc bệnh nhân, người nghèo, người góa bụa và trẻ mồ côi. Khi nhiều phụ nữ khác gia nhập cộng đoàn của CP Angeline, một số người kết án bà đã vi phạm ơn gọi hôn nhân. Bà đến gặp vua Naples để trả lời về lời kết tội kia, bà đã giấu than hồng trong áo. Khi bà nói mình vô tội và cho nhà vua thấy than hồng trong áo mà bà không bị làm sao, và nhà vua bỏ qua vụ này.

Sau đó, bà và các bạn tới Foligno, nơi có cộng đoàn nữ Dòng Ba Phanxicô đã được giáo hoàng phê chuẩn năm 1397. Bà còn thành lập 15 cộng đoàn nữ khác tại các thành phố ở Ý. Bà qua đời ngày 14-7-1435, được phong chân phước năm 1825.

Trầm Thiên Thu dịch.

Ngày 20 tháng 7

Thánh Giuse An (Diaz Sanjurjo), Giám Mục (+1857)

pv_chu_thanh_jesusÐức Cha Giuse An (Diaz Sanjurjo) là vị tử đạo đầu tiên của địa phận Trung (Trung Bộ Bắc Kỳ), nay là địa phận Bùi Chu.

Ngài sinh năm 1818, gần Lugo, Tây Ban Nha. Sau khi mãn Tiểu Chủng Viện và tốt nghiệp ở đại học Compostello, ngài nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo với ước vọng trở thành một nhà truyền giáo. Giuse An mặc áo dòng tại Ocana ngày 23/9/1842 và thụ phong linh mục ngày 23/3/1844. Ngài cùng với năm tu sĩ khác vâng lệnh Bề Trên, vượt biển tới Phi Luật Tân. Tại thủ đô Manila, ngài giữ chức vụ giáo sư văn chương ở đại học mãi tới đầu năm 1845. Sau đó, ngài nhận lệnh qua Việt Nam, và đến Bắc Kỳ vào ngày lễ Phục Sinh năm 1845.

Ngài được giao nhiệm vụ giám đốc Chủng Viện ở Lục Thủy, và năm 1849 được chỉ định làm trợ tá cho Ðức Cha Marti, Giám Mục địa phận Trung. Ba năm sau (1852), ngài lên kế vị Ðức Cha Marti, và đặt tòa Giám Mục tại Bùi Chu. Trong khoảng thời gian này, vì thiên tai, đói khổ và dịch tễ, vua Tự Ðức phải ngưng việc cấm đạo ở miền Bắc. Ðến tháng 9/1855, sóng gió lại nổi lên và cuộc bách đạo ngày càng thêm dữ dội. Vào năm 1857, vì muốn được nhà vua thưởng công, một vị quan, mới được bổ nhiệm về Bùi Chu, đã cho quân lính bao vây bắt Ðức Giám Mục, tước đoạt Thánh Giá cùng nhẫn đeo của ngài, rồi tống ngục. Ðức Cha Giuse An bị xử trảm ngày 20/7/1857.

Ngày 29/4/1951, Ðức Thánh Cha Piô XII đã tôn ngài lên bậc Chân Phước cùng với 24 bạn tử đạo cũng thuộc địa phận Trung.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

0/7 –  Thánh Apollinaris, Giám mục (thế kỷ I) Theo truyền thống, thánh Phêrô gởi Apollinaris tới Ravenna, Ý, trong cương vị giám mục tiên khởi. Ngài rất thành công trong việc rao truyền Tin Mừng đến nỗi dân ngoại ở đó đánh đập ngài và lôi ngài ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, ngài vẫn quay lại, và ngài lại bị trục xuất lần nữa. Sau khi giảng đạo ở quanh vùng Ravenna, ngài lại vào thành phố. Sau khi bị hành hạ dã man, ngài bị đưa lên tàu chơ tới Hy Lạp. Dân ngoại ở đó lại khiến ngài bị trục xuất sang Ý, từ đây ngài lại đi Ravenna lần thứ tư. Ngài qua đời vì bị thương do bị đánh đập ở Classis, ngoại ô Ravenna. Một đại giáo đường được xây dựng dâng kính ngài ở đó từ thế kỷ VI.

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)

Ngày 21 tháng 7

Thánh Laurensô Brindisi, Linh Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619)

pv_chu_thanh_jesusJules César Russô sinh tại Brindisi, vùng Apulia, miền Nam nước Ý, vào năm 1559. Suốt cuộc đời ngài muốn trở thành một chiến sĩ của Thiên Chúa, một người hướng dẫn các linh hồn. Vì thế ngài đã xin gia nhập dòng thánh Phanxicô ở Vêrôme. Năm 1575, ngài được mặc áo dòng với tên là Laurensô Brindisi. Những năm học tại Padua đã giúp ngài trở thành một học giả, thông thạo các thứ tiếng Pháp, Ðức, Hy Lạp, Syrie, Do Thái. Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng để bắt tay vào việc cải cách. Trước hết bằng lời giảng dạy: ngài đã không lý luận suông nhưng đặt vào lời Chúa một sức sống hầu lôi kéo các linh hồn. Danh tiếng ngài vang dội khắp Trung Âu. Ngoài ra, ngài còn là một người hăng say với Thập Tự Quân, ngài đã dẫn đầu đạo binh Hung Gia Lợi, với Thánh Giá cầm tay, để chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Và ngài đã thành công năm 1601. Ngài còn là một nhà ngoại giao tài giỏi của Ðức Giáo Hoàng. Ngài có một đời sống kết hợp thân mật với Ðức Kitô một cách đặc biệt. Ngoài những hoạt động bên ngoài, ngài dành rất nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện và thực tập các nhân đức.

Năm 1619, đang khi thi hành sứ mạng được trao phó ở Lisbone, ngài đã từ biệt cõi đời trong sự nghèo khó, đơn sơ và thánh thiện. Ngài đã để lại nhiều tác phẩm rất có giá trị bảo vệ đức tin Công Giáo.

Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tấn phong ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1881 và Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tôn vinh ngài làm Tiến Sĩ Giáo Hội năm 1959.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 21 tháng 7

Thánh Ignatiô Hy (Delgado Y Cebrian), Giám Mục (+1838)

pv_chu_thanh_jesus2Ðức Cha Ignatiô Hy (Delgado Y Cebrian) sinh năm 1762, tại Villafelix, Tây Ban Nha. Lớn lên ngài nhập dòng Ða Minh và xin đi truyền giáo ở Viễn Ðông. Ngài được gửi tới Manila (Phi Luật Tân) và thụ phong linh mục tại đó. Ít lâu sau, ngài được cử sang Việt Nam truyền giáo ở địa phận Ðông Ðàng Ngoài. Ngày 11/02/1794, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô VI ban sắc phong làm Giám Mục phụ tá, và từ năm 1799, ngài chính thức cai quản địa phận. Ðức Cha Ignatiô Hy đã sống qua các triều đại Tây Sơn, Gia Long và chịu chết vì đạo thời Minh Mạng.

Năm 1838, cuộc cấm đạo trở nên gắt gao. Ngày 17/4 năm đó, ngài cùng Ðức Cha phụ tá, Ða Minh Henares, phải trốn về làng Kiên Lao. Do mật báo của một kẻ phản bội, tổng đốc Trịnh Quang Khanh sai 200 lính tới bao vây làng. Vì già yếu nên giáo dân cáng ngài chạy trốn, nhưng dọc đường bị phát giác, và Ðức Cha Ignatiô bị bắt vào rạng sáng ngày 29/5/1838. Ngài bị nhốt vào cũi và bị giải lên Nam Ðịnh ngày hôm sau. Tới cổng thành, quân lính định đẩy ngài bước qua Thánh Giá, nhưng ngài đã mạnh mẽ phản kháng. Suốt một tháng, ngài bị giam trong cũi đặt ngoài trời chịu đựng nắng mưa cùng những lời sỉ nhục. Dầu thế ngài vẫn luôn kiên trì giữ vững đức tin của vị chủ chăn. Cuối cùng quan tổng đốc lên án tử hình và đệ vào kinh. Nhà vua ra lệnh điều tra thêm. Trước những cực hình đau đớn, sức khỏe ngài suy giảm và ngài đã từ trần ngày 21/7/1838, trước khi bản án được thi hành. Dầu vậy, lý hình vẫn đem xác ngài ra pháp trường để xử trảm. Thi hài được giáo dân chôn ngay tại chỗ, ít ngày sau được bí mật dời về Bùi Chu. Thủ cấp Ðức Cha bị treo ba ngày cho dân chúng coi, rồi bỏ vào giỏ cột sẵn một tảng đá ném xuống sông. Ba tháng sau một ngư phủ Công Giáo vớt được thủ cấp vị tử đạo còn nguyên vẹn, đúng vào ngày lễ các thánh.

Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ðức Cha Ignatiô lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 22 tháng 7

Thánh Maria Mađalêna

pv_chu_thanh_jesusPhúc Âm thánh Marcô kể lại rằng: “Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra trước hết với Maria Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ dữ”. Lãnh nhận ơn tha thứ, ngài đã theo Chúa trên khắp các nẻo đường rao giảng Phúc Âm. Trong khi các môn đệ chạy trốn, ngài đã đứng bên Thánh Giá cùng với Mẹ Maria và môn đệ Gioan. Khi mai táng Chúa, ngài và bà Maria vợ ông Clêôphas đã ngồi trước mộ thánh. Một tình yêu bền vững luôn luôn nối kết ngài với Chúa. Vì thế, sau khi sống lại, Chúa đã hiện ra với ngài trước hết và trao cho ngài sứ mạng loan truyền niềm vui Phục Sinh.

Nhờ lời nguyện cầu và gương sáng của ngài, chúng ta cũng hãy rao giảng Chúa Kitô sống lại, để sẽ được chiêm ngắm Chúa trong vinh quang bất diệt.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Lễ kính Thánh Maria Madalena July22_clip_image002Giáo Hội sẽ cử hành lễ nhớ Thánh Maria Madalena, ngài là một trong những phụ nữ được đề cập đến trong Tân Ước. Tên của thánh nhân xuất phát từ tên của thị trấn nguyên quán là Mácđala (Magdala), xứ Galilê.

– Kinh Thánh giới thiệu thánh nhân như là một trong những người phụ nữ đã được Chúa Giêsu trừ quỷ và chữa bệnh. “Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ”. (Lc 8:2).

– Một số học giả xác định Maria Madalena là người phụ nữ tội lỗi đã xức dầu lên chân của Chúa Kitô ngay tại nhà của ông Simon người Pharisiêu (Lc 7:36-50).

– Có một nhân vật khác tên là Maria, người em gái của Mácta và Ladarô (Lc 10:38-42, Ga 11).

Như thế, một số người tin rằng, ba người tên Maria mà Tân Ước đề cập, đó chỉ là một người, trong khi lại có người cho rằng, họ là ba nhân vật khác nhau.

Những gì mà Kinh Thánh quả quyết về Maria Magdalena là: cô là một người đã đi theo Chúa Kitô và đồng hành trong hoạt động sứ vụ của Ngài (Lc 8:2-3). Phúc Âm còn ghi chép Maria Madalena như là một trong những phụ nữ hiện diện tại nơi Chúa Kitô bị đóng đinh vào thập giá.

Ngoài ra, cô là người đầu tiên chứng kiến sự Phục Sinh của Chúa. Bốn Tin Mừng đều mô tả Maria Madalena là người đi đến mộ vào rạng sáng ngày Chúa Phục Sinh. Khi cô nhìn thấy ngôi mộ trống không, cô đã đứng bên ngoài và khóc lóc. Chúa Giêsu hiện ra với cô và hỏi, “”Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” (Ga 20:15). Cô không nhận ra Người mà nghĩ rằng đó là người làm vườn, cho đến khi Người gọi tên cô: “Maria!” (Ga 20:16). Khi nghe thấy vậy, Maria đã nhận Người. Cô quay trở về nơi các môn đệ đau buồn thông báo cho họ thông điệp Phục Sinh.

Ngày 23 tháng 7 năm 2006, Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã nói về Maria Madalena trong thông điệp của mình trước Kinh Truyền Tin. Ngài gọi thánh nữ là “một môn đệ của Chúa, đã đóng vai trò hàng đầu trong các sách Phúc Âm”.

Đức Giáo hoàng tưởng nhớ lại sự hiện diện của Maria Madalena “dưới chân Thập giá” vào Thứ Sáu Tuần Thánh, cũng như cách mà “cô đã khám phá ra ngôi mộ trống” vào rạng sáng Phục Sinh.

“Câu chuyện của Maria thành Mácđala nhắc nhở tất cả chúng ta một sự thật hiện hữu”, Đức Giáo hoàng Benedict nói. “Thánh nữ là một trong những môn đệ của Chúa Kitô, trong kinh nghiệm yếu đuối của con người, ngài đã khiêm nhường cầu xin Chúa thương xót, và đã được Chúa tha thứ, để rồi tiếp tục đi theo Chúa mà trở thành một nhân chứng về điều này: tình thương xót của Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết”.

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/news/faithful-prepare-to-celebrate-feast-of-mary-magdalene/)

Tiền Hô

Ngày 23 tháng 7

Thánh Bregitta, Góa Phụ (1303-1373)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Brigitta sinh năm 1303 tại Thụy Ðiển (Suède). Cha mẹ ngài là bậc vị vọng và rất đạo đức. Ngài thích suy gẫm về sự thương khó Chúa. Kết hôn với ông Ulf Gusmarsson, quận công miền Névécie. Bằng lời nói và việc làm gương mẫu, ngài đã khéo hướng dẫn chồng đến tột đỉnh nhân đức. Ngài còn là người mẹ của tám đứa con. Lối giáo dục nhân từ dịu dàng và khôn ngoan đã giúp chúng biêt yêu thương kẻ nghèo và đau yếu. Sau khi chồng vào dòng Citeaux và chết ít lâu sau đó, ngài bắt đầu sống một đời rất khắc khổ (1344). Ngài đã được Thiên Chúa mạc khải nhiều lần điều bí nhiệm. Ngài đã lập một dòng ở Vadsténa theo luật dòng Saint Sauveur. Sau khi sang Giêrusalem hành hương, ngài trở về Rôma và mắc phải một chứng bệnh nan y. Sau một năm trường vật lộn với cơn bệnh, ngài từ trần năm 1373.

Giáo Hội luôn kính nhớ những phép lạ ngài đã làm.

Ngày 07/10/1391, Ðức Giáo Hoàng Bonifaciô IX đã ghi tên ngài vào sổ các Hiển Thánh.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 24 tháng 7

Thánh Giuse Hiền (Fernandez), Linh Mục (+1838)

pv_chu_thanh_jesusThánh Giuse Hiền (Fernandez) sinh năm 1774 tại Ventosa Clivi trong nước Tây Ban Nha. Lớn lên, ngài trở thành linh mục trong dòng thánh Ða Minh. Năm 1806, linh mục Giuse Fernandez sang Việt Nam truyền giáo tại Bắc Việt.

Năm 1838, thời Minh Mạng cấm đạo, mặc dù đang bệnh, ngài cũng phải trốn về họ Quần Liêu. Tại đây, ngài được cha Phêrô Nguyễn Bá Tuần tận tình săn sóc. Hai ngày sau, vì tình thế bất an, hai cha lại trốn sang Kim Sơn. Ðến ngày 18/6/1838, hai ngài bị một người ham lợi lộc dùng mưu bắt nộp cho quan. Cả hai bị giải lên Ninh Bình, và bốn hôm sau bị điệu về Nam Ðịnh.

Thân xác bị đánh đập, nhưng tâm hồn cha Giuse Hiền luôn vui sướng được chịu khổ vì Chúa. Ngài sẵn sàng chịu mọi cực hình để trung thành với đức tin Công Giáo và nêu gương chủ chăn. Vua Minh Mạng châu phê án tử hình cho ngài, ngày 23/7/1838 bản án về tới tỉnh. Hôm sau, tức ngày 24/7/1838, ngài bị xử trảm tại Nam Ðịnh.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 25 tháng 7

Thánh Giacôbê Tông Ðồ

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Giacôbê là anh của thánh Gioan, con ông Zêbêđê, ngài là bạn đồng nghiệp với thánh Phêrô và Anrê, sinh sống bằng nghề chài lưới trên bờ biển hồ Giênêsareth. Khi đi ngang qua, Chúa Giêsu trông thấy hai anh em ngài đang vá lưới với cha dưới thuyền, Chúa liền gọi và lập tức hai ngài liền bỏ cha mà theo Chúa. Mặc dù lòng nhiệt thành có pha chút tham vọng trần thế, bằng chứng là hai anh em ngài đã cùng mẹ đến xin được ngồi bên tay tả và bên hữu Chúa nhưng ơn sủng của Chúa đã cải tạo khiến ngài sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Thánh nhân trở nên kẻ thân cận của Chúa, cùng với thánh Phêrô và Gioan. Ngài đã chứng kiến việc con gái ông Zairô sống lại, việc Chúa biến hình trên núi Taborê, và cơn hấp hối của Chúa trong vườn cây Dầu. Ngài đã được vinh dự là vị tông đồ đầu tiên hiến mạng sống cho Tin Mừng. Khoảng năm 43 hay 44, vào trước ngày lễ Phục Sinh, vua Herođê Agrippa I đã xử trảm ngài đúng như lời Chúa Giêsu đã phán: “Con sẽ uống chén đắng của Ta”.

Từ thế kỷ IX, người ta tôn kính mồ của ngài tại Compostelle và lòng tôn kính ấy đã lan tràn khắp nơi trên thế giới.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 26 tháng 7

Thánh Gioan Kim Và Anna Phụ Mẫu Ðức Trinh Nữ Maria

pv_chu_thanh_jesus2Mặc dầu Phúc Âm không nói gì đến đời sống của hai đấng, nhưng căn cứ vào thánh truyền, chúng ta có thể đi ngược dòng thời gian để tìm hiểu những dấu tích. Các ngài đã tạo thành một móc xích, nối kết Israel cũ và Israel mới, nối kết Cựu Ước và Tân Ước. “Các ngài đã nhận lãnh phúc lành của Thiên Chúa” và “nhờ các ngài, phúc lành được hứa cho mọi dân tộc đã đến với chúng ta”. Các ngài đã sinh ra Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Con Thiên Chúa. Vì thế, thánh Ðamascênô ca tụng hai đấng như sau: “Lạy thánh Gioakim và Anna, đôi bạn hạnh phúc, tất cả mọi tạo vật đều mang ơn các ngài, vì nhờ các ngài mà tạo vật đã dâng lên cho Ðấng Hóa Công một lễ vật cao trọng, đó chính là Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 28 tháng 7

Thánh Giuse Xuyên (Melchior Garcia Sampedro) Giám Mục (1821-1858)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Giuse Xuyên (Melchior Garcia Sampedro) sinh ngày 29/4/1821 tại họ đạo thánh Stêphanô, gần Cienfugos, thuộc vùng Asturio (Tây Ban Nha). Tuy gia cảnh nghèo túng nhưng ngài đã cố gắng theo học tại Oviedo và thâu lượm nhiều thành quả trội vượt. Sau khi tốt nghiệp thần học, ngài được mời dạy môn luân lý, nhưng đã từ chối để gia nhập dòng Ða Minh ở Ocana vào năm 1845. Ngài thụ phong linh mục ở Madrid, và sau đó được gửi qua Manila (Phi Luật Tân) năm 1848. Thể theo nguyện ước, Bề Trên đã chấp thuận cho ngài sang truyền giáo ở Bắc Việt. Ngài đã tới nơi vào tháng 02/1849, đang thời vua Tự Ðức cấm đạo.

Tại Bắc Kỳ, ngài được chỉ định giữ chức phó Giám Tỉnh năm 1852, và ngày 01/9/1855, thụ phong Giám Mục, phụ tá cho Ðức Cha Giuse An (Diaz Sanjurjo) thuộc địa phận Trung. Cũng vào năm này, vua Tự Ðức ra tay tàn sát người Công Giáo thật dữ dội với nhiều sắc chỉ gắt gao nối tiếp.

Ðầu tháng 7/1858, ngài bị bắt tống ngục, ngày 28/7/1858 bị dẫn tới pháp trường tại Nam Ðịnh, chịu lăng trì vì danh Chúa Giêsu.

Ðức Thánh Cha Piô XII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước cùng với Ðức Thánh Cha Giuse An (Diaz Sanjurjo) và 23 bạn tử đạo vào ngày 29/4/1951.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 29 tháng 7

Thánh Matta Ðồng Trinh (thế kỷ I)

pv_chu_thanh_jesusMatta đã xuất hiện cả thảy 3 lần qua Phúc Âm: trước hết, thánh nữ cùng với em là Maria đón Chúa vào nhà và mời dùng bữa tại Bêtania; trước khi Lazarô được sống lại, thánh nữ đã tuyên xưng Chúa là Con Thiên Chúa và sau cùng trong bữa tiệc sáu ngày trước lễ Phục Sinh. Trong hai bữa ăn đó, Matta thường bận rộn với việc bếp núc, trong khi ấy Maria lấy thuốc thơm xức cho Chúa hay ngồi dưới chân nghe Chúa giảng dạy. Matta than phiền với Chúa về việc Maria không giúp đỡ mình. Chúa Giêsu không từ chối sự nhiệt thành vội vã của Matta, nhưng ngài cũng trách thánh nữ quá lo lắng mà quên đi phần chính yếu là nghe lời giảng và ở bên Ngài. Chúa đã mời gọi thánh nữ hãy dẹp bỏ mọi bận tâm để chăm chú nghe lời Ngài, vì “chỉ có một sự cần thiết và Maria đã chọn phần tốt hơn”. Matta lấy làm vinh dự được tiếp đón và hầu hạ Chúa. Chúng ta cũng hãy bắt chước thánh nữ niềm nở đón tiếp anh em vì mỗi khi chúng ta hầu hạ anh em, chính là hầu hạ Chúa Kitô.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 30 tháng 7

Thánh Phêrô Chrysôlôgô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (405-451)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Phêrô, do tài hùng biện đặc biệt mà người ta ghép thêm cho ngài Chrysôlôgô để tỏ lòng ngưỡng mộ ngài. Ngài sinh tại Forum Cornelii nước Ý năm 405 trong một gia đình thế giá. Ngay từ nhỏ, ngài đã biết thực tập những việc đạo đức. Năm 433, ngài được chọn làm Tổng Giám Mục giáo khu Ravenne. Ngài cực lực lên án sự giả tạo của giáo dân: “Ai muốn vui chơi với ma quỷ, sẽ không bao giờ được dự phần với Ðức Kitô”. Ngài còn để lại nhiều tài liệu quý giá cho Giáo Hội, nhất là khoảng 180 bài giảng thuyết rất nổi tiếng của ngài vẫn còn lưu truyền tới ngày nay. Ðó là những bài huấn đức ngắn gọn, những bài cắt nghĩa thánh kinh và phụng vụ với một giọng điệu đơn sơ, hầu giúp mọi người biết sống theo Phúc Âm. Chúng ta sẽ không tìm thấy ở đó những từ ngữ văn chương của thánh Augustinô, những lý luận thần học của thánh Lêô, là những đấng sống đồng thời với ngài. Nhưng dân chúng từ quan đến dân đều thưởng thức được những lời nói đầy nhiệt huyết, những sự chỉ bảo thực tế. Chính ngài đã muốn giảng dạy cách hết sức đơn giản và dễ hiểu. Ngài thường nói: “Lời lẽ của tôi đã được chôn vùi với Ðức Kitô”.

Sau cùng ngài về hưu dưỡng tại quê nhà để dọn mình chết lành. Ngày 02/12/451, ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong Chúa như lòng mong ước.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 31 tháng 7

Thánh Ignatiô Loyola, Linh Mục Sáng Lập Dòng (1493-1556)

pv_chu_thanh_jesusThánh Ignatiô sinh khoảng năm 1493, tại Loyola miền Cantabria nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý phái.

Ngài nhập ngũ và bị thương khi giao tranh với quân Pháp ở Pampelune. Trong lúc dưỡng bệnh, tình cờ ngài đã đọc những sách đạo đức và ngài cảm thấy một sức mạnh mãnh liệt phải bước theo Chúa. Trở lại Mont Serrat, ngài đã treo khí giới ở bàn thờ Ðức Mẹ, và bắt đầu thời kỳ tu tập (1523). Ngài sống nhịn nhục, nghèo khổ như một hành khất và viết rất nhiều sách thiêng liêng có giá trị. Năm 1534, tại đại học Balê, ngài tụ họp 9 người bạn cùng chí hướng thuộc các nước khác nhau và trên ngọn đồi Montmartre, ngài đã đặt nền móng đầu tiên của dòng Tên, với một nguyện ước là tìm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Ngoài ba lời khấn thông thường, ngài còn thêm lời khấn hiến mình cho công cuộc truyền giáo theo ý hướng của Tòa Thánh (1540). Với một lòng nhiệt thành giảng dạy giáo lý kèm theo việc đạo đức, nước Chúa được mở rộng khắp nơi.

Ngài từ trần năm 1556, hưởng thọ 63 tuổi. Suốt đời, ngài chỉ tìm vinh danh Chúa (Ad Majorem Deigloriam).

Ðức Giáo Hoàng Phaolô V phong ngài lên bậc Chân Phước năm 1609. Mười bốn năm sau, Ðức Thánh Cha Urbanô VIII tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh và năm 1922, Ðức Piô XI phong ngài làm Ðấng Bảo Trợ những tuần tĩnh tâm.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 31 tháng 7

Thánh Phêrô Ðoàn Công Quý, Linh Mục; Emmanuel Lê Văn Phụng, Giáo Dân (+1859)

pv_chu_thanh_jesus– Thánh Phêrô Ðoàn Công Quý sinh năm 1862 tại họ Búng, hạt Thủ Dầu Một, dưới triều Minh Mạng. Cha ngài là ông Antôn Ðoàn Công Miêng và mẹ là bà Anrê Nguyễn Thị Trường, vốn dòng quyền quý, nguyên quán ở Ðàng Ngoài; nhưng vào cuối đời Gia Long (1802-1820), cả gia đình đã di cư vào Nam và đến lập nghiệp tại họ Búng.

Năm 1847, ngài nhập Chủng Viện thánh Giuse tại Thị Nghè. Sang năm 1848, ngài được gửi học bên Pénang (Mã Lai). Sau bảy năm học tập và tu luyện, ngài trở về quê hương vào năm 1855, giữa lúc vua Tự Ðức cấm đạo gắt gao. Ngài lần lượt lãnh nhận các chức, và đến tháng 9/1858, được phong chức linh mục tại nhà thờ Thủ Dầu Một. Sau một thời gian phục vụ tại các họ Lái Thiêu, Gia Ðịnh, Kiến Hòa, ngài được cử làm phó sở Cái Mơn (Vĩnh Long). Cuối tháng 12/1858, ngài đổi về họ Ðầu Nước, Cù Lao Giêng, họ chính thuộc tỉnh An Giang.

Ngày 07/01/1859, trong một cuộc lùng xét “Tây Dương đạo trưởng”, ngài bị bắt cùng với ông Emmanuel Phụng, câu phủ họ Ðầu Nước, và 32 giáo hữu khác. Tất cả bị xiềng xích giải về Châu Ðốc.

pv_chu_thanh_jesus2– Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm 1796. Lúc cha Phêrô Ðoàn Công Quý được cử tới họ Ðầu Nước, ngài đang làm câu phủ, rất nhiệt thành việc đạo và quý mến các linh mục. Ngày 07/01/1859, ngài cùng 32 giáo hữu khác cùng bị bắt với cha Phêrô Quý, và bị điệu về giam ở Châu Ðốc.

Trong tù hai đấng đã chịu nhiều cực hình với một đức tin sắt đá. Ngày 30/7/1859, án tử hình của các ngài được gửi từ kinh về tới Châu Ðốc. Hai ngài đã hiên ngang đổ máu đào để nên chứng nhân nước Trời vào ngày 31/7/1859.

Ðức Thánh ChaPiô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 02/5/1909.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia