- Thiên Chúa mang lấy những thương tích của chúng ta-ĐTC Phanxicô
- Ăn chay đúng nghĩa là gì?-ĐTC Phanxicô
- Bạn có muốn được chữa lành không?-ĐTC Phanxicô
- Sẽ là “người Công Giáo vô thần” nếu trái tim ta chai đá
- Được tha thứ và thứ tha-ĐTC Phanxicô
- Thờ ơ với người nghèo thì rơi vào đường tội lỗi-ĐTC Phanxicô
- Hoán cải là học làm việc tốt cụ thể chứ không chỉ là nói xuông
- Thánh Giuse giúp chúng ta có khả năng ước mơ những gì cao đẹp
- suy niệm thánh lễ thứ năm tuần 4 mùa chay-ĐTC Phanxicô
THIÊN CHÚA MANG LẤY NHỮNG THƯƠNG TÍCH CỦA CHÚNG TA
ĐTC Phanxicô
Thánh lễ tại nhà nguyện Marta.
Thứ năm sau thứ tư lễ tro. 2 tháng ba 2017
Chiếc la bàn định hướng của người Kitô hữu chính là việc bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh. Ngài là Thiên Chúa đã trở nên người phàm và mang lấy những thương tích của chúng ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Mở đầu mùa chay với tiếng vang gọi mời sám hối, chúng ta được mời gọi nhìn vào thực tại với ba nét: thứ nhất là con người, thứ hai là Thiên Chúa, thứ ba là con đường.
Thực tại về con người
Thực tại là con người phải lựa chọn giữa thiện và ác. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tự do, và chúng ta phải thực hiện việc chọn lựa. Thế nhưng, Chúa không bỏ mặc chúng ta một mình, Ngài ban cho chúng ta các điều răn để dẫn đường chỉ lối. Tiếp đến, thực tại về Thiên Chúa là điều rất khó hiểu đối với các môn đệ. Các ông không hiểu được con đường thập giá của Chúa Giêsu. Bởi lẽ Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã mang lấy trọn vẹn thân phận phàm nhân chỉ trừ tội lỗi. Nếu không có Thiên Chúa thì đã không có Chúa Kitô. Nếu tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đức Kitô, thì vị Chúa ấy không thực.
Thực tại về Thiên Chúa
Thực tại về Thiên Chúa, chính là Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa nơi Đức Kitô, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Khi chúng ta quay lưng lại với thực tại này, chúng ta cũng quay lưng lại Thập giá Chúa Kitô, và khi đó chúng ta đi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, đi ra khỏi con đường cứu độ của Thiên Chúa. Con đường của Thiên Chúa là thế này: Ngài đã đến với chúng ta, đến bên chúng ta để cứu chúng ta, và chết vì chúng ta. Đó là thực tại về Thiên Chúa.
Có một cuộc đối thoại giữa một người theo thuyết bất khả tri và một tín hữu. Người theo thuyết bất khả tri với thiện ý, đã hỏi người tín hữu rằng: “Đối với tôi, bằng cách nào mà có thể… Vấn đề là bằng cách nào mà Đức Kitô là Thiên Chúa, điều này tôi không hiểu. Đức Kitô là Thiên Chúa hay sao?”. Người tín hữu đáp lại: “Vâng, với tôi, đây không phải là vấn đề. Vấn đề là làm sao Thiên Chúa lại không là Đức Kitô”.
Thực tại về Thiên Chúa là: Đức Kitô chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trở nên người phàm, và đây là nền tảng để thực thi lòng thương xót. Các thương tích của anh chị em chúng ta cũng là những thương tích của Chúa Kitô. Chúng ta đều biết rằng, không thể sống mùa chay mà không sống thực tại này. Tất cả chúng ta cần thay đổi bản thân, không phải với một Đức Kitô kiểu trừu tượng mông lung, nhưng là với một Đức Kitô cụ thể bằng xương bằng thịt, Đấng là Thiên Chúa làm người.
Thực tại về con đường
Thực tại thứ ba là con đường. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.
Con đường ấy chính là con đường của Chúa Kitô, là bước theo Đức Kitô để thực thi ý muốn của Chúa Cha như Đức Kitô đã làm, là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa Kitô. Không làm những gì mình muốn, nhưng là làm những gì Đức Kitô muốn, đó là theo Đức Kitô. Ngài đã nói về con đường từ bỏ, con đường liều mất mạng sống để rồi được lại sự sống. Đó là con đường hy sinh mạng sống, hy sinh những gì mình muốn, hy sinh những tiện nghi, để phục vụ tha nhân, để phụng thờ Thiên Chúa. Đó là con đường của Chúa Giêsu. Đó là con đường phải lẽ.
Như thế, chỉ có một con đường chắc chắn, là bước theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh, con đường thập giá. Đó là thực tại với ba nét đặc thù: thực tại về con người, thực tại về Thiên Chúa, thực tại về con đường. Đó là chiếc la bàn giúp người Kitô hữu không bị lạc lối.
Tứ Quyết, SJ
ĂN CHAY ĐÚNG NGHĨA LÀ GÌ ?
ĐTC Phanxicô
Thánh lễ tại nhà nguyện Marta,
Thứ Sáu sau thứ tư lễ tro 3 tháng ba 2017
Ăn chay đúng nghĩa chính là giúp đỡ người thân cận; ăn chay giả dối chính là việc trộn lẫn giữa điều có vẻ là tôn giáo với thứ kinh doanh ăn bẩn và kiểu hối lộ của những thứ phù vân. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Ăn chay
Các bài đọc hôm nay nói về việc ăn chay. Ăn chay là việc mà chúng ta được mời gọi thực hành trong Mùa Chay. Làm như thế để chúng ta có thể tiến lại gần Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thích những tâm hồn sám hối. Tác giả Thánh Vịnh là người có tâm hồn cảm thấy được tội lỗi của mình, và nhận biết được rằng mình chỉ là một tội nhân.
Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa chê trách những kẻ giả hình. Họ ăn chay nhưng lại ăn bẩn trong kinh doanh và đối xử tệ bạc với người làm công. Họ có đôi tay xấu xa. Một tay họ làm việc đền tội, tay kia họ làm những điều bất công. Vì thế, Chúa kêu gọi thực hiện việc ăn chay đích thực.
Ăn chay giả dối
Có kiểu ăn chay giả dối, có thói đạo đức giả. Đó là kiểu ăn chay để cho người khác thấy mà khen, trong khi lại hành xử đầy bất công và khai thác con người. Ví như có người nói: “Tôi sẽ dâng tặng điều tốt đẹp này cho Giáo hội”. Thử hỏi lại người ấy rằng: “Hãy nói cho tôi, bạn có đối xử tốt với gia đình bạn không? Bạn có trả lương xứng đáng cho nhân viên của bạn không? Bạn có thực thi như luật pháp và lẽ phải, để các nhân viên có thể nuôi con cái của họ không?”.
Có một câu chuyện diễn ra ngay sau thời chiến tranh thế giới thứ hai, khi ấy cha Pedro Arrupe Dòng Tên đang là nhà truyền giáo tại Nhật Bản. Có một doanh nhân giàu có nọ muốn dâng tặng cho công cuộc truyền giáo, nhưng đi cùng anh ta, có một nhiếp ảnh gia và một nhà báo. Trong khi đó, chiếc phong bì mà anh doanh nhân tặng chỉ chứa 10 đôla.
Ăn chay đích thực
Kiểu ăn chay giả dối cũng giống như việc chúng ta không đối xử phải lẽ với người thân cận. Chúng ta thực hiện việc đền tội, ăn chay, bố thí, và rồi chúng ta cũng làm việc hối lộ. Đó là sự giả hình giả dối của những thứ phù vân hư ảo. Đó không phải là chân thực mà chỉ là đạo đức giả. Vì vậy Chúa Giêsu nói: khi cầu nguyện thì chọn nơi kín đáo, khi ăn chay thì đừng làm bộ buồn sầu, khi bố thí thì đừng khua chiêng đánh trống, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.
Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói cho những kẻ giả hình biết thế nào là ăn chay đúng nghĩa: “Nào ăn chay như Ta mong muốn không phải như thế này sao? Là hủy bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ gánh nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức, chia cơm sẻ bánh cho người đói, tiếp rước người nghèo vô gia cư, mặc áo cho kẻ trần truồng, đừng kinh khi những người cũng là con người như ngươi”. Chúng ta hãy ngẫm suy những lời này, chúng ta hãy để tâm những lời ấy mỗi khi chúng ta ăn chay, cầu nguyện, và làm phúc bố thí. Điều ấy sẽ giúp chúng ta nghĩ xem người ta cảm thấy điều gì, khi người ta ăn bữa tối với giá 200 euro xong và trên đường trở về nhà, người ta nhìn thấy một người đang đói, và rồi người ta tiếp tục bước đi. Thật là tốt cho chúng ta để nghĩ suy về những điều này.
Tứ Quyết, SJ
BẠN CÓ MUỐN ĐƯỢC CHỮA LÀNH KHÔNG ?
Thứ tư tuần 4 mùa chay-ĐTC Phanxicô-28-3-17
Tin vào Chúa Giêsu là đón nhận cuộc sống, là tiến bước trong niềm vui một cách không trễ nải, và không bị tê liệt bởi những tội lỗi và tật xấu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Dễ than phiền
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành cho người bị đau liệt đã 38 năm bên bờ hồ Betdatha. Nhìn thấy anh và biết anh đã đau từ lâu, Chúa liền hỏi: “Anh có muốn được lành bệnh không?”.
Thật là đẹp! Chúa Giêsu luôn hỏi mỗi người chúng ta câu hỏi ấy: Con có muốn lành bệnh không? Con có muốn vui tươi hạnh phúc không? Con có muốn cải thiện đời sống không? Con có muốn tràn đầy Chúa Thánh Thần không?… Đó là những lời mà Chúa muốn nói. Có lẽ tất cả những người ốm đau, mù lòa, què quặt ở bên bờ hồ sẽ nói: “Vâng, lạy Thầy, chúng con muốn!” Thế nhưng, ở đây, anh bại liệt trả lời một cách lạ lùng. Anh than vãn với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, chẳng có ai đưa tôi xuống hồ khi nước khuấy động”. Có lẽ anh muốn than phiền rằng: Thầy coi, thật là xấu xa, thật là bất công quá, vì người ta có thể đi lại được và được chữa lành, còn tôi đây đã 38 năm, và nay tôi vẫn cố gắng nhưng…
Dễ đổ lỗi
Anh ta tựa như cây trồng bên bờ suối theo như lời Thánh Vịnh. Cây trồng bên suối nhưng rễ lại chết khô vì rễ không chạm được tới nước, vì rễ không thể bắt tới nước.
Thái độ của anh không chỉ là than phiền, mà còn cố gắng đổ lỗi cho người khác. Anh nói: Khi tôi lết tới, thì đã có những người khác xuống trước tôi, và thế là tôi ở đây suốt 38 năm… Việc đổ lỗi như thế là một tật xấu, một sự lười biếng. Anh bị đau liệt, nhưng tệ hại hơn, chính trái tim anh cũng bị tê liệt, vì không còn muốn tiến về phía trước, không còn muốn làm điều gì đó cho cuộc sống, không còn tìm thấy niềm vui. Anh không còn biết đến niềm vui. Điều ấy thật trầm trọng. Điều anh nói tựa như: Coi người ta sung sướng kìa, còn tôi thì thế này đây… Cuộc sống chẳng công bằng với tôi chút nào. Khi ấy, chỉ còn thấy sự oán giận và cay đắng trong tâm hồn.
Hãy đứng dậy!
Chúa Giêsu không trách mắng anh, nhưng nói: Hãy đứng dậy, vác chõng của anh mà đi. Người bại liệt đứng dậy và được chữa lành. Nhưng hôm đó lại là ngày sabat, các luật sĩ cho rằng, ngày sa bát không được phép vác chõng, và họ còn cho rằng: những ai đi ngược với khoản luật này, thì không phải là người của Thiên Chúa. Người bị bại liệt được chữa lành, nhưng không thấy anh nói lời cám ơn Thầy Giêsu, thậm chí anh cũng không hỏi tên Thầy. Thế đó, người ta dễ sống theo kiểu cái gì cũng miễn phí, và người ta quên đi tầm quan trọng của khí thở. Người ta dễ sống chỉ chú tâm rằng người khác hạnh phúc hơn tôi và rồi buồn tủi. Sống như thế là quên đi niềm vui, sống như thế là đánh mất niềm vui. Và thật là xấu hổ khi chúng ta sống trong tê liệt như thế. Tất cả chúng ta đều phạm tội, đều là những tội nhân, nhưng ngay cả ngày nay nữa, Chúa vẫn tiếp tục nhìn mỗi người chúng ta mà nói: Hãy trỗi dậy!
Hôm nay Chúa nói với từng người rằng: Hãy trỗi dậy! Hãy đứng lên, hãy sống một cuộc sống cho dù nó tươi đẹp hoặc u tối, và hãy tiến bước. Đừng sợ, vác chõng của bạn đi. Có thể đó là cái chõng xấu xa, nhưng hãy cứ vững bước. Và đây là cuộc sống của bạn, là niềm vui của bạn. Bạn có muốn được chữa lành không? Đó là câu đầu tiên Chúa hỏi hôm nay. Ước chi chúng ta đáp lại: Vâng, lạy Chúa, con muốn được lành. Xin giúp con thức tỉnh, giúp con đứng lên, giúp con biết thế nào là niềm vui ơn Ngài cứu độ.
Tứ quyết, SJ
SẼ LÀ “NGƯỜI CÔNG GIÁO VÔ THẦN” NẾU TRÁI TIM TA CHAI ĐÁ
Nhà nguyện thánh Marta 23/3/2017
ĐTC Phanxicô
Ước chi hôm nay nghe Tiếng Chúa, các bạn đừng cứng lòng nữa. Khi rời xa Thiên Chúa, khi giả điếc làm ngơ trước Lời của Chúa, chúng ta trở nên vô tín hoặc thậm chí chúng ta là người Công Giáo nhưng là “người Công Giáo vô thần”. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Nếu không nghe Lời Chúa, thì cuối cùng chúng ta sẽ nghe các ngẫu tượng của thế gian
Nếu ngừng nghe Lời Chúa, thì thực tế là chúng ta đang chạy trốn và rời xa Thiên Chúa. Và nếu chúng ta không nghe tiếng Chúa, chúng ta sẽ nghe những tiếng khác. Thực tế cay đắng là, khi ngoảnh mặt làm ngơ, chúng ta trở nên điếc lác, điếc Lời Chúa.
Tất cả chúng ta, hôm nay dừng lại và nhìn vào cõi lòng mình, để thấy biết bao lần, biết bao lần chúng ta đóng cửa đôi tai và trở nên điếc. Ngay cả một dân tộc, một cộng đồng, ngay cả một cộng đoàn Kitô hữu, một giáo xứ, một giáo phận, đã ngoảnh tai làm ngơ, đã trở nên điếc trước Lời Chúa, để rồi tìm kiếm những tiếng nói khác, những chúa khác, và kết cục là tìm các ngẫu tượng của thế gian này. Khi đó chúng ta rời xa Thiên Chúa hằng sống.
Nếu có trái tim chai đá, thì chúng ta trở thành “người tín hữu ngoại đạo” thậm chí là “người Công Giáo vô thần”
Khi rời xa Thiên Chúa, trái tim chúng ta trở nên khô cứng. Khi không còn lắng nghe, trái tim trở nên khô cứng hơn, khép kín hơn vào chính mình và không thể đón nhận thêm gì nữa. Khi ấy trái tim không chỉ là khép kín mà còn là chai đá.
Khi không còn lắng nghe Lời Chúa, trái tim trở nên chai đá và khép kín, chúng ta đang đánh mất đi sự trung tín, mất đi cảm thức của sự trung thành. Trong bài đọc một trích sách Ngôn sứ Gieremia, Chúa nói: “Sự tín trung đã bị đánh mất”. Và khi ấy, chúng ta là người Công Giáo mà không sống đạo, chúng ta là người Công Giáo ngoại đạo, thậm chí tệ hơn nữa, chúng ta có thể là người Công Giáo vô thần, bởi vì chúng ta không quy chiếu vào tình yêu của Thiên Chúa hằng sống. Không nghe và ngoảnh mặt, điều ấy làm cho con tim của ta ra chai đá, điều ấy dẫn chúng ta đi trên con đường bất trung.
Sự bất trung ấy chứa đầy những lầm lẫn xáo trộn. Đó là con đường gây ra những nhầm lẫn, rằng không biết Thiên Chúa ở đâu, rằng không biết có Chúa hay không, rằng nhận biết sai lầm và nhầm lẫn giữa Thiên Chúa và ma quỷ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu làm phép lạ để cho thấy quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, người dân thì vui mừng ca khen, còn có những kẻ lại nói: “Ông ta làm điều ấy nhờ quyền năng của Tướng Quỷ”.
Tự hỏi lòng mình: Tôi có thực sự lắng nghe Lời Chúa không?
Khi không nghe, khi cứng lòng, bạn sẽ rơi vào nhiều lầm lạc, bạn sẽ không còn tín trung, và kết cục là tội phạm thượng. Và thực tế, nhiều người quên đi sự tuyệt vời của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Thầy Giêsu.
Mỗi người trong chúng ta hôm nay tự hỏi lòng mình: Tôi có biết dừng lại lắng nghe Lời Chúa không? Trái tim tôi có đang chai đá không? Tôi có đang xa lánh Chúa không? Tôi có đánh mất sự tín trung với Thiên Chúa hằng sống không? Tôi có chung sống với các thần tượng hằng ngày đem lại sự nhàm chán không? Tôi có đánh mất niềm vui tuyệt vời của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu không? Hôm nay là ngày để lắng nghe: “Hôm nay, anh em hãy nghe Lời của Chúa”. Chúng ta hãy cầu nguyện: “Xin cho con đừng cứng lòng nữa”. Chúng ta hãy nài xin ơn ấy, ơn để biết lắng nghe vì trái tim chúng ta hãy còn chai đá.
Tứ Quyết SJ
ĐƯỢC THA THỨ VÀ THỨ THA
21/3/2017 lễ tại nhà nguyện Marta, ĐTC Phanxicô
Được tha thứ và thứ tha: đó là mầu nhiệm rất khó hiểu. Chúng ta cần cầu nguyện, sám hối và xấu hổ vì tội lỗi mình. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Ơn xấu hổ vì tội lỗi mình: đó là bước đầu tiên của mầu nhiệm tha thứ
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông chủ đã tha nợ cho tên đầy tớ, nhưng tên đầy tớ lại không tha nợ cho người bạn. Như thế tên đầy tớ không hiểu được mầu nhiệm của ơn tha thứ.
Nếu tôi hỏi rằng: “Nhưng mà tất cả các anh đều là những kẻ tội lỗi?” – “Vâng, thưa cha, đúng thế.” – “Các anh có muốn được tha tội không?” – “Nào chúng ta thực hành việc xưng tội!” – “Và thế là bạn đi xưng tội.” – “Nhưng rồi, bạn đi xưng thú tội lỗi với vị linh mục, vị linh mục ban phép tha tội kèm theo lời khuyên đọc ba kinh Kính Mừng, và rồi bạn ra về trong bình an.” Nhưng mà bạn không hiểu! Vì bạn chỉ đi xưng tội giống như kiểu các nhân viên làm nhiệm vụ trong công sở. Vì bạn không xấu hổ về những gì sai trái bạn làm. Bạn thấy một số điều trong lương tâm mình, nhưng bạn đã sai khi tin rằng, tòa giải tội giống như một cửa hàng giặt đồ để tẩy xóa những vết bẩn. Vấn đề ở chỗ, bạn không thể xấu hổ về tội lỗi mình.
Tôi có thể tha thứ, chỉ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha
Khi người ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì có sự biến đổi trong cõi lòng họ. Họ có thể ý thức được sự biến đổi trong tâm hồn mình, hay là, thay vào đó, lại đi ra và tìm một người bạn để bắt đầu nói xấu về người khác và rồi tiếp tục phạm tội. Thực sự, tôi chỉ có thể tha thứ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha.
Nếu bạn không ý thức được, không cảm nghiệm được rằng, bạn được tha thứ, thì không bao giờ không đời nào bạn có thể thứ tha. Luôn luôn cần có thái độ tha thứ trong hành xử với tha nhân. Tha thứ là tất cả. Tha thứ tất cả. Nhưng tôi có thể làm được như thế, chỉ khi tôi cảm nhận được tội lỗi của bản thân, chỉ khi tôi biết xấu hổ và nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và khi ấy, tôi có thể kinh nghiệm được ơn tha thứ từ Thiên Chúa là Cha, và rồi tôi có thể tha thứ cho người khác. Bằng không, chẳng bao giờ tôi có thể tha thứ. Chúng ta không thể. Tại sao? Vì tha thứ thực sự là một mầu nhiệm.
Luôn quảng đại tha thứ
Trong câu chuyện của bài Tin Mừng, sau khi được ông chủ tha nợ, người đầy tớ ra đi và bắt nợ người bạn. Người đầy tớ tỏ ra thông minh nhưng lại không hiểu lòng hảo tâm của ông chủ. Chúng ta cũng thế, biết bao lần chúng ta ra khỏi tòa giải tội, và cảm thấy việc xưng thú của mình. Nhưng rồi… Khi làm giống như người đầy tớ, chúng ta không đón nhận ơn tha thứ, nhưng tựa như một thói giả hình đi ăn cắp sự tha thứ.
Hôm nay chúng ta được mời gọi đến với Chúa, để xin ơn hiểu được “tha bảy mươi lần bảy” nghĩa là gì. Để xin ơn biết xấu hổ trước nhan Chúa. Đó thực sự là ơn rất lớn! Xấu hổ vì tội lỗi mình, và đón nhận ơn tha thứ, để rồi sau đó nhận ơn quảng đại tha thứ cho tha nhân. Bởi vì, Chúa đã tha thứ cho tôi quá nhiều, chẳng lẽ tôi lại không thứ tha cho anh chị em tôi?
Tứ Quyết, SJ
THỜ Ơ VỚI NGƯỜI NGHÈO THÌ RƠI VÀO ĐƯỜNG TỘI LỖI
Thứ năm tuần 2 mùa chay-ĐTC Phanxicô
Tại nhà nguyện St. Marta
Chúng ta hãy cẩn thận, đừng để mình bị rơi vào đường tội lỗi, dẫn đến kết cục như ông phú hộ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Ai sống trong giàu có mà không nhìn thấy người nghèo khó, thì đang rơi vào đường tội lỗi
Khi một người chỉ sống trong môi trường khép kín của mình, chỉ hít thở trong không gian của riêng mình, trong tài sản của riêng mình, trong sự hài lòng đầy hư ảo của hư danh, để rồi cảm thấy an toàn và chỉ tin vào chính bản thân, thì khi đó người ấy đánh mất phương hướng, đánh mất định hướng, mất la bàn và không biết xác định các ranh giới. Đó là những gì đã xảy ra với ông nhà giàu trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay. Ông chỉ biết sống cho riêng mình. Ông không thèm quan tâm và không biết đến người nghèo Lazaro trước cửa nhà ông.
Ông ta biết người nghèo đó là ai. Ông ta biết. Bởi vì sau đó, khi chịu cực hình trong hỏa ngục, ông kêu xin với Tổ phụ Abraham rằng: “Xin sai anh Lazaro…”. Thế đó, ông phú hộ biết có người nghèo trước cửa nhà mình, ông cũng biết rõ tên của người ấy là Lazaro, nhưng ông không quan tâm. Ông ta có phải là kẻ tội lỗi không? Có. Nhưng một tội nhân có thể hoán cải, có thể nài xin ơn tha thứ và Chúa sẽ thứ tha. Thế nhưng tâm hồn ông ta khép kín và dẫn ông tới chỗ chết mà không thể quay đầu. Vấn đề ở chỗ: ông ta biết những đau khổ của người nghèo, nhưng ông lại cứ sống trong cái hạnh phúc của ông và không cần quan tâm. Vấn đề là ông không nhận thấy mình là kẻ tội lỗi, ông không thấy mình cần hoán cải.
Chúng ta cảm thấy gì trong tâm hồn, khi nhìn những người vô gia cư trên đường phố?
Bạn sẽ cảm thấy gì trong lòng khi đi trên đường phố và thấy những người vô gia cư, thấy những đứa trẻ ăn xin… Có thể bạn nói: nhưng có những kẻ ăn cắp. Và rồi bạn tiếp tục bước đi, và bạn làm như thế? Những người không nhà cửa, người nghèo, người bị bỏ rơi, ngay cả có những người ăn mặc lịch sự nhưng họ không nhà cửa, vì họ không có tiền thuê nhà, vì họ không có công ăn việc làm… Những con người ấy là ai đối với tôi?
Phải chăng những con người ấy cũng chỉ là một phần của cảnh quan thành phố, giống như một bức tượng, như trạm xe buýt, như bưu điện? Phải chăng điều ấy là bình thường? Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận khi tự nhủ lòng rằng: Có những điều như thế, nhưng mà cuộc sống là thế thôi… rồi tiếp tục ăn uống, mà không có một chút cảm thấy lỗi lầm, và rồi tiếp tục bước đi. Cung cách ấy, con đường ấy chẳng hề tốt lành.
Nếu tôi ăn năn trở lại, chứ không chỉ khép kín
Từ những gì tôi nghe, những gì tôi thấy trên các tin tức, ví như có quả bom rơi xuống một bệnh viện và nhiều trẻ em bị chết, nhiều người nghèo bị chết, có thể tôi dâng một lời cầu nguyện và rồi tôi tiếp tục sống như thể chẳng có gì xảy ra? Hãy ghi khắc trong tim chúng ta, câu chuyện đầy kịch tính của anh Lazaro.
Chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đoái nhìn tâm hồn con, để con nhận thấy đường sai lỗi của con. Vì một tội nhân, nếu sám hối, thì sẽ trở lại; nhưng nếu là kẻ dửng dưng vô cảm thì là quá khó, vì khi ấy là tự đóng kín nơi bản thân. Lạy Chúa, này là trái tim con, xin cho con biết được đường đi và trên con đường ấy, con có thể vững bước.
Tứ Quyết, SJ
HOÁN CẢI LÀ HỌC LÀM VIỆC TỐT CỤ THỂ CHỨ KHÔNG CHỈ LÀ NÓI XUÔNG
14-3-2017 ĐTC Phanxicô lễ tại nhà nguyện Marta.
Xa tránh điều ác, học làm điều thiện và tiến gần đến Thiên Chúa. Đó là hành trình hoán cải của Mùa Chay. Đó là cuộc hoán cải với những hành động cụ thể chứ không chỉ nói xuông. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Xa tránh điều ác và học làm điều thiện, đó là cả một hành trình
Chúng ta đừng ở mãi trong những điều xấu xa, nhưng hãy dần xa lánh những gì độc hại cho linh hồn. Từ đó, điều ác ngày càng nhỏ lại, và chúng ta dần học làm điều thiện.
Thật không dễ để làm điều thiện. Chúng ta phải học để làm điều thiện. Chúng ta cần học luôn luôn. Và Chúa sẽ dạy chúng ta. Nhưng vấn đề là chúng ta phải học! Giống như trẻ em! Trên hành trình cuộc đời, và hành trình của đời sống người Kitô, chúng ta cần học mỗi ngày, học mọi ngày, học từng ngày. Bạn phải học làm điều gì đó, điều gì đó tốt hơn ngày hôm qua. Học hỏi, học tập. Ra khỏi sự ác và học làm sự thiện: đó là quy luật của hoán cải. Bởi vì cuộc hoán cải không phải theo kiểu một nàng tiên với chiếc đũa thần biến hóa chúng ta. Không như thế! Hoán cải là cả một hành trình. Đó là hành trình để rời xa cái xấu và học lấy cái tốt.
Học làm điều tốt cụ thể chứ không chỉ nói xuông
Để có thể rời xa cái xấu, bạn cần can đảm. Để học làm điều thiện, bạn cần khiêm tốn. Và khi ấy, học làm từng việc thiện cụ thể.
Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói tới nhiều điều cụ thể cần làm. Đó là: hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp người bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh đỡ người góa bụa. Đó là những điều rất cụ thể. Bạn cần học làm điều tốt cụ thể, chứ không chỉ có nói. Và đây là lý do mà trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu trách cứ những người lãnh đạo trong dân Israel. Vì họ nói mà không làm, vì họ không biết những gì là cụ thể là thực tế. Nếu không có những gì là cụ thể, thì đó không phải là hoán cải.
Thức tỉnh và khiêm tốn đón nhận sự đỡ nâng của Chúa để được thứ tha
Bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia tiếp tục với lời mời gọi của Chúa. Lời gọi mời hoán cải, lời kêu gọi ra khỏi sự gian ác và học làm điều tốt lành. Chúa nói: Nào, đứng dậy, hãy đến và chúng ta sẽ cùng nhau tranh tụng, cùng nhau thảo luận, cùng nhau tiến bước. Chúng ta có thể nói: Nhưng con có rất nhiều tội lỗi… Chúa sẽ nói: Đừng lo, dù tội lỗi ngươi đỏ tựa vải điều, thì cũng sẽ nên trắng như tuyết. Đây chính là con đường hoán cải của Mùa Chay.
Thật đơn giản! Đơn giản bởi vì Chúa là Người Cha, bởi vì Cha đã nói, vì Cha là Đấng yêu thương chúng ta, là Đấng muốn chúng ta ngày càng tốt hơn. Niềm tin tưởng ấy dẫn đưa chúng ta vào con đường sám hối ăn năn. Để làm được điều ấy, chúng ta phải khiêm nhường. Chúa Giêsu đã nói với các nhà lãnh đạo: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống , sẽ được tôn lên.”
Như thế, chìa khóa cho cuộc hoán cải của Mùa Chay chính là: xa lánh sự ác, tập làm việc thiện, đứng dậy và cùng đi với Chúa. Khi ấy, mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được thứ tha.
Tứ Quyết, SJ
THÁNH GIUSE GIÚP CHÚNG TA CÓ KHẢ NĂNG ƯỚC MƠ NHỮNG GÌ CAO ĐẸP
ĐTC Phanxicô- nhà nguyện thánh Marta 20-3-2017
Thánh Giuse giúp cho người trẻ có khả năng mơ ước, và dám chấp nhận những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Đón nhận lời hứa trong thầm lặng và can đảm
Thánh Giuse vâng lời sứ thần hiện ra trong giấc mơ. Thánh nhân trỗi dậy, đón nhận Maria về nhà mình, vì Mẹ đã chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse là người thầm lặng và vâng phục. Thánh nhân đã mang lấy trọng trách về lời hứa Thiên Chúa dành cho dân.
Người đàn ông này, con người có tên Giuse ấy, con người mơ mộng ấy, đã có thể chấp nhận trách nhiệm ấy, có thể đón nhận kế hoạch lớn lao. Con người ấy có rất nhiều điều để nói với chúng ta trong thời đại này, một thời đại với cảm giác mãnh liệt về sự mồ côi. Thánh nhân đã nhận lấy lời hứa của Thiên Chúa, đã đón lấy lời lứa ấy trong thinh lặng và can đảm, và rồi đưa lời hứa đến chỗ hoàn thành như Thiên Chúa muốn.
Đấng bảo trợ những ai yếu đuối
Thánh Giuse là người có thể nói cho chúng ta nhiều điều bằng một thứ ngôn ngữ không lời. Ngài là con người ẩn dật, thầm lặng. Ngài cho thấy thẩm quyền được thể hiện mạnh nhất ngay khi dường như không thấy. Những gì Thiên Chúa trao phó cho tâm hồn của thánh nhân, dường như là “những thứ rất yếu đuối”. Đó là những lời hứa và lời hứa ấy tỏ ra rất yếu ớt. Sau đó, một trẻ thơ chào đời, cuộc trốn chạy sang Aicập, đó là những hoàn cảnh khó khăn và yếu đuối. Thế mà thánh nhân đã mang lấy tất cả trong trái tim mình, và ra sức thực hiện những gì yếu hèn ấy với tất cả sự hiền từ nhân hậu, sự hiền từ ẵm lấy một trẻ thơ.
Con người Giuse ấy, người đàn ông ấy không nói nhưng đã vâng phục. Ngài là con người của sự hiền lành, người có khả năng thực hiện lời hứa, có khả năng làm cho lời hứa thành khả tín thành chắc chắn và đảm bảo cho việc hoàn thành lời hứa ấy. Thánh nhân trở thành người bảo vệ cho sự vững bền của Nước Thiên Chúa. Thánh nhân trở thành cha nuôi của Con Một Thiên Chúa. Tôi thích nghĩ về thánh Giuse là Đấng bảo trợ những ai yếu hèn, và ngay cả Ngài bào chữa cho những yếu đuối của chúng ta. Để rồi chúng ta có thể ra khỏi những yếu đuối và tội lỗi, mà làm nảy sinh biết bao điều tốt đẹp.
Hãy có khả năng mơ ước
Thánh Giuse là Đấng gìn giữ những ai yếu đuối, để họ có thể trở nên vững mạnh trong đức tin. Nhiệm vụ này Ngài đã nhận được ngay từ trong giấc mơ. Ngài là người có khả năng mơ ước. Ngài là người bảo vệ giấc mơ của Thiên Chúa. Ước mơ của Thiên Chúa là cứu độ tất cả chúng ta, là cứu chuộc chúng ta. Thánh nhân ôm lấy ước mơ của Thiên Chúa vào cuộc đời mình. Người thợ mộc vĩ đại này! Ngài là người lặng thầm, luôn làm việc, luôn giữ gìn bảo bọc, mang lấy những gì là yếu đuối và Ngài là con người có khả năng mơ ước.
Hôm nay, cha mời gọi tất cả chúng ta hãy có khả năng mơ ước, bởi vì khi chúng ta mơ ước những gì cao đẹp, những gì tốt lành, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến ước mơ của Thiên Chúa, tiến gần hơn đến những gì Thiên Chúa mơ ước nơi mỗi người chúng ta. Các bạn trẻ hãy có khả năng mơ ước, hãy có khả năng mang lấy những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Nguyện xin cho tất cả chúng ta lòng tin ngày thêm lớn mạnh trong sự âm thầm bé nhỏ.
Tứ Quyết, SJ
SUY NIỆM LỄ THỨ NĂM TUẦN 4 MÙA CHAY
ĐTC Phanxicô
Thiên Chúa khóc thương khi chúng ta quay lưng lại tình yêu của Ngài
Thứ năm tuần 4 mùa chay, 30-3-2017 by ĐTC. Tại nhà nguyện Marta.
Chúng ta thử nghĩ mà xem, khi chúng ta theo đuổi những thần tượng giả dối, thì chỉ có Thiên Chúa là Cha yêu thương và chờ đợi chúng ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Con người luôn bị cám dỗ sống bất trung
Trong bài đọc trích sách Xuất Hành, khi Mose lên núi để gặp Thiên Chúa, dân chúng không đủ kiên nhẫn. 40 ngày là quá lâu đối với họ. Khi Mose xuống núi, dân chúng đã đúc một con bê vàng để thờ. Dân chúng lãng quên Thiên Chúa, Đấng cứu họ. Bởi thế, ngôn sứ Baruc có nói: Chúng đã lãng quên Đấng dẫn đưa chúng.
Quên đi Thiên Chúa, Đấng tạo nên đất trời, Đấng làm cho muôn vật sinh trưởng, Đấng đồng hành trong cuộc sống chúng ta. Khi quên đi như thế, chúng ta rơi vào ảo tưởng. Nhiều lần trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu kể về người chủ giao vườn nho cho người làm công chăm sóc, nhưng rồi thất bại, vì các tá điền muốn chiếm đoạt vườn nho. Trong trái tim con người luôn có cám dỗ ấy, luôn có sự bất an ấy. Con người không hài lòng với tình yêu trung thành đặt nơi Thiên Chúa. Trái tim con người luôn có xu hướng bị đưa đẩy tới chỗ không chung thủy.
Thiên Chúa buồn lòng khi con người bất trung
Có ngôn sứ đã trách rằng: đây là một dân không biết kiên trì, không thể chờ đợi, một dân đã ra hư hỏng, vì chúng rời xa Thiên Chúa chân thật mà chạy theo các thần tượng giả dối.
Và như thế, đứng trước sự bất trung của dân, Thiên Chúa buồn lòng và thất vọng… Chúng ta hôm nay cũng là dân của Chúa. Chúng ta biết rất rõ điều gì đang diễn ra trong trái tim mình. Và chúng ta phải lên đường trở về; để không bị trượt dài, không bị lôi cuốn, không chạy theo các thần tượng giả trá của thế gian, không bị lún dần vào con đường bất trung. Hôm nay thật là tốt để nghĩ về sự nỗi buồn của Thiên Chúa. Bản thân mỗi người thử hỏi Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin nói cho con biết, Chúa có buồn về con không, có thất vọng về con không?”. Trong chừng mừng nào đó, có thể Chúa sẽ nói là có. Nhưng hãy cứ nghĩ và hỏi Chúa câu hỏi ấy.
Con có đang xa cách Chúa không?
Thiên Chúa là người Cha nhân hiền với trái tim nhân hậu. Chúng ta hãy nhớ về cảnh Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem. Và chúng ta tự hỏi: Chúa có đang khóc vì tôi không? Chúa có đang buồn vì tôi không? Tôi có đang chạy theo các thần tượng giả mà sống xa cách Chúa không? Nếu chúng ta đang làm nô lệ cho các ngẫu tượng giả dối, thì Thiên Chúa đang khóc thương cho ta.
Hôm nay chúng ta nghĩ về nỗi buồn của Thiên Chúa. Ngài buồn, vì dù Ngài yêu mến chúng ta, dù Ngài kiếm tìm tình yêu, mà chúng ta không đáp lại, mà chúng ta không yêu mến Ngài. Chúng ta chạy xa Thiên Chúa, Đấng tác thành chúng ta. Chúng ta nên nghĩ về điều ấy trong Mùa Chay này. Điều ấy giúp ích cho chúng ta. Đó là điều chúng ta nên làm hằng ngày khi xét mình hồi tâm. Chúng ta thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã có rất nhiều ước mơ dành cho con, nhưng con lại rời xa Ngài, xin nói cho con biết ở đâu và cách nào để con bắt đầu con đường trở về…” Điều luôn làm cho ta ngạc nhiên, là Ngài luôn đợi chờ chúng ta, như người cha nhân hậu đợi chờ đứa con hoang đàng trở về. Khi đứa con trở về, người cha đã đợi chờ anh từ lâu và nhìn thấy anh ngay từ đàng xa.
Tứ quyết SJ
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]