• Thánh Alphongsô Maria Liguori ngày 01 tháng 8
  • Thánh Bênađô Duệ và Đaminh Hạnh ngày 01 tháng 8
  • Thánh Eusêbiô ngày 02 tháng 8
  • Thánh Gioan Vianney ngày 04 tháng 8
  • Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả ngày 05 tháng 8
  • Chúa Giêsu Biến Hình ngày 06 tháng 8
  • Thánh Sixtô II và Các Bạn ngày 07 tháng 8
  • Thánh Gaetanô ngày 07 tháng 8
  • Thánh Đa Minh ngày 08 tháng 8
  • Thánh Laurensô ngày 10 tháng 8
  • Thánh Clara ngày 11 tháng 8
  • Thánh Giacôbê, Antôn và Micae Mỹ ngày 12 tháng 8
  • Thánh Ponitanô và Hippolytô ngày 13 tháng 8
  • Thánh Maximian Kolbe ngày 14 tháng 8
  • Thánh Đức Mẹ Lên Trời ngày 15 tháng 8
  • Thánh Stêphanô ngày 16 tháng 8
  • Thánh Gioan Euđô ngày 19 tháng 8
  • Thánh Bernađô ngày 20 tháng 8
  • Thánh Piô X ngày 21 tháng 8
  • Thánh Giuse Viên ngày 21 tháng 8
  • Đức Maria Trinh Nữ Vương ngày 22 tháng 8
  • Thánh Rôsa Lima ngày 23 tháng 8
  • Thánh Bartôlômêô Tông Đồ ngày 24 tháng 8
  • Thánh Louis IX ngày 25 tháng 8
  • Thánh Giuse Calasanz ngày 25 tháng 8
  • Thánh Monica ngày 27 tháng 8
  • Thánh Augustinô ngày 28 tháng 8
  • Thánh Gioan Baotixita Bị Chém Đầu ngày 29 tháng 8

Ngày 01 tháng 8

Thánh Alphongsô Maria Liguori, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1696-1787)

pv_chu_thanh_jesusThánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27/9/1696 trong một gia đình quý phái và đạo đức tại Marinella gần Naples.

Nhờ ảnh hưởng gia đình, cậu bé Alphongsô luôn trỗi vượt về học vấn cũng như về đức hạnh. Mười sáu tuổi, sinh viên ưu tú Alphongsô giật được mảnh bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật, trở thành một trạng sư danh tiếng. Giữa cảnh giàu sang phồn thịnh và quyến rũ của thế gian, Alphongsô đã nhất quyết nghe theo tiếng gọi của Thiên Chúa, và cậu đã phải trải qua nhiều trở ngại. Trở ngại cam go nhất là của gia đình. Cha cậu không đồng ý để cậu dâng mình cho Chúa. Thế nhưng trước ý chí cương quyết của Alphongsô, người cha cũng đã phải nhượng bộ.

Thầy bắt đầu học thần học và dành nhiều thời giờ để làm việc tông đồ. Thật là cảm động khi thấy một thanh niên con nhà quyền quý từ bỏ cuộc đời nhung lụa đi lang thang khắp phố tìm kiếm trẻ nhỏ dẫn vào nhà thờ dạy giáo lý. Nhìn cách sống khiêm cung với những đồ trang phục đơn sơ của thầy, các bạn cũ trong luật sư đoàn tỏ vẻ khinh khi. Nhiều lần họ còn nói những lời mỉa mai diễu cợt khiến ngài hết sức khổ tâm. Nhưng với ơn Chúa, thầy vui lòng chịu đựng để nên giống Ðức Giêsu hơn.

Thầy thụ phong linh mục ngày 21/12/1726. Suốt cuộc đời, cha Alphongsô chỉ chuyên chú vào việc giảng dạy và khuyên bảo mọi người tiến bước trên đường nhân đức. Chính lời rao giảng của ngài đã đánh động người cha yêu quý. Ông ôm lấy con và nói: “Ôi con yêu dấu, Alphongsô con cha, giờ đây cha rất vui sướng vì thấy con đã ôm ấp được một lý tưởng cao quý. Cha xin lỗi con vì trước kia cha đã làm phiền lòng con và dám chống lại ý Chúa”.

Ngài sáng lập dòng Chúa Cứu Thế năm 1732, một dòng đã giúp ích rất nhiều cho Giáo Hội. Các tu sĩ chuyên lo giảng dạy Tin Mừng và truyền bá lòng tôn sùng Ðức Mẹ. Năm 1762, ngài được phong làm Giám Mục giáo phận thánh Agatha Gothorum. Những năm cuối đời, thánh nhân phải chịu rất nhiều thử thách: bị bách hại, bị lo âu…, nhưng sau cùng, ngài tìm lại được bình an và yên nghỉ thánh thiện trong tay Chúa vào ngày 01/8/1787.

Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã đặt cho ngài tước hiệu Tiến Sĩ Giáo Hội năm 1871, và Ðức Piô XII đặt ngài làm quan thầy các cha giải tội và các nhà luân lý.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

8-1TA BIẾT THẾ GIAN RỒI, VĨNH BIỆT Một thanh niên tuấn tú 16 tuổi đời.  Một luật sư danh tiếng khắp Napoli thời Anphongsô lớn lên.  Một trạng sư bách chiến bách thắng.  Một người con yêu quí của ông bà Don Giuseppe de Liguori và Donna Catarina Anna Cavalieri.  Alphongsô là niềm tự hào, vinh dự và hy vọng của ông bà Don Giuseppe de Liguori va Anna Cavalieri.  Anphongsô luôn là ước mơ độc nhất của ông Don Giuseppe de Liguori để con ông được thăng tiến địa vị trong xã hội và làm vinh danh cho gia đình De Liguori.

Cuộc đời vẫn xoay chuyển, vần xoay… nhưng đời con người đâu có dừng tại chỗ, cái không ngờ, luôn là cái ngờ…  Giữa lúc đang sống trên tột đỉnh của vinh quang.  Anphongsô đã cảm thấy thế nào là cuộc đời, thế nào là sự xấu hổ, thế nào là thất bại…

MỘT CON NGƯỜI ĐÃ ĐI VÀO THẾ KỶ ÁNH SÁNG, ĐÃ ĐI VÀO LỊCH SỬ CON NGƯỜI: Được sinh ra trong một gia đình thế giá thế Kỷ Ánh Sáng.  Cha mẹ đều là người có thế giá, có uy quyền trong triều đình Napoli.  Anphongsô đã đi vào đời với tất cả ước mơ của con người.  Cha mẹ nào lại không mong ước cho con cái mình thành đạt, cho con cái mình được trọng vọng. Cha của Anphongsô cứ đinh ninh Anphongsô rồi sẽ nối gót, kế thừa cha trong sự nghiệp binh bị.  Anphongsô lại là một cậu bé hết sức thông minh, hết sức khôn ngoan.  Cậu học giỏi, nhưng lại có rất nhiều tài năng: cầm, kỳ, thi, họa.  Người ta vẫn không ngoa khi đánh giá Anphongsô là con người tài đức song toàn.  Cha mẹ của Anphongsô hết sức kỳ vọng vào cậu. Và ông bà không hãnh diện sao được khi Anphongsô tỏ ra hết sức nổi bật trong mọi lãnh vực.  Ông bà Don Giuseppe de Liguori ước mơ cho Anphongsô sẽ có người vợ đẹp, để sinh ra những đứa con ngoan, học hành giỏi giang.  Ông bà De Liguori ước vọng như thế quả chẳng có gì là quá đáng.  Anphongsô đã đi vào đời, đã đi vào lịch sử con người và chính Người đã làm nên lịch sử đời mình khi mới có 16 tuổi đời, đã giật được hai mảnh bằng tiến sĩ luật đạo và đời.  Anphongsô đã khoác vào mình bộ áo luật sư dài, rộng thênh thang vì vóc dáng cậu còn quá trẻ.  Thanh bảo kiếm đeo bên mình càng làm Anphongsô kiên định trong địa vị của mình.  Thanh bảo kiếm ấy chứng tỏ Người thuộc dòng dõi quí tộc, thế giá trong thế Kỷ Ánh Sáng.  Bao nhiêu vụ kiện, bao nhiêu cuộc biện hộ của Anphongsô cho các thân chủ đều mang lại chiến thắng.  Giữa lúc, Anphongsô đang hăng say với chiến thắng, giữa lúc Anphongsô tưởng rằng mọi sự cứ như vậy, giữa lúc Anphong tỏ ra bách chiến bách thắng thì…

MỘT VỤ KIỆN BỊ THUA KHIẾN ANPHONGSÔ TỪ BỎ TẤT CẢ:  một vụ kiện tầm cỡ.  Chưa từng có đến nay.  Liên quan đến những hoàng thân quốc thích, những bá tước quận công.  Một lãnh địa và những số tiền nợ, lãnh địa Amatrice, rộng bằng cả một tỉnh lẻ.  Với những con số 150.000 ducats, 4.000 ducats v.v…

Nữ công tước Victoria di Montefeltro della Rovere, vợ goá của công tước Ferdinando II de Medicis, thuộc dòng dõi một sĩ quan làm công thần của Hoàng đế Charles Quint, bà là bên nguyên.  Họ chọn luật sư Maggiochi biện hộ.

Bên bị là công tước Philipo Orsini, ông này còn một món nợ lớn chưa đòi được, song người ta đã làm giấy tơ cầm thế cho ông lãnh địa Amatrice, “với quyền thụ hưởng, ông và các kẻ thừa kế ông; không ai được phép dính dáng vào, bao lâu ông chưa hết nợ nần”.  Luật sư Alfonso biện hộ cho bên bị.

Anphongsô còn trẻ, các lập luận như đinh đóng cột.  Người lại thông minh, nhanh nhảu và trẻ trung.  Ai cũng hoan hô sự lập luận vững chắc của Người.  Ai cũng tin tưởng Người sẽ chiến thắng như bao vụ kiện khác.  Nhưng con đường của Chúa thật diệu kỳ.  Giữa lúc Phaolô đang hăng say bắt bớ các môn đồ, bắt bớ Giáo Hội, bắt bớ các Kitô hữu để nhốt vào tù.  Giữa lúc Phaolô tưởng rằng mình chiến thắng thì Chúa đánh ông ngã ngựa.  Phaolô thất bại, Phaolô chiến bại rõ ràng.  “Lạy Chúa Chúa muốn con làm gì?”  Đường của Chúa thật diệu kỳ…  Tâm Tư của Chúa không ai có thể dò thấu…  Anphongsô cũng thế với những lời biện bác khúc triết, với những lập luận sắc bén.  Anphongsô có ngờ đâu…  Đường của Chúa quá diệu vợi.  Một sai lầm, một quên sót nhỏ nhất đã làm cho Anphongsô thua kiện: “…Sắc diện đỏ lên vì tức giận, xấu hổ cho chiếc áo pháp đình khoác trên vai, Alphongsô không còn nghe gì nữa, cả tiếng an ủi được thốt ra bởi vị chủ tịch tối cao Caravita; anh cúi đầu, đi thẳng ra ngoài một mạch.”

“Hỡi thế gian, ta biết ngươi rồi… vĩnh biệt pháp đình.”

Anphongsô đã hiểu thế nào là thất bại.  Anphongsô thua kiện để Thiên Chúa được thắng kiện.  Đó là cái nghịch lý của cuộc đời mà Anphongsô đang trải qua.  Anphongsô đã bỏ tất cả.  Giờ đây chỉ còn Chúa và các bệnh nhân.

Tiếng vọng của Thiên Chúa luôn thôi thúc Anphongsô: “Hãy để thế gian lại đó và hiến mình cho Ta.”

Anphongsô đã tỉnh giấc mơ, đã hoàn hồn sau một cơn đau khổ khủng khiếp và rồi: “Một hôm tại nhà thờ Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi, quỳ dưới chân bức tượng, Anphongsô đã nói:  “Vĩnh biệt thế gian và của cải phù vân!  Lạy Chúa, đời con nay thuộc về Chúa.  Chức tước và của cải gia đình con, con xin dâng làm của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa con và cho Mẹ Maria…”

Anh rút gươm ra, đặt dưới chân Mẹ bồng con:

Hôm đó là ngày 29/8/1723, ngày đứa con quay về với Cha nhân hậu.

CÁI KỲ DIỆU CỦA CUỘC ĐỜI: Thánh Anphongsô đã như một Phaolô ngã ngựa trên đường Damas và rồi Người đã nhận ra tiếng Chúa gọi.  Thanh bảo kiếm đặt dưới chân Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi nói lên sự từ bỏ danh vọng, quyền hành, địa vị, chức tước.  Thánh Anphongsô đã nhận ra cái phù phiếm của cuộc đời:  Phù vân. Tất cả đều là phù vân”.  Thánh Anphongsô chọn Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời mình.  Lời thánh Kinh “Hãy đi, bán hết những gì con có.  Đem cho kẻ khó.  Và sau đó đến đây theo Thầy”(Lc 18, 22; Mt 19, 21).  Lời của Chúa nói với người thanh niên giầu có hôm nay thúc bách thánh Anphongsô thực sự, Người đã quyết định, một quyết định, một sự chọn lựa làm cho cha mẹ của Người rất đau lòng vì ông bà chưa nhận ra ý Chúa…

Thánh Anphongsô đã chọn và Người đã nhất định dành tất cả cho Chúa…

pv_chu_thanh_jesus2DÒNG CHÚA CỨU THẾ ĐƯỢC KHAI SINH:  Năm 1732, tại thị trấn Scala (trong vương quốc Napoli), thánh Anphongsô Maria đệ Liguori, vì động lòng thương cảm những người nghèo khó, nhất là đám nông dân chiếm phần đa số trong miền, đã thành lập Dòng Chúa Cứu Chuộc, để đi theo chính Đấng Cứu Thế rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.

“Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4, 18)

Thánh Anphongsô và các tu sĩ của Ngài, sáng chói nhất có thánh Giêrađô Majella, đã nỗ lực đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng của dân quê nghèo thời đó, bằng các kỳ Đại Phúc thừa sai, các tuần tĩnh tâm, các tuần tái phúc, theo gương thánh Phaolô đã làm (Cv 15, 36).

Dòng Chúa Cứu Thế từ ngày thành lập cho đến nay, đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Chúa vẫn gìn giữ, ủp ấp để rồi Dòng Thánh vẫn luôn vươn lên, tiếp tục rao giảng Nước Thiên Chúa và giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, đặc biệt những người bơ vơ, tất bạt.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Ngày 01 tháng 8

Thánh Bênađô Võ Văn Duệ, Linh Mục; Ða Minh Nguyễn Văn Hạnh, Linh Mục (+1838)

pv_chu_thanh_jesus– Thánh Bênađô Võ Văn Duệ sinh năm 1755 tại làng Quần Anh (Nam Ðịnh). Lớn lên, ngài dâng mình cho Chúa và thụ phong linh mục. Ðầu tháng 6/1838, lính triều đình tới vây xứ đạo. Mặc dù giáo dân đã đem ngài đi trốn, nhưng vì sợ liên lụy tới họ nên ngài đã tự nộp mình và bị áp giải về Nam Ðịnh, lúc đó ngài đã 83 tuổi.

– Thánh Ða Minh Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1772 tại Năng A (Nghệ An). Ngài đi tu và nhập dòng Ða Minh. Khi vua Minh Mạng cấm đạo ráo riết, ngài phải trú ẩn tại làng Quần Anh, nhưng rồi cũng bị bắt sau cha Bênađô Duệ mấy hôm vào ngày 07/6/1838, và cũng bị giải về Nam Ðịnh. Tại cổng thành, lính đặt sẵn Thánh Giá cho khách bộ hành dày đạp. Thấy thế, ngài đứng lại phản đối, buộc cất đi thì ngài mới chịu vào thành. Sau một hồi giằng co, lính đã phải nhượng bộ.

Trong tù, hai cha gặp nhau vui mừng vì sắp được đổ máu làm chứng đạo thánh. Hai ngài phải ra trước công đường nhiều lần và chịu đánh đập tàn nhẫn. Dầu tuổi già sức yếu, hai ngài vẫn luôn vui vẻ chịu cực hình và khuyên nhủ các bạn tù trung kiên với đức tin.

Cuối tháng 6, các quan lên án tử hình hai ngài và được triều đình châu phê. Ngày 01/8/1838, vừa khi nhận được bản án từ kinh gửi ra, lý hình đã chém đầu hai ngài tại pháp trường Ba Tòa (Nam Ðịnh).

Ðức Thánh ChaLêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 02 tháng 8

Thánh Eusêbiô, Giám Mục (315-371)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Eusêbiô là người Sarde miền Piémont phía Tây Bắc nước Ý. Ngay từ nhỏ, Eusêbiô đã lãnh nhận được nơi bà mẹ một lòng đạo đức sâu xa, một nền giáo dục vững chắc và sớm biểu lộ niềm yêu mến đức trinh khiết.

Năm 344, Tòa Thánh đặt ngài làm Giám Mục giáo phận Verceil. Lúc ấy lạc thuyết Ariô được vua Constantinô tiếp tay nên lan tràn khắp nơi như một cơn giông bão tàn phá Giáo Hội. Vì cương quyết chống lại bè rối này nên ngài bị nhà vua đày ở Scythopolis năm 355. Tại đây ngài bị đói khát và bị hành hạ đủ cách, nhưng ngài luôn tỏ ra trung thành với giáo lý chân chính của Hội Thánh. Ngài thường liên lạc thư từ với các tín hữu để nâng đỡ đức tin của họ. Ngài phải chịu cảnh lưu đày cho mãi tới khi vua Constantinô băng hà mới được trả tự do và trở về địa phận.

Sau những ngày dài thử thách, Chúa đã gọi ngài lãnh nhận triều thiên công phúc ngày 02/8/371 tại Verceil, hưởng thọ 56 tuổi. Giáo Hội đã kể ngài vào hàng các thánh tử đạo vì những lần bị lưu đày gian khổ để bênh vực thiên tính của Chúa Giêsu chống lại bè rối Ariô.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 04 tháng 8

Thánh Gioan Vianney, Linh Mục (1786-1859)

pv_chu_thanh_jesusThánh nhân sinh năm 1786 tại Dardilly thuộc địa phận Lyon, trong một gia đình nông dân đạo đức. Ngay từ nhỏ, ngài đã tỏ ra rất thánh thiện: 8 tuổi đi chăn chiên, ngài đã biết dạy các bạn quỳ gối và lần hạt trước ảnh Ðức Mẹ, biết suy gẫm những sự trên trời. Ngài có lòng yêu mến kẻ nghèo cách đặc biệt và tìm mọi phương thế để giúp họ. Vì không được thông minh nên ngài đã gặp phải không biết bao nhiêu trong vấn đề học vấn để tiến tới chức linh mục. Ngài chỉ biết cầu nguyện và trông cậy vào Chúa và chăm chỉ học thần học. Sau cùng, ngài thụ phong linh mục năm 1815. Năm 1818, ngài được bổ nhiệm làm cha sở họ Ars, một giáo xứ nhỏ bé thuộc miền Dombes. Nhờ lòng nhiệt thành việc dạy giáo lý, những kinh nguyện và bí tích Cáo Giải, ngài đã biến đổi giáo xứ đó thành một điểm sáng cho toàn thế giới và hằng năm đã thu hút biết bao nhiêu người kéo đến. Họ như những làn sóng không ngừng đổi mới tràn ngập đường phố và nhà thờ. Ngài đã kiệt sức vì công việc hơn là vì tuổi già. Người ta vẫn còn nhớ lời ngài nói: “Cái chết thật vô cùng tốt đẹp khi người ta đã chịu đóng đinh vào Thập Giá”. Cần phải hành hương giáo xứ Ars, nhìn ngắm chiếc giường đơn sơ và đôi guốc gỗ, cần phải vào ngôi nhà thờ nhỏ bé, nhìn ngắm bục giảng và tòa giải tội, cần phải suy gẫm những bài giảng với những nét chữ nghệch ngoạc còn sai lỗi chính tả để hiểu được rằng Thiên Chúa đã chọn những tầm thường để phá hủy những sự cao sang.

Ngài về an nghỉ cùng Chúa ngày 04/8/1859 và tiếp theo, Chúa thưởng công ngài bằng vô số phép lạ.

Ðức Giáo Hoàng Piô X đưa ngài lên bậc Chân Phước.

Ðức Piô XII dịp năm thánh 1925 phong ngài lên bậc Hiển Thánh và đặt ngài làm bổn mạng các cha xứ.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

pv_chu_thanh_jesus2DANH NGÔN THÁNH JOHN MARY VIANNEY (CHA SỞ XỨ ARS) Về Hỏa Ngục:

Nếu những người trầm luân khốn nạn có được thời giờ mà chúng ta đánh mất, chắc hẳn họ sẽ xử dụng chúng một cách tốt đẹp biết bao!  Nếu họ có được nữa giờ mà thôi, có lẽ nửa giờ ấy sẽ làm cho hỏa ngục vắng tanh.

Về sự tự hiến:

Hạnh phúc thay những tâm hồn có thể nói được với Chúa:  <<Lạy Chúa, con đã luôn luôn thuộc về Ngài!>>.  A!  trao hiến tuổi thanh xuân cho Thiên Chúa là điều tốt đẹp và cao cả biết bao! Đó thật là nguồn vui và nguồn hạnh phúc!

Về sự trong sạch:

Chúng ta như những tấm gương bé nhỏ mà Thiên Chúa ngắm mình trong đó. Các con muốn Thiên Chúa nhận ra Người trong một tâm hồn nhơ nhớp thế nào được?

Về sự kiêu căng:

Chúng ta thích những viêc làm của mình được người ta biết đến. Chúng ta vui khi người ta để ý đến các nhân đức của chúng ta; chúng ta buồn khi người ta nhận ra các khuyết điểm của chúng ta.

Các thánh không như thế:  các ngài lấy làm khổ tâm khi người ta biết đến các nhân đức của mình và hài  lòng khi người ta nhìn thấy những khuyết điểm của mình.

Về đức khiêm nhượng:

Người ta hỏi một vị thánh:  nhân đức đầu tiên là gì, ngài trả lời:<< Đó là đức khiêm nhượng>> _  <<Và nhân đức thứ hai?>> – <<Đức khiêm nhượng>> <<Còn nhân đức thứ ba?>>  – <<Đức khiêm nhượng>>

Về sự chết:

Chúng ta giống như những ụ cát nhỏ mà gió dồn lại trên con đường:  chúng tụ lại trong chốc lát rồi tản mác liền ngay sau đó…  Các anh chị em chúng ta đã chết chỉ còn là một nắm tro tàn.

 Về sự đau khổ:

Thập giá là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho các bạn hữu của Người.

Về lòng từ bi của Thiên Chúa:

Lòng từ bi của Thiên Chúa giống như một thác nước chảy tràn lan:  khi đi qua, nó lôi cuốn theo các con tim…

Về việc thánh hóa ngày Chúa Nhật:

Ngày Chúa Nhật là tài sản của Thiên Chúa; đó là ngày thuộc về Người, ngày của Chúa.  Người đã tạo dựng tất cả các con ngày trong tuần; Người có thể giữ lại tất cả, nhưng Người đã ban cho các con sáu ngày và chỉ giữ lại ngày thứ bảy.

Các con có quyền gì chạm đến cái không thuộc về các con?  Các con biết rằng của trộm cướp khong bao giờ sinh lợi.  Ngày mà các con lấy của Chúa cũng sẽ khong sinh lợi cho các con.  Cha biết hai phương thế rất chắc chắn để trở nên nghèo túng:  đó  là làm viêc ngày Chúa Nhật và lấy của kẻ khác.

CGM

Ngày 05 tháng 8

Cung Hiến Ðền Thờ Ðức Bà Cả

pv_chu_thanh_jesusÐức Giáo Hoàng Sixtô III đã khởi công xây cất đền thờ Ðức Bà Cả ngay sau khi khai mạc công đồng Êphêsô (431) để đáp ứng lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa của dân thành Rôma. Với sự rực rỡ của những khung kính màu, với sự cân đối của hai hàng cột bằng cẩm thạch, ngôi đền thờ đầu tiên dâng kính Ðức Maria thực là một bài thơ đầy ý nghĩa ca tụng chức vị Mẹ Thiên Chúa: từ thánh tích máng cỏ cho đến bức họa của Tortiri diễn tả cảnh Chúa ân thưởng, đội triều thiên cho Ðức Mẹ… Tất cả đã nói lên đặc ân duy nhất của Mẹ, đấng đã ban cho chúng ta “một Hài Nhi Thiên Chúa từ trước muôn đời”. Và sau cùng, những khung kính màu đã trình bày những vẻ hào hùng của các tổ phụ, cuộc lưu đày và trở về miền đất hứa. Tất cả như vang vang lời kinh quen thuộc: Nữ Vương các Thánh Tổ Tông, Nữ Vương các Thánh Tiên Tri. Ðức Bà như tháp ngà báu vậy, Ðức Bà là Tòa Ðấng Khôn Ngoan, xin hãy nhận lời chúng tôi cầu nguyện.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 06 tháng 8

Chúa Giêsu Biến Hình

pv_chu_thanh_jesus2Tabor là ngọn núi cao nhất miền Galilêa. Từ trên đỉnh ta có thể nhìn thấy một khung cảnh bao quát. Chính tại đây, Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt ba môn đệ là những người sẽ được chứng kiến cơn hấp hối của Ngài sau này trong vườn cây Dầu.

Phúc Âm đã kể lại: “Quần áo Ngài trở nên rực sáng và trắng đẹp đến nỗi không một thợ giặt nào ở thế gian làm được như vậy. Rồi Elia và Môisen hiện ra nói chuyện với Ngài. Bấy giờ Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, ở đây tốt lắm, chúng con xin dựng ba nhà: Thầy một, Elia một và Môisen một”. Phêrô không rõ mình nói gì vì cả ba đều kinh sợ. Kế đến có một đám mây che phủ các Ðấng ấy và nghe thấy tiếng từ đám mây phán ra: “Này là con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”.

Sự biến hình, một lần nữa lại minh xác với chúng ta rằng: Ðức Kitô chính là Con Thiên Chúa, là ngôi lời nhập thể, đồng thời cho chúng ta thấy trước được hình ảnh sự sống lại vinh hiển của Ðấng Cứu Thế, và sự sống lại của những người công chính trong ngày sau hết.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 07 tháng 8

Thánh Sixtô II, Giáo Hoàng Và Các Bạn Tử Ðạo (+ 258)

pv_chu_thanh_jesusVào đầu tháng 8/258, trước khi bị tử hình, thánh Cyprianô đã viết cho một người bạn như sau: “Trong một sắc chỉ gửi thượng viện, hoàng đế Valêrinô đã ra lệnh gấp rút truy lùng các Giám Mục, linh mục và phó tế. Bạn cũng nên biết rằng Ðức Sixtô đã bị hành quyết cùng với bốn thầy sáu khác”. Thực vậy, ngày 06/8/258, Ðức Giáo Hoàng Sixtô đã bị bắt đang lúc cử hành phụng vụ tại nghĩa trang Callistô. Sau đó, ngài bị trảm quyết cùng với các thầy Janvier, Magne, Vicentê và Etienne. Ngoài ra, thầy Félicissime và Agapit cũng đã bị bắt và bị xử chém tại nghĩa trang Prétextat, trong khi đó, thầy Laurent bị hành hình và chết vào bốn ngày sau. Ðó là một trang sử oai hùng của Giáo Hội Rôma trong thời bách hại.

Thánh Cyprianô đã muốn dựa trên những nhân chứng hùng hồn này để mời gọi các tín hữu Phi Châu hãy can đảm chiến đấu, hãy nghĩ đến cuộc sống vĩnh cửu hơn là cái chết hiện nay. Hãy ra sức tận hiến cho Thiên Chúa. Hãy vui mừng hơn là sợ hãi trong lúc tuyên xưng đức tin và hãy nhớ rằng những chiến sĩ của Thiên Chúa không bao giờ chết nhưng sẽ được đội triều thiên khải hoàn.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 07 tháng 8

Thánh Gaetanô, Linh Mục (1480-1547)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Gaetanô sinh năm 1480 tại Vivence nước Ý, thuộc gia đình quý phái mang tên là Thiena. Nhờ sự giáo dục chu đáo của người mẹ, ngay từ nhỏ ngài đã biết tận hiến cho Ðức Maria và siêng năng học tập các nhân đức. Ngài còn tỏ ra là một tâm hồn rất quảng đại, biết yêu thương đồng loại, nhất là kẻ bần cùng khốn khổ.

Ngài học luật ở Padua. Nhờ trí thông minh và lòng đạo đức, ngài được Ðức Juliô II mời gọi vào làm trong Giáo Triều Rôma và sau đó được phong chức linh mục năm 1516. Ngài lập nhiều nhà thương miễn phí và trong khi bệnh dịch hoành hành, ngài vẫn cứ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Ðặc biệt ngài rất lưu tâm đến phần rỗi của kẻ khác, nên người ta có thói quen gắn cho ngài biệt hiệu là “Thợ săn các linh hồn”. Sống trong lúc kỷ luật Giáo Hội sa sút, ngài đã cố gắng tái lập lại bằng đời sống gương mẫu hoạt động tông đồ. Ngài lập hội các linh mục triều, sống tinh thần Phúc Âm đích thực, bán các tư sản, không cần giáo dân đảm bảo cho tương lai, chỉ nhận những của bố thí tự phát. Ngài đã đào tạo cho Giáo Hội nhiều cán bộ tài đức.

Sau bốn ngày lâm bệnh, ngài trút hơi thở cuối cùng vào đầu tháng 8/1547 tại Naples trước sự chứng kiến của anh em trong dòng.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 08 tháng 8

Thánh Ða Minh, Linh Mục Lập Dòng (1170-1221)

pv_chu_thanh_jesusThánh Ða Minh sinh năm 1170 tại Calaruega nước Tây Ban Nha. Trước tiên ngài là linh mục triều, lên chức kinh sĩ (1194) và sau đó lập dòng Ða Minh. Ngài cảm thấy như được Chúa truyền gọi đi loan báo Tin Mừng cho các bộ lạc bên nước Nga. Nhưng Ðức Giáo Hoàng lại cử ngài tới miền Toulouse, nơi đang bị những làn sóng lạc giáo xâm lấn. Ngài nghĩ rằng lời giảng dạy và cuộc sống theo tinh thần Phúc Âm chính là linh hồn của mọi hoạt động truyền giáo. Ngài đã khuyên nhủ các bạn của ngài và đề nghị với họ một chương trình duy nhất: hãy hăng say loan truyền chân lý và hãy sống nghèo khó như các môn đệ của thánh Phanxicô Khó Khăn. Ðức Giáo Hoàng Honoriô III đã chấp thuận luật dòng của ngài vào năm 1216 và Thiên Chúa đã dành cho ngài 5 năm vắn vỏi để chu toàn sứ mệnh của người gieo giống. Suốt thời gian đó, ngài rảo qua khắp các nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha và đã đưa vô số người ly giáo trở về với Giáo Hội. Ngài qua đời tại Bologne (nước Ý) ngày 08/8/1221. Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô IX đã tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1234.

Trong suốt cuộc sống, thánh nhân đã nêu cao gương hy sinh và cầu nguyện. Ngoài ra ngài còn truyền bá lòng tôn sùng Ðức Mẹ và Kinh Mân Côi. Ngài thành lập một dòng nữ giúp chị em sống theo tinh thần này. Ngài cũng có sáng kiến thành lập một dòng gồm các linh mục chuyên đi giảng thuyết. Ngày nay chúng ta thấy dòng này lan tràn khắp thế giới và riêng ở Việt Nam các dòng Ða Minh đang đóng góp tích cực vào việc giáo dục thanh thiếu niên trong môi trường học đường.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 10 tháng 8

Thánh Laurensô, Phó Tế Tử Ðạo (+ 258)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Laurensô sinh tại Huescô nước Tây Ban Nha. Cha mẹ ngài là những người đạo hạnh. Ngài sớm từ biệt quê hương thân yêu để đi du học bên Rôma và đã sống trót cuộc đời trần thế tại đây.

Thời gian trôi qua, Laurensô đã cố gắng trau dồi tài đức. Chẳng bao lâu tiếng tăm ngài vang lừng khắp nơi, Ðức Giáo Hoàng Sixtô liền triệu vời và đặt ngài làm phó tế để giúp việc. Ngay thời Giáo Hội sơ khai, chức phó tế giữ một vai trò quan trọng, số phó tế không được quá 7 người và chỉ có các ngài mới có hy vọng lên ngôi Giáo Hoàng.

Cuộc bách hại xảy đến và kẻ thù tìm bắt vị thủ lĩnh Giáo Hội để đàn chiên tan rã. Thánh Laurensô ngày đêm tận tâm đi thăm viếng các tín hữu trong các hang trú ẩn, giảng dạy và ban các bí tích. Ngài đặc biệt thương yêu những người nghèo khổ, bệnh tật. Ngài bị bắt và bị tra tấn cực khổ nhưng ngài vẫn vui chịu và quyết giữ một lòng trung thành với Thiên Chúa. Vì không thuyết phục nổi thánh nhân, nên nhà vua căm tức và truyền cho lý hình nung đỏ giường sắt rồi đặt ngài nằm lên trên. Ngài tươi cười chịu đựng sự đau khổ và sau cùng ngài đã an nghỉ trong Chúa ngày 10/8/258.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 11 tháng 8

Thánh Clara Ðồng Trinh (1194-1253)

pv_chu_thanh_jesusCũng như thánh Phanxicô Khó Khăn, thánh nữ Calara là một ngọn đèn sáng Cha dùng để chiếu soi cho nhân loại tinh thần khó nghèo tuyệt đối của Phúc Âm. Ngài sinh ngày 16/7/1194 tại Assise miền Ombrie nước Ý, trong một gia đình quý phái. Chính thân mẫu đã lưu tâm dạy dỗ ngài ngay từ nhỏ, chẳng những bằng lời nói mà còn bằng gương sáng. Bà đã hun đúc cho ngài bằng tâm tình cầu nguyện, đức từ bỏ và tính nhẫn nhục.

Lên 16 tuổi, ngài tránh xa tiếng ồn ào của đô thị đến ẩn mình trong một nhà thờ ở miền quê (1212). Chính nơi đây ngài đã gặp thánh Phanxicô Khó Khăn và được tận tình giúp đỡ trên đường tu đức. Ngài can đảm chống lại ngăn cản của gia đình. Cuối cùng ngài được đưa đến đền thờ thánh Ðamianô để lập Hội Các Chị Tận Hiến cho Thiên Chúa. Về đời sống thiêng liêng, ngài vẫn trực tiếp theo sự hướng dẫn của thánh Phanxicô. Ngài điều khiển tu hội cách ân cần và khôn ngoan, ngài qua đời ngày 11/8/1253 trước sự thương tiếc của mọi người.

Ðức Giáo Hoàng Alexandre IV đã đặt ngài lên hàng các thánh đồng trinh năm 1255.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

11. Thánh Clara (1194-1253) pv_chu_thanh_jesus2Từ chối kết hôn lúc 15 tuổi, thánh Clara được đánh động nhờ lời giảng của thánh Phanxicô Assisi. Hai người trở nên bạn thân tâm linh. 18 tuổi, bà trốn khỏi nhà vào ban đêm, gặp các tu sĩ đang cầm đuốc đi trên đường, vào nhà thờ nhỏ Portiuncula, nhận áo nhặm và được cắt tóc. Thánh Phanxicô gởi bà vào Dòng Biển Đức, nơi mà người cha và người chú của bà đến làm dữ. Bà cứ bám vào bàn thờ, bỏ khăn ra cho cha và chú thấy bà đã xuống tóc.

Hơn hai tuần sau, người chị em của bà là Agnes đến tu với bà. Nhiều người khác cũng xin gia nhập. Họ sống giản dị, nghèo khó, khổ hạnh, biệt lập với thế giới bên ngoài, chuyên cần theo tu luật thánh Phanxicô đã trao cho họ là Dòng Nhì (còn gọi là Dòng Clara Khó nghèo). Lúc bà 21 tuổi, thánh Phanxicô truyền cho bà phải làm Mẹ bề trên, một chức vụ bà làm cho đến chết.

Các nữ tu đều đi chân không, ngủ trên nền đất, không ăn thịt và hầu như giữ im lặng hoàn toàn. (Về sau thánh Clara, cũng như thánh Phanxicô, thuyết phục chị em điều chỉnh điều khắt khe này: “Cơ thể chúng ta không được làm bằng đồng”). Dĩ nhiên, điều nhấn mạnh nhất là sự nghèo khó Phúc âm. Họ không sở hữu tài sản, ngay cả giữ chung, chỉ sống nhờ vào những của bố thí hằng ngày. Thậm chí khi Đức giáo hoàng thuyết phục bà giảm bớt điều này, bà vẫn tỏ ra cương quyết: “Con cần được tha thứ tội lỗi, nhưng con không muốn miễn giảm trách nhiệm theo Chúa Kitô”.

Bà chăm sóc các bệnh nhân, hầu bàn, rửa chân cho các chị em khi họ đi hành khất về. Bà bị bệnh nặng suốt 27 năm cuối đời. Ảnh hưởng của bà mạnh đến nỗi các giáo hoàng, hồng y và giám mục thường đến tham vấn bà. Thánh Phanxicô vẫn là người bạn tâm linh vĩ đại, bà luôn vâng lời thánh Phanxicô và sống theo lý tưởng Phúc âm. Bà rất sùng kính Thánh Thể. Bà luôn nói với các chị em: “Đừng sợ. Hãy tí thác vào Chúa Giêsu”. Trầm Thiên Thu dịch.

Ngày 12 tháng 8

Thánh Giacôbê Mai Năm, Linh Mục; Antôn Nguyễn Ðích, Giáo Dân; Micae Nguyễn Huy Mỹ, Lý Trưởng (+1838)

pv_chu_thanh_jesus– Thánh Giacôbê Mai Năm sinh năm 1781 tại làng Ðông Biên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngài dâng mình cho Chúa và thụ phong linh mục năm 1813 đời vua Càn Long.

Dưới thời cấm đạo của vua Minh Mạng, ngài phải lẩn trốn đó đây để phục vụ các linh hồn. Cuối cùng ngài đến trú ẩn tại nhà ông trùm Antôn Nguyễn Ðích thuộc xứ Vĩnh Trị. Ngày 02/7/1838, vì bị tố giác, ngài bị bắt cùng ông trùm Antôn Ðích và con rể là Micae Mỹ. Cả ba bị giải về giam ở Nam Ðịnh.

– Thánh Antôn Nguyễn Ðích quê tại Chi Long, huyện Nam Xương, tỉnh Nam Ðịnh, nhưng lập nghiệp tại làng Vĩnh Trị. Chính tên là Kiêm, nhưng người ta quen gọi là ông trùm Ðích, theo tên con thứ hai, dù ông không làm trùm họ. Ngài là người đạo hạnh, hết lòng giúp đỡ hàng giáo sĩ và hay thương kẻ nghèo khổ. Thời vua Minh Mạng cấm đạo, cha Giacôbê Mai Năm đến trú ẩn tại nhà ngài, và cả hai cùng với con rể là Micae Mỹ đều bị bắt giải về Nam Ðịnh vì tội chứa chấp đạo trưởng.

– Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ sinh năm 1804, lập gia đình với con gái thánh Antôn Ðích. Là lý trưởng, nhưng ngài có đời sống đạo đức gương mẫu và liêm khiết. Ngày 02/7/1838, ngài bị bắt tại làng Vĩnh Trị.

Trong tù, mặc dầu phải bị chịu nhiều cơ cực, bị tra khảo đánh đòn và bị gông cùm, ba đấng vẫn một lòng trung kiên với Thiên Chúa và khích lệ nhau sẵn sàng đổ máu để nên chứng nhân nước Trời.

Ngày 12/8/1838, cả ba bị xử trảm tại pháp trường Bảy Mẫu (Nam Ðịnh).

Ðức Thánh ChaLêô XIII đã tôn phong cho ba đấng lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

12. Thánh Louis Toulouse, Giám mục (1274-1297) pv_chu_thanh_jesus2Cha ngài là vua Charles II của Naples và Sicily, mẹ ngài là Mary, con gái vua nước Hungary. Ngài có liên quan thánh Louis IX về bên nội, và thánh Elizabeth nước Hungary về bên ngoại.

Hồi nhỏ, ngài thường đem thức ăn cho người nghèo. Lúc 14 tuổi, ngài và 2 người anh em bị bắt làm con tin tại triều đình vua Aragon về việc chính trị có liên quan cha ngài. Tại triều đình, ngài bị các tu sĩ Dòng Phanxicô hành hạ vì ngài tiến bộ nhiều trong việc học tập và tâm linh. Cũng như thánh Phanxicô, ngài có lòng yêu thương đặc biệt đối với những người phong cùi. Khi bị bắt làm con tin, ngài quyết định từ bỏ danh hiệu hoàng gia để trở thành linh mục. Lúc 20, ngài được ra khỏi triều đình vua Aragon. Ngài từ bỏ danh hiệu hoàng gia cho em trai Robert, và năm sau ngài thụ phong linh mục. Không lâu sau, ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Toulouse, nhưng ĐGH chấp thuận yêu cầu của ngài là trở thành tu sĩ Dòng Phanxicô trước khi nhậm chức giám mục.

Tinh thần Dòng Phanxicô thâm nhập ngài. Ngài luôn nói: “Chúa Giêsu Kitô là sản nhiệp của tôi, chỉ mình Ngài đủ cho tôi rồi”. Ngay cả khi làm giám mục, ngài vẫn mặc tu phục Dòng Phanxicô, đôi khi ngài còn đi hành khất. Ngài chỉ định một tu sĩ sửa sai ngài công khai, nếu cần, tất nhiên tu sĩ này phải vâng lời.

Ngài dành 75% thu nhập của giám mục để cho người nghèo và duy trì các nhà thờ. Hằng ngày ngài đồng bàn ăn với 25 người nghèo. Ngài được ĐGH Gioan XXII, thầy dạy cũ của ngài, phong thánh năm 1317.

Tram Thien Thu dịch.

Ngày 13 tháng 8

Thánh Pontianô, Giáo Hoàng Và Thánh Hippolytô, Linh Mục Tử Ðạo (thế kỷ III)

pv_chu_thanh_jesusNăm 230, khi thánh Pontianô lên kế vị ngai tòa thánh Phêrô thì Giáo Hội đang trải qua một cơn khủng hoảng phân tán do linh mục Hippolytô gây nên. Thánh Hippolytô là người nổi tiếng về môn Thánh Kinh và có những tư tưởng sâu sắc, nhưng ngài lại không muốn chấp nhận việc chọn lựa thầy sáu Callistô làm Giáo Hoàng (217). Từ đó ngài trở thành thủ lãnh một cộng đồng ly khai và tin rằng mình luôn giữ đúng truyền thống. Trong khi ấy, Ðức Callistô và các đấng kế vị đã ngả theo thời cuộc và nhượng bộ. Năm 235, hoàng đế Maximinô ra lệnh bách hại. Vì nghĩ rằng giáo hữu Rôma tuân phục hai Giám Mục, nên hoàng đế đã truyền lệnh bắt cả hai và kết án khổ sai. Ðể Giáo Hội không vắng bóng chủ chăn trong những hoàn cảnh khó khăn, Ðức Pontinô liền từ chức và Hippolytô cũng đã làm như vậy. Các ngài đều bị lưu đày sang Sardaigne và đã cùng nhau tuyên xưng đức tin.

Khi cơn cấm đạo lắng chìm, Ðức Giáo Hoàng Fabianô (236-250) đã chuyển xác các ngài về Rôma. Chẳng bao lâu, mọi người đều quên rằng thánh Hippolytô trước đó đã là một kẻ lạc giáo, nhưng hơn thế nữa, còn nghĩ về ngài với tước vị tử đạo và tiến sĩ.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

13. Thánh Pontianô và thánh Hippolytus, Giáo hoàng Tử đạo (qua đời năm 235) pv_chu_thanh_jesus2Hai vị thánh này đã bị đối xử tồi tệ ở đảo Sardinia. Một vị là giáo hoàng trong 5 năm, và một vị là ngụy giáo hoàng trong 18 năm. Cuối cùng họ đã giải hòa.

Pontianô. Ngài là người Rôma, làm Giáo hoàng từ năm 230 tới 235. Trong triều đại giáo hoàng, ngài đã triệu tập một công nghị xác định vạ tuyệt thông đối với thần học gia lỗi lạc Origen ở Alexandria. Ngài bị hoàng đế Rôma bắt đi đày năm 235, và ngài từ chức giáo hoàng để có người khác kế vị tại Rôma. Ngài được đưa về từ đảo Sardinia trong tình trạng sức khỏe yếu kém, rồi qua đời năm 235. Thi hài của các ngài được đem về Rôma và an táng bằng nghi lễ long trọng là các vị tử đạo.

Hippolytô. Là tư tế ở Rôma, Hippolytô (tên ngài nghĩa là “con ngựa bất kham”) trước là người thánh thiện. Ngài chê giáo hoàng không đủ cương trực với một tà thuyết – gọi giáo hoàng là dụng cụ trong tay của Callistô, một phó tế – và biện hộ cho chính tà thuyết của mình. Khi Callistô được bầu làm giáo hoàng, Hippolytô kết án ngài quá khoan dung với các hối nhân, và tự phong giáo hoàng cùng với một nhóm người theo mình. Ngài cảm thấy giáo hội phải có những tâm hồn trong sạch tách biệt khỏi thế giới, và nghĩ rằng nhóm của mình thích hợp. Ngài vẫn ở trong tình trạng ly giáo trong 3 năm làm giáo hoàng. Năm 235, ngài bị đày tới đảo Sardinia. Sau đó ngài hòa giải với giáo hội, và đồng chịu khổ với giáo hoàng Pontian.

Thánh Hippolytô là người mạnh mẽ, nghiêm khắc và cương trực đối với cả giáo lý chính thống và thực hành không đủ liêm khiết. Tuy nhiên, ngài là một thần học gia quan trọng bậc nhất và viết nhiều sách tôn giáo trước thời Constantine. Các tác phẩm của ngài đầy những kiến thức về phụng vụ La Mã và cấu trúc giáo hội hồi thế kỷ thứ II và III. Cá tác phẩm của ngài gồm nhiều bài chú giải Kinh thánh, những bài bút chiến chống các tà thuyết và một cuốn lịch sử thế giới. Tượng ngài bằng cẩm thạch (ngồi trên ghế), có từ thế kỷ III, được phát hiện năm 1551. ĐGH Gioan XXIII đã đưa tượng ngài về thư viện Tòa thánh.

Trầm Thiên Thu dịch.

Ngày 14 tháng 8

Thánh Maximilien Kolbe (1894-1941)

pv_chu_thanh_jesusLà con người ai lại không muốn sống và sống hạnh phúc. Các thánh nhân là những người say mê cuộc sống trần thế, bởi một lẽ các Ngài yêu mến Thiên Chúa và các lòai thọ tạo. Thánh Phanxicô Assise là người sống hòa hợp với thiên nhiên và gần gũi con người. Thánh Maximilien Kolbe yêu sự sống bằng sự hiến tặng mạng sống cho tha nhân. Như lời dạy của Đức Kitô:”Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình thì sẽ được sống”. Tình nguyện chết thay cho người bạn tù, Kolbe đã thực hiện một cách tuyệt vời lời trối của Đức Giêsu:” Đây là điều răn của Thầy:anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.Không có tình yêu thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga15, 12-13).

Tiểu sử Thánh Maximiline Kolbe

Ngài chào đời vào ngày 7 thánh giêng năm 1894, tại Zund-Wola, thuộc nước Balan. bố mẹ đặt tên là Raymond. Năm 1907, thánh nhân nhập dòng Phan sinh và lấy tên là tu huynh Maximilien.Ngài được gởi sang Rôma để học triết học và thần học. Kolbe thụ phong linh mục vào năm 1918. Sau khi trở về Ba lan, Ngài thành lập đội Đạo binh Đức Mẹ vô nhiễm. Năm 1927, Kolbe thành lập hội”thành đô Đức Mẹ vô nhiễm”.Hội này phát triển và lan rộng tại Ba Lan và nhiều nước khác. Trở về Ba Lan năm 1936, cha phải chịu nhiều cuộc bách hại của Gestapo(mật thám Đức Quốc xã). Ngày 17 tháng 2 năm 1941, Maximiline bị bắt và giam vào trại Auschwitz, với số hiệu tù nhân:16670. Vào tháng 7 năm 1941, nhân một người tù trốn trại, mười người trong số còn lại bị án tử hình. Maximiline Kolbe đã tình nguyện chết cho một người tù, anh này đã có gia đình. Ngày 14 tháng 8 năm 1941, Đức Quốc xã đã kết thúc đời Ngài bằng một mũi thuốc độc, năm Ngài được bốn mươi bảy tuổi.

Đức Thánh Cha Phaolô VI phong chân phước cho Ngài vào năm 1971. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh vào năm 1982.

Trại Auschwitz

“Trại tập trung Auschwitz (Konzentrationslager Auschwitz) là trại lớn nhất trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Trại này nằm ở Ba Lan và được đặt tên theo thành phố Oświęcim gần đó, cách Kraków 50 km về phía Tây, cách thủ đô Warszawa 286 km. Trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan năm 1939, Oświęcim sáp nhập vào Đức và đổi tên thành Auschwitz.

Khu tổ hợp trại tập trung này bao gồm 3 trại chính: Auschwitz I- trung tâm hành chính; Auschwitz II (Birkenau)- trại hủy diệt (Vernichtungslager) và Auschwitz III (Monowitz)-trạilaođộng.

Ngoài ra còn có khoảng 40 trại vệ tinh, một số nằm cách các trại chính hàng chục cây số, với số lượng tù nhân từ vài tá đến vài nghìn người.

Số lượng người đã bị giết chết tại đây chưa được biết chính xác. Tại Tòa án Nürnberg, chỉ huy trại, Rudolf Höss, đã khẳng định con số này là ba triệu người. Năm 1990, Viện bảo tàng Quốc gia Auschwitz-Birkenau xét lại số liệu này. Các tính toán mới đã cho ra kết quả trong khoảng 1,1-1,6 triệu, khoảng 90% số người Do Thái của gần như tất cả các nước tại Châu Âu.”

Thông điệp của Thánh nhân

Đức cố Giáo Hòang Gioan Phaolô II nói rằng:”Trong khi Auschwitz được dựng nên để tiêu diệt phẩm giá con người, thì cha Kolbe đã nâng cao siêu nhiên tột độ”.Thật vậy, Maximiline đã bày tỏ:”ghét ghen không phải là luật sáng tạo, chỉ tình yêu mới sáng tạo”.Do tình yêu Đức Kitô thúc đẩy, cha Kolbe đã yêu cầu viên chỉ huy trại:”Tôi muốn chết thế cho người này,vì anh ta có vợ con”, khi được hỏi tại sao, Ngài chỉ trả lời một cách hết sức đơn giản:”Vì tôi là linh mục công giáo”.Trong bài giảng sau kinh truyền tin vào trưa chúa nhật ngày 8 tháng 9 năm 2009, Đức thánh Cha Bênêđictô 16 đã nhắc đến hai vị thánh tử đạo tại trại tập trung Auschwitz: Thánh Maximiline và Thánh Nữ Edith Stein.Ngài nói:”Các vị thánh này là nhân chứng của đức ái là yêu cho đến cùng,và không tính sổ về những sự dữ phải tiếp nhận, nhưng chống lại sự dữ bằng những việc lành”.

Cuộc đời của vị linh mục Maximilien Kolbe là chứng nhân cho Tin Mừng yêu thương của Đức Giêsu Kitô. Trong khi thi hành nhiệm vụ mục tử của mình, cha Kolbe đã biểu tỏ một cách hết sức trọn vẹn hình ảnh của vị mục tử nhân từ, khi hiến mạng sống vì anh em. Những người bạn tù gọi Ngài bằng một cái tên đầy thân thiết:” Ông linh mục thân mến của chúng tôi”.Năm linh mục, cũng là dịp để mỗi người nhìn vào đời sống của thánh nhân và soi bóng cuộc đời Mục tử của mình.

LM Giacôbê Tạ Chúc Vietcatholic.net 13-8-2009

14. Thánh Maximilian Mary Kolbe (1894-1941) pv_chu_thanh_jesus2Cha mẹ ngài nói: “Tao không biết mày sẽ làm nên trò trống gì nữa!” Maximilian Mary Kolbe nói: “Con cầu xin rất nhiều với Đức Mẹ cho con biết những gì sẽ xảy ra với con. Đức Mẹ hiện ra, cầm 2 triều thiên trong tay, một trắng và một đỏ. Đức Mẹ hỏi con thích cái nào – một cái tượng trưng sự thanh khiết, một cái tượng trưng sự tử đạo. Con đã nói con chọn cả hai. Đức Mẹ mỉm cười và biến đi”.

Ngài vào Dòng Phanxicô ở Lvív (lúc đó thuộc Ba Lan, nay là Ukraina), gần nơi ngài sinh, ngài mặc áo dòng lúc 16 tuổi. Sau đó ngài có học vị tiến sĩ về triết học và thần học, ngài cũng rất say mê khoa học, thậm chí ngài còn phác họa tàu hỏa tiễn (rocket ships). Ngài thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài coi sự lãnh đạm tôn giáo thời đó là chất độc nguy hiểm nhất. Nhiệm vụ của ngài là đấu tranh chống lại điều đó. Ngài thành lập Đạo binh Vô nhiễm (Militia of the Immaculata), mục đích là chống lại ma quỷ bằng đời sống tốt lành, cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài cũng đã ấn hành tạp chí Hiệp sĩ Vô nhiễm (Knight of the Immaculata), một tờ báo tôn giáo nhờ sự bảo trợ của Mẹ Maria để rao truyền Tin Mừng khắp các quốc gia. Ngài thành lập Thành phố Vô nhiễm (City of the Immaculata) – Niepokalanow – gồm 700 tu sĩ Phanxicô. Sau đó ngài thành lập một nhà khác ở Nagasaki, Nhật. Cả Đạo binh và Tạp chí đều đạt mức 1 triệu thành viên và ấn bản. Tình yêu ngài dành cho Thiên Chúa qua lòng sùng kính Đức Mẹ.

Năm 1939, Đức quốc xã xuất hiện khắp Ba Lan. Niepokalanow bị đánh bom. Thánh Kolbe và các tu sĩ bị bắt, rồi được thả sau 3 tháng, nhằm ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm. Năm 1941, ngài lại bị bắt. Mục đích của Đức quốc xã là triệt tiêu những người đã chọn lựa, những nhà lãnh đạo.

Một tù nhân bỏ trốn. Viên cai tù ra lệnh 10 người khác phải chết thay. Hắn chọn: “Thằng này. Thằng này”. Tử tù mang số 16670 tiến lên: “Tôi xin thay người này. Anh ta còn có vợ con”. Cai tù hỏi: “Mày là thằng nào?”. Thánh Kolbe nói: “Tôi là linh mục”. Tên cai tù đá trung sĩ Phanxicô Gajowniczek ra khỏi hàng và ra lệnh cho LM Kolbe đứng vào chỗ thứ 9. Các tử tù bị lột trần và bị bỏ đói cho chết dần chết mòn. Không một tiếng than thở, la hét, nhưng họ hát vang. Vào chiều lễ vọng Mẹ Mông Triệu, có 4 người còn sống. LM Kolbe đang cầu nguyện ở góc phòng. Tên cai tù đến chích cho ngài một mũi axít carbolic. Họ đốt xác ngài cùng với các tử tù khác. LM Kolbe được giáo hội phong chân phước năm 1971 và được phong thánh năm 1982.

Trầm Thiên Thu dịch.

Ngày 15 tháng 8

Ðức Mẹ Lên Trời

pv_chu_thanh_jesusNgày hôm nay chúng ta hân hoan mừng lễ Ðức Mẹ lên Trời, chúng ta chúc tụng những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ: Ngay từ giây phút đầu tiên, Mẹ đã được ấp ủ giữ gìn, không vương chút tội truyền, xứng đáng với danh hiệu Mẹ Thiên Chúa, và khi cuộc sống ở trần gian này chấm dứt, Mẹ đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác để hưởng ánh vinh quang bất diệt.

Ðặc ân lên Trời do hậu quả của tước vị Mẹ Thiên Chúa: Thiên Chúa đã bảo toàn thân xác Mẹ, thân xác đã cưu mang Con Một Ngài và đã sinh Ðấng ban sự sống. Ðó không những chỉ là một đặc ân cho riêng Mẹ mà còn cho toàn thế giới, vì một ngày kia, nhân loại trong Thiên Chúa cũng sẽ được về Trời. Dưới mắt thánh Gioan, hình ảnh một người nữ huy hoàng xuất hiện trên bầu trời chính là hình ảnh của Ðức Mẹ cũng như của Giáo Hội. Mẹ là hình ảnh vẹn toàn nhất của Giáo Hội ngày mai, là bình minh của Giáo Hội khải hoàn. Mẹ hướng dẫn và nâng đỡ niềm hy vọng của cộng đoàn dân Chúa đang tiến bước. Chiêm ngắm Mẹ thông phần vào cuộc khải hoàn và thống trị cùng với Chúa Giêsu, chúng ta ao ước những sự kiện trên Trời, và chúng ta hãy nguyện cầu Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Mẹ, cho chúng ta cũng được lên Trời vinh hiển với Mẹ. Chúng ta biết rằng, cũng như Mẹ, chúng ta mang trong thân xác yếu hèn của chúng ta hạt giống của cuộc sống vĩnh cửu.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

15. Mông triệu (Mẹ lên trời) pv_chu_thanh_jesus2Ngày 1-11-1950, ĐGH Piô XII tuyên bố việc Đức Mẹ lên trời là tín điều: “Giáo hội xác quyết đây là tín điều về Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, đã hoàn tất hành trình trần gian, hồn xác MMẹ được hưởng vinh quang thiên quốc”.

Chúng ta tìm thấy những bài giảng về Đức Mẹ lên trời từ thế kỷ VI. Các thế kỷ sau, Giáo hội Đông  phương đã kiên quyết với tín điều này, nhưng một số tác giả Tây phương vẫn do dự. Tuy nhiên, hồi thế kỷ XIII đã có sự đồng thuận toàn cầu.

Kinh thánh không nói về việc Mẹ về trời. Tuy nhiên, sách Khải huyền chương 12 có nói về một phụ nữ chiến đấu giữa điều thiện và điều ác. Nhiều người coi phụ nữ này là người của Thiên Chúa. Vì Đức Mẹ là hiện thân của cả Cựu ước và Tân ước, việc Mẹ về trời có thể coi là một minh họa về chiến thắng của phụ nữ này. Vả lại, trong thư 1 Corintô 15:20, thánh Phaolô nói về sự phục sinh của Chúa Kitô là hoa trái đầu mùa của những người còn ngủ mê.

Đức Mẹ kết hợp mật thiết với các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu, thì không lạ gì khi Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt Giáo hội tin vào việc đồng hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Mẹ gần gũi với Chúa Giêsu trên thế gian, chắc hẳn Mẹ phải gần gũi với Ngài trên trời cả hồn và xác.

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)

Ngày 16 tháng 8

Thánh Stêphanô, Người Hung Gia Lợi (975-1038)

pv_chu_thanh_jesusThánh Stêphanô sinh khoảng năm 975 và được chịu Phép Rửa năm 985. Ngài lên kế vị vua cha vào năm 997. Triều đại ngài kéo dài được 42 năm. Sau khi lên ngôi được 3 năm, Ðức Giáo Hoàng Sylvestre II đã phong vương cho ngài với tước hiệu là “một vị vua truyền giáo của nước Hung Gia Lợi”, vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1000. Thân hình tuy nhỏ bé nhưng tấm lòng quảng đại bao la, ngài là một nhà tiên đoán thời cuộc, một vị thủ lãnh đầy năng lực, một chiến sĩ nhiệt thành và can đảm. Ngài đã xây dựng quốc gia với đôi bàn tay vững chắc và đã tổ chức Giáo Hội thấm nhiễm đức tin trên đất nước ngài: ngài đã thiết lập các địa phận, xây các thánh đường nguy nga đồ sộ. Ngài qua đời vào ngày lễ kính Ðức Mẹ và người ta thường gọi đó là ngày lên Trời của nước Hung Gia Lợi.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

16. Thánh Stêphanô Hungary (975-1038) Lúc 10 tuổi ngài được rửa tội cùng với người cha, trưởng nhóm người Magyars – nhóm người di cư tới vùng sông Danube hồi thế kỷ IX. Lúc 20 tuổi, ngài kết hôn với Gisela, em gái hoàng đế và là thánh Henry. Khi kế vị cha, ngài ấp ủ việc Kitô hóa đất nước vì lý do chính trị và tôn giáo. Ngài kiềm chế những cuộc nổi loạn của người ngoại giáo và liên kết những người Magyars thành một nhóm hùng mạnh. Ngài tới Rôma để tổ chức hàng giáo sĩ và cũng xin giáo hoàng ban tước vua cho ngài. Ngài được trao vương miện vào lễ Giáng sinh năm 1001.

Ngài thiết lập hệ thống thuế thập phân (tithes) để nâng đỡ giáo hội và các mục tử, đồng thời làm khuây khỏa dân nghèo. Mỗi thành phố trong 10 thành phố đầu phải xây nhà thờ và hỗ trợ các linh mục. Ngài bãi bỏ các tập tục của dân ngoại bằng cách nào đó, ra lệnh cho mọi người kết hôn, trừ giáo sĩ và tu sĩ. Ngài sống thân thiện với mọi người, đặc biệt là người nghèo.

Năm 1031, con trai ngài là Emeric chết, ngài luôn băn khoăn về việc tìm người kế vị. Các cháu của ngài đã tìm cách thủ tiêu ngài. Ngài qua đời năm 1038 và được phong thánh cùng con trai năm 1083.

Tram Thien Thu dịch.

Ngày 19 tháng 8

Thánh Gioan Euđô, Linh Mục Lập Dòng (1601-1680)

pv_chu_thanh_jesusThánh Gioan Euđô sinh ngày 14/11/1601 tại làng Ri, thuộc giáo phận Seés miền Normandie nước Pháp. Ngài theo học với các cha dòng Tên tại Caen và sau đó lên đại học. Trong giai đoạn này, ngài muốn đáp lại lời Chúa mời gọi trở nên linh mục, nhưng bị gia đình ngăn cản.

Năm 1623, ngài chính thức gia nhập hội dòng Giảng Thuyết do Ðức Hồng Y Bérulle sáng lập và rất hăng say với công việc truyền giáo.

Sau khi thụ phong linh mục, ngài được chỉ định đi coi xứ ở miền Aubervillier, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ giảng dạy tại nhiều nơi. Gương mẫu đời sống và lời nói hùng hồn của ngài có sức cảm hóa và lôi kéo nhiều người.

Ngài còn biểu hiện tinh thần truyền giáo cao độ qua những công tác bác ái. Khi quê hương bị cơn dịch tung hoành, ngài đã tình nguyện đi săn sóc cho các bệnh nhân và an táng những người đã chết.

Chính ngài cũng đã ra sức chấn chỉnh lại đời sống đạo đức và uy thế của các giáo sĩ đã bị sa sút, và ngài đã thiết lập nhiều Chủng Viện để thực hiện dự tính này.

Ngoài ra, ngài còn lập hội Sùng Kính Trái Tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria, dòng Ðức Bà Bác Ái (1662), sau này đổi tên là dòng Ðấng Chăn Chiên Lành để giáo dục các thiếu nữ sa đọa.

Ngài qua đời ngày 19/8/1680. Ðức Giáo Hoàng Piô X đã cất nhắc ngài lên bậc Chân Phước. Ðức Piô XI, dịp năm Thánh, nhằm vào ngày lễ Hiện Xuống năm 1925, đã tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh, và lập lễ kính trong toàn thể Giáo Hội năm 1928.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

19. Thánh Gioan Eudes, Linh mục (1601-1680)

pv_chu_thanh_jesus2Ngài sinh tại một nông trại ở miền Bắc nước Pháp. Thời đó ngài là một tu sĩ, một nhà truyền giáo, người sáng lập 2 cộng đoàn tu sĩ và là người thúc đẩy lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Maria (Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ).

Ngài vào Dòng Hùng Biện (*) và thụ phong linh mục lúc 24 tuổi. Trong những năm đại dịch, từ 1627 tới 1631, ngài tình nguyện chăm sóc những ng ười nhiễm bệnh trong giáo phận.

Lúc 32 tuổi, ngài trở thành nhà truyền giáo. Ngài có biệt tài giảng thuyết và giải tội. Ngài giảng thuyết ở hơn 100 giáo xứ truyền giáo, có những nơi ngài giảng trong vài tuần hoặc vài tháng.

Ngài quan tâm việc thay đổi tâm linh giáo sĩ, ngài thấy rằng đó là nhu cầu lớn nhất đối với các chủng viện. Ngài được phép của Bề trên tổng quyền, Giám mục và Hồng y Richelieu để bắt đầu công việc này, nhưng Bề trên tổng quyền kế vị lại không chấp thuận. Sau khi cầu nguyện và tham khảo ý kiến, ngài quyết định rời khỏi tu viện. Cùng năm đó, ngài thành lập một dòng mới gọi là Dòng Eudists (Dòng Chúa Giêsu và Đức Mẹ – Congregation of Jesus and Mary), chuyên đào tạo giáo sĩ bằng việc linh hướng các chủng viện. Việc này được các giám mục đồng thuận, nhưng cũng gặp đối lập ngay, nhất là từ phía tà thuyết Gian-sen (*) và một số bạn đồng liêu cũ. Ngài mở vài chủng viện ở Normandy, nhưng không được Rôma phê chuẩn (một phần vì ngài không khéo léo trong giao tế).

Trong việc truyền giáo, ngài bị quấy nhiễu bởi gái làng chơi, do họ muốn thoát cảnh sống khốn khổ. Các nhà mở tạm thời được thành lập nhưng sắp xếp không được ổn thỏa. Một người tên Madeleine Lamy, chăm lo cho một số phụ nữ, đã nói với ngài: “Ngài đi đâu bây giờ? Thiết nghĩ ngài hãy tới một nhà thờ nào đó mà ngài thấy trong hình và nghĩ mình sùng đạo. Điều luôn cần ở ngài là mở một nhà cho những sinh vật khốn khổ này”. Những lời đó đã đánh động ngài. Thế là một cộng đoàn tu mới được thành lập, đó là Dòng Tiểu muội Bác ái Trú ẩn (Sisters of Charity of the Refuge). Có thể ngài được biết nhiều do các chủ đề trong các tác phẩm của ngài: Chúa Giêsu là nguồn sự thánh thiện, Mẹ Maria là mẫu gương đời sống Kitô giáo. Ngài rất sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Maria, ĐGH Piô XI tôn vinh ngài là tổ phụ của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài qua đời lúc 79 tuổi.

—————————— (*) Dòng Hùng Biện (Congregation of the Oratory) do thánh Philip Neri thành lập tại Rôma năm 1575, gồm các cộng đoàn linh mục triều độc lập sống đức vâng lời nhưng không tuyên khấn.

(*) Jansenism: thuyết của Cornelis Jansen, khoảng 1656-1657, dựa trên thuyết tiền định luân lý (moral determinism). Các nguyên tắc thần học của Cornelis Jansen nhấn mạnh sự tiền định, phủ nhận ý chí tự do, cho rằng bản chất con người is không thể tốt lành. Thuyết này bị những người cải cách trong giới giáo sĩ, tu sĩ và học giả Công giáo Âu châu Tây phương phản đối, và bị kết án là tà thuyết. Bị ảnh hưởng các tác phẩm của thánh Augustinô, nhất là sự tấn công của thánh Augustinô đối với thuyết Pelagianism (phủ nhận tội tổ tông) và thuyết ý chí tự do, Jansen theo thuyết của thánh Augustinô về sự tiền định và sự cần thiết của Ơn Chúa, một lập trường bị Công giáo La Mã coi là gần với thuyết của Calvin, đã cấm lưu hành cuốn The Augustinus của ông năm 1642. Sau khi Jansen chết năm 1638, những người theo ông đã lập cơ sở tại tu viện ở Port-Royal, Pháp. Blaise Pascal, một đệ tử trung thành của Jansen, đã bảo vệ các giáo huấn của họ trong Provincial Letters (1656–1657). Năm 1709, vua Louis XIV ra lệnh bãi bỏ tu viện này. Những người theo Jansen bắt đầu lập Giáo hội Jansen năm 1723 và tồn tại tới cuối thế kỷ 20.

Trầm Thiên Thu dịch.

Ngày 20 tháng 8

Thánh Bernađô, Tu Viện Trưởng, Tiến Sĩ Hội Thánh (1090-1153)

pv_chu_thanh_jesusBernađô sinh năm 1090 tại Fontaine miền Bourgogne nước Pháp. Trong số 7 anh em, Bernađô thường được mẹ nuông chiều hơn cả, vì thế cậu thường rụt rè và nhát sợ. Khuyết điểm đó, sau này nhờ ơn Chúa, cậu đã vượt qua và trở nên một người mạnh dạn rao giảng lời Chúa.

Bernađô vào dòng Citô năm 22 tuổi. Sau ba năm nhà tập, ngài được cử đi làm tu viện trưởng tại Clairvaux, một chi nhánh của dòng.

Ðời sống tu viện trong giai đoạn đầu hết sức kham khổ: đói khát, lạnh lẽo và thiếu thốn đủ thứ đã làm cho các tu sĩ ngã lòng nản chí. Nhưng ngài vẫn một mực kiên trì và làm gương cho các thầy bằng sự hy sinh hãm mình, dù sức khỏe ngài rất yếu kém.

Nhận thấy Bernađô là người có đức độ nên Ðức Giám Mục Guilliaume de Champeaux đã truyền chức linh mục cho ngài và sai ngài đi giảng thuyết. Ngài đã biện bác chống lại các lạc giáo. Nhiều bậc vị vọng đạo đời đã đến xin ngài chỉ dẫn cho trong mọi công việc. Tiếng tăm ngài vang khắp nơi, nhưng ngài vẫn khiêm tốn và ưa thích tìm về đời sống trầm lặng trong tu viện. Ngài đã viết nhiều tác phẩm rất có giá trị, nhất là về phương diện tín lý. Ngài đã giúp Ðức Giáo Hoàng Innôcentê II trong công việc chống lại bọn ly giáo Pierre de Léon.

Thánh nhân chết năm 1153 tại Clairvaux, hưởng thọ 63 tuổi, để lại nhiều tu viện do chính ngài lập nên và có nhiều bút tích quý giá. Ðức Piô VIII đã tôn phong ngài lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1830.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

20. Thánh Bênađô Clairvaux, Viện phụ, Tiến sĩ Giáo hội (1091-1153)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Bernard Clairvaux là cố vấn của các giáo hoàng, người giảng thuyết của Thập tự quân Đệ nhị (Second Crusade), người bảo vệ đức tin, người chữa lành ly giáo, người cải cách đời sống đan viện, học giả Kinh thánh, thần học gia và nhà thuyết giảng lưu loát. Năm 1111, lúc 20 tuổi, ngài vào Dòng Xitô (Citeaux). Năm anh em ngài, hai người thúc bá và khoảng 30 người bạn trẻ đều theo ngài đi tu. Trong 4 năm, cộng đoàn đang suy yếu đã hồi phục nhanh đến nỗi mở thêm tu viện mới ở thung lũng Wormwoods gần đó, và ngài là Viện phụ. Thung lũng này được đổi tên thành Clairvaux – nghĩa là thung lũng ánh sáng. Ngài qua đời ngày 20-8-1153.

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, American Catholic.org, Catholic.org)

Ngày 21 tháng 8

Thánh Piô X, Giáo Hoàng (1835-1914)

pv_chu_thanh_jesusThánh Piô X, tên thật là Joseph Sarto, sinh năm 1835 tại làng Riese, miền Vénétia nước Ý. Ngài rất thông minh và cần mẫn làm việc. Học Tiểu Chủng Viện Padua, thụ phong linh mục năm 1858. Ngài đã từng làm phó xứ Tomholo, rồi chánh xứ Salzanô, và giữ những chức vụ quan trọng trong Giáo Triều. Ðược phong làm Giám Mục giáo phận Mantoue năm 1884. Ngài đã chu toàn xứ mạng chủ chăn, chuyên chăm huấn luyện các giáo sĩ, để ý đến phụng vụ và giới nghèo. Năm 1893, ngài được phong làm Hồng Y, Giáo Chủ Venise. Sau khi Ðức Giáo Hoàng Lêô XII mất, ngài được bầu lên thay ngày 04/8/1903. Dầu ngài cố gắng từ chối, nhưng vẫn không qua khỏi ý Chúa. Trên ngai Giáo Hoàng, ngài vẫn không bỏ lối sống xưa kia, nhất là lòng khiêm nhường, đơn sơ và khó nghèo là những đặc điểm nổi bật nhất. Ngài lo bảo vệ đức tin, lên án chống lại phái duy tâm, tiếp xúc với các nhóm ly giáo tranh đấu bảo vệ sự tự do của Giáo Hội, đặt một nền giáo dục vững chắc cho tu sĩ, soạn thảo cuốn giáo luật, khuyến khích việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể, việc năng rước lễ và việc trẻ em rước lễ sớm hơn.

Lo lắng và đau khổ cho cuộc thế chiến đang bắt đầu, ngài qua đời ngày 20/8/1914 và được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh năm 1945.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 21 tháng 8

Thánh Giuse Ðặng Ðình Viên, Linh Mục (+1838)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Giuse Ðặng Ðình Viên chào đời năm 1785 tại làng Tiên Chu, thuộc tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ, ngài đã về học tại quê ngoại ở họ Vân. Khi cha mẹ qua đời, ngài dâng mình vào nhà Chúa, và thụ phong linh mục tại Lục Thủy (Nam Ðịnh) năm 1821.

Ngài coi xứ Bắc và phụ trách các họ Ðông Bài, Thiết Nam, Như Thiết, An Mỹ. Và bị quan tổng đốc Nam Ðịnh ra lệnh lùng bắt đích danh, ngài phải trốn. Về sau, quan phủ Hưng Yên bày mưu mua chuộc hai người bà con của ngài để tìm ra tông tích. Ngài bị bắt tại họ Cầu Chay, xã Như Thiết ngày 01/8/1838 và bị đóng gông giải về Hưng Yên.

Các quan thất bại trong việc bắt ngài quá khóa, nên chỉ hai ngày sau, đã ra án đệ vào kinh. Ngày 12/8, vua Minh Mạng châu phê. Khi bản án tử hình về tới, các quan điệu ngài đi xử trảm tại pháp trường Ba Tòa (Nam Ðịnh). Hôm đó là ngày 21/8/1838.

Ðức Thánh ChaLêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 22 tháng 8

Ðức Maria Trinh Nữ Vương

pv_chu_thanh_jesusViệc tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ đã có từ lâu đời. Ðến thế kỷ XIX, Ðức Piô VII đã công khai cho phép một số địa phận được đặc biệt mừng kính lễ này. Ðến thời Ðức Piô IX, ngài đã thiết lập một lời nguyện và một lễ kính riêng biệt. Ðức Piô XII rất ước mong được mừng trọng thể trong toàn Giáo Hội. Năm 1942, giữa lúc thế giới đang tràn ngập trong khói lửa binh đao, chính Ðức Piô XII đã long trọng dâng cả nhân loại cho Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ. Hai năm sau (1944), ngài buộc mừng kính trọng thể trong toàn Giáo Hội.

“Thân lạy Nữ Vương, Lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Từ lâu, lời chúc tụng ấy đã nhẹ lan trên làn môi các tín hữu khi màn đêm buông xuống. Vào thời trung cổ, người ta thường hiểu Nữ Vương là một người quyền thế: như Esther đã cứu dân chúng khỏi họa diệt vong, nữ vương đã giữ tất cả mọi quyền hành bên Ðức Vua và là Ðấng bầu cử linh thiêng nhất. Ở thế kỷ XX, những lời hát khen ấy hướng về vẻ đẹp diệu kỳ và sự thành công mỹ mãn của cuộc sống. Mẹ Maria vừa đẹp đẽ vừa uy quyền. Mẹ là sự thành công của ơn cứu độ, là hoa trái tốt đẹp nhất của cây Thánh Giá: “Một người người nữ đầu đội thiên triều kết bằng những vì sao, rạng ngời như dấu hiệu đảm bảo niềm hy vọng và sự an ủi cho toàn dân Chúa trong cuộc lữ hành”. Mẹ là Esther mới: Mẹ của Con Thiên Chúa, của vua hòa bình và vương quốc sẽ muôn đời thống trị. Mẹ đứng bên cạnh Chúa để ban cho những người con yêu dấu ánh vinh quang mà Chúa đã phán hứa.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 23 tháng 8

Thánh Rôsa Lima, Ðồng Trinh (1586-1617)

pv_chu_thanh_jesusRôsa là thánh nữ tiên khởi của miền Nam Mỹ Châu. Cha mẹ ngài gốc Tây Ban Nha, nhưng vì sinh kế phải sang Pérou lập nghiệp tại thủ đô Lima vào khoảng năm 1543. Chính tại đây, Rôsa đã chào đời vào năm 1586.

Ngay từ nhỏ, Rôsa đã có một đời sống đạo đức gương mẫu. Mặc dầu được mọi người trong gia đình chiều chuộng, Rôsa vẫn luôn tỏ ra thùy mị đơn sơ từ lời nói tới cách ăn mặc. Ðược cắp sách tới trường, Rôsa chăm lo trau dồi các môn học, nhất là về văn chương. Khi cha mẹ già yếu bệnh tật, Rôsa phải bỏ học hầu giúp gia đình và phụng dưỡng cha mẹ.

Ðể giữ mình trinh khiết, năm 1608, ngài xin mặc áo dòng Ba Thánh Ða Minh. Từ đó ngài bắt đầu sống một cuộc đời ăn chay đền tội nhiệm nhặt, xa tránh những thú vui ồn ào. Những lúc nhàn rỗi, ngài thường tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và suy gẫm về ý nghĩa lễ Misa. Cuộc sống chiêm niệm ấy đã đem lại nhiều lại nhiều tư tưởng đạo đức cao sâu cho ngài.

Ngoài ra, ngài còn ao ước đi truyền giáo các nơi xa xôi, nhưng vì gánh nặng gia đình, vì sức yếu nên ngài không thực hiện được ước mơ. Bù lại, ngài hăng hái tham gia vào việc từ thiện giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo khổ.

Ngài chết ngày 23/8/1617 vì bệnh ung thư, sau những năm dài say mê với công việc bác ái. Ngài được nổi tiếng vì những phép lạ đã làm.

Ðức Giáo Hoàng Clêmentê X đã phong ngài lên hàng các thánh trinh nữ năm 1671.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 24 tháng 8

Thánh Bartôlômêô Tông Ðồ

pv_chu_thanh_jesus2Bartôlômêô là một trong số 12 tông đồ của Chúa Giêsu quê tại Cana. Theo truyền thống thì chính ngài là Natanael đã được Philipphê dẫn tới gặp Chúa (Gio I, 45-50) và được Chúa khen: “Ðây là người Israel chân chính không có gì xảo trá”.

Sau ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngài được sai giảng Phúc Âm tại miền Lycôni, Ấn Ðộ và Arménie. Nhờ tài ăn nói hùng biện, lòng đạo đức và những phép lạ của ngài, nhiều người ngoại đã từ bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa. Ngài cũng đã trừ quỷ cho nhiều người, đặc biệt là công chúa của vua Polêmon và giúp cả gia đình nhà vua theo đạo.

Các sư sãi và quan chức triều đình thấy thế ghen tức và âm mưu làm hại ngài bằng cách vu cáo với vua Attiges để ra lệnh hành hạ ngài bằng đủ mọi cực hình và cho trảm quyết ngài vào năm 52.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 25 tháng 8

Thánh Louis IX, Vua Nước Pháp (1214-1270)

pv_chu_thanh_jesusThánh Louis sinh năm 1214 tại Poissy nước Pháp. Cha ngài là vua Louis VIII. Mẹ ngài là hoàng hậu Blanche de Castille. Chính gương mẫu đời sống thánh thiện của bà đã ảnh hưởng sâu đậm đến Louis trong thời niên thiếu. Cho tới khi trưởng thành, Louis vẫn thường hay nhắc lại lời nói của mẹ ngài: “Mẹ thà thấy con chết trước mặt mẹ còn hơn thấy con phạm tội trọng”.

Ngài lên ngôi vua kế vị cha năm 12 tuổi và tới năm 19 tuổi, Louis kết hôn với Marguerite, con gái quận công miền Provence và cả hai sinh hạ được 11 người con. Trên ngai vàng, Luois luôn tỏ ra thanh liêm chính trực và hết mực thương dân, đặt danh dự của Giáo Hội và của dân tộc lên trên tư lợi và danh vọng cá nhân. Ðời sống đạo đức của nhà vua chẳng khác chi một thầy dòng khổ tu: dự lễ và đọc kinh mỗi ngày, xưng tội và đánh tội mỗi tuần. Ngoài ra, nhà vua còn tìm dịp thể hiện đức bác ái đối với người nghèo và những người bệnh tật.

Chính ngài đã lập Ðạo Binh Thánh Giá đi chiến đấu tại Giêrusalem. Lúc trở về, ngài đã xây một nhà nguyện để kính mão gai Chúa Giêsu do hoàng đế Constantin trao lại.

Năm 1270, nhà vua còn lập thêm một đạo quân mới để chống lại những người Hồi Giáo, nhưng một cơn dịch lan tràn làm tan rã đạo quân của ngài và chính ngài cũng lâm bệnh và qua đời ngày 25/8/1270.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 25 tháng 8

Thánh Giuse Calasanz, Linh Mục (1556-1648)

pv_chu_thanh_jesus2Giuse Calasanz sinh năm 1556 tại Pétralta miền Aragon phía Bắc nước Tây Ban Nha. Ngay từ thời niên thiếu, ngài đã được hấp thụ một nền giáo dục hết sức phong phú nơi hiền mẫu. ngài yêu chuộng đọc kinh và hết sức giữ mình thanh khiết.

Sau khi mãn bậc trung học, ngài theo môn triết và luật tại viện đại học Lêrida và bắt đầu có ý định dâng mình cho Chúa.

Năm 1583, Calasanz thụ phong linh mục. Cuộc đời truyền giáo của ngài tại quê hương thu được nhiều thành quả tốt đẹp nhờ tài ba và sự thánh thiện của ngài.

Năm 1592, ngài rời quê hương đi Rôma, và không muốn cho ai để ý tới mình, ngài bèn lựa chọn những công việc âm thầm, bên những người nghèo khổ yếu đau và kém may mắn.

Nhận thấy có nhiều trẻ em nghèo phải bỏ học sống lang thang nơi đầu đường xó chợ, ngài quyết định lập một trường học miễn phí cho học sinh và lợi dụng cơ hội đó để giáo dục các em về phương diện đạo đức và luân lý.

Ngài đã tụ tập được một số anh em linh mục có cùng chí hướng lập thành một dòng (1597) chuyên lo việc giáo dục các trẻ em nghèo.

Sau gần 50 năm tận tụy với công việc tông đồ bên cạnh giới lao động, ngài qua đời ngày 25/8/1648, hưởng thọ 92 tuổi.

Ðức Piô XII đã đặt ngài làm quan thầy các trường tư thục Công Giáo.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 27 tháng 8

Thánh Monica (332-387)

pv_chu_thanh_jesusThánh nữ Monica sinh năm 332 trong một gia đình đạo hạnh làng Sucara bên Phi Châu. Với bầu khí đạo đức, Monica sớm trở thành một cô bé ngoan ngoãn và sốt sắng: mỗi bữa ăn cô thường dành một phần cho người nghèo và những lúc nhàn rỗi thường tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện.

Năm 22 tuổi, Monica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi qúy phái, nhưng tính tình ngang tàng, độc ác và tuổi lại gấp đôi. Dù rất khổ tâm nhưng Monica vẫn vui vẻ vâng lời cha mẹ với hy vọng sẽ cứu được một linh hồn. Quả vậy, nhờ lời cầu nguyện và đức kiên nhẫn, Monica đã cải hóa được người chồng và mấy năm sau sinh được ba người con mà Augustinô là con đầu lòng. Dù sống trong một gia đình ngoại đạo, nhưng Monica đã chu toàn sứ mệnh làm mẹ, luôn giáo dục con cái biết yêu mến Chúa, yêu người. Bà luôn yêu thương con cái, nhất là đối với Augustinô. Nhưng càng lớn, Augustinô càng biểu lộ các tính hư tật xấu. Ỷ vào trí thông minh, Augustinô đâm lười biếng. Bị sửa phạt, Augustinô bèn lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy dạy, rồi từ đó ham mê lạc thú, ăn chơi, kiêu căng và ham hố danh vọng. Nhất là từ khi chàng được gửi đi học ở tỉnh thì những làn sóng tội lỗi lại tràn ngập tâm hồn. Rồi chàng lại theo bè rối Manikê chống lại đức tin. Còn gì đau khổ hơn cho Monica khi thấy người con yêu quý của mình ngày càng bước sâu vào con đường tội lỗi. Nhưng tin vào tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa, bà lại càng kiên tâm cầu nguyện và làm các việc lành.

Lời cầu nguyện và nước mắt của Monica đã được Chúa chấp nhận. Sau những thất bại, Augustinô đã tìm đường trở lại cùng Thiên Chúa. Monica vui mừng dâng lời tạ ơn. Ðêm Phục Sinh năm 387, Augustinô đã được lãnh bí tích Rửa Tội do thánh Giám Mục Ambrosiô. Lòng tràn ngập vui sướng, hai mẹ con cùng trở về Phi Châu nhưng bà đã chết bình an trong Chúa năm 387, trong cuộc hành trình ấy.

Xác thánh nữ được mai táng ở Otti. Năm 1430, Ðức Giáo Hoàng Martinô truyền đem về nhà thờ thánh Augustinô ở Rôma.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 28 tháng 8

Thánh Augustinô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (354-430)

pv_chu_thanh_jesus2Augustinô sinh năm 354 tại Thagaste, một làng nhỏ thuộc Bắc Phi. Cha ngài là người ngoại giáo, mẹ ngài là thánh nữ Monica. Nhận thấy Augustinô sáng trí và có nhiều triển vọng nên hai ông bà quyết định cho ngài theo đuổi việc học tới cùng. Nhưng tại kinh thành Carthage, Augustinô bị tiêm nhiễm bởi nếp sống trụy lạc sa đọa và chạy theo những tư tưởng lạc giáo Manikê trái nghịch với đức tin Công Giáo. Mẹ ngài hết sức đau buồn và bà hằng cầu nguyện cho ngài.

Sau những năm đắm mình trong tà thuyết và lạc thú, Augustinô chán ngán và rơi vào một tình trạng cô đơn, sầu muộn tột độ. Chính trong lúc ấy, Chúa đã đến gõ cửa lòng ngài: Chỉ một câu kinh thánh: “Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” đã khiến đời ngài chuyển hướng hoàn toàn. Ngài bắt đầu nghiên cứu giáo lý Công Giáo, theo sự chỉ dẫn của Ðức Cha Ambrosiô và ngài được Rửa Tội năm 387, lúc đó ngài đã 33 tuổi.

Ngài trở lại Carthage (Phi Châu), sống một cuộc đời khổ hạnh và sám hối trong một dòng tu. Sau đó ngài được đề cử làm Giám Mục thành Hyppone. Sự khôn ngoan và thánh thiện của ngài đã giúp cho Giáo Hội Phi Châu tiến triển rất nhiều. Ngài còn để lại những bộ sách quý giá về thần học, minh giáo và chú giải thánh kinh. Trong suốt quãng thời gian làm Giám Mục, ngài còn thể hiện một tinh thần khiêm tốn và tình huynh đệ bác ái tuyệt hảo đối với các linh mục dưới quyền ngài.

Thánh nhân qua đời năm 430, hưởng thọ 76 tuổi.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 29 tháng 8

Kính Nhớ Thánh Gioan Baotixita Bị Chém Ðầu

pv_chu_thanh_jesusSống cuộc đời nhiệm nhặt và can đảm, thánh Gioan Baotixita đã trở nên một tấm gương sáng cho những ai đang đổ máu chiến đấu vì danh Ðức Kitô, đồng thời ngài đã thực hiện được hai con đường thánh thiện mà người tín hữu phải noi theo.

Nếu ngày sinh nhật của ngài cùng với tâm tình thống hối để bước vào mùa vọng là như một lời loan ban ơn cứu độ đã gần đến trong vui mừng và hân hoan, thì ngày hôm nay, cuộc tử nạn của ngài đã nói lên đặc tính của một vị tiên tri hoàn toàn đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. “Ngài đã không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các vua chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý”. Ngài đã tự xóa nhòa trước Thiên Chúa khi thời giờ đã điểm và ngài đã trở nên nhân chứng hào hùng nhất cho niềm tin nơi Ðấng Tối Cao.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*