• Tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không bao giờ được tha-ĐTC Phanxicô
  • Vượt thắng lòng dạ xét đoán người khác-ĐTC Phanxicô
  • Dù giận Thiên Chúa nhưng vẫn cầu nguyện-ĐTC Phanxicô
  • Đừng lãng quên những ơn lành Chúa ban-ĐTC Phanxicô
  • Title 2
  • Title 3

TỘI PHẠM ĐẾN CHÚA THÁNH THẦN THÌ KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC THA

ĐTC Phanxicô

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, Thứ Hai tuần 3 thường niên

Chúa Kitô là vị tư tế tuyệt vời vì Người là Đấng đã dâng hiến một lần cho tất cả để tha thứ tội lỗi chúng ta, bây giờ Người đang chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, và Người sẽ trở lại để đưa chúng ta về với Chúa Cha. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ba giai đoạn trong chức vụ tư tế của Chúa Kitô

Chức vụ tư tế của Chúa Kitô có ba giai đoạn. Trước hết là cứu chuộc. Các tư tế của Cựu Ước thì hiến dâng mỗi năm một lần, còn Chúa Kitô thì hiến dâng một lần cho tất cả để chúng ta được tha tội. Người dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha. Người tái lập vẻ đẹp hài hòa của công trình sáng tạo. Giai đoạn thứ hai là hiện nay, Người cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta đang cầu nguyện ở đây, và Người cầu thay nguyện giúp cho mỗi người chúng ta trước mặt Chúa Cha. Đã bao lần chúng ta xin các linh mục cầu nguyện, vì chúng ta biết rằng, lời cầu nguyện của các linh mục có một sức mạnh nào đó, sức mạnh ấy chính là lễ hy sinh của Chúa Kitô trong thánh lễ. Giai đoạn thứ ba là Chúa Kitô sẽ trở lại để đưa chúng ta về với Chúa Cha.

Đức Kitô tha thứ tội lỗi cho chúng ta, cho từng người, không phải chỉ một lần nhưng là luôn mãi. Hiện giờ Người đang cầu nguyện cho chúng ta, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi Người trở lại, bởi vì “tội phạm đến Chúa Thánh Thần” thì không được tha. Thật khó chịu khi nghe Chúa Giêsu nói những điều này, nhưng điều Chúa nói là sự thật. Chúng ta nghe lại lời Chúa nói: “Quả thật, ta bảo cho các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần thì sẽ không bao giờ được tha” (Mc 3:28.29).

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không bao giờ được tha

Ngay cả Chúa Giêsu là vị Thượng Tế mà cũng đã được sức dầu. Vậy lần sức dầu đầu tiên ấy là khi nào? Đó là khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Trinh nữ Maria. Còn về việc nói phạm đến Chúa Thánh Thần thì là việc gì? Đó là nói phạm đến tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ và sáng tạo. Nếu thế, chẳng lẽ Thiên Chúa không tha thứ cho kẻ xấu hay sao? Không phải thế! Thiên Chúa tha thứ tất cả! Nhưng những người nói phạm đến Thánh Thần là người không muốn được thứ tha, họ đóng cửa lòng trước ơn tha thứ. Những người ấy thật là tệ hại, vì họ phủ nhận Đức Kitô vị Thượng Tế được Chúa Thánh Thần sức dầu để ban ơn tha thứ cho mọi người.

Hãy mở rộng cõi lòng cho sự tuyệt vời của Chúa Kitô Linh Mục

Hôm nay, trong thánh lễ này, thật là tốt để chúng ta nghĩ rằng, ở đây trên bàn thờ này có một ký ức sống động, bởi vì chính Chúa Giêsu đang hiện diện, Đấng đã dâng hiến chính Mình Người cho chúng ta, Đấng đang chuyển cầu cho chúng ta trước Chúa Cha, Đấng sẽ trở lại trong vinh quang. Thánh lễ hôm nay chúng ta nghĩ về những điều thật đẹp. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để tâm hồn chúng ta không bao giờ khép lại – không bao giờ đóng lại! Lòng quảng đại của Thiên Chúa thật tuyệt vời!

Tứ Quyết SJ

VƯỢT THẮNG LÒNG DẠ XÉT ĐOÁN NGƯỜI KHÁC

ĐTC Phanxicô 20 Tháng Giêng 2017

Cần vượt thắng chính mình vì lòng dạ chúng ta thường ích kỷ và xét đoán người khác, và Chúa Giêsu đến để đổi mới tâm hồn chúng ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Với tâm tính ích kỷ, các luật sĩ chỉ biết lên án người khác

Thiên Chúa đổi mới mọi sự từ gốc rễ chứ không phải theo kiểu bề mặt. Luật của Chúa không phải là thứ luật tác động bên ngoài nhưng là đi sâu vào cõi lòng chúng ta và biến đổi tận gốc. Trong giao ước mới, có sự biến đổi trí khôn, biến đổi tâm hồn, biến đổi cảm nhận và biến đổi hành động, và có một cung cách mới để nhìn mọi sự. Có một cung cách hành động với cái nhìn lạnh lùng và đầy ghen tỵ. Nhưng cũng có một thái độ của niềm vui và lòng bao dung.

Giao ước mới sẽ biến đổi tâm hồn và làm cho chúng ta nhìn về luật Chúa với con tim mới, với tâm trí mới. Chúng ta thử nghĩ về các luật sĩ là những người kết án Chúa. Họ làm mọi sự, làm mọi thứ đúng như luật nói, họ nắm quyền trong tay, họ có mọi thứ mọi sự tất cả trong tay. Nhưng lòng trí họ xa cách Thiên Chúa. Đó là lòng trí của sự ích kỷ, vì chỉ biết tập trung vào bản thân mình: tâm hồn họ luôn đi xét đoán và kết án người khác.

Thiên Chúa hay quên vì Ngài tha thứ

Thiên Chúa luôn đi bước trước và chắc chắn là Ngài tha thứ cho chúng ta. Ngài không còn nhớ tội lỗi của chúng ta nữa. Biết bao lần, Ngài không nhớ. Tôi thích suy nghĩ vui đùa một chút về Chúa rằng: “Ngài có một trí nhớ thật là không tốt!”. Điểm yếu của Thiên Chúa chính là Ngài mau quên tội lỗi chúng ta, và khi ấy Ngài tha thứ.

Thiên Chúa quên, bởi vì Ngài tha thứ. Trước một tâm hồn thống hối, Ngài tha thứ và quên hết. Ngài nói: Ta sẽ quên, Ta sẽ không nhớ tội của chúng nữa. Chúa đã tha thứ cho tôi, Chúa đã quên tội tôi, nhưng tôi phải… thay đổi cuộc sống. Giao ước mới đổi mới tôi và đổi đời tôi, không chỉ là thay đổi tâm hồn và trí khôn mà thôi, mà còn biến đổi cuộc đời. Sống không còn tội lỗi, sống xa lánh tội lỗi. Đó là cuộc tái tạo, đó là cuộc sáng tạo mới mà Chúa thực hiện nơi tất cả chúng ta.

Chúa sẽ thay đổi cõi lòng và nếp nghĩ của chúng ta

Khi chúng ta nói, chúng ta thuộc về Chúa, thì các thần tượng khác chẳng còn nghĩa lý gì chẳng còn tồn tại. Biến đổi trí khôn, biến đổi tâm hồn, biến đổi cuộc sống, và biến đổi quyền sở hữu. Chúng ta hãy tiến về phía trước trong giao ước mới với niềm thành tín.

Hãy trung thành với giao ước mới, trung thành với Thiên Chúa để Ngài biến đổi tâm hồn chúng ta. Vị ngôn sứ nói: “Chúa sẽ lấy đi trái tim bằng đá, và thay vào đó bằng trái tim bằng thịt”. Hãy biến đổi tâm hồn và thay đổi cuộc sống! Đừng phạm tội nữa! Không thuộc về thế gian này nhưng chỉ thuộc về Chúa thôi.

Tứ Quyết, SJ

DÙ GIẬN THIÊN CHÚA NHƯNG VẪN CẦU NGUYỆN

ĐTC Phanxicô Lễ tại nhà trọ Martha

Thứ Ba tuần 3 thường niên, 24-1-2017

Làm theo ý muốn của Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta không càm ràm hoặc giận Ngài, điều quan trọng là chúng ta phải sống thực – không giả dối, và rồi cuối cùng chúng ta thưa với Chúa: “Này con đây!”. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Câu chuyện của lời thân thưa “Này con đây!”

Theo bài đọc trích thư gửi tín hữu Do thái, khi đến thế gian, Chúa Kitô nói: “Lạy Cha, của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Ngài không muốn. Thì này con đây, con đến để thi hành thánh ý Cha”. Lịch sử cứu độ chính là câu chuyện về lời thưa “Này con đây!”. Sau khi Adam lẩn trốn vì sợ hãi Thiên Chúa, Chúa đã bắt đầu gọi mời và lắng nghe những lời đáp lại “Này con đây! Con sẵn lòng. Con sẵn sàng.” Những lời ấy được vang lên trong dòng lịch sử qua lời thưa của Abraham, của Mose, Elia, Isaia, Gieremia, cho tới lời thưa xin vâng tuyệt hảo của Mẹ Maria, và chóp đỉnh là lời thưa xin vâng của chính Chúa Giêsu. Lịch sử của lời thưa “Này con đây!” không phải theo kiểu tự động, bởi vì Thiên Chúa ngỏ lời với những ai Ngài mời gọi.

Thiên Chúa luôn luôn trong cuộc đối thoại với những ai mà Ngài ngỏ lời trên con đường này, con đường của tiếng thưa “Này con đây!”. Thiên Chúa hết sức kiên nhẫn. Khi đọc sách ông Gióp, chúng ta thấy tất cả những lời than vãn, những điều không hiểu, những phản ứng, và Chúa đã nói với ông, Chúa sửa đổi tâm hồn ông… và cuối cùng, ông thú nhận: “Vâng. Lạy Chúa, Chúa thật phải lẽ. Lâu nay con chỉ biết Chúa dựa vào những tiếng đồn thổi. Giờ đây mắt con đã nhìn thấy Ngài”. Đó là lời thưa xin vâng, và đời sống Kitô hữu là thế, là thân thưa: Này con đây, con đến để thực thi ý Chúa. Hết lần này đến lần khác… Thật là tuyệt khi đọc Kinh Thánh, vì ở đó chúng ta tìm thấy những lời thân thưa của dân đối với Chúa, đó là những câu trả lời và điều ấy quá đẹp: “Này con đây, con đến để làm theo ý Ngài”.

Đừng bao giờ sống giả vờ trước Thiên Chúa

Làm thế nào để tôi có thể thưa lên lời xin vâng “Này con đây!” đối với Thiên Chúa? Có lẽ tôi giống như Adam, tức là chạy trốn, ẩn núp và không đáp lại. Hoặc là khi Chúa gọi tôi, thay vì thưa lên “Này con đây!” thì tôi lại nói “Chúa muốn gì ở con chứ?”. Hoặc là tôi trốn chạy giống như Giona, ông không muốn làm điều Chúa nói với ông. Hoặc là tôi chỉ giả bộ làm theo ý Chúa, tức là chỉ sống kiểu bề ngoài thôi, giống như các kinh sư và luật sĩ, và Chúa Giêsu đã mắng cho những người như thế là kẻ đạo đức giả. Hoặc là chúng ta sống kiểu “”chọn đường khác mà đi” giống như các thầy Levi và thầy tư tế trong câu chuyện người Samari nhân hậu. Vì thầy Levi và thầy tư tế trong câu chuyện ấy đã bỏ mặc nạn nhân nửa sống nửa chết trên đường, và tránh qua một bên mà đi. Chúng ta đáp lại Thiên Chúa trong cách thức nào?

Dù giận Thiên Chúa thì hãy cứ cầu nguyện

Thiên Chúa thích nói chuyện với chúng ta. Một số người nói với tôi rằng: “Nhưng thưa Cha, nhiều lần khi con đi cầu nguyện, con tức giận với Chúa…” Tôi đáp lại: Đúng thế, nhưng hãy cứ tiếp tục cầu nguyện! Thiên Chúa thích những điều ấy, ngay cả khi bạn giận Ngài, và Ngài sẽ nói về những gì mà bạn đang cảm nhận, được diễn tả trên gương mặt bạn. Ngài yêu mến bạn bởi vì Ngài là Người Cha. Còn bạn, bạn sẽ thân thưa “Này con đây!” Hay là bạn ẩn núp? Hoặc là chạy trốn? Hoặc là sống giả vờ? Hoặc là chọn con đường khác? Mỗi người chúng ta có thể tự đưa ra câu trả lời. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thương ban ân sủng để chúng ta tìm thấy lời đáp của chính mình.

Tứ Quyết, SJ

ĐỪNG LÃNG QUÊN NHỮNG ƠN LÀNH CHÚA BAN

ĐTC Phanxicô

27-1-2017 lễ Thứ Sáu tuần 3 thường niên.

Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi sự hèn nhát, khỏi sự sợ hãi. Chúng ta đừng quên những điều ấy. Chúng ta đã hãy sống với đầy hy vọng, can đảm và kiên nhẫn. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Hãy nhớ lại những ngày đầu tiên ấy

Bài đọc trích thư gửi tín hữu Do thái nói: “Anh em thân mến, anh em hãy nhớ lại những ngày trước”: những ngày đầy lòng nhiệt thành, những ngày tiến tới trong đức tin, những ngày vừa bắt đầu sống đức tin, những ngày phải đương đầu với bao đau khổ lớn lao… Anh em không thể hiểu đời sống Kitô hữu mà không ghi nhớ ký ức. Anh em cũng không thể hiểu đời sống thiêng liêng nếu không ghi nhớ ký ức. Anh em không thể sống đời sống Kitô hữu nếu không ghi nhớ ký ức.

Đó là ký ức về ơn cứu độ của Thiên Chúa trong cuộc sống của bản thân mình. Giữa những chao đảo của cuộc sống, Chúa đã cứu từng người chúng ta. Ký ức ấy là ơn ban và là ơn để nguyện xin. Chúng ta thưa lên: “Lạy Chúa, xin đừng quên dấu ấn của Ngài trong đời con; con sẽ không quên những giây phút sáng tươi cũng như khi tăm tối, những niềm vui và những thập giá”. Các Kitô hữu là những người luôn khắc ghi ký ức trong tâm khảm.

Nhìn tới tương lai với niềm hy vọng

Với niềm hy vọng, chúng ta nhìn tới tương lai. Bạn không thể là Kitô hữu nếu bạn không ghi khắc ký ức, cũng thế bạn không thể sống đời Kitô hữu nếu bạn không nhìn tới tương lai trong niềm hy vọng được gặp gỡ Chúa. Chúa có thể nói: “Một ít lâu nữa…” Ồ, sự sống tựa hơi thở phải không? Đổi thay. Khi một người còn trẻ, người ấy nghĩ rằng vẫn còn nhiều thời giờ phía trước, nhưng cuộc sống dạy cho chúng ta rằng thời gian đang trôi đi. Chẳng bao lâu nữa, tôi hy vọng gặp sẽ Ngài. Đó là cuộc sống luôn giằng co và đong đầy giữa ký ức và hy vọng, giữa quá khứ và tương lai.

Can đảm thoát khỏi tâm hồn nhu nhược

Đừng có tâm hồn co cụm chật hẹp… Có những điều răn dành cho mọi người. Điều ấy là phải, nhưng đừng để cho các điều răn ấy bóp nghẹt bạn. Vì nếu không cẩn thận, các điều luật sẽ lấy mất khỏi bạn những ơn phúc và hy vọng. Bạn đừng lãng quên biết bao ơn lành đã lãnh nhận. Hãy ghi khắc vào tâm can và bước đi với niềm hy vọng.

Cái hiện tại của người Kitô hữu tựa như một người đi trên đường và gặp cơn mưa bất chợt. Vì người ấy không đem theo áo đủ tốt, nên khi bị mưa làm cho ướt, người ấy co rúm lại… Và có những tâm hồn co rúm co cụm như thế… Đó là sự nhát đảm. Sự nhát đảm ấy làm cho chúng ta mất ký ức, mất hy vọng, mất đi lòng dũng cảm. Còn Thiên Chúa, Ngài tăng sức cho chúng ta mỗi ngày, để giúp chúng ta có một ký ức sống động, một niềm hy vọng lớn mạnh. Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự nhu nhược nhát đảm, khỏi nỗi sợ hãi, khỏi sự co cụm của một tâm hồn chỉ lo tự vệ. Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất.”

Tứ Quyết, SJ

Tab 2 content place
Tab 3 content place

[/fruitful_tabs]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*