• Thánh Justinô Tử Ðạo - ngày 01 tháng 6
  • Thánh Giuse Túc - ngày 01 tháng 6
  • Thánh Ða Minh Ninh - ngày 02 tháng 6
  • Thánh Carôlô Lwanga và Các Bạn - ngày 03 tháng 6
  • Thánh Phaolô Ðổng - ngày 03 tháng 6
  • Thánh Bonifaciô - ngày 05 tháng 6
  • Thánh Luca Loan - ngày 05 tháng 6
  • Thánh Ða Minh Toái và Huyện - ngày 05 tháng 6
  • Thánh Nôbertô - ngày 06 tháng 6
  • Thánh Phêrô Dũng, Thuần và Dương - ngày 06 tháng 6
  • Thánh Êphrem - ngày 09 tháng 6
  • Thánh Barnabê Tông Ðồ - ngày 11 tháng 6
  • Thánh Augustinô Huy, Thể và Đạt - ngày 12 tháng 6
  • Thánh Antôn Pađua - ngày 13 tháng 6
  • Thánh Ða Minh Nguyên, Nhi, và Tường - ngày 16 tháng 6
  • Thánh Phêrô Ða - ngày 17 tháng 6
  • Thánh Romualđô - ngày 19 tháng 6
  • Thánh Pauline - ngày 20 tháng 6
  • Thánh Louis Gonzague - ngày 21 tháng 6
  • Thánh Paulinô - ngày 22 tháng 6
  • Thánh Gioan Fisher - ngày 22 tháng 6
  • Thánh Tôma More - ngày 22 tháng 6
  • Sinh Nhật Thánh Gioan Baotixita - ngày 24 tháng 6
  • Thánh Ða Minh Minh và Chiểu - ngày 26 tháng 6
  • Thánh Cyrillô - ngày 27 tháng 6
  • Thánh Tôma Toán - ngày 27 tháng 6
  • Thánh Irênê - ngày 28 tháng 6
  • Thánh Phêrô Và Phaolô Tông Ðồ - ngày 29 tháng 6
  • Các Thánh Tử Ðạo Tiên Khởi - ngày 30 tháng 6
  • Thánh Vinh Sơn Yến - ngày 30 tháng 6

Ngày 01 tháng 6

Thánh Justinô Tử Ðạo

pv_chu_thanh_jesusJustinô sinh ra trong một gia đình Hy Lạp tại Naplousse, trong xứ Syria Palestina.

Mặc dù sống trong bầu khí ngoại giáo, ngài vẫn khao khát được tìm biết Thiên Chúa chân thật. Ước vọng đó kèm theo một óc suy luận và tra cứu đã khiến ngài hiểu tất cả các triết đương thời như pháo Khắc Kỷ, Pythagore, Platon…, nhưng tất cả đều không làm ngài thỏa mãn.

Một lần kia, tình cờ ngài gặp một ông lão lạ mặt. Qua cuộc đàm thoại, ông lão chỉ vẽ cho ngài con đường ngay thật để tìm đến Thiên Chúa: đó là học hỏi qua Thánh Kinh. Nghiền ngẫm lời cụ già, ngài bắt đầu mở Thánh Kinh. Nhờ ơn Chúa soi sáng, ngài đã cảm phục và say mê các giá trị luân lý của đời sống Kitô Giáo. Cuối cùng, ngài đã được Rửa Tội để lãnh nhận một đức tin như những người Công Giáo khác.

Tự thâm tâm, ngài nhận thấy mình có bổn phận phải rao truyền lời Chúa. Những kiến thức uyên thâm của ngài đã làm cho những người đối thoại phải đuối lý. Nổi danh nhất là cuộc đối chất với Tryphon, một học giả Do Thái. Ngài đã trưng ra tất cả bằng chứng thánh kinh để minh xác Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế. Nhờ những buổi diễn thuyết, những cuộc đối thoại của ngài, rất nhiều người đã trở lại đạo Công Giáo.

Năm 138, vua Antonin Pieux đã mở màn một cuộc bách hại tàn khốc. Thánh Justinô đã mạnh dạn đứng ra bệnh vực giáo hữu. Ngài dùng ba tấc lưỡi cố gắng đòi cho được quyền tự do tín ngưỡng. Tiến đến triều đại Marc Autèle, cuộc bách hại càng gắt gao hơn. Với ý chí sắt đá, ngài đã quyết bảo vệ chân lý.

Sau cùng, vì những thất bại chua cay, lương dân đã nộp ngài cùng một số bạn hữu và tống giam vào ngục. Khuyên nhủ ngài không được, năm 165, họ đã kết án tử hình ngài.

Năm 1882, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII đã phổ biến lễ kính ngài trên toàn Giáo Hội, đặt ngài làm quan thầy các tâm hồn ngay chính.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 01 tháng 6

Thánh Giuse Túc, Giáo Dân (+1862)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Giuse Túc đang tuổi hoa niên, vì trung thành với đức tin, không tuân theo chiếu chỉ của vua Tự Ðức buộc mỗi người phải bước qua Thánh Giá, nên đã bị bắt giam và bị trảm quyết tại Nam Ðịnh ngày 01/6/1862.

Ðức Thánh Cha Piô XII đã tôn ngài lên bậc Chân Phước ngày 29/4/1951.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 02 tháng 6

Thánh Ða Minh Ninh, Giáo Dân (+1862)

pv_chu_thanh_jesusThánh Ða Minh Ninh là một nông dân, thuộc địa phận Trung. Dù mới 21 tuổi nhưng đầy lòng nhiệt thành và đạo đức. Sau khi bị bắt, vì ngài không chịu bước qua Thánh Giá, nên bị lên án tử hình và chịu trảm quyết tại An Triêm (Nam Ðịnh) ngày 02/6/1862.

Ðức Thánh Cha Piô XII đã tôn phong ngài lên hàng Chân Phước ngày 29/4/1951.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 03 tháng 6

Thánh Carôlô Lwanga Và Các Bạn Tử Ðạo (+188)

pv_chu_thanh_jesusHai mươi hai thánh tử đạo da đen ở Ouganda đã làm chúng ta sống lại thời các thánh Tông Ðồ. Những hình khổ thật tàn nhẫn: ném đá, làm mồi cho thú dữ, chém đầu v.v… Trong hai mươi vị, có 13 vị thiêu sống trong những giỏ mây. Các ngài thuộc đủ mọi hạng tuổi: Matthias Kalenba 5 tuổi, Kitô 13 tuổi, những vị lớn hơn khoảng 16 đến 24 tuổi.

Sự phát triển của Giáo Hội Ouganda ngày nay đã minh chứng cho kết quả của các hy sinh của các ngài. Thật đúng với câu: “Máu vị tử đạo là hạt giống của các Kitô hữu”.

Lwanga luôn khích lệ tinh thần anh em và cùng họ cầu nguyện liên lỉ. Bốn vị trong số các ngài chưa chịu phép thánh tẩy đều được Lwanga Rửa Tội trước khi chịu khổ hình.

Mừng kính các ngài, chúng ta cũng nhìn lại chính mình: Chúng ta cũng là con cháu các thánh tử đạo, nhưng chúng ta đã sống đúng gương sáng của cha ông chúng ta chưa, và máu các ngài đổ ra có làm đức tin nảy mầm tươi tốt trong tâm hồn chúng ta không?

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 03 tháng 6

Thánh Phaolô Ðổng, Giáo Dân (+1862)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Phaolô Ðổng là một giáo dân đạo đức và đầy thế giá trong xứ Vực Ðường, nhưng vì không tuân theo chiếu chỉ của vua Tự Ðức, buộc phải đạp qua Thánh Giá để tỏ ra chối đạo, nên đã bị tống giam. Ngài luôn luôn giữ vững đức tin dù nhiều lần bị đánh đập tàn nhẫn và thân thể mang đầy thương tích. Ngài đã anh dũng chống lại bọn lính khi họ định khắc trên má hai chữ “tả đạo”.

Thay vào đó, ngài đã nhờ bạn tù khắc hai chữ “chính đạo” trên má mình. Ngài bị bỏ đói nhiều ngày và sau cùng bị lên án tử hình. Ngài chịu trảm quyết tại Nam Ðịnh ngày 03/6/1862.

Ðức Thánh Cha Piô XII đã phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 29/4/1951.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 05 tháng 6

Thánh Bonifaciô, Giám Mục Tử Ðạo (680-755)

pv_chu_thanh_jesusBonifaciô tên thật là Winfrid sinh khoảng 680 tại Kirton, nước Anh. Lớn lên trong bầu khí đạo đức thánh thiện sẵn có của gia đình, nhất là nhờ ảnh hưởng của những tu sĩ truyền giáo quen biết, chẳng bao lâu Bonifaciô ngỏ ý xin đi tu dòng. Tại đây, Bonifaciô được Bề Trên và bạn đồng học quý chuộng vì lòng đạo đức và sự minh mẫn hiếm có. Ngài thụ phong linh mục năm 30 tuổi và được cử làm giáo sư tu viện.

Nhưng ý Chúa nhiệm màu muốn đặt ngài vào nhiệm vụ truyền bá Tin Mừng cho dân tộc Ðức. Năm 716, nhờ lòng hăng say, ngài đã vượt qua mọi hiểm nguy, cấm cách hay sự chống đối của những người tà giáo và đem nhiều linh hồn về cùng Chúa. Ðể thưởng công lao truyền giáo nhiệt thành và đồng thời để công cuộc truyền giáo của ngài đạt kết quả hơn, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô II đã tấn phong ngài làm Giám Mục và sau đó đặt ngài làm Tổng Giám Mục Mayence nước Ðức năm 747.

Mặc dù tuổi già sức yếu, Ðức Cha Bonifaciô vẫn tận tâm với việc truyền giáo. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn người đã được chịu phép Rửa Tội. Trước thành quả lớn lao đó, nhiều thủ lãnh ngoại giáo đem lòng ghen ghét và tìm dịp ám hại ngài.

Mùa hè năm 755, đang lúc sửa soạn cử hành nghi lễ Rửa Tội cho một số tân tòng thì đột nhiên có những người võ trang đổ xô tới đâm chém ngài. Xác ngài được đưa về an táng tại tu viện Fulda. Chúa đã làm nhiều phép lạ trên mộ ngài.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 05 tháng 6

Thánh Luca Vũ Bá Loan, Linh Mục (+1840)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Luca Vũ Bá Loan sinh năm 1756 tại Trại Bút, thuộc xứ Bút Ðông. Lớn lên Ngài dâng mình cho Chúa, và năm 1798 mọi người đều biết Ngài là một vị linh mục thánh thiện, sống khiêm nhường và khó nghèo, Ngài đã làm việc tại các xứ Nam Sang, Kẻ Vồi, và coi xứ Kẻ Sở cho tới khi bị bắt. Khi đi làm phúc tại họ Kẻ Chuồn, Ngài bị bắt và đòi chuộc tiền rất nặng. Hôm đó là ngày 10 tháng 1 năm 1840, thời Vua Minh Mạng. Nhưng rồi chuyện đến tai quan trên, Ngài bị giải về huyện Phú Xuân; mười lăm ngày sau lại bị điệu về Hà Nội. Vì già yếu, Ngài được đối xử tử tế, nhưng cũng phải mấy lần tra vấn và dụ dỗ bỏ đạo. Là vị chủ chăn, Ngài luôn luôn giữ vững đức tin và ước ao phúc tử đạo. Do đó, Ngài bị đóng gông mang xiềng và bị lên án tử hình, dù luật nhà nước cấm xử tử người già 60 tuổi trở lên.

Triều đình chuẩn y và gởi trả bản án về tỉnh. Mãi chiều ngày 4-6-1840 bản án tử hình mới tới Hà Nội. Sáng hôm sau, tức 5 tháng 6 năm 1840, Ngài bị điệu đi xử trảm ở Ô Cầu Giấy.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 05 tháng 6

Thánh Ða Minh Toái Và Ða Minh Huyện, Giáo Dân (+1862)

pv_chu_thanh_jesusHai thánh Ða Minh Toái và Ða Minh Huyện đều là ngư phủ, thuộc làng Ðông Thành. Cả hai bị bắt vì tin theo đạo Công Giáo, và bị tống giam. Trong ngục, các ngài đã nêu gương đức tin sống động, và khích lệ các bạn tù luôn can đảm, sẵn sàng chịu cực hình vì Chúa Kitô.

Cả hai đã bị thiêu sinh tại Nam Ðịnh ngày 05/6/1862, ngày vua Tự Ðức ký hòa ước Nhâm Tuất với Pháp buộc chấm dứt cuộc bách hại.

Ðức Thánh Cha Piô XII đã tôn phong hai vị kể trên lên bậc Chân Phước ngày 29/4/1951.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 06 tháng 6

Thánh Nôbertô, Giám Mục Lập Dòng (1085-1134)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Nôbertô sinh tại Phenanie vào năm 1085 trong một gia đình quyền quý. Ngay từ bé, Nôbertô đã được dạy dỗ cẩn thận mong sau này nối nghiệp cha. Nhờ sự chăm chỉ và óc thông minh sẵn có, chẳng bao lâu cậu tốt nghiệp và được tuyển vào làm việc tại triều đình hoàng đế Henri V.

Giàu sang danh vọng không làm thỏa mãn tâm hồn muốn khao khát một cái gì tuyệt đối vĩnh cửu. Nhận được tiếng Chúa gọi, Nôbertô đã từ bỏ tất cả để dâng mình cho Chúa trong tu viện. Sau khi nhận lãnh chức linh mục, ngài đã hăng say rao giảng Phúc Âm và đem nhiều người về cùng Chúa. Ðiểm nổi bật nhất nơi thánh nhân là tinh thần nghèo khó vì nước trời. Nhờ lòng hy sinh và nhiệt thành, ngài đã cải hóa được nhiều tâm hồn tội lỗi. Vâng lệnh Ðức Giáo Hoàng Calixtô II, ngài đã thiết lập tu viện tại miền Premontré năm 1120. Ðời sống ngài rất nhiệm nhặt và chuyên về cầu nguyện.

Ít lâu sau, ngài phải rời bỏ tu viện và đi nhận chức Giám Mục tại địa phận Mardebourg năm 1126. Trong nhiệm vụ mới này, ngài phải đương đầu với rất nhiều khó khăn: chấn hưng lại nền luân lý đang bị suy đồi, bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội trước sự đàn áp của những người quyền thế. Về luân lý, ngài đặc biệt lưu tâm đến vấn đề độc thân của linh mục. Nhiều lần Chúa đã cứu ngài khỏi những âm mưu sát hại. Ngài đã giúp Ðức Innôcentê II cách đắc lực trong công đồng Reims và đương đầu với nhóm ly giáo Pierre de Léon.

Sau cùng vì quá mệt mỏi với công việc, ngài đã ngã bệnh và qua đời ngày 06/6/1134 tại Mardebourg.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 06 tháng 6

Thánh Phêrô Dũng, Phêrô Thuần Và Vinh Sơn Dương, Giáo Dân (+1862)

pv_chu_thanh_jesusHai thánh Phêrô Dũng và Phêrô Thuần làm nghề chài lưới, quê tại Ðông Phủ. Thánh Vinh Sơn Dương, quê ở Doãn Trung, sinh sống bằng nghề nông. Cả ba cùng bị bắt vì đạo, và vì nhất quyết không bỏ đạo nên bị thiêu sinh ngày 06/6/1862 tại Nam Ðịnh.

Ðức Thánh Cha Piô XII đã tôn phong các ngài lên bậc Chân Phước ngày 29/4/1951.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 09 tháng 6

Thánh Êphrem, Phó Tiến Sĩ Hội Thánh (308-373)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Êphrem sinh năm308 tại Nisible nước Syria. Từ khi còn nhỏ, ngài đã bị cha đuổi ra khỏi gia đình vì ngài có cảm tình với đạo Công Giáo, ngài đến với Ðức Cha Giacôbê học đạo và chịu phép Rửa. Vì sự tiến triển quá mau chóng về đường tu đức và học vấn, Ðức Cha đã trao cho ngài giữ chức vụ giáo sư thần học tại Nisible, miền Mésopotamia, và ít lâu sau phong chức phó tế cho ngài. Vì sự khiêm tốn, ngài xin từ chối không lãnh chức linh mục. Nhờ khôn ngoan, thông minh và đạo đức, ngài đã được mang danh hiệu Tiến Sĩ Giáo Hội ngay khi ngài còn sống. Ngài có lòng mộ mến Ðức Maria Vô Nhiễm cách đặc biệt.

Ngài cũng là một nhà chiêm niệm với nếp sống khổ hạnh, một tiến sĩ với những lời giảng thuyết cao sâu cũng như những bài giáo lý bình dị cho đại chúng. Hơn nữa ngài còn là một thi sĩ với danh hiệu “Cây đàn của Chúa Thánh Linh”. Ngài đã dùng thơ văn trong việc giảng dạy Phúc Âm. Dưới hình thức Thánh Vịnh, ngài đã chuyển đạt cho dân chúng những bài học dễ hiểu và dễ nhớ. Những bài thơ của ngài đầy ý vị diễn tả tình yêu đối với Chúa Giêsu và Ðức Mẹ Maria.

Năm 363, Nisible bị rơi vào tay người Ba Tư, ngài phải chạy về Edesse (Mésopotamia) và chết ở đó ngày 16/6/373.

Năm 1920, Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XV đã tuyên phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 11 tháng 6

Thánh Barnabê Tông Ðồ

pv_chu_thanh_jesusThánh Barnabê gốc Do Thái, thuộc chi họ Lêvi nhưng sinh ra tại đảo Chypre. Ngài có dịp nghe Chúa giảng và trở nên một trong số 72 môn đệ đầu tiên. Sau khi chúa Giêsu sống lại và lên trời, Barnabê vâng lệnh các tông đồ đi giảng Phúc Âm tại Antiokia, một địa điểm truyền giáo thịnh vượng nhất thời bấy giờ. Ðược đầy Chúa Thánh Thần và nhờ tài lợi khẩu, ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với Thiên Chúa. Ngài đã tìm và mời thánh Phaolô tới giảng dạy với ngài tại đây. Sau đó, các ngài trở lại Giêrusalem mang theo món tiền quyên được và trao cho các kỳ mục cùng gặp gỡ các vị tông đồ khác.

Nhưng ý Chúa muốn trao phó cho Barnabê và Phaolô sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, nên các ngài đã trẩy đi Séleucie và Chypre. Các ngài được dân bản xứ đón tiếp và tin theo. Tuy nhiên, một vài nơi, có những người Do Thái thủ cựu ghen tuông đã thốt ra nhiều lời ngạo mạn đối với các ngài.

Các ngài cũng được Chúa ban quyền làm nhiều phép lạ: chữa các bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại… để củng cố niềm tin của tân tòng. Hoạt động của các ngài được ghi lại trong sách Công Vụ Sứ Ðồ.

Thánh Barnabê cùng với Marcô ở lại Chypre tiếp tục giảng đạo và lãnh phúc tử đạo tại đây. Chính những người Do Thái từ Syria âm mưu xúi dân ném đá và xử tử ngài.

Năm 488, đời hoàng đế Zenon, người ta đã tìm được hài cốt thánh Barnabê tại Salamine, đảo Chypre.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 12 tháng 6

Thánh Augustinô Phan Viết Huy, Binh Sĩ; Nicôlao Bùi Ðức Thể, Binh Sĩ; Và Ða Minh Ðạt, Binh Sĩ (+1839)

pv_chu_thanh_jesus2Ba thánh Augustinô Phan Viết Huy, người làng Hạ Ninh, Nocôlao Bùi Ðức Thể quê tại Kiên Trung và Ða Minh Ðạt sinh quán Phú Nhai đều là binh sĩ thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Ðời sống của ba đấng thật bình thường, nhưng nhờ ơn Chúa, các ngài đã được phúc tử đạo.

Ðầu năm 1838, quan tổng đốc Nam Ðịnh Trịnh Quang Khanh mở tiệc khoản đãi khoảng 500 binh sĩ Công Giáo trong các cơ đội thuộc quyền, với ý đồ xúi giục bỏ đạo. Vì sợ bị kìm kẹp, gông xiềng tù ngục và tra tấn, hầu hết đã quá khóa, cuối cùng chỉ còn có ba người là quyết giữ vững đức tin nơi Thiên Chúa. Liền đó, các ngài phải mang gông xiềng nặng nề, chịu đánh đập, phơi nắng mưa và chịu sỉ nhục nhiều tháng. Có lần bị lính ào tới lôi các ngài qua Thánh Giá, thánh Augustinô Huy đã phân phô: “Các ông cưỡng bách được thân xác tôi, khiến chân tôi chạm Thánh Giá, nhưng các ông tưởng cũng lay chuyển được ý chí của tôi sao? Bao lâu ý tôi không đồng tình thì việc các ông bắt ép tôi không có hiệu quả gì hết”. Ðến tháng 20/1838, trước đức tin sắt đá của các ngài, các quan đã phải lên án tử hình và gửi vào kinh xin châu phê, nhưng vua Minh Mạng không nghe, bắt tìm mọi cách để buộc các ngài bỏ đạo.

Tổng đốc Trịnh Quang Khanh liền ra lệnh đem cha, mẹ, vợ, con, họ hàng và chức sắc các làng thuộc quê quán các ngài tới công đường, rồi dọa sẽ ra cực hình nếu nếu họ không dụ được các vị này bỏ đạo. Dù đây là một đòn tâm lý ác độc, nhưng các ngài luôn khích lệ nhau trung thành với Chúa cho đến chết. Âm mưu sau cùng là tách mỗi vị một nơi để cho mọi người dễ dàng xúi giục bỏ đạo.

Một tháng sau, ngài lại phải ra trước công đường, nhưng không hề bị lay chuyển. Quan tòa liền truyền đánh đòn một kỳ hào thuộc làng của Chân Phước Nicôlao Thể. Do đó vì tình ruột thịt làng nước và để tránh cho mọi người khỏi bị tàn sát, ba đấng đều phải lần lượt quá khóa. Quan tổng đốc liền trả tự do và ban cho mỗi vị 10 quan tiền.

Nhưng sau khi được trả tự do, bị lương tâm cắn rứt còn khổ hơn những hình phạt thân xác phải chịu, nên các ngài đã ăn năn thống hối, đi xưng tội và trở lại Nam Ðịnh tìm gặp quan tổng đốc. Các ngài ném trả tiền cho quan thượng, cùng tuyên xưng đức tin Công Giáo và sẵn sàng chết vì Chúa. Tổng đốc Trịnh Quang Khanh giận dữ nhưng vẫn cố tình làm ngơ đuổi các ngài về và trao cho hương chức coi chừng.

Các ngài bàn với nhau phải vào tận kinh đô xưng đức tin để chuộc lại tội cũ và cất đi gương xấu đã làm. Tháng 5/1839, hai thánh Augustinô Huy và Nicôlao Thể vào tới kinh đô, còn thánh Ða Minh Ðạt vì mắc công vụ phải ở nhà nhưng luôn đồng một lòng với hai bạn.

Ðã hai lần dâng sớ biện minh đức tin không được chấp nhận, hai thánh Augustinô Huy và Nicôlao Thể lợi dụng dịp vua Minh Mạng ngự giá ngoài thành hóng mát và quan sát dân tình, để bày tỏ nỗi lòng, vua truyền thu tờ sớ ký tên ba đấng, và khi biết nội dung, ngài liền nổi giận ra lệnh tống giam hai đấng tại kinh. Trong tù, dù chịu tra tấn đòn vọt, được khuyên dụ ngon ngọt với bả vinh hoa, hai đấng vẫn một lòng kiên trung giữ đạo thánh. Cuối cùng vua Minh mạng phải ra án tử cho hai ngài và truyền bỏ xác xuống biển. Ngày 12/6/1839, thánh Augustinô Huy và ngày hôm sau thánh Nicôlao Thể, cả hai cùng chịu lăng trì, xác bị quăng xuống biển tại cửa Húc Tuần (Thừa Thiên).

Thánh Ða Minh Ðạt rất vui mừng khi được tin hai bạn đã can đảm đổ máu vì Chúa và mình cũng sẽ được chung số phận. Ngài bị bắt giải về Nam Ðịnh và chịu xử giảo ngày 18/7/1839.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã phong các ngài lên hàng Chân Phước tử đạo ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 13 tháng 6

Thánh Antôn Pađua, Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1195-1231)

pv_chu_thanh_jesusAntôn Pađua sinh năm 1195 tại Lisbonne thủ đô nước Bồ Ðào Nha, trong một gia đình quyền quý và đạo đức. Vốn được giáo dục theo tinh thần Phúc Âm nên ngài sớm ý thức được việc dâng mình cho Chúa.

Ðầu tiên, ngài nhập dòng thánh Augustinô và được chịu chức linh mục tại đó. Cảm thấy lý tưởng sống khiêm tốn và khắc kỷ hợp với mình hơn và nhất là ngài ao ước được truyền giáo cho dân ngoại và được tử đạo, nên ngài xin gia nhập dòng Phanxicô năm 1220. Tại đây, ngài được Bề Trên sai đi truyền giáo cho dân Sarrasins ở Phi Châu, thể theo ý nguyện của ngài.

Nhưng ý Chúa quan phòng lại định liệu cách khác. Vừa tới Phi Châu, ngài ngã bệnh nặng và phải trở về điều trị. Trên đường về quê, tàu ngài bị bão thổi dạt vào đảo Sicile thuộc nước Ý và ngài ở lại nhà dòng tại Monte Paulo.

Nhờ gương đạo đức và tài giảng thuyết, ngài được Bề Trên cử đi giảng khắp nơi và lo việc huấn luyện các tu sĩ trong dòng. Bất cứ ở đâu, lời giảng của ngài đều có sức lôi cuốn nhiều người đến nghe. Chúa còn minh xác lời ngài bằng nhiều phép lạ. Không những tại Ý, mà tại đất Pháp, ngài làm việc không biết mệt mỏi. Và người ta đã ghép cho ngài tên “Hòn Bia giao ước” và “Cái búa của bọn lạc giáo”.

Ngài trở về Pađua một năm trước khi chết. Ngài nổi tiếng vì công đức và các phép lạ đã làm. Ngày 13/6/ 1231, ngài về an nghỉ trong Chúa, hưởng thọ 36 tuổi.

Năm 1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 16 tháng 6

Thánh Ða Minh Nguyên, Ða Minh Nhi, Ða Minh Mạo, Vinh Sơn Tường Và Anrê Tường, Giáo Dân (+1862)

pv_chu_thanh_jesus2Các ngài là năm nông dân giàu có thuộc tỉnh Nam Ðịnh, địa phận Trung, cùng bị bắt và bị tống giam một nơi. Trong tù, các ngài đã dành nhiều thì giờ để cầu nguyện. Liên tiếp trong hai ngày 15 và 16/6/1862, các ngài bị tra tấn và bị ép buộc chối đạo theo chiếu chỉ của vua Tự Ðức, nhưng thánh Ða Minh Mạo đã trả lời thay các bạn: “Tại sao ngài lại thử thách chúng tôi? Các ngài tưởng chúng tôi là trẻ nít vì sợ hình khổ, nên sẽ nghe theo lời quyến rũ mà chối bỏ Thiên Chúa sao?”. Trước những lời anh hùng đó, các ngài đã bị kết án tử hình, và cùng chịu trảm quyết ngay ngày 16/6/1862.

Ðức Thánh Cha Piô XII đã tôn phong năm vị lên bậc Chân Phước tử đạo ngày 29/4/1951.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

16/6 – Thánh Gioan Phanxicô Regis, Linh mục (1597-1640)

pvct_T06_June16_clip_image002Sinh trong một gia đình khá giả, nhưng Gioan Phanxicô ảnh hưởng giáo dục của các tu sĩ Dòng Tên nên khao khát vào tu dòng này. Ngài đã thực hiện ý nguyện này lúc 18 tuổi. Sau khi thụ phong linh mục, ngài đi truyền giáo tại nhiều thành phố ở Pháp quốc. Lm Regis đặc biệt thương giúp người nghèo. Ngài dành buổi sáng để cử hành thánh lễ và giải tội, buổi chiều ngài đi thăm những người tù và các bệnh nhân. Nội chiến Pháp kéo dài, thiếu vắng giáo sĩ, giáo dân không được nhận lãnh các bí tích, Tin Lành thịnh hành ở nhiều nơi. Cha Regis đi khắp giáo phận, hướng dẫn mục vụ trước khi ĐGM đến. Ngài hoán cải được nhiều người và đem nhiều người trở lại với lòng đạo đức. Lm Regis muốn đi truyền giáo cho những người Ấn Độ gốc Bắc Mỹ ở Canada. Bốn năm cuối đời, ngài giảng đạo và tổ chức các dịch vụ xã hội, đặc biệt cho các tù nhân, bệnh nhân và người nghèo. Mùa Thu năm 1640, ngài cảm thấy cuộc đời ngài sắp hết. Ngài ổn định một số công việc và chuẩn bị từ giã thế gian bằng cách nói với người ta về Thiên Chúa yêu thương họ. Cả ngày 31-12, ngài luôn ngước mắt nhìn lên Thánh giá. Ngài qua đời vào chiều tối hôm đó. Lời cuối của ngài: “Con xin phó thác hồn con trong tay Chúa”. Ngài được phong thánh năm 1737.

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)

Ngày 17 tháng 6

Thánh Phêrô Ða, Giáo Dân (+1862)

pv_chu_thanh_jesusDưới triều Tự Ðức, lệnh cấm đạo ngày càng gắt gao, thánh Phêrô Ða, một giáo dân đạo hạnh, quê ở Ngọc Cục thuộc địa phận Trung, mặc dầu đã 60 tuổi, vẫn bị bắt và bị lưu đày. Cuối cùng, ngài bị lên án tử hình và bị thiêu sinh vì đạo thánh ngày 17/6/1862 tại Nam Ðịnh.

Ðức Thánh Cha Piô XII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 29/4/1951.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

17/6 – Thánh Giuse Cafasso, Linh mục (1811-1860)

pvct_T06_June17_clip_image002Khi còn trẻ, Giuse Cafasso đã thích tham dự thánh lễ, sống khiêm nhường và cầu nguyện nhiều. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm về chủng viện tại Turin. Tại đây ngài cố gắng chống lại tà thuyết Jansen (*), vì thuyết này quan tâm thái quá tới tội lỗi và sự nguyền rủa. Ngài dùng các tác phẩm của thánh Phanxicô Salêsiô và thánh Anphongsô Liguori để chấn chỉnh sự nghiêm khắc trong chủng viện. Ngài giới thiệu các thành viên Dòng Ba Phanxicô với các linh mục. Ngài thúc đẩy lòng sùng kính Thánh Thể và khuyến khích rước lễ hàng ngày. Ngoài nhiệm vụ dạy học, ngài còn là người giảng phòng và giảng thuyết tài ba. Nhiều tù nhân được ngài giúp đỡ và ra đi an bình trong Chúa. Thánh Gioan Bosco là học trò của thánh Giuse Cafasso. Thánh Giuse Cafasso thúc giục thánh Gioan Bosco thành lập Dòng Salediêng để làm việc với giới trẻ ở Turin. Ngài được phong thánh năm 1947. ——————————————————————— (*) Jansenism: Thuyết Gian-sen của thần học gia Công giáo Cornelis Jansen (1585–1638), phủ nhận ý tự do và cho rằng bản chất con người hư hỏng, còn Chúa Kitô chỉ chết cho những người được chọn chứ không chết cho mọi người. Giáo hội Công giáo kết án thuyết này là lạc giáo [1650-60]. Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)

Ngày 19 tháng 6

Thánh Romualđô, Tu Viện Trưởng (+ 1027)

pv_chu_thanh_jesus2Romualđô xuất thân từ một gia đình quý tộc bên Ý. Khi còn là thanh niên, ngài rất thích đi săn bắn. Chính những cuộc săn đuổi thú rừng đã đem tâm hồn ngài lại gần với thiên nhiên và thúc đẩy khuynh hướng sống đời tịch liêu hoàn toàn. Nhân lúc buồn vì cảnh gia đình, ngài trốn vào tu trong dòng Bênêđictô tại Classa. Một thời gian sau, ngài được mặc áo dòng. Từ đó, Romualđô tiến nhanh trên đường nhân đức và nên gương mẫu cho anh em trong dòng.

Sau ba năm sống trong tu viện Bênêđictô, ngài lại đi tìm nếp sống khổ hạnh hơn trong sa mạc bên cạnh Marinô, bậc thầy khả kính. Ngày ngày, thầy trò đi dạo dưới lùm cây và hát thánh vịnh. Mỗi tuần chỉ ăn có ba ngày. Lương thực là một miếng bánh mì và một nắm đỗ. Nhưng sau ba năm, ngài muốn trở về cải tổ các tu viện Bênêđictô đang sa sút trầm trọng. Chính ngài đã sửa đổi và xây thêm hàng trăm tu viện. Rất nhiều người bỏ cuộc sống trần tục theo ngài vào tu trong rừng.

Thấy ngài sống thánh thiện, nhiệm nhặt, ma quỷ tìm hết cách tấn công, nhưng ngài vẫn quyết dùng khí giới là lời cầu nguyện để dẹp yên bọn chúng. Một vài anh em trong dòng cũng khó chịu vì đời sống bác ái yêu thương của ngài đối với người nghèo.

Ít lâu sau, thể theo lời của hoàng đế Othon III và sự yêu cầu của các thầy, ngài về làm Bề Trên tu viện Classa. Cảm mến nhân đức của ngài, nhiều ông hoàng đã xin vào tu trong dòng. Ngài ước ao đi truyền giáo bên Hung Gia Lợi, nhưng ý Chúa không muốn, ngài lại tìm đến một nơi trong hoang địa để kết liễu cuộc đời tận hiến. Tại đây ngài sống hoàn toàn trong yên lặng, cầu nguyện, ăn chay và đánh tội.

Năm 1009, ngài biết ý Chúa muốn cho ngài thành lập một tu viện mới, nên ngài đến xin một bá tước miền núi Apennin mảnh đất để bắt tay vào việc. Nơi đây nghiễm nhiên trở thành trung tâm những tu viện của ngài. Các Ðức Giáo Hoàng kính nể, ban nhiều đặc ân và bảo vệ bộ luật dòng ngài.

Ngài qua đời vào mùa hè năm 1027, thọ 120 tuổi. Giáo Hội mừng lễ ngài vào ngày 19/6 mỗi năm.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

19/6 – Thánh Romuald, Linh mục (950?-1027)

pvct_T06_June19_clip_image002Sau khi phung phí tuổi trẻ, Romuald chứng kiến cha mình giết một người thân vì cảnh nghèo túng. Sợ quá, ngài trốn vào tu viện gần Ravenna ở Italy. Sau 3 năm, vài tu sĩ phát hiện ngài và giúp đỡ ngài. 30 năm kế tiếp, ngài đi khắp nước Ý, mở nhiều tu viện và nhà ẩn tu. Ngài ao ước hiến mình cho Chúa bằng cách tử đạo. Ngài được phép của ĐGH đi truyền giáo ở Hungary. Nhưng vừa đến nơi thì ngài bị bệnh, và cứ tái phát nhiều lần. Có một thời gian ngài phải chịu đựng lòng khô khan đạo hạnh. Một hôm, khi ngài cầu nguyện bằng thánh vịnh: “Ta sẽ ban cho con sự hiểu biết và sẽ dạy dỗ con”, ngài cảm thấy một luồng ánh sáng kỳ lạ. Nơi tu viện ngài ở, ngài bị kết tội xấu xa nhục nhã vì một phụ nữ quý tộc trẻ. Ngài bị khiển trách vì sống phóng đãng. Lạ thay, người bạn tu sĩ của ngài lại tin lời cáo buộc đó. Ngài bị phạt nặng, bị cấm làm lễ và dứt phép thông công, ngài chịu oan ức như vậy 6 tháng thì mọi chuyện “hai năm rõ mười”. Tu vện nổi tiếng nhất mà ngài thành lập là Tu viện Camaldoli (Campus Maldoli, tên của chủ nhân) ở Tuscany. Tại đây ngài thành lập Dòng Thánh Biển Đức Camaldoli (Order of the Camaldolese Benedictines), kết hợp đời sống tu viện và ẩn tu. Về sau, chính cha ngài cũng là tu sĩ, nhờ ngài lay động và khuyến khích giữ đức tin. Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com,AmericanCatholic.org, Catholic.org)

Ngày 20 tháng 6

20/6 – Thánh Paulinô Nola, Giám mục (354?-431)

pvct_T06_June20_clip_image002Thánh Paulinô Nola là bạn của các thánh Augustinô, Giêrônimô, Melania, Martin, Gregoriô và Ambrôsiô. Ngài sinh ở gần Bordeaux, là con của quận công Gaul. Ngài là luật sư có tiếng, giữ vài chức vụ trong đế quốc Rôma. Vợ ngài là người Tây Ban Nha, tên là Therasia, ngài nghỉ hưu non và sống thanh thản. Hai vợ chồng ngài được ĐGM thánh thiện của giáo phận Bordeaux rửa tội và chuyển sang quê vợ ở Tây Ban Nha. Sau nhiều năm họ mới có một con trai nhưng lại chết khi mới được 1 tuần tuổi. Ngài bắt đầu sống khắc khổ và bác ái, phân phát của cải cho người nghèo. Có thể vì vậy mà Paulinô bất ngờ được ĐGM giáo phận Barcelona phong chức linh mục vào dịp lễ Giáng sinh. Lúc đó ngài và vợ chuyển đến Nola, gần Naples. Ngài rất sùng kính thánh Felix Nola nên cố gắng truyền bá lòng sung kính vị thánh này. Ngài chia đa số phần tài sản còn lại của mình (trước sự ngạc nhiên của những người thân), tiếp tục phục vụ người nghèo và hỗ trợ những con nợ, rồi sống ẩn dật. Vì nhiều người yêu cầu, ngài chấp nhận làm giám mục giáo phận Nola và điều hành giáo phận 21 năm. Những năm cuối đời ngài sống trong cảnh u buồn vì người Huns xâm lăng. Trong số các tác phẩm của ngài có ca khúc về đám cưới Kitô giáo mà ngày nay còn lưu hành. Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)

Ngày 21 tháng 6

Thánh Louis Gonzague, Tu Sĩ (1568-1591)

pv_chu_thanh_jesusThánh Louis Gonzague con của vua Ferdinand de Gonzague sinh năm 1568 tại Catiglione, nước Ý. Vừa mới lọt lòng mẹ, người ta đã vội Rửa Tội cho ngài vì thấy khó sống. Với một nền giáo dục hoàn bị và nhất là dưới ảnh hưởng đạo đức của người mẹ hiền, ngài đã sớm nhận ra tiếng Chúa gọi.

Năm 17 tuổi, ngài cương quyết từ bỏ mọi của cải trần thế, nhường quyền thừa kế cho em để gia nhập dòng Tên (1585), dùng những phương pháp của thánh Ignatiô như một lợi khí hầu chu toàn bổn phận tông đồ. Ngài đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn đau khổ để tiến tới một cuộc sống chìm đắm trong cầu nguyện, thanh sạch không một chút vẩn đục. Với tuổi trẻ, ngài thích chỉ huy hơn là vâng lời. Tính nóng giận, thiếu kiên nhẫn và sự bất mãn đã ám ảnh tâm trí, nhưng ngài quyết hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa. Năm năm trường chống lại ý riêng bằng cách tuân theo những chỉ dẫn của Bề Trên. Suốt thời gian ở nhà tập cũng như khi theo học, ngài đã nêu cao gương bác ái anh hùng. Ngài yêu mến Chúa hết lòng và đã thể hiện tình yêu đó qua việc hiến thân phục vụ bệnh nhân trong một nhà thương, bất chấp những bệnh truyền nhiễm. Ngài đã thắng vượt con người cũ cách vinh quang đến nỗi không ai tưởng tượng nổi, và người ta đã gọi ngài là “con người không xác” hay “thiên thần nhập thế”. Cuối cùng Chúa đã gọi ngài về ngày 21/6/1591, vừa hưởng trọn 24 xuân xanh.

Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII sau khi phong thánh cho ngài, đã đặt ngài làm quan thầy các người giữ đức trinh khiết, năm 1762.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 22 tháng 6

Thánh Paulinô, Giám Mục Thành Nole (353-431)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Paulinô sinh tại Bordeaux nước Pháp năm 353 trong một gia đình quyền thế. Năm 378, ngài được cử làm lãnh sự ở Rôma và kết bạn với Thérèse. Mặc dù là người giàu có, nhưng sau khi đã chịu phép Rửa Tội vào năm 389, ngài đã bán tất cả của cải để phân phát cho người nghèo khó. Ngài viết: “Tôi sẵn sàng mua lấy niềm hy vọng Nước Trời bằng mọi của cải trần gian”. Dứt bỏ mọi liên hệ phiền toái, tổ ấm gia đình, ngài sống hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, nhất là sau khi đứa con độc nhất của ngài qua đời. Ngài sang Tây Ban Nha để tu thân và thụ phong linh mục ở đây.

Khi trở về quê hương, ngài đã xây cất một nhà dòng cạnh mồ thánh Fêlicita. Ngài và các bạn sống một cuộc sống khổ hạnh. Nhân đức ngài được đồn thổi khắp nơi. Ngài được phong làm Giám Mục coi sóc giáo phận Nole năm 409. Hai mươi năm trường chu toàn chức vụ, ngài đã chăn dắt dân Chúa với tấm lòng nhân hậu, nêu cao ánh sáng luân lý trước kẻ ngoại và sống một cuộc đời đầy bác ái. Khi quân Goths chiếm đóng và bắt nhiều người làm nô lệ, nhà dòng tan rã, ngài bán tất cả gia sản để nuôi người nghèo và mua chuộc kẻ nô lệ. Nhưng khi quân Vandales tiến đến, ngài không còn gì để cho, nên đã hy sinh đi làm nô lệ thay cho con trai của một bà góa và được đưa sang Phi Châu. Cuối cùng, nhờ ơn Chúa, ngài được trao trả tự do, trở về Nole và an nghỉ trong Chúa năm 431.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 22 tháng 6

Thánh Gioan Fisher, Hồng Y Tử Ðạo (+1535)

pv_chu_thanh_jesusThánh Gioan Fisher, Hồng Y tử đạo thuộc dòng họ bá tước. Ngài thụ giáo tại Cambridge, sau làm giáo sư và khoa trưởng tại đây, đồng thời ngài còn là cha Giải Tội trong hoàng cung. Năm 1504, ngài được đặt làm Giám Mục giáo phận Rochester. Khi vua Henri VIII ngỏ ý muốn kết hôn với Anna Bolen, ngài hết sức ngăn cản và quyết liệt phản đối. Nhưng nhà vua vẫn làm theo ý định của mình. Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VII ra vạ rút phép thông công, nhưng nhà vua lại tự phong cho mình là Giáo Chủ Anh giáo. Riêng về phần Ðức Giám Mục Fisher, người ta bắt giam ngài ở Luân Ðôn. Vì lòng nhiệt thành và nhân đức của ngài, Ðức Giáo Hoàng Phaolô III đặt ngài lên chức Hồng Y, đồng thời cũng là dịp để cho nhà vua ăn năn hối lỗi. Nhưng trái lại, vua Henri VIII tuyên bố: “Ðức Giáo Hoàng có gửi mũ Hồng Y nhưng Giám Mục Fisher chẳng còn đầu để mà đội”. Ngay sau đó, ngài bị kết án tử hình. Ngài bằng lòng chấp nhận và cảm thấy yên lòng vì đã chu toàn bổn phận Chúa đã trao phó. Bước lên đoạn đầu đài, ngài cất cao bài Te Deum để tạ ơn Chúa. Trong khi hoan hỉ với niềm cứu thoát của Chúa, đầu ngài rơi xuống dưới lưỡi gươm của tên đao phủ. Ngài vĩnh viễn ra đi ngày 22/6/1535.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 22 tháng 6

Thánh Tôma More Tử Ðạo (1478-1525)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Tôma More sinh tại Luân Ðôn năm 1478. Ngài được gửi đi giúp việc cho Ðức Giám Mục Morton. Năm 14 tuổi, ngài trở lại Oxford và tiếp tục việc học. Hai năm sau, cha ngài gọi về quê nhà và kèm riêng cho ngành luật. Trong khoảng thời gian đó, ngài sống tiết hạnh và hãm mình như một thầy dòng. Một ngày kia, ngài chợt muốn xin gia nhập đạo, nhưng ý tưởng đó vụt tắt và mùa xuân năm 1505, ngài đã bắt đầu cuộc sống đôi bạn. Tuy nhiên ngài vẫn duy trì nếp sống đạo đức và trở thành một người chính thống gương mẫu. Sau khi được vinh thăng đến bậc tướng, ngài bị nhiều người mua chuộc. Mặc dù với bao nhiều lời quyến rũ, ngài vẫn cức lực phản đối cuộc hôn nhân giữa vua Henri VIII với cô Anna Bolen, nhất quyết không gia nhập Anh giáo ly khai. Ngài từ chối chức vụ Tổng Giám Mục của Anh giáo. Nhà vua qúa thất vọng bực tức, bắt giam ngài trong một nhà tù ở Luân Ðôn. Sau cùng, ngài đã chịu tử đạo ngày 06/7/1525. Khi nghe án tử, ngài mạnh dạn nói những lời này: “Tôi biết lý do tại sao tôi bị kết án, chỉ là vì tôi không ủng hộ, không chấp nhận cuộc hôn nhân bất chính thứ hai của nhà vua. Bỏ cuộc sống đời này, tôi được đi vào cuộc sống mới trong sự quan phòng của Chúa. Xin Chúa nhận lấy tôi, đó là lời cầu xin và là niềm hy vọng của tôi, xin Chúa chúc lành ban ơn cho Ðức Giám Mục Fisher và cải hóa nhà vua. Xin Người hãy nhận lời tôi”. Và cuộc đời của thánh Tôma More đã chấm dứt trong sự thánh thiện và vinh quang.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 24 tháng 6

Sinh Nhật Thánh Gioan Baotixita

pv_chu_thanh_jesus“Có một người được Thiên Chúa sai đến, người đó tên là Gioan, ông đến để làm chứng cho ánh sáng” (Gio 1, 6). Ðó là lời mở đầu Phúc Âm IV mà Thiên Chúa đã dùng để ám chỉ vị sứ giả của Ðấng Cứu Thế. Ðịa vị của ngài rất quan trọng trong hàng các tiên tri của lịch sử dân Chúa.

Ngay từ lúc sinh ra, Thiên Chúa đã bao bọc ngài bằng những dấu lạ, và người đương thời băn khoăn tự hỏi: rồi đây con trẻ này sẽ làm nên những gì?

Ðến tuổi khôn lớn, ngài từ giã gia đình vào trong rừng vắng sống đời cầu nguyện và khổ hạnh. Phúc Âm ghi lại: “Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng, áo ngài mặc là tấm da thú”. Thân xác ngài phải chịu cơ cực, nhưng tinh thần của ngài lại đầy nguồn ơn thánh phong phú.

Năm thứ XV, dưới thời hoàng đế Tibêriô Cêsarê, Phontiô Philatô đang làm tổng trấn xứ Giuđêa, Thiên Chúa đã gọi ngài từ hoang địa để rao giảng phép Rửa thống hối, kêu gọi mọi người thành tâm sửa soạn ngày Ðấng Cứu Thế đến. Toàn dân Do Thái đổ xô nghe ngài giảng và chịu phép Rửa. Rất nhiều người tin vào ngài, nhưng ngài vội minh xác: “Tôi không phải là Ðấng Cứu Thế, sẽ có một người đến sau tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày Người” (Lc 3, 16). Chúa Giêsu cũng đã đến xin ngài làm phép Rửa. Thánh nhân đã nhận ra Người và chỉ cho các môn đệ của mình biết Ðấng Cứu Thế.

Sứ mạng dọn đường cho Ðấng Cứu Thế được ngài thi hành rất nghiêm chỉnh. Ngài đã quở trách Hêrôđê vì vua đã lấy vợ em mình. Ngài bị tống giam vào ngục và cuối cùng bị chém đầu vì đã cương quyết làm chứng cho chân lý.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 26 tháng 6

Thánh Ða Minh Minh (Henares), Giám Mục Và Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu, Thầy Giảng (+1838)

pv_chu_thanh_jesus2Ðức Cha Ða Minh Minh tên thật là Henares, sinh ngày 19/12/1765 tại Baena nước Tây Ban Nha. Năm 18 tuổi, ngài nhập dòng Ða Minh, chịu chức linh mục và được gửi sang địa phận Ðông Bắc Phần ngày 29/10/1790. Tại đây, ngài học Quốc ngữ và được trao phó cho việc điều khiển Chủng Viện Tiên Chu, sau đó làm cha chính địa phận và rồi Bề Trên dòng Ða Minh.

Tháng 9 năm 1800, Ðức Thánh Cha Piô VII chọn ngài làm Giám Mục hiệu tòa Phessa, phụ tá cho Ðức Cha Ignatiô Delgado, nhưng mãi tới hơn hai năm sau, lễ tấn phong mới được cử hành tại Phú Nhai (ngày 09/02/1803). Ðức Cha Ða Minh có một đời sống thật trọn hảo, một lòng bác ái bao la và hằng mong được phúc tử đạo.

Cùng cộng tác với Ðức Cha có thầy Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu, sinh năm 1797 tại Trung Lễ, xứ Liên Thủy, tỉnh Nam Ðịnh. Từ nhỏ thầy đã được huấn luyện trong nhà Ðức Chúa Trời để làm thầy giảng. Sau đó, thầy đã gia nhập dòng Ða Minh và theo giúp việc Ðức Cha Ða Minh Minh (Henares).

Dưới thời vua Minh Mạng cấm đạo, Ðức Cha Ða Minh và thầy Chiểu phải lẩn trốn tại làng Kiên Lao cùng với Ðức Cha Delgado. Nhưng khi Ðức Cha Delgado bị bắt thì Ðức Cha Ða Minh và thầy Chiểu phải xuống thuyền trốn ra Hải Dương. Dọc đường bị một kẻ phản bội tố giác nên cả hai cha con cùng bị bắt ngày 09/6/1838 gần họ Hà Quang, xứ Trung Thành. Cả hai bị hốt vào cũi và giải về tỉnh.

Ngay hôm 25/6 năm ấy, triều đình ra lệnh xử tử hai ngài, nhưng vì không kịp nên các quan đã cho dời lại hôm sau. Vì thế, ngày 26/6/1838, cả hai vị bị dẫn tới pháp trường chịu trảm quyết. Ðầu Ðức Cha Ða Minh bị treo ba ngày rồi bị ném xuống sông, nhưng sau đó một ngư phủ đã vớt được.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã phong hai ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 27 tháng 6

Thánh Cyrillô, Giáo Phụ Alexandria, Tiến Sĩ Hội Thánh (+444)

pv_chu_thanh_jesusCyrillô là cháu của Théophile, Giám Mục Alexandria. Ngay từ buổi thiếu thời, ngài đã tỏ ra những dấu chỉ thiên tài khác thường. Sau khi Ðức Théophile chết (412), được gọi lên thay, ngài chu toàn chức vụ của một vị chủ chăn hiền từ và tài ba.

Ngài chú tâm lo bảo vệ đức tin Công Giáo và canh tân đời sống trong giáo phận. Ngài quan tâm đến đám dân nghèo thất học. Thời đó, ở Ðông Phương nổi lên một lạc giáo khá mạnh do Nestoriô cầm đầu. Theo Nestoriô, Ðức Maia không phải là Mẹ Thiên Chúa, mà chỉ là Mẹ Chúa Giêsu xét về nhân tính mà thôi. Như vậy, Nestoriô phủ nhận hai bản tính nơi Chúa Giêsu, đồng thời phủ nhận cả mầu nhiệm Nhập Thể. Ðức Cyrillô đã cấp thời đệ trình lên Ðức Thánh Cha và Tòa Thánh đã chỉ thị cho ngài chống lại bè rối. Trong những lần tranh luận với Nestoriô, lúc đó là Giám Mục Constantinople, ngài luôn tỏ ra một chủ chăn bình tĩnh và nhã nhặn, nhưng rất cứng rắn về giáo thuyết. Tòa Thánh đã loại Nestoriô ra khỏi Giáo Hội Công Giáo. Về vấn đề này, Giáo Hội đã xác định rõ ràng (431) chính Thiên Chúa đã trở thành người thật. Chính bản tính Thiên Chúa đã hợp với bản tính nhân loại trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria. Vậy, Ðức Maria phải là Mẹ Thiên Chúa.

Sau biến cố bè rối Nestoriô, ngài đem hết năng lực bảo vệ toàn vẹn đức tin Công Giáo và tái lập hòa bình cho giáo phận, đã bị giáo thuyết đầu độc nhiều năm.

Ngài tạ thế ngày 28/6/444. Ðức Giáo Hoàng Cêlestinô đã tôn ngài danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 27 tháng 6

Thánh Tôma Toán, Thầy Giảng (+1840)

pv_chu_thanh_jesus2Thánh Tôma Toán sinh năm 1765 tại Cần Phan, tỉnh Nam Ðịnh, là thầy giảng thuộc dòng Ða Minh. Khi bị bắt tại Nam Ðịnh, ngài đã cao niên, khoảng 74 tuổi.

Trong tù, ngài bị quan tỉnh Trịnh Quang Khanh tra tấn dã man, vì quá già yếu không chịu nổi, ngài đã ngã lòng chối đạo. Nhưng liền sau đó, ngài thống hối và tuyên xưng đức tin trở lại. Trong thời gian sau này, nhiều lần ngài bị tra tấn tàn ác, phải nhịn đói và chịu khát, nhưng ngài luôn bình tĩnh chịu đựng, có ý đền tội cũ. Cuối cùng vì sức yếu, lại bị tra tấn và nhịn ăn uống. Ngài đã chết rũ tù ngày 27/6/1840.

Ðức Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 28 tháng 6

Thánh Irênê, Giám Mục Tử Ðạo (+202)

pv_chu_thanh_jesusTheo phần đông các sử gia thì thánh Irênê sinh gần Smyrnes thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay từ thời niên thiếu, ngài đã từng theo học với thánh Polycarpô Giám Mục thành Smyrnes, môn đệ thánh Gioan tông đồ.

Sau đó, ngài được thánh Polycarpô cử sang giảng đạo tại Lyon. Nhờ tài hùng biện cũng như lòng hy sinh hiếm có, ngài đã đưa nhiều người trở về với đức tin Công Giáo. Ngài cũng giữ một địa vị quan trọng trong giáo đoàn Lyon, nhất là khi giáo đoàn này phải qua cơn cấm đạo hết sức gắt gao. Ngài được đề cử sang Rôma để trình bày với Ðức Giáo Hoàng về tình trạng của giáo đoàn và bày tỏ lòng trung thành với Tòa Thánh. Tại đây, ngài được Ðức Thánh Cha đón tiếp niềm nở. Trong suốt thời gian lưu tại Rôma, ngài đãdành nhiều thời giờ để học hỏi về tập tục, lễ nghi của các tông đồ truyền lại. Ngài đã học thuộc lòng các tài liệu đó để đối chất với bọn lạc giáo và ly giáo khiến họ phải thất bại vì sự khôn ngoan và lý chứng của ngài. Khi trở về Lyon, ngài lãnh chức linh mục. Sau khi Ðức Giám Mục Lyon qua đời, toàn thể giáo dân đã bầu ngài làm Giám Mục.

Nhờ lòng đạo đức và kiến thức dồi dào, ngài đã đem lại nhiều kết quả cho giáo đoàn và gây một ảnh hưởng sâu rộng nơi lương dân, và nhất là ra sức giữ đoàn chiên Chúa khỏi những mầm mống tà giáo vừa xuất hiện. Ngoài ra, ngài còn viết rất nhiều sách chống lại bọn lạc giáo, minh chứng Giáo Hội Rôma, quyền tối thượng và việc kế vị của các Giám Mục là tông truyền và bền vững mãi mãi.

Ðến thời hoàng đế Sévere, cuộc bách hại trở nên dữ dội hơn, nhất là tại Lyon. Thánh Irênê, vị Giám Mục can trường của Chúa cũng không thoát khỏi tai họa đó. Ngài bị giam giữ, bị tra tấn dã man và bị trảm quyết ngày 28/6/202.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 29 tháng 6

Thánh Phêrô Và Phaolô Tông Ðồ

pv_chu_thanh_jesus2Cả hai thánh đều chịu tử đạo tại Rôma. Thánh Phêrô năm 64 và Phaolô năm 67. Giáo Hội Rôma đã chọn ngày 29/6 để kính trọng thể hai đấng. Tuy nhiên, ngày hôm nay phải là ngày lễ của toàn thể Giáo Hội đã được nảy sinh do dòng máu oai hùng của các ngài. Một ngày vui mừng và hân hoan, vì cả hai thánh với những ơn huệ nhận lãnh, đã ra sức quy tụ thành một gia đình Chúa Giêsu, và giờ đây cả hai cùng kết hợp trong vinh quang và đáng được ca ngợi. Ngày hôm nay chúng ta tôn kính hai khuôn mặt tiêu biểu cho Giáo Hội sơ khai, mặc dù khác biệt nhưng bổ túc lẫn cho nhau. Thánh Phêrô và Phaolô đã hăng hái rao giảng Phúc Âm, nhờ đó chúng ta đón nhận được lời loan truyền đầu tiên của đức tin. Vì thế ngày hôm nay chúng ta cũng mừng kính mầu nhiệm Giáo Hội đặt nền tảng trên các ngài. Nhờ lời bầu cử của các ngài, chúng ta hãy cầu xin để trung thành với lời giáo huấn của các ngài, sống một đời bác ái như những Kitô hữu đầu tiên và bén rễ sâu trong tình thương dạt dào.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

ÔNG RUỘT NGỰA 

Tầng lớp bình dân Việt Nam hay dùng tiếng “ông ruột ngựa” (hoặc “ruột để ngoài da”) để chỉ những người tính tình ngay thẳng bộc trực, trong lòng suy tính gì nghĩ ngợi gì thường nói thẳng ra, không úp mở. Có lẽ thấy ruột ngựa thường thẳng tuột, không quanh co uốn khúc, so sánh với người trực tính cũng vậy, không có vụ “nói một đàng làm một nẻo”, lươn lẹo dối gạt. Khi gọi ai đó là “ông ruột ngựa” là có ý đề cao bản tính thật thà ngay thẳng của người ấy, hoàn toàn không phải là kiểu phê bình “chê” nhiều hơn “khen”. Có thể khẳng định “ruột ngựa” là một đức tính của con người. Vì thế, đối với bạn bè, kể cả trong những giờ chia sẻ Lời Chúa trong Huynh đoàn, Giáo xứ, để cho không khí bớt trầm lặng, tăng thêm phần sinh động, tôi thường hay gọi Thánh Phê-rô là “Ông ruột ngựa”.

Xin đơn cử những minh hoạ về “ông ruột ngựa” Phê-rô: Xuất thân từ một làng quê ven biển mộc mạc, làm nghề chài lưới chất phác, và tính tình thật thà, ngay thẳng, nên chỉ mới gặp Đức Giê-su lần đầu, được chứng kiến phép lạ lưới cá, thì ngay lập tức Phê-rô đã “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5, 8). Và sau khi nghe Đức Giê-su nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”, Phê-rô đã cùng với người anh là An-rê, và hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an bỏ chài lưới mà đi theo Người. Khi thấy Thầy đi trên mặt biển thì hoảng hốt cho là ma, rồi còn đòi “nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Phê-rô đã đi được trên mặt nước ngon lành, nhưng chỉ vì đức tin chưa vững nên khi thấy gió thổi, thì sợ hãi và bị chìm xuống, phải la cầu cứu: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Đức Giê-su đã cứu và âu yếm trách: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Cuối cùng thì mọi người đều xưng tụng: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14, 26-32).

Khi nghe Thầy hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” thì cũng chỉ mình Phê-rô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Và vì thế, vì biết quá rõ tâm tính của Phê-rô, nên Đức Giê-su rất thương mến và nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16, 15-18). Khi Thầy hiển dung trên núi Ta-bo, thì cũng chỉ có Phê-rô nói lên tâm tình: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” và do đó, các Tông đồ được Thiên Chúa Cha mạc khải về Đức Giê-su: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17, 4-5).

Đến lúc thấy Thầy cho biết “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.” Thì vì thương Thầy sẽ phải chịu khổ nạn và cũng vì bản tính ngay thẳng, “Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Suy nghĩ kỹ câu nói của Phê-rô, chỉ thấy nổi bật tấm lòng chân thực thương mến Thầy: Thương Thầy nhưng không biết làm sao, đành chỉ cầu xin Thiên Chúa can thiệp cho Thầy khỏi gặp cảnh ấy. Không hiểu sao Thánh sử Mat-thêu lại dùng tiếng “trách” để tường thuật cảnh ấy. Thương Thầy đến độ bị Thầy gọi là Xa-tan! (“Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy” – Mt 16, 22-23). Rồi khi người thu thuế ở Ca-phac-na-um đến đền thờ hỏi về việc nộp thuế, thì Phê-rô cũng được Thầy bàn tính và kêu ông đi “nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh” (Mt 17, 24-27).

Khi quân dữ tới bắt Thầy, cũng vì yêu thương Thầy, thấy Thầy không có một lỗi lầm nào dù rất nhỏ, nên giận quá, tuốt gươm chém đứt phăng một cái tai của một tên đầy tớ vị thượng tế; nhưng Đức Giê-su bảo Phê-rô: “hãy xỏ gươm vào vỏ” và chữa lành tai cho tên quân (Ga 18, 10-11). Bị Thầy quở mắng và thấy Thầy chấp nhận để quân dữ bắt đi, tuy không dám cãi lời Thầy, nhưng Phê-rô vẫn lẽo đẽo theo từ xa xa để xem họ sẽ làm gì đối với người Thầy mà mình rất mực yêu thương, kính trọng. Trong khi đó, thì “các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26, 56). Lẽo đẽo theo Thầy để rồi chối Thầy tới ba lần trong một đêm (Mt 26, 69-75), mặc dù trước đó đã đoan chắc “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” (Mt 26, 35).

Trong khi các môn đệ khác đều quá sợ hãi mà bỏ trốn hết, thì dù Phê-rô có đi theo Thầy từ xa xa, nhưng vẫn không tránh khỏi nỗi lo sợ. Vì thế, trong trường hợp này (3 lần chối Thầy), Phê-rô vẫn rất thật với lòng mình. Cũng bởi Phê-rô chỉ là một con người với bản tính người 100%, mà đã là con người thì ai chẳng sợ sự dữ. Đến Thầy mình là Thiên Chúa, khi bản tính loài người trỗi dậy cũng rất sợ cuộc khổ nạn, sợ đến độ đổ cả mồ hôi máu ra nơi vườn Ghết-sê-ma-ni, huống hồ! Sợ bị bắt như Thầy nên phải chối, trong lòng nghĩ chối là thượng sách nên nói thẳng ra, “nghĩ sao nói vậy” mà! Tuy nhiên, sau lần chối thứ ba, nghe tiếng gà gáy, “Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26, 75). Chỉ có người bộc trực mới có cử chỉ như vậy.

Cũng đã có một vấn nạn: Khi thấy Thầy đi trên mặt biển, kể cả lúc Thầy đã sống lại và hiện ra với các môn đệ, mà Phê-rô vẫn tưởng Thầy là ma; rõ ràng ngài vẫn chưa thực sự tin Thầy mình là Thiên Chúa, vẫn “bán tín bán nghi” (nửa tin nửa ngờ); như vậy thì phải hiểu như thế nào về tính chân thực, ngay thẳng của Phê-rô? Vấn đề ở đây là nói về đức tính cương trực của thánh nhân, không phải nói về đức tin. Có thể đức tin của Phê-rô chưa thực sự vững vàng, nên lúc thì tuyên xưng Thầy là Thiên Chúa, khi thì lại cho Thầy là ma; nhưng đức tính nói thẳng nói thật của ngài vẫn chỉ là một. Nghĩ làm sao thì nói thẳng ra như thế, không hề úp mở. Thánh Phê-rô đã “rất người” khi bộc lộ chân tính của mình. Chính Đức Giê-su Thiên Chúa – Đấng thấu suốt mọi điều thầm kín nhất của con người – còn thương mến đức tính công minh chính trực của thánh nhân, đến độ khen ngợi: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc…”; và hứa: “anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16, 18). Người đã hoàn toàn tin tưởng Phê-rô nên mới trao cho trách nhiệm “hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21, 17). Điều đó cho thấy đức tính chân thực, tin yêu của Phê-rô đáng quý biết chừng nào !

Tới ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ được Thánh Thần ngự xuống ban sự hiểu biết và nhất là lòng can đảm, thì các ngài đã rao giảng Tin Mừng bằng ngôn ngữ của các ngài (xứ Ga-li-lê) nhưng thính giả lại nghe thành tiếng nói bản xứ của họ, khiến “Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: “Thế nghĩa là gì?”, và cũng có một số người chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!” Thấy vậy, Tông đồ Phê-rô ngay lập tức nói với đám đông: “Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba.” (chưa tới giờ dùng bữa, chưa uống rượu thì làm sao mà “say bứ” được!). Để rồi từ đó, Thánh nhân giảng cho dân chúng biết về ngày cánh chung, đồng thời khẳng định về Đấng Cứu Thế Giê-su Na-da-ret, kêu gọi mọi người sám hối “kêu cầu danh Đức Chúa, sẽ được ơn cứu độ.” Kết quả lời giảng của Thánh Phê-rô thật quá sức tưởng tượng: “Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.” (Cv 2, 1-41).

Lời Đức Giê-su truyền cho Phê-rô “hãy chăn dắt chiên của Thầy”, sau ngày Lễ Ngũ Tuần, với kết quả rực rỡ như nêu trên, lại được Thánh nhân lặp lại trong thư gửi “những người được Thiên Chúa kén chọn, những khách lữ hành đang sống tản mác trong các xứ: Pon-tô, Ga-lát, Cáp-pa-đô-ki-a, A-xi-a và Bi-thy-ni-a”; ngài ôn tồn khuyên nhủ: “Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (1Pr 5, 1-3).

Rõ ràng cái bản tính “người-rất-người” của “Ông ruột ngựa” Phê-rô đã được củng cố, phát triển và thật sự thăng hoa vào ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi Đức Giê-su Ki-tô phục sinh. Thánh Thần đã biến đổi căn tính của ngài trở nên can trường, dám nói lên Sự Thật về Chân lý Cứu Độ mà Thầy Giê-su vâng mệnh Chúa Cha thực hiện tại trần gian này. Cũng đúng như lời tiên báo của Đức Ki-tô (“Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ được biết.” – Mc 13, 9), khi đi rao giảng Tin Mừng, các Tông đồ đã bị bắt, nhưng được Thiên thần giải thoát. Thánh Phê-rô cùng các Tông đồ lại tiếp tục giảng dạy trong đền thờ và lại bị điệu ra trước Thượng Hội đồng. Cuối cùng, Thánh nhân được ơn Tử Vì Đạo.

Ôi! “Kính lạy Thánh Phê-rô là Tông đồ Cả của Chúa Giê-su, là đầu cùng là cột cái Hội Thánh, là thầy dạy mọi sự thật.  Chúa Giê-su đã phó các con chiên cho người coi sóc, đã đặt người cầm giềng mối các giáo dân, đã ban cho người chìa khóa Nước Thiên Đàng. Chúng con vui mừng vì thánh Phê-rô đã được chức cao quyền trọng như vậy, chúng con xin chọn người làm quan thày, cậy người coi sóc gìn giữ những con mọn này cho khỏi miệng sói rừng là ma quỉ. Lại xin cho những ai lạc đàng được biết chính nẻo là đạo thánh  mà tin, cùng giữ cho vững bền; đến ngày sau qua khỏi đời này, xin thánh Phê-rô mở cửa Thiên đàng cho chúng con được hiệp lại một nhà một nước, mà thờ phụng chầu chực Chúa tạo thành muôn vật, hằng vui sống, hằng trị đời đời chẳng cùng.  Amen.” (Kinh cầu cùng Thánh Phê-rô Tông đồ –Trang “Kinh nguỵên tiếng Việt” –Thanhlinh.net).

JM. Lam Thy ĐVD. June 25, 2014

PHÊRÔ và PHAOLÔ Niềm vui rộn rã dâng cao Niềm tin lung linh lấp lánh Cúi xin nhị vị hiển thánh Dìu đường Giáo hội ngàn sau Lời ca hân hoan ngọt ngào Ngân vang hòa điệu cao vút Tôn vinh hai thánh trụ cột Rạng ngời vinh phúc trời cao Phêrô chối Chúa ba lần Cả đời ăn năn khóc lóc Chiên con Chúa trao chăn dắt Chiên mẹ cũng dắt dìu luôn Phaolô ngã ngựa một lần Hăng say rao truyền Nước Chúa Khắp nơi sáng ngời Chân lý Hạt giống càng lớn mạnh thêm Thạch bàn Phêrô vững kiên Xây dựng Giáo hội muôn thuở Đồng trụ Phaolô chói lóa Xây dựng Giáo hội vĩnh hằng TRẦM THIÊN THU

29-6-2013

PHÊRÔ, PHAOLÔ, BẠN VÀ TÔI 

pv_chu_thanh_jesus

Tại sao hai thánh tông đồ cả lại mừng lễ chung với nhau?

Một số thánh nhân, vì là anh em với nhau, vì cùng tử đạo, vì là mẹ con, vì có những điểm chung nhất, nên được mừng lễ trùng ngày với nhau hoặc sát gần nhau. Vậy thánh Phêrô và thánh Phaolô tương quan với nhau thế nào mà lại có ngày lễ kính cùng với nhau?

Đức Tổng Giám Mục Patrick Flores đã từng đặt câu hỏi này với giáo dân trong bài giảng của mình.  Và rồi ngài tự trả lời cách hóm hỉnh: “bởi vì hai thánh nhân không thể sống chung với nhau được trên thế gian, nên Chúa bắt các ngài phải chung với nhau trên thiên đàng.”(!)

Câu chuyện hài hước này rất có cơ sở. Thánh kinh cho thấy hai ông thật sự khác biệt nhau về tính cách, chênh lệch nhau về đẳng cấp:

·     Người kém văn hóa, kẻ trí thức cao

·     Người đã có vợ, kẻ vẫn độc thân

·     Người rút gươm bảo vệ Chúa, kẻ phóng ngựa truy giết những ai theo Chúa

·     Người giảng dạy cho giới đã cắt bì, kẻ loan Tin Mừng cho dân ngoại. 

Chính thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Galata đã thừa nhận sự đụng độ với thánh Phêrô ở Antiokia.  Ông đã cự lại thánh Phêrô vì đã không dám công khai dùng bữa với lương dân như trước khi nhóm cắt bì đến (từ cự lại là nguyên văn của Phaolô trong Gl 2, 11).

Điều rất dễ thương là, trong tất cả sự khác biệt cũng như cãi vã đó, thánh Phaolô luôn nhìn nhận vị trí quan trọng của thánh Phêrô với tư cách là người đầu tiên được Chúa Giêsu cho thấy Người đã phục sinh (1Cr 15, 5), một tư cách xứng đáng với cương vị thủ lĩnh.  Một sự trân trọng rất tuyệt đến nỗi tính cách khác biệt không hề làm cản trở sứ mạng và lý tưởng của hai thánh nhân.  Phần mình, thánh Phêrô cũng không kém cao thượng khi bắt tay Phaolô để tỏ dấu hiệp thông (Gl 2,10).  Điểm độc đáo này được Giáo Hội đưa vào kinh tiền tụng trong ngày lễ 29/06: “các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitô.”  Để rồi từ những khác biệt tính cách và mâu thuẫn đường lối đó, các ngài đã trở thành:

Hai người tiên phong, hai sao sáng đi đôi và hai tướng anh hùng. 

Thế còn anh và em?  Còn bạn và tôi thì sao?

Dĩ nhiên chúng ta thế nào cũng có các điểm khác biệt, và dĩ nhiên chúng ta đã từng cãi vã, giận hờn.  Không ít lần chúng ta đặt câu hỏi tại sao và tại sao người mà mình trọn niềm tin tưởng lại cư xử như thế.  Đã nhiều lần ta như muốn buông một bàn tay thân yêu, rời xa một bờ vai thân thiết, phớt lờ một ánh mắt thân thương.  Chỉ vì chúng ta khác biệt nhau, không hiểu nhau.

Phải chăng ta khác biệt nhau và rồi ta so đo tính toán với nhau?  Để rồi ta hát mãi điệp khúc sau đây:

·     Đúng là anh giầu có hơn tôi thật, tôi không quên được đâu vì anh thường xuyên nhắc tôi về điều đó, nhưng anh cũng biết tôi có rất nhiều tài, còn về sắc đẹp thì không cần bàn cãi là ai hơn nhé!

·     Dĩ nhiên em chu đáo tỉ mỉ, nhưng cũng vì thế em thường sa đà vào các tiểu tiết và chi li, tính toán, phê bình đến mức nhỏ nhen.

·     Anh nghĩ chuyện to lớn trên trời, nhưng chuyện trước mắt, ngay trong nhà, anh có thấy đâu?

·     Sao em nói nhiều như vậy mà anh cứ ngồi im thin thít thế kia? ·     …

·    Và còn bạn nữa! Chúng ta có còn là bạn nữa không, mà sao khi lòng dạ mình rối bời lên thì bạn cứ trơ trơ như không cảm xúc vậy?

·    Có nhiều điều mình muốn nói, nhưng không nói ra vì mình nghĩ bạn chẳng thể nào hiểu được. 

Khác biệt giữa Phêrô và Phaolô làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng trở nên phong phú hơn.  Các khác biệt của chúng ta lẽ ra là để bổ sung cho nhau và để làm cho đời ta thêm màu hương sắc, cũng như các giới hạn của cá nhân là để chúng ta cần đến nhau hơn trong cuộc trần này.  Điều quan yếu là ta biết trân trọng người khác và chiến thắng cái tôi ích kỷ.

Phêrô và Phaolô, hai ngôi sao “chỏi” đều tỏa sáng trên bầu trời Thiên quốc, hai con người Phêrô và Phaolô trở thành đồng trụ và bàn thạch cho tòa nhà Giáo Hội.  Tình yêu đối với Chúa Giêsu làm nên điều kỳ diệu này.  Chỉ có tình yêu đủ lớn mới có thể làm cho các bất đồng giữa vợ chồng, giữa bạn bè trở thành một liên kết phong nhiêu, một tương giao phong phú.  Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu còn ở lại.

Anh và em, bạn và tôi đã giận hờn, tranh cãi, thậm chí căm thù nhau trong quá khứ.  Có những điều cứ tái đi tái lại nhiều lần như một căn bệnh mãn tính, nan y.  Chúng ta có quá nhiều khác biệt mà.  Vẫn biết gương vỡ khó lành, vẫn biết ly nước đổ ra không thể lấy lại hết, nhưng tình yêu sẽ bù đắp tất cả và tình yêu sẽ làm cho tấm gương và ly nước lấy lại sau đó trở nên kỳ thú hơn, ngon lành hơn.

Có bao giờ chúng ta trân trọng nhau cho đúng mức không?  Có bao giờ anh và em cầu nguyện cho nhau rồi nói với Chúa về những lỗi lầm, yếu đuối của nhau chưa?  Có bao giờ bạn và tôi, chúng mình cùng cầu nguyện với nhau để chấp nhận các khác biệt của nhau mà mưu cầu công ích, mà lo cho đại cuộc không?  Đã bao giờ tôi nhìn ra được khía cạnh tốt đẹp của sự khác biệt, để yêu mến những gì “bất thường” nơi anh em, và phát huy những gì “cá biệt” của tôi nhằm hướng tới những điều cao quý hơn chưa?

Xin hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cầu cho chúng con.

Pr. Nguyễn Đức Thắng June 25, 2014

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

Lm Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

Cv 12,1-11 ; 2 Tm 4,6-8.17-18 ; Mt 16,13-19

NOI GƯƠNG HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

  1. HỌC LỜI CHÚA
  2. TIN MỪNG:

(c 13) Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói con Người là ai?” (c 14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. (c 15) Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c 16) Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (c 17) Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (c 18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (c 19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

  1. Ý CHÍNH: HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊRÔ.

Sau khi Simon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (c 15-16), ông đã được khen là có phúc (c 17), được đổi tên thành Phêrô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (c 18). Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi (c 19).

  1. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH:

HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng Tông đồ Simon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người?

ĐÁP:

Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phêrô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Kitô, theo lời ngôn sứ Nathan tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi vua Salômon. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đavít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào Giêrusalem, Đức Giêsu cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu “Con Vua Đavít” này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng tước hiệu “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phêrô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giêsu đã cho biết ý nghĩa tước hiệu này nói về bản tính Thiên Chúa, khi khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải sự thật ấy (x Mt 16,17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giêsu đổi tên Simon thành Phêrô? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18)?

ĐÁP:

Có thể Đức Giêsu đã đặt tên Phêrô cho Simon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Simon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giêsu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phêrô vào Đức Giêsu chính là tảng đá vững chắc mà trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh. Ngoài ra Đức Giêsu còn trao tối thượng quyền để cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Ngưới cũng cho Phêrô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Chúa còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông (x.Ga 21,15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Simon Phêrô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được?

ĐÁP:

Từ ngày được Đức Giêsu gọi đi theo làm môn đệ, Simon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy đe không cho dự phần với Thầy, vì đã từ chối được rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất la quá tự tin nên đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).

Nhưng Simon Phêrô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giêsu tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xêdarê Philípphê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được đổi tên thành Phêrô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giêsu hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em (x. Lc 22,32). Phêrô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm 12 tuyên xưng đức tin vào lời Chúa dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giêsu đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất được chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), phép lạ bé gái đã chết được sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).

Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phêrô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và còn trao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giêsu đã thúc bách Phêrô chạy thi với Gioan ra mồ và đã sớm tin Thầy sống lại (x. Ga 20,1-9). Phêrô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giêrusalem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm trở lại thành Rôma để bị bắt và chịu khổ hình thập giá thời hoàng đế Nêrô (năm 64-67). Cái chết của Phêrô chứng tỏ lòng mến Chúa, và nêu gương đức tin vững chắc như đá tảng, để các tín hữu chúng ta noi theo.

  1. SỐNG LỜI CHÚA:
  2. LỜI CHÚA: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).
  3. CÂU CHUYỆN: PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊSU?

Ngày xưa, một vị vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban thưởng lớn cho những tác phẩm nào giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước đã ùn ùn đến Hy Lạp để xin ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối cẩm thập rất đẹp. Ai cũng quyết tâm dành giải thưởng. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.

Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí ở và làm việc tại một phòng trong khu vực hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung của nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại một đại sảnh lớn trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Khi thấy những tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Nhà vua hết sức hài lòng. Theo ngài thì mỗi bức tượng, tranh tượng phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn thấy giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày tác phẩm của các nghệ nhân Hy Lạp thì ngài lấy làm ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi xem tác phẩm đâu, thì một người đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và trung thực như hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ thuật Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng được tự do chiêm ngưỡng.

  1. THẢO LUẬN: Đối với bạn, Đức Giêsu là ai? Người là một vị ngôn sứ, nên ta có thể xin Người cầu bầu cùng Chúa cho ta; hay là một thần tượng để ta thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin và sẵn sàng bỏ mọi sự mà đi theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là những đau khổ phải chịu để kết hiệp với Người cứu rỗi tha nhân?
  2. SUY NIỆM:
  3. SO SÁNH GIỮA HAI TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ:
  4. a) Về sự giống nhau:

– Về đức khiêm nhường và thành tâm sám hối: Cả hai vị đều là những người yếu đuối và tội lỗi nhưng đã biết khiêm nhường và hoán cải. Tông đồ Phêrô đã chối Thầy ba lần, nhưng đã hết lòng ăn năn và trung thành với Thầy đến chết. Tông đồ Phaolô đã quyết tâm tiêu diệt Hội Thánh ngay từ khi còn phôi thai, nhưng khi đã trở lại, đã hiến dâng cả đời để loan báo Tin Mừng, làm cho Hội Thánh được lan rộng đi khắp thế giới, bất chấp đói khát, hiểm nguy, tù đầy, kể cả cái chết.

– Về đức tin vào Chúa Giêsu là Đức Kitô và là Con Thiên Chúa: Trong khi những người Do Thái đồng thời đang mong chờ một Đấng Messia thế tục, đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ cho ngoại bang, còn hai vị Tông đồ đã nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Kitô của Thiên Chúa sai đến. Tông đồ Phêrô là người đầu tiên đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16 ). Còn Tông đồ Phaolô luôn gọi Thầy Giêsu là “Chúa” hay là “Đức Kitô”, hay là “Con Thiên Chúa” (x. 1 Ts 1,10; Rm 5,10; 8,3; 2 Cr 1,19).

– Về lòng yêu mến Chúa và Hội Thánh: Sau khi đã trở lại, hai vị đã hoàn toàn quên mình và hiến trọn đời cho Chúa. Cả cuộc đời còn lại của Tông đồ Phaolô được tóm tắt như sau: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, nhưng là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ngài khuyên chúng ta: “dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Còn Tông đồ Phêrô thì nhắc nhở chúng ta: “Hãy tôn thờ Ðức Kitô là Chúa trong lòng anh em, và luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ người nào hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng nơi anh em” (1 Pr 3,15), và “vì chính Ðức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em cũng hãy tự trang bị bằng cùng một tâm tưởng ấy, vì ai chịu đau khổ về thể xác thì ngừng phạm tội, để thời gian còn lại trong thân xác, người ấy không còn sống theo những tình dục con người, nhưng theo thánh ý của Thiên Chúa” (1 Pr 4,1-2). Cả hai vị đã nêu gương hy sinh mạng sống cho Chúa và cho Hội Thánh.

  1. b) Khác nhau về ơn gọi và sứ vụ:

– Tông đồ Phêrô: được gọi ngay từ khi Đức Giêsu mới ra giảng đạo, đang khi tông đồ Phaolô được gọi sau khi Chúa đã về trời. Tông đồ Phêrô là một trong những người được gọi trước hết và được Đức Giêsu trao nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh (x. Mt 6,19) và nâng đỡ các anh em khác (x. Lc 22,32 ).

– Tông đồ Phaolô: được Chúa gọi sau cùng sau khi Người đã tử nạn và phục sinh và Phaolô được trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Việc Chúa chọn hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô cho thấy Thiên Chúa thật mầu nhiệm và quyền năng vô biên trong việc biến đổi những người tầm thường hoặc cứng đầu nhất trở thành những tông đồ nhiệt thành của Người nếu họ thành tâm đón nhận ân sủng của Người.

  1. 2. BÀI HỌC TỪ HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ:
  2. a) Học tập gương nhân đức của các ngài: Thánh Phaolô đã dạy các tín hữu noi gương bắt chước ngài như ngài đã bắt chước Đức Kitô (x.1 Cr 4,16; 11,1). Còn thánh Phêrô thì khuyên các mục tử: “Ðừng thi thố quyền hành, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,3).

– Gương khiêm nhường: Khi chịu kết án tử hình, thánh Phêrô đã xin được đóng đinh ngược vì thấy mình không xứng đáng chịu đóng đinh giống như Thầy là Đức Giêsu. Còn thánh Phaolô thì công khai nhận mình là “một tên phạm thượng, khủng bố và ngạo mạn.” Ngài cũng khiêm tốn coi mình chỉ là “một đứa bé sinh non, là người bé nhỏ nhất trong số các Tông đồ, không đáng được gọi là Tông đồ” (x. 1 Cr 15,8-9). Thánh Phêrô khuyên các tín hữu chúng ta: “Tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường trong cách đối xử với nhau, vì ‘Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.’” (1 Pr 5,5). Thánh Phaolô thì nói: “Nếu tôi phải khoe khoang, thì tôi sẽ khoe về những gì liên quan đến sự yếu đuối của tôi” (2 Cr 11,30).

– Gương nhẫn nhịn chịu đựng nhau và xây dựng tình hiệp thông huynh đệ: Tuy có nhiều kiến thức hơn Phêrô, nhưng thánh Phaolô đã đến ở với Phêrô 15 ngày để học cùng Phêrô những gì Phêrô đã học từ Đức Kitô (x. Gal 1,18). Ngài khuyên chúng ta: “Ðừng làm gì vì ganh tị hay hư danh, nhưng trong tinh thần khiêm nhường, mỗi người hãy coi người khác là hơn mình” (Phil 2,3). Còn thánh Phêrô khi bị Phaolô chỉ trích công khai, đã giữ thái độ bình thản không tranh cãi (x. Gal 2,11-14). Dù có những bất đồng ý kiến, nhưng các ngài luôn thể hiện sự hiệp thông: Thánh Phêrô đã cùng với Giacôbê và Gioan bắt tay Phaolô (x. Galat 2,9-10). Còn thánh Phaolô thì tổ chức quyên góp tiền gửi về giúp giáo đoàn Giêrusalem.

– Gương can đảm làm chứng cho Đức Kitô: Thánh Phêrô đã đứng trước Công Nghị Do thái tuyên bố: “Chúng tôi không thể không nói ra những gì chúng tôi đã nghe, và đã thấy.” (Cv 4,19-20). Còn thánh Phaolô thì nêu gương “chịu đựng trong gian khổ, cùng quẫn, lo âu, đòn đánh, tù ngục, lao nhọc, đói khát” (x. 2 Cr 6,4-5), để giữ vững đức tin (x. 2 Tm 4,7).

  1. b) Sống và loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay?:

– Tội lỗi của thế giới hôm nay: Cũng như thời các Tông đồ, con người ngày nay đang tôn thờ ngẫu tượng là tiền tài, danh vọng và những thú vui xác thịt. Họ đang “theo những dục vọng của lòng họ, theo những điều ô uế, để họ cùng nhau làm nhục thân thể của họ. Họ đã đổi chân lý của Thiên Chúa để lấy sự giả trá. Họ đã tôn kính và thờ phượng những loài thụ tạo, thay vì Ðấng Tạo Hoá” (Rm 1,24-25). Họ cũng “theo dục tình đồi bại. Phụ nữ của họ đã đổi những liên hệ tự nhiên lấy những liên hệ trái tự nhiên. Ðàn ông cũng thế, bỏ liên hệ tự nhiên với phụ nữ để nôn nao thèm muốn lẫn nhau. Ðàn ông làm việc tồi bại với đàn ông” (Rom 1,26-27). Họ đang tìm cách đạp đổ gia đình là nền tảng của xã hội bằng cách gán cho nó một định nghĩa mới. Họ đang nhân danh “quyền chọn lựa của phụ nữ” để phá thai, giết hại hàng triêu thai nhi mỗi năm. Không những thế họ còn muốn dạy những điều này cho trẻ em, và thay đổi luật pháp để biến những điều này thành những quyền căn bản, hầu bịt miệng những ai muốn vạch rõ chân lý.

– Loan báo Tin Mừng là can đảm chống lại nền văn hóa sự chết: Là Kitô hữu chúng ta có nhiệm vụ đoàn kết với nhau và đoàn kết với các tổ chức tốt khác chống lại “nền văn hoá sự chết này” dù phải chịu mọi thiệt thòi hay phải chết như các Tông đồ khi xưa.

  1. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊSU. Chúng con cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng muốn làm được như vậy, chúng con phải có đức tin mạnh mẽ như hai thánh Phêrô và Phaolô. Xin Chúa cho chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh như thánh Phêrô. Xin Chúa hãy giúp chúng con tránh những lời nói khó ưa, những hành động vụ lợi ích kỷ, để sống bác ái hiệp thông với nhau như thánh Phaolô. Xin giúp chúng con loại bỏ những đam mê bất chính và các thói hư tật xấu, loại bỏ tính háo danh, thói ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, những tư tưởng tự mãn và hẹp hòi… Nhờ đó, chúng con có thể trở thành chứng nhân hữu hiệu của Chúa giữa xã hội Việt Nam hôm nay.

– LẠY CHÚA. Tòa nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm đến nay vẫn còn đang được xây dựng dang dở. Xin Chúa giúp mỗi người tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm được hoàn thành. Xin cho chùng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo Xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH – HHTM

Ngày 30 tháng 6

Các Thánh Tử Ðạo Tiên Khởi Của Hội Thánh Rôma

pv_chu_thanh_jesus2Giáo Hội muốn dành riêng ngày hôm nay để kính nhớ một số rất đông các vị anh hùng tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Rôma dưới thời bạo chúa Néron: các ngài bị vu oan là đã đốt thành, vì vậy bạo chúa ra lệnh hành quyết các ngài bằng đủ mọi cách.

Có những vị bị đem ra làm mồi cho thú vật xâu xé, những vị khác bị treo trên Thập Giá cho đến chết, cũng có những vị bị tẩm dầu vào thân xác rồi đốt như một ngọn đuốc cháy mỗi khi đêm xuống. Tất cả những vị đó đều là môn đệ của các thánh tông đồ, các ngài đã được hiến dâng cho Chúa như của lễ đầu mùa, như hạt giống đức tin gieo vào lòng lương dân để từ đó nảy sinh những hoa trái tốt tươi cho các thế hệ kế tiếp.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Ngày 30 tháng 6

Thánh Vinh Sơn Ðỗ Yến, Linh Mục (+1838)

pv_chu_thanh_jesus

Thánh Vinh Sơn Ðỗ Yến sinh năm 1764 tại làng Trà Lũ, thuộc giáo xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Ðịnh. Lớn lên, ngài dâng mình cho Chúa. Sau một thời gian dài học tập và tu luyện, ngài được Ðức Cha Delgado Y Cebrian truyền chức linh mục.

Năm 43 tuổi, cha nhập dòng Ða Minh và mặc áo dòng ngày 22/7/1807, rồi khấn vào năm sau. Ngài được cử tới coi xứ Kẻ Mót, rồi xứ Kẻ Sặt (Hải Dương). Thời vua Minh Mạng cấm đạo, vì bị quan quân lùng bắt dữ dội, và để bảo toàn xứ Kẻ Sặt, cha đã phải cải trang thành thường dân cho dễ lẩn trốn.

Ngày 08/6/1838, ngài bị bắt trên đường tới xứ Lạc Ðiền (Hưng Yên) và bị đóng gông giải về Hải Dương.

Trong tù, cha luôn trung kiên với đức tin Công Giáo và nêu gương chủ chăn tốt lành. Vì thế, vua Minh Mạng đã lên án tử hình, và ngày 30/6/1838, bản án về tới Hải Dương.

Ngay hôm đó, ngài bị xử trảm tại pháp trường ngoài thành Hải Dương, hưởng thọ 74 tuổi.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*