- Thánh Grêgoriô Cả ngày 03 tháng 9
- Thánh Phêrô Tự ngày 05 tháng 9
- Chân phước Claudio ngày 06 tháng 9
- Chân phước Frederick ngày 07 tháng 9
- Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria ngày 08 tháng 9
- Thánh Phêrô Claver ngày 09 tháng 9
- Thánh Novaliva ngày 10 tháng 9
- Thánh Gioan Kim Khẩu ngày 13 tháng 9
- Kính Thánh Giá ngày 14 tháng 9
- Kính Bảy Sự Thương Khó Đức Maria ngày 15 tháng 9
- Thánh Cornêliô và Cyprianô ngày 16 tháng 9
- Thánh Rôbertô Bellarminô ngày 17 tháng 9
- Thánh Emmanuel Triệu ngày 17 tháng 9
- Thánh Đa Minh Trạch ngày 18 tháng 9
- Thánh Januariô ngày 19 tháng 9
- Thánh Gioan Charles Tân ngày 20 tháng 9
- Thánh Matthêu Tông Đồ Thánh Sử ngày 21 tháng 9
- Thánh Phanxiô Phan và Tôma Thiện ngày 21 tháng 9
- Thánh Piô năm dấu thánh ngày 23 tháng 9
- Thánh Cosma và Damianô Tử Đạo ngày 26 tháng 9
- Thánh Vinh Sơn Đệ Phaolô ngày 27 tháng 9
- Thánh Venceslaô Tử Đạo ngày 28 tháng 9
- Tổng Lãnh Thiên Thần ngày 29 tháng 9
- Thánh Hiêronimô ngày 30 tháng 9
Ngày 03 tháng 9
Thánh Grêgoriô Cả Giáo Hoàng Tiến Sĩ Hội Thánh (+604)
Thánh Grêgoriô xuất thân từ một gia đình danh giá và đạo đức ở La Mã. Thuở thiếu thời, Ngài đã tỏ ra là một đứa trẻ rất đặc biệt về trí thông minh và lòng đạo đức. Ðến tuổi trưởng thành, Ngài đã lần lượt bước lên những bậc thang cao nhất của danh vọng trần tục, dù vậy tâm hồn Ngài vẫn chưa thỏa mãn và luôn xao xuyến như chưa làm được điều gì lợi ích cho Giáo Hội Chúa. Vì thế, một ngày kia, Ngài đã quyết định từ bỏ mọi vinh hoa trần thế, bán hết gia sản phân phát cho người nghèo rồi vào ẩn mình trong một tu viện (575). Sau đó, Ngài lãnh chức phó tế và được gửi đi thi hành sứ vụ tại Constantinople (580-585). Rồi Ngài được triệu hồi về Rôma để kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, và cuối cùng, vào năm 590, Thiên Chúa lại cất nhắc Ngài lên làm đấng chăn chiên kế vị Thánh Phêrô.
Trong suốt 14 năm lèo lái con thuyền Giáo Hội, Ðức Grêgoriô đã nỗ lực xây dựng Hội Thánh trong nhiều lãnh vực: Chú giải thánh kinh, phục hưng bình ca và phụng vụ, Ngài cũng đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề xã hội và những tiến bộ khoa học. Thực vậy, khi nghiên cứu về đời sống và hoàn cảnh xã hội dưới thời Ðức Grêgoriô cả, nhiều sử gia đã không ngần ngại hạ bút kết luận bằng 4 chữ: “hoàng kim thời đại”.
Trong cuộc sống thường nhật, Ngài cũng tỏ ra một lòng ưu ái đặc biệt đối với những người nghèo và một tinh thần khiêm tốn. Ngài vẫn tự xưng mình là đầy tớ của các đầy tớ Chúa.
Ngài qua đời năm 604. Năm 1298 Ðức Giáo Hoàng Bonifaciô VIII đã tôn phong Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 05 tháng 9
Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, Linh Mục; Giuse Hoàng Lương Cảnh, Y Sĩ (+1838)
– Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự sinh năm 1796 tại Ninh Cường, Nam Ðịnh. Ðược nhận vào nhà Chúa từ nhỏ, nhưng đến năm 30 tuổi mới thụ phong linh mục, sau đó gia nhập dòng thánh Ða Minh. Ngài đặc biệt chăm lo suy gẫm và trung thành với thánh lễ mỗi ngày. Trong thời gian đang coi xứ Ðức Trai (Kẻ Mốt), cha đã bị tố cáo và bị bắt giải về Bắc Ninh giam chung với Thánh Giuse Cảnh. Trong tù, cha đã cương quyết bảo vệ đức tin, và chính một lần chính ngài đã cãi lý về đạo trước mặt quan Bố Chánh Án Sát và quan phải nể phục.
– Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh sinh khoảng năm 1763 tại làng Ván, tỉnh Bắc Giang. ngài được bầu làm trùm họ, sinh sống bằng nghề thầy thuốc, trỗi vượt về đường thánh thiện và lòng thương người. Ngài đã gia nhập và được mặc áo hội Dòng Ba Ða Minh. Năm 75 tuổi, ngài bị bắt và bị giải về Bắc Ninh giam chung với cha Phêrô Tự. Trong tù, quan khuyên nhủ ngài bỏ đạo, ngài đã mạnh dạn tuyên xưng: “Chúa là Chúa trời đất và muôn vật phải thờ phụng Người”, sau đó, thầm thì đọc kinh. Quan cho phép đọc lớn, ngài đã đọc kinh Ðức Chúa Thánh Thần rồi cung kính hôn tượng Chúa. Nhiều lần ngài còn giải thích giáo lý cho quan nghe nữa.
Các quan đã lên án tử hình cha Phêrô Tự và ông trùm Giuse Cảnh vì tội “bất khẳng quá khóa”. Ngày 05/9/1838, hai ngài đã hiên ngang tới pháp trường Bắc Ninh chịu xử trảm.
Ngày 27/5/1900, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong hai ngài lên hàng Chân Phước.
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 06 tháng 9
06/9 – Chân phước Claudio Granzotto, Tu sĩ (1900-1947)
Ngài sinh tại Santa Lucia del Piave gần Venice, ngài là con út trong 9 người con và quen làm việc cực nhọc ngoài đồng. Lúc 9 tuổi, ngài mồ côi cha. 6 năm sau ngài vào quân đội Ý và phục vụ hơn 3 năm.
Ngài có khiếu về điêu khắc và được học tại Viện Nghệ Thuật Venice, và đậu hạnh nhất năm 1929. Đặc biệt ngài rất quan tâm nghệ thuật tôn giáo. Khi Claudio vào Dòng Phanxicô năm 1933, linh mục xứ viết: “Nhà dòng không chỉ nhận một nghệ sĩ mà còn nhận một vị thánh”. Cầu nguyện, bác ái với người nghèo và tác phẩm nghệ thuật đều thể hiện cuộc sống của ngài. Ngài bị ung thư não và qua đời vào lễ Mẹ Mông Triệu. Ngài được phong chân phước năm 1994.
Trầm thiên Thu dịch
Ngày 07 tháng 9
07/9 – Chân phước Frederick Ozanam (1813-1853)
Ngài phục vụ người nghèo ở Paris và thu hút những người khác cùng phục vụ người nghèo khắp thế giới. Qua Hội Thánh Vincent de Paul, công việc của ngài vẫn tiếp tục cho tới ngày nay.
Frederick là con thứ 5 trong 14 người con của ông bà Jean và Marie Ozanam, và cũng chỉ mình ngài còn sống. Khi còn là thiếu niên, ngài bắt đầu nghi ngờ tôn giáo. Đọc sách và cầu nguyện cũng có vẻ không giúp ích cho ngài, nhưng vừa đi dạo vừa thảo luận với Lm Noirot (Đại học Lyons) giúp ngài sáng tỏ nhiều vấn đề.
Ngài thích văn chương, nhưng cha ngài là bác sĩ và muốn ngài làm luật sư. Ngài chiều theo ý cha, và năm 1831 ngài đến Paris để học luật tại ĐH Sorbonne. Khi một số giáo sư mỉa mai các giáo huấn Công giáo trong khi giảng bài, Frederick đã bảo vệ Giáo hội. Ngài lập một câu lạc bộ gồm người Công giáo, người vô thần và lạc giáo cùng tranh luận các vấn đề của thời đó. Có lần sau khi Frederick nói về vai trò của Kitô giáo trong văn minh, một thành viên câu lạc bộ nói: “Chúng ta hãy thẳng thắn. Anh làm gì ngoài việc nói để chứng tỏ đức tin?”. Do đó ngài quyết định thể hiện qua hành động. Không lâu sau cả nhóm cùng giúp đỡ người nghèo dưới sự bảo trợ của thánh Vincent de Paul. Cảm thấy đức tin Công giáo cần người có tài ăn nói để giải thích các giáo huấn, ngài thuyết phục Đức TGM Paris mời Lm Lacordaire, nhà giảng thuyết tài giỏi nhất Pháp quốc thời đó, đến giảng mùa Chay tại Nhà thờ Đức Bà. Điều này đã trở thành truyền thống tại Paris.
Sau khi có bằng cấp về luật tại ĐH Sorbonne, ngài dạy luật tại ĐH Lyons. Ngài còn có bằng cấp về văn chương. Sau khi kết hôn với Amelie Soulacroix ngày 23-6-1841, ngài trở lại Sorbonne để dạy văn chương. Ngài là một giảng viên uy tín, luôn vì lợi ích của sinh viên. Trong khi đó, Hội Thánh Vincent de Paul phát triển khắp Âu châu. Chỉ tại Paris đã có tới 25 hội.
Năm 1846, ngài cùng vợ và con gái Marie tới Ý để chữa bệnh. Họ trở về quê năm 1847. Cuộc cách mạng năm 1848 khiến nhiều người nghèo không được Hội Thánh Vincent de Paul phục vụ. Số người thất nghiệp lên tới 275.000 người. Chính phủ yêu cầu ngài và các cộng sự giám sát tài trở của chính phủ dành cho người nghèo.
Ngài thành lập báo The New Era (Tân Kỷ Nguyên), chuyên về bảo toàn công lý cho người nghèo và giới lao động. Các bạn Công giáo của ngài thường không vui với những gì ngài viết vì ngài gọi người nghèo là “linh mục của quốc gia”, ngài nói rằng người đói khát và mồ hôi của người nghèo đã làm nên sự hy sinh có thể cứu lòng nhân đạo của một dân tộc.
Năm 1852, sức khỏe yếu kém khiến ngài phải về Ý với vợ và con gái. Ngài qua đời ngày 8-9-1853. Trong bài giảng tại lễ an táng ngài, Lm Lacordaire đã diễn tả: “Ông Frederick Ozanamlà một trong những người được đặc ân trực tiếp từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã kết hợp nơi ngài sự dịu dàng tới thiên tài để thắp sáng thế giới”. Vì ngài viết một cuốn sách nổi tiếng có tựa đề “Các Thi sĩ Dòng Phanxicô của Thế kỷ XIII” (Franciscan Poets of the Thirteenth Century) và vì sự xứng đáng của ngài dành cho mỗi người nghèo nên ngài rất gần gũi với cách suy nghĩ của thánh Phanxicô, rất xứng đáng kể ngài vào những người vĩ đại của Dòng Phanxicô. Ngài được phong chân phước năm 1997.
Trầm thiên Thu dịch
Ngày 08 tháng 9
Sinh Nhật Ðức Trinh Nữ Maria
Cuộc đời Ðức Mẹ được bao trùm bởi những dấu lạ. Ðức Mẹ sinh ra, mặc dù nghèo khó tầm thường trước mắt người đời, nhưng dưới ánh sáng đức tin đó là một ngày trọng đại trong lịch sử cứu rỗi. Chính Giáo Hội đã hân hoan thốt lên: “Lạy Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, nhờ việc Mẹ sinh ra mà thế gian được tràn ngập hoan lạc và khích lệ, vì nơi lòng Mẹ, mặt trời công chính là Ðức Giêsu đã đến trong thế gian, chính Người đã kéo chúng tôi ra khỏi sự chết và đưa vào đời sống vĩnh cửu”.
Thực vậy, ngày lễ này phải là một niềm vui mừng cho toàn thế giới chứ không riêng cho một dân tộc hay một nhóm người nào. Và nhân loại sẽ không ngớt lời ngợi khen Mẹ.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
08/9 – Sinh nhật Đức Mẹ
Giáo hội mừng sinh nhật Đức Mẹ ít nhất từ thế kỷ VI. Được chọn vào tháng 9 vì Giáo hội Đông phương bắt đầu Năm Giáo hội từ tháng 9. Ngày 8-9 giúp xác định lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm vào ngày 8-12 (9 tháng trước).
Kinh thánh không nói tới sinh nhật Đức Mẹ. Tuy nhiên, ngụy kinh Protoevangelium của Giacôbê khỏa lấp khoảng trống này. Tác phẩm này không có giá trị lịch sử, nhưng phản ánh sự phát triển của lòng sùng mộ của Kitô giáo. Theo cách mô tả này, bà Anna và Gioakim son sẻ và cầu xin có con. Họ nhận được lời hứa là sẽ có con làm lợi cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Câu chuyện như vậy (cũng như các truyện khác trong Kinh thánh) nhấn mạnh sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa trong cuộc đời Đức Mẹ ngay từ đầu. Thánh Augustinô liên kết sinh nhật Đức Mẹ với việc cứu độ của Chúa Giêsu: “Mẹ là đóa hoa trong cánh đồng mà từ đó nở đóa huệ quý giá trong thung lũng. Nhờ mẹ sinh ra, bản chất thừa kế từ cha mẹ đầu tiên được biến đổi”. Lời nguyện nhập lễ nói về việc sinh ra Con của Mẹ là bình minh của công cuộc cứu độ và xin gia tăng hòa bình.
Ngày 09 tháng 9
09/9 – Thánh Phêrô Claver, Linh mục (1581-1654)
Ngài là người Tây Ban Nha, vào Dòng Tên năm 1610 và truyền giáo ở thuộc địa của Tân Thế Giới. Ngài đi Cartagena (nay là Colombia) và thụ phong linh mục năm 1615.
Thời đó, việc buôn bán nô lệ đã xảy ra ở người Mỹ gần 100 năm, Cartagena là trung tâm của nạn này. 10.000 nô lệ bị đưa vào cảng mỗi năm sau khi vượt Đại tây dương từ Tây Phi trong điều kiện khắc nghiệt và dã man, ước tính có tới 1/3 số nô lệ bị chết trong khi vận chuyển. Dù nạn buôn bán nô lệ đã bị ĐGH Phaolô III lên án, và sau đó bị ĐGH Piô IX gọi là “cực kỳ côn đồ” (supreme villainy), tệ nạn này vẫn phát triển.
Tiền bối của thánh Peter Claver là Lm Alfonso de Sandoval đã dấn thân phục vụ người nô lệ suốt 40 năm trước khi thánh Claver đến tiếp tục công việc, và ngài tự nhận mình là nô lệ của người da đen mãi mãi.
Ngay khi tàu chở nô lệ cặp bến, ngài lẻn vào để giúp đỡ những người bị xử tệ. Sau khi các nô lệ phải sắp hàng như thú vật, ngài len vào giữa họ để giúp đỡ bằng thuốc men, đồ ăn, thức uống, chanh và thuốc hút. Suốt 40 năm làm như vậy, ngài đã rửa tội cho khoảng 300.000 nô lệ.
Ngoài ra, ngài còn rao giảng ở các công viên, giao sứ vụ cho các thủy thủ và thương gia để giúp các nô lệ. Sau 4 năm bị bệnh, ngài qua đời ngày 8-9-1654. Chính quyền địa phương cảm kích, ra lệnh tổ chức táng lễ trang trọng và an táng ngài ở nơi công cộng. Ngài được phong thánh năm 1888, và ĐGH Lêô XIII tuyên bố ngài là thánh bổn mạng của các nhà truyền giáo làm việc giữa những người da đen.
Trầm thiên Thu dịch
Ngày 10 tháng 9
10/9 – Thánh Thomas Villanova, Giám mục (1488-1555)
Ngài sinh tại Castile, Tây Ban Nha, học ĐH Alcala và là giáo sư triết học nổi tiếng tại đây.
Ngài vào Dòng Augustinô ở Salamanca, được thụ phong linh mục dù kém trí nhớ, rồi lại được bầu làm bề trên và giám tỉnh. Ngài được hoàng đế chọn làm giám mục giáo phận Granada, nhưng ngài từ chối. Khi tòa giám mục trống ngôi, ngài đành phải chấp nhận. Tiền bạc ngài được hưởng theo luật thì ngài trao hết cho bệnh viện, vì ngài giải thích: “Thiên Chúa sẽ được phục vụ tốt hơn bằng tiền cho những người nghèo ở bệnh viện”.
Ngài vẫn dùng áo dòng từ khi vào nhà tập và tự may vá quần áo. Mỗi ngày có hàng trăm người nghèo đến với ngài và được ngài cho ăn uống và tiền bạc. Những người giàu noi gương ngài sống yêu thương và bác ái hơn.
Bị phê bình vì ngài không khắt khe khi sửa lỗi người khác, ngài nói: “Hãy bảo người đó (người chê trách) hỏi xem thánh Augustinô và thánh Gioan Chrysostom có nguyền rủa và phạt vạ người có lỗi hay không”.
Khi hấp hối, ngài bảo đem hất tiền bạc của ngài cho người nghèo, còn đồ dùng của ngài đem cho thầy hiệu trưởng của ngài. Ngài trút hơi thở cuối cùng sau khi dự thánh lễ và rước lễ, khi đó ngài nói: “Lạy Chúa, con phó thác linh hồn con trong tay Chúa”. Ngài được mệnh danh là “người làm việc bác ái” và là “cha của người nghèo”. Ngài được phong thánh năm 1658.
Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)
Ngày 13 tháng 9
Gioan Kim Khẩu Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (334-407)
Thánh Gioan thành Antiokia, mệnh danh là Chrysostome (Kim Khẩu) vì sự khôn ngoan và tài hùng biện. Thánh nhân sinh năm 334 tại Antiokia nước Thổ Nhĩ Kỳ. Từ bé, ngài đã được hấp thụ do mẹ ngài một đức ái nhân hậu, một đức tin sắt đá và một lòng hy sinh hào hiệp.
Mùa xuân năm 373, ngài được tuyển vào chức đọc sách và từ đó danh tiếng ngài bắt đầu lừng lẫy. Ðược tôn lên chức Giám Mục, nhưng cảm thấy bất xứng nên ngài đã rút lui vào nơi kín đáo. Ngài ước ao sống cuộc sống khổ hạnh nhưng chỉ được bốn năm, vì mắc bệnh đau dạ dày nên buộc lòng ngài phải trở về Antiokia. Năm 386, ngài thụ phong linh mục và suốt 12 năm ngài đã làm cho thính giả thành Antiokia say mê và mến phục tài giảng thuyết. Ngài đả kích mãnh liệt những cổ tục mê tín, cuộc sống xa hoa của những người giàu có. Ngài nhấn mạnh đặc biệt đến những người nghèo và nêu gương bằng cách hết lòng giúp đỡ họ. Năm 397, ngài được bầu làm Giám Mục thành Constantinople. Ngài lo nghiên cứu đặc biệt về thánh Phaolô, cải tổ hàng giáo sĩ, thiết lập một số quy chế để thánh hóa bản thân, hủy bỏ mọi tập tục xa xỉ. Ngài cũng tận lực chiến đấu chống lại những bè rối như Ariô, Novatio… Vì phản đối nữ hoàng Eudoxie, đã chiếm đoạt gia sản của một góa phụ ở Callitrope, ngài bị kết án lưu đày năm 403. Người ta không được biết bao nhiêu khổ cực ngài đã phải chịu vì Ðức Kitô và bao nhiêu người đã trở lại cùng Chúa, nhưng mọi người đều phải thán phục lòng bác ái và những lời giảng thuyết và sách vở của ngài.
Sau cùng, ngài qua đời vào ngày 13/9/407.
Ðức Thánh Cha Piô X đã nâng ngài lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh và bổn mạng của những nhà giảng thuyết.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 14 tháng 9
Kính Thánh Giá
Dưới thời hoàng đế Hérachius I, những người Ba Tư xâm chiếm Giêrusalem và lấy mất phần chính của Thánh Giá thật mà thánh Hélène, mẹ của hoàng đế Constantin đã để lại. Hérachius nhất định chiếm lại Thánh Giá này. Ngài cầu nguyện, xin Chúa giúp đỡ và nung nấu lòng can đảm. Quả nhiên, lời cầu xin của nhà vua đã được Chúa chấp thuận, ngài đã đánh bại được quân Ba Tư và trở về Constantinople giữa tiếng reo hò của dân chúng. Với những cành Olive, những ngọn đuốc cháy sáng, Thánh Giá thật của Chúa đã được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn. Hoàng đế tràn trề sung sướng muốn trở về Giêrusalem với Thánh Giá này sau 14 năm lưu lạc. Nhà vua tiến vào thành thánh, nhưng trước khi lên núi Sọ, ngài đã không thể bước đi được nữa, khiến cho mọi người đều kinh ngạc sợ hãi. Giáo trưởng Zachazie hô lớn: “Tâu đức vua, chắc chắn phẩm phục của đức vua không xứng đáng với cảnh nghèo nàn và khiêm nhượng của Chúa Giêsu khi vác Thánh Giá”.
Hérachius vội cởi bỏ phẩm phục sang trọng, và thay bằng vào bộ quần áo nghèo hèn. Tức thì nhà vua cất bước một cách dễ dàng… và để ra sự khải hoàn, Chúa đã ban nhiều phép lạ cả thể trong ngày ấy.
Từ đó, lễ kính Thánh Giá Chúa Giêsu được lập ra để nhắc nhớ cho các thế hệ kỷ niệm ngày này.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
THẬP GIÁ
Thập giá – đau khổ và nhục nhã
Thập giá là dụng cụ nhục hình dành cho các tội nhân thời đó. Thập giá là biểu tượng của sự thử thách, của nỗi khổ đau. Trong cuộc sống, dù muốn dù không, chúng ta vẫn gặp và chịu đựng nhiều thứ trái ý. Thật vậy, bị áp bức hoặc không làm gì được người kia thì đành phải chịu thua. Đó là “bị” vác thập giá, bị nhục nhã. Người Việt có câu: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Nhưng người ta thường “nói đùa” là “một sự nhịn, chín sự… nhục”. Tuy nhiên, Thập giá cũng chính là dụng cụ nhục hình mà Chúa Kitô đã chịu đóng đinh vào, và Ngài đã chết trên đó để cứu chuộc nhân lọai. Ngài đã bị nhục nhã ê chề, vì hình phạt đóng đinh vào Thập giá chỉ dành cho những tên tội phạm “khét tiếng”. Không chỉ là bị đóng đinh vào Thập giá mà Ngài còn bị lột trần. Vô cùng nhục nhã. Thậm chí các môn đệ chí thiết cũng tìm cách rời xa Ngài vì sợ bị liên lụy. Chúa Giêsu đã bị liệt ngang hàng với cỡ tội phạm nguy hiểm như Baraba. Có lẽ không còn sự nhục nhã nào hơn nữa!
Thập giá – hy vọng và quang vinh
Thập giá còn có nghĩa là bất cứ thử thách đau khổ nào mà Kitô hữu phải chịu, và tự nguyện chấp nhận, để được kết hợp với Chúa và cộng tác với Ngài trong việc cứu rỗi chính mình và các linh hồn. Như thế, Thập giá không còn là nhục hình mà lại trở thành một mầu nhiệm được mặc khải, được Chúa dạy khi Ngài nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16:24; x. Mt 10:38 và Lc 14:26-27). Mầu nhiệm Thập giá là một trong các chủ đề chính yếu của các thư thánh Phaolô (Rm 5:8; I Cr 1:17; Gl 4:16 và Pl 2:6-11).
Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu là Đấng vô tội nhưng đã bị vu cáo, là Đấng Công chính nhưng đã bị kết án, là Đấng chí thánh nhưng đã bị đày ải, là Vua trời đất nhưng đã bị hành hạ nhục nhã và bị đóng đinh chết tức tưởi, là Con Thiên Chúa toàn năng nhưng đã bị thóa mạ, bị chà đạp và bị từ chối, là Ánh Sáng nhưng đã bị tối tăm vây phủ, là Đấng vô cùng cao sang nhưng đã bị trần truồng tủi hổ, chịu chết treo trên hai miếng gỗ, là Sự Sống nhưng đã phải trút hơi thở cuối cùng, là Sự Chết nhưng cũng là Sự Sống Lại.
Thánh Gioan Kim khẩu suy niệm: “Cây Thánh Giá là hy vọng của các Kitô hữu, là sự sống lại của kẻ chết, là sự hướng dẫn cho kẻ mù, là cây gậy cho người què, là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ, là sự kềm hãm của kẻ giàu sang, là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa, là sự chiến thắng ma quỷ, là kẻ chỉ đạo cho người thanh niên, là bánh lái cho những người vượt sóng, là cửa biển cho những kẻ đi xa, là thành lũy cho những kẻ bị vây hãm”.
Thập giá là chìa-khóa-Nước-Trời, là chìa-khóa-vạn-năng giúp chúng ta xử lý bất kỳ trường hợp nào trong cuộc sống. Khi cô đơn, đau khổ, vất vả, thất vọng, lo sợ, tủi nhục,… cứ ngước nhìn Thập giá Đức Kitô thì người ta sẽ tìm được ủi an, nâng đỡ và bình an. Thánh Jean Chrysostome nói: “Hiểu đau khổ, đón nhận đau khổ, tiến dâng đau khổ, đó là nguồn sống hạnh phúc hoan lạc. Chiến đấu với tội lỗi là chiến đấu với đau khổ”. Với Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu: “Có Chúa, tất cả đau khổ thế trần là thần lương bổ dưỡng, và tất cả an ủi thế trần trở nên cay đắng”.
LM Anton Torès viết: “Vác Thánh giá mà không có gì an ủi, đó là lúc ta đang bay bổng trên đường trọn lành; khi cầu nguyện mà không nghe động tình vui thú an ủi, đó là cách cầu nguyện rất hữu ích cho linh hồn”. Một Saolê hung hãn bắt đạo đã trở nên một Phaolô hăng say rao giảng về Thập giá: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (I Cr 1:18, 25).
Cứ ngỡ Thập giá là nhục nhã nhưng lại là niềm hy vọng và vinh quang. Bác học Voltaire đã thốt lên: “Lạy Chúa, con đã chiến đấu 60 năm vì vinh quang Ngài” (Mon Dieu, j’ai combattu soixante ans pour Ta gloire). Chiến đấu thì phải đau khổ, có đau khổ mới có vinh quang. Trong một chương trình phát thanh, đài Nguồn Sống xác định: “Chúa không cần người có tài, nhưng Ngài cần người mà Ngài có thể dùng”. Đó là những người xả thân vì Đức Kitô, không có tài sẽ được Ngài hỗ trợ – như Samuel, thánh nữ Faustina,… Có tài thì vẫn tốt, nhưng Chúa cần có đức trước, như người Việt thường nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” vậy. Chúa Giêsu có những cái “ngược đời”, nhưng đó lại là những điều tối cần thiết để sống hữu ích cho chính mình, cho tha nhân, cho Giáo hội, cho tổ quốc, cho xã hội – hôm nay và ngày mai. Chúa Giêsu bị treo trên Thập giá và Ngài kéo chúng ta lên. Ngài lên cao và vinh quang qua con đường Thập giá thì chúng ta cũng nhờ Thập giá mà hy vọng được lên cao và chung hưởng vinh quang với Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thật lòng yêu mến và say mê Thập giá để khả dĩ là khí cụ của Ngài, dám sống “ngược đời” như Ngài, và như mong muốn “không giống ai” của Thánh Phaolô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14).
TRẦM THIÊN THU
Saigon, Lễ Suy tôn Thánh Giá – 14/9/2011
THẬP GIÁ LÀ TÌNH YÊU HIẾN TẾ
Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta (Mt 16,24) Một điều kiện rất khắt khe, rất tiên quyết mà Đức Giêsu đưa ra để làm tiêu chuẩn cho những môn đệ của Ngài. Người ta hỏi “Thập giá là gì?” và câu trả lời đã quá rõ ràng: Thập giá đồng nghĩa với đau khổ và sự chết.
Đứng trước Thập giá, chính Phêrô cũng vấp phạm, Phêrô đã kéo Chúa ra một nơi riêng: “Thưa Thầy xin Thiên Chúa cứu Thầy khỏi điều đó, Thầy chẳng phải như vậy đâu” (Mt 16, 22). Phêrô can Chúa vì Chúa nói:“Con người sẽ bị nộp trong tay kẻ dữ, sẽ bị đánh đòn, bị giết chết và ngày thứ ba mới sống lại” (Mt 20,19). Lời can gián của Phêrô đã đưa đến một lời nhận xét thẳng thừng của Chúa Giêsu với Phêrô rằng: “Satan! Hãy lui ra đằng sau Thầy. Con không biết việc của Thiên Chúa, con chỉ biết việc của loài người” (Mt 16,23). Đúng là Phêrô chỉ biết việc của loài người chứ không biết việc của Thiên Chúa. Việc của loài người là càng tránh xa được đau khổ càng tốt, càng tránh được rủi ro càng hay. Con người ai cũng muốn mạnh khỏe bình an, xuôi thuận trong mọi công việc và cuộc đời gặp được toàn may mắn. Bây giờ, Đức Giêsu ra một tiêu chuẩn “ Những người là môn đệ Thầy, phải từ bỏ mình, vác Thập giá”, thật là khắt khe, thật là nghiêm khắc. Đến lượt chúng ta tự lại hỏi: “Tại sao Chúa lại đưa ra một tiêu chuẩn khắt khe như vậy? ”. Câu trả lời duy nhất là: “Vì chính Chúa Giêsu đã chọn con đường đó”. Chúa Giêsu chọn con đường Thập giá, con đường của hy sinh và sự chết. Điều đó biểu cảm cho chúng ta thấy ý nghĩa gì? Người Việt Nam chúng ta thường nói “Hoa hồng nào mà chẳng có gai”. Hoa hồng là biểu trưng cho tình yêu, nhưng tình yêu nở trên gai góc. Như vậy, tình yêu luôn luôn được đặt trên thử thách, trên đau khổ, trên hy sinh, đến nỗi người ta có thể nói rằng “Yêu là chết cho mình một ít”. Vì vậy, Chúa chọn con đường Thánh giá, con đường hy sinh, con đường sự chết chính là để cho chúng thấy một tình yêu cứu độ lớn lao của Ngài, một tình yêu đi bước trước không phải là một ách, nhưng đó là một công việc của TÌNH YÊU.
Chúa yêu chúng ta trước, chọn hy sinh và sự chết. Bây giờ những người yêu mến Chúa chọn Thập giá, bước theo chân Ngài là đáp lại tình yêu mà Chúa đã trao ban. Do đó, những người nào thao thức đi tìm Chúa bằng con đường Thập giá thì những người đó sẽ gặp Chúa, nhưng những người nào càng tránh Thập giá thì những người đó lại càng gặp Thập giá, bởi lẽ thực ra Thập giá là một án phạt cho thế giới. Đức Giêsu chọn chính Thập giá là “lấy độc trị độc” để biến Thập giá thành Thánh giá vì đã mang thân xác thánh thiện của Đức Giêsu và Chúa biến Thập giá trở thành bàn thờ tế lễ Đức Chúa Cha. Vì thế, người ta không chọn Thập giá riêng rẽ, tách rời nhưng Thập giá phải gắn liền với Đức Giêsu Kitô và Thập giá của Đức Giêsu Kitô là tình yêu hiến tế, do đó, vác Thập giá theo Chúa là chấp nhận một con đường, một tình yêu, một hy sinh, một hiến tế. Như vậy, nói đầy đủ ra: Công thức dành cho các tông đồ “Đi theo Chúa” là những người dám yêu và dấn thân vì một tình yêu.
Hiểu nghĩa như vậy thì Thập giá không phải là một gánh nặng, một sự chúc dữ nhưng Thập giá là một biểu hiện của một tình yêu lớn lao. Những con người suốt đời sợ hãi, và tránh xa, những con người chỉ thích hưởng thụ và được mọi sự như ý muốn. Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ai yêu mạng sống mình thì lại mất ” (Mt 16,25). Trong Thực tế đã chứng minh, cả thế giới này có ai giữ được mạng sống mình cho dù nâng niu, cho dù chiều chuộng, cho dù thuốc bệnh thì cái chết vẫn cứ đến. Không ai là yêu mạng sống mình mà giữ được mạng sống. Thế nhưng, mạng sống ấy có ý nghĩa khi dấn thân, khi phục vụ, khi trao ban thì mạng sống ấy được chính Đức Giêsu bảo lãnh bằng tình yêu hiến tế đạt tới sự sống đời đời. Người đi theo chân Đức Giêsu Kitô là người đem lại hoa trái của tình yêu thương cho những người khác.
Một cây tre xanh tốt trong khu vườn nọ. Ông chủ đến ngắm nghía cây tre và rất hài lòng. Mỗi ngày cây tre một vươn cao xanh tốt, cho đến khi ngả màu óng ả, đẹp đẽ. Ông chủ nói với tre: -Tre ơi! Ta yêu tre lắm, nhưng muốn cho tre trở thành một việc có ý nghĩa thì Ta phải đốn tre xuống. Cây tre nói: -Ôi, ông chủ ơi! Xin ông chủ thương tôi. Nếu ông chủ đốn tôi xuống thì tôi chết mất. -Nếu ta không đốn ngươi thì ngươi cứ mãi mãi ở đây, chẳng làm được việc gì. Cây tre suy nghĩ một lát rồi nói: -Vâng, thưa ông chủ. Thế thì xin ông chủ hạ tôi xuống. -Nhưng mà tre ơi – ông chủ nói tiếp – để cho ngươi trở thành công ích thì ta phải chặt hết các cành của ngươi đi. Cây tre thốt lên: -Ông chủ ơi! Thế thì mất hết vẻ đẹp của tôi còn gì. Xin ông đừng chặt các cành của tôi đi. Ông chủ đáp; -Nếu ta không róc hết các cành, ta không làm được và ngươi chẳng làm được việc gì cả. Tiếng gió lướt qua kẽ lá như khuyên tre. Tre thều thào: -Vâng, thưa ông chủ, vậy xin ông chủ chặt hết các cành của tôi đi. -Nhưng ta còn một việc nữa, ta phải chẻ đôi thân ngươi ra. -Trời ơi! Ông chủ ơi! Thế thì tôi sống làm sao được. -Nhưng nếu ta không chẻ ngươi ra, ngươi chẳng sử dụng được việc chi hết. Tiếng gió mạnh mẽ hơn thúc đẩy cây tre. Cây tre cố gắng lần nữa: -Vâng, tôi xin tuân theo ý ông chủ. Vậy thì ông chủ cứ bổ đôi tôi ra. Ông chủ chưa hết dự định, ông chủ nói cho tre biết: -Tre ơi! Nhưng ta còn phải róc hết các mắt của các đốt ngươi đi thì ta mới làm được việc. Cây tre đến đó thì không thể làm gì nữa nên thưa với ông chủ: -Vâng, xin ông chủ muốn làm gì ông chủ cứ làm. Thế là ông chủ đốn cây tre xuống, chặt hết cành, bổ đôi, róc hết mắt, rồi chắp mảnh nọ vào mảnh kia, hứng nước từ trên núi trong lành chảy về đồng ruộng, tưới cho hoa màu. Năm đó hoa quả bội thu nhờ những cây tre đã biết chấp nhận để cho ông chủ chặt hết cành, bổ đôi, róc hết mắt. Nếu cây tre không chịu như vậy thì làm gì có một mùa hoa quả tốt tươi mọc lên trên cánh đồng kia.
Hình ảnh của hy sinh, hình ảnh của hiến tế, hình ảnh của Đức Giêsu Kitô không chỉ đem lại hoa quả trên cánh đồng mà còn đem lại hoa trái thánh thiện và sự sống đời đời nữa. Do đó những người muốn theo chân Đức Giêsu Kitô hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày, hiểu rằng đây không còn là một điều kiện tiên quyết khắt khe nữa. Đây là một ân huệ mà Chúa đã chọn con đường ngắn nhất. Con đường tình yêu lớn nhất để trao cho những người tình nguyện làm môn đệ của Ngài.
Lạy Chúa, Xin cho chúng con biết lựa chọn: đừng nhìn thấy Thập giá mà sợ hãi để rồi như Phêrô, Chúa phải thốt lên: “Ngươi không biết việc Thiên Chúa chỉ biết việc của loài người”. Hôm nay chúng con đã thấm thía,
THẬP GIÁ LÀ HIẾN TẾ TÌNH YÊU. Xin cho chúng con can đảm vác thánh giá mỗi ngày theo Chúa để chúng con cũng được đáp lại trong muôn một tình yêu hiến tế lớn lao của Chúa và chính tình yêu ấy cho chúng con nên giống Chúa trong sự sống hiến thân phục vụ và nhất là được đồng hưởng vinh quang với Chúa trong Nước hằng sống muôn đời. Amen.
LM. Phêrô Hồng Phúc
Suy tôn Thánh giá
UCANews (14-9-2011) – Lễ Suy tôn Thánh giá phong phú về lịch sử và biểu tượng.
Về biểu tượng, trước hết chúng ta biết rằng các Kitô hữu đầu tiên rất xấu hổ về thập giá đến nỗi không bao giờ dùng làm biểu tượng đức tin. Vì thập giá, như giá treo cổ, bị khinh thường, là hình phạt dành cho những người xấu xa và nô lệ. Ngược lại, Chúa Giêsu chứng tỏ đó là thiêng liêng và lộng lẫy, không phàm tục và tuyệt vọng. Thiên Chúa muốn rằng dụng cụ rất nhục nhã này trở nên phương tiện vinh quang và ơn cứu độ của chúng ta. Việc ám chỉ con rắn đồng của lịch sử trong sách Dân Số làm bài học. Trong thời gian họ đi đày trong sa mạc, Thiên Chúa đã phạt dân Israel về tội ngoan cố bằng đại dịch rắn. Lúc đó, khi dân chúng quằn quại trong đau khổ và kêu xin Môsê cứu vớt, vị tiên tri này đã đúc một con rắn đồng và đặt trên cột cao ở giữa đồng trống: “Những ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu. Những ai chỉ nhìn vết thương và chống lại rắn đều bị bất hạnh”. Đây là bí ẩn về Con Rắn Đồng: Những gì hủy diệt chúng ta cũng có sức mạnh chữa lành và biến đổi chúng ta. Nhưng về điều này, chúng ta phải thôi nhìn vào chính mình, và ngước nhìn Con Người trên Thánh giá: “Khi Tôi bị treo trên Thập giá, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”. Một chút lịch sử: Chính hoàng hậu Helena, mẫu hậu của hoàng đế Constantine, đã phát hiện Thánh giá của Chúa Giêsu ở giữa đống xà bần của thành Giêrusalem năm 326. Đại giáo đường Thánh Mộ Cổ (Holy Sepulchre) đã được xây dựng ngay tại đó, và thánh tích Thánh giá thật được đặt tại đó cho mọi người kính viếng. Khi vua Ba Tư Khushru xâm lăng Giêrusalem năm 614, Thánh giá thật bị lấy mất; nhưng khoảng 50 năm sau, hoàng đế Heraclius (là Kitô hữu) đã chiến thắng vua Khushru và lấy lại Thánh giá thật. Lễ Suy tôn Thánh giá có từ thời gian đó.
TRẦM THIÊN THU
sưu tầm September 12, 2013
Lễ kính Thánh Giá
Xin cho chúng con lấy sự khốn khó làm vui mừng Amen.
Chúa Nhật trước Lễ kính Thánh Giá, Cha Sở tuyên bố mỗi gia đình phải làm một cây Thánh Giá, đến ngày lễ sẽ đem đến nhà thờ và từng gia đình rước Thánh Giá của mình lên để Cha ban phép lành cho.
Trong thánh Lễ, các gia đình cùng vói Thánh Giá của mình lần lượt lên lãnh phép lành.
Đến lượt một cặp vợ chồng lên, nhưng không có Thánh Giá, cha Sở hơi bực mình quát to
“ Thánh Giá của chúng mày đâu ?
Chàng liền bồng vợ nâng lên cao nói : Thưa Cha, Đây Thánh Giá của con đây !
Thưa anh chị, cuộc sống hôn nhân gia đình có nhiều đau khổ, những đau khổ đó thì rất nhiều và lê thê giai giẳng kéo dài trong suốt cuộc đời.
Thuở ban đầu khi mới cưới nhau, tình yêu đằm thắm, mịn mà ngát thơm như bông hoa hồng tươi thắm. Nhưng thời gian trôi qua, hương hoa dần phai, mới thấy những gai nhọn của nhánh hoa.
Những chuyện xẩy ra trong gia đình.
Về phía đức ông chồng
Khi lập gia đình, dù có được một người vợ hết lòng chung thuỷ, khôn ngoan quán xuyện, đảm đang mọi công việc gia đình, nhưng đôi khi trong lời nói, việc làm, trong việc giao tế thiếu tế nhị cũng làm cho người chồng không hài lòng hoặc khó chịu, nhất là tự mình quyết định những việc lớn lao như mua sắm những thứ mắc tiền mà không bàn hỏi với chồng, Trong trường hợp khi người vợ giỏi giang hơn, công ăn việc làm kiếm được nhiều tiền hơn, dễ làm nẩy sinh mặc cảm cho chồng….
Những đức tính cao đẹp nổi bật sau đây của người phụ nữ, dù những người rất tối đôi khi cũng cũng mắc phải không ít thì nhiều như: bủn xỉn, cau có, hẹp hòi, bép xép, nóng giận, ghi kỵ, ghen hờn, chấp nhất, Hay chê bai, gièm pha, ghen tương, không dễ tha thứ, luôn cho mình là đúng, là phải, không chịu nghe lời, hay nói giai, nhớ lâu….nhiều khi đã làm cho các đức ông chồng phải điên đầu cắn răng chịu đựng cho xong chuyện….
Về phía phụ nữ
Khi kiếm được người yêu, mong rằng người đó sẽ là điểm tựa đem lại hạnh phúc cho cuộc đời mình. Nhưng khi về với nhau, những năm đầu thật là tuyệt vời. Nhưng dần dần thấy khó chịu vì chàng cù lần, quê mùa, cục cằn, bướng bỉnh, dễ bẳn gắt, hay càu nhàu, luôn muốn theo ý mình, hay chê trách, không biết thông cảm, không biết chiều chuộng người vợ, đoi khi lại còn tính hay lang bang, rượu chè, bồ bịch….những sự cố đó làm đau quặng con tim, cảm thấy đời không còn gì là hạnh phúc…
Những cảnh huống trên nhiều khi gây lên cuộc chiến tranh lạnh. Vợ chồng sống với nhau như người xa lạ, không thèm nói năng với nhau, không muốn nhìn mặt nhau, sống như hai cái xác không hồn. Thật đúng như câu : Đời là bể khổ, không ai sống trên đời thoát khỏi đau khổ.
Trên phương diên tự nhiên: Đau khổ là sự bất hạnh. Nhưng trên Đức Tin thì đau khổ là một hạnh phúc lớn lao, là những hạt kim cương lóng lánh cao qúy tuyệt với nạm trên vương niệm của chúng ta.
Vì Chúa đã xuống trần, chịu mọi đau khổ, chịu chết cho cúng ta và Người đã thánh hóa những đau khổ của chúng ta, vì Người nói : Phúc cho các con khi bị người ta ghét bỏ, chê bai, chỉ trích, ngược đãi, làm xỉ nhục các con….. phần thưởng trọng hậu được dành cho các con trên quê Trời….
Ước chi trong những nghịch cảnh, chúng ta hãy cầu nguyện, cầu nguyện rất nhiều cho tới khi ơn Chúa thắm đậm sâu trong tâm hồi và cảm nhận được thực sự “ Lấy sự khốn khó làm vui mừng Amen.
Trong phiên họp các gia đình của nhóm Thăng Tiến Hôn Nhân tại Cali tôi nêu ra câu hỏi cho các ông : Thế nào là gia đình hạnh phúc ? Mọi người trả lời : Thương yêu nhau. Nhưng tôi không đúng, và trưng ra lời Chúa : Nếu các con chỉ yêu mến các kẻ yêu mến các con, nào có công gì ? Hãy yêu kẻ ghét các con, làm ơn cho kẻ làm hại các con, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa các con… các con mới được hạnh phúc thật, và phần thưởng trọng hậu sẽ dành cho các con trên quê trời.
Nên tôi kết luận : Người nào có bà vợ chua ngoa đanh đá, thuộc loại chằng lửa, càng chằng lửa càng
Càng được hạnh phúc nhiều.
Đôi lời tâm sự xin gửi đến quý bạn trong dịp lễ Kính Thánh Giá.
Xin Chúa chúc lành.
Love you in Christ 9-9-2013
Ngày 15 tháng 9
Kính Bảy Sự Thương Khó Ðức Maria
Những đau khổ của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn thật vô cùng lớn lao. Tiên tri Isaia đã gọi Ngài là “Con người của đau khổ”. Bên cạnh những thống khổ ấy, đau khổ trong đời Mẹ Maria cũng vượt mức chịu đựng của loài người, và chúng ta không làm sao diễn tả đầy đủ được. Nếu Ðức Giêsu đã đau khổ như một Thiên Chúa, Mẹ Maria cũng đã vô cùng đau đớn khi nhìn con Mẹ xuôi tay trước những cực hình phải chịu.
Trong một mức độ nào đó, Mẹ đã đóng góp rất nhiều vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu bằng việc liên kết những khổ đau của Mẹ với những đau khổ của Chúa.
Giáo Hội suy tôn Ðức Maria là Nữ Vương các thánh tử đạo và đã cụ thể hóa những đau khổ của Mẹ qua các sự kiện sau:
– Lúc nghe lời tiên tri Simêon, khi dâng Chúa Giêsu trong đền thánh.
– Lúc ẵm bế Chúa Hài Ðồng trốn sang Ai Cập.
– Lúc lạc mất Chúa tại Giêrusalem.
– Lúc gặp Chúa vác thánh giá.
– Lúc Chúa chịu đóng đinh.
– Lúc hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá.
– Lúc táng xác Chúa.
Cùng với Giáo Hội, chúng ta dâng lên Chúa lời nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ðức Mẹ Ðồng Trinh cộng khổ đứng kề bên Con Chúa chịu treo trên thánh giá, xin ban cho Hội Thánh Chúa, khi đã thông phần đau khổ với Chúa Kitô thì cũng đáng được sống lại với Người”.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
CHÍNH TÔI ĐÃ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ CHIẾM ĐOẠT! (15-9: Thánh nữ Caterina thành Genova)
… Thánh nữ Caterina Fieschi Adorno chào đời ngày 5-4-1447 tại Genova và qua đời ngày 15-9-1510 cũng tại Genova (Bắc Ý). Thánh nữ Caterina thành Genova sinh ra đúng một thế kỷ sau thánh nữ Catarina thành Siena (1347-1380).
Người Ý đương thời vào hậu bán thế kỷ XV trang trọng gọi thánh nữ Caterina là ”Madonna Caterinetta – Bà hoàng Caterina”. Sử liệu thì gọi thánh nữ Caterina thành Genova. Thánh nữ là quan thầy thành Genova và vùng Liguria.
Gia đình Caterina thuộc về dòng quý tộc tại Genova: dòng họ Fieschi. Từ dòng họ Fieschi xuất thân hai vị Giáo Hoàng. Đức Innocenzo IV (1243-1254) và Đức Adriano V (1276). Dòng họ Fieschi cũng có các nhà chính trị và ngoại giao nổi tiếng.
Ngay từ thơ trẻ Caterina ước muốn dâng mình cho Chúa trong đan viện. Nhưng khi lên 16 tuổi Caterina bị bắt buộc lập gia đình với Giuliano, thanh niên thuộc dòng quý tộc Adorno. Từ đây nàng mang tên Caterina Fieschi Adorno.
Cuộc hôn nhân mang tính chất chính trị ngoại giao hơn là tình yêu. Do đó, Giuliano bỏ rơi vợ hiền và chạy theo bóng hình các phụ nữ sang giàu khác. Từ các cuộc tình lang-chạ, Giuliano có 5 người con. Nhưng với Caterina thì không có con nào.
Trong vòng 5 năm trời bà Caterina phải sống trong thầm lặng tủi nhục của phụ nữ bị chồng ruồng bỏ. Bà trút nỗi niềm u uất trong cuốn ”Đối thoại của bà hoàng Caterinetta giữa linh hồn và thân xác”.
Cuộc đối thoại mang đầy tính chất tưởng tượng. Hồn và xác ký giao kèo với nhau. Hồn nói với xác:
– Chúng ta cùng ra đi trên vạn nẻo đường. Hễ ta thấy có gì thích thú thì ta tận hưởng. Nhà ngươi cũng làm y như ta. Nhà ngươi thích cái gì thì làm cái đó. Như vậy, ai tìm được nhiều thú vui thì hưởng nhiều lạc thú.
Thế nhưng, trong cuộc giao kèo, hồn lại bị thua thiệt nhiều nhất. Bởi vì, sau cuộc vui, hồn lại mang nặng nỗi dằn co ray rứt. Và trên đôi vai trĩu nặng tội lỗi cùng vô ơn tệ bạc. Hồn rên siết:
– Ai sẽ kéo ta ra khỏi mọi nỗi đắng cay chua xót??? Thưa, chỉ duy nhất THIÊN CHÚA!!!
Và THIÊN CHÚA lắng nghe tiếng kêu thống thiết của linh hồn. Ngài ban cho linh hồn một lối thoát.
Trong 5 năm bị chồng bỏ rơi, bà Caterina trả thù chồng bằng cách ăn mặc đúng điệu phụ nữ quý tộc sang giàu diễm lệ. Tuy vẫn giữ tư cách phụ nữ đức hạnh, bà Caterina tham dự đủ các cuộc ăn chơi hội hè. Sắc đẹp nghiêng thành đổ nước của bà lôi cuốn sự chú ý của giới thượng lưu đương thời.
Thế nhưng, mặc dầu thành công bên ngoài như thế, trong nội tâm sâu thẳm, bà Caterina vẫn cảm thấy đắng cay chua xót. Bà không gặp điều trái tim bà hằng khao khát tìm kiếm. Phù-du chỉ toàn phù-du! Phù-du nối tiếp phù-du! Tất cả rồi chỉ là phù-du!
Trong thất vọng chán chường bà Caterina dần dần hiểu ra rằng:
– Bà chỉ mong mỏi duy nhất Tình Yêu. Không phải thứ tình yêu khinh rẻ của người chồng thứ nhất. Càng không phải thứ tình yêu ”ba xu” rẻ mạt của những kẻ chạy đuổi theo bà. Nhưng là Tình Yêu chân thật bền vững. Đó là Tình Yêu THIÊN CHÚA. Tình Yêu của Đấng trao hiến mạng sống qua cái chết trên Thánh Giá.
Ngày 22-3-1473, trong lúc xưng tội, bà Caterina trông thấy Đức Chúa GIÊSU KITÔ vác Thánh Giá trên vai. Hình ảnh giúp bà hiểu:
– Đức Chúa GIÊSU KITÔ chịu đau khổ đích thực là mẫu gương bà phải noi theo.
Từ đó bà từ bỏ con đường ăn chơi đua đòi theo thói tục thế gian và bắt đầu cuộc sống chay tịnh thống hối. Rồi bà dấn thân lăn-xả vào các hoạt động từ thiện bác ái, trợ giúp người nghèo khổ và bệnh tật.
Bà Caterina thường xuyên đến nhà thương Pammatone trong thành Genova để săn sóc người đau ốm. Một ngày, bất ngờ nơi nhà thương, bà Caterina khám phá ra sự hiện diện của chồng.
Ông Giuliano thật cảm kích trước tấm gương của hiền thê. Ông theo vợ đến nhà thương giúp đỡ bệnh nhân. Hơn thế nữa, ông gia nhập dòng ba Phanxicô và sống đơn sơ khó nghèo. Từ đó hai vợ chồng sống nơi căn nhà nhỏ gần nhà thương. Nhưng rồi bệnh dịch lan tràn, ông Giuliano lây bệnh và qua đời.
Bà Caterina cũng mắc bệnh dịch, nhưng qua khỏi. Bà sống và hoạt động thêm vài năm nữa. Sau cùng bà bị ung thư dạ dày và ra đi theo chồng về với THIÊN CHÚA.
Năm 1675, Đức Clemente X (1670-1676) nâng bà lên hàng chân phước. Năm 1737, Đức Clemente XII (1730-1740) đưa bà Caterina Fieschi Adorno lên hàng hiển thánh. Bà được tôn kính dưới danh hiệu thánh nữ Caterina thành Genova.
… ”Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Chúa KITÔ, tôi cho là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức KITÔ GIÊSU, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Chúa GIÊSU KITÔ và được kết hiệp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Chúa KITÔ, tức là sự công chính do THIÊN CHÚA ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Chúa KITÔ, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong Cái Chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Chúa GIÊSU KITÔ chiếm đoạt” (Philipphê 3,7-12).
(”Presenza Cristiana”, n.6, Giugno/1997, trang 50)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Ngày 16 tháng 9
Thánh Cornêliô, Giáo Hoàng (+253) Và Cyprianô, Giám Mục Tử Ðạo (200-258)
Thánh Cornêliô sinh trưởng tại Rôma, ngài được nhiều người biết đến về tính hiền hậu và tiết độ. Năm 251, ngài được bầu lên ngôi Giáo Hoàng kế vị Ðức Fabianô giữa lúc con thuyền Giáo Hội đang nghiêng ngửa trong cơn bách đạo của hoàng đế Gallô và Volusianô. Ngoài ra, ngài còn phải đương đầu với ly giáo Novatianô và đã viết nhiều sách nói về những người bội giáo.
Vì trung thành với Chúa Kitô, thánh Cornêliô bị đày ở Civita Vecchia và chịu tử đạo ở đó vào cuối tháng 6 năm 253.
Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Cyprianô. Ngài sinh năm 200 tại Phi Châu trong một gia đình quý phái ngoại giáo. Sau khi trở lại, ngài phân phát hết của cải cho người nghèo. Dù mới trở lại chưa đầy một năm nhưng lòng nhiệt thành và hoạt động truyền giáo của ngài đã vang dội khắp nơi. Ngài được phong chức linh mục và sau đó được gọi giữ chức Giám Mục thành Carthagô. Chính trong thời thánh nhân làm Giám Mục cũng là lúc bạo vương Ðêciô ra tay tàn sát người Công Giáo. Cả Phi Châu sống trong lo sợ. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ngài thấy cần phải điều khiển địa phận trong âm thầm hơn là công khai đương đầu với địch thủ, nên đã rút vào nơi bí mật. Bằng những thơ luân lưu, ngài khuyến khích các tín hữu bị tù đày can đảm chịu đau khổ và những người chối đạo trở về với Giáo Hội. Khi cuộc bách hại tạm yên được một thời gian, ngài phải lo kiếm tiền để giải thoát cho hàng trăm ngàn người bị bắt làm nô lệ. Ngoài ra, ngài còn phải đương đầu với ly giáo Novatianô. Ngài viết nhiều sách để kêu gọi họ trở về Giáo Hội.
Năm 257, Valêrianô ban hành sắc lệnh bách hại đạo Công Giáo lần nữa. Thánh Cyprianô bị bắt và đày ở đảo Curubi và người ta buộc ngài phải dâng hương tế thần, nhưng ngài đã cương quyết từ chối. Vì vậy, ngày 14/9/258, ngài được vinh dự lấy máu đào làm chứng cho Chúa.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
HÃY TÌM SỨC MẠNH TRONG THIÊN CHÚA VÀ TRONG UY LỰC TOÀN NĂNG CỦA NGÀI! (16-9: Thánh Tử Đạo Cipriano, Giám Mục Antiochia)
… Câu chuyện xảy ra vào tiền bán thế kỷ III, nơi thành Antiochia, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Giustina – thanh nữ ngoại giáo – ái nữ ông Edesio và bà Cledonia, say mê lắng nghe các bài giảng của thầy phó tế Paralio. Cảm nhận xác tín Kitô, Giustina cùng Song Thân xin theo Kitô Giáo. Cả gia đình được Đức Cha Ottato rửa tội.
Nhưng nét đẹp vừa đoan trang vừa mỹ miều của Giustina đã lọt mắt xanh chàng phù thủy trẻ tuổi nổi tiếng trong thành phố: Cipriano.
Cipriano chính thức xin cưới Giustina làm vợ. Nhưng Giustina một mực từ chối. Cô giải thích cho Cipriano hiểu cô đã dâng hiến cuộc đời cho THIÊN CHÚA và đã thề hứa giữ mình đồng trinh cho đến chết. Sau nhiều lần bị từ chối, Cipriano hăm dọa: – Em hãy liệu coi chừng đó Giustina à. Bởi vì thần linh bảo vệ anh rất uy quyền. Thần sẽ khiến em thế nào cũng nhận lời anh cầu hôn!
Giustina dịu dàng giải thích: – Chắc chắn là không được! Nếu thần linh của anh thuộc về Trời Cao thì chỉ có thể muốn điều THIÊN CHÚA muốn. Mà Chúa chỉ muốn em giữ mình trinh khiết. Em cũng hy vọng rồi đây sẽ được phúc tử vì đạo. Do đó thần linh của anh không thể nào xúi dục em làm trái thánh ý THIÊN CHÚA. Trong trường hợp ngược lại, nếu thần linh của anh không thuộc về Trời Cao thì không có uy quyền nào đối với em! Bởi vì nơi em, có một ”dấu hiệu chiến thắng” bảo vệ. Trong trí óc, nơi con tim, trong tinh thần, trên thân xác, nơi nào ”dấu hiệu” này cũng thật sống động. Và thể xác, trí khôn, con tim, tinh thần sẽ chiến thắng trên bất cứ tiếng nói nào không đến từ THIÊN CHÚA của em. Anh nên ra về bằng an và nguyện xin THIÊN CHÚA soi sáng để anh nhận ra sự thật.
Sau khi ra về, Cipriano gia tăng các buổi lên đồng, cầu xin thần linh tăm tối (ma quỷ) giúp chàng chiến thắng. Chàng dùng đủ mọi chước quỷ thuật, bắt buộc Giustina nhận lời cầu hôn. Nhưng thất bại vẫn hoàn toàn thất bại. Ma quỷ mà chàng tôn thờ, kêu khấn không có chút quyền uy nào đối với cô thanh nữ Công Giáo trong trắng mỹ miều!
Trong khi đó, Giustina gia tăng lời cầu nguyện, van xin THIÊN CHÚA cho Cipriano từ bỏ con đường phù thủy lầm lạc, trở về với Đức Tin Kitô Giáo chân chính. Sau cùng, Cipriano nhận ra sự thật. Chàng giao nộp tất cả các sách phù thủy cho Đức Cha Antimo, Giám Mục Antiochia và xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Cipriano được rửa tội vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh.
Một năm sau, Đức Cha Antimo truyền chức Linh Mục cho Cipriano và khi linh cảm giờ sau cùng gần đến, Đức Cha lại chỉ định Cha Cipriano làm Giám Mục Antiochia, thay thế ngài.
Đây cũng là thời kỳ hoàng đế Diocleziano (245-313) trị vì đế quốc La Mã. Hoàng đế ra tay tiêu diệt Kitô Giáo, bắt bớ các tín hữu Kitô. Đức Cha Cipriano cùng bị bắt với Giustina và cùng bị giam nơi nhà tù thành phố Antiochia.
Trong ngục tù, trước khi bị đem ra hành quyết, Đức Cha Cipriano nhắc lại câu chuyện ngày xưa với Giustina. Ngài nói: – Thánh Giá của em đã chiến thắng tôi, Giustina à. Em là cô giáo dạy tôi chứ không phải hiền thê tôi. Chính em giải thoát tôi khỏi sự dữ và đưa tôi về với Sự Sống. Khi ”thần tăm tối” mà tôi tôn thờ thú nhận hắn bất lực trong việc thuyết phục em, tôi hiểu ngay. Hắn nói với tôi: ”Cô ta chiến thắng nhờ Thánh Giá. Quyền lực của tôi chả làm gì được cô ta. Đức Chúa GIÊSU KITÔ Chịu-Đóng-Đinh của cô ta quyền lực gấp trăm triệu lần cả hỏa ngục gọp lại. Đấng Ấy từng chiến thắng tôi triệu triệu lần và sẽ mãi mãi chiến thắng tôi. Ai tin nơi Đấng Ấy và nơi ”Dấu Hiệu” của Ngài thì sẽ thoát khỏi mọi hiểm họa. Chỉ có kẻ không tin nơi Đấng Ấy và khinh thị Thánh Giá của Ngài thì mới bị rơi vào tròng của chúng tôi và sẽ trầm luân nơi lửa cháy của chúng tôi”.
Đức Cha Cipriano nói tiếp với Giustina: – Tôi không muốn rơi vào ngọn lửa trầm luân này. May mắn thay, nhờ em, tôi được diễm phúc biết Ngọn Lửa của THIÊN CHÚA, Ngọn Lửa đã làm cho em trở nên diễm lệ và trong trắng, uy quyền và thánh thiện. Em là hiền mẫu của linh hồn tôi, do đó, trong giờ phút trọng đại này, xin em nuôi dưỡng sự yếu đuối của tôi bằng sức mạnh của em, để cả hai chúng ta cùng được đến trình diện trước Tòa THIÊN CHÚA.
Đức Cha Cipriano và trinh nữ Giustina được phúc tử vì đạo cùng ngày 14-9-258 dưới thời quan Entolmio làm tổng trấn Antiochia.
… ”Anh chị em hãy tìm sức mạnh trong THIÊN CHÚA và trong uy lực toàn năng của Ngài. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của THIÊN CHÚA, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn âm phủ. Bởi đó, anh chị em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của THIÊN CHÚA. Như thế, anh chị em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an. Hãy luôn cầm khiên mộc là Đức Tin, nhờ đó anh chị em có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời THIÊN CHÚA” (Thư gởi tín hữu Êphêsô 6,10-17).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Ngày 17 tháng 9
Thánh Rôbertô Bellarminô Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1542-1621)
Thánh Rôbertô sinh ngày 04/10/1542 tại Montepuciano nước Ý. Mẹ ngài là Cynthia Cervin, chị của Ðức Giáo Hoàng Marcellô II. Lúc còn thiếu thời, Rôbertô đã tỏ ra có nhiều điểm đặc biệt về trí thông minh và lòng đạo đức. Khi lên 18 tuổi, ngài xin gia nhập dòng Tên ở La Mã và năm 1569, ngài được gửi đi du học tại Louvain. Sau khi mãn học ở đó, Robertô đã lãnh chức linh mục. Nhờ sự thông minh uyên bác, ngài được bầu làm giáo sư ngay tại đại học Louvain trong 6 năm liền. Trong thời gian ấy, ngài đã tổ chức nhiều cuộc tranh biện về đủ mọi đề tài và bao giờ vấn đề cuối cùng cũng được giải đáp một cách rành rẽ và thỏa đáng. Ít lâu sau, ngài được cử làm Giám Tỉnh dòng Tên ở Naples. Năm 1596, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê IV phong ngài làm Hồng Y, nhưng vì khiêm nhượng ngài đã không mang sắc phục. Ðến năm 1602, ngài lại được phong Giám Mục.
Ở bất cứ chức vụ nào, ngài cũng đem hết tài sức ra phụng vụ nước Chúa bằng giảng thuyết, làm phúc bố thí và củng cố tinh thần đạo đức mọi giới trong Giáo Hội. Ngài được đề cử làm cố vấn, giữ nhiều chức vụ trong bộ truyền giáo và nghi lễ. Ngài phải đương đầu với nhiều cuộc tranh luận gay go về quyền bính của Ðức Giáo Hoàng và giáo thuyết Ðức Maria đồng trinh. Ngoài ra, ngài còn viết nhiều sách rất có giá trị về tu đức.
Ngày 17/9/1621, ngài được an nghỉ trong Chúa sau một cơn sốt nặng trong dịp tĩnh tâm hằng năm ở nhà dòng thánh Anrê.
Năm 1930, Ðức Giáo Hoàng Benoit XV đã phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 17 tháng 9
Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, Linh Mục (+1798)
Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu sinh tại Huế. Thân phụ ngài là ông Cai Lương. Lớn lên, ngài được theo học tại Kinh đô và gia nhập đội ngự lâm quân. Trước những tại họa dồn dập xảy đến, ngài phải trốn ra Bắc Kỳ và nuôi ý hướng dâng mình cho Chúa. Ngài được Ðức Giám Mục địa phận Ðông Bắc Kỳ nhận nuôi và dạy thần học. Sáu năm sau, ngài thụ phong linh mục.
Sau 6 năm hoạt động, ngài được cử vào kinh, và khi đã hoàn tất nhiệm vụ giao phó, ngài về quê thăm mẹ già nghèo đói và tàn tật. Với sự giúp đỡ của dân làng, ngài dựng lại cho mẹ một ngôi nhà nhỏ và nhờ mấy người cháu săn sóc. Nhưng lệnh cấm đạo càng ngày càng dữ dội, vì bị tố giác, ngài bị bắt ngay tại quê ngày 08/8/1798 với một nhóm giáo dân nữa.
Suốt 40 ngày tù ngục, mặc dù bị đánh đập nhiều lần, ngài luôn giữ vững một đức tin không lay chuyển.
Ngày 17/9/1798, ngài bị điệu đi xử cùng với 6 tên trộm cướp. Theo thói quen, nhà vua ban cấp cho mỗi tử tội một số tiền để tùy nghi mua đồ ăn thức uống trước khi chết, nhưng ngài gửi số tiền ấy để bố thí cho người nghèo khó.
Ngài bị trảm quyết, hưởng thọ 42 tuổi, dưới thời Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn. Thi hài ngài được đem về chôn tại họ Dương Sơn.
Ngày 27/5/1900, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong ngài lên hàng Chân Phước.
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 18 tháng 9
Thánh Ða Minh Trạch, Linh Mục (+1840)
Thánh Ða Minh Trạch (Ðoài) sinh năm 1792 tại làng Ngọc Bồi, tỉnh Nam Ðịnh. Năm 30 tuổi, ngài chịu chức linh mục, và sau đó gia nhập dòng Ða Minh ngày 03/6/1825. Ngài có một đời sống rất mực thước, tiết độ. Bị bắt tại xứ Tư Liêu ngày 11/4/1840 và bị giam tại Nam Ðịnh cùng với một số giáo hữu khác. Dù thân thể bệnh tật yếu đuối, ngài luôn anh dũng chịu đựng mọi tra tấn và siêng năng Giải Tội, dẫn dắt các bạn tù.
Ngày 18/9/1840, ngài bị xử chém tại Bảy Mẫu, lúc ấy vừa 49 tuổi.
Ngày 27/5/1900, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong ngài lên hàng Chân Phước.
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 19 tháng 9
Thánh Januariô, Giám Mục Tử Ðạo
Thánh Januariô sinh năm 270 tại nước Ý. Năm 320 thụ phong linh mục và sau đó ít lâu lại được bầu làm Giám Mục Bénévent. Ðó cũng là lúc hoàng đế Ðiôclêtianô và Maximinô đang ra tay bách hại người Công Giáo. Mặc dù nhận lãnh chức vụ chủ chăn gặp lúc tình thế khó khăn, thánh nhân cũng đã đem hết lòng nhiệt thành phụng sự nước Chúa, danh tiếng ngài đồn thổi khắp nơi. Ngài cũng giữ một vai trò quan trọng trong cộng đồng Sardique, vì thế ngài đã trở nên như đích tấn công của kẻ thù Giáo Hội.
Cuộc bách hại Giáo Hội càng ngày càng khốc liệt hơn. Ngài thường tìm cách đi thăm viếng những người Công Giáo đang bị giam cầm để củng cố lòng tin và an ủi khích lệ họ. Ngài đến Puozzoles và bị bắt. Sau những cuộc tra tấn thật dã man, ngài bị kết án tử hình và bị ném cho thú dữ xâu xé, nhưng Chúa đã làm phép lạ tỏ tường để gìn giữ thân xác ngài toàn vẹn. Năm 305, ngài được lãnh triều thiên tử đạo tại đó.
Thánh Januariô được nhiều người tôn kính vì nhân đức và lòng nhiệt thành và nhất là vì phép lạ của máu ngài được giữ lại: máu thánh nhân được chứa trong một bình thủy tinh, thỉnh thoảng máu ấy chảy loãng ra và mang mầu đỏ tươi. Khoa học xác nhận là có đầy đủ đặc tính như máu một người sống. Lúc thường máu ấy đọng khô và đen sẫm. Hiện tượng này xảy ra mỗi năm 3 lần vào tháng Năm, tháng Chín và tháng Mười Hai và trong quá khứ đã báo trước những thiên tai khủng khiếp ở nước Ý. Phép lạ này hiện nay vẫn còn tái diễn tại nhà thờ Naples và dân chúng thành này đã nhận ngài làm thánh bổn mạng.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 20 tháng 9
Thánh Gioan Charles Tân (Cornay), Linh Mục (+1837)
Cố Tân tên thật là Gioan Charles Cornay, sinh ngày 27/02/1809 tại Loudum, địa phận Poitiers, thời Napoléon đệ I. Cha ngài là một thương gia và làm thị trưởng tại Mouterre Silly. Lúc nhỏ, Gioan được gửi học tại trường các Cha dòng Tên, rồi được gửi vào Chủng Viện tại Poitiers. Năm 1830, Gioan bày tỏ cho cha mẹ ý nguyện truyền giáo của mình. Lúc đầu bị phản đối, nhưng ngài cũng được gia nhập Chủng Viện truyền giáo tại Ba Lê. Rời Bordeaux vào ngày 17/9/1831, ngài tới Ma Cao vào tháng 3/1832. Ban đầu, ngài được chỉ định truyền giáo tại miền Trung Trung Hoa, nhưng thời thế thay đổi đã đưa ngài đến Bắc Việt. Thời kỳ đó, cuộc cấm đạo dưới triều Minh Mạng đã bắt đầu, ngài phải sống cơ cực vì trốn tránh. Ngày 28/4/1834, ngài thụ phong linh mục, nhưng sau đó bị bệnh, hầu như không thể làm việc được nữa. Bề Trên gọi ngài trở về Pháp để chữa trị, nhưng ngài đã trả lời: “Con quý chuộng những khổ cực ở đây hơn là được sức khỏe tại Pháp”. Ngày 20/6/1837, ngài bị bắt tại Bầu Nọ và bị giải về Tây Sơn. Ba tháng sau, ngày 20/9/1837, ngài bị xử lăng trì, đầu bị bêu cao ba ngày rồi bị ném xuống sông.
Ngày 27/5/1900, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong ngài lên hàng Chân Phước.
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 21 tháng 9
Thánh Matthêu, Tông Ðồ Thánh Sử
Thánh Matthêu còn gọi là Lêvi, con ông Alphê. Một hôm đi qua sở quan thuế thành Capharnaum gần bờ hồ Tibêriat, Chúa Giêsu thấy Matthêu ngồi ở bàn thu thuế, Ngài liền bảo ông: “Hãy theo Ta”. Không do dự, ông liền đứng lên, bỏ mọi sự mà theo Chúa. Và sau đó, ông thiết tiệc tại nhà để khoản đãi Chúa Giêsu, các môn đệ và các bạn hữu, trong số đó có cả những người biệt phái. Họ thắc mắc khi thấy Chúa hiện diện giữa những người mà họ cho là tội lỗi. Chúa Giêsu đã giải thích cho họ: “Ta không đến để gọi những người công chính nhưng để gọi người tội lỗi…”.
Trước khi rời Giuđêa để đi giảng đạo, thánh Matthêu đã soạn thảo Phúc Âm đầu tiên bằng tiếng Do Thái vào khoảng năm 50. Vì viết cho người Do Thái nên ngài nhấn mạnh đến kiểu nói và quan niệm riêng họ. Ngài nhắc cho họ biết rằng: “Phúc Âm hoàn tất luật cũ”. Ngài chứng minh Chúa Giêsu chính là Ðấng Cứu Thế mà Cựu Ước hằng mong đợi. Có thể nói Phúc Âm của ngài được coi là đầy đủ nhất.
Theo nhiều văn kiện lịch sử để lại thì thánh Matthêu đã đi truyền giáo ở Êthiopi, Ba Tư, Parthes và sau cùng ngài đã được lãnh phúc tử đạo tại Tarium thuộc Êthiopi.
Thánh Matthêu thường coi như vị thánh quan thầy của những nhà trí thức Công Giáo.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Thánh Mátthêo Tông đồ, tác giả Tin Mừng
Ngày 21 tháng 9 kính thánh Mátthêo Tông đồ
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt nam, có nhiều vị vua chúa được gán cho nhãn hiệu: “ cõng rắn cắn gà nhà”, hay là: “nối giáo cho giặc” như Lê Chiêu Thống, hay Nguyễn Ánh…Người dân bao giờ cũng căm ghét họ, vì họ cộng tác với ngọai bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Có lẽ viên thu thuế Mátthêô cũng bị nằm trong tầm ngắm này. Là nhân viên thuế vụ, Mátthêô làm việc với ngọai bang là Đế quốc Rôma đang cai trị dân tộc Dothái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Những người thu thuế đều bị dân Do thái liệt kê vào hạng: “phường tội lỗi”.
Cuộc đời của Mátthêô
Cả ba thánh sử trong tin mừng nhất lãm đều tường thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi thánh nhân, khi Ngài đang còn là một nhân viên thu thuế. Mátthêô dùng đúng tên của mình:
“ Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêô đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! “Ông đứng dậy đi theo Người”(Mt 9, 9). Còn Márcô và Luca thì gọi tên là Lêvi(Mc 2,13-14; Lc 5,27-28). Như vậy, tin mừng nhất lãm cho chúng ta biết thánh nhân làm nghề thu thuế, gốc người Capharnaum, con của ông Alphée, và là anh em với ông Giacôbê. Theo sử gia Eusêbe thì thánh nhân đã chịu tử đạo ở Éthiopie.
Matthêô là một tội nhân
Thật vậy cứ nhìn vào thái độ của những người đi theo Chúa thì biết họ nghĩ gì về con người của ông. Đức Giêsu vào dùng bữa tại nhà Mátthêô, điều này làm cho đám đông kịch liệt lên án: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”(Mt 9, 11). Theo cái nhìn của những người Do thái thì Mátthêô đúng là một tội nhân, một con người xấu cần phải tránh tiếp xúc, vì nếu giao tiếp với họ thì sẽ thành ô uế. Chúa Giêsu không phản kháng lại truyền thống về quan niệm: sạch – dơ, của những người Do thái, Ngài lại càng không biện minh cho những việc làm của mình. Trái lại, Chúa Giêsu còn mời gọi những người theo Chúa hãy có cái nhìn siêu việt, và độ lượng hơn đối với những người tội lỗi: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”(Mt 9, 12), rồi Ngài khẳng định: “Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13).
Mátthêô là một thánh nhân
Sau cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, Mátthêô đã bỏ nghề thu thuế, một nghề béo bở, dễ gặt hái ra tiền và đi theo Chúa. Từ kinh nghiệm sống với Chúa Giêsu, thánh nhân đã thu thập được những tài liệu quý báu cho quyển Tin mứng thứ nhất của Ngài. Đọc phúc âm của Ngài, mỗi người sẽ dễ dàng nhận ra một sự xuyên suốt của lịch sử cứu độ, từ cựu ước sang tân ước. Mátthêu trình bày Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Con vua Đavít, Con Người. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này, bởi vì đa số độc giả của Mátthêô là người Do Thái, và là người Kitô hữu gốc Do thái. Phụng vụ ngày lễ kính nhớ Ngài, đã có từ thế kỷ thứ V, rồi đến thế kỷ thứ VIII, lễ kính được thiết lập.
Đi theo Chúa luôn là một thách đố của niềm tin và lòng yêu mến, con người trước khi trở thành thánh nhân luôn là một tội nhân. Là tội nhân để khiêm nhường và chạy đến với chúa, đón nhận lòng xót thương vô hạn của Ngài. Là một thánh nhân để chuyển cầu cho những ai chạy đến với mình, như cuộc đời của thánh Tông đồ Mátthêô.
Lm Giacôbê Tạ Chúc
Theo gương Mát-thêu xưa
(Cảm hứng Tin Mừng Mát-thêu 9, 9 – 13)
Tháng ngày mải miết tơ vương Một hôm Chúa đến gọi con theo Ngài Đam mê lạc thú trần ai Hùa vây van vỉ níu hoài tim con Chợt nghe tiếng Chúa gọi dồn: “Hãy theo Ta – chính thật nguồn bình an !” Hổ ngươi trào dậy tâm can Tấm thân tội lỗi, Chúa còn màng ư ? !
Theo gương Thánh Mathêu xưa Nghe Chúa gọi giữa cơn mơ tiền tài Vội vàng đứng dậy đi ngay Chẳng ngần ngại xác thân đầy uế nhơ Vì tin tình Chúa bao la Khoan dung lượng cả thứ tha tội đầy Thuốc lành biệt dược chữa ngay Lễ nghi đâu thể sánh tày lòng nhân
Con đây yếu nhược tinh thần Chúa ơi, xin chữa tấm thân tội nguyền Đỡ nâng con đứng thẳng lên Đi theo tiếng Chúa vững tin tình Ngài !!!
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
Mừng lễ thánh Toma Thiện và Thánh Matthêu
COI THƯỜNG MẠNG MÌNH
Tuổi đời mười tám xuân xanh, Nhưng ngài xứng đáng mang danh anh hùng. Bởi vì đã sống tín trung, Một lòng theo Chúa thuỷ chung nghĩa tình. Thế nên hiến trọn đời mình, Miễn sao danh Chúa hiển vinh sáng ngời. Đây là cách thế kêu mời, Mọi người dương thế sống đời thiện chân. Vậy là tất cả trở thành, Con Cha chí ái công dân Nước Trời. Thế nhân hưởng được cuộc đời, An bình thư thái của thời cánh chung. Dắt nhau vào cõi thiên cung, Ngìn thu được sống vô cùng sướng vui.
“Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25)
Lễ Thánh Tôma Thiện sinh năm 1820 tại Trung Quán, Quảng Bình.
ĐI THEO TIẾNG GỌI
Anh chàng thu thuế năm xưa, Hôm nay chỉ biết say sưa Nước Trời. Và anh hiến trọn cuộc đời, Quyết theo Đức Chúa giảng lời của Cha. Dẫn đưa những kẻ lạc xa, Trở về đoàn tụ trong nhà thân thương. Chẳng ai còn bị vấn vương, Bởi bao tội ác tai ương oán hờn. Chính nhờ gặp Đấng Chí Tôn, Ấy là Thiên Chúa cội nguồn phúc ân. Loài người đổi mới canh tân, Ở trong ân sủng Thánh Thần tình yêu. Xác hồn quả thật phong nhiêu, Như cành nho tốt sinh nhiều quả hoa. Cuối đời tất cả về nhà, Muôn đời vui sống bên Cha nhân lành.
“Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9,9).
Lễ thánh Matthêu tông đồ 21/09/2009 Hai Tê Miệt Vườn
LỄ KÍNH THÁNH MATHÊU TÔNG ĐỒ
Tình thương biến đổi
Thánh Mathêu là một trong số 12 tông đồ. Trước khi theo Chúa Giêsu, ông có tên là Lêvi. Hoàn cảnh Chúa gọi ông làm tông đồ được tường thuật lại trong đoạn tin mừng chúng ta vừa nghe (Mt 9,9-13). Hôm ấy, ông đang ngồi ở bàn thu thuế. Chúa Giêsu đi ngang qua đó. Ngài gọi ông: “Hãy theo Ta”. Lập tức, ông đứng dậy và đi theo Ngài. Qua một sự kiện nhưng có hai thái độ khác nhau:
1. Thái độ đáp trả của Thánh Mathêu: Ông đang ngồi thu thuế. Ông đang hái ra tiền. Có được một nghề như vậy không phải dễ. Nếu không phải con cha cháu ông thì cũng phải mất một đống tiền mới có được. Bây giờ từ bỏ nó, đồng nghĩa với từ bỏ một mối lợi lớn. Rồi đây tương lai sẽ ra sao? Nếu là người làm kinh tế, chắc chắn phải so đo tính toán thiệt hơn. Nhưng ở đây ta thấy, Mathêu không chần chừ, không so đo tính toán. Nghe tiếng Chúa gọi. Ông “đứng dậy”và đi theo Người. Động từ “đứng dậy” nói lên tất cả. Ông dứt khoát từ bỏ cái quá khứ và hướng tới tương lai. Quá khứ ở đây là một quá khứ đầy tội lỗi. Vì nghề thu thuế thời đó là làm việc cho quân ngoại bang, cọng rắn cắn gà nhà, nên được liệt kê vào phường tội lỗi. Tương lai ở đây là sự gắn kết với Thầy Giêsu và sứ mạng mà Thầy giao phó. Đúng vậy, từ đó Mathêu đã một lòng gắn bó với Thầy trên mọi nẻo đường truyền giáo. Đặc biệt, thánh nhân đã viết cuốn tin mừng mang tên Ngài. Tin mừng theo Thánh Mathêu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, thánh nhân đã lấy chính máu mình để làm chứng cho lời mình rao giảng.
2. Thái độ của những người biệt phái: Khi thấy Chúa Giêsu gọi Mathêu, đến nhà ông dùng bữa, những người biệt phái thắc mắc với các môn đệ rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?”. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu khẳng đinh sứ mạng của Ngài. “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.
Thật ra, mọi người đều có tội. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”(1Ga 1,8). Như vậy, những người biệt phái tự cho mình là người công chính, tức là họ tự lừa dối mình. Họ tự đặt mình làm quan án để xét xử kẻ khác. Tệ hại hơn, họ không nhận ra thân phận của mình là kẻ tội lỗi để được Chúa cứu. Đó cũng là căn bệnh trầm kha của nhiều người qua mọi thời đại. Có tội nhưng không nhận mình là tội nhân. Thậm chí, còn cho mình là người công chính. Họ sống trong sự kiêu ngạo, nên không bao giờ được cứu độ.
3. Tình thương biến đổi
Ơn gọi của Thánh Mathêu là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm Tình Thương. Tình thương quảng đại của Chúa Giêsu đã biến đổi con người của Mathêu. Đây không phải là lần duy nhất Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi. Trong suốt ba năm ra giảng Tin mừng, Chúa kêu gọi, gặp gỡ, biến đổi biết bao nhiêu con người: Giakêu, Maria Mađalêna…Các dụ ngôn: người Cha nhân hậu, người đàn bà đánh mất đồng bạc, con chiên lạc… nói lên tình thương của một người mục tử luôn khắc khoải đi tìm kiếm “con chiên lạc”. Trước khi về trời, Chúa còn lập Bí tích Hoà giải và chức linh mục để thay mặt Chúa tha tội cho loài người. Từ đó tới nay, biết bao nhiêu tội nhân đã trở thành thánh nhân. Ôi, thật kỳ diệu !
Ước gì tất cả các mục tử trong Giáo Hội đều có tình thương như Chúa Giêsu. Tình thương quảng đại. Tình thương tha thứ. Tình thương kiếm tìm. Tình thương biến đổi. Biết quan tâm đến những người tội lỗi, tạo cơ hội để họ được trở về với Chúa. Ước gì mọi người chúng ta, nhất là những kẻ đang sống trong đam mê tội lỗi, biết “đứng dậy” từ bỏ quá khứ, thay đổi bản thân, trở thành những người có ích cho Chúa, cho Giáo Hội và xã hội. “Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thâu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin Mừng. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con biết noi gương người luôn hết tình gắn bó với Chúa Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.Amen” (X. Lời nguyện lễ thánh Mathêu tông đồ)
Lm. Anthony Trung Thành
Ngày 21 tháng 9
Thánh Phanxicô Phan (Jaccard), Linh Mục Và Tôma Trần Văn Thiện, Chủng Sinh (+1838)
– Cố Phan tên thật là Phanxicô Jaccard, chào đời ngày 06/9/1799 tại Cévillon, Pháp. Lớn lên, ngài được gửi học tại Chủng Viện Mélan, nhưng vì trí khôn chậm hiểu bị bạn bè chế diễu, nên Phanxicô buồn chán rồi lẻn trốn về gia đình.
Nhờ công việc đồng áng và sống giữa thiên nhiên, Phanxicô trở nên vui vẻ dạn dĩ, và tiếng Chúa gọi lại vang dội mãnh liệt trong tâm hồn. Do đó, Phanxicô trở lại tiếp tục việc học trong Chủng Viện, và năm 1819, cậu lên Ðại Chủng Viện Chambéry.
Tại đây, Phanxicô nổi bật về đời sống đạo đức với ước muốn đi truyền giáo và được phúc tử đạo. Vì thế, từ tháng 8/1821, Phanxicô gia nhập Chủng Viện Thừa Sai Ba Lê và thụ phong linh mục ngày15/3/1823. Bốn tháng sau, được lệnh Bề Trên, ngài xuống tàu tại Bordeaux sang Viễn Ðông. Ngày 25/11/1824, tàu cập bến tại Ma Cao, và mãi tới tháng 02/1826, ngài mới tới địa phận Ðàng Trong. Sau một thời gian học tiếng, ngài đi giảng dạy tại Nhu Lý, Phủ Cam và sau đó làm Giám Ðốc Chủng Viện An Ninh (Quảng Trị).
Tháng 7/1828, vua Minh Mạng triệu ngài vào kinh để dịch bức thư của nhà vật lý Pháp D. Diard ra tiếng Việt cho vua tường lãm. Nhưng vì thái độ ghét đạo Công Giáo của nhà vua, ngài bị giam lỏng tại Huế, bị đày lên Lao Bảo và bị bỏ đói, rồi bị áp giải về Cam Lộ (Quảng Trị). Suốt 10 năm, ngài phải phục vụ vua Minh Mạng: dịch văn thơ và tài liệu, giảng giải lịch sử Âu Mỹ, dạy tiếng Pháp cho những người do nhà vua gửi tới, hay trình bày cho nhà vua về đạo thánh. Cuối cùng, vào tháng 7/1838, ngài bị giải về lao xá Quảng Trị và gặp lại chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện đang bị giam ở đây.
– Thánh Tôma Trần Văn Thiện sinh năm 1820 tại làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình. Ngay từ nhỏ, ngài đã có lòng đạo đức, ngoan ngoãn và lễ độ. Năm lên 8 tuổi, ngài theo học chữ nho với cha Thọ. Năm 18 tuổi, sau khi đã học La ngữ với cha Wial, ngài được giới thiệu vào Chủng Viện Di Loan (Quảng Trị) do cha Candahl (Cố Kim) điều khiển. Tôma Thiện hăng hái lên đường cùng người chị tên là Sao. Dọc đường hai chị em gặp nữ tu Mađalêna Yến từ Di Loan về cho biết cha Bề Trên Candahl đã phải trốn vì lệnh cấm đạo. Nhưng hai chị em vẫn cứ hăng hái tiến bước và tới Di Loan giữa lúc triều đình đang lùng bắt cha Candahl. Vì không tìm được cha, quân lính bắt một số giáo hữu, trong đó có Tôma Thiện.
Quan trấn Quảng Trị dùng mọi cách như dụ dỗ, đe dọa, đánh đòn, giam đói để lung lạc. Ngài luôn lễ độ trả lời: “Tôi sẵn lòng chịu chết, chứ không bao giờ bỏ đạo”. Trước những lời khẳng khái ấy, quan truyền đóng gông và tống giam ngài chung với cha Phanxicô Jaccard.
Ngày 17/9/1838, hai ngài bị lên án tử hình. Khi hay tin, hai cha con vui mừng và tạ ơn Chúa. Ngày 21/9/1838, hai ngài bị điệu tới pháp trường ở làng Nhan Biều, gần Quảng Trị, và bị xử giảo tại đây.
Ngày 27/5/1900, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong hai ngài lên hàng Chân Phước.
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 23 tháng 9
Thánh Piô năm dấu thánh
Vài nét về Cuộc đời của Cha Pio
(1887-1968)
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Vài nét về Cuộc đời của Cha Pio (1887-1968).
(Radio Veritas Asia – 15/06/2002) – Trong bài thời sự trước, chúng tôi đã ghi lại lời nhận định về Cha Piô, cho rằng Cha là “Vị Thánh của mọi người”. Và thực sự như vậy. Cha là Vị Thánh được biết đến trên cả thế giới. Lễ Phong Chân phước (2/05/1999) cũng như Lễ Phong Hiển Thánh (16/06/2002) là một đại lễ của người tín hữu. Từng trăm ngàn người từ khắp năm Châu tuốn về Roma để tham dự hai biến cố lịch sử này. Hằng năm có tới bẩy triệu người hành hương từ nhiều nước trên thế giới đến cầu nguyện bên mộ Cha Pio trong Nhà Thờ Santa Maria delle Grazie ở San Giovanni Rotondo, nơi Cha thi hành thừa tác vụ linh mục trong nhiều năm cho tới ngày qua đời: 23 tháng 9 năm 1968.
Cha Pio là Vị Thánh lớn của thời đại này. Ðọc qua tiểu sử của Cha, chúng ta thấy rằng: Cha đã được Chúa chọn để diễn lại cuộc Tử nạn của Chúa, giữa một thế giới, như thế giới ngày nay, thi đua chạy theo vật chất và thú vui, mỗi ngày mỗi xa Chúa. Cha là một môn đệ thực hiện đầy đủ lời Chúa dạy: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thánh giá hằng ngày và theo Ta”. Cuộc đời đau khổ của Cha nhắc lại cho mỗi người trong chúng ta lời Thánh Phaolô nói: “Tôi rao giảng Chúa Kitô và Chúa Kitô chịu đóng đinh”. “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cor 4, 10). Cha Pio đã có thể nói như Thánh Tông đồ: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi”.
Hôm nay, chúng tôi xin lược tóm cuộc đời của Cha Pio, một Vị Thánh được in năm dấu thánh.
Những năm của tuổi thơ ấu – Cha Pio sinh tại xã Pietrelcina, thuộc tỉnh Benevento (miền nam nước Ý) ngày 25 tháng 5 năm 1887, trong gia đình nông thôn, rất sùng đạo. Thân phụ tên là Grazio Forgione, mẹ là Giuseppina Di Nunzio. Trong ngày rửa tội, Cha Piô nhận tên thánh Francesco (Phanxicô).
Hồi năm tuổi, Francesco đã mơ ước trở thành một Tu sĩ Dòng Phanxicô-Cappucin với bộ râu, hằng ngày từ nhà này qua nhà khác xin bố thí cho Tu viện. –(Ðây là luật lệ của các Dòng hành khất thời Trung cổ)–. Một ngày kia, trước bàn thờ chính của nhà thờ Pietrelcina, chính Francesco kể lại là mình thấy Chúa Giêsu lại gần và đặt tay trên đầu, như dấu hiệu yêu thương, khích lệ. Francesco cũng thấy Thiên Thần bản mệnh, luôn luôn đồng hành và Ðức Mẹ Maria hiện ra. Francesco thấy cả Quỉ dữ dưới những hình ảnh rất ghê tởm.
Các hiện tượng này không thể giải thích như những tưởng tượng của tuổi trẻ, nhưng Francesco nghĩ rằng: những hiện tượng như vậy cũng xẩy đến cho các bạn cùng tuổi mình.
Các người trong gia đình hết sức ngạc nhiên về những vụ đánh tội của Francesco ban đêm. Francesco nghĩ rằng: để thánh hiến cuộc đời cho Chúa, phải gần gũi hết sức có thể Chúa Giêsu. Một ngày kia, Bà mẹ Giuseppina không thấy con, liền chạy đi tìm. Francesco trả lời: “Con phải đánh mình con như người Do thái xưa kia đã đánh đập Chúa Giêsu, đến độ làm Máu của Người chảy ra”. Nhiều lần Francesco ngủ trên sàn nhà lát đá cẩm thạch, gối đầu trên một viên đá, bởi vì Francesco nghĩ rằng: phải tự gánh tội trần gian theo gương Chúa Giêsu. Ðây là một ơn gọi riêng, ơn gọi đau khổ; nếu không, Francesco nghĩ rằng: sẽ đi đến chổ hư mất đời đời. Francesco sớm ý thức về ơn gọi chịu đau khổ này.
Sau lễ Ba Vua năm 1903, Francesco xin vào Nhà Tập Dòng Cappucin. Tâm hồn Francesco bị xúc động: “Lạy Chúa con – Francesco viết – ai sẽ có thể tả lại được cuộc tử đạo diễn ra trong tâm hồn con? Con cảm thấy tiếng nói của bổn phận phải vâng lời Chúa, ôi lạy Chúa của con, Chúa nhân hậu của con! Nhưng thù địch của Chúa và của con hành hạ con, muốn đập tan các xương con, nhạo cười con, đảo lộn mọi sự trong con!” Trong tình trạng này, Francesco được nhìn thấy lần thứ nhất “một người uy nghi với vẻ xinh đẹp khác thường”, người này mời gọi Francesco “chiến đấu như một binh sĩ anh dũng” chống lại một quái vật, xem ra không thể thắng được, nhưng Francesco, với sự giúp đỡ của nhân vật trên trời kia, đã thành công trong việc xua đuổi quái vật này”.
Ngày 6 tháng Giêng năm 1903, lúc 15 tuổi, Francesco được nhận vào Tập viện tại Morcone, cách Molise ít cây số. Sau hai tuần tĩnh tâm, Francesco được mặc áo Dòng và nhận tên dòng là “Pio da Pietrelcina”, để kính nhớ Ðức Thánh Pio V, Giáo Hoàng, và cũng kính nhớ Ðức Thánh Giáo Hoàng Pio X (1903-1914), lúc đó vừa được bầu làm Giáo Hoàng. Thời gian của Tập viện là thời gian rất gay go theo Luật Dòng Phanxicô. Pio đã trải qua thời kỳ thử thách này một cách gương mẫu. Việc chiến đấu với Satan càng ngày càng gia tăng đến độ từ những phòng kế bên phòng của Pio, các Tu sĩ khác thường nghe thấy những vụ đập đánh và những tiếng động. Lúc các thầy chạy đến xem, thì thấy Pio nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Sau những năm tập viện,Thầy Piô tuyên khấn tạm, và ngày 27 tháng giêng năm 1907, thầy khấn trọng thể.
Thầy Pio lúc đó chưa phải là linh mục, đã được ơn hiện diện tại hai nơi một lúc, như chính Thầy kể lại với Cha Agostino: “Một ngày kia (ngày 18 tháng Giêng năm 1905) con thấy xẩy ra một sự kiện khác thường, trong lúc con đang ở trong nhà thờ (nơi hát kinh) với Thầy Anastasio, con cũng thấy mình ở trong nhà của một gia đình, nơi đây người cha đang hấp hối, chính trong lúc đó một trẻ em cũng sắp ra đời. Ðức Mẹ Maria hiện ra nói với con: “Mẹ phú thác đứa nhỏ này cho con… Con đừng sợ hãi: đứa nhỏ này một ngày kia sẽ đến với con, nhưng trước đó, con sẽ gặp đứa nhỏ này tại San Pietro”. Ngay sau đó, con lại thấy mình ở trong nhà thờ hát kinh”. Ðứa nhỏ này tên là Giovanna Rizzani. Sau này sẽ trở nên người con thiêng liêng của Cha Pio và thuộc Dòng Ba Phanxicô.
Sức khỏe thầy Pio rất kém, không cho phép tiếp tục đời sống trong Tu viện được. Thầy bị sốt liên miên, nhưng không giải thích được căn cớ của chứng bệnh này. Thầy trở về nhà để chữa bệnh và ở lại từ năm 1909 đến 1916, sống ngoài Luật phép Dòng, trong tình trạng không thể chấp nhận được theo Luật Dòng Phanxicô. Cha Agostino và Cha Benedetto, mà Thầy vẫn liên lạc thường xuyên bằng thư tù, tin chắc rằng: Thầy Pio, người được Thiên Chúa hướng dẫn, đang đi đến việc thực hiện đầy đủ một ơn kêu gọi đặc biệt, cho dù cuộc đời của Thầy đang trở nên “một cuộc tử đạo dữ dội”, do bởi những cuộc chiến đấu thường xuyên với ma quỉ, với hậu quả đáng lo sợ là Thầy có thể trở thành nạn nhân của những cuộc ám ảnh và tình trạng ảo tưởng.
Việc sống ngoài Tu viện đặt ra nhiều câu hỏi. Mỗi lần trở lại Tu viện, Thầy Pio lại ngã bệnh, đến độ các Bề trên phải đưa Thầy trở về Pietrelcina, vì ở đây xem ra Thầy lấy lại sức khỏe nhanh chóng. Nhưng tháng Hai năm 1917, Cha Agostino mời Thầy đến thăm gia đình Cerase ở Foggia (miền nam nước Ý), một gia đình rất sùng kính các Tu sĩ Cappucins. Người con gái của gia đình tên là Raffaellina, lúc đó mắc bệnh nặng và xin được gặp Thầy Pio trước khi chết. Thầy Pio trú tại Tu viện Sant’Anna ở Foggia. Tiếng đồn về một Tu sĩ có những nhân đức khác thường, có khả năng đánh động những ai được may mắn nghe và nói với Tu sĩ này. Và từ đó người dân bắt đầu đi lại tìm gặp Thày Pio.
Sức nóng tại Foggia trở nên không chịu nổi. Vì thế Cha Paolino đưa Thầy Pio đến nghỉ trong Tu viện Santa Maria delle grazie trên một đồi cao, tại San Giovanni Rotondo. Tại đây Thầy thụ phong Linh mục, làm mục vụ cho tới lúc qua đời. Trên phòng nhỏ dành cho ngài có hàng chữ “Thánh giá luôn luôn sẵn sàng và chờ đợi con mọi nơi”.
Ðến tuổi phải thi hành Nghĩa vụ quân dịch, Thầy Pio đến trình diện tại Quân khu Benevento. Thầy được công nhận là đủ điều kiện. Hết nghĩa vụ quân dịch, Thầy còn được nghỉ hai năm tại gia đình. Nhờ những năm nghỉ nầy, Thầy được bình phục hoàn toàn, khỏi hẳn chứng bệnh sưng màn phổi.Với sức khỏe khả quan hơn, Thầy Piô được lãnh chức linh mục tại nhà thờ chính tòa Benevento, ngày 10 tháng 8 năm 1910, lúc 25 tuổi. Nhưng vì vấn đề sức khỏe, Bề Trên cho phép Cha Piô ở lại gia đình cho đến năm 1916. Tháng 9 cùng năm 1916 nầy, Cha được sai đến Tu Viện Santa Maria delle Grazie, — Thánh Maria của Muôn Ơn Lành,– ở San Giovanni Rotondo, và ở lại đây cho đến lúc qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968.
Ngày 20 tháng 9 năm 1918, lúc thánh lễ ban sáng vừa kết thúc, và mọi người ra về, Cha Pio còn ở lại cầu nguyện trong yên lặng và như xuất thần. Một nhân vật bí nhiệm hiện ra, tay và chân đẫm máu. Cha Pio kể lại cho Cha Agostino và Cha Benedetto như sau: “Từ ngày đó, con bị một vết thương chí tử. Trong thâm tâm, con cảm thấy vết thương này luôn luôn mở ra, làm con đau đớn nhiều”. Vết thương cạnh sườn bị đâm bởi một nhân vật trên trời bằng một lưỡi dao rất dài và rất sắc ở đầu, trong lúc Cha Pio ngồi tòa giải tội ngày 6 tháng 8 năm 1918. Cha Agostino và Cha Benedetto cho biết: Cha Pio đã sống “cuộc thử thách của tình yêu đặc biệt: vết thương thiêng liêng của nhân vật trên trời là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho Cha”. Cha Pio có cảm giác không chịu nổi một sự đau đớn lớn lao như vậy được. Với thời gian qua đi, Cha Pio khám phá ra những vết thương đẫm máu kia trở nên những vết thương của chính mình. Những vết thương này mọi người đều thấy và làm cho Cha trở nên một “người bị đóng đanh sống động”. Cha muốn giấu, nhưng vết máu tiếp tục chảy ra, và anh em trong Dòng đều thấy. Từ ngày đó, Cha phải mang găng tay bằng len mầu xám tối, chỉ để thò ngón tay ra mà thôi, nhưng lúc đọc lời truyền phép, dâng Mình và Máu thánh Chúa lên, găng tay được tháo ra.
Bề trên nhà và Bề trên Tỉnh Dòng Cappucin muốn biết chắc chắn về các vết thương của Cha Pio, để đề phòng khỏi nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng các bác sĩ và giáo sư chuyên môn chỉ có thể giải thích được rằng: các vết thương kia không phải là những vết thương gây nên do chứng lao phổi, cũng không phải những vết thương tự tạo nên. Giáo sư Luigi Romanelli của Bệnh viện Barletta coi là “chứng bệnh mầu nhiệm”. Trong sự đau khổ không thể diễn tả được, Cha Pio xác nhận rằng: “Tất cả những gì Chúa Giêsu đã chịu trong cuộc Tử nạn của Người, nay tôi cũng chịu như vậy”, theo sức có thể của một tạo vật yếu hèn, không phải vì công nghiệp của tôi, nhưng chỉ vì lòng nhân hậu của Chúa mà thôi”.
Tiếng đồn về dấu thánh của Cha Pio mỗi ngày mỗi lan rộng các nơi. Các tín hữu tuốn đến Tu viện Santa Maria delle grazie ở San Giovanni Rotondo. Ðời sống của Cha Pio cũng thay đổi. Cha trả lời các thư nhận được. Cha ngồi Tòa giải tội và cử hành thánh lễ. Cha Pio trở nên như “một mầu nhiệm cho nhiều người”. Các vết thương của Cha trở nên đề tài học hỏi, nghiên cứu, không những trong lãnh vực Y khoa, nhưng cả nơi Giáo quyền. Những vụ xuất thần trong lúc Truyền phép và dâng Mình Máu thánh Chúa, đám đông lũ luợt tuốn đến mỗi ngày mỗi thêm nhiều tìm Cha Pio…. Tất cả đặt ra nhiều câu hỏi.
Ngày 18 tháng 4 năm 1920, Cha Pio được Cha Agostino Gemelli viếng thăm (Cha Gemelli là một nhà trí thức, sáng lập Bệnh viện Bách khoa Gemelli ở Roma, thuộc Ðại học Thánh Tâm Chúa ở Milano). Cha Pio không cho Cha Gemelli khám xét các vết thương, vì không có phép chính thức. Cha Gemelli theo tư tưởng này là các vết thương kia không thực. Một nhận xét không phù hợp với ý nghĩ mà Ðức Benedicto XV (1914-1922) vẫn có về Cha Pio: “Ðây là một trong các người mà Thiên Chúa đã sai đến mỗi khi cần đến trên thế gian này để làm cho con người trở lại”. Ngày 2 tháng 6 năm 1922, những biện pháp đầu tiên được gủi đến Cha Pio. Cha không được cử hành thánh lễ công khai, cũng không được thư từ với cha linh hướng của mình, và với rất nhiều tín hữu từ khắp thế giới viết cho ngài.
Trước những biện pháp giới hạn, Cha Pio chỉ đáp lại bằng sự yên lặng và vâng phục: “Tôi là người con của sự phục tùng”.
Từ năm 1923 đến 1933 Cha Pio bị kiểm soát ngặt nghèo, Cha không được giải tội và dạy các học sinh của trường thuộc Tu viện nữa. Cha bị hoàn toàn cô lập. Khiếm tốn, Cha đáp lại: “Tôi là người con của sự phục tùng”. Ðây chính là thái độ của một tu sĩ Cappucin. Thái độ vâng phục này sẽ tránh được những cuộc biểu tình chống đối có thể lan rộng nơi các tín hữu vốn sùng kính Cha Pio.
Những tố cáo chống lại Cha dần dần thấy rõ là không có nền tảng nào cả. Từ ngày 16 tháng 7 năm 1933 (sau 10 năm), Cha lại có thể cử hành thánh lễ công khai và năm sau trở lại tòa giải tội. Sứ mệnh của Cha là tòa giải tội, một ơn vĩ đại của lòng thương xót Thiên Chúa. Cha còn được ơn thấy những bí nhiệm trong tâm hồn của các người đến tòa giải tội. Nhiều lúc, sau khi giải tội, người ta thấy cha khóc vì đau đớn. Và đây cũng là một ơn riêng Chúa dành cho Cha, một cái nhìn siêu nhiên về tình trạng đáng thương của con người tội lỗi. Dù sống đầy đủ thừa tác vụ linh mục, Cha Pio thỉnh thoảng bị cám dỗ về một hồ nghi dữ dội làm Cha đau khổ nhiều: “Tôi đẹp lòng Chúa hay không?”.
Các nhóm cầu nguyện. Trong những năm 1940, Cha Pio lãnh nhận lời mời gọi của Ðức Pio XII (1939-1958) lập các nhóm cầu nguyện để nâng đỡ nhân loại bị chiến tranh đe dọa. Ðây cũng là những năm bắt đầu đào móng xây cất Bênh viện “Casa del Sollievo della Sofferenza”, được khánh thành 5 tháng 5 năm 1956. Hoa kỳ và các quốc gia đồng minh cung cấp phần lớn tài chính để xây cất Bệnh viện này, sau đệ nhị thế chiến. Số tiền gửi đến Cha Pio thật nhiều. ÐTC đã miễn Cha khỏi lời Khấn Khó nghèo. Và sau này Cha Pio đã trao việc quản trị và thừa hưởng gia tài cho Tòa Thánh.
Lòng sùng kính mỗi ngày gia tăng của người dân đối với Cha Pio làm tiêu tan những thù địch trước đây. Dân chúng luôn luôn coi Cha Pio là người của Thiên Chúa. Sau chuyến viếng thăm của Ðức Giám mục Carlo Maccari, đại diện Tòa Thánh, Cha Pio được hoàn toàn phục hồi trong năm 1965, thời Ðức Phaolô VI, để thi hành Thừa tác vụ linh mục. Ngoài ra, ÐTC còn cho phép Cha Pio, lúc đó đã già yếu, cử hành thánh lễ theo lễ nghi Latinh cũ, thay vì lễ nghi mới, được cải tổ sau Công đồng Vatican II.
Các đau khổ không lúc nào từ bỏ Cha Pio. Vào cuối năm 1966, Cha không thể đứng để cử hành thanh lễ, bắt buộc phải ngồi trong suốt thánh lễ. Cha cũng không thể đi từ phòng ở đến Tòa giải tội đặt trong nhà thờ.
Ngày 20 tháng 9 năm 1968, kỷ niệm 50 năm lãnh nhận dấu thánh. Trong dịp này, Ðại hội quốc tế các nhóm cầu nguyện được tổ chức; nhưng Cha Pio không thể tham dự, vì ngài sắp qua đời. Lúc 2g30 ngày 23 tháng 9 năm 1968, Cha đã tắt thở. Lúc các Bác sĩ và các Tu sĩ mặc áo lễ cho Cha, các vết thương biến mất hoàn toàn, không để lại dấu vết nào cả.
Năm 1982 ÐTC Gioan Phaolô II cho phép khởi sự vụ làm án phong Chân phước cho Cha Pio và, năm 1997 (sau 15 năm), ngài công nhận nhân đức anh hùng của Cha. Ngày 2 tháng 5 năm 1999, ÐTC chủ tế Thánh lễ tôn phong Cha lên bậc Chân phước, sau khi công nhận phép lạ do lời bầu cử của Cha. Người được khỏi bệnh lạ lùng và tức khắc là bà Consiglia De Martino, lúc đó điều trị tại Bênh viện ở thành phố Salerno (miền nam nước Ý). Giảng trong thánh lễ, ÐTC nói: “Chứng tá của Cha Pio là một lời kêu gọi mạnh mẽ về chiều kích siêu nhiên … Vũ khí thực của Ngài là những cử chỉ thánh hằng ngày của việc giải tội và thánh lễ, bởi vì thánh lễ là trung tâm mỗi một ngày của Ngài”.
Và Chúa nhật 16 tháng 6 năm 2002, tức sau ba năm, chính ÐTC lại chủ tế Thánh lễ phong Hiển Thánh cho Chân phước Pio, và từ đây Thánh Pio được tôn kính trong toàn Giáo hội. “Mirabilis Deus in Sanctis suis”, Chúa thật kỳ diệu và làm những việc kỳ diệu nơi các Thánh của Người”.
CHA THÁNH PIÔ
Cha thánh Piô sinh ngày 25-05-1887 tại Pietrelcina, Benevento, Italy. Năm 1903, ngài vào dòng Phanxicô. Một năm sau nhận tu phục Dòng Phanxicô Capucinô và có tên mới là Piô. Pietrelcina, được gọi tên là Francesco Forgione. Ngài lớn lên trong một gia đình Công giáo đạo đức. Lúc khoảng 6, 7 tuổi, ngài đã có được sự liên kết rất đặc biệt với Thiên Chúa. Ngài thường trò chuyện với Thiên Chúa ở nơi đồng vắng. Từ thuở nhỏ, ngài có thói quen rất tốt lành là sốt mến cầu nguyện. Ngài nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thánh giá và thân thưa cùng Chúa cho mình được chia sẻ những đau đớn với Chúa.
Ngài được phong chức linh mục và được chuyển đến một số nơi. Đến năm 1916, ngài được chuyển đến San Giovanni Rotondo và đã ở đây suốt 52 năm. Cha được mọi người ngưỡng mộ vì lòng yêu mến nhiệt thành đối với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và được coi như là một nhà thần bí vĩ đại thời hiện đại.
Cha Pio xuất thân từ nhà nghèo nên ngài rất yêu mến người nghèo. Cha ao ước có được bệnh xá để sau cuộc chiến sẽ cứu chữa những thương binh trở về, và cha cũng đã được toại nguyện do tin tưởng mãnh liệt vào Đức Maria ban ơn cứu giúp.
Cha Pio có nhiều kinh nghiệm về những khả năng siêu nhiên với các phép lạ kèm theo: nhìn thấu suốt tâm hồn con người, nói tiên tri, ở hai nơi cùng một thời điểm, hương thơm đời sống thánh thiện, biết biện phân các thần khí, ngủ ít nhưng vẫn sống được, chữa người ta khỏi bệnh cách lạ lùng, được Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến thăm, nhất là hằng ngày được rước lễ với Thiên thần bản mệnh của mình.
Một trong những ân huệ siêu nhiên nổi tiếng nhất của ngài là được Chúa ghi Năm Dấu Thánh trên thân xác vào năm 1918 khi ngài cầu nguyện trước Thánh giá. Những vết thương đã gây cho ngài rất nhiều đau đớn và cũng rất nhiều ân ban kỳ diệu. Trong cuốn sách “Cuộc đời cha Piô” có kể lại rằng:
“Cái yên tĩnh của ban đêm đã bao trùm tu viện khi Cha Piô còn ngồi giải tội cho các thầy. Đó là ngày 5 tháng Tám 1918, là ngày ngài không thể quên được vì nó bắt đầu sự thống khổ đặc biệt của ngài.
Ngài giật mình kinh hãi khi thấy một người lạ tay cầm thanh kiếm dài và mỏng đứng ngay trước mặt. Thân thể như tê liệt, ngài không thể cựa quậy và mắt trừng trừng theo dõi mũi kiếm mà từ đó phát ra những tia lửa. Đột nhiên, ngài thất thanh kêu lên một tiếng lớn khi thanh kiếm như xuyên qua linh hồn ngài. Không biết làm sao mà ngài lấy lại được bình tĩnh và giải tán các thầy đang chờ xưng tội. Suốt đêm đó và qua một ngày và một đêm hôm sau, thân thể ngài yếu dần vì như có lưỡi kiếm bằng lửa đang cắt thân thể ngài ra từng mảnh.
Hơn một tháng trôi qua, sau khi làm lễ vào sáng thứ Sáu, ngày 20 tháng Chín, sự kinh hoàng và thống khổ của ngài đến tột đỉnh ngoài sức chịu đựng của con người. Tuy nhiên, cơn ác mộng đó bắt đầu trong một giây phút thật bình thản và yên lặng. Ngài cảm thấy buồn ngủ, như thể ngài ngủ say đến độ không còn biết gì cả. Cái cảm giác kỳ lạ thấm dần qua từng sớ thịt và hầu như làm ngài mê đi.
Và rồi, vị khách bí ẩn đã đến trong giấc mộng êm đềm, và chính lúc đó các giọt máu từ tay, chân và cạnh sườn của vị khách bắt đầu chẩy ra và đọng lại thành vũng trên sàn nhà. Ngay lập tức cái êm đềm của Cha Piô tan biến và tim ngài bắt đầu đập mạnh như muốn vỡ tung lồng ngực trong cái thân thể bất động. May mắn thay, tất cả dịu lại một cách thật bất ngờ cũng như khi xuất hiện, và thân thể mềm nhũn của ngài khụy xuống vũng máu.
Ngài mở mắt, những giọt nước lăn dài trên khoé mắt. Cơ thể ngài bắt đầu có cảm giác và ngài nhận thấy tay trái của mình đang run rẩy. Ngài cố nhấc chân lên và ngay lập tức cái đau âm ỉ trở thành nhói buốt đâm vào tay, chân và cạnh sườn ngài. Ngài chống khủy tay ngẩng đầu dậy và nhìn vào đôi tay run lẩy bẩy. Hai bàn tay đầy máu. Nhìn vào thân thể, ngài thấy một bên áo dòng ướt đẫm. Đôi mắt ngài tiếp tục nhìn xuống. Và đôi chân ngài cũng đỏ máu. Toàn thân ngài run lên vì sợ hãi. Ngài muốn cất tiếng kêu cứu nhưng cổ họng như nghẹn lại, và ngài há hốc mồm để thở.
Cơn ác mộng tiếp diễn. Có một động lực nào như giục ngài đứng dậy, đi về phòng trước khi các linh mục trong tu viện trở về và có thể bắt gặp. Ngài cố nhấc mình lên, và thân thể quặn đau theo từng bước. Không hiểu làm sao mà ngài có thể lết qua cái hàng lang dài để về đến phòng. Ngài ngã vật xuống giường trong đau đớn và sợ hãi.
Ngài rên rỉ, “Xin giúp con. Xin Chúa giúp con để hiểu.”
Hơi thở ngài đã đều hòa, nhưng cơn đau vẫn mãnh liệt. Khi đưa tay sờ vào cạnh sườn, ngài cảm thấy vết máu trên áo dòng ngày càng lan rộng, như bị xuất huyết tự bên trong. Đôi mắt mở to vì sợ hãi, ngài ngồi dậy và xem xét vết máu trên áo, tự hỏi không biết mình có chết vì vết thương này hay không.
Ngài cầu xin, “Xin đừng để con khiếp sợ.”
Những giây phút chậm chạp trôi qua. Từ từ ngài lấy lại bình tĩnh và xem xét các vết thương. Không nghi ngờ gì cả, đó là những vết thương thật. Đó không phải là ác mộng hay ảo giác. Bắt đầu ngài nhận ra sự thật. Ngài được in năm dấu thánh là những vết thương có hình dạng và vị trí giống như các vết thương của Đức Kitô.
Tâm trí ngài từ từ mở ra với thực tại, và cảm thấy khuây khỏa khi biết rằng các vết thương đó không nguy hiểm đến tính mạng. Nước mắt ngài tuôn tràn, và cảm tạ Thiên Chúa…
Giáo Hội ghi nhận có khoảng 290 người được Chúa ban cho năm dấu thánh. Vị thánh nổi tiếng của thời đại là Thánh Phanxicô Assisi, sáng lập dòng Phanxicô. Thánh Phanxicô, khi là thầy sáu, được in năm dấu thánh vào ngày 17 tháng Chín 1224, trên núi Alvernia trong rặng Appenine, hai năm trước khi ngài chết.
Những vết thương của cha Piô có mùi thơm nồng nàn của hoa tím, hoa huệ tây và hoa hồng. Trong lịch sử các thánh, sự kiện có mùi thơm thì không gì mới mẻ. Tay Thánh Đa Minh phát ra mùi thơm khi dân chúng hôn tay ngài, và Thánh Helena phát ra mùi thơm khi ngài rước lễ. Một số thân thể các thánh phát ra mùi thơm sau khi chết, như trường hợp của Thánh Coletta, Thánh Joseph Cupertino, và Thánh Martin de Porres. Bất cứ ai đang trong tình trạng mắc tội trọng, Thánh Philip Rôma đều ngửi thấy mùi hôi thối khi ngài đến gần, mặc dù thân thể người đó rất sạch sẽ.
Trong trường hợp của Cha Piô, mùi thơm nói lên sự hiện diện an ủi của cha. Đó là để khuyến khích, chú ý đến điều nguy hiểm ngay lập tức, hay nhớ đến sự hiện diện, sự khuyên bảo và sự hướng dẫn của cha. Nhiều người nhận ra mùi thơm đó một cách riêng biệt, không phải ai ai cũng nhận thấy cùng một lúc.”
Vì sự thánh thiện và ân huệ lớn lao Chúa ban cho cha Piô, nên ma quỷ đã huy động cuộc chiến dữ dội chống lại cha thánh trong suốt cuộc đời của ngài. Chúng tấn công thân xác ngài bằng những vết cắt, vết thâm tím và những dấu bị thương hữu hình khác.
Tất cả những ai được cha Piô giúp đỡ đều tôn kính ngài. Cha thánh hết sức tận tâm đối với các linh hồn trong luyện ngục, có lần ngài nói: “Nhiều linh hồn đã chết ở trong luyện ngục hơn những linh hồn còn đang sống. Họ đã đến ngọn đồi này để chờ được tham dự thánh lễ và xin tôi cầu nguyện.”
Cả đời cha Piô tận tụy giải tội cho các tín hữu và xin được nhiều ơn lành cho nhiều người.
Cha thánh qua đời lúc 2 giờ 30 sáng ngày 23-9-1968, đang khi tay vẫn nắm chặt chuỗi Mân Côi và thốt lên tên cực trọng “Giêsu Maria”, trong phòng số một của tu viện San Giovanni Rotonodo, phía nam Italia. Xác cha Pio được bỏ trong một hòm bằng kẽm bọc gỗ sau đó được thay thế bằng một hòm bằng kim loại và có gắn tấm kính để cho giáo dân có thể trông thấy ngài.
Chiều ngày 26-9-1968, quan tài cha Pio đã được rước qua các đường chính của thị trấn San Giovanni Rotondo với sự tham dự của 100.000 người.
Ban tối quan tài được đưa xuống hầm nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn để an táng trong huyệt đào ngay trong nền nhà thờ. Phía dưới chiếc quan tài có đề “Francesco Forgione sinh tại Pietrelcina ngày 25-5-1887, qua đời tại San Giovanni Rotondo ngày 23-9-1968.”
Từ ngày đó trở đi, cứ vào ngày 22 tháng 9 hằng năm tín hữu khắp nơi lại hành hương về thị trấn San Giovanni Rotondo để tham dự đêm canh thức kỷ niệm ngày cha Pio qua đời.
Ngày 23-9-1969, Đức Cha Cunial, Tổng Giám Mục Manfredonia cho phép dòng Capucino hèn mọn mở cuộc điều tra liên quan tới vị tôi tớ Chúa.
Tiến trình án phong chân phước được khởi sự ngày 20-3-1983.
Trong dịp hành hương San Giovanni Rotondo ngày 25-5-1987, Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu cha Piô với thế giới như là mẫu gương của linh mục. Từ đó trở đi tín hữu đến hành hương đông một cách ngoại thường. Người ta phổ biến sách báo viết về cha Pio, lấy tên cha Pio đặt cho các đài kỷ niệm và đường phố, hay trường học hoặc nhà thương. Năm 1990, kết thúc các tìm hiểu cuộc đời cha Pio.
Năm 1997, các cố vấn của Bộ Phong Thánh đồng thanh chấp nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa. Và sau khi có phép lạ được thừa nhận, ngày 2-5-1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã phong chân phước cho cha Pio, trong thánh lễ trọng thể cử hành tại thềm đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của gần 400.000 tín hữu.
Vào năm 2001, ủy ban bác sĩ thừa nhận phép lạ khỏi bệnh tức khắc của em Matteo Coltella, bị sưng màng óc cấp tính là hiện tượng không thể giải thích được trên bình diện khoa học.
Năm sau đó, Giáo Hội thừa nhận đó là phép lạ và ngày 16-6-2002, Đức Gioan Phaolo II đã chủ sự lễ phong hiển thánh cho cha Pio. Hai năm sau đó đền thánh mới được khánh thành tại San Giovanni Rotondo.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
September 24, 2015
Ngày 26 tháng 9
Thánh Cosma Và Ðamianô Tử Ðạo
Thánh Cosma và Ðamianô là hai anh em sinh đôi vào khoảng thế kỷ III trong miền Egée thuộc Ả Rập. Hai anh em mồ côi cha từ thuở nhỏ, nhưng được người mẹ thật đạo đức giáo hóa. Lớn lên, cả hai đều theo học y khoa và trở nên những lương y tài giỏi, phương pháp của các ngài là vừa chữa trị vừa cầu nguyện. Mặc dù ngày đêm tận tình giúp đỡ các bệnh nhân, nhưng không bao giờ các ngài đã nhận một món tiền thù lao, vì thế danh tiếng và đạo đức các ngài đồn thổi khắp nơi.
Thời đó cũng là lúc hoàng đế Ðiôclêtianô và Maximianô đang bách hại Giáo Hội, nên các ngài bị bắt và dẫn đến trước mặt quan Lydia. Các ngài đã không sợ sệt nhưng còn hiên ngang xưng mình là Kitô hữu. Lydia truyền đánh đòn các ngài rồi xích tay chân và quăng xuống biển, nhưng Chúa đã cứu sống các ngài. Tức giận, quan liền truyền đốt một đống lửa lớn và đẩy hai vị vào, nhưng lạ thay hai thánh vẫn bình tĩnh vừa đi dạo vừa cầu nguyện giữa đống lửa đang bừng bừng cháy. Chứng kiến phép lạ tỏ tường ấy, nhiều người đã được ơn trở lại.
Sau cùng, Lydia ra lệnh cho quân lính đem hai ngài đi chém đầu, nhưng trước khi can đảm lãnh nhận cái chết, hai ngài đã ngước mắt cầu xin Chúa tha tội cho những kẻ đã hành hạ mình. Hôm ấy là ngày 26/9/297.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 27 tháng 9
Thánh Vinh Sơn Ðệ Phaolô, Linh Mục Lập Dòng (1581-1660)
Vinh Sơn đệ Phaolô sinh tại Puoy miền Aquitaine khoảng năm 1581. Ngay từ nhỏ, ngài đã tỏ ra có một lòng bác ái cao cả đối với người nghèo khó. Ngài chịu chức linh mục năm 1600. Ít lâu sau, ngài lọt vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ và bị giam giữ tại Phi Châu nhưng được cứu ra và trở về Pháp. Ngài nhiệt thành với các linh hồn và được nhiều người tín nhiệm. Khoảng năm 40 tuổi, ngài làm Bề Trên dòng Thăm Viếng và chu toàn bổn phận với sự khôn ngoan phi thường.
Mặc dù đã cao niên, ngài vẫn không ngừng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, nhất là cho kẻ quê mùa. Vì thế ngài được mệnh danh là vị tông đồ của giới lao động. Năm 1633, ngài lập hội các linh mục triều để tiếp tục các công việc của ngài. Ngài cố lập nhiều tu hội khác nhằm an ủi kẻ đau khổ và giáo dục các thiếu nữ. Vì quá tận tụy trong chức vụ và vì tuổi già sức yếu, ngài đã an nghỉ trong Chúa năm 1660.
Do những phép lạ ngài làm, năm 1738, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XII đã nâng ngài lên bậc Hiển Thánh và Ðức Lêô XIII đã tôn ngài làm bổn mạng các hội từ thiện Công Giáo.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 28 tháng 9
Thánh Venceslaô Tử Ðạo (907-929)
Thánh Venceslaô công tước xứ Bôhême chào đời khoảng năm 907. Thân sinh ngài, ông Wratislas, làm quan trấn miền Bôhême, Tiệp Khắc. Mẹ ngài là một người ngoại giáo Draghomire. Năm 920, thân phụ ngài từ trần, ngài phải sống với bà nội Ludmilla, một người đàn bà rất thánh thiện. Chính bà đã hun đúc cho Veceslaô thành một người đạo đức. Nhưng mẹ ngài lại theo bè rối và vì ganh tị đã giết bà nội ngài và bắt ngài phải sống xa các người Công Giáo. Dù vậy Chúa không hề bỏ rơi ngài.
Trước ách thống trị của em út ngài là Bôleslas và mẹ ngài, dân thành Prague đã đứng lên hạ bệ chế độ cũ vì những tội ác họ đã làm. Chính họ đã bầu Veceslaô lên thay vào năm 925. Trong một buổi đại hội, trước mặt các lãnh chúa bè rối, ngài công khai bênh vực quyền tự do tín ngưỡng. Ngài hợp tác chặt chẽ với các linh mục để bảo vệ đức tin và bênh kẻ nghèo cũng như người bị áp bức. Ngài dùng đức tin để trị dân, lo lắng giúp đỡ hết mọi người, dâng cúng những của cải để mở mang những cơ sở Công Giáo. Còn riêng ngài thì sống rất bình dị. Trong suốt mùa chay, ngài chỉ dùng bánh khô và nước lã.
Chính nhân đức của ngài là những gai nhọn đâm vào mắt kẻ bất lương. Vì thế quận công Bôleslas lại âm mưu giết ngài, đang lúc ngài cầu nguyện trong nhà thờ khoảng năm 929.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 29 tháng 9
Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Raphae, Gabrie
Micae tiếng Hy Bá có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”. Thánh Micae đã chống lại thần dữ để bênh vực quyền tối cao của Thiên Chúa. Giáo Hội nhận thánh Micae như Ðấng bảo trợ và tin rằng ngài vẫn dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên ngai tòa Chúa. Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cũng đã hiện ra với nhiều người, đặc biệt năm 708, ngài hiện ra với Ðức Giám Mục thành Arranche và Ðức Giám Mục đã xây một thánh đường nguy nga để kính dâng Ðức Micae tại Mont Saint Michel.
Raphae có nghĩa là “Thầy thuốc của Thiên Chúa”. Chúng ta biết danh hiệu của Tổng Lãnh Thiên Thần này qua những trang sách Tôbia. Chính ngài đã được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ gia đình ông trong cơn hoạn nạn. Ngài đã giúp ông đòi được nợ, chữa ông khỏi mù và lo cho con ông được yên bề gia thất.
Gabrie có nghĩa là “Uy lực của Thiên Chúa” cũng còn gọi là “Sứ Thần truyền tin”. Ngài luôn can thiệp vào những sứ mạng liên quan đến việc cứu rỗi loài người. Chính ngài đã báo cho tiên tri Ðaniel thời đại xuất hiện của Ðấng Cứu Thế và là sứ giả được phái đến cùng với Trinh Nữ Maria để loan báo ý định của Thiên Chúa, và cũng chính là người đã nhiều lần hiện ra với thánh Giuse.
Chúng ta cũng một lòng hiệp cùng Ðức Micae để luôn bảo vệ Giáo Hội, hiệp ý với Ðức Gabrie mỗi khi đọc kinh “Kính Mừng” để tỏ lòng sùng kính Ðức Mẹ, và xin cùng Ðức thánh Raphae thương chữa bệnh phần xác và ban ơn cứu rỗi phần hồn cho chúng ta.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 30 tháng 9
Thánh Hiêronimô, Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (340-420)
Thánh Hiêronimô sinh năm 340 tại Stridon miền Dalmatie thuộc Nam Tư. Ngài sang Rôma học và chịu phép Rửa Tội tại đây.
Học xong chương trình, cụ thân sinh bắt ngài về làm việc cho triều đình tại Trêve, nhưng ngài tìm cách từ chối. Vì lòng mộ đạo, ngài đã rảo khắp Palestina và sau cùng ẩn mình trong sa mạc ở Syrie, chuyên nghiên cứu Thánh Kinh và chiêm ngắm phần phúc Thiên Ðàng.
Sau khi rời sa mạc, ngài thụ phong linh mục tại Antiokia. Năm 382, ngài cùng Ðức Giám Mục Paulinô sang dự công đồng. Tại đây, ngài được nhiều người ái mộ. Ðức Giáo Hoàng Amasô đã chọn ngài làm bí thư và trao cho ngài việc nghiên cứu, phiên dịch Thánh Kinh sang La ngữ. Ngài không những thông thạo tiếng La Tinh, hy Lạp mà còn cả tiếng Do Thái và Chaldée nữa. Ngài sửa chữa các bản dịch theo nguyên bản Hy Lạp. Bản dịch La ngữ này vẫn còn dùng trong phụng vụ Giáo Hội. Ðó là bản Vulgata.
Ngài mạnh dạn đả phá những thái độ quá khích, những quan niệm sai lầm của một số tu sĩ. Ngài chủ trương đề cao đức trinh khiết và lấy Thánh Kinh làm nền tảng cho đời sống tu đức. Dù thành công nhiều, nhưng ngài cũng bị một số ganh ghét. Năm 385, sau khi Ðức Giáo Hoàng Ðamasô qua đời, ngài trở lại Palestina và sống quãng đời còn lại tại Bêlem. Năm 393, ngài phải đương đầu với một thầy dòng Giovêmê về vấn đề trinh khiết, đồng thời ngài cũng tranh luận với ông Origène qua những vụ án sai lầm về tín lý, về tinh thần Phúc Âm.
Khoảng năm 420, quân Hung nô xâm chiếm Palestina, phá hủy nhà dòng của ngài tại Bêlem và ngài đã chết tại đây. Xác ngài được đem về Rôma và được đặt trong đại giáo đường Ðức Bà Cả.
Ðức Bonifaciô VII suy tôn ngài lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt Vietnamese Missionaries in Asia